Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:48:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự tham gia của bộ đội tên lửa Liên Xô trong Chiến tranh chống Mỹ  (Đọc 108594 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #60 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2014, 11:59:12 pm »

Chúng tôi lấy sơ đồ, đi ra chỗ bệ phóng bố trí dưới lưới ngụy trang trong bóng râm và tìm nguyên nhân hư hỏng. Chúng tôi đã tìm thấy và chỉ vừa kết thúc sửa chữa thì trắc thủ cabin "U" chạy đến nói rằng SCH trung đoàn thông báo: một tốp máy bay lớn đang bay đến trận địa chúng tôi, mọi người cần phải ẩn nấp, tắt tất cả máy móc thậm chí cả việc liên lạc, đại khái như vậy. Chúng tôi đang ngồi và cứ ngồi như vậy dưới bệ phóng, trong lúc những chiếc máy bay lao qua đầu chúng tôi ở độ cao 300-500m. Dĩ nhiên thật may cho chúng tôi là chúng bay ở độ cao thấp như vậy nhưng chỉ bắt đầu trút bom ở phía trước cách chúng tôi 7-10km. PPK lúc này làm việc rất tốt vì cả PPK cỡ nòng nhỏ và súng máy PK cũng có tất cả các cơ hội tính sổ với lũ kền kền này. Các cuộc không kích diễn ra làm 3 đợt, kéo dài khoảng 40-50 phút, dù với chúng tôi nó như thể vô tận. Rồi mọi thứ yên dần, điện đài nhận tin từ SCH lệnh "Báo yên, lên đường!". Một lần nữa trong đời tôi lại thêm tin vào câu cách ngôn "nỗi khiếp sợ có đôi mắt rất to" (tôi đã nghiệm thấy điều này trong các vụ bị ném bom thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại). Đội ngũ quân nhân trong đúng một nửa giờ đã thu hồi khí tài, tập hợp đoàn xe máy và phóng như bay đến trận địa dự bị trong rừng.


Bác Hồ đến thăm trận địa của tiểu đoàn 61 trung đoàn 236 (chỉ huy Hồ Sĩ Hưu và I.K.Proskurin) ngày 26 tháng 8 năm 1965, sau trận đánh mà tiểu đoàn phóng 3 đạn diệt 4 máy bay Mỹ.

Sau một lúc, chủ nhiệm TLPK Tuyên, kỹ sư trưởng Dục, phiên dịch viên tới chỗ chúng tôi, họ hỏi chúng tôi cảm giác thế nào và chúng tôi "lễ phép" trả lời. Chúng tôi hỏi họ phía trước bị ném bom là cơ sở nào. Chủ nhiệm TLPK cười phá lên và đề nghị chúng tôi cùng đến đó. Khi chúng tôi đến nơi thì thấy khu vực tại đó các hệ thống TLPK bị ném bom...là hệ thống bằng tre. Người Việt Nam trong vài ngày đã dựng lên hai trận địa giả, họ làm các ma-két cabin, bệ phóng, đạn, từ gỗ mà chủ yếu là tre, cót, giấy bồi, sơn tất cả theo màu tổ hợp TLPK, ngụy trang, nhưng sao cho từ trên không có thể nhìn thấy chúng, bao quanh các trận địa của chúng tôi và các trận địa giả là một cụm bộ đội PPK và súng máy PK lớn (đến 9 trung đoàn), vì mục tiêu bay ở độ cao thấp nên chúng gào rú khủng khiếp như vậy, có 9 máy bay bị bắn rơi và một tuần lễ sau trận đánh này người ta không thấy bóng máy bay xuất hiện trên không. Sau khi tận mắt thấy, chúng tôi đi về khách sạn mà trong lòng vô cùng thỏa mãn, chúng tôi lăn ra ngủ mê mệt cả ngày giống như tất cả những người khác đã tham gia trận đánh.

Một ngày sau chúng tôi nghe radio (chúng tôi đã mua máy thu thanh "Spidola" có băng sóng ngắn và cực ngắn) và nghe người Mỹ đưa tin như sau. Họ thông báo cho cả thế giới rằng "... tại Việt Nam hai máy bay đã bị các hệ thống SAM-2 Soviet bắn rơi (họ gọi tổ hợp TLPK S-75 "Dvina" của chúng ta như vậy), còn chúng tôi đã ném bom trả đũa tiêu diệt hai hệ thống TLPK". Chưa quá 2 tiếng sau, đài Nhật tuyên bố người Mỹ nói láo, vì TLPK đã bắn rơi 4 chứ không phải 2 máy bay, còn họ đã ném bom tiêu diệt trận địa TLPK toàn các mô hình đồng thời mất thêm 9 máy bay nữa. Vậy là thinh không tràn đấy những lời cãi lộn còn chúng tôi cứ tiếp tục lao động.

Trận đánh này làm chúng tôi cùng các bạn Việt Nam phải nghĩ đến việc cải tiến hoàn thiện đội hình chiến đấu cho các tiểu đoàn. Tiểu đoàn TLPK - đó không phải là các khẩu đội PK lúc nào muốn là có thể nhanh chóng chuyển sang trận địa khác được ngay mà là hệ thống để thu hồi phải mất 40-60 phút. Cũng vì số tiểu đoàn còn ít nên việc thành lập cụm TLPK để yểm trợ cho nhau là chưa thể. Do đó sau cả một thời gian dài suy tính, phương án "phục kích" đã được chọn. Nó có nghĩa là 1 hoặc 2 tiểu đoàn TLPK được bí mật triển khai trên tuyến đường bay nhiều khả năng của không quân địch, phóng đạn tiêu diệt mục tiêu, rồi khẩn trương thu hồi khí tài chuyển sang trận địa khác đã chuẩn bị từ trước. Việc này không được tiêu tốn quá một giờ đồng hồ nếu không sẽ bị địch ném bom. Chiến thuật trên bản thân nó đã tự chúng tỏ tính đúng đắn, và nếu thực hiện tốt sẽ gần như không có tổn thất.

Có một trường hợp thế này xảy ra ngày 7 tháng 11 năm 1965, chúng tôi cùng các bạn Việt Nam đang kỷ niệm ngày lễ thì người cần vụ chạy đến báo một tiểu đoàn đã bị tiêu diệt. Tiểu đoàn TLPK này làm nhiệm vụ bảo vệ Hải Phòng, ngày hôm trước nó vừa bắn rơi 2 chiếc A-4D nhưng sau đó không chuyển trận địa. Bất ngờ từ phía biển, ở độ cao cực thấp trên đỉnh sóng, bọn cường kích lẻn vào. Các chiến sĩ PPK bảo vệ tiểu đoàn cũng bỏ lỡ mục tiêu và tiểu đoàn đã bị tiêu diệt trên thực tế. Khi chúng tôi xuống đến nơi thì chứng kiến một bức tranh kinh khủng, ngay cả cabin "U" cũng bị đánh chổng vó lên trời. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh. Trước đó tiểu đoàn vừa được kiện toàn bổ sung quân số toàn bộ các quân nhân Việt Nam. Sau sự cố trên khuyến cáo chuyển trận địa sau mỗi trận đánh được thực hiện răm rắp không phải bàn cãi nhắc nhở gì nữa và những tổn thất như vậy không còn xảy ra.

Theo mức độ khí tài về đến nơi, người ta biên chế thêm một trung đoàn nữa. Tiến trình đào tạo chia làm 3 giai đoạn:
- giai đoạn 1 - học lý thuyết và thực hành tại trung tâm huấn luyện;
- giai đoạn 2 - khi các tổ hợp TLPK của chúng ta bắt đầu tới, chúng tôi bổ sung học viên cho các tiểu đoàn và thành lập các kíp chiến đấu kép. Trong giai đoạn này người Việt Nam cùng chiến đấu với chúng tôi và làm chủ vũ khí khí tài;
- giai đoạn 3 - tại tiểu đoàn chỉ còn lại các kíp chiến đấu Việt Nam. Các đồng đội của chúng ta tại tiểu đoàn, đặc biệt trong khi diễn ra trận đánh, không có mặt. Tại mỗi tiểu đoàn TLPK chỉ còn 7-8 chuyên gia Soviet, nhưng họ thường nằm cách xa tiểu đoàn 2-3km và chỉ được huy động làm công tác bảo trì thường xuyên và trợ giúp sửa chữa khuyết tật.

Khai thác và sửa chữa khí tài trong điều kiện chiến đấu

Theo mức độ những thành công của chúng ta, người Mỹ buộc phải thay đổi chiến thuật. Họ đề ra kế hoạch thực hiện các đòn mật tập vào các tiểu đoàn TLPK, áp dụng công kích ở độ cao thấp, hoàn thiện thao tác cơ động chống TLPK, trên máy bay của họ lắp thiết bị cảnh báo đã vào vùng chiếu xạ của tổ hợp TLPK và cảnh báo việc phóng đạn TLPK, sử dụng phổ biến tất cả các loại nhiễu tích cực có thể có, bắt đầu sử dụng tên lửa "Shrike" - một loại tên lửa không-địa tự dẫn, những điều đó bắt buộc chúng ta phải tìm cách đối phó, trước hết là bằng trí tuệ.

Tổ hợp TLPK S-75 "Dvina" của chúng ta theo đặc tính kĩ-chiến thuật đảm bảo tiêu diệt mục tiêu ở các độ cao từ 1 đến 23 km, mà người Mỹ thì bắt đầu chuyển sang bay ở độ cao 300 - 500 m. Tất nhiên ở độ cao này thì PPK tiêu diệt chúng tốt, nhưng cần phải hoàn thiện tổ hợp. Đã có đề nghị gọi các đội sản xuất ngành công nghiệp quốc phòng tới đây để chỉnh sửa tổ hợp TLPK. Chúng tôi chuẩn bị khu vực để chỉnh sửa tổ hợp và cùng nhau chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, nhân lực cho xưởng sửa chữa.

Trong mỗi một trung đoàn mới thành lập, xưởng sửa chữa được xây dựng theo cấu trúc các trung đoàn của chúng ta, lấy quân từ số các học viên đã qua đào tạo, các thợ lành nghề về cơ khí được động viên từ hệ thống dân sự. Các xưởng cơ khí trong phạm vi bộ đội TLPK (binh chủng) người ta cũng tuyển chọn theo nguyên tắc ấy. Xưởng của binh chủng TLPK ngay lập tức tham gia vào các cải tiến đặc biệt là về mặt cơ khí. Các bên đã ký thỏa thuận là người Việt Nam sẽ không trao cho người Trung quốc các sơ đồ chỉnh sửa cải tiến và quy trình thực hiện các cải tiến đó. Nhưng tiếc thay chẳng có gì như vậy được thực hiện. Chuyên gia của chúng ta vừa rời xưởng nơi hoàn thiện cho tổ hợp TLPK, thì người Trung quốc liền đến và chụp ảnh toàn bộ những thay đổi trong sơ đồ, nghiên cứu các chi tiết. Bản thân tôi cũng chạm trán với họ, khi tôi quyết định kiểm tra xem công việc tiến triển đến đâu. Các chuyên gia của chúng ta đã đi khỏi, tôi đến muộn hơn, người Trung quốc được báo trước và chúng tôi chạm trán họ ở của ra của xưởng. Họ tới trên chiếc Gaz tải của chúng tôi, bảy người, mặc quân phục Việt Nam. Tôi hỏi người phiên dịch Ivan của chúng tôi (cậu ta mới thay Hùng không lâu), xem họ là ai và họ đi đâu, còn cậu ta thật tình nói với tôi: "Đó là những người Trung quốc, họ đến xem thợ cả của các anh làm gì ở đây". Nhưng cậu ta nói đến đấy thì người tài xế ngắt lời cậu ta rằng ông ta cũng phải đi gặp mặt gì đó rồi im bặt, tôi cảm thấy rất khó chịu.

Tài xế của tôi khoảng 40-45 tuổi, là lái xe rất có kinh nghiệm và rất kiệm lời, sau này tôi biết ông ta là nhân viên an ninh, có cấp bậc khá cao. Ông ta có thái độ rất tốt với tôi, ông ta bảo vệ tôi, nhưng như về sau tôi biết, ông ta không cho phép các phiên dịch viên nói những câu thừa.
..........
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Sáu, 2014, 10:24:58 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #61 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2014, 09:46:23 pm »

Cậu phiên dịch mới, vừa tốt nghiệp khóa tiếng Nga cách đây không lâu, đề nghị chúng tôi gọi ngay cậu ta là Ivan. Cậu rất yêu nước Nga, yêu nền văn học của chúng ta, cậu đọc thuộc lòng Pushkin, đặc biệt yêu thích Nekrasov, yêu trường ca "Đường sắt" của nhà thơ này. Cậu thể hiện với chúng tôi một tình yêu và lòng kính trọng sâu sắc, bản thân cậu là người tộc Việt (vì vậy mà tên nước là Việt Nam), vóc người cậu cao hơn những người Việt Nam khác, cậu đẹp theo kiểu của mình, trông cậu giống người Indonesia nhiều hơn. Khi chúng tôi ngồi riêng với nhau, cậu kể tôi nghe nhiều chuyện về lịch sử Việt Nam, về người Việt cổ. Bây giờ tại Việt Nam chủ yếu là người Kinh, tộc đó đến đất này muộn hơn. Nhưng về chuyện này thì cần phải viết riêng.


Bố trí tổ hợp trên trận địa.

Giai đoạn tiếp theo - đấu tranh với "Shrike". Sau khi nghiên cứu nó (nó rớt xuống không nổ và các chuyên gia của chúng tôi khảo sát nó) thì biết rằng đầu tự dẫn của nó được điều chỉnh theo các tần số của chúng tôi (tần số của đài dẫn bắn SON với PPK, tần số của đài điều khiển SNR đối với tổ hợp TLPK), theo tín hiệu riêng của chúng mà lao thẳng vào chúng. Nhiệm vụ khá đơn giản: kịp thời nhận ra việc phóng đạn "Shrike" từ máy bay. Trên các màn hình của các đài radar nó thể hiện như một chấm tách ra từ mục tiêu. Sau đó mọi việc là đơn giản, cần phải quay ăng-ten lên trên và sang bên, rồi tẳt máy phát, và quả đạn "Shrike" bay trong ánh sáng trắng, rất rõ ràng. Như vậy là theo khuyến nghị của chúng tôi, bộ đội PPK và TLPK đã gần như hoàn toàn tránh được các trương hợp bị nó đánh trúng, nhưng trước đó khi chúng tôi đến, đã có một đài SON-4 của PPK 100 mm bị tiêu diệt, sau đó một cabin "P" của một trong các tiểu đoàn TLPK bị đánh hỏng.

Cuộc đấu tranh tiếp theo trở nên khó khăn hơn do các loại nhiễu được áp dụng rất mạnh mẽ. Về mặt này thì tổ hợp S-75 "Dvina" có khả năng bảo vệ chống nhiễu kém. Vì thế chúng tôi phải tìm tất cả các biện pháp khả dĩ để tiến hành chiến đấu trong các điều kiện của cuộc chiến tranh điện tử. Chúng tôi khuyến nghị các kíp chiến đấu sử dụng các chế độ làm việc khác nhau của đài điều khiển (ARU, RRU, MARU, MPV, "vuốt phẳng", kích nổ đầu đạn theo lệnh K3 trong chế độ ADA), các phương pháp dẫn đạn TLPK có điều khiển sử dụng tối đa chế độ làm việc thụ động của các kênh mục tiêu của đài điều khiển, chọn ghép đạn theo công suất máy hỏi và độ nhạy của bộ thu tín hiệu kíp nổ vô tuyến và v.v...


Nguyên tắc làm việc của tổ hợp.

Rõ ràng các khuyến nghị trên là có kết quả, nhưng hiệu quả phóng đạn của chúng tôi đã giảm. Nếu như trong các trận đánh đầu tiên lượng tiêu thụ đạn không quá 1-1,5 đạn cho một mục tiêu, thì giờ đây nó đã tăng lên. Thoạt đầu trong các điều kiện xạ kích thông thường, hiệu quả của tổ hợp TLPK S-75 "Dvina" của chúng ta với lượng tiêu thụ 3 đạn được tính là 93%, nay theo mức độ nhiễu nặng nhẹ mà nó đã giảm đi đáng kể. Thực tế khi tính toán độ tiêu thụ đạn ở trường bắn của chúng ta, về chủ yếu điều kiện là không có nhiễu. Nói thẳng thắn thì thời ấy chúng ta không nghiên cứu nhiều về vấn đề này, nhưng theo mức độ phát triển của khí tài mà các nhà thiết kế của chúng ta đã tìm ra lối thoát và chế tạo hệ thống S-75 "Volkhov", có khả năng chuyển tự động tấn số máy phát. Hệ thống TLPK này bắt đầu được trang bị cho các đơn vị của chúng ta, người Việt Nam tốt nghiệp trường TLPK của chúng ta biết điều đó và nỗ lực xin chúng ta gửi cho họ "Volkhov", nhưng chúng tôi không thể làm điều đó vì quan hệ với Trung quốc, chúng tôi không muốn tiết lộ cho họ bí mật của mình. Tất nhiên nếu cung cấp cho Việt Nam "Volkhov" rồi sau đó S-125, chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn nhiều.


S-75M "Volkhov"

Trong hoàn cảnh hiện tại tôi đề xuất với đại tá Dzyza phương án điều chỉnh tấn số trước cho máy phát và xuất kích thành cặp 2 tiểu đoàn. Một tiểu đoàn làm việc trên tần số cũ, xử lý mục tiêu bị nhiễu, nhưng qua đường liên lạc báo tọa độ cho tiểu đoàn TLPK thứ 2, tiểu đoàn này làm việc ở tần số khác và sẽ phát sóng khi mục tiêu vào vùng hỏa lực phát huy. Nó sẽ bật máy, mục tiêu sẽ hiện ra không nhiễu, tiểu đoàn sẽ bắn rơi nó và rời trận địa. Bằng cách đó sẽ giải quyết được vấn đề nhiễu tích cực. Cho đến lúc đó đã có 3 trung đoàn được triển khai và chiến thuật này đã mang đến cho chúng tôi thành công. Nhưng...vấn đề phụ thuộc vào việc có cho phép điều chỉnh hay không. Thực tế thì tần số tổ hợp TLPK được đóng dấu không chỉ mật mà còn siêu mật, dấu "K". Những tần số này chỉ có ở tập đoàn quân, dưới các đơn vị cơ sở không được phép lưu trữ, còn chúng tôi, các kĩ sư trưởng của các trung đoàn, lữ đoàn, định kỳ được mời đến tập đoàn quân, vào phòng mật ngồi, học thuộc lòng các dữ liệu này và nếu ai lỡ miệng - sẽ vào "chuồng sắt" ngay. Bởi vậy để tôi có thể điều chỉnh tổ hợp TLPK sang tần số khác cần có sự cho phép chính thức từ Moskva. Người ta làm đề nghị, vài tuần sau câu trả lời tích cực đã tới, còn tôi xuống các tiểu đoàn TLPK đã được chúng tôi chọn để điều chỉnh tần số mới cho họ. Công việc này rất tốn công sức, đôi khi mất rất nhiều thời gian. Bằng cách này, một lần nữa hiệu quả xạ kích của tổ hợp TLPK lại được nâng lên.


Đội hình hành quân của tổ hợp "Volkhov" S-75M

Công tác bảo dưỡng thường xuyên tiến hành đều đặn theo chỉ dẫn khai thác (IE), dù trong thời chiến thường có gián đoạn. Nhưng chúng tôi tiến hành thành hệ thống một loạt phép kiểm tra, thử nghiệm trong các điều kiện của mình. Ví dụ sau khi tiến hành kiểm tra chức năng theo IE, chúng tôi kiểm tra mở rộng các chức năng. Nếu đơn vị đã ra trận địa thì chúng tôi tiến hành huấn luyện từ chiều tối khoảng 18 giờ cho đến nửa đêm, kiểm tra bổ sung và các tham số cơ bản. Bắt đầu từ 3-4 giờ đêm lại chuẩn bị khí tài để chiến đấu, sưởi ấm khí tài khoảng một đến một giờ rưỡi. Các công tác bảo dưỡng tuần, tháng, nửa năm tiến hành tại vị trí chuẩn bị trước, được bảo vệ, tranh thủ khi trời mưa hoặc những lúc ngừng khác giữa các trận đánh.

Việc sửa chữa khí tài với chúng tôi là đặc biệt quan trọng, bởi vì khi khai thác trong các điều kiện khí hậu khắc nghiệt và do tổn thất trong quá trình chiến đấu, nhiều bộ khí tài đã hư hỏng. Để sửa chữa tại mỗi trung đoàn đã thành lập các xưởng kỹ thuật được trang bị tốt, có đội ngũ cán bộ và thợ được tuyển chọn kỹ càng. Tới thời kỳ này các xưởng sửa chữa tại các trung đoàn số 1 và số 2 đã hoạt động tốt. Trong các trung đoàn này, nhiều tiểu đoàn đã bị trúng bom và phải chịu những thương tổn quy mô lớn và nặng.

Trong giai đoạn này công tác sửa chữa cơ bản do các xưởng kĩ thuật trung đoàn tiến hành, công việc rất nhiều. Chẳng hạn họ đã sửa chữa được 2 đài điều khiển, 5 bệ phóng, từ 6 bệ bị đánh hỏng nặng họ đã ghép lại được hai bộ, sửa chữa 5 bộ PR-11A. Đó mới là một tập ví dụ nhỏ. Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị xưởng sửa chữa của QC PK. Tham gia tích cực vào công việc của các xưởng kĩ thuật trung đoàn có các chuyên gia chúng ta dưới trung đoàn, nhóm chuyên gia PKT bên cạnh kĩ sư trưởng binh chủng TLPK, Sự tham gia của chúng tôi nhiều nhất là trong việc sửa chữa thiết bị vô tuyến điện tử, bởi vì phần cơ khí thì các chuyên gia Việt Nam xử lý rất tốt.
...........
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Sáu, 2014, 11:34:31 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2014, 11:17:54 pm »

Cùng với các hoạt động tại binh chủng, nhóm chúng tôi tích cực tham gia các tiết học trao đổi kinh nghiệm, các cuộc họp, các buổi tổng kết và các hoạt động khác. Hỗ trợ tôi mạnh mẽ trong các hoạt động này có kĩ sư trưởng Dục, các cấp dưới của ông, đặc biệt là đại úy Nguyện.

Các buổi hội họp-thảo luận diễn ra không ít hơn 2-3 lần trong 1 tháng, chủ yếu khi trời mưa. Thông thường người ta mời đến các tiểu đoàn trưởng TLPK, các khẩu đội trưởng, các sĩ quan dẫn đường, các chuyên gia khác khi cần thiết. Tôi thường mào đầu rồi đến Dục tiếp tục, rồi các kĩ sư trưởng các trung đoàn, sau đó tất cả mọi người tham gia đều phát biểu, họ có các đề nghị, các câu hỏi, các nhận xét đánh giá v.v...


Tại một trận địa pháo PK ở tỉnh Nam Định, năm 1965.

Tôi dẫn ra một trường đoạn trong cuộc họp tổng kết 6 tháng năm 1965 hồi tháng 10, tại đó có mặt tư lệnh PKKQ đại tá Phùng Thế Tài. Bản báo cáo của tôi nằm trong số nhiều bản báo cáo, trong đó tôi nêu ra số máy bay bị bộ đội TLPK bắn rơi thời gian qua. Sau đó chủ nhiệm TLPK phát biểu, nhưng số máy bay bị bắn rơi theo ông ấy nhỏ hơn số liệu của tôi 3 chiếc. Vấn đề là tôi là người tiến hành thống kê số máy bay bị rơi, sơ liệu qua ban tác chiến của chúng tôi sẽ chuyển về Moskva. Số thống kê của tôi lấy từ màn hiển thị của các sĩ quan điều khiển, vì thời đó các chuyên gia của chúng tôi tiến hành các trận đánh cùng các bạn Việt Nam. Người Việt Nam thống kê theo số hiệu máy bay. Nảy sinh vấn đề ai đúng. Người ta gọi một tiểu đoàn trưởng mà không thấy, trung đoàn trưởng báo cáo viên tiểu đoàn trưởng đến chậm một chút và anh ta sẽ phải có mặt. Năm phút sau tiểu đoàn trưởng người đầy bùn đất lên tuyên bố, miệng cười hết cỡ rộng đến tận mang tai. Anh ta báo cáo rốt cuộc đã tìm ra 3 chiếc máy bay còn thiếu, những chiếc mà tôi nói đến và đặt lên bàn mảnh xác chứa số hiệu máy bay. Hóa ra những chiếc máy bay mà họ bắn rơi đã đâm đầu xuống một đầm lầy trên núi Ba Vì. Tiểu đoàn TLPK đóng cách không xa dãy núi, bảo vệ một cây cầu bắc qua một con sông, cắt ngang con đường ô tô chính nối Bắc và Nam Việt Nam. Dãy núi có 3 đỉnh, giữa chúng là một cái đầm. Các nhóm tìm kiếm đã không đến đó vì địa điểm này ở đây được coi là đáng nguyền rủa. Chỉ có một ông già có lẽ là người vô thần đồng ý dẫn những người lính đến đầm lầy. Ở đó họ đã nhìn thấy những chiếc máy bay rơi. Nhờ có tời, họ kéo xác máy bay lên và thả xuống núi, rồi các chiến sĩ vui mừng đi đến dự họp.

Một trong các diễn giả thông báo một số tin tức thu được từ các tù binh phi công. Trả lời câu hỏi họ nhận thấy các đường đạn tên lửa bay tới mình thế nào, họ đáp rằng họ nhận ra theo màu sơn bạc của quả đạn. Họ phát hiện ra tên lửa khi nó bay gần tới mình ở cự ly 2 dặm (3,2 km), tốc độ tên lửa khá lớn, 600 km/giờ, lớn hơn tốc độ của F-105, F-8 và các loại máy bay khác. Nếu nhận ra nó đang bay đến cũng có những trường hợp có thể tránh được. Xét tên lửa theo tham số, đạn tên lửa có thể bay đến máy bay trong khoảng 8-10 giây. Để tránh đạn cần: 1 giây suy nghĩ, 2 giây để phản ứng, 6-8 giây để cơ động. Nếu tên lửa lao thẳng đến, thời gian bay tới là 4-5 giây, việc tránh nó là không kịp (ý kiến trả lời của phi công Mỹ Denis Anton Moore). Các phi công Mỹ khi thảo luận chuyện này, thống nhất rằng để tránh tên lửa cần bay thấp hơn 1000 m, tốt nhất là ở độ cao 300-500 m. Tại độ cao lớn tầm quan sát nhìn vòng tốt hơn nhưng việc phát hiện đạn tên lửa do nhiều yếu tố khác lại khó hơn. Căn cứ vào quả tên lửa đang bay không thể nào xác định chính xác trận địa của tiểu đoàn TLPK, mà chỉ xác định được khu vực. Do đó người Mỹ cần trinh sát bổ sung. Sai số khi ném bom ở các độ cao nhỏ là 400-600 m.

Không hề nghịch lý, nhưng các chỉ số đã cho chúng tôi đi đến một loạt quyết định quan trọng. Chẳng hạn chúng tôi bắt đầu sơn lại đạn tên lửa theo màu ngụy trang và xin người của ta cấp đến đây các quả đạn có màu sơn bảo vệ. Chiến thuật "phục kích" đã thuyết phục được chúng tôi, vì lẽ trong khi người Mỹ tiến hành trinh sát bổ sung tiểu đoàn TLPK, ta có thể rời đi chỗ khác, bởi vậy người ta nghĩ ra nhiều biện pháp tăng tốc quá trình triển khai-thu hồi. 

Cuối cùng đại tá Phùng Thế Tài phát biểu. Ông cám ơn tất cả vì đã chiến đấu hiệu quả và nói:
 - số phi vụ ban ngày là 1135, ban đêm là 308, cuối tháng 10 giảm xuống còn 143. Hoạt động của KQ ban đêm rất loạn xạ;
 - hiểu quả của PPK tăng lên vì bộ đội tên lửa đã dồn máy bay xuống tầng thấp, mà tại các độ cao này PPK hoạt động thành công hơn;
 - từ 24 tháng 7 cho đến nay (cuối tháng 10 năm 1965), binh chủng tên lửa đã hạ được 41 máy bay;
 - tiêu thụ đạn để bắn rơi một máy bay là 1,8 đạn.

Nhưng ông chỉ ra một loạt vấn đề trong thống kê của chúng tôi:
 - không tiến hành công tác bảo dưỡng định kỳ nghiêm ngặt nên nhiều xe máy khí tài đã hư hỏng, không làm việc;
 - phối hợp thông tin không chính xác giữa các binh chủng, hậu quả là ngày 7 tháng 10 bộ đội TLPK đã bắn rơi 1 máy bay An-2 của chúng ta, đến cuối tháng lại bắn rơi một chiếc MiG-17;
 - có trường hợp huấn luyện chiến đấu không đạt, đặc biệt trong vấn đề xác định hướng - có sai số đến 300, hậu quả là một tiểu đoàn TLPK bỏ lỡ mục tiêu, còn tiểu đoàn khác - đưa đạn tên lửa rơi xuống đất.

Tiếp theo tôi sẽ không liệt kê ra tất cả, bởi vì tư lệnh nói đến gần một giờ. Như ta thấy, các cuộc họp của chúng tôi đã mang lại kết quả: chúng tôi và các học trò của mình đã làm giàu thêm kinh nghiệm cho bản thân, mà điều chủ yếu là kinh nghiệm làm việc trong các điều kiện chiến đấu, điều này vô cùng quan trọng không chỉ với chúng tôi mà còn cả với các bạn Việt Nam. 
..........
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Sáu, 2014, 11:32:33 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2014, 11:38:09 pm »

Các trận đánh với lũ kền kền trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng

Tới tháng 10 năm 1965 chúng tôi đã huấn luyện và đưa vào chiến đấu ba trung đoàn TLPK. Trung đoàn thứ hai được hình thành trên cơ sở trung tâm huấn luyện thứ 2. Đại tá N.V.Bazhenov được trao nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn, kĩ sư trưởng trung đoàn - thiếu tá A.B.Zaika. Trung đoàn mang số hiệu 238 này tiến hành trận chiến đầu tiên của mình ngày 20 tháng 9 năm 1965. Trong ngày này tiểu đoàn TLPK 83 dưới sự chỉ huy của thiếu tá G.S.Ryzhik đánh 3 trận bắn rơi 3 máy bay. Tổng hợp kết quả những trận đánh đầu tiên của trung đoàn là đã bắn rơi 10 máy bay.


Sau khi trao các phần thưởng của Tổ quốc. Trên ảnh từ trái sang phải, hàng 1: Bí thư TUDCS Liên Xô D.F.Ustinov, bộ trưởng QP VNDCCH đại tướng Võ Nguyên Giáp, UVBCT DCS Liên Xô Shelepin А.N., đại sứ Liên Xô tại VNDCCH Sherbakov I.S., thượng tướng Tolubko V.F., trung đoàn trưởng trung đoàn TLPK 238 QDNDVN thượng tá Hội, chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật Ủy ban Nhà nước về liên lạc kinh tế đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Sergeychik M.A., phó tư lệnh quân chủng PKKQ QDNDVN phụ trách binh chủng tên lửa đại tá Đỗ Đức Kiên, trưởng đoàn chuyên gia quân sự Soviet tại Việt Nam thiếu tướng Belov G.А., phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Soviet đại tá Bоrisenko М.Е., phó trung đoàn trưởng trung đoàn TLPK số 1 trung tá Barsuchenko М.F. Ảnh chụp tại Hà Nội tháng 1 năm 1966. Gửi ảnh: N.N.Kolesnik.

Trung đoàn thứ 3 số hiệu 285 thành lập cuối tháng 10 năm 1965, chỉ huy trung đoàn là đại tá K.V.Zavadsky. Theo mức độ hình thành các trung đoàn, ban đầu với đội ngũ quân nhân hỗn hợp, họ tham gia ngay vào hoạt động chiến đấu.

Tôi muốn dừng lại ở một trong các trận đánh trên vùng trời Hà Nội.

Các thành phố lớn nhất Bắc Việt Nam là Hà Nội - thủ đô nước VNDCCH và Hải Phòng - hải cảng chính của nước cộng hòa. Lẽ tự nhiên để bảo vệ chúng trước hết phải sử dụng bộ đội TLPK, dù khi cần thiết, khi có thông tin về cuộc tấn công các đối tượng khác trên đường di chuyển của máy bay, người ta vẫn tổ chức phục kích, nhưng sau đó các tiểu đoàn TLPK phải trở về ngay khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Ở đây các cụm bộ đội được xây dựng thành các cơ sở, dù mỗi tiểu đoàn TLPK đều có 3-5 trận địa dự bị, trong trường hợp nổ súng đánh địch và bắn rơi máy bay, mỗi tiểu đoàn đều di chuyển ngay sang trận địa dự bị như trong trường hợp phục kích. Cụm bộ đội TLPK này được bảo vệ bởi hỏa lực PPK rất mạnh đủ các cỡ nòng hiện có trong QDNDVN, người ta cũng huy động cả các máy bay tiêm kích MiG-17 Việt Nam cho việc này.  

Chạy qua giữa Hà Nội và Hải Phòng là một trong các đường giao thông chính của đất nước - đường số 5. Khoảng cách giữa các thành phố này là 107 km, nhưng trước cửa ngõ vào Hà Nôi, con sông Hồng - tuyến đường thủy lớn nhất Việt nam, chia cắt chúng. Bắc ngang qua sông là cây cầu Long Biên rất đẹp, dài 1800 m - một trong những cây cầu dài nhất ở Đông Nam Á, vốn được người Pháp xây dựng. Người Mỹ đã từ lâu mài nanh giũa vuốt lăm le nuốt chửng cây cầu, họ cố gắng lao vào Hà Nội nhưng đi chưa hết đoạn bán kính 50 km đã quay trở lại, như thể họ cảm thấy ở đó người ta không chào đón họ. Dẫu sao đến đầu tháng 10 họ đã quyết định không kích Hà Nội, chủ yếu là đánh phá cây cầu. Cơ quan trinh sát đã báo cáo về ý đồ của người Mỹ, và chúng tôi bắt đầu tăng cường đội hình chiến đấu của binh chủng TLPK và PPK quanh Hà Nội và đặc biệt ở khu vực cây cầu Long Biên.

Cuộc không kích đầu tiên cây cầu Long Biên của người Mỹ diễn ra ngày 5 tháng 11 năm 1965, nhưng cây cầu không hề hấn gì. Các phân đội TLPK đã bắn rơi 3 máy bay và các đại đội PPK bắn rơi một số máy bay khác. Nhưng người Mỹ không dừng lại ở đó.

Cuộc không kích thứ 2 diễn ra ngày 17 tháng 11, cây cầu hư hại một chút, một phần dàn thép cầu bị phá hủy, nhưng đồng thời người Mỹ mất 4 máy bay bị bộ đội TLPK bắn hạ.

Cuộc không kích thứ 3 thực hiện ngày 1 tháng 12 với tổn thất 5 máy bay. Có nhiều hư hại nhưng những người thợ lành nghề Việt Nam sau đúng một ngày đêm đã khôi phục cây cầu. Các cuộc không kích về cơ bản do máy bay F-105 tiến hành dưới sự yểm trợ của các tiêm kích F-4 mà PPK đã tiêu diệt dễ dàng vì chúng hạ xuống độ cao thấp thành các mục tiêu ngon xơi. Tôi đã nhiều lần, trước và sau đó, phải có mặt khi xạ kích, trong cabin "U" bên cạnh người tiểu đoàn trưởng TLPK và quan sát trên các màn hình các máy bay bị bắn rơi.

Nông dân và các nhóm tìm kiếm đã bắt tù binh nhiều phi công Mỹ, có một trường hợp xảy ra gần Hà Nội khiến tôi xúc động sâu sắc. Bộ đội TLPK của chúng tôi bắn rơi một trong nhiều chiếc F-105, phi công nhảy dù nhưng do va chạm quá mạnh khi tiếp đất nên anh ta đã chết. Sau trận đánh khi người ta tìm thấy anh ta, chúng tôi đến nơi anh ta rơi xem xét. Một chàng trai tầm 25-27 tuổi, rất lực lưỡng, cao đến 2 m nằm đó...nhưng tôi không muốn gọi hắn là con người. Và tôi thầm nghĩ, tại sao cậu lại bay đến đây, đến đất nước cùng cực vì đau khổ này, bắn giết những con người vô tội, tàn phá những túp lều nghèo nàn của họ. Phải chăng ở Mỹ cậu không có mấy việc để làm? Và tôi cay đắng nhớ lại thời thơ ấu đói khát của mình, khi mà trong thời kỳ phát-xít chiếm đóng, bọn SS đẫy đà vì chén bánh mì của chúng tôi, đã xua chúng tôi, những đứa trẻ mới lớn, đi thu hoạch lúa mì trên những cánh đồng lạnh giá chết chóc, rồi tôi nghĩ rằng bọn phát-xít ở đâu cũng luôn luôn là phát-xít.

Cụm Hải Phòng cũng gần giống như cụm PK Hà Nội, nhưng hơi lùi một chút về phía nam, vì nó bảo vệ các cây cầu bắc qua 2 con sông nhỏ cắt ngang đường số 5. Mặc dù cụm có những phương tiện PK rất mạnh, việc loại trừ tuyệt đối sự xâm nhập của máy bay tới các cây cầu là không thể, dù các máy bay tiêm kích-bom không gây dược những hư hại lớn, nhưng trong những khoảng thời gian nhất định, khi diễn ra công tác sửa chữa, việc qua lại cầu bị đình trệ. Vì thế người ta phải xây dựng các cầu phao. Một trong những cầu phao thường xuyên mở để qua lại, chiếc thứ hai luôn ở mức sẵn sàng số 1. Cần nói rằng Liên bang Soviet không chỉ cung cấp tới VNDCCH những tổ hợp TLPK mà còn cả trang thiết bị cho ngành công nghiệp, nông nghiệp, trong số đó có các cầu phao. Tại đó cũng có các chuyên gia của chúng ta, nhưng công việc chủ yếu lắp dựng cầu phao do người Việt Nam đảm nhiệm. Xin nói thêm, tôi không ít lần đã sử dụng những chiếc cầu phao nói trên, dù việc đi qua nó đặc biệt không tiện nghi hay dễ dàng gì - bạn đi như thể trên cái đu. Tôi nhớ nhất chuyến sau cùng qua cầu phao sông Hồng.

Vào 10 ngày cuối của tháng 4 năm 1966, nhóm chuyên gia quân sự Soviet bên cạnh kĩ sư trưởng binh chủng TLPK QDNDVN đến thay phiên đã tới chỗ chúng tôi. Tôi cùng ông lên xe đi làm quen với các trung đoàn TLPK, trong đó có đơn vị ở Hải Phòng. Khi trở về Hà Nội, lúc gần đến cầu qua sông Hồng thì chúng tôi gặp phải một trận oanh tạc. Chúng tôi nhanh chóng ra khỏi ô tô, chạy tới giao thông hào nhưng người Việt Nam đào chúng theo kích cỡ thân thể của mình nên chúng tôi không chui xuống được. Chúng tôi ngồi trên bờ giao thông hào, và người đồng nghiệp của tôi nói: "Tôi vừa mới đến mà đã thấy trước sự nguy hiểm cho tính mạng từ nay trở đi rồi, còn với anh chuỗi ngày lê thê chán ngán này thật chẳng đi đến đâu!". Nhưng may mắn là các chiến sĩ TLPK của chúng ta đã đánh lui cuộc không kích một cách nhanh chóng, dẫu cho đường vào cầu đã hư hại và phải đi qua cầu phao sang sông, mà sông Hồng thì rộng, chúng tôi bị lắc lư rất lâu do tốc độ qua cầu phao rất thấp.  

Lần chạm trán cuối cùng với các cuộc ném bom bắn phá của người Mỹ đã kết thúc như vậy, mà nếm trải chúng ở Việt Nam thì không phải là ít. Khi rơi vào các cuộc ném bom, tôi luôn luôn nghĩ đến "kinh nghiệm" làm sao ẩn nấp tránh bom của máy bay phát-xít. Thời tơ ấu tôi sống ở Seversky Donets (làng Staryi Saltov), và khi ngày 23 tháng 2 năm 1943 chúng tôi được giải phóng khỏi ách phát-xít, từ tháng 2 đến tháng 5 tuyến mặt trận đi qua Seversky Donets, làng chúng tôi bị ném bom gần như hàng ngày, do qua sông có hai cây cầu cùng con đê chắn mà chiều dài tổng cộng không nhỏ hơn cây cầu ở Hà Nội. Chúng tôi sống không xa các cây cầu và thường xuyên phải sông trong hầm trú ẩn lạnh giá và ẩm ướt. Bởi vậy tôi cảm thấy hoàn toàn sống động việc nhắc lại thời thơ ấu tại Việt Nam. Nhưng độc giả hãy tha thứ cho tôi phút "tình cảm" này, vì ký ức về cuộc sống đã qua - đó cũng là cuộc sống.

Trong nửa sau tháng 10 năm 1965 bắt đầu có các cuộc do thám của máy bay KNL BQM-34A trên bầu trời Hải Phòng. Đó là dấu hiệu chuẩn bị từ phía Mỹ cho một đợt không kích quy mô lớn. Trinh sát mặt đất cũng khẳng định ý đồ này. Các chiên sĩ TLPK tăng cường theo dõi không phận và ngày 20 tháng 10 một quả đạn tên lửa của chúng ta đã vít cổ một máy bay do thám KNL BQM-34A khi nó vừa xuất hiện trên vùng trời thành phố. Đó là chiếc máy bay đầu tiên bị binh chủng TLPK bắn hạ trên bầu trời Hải Phòng. Bảo vệ mục tiêu Hải Phòng là các tiểu đoàn của trung đoàn TLPK 238 (trung đoàn thứ 2). Ngày 5 tháng 11 vào hồi 14 giờ bắt đầu cuộc ném bom đầu tiên xuống cầu Lai Vu trên đường phía Hà Nội, sau khi mở đầu cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Tại đây nhóm TLPK của chúng ta đã hoạt động, tiêu diệt 3 mục tiêu, không cho chúng ném bom phá hoại cầu.  

Tiếc thay như tôi đã nói ở trên, ngày 7 tháng 11 tại đây, một tiểu đoàn TLPK gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, đó là tiểu đoàn sau khi bắn hạ mục tiêu vẫn ở nguyên trận địa cũ. Trong tháng 11 KQ Mỹ đã vài lần cố gắng xuyên phá vào các mục tiêu của Hải Phòng, đặc biệt chúng lao đến khu vực cảng và căn cứ xăng dầu chiến lược nhưng không đạt được thành công thực sự nào.

Đặc điểm làm việc của hệ thống TLPK của chúng ta thời kỳ này là đối phương bắt đầu sử dụng rộng rãi nhiễu tích cực và tiêu cực. Từ trên các hàng không mẫu hạm, người Mỹ gây nhiễu tạp rất mạnh khiến màn hình của các trắc thủ gần như tê liệt. Các cuộc không kích chủ yếu thực hiện bằng các máy bay tiêm kích-bom trên hạm - kiểu A-4D, cường kích hạm - A-6. Theo sự cho phép từ Moskva, chúng tôi đặt lại tần số các máy phát, tình thế được cải thiện và hiệu quả của bộ đội TLPK tăng lên, đến giữa tháng 12 đã có 15 máy bay bị tiêu diệt, bộ đội PPK bắn rơi cũng không ít và cường độ của các cuộc không kích cũng đã giảm.
.........
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Sáu, 2014, 09:50:48 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #64 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2014, 12:16:05 pm »

Cuộc gặp năm mới 1966

Trước năm mới, một đoàn đại biểu có tên tuổi từ Liên Xô đã tới Việt nam. Dẫn đầu đoàn đại biểu là Ủy viên Bộ Chính trị UBTU ĐCSLX A.N.Shelepin, trong đoàn có D.F.Ustinov, thượng tướng V.F.Tolubko và các yếu nhân khác. Người ta triệu tập các đại diện đoàn chuyên gia quân sự Soviet về sứ quán, rại đây sẽ tổ chức cuộc gặp mặt các thành viên đoàn đại biểu. Trong phát biểu của mình, A.N.Shelepin đánh giá cao công tác của chúng tôi và tuyên bố rẳng Trung ương Đảng chăm chú theo dõi diễn tiến các sự kiện ở đây, và kết luận ông chúc tất cả chúng tôi tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp quan trọng của mình.

Sau đó đại tá Dzyza đọc danh sách những người được tặng thưởng, chúng tôi ở lại gian lớn, số còn lại chuyển sang gian khác. D.F.Ustinov trao phần thưởng. Trong số được tặng thưởng có các sĩ quan nhóm chuyên gia quân sự phòng kỹ thuật binh chủng tên lửa PK, gồm cả tôi, người ta trao cho tôi huân chương Sao Đỏ. và tuyên đọc quyết định phong quân hàm "trung tá" trước thời hạn. Gian bên cạnh người ta chuẩn bị sâm-panh, chúng tôi rót đầy các cốc lớn. Sau một lúc các thành viên đoàn đại biểu dẫn đầu là A.N.Shelepin đi vào phòng chúc mừng chúng tôi một cách ngắn gọn, và chúng tôi nâng cốc uống cạn.

Cùng đoàn đại biểu Đảng Chính phủ đến Hà Nội là một chiếc máy bay chở đầy quà cho chúng tôi. Mỗi người được trao một gói quà: các sĩ quan cao cấp - gói số 1, các sĩ quan cấp dưới - gói số 2, hạ sĩ quan phục vụ quá hạn và chiến sĩ nghĩa vụ - gói số 3. Có cả một loại quà riêng, trong đó một người được 4 kg bánh mì đen. Bánh mì đen, cá trích và nước lạnh đối với chúng tôi là cả niềm mơ uớc mà cuối cùng đã tới.


Đi chơi Hà Nội trong những giờ nghỉ hiếm hoi. Bên phải là L.F.Kushnar, năm 1966.

Quà được trao ngày 31 tháng 12 hôm trước Năm Mới. Năm Mới, các bạn Việt Nam tại PKT binh chủng TLPK tổ chức cho chúng tôi một vũ hội đón năm mới. Thay cho cây thông là cây đào trang điểm những trái đào thật lẫn trái đào trang trí. Vũ hội diễn ra vui vẻ, có biểu diễn của các nghệ sĩ, có pháo bông, sau đó gần sáng chúng tôi ra công viên Hà Nội dạo chơi, bởi vì trước buổi sáng khi trời mới hửng lên một chút vẫn có thể nghỉ ngơi chút ít tránh cái nóng.  

Công việc hàng ngày lại tiếp tục trôi đi, các cuộc không kích của máy bay, các trận đánh, các buổi tập tại các trung đoàn, các trung tâm huấn luyện, theo các tổ hợp TLPK mới đến - người ta thành lập thêm các trung đoàn mới. Đến cuối kỳ công tác chúng tôi đã thành lập được 4 trung đoàn TLPK. Trung đoàn thứ 4 - trung đoàn TLPK 274 dưới sự chỉ huy của đại tá V.V.Fedorov, ngày 29 tháng 4 năm 1966, ngày chúng tôi trở về, đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1000 trên bầu trời tỉnh Bắc Thái.

Trong thời gian từ 30 tháng 4 năm 1965 đến 30 tháng 4 năm 1966, binh chủng TLPK QDNDVN, được đoàn chuyên gia quân sự Soviet đầu tiên xây dựng, đã hạ được 603 máy bay Mỹ. Suốt những năm chiến tranh đây là số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi nhiều nhất bởi LLTLPK. Chúng tôi có những trường hợp, trong đó một tiểu đoàn TLPK bằng một quả đạn đã bắn hạ địch như sau: 2 máy bay có 5 trường hợp, 3 máy bay có 1 trường hợp.

Tôi còn nhớ một mảnh đời thời đó. Vào đầu tháng 4 năm 1966, một ủy ban đại diện đến Việt Nam, đoàn do phó tư lệnh bộ đội TLPK trung tướng S.F.Vikhor dẫn đầu. Nhiệm vụ của ủy ban chủ yếu là nghiên cứu các hoạt động chiến đấu của binh chủng TLPK mới thành lập của QDNDVN, phân tích kết quả xạ kích, các nguyên nhân thất bại, sự khó khăn trong cuộc đấu tranh chống nhiễu, độ tin cậy trong khai thác của khí tài. Đồng thời, trung tướng quan tâm đến các điều kiện sống hàng ngày, điều kiện đảm bảo cho đoàn chuyên gia quân sự Soviet. Các thành viên ủy ban đi thăm các trung tâm huấn luyện, thăm một loạt các tiểu đoàn. Họ có nhiều buổi trò chuyện với kĩ sư trưởng của các trung đoàn, đặc biệt là trao đổi với các trung đoàn trưởng và tiểu đoàn trưởng. Nhưng được gọi nhiều nhất là tôi, vì thời gian này đại tá Dzyza đi nghỉ phép, tôi phải báo cáo thay cho cả ông và cho bản thân tôi. Cùng với các công việc hàng ngày còn phải viết báo cáo theo yêu cầu của S.F.Vikhor về một loạt các vấn đề mà ông liệt kê ra. Ông thông báo cho tôi 2 tin: chúc mừng vì được nhận huân chương Cờ Đỏ - do thành tích tổ chức PKT BC TLPK QDNDVN, vì các thành công trong chiến đấu, và chúc mừng về việc được bổ nhiệm làm kĩ sư trưởng quân đoàn PK 19 (thành phố Chelyabinsk). Huân chương thì ông nói không mang theo vì tháng tư cậu sẽ được về nhà. Đề nghị của đại tá đoàn trưởng về việc giữ tôi lại làm thêm một nhiệm kỳ thứ hai nữa không được chấp thuận, vì ở quân đoàn đã 3 tháng nay không có kĩ sư trưởng, và còn vì công tác ở đây đã nóng bỏng lắm rồi. Vậy nên, trung tướng tư lệnh BC TLPK nói, cậu hãy chuẩn bị sẵn sàng mà bay về.

Ủy ban đã về nước, nhóm chúng tôi kết thúc công việc của mình với đội ngũ quân nhân PKT BC TLPK QDNDVN. Trước khi bay đi, bộ chỉ huy QDNDVN và đại diện sứ quán đã tập hợp chúng tôi lại, cám ơn vì sự phục vụ xuất sắc, trao tặng mọi người huy chương Hữu Nghị và bằng chứng nhận của thủ tướng VNDCCH, chúc thượng lộ bình an.

Chúng tôi bay ngày 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5 đã có mặt ở nhà, bởi vì chúng tôi bay bằng chuyến bay đặc biệt, chuyến bay này nhanh chóng đưa chúng tôi về nhà qua vài chặng đỗ để bơm dầu bổ sung. Tháng 5 với niềm vui lớn được gặp những người thân, gặp lại gia đình yêu quý.

Thành phố Kharkov, năm 2007.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Sáu, 2014, 10:53:24 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #65 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2014, 10:05:38 pm »

Trích "Việt Nam không thể nào quên"


Đại tá Konkin Viktor Konstantinovitch

Sinh ngày 28 tháng 8 năm 1928 tại thành phố Bodaibo nước CH XHCNXV tưh trị Yakutia;
1944 - 1947: trường chuyên nghiệp pháo binh, học viên;
1947 - 1950: trường PPK Tomsk, học viên;
1950 - 1959: quân chủng PK, trung đội trưởng, chủ nhiệm huấn luyện thể chất, khẩu đội trưởng trung đoàn PPK;
1959 - 1963: học viện chỉ huy quân sự QCPK (thành phố Kalinin), học viên bổ túc;
1953 - 1969: quân chủng PK, tiểu đoàn trưởng TLPK. trung đoàn phó TLPK;
Từ tháng 2 năm 1969 đến tháng 1 năm 1970: trưởng nhóm chuyên gia quân sự Soviet tại trung đoàn TLPK 263 QDNDVN;
1970 - 1974: quân chủng PK, trung đoàn trưởng TLPK;
1974 - 1980: học viện Bách Khoa Kharkov, phó trưởng khoa quân sự;
1980 - chuyển ngạch dự bị;
1980 - 1989: học viện hàm thụ Bách Khoa Ukraina (thành phố Kharkov), kĩ sư trưởng;
Được tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ, huân chương "Chiến Công" hạng 3 của Việt Nam, nhiều huy chương, trong đó có huy chương "Hữu Nghị" của Việt Nam, huy chương "Đoàn Kết" của Tiệp Khắc.
Hiện sống tại Kharkov.


MỘT QUẢ ĐẠN - MỘT MÁY BAY

Năm 1968, tháng 8, ngày chủ nhật, mọi người tập hợp kỉ niệm ngày tôi tròn 40 tuổi. Mời khách dự lúc 14 giờ, trải bàn ăn, bày biện...bỗng gần 12 giờ liên lạc viên từ ban tham mưu trung đoàn chạy tới thông báo tôi được lệnh có mặt tại ban tham mưu trung đoàn với quân phục đầy đủ, nhận vũ khí cá nhân, tới Lvov, tại đó sẽ nhận vé máy bay đi ngay Kiev.

Vậy là thay cho chiếc bàn tiệc ngày sinh nhật, tôi có mặt tại sân bay quân sự tỉnh Kiev, chờ tôi tại đây là đội ngũ cán bộ lữ đoàn TLPK mới thành lập. Sau khi bốc khí tài và toàn bộ quân nhân lên 6 chiếc An-12, tư lệnh tập đoàn quân PK thượng tướng Anh hùng Liên Xô Aleksandr Ivanovitch Pokryshkin. thông báo người ta điều động chúng tôi đến thành phố Ostrova nước CH Tiệp Khắc để giải quyết nhiệm vụ đặc biệt.

Tháng 11 năm 1968 lữ đoàn trở lại Tổ quốc và giải thể, tôi được cho đi phép. Kết thúc kỳ phép, người ta gọi tôi đến Hội đồng Quân sự TDQ PK, xem xét vấn đề phái tôi đi công tác nước VNDCCH với cương vị trưởng nhóm chuyên gia quân sự tại trung đoàn TLPK QDNDVN.

Việc chuẩn bị nhóm chuyên gia này diễn ra tại các phòng ban của Bộ TTM QD Liên Xô. Ở đây tôi làm quen lần đầu với các sĩ quan thuộc nhóm chúng tôi: trưởng đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu (SRtS), sĩ quan điều khiển, các kĩ thuật viên toàn bộ các hệ thống đài điều khiển SNR, kĩ sư thiết bị phóng, trưởng trạm điện diesel, sĩ quan ban quân khí trung đoàn và bác sĩ.

Tại Moskva người ta giới thiệu cho tôi làm quen với tình hình quân sự ở VNDCCH, điều kiện sống sắp tới, thay trang phục dân sự và phái đi VNDCCH trên các máy bay quân sự.

Chuyến bay của chúng tôi khởi hành ngày 7 tháng 2 năm 1969 là chuyến bay cuối cùng được phép qua không phận nước CH Nhân dân TH. Ở sân bay Bắc Kinh hai người lính cầm súng đón và đi kèm chúng tôi. Điều đó giống hệt một cuộc bắt giữ không tuyên bố, bởi vì chúng tôi không được phép tách nhóm, thậm chí đi toalet cũng có một người lính cầm súng đi theo. Khi bay từ Bắc Kinh đến thành phố giáp giới gần nhất với VNDCCH, những người lính vũ trang kèm sát chúng tôi, họ hát bài hát Mao Trạch Đông bằng một thứ tiếng Nga trọ trẹ.

Tại Nam Kinh lần đầu tiên chúng tôi được nếm món ăn Trung quốc. Tất cả ngồi sau chiếc bàn tròn, mỗi chiếc đĩa được đặt ở giữa bàn. Trong khi chúng tôi đang còn tưởng tượng, có lấy hay không lấy miếng ăn trên chiếc đĩa vừa mang đến, nó đã biến mất và một chiếc đĩa khác được thế vào chỗ đó. Cứ như vậy chúng tôi rời khỏi bàn ăn mà vẫn đói.

Cảng hàng không Hà Nội đón chúng tôi bằng những chiếc hố bom trên đường băng, những tòa nhà bị phá hủy, còn khi đi xe về khách sạn ta thấy về phía rãnh nước hai bên đường những chiếc ô tô bị phá hủy. Hà Nội là một thành phố tiền duyên, thường xuyên nghe tiếng còi báo động máy bay Mỹ không kích.

Khi ở trong lãnh địa sứ quán Liên Xô tại VNDCCH chúng tôi thuộc quyền các nhân viên sứ quán và các sĩ quan TLPK. Đại sứ Liên Xô Ilya Sergheevitch phát biểu trước chúng tôi. chúng tôi được giới thiệu tỉ mỉ về tình hình chính trị tại khu vực này, được thông tin về sự trợ giúp kinh tế và quân sự từ phía Liên Xô và CHND TH. Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Soviet cho BC TLPK thiếu tướng Stuchilov Aleksandr Ivanovitch đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp đỡ các chiến sĩ Việt Nam trong công tác huấn luyện và sử dụng đúng đắn tổ hợp TLPK.

Chúng tôi được tạo cơ hội tham gia Lễ mừng Năm Mới theo lịch phương đông. Nhân dịp này tư lệnh PKKQ QDNDVN tổ chức tiệc tiếp khách. Mọi người được bố trí đứng quanh những chiếc bàn bày biện trọng thể. Sau những đợt nâng cốc chúc mừng chính thức, tất cả được mời sang gian chiếu phim nơi cho phép được hút thuốc. Sau buổi tiếp tân tôi được biết món nhắm đắt nhất và ngon nhất mừng năm mới được làm từ thịt cầy. Vậy là lần đầu tiên chúng tôi được nếm món bánh rán nhân thịt cầy.

Năm mới tại Việt Nam - ngày lễ lớn nhất. Trong ngày này mọi người đều gắng về với quê nhà. Tại Hà Nội ta không hiếm gặp bức tranh sau: những người đạp xe đạp đi trên đường phố (thời đó là dạng giao thông duy nhất) và họ chở theo trên pooc-ba-ga đằng sau xe những chiếc lồng trong đó có nhốt chó.  

Kết thúc những buổi huấn thị ở sứ quán và khu "B" người ta đưa chúng tôi đến nơi ở cố định, nơi chúng tôi sẽ phải sống ở đó gần một năm. Nhà ở của chúng tôi như thế nào và nó nằm ở đâu? "Nhà" của chúng tôi được xây dựng đặc biệt ở cách 12 km về phía nam Hà Nội trên đất một ngôi chùa. "Nhà" - giống một nhà chứa cỏ, làm bằng tre, nền đất sét đắp và mái lợp lá chuối. Trong nhà người ta đặt cho mỗi người một chiếc giường gỗ có màn chống muỗi. Công trình tương tự có ở tất cả các tiểu đoàn TLPK.  

Nhóm được sự chăm nom của một tổ phục vụ gồm 3 phiên dịch viên, 2 lái xe, một đầu bếp. Tập thể nhỏ này nằm dưới sự chỉ huy của 1 thiếu úy 37 tuổi tên là Liên. Tiền ăn hàng tháng chúng tôi trả là 210 đồng (109 rúp theo tỷ giá thời bấy giờ). Đồ ăn chủ yếu mua tại cửa hàng của sứ quán. Với các nhân viên tổ phục vụ ngay từ ngày đầu tiên chúng tôi đã thiết lập được mối quan hệ rất nồng ấm hữu nghị.

Ngày hôm sau trung đoàn trưởng trung đoàn TLPK 263 thiếu tá Tạ Lộc đến chỗ chúng tôi và mời đi thăm SCH trung đoàn tại đó chúng toi làm quen với các sĩ quan Việt Nam. Qua họ chúng tôi biết trung đoàn thành lập năm 1967 và đã qua đào tạo tại Liên Xô. Tháng 2 năm 1968 mọt phần sĩ quan chiến sĩ được điều động sang các trung đoàn khác, thế vào đó là số quân bổ sung mới. Trong năm 1968 trung đoàn nổ súng 16 lần, phóng 24 đạn mà không trúng mục tiêu. nhóm chuyên gia quân sự Soviet làm việc tại trung đoàn trước khi chúng tôi đến đã trở về Liên Xô, bị ức chế về tinh thần rất mạnh.

Như vậy nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi - minh oan cho khí tài của chúng ta trước các chiến sĩ Việt Nam. Để làm điều này trước tiên chúng tôi kiểm tra tình trạng khí tài ở các tiểu đoàn TLPK. Chuyến thị sát đầu tiên tại một tiểu đoàn TLPK khẳng định sự phỏng đoán của chúng tôi - khí tài không ở trong tình trạng sẵn sàng sử dụng để chiến đấu. Chúng tôi tiếp tục đổ mồ hôi cần mẫn đưa khí tài về trạng thái đúng đắn cần phải có, hướng sự quan tâm của các sĩ quan Việt Nam đặc biệt tập trung vào các tham số xác định tính sẵn sàng chiến đấu. chúng tôi không rời khỏi các tiểu đoàn chừng nào mà toàn bộ các tổ hợp chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Thỉnh thoảng phải ngủ đêm ở dưới các tiểu đoàn. Trường hợp này cần thuyết phục các sĩ quan Việt Nam và các phiên dịch viên về sự cần thiết hoàn thành công việc. Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng rằng, mỗi giờ không sẵn sàng của một tiểu đoàn cụ thể sẽ làm giảm sự SSCD của bản thân trung đoàn và toàn bộ hệ thống PK VNDCCH.

Dần dần khí tài của các tiểu đoàn đã được điều chỉnh về dạng thích hợp trên tất cả các tham số. Kết thúc công tác trên tôi cùng kĩ sư trưởng nhóm chúng tôi thiếu tá V.I.Korolev báo cáo kết quả và đề xuất lên trung đoàn trưởng thiếu tá Tạ Lộc và thống nhất vấn đề tiến hành các giờ tập huấn bổ sung cho các sĩ quan dưới các tiểu đoàn về sử dụng khí tài trong chiến đấu. Ngoài việc chuẩn bị khí tài, còn nảy sinh vấn đề sử dụng chúng đúng đắn khi phóng đạn. Để làm điều đó tôi xin trung đoàn trưởng cho xem các tài liệu về các lần phóng đạn năm 1968.

Sau khi nhận được những thông tin cần thiết và phân tích chúng, tôi rút ra kết luận đạn phóng trong những điều kiện như vậy không thể nào trúng mục tiêu. Các sai lầm thô thiển chủ yếu như sau:
- sự không tương thích trong định hướng giữa cabin U và bệ phóng;
- đạn phóng lên mục tiêu đang bay ở các tham số giới hạn, có nghĩa là ở các mức chuyển vị góc rất lớn;
- đạn phóng vào đối tượng đang đi ra khỏi vùng tiêu diệt mục tiêu.

Sau khi phân tích xong tình trạng xạ kích, theo yêu cầu của tôi, trung đoàn trưởng tập hợp các tiểu đoàn trưởng và các sĩ quan điều khiển, trong cuộc họp tôi xem xét từng lần phóng đạn có phân tích nguyên nhân không thành công.

Trước sự hài lòng và vui vẻ của các chiên sĩ Việt Nam, sự cộng tác chung của chúng tôi đã tỏ ra không uổng phí: ngày 6 tháng 4 năm 1969 báo "Pravda" thông báo tại VNDCCH một máy bay Mỹ đã bị hạ gần Hà Nội.

Ngày 5 tháng 4 năm 1969 từ SCH trung đoàn người ta thông báo cho chúng tôi về chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi. Nhóm nhỏ chúng tôi lên xe xuống tiểu đoàn, xác định tất cả các số liệu về xạ kích (máy bay bị hạ bằng một quả đạn) và sau một giờ thì chúng tôi xem được các mảnh xác của chiếc máy bay này. Vậy là bảng thống kê các máy bay bị bắn rơi đã được khai mở và cùng với nó là việc trả lại sự tin tưởng vào tính xác tín trong hoạt động của tổ hợp TLPK.

Ngày 27 tháng 4 tiểu đoàn 56 vừa bắn rơi 1 máy bay ngày 5 tháng 4 lại khẳng định khả năng tác chiến của mình và thể hiện sự khéo léo trong sử dụng khí tài chiến đấu - bắn rơi chiếc máy bay thứ hai, tiêu thụ đúng một quả đạn. Mảnh xác máy bay rơi vào khu dân cư may mà không có ai bị thương. Toàn bộ nhóm chúng tôi một giờ sau đã có mặt ở nơi máy bay rơi, chúng tôi thấy những khuôn mặt vui mừng của người dân địa phương, họ chào mừng chúng tôi bằng cách hô: "Liên Xô! Liên Xô!"

Vài ngày sau một tiểu đoàn phóng đạn vào một máy bay Mỹ, do sai sót đạn rơi xuống nhà dân. Đạn nổ làm 2 người chết và 4 người bị thương. Bộ chỉ huy QC PKKQ điều tra trường hợp này. Kết luận - lỗi không phải của đội ngũ quân nhân.




Thiếp chúc mừng Năm Mới 1969 của Hồ Chủ tịch tặng các chuyên gia QS Soviet, ảnh của chuyên gia Vaniukov Mikhail Alekseevich.
.......
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2014, 10:45:53 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #66 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2014, 01:03:56 pm »


Sau khi kiểm tra SSCD một tiểu đoàn, các khuôn mặt đều vui vẻ. Ở giữa là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Soviet tại trung đoàn TLPK 263 V.K.Konkin, tháng 10 năm 1969.

Ngày 11 tháng 5 năm 1969, vẫn còn gần với Ngày Chiến thắng, tập thể tiểu đoàn 43 lại chuyển lên một món quà nữa - khai mở bảng thống kê máy bay bị bắn rơi của mình. Thêm một tiểu đoàn lấy lại được lòng tự tin vào sức lực bản thân và khẳng định độ tin cậy của tổ hợp TLPK của chúng ta. Chiếc máy bay bị hạ cũng bằng đúng 1 quả đạn, dù quy tắc xạ kích dự kiến phóng 3 đạn.

Tháng 8 là tháng đạt kết quả bắn rơi máy bay tốt nhất.
Ngày 10 tháng 8, một kíp chiến đâu tiểu đoàn 44 mở bảng vàng chiến công bắn rơi máy bay đâu tiên của mình trong năm 1969, khi họ hạ một máy bay trên độ cao 400 m bằng 2 quả đạn, cả 2 quả đều nổ trúng mục tiêu.  

Ngày 14 tháng 8 tập thể quân nhân tiểu đoàn 43 lần thứ hai tiếp tục khẳng định khả năng chiến đấu của mình và sự khéo léo của kíp chiến đấu. Hồi 4 giờ 36 phút bằng 1 quả đạn họ hạ một máy bay. Thời gian buổi sáng sớm cũng không làm cho tập thể các chiến binh thiện nghệ của tiểu đoàn bị bất ngờ.

Ngày 27 tháng 8 các chiến sĩ tiểu đoàn TLPK 56 của trung đoàn lần thứ ba khẳng định công tác tư vấn chính xác và có sự hiệp đồng chặt chẽ của các sĩ quan chuyên gia Liên Xô đã mang đến hiệu quả cao. Tiêu thụ một quả đạn, tiểu đoàn bắn rơi một máy bay Mỹ.


Các cựu chuyên gia QS Soviet (từ trái sang phải): M.A.Vaniukov, S.A.Variukhin, V.K.Konkin tại quảng trường Tòa Thị chính Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 2009.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm đặc thù. Khi tiến hành các giờ phân tích xạ kích, trong trò chuyện với các tiểu đoàn trưởng tôi luôn nhắc họ về quy tắc bắn đã dự trù tiêu thụ đạn trong các điều kiện khác nhau. Các tiểu đoàn trưởng đồng ý với ý kiến của tôi, đồng thời họ cũng nại lý do dự trữ đạn của họ không đủ để đáp ứng yêu cầu của quy tắc xạ kích.

Tôi muốn dừng lại chi tiết hơn ở chiếc máy bay bị hạ sau cùng. Máy bay bị bắn rơi lúc 7 giờ sáng, 9 giờ thì trung đoàn trưởng Tạ Lộc đến chỗ chúng tôi với một lẵng hoa hồng. Theo lời trung đoàn trưởng lẳng hoa này do Chủ tịch nước VNDCCH Hồ Chí Minh gửi tặng - phần thưởng lớn nhất của vị Chủ tịch nước. Chúng tôi thật vui khi được nhận một phần thưởng như thế. Cá nhân tôi càng vui hơn khi được nghe từ trung đoàn trưởng Tạ Lộc nói rằng chiếc máy bay vừa bị bắn rơi là món quà mừng sinh nhật tôi. Ngày hôm sau - 28 tháng 8, là ngày tôi tròn 41 tuổi.

Tôi không thể hình dung chỉ vài ngày sau, ngày 3 tháng 9 năm 1969 hồi 9 giờ 47 phút Bác Hồ huyền thoại sẽ ra đi rời khỏi cõi trần, nhân dân kính yêu gọi Người như vậy - Bác Hồ. Chủ nhiệm chính trị trung đoàn đại úy Tiềm báo tin buồn với chúng tôi. Nhân danh nhóm tôi chia buồn với ban chỉ huy và đội ngũ quân nhân trung đoàn về tổn thất lớn lao này. Lúc 13 giờ ngày hôm ấy tổ trưởng phục vụ QC PKKQ cũng đến chỗ chúng tôi và chúng tôi chia buồn cùng anh ấy về việc Hồ Chí Minh từ trần.

Ngày hôm sau toàn thể nhóm chúng tôi đáp xe đến SCH trung đoàn trực tiếp chia buồn với BCH trung đoàn về việc vị Chủ tịch nước kính yêu từ trần.

Ngày 7 tháng 9 toàn bộ các chuyên gia QS Soviet trong đó có nhóm chúng tôi tham gia lễ tang vị Chủ tịch. Quảng trường trước cửa Nhà QH ở Hà Nội phủ một màu tang và chật cứng người. Thi thể được tẩm ướp và đặt trong lồng kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong Nhà QH. Đa số nhân dân đi qua quảng trường cạnh bức chân dung khổng lồ của Hồ Chí Minh, chỉ có các đoàn đại biểu đi quanh quan tài kính. Cá nhân tôi có vinh dự đứng trong hàng danh dự túc trực cạnh quan tài, trong đó dưới lớp kính có đặt đôi "dép" của Chủ tịch. "Dép" - đó là thứ cắt ra từ lốp cao su ô tô, bện kiểu lưới có quai đeo. Cả đất nước đi những đôi dép như vậy kể cả vị Chủ tịch nước.

Ngày hôm sau toàn nhóm chuyên gia QS Soviet tại trung đoàn đi xe về Hà Nội ghi sổ tang tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa từ trần.

Đoàn đại biểu chính thức do Chủ tịch HDBT A.N.Kosyghin dẫn đầu bay đến dự lễ tang chỉ một ngày. Chúng tôi, các chuyên gia QS Soviet dự tính sẽ được gặp A.N.Kosyghin nhưng....lãnh đạo không tìm được thời gian thích hợp.

Trước 7 tháng 9 ban lãnh đạo Đoàn CGQS Soviet tại VNDCCH đã tiến hành tổng kết. Nhóm chuyên gia trung đoàn của chúng tôi được bầu là tập thể xuất sắc nhất. Trưởng Đoàn chuyên gia QS Soviet tại VNDCCH trung tướng Stolnikov Boris Aleksandrovich thông báo nhóm chúng tôi được tặng cờ luân lưu và bằng danh dự. Tại cuộc họp này đại sứ Liên Xô tại VNDCCH I.S.Scherbakov thông báo nhóm của trung tá Konkin được ghi tên trong Sổ Vàng sứ quán và được tặng bằng danh dự của sứ quán. Tấm bằng chứng nhận này tôi còn giứ đến tận bây giờ.

Ngày 7 tháng 1 năm 1970 BCH QC PKKQ QDNDVN tổ chức buổi tiếp khách nhân dịp hai nhóm chuyên gia QS chúng tôi về nước. Mỗi cá nhân chuyên gia đều được tặng huy chương của chính phủ VNDCCH, bằng cảm ơn và quà lưu niệm. Tôi được tặng thưởng huân chương "Chiến Công" hạng 3.


Xem xét món "quà lưu niệm" - trái bom bi kiểu "quả dứa". V.K.Konkin, năm 1969.

Chính phủ Soviet ghi nhận chiến tích của chúng tôi tại VNDCCH. Thiếu tá Korolev Vadim Ivanovich, đại úy Rudenko Aleksandr Aleksandrovich, các thượng úy: Alenov Mikhail Borisovich, Badianov Nikolai Vasilevich, Gordienko Aleksandr Nikolaevich, Krivadetchenkov Ivan Nikiforovich, Tretyakov Viktor Vasilevich, trung úy Bundzyak Andrei Andreyevich, thượng sĩ chuyên nghiệp Sokur Vasily Aleksandrovich - tất cả được đề nghị nhận tặng thưởng của chính phủ huân chương Sao Đỏ. Tôi được đề nghị tặng huân chương Cờ Đỏ, chiếc huân chương tôi nhận được năm 1970.

Thành phố Kharkov năm 2008.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2014, 10:51:25 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #67 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2014, 04:38:57 pm »

Trích "Việt Nam không thể nào quên"


Trung tá Skoriak Valery Vasilevich

Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1941 tại thành phố Lida tỉnh Grodno nước CHXHCNXV Belarus;
Năm 1961 tốt nghiệp trường quân sự Odessa;
Từ 1961 – 1969: trung đội trưởng trung đội bệ phóng S-75;
Năm 1969 tốt nghiệp Học viện kỹ thuật VTDT Pháo binh. thành phố Kharkov;
Từ 1969 – 1972: kỹ sư ban vũ khí tên lửa;
Từ 30.01 – 20.12.1970: công tác biệt phái tại Việt Nam;
Từ 1972 – 1975: tiểu đoàn phó kỹ thuật tiểu đoàn TLPK S-200;
Từ 1975 – 1977: chủ nhiệm ngành lữ đoàn cơ động;
Từ 1977 – 1987: đại diện quân sự, phó trưởng đoàn đại biểu quân sự;
1979: công tác biệt phái tại Lybia;
Rời quân ngũ từ 1987.
Được tặng thưởng nhiều huy chương do quá trình phục vụ quân đội và huy chương Hữu Nghị của Việt Nam.



VIỆT NAM – TÌNH YÊU CỦA TÔI, NỖI ĐAU CỦA TÔI

Việt Nam – quê hương thứ hai của tôi. Thực tế này diễn ra ngoài ý muốn chủ quan của tôi.
Tại Việt nam tôi thực hiện nhiệm vụ của BCH trợ giúp quốc tế cho các chiến sĩ QĐND Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1970, còn từ 2003 đến 2007 trong các chuyến đi riêng tôi đã 4 lần cùng 1 lần trong thành phần đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Sô-Việt chi hội Sverdlovs, có mặt ở Việt Nam.

Tôi đã có mặt trong những chuyến du lịch ở nhiều đất nước khác nhau: Phần Lan. Đức, Hung, Tiệp, năm 1979 thi hành nhiệm vụ quốc tế tại Lybia. Ấn tượng rất nhiều nhưng Việt Nam là đất nước duy nhất mà đến đó tôi như được về với quê hương ruột thịt của mình. Sau khi thăm đất nước này 6 lần, tôi vẫn sẵn sàng bay đến Việt Nam vì tôi thấy ở đấy như ở trong ngôi nhà thân thiết của cha mẹ mình (như nhà tôi ở Ukraina).

Tôi đã tìm hiểu tại sao ở mình lại nảy sinh một tình cảm như thế.

Thứ nhất, thiên nhiên ở đây rất diễm lệ, trên cạn cũng như trên biển đều tuyệt đẹp. Tất cả những điều đó không mô tả được mà cần phải thấy tận mắt. Mỗi lần ở Việt Nam tôi lại nhận ra một cái gì đó mới mẻ. thú vị của đất nước này. Thứ hai, trên mảnh đất Việt Nam những người bình thường đều nhớ “Liên Xô” – đó là những chuyên gia quân sự Soviet, đến trợ giúp trong những năm chiến tranh khó khăn ác liệt (1960 – 1975). Giao tiếp với những người Việt nam yêu lao động, bạn sẽ hiểu sự chân thành và tốt bụng của họ.

Sự làm quen với đất nước tuyệt vời đó đã bắt đầu như thế nào.

Năm 1969 tôi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Vô tuyến điện tử Pháo binh tại Kharkov. Sau một số chậm trễ trong việc đề xuất tôi vào chức vụ theo chuyên ngành đào tạo ở học viện, dù sao tôi cũng được bổ nhiệm vào cương vị kỹ sư thiết bị phóng thuộc ban quân khí đơn vị cũ.

Đơn vị tôi đóng quân cách Sverdlovsk 15 km, đã trải qua chặng đường chiến đấu vinh quang: Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tham gia chiến tranh Triều Tiên thập kỷ 50, năm 1960 bắn rơi chiếc máy bay-do thám của phi công Powers. Tôi bắt đầu phục vụ ở đơn vị này từ năm 1963, Ban chỉ huy đơn vị gồm - các đại tá E.E.Poluektov, L.S.Padukov, N,M,Pozdnyakov, I,S,Repin - là các sĩ quan cựu chiến binh tiền tuyến có khả năng đòi hỏi và chăm lo cho các sĩ quan. Mỗi sĩ quan nếu xứng đáng đưa lên cương vị cao hơn đều được đề bạt kịp thời. Sau khi lứa sĩ quan chỉ huy cũ nghỉ, một số truyền thống tốt đẹp bị quên lãng. Ban quân khí của đơn vị là một tập thể kĩ sư hạng cao, và tôi có dịp hoàn thiện kiến thức của mình về nhiều vấn đề.

Khi phái người đi công tác Việt Nam, ban cán bộ thường chọn sơ bộ hai ứng cử viên cho cùng một chức vụ để đảm bảo độ tin cậy - người chính và người thay thế. Tháng 12 năm 1969 tôi được chọn là người thay thế, Do bệnh tật của sĩ quan ứng cử viên chính, tôi trở thành người đi công tác.

Nói chung tôi có duyên với vai phụ, năm 1979 tôi cũng là người thay thế, song do một số nguyên nhân, tôi lại đi biệt phái Lybia thay cho sĩ quan ứng cử viên chính.

Tại HDQS TDQ PK 40, tướng I.M.Gurinov hỏi thời hạn thăng quân hàm của tôi đã qua chưa, tôi trả lời đã quá hạn. Tư lệnh TDQ có quyền phong quân hàm theo niên hạn cho các sĩ quan sơ cấp, vì vậy tôi đã đến Việt Nam với quân hàm đại úy. Tôi biết ơn tư lệnh về điều này.

Trong 10 ngày tháng 1 năm 1970 tôi trải qua đợt tập huấn ở một trong các phòng ban của BTTM. Bác sĩ hướng dẫn tôi không nên uống nước lạnh, để tránh phát ban cần tắm hai lần trong ngày. Tôi được tiêm chủng tránh viêm não, tác nhân truyền bệnh này ở Việt Nam là muỗi. Người ta nói với chúng tôi rằng đã có những sĩ quan đầu tiên vướng căn bệnh này, một đại tá, một thượng úy bị gửi về Liên bang trong trạng thái bị bệnh trầm trọng.

Không lâu trước chuyến đi, năm 1968, tôi sinh cháu gái Marina, nhưng tôi và vợ tôi đã phản ứng với chuyến công tác biệt phái này một cách bình tĩnh.

Thời điểm thú vị nhất, gắn với công tác chuẩn bị cho chuyến đi diễn ra vào tháng 1 năm 1970. Có 25 sĩ quan được cử đi cùng đợt với tôi. Người ta đưa chúng tôi đến một kho quân nhu nào đó, thay sang quần áo dân sự, mà trang phục quần áo và giày của tất cả đều giống hệt nhau cả về màu sắc lẫn kiểu may. Khi 26 sĩ quan mặc đồ mới, như những anh em sinh đôi xuất hiện tại phi trường Sheremechievo, điều đó gợi nên sự tò mò của những người xung quanh. Giữa cái lạnh giá 30 độ âm, tất cả đội những chiếc mũ, mặc những chiếc áo khoác giống hệt nhau, đứng cùng nhau, y hệt những tay thám tử trong các bộ phim trinh thám Mỹ.  

Chuyến bay theo hành trình Moskva-Dushanbe-Karachi-Calcutta-Vientiane-Hà Nội, thực hiện bằng chuyến bay thương mại trên máy bay Il-18 và kéo dài 22 tiếng đồng hồ. Khi tiếp đất ở Karachi (Pakistan), chúng tôi ra khỏi máy bay và ngửi thấy một mùi hoa lạ nào đó - kỳ hoa dị thảo các nước phương đông. Mùi hương đó cũng rất đặc trưng ở Việt Nam: đồ đạc đem từ đó về không mất mùi sau cả vài tháng.

Khi đỗ ở Calcutta người ta cho chúng tôi ăn ở phi trường rất tốt. Khi nhìn những người Ấn đi ngang qua sân bay, chúng tôi hiểu nhiều người ở đây rất nghèo khổ mà hầu như ai cũng tươi cười, chắc chắn họ là những người lạc quan.

Khi bay tới Hà Nội thời tiết ở đây rất đẹp, nhiệt độ là 25 độ dương. Lập tức người ta chở chúng tôi về sứ quán, sau đó về khách sạn, khu vực làng Kim Liên.

Vào tháng 1 năm 1970, trưởng đoàn chuyên gia quân sự Soviet là tướng B.A.Stolnikov, trưởng đoàn chuyên gia về TLPK bên cạnh QC PKKQ là đại tá V.A.Gude, phó trưởng đoàn chính trị là đại tá A.T.Trombatchev.

Tôi được gửi đến ban kĩ thuật-tên lửa bên cạnh BCH QC PKKQ. Trưởng nhóm là CCB Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đại tá Dyurich. Sau này người lãnh đạo nhóm là trung tá V.V.Smanenko. Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra mức sẵn sàng chiến đấu của thiết bị phóng của tổ hợp S-75.


Nhóm kĩ sư tên lửa đoàn chuyên gia quân sự Soviet tại QC PKKQ. Hàng thứ 2 từ phải sang, người thứ 2 là đại tá Duyrich, người thứ 3 từ phải sang là V.V.Skoriak. Hà Nội, 23 tháng 2 năm 1970.

Những nhiệm vụ cơ bản của nhóm kĩ thuật QC PKKQ:
- kiểm tra tình trạng kĩ thuật và mức độ SSCD của các tiểu đoàn kĩ thuật;
- giám sát công việc và chất lượng sửa chữa khí tài và trang bị vũ khí của xưởng sửa chữa A-31;
- loại trừ những hư hỏng phức tạp trên khí tài tác chiến;
- trợ giúp hoàn thiện huấn luyện các kíp chiến đấu;
- tiến hành các tiết tập huấn với các chuyên gia Việt Nam thuộc BTM PKKQ, cũng như các chuyên gia quân sự Soviet tại cấp trung đoàn về các đặc điểm của những cải tiến đã thực thi và khai thác khí tài trong các điều kiện khí hậu nóng ẩm;
- giúp đỡ khôi phục các tổ hợp TLPK bị hư hại trong thời gian máy bay Mỹ ném bom;
- phối hợp cùng chuyên gia Việt Nam thuộc PKT QC PKKQ tiến hành đánh giá xạ kích, phân tích lý do rơi đạn và các hoạt động khác, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả các tổ hợp TLPK.

Tập thể nhóm kỹ sư tên lửa được tuyển chọn từ các phân đội PK ở khắp mọi miền Liên bang Soviet. Các ứng viên đi làm nhiệm vụ trợ giúp QTVS cho Việt Nam được lựa chọn kỹ lưỡng nhưng cũng có trường hợp nhầm lẫn. Trong tập thể chúng tôi có một kĩ sư đến từ Irkutsk, hoạt động của anh ta không xứng đáng với danh hiệu sĩ quan, theo yêu cầu của ban kĩ thuật anh ta bị đuổi về Liên Xô trong 24 giờ. Tóm lại - đây là trường hợp duy nhất và trong các điều kiện chiến đấu không có bất cứ một quan hệ không hữu nghị nào.

Lãnh đạo nhóm và toàn thể BCH cấp trên đều cố gắng giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo những điều kiện tốt đẹp nhất để giải quyết nhiệm vụ chiến đấu.

Không phải tất cả các tiểu đoàn TLPK của QC PKKQ Việt Nam đều tin vào sự sẵn sàng xạ kích một trăm phần trăm của khí tài, còn một số tiểu đoàn TLPK đơn giản là không muốn chiến đấu. Nhiệm vụ của các chuyên gia QS Soviet nhóm kĩ thuật tại QC PKKQ quy về những điểm sau:
- phát hiện những khiếm khuyết trong công tác chuẩn bị khí tài tác chiến;
- giúp đỡ loại trừ các khiếm khuyết này;
- ra quyết định cuối cùng về sự sẵn sàng tiến hành hoạt động chiến đấu;

Thường xuyên kiểm tra SSCD - nghĩa là cuộc sống trên bốn bánh ô tô, những chuyến đi thường xuyên, phiên dịch viên và tổ phục vụ cũng đi theo cùng chúng tôi, cuối xe buyt chất chăn chiếu, đồ uống, nước trái cây "uống đi - tôi không muốn". Trên đường chúng tôi giải trí bằng trò "thằng ngố Tàu", một trò chơi bài giống kiểu bài đầm Preferans tính điểm ở Nga.

Các nhóm chuyên gia quân sự cấp trung đoàn của chúng ta tất nhiên đóng vai trò rất lớn, khi tình trạng trang bị khí tài ở mức tốt, cuộc kiểm tra của chúng tôi kéo dài không quá 3 giờ, và chúng tôi đưa ra kết luận về mức độ sẵn sàng xạ kích của tiểu đoàn.

Có những nhóm chuyên gia QS Soviet cấp trung đoàn không thể đạt được sự thông hiểu nhau minh bạch với BCH Việt nam, đôi lúc không do lỗi của họ. Nguyên nhân là việc tuyển chọn đội ngũ quân nhân tiểu đoàn thuần túy dân tộc Hoa, điều này gây khó khăn cho công việc và sự không mong muốn chiến đấu của một số phân đội.

Mỗi người trong nhóm kĩ sư tên lửa chúng tôi đều hiểu rất rõ về hệ thống của mình, những tham số nào cần phải kiểm tra thường xuyên, những tham số nào ổn định, những tham số nào vì lý do này hay lý do khác sẽ mang đặc điểm không ổn định. Vì vậy sau kết luận của chúng tôi về sự sẵn sàng của tiểu đoàn với các hoạt động chiến đấu, qua một hai ngày người ta gọi điện báo rằng tiểu đoàn không SSCD vì những tham số nào đấy vượt giới hạn, thì các chuyên gia chúng tôi ở Hà Nội có thể kết luận: đó là lỗi của khí tài hay lỗi của con người, người đó đưa dung sai của một tham số SSCD nào đó vượt quá mức, và thực tế đã có chuyện như vậy.  
.........
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2014, 10:56:56 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #68 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2014, 10:27:11 pm »

Tại 1 tiểu đoàn (số hiệu tôi không còn nhớ) bố trí cách Hà Nội 70 km về phía đông- bắc có 1 trường hợp phóng đạn không tưởng, khi điện áp từ nguồn bên cạnh đánh thông vào khối thuốc phóng quả đạn tên lửa, và quả đạn phóng đi ở góc ngẩng 2-5 độ, Khi chúng tôi đến điều tra, thì mọi người đã rất kinh ngạc thấy BCH tỏ ra quan tâm không phải với sự cố phá hoại, mà là đạn tên lửa đã vượt quá các đặc tính kỹ-chiến thuật. Thường khi phóng đạn, khối động cơ chứa thuốc phóng sẽ cắt tầng rơi xuống ở cự ly dưới 5 km. Trường hợp này, đạn xuyên qua một bờ đất 3 mét, bật trở ra khỏi bệ phóng bên cạnh, rơi xuống đât ở cự ly 5,5 - 6 km.

Tham gia phân tích các trường hợp đạn rơi là trách nhiệm của chúng tôi. Tại tỉnh Thanh Hóa, ở một tiểu đoàn TLPK, người ta cho chúng tôi một câu hỏi, tại sao giới hạn xa của vùng diệt mục tiêu của đạn V-750 là 42 km, mà quả đạn sau khi phóng lại tìm thấy cách đó 120 km. Lại phải giải thích nguyên lý lái tàu lượn và các dòng không khí, chúng tôi chỉ ngạc nhiên trước vấn đề tại sao đạn không tự hủy. Không có chuyện gọi nhóm chúng tôi đến điều tra cụ thể về trường hợp này.

Các chính ủy đóng vai trò chủ chốt trong việc ra các quyết định quan trọng. Các cuộc họp toàn thể tại các tiểu đoàn Việt Nam đóng vai trò không kém phần ý nghĩa. Các cuộc họp toàn thể được gọi theo tiếng Việt là "phi bình", nghĩa là phê phán, một người lính thường có thể phê phán bất kỳ vị chỉ huy nào tại cuộc họp đó. Cuộc họp kéo dài không ít hơn 2 ngày, mỗi người phát biểu vài lần. Nghị quyết của cuộc họp là đạo luật với tất cả mọi người. Thỉnh thoảng chúng tôi đến đúng dịp cuộc họp đang diễn ra, họ nhã nhặn điều chúng tôi ngược về Hà Nội và nói: "Các anh đến làm gì, lẽ nào các anh không biết chúng tôi đang họp phi-bình?".

Tiếc thay, khái niệm giữ bí mật quân sự tại Việt Nam không tồn tại, quyển sách mà ở nước ta đóng dấu "mật" hoặc "tuyệt mật", nằm lẳng lặng trong một góc cabin đài điều khiển nào đó hoặc lăn lóc trong một gian nhà một tầng mà chẳng có ai bảo vệ nó. Tại Liên bang Soviet khi làm mất dẫu chỉ một trang trong sách mật, người sĩ quan sẽ bị đuổi khỏi quân đội hoặc tệ hơn thì ra tòa án binh.

Các giờ học về công tác chuẩn bị kĩ thuật được tiến hành đều đặn tại nơi ở của BCH QC PKKQ Việt Nam. Tôi tiến hành giờ tập huấn với "đồm trí" Hôm, người đã tốt nghiệp trường Bách Khoa Hà Nội, một con người tốt bụng. Tôi cùng anh mất khá nhiều thời gian nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm lên các nút riêng biệt của bệ phóng SM-63-II. Đã ban hành một số khuyến nghị về vấn đề này tại tiểu đoàn TLPK.

Xuất sắc nhất trong số các phiên dịch viên là Tịnh, một người rất hiểu biết và thiện tâm.

Các giờ tập huấn với các chuyên gia quân sự Soviet cấp trung đoàn là về các vấn đề sau:
- bản chất vật lý của các cải tiến khí tài;
- hư hỏng đặc trưng của các thiết bị điện tử trong điều kiện khí hậu nóng ẩm;
- nguyên tắc định hướng bệ phóng theo "phương pháp Việt nam" với sự trợ giúp của la bàn và máy ngắm hỗ trợ từ cabin "P";
- phân tích nguyên nhân rơi đạn;
- tổ hợp các biện pháp để nâng cao hiệu quả xạ kích.

Cần nói rằng hiệu quả hệ thống PK sẽ cao hơn nhiều nếu đánh trả đối phương trên đường không người ta sử dụng các hệ thống có mặt bằng khác nhau: tổ hợp TLPK S-75, S-125, máy bay, PPK và súng máy PK. Hiệu quả của chúng chỉ có được trong sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ.  

Cần nhấn mạnh rằng khí tài phải hoạt động ở khá xa ngoài giới hạn cho phép của đặc tính kỹ-chiến thuật. Độ ẩm của không khí biển là 90 - 100%, nhiệt độ của các khối điện tử của bệ phóng SM-63-II bị duy trì trong vòng 65 - 75 độ không dưới 6 tháng trong năm, những điều kiện khai thác như vậy làm giảm đáng kể trở kháng cách ly của các máy điện. Trên thiết bị phóng, các động cơ điện Mi-41, Mi-42, các bộ khuếch đại kiểu máy điện EMU-25Az, EMU-50Az bị hỏng chỉ sau 1,5 - 2 năm sử dụng. Rơ-le phân cực R-4 và khuếch đại U-68 cũng hư hỏng.

Các nút và các chi tiết được thay thế, dĩ nhiên sau khi nguyên nhân hư hỏng được tìm ra. Bộ khuếch đại U-68 bị thay thường xuyên mà người ta không hiểu nguyên nhân hư hỏng là do bộ khuếch đại kiểu máy điện không làm việc. Việc xây dựng các nút mới có độ tin cậy cao hơn thì không có thời gian.

Trong các điều kiện sử dụng khắc nghiệt, tổ hợp TLPK S-75 tỏ ra khá tin cậy, việc phải ngừng xạ kích do hư hỏng khí tài chiến đấu ít khi xảy ra.

Đã hai lần chúng tôi xuống xưởng sửa chữa A-31, nơi kiểm tra chất lượng sửa chữa khí tài chiến đấu bị trúng bom máy bay Mỹ.

Toàn bộ khí tài tham gia chiến đấu tại Việt Nam đều xuất phát từ Liên Xô: đó là súng máy, pháo, máy bay, xe tăng, vũ khí cá nhân, tổ hợp TLPK và những loại khác nữa. Có lần người phiên dịch trỏ cho tôi chiếc điện đài do Trung quốc cung cấp và nói: "Xem này -"Trumkok" (nghĩa là của Trung quốc). Tôi tháo cái mác ra và nói: "Bây giờ xem đi - "Liên Xô" nhé (nghĩa là đồ Soviet). Anh cười phá lên.

Trong đời sống thường nhật, thái độ của người Việt Nam đối với chúng tôi rất tốt, ngoại trừ hãn hữu một vài chỉ huy quân sự có tinh thần thân Trung quốc, không muốn thừa nhận phần trợ giúp lớn nhất là từ Liên bang Soviet. Quả thực, những sự kiện khét tiếng năm 1979 đã cho họ thấy ai mới là người bạn số 1 của họ.

Các phi công và lính PK Trung quốc không tỏ ra xuất sắc trong các tình huống chiến đấu, nhưng sau đó ở Hà Nội họ đi lại hiên ngang với "tình cảm hãnh diện về phẩm chất của bản thân", họ mặc những chiếc sơ-mi trắng, trên túi áo mỗi người có chân dung Mao Trạch Đông với ngọn đuốc hồng soi đường chỉ lối.

Thỉnh thoảng trong những phút yên tĩnh giữ được tại Hà Nội, chúng tôi đi xem những cuộc hòa nhạc chung Sô-Việt, tại đó tất cả các bài hát đều được hát lên bằng tiếng Nga và đều được tán thưởng vì sự trình diễn xuất sắc. Như thể trong một vài giờ đồng hồ ta được trở về Tổ quốc ở Liên bang Soviet.


Trước khi xuống trung đoàn TLPK QDND Việt Nam, đang đứng chân bảo vệ Hải Phòng, tháng 7 năm 1970.

Một lần chúng tôi đi xem ở nhà hát Nhạc-Vũ kịch. Chúng tôi được thấy cảnh tượng rất hoành tráng, có gì đó giống như kiểu ba-lê của chúng ta - các vũ công luân phiên trong những cảnh "câm", khi mà để thuyết minh chủ đề, hành động lặng đi trong vài phút và các diễn viên đứng bất động hoàn toàn. Trình độ nghệ thuật của họ đạt đến mức cực cao.

Ở đây có những ngày lễ lớn như sau: Năm Mới, Năm Mới theo lịch phương đông, ngày 23 tháng 2, ngày 1 tháng 5, ngày 7 tháng 11. Tại các buổi tối chiêu đãi gần như luôn có mặt: đại sứ Liên Xô tại VNDCCH I.S.Scherbakov, trưởng đoàn chuyên gia quân sự Soviet tướng B.N.Stolnikov: các sĩ quan gọi ông là "bố" Stolnikov, tại các buổi tối tiếp tân ông luôn thích ở trung tâm mọi sự chú ý và đóng vai chủ trì bữa tiệc.  

Chúng tôi được tạo điều kiện 3 ngày nghỉ ngơi ở khu nghỉ mát Hạ Long, đó là những hòn đảo nhỏ trên biển, nước tinh khiết và những món ăn tuyệt vời từ cá. Dân chài lưới cả đời lênh đênh trên biển, chỉ thỉnh thoảng họ mới cặp vào các đảo nhỏ - mái nhà ruột thịt của họ.

Để mua hàng chúng tôi phải dạo "hiệu buôn sứ quán" ở Hà Nội, tại đó có đủ loại hàng hiếm: trứng cá đỏ và đen, tôm đóng hộp, cá tầm sao và cá chiên, rượu cô-nhắc Armenia. Tất nhiên toàn bộ những thứ đó chúng tôi chỉ mua trong dịp bày bàn tiệc ngày lễ.

Trong các ngày sinh nhật và ngày lễ, ban đầu chúng tôi tăng cường thêm loại đồ uống của Việt Nam "Lia Moi" (Lúa Mới). Vì trong thời 1970 chất lượng rượu còn tồi nên bắt đầu sinh ra chứng đau bao tử, chúng tôi phải chuyển sang dùng đồ xuất khẩu của mình là loại "Pshenitchnyi", sau này người ta chuyên chở đến những hòm cô-nhắc Armenia giá vừa phải như "Erevan" và "Yubileynyi". Không có ai lạm dụng, bản thân cái nóng 40 độ C đã là rơ-le hạn chế tự nhiên.

Tiền bạc cho các sĩ quan ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các cố vấn quân sự của chúng ta ở Cuba, Syria, Ai Cập, Algerie và các nước châu Phi khác. Ở những nơi đó một cố vấn quân sự sau một năm làm việc tại chỗ kiếm được tiền đủ tậu xe "Volga", còn các chuyên gia quân sự Soviet tại Việt Nam chỉ kiếm được nửa chiếc "Zaporogie".

Ham muốn tự nhiên của đàn ông là được giao tiếp với giới nữ, trong trường hợp với các cô gái Việt Nam thì sẽ không tìm được sự thỏa mãn, dù cả hai bên đều có mối quan tâm đến nhau. Các sĩ quan an ninh Việt Nam luôn giám sát đội ngũ nhân viên nữ phục vụ, và nếu xảy ra "Tai họa", lập tức "nữ tội phạm" được gửi ra bộ phận chiến đấu của quân dội ngay, còn anh chuyên gia quân sự chúng ta - về nhà, về Liên bang. Trên mặt sau tấm huy chương Hữu Nghị của Việt Nam không khắc ghi chữ gì, còn chúng tôi đùa tếu rằng khi mình được quay về Liên bang, ở đó người ta sẽ đề: "Vì đã nhịn dục".

Có nhiều chuyện thú vị về vấn đề này nhưng tôi sẽ chỉ kể một chuyện. Chúng tôi sống ở tầng 2 khách sạn "Kim Liên" Hà Nội. Trong một ngày nghỉ các sĩ quan của chúng ta thảo luận: cần phải sang chơi thăm các bạn nữ người Lào, vì trong trường hợp này không có kỷ luật - không như với các cô Việt Nam. Các đại diện của "Chính phủ Lào lưu vong" sống ở tòa nhà bên cạnh, trong số họ có một số nữ phải nói là gây được thiện cảm.

Hai sĩ quan chuyên gia của tiểu đoàn kỹ thuật, đi hẹn hò. Với vốn từ tiếng Việt không nhiều hơn một trăm từ, để diễn tả tình yêu thì quả là thú vi. Các cô gái đứng trên ban công lộ thiên, khúc khích cười rất bí ẩn., cảnh đó kéo dài 5 - 10 phút. Sau đó hai chàng Lào trẻ đi ra nói bằng một thứ tiếng Nga rất sõi: "Các cậu cả ơi, ở đây các cậu chẳng kiếm được gì đâu",.. Họ từng học 5 năm ở trường quân sự Krasnodar. Khi các "chú rể" trở về kể chuyện, tất cả chúng tôi phá ra cười ngặt nghẽo.

Cuộc sống thường nhật đầy rẫy đủ loại sự kiện, từ thông thường, không đáng chú ý đến sự kiện quan trọng, đôi khi là bi thảm.

Một sĩ quan đã tham gia bắn rơi những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bằng tổ hợp S-75, nói với tôi rằng các chuyên gia quân sự Soviet lứa đầu tiên là những người thiện chiến nhất, còn chúng tôi những người đến sau không xứng đáng như vậy. Điều đó dĩ nhiên là vô lý. Trong mỗi giai đoạn chiến tranh người ta thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, không ai có thể biết được khi nào và ở đâu bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Trong thời gian tôi công tác ở đây, ngày 29 tháng 4 năm 1970, kíp trưởng kíp phụ trách trạm điện diesel trung đoàn TLPK 237 QDNDVN hạ sĩ Garkusha Vladimir Ivanovich đã lìa đời vị vết thương quá nặng. Vào ngày thứ 7 11 tháng 4 năm 1970 anh cầm cuốc cuôc phải một quả bom bi chưa nổ lẫn dưới mặt đất. Bom nổ. Các thầy thuốc dồn hết nỗ lực để cứu sống anh, các chuyên gia quân sự hiến máu, nhưng tiếc thay không cứu nổi chàng trai trẻ. Trung sĩ V.I.Garkusha được truy tặng huân chương Sao Đỏ và chính phủ VNDCCH truy tặng huân chương "Chiến Công" hạng III.

Sự kiện đáng nhớ khác là mưu toan của người Mỹ giải thoát các tù binh chiến tranh của họ tại khu vực Sơn Tây ngày 21 tháng 11 năm 1970. Trại tù binh Mỹ nằm chỉ cách dãy nhà ở 1 tầng của các sĩ quan chúng ta làm việc tại xưởng A-31 hơn trăm mét. (Nhân chứng kể cho tôi nghe sự kiện này là thiếu tá V.P.Katughin, đồng sự của tôi tại đơn vị quân đội 03311).  

Để thu hút sự chú ý của PK Bắc Việt Nam khỏi ý định thật giải thoát tù binh của họ, người Mỹ tiến hành không kích ồ ạt vùng phụ cận Hà Nội. Có 10 -12 máy bay tham gia không kích. Tham gia chiến dịch giải thoát phi công tù binh là các lính dù đã được huấn luyện kĩ lưỡng. Tám trực thăng hạ cánh xuống khu vực trại. Trong vòng 30 - 40 phút diễn ra cuộc bắn nhau giữa lính Mỹ và quân cảnh vệ có sử dụng lựu đạn. Tổn thất của đội cảnh vệ không đáng kể vì sau khi chạm súng một thời gian ngắn họ đã ẩn nấp hết.

Toán đánh chiếm đã làm chủ trại tù, nơi lẽ ra phải tìm thấy các tù binh phi công nhưng hóa ra chẳng có ai. Một tuần trước chiến dịch người Việt Nam đã chuyển họ vào hang núi. Đội đổ bộ bằng trục thăng của Mỹ trở về Thái Lan công cốc.

Các chiến sĩ tình báo Việt Nam vẫn luôn luôn hoạt động ở trình độ rất cao, còn người Mỹ đêm ấy mất ở gần Hà Nội 4 chiếc máy bay.

Từ những phiên dịch viên Việt Nam vốn được biết nhiều hơn tất cả mọi người về mọi vấn đề, chúng tôi nghe được chuyện năm 1970 người Mỹ gửi tới chính quyền Việt Nam DCCH câu hỏi: họ có thể giải thoát các tù binh phi công của mình với những điều kiện nào? Câu trả lời là thế này:"Các anh gây thiệt hại cho Việt Nam 10 tỷ đô-la, hãy đặt tiền lên bàn, toàn bộ tù binh của các anh sẽ được thả sạch". Dẫu sao cuộc trao đổi đó có thể đã xảy ra, đáng ngờ chăng chỉ là số tiền thể hiện hậu quả cuộc xâm lược của Hoa Kỳ. Cũng thật đáng ngạc nhiên là ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ hôm nay thuộc Đảng Cộng hòa, cựu tù binh phi công chiến tranh Mắc-Kên, lại có thể được trả tự do.

Một số sự kiện khác: năm 1970 đến thăm Việt Nam có phi công-nhà du hành vũ trụ Liên Xô, hai lần Anh hùng Liên bang Soviet P.R.Popovich, nhà thơ Evgheny Dolmatovsky, nhà văn Yuri Rytkheu. Đến đây biểu diễn còn có các đoàn xiếc từ Leningrad và đoàn dân ca Sibir.


E.Dolmatovsky tại Berlin năm 1945
...........
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Sáu, 2014, 02:59:08 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #69 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2014, 12:41:21 am »

Khu chiến 4

Năm 1970, nhóm kĩ sư tên lửa đoàn chuyên gia quân sự Soviet tại QC PKKQ thăm khu vực phía nam thành phố Vinh ba lần:
- tháng 3 và tháng 4 - có mặt tại trung đoàn TLPK 275 QDNDVN, khôi phục tiểu đoàn 68 sau khi trúng bom, kiểm tra SSCD các trung đoàn TLPK 275 và 238 QDNDVN;
- tháng 10 kiểm tra SSCD các tiểu đoàn thuộc trung đoàn TLPK 275 và 238 QDNDVN;
- tháng 12 trợ giúp trung đoàn TLPK 238 QDNDVN huấn luyện kĩ thuật để bắn rơi máy bay B-52.



Tôi có mặt trong hai chuyến đi: tháng 3-4 và tháng 10. Tháng 12 tôi hết thời hạn công tác biệt phái, các chuyến đi chỉ đến các trung đoàn TLPK đứng chân bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự Soviet, phần lớn chiến sự trên lãnh thổ VNDCCH giai đoạn 1969 - 1971 diễn ra ở phía nam thành phố Vinh, nơi người ta gọi là khu 4.

Tất cả các đối tượng cầu, phà, cầu phao, đê đập, nơi tập trung đông người, xe ô tô chở người, tổ hợp TLPK đều bị ném bom.

Chiến tranh - đó là một trò xảo trá, thật khó nói ai khó hơn ai trong chiến tranh. Những người từng trải qua địa ngục ấy thường kiệm lời hoặc kể về các khó khăn trong chiến tranh một cách bình thường, như thể đó là những công việc hàng ngày vẫn làm.  

Một số nhà báo khi tới thành phố Vinh, sau khi nhìn thấy sự điêu tàn của thành phố này thường phóng bút viết ngay bài báo của mình rồi khẩn trương về Hà Nội. Họ không có mong muốn đi tiếp về phía nam.

Không thể nói tất cả đều như vậy. Tôi biết những nhà báo từng viết phóng sự từ khu vực vĩ tuyến 17 và Lào, mạo hiểm mạng sống để khai thác những tư liệu hay. Họ thậm chí còn mang theo món lương khô của người Mỹ mà họ thết các sĩ quan của chúng tôi tại các tỉnh phía nam nước VNDCCH.

Trong số các nhà báo nước ngoài làm việc ở khu vực vĩ tuyến 17 và ở Nam Việt Nam có nhà báo nữ Ba Lan Monika Varnenska, những bài phóng sự xuất sắc của bà được tập hợp trong cuốn sách "Khu Bốn" (Nhà xuất bản "Tiến Bộ", năm 1970).

Vào tháng 3-tháng 4 năm 1970, đoàn chúng tôi đi tất cả 8 người do đại tá Duyrich lãnh đạo, đã ở khu vực này 2 tháng, chuyến đi rất thú vị và hiệu quả.

Xuất hành từ thành phố Vinh đầu tháng 3 đi xuôi hướng nam, sau một tiếng rưỡi chúng tôi gặp phải trận bom, người Mỹ ném bom cầu phao trên đường chúng tôi sắp đi tới. Rất may là chúng tôi còn cách bến khoảng 1 km. Ẩn nấp sau các bụi cây ven đường, chúng tôi vừa quan sát xem những chiếc F-105 trút hết bom thế nào, sau đó chúng tôi đi tiếp theo đường vòng.

Khi có mặt ở tiểu đoàn TLPK 68 vừa thương vong do trúng bom Mỹ, dù chỉ đứng cách khí tài chiến đấu 5 - 10 mét chúng tôi cũng không phát hiện ra, điều đó chứng tỏ công tác ngụy trang rất tốt. Tiểu đoàn trưởng đón chúng tôi, và chúng tôi đi vào trận địa tại đó triển khai 3 bệ phóng.Vì các bệ và đạn chất đầy lá dừa và tre, tôi làm nhận xét qua phiên dịch với khẩu đội trưởng khẩu đội bệ phóng: "Cánh lái đạn tên lửa của các anh bị kẹt". Anh ta trả lời: "Đạn tên lửa của các anh rất đáng tin cậy, chúng tôi chưa có trường hợp nào kẹt bánh lái".    

Việc khôi phục khí tài của tiểu đoàn TLPK 68 tiến hành từ 16:00 đến 24:00, thời đó trong khoảng này bọn Mỹ ít khi ném bom, các biện pháp an toàn như vậy được các bạn Việt Nam và các sĩ quan nhóm chuyên gia quân sự cấp trung đoàn tại trung đoàn TLPK 275 QDNDVN bỏ nhỏ cho chúng tôi biết.

Việc sửa chữa các bệ phóng SM-63-II thực hiện bằng phương pháp khối. Trong rừng có rất nhiều bệ phóng, các bệ này có 2-3 thiết bị điện tử hỏng, các khối còn lại được sử dụng để khôi phục khí tài. Khi gặp các hư hỏng trong điều kiện dã chiến việc sửa chữa phục hồi là không thể.

Công tác khôi phục kết thúc theo khẩu lệnh của đại tá Duyrich, ông không nhìn đồng hồ, ông nhìn - xem khi nào người Việt Nam kiệt sức cuối cùng lăn ra ngủ, khi đó tiếp theo sẽ là khẩu lệnh "Khet-lam-vek", nghĩa là hết việc để làm. Dĩ nhiên các quân nhân Việt Nam thua kém các chuyên gia quân sự Soviet về sức chịu đựng.

Các chuyên gia Việt Nam cho thấy các bệ phóng ở trong rừng nhiệt đới một thời gian dài, họ mở nắp bộ giảm tốc và chỉ vào phần trên chi tiết truyền động đã bị gỉ sét. Tôi giải thích cho họ rằng người ta không cho phép đổ dầu mỡ vào quá 2/3 thể tích hộp số, nếu rót thêm thì khi chịu tải trọng lớn động cơ điện sẽ nhanh chóng hư hỏng; để tránh gỉ sét, cần định kỳ quay bệ phóng theo góc phương vị và góc tà. Phải giải thích rõ điều đó vì nghị quyết của các cuộc họp toàn thể "phi-bình" đã quyết cho đầy ự dầu mỡ vào hộp giảm tốc.

Chúng tôi kết thúc việc sửa chữa và điều chỉnh khí tài quãng 12 hoặc 15 tháng 4. Ngoài sửa chữa chúng tôi còn kiểm tra SSCD hai tiểu đoàn TLPK của trung đoàn 275 BC TLPK QDNDVN.

Một trong các tiểu đoàn của trung đoàn 275 sau cuộc kiểm tra của chúng tôi, ngày 10 tháng 4 năm 1970 đã bắn rơi một máy bay do thám KNL BQM-34A (hoặc 72A) số hiệu 3337 (theo thống kê của người Việt Nam). Toàn thân máy bay để giảm phạn xạ radar được làm bằng chất dẻo, trừ động cơ. Người Việt Nam mang đến đoạn phim chụp dài 30 mm, trên đó ghi không ảnh địa hình. phim này thường được tráng ngay trên máy bay. Mảnh chất dẻo và mảnh phim lấy từ chiếc máy bay này khi trở về nước Nga tôi đã trao tặng viện bảo tàng chiến tranh Afghanistan "Shuravi" để trưng bày kỷ niệm chiến tranh Việt Nam.

Máy bay KNL được phóng từ máy bay mẹ DC-130 "Hercules", cũng như từ các tàu chiến Mỹ trong vịnh Bắc Bộ, sau khi kết thúc chuyến bay nó đáp xuống mặt nước, sau khi nạp liệu bổ sung nó lại sẵn sàng để sử dụng tác chiến. Độ dài đường bay hay sử dụng là 330 - 350 km, độ cao bay đến 20 km, bề rộng dải chụp được không ảnh là 2 km.

Việc điều khiển máy bay thực hiện bằng thiết bị lập trình sẵn gắn trên máy bay hoặc bằng lệnh vô tuyến. Do các máy bay KNL sử dụng độ cao bay thấp và trung bình, việc theo dõi sát nó trên nền địa vật bằng các phương tiện của tổ hợp TLPK là khó khăn.

BCH các LLVT Hoa Kỳ giành kinh phí khá lớn cho việc hoàn thiện các phương tiện bay trinh sát KNL, vì họ cho rằng toàn bộ các thông tin trinh sát trong thời gian thực sẽ được truyền đến các trạm giải mã thông tin.

Trên các phương tiện trinh sát KNL khác người ta lắp đặt thiết bị trinh sát là các hệ thống laser, tia cực tím, tia hồng ngoại, radar quét cạnh.

Sau khi kiểm tra xong hai tiểu đoàn của trung đoàn TLPK QDNDVN số 275, chúng tôi kiểm tra thêm 2 tiểu đoàn TLPK thuộc trung đoàn TLPK 238 QDNDVN.

Ngày thứ 3 lưu lại tại tại trung đoàn TLPK 238, lúc gần 10 giờ, ở cách trận địa hỏa lực vài trăm mét, chúng tôi quan sát thấy một quả Shrike phóng vào phía một tiểu đoàn TLPK. Người chiến binh mặt trận dầy dạn đại tá Duyrich ra lệnh: "Làm gì há hốc mồm ra thế, vào hầm ngay!" Ngay cạnh đó có các tăng-sê. Tiểu đoàn TLPK không chỉ biết gạt được Shrike, họ còn khóa được mục tiêu khác, một chiếc A-6A bị bắn rơi. Trong cùng ngày tiểu đoàn khác hạ một chiếc F-4.

Trong thời gian lưu trú dịp tháng 3-4 năm 1970 trên lãnh địa các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình của khu 4, chúng tôi di chuyển theo các con đường số 9, 12, 22 và khu vực vĩ tuyến 17, vài lần do lạc mà chúng tôi đi sang lãnh thổ Lào. Phiên dịch viên nói rằng tại các địa điểm này đã bị đối phương thả chất độc hóa học.

Bọn Mỹ sử dụng chất độc hóa học tại Quảng Bình bắt đầu từ tháng 4 năm 1966. Chúng rải chất làm trụi lá ("chất da cam"), để diệt lá rừng già nhiệt đới, Sau đó sẽ dễ hơn trong việc theo dõi sự di chuyển của bộ đội Bắc Việt Nam và hàng hóa quân sự trên "đường mòn Hỗ Chí Minh". Kết quả là bọn yankee đã đầu độc một vùng rộng lớn bằng chất dioxin là chất độc hóa học rất bền vững. Bị thương tổn không chỉ thảm thực vật và các loài động vật mà cả con người nữa.

...Sau khi từ Việt Nam trở về, tôi sinh một cháu trai đau ốm: chẩn đoán chứng "fenixetonuria", ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ và thể chất của cháu, cháu là một người tàn phế nhóm I. Về nguyên nhân phát sinh bệnh này có 2 luồng ý kiến tranh cãi: di truyền hoặc tác động xấu của môi trường xung quanh lên cha hoặc mẹ đứa bé.

Tôi nghiêng về giả thuyết thứ 2. Khi tôi cùng con trai mình đến khám tại Viện Khoa học Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, bác sỹ PTS Y khoa Merzlyakova đặt câu hỏi đầu tiên là có phải tôi nhiễm độc trong quá trình phục vụ hay không. Tôi khẳng định thực tế này, nhưng lúc đó chưa có cơ hội nói ra tôi dính nó ở đâu.

Có thể dẫn ra các bằng chứng khác về khả năng chất độc hóa học có ảnh hưởng lên các cơ cấu sinh học của tôi. Năm 1968 (trước khi đi Việt Nam), tôi đã sinh một cháu gái khỏe mạnh, tốt nghiệp xuất sắc phổ thông và đại học. Sau khi ở Việt Nam về và khám kiểm tra thể lực, các bác sĩ đa khoa quân y nói rằng chức năng thận của tôi đã bị hư hại, và trong nhiều năm trước 2006 đã cho biết về mình như vậy. Chất độc hóa học bị dùng phổ biến nhất ở Việt Nam có chứa chất dioxin, ảnh hưởng đến tính di truyền, phá hoại thận và gan (nghiên cứu của các chuyên gia độc lập của Trung tâm Nhiệt đới tại Hà Nội khẳng định điều này).

Tôi không thể chứng minh lẽ phải của mình về vấn đề này. Quốc gia và các công ty hóa chất chẳng được lợi gì trong việc thừa nhận lỗi của mình và bồi thường cho những người bị hại.

Tạp chỉ "Quân sự nước ngoài" số 5 ngay từ tháng 5 năm 1971 đã viết về chiến tranh ở Việt Nam như sau: "Cuộc chiến tranh hóa học đã diễn ra trên quy mô lớn, chỉ trong 2 năm gần đây Không lực Mỹ đã rải chất độc hóa học trên diện tích hơn 18 ngàn km vuông. Trong đó 850 ngàn người đã nhiễm độc, hàng trăm người đã chết".

Những đứa trẻ như thế nào đã sinh ra ở trong số 850 ngàn người Việt Nam bị nhiễm chất độc trên, mà đa số sống tại khu vực vĩ tuyến 17 tại các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội tháng 10 năm 2007 mà tôi đến thăm, đã chứng tỏ.  


V.V.Skoriak trong một chuyến kiểm tra SSCD thiết bị phóng S-75 cách Hà Nội 80 km.

Các quân nhân Mỹ tình cờ rơi vào vùng rải chất độc hóa học, sau khi trở về Mỹ cũng sinh ra những đứa trẻ thiểu năng về trí tuệ và thể chất. Chính quyền Việt nam và các quân nhân Mỹ đều không thể chứng minh với các công ty hóa chất về tác hại của việc họ áp dụng các chất độc hóa học.

Để chữa bệnh cho con trai tôi đã tiêu tốn những món tiền khổng lồ. Lời kêu gọi của tôi năm 1996 về việc xin trợ giúp gửi tới các cấp thẩm quyền khác nhau ở Bộ QP đã không thu được kết quả. Bộ QP không phủ nhận rằng ở khu vực vĩ tuyến 17 nơi tôi từng sống, chất độc hóa học đã được sử dụng, họ đồng cảm và từ chối giúp đỡ vì không có nguồn tài chính giành cho những mục đích này.    

Chỉ có tổ chức CCB Afghanistan thành phố Ekaterinburg giúp đỡ, họ giúp tôi được một món tiền nhỏ và tôi biết ơn họ vì họ đã ra tay giúp trong thời kỳ khó khăn đối với tôi.

Không khắc nghiệt như thế, chuyến công tác biệt phái đến Việt nam cũng tác động không vui đến các mối quan hệ trong gia đình tôi. Tháng 8 năm 1970, một chuyên gia quân sự của chúng tôi đến từ Nizhny Taghil là đại úy V.Mitenkov do bị bệnh đã buộc phải rời Việt nam. Vợ tôi (cô ấy đã qua đời năm 2003) thời ấy ở Nizhny Taghil, và tôi chuyển quà cho vợ và bà cô. - rễ nhân sâm, một món hàng rất hiếm thời bấy giờ. Mitenkov trao quà rồi không hiểu sao nói với vợ tôi rằng bên ấy tôi không buồn đâu vì đã gặp được một cô trình dược viên cấp phát thuốc người địa phương. Khi tôi trở về và người tôi bắt đầu phát ban vì chức năng thận bị hủy hoại, vợ tôi gắn chuyện đó với "những cuộc phiêu lưu tình ái" của tôi ở Việt Nam. Hoàn cảnh ấy đã gây phiền não cho cuộc sống gia đình của tôi vài năm, khi mọi việc còn chưa sáng tỏ. Thường có những "đồng chí" cùng phục vụ như vậy đấy. Trong câu chuyện này Việt Nam đương nhiên không có lỗi, nhưng khi tôi hồi tưởng về nó, bất giác chuyện đó lại hiện lên trong ký ức.
..............
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2014, 10:58:06 am gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM