Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 09:59:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ  (Đọc 59122 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2008, 07:45:20 am »

Sự cáo chung của Tân Việt

Trở về Huế, anh Giáp được biết là Tổng bộ dự kiến triệu tập Đại hội vào tháng 7-1929. Nhưng Đại hội không họp được vì xảy ra cuộc khủng bố lớn năm 1929 của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt các tổ chức cách mạng hồi bấy giờ.


Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt cách mệnh đảng có nhiều người bị bắt. Cụ Giải Huân tự tử trong tù. Cụ Tú Kiên, các anh Trần Mộng Bạch, Phan Kiêm Huy đều bị bắt. Quan hải tùng thư bị khám xét, anh Đào Duy Anh bị bắt và sau đó chị Trần Thị Như Mân, người vợ chưa cưới của Đào Duy Anh cũng bị bắt. Cảnh sát tìm được tài liệu chị giấu dưới gối.


Tuy lãnh đạo Tổng bộ không còn và Đại hội không họp được, nhưng theo đề nghị của Dũng Kỳ, một cuộc họp đại biểu 3 kỳ được triệu tập ở Đò Trai (Hà Tĩnh) ngày 1-1-1930 để chuyển Tân Việt thành tổ chức cộng sản với tên gọi là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.


Anh Giáp được triệu tập đi họp. Địa điểm liên lạc: Chợ Thượng. Ám hiệu: Đèn pin cắm chúc xuống đất. Nhưng anh Giáp không đi được. Bọn mật thám gác công khai xung quanh nhà anh. Chúng không rời anh Giáp nửa bước.


Hội nghị Đò Trai họp trên một con đò trên sông La. Đang họp thì bị địch bao vây, nhiều đại biểu bị bắt.
Hội nghị không kịp cử đại biểu đi dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập, họp vào dịp Tết Canh Ngọ (3 tháng 2 năm 1930) tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng).


Tuy nhiên, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, hai mươi ngày sau đó (24-2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp nhận yêu cầu hợp nhất của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập.


Anh Giáp nói với các anh Đăng, Sự, Kha, cán bộ ban nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh uỷ Bình-Trị-Thiên trong buổi tiếp chuyện chiều ngày 4-11-1985: “Quá trình chuyển sang Đảng Cộng sản là như vậy, có chủ trương, có hội nghị để chuyển sang, chứ không phải như có tài liệu nói là Tân Việt tan rã”.


Trên đây là bước cáo chung, thực chất là một sự lột xác để hoá sinh của Tân Việt cách mệnh đảng, chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Giáp và nhóm hạt nhân cộng sản đầu tiên trong Tân Việt đã góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải tổ ấy.


Anh Giáp tiếp tục làm việc ở báo Tiếng Dân. Anh Đào Duy Anh từ trong tù nhắn ra là không khai báo gì cả. Anh Giáp sinh hoạt trong chi bộ Đảng Cộng sản báo Tiếng Dân do anh Xứng làm Bí thư chi bộ. Anh Lê Viết Lượng vào dạy ở Quốc học, tìm gặp anh Giáp, nói với anh Giáp chuyển đầu mối cho anh. Anh Lượng vào tham gia tỉnh uỷ. Anh Giáp giới thiệu đầu mối ở Truồi: Lê Bá Dị, Đỗ San, Lê Đoan và cơ sở học sinh ở trường Đồng Khánh cho anh Lượng.


Lúc đó, Nguyễn Thị Quang Thái ở Vinh vào, có giấy giới thiệu tìm anh Giáp để tham gia tổ chức cộng sản. Anh Giáp giới thiệu chị Thái với cơ sở học sinh trường Đồng Khánh, lúc đó chi bộ học sinh trường Đồng Khánh hoạt động có ảnh hưởng tốt.


Anh Giáp giữ liên hệ chặt chẽ với anh Trần Hữu Duẩn giáo viên trường Chaigeau đã tham gia cộng sản. Một hôm, anh Duẩn nói với anh Giáp đến gặp anh Sắc tại nhà anh Duẩn (Anh Nguyễn Phong Sắc lúc đó được cử vào phụ trách Kỳ bộ Trung Kỳ của Việt Nam Cộng sản Đảng).


Anh Sắc nói với anh Giáp: “Đồng chí tiếp tục hoạt động trong báo Tiếng Dân, có nhiệm vụ viết bài trên báo tuyên truyền chủ nghĩa Marx, viết cho dễ hiểu hơn”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2008, 07:45:58 am »

Tình yêu đến

Tình yêu đến với chàng trai trẻ khi người thiếu nữ ấy đột ngột tìm đến. Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. Cô đến thẳng nhà anh mặc dù tìm đường vào nhà không dễ. Lúc ấy, anh Giáp ở một ngôi nhà khuất nẻo trong thành. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Chúng ta đã nhận ra: Đó là nhà anh Lê Ấm, con rể cụ. Không biết ai chỉ đường mà cô đi ngày vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng âm ấm. Cô nói dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.


“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.


Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên Tỉnh uỷ Nghệ-Tĩnh, đồng chí phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Đây là lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.


Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.


Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với với hai cô.


Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: Dáng vẻ dịu hiền điềm đạm nhưng không kém phần kiên nghị, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.


Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tầu”-Anh thầm nghĩ.

Anh hỏi chuyện:

-Tình hình ngoài ấy thế nào?

Quang Thái đáp:

-Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.

Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác của đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.


Tình yêu nảy nở. Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ cùng với tổ cô Cầm (em chị Hải Đường) và cô Nga (sau này là bà Hoài Thanh). Anh thầm yêu, thầm nhớ, chỉ mong có dịp gặp lại.


Kể từ đó, người thiếu nữ ấy bước vào đời anh. Họ gặp lại nhau ở đâu? Trong nhà tù đế quốc. Và chính trong thời gian ở tù, anh Giáp càng hiểu Quang Thái hơn, càng yêu hơn. Người con gái 16 tuổi ấy gương mặt còn những nét ngây thơ nhưng tinh thần thì bất khuất.


Sau đây là bài thư Quang Thái làm trong tù (cuối năm 1930):

Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2008, 07:47:51 am »

Gặp gỡ trong tù

Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khoá 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.


Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài làn ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.


Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thuỷ, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.


Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái! Rồi bài thơ của Quang Thái lưu truyền khắp nhà lao, anh Giáp càng mến phục, càng yêu Quang Thái.


Sáu mười năm sau, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng (người phụ nữ Huế đoạt diễn đàn trong cuộc mittinh giành chính quyền tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17-8-1945) bạn học và bạn tù của chị Thái kể lại: Chị và em là Nguyễn Khoa Diệu Vân và các bạn: Bích, Ngọc Anh bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ. Đêm khuya em Vân lăn ra ngủ, muỗi vo ve bám đốt, thương em quá, chị Hồng kéo hai vạt áo dài đang mặc phủ lên chân, lên đầu em, thức trông em ngủ được yên.


Giữa lúc đó vang lên câu nói tiếng Pháp: “Personne ne te dénonce, ne dénonces personne” (Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai). Đó là tiếng nói của Quang Thái.


Người thứ hai gặp gỡ trong tù chính là em trai anh Giáp: Võ Thuần Nho. Vào học trường Quốc học Huế là điều Võ Thuần Nho không mơ tới. Số là gia đình nghèo, chỉ đủ sức dồn tiền gạo cho anh Giáp học nên Võ Thuần Nho học nghề may để đỡ đần thầy mẹ. Sau khi bãi khoá về quê rồi vào Huế làm việc ở Quan hải tùng thư, anh Giáp gửi tiền về nhà đề nghị ông cụ cho chú Nho đi học. Võ Thuần Nho vừa tốt nghiệp tiểu học ở Quảng Bình thì nhận được điện báo vào Huế ngay để học hè. Ra ga đón chú Nho là anh Nguyễn Chí Diểu. Về nhà, anh Giáp nói: “Em vào đây học thêm ba tháng hè và cố gắng thi đỗ cao vào Quốc học để được học bổng, chứ anh không có khả năng nuôi em học được”. Võ Thuần Nho học miệt mài, thi vào Quốc học đỗ thứ nhì và được học bổng.


Năm thứ nhất, Nho được kết nạp vào “Hội học sinh đỏ”. Tổ có năm người (có một người bạn trùng tên) thường cùng Nho họp ở các lăng to nhỏ về phía Nam Giao đi lên.


Năm thứ hai (niên khoá 1930-1931) sau phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, vào khoảng đầu tháng 10-1930, các cán bộ hoạt động bí mật ở trường Quốc học bị bắt trong đó có thầy Lê Viết Lượng và thầy Đặng Thai Mai.


Lúc đó, Võ Thuần Nho ở cùng với anh Giáp trong một căn nhà sau chùa Diệu Đế. Cứ mỗi buổi sáng trước khi chia tay nhau, Võ Thuần Nho đi học, anh Giáp đi làm ở báo Tiếng Dân, hai anh em bắt chào nhau, lòng thầm nghĩ không biết hôm nay ai sẽ bị bắt? Liệu có gặp lại nhau không? Anh Giáp không quên dặn chú Nho mặc thêm áo quần, bỏ vào túi một ít lạc rang, ngô ràng để đề phòng.


Thế rồi hai anh em gặp nhau trong nhà tù.


Một cuộc gặp gỡ nữa trong nhà tù làm cho anh Giáp vô cùng đau khổ là trông thấy anh Đặng Thai Mai bị giam trong xà lim “nặng”.


Anh Đặng Thai Mai (1902-1984) người Nghệ An, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ông thân sinh từng tham gia phong trào Duy Tân bị bắt, bị đầy đi Côn Đảo. Ông chú trốn sang Trung Quốc hoạt động cho phong trào Đông Du rồi sang Xiêm gây cơ sở cách mạng trong Việt kiều. Bị thực dân Pháp liệt vào hàng “cừu gia tử đệ”, anh Đặng Thai Mai luôn bị nhà cầm quyền Pháp theo dõi bắt bớ. Năm 1929, anh bị bắt trong khi đang là giáo sư dạy ở trường Quốc học Huế, bị án 3 năm tù treo trong cuộc khủng bố đảng Tân Việt. Năm 1930, anh lại bị bắt và lúc này đang bị giam bên xà lim “nặng” cùng với Lê Bá Dị, Lê Thế Tiết.


Anh Giáp quen với anh Mai trong Tổng bộ Tân Việt. Anh Giáp cùng với anh Diểu thường hay đến nhà anh Mai (lúc đó gọi là ông Đốc Mai) để bàn về tình hình nội bộ đảng Tân Việt. Ý hợp tâm đầu, tình đồng chí, tình bạn ngày càng thân thiết. Ba người đã lập ra nhóm hạt nhân Cộng sản đầu tiên để cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.


Cửa sổ nhà giam “nhẹ” có chấn song sắt nhìn sang bên xà lim “nặng”. Anh Giáp và anh Mai thường “nói chuyện” với nhau bằng cách ra hiệu chữ cái viết hoa.


Cũng bằng phương pháp ấy anh Mai dạy cho bạn tù bên nhà giam “nhẹ” học chữ Hán. Anh đứng úp mặt vào tường viết từng nét chữ. Võ Thuần Nho và một người bạn tù đã từng học ít nhiều chữ Hán phân công nhau đứng nhìn qua song sắt, người ngồi trên sàn gỗ dùng nước lã viết lại từng nét. Với cách dạy và học ấy, bạn tù đã học được một số bài thơ Đường. Bài thơ Đường đầu tiên mà anh Mai dạy cho bạn tù là Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.


Mưa Huế buồn. Mưa ở trong tù lại càng buồn. Một hôm, các bạn tù nhận được bằng tín hiệu, bài thơ của anh Mai vịnh cảnh:

Gió mãi mưa hoài cảnh quạnh hiu
Ôm bầu tâm sự, khách nằm queo
Non sông gấm vóc mây sầu bủa
Cây cỏ la đà giọt thảm gieo



Anh Giáp kể anh bị bắt cùng thời gian với anh Lê Viết Lượng. Khi vào nhà lao Thừa Phủ anh được anh Đặng Sĩ Khả, Bí thư chi bộ phố cho biết số bị bắt rất đông. “Anh không tin ai được đâu, dầu không ai khai anh, cũng có người khai có góp tiền ủng hộ Xô viết-Nghệ An”.

Mật thám xét hỏi anh Giáp:

-Có tham gia Thanh niên không?

-Không.

-Có tham gia Tân Việt không?

-Không.

-Hoạt động gì?

-Không làm gì cả.

-Có cứu tế cho Nghệ-Tĩnh đỏ không?

-Có.

-Thái độ với Cộng sản?

-Không có thái độ.

Nó nhốt anh Giáp vào cachot 15 ngày. Khi ở buồng tối ra, anh choáng váng, ánh sáng như kim châm vào mắt. Anh chỉ nhận do lòng yêu nước mà tham gia một số phong trào thanh niên học sinh mong tranh thủ với án treo sẽ được ra sớm để hoạt động. Nhưng chúng lại đổi án treo thành án thật và giam anh 13 tháng. Cuối năm 1931, Hội cứu tế đỏ Pháp đấu tranh đòi thả chính trị phạm Đông Dương và nhân dịp Bộ trưởng Paul Reynaud sang thị sát tình hình thuộc địa, những người bị án tù từ ba năm trở xuống được thả tự do. Anh Giáp được ra tù cùng với anh Đặng Thai Mai, chị Quang Thái, chú Võ Thuần Nho và một số bạn tù khác với điều kiện phải trở về quê quán và bị quản thúc.


Tối hôm trước, cai tù cho biết ngày mai 15 tháng 11 năm 1931, anh Giáp và Võ Thuần Nho được trả về quê, đi tàu hoả. Hai anh em từ giã bạn tù mà rưng rưng nước mắt.

Một tên lính áp giải hai anh em về Đồng Hới, hàng tháng phải lên huyện trình diện.


Về Đồng Hới, chúng để hai anh em ở một căn nhà cạnh dinh Phó sứ. Tối hôm đó sáng trăng. Anh Giáp dẫn Võ Thuần Nho ra vườn hoa nhỏ có cây dương liễu cạnh cầu “Mụ Kề”, nơi mà tối tối dân Đồng Hới thường ra cầu này hóng mát. Cầu nằm trên sông Nhật Lệ, xa xa là cửa biển.


Hai anh em bàn với nhau về nhà làm gì. Ý anh Giáp: Làm thế nào để trở lại Huế hoặc ra Vinh. Làm thế nào để bắt liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động cách mạng.


Trước mắt tạm về quê. Ở An Xá, anh Giáp gặp lại các bạn thanh niên mà anh đã giác ngộ cách mạng thời kỳ 1927-1928. Anh vận động các thanh niên này xoá bỏ bất công trong làng xóm, đòi thay đổi lý hương, chia lại công điền công thổ.


Đầu tháng lên huyện trình diện. Tên tri huyện là Nguyễn Định, cử nhân luật. Hắn tiếp hai anh em rất “tử tế” bàn chuyện trong nước và thế giới. Ý của hắn là những người làm cách mạng không khôn ngoan, không biết thời thế.


Được ít lâu, anh Giáp quyết định quay trở lại Huế. Anh đi tìm liên lạc và dự định xin với cụ Huỳnh Thúc Kháng cho tiếp tục làm báo Tiếng Dân.

Nhưng vừa đến Huế hôm trước thì hôm sau viên công sứ Labbé triệu tập anh đến hỏi:
-Trở lại làm gì?

-Làm báo.

-Không được. Ngày mai anh phải rời khỏi Huế ngay. Chỗ của anh ở Huế là trong nhà tù!

Chiều hôm ấy, anh Giáp đi dọc bờ sông Hương. Tạm biệt Huế, thành phố thân yêu.


Xa Huế từ độ ấy, sáu năm sau (ngày 27-3-1937) anh Giáp mới trở lại Huế. Anh vào dự Hội nghị Báo giới Trung Kỳ do Xứ uỷ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng trong phong trào Mặt trận Dân chủ. Rồi chín năm sau, năm 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên đường đi công tác vào Nam Trung Bộ, anh lại ghé Huế-thành phố thời trẻ của anh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM