Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:18:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến dài ngày giữa nước Mỹ và Việt Nam 1950 - 1975 (George C. Herring)  (Đọc 88465 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #70 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 08:58:27 pm »

Mỹ cũng đổ hàng triệu USD viện trợ cho nền kinh tế Nam Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1960, phần lớn trong số đó thông qua chương trình nhập khẩu thương mại. Một quan chức Mỹ đầu óc mang đầy tính đố kỵ đã mô tả chương trình nhập khẩu thương mại này là "một phát minh lớn nhất sau khi phát minh ra bánh xe", nó được thiết kế để khắc phục tình trạng thâm hụt ngoại tệ trầm trọng của Nam Việt Nam trong khi vẫn tránh được nạn lạm phát phi mã do đổ một khối lượng lớn hàng hoá tiêu dùng vào một nền kinh tế quá yếu kém (1). Các nhà nhập khẩu Việt Nam nhập từ các hãng xuất khẩu nước ngoài nhiều loại hàng hoá từ thực phẩm cho tới ôtô, với những hoá đơn do Washington thanh toán. Các nhà nhập khẩu thanh toán bằng tiền Việt Nam, rồi sau đó những khoản tiền này chảy vào một "ngân quỹ tương ứng" do ngân hàng quốc gia Việt Nam quản lý và được chính quyền Diệm sử dụng để trang trải chi phí hoạt động và cung cấp tài chính cho các dự án phát triển. Từ năm 1955 đến năm 1959, chương trình nhập khẩu thương mại đã lên tới gần 1 tỷ USD. Hơn nữa, trong thời gian này Mỹ cũng viện trợ kinh tế trực tiếp hơn 120 triệu USD và viện trợ kỹ thuật hơn 16 triệu USD cho chính quyền Nam Việt Nam.

Chương trình viện trợ của Mỹ đã mang lại những kết quả đáng kể. Chương trình nhập khẩu thương mại giải quyết dược tình trạng thâm hụt ngoại tệ của Nam Việt Nam và chặn đứng được nạn lạm phát do nhập khẩu một số lượng lớn hàng
---------------------------------------
(1) ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Hiện trạng tại Việt Nam, Điều trần, năm 1959,Washington. D.C., 1959, tr. 203.
---------------------------------------
hoá tiêu dùng. Đồng tiền và kỹ thuật của Mỹ đã giúp khắc phục những những thiệt hại to lớn do hơn một thập kỷ chiến tranh gây nên, xây dựng lại các xa lộ, hệ thống đường sắt, kênh rạch và làm tăng năng suất nông nghiệp chút đỉnh. Các chuyên gia tới từ các trường đại học nông nghiệp Mỹ thúc đẩy phát triển các loại hoa màu mới và tạo những điều kiện thuận lợi về tín dụng cho các điền chủ nhỏ. Các nhà giáo dục Mỹ giám sát việc thành lập các trường học và cung cấp sách giáo khoa. Chuyên gia y tế cung cấp thuốc men và dụng cụ y tế đồng thời giúp đào tạo y tá và nhân viên y tế không chuyên. Một nhóm chuyên gia quản trị hành chính công tới từ trường đại học Michigan huấn luyện cho các viên chức Việt Nam những kỹ năng từ đánh máy cho tới quản lý nhân sự, và thậm chí còn lập trường đào tạo cảnh sát để huấn luyện cái mà người ta quảng cáo là "những người hoàn hảo nhất của Việt Nam" (1).

Viện trợ của Mỹ đã giúp cho Nam Việt Nam tồn tại được trong những năm đầu tiên đầy gian khó, và đến cuối thập kỷ 50 một quốc gia mới đã dường như đang trên đà phát triển. Theo nhận xét của một du khách thì "tại Sài Gòn, các cửa hiệu và chợ búa tràn ngập hàng hoá tiêu dùng; đường phố đầy rẫy xe máy đời mới và ô tô đắt tiền; và ở khu cư trú của những người có thu nhập cao, nhiều toà nhà mới lộng lẫy đang mọc lên"(2). Sau khi tiến hành điều
------------------------------
(1) Các hoạt động của Phái bộ Mỹ, Xây dựng Sức mạnh kinh tế (Washington, D.C., 1958), tr.75.
(2) Milton C. Taylor, "Nam Việt Nam: Viện trợ hào phóng, những tiến bộ còn hạn chế", Tạp chí Các vấn đề Thái Bình Dương, số 34 (năm 1961), tr.242.

---------------------------------
tra về việc sử dụng viện trợ kinh tế của Mỹ, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Gale McGee của bang Wyoming đã đề nghị rằng cần biến Nam Việt Nam thành một "phòng trưng bày" của chương trình viện trợ nước ngoài, một nơi mà dân chúng các nước khác có thể tới xem tận mắt "toàn bộ hiệu quả của những nỗ lực của Mỹ giúp các dân tộc khác tự phát triển" (1).

Tuy nhiên, một lần nữa cái vẻ bề ngoài lại lừa dối chúng ta, bởi vì nhiều lắm thì chương trình viện trợ của Mỹ chỉ đem lại những kết quả hỗn tạp. Chắc chắn người nhận viện trợ biết ơn tấm lòng hào phóng của Mỹ, nhưng họ không thể không có nghi ngờ. Một người Mỹ nhận xét: "Sau 80 năm bị người Pháp bóc lột tàn nhẫn, nhiều người Việt Nam lại không hiểu vì sao bỗng nhiên mà Mỹ lại chi quá nhiều tiền ở Việt Nam đến vậy"(2). Quan trọng hơn dù viện trợ của Mỹ có ngăn chặn được sự suy sụp kinh tế và duy trì được mức sống cao tại Sài Gòn, nhưng nó cũng chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hoặc để cải thiện điều kiện sống ở các vùng nông thôn, nơi có hơn 90% dân số Nam Việt Nam đang sinh sống. Từ năm 1955 đến năm 1959, viện trợ quân sự gấp 4 lần viện trợ kinh tế và viện trợ kỹ thuật cộng lại, và trong số gần 1 tỷ USD trong "ngân quỹ tương ứng", có hơn 78% dành cho mục đích quân sự. Chính vì cả các quan chức Việt Nam lẫn Mỹ đều quá bận tâm về vấn đề "an ninh" nên những người
----------------------------
(1) Thượng viện, Điều trần, 1959, tr.369.  (2) Thượng viện Mỹ, Uỷ ban Đối ngoại, Báo cáo về chương trình viện trợ của Mỹ tại Việt Nam, ngày 26-2-1960 (Washington, D.C., 1960), tr.8.
----------------------------
quan tâm đến các dự án khác thấy phải dùng lý do quốc phòng để biện minh cho các dự án đó. Cả Sài Gòn và Washington đều nhấn mạnh rằng một khi vẫn tiếp tục hiện diện những mối đe dọa nghiêm trọng từ bên trong lẫn bên ngoài thì họ không có lựa chọn nào khác; nhưng việc quá chú trọng vào viện trợ quân sự đã dẫn đến số tiền viện trợ cho phát triển kinh tế dài hạn chẳng còn bao nhiêu. Năm 1960, một uỷ ban của thượng viện Mỹ đã chỉ ra rằng, chương trình viện trợ quân sự "chỉ là một bộ phận nhưng lại điều khiển được tổng thể" (1).

Nhưng chương trình nhập khẩu thương mại cũng hàm chứa nhiều điểm yếu. Chương trình này là một sự lãnh phí to lớn vì các nhà nhập khẩu thường xuyên nhập khối lượng hàng nhiều hơn mức tiêu thụ và nó cũng tạo nên vô số cơ hội để thu lợi mau chóng. Tuy nhiên, điểm yếu nghiêm trọng nhất của chương trình lại nằm ở chỗ nó tài trợ cho một mức sống giả tạo cao trong khi đóng góp quá ít ỏi cho sự phát triển. Đến tận năm 1957, khoảng 2/3 hàng nhập khẩu vẫn là hàng tiêu dùng và phần lớn tiền của đổ vào tiêu dùng chứ không đổ vào công nghiệp hay nông nghiệp.

Diệm ngoan cố chống lại ý định giảm tỷ lệ hàng tiêu dùng của Mỹ với lý lẽ việc giảm mức sống sẽ tạo nên bất ổn trong nước. Mỹ cũng có một số điều chỉnh, qua việc giảm bớt những thứ hàng xa xỉ như dàn âm thanh Hi-Fi, dụng cụ lướt ván và giảm số hàng tiêu dùng xuống còn 1/3 tổng số
--------------------------
(1) Thượng viện Mỹ, Uỷ ban Đối ngoại, Báo cáo về Chương trình viện trợ của Mỹ tại Việt Nam, ngày 26-2-1960, Washinglon. D.C., năm 1960, tr.8.
--------------------------
hàng nhập, nhưng hiệu quả thu được vẫn không đáng kể.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #71 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 08:59:14 pm »

Năm 1963, Robert Scigliano kết luận rằng, chương trình nhập khẩu thương mại thực ra là "một dự án cứu tế quy mô lớn nhưng không có tác dụng đem lại sự phát triển kinh tế đáng kể tại Việt Nam" (1).

Dù chỉ chi tiêu một tỷ lệ nhỏ số tiền được viện trợ vào công cuộc phát triển, nhưng Mỹ và Nam Việt Nam vẫn thường xuyên bất hoà. Mỹ nhấn mạnh rằng phát triển công nghiệp phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân, và cho đến những năm 1960, Mỹ vẫn không chịu cấp vốn cho các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Diệm và thuộc hạ cùng chung một thái độ miệt thị của tầng lớp quan lại đối với giới thương nhân và cùng quan điểm với những người theo chủ nghĩa dân tộc không tin vào tư bản nước ngoài. Họ lên án thái độ của Mỹ là "cổ lỗ lạc hậu" rồi khăng khăng đòi phải để cho chính phủ sở hữu các ngành quan trọng, ít nhất là vào lúc đầu. Kết quả là một sự bế tắc cay đắng ngăn cản mọi chương trình phát triển công nghiệp có tính xây dựng.

Viện trợ ồ ạt của Mỹ đã duy trì được sự sống cho nền kinh tế Nam Việt Nam, nhưng lại nuôi dưỡng tính phụ thuộc chứ không tạo ra cơ sở cho một quốc gia độc lập thực sự. Sản lượng lúa gạo tăng gấp đôi trong giai đoạn 1955-1960, nhưng sự tăng trưởng chủ yếu do tiêu dùng trong nước tăng lên, trong khi năng suất công nghiệp lại chẳng giành được sự tăng trưởng đáng kể nào. Nam Việt Nam dựa vào nhập khẩu ở mức độ cao để duy trì mức sống
--------------------------
(1) Robert Scigliano: Nam Việt Nam: Một quốc gia bị dồn nén, Boston, năm 1964, tr.125.
---------------------------
và dựa vào đồng USD của Mỹ để thanh toán cho những khoản tiêu dùng này. Cả hai bên đều biết nếu Mỹ giảm hoặc ngừng viện trợ thì sẽ dẫn đến sự suy sụp về kinh tế và chính trị ở Nam Việt Nam. Năm 1961, Milton Taylor đã viết: Nền kinh tế Việt Nam là "một mô hình mà thu nhập quốc dân phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài chẳng khác khi còn là thuộc địa của Pháp... Viện trợ của Mỹ chỉ xây dựng được một lâu đài trên cát" (1).

Tuy nhiên, chính trị chính là vấn đề cơ bản trong xây dựng quốc gia, đó là việc giúp Việt Nam xây dựng một nền dân chủ kiểu Mỹ. Các cố vấn Mỹ đã giúp thảo ra một bản Hiến pháp, trong đó có nhiều dấu hiệu của các nền dân chủ phương Tây như tổng thống và cơ quan lập pháp do dân bầu và những đảm bảo về các quyền chính trị cơ bản.

Trong thực tế, Mỹ rất ít chú ý đến các vấn đề chính trị và mặc dù những khoản viện trợ của họ là to lớn nhưng ảnh hưởng mà nó mang lại không lớn. Một số người Mỹ ngây thơ cho rằng, Diệm cùng chung những chuẩn mực chính trị của họ; một số khác lại quá bận tâm với vấn đề an ninh mà lúc đó dường như là cấp bách nhất. Đa số người Mỹ chung quan điểm với ngoại trưởng Dulles cho rằng, đối với Diệm "chỉ cần có hiệu lực, chống cộng và mạnh mẽ" là đủ, và tuy chính phủ theo chính thể đại nghị là một mục tiêu mong muốn dài hạn nhưng không thể thực hiện nó một sớm một chiều (2). Dù vì lý do gì chăng nữa, chính phủ Mỹ
------------------------------
(1) Taylor, "Nam Việt Nam", tr.256.
(2) Họp báo của Dulles, ngày 7-5-1955, Văn kiện Dulles, Princeton, N.J., Hộp 99, Frederick Reinhardt phỏng vấn, đã dẫn.

----------------------------
và phái bộ của nước này ở Sài Gòn cũng đã làm được rất ít để thúc đẩy dân chủ, hoặc cải tổ chính trị cho đến khi phong trào cách mạng bùng lên trên toàn miền Nam Việt Nam.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #72 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 08:59:53 pm »

Dù sao đi nữa, Diệm cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đối với Diệm, nền dân chủ là thứ xa lạ với tính cách của ông ta cũng như những gì Diệm đã trải qua. Do ông ta có một triết lý chính trị riêng, đó là một khái niệm mơ hồ về "chủ nghĩa cá nhân", một thứ pha trộn tư tưởng Đông-tây mà Diệm và Nhu sử dụng để hợp lý hoá cho thứ quyền lực tuyệt đối của nhà nước, cho việc không tin vào chế độ cai trị của quần chúng và cho niềm tin rằng một nhóm nhỏ giới tinh hoa có trách nhiệm định đoạt phúc lợi chung của xã hội. Thần tượng của Diệm là vua Minh Mạng, một nhà cải cách thế kỷ XIX đã tạo nên một tập hợp quan lại để ủng hộ các chỉ dụ của ông. Triết lý cai trị của Diệm được thể hiện súc tích qua một dòng mà chính ông ta bổ sung vào hiến pháp: "Tổng thống được trao quyền lãnh đạo quốc gia". Diệm cho những những nguyên tắc của mình là một điều thiện cho tất cả và tin chắc rằng dân chúng phải được dìu dắt dưới bàn tay che chở của những người biết cái gì là tốt nhất cho họ. Như Bemard Fall đã viết, Diệm là một người rất đa nghi, nên ông ta tin rằng "không có chỗ cho sự thỏa hiệp và nhất thiết mọi sự chống đối đều mang tính lật đổ và phải trấn áp nó mới mọi sức lực mà chế độ có thể có" (1).

---------------------------
(1) Bemard Fall, Hai nước Việt Nam: Một phân tích về chính trị và quân sự (New York, 1967), tr.237.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 09:01:04 pm »

Để làm vừa lòng các cố vấn Mỹ, thỉnh thoảng Diệm cũng nói đến dân chủ, nhưng trong thực tế, ông ta nắm quyền lực tuyệt đối. Đích thân Diệm khống chế ngành hành pháp trong chính phủ, giành cho cá nhân mình và các anh em ruột mọi quyền quyết định, 3 trong số này được bổ nhiệm vào một nội các chỉ có 6 người. Không thể hoặc không muốn giao quyền, Diệm đã giám sát hoạt động của toàn bộ chính phủ tới những chi tiết nhỏ nhất. Các thành viên nội các hoặc các viên chức cấp cao nào tỏ ý phản đối sẽ nhanh chóng bị đẩy đi làm đại sứ ở nước ngoài, hoặc chịu những hình phạt tồi tệ hơn. Ngành hành pháp át chế hoàn toàn ngành lập pháp, tuy cơ quan này được xây dựng qua những tiến trình bầu cử được vận hành thận trọng.

Trong những năm đầu tiên, quốc hội chẳng tự đưa ra được điều gì quan trọng và chỉ biết ngoan ngoãn thông qua mọi thứ do tổng thống đệ trình lên.

Chính phủ Diệm có lẽ vẫn tồn tại nếu như đã theo đuổi những chính sách đúng đắn, nhưng việc chính phủ này không quan tâm đến nhu cầu của dân chúng, đàn áp tàn bạo những người bất đồng ý kiến đã khơi dậy một tâm trạng bất mãn mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ này. Chính sách của Diệm đối với các làng xã - xưa nay vẫn là xương sống của xã hội Việt Nam - thể hiện sự thiếu quan tâm và gần như là vô trách nhiệm đến nhẫn tâm. Lansdale thuyết phục Tổng thống Diệm thực hiện chương trình Công dân vụ (Civil Action Program) để tăng cường giúp đỡ các làng xã, nhưng Diệm hầu như không quan tâm đến chương trình này, và, như sau này Lansdale tường trình, "nó đã thất bại" (1). Do Mỹ tiếp tục đề nghị, chính quyền Diệm đã thực hiện một chương trình cải cách điền địa, nhưng rồi cũng chỉ được thực hiện một cách miễn cưỡng và không làm được gì nhiều để đáp ứng được lòng khát khao ruộng đất đang dâng cao của nông dân Nam Việt Nam.

"Cải cách" quan trọng duy nhất mà chính quyền Diệm thực hiện trong những năm 50 đã làm bùng lên sự căm phẫn trong các làng xã. Hành động sai lầm là Diệm đã huỷ bỏ các cuộc bầu cử địa phương truyền thống và bắt đầu bổ nhiệm quan chức ở cấp tỉnh và xã, nhằm tập trung hoá quyền lực và làm giảm ảnh hưởng của Việt Minh ở nông thôn. Dân làng từ nhiều thế kỷ nay được hưởng quyền tự quản và nay phải tiếp đón những kẻ ngoại quốc, theo Frances FitzGerald, "cứ như là họ phải đón tiếp các thống đốc từ nước đi chinh phục" (2). Nỗi lo sợ vì sự có mặt của những kẻ ngoại lai thường bị tăng lên do những hành động của bọn chúng. Nhiều quan chức được Diệm chọn vì lòng trung thành cá nhân và phần lớn trong số đó ít được đào tạo về nghiệp vụ. Một số sử dụng địa vị của mình để làm giầu cá nhân; một số tỉnh trưởng còn bắt bớ những người có chút của cải với những tội lỗi bịa đặt và buộc họ phải hối lộ để được thả về.

Cuộc khủng bố tàn khốc của Diệm chống lại các đối thủ chính trị đã gây ra ngày càng nhiều bất mãn ở thành phố cũng như ở nông thôn. Các báo chí phê phán chính
-------------------------
(1) Lansdale, ở giữa các cuộc chiến, tr.212.
(2) FitzGerald, Lửa trong lòng hồ, tr.154.

-----------------------
phủ lập tức bị đóng cửa. Sở nghiên cứu chính trị dưới sự chỉ đạo của Nhu đã khủng bố dã man những người bị tình nghi có hành vi lật đổ. Sử dụng quyền hạn được tổng thống giao phó qua nhiều sắc lệnh, chính phủ Nam Việt Nam đã dồn hàng ngàn người Việt Nam - cả cộng sản lẫn phi cộng sản - vào các "Trung tâm Cải huấn". Họ bị buộc tội vô cớ là đe dọa trật tự công cộng. Chương trình cải huấn lúc đầu nhằm vào lực lượng Việt Minh "nằm vùng" nhưng đã mở rộng tới tất cả những người dám lên tiếng chống đối chính quyền Diệm. Chế độ Diệm đã thừa nhận đến năm 1956 đã bỏ tù 20.000 người và chiến dịch này sau đó càng được đẩy mạnh. Năm 1960, một báo cáo tình báo Mỹ đã kết luận rằng, chính quyền Diệm "có xu hướng nghi ngờ và cưỡng ép dân chúng để rồi phải chuốc lấy thái độ ghẻ lạnh và oán hận của họ" (1).

ở Mỹ, Diệm vẫn là một hình ảnh được sủng ái chỉ cho đến khi Nam Việt Nam bị nhấn chìm trong phong trào cách mạng vào đầu những năm 1960. Cho đến tận cuối thập kỷ đó, ngay cả những người Mỹ thân cận với chính quyền Diệm cũng không biết mức độ mà Diệm đã làm cho dân chúng xa lánh. Hơn nữa, dưới con mắt của người Mỹ, lập trường chống cộng mạnh mẽ của Diệm đã bù đắp những nhược điểm của ông ta. Những nhà biện hộ như Wesley Fishel, giáo sư đại học Michigan, thừa nhận: "Diệm đã dùng các biện pháp chuyên chế", nhưng lại lý giải rằng: "Do Việt Nam thiếu kinh nghiệm về dân chủ
------------------------
(1) "Báo cáo đặc biệt về tình hình an ninh Sài Gòn", ngày 7-3-1960, USVN, Quyển 10, tr.1267-1280.
----------------------
cùng với mối đe dọa từ nội bộ do chủ nghĩa cộng sản gây ra, nên ông ta không còn lựa chọn nào khác". Giới truyền thông Mỹ thì tập trung nói về tình hình ổn định ở Việt Nam nhờ sự lãnh đạo của "một con người bé nhỏ, cứng rắn và phi thường". Khi Diệm đi thăm Mỹ năm 1957, ông ta được tiếp đón và hoan nghênh đặc biệt ở nhiều nơi.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #74 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 09:01:45 pm »

Hình ảnh này vẫn còn lưu lại, thậm chí sau cả khi cuộc nổi dậy đã lan rộng khắp Nam Việt Nam. Năm 1959, phóng viên báo Newsweek Emest Lindley phải thốt lên rằng: "Với bảng thành tích của mình, Diệm phải được xếp vào một trong lãnh tụ tài ba nhất của châu á tự do. Chúng ta (tức người Mỹ) có thể tự hào về sự chi viện của mình" (1).

Đúng vào lúc người Mỹ tán dương những điều "thần kỳ" do Diệm tạo nên thì phong trào cách mạng, mà cuối cùng cuốn ông ta khỏi chiếc ghế quyền lực và buộc Mỹ phải can thiệp ồ ạt, đang bám rễ sâu hơn. Sau này chính phủ Mỹ đã dùng nhiều lập luận để chứng minh rằng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai là kết quả của "hành động xâm lược miền Bắc", rằng quyết tâm của Bắc Việt Nam muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên "nước láng giềng" phía Nam. Nhưng nhiều nhà phê bình chính sách Mỹ lại quả quyết rằng, cuộc cách mạng đó đã bắt nguồn từ bên trong, chủ yếu là để đối phó với hành động đàn áp của Diệm rồi sau đó đã phát triển lên mà không có sự hỗ trợ quan trọng của miền Bắc. Tuy còn nhiều điều chưa rõ về nguồn gốc của cuộc chiến, nhưng bản đánh giá có sức
--------------------
(1) Emest K. Lindley, "Một đồng minh đáng giá", Newsweek (ngày 29-6-1959), tr.31.
--------------------
thuyết phục nhất của William Duiker kết luận rằng, phong trào đồng khởi này là một "cuộc khởi nghĩa chân chính ở miền Nam nhưng được tổ chức và chỉ đạo từ miền Bắc" (1).

Trong những năm sau hiệp định Geneva, Bắc Việt Nam rất thận trọng trong vấn đề thống nhất đất nước. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều dường như không ủng hộ một phương sách gây hấn. Dù sao chăng nữa, Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông cũng vấp phải nhiều khó khăn to lớn trong công cuộc tái thiết và xây dựng quốc gia sau chiến tranh. Cải cách ruộng đất đã được Hà Nội tiến hành, song những báo cáo về "cuộc tắm máu", trong đó khoảng 500.000 người bị hành hình khi thực hiện chương trình này, là thực sự cường điệu (2)...

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử đảng cộng sản thì hậu quả là "một thời kỳ đen tối nhất" đối với cách mạng miền Nam. Các cuộc tuyển cử không được tổ chức và cũng không có sự khoan hồng như đã hứa hẹn trong hiệp định Geneva. Quan trọng hơn, Diệm rốt cuộc trở thành mối đe dọa lớn hơn dự kiến của các đối thủ. Các chiến dịch chống cộng của ông ta cực kỳ tàn bạo, đến năm 1957, số lượng đảng viên cộng sản ở Nam Việt Nam đã giảm sút đáng kể.

Trước nguy cơ tan vỡ, cán bộ lãnh đạo ở các địa phương bắt đầu tự vệ nhằm bảo tồn lực lượng.

Từ năm 1957 đến năm 1959, Hà Nội chỉ đạo và tham gia tích cực hơn phong trào cách mạng đang phát triển ở
-----------------------------
(1) William J. Duiker, Con đường nắm quyền của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam, Boulder, Colo., năm 1981, tr.198.  (2) Edwin E. Moise, Cải cách Ruộng đất tại Trung Quốc và Bắc Việt Nam, Chaper Hill, N.C., năm 1983, tr.178-268.
-----------------------------
miền Nam. Mặc dù vậy trong thời gian này, Hà Nội vẫn tiếp tục ưu tiên củng cố cách mạng ở miền Bắc, nhưng cho phép phong trào cách mạng ở miền Nam sử dụng vũ lực để bảo tồn lực lượng. Tháng 3-1957, Hà Nội thông qua kế hoạch hiện đại hoá quân đội. Năm 1959 là năm có nhiều quyết định quan trọng. Nhận thấy lực lượng cách mạng ở miền Nam Việt Nam đang ở tình trạng gay go và sự đàn áp của Diệm đã tạo nên một bầu không khí thuận lợi cho cuộc cách mạng, vào mùa xuân năm 1959, Hà Nội đã cho phép tiếp tục đấu tranh vũ trang và thực hiện những biện pháp tích cực để chi viện cho cách mạng miền Nam. Với khẩu hiệu "bí mật tuyệt đối, an toàn tuyệt đối", một lực lượng đặc biệt mang tên Đoàn 559 đã được thành lập, có nhiệm vụ xây dựng tuyến đường đưa người và hàng tiếp tế vào miền Nam Việt Nam qua Lào, và bắt đầu đưa lực lượng đã tập kết ra miền Bắc sau hiệp định Geneva trở về miền Nam giành lại thế chủ động. Tháng 9-1960, đại hội đảng lần thứ III đã chính thức phê chuẩn việc chuyển sang đấu tranh vũ trang, ưu tiên cho công cuộc giải phóng miền Nam ngang bằng với nhiệm vụ củng cố, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 12-1960, lực lượng cách mạng miền Nam đã thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam, một tổ chức có cơ sở quần chúng rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm tập hợp đông đảo lực lượng yêu nước chống Mỹ. Trong những bước đi này, dường như Bắc Việt Nam muốn che giấu sự tham gia của mình với hi vọng rằng có thể lật đổ Diệm bằng một cuộc cách mạng mang dáng dấp nội bộ mà không khiêu khích Mỹ can thiệp.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #75 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 09:02:20 pm »

Kết quả là phong trào cách mạng miền Nam đã phát triển mạnh mẽ. Năm 1958, ước tính có 700 quan chức trong chính quyền Diệm bị ám sát; năm 1960, con số này lên đến 2.500 người. Năm 1959, những trận đánh có quy mô lớn đã thay thế cho các trận đánh chớp nhoáng diễn ra ở các vùng nông thôn do chính quyền Diệm kiểm soát và đặt các đơn vị quân đội Nam Việt Nam vào thế bị nguy hiểm. Các mạng lưới tình báo và tuyên truyền sau hiệp định Geneva phải tạm nằm im thì nay tiếp tục hoạt động trở lại và nhiều cuộc vận động chính trị mạnh mẽ đã được phát động ở các làng mạc. Do những chính sách sai lầm của Diệm, mà cuộc đồng khởi này đã dễ dàng thu hút được quần chúng nhân dân - người nông dân lúc này giống như "một cây rơm sẵn sàng bốc cháy" (1). Vào lúc mà Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam được chính thức thành lập, Việt cộng (một ngôn từ mà chế độ Diệm dùng để ám chỉ những người cộng sản Việt Nam, với hàm ý miệt thị) đã thu hút được hàng ngàn nông dân và đã hiện diện ở khắp các vùng nông thôn Nam Việt Nam.

Sự đàn áp của chính quyền Diệm đối với phong trào cách mạng càng thổi bùng ngọn lửa căm thù của dân chúng với chính thể này. Diệm đẩy mạnh các chiến dịch chống cộng ở các vùng nông thôn và xiết chặt kiểm soát ở các thành phố, bắt bớ rất nhiều người mà họ gán cho cái mác bất mãn với chế độ. Năm 1959, Diệm thực hiện một chương trình có cái tên hẩm hiu là "Dinh điền" (agroville)
----------------------------
(1) Quốc hội Mỹ, Thượng viện, Văn kiện Lầo Năm góc (bản dành cho các Thượng nghị sĩ) (4 quyển), Boston, năm 1971, I, 329. Sau đây xin được dẫn là Văn kiện Lầu Năm góc (Gravel).
--------------------------
để đối phó với phong trào cách mạng đang dâng lên ở nông thôn, qua đó một lần nữa minh chứng rằng nông thôn miền Nam Việt Nam không nằm trong sự kiểm soát của ông ta. Mục đích của chương trình này là đưa dân vào định cư ở những vùng do quân đội quốc gia kiểm soát, tránh các hoạt động quân sự và tuyên truyền của Việt cộng và chính quyền Diệm đã tìm cách làm cho chương trình này trở nên hấp dẫn bằng cách xây dựng ở những khu tập trung mới này nhiều trường học, trạm xá và cả điện sinh hoạt. Nhưng người nông dân rất căm phẫn khi bị cưỡng ép rời bỏ nhà cửa ruộng vườn, mồ mả tổ tiên đến ở những nơi mà họ không muốn. Mỗi gia đình chỉ được nhận 5,5 USD, không đủ tiền mua mảnh đất cần thiết và bị buộc phải làm việc cho những công trình công cộng mà không được trả công.

Chương trình "Dinh điền" cuối cùng đã phải huỷ bỏ sau khi gây ra bao nỗi thống khổ cho người dân và càng làm tăng thêm lòng căm hờn của người dân với chính quyền Diệm.

Trong suốt năm 1960, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự yếu kém của chính quyền Diệm.

Phong trào cách mạng phát triển không thể kìm hãm nổi ở nông thôn, và các hoạt động vũ trang tăng mạnh.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #76 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 09:03:12 pm »

Tháng 1-1960, tại Trảng Súp, một xã ở phía Đông Bắc Sài Gòn, 4 đại đội quân Việt Cộng đã tiêu diệt một sở chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng hoà và thu nhiều vũ khí khiến cho binh lính của Diệm và các cố vấn Mỹ rơi vào tâm trạng kinh hoàng. Vào tháng 4, sự mất lòng dân của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn đã bộc lộ rõ rệt khi một nhóm chính trị gia phi cộng sản, trong đó có rất nhiều người đã từng phục vụ trong nội các của Diệm, tụ họp tại khách sạn Caravelle thông qua tuyên ngôn phản đối gay gắt hành động đàn áp của chính quyền Diệm, kêu gọi những cải cách sâu rộng. Đến tháng 11, Diệm chỉ chút nữa đã bị hạ bệ bởi một âm mưu đảo chính của 3 tiểu đoàn lính dù, những đơn vị vốn được xem như các lực lượng trung thành nhất của ông ta. Các báo cáo tình báo của Mỹ đã cảnh báo rằng, nếu xu hướng này còn tiếp tục thì gần như chắc chắn chế độ Diệm sẽ sụp đổ.

Do chậm nhận ra sức mạnh của phong trào cách mạng miền Nam và sự bất lực của chính quyền cũng như quân đội Nam Việt Nam, đến năm 1960 Mỹ mới chuyển trọng tâm các chương trình quân sự từ tác chiến đặc biệt sang chống nổi dậy. Các quan chức quân sự Mỹ ở Washington và Sài Gòn bắt đầu xây dựng một kế hoạch toàn diện để phát triển và tổ chức lại quân đội và lực lượng dân phòng, trang bị cũng như huấn luyện chúng về tác chiến chống quân du kích. Trong khi kế hoạch này đang hình thành, phái bộ Mỹ ở Sài Gòn đã thực hiện những bước đi nhỏ giúp chính quyền Nam Việt Nam.

Những chương trình huấn luyện hiện hành đều được định hướng lại. Các toán lực lượng đặc biệt của Mỹ được điều đến huấn luyện các tiểu đoàn biệt động, còn cố vấn quân sự Mỹ được bố trí ở cấp trung đoàn để góp ý ngay tại chỗ cũng đánh giá khả năng và nhu cầu của từng đơn vị. Tuy việc chuyển sang chống nổi dậy đã ngầm thừa nhận rằng chương trình cố vấn ban đầu đã thất bại, nhưng sự chuyển hướng này cũng không tạo ra được những thay đổi đáng kể. Nó chỉ làm cho viện trợ quân sự tăng lên và nảy sinh thêm nhiều đề nghị cho việc tổ chức lại bộ máy chính quyền (1).

Lúc này, nhiều quan chức dân sự đã tế nhị thuyết phục Diệm thay đổi phương sách nhưng họ đã không thành công. Nhiều quan chức Mỹ, trong đó có đại sứ Elbridge Durbrow, lo ngại rằng nếu Diệm không cải tổ nội các và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng thì lực lượng nổi dậy sẽ đè bẹp chính quyền Nam Việt Nam. Tháng 10, Durbrow được Washington cho phép nói thẳng vấn đề này với Diệm.

Ông ta khéo léo yêu cầu tổng thống Diệm mở rộng chính quyền bằng cách bổ nhiệm một nội các mới, nới lỏng chế độ kiểm soát đối với báo chí và quyền tự do của nhân dân, đồng thời cố gắng tranh thủ dân ở vùng nông thôn bằng cách phục hồi các cuộc bầu cử hương xã và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân nghèo dễ vay tiền hơn. Diệm trả lời nước đôi rằng, những đề nghị này cũng phù hợp với quan điểm của ông ta, nhưng cái "khó nhất" là thực hiện chúng trong lúc chính quyền đang vấp phải sự chống đối từ bên trong (2). Vài tuần sau, Diệm xiết chặt chế độ kiểm soát bằng việc đặt quân đội vào tình trạng khẩn cấp và bắt giữ các nhà chính trị đã ra tuyên bố Caravelle.

Cuối năm đó, những người Mỹ ở Sài Gòn vô cùng kinh hoàng trước cuộc khủng hoảng và rất lúng túng trong việc khắc phục. Durbrow báo nguy cho Washington rằng, chính quyền Sài Gòn đang "lâm nguy trầm trọng" và cần có hành động "nhanh, thậm chí mạnh mẽ" để cứu nó. Về vấn đề
--------------------------
(1) Spector, Cố vấn và Viện trợ, tr.372.
(2) Hồi ký của Durbrow, ngày 15-10-1960, USVN, quyển 10, tr.1318.

-----------------------
viện trợ quân sự bổ sung, ông ta khuyên chính quyền Mỹ cần buộc Diệm phải thực hiện những cải cách sâu rộng (1).

Phái bộ Mỹ tại Sài Gòn kiên quyết chống lại đề nghị của Durbrow. Mối quan tâm chính của MAAG là phát triển một lực lượng quân sự để đối phó hiệu quả với lực lượng nổi dậy, và nếu quá nhấn mạnh vào cải cách "dân chủ" sẽ làm suy giảm sự quan tâm chú ý đến cuộc chiến tranh và sẽ làm suy yếu Diệm. Trong năm 1960, cuộc tranh cãi này càng gay gắt hơn, nhưng theo lời một nhân vật tham dự thì các cuộc họp tại toà đại sứ lúc ấy "thực ra rất lịch sự" (2).

Mặc dù cuộc thử nghiệm xây dựng quốc gia đang bị đe dọa vào cuối năm 1960, nhưng chính quyền Eisenhower không giải quyết các tranh cãi ở Sài Gòn mà cũng chẳng có biện pháp đáng kể nào để cứu vãn khoản đầu tư khổng lồ của họ. Trong phần lớn thời gian của năm 1960, Mỹ tập trung chú ý vào nơi khác. Một đốm lửa loé lên ở Berlin làm tăng thêm những căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh ở châu Âu và sự cố máy bay U-2 cũng như cuộc họp cấp cao không thành ở Paris đã dẫn đến những căng thẳng to lớn trong quan hệ Xô-Mỹ. Sự xuất hiện một chính quyền cách mạng ở Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro và quan hệ mật thiết giữa Cuba và Liên Xô đã làm nảy sinh nỗi lo sợ rằng cộng sản sẽ thâm nhập vào Tây bán cầu. Sự suy yếu của chính quyền Nam Việt Nam diễn ra dần dần và người ta chưa ý thức được một cuộc khủng hoảng đang tới dần cho đến cuối năm đó,
---------------------------------------------------
(1) Durbrow gửi Bộ Ngoại giao (Mỹ), ngày 5-12-1960, sách đã dẫn, tr.1334-1336.
(2) William Colby, Những quý ông tôn kính, New York, năm 1978, tr.160.

Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #77 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 09:10:53 am »

trước khi Eisenhower đã có kế hoạch bàn giao quyền lực cho chính quyền của Đảng Dân chủ mới đắc cử của John F. Kennedy.

Mặc dù thế, lúc này Lào lại được xem là vấn đề quan trọng nhất ở Đông Dương chứ không phải là Nam Việt Nam. Một chính phủ đôi chút thân phương Tây đã lên cầm quyền ở Lào sau hiệp định Geneva và đã nhận được sự ủng hộ hào phóng của Mỹ, nhưng khi họ định đi đến hoà giải với Pathet Lào, lực lượng cách mạng chiến đấu sát cánh bên Việt Minh, thì Mỹ đã giật dây thực hiện một cuộc đảo chính của phái hữu. Chính phủ mới do Mỹ đỡ đầu đã mở một chiến dịch quân sự đầy tham vọng nhằm đánh bại Pathet Lào nhưng không mấy thành công, và đến năm 1960 chính phủ này đã bị lật đổ bởi cái gọi là phái trung lập. Không chấp nhận một giải pháp chính trị thỏa hiệp, chính quyền Eisenhower kiên quyết ủng hộ cho chính phủ do mình bảo trợ và đẩy phái trung lập phải liên minh một cách đầy khó khăn với Pathet Lào. Vào cuối năm đó, Bắc Việt Nam và Liên Xô bắt đầu viện trợ với quy mô lớn cho các lực lượng chống Mỹ, và cuộc chiến tranh đã trở nên khốc liệt hơn.

Vào đầu năm 1961, Eisenhower đã nghiêm túc cân nhắc khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Lào. Ngay từ tháng 5-1959, ông ta đã nghiêm khắc cảnh báo rằng, Lào có thể "phát triển lên thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới"(1). Ngày 19-1-1961, trong một buổi chỉ dẫn cho
------------------------------------------
(1) Hồi ký của Gordon Gray, ngày 14-9-1959, Văn kiện Eisenhower, hồ sơ giải mật, hộp 5.
-----------------------------------
tổng thống mới đắc cử Kennedy, Eisenhower đã góp ý rằng, việc Lào thất thủ sẽ đe dọa Thái Lan, Campuchia và Nam Việt Nam, và nếu Mỹ không có những biện pháp kiên quyết ở Lào thì họ có thể phải "từ bỏ" toàn bộ phần còn lại ở Đông Nam á. Eisenhower còn nhận xét, hành động can thiệp phải mang tính đa phương, nhưng việc bảo vệ Lào quan trọng đến mức nếu như Mỹ không thể thuyết phục được các đồng minh SEATO tham gia thì họ có thể tự mình can thiệp. So với Lào, Nam Việt Nam dường như chỉ là vấn đề "thứ yếu", và thậm chí không được đề cập tới trong buổi chỉ dẫn tháng 1 về tình hình Đông Nam á (1).

Từ năm 1954 đến năm 1961, Mỹ đã quay trở về điểm xuất phát ban đầu ở Việt Nam. Đứng trước khả năng sụp đổ của Pháp, chính quyền Eisenhower đã nhanh chóng xem xét đến việc can thiệp quân sự để cứu Đông Dương khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản. Tin rằng, do không mang theo tư tưởng của chủ nghĩa thực dân, Mỹ có thể thành công ở nơi mà Pháp từng thất bại, Eisenhower và Dulles đã chấp nhận để Pháp thất bại về quân sự và gánh vác công cuộc "xây dựng quốc gia". Lẽ ra Việt Nam phải giống như Hy Lạp và Triều Tiên, nơi mà Mỹ đã vực dậy được các đồng minh đang bị tấn công, nhưng do thiếu hiểu biết về lịch sử và văn hoá Việt Nam, người Mỹ đã đánh giá quá thấp những khó khăn trong công cuộc "xây dựng quốc gia" ở khu vực này. Những chương trình đầy tham vọng trong những năm 50 chỉ che đậy chứ không giải quyết
---------------
(1) Hồi ký của Clark Clifford về buổi toạ đàm, ngày 19-1-1961, Văn kiện Lầu Năm góc (Gravel), II, tr.635-637.
---------------
được những vấn đề của Nam Việt Nam. Hơn nữa, để xây dựng được một quốc gia có thể trụ vững ở Nam Việt Nam, có lẽ phải cần có những "lãnh tụ" người Việt với quyết tâm, giàu óc tư duy và sáng suốt, những tố chất mà Mỹ không thể cung cấp. Ngô Đình Diệm có thể là "gương mặt sáng giá nhất" vào lúc đó, theo như Dulles miêu tả, và Mỹ đã hoàn toàn đặt hy vọng vào ông ta cũng như đã giúp ông ta tồn tại trong những năm 1954-1955 đầy sóng gió (1).

Nhưng Diệm thiếu năng lực cần thiết để đối phó với những thách thức to lớn trong công cuộc xây dựng quốc gia và vào năm 1960, ông ta, giống như người Pháp trước đó, dường như không thể kiểm soát nổi tình hình. Do sự tình cờ của năm bầu cử, nên Eisenhower không được chứng kiến thất bại cuối cùng của những chính sách mà ông ta đã đề xướng ở Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, John F. Kennedy sẽ phải lựa chọn hoặc là bỏ rơi cái mà trước đó ông ta gọi là "con đẻ của chúng ta" hoặc tăng cường cam kết ở mức độ lớn hơn.
------------------
(1) Họp báo của Dulles, ngày 1-3-1955, Văn kiện Dulles, Princeton, N.J., hộp 99.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #78 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 09:11:53 am »

Chương III

Sự CộNG TáC Có GIớI HạN GIữA KENEDY Và DIệM (l961-1963)

Tháng 1-1961, John F. Kennedy đã báo nguy cho nước Mỹ rằng: "Các vấn đề của chúng ra thật gay cấn. Xu hướng có chiều bất lợi. Tình hình sẽ tồi tệ hơn rồi mới khá lên" (1). Đây cũng là giọng điệu của Kennedy trong suốt chiến dịch vận động tranh cử năm 1960 và nó đã định hướng cho chính quyền của ông ta. Lúc này thế giới dường như đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử. Cuộc đấu tranh để thoát ra khỏi quá khứ thuộc địa và xây dựng các thể chế hiện đại của hàng trăm quốc gia mới đã sinh ra rối loạn ở nhiều nơi trên thế giới. Lời nói và hành động của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khruschchev cho thấy cộng sản có một thái độ táo bạo và thậm chí là liều lĩnh mới và một quyết tâm tận dụng tình trạng bất ổn đang lan tràn. Vào cuối những năm 50, đối đầu Xô-Mỹ đã mở rộng và sâu sắc hơn, rồi
------------------------
(1) John F. Kennedy, Diễn văn ngày 30-1-1961, John F. Kelmedy, Văn kiện công khai, 1961, Washington, D.C, năm 1962, tr.27.
----------------------
việc phát triển những loại vũ khí mới càng làm cho tình hình trở nên đặc biệt lo ngại. Nhìn về lâu dài, chủ nghĩa dân tộc cho thấy đây là một lực lượng mạnh hơn chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa tư bản dân chủ và chỉ trong vòng 2 năm, sự đổ vỡ trong quan hệ Trung-Xô đã bộc lộ rõ những bí ẩn trong "khối cộng sản". Vào năm 1961, tình hình thế giới trở nên căng thẳng. ở nước Mỹ, Kennedy lên cầm quyền với niềm tin chắc chắn rằng sự sống còn của nước Mỹ phụ thuộc vào khả năng họ có bảo vệ được các thể chế "tự do" hay không. ông ta cho rằng, nếu Mỹ lung lay thì "toàn thế giới tất yếu sẽ bắt đầu rẽ sang phía chủ nghĩa cộng sản" (1).

Kêu gọi đồng bào của mình hãy trở thành "những người lính gác trên thành trì của tự do" và hứa hẹn về một sự lãnh đạo kiên quyết và mạnh mẽ, Kennedy đã đưa chính quyền Mỹ bước vào một cuộc đấu tranh với những hiểm hoạ của thời đạt mới. ông ta tập trung quanh mình một đội ngũ cố vấn trẻ tuổi, nhiệt tình và trí tuệ được bố trí ở những cương vị hàng đầu của các học viện và ngành công nghiệp.

Họ là những người tự tin, tích cực cùng chung quyết tâm với tổng thống "đưa nước Mỹ hoạt động trở lại". Những người tham gia chương trình Biên giới mới đã chấp nhận không chút vương vấn những giả định của chính sách ngăn chặn, nhưng họ cũng tin rằng họ phải "tiến lên để chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản chứ không đợi chủ nghĩa cộng sản tấn công rồi mới phản ứng" như những lời Kennedy
------------------
(1) Trích trong Seyom Brow, Thể diện của các cường quốc, New York, (năm 1969), tr.217.
--------------------------
nói (1). Trưởng thành về chính trị trong chiến tranh thế giới thứ 2, họ rất lo sợ trước nguy cơ nổ ra một thảm hoạ toàn cầu mới. Nhưng những người này cũng phấn chấn trước triển vọng có thể dẫn dắt đất nước qua những thời kỳ khó khăn và giành thắng lợi cuối cùng, họ cùng chung quan điểm kiểu Wilson rằng vận mệnh đã chọn đất nước họ làm người bảo vệ và phổ biến lý tưởng dân chủ (2).

Kennedy và các cố vấn cũng nhận thấy tình hình chính trị trong nước đòi hỏi phải có một chính sách đối ngoại cứng rắn và thành công. Với những lời lẽ khoa trương trong cuộc vận động bầu cử năm 1960, ngài thượng nghị sĩ bang Massachusetts này đã lên án Eisenhower thiếu kiên quyết trong việc hứa lấy lại thế chủ động trong chiến tranh lạnh. Sau khi thắng cử với tỷ số sát nút nhất từ xưa đến nay, vị tân tổng thống cũng biết rất rõ những chỗ yếu của mình. Đặc biệt trong hai năm đầu nhậm chức, Kennedy luôn cảnh giác theo dõi tình hình trong nước khi có những quyết định về chính sách đối ngoại và ông ta vô cùng nhạy cảm trước những lời buộc tội của phe cộng hoà về những điểm yếu hoặc thái độ nhân nhượng của mình.

Chính quyền mới của Mỹ ngay lập tức bắt đầu đối phó với những thách thức của cuộc chiến tranh lạnh. Tổng thống Kennedy ra lệnh ồ ạt xây dựng lực lượng hạt nhân và tên lửa tầm xa để tạo nên một khả năng răn đe thực sự
----------------------------
(1) Trích trong Henry Fairline, Lời hứa của Kennedy, New York, năm 1973. tr.72.
(2) Thomas G. Parerson, "Nảy sinh gánh nặng: Mội cái nhìn phê phán về chính sách đối ngoại của John F. Kennedy", Tạp chí Virginia hàng quý, 54, mùa xuân năm 1978, tr.197.

Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #79 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2008, 01:25:34 pm »

đối với sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Do Eisenhower dựa quá nhiều vào vũ khí hạt nhân khiến Mỹ đã phải chịu bó tay và bị coi là "vai u thịt bắp" trong nhiều tình huống ngoại giao nên Kennedy chú trọng phát triển và hiện đại hoá các lực lượng quân sự Mỹ để có thể "phản ứng linh hoạt" trước nhiều loại hình và mức độ bị tấn công. Biết chắc rằng các quốc gia non trẻ sẽ là "chiến địa chính trong đó các lực lượng tự do và lực lượng cộng sản sẽ đọ sức", chính quyền Mỹ đã chú ý nhiều đến việc phát triển khả năng phản ứng có hiệu quả với chiến tranh du kích - "một căn bệnh quốc tế" mà Mỹ phải tìm cách "tiêu diệt" (1). Tuy nhiên Kennedy cũng thấy rằng, Mỹ phải xoá bỏ nguồn gốc của "căn bệnh" và nhấn mạnh vào việc đưa ra những chương trình viện trợ kinh tế và kỹ thuật nhằm xoá bỏ điều kiện để chủ nghĩa cộng sản phát triển và lái các lực lượng cách mạng đi theo con đường dân chủ.

Việt Nam là một di sản bi thảm nhất của chiến lược toàn cầu trong kỷ nguyên Kennedy. Trước đó Kennedy đã rất quan tâm đến Việt Nam, nơi mà có lần vị tổng thống này gọi là "viên đá tảng của thế giới tự do ở Đông Nam á". Hơn nữa trong con mắt ông ta và nhiều cố vấn, Nam Việt Nam sẽ trở thành một nơi thử nghiệm quyết tâm trong việc giữ vững cam kết của Mỹ ở thế giới đầy hiểm hoạ, đồng thời thử nghiệm khả năng của Mỹ đối phó với những thách thức mới của cuộc chiến tranh du kích tại các nước đang trỗi dậy. Kennedy từng tham gia các cuộc công kích
------------------------
(1) John McCloy và Walt W. Rostow trích trong Fairlie. Lời hứa của Kennedy, tr.132, 264.
--------------------
Truman vì đã "đánh mất" Trung Quốc và ông ta cực kỳ nhạy cảm với những tổn thất chính trị do việc sẽ để mất thêm một vùng đất khác ở châu á. Vì vậy, so với Truman và Eisenhower, ông ta lại càng ít muốn để Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản hơn.

Kế thừa từ Eisenhower sự nguy hiểm gia tăng nếu vẫn giữ những cam kết có giới hạn, Kennedy lao sâu hơn vào bãi lầy. Như một số nhà phê bình đã nêu, Kennedy không tích cực đón lấy gánh nặng ở Việt Nam và hành động của ông ta tương phản rõ nét với lời nói của chính quyền Mỹ (1).

Khi giải quyết các vấn đề chính sách lớn, ông ta thận trọng chứ không táo bạo, do dự chứ không quyết đoán và tuỳ hứng chứ không tính toán cẩn thận. Kennedy lần lữa không có cam kết kiên quyết trong gần một năm và rồi hành động chỉ khi chính phủ rệu rã của Diệm đã đến sát bờ vực sụp đổ. Lo ngại về những hậu quả trong nước và quốc tế của một giải pháp thương lượng nhưng không muốn mạo hiểm về một sự dính líu hoàn toàn, nên ông ta chọn con đường dung hoà, vừa mở rộng vai trò của Mỹ đồng thời lại duy trì vai trò này ở mức hạn chế. Trước mắt, một đường hướng như vậy tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng về lâu dài thì nó mang tính ảo tưởng và mạo hiểm. Nó khuyến khích Diệm tiếp tục con đường tự huỷ diệt, trong khi vẫn làm cho người Mỹ tin rằng họ có thể đạt được một kết quả thuận lợi mà không phải trả giá cao. Đường hướng này thu hẹp hẳn những sự lựa chọn, làm cho khó thoát ra hơn và
---------------------------
(1) Thí dụ xem Bruce Miroff, Những ảo ảnh của chủ nghĩa thực dụng, New York, năm 1976, chi tiết tại tr.142-166.
-------------------------
tạo nên một lập luận tự nó có lý để đi đến một sự cam kết lớn hơn và nguy hiểm hơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM