Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:11:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân  (Đọc 65644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2008, 07:47:34 pm »

Lệnh trao quân hàm
của quốc vụ viện
Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa


Lệnh  trao quân hàm
Số 225


  Nay trao quân hàm Thiếu tướng cho Xã trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Huấn luyện chiến đấu

Hồng Thuỷ

  Thuộc Bộ Tổng giám huấn luyện Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Ngày 27 tháng 9 năm 1955
Tổng lý Quốc vụ viện

Chu Ân Lai
(Đã ký)
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 06:45:43 pm »

Địa vị và giá trị truyện Kiều
(Đề cương của buổi nói chuyện với các giáo sư
và học sinh lớp chuyên khoa Trường Thiếu sinh quân)

Lam - Phong
(Bút danh của Tướng Nguyễn Sơn)



  I. Nói qua về thái độ và phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn nghệ

  A. Mục đích nghiên cứu để tìm ra trong tác phẩm của lịch sử, của nước ngoài những cái hay, cai dở của nó để học hỏi hay để răn đe. Chúng ta không nên có thái độ nghiên cứu tác phẩm văn nghệ trên lập trường người ngắm chậu cảnh.

  B. Nghiên cứu những cái hay, cái dở của tác phẩm để do đó tìm ra một phương pháp sáng tác, biện biệt về văn nghệ, chứ không phải là tìm ra những cái hay của người ta rồi chép nguyên văn vào trong sáng tác của mình, hay là để lấy đó làm khuôn để đi lồng tất cả những tác phẩm khác lấy kết luận.

  C. Phải lấy tác phẩm của bản thân làm đối tượng nghiên cứu chứ không nên lấy một khuôn khổ sẵn có của mình rồi lồng tác phẩm vào khen hay chê.

  a. Trần Trọng Kim cố lồng Truyện Kiều vào khuôn khổ Nho - Phật giáo mà khen Truyện Kiều thành ra không làm nổi bật cái giá trị thật của Truyện Kiều. Số phận Kiều không phải do Kiều làm nên, cũng không phải tiền oan nghiệp chướng gì (theo Đạo Phật) sui nên cả. Đứng trên ngay lập trường Đạo Phật mà nói, cái "quả" trong thân thế Kiều không phải "nhân" gì về phần cô Kiều hay gia đình cô Kiều, vì nhà Viên ngoại họ Vương không hề có sự gì thất đức, cô Kiều bản thân còn chưa dính dáng gì với đời cả mà đến nỗi phải chịu cái "quả" ấy. Sự thực ra số phận Kiều là do những người trong xã hội của thời đại làm nên (Ưng, Khuyển, Mã Giám Sinh, Tú Bà, v.v... nghĩa là lũ đầu trâu mặt ngựa). Đó chỉ là kết quả của việc nắm tóc Truyện Kiều lôi vào cái lồng đạo Phật mà thôi.

  b. Trương Tửu cố tình lấy Truyện Kiều lồng vào chủ nghĩa Freud không quen biết. Truyện Kiều tả những tâm trạng, những hành vi "bệnh thái" của xã hội thời Nguyễn Du và sau đó, chứ không dính dáng gì đến bệnh "uỷ hoàng" hay bệnh gì khác mà Freud bịa ra rồi Trương Tửu nhai lại. Đồng thời Trương Tửu còn nhai lại một ít công thức "xã hội" để lồng vào cho bọn "nhà nho thất thế". Sự thực ra trong Truyện Kiều chúng ta ít - hay không - thấy những tiếng thở dài của bọn "nhà nho thất thế" mà chỉ nghe thấy tiếng rên rỉ của những người chịu đựng, những giọng nguyền rủa "đầu trâu mặt ngựa", những vẻ sỏ lá của phường "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao", v.v... Kiều có phải con người "thất thế" rồi chán đời theo kiểu "nhà nho thất thế Lý Bạch", Không? Không! Kiều chịu đựng để trông có ngày mai nên mới theo Thúc Sinh, nên mới lấy Từ Hải để báo ân, báo oán như một người thường dân. Ai, cái gì tiêu biểu cho "nhà nho thất thế" trong Truyện Kiều? Không biết Trương Tửu có biết tâm trạng anh "nhà nho thất thế" như thế nào không? Nếu chưa biết nên đọc thơ Lý Bạch và phải đọc cho hiểu.

  c. Đào Duy Anh, ông đồ gậm chữ không , không thể xé nát Truyện Kiều ra làm nhiều mảnh rời rạc nhau rồi tuyên dương lên báo: giá trị Truyện Kiều là thế này đây.

  d. Hoài Thanh và một số người cho rằng Truyện Kiều hay không thể nói, thấy được, nghĩa là cái hay của Truyện Kiều, nghệ thuật là một cái gì huyền bí của một số thầy phù thuỷ như Hoài Thanh, v.v.. mới hiểu được. Kỳ thực Truyện Kiều hay, người ta có thể hiểu được nó hay ở đâu, tại sao, nghĩa là có thể mổ xẻ rồi tổng hợp lại như nhà hoá học đối với không khí hay nguyên tử vậy thôi.

  đ. Phạm Quỳnh và những cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế trong khi bàn cãi nhau về Truyện Kiều không phải là đứng trên lập trường nghiên cứu văn nghệ mà đứng trên lập trường chính trị nên không thể làm nổi bật quan điểm của họ (quan điểm văn nghệ) lên được.

  D. Phải biết phân tách và tổng hợp trong khi nghiên cứu tác phẩm văn nghệ, nghĩa là cũng phải nghiên cứu bằng một phương pháp khoa học. Truyện Kiều tả những gì? Vở kịch Kiều gồm những cảnh: yêu Kim Trọng, bán mình, làm đĩ, làm vợ lẽ, lấy Từ Hải, đi tu, tự tử trên sông. Bao nhiêu nhân vật lên sân khấu, Kiều, Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến và những vai lâu la tiểu tốt, Kim Trọng, Thuý Vân, cha mẹ Kiều, Vương Quan, nhà sư. Nhìn chung lại thấy ngay trong đó có hai phe, một phe là Kiều làm tiêu biểu, chịu đựng tất cả mọi nỗi chua cay mặn chát của thời đại lúc đó, (kèm bên cạnh có người không chịu đựng một cách ngang tàng không biết trên đầu có ai mà Từ Hải làm tiêu biểu), một phe khác là gây lên tất cả những nỗi chua cay mặn chát ấy là Khuyển, Ưng, Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, những người của giai cấp thống trị lúc đó. Truyện Kiều phản ánh ra những tình cảnh, tâm trạng của một thời đại xã hội chứ không phải là của một người. Nhân dân Việt Nam gặp những tình cảm như thế, có những tâm trạng như thế rất nhiều trong xã hội Việt Nam còn tồn tại thế lực của giai cấp phong kiến nên Truyện Kiều thông cảm được với nhiều người, nhiều người ấy nhớ nó, thích nó, sửa chữa cho nó thành một tác phẩm hay của dân tộc Việt Nam, làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

  Đ. Trên thái độ và bằng phương pháp nghiên cứu vừa kể đó chúng ta nhìn nhận Truyện Kiều thì chúng ta thấy rằng Truyện Kiều là phản ánh những nỗi chua cay mặn chát của dân tộc Việt Nam dưới chế độ phong kiến đồi bại, tàn nhẫn của những người chỉ biết chịu đựng chứ không biết, không dám phẫn kháng, một góc xã hội trong thời đại của Nguyễn Du hay thời đại phong kiến suy đồi. Cũng vì thế những người Việt Nam mới thích nó mà nó mới sống và phát triển, cải tạo thêm mãi được đến thành một áng văn chương kiệt tác của dân tộc. Chúng ta nghiên cứu Truyện Kiều để giải quyết nhiều vấn đề về sáng tác và nhận xét tác phẩm.

  Nói qua về thái độ và phương pháp nghiên cứu để bước vào nghiên cứu sơ lược Truyện Kiều như sau:

  II. Địa vị và giá trị Truyện Kiều

  A. Truyện Kiều đã thành một áng văn chương kiệt tác của dân tộc Việt Nam chứ không còn là của một số người hay của một số giai cấp nào cả.

  a/ Truyện Kiều đã tự sống được trong nhân dân, không cần phải ai đề tựa, giới thiệu, cũng không cần một bức điện của nhà đương cục nào lấy khước ca (thời đó không có điện), bằng sức nghệ thuật của nó. Nghệ thuật đây nghĩa là kỹ thuật viết và nội dung trình bày kết hợp lại, từ sao chép đến học thuộc lòng đến in đến dịch ra tiếng nước ngoài.

  b/ Câu chuyện nói về nỗi đời éo le của Kiều đối với người sống trong thời đại xã hội còn hoàn toàn phong kiến, lấy nghề nông làm cốt, giao thông chưa ra khỏi làng, huyện, tỉnh, đời sống thắt chặt vào vườn ruộng, hoàn toàn bị bó buộc trong "quạt nồng ấm lạnh", chỉ tiếp xúc với nhau bằng họ hàng, làng mạc, xóm giềng thì đời éo le của Kiều là một chuyện "kinh thiên động địa" rồi đó.

  c/ Những tình cảm, tâm trạng, nhân vật trong truyện được phô bày ra một cách xác thiết, rõ rệt, bản chất. Nào là tình cảm Kiều đến thì, gặp Kim thành yêu; phải bán mình lỡ duyên thì phải gán em vào thay mình để giữ tiếng cho gia đình; người con gái bị mất trinh lần đầu tiên một cách nhơ nhớp đòi tự tử; đã chót mà không thể thoát nổi thì cũng chết luôn trong nhà đĩ; gái giang hồ gặp người đàn bà lận đận, giang hồ mãi rồi gặp Từ Hải thì đền ơn báo oán, oán to nhất là oán Hoạn Thư; con người dọc ngang không biết trên đầu có ai vẫn cứ đến nghe lời đàn bà ra thú, như Từ Hải; bọn quan nhà vua giết chồng đoạt vợ như Hồ Tôn Hiến, v.v... đều là những tình cảm rất thông thường trong xã hội phong kiến. Nào là tâm trạng Kiều thương hại Đạm Tiên; Kiều bảo Kim Trọng "đừng điều nguyệt nọ hoa kia"; rồi thấy "dơ dáng dại hình" sau cuộc ăn nằm với Mã Giám Sinh; bao nhiêu lần nhớ nhà mà đầu tiên là nhớ Kim Trọng trước đến sau vẫn cứ còn phảng phất hình ảnh của Kim Trọng; những phút "khóc thầm"; những phút ra oai với Hoạn Thư, v.v... cũng là những tâm trạng của nhiều con người còn sống trong xã hội còn kinh tế phong kiến như xứ ta hồi đó và hồi sau. Nào là thư sinh Kim Trọng, Thuý Vân hiền hậu, Kiều sắc sảo, trước họng mưu Sở Khanh, "oai Tú Bà", kế "nước vỏ lựu máu mào gà", sợ vợ Thúc Sinh, ghen Hoạn Thư, tướng Từ Hải, quan Hồ Tôn Hiến, lính lệ "nách thước tay dao", v.v.. đều là những nhân vật tìm ngay bất kỳ nơi nào trong nước ta hồi Nguyễn Du mà ngay cả trong nước ngày nay một phần nào nữa. Vì những tình cảm, tâm trạng nhân vật ấy rất quen thuộc với nhân vật Việt Nam nên nhân dân Việt thấy được hình ảnh mình trong Truyện Kiều nhiều lắm, thậm chí đến ngay những lúc bất ngờ mở Truyện Kiều ra cũng hay gặp những tình cảm hay tâm trạng na ná với của mình hay có thể dính dáng đến mình được, thành ra đến người phải bói Kiều.

  d/ Truyện Kiều thành của dân tộc Việt Nam còn ở kỹ thuật của nó. Những câu hay nhất hay được người ta nhắc nhủ, nhớ đến luôn từ lúc họp hội "Tao đàn" đến những lúc nghe mùi nước đái khi ru con đều ngâm, ru bằng những câu Kiều ấy, phần lớn là những câu hoàn toàn, hay phần lớn là tiếng Nôm hay cũng có những câu đái chữ nhưng đã quen thuộc với người mình lắm rồi. Trừ một số tật "sính Tàu" như sau đây "sính Tây" (một bệnh đặc biệt của người trí thức trong những xứ mất nước và nhiều khi truyền nhiễm đến cả nhân dân nữa đấy) ra thì rất nhiều hình ảnh, ý thơ rất điêu luyện được phô bày ra rất rạch ròi không cầu kỳ, không ngoa ngoắt theo tiếng nói của nhân dân Việt Nam , do đó mà mọi người Việt Nam đều hiểu được mà thích nó. Một tác phẩm muốn là đại chúng phải là dân tộc.

 
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 06:46:02 pm »

  B. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Truyện Kiều là sản phẩm của dân tộc Việt Nam trong thời Lê mạt, nghĩa là trong lúc phong kiến suy đồi tàn tạ, trong nước hầu như vô chính phủ. Nông dân vốn không là một giai cấp lãnh đạo phá vỡ phong kiến để lập ra một xã hội khác, dù có một số thủ lĩnh nổi lên chống lại đi chăng nữa rồi cũng hủ hoá hay bị bọn quý phái ma lợi dụng bán họ đi để lập ra một triều đình nào đó thành ra trong hồi đó tâm trạng chung của nhân dân là chịu đựng cho qua ngày, nhưng không phải là tuyệt vọng với tương lai, nghĩa là hễ hơi gặp một cơ hội gì là bám lấy tìm sống. Lại cũng không được giáo hoá, nhất là không có duyên gì với khoa học, của riêng trong thời phong kiến, nên không thể hiểu được nguyên do  chính của sự đồi bại của giai cấp thống trị và nỗi điêu đứng của mình, nên chỉ trông chờ vào số phận, trông vào Trời có mắt. Họ không dám tin vào sức của mình mặc dầu cũng có những người hiên ngang muốn hay đã làm phẫn, kết cuộc rồi cũng chỉ thấy cái thua là hết, Nguyễn Du đã đem được phần lớn tình cảnh, tâm trạng của thời đại ấy trong nhân dân Việt Nam và phô bày ra trong Truyện Kiều. Tinh thần chịu đựng ấy đã hiện hình trong tất thảy mọi chịu đựng cảnh thanh lâu; chịu đựng mọi sự chịu đựng đến sức con người không thể chịu đựng nổi nữa mới kết thúc nó trong dòng sông Tiền Đường. Nhưng nhân dân hồi đó không phải là chỉ chịu đựng mà không căm hờn, oán giận. Tinh thần căm hờn oán giận ấy hiện hình ra bằng những lời than "bạc mệnh", những giọng chửi rủa lũ lính lệ "đầu trâu mặt ngựa", giọng mai mỉa lũ sỏ lá "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao"; những sự trách bọn con buôn "bán tơ" và bằng nhất thời "dọc ngang nào biết trên đầu có ai". Nhưng căm hờn, oán giận cũng chỉ hơi lộ ra thế thôi, khi nào chịu đựng không nổi, giấu bọc trong "hờn số giận phận" không nổi nữa mới hở ra ít chút thế thôi. Nông dân không có sự chống chọi gì lớn, mạnh nên trong Truyện Kiều không thể có tinh thần phản kháng hùng hồn như ta thấy trong Thuỷ Hử được. Truyện Kiều đem theo những khuyết điểm của thời đại: Định mệnh, tiêu cực. Ngoài ra còn đem theo một hệ tư tưởng lớn của thời đại là "chủ nghĩa đoàn viên" của giai cấp phong kiến, không cho phép vô hậu, nên bất đắc dĩ thêm vào việc "Tái hồi Kim Trọng" một cách kém duyên dáng và hút người như từ đoạn sông Tiền Đường trở về trước nữa. Tư tưởng ảnh hưởng đến kỹ thuật là thế đấy. Truyện Kiều là một áng văn chương kiệt tác của dân tộc Việt Nam trong thời Lê mạt, nên đã có tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của thời đại.

  III. Truyện Kiều và tác giả Nguyễn Du

  Truyện Kiều là sản phẩm của thời đại, nghĩa là của thời Lê mạt ở Việt Nam, nhưng nó không phải là những câu truyện kể rong khắp nơi chắp lại thành như cuốn Thuỷ Hử bên Tàu. Nó là tác phẩm của một tác giả hẳn hoi: Cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Cho nên công tội của Nguyễn Du trong tác phẩm của mình nhất định Nguyễn Du phải gánh lấy.

  Nguyễn Du là người "nhà nho thất thế" vì không gặp chủ. Vua Lê thất bại, thì tất nhiên Nguyễn Du không phải là hạng người hoàn toàn vì thế mà chán nản, mà hoàn toàn tiêu cực như Lý Bạch hay người khác. Nguyễn Du cũng còn giữ được phần ảnh hưởng phản kháng của cha ông một phần nào. Nhưng phần ấy trong tư tưởng Nguyễn Du rất ít, rất mỏng. Cho nên trong tác phẩm của mình: Truyện Kiều, tỏ ra rất nặng phần u uất, chịu đựng tiêu cực, gặp trường hợp phản kháng của Từ Hải cũng không thể làm gì nổi, cái gì tích cực với đề tài ấy nên kết thúc đời Từ Hải bằng cái "chết đứng".

  Nguyễn Du là một "nhà nho thất thế" nhưng không phải là hạng thất thế rồi bầu rượu túi thơ như Lý Bạch mà là người tìm tòi sống, tìm ngày mai. Nguyễn Du nay đây mai đó, lang thang tìm chỗ bám lấy đời. Nên do đó mà gần gũi nhân dân, nghe, thấy trong nhân dân nhiều, nên gần được nhân dân một phần nào: làm thơ Nôm, dùng hình thức trên sáu dưới tám, oán ghét bọn lính lệ "đầu trâu mặt ngựa", căm giận bọn "bán tơ", hằn học với quan vua "Hồ Tôn Hiến", mai mỉa thằng sợ vợ "Thúc Sinh", ghét lũ "Sở Khanh" là những thu hoạch của Nguyễn Du trong khi gần gũi nhân dân, cũng là khiến cho Nguyễn Du thành thi sĩ của nhân dân.

  Nguyễn Du là "nhà nho" tất nhiên tiêm nhiễm đầy đủ những tật tệ của bọn sĩ phu Nho giáo: Sính Tàu là một tật tệ của những sĩ phu mất nước hồi đó và hồi sau (sính Tây). Không tìm ra chuyện sẵn có trong xã hội, nhân dân Việt Nam mà lấy cái chuyện tầm phơ bên Tàu: "Thanh Tâm tài nhân", một cái gì mà chính người Tàu cũng không mấy người biết hay không , còn người biết đến về làm của quý, làm đề tài viết văn, làm thơ. Tình cảm, tâm trạng, nhân vật thì hoàn toàn Việt Nam nhưng cố khoác cái áo Tàu vào, nào là sông Tiền Đường, Lễ Đạp Thanh, nào là Lê Chuy, v.v... nhưng kỳ thực những cái đó chỉ là cái vỏ Tàu cho oai thế chẳng khác gì những người trong thời mất nước cho tây mà "sính tây" bằng lấy tên không tây, không Tàu, không ta như Leiba, Tchya, v.v... hay lối cắt ngang câu xuống dòng trong khi làm thơ, v.v...

  Nguyễn Du cũng còn mắc cái tật mê tín, duy tâm của những "nhà nho". Đời éo le của Kiều phải là tiền định, số phận của Kiều do Đạm Tiên báo mộng, và chủ nghĩa đoàn viên cho có hậu, hồn theo gió về hương hoa, v.v... những chuyện quá mê muội. Nhưng những cái ấy phần là lúc đầu Nguyễn Du mới khăn áo nhà nho ra cầm bút viết nhớ mình lắm. Nhưng dần dần đến sau khi Nguyễn Du tiếp xúc và say đắm trong những tình cảnh của người đời ấy, những tâm trạng, nhân vật của người đời ấy thì những sự thực ấy xua đuổi bản ngã của Nguyễn Du đi nhiều lắm. Cho nên Truyện Kiều của Nguyễn Du mới thành câu của nhân dân được. Nếu không, lúc nào cũng khăn áo nhà nho chỉnh tề viết từ đầu đến cuối như Phan Trần, Lục Vân Tiên, Hoa Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Tần Cung oán, v.v... thì sẽ cũng như những cuốn ấy gặp một số phận khá hẩm hiu trong dân chúng, đối với địa vị Truyện Kiều.

  Những thành tích và khuyết điểm của Nguyễn Du chưa phải hoàn toàn quyết định giá trị của Truyện Kiều, mặc dầu nó chiếm phần lớn. Vì Nguyễn Du, không phải hoàn toàn đồi phế, chán đời mà gần nhân dân nên nghe, thấy được những hơi thở của phần nào nhân dân. Cho nên trong Truyện Kiều đưa những hơi thở và nhịp điệu của con tim nhân dân trong những phút nào. Vì vậy mà Truyện Kiều có nhiều chỗ rung nhịp điệu của nhân dân mà thông cảm với nhân dân. Nhân dân yêu nó, mến nó, quý nó, coi nó là của mình nên, truyền tụng đi. Trong khi truyền tụng đi nhân dân sửa những nhịp điệu, âm điệu lệch lạc không đúng với của mình, dần dần rồi mới thành Truyện Kiều hoàn chỉnh, hay ho như ngày nay. Cho nên nói Truyện Kiều là một sản phẩm của dân tộc Việt Nam trong một thời đại nào đó còn có ý nghĩa là nhân dân đã tham gia tập thể sáng tác, góp sức với Nguyễn Du nhiều trong Truyện Kiều. Những cái mà người ta bảo là tam sao thất bản kia tức là những bản có các thứ ý kiến của nhân dân trực tiếp hay qua tay người trí thức gần gũi họ đưa ra đó. Một tác phẩm đại chúng không phải là do tay đại chúng trực tiếp sáng tác ra (bằng tập thể nghiên cứu viết hay truyền khẩu, hay kể chuyện, v.v...) cũng phải trải qua sự thẩm xét của đại chúng, sửa chữa của đại chúng rồi mới có được.

  IV. Văn chương Truyện Kiều

  Về văn chương Truyện Kiều đã có nhiều người mổ xẻ, chia cắt phơi bầy ra nhiều rồi, đồng thời nhiệm vụ bài này không lôi thêm phần ấy là phần chuyên môn hơn vào vì năng lực, thì giờ, công việc, mọi điều kiện quy định nên không dài lời.
Chỉ trình bày mấy nguyên tắc như sau:

  A. Khi chúng ta thấy những câu văn hay không nên chỉ bo bo đậm từng chữ, chữ này hay, chữ kia dở mà nên tìm ra những hình ảnh của câu văn ấy thế nào, so với sự thực, so với nhân vật, tình cảnh, tâm trạng ấy, trình độ thiết thực, rõ ràng, sâu sắc đến đâu. Giá trị của câu thơ không chỉ ở dùng chữ, dùng danh từ mà cốt là ở chỗ trình bày hình ảnh.

  B. Khi chúng ta nghiên cứu đến cách sắp đặt từng đoạn, từng tình tiết phải đặc biệt cân nhắc phần lượng, xác thực, thiết tha, của nó về nội dung từng đoạn, về so với toàn bộ tác phẩm. Địa vị và ý nghĩa của nó.

  C. Gặp những đoạn tả tình, tả cảnh, tả người hay, chúng ta nên cố gắng tìm cho ra những tình trạng, tình cảnh, nhân vật giống như thế hay tương tự như thế trong các văn học, thơ ngoại quốc để so sánh tìm những tình, cảnh, người Việt Nam khác với người nước ngoài thế nào, nguyên do của sự khác đó lại phải đi tìm điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá phong tục, rồi chúng ta sẽ có nhận thức rõ rệt hơn về thế nào là dân tộc tính. Rồi so sánh với những tình, cảnh, người trong các văn, thơ của sĩ phu quý phái để nhận thấy thế nào là tình, cảnh, người của đại chúng, v.v....

  Mấy nguyên tắc chính trong khi nghiên cứu văn chương Truyện Kiều là như thế.

  V. Kết luận

  Để kết luận, đưa ra điều nhận xét tổng quát của tôi về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Truyện Kiều là một kiệt tác văn nghệ của dân tộc Việt Nam thời Lê mạt. Nó đã phản ánh ra tình, cảnh, người của tầng lớp người bị bắt nạt trong thời kỳ hỗn loạn của thời ấy với tất cả tinh thần tiêu cực chịu đựng mặc dầu vẫn thổ lộ ra những căm hờn, oán giận những kẻ tay sai của giai cấp thống trị hồi đó, và tất cả sự không dám tin vào sức mình của họ (quy vào số phận để chịu đựng). Nhưng áng văn chương ấy có giá trị nhất, khiến cho nó thành ra của dân tộc, của nhân dân là chỗ bất kỳ tả tình, cảnh, người là được rất xác thiết, đúng mực và sâu sắc, rất đúng với nhịp điệu rung động của tình cảm của con người ấy trong tình cảnh ấy. Vì nó lại dùng những hình ảnh, lời lẽ của dân tộc, nhân dân và hình thức dễ gần nhân dân nhất nên nó mới thành một tác phẩm của người Việt Nam. Đó là vì Nguyễn Du không phải loại "nhà nho thất thế" chán đời, giận đời mà là một "nhà nho thất thế" chịu đựng để đợi thời (trong khi đợi thời thì tìm trong một phần nào nhân dân hạng "gia tư thường thường bậc trung). Nhưng Truyện Kiều mang nhiều khuyết điểm khiến cho người ta không hoàn toàn tán thành toàn bộ Truyện Kiều, coi như là một tác phẩm tận thiện tận mỹ. Nó còn đeo nặng vết tích "định mệnh" của "Nho, Phật" giáo, do đó Truyện Kiều bị một số người mạt sát. Vì nó là phản ảnh tinh thần chịu đựng của hạng người gia tư thường thường bậc trung trong thời hỗn loạn như hồi Lê mạt nên thiếu tinh thần quật cường của phần lớn nhân dân lao khổ hồi đó (bởi qua đề tài quan trọng là Từ Hải). Nó còn nhiều chỗ dùng điển tích, đất sông Tàu, đeo nặng tinh thần mất nước. Đó là vì Nguyễn Du là một trí thức phong kiến đeo nặng tinh thần Nho, Phật giáo, đeo nặng tật sính Tàu và khép mình vào quy củ chủ nghĩa đoàn viên.

  So công và tội Truyện Kiều, Nguyễn Du thì chúng ta thấy phần công vẫn to hơn, nghĩa là tin chắc rằng chúng ta có thể lấy Truyện Kiều làm một vinh dự cho nền văn hoá, nhất là văn nghệ của dân tộc Việt Nam. Mạt sát là có tội với dân tộc, nhân dân và tác giả.

21-10-1949
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 06:48:54 pm »

Lời cảm tạ



  Tháng 10 năm 2005, ngày giỗ lần thứ 49 cha tôi, trong nỗi tiếc thương da diết bởi cuộc đời chưa đầy nửa thế kỷ của ông, thắp tuần nhang, những Thiếu sinh quân Khu IV ngày nào nay đã qua tuổi xưa nay hiếm, lầm rầm khấn ông phù hộ cho họ mạnh khỏe cùng nguyện vọng năm 2006, họ có được trên tay một cuốn sách khá đầy đủ những hiểu biết về "thân thế và sự nghiệp của anh... chắc chắn lịch sử sẽ không quên" (trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngày 31-12-1993), và bởi ông "rất yêu nhân dân, Tổ quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam và ông cũng rất yêu nhân dân, đất nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc" (trích lời ông Phạm Đông Vĩ, Hội trưởng Hội Hữu nghị Trung - Việt, tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít Nhật và phát xít quốc tế, tổ chức tại Bắc Kinh, tháng 9-2005).

  Trong khói trầm hương, trước bàn thờ cha và bên những Thiếu sinh quân, tôi không sao ngăn được nước mắt, tôi coi các bậc lão niên đó như cha chú, cảm ơn những cán bộ, chiến sỹ một thời là lính Cụ Hồ đã nói hộ chúng tôi những ước nguyện về người cha kính yêu.
Kể từ năm 1993, và nhất là sau lần bạo bệnh vào mùa Xuân năm 2004, trong tôi lúc nào cũng thôi thúc làm việc hiếu với cha mẹ và là thêm một lần cảm ơn tất cả những người đã gặp cũng như chỉ gặp trên trang giấy, những người đã yêu quý cha tôi mà cho thế hệ cháu con chúng tôi thêm những hiểu biết về một "cán bộ quân đội nhân dân".

  Từ sau Hội thảo tưởng niệm Tướng Nguyễn Sơn do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, những bài báo, các sách "Tướng Nguyễn Sơn", "Lưỡng quốc tướng quân", "Nguyễn Sơn - vị Tướng huyền thoại", "Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương", "Luận văn chính trị - quân sự"... phim tư liệu 4 tập về Nguyễn Sơn, đại thể chân dung, danh tính cuộc đời của cha tôi đã được khắc họa tương đối đầy đủ, rõ nét. Một lần nữa và mãi mãi những người thân của cha tôi xin trân trọng cảm ơn Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Sứ quán và Hội Hữu nghị của hai nước Việt Nam, Trung Quốc, các nhà khoa học, sử học, Họ Vũ Việt Nam, các nhà văn, nhà báo ở Việt Nam và Trung Quốc, các cựu Thiếu sinh quân, bạn bè, nhà xuất bản, đài truyền hình, đoàn làm phim và tất cả độc giả.

  Năm nay, kỷ niệm 50 năm ngày cha tôi về với thế giới người hiền (21-10-1956 - 21-10-2006), Nhà xuất bản Thông Tấn xuất bản cuốn sách với tựa đề"Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc Tướng quân" là một lần nữa tôi được viết thêm những dòng mà hơn chục năm qua, chúng tôi chưa có dịp bày tỏ quanh việc làm sách, làm phim và tiếp nhận các tài liệu về cha tôi.

  Ngày 31-12-1993, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kỷ niệm 85 năm ngày sinh Tướng Nguyễn Sơn, hội trường lớn của Bảo tàng Cách mạng chật ních. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và bài phát biểu của Đại tướng được nhiều tác giả khai thác làm đề từ cho các bài báo và sách viết về Nguyễn Sơn. Giáo sư Đinh Xuân Lâm, nhà sử học Dương Trung Quốc, giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Phạm Xanh, tiến sỹ sử học Nguyễn Văn Khoan và nhiều nhà khoa học đã tham luận về đóng góp của Tướng Sơn trong cuộc Cách mạng của dân tộc. Các đồng đội, các Thiếu sinh quân như chú Hoàng Minh Phương, chú Nguyễn Khắc Huỳnh, bác gái Phạm Kiệt, họa sỹ Phạm Văn Đôn, chú Trần Hồng Lạc, chú Cao Bá Sanh (nguyên Trưởng ban tác chiến Liên khu IV)... cùng nhiều con cháu gia tộc họ Vũ đã có bài phát biểu.

  Giờ giải lao, các cựu Thiếu sinh quân Liên khu IV ngồi góc hội trường hát vang bài "Râu Bác Sơn" - bài hát nhiều năm nằm trong lòng các "lão vệ nhí". Hôm đó anh chị em chúng tôi quá xúc động, không biết nói gì chỉ có nước mắt tuôn trào, chúng tôi chưa dám nghĩ có một buổi tưởng niệm tình cảm chân thành, sâu sắc như vậy, bởi từ sau ngày cha tôi mất, việc đánh giá rất dè dặt, không ít người e ngại nhắc đến ông, như trường hợp chúng tôi có tiếp một lão chiến sỹ, ông kể chuyện về cha tôi say sưa, đề nghị chúng tôi ký tên vào những bức ảnh mà ông lưu giữ. Nhân dịp làm sách chúng tôi mời ông cộng tác, ông từ chối và từ đó cũng không đến nhà chúng tôi nữa.

  Sau lễ tưởng niệm, với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, và sự ủng hộ nhiệt tình của Ban giám đốc, Ban biên tập Nhà xuất bản Lao Động, cuốn sách Tướng Nguyễn Sơn" được xuất bản. ấn phẩm được bạn đọc đón nhận và góp thêm tư liệu để năm 1995 cuốn sách thứ hai có tên "Lưỡng quốc Tướng quân" được xuất bản.

  Năm 1996, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có phong trào góp một giọt đồng đúc tượng danh nhân, tượng đồng Tướng Nguyễn Sơn do nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán thể hiện có mái tóc bồng bềnh, đầu hơi nghiêng, mắt liếc ngang với nụ cười hóm. Gia đình chúng tôi cùng một số cựu Thiếu sinh quân Liên khu IV xin phép Hội Khoa học lịch sử đúc thêm tượng cha tôi. Chúng tôi tổ chức rước tượng về nhà với nghi thức giản dị nhưng trang trọng, hôm đó có đông đảo học sinh, đồng đội của bố tôi và vợ chồng đại tá tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng dự lễ.

  Năm 2001, nhân ngày giỗ lần thứ 45 của cha tôi, được lời mời của Phó Chủ tịch Quân ủy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trì Hạo Điền, tất cả 6 chị em chúng tôi đã sang Trung Quốc dự lễ trao tặng tượng đồng Tướng Nguyễn Sơn do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tặng Bảo tàng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. 9 giờ sáng ngày 21-10-2001 tại Bảo tàng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, lễ tiếp nhận tượng được tổ chức long trọng. Mẹ Trần Kiếm Qua và các anh chị Hàn Phong, Tiểu Việt, Lâm Song Song, Lý Vân Khởi đều đến dự. Có đến gần 100 khách, ông Hàn Thủ Văn, Trung tướng Nhiếp Lệ (con gái Nguyên soái Nhiếp Vĩnh Trăn), Trung tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thiếu tướng Giám đốc bảo tàng, con gái các ông Lý Phú Xuân, ông La Quý Ba, con trai Nguyên soái Chu Đức, các lão Hồng quân, nhiều quan khách cùng các phóng viên đài, báo, truyền hình. Sau lời tuyên bố lý do, giới thiệu khách dự, là phần trao tượng. Bức màn đỏ phủ tượng vừa mở ra, bà Nhiếp Lệ chủ động hô tất cả nghiêm lạy 3 lạy. Chị em chúng tôi nghiêm lạy trong dòng nước mắt. Kết thúc những người dự lễ về phía bạn đều có danh thiếp để chúng tôi ký tên, còn chúng tôi thì ngơ ngẩn tiếc vì không biết chuẩn bị gì để giữ mãi kỷ niệm cùng các vị khách trong một ngày đặc biệt thế này.

  Hơn mười năm kể từ khi cuốn "Tướng Nguyễn Sơn" xuất bản, qua các kênh thông tin báo, đài, truyền hình, tạp chí... bạn đọc trên các vùng miền Tổ quốc có điều kiện hiểu biết về cha tôi nhiều hơn. Có nhiều chuyện làm tôi cảm động, như trường hợp bác thợ cắt tóc Cao Văn Tuế ở chợ Bưởi đã tặng gia đình tôi hai câu đối thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ Nguyễn Sơn: Chí tráng Sơn Hà lưỡng quốc tạc / Danh truyền sử sách thiên thư lưu. Nhận được câu đối chị em chúng tôi mời bác Tuế cùng xuống Nghĩa trang Mai Dịch. Trước mộ Tướng Sơn, bác Tuế đọc đôi câu đối sau đó hóa trước mộ với hy vọng Tướng quân cảm nhận được.

  Năm 1999, Bảo tàng Quân đội có triển lãm tranh nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Họa sỹ Ngô Đồng (Tp Hồ Chí Minh) có bức tranh sơn dầu khổ lớn (98x109) mang tựa đề "Ông tướng huyền thoại" - với mái tóc bồng, miệng ngậm tẩu. Gương mặt ông tướng được thể hiện màu đồng nổi bật trên nền bức tranh đỏ sẫm. Dọc 2 bên bức tranh là đôi câu đối của bác Cao Văn Tuế. Bức tranh đoạt giải khuyến khích của Ban tổ chức. Sau triển lãm họa sỹ Ngô Đồng đã tặng lại chị em tôi bức tranh. Hằng ngày, ngắm nhìn cha tôi với đôi mắt sáng vừa nghiêm khắc vừa thân thương như nhắc nhở động viên con cháu lao động, sống xứng đáng với thế hệ ông cha - cán bộ quân đội nhân dân. Bác thợ cắt tóc Cao Văn Tuế thường xuyên đến ngắm bức tranh và cảm động vì đôi câu đối của bác đã được họa sỹ thể hiện trên tranh. Bác Tuế kể lại bác đã ngắm bức tranh ngay từ ngày đầu cuộc triển lãm, một hôm bác nghe tin bức tranh không còn trưng bày nữa, bác tất tưởi đạp xe đến Bảo tàng, không may trên đường bị xe máy va vào ngã, tuy rất đau bác vẫn vội vã dắt xe lên đi tiếp như sợ đến chậm sẽ không còn dịp gặp "ông tướng" trong tranh, nhưng đến nơi bức tranh vẫn nguyên vị, bác vui vẻ quên cả đau.

  Kỷ niệm 50 năm ngày hai nước Trung - Việt thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhà xuất bản Thế Giới đương đại phát hành cuốn "Hoàng Hà tình, Hồng Hà luyến". Cuốn sách là hồi ức của Mẹ Trần Kiếm Qua về cuộc kháng Nhật của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mà Ngọc Anh và Hồng Thủy tham gia, trong gian khổ chiến đấu mối tình của họ nảy nở, kết duyên vợ chồng. Nửa thế kỷ đã qua, xúc cảm của Mẹ Trần về cuộc trường chinh, về tướng quân họ Nguyễn vẫn như nguyên vẹn. Nhà văn Châu Yến đã giúp đỡ tác giả rất nhiều để hoàn thành bản thảo. Chồng của nhà văn Châu Yến là cán bộ quân đội, ông ngoại của nhà văn đã cùng làm việc với Tướng quân Hồng Thủy tại Diên An. Khi "Hoàng Hà tình, Hồng Hà luyến" đến với bạn đọc, nhiều độc giả Trung Quốc đọc trong nước mắt, nhà xuất bản và tác giả nhận được tới 6 vạn bức thư của bạn đọc gửi tới bày tỏ lòng ngưỡng mộ, báo chí đăng tin, chương trình phát thanh quốc tế buổi tiếng Việt của Đài phát thanh Trung Quốc đã đọc toàn bộ tác phẩm. Tại Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại gọi Tướng Nguyễn Sơn bằng bác, đã dịch toàn bộ tác phẩm ra tiếng Việt. Tướng Nguyễn Đồng Thoại rất giỏi tiếng Trung, là người tài hoa, thích hát và rất thương cán bộ, chiến sĩ, trong Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu mọi người đánh giá ông là tướng chiến lược.

  Cuối năm 2001, đại diện của Đài truyền hình Vân Nam Trung Quốc, đạo diễn Chử Gia Hoa và đại diện Công ty nghe nhìn Đài truyền hình Hà Nội là các anh Kiểm, anh Bình, đã gặp gia đình chúng tôi thông báo kế hoạch làm bộ phim tư liệu dài về Tướng quân Nguyễn Sơn. Đoàn làm phim đề nghị gia đình cộng tác những ngày đoàn làm phim tại Việt Nam. Ngày bộ phim khởi quay, đạo diễn Chử Gia Hoa nói với tôi: "Tại sao chị không cho cháu Thu làm phiên dịch cho đoàn?". Tôi trả lời: "Được theo đoàn đi làm phim về ông ngoại cháu là điều rất vinh dự, chỉ có điều không biết cháu có đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn không?" Và cháu Hà Thị Trường Thu đã trở thành phiên dịch cho đoàn làm phim đi suốt dọc chiều dài đất nước. Đi theo đoàn làm phim, sau khi về cháu Thu kể rất nhiều chuyện, nhưng tôi nhớ nhất là cứ đến nơi nào khổ quá, đạo diễn Hoa lại đùa: "Ông ngoại mi thật "dại", đang sống trong gia đình sung sướng như vậy mà không yên, lại đến những nơi gian khổ thế này để làm cách mạng. Bây giờ chúng mình đi lại để làm phim cũng bị "khổ lây".

  Sau nhiều ngày lao động vất vả, làm việc cả vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, 4 tập của bộ phim đã hoàn thành và được công chiếu rộng rãi. Chị em chúng tôi rất cảm động và tự hào về người cha kính yêu dù Người đã ra đi từ lúc chúng tôi còn quá bé để hiểu về ông.

  Thưa toàn thể các bác, các chú, các bạn đọc đang có cuốn sách "Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc Tướng quân" trong tay, xin thay mặt các anh chị em, con cháu của tướng Nguyễn Sơn cùng gia tộc họ Vũ một lần nữa xin cảm tạ, xin ghi nhận thịnh tình của các bác, các chú và bạn đọc đã quan tâm, giúp đỡ và cộng tác để hình ảnh cha chúng tôi được lưu truyền cùng hậu thế.

  Xin kính chúc sức khỏe các bác, các chú và bạn đọc.

  Trân trọng cảm ơn.

Thay mặt các con của Tướng Nguyễn Sơn

Con gái
Nguyễn Thanh Hà
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2008, 06:56:32 pm »

Tóm tắt tiểu sử tướng Nguyễn Sơn

Năm1908 Ngày 1-10, Vũ Nguyên Bác (sau này là Hồng Thủy, Nguyễn Sơn) chào đời tại phố Yên Ninh, Hà Nội (nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình) trong một gia đình có 6 anh chị em (năm trai, một gái). Vũ Nguyên Bác là con thứ 4. Chính quê là làng Kiêu Kỵ - làng có nghề làm "quỳ" dát vàng - trước thuộc Gia Lâm, Bắc Ninh nay thuộc Hà Nội.

1915 Học Trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, học chung với trẻ con Pháp và học sinh theo đạo Thiên chúa. Hết cấp, được chuyển sang học tại Trường sư phạm nội trú Hà Nội.

1924 Lập gia đình. Năm sau sinh con gái đầu lòng. Chịu ảnh hưởng của bố và bạn bè của bố tham gia, liên quan đến vụ "Hà thành đầu độc", được nghe mẹ kể chuyện, thơ văn yêu nước, Vũ Nguyên Bác đã tham gia "Hội kín" do một báo vụ viên tên là Kim Thanh tuyên truyền, kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Khoảng cuối 1925 - đầu 1926 Cùng với Bàng Thống (Tự Chính) được Nguyễn Công Thu, giao thông của Nguyễn Ái Quốc đưa đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) vào học lớp "chính trị đặc biệt".

  Bắt đầu học tiếng Trung Quốc. Trong khoá học đã được tiếp xúc với Chu Ân Lai, Bành Bái (cán bộ lãnh đạo cách mạng Trung Quốc), Bôrôđin (phái viên của Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô).

1926 Vào học Trường Hoàng Phố, trường quân sự do Tôn Trung Sơn mở với sự giúp đỡ giảng dạy, đào tạo của các cố vấn Liên Xô.

1927 Tháng 8 - vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
            Tháng 12 - tham gia Quảng Châu khởi nghĩa bị lộ, rời Quảng Châu nhận công tác ở địa phương.

1929 Tới khu du kích Đông Giang (phía Tây Quảng Châu) được Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm giữ chức vụ Chính trị viên đại đội Trung đoàn 47 Hồng Quân Trung Hoa, chỉ huy đại đội đánh nhiều trận ở Nga Phu, Xích Thanh, Hoàng Xa.

  Đổi tên mới là "Hồng Thủy".

1931 Được điều động nhận nhiệm vụ Chính ủy Trung đoàn 102, rồi Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12 Hồng Quân, khi đó ông mới 23 tuổi.

  Cuối năm, được cử làm Trưởng phòng tuyên truyền văn hoá - Câu lạc bộ nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo viên chính trị... tại Trường quân chính Trung ương của Hồng Quân.

1932 Thành lập "Công nông kịch đoàn", sắm vai chính trong vở kịch "Ngọn lửa Thượng Hải", trình diễn tại khu căn cứ Thụy Kim, được nhân dân và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Hạng Anh... nhiệt liệt hoan nghênh.

1934

  Tháng 1: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II nước Cộng hoà Xô viết Trung Hoa, được bầu làm uỷ viên Trung ương cùng với Tốt Sỹ Đệ (người Triều Tiên) là hai đại biểu "dân tộc ít người" duy nhất được bầu.

  Cuối năm: Do để mất 20 (hai mươi) đồng "ngân phiếu Công nông" (tiền lưu hành trong khu căn cứ), Hồng Thủy bị khai trừ Đảng, về Trường Đảng làm giáo viên, thuộc quyền của Hiệu trưởng Đổng Tất Vũ. Ít lâu sau đó được phục hồi.
 
  Được Chu Đức và Lưu Bá Thừa chỉ định vào "Đội trực thuộc", chính ủy viên chi bộ thuộc Trung đoàn cán bộ đỏ do Trần Canh chỉ huy, cùng với 30 vạn Hồng Quân rời khu Xô Viết Giang Tây, "trường chinh"...

1935 Bị Trương Quốc Đào vu cho là "gián điệp quốc tế" nên phải ra Đảng lần thứ 2.

1936 Tại Diên An, được đưa về làm giáo viên Trường quân chính Hồng Quân, Hiệu trưởng Lưu Bá Thừa đã bác bỏ quyết định khai trừ Hồng Thủy, ra quyết định mới phục hồi Đảng tịch.

1937 Hồng Thủy rời Trường Quân chính Hồng Quân, tới nhận nhiệm vụ tại Cục Chính trị Bát Lộ quân do Nhiệm Bật Thời làm chủ nhiệm và Đặng Tiểu Bình, phó chủ nhiệm Cục, đi xây dựng căn cứ chống Nhật ở Ngũ Đài Sơn.

1938 Lập gia đình với Trần Ngọc Anh, quê Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Ngũ Đài, Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồng Thủy đã đổi tên Trần Ngọc Anh thành "Kiếm Qua".

  Bị Diêm Tích Sơn "địa chủ, lãnh chúa" ở Sơn Tây, bấy giờ tham gia vào Mặt trận thống nhất vu cáo, đả kích, Đảng bộ Ngũ Đài Sơn khai trừ Hồng Thủy ra khỏi Đảng, chuyển về Trường Quân chính Hồng Quân. Tại trường, cuối năm, Hồng Thủy được khôi phục Đảng tịch.

1939 Uỷ viên biên tập báo "Kháng địch" của Quân đoàn Tấn-Sát-Ký (thuộc 3 tỉnh Sơn Tây-Hà Bắc-Sát Cáp Nhĩ) rồi Phó chủ nhiệm
báo này.
 
1941 Trên đường hành quân chống lại cuộc tấn công của Nhật vào khu Tấn-Sát-Ký, khi Hồng Thủy đang ở đơn vị, Kiếm Qua sinh con gái "Phong Ba" vào ngày 1-10 trong một hang đá lạnh. Sáu tháng sau, do viêm phổi, Phong Ba đã chết.

1943 Tháng 4: Hồng Thủy và Kiếm Qua được điều động về Diên An tham gia chỉnh phong ở phân hiệu 2 Trường Đảng Trung ương, sau đó nhận công tác tại Diên An.

1944 Kiếm Qua sinh con trai, được Hồng Thủy đặt tên là "Hàn Phong".

1945 Hồng Thủy chia tay với Kiếm Qua, khi đó bà đang có mang - sau này sinh bé trai thứ 2 tên là "Tiểu Việt" - trên bờ sông Diệu Thủy - Diên An để trở về Việt Nam.

Từ 1946 đến 1950
   
  Với tên mới, Nguyễn Sơn được giao các nhiệm vụ "Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam, kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Trung bộ", Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng Trường lục quân Quảng Ngãi, Khu trưởng Chiến khu IV,...
   
  Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Sơn đã kết hôn với Huỳnh Thị Ngọc Lan (năm 1947 - sau đó mất liên lạc). Hai người được một con gái tên đặt là Mai Lâm. Mai Lâm đã được gia đình ông bà Hồ Học Lãm nuôi cho tới 1956.

  Cuối năm 1948, Nguyễn Sơn lập gia đình với Lê Hằng Huân và sinh được 4 người con là: Hà, Cường, Hồng, Hằng.
   
  Ngày 20-1-1948, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh phong Nguyễn Sơn quân hàm Thiếu tướng.

1950 Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc, công tác tại Bộ Tổng tham mưu giải phóng quân.

1955 Tháng 9: Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng Chính phủ) Trung Quốc Chu Ân Lai ký lệnh trao quân hàm "Thiếu tướng cho Hồng Thủy, Xã trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Huấn luyện chiến đấu".

1956

  Đầu năm: Do nhiều năm chiến đấu gian khổ, Nguyễn Sơn mắc bệnh hiểm nghèo, được đưa vào Viện quân y mổ phổi dưới sự giám sát của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và đã phát hiện có khối u.

  Tháng 9, ngày 27: Sau khi được Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Bành Đức Hoài tiếp thân mật, đồng ý để Nguyễn Sơn về nước, thu xếp cho Nguyễn Sơn một toa xe hoả riêng có 2 bác sĩ đi cùng, cấp cho Nguyễn Sơn ba mươi ngàn nhân dân tệ, Nguyễn Sơn lên ga Bắc Kinh trong sự lưu luyến chân thành tiễn chân của hơn 200 cán bộ cao cấp quân đội, ngoại giao, bạn bè Trung Quốc.

  Tháng 9, ngày 30: Nguyễn Sơn về đến Hà Nội, ở tại ngôi nhà hai tầng đầu phố Lý Nam Đế. Trong ngày, Nguyễn Sơn được lệnh của Bác Hồ "ngày mai Bác muốn gặp chú Sơn".

  Tháng 10, ngày 9: Nguyễn Sơn vào điều trị tại Bệnh viện Việt-Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị).

  Tháng 10, ngày 21, 9 giờ sáng: Nguyễn Sơn đang nói chuyện với bà Hồ Học Lãm thì bị cơn sốc, khó thở. Các bác sĩ Việt Nam, Liên Xô hết lòng cấp cứu, nhưng đến 15 giờ 30 cùng ngày, Nguyễn Sơn đã "ra đi".

  Tháng 10, ngày 22; Lễ tang Nguyễn Sơn được tổ chức long trọng tại Hà Nội.



HẾT
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM