Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:13:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự tham gia của bộ đội tên lửa Liên Xô trong Chiến tranh chống Mỹ  (Đọc 108596 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #20 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 03:43:55 pm »


Ngày 23-12-72, trong chiến dịch Linebacker II, phía Việt nam chỉ còn vài chục quả tên lửa, một số có thể đưa từ khu 4 về, nhưng nếu đánh lâu dài thì không đủ, do vậy Liên Xô đã tính đến cầu hàng không tên lửa đưa sang Việt nam.

Dạ bác cho tôi hỏi thông tin còn có mấy chục quả này muốn côn phơm thì phải gọi điện cho ai ạ?  Huh
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #21 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 03:54:39 pm »

Dạ bác cho tôi hỏi thông tin còn có mấy chục quả này muốn côn phơm thì phải gọi điện cho ai ạ? 

Bạn Altus ơi

Vấn đề đạn tên lửa trong 12 ngày đêm đánh B52
Trần Long - Tạp chí lịch sử quân sự
Xem: Bí mật các cuộc không kích Bắc Việt nam

Khi trận "Điện Biên Phủ trên không" kết thúc, có người đã thở phào mà thốt lên: Thật là may! Nếu như các đêm 22, 23 và 24 tháng 12 Mỹ vẫn duy trì cường độ đánh phá bằng B52 như mấy đêm trước đó (18 - 20) thì ta biết lấy đạn tên lửa đâu ra mà chống chọi? Cách hiểu như vậy phải chăng trong kết cục của trận "Điện Biên Phủ trên không", phần thắng thuộc về ta ở một chừng mực nào đấy có yếu tố may mắn?
Như chúng ta đều biết, chuyện thiếu đạn tên lửa trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 đối với ta là có thực và việc giảm cường độ đánh phá và tần suất oanh kích của B52 vào Hà Nội trong các ngày 22, 23 tháng 12 của địch là một tất yếu, mặc dù nó nằm ngoài ý định ban đầu của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) cũng như Lầu Năm Góc. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là việc B52 "lảng xa" Hà Nội đã giúp ta giải quyết vấn đề thiếu đạn tên lửa.
Để chuẩn bị cho trận "Điện Biên Phủ trên không" chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị tương đối toàn diện, một thế trận tương đối vững chắc đã sẵn sàng. Song phải qua đêm 18 tháng 12, thì khái niệm về một cuộc tập kích lớn bằng B52 vào Hà Nội mới được thực tế làm sáng tỏ. Có những vấn đề phát sinh vượt quá dự tính của ta mà vấn đề thiếu đạn tên lửa là một thí dụ.
Thực ra thì vấn đề đạn tên lửa là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Trước khi bước vào chiến dịch, nhiều cán bộ, công nhân có tay nghề cao của xưởng A31 được tăng cường xuống 2 tiểu đoàn chuyên lắp ráp đạn tên lửa. Đội ngũ này đã không quản ngày đêm mày mò cùng đơn vị tìm biện pháp khôi phục, sửa chữa và lắp ráp đạn cùng một số thiết bị khí tài khác. Các tiểu đoàn kỹ thuật đều được huấn luyện về cách lắp ráp đạn ban đêm, lắp ráp ở trận địa dã chiến, lắp ráp trong điều kiện bị oanh kích… Một số khí tài hỏng đều được cán bộ kỹ thuật của ta và chuyên gia Liên Xô kịp thời sửa chữa. Tại xưởng A31, một số lượng tương đối lớn đạn quá thời hạn sử dụng, đạn hỏng được dồn dịch và khôi phục trở lại làm tăng thêm lượng dự trữ cho các đơn vị. Cho đến trước ngày 18 tháng 12, ở Hà Nội và Hải Phòng bình quân mỗi tiểu đoàn tên lửa đều có hơn 2 cơ số đạn với hệ số kỹ thuật bảo đảm 100% (trong khi hệ số kỹ thuật của pháo phòng không chỉ đạt 95% và của radar là 96,5%). Mặc dù công tác dự phòng đã được triển khai khá chu đáo song mới chỉ qua một đêm, tín hiệu về "cơn sốt đạn tên lửa" đã được phát ra. "Giữ đạn đánh B52", "Dành đạn cho B52" không còn là khẩu hiệu nữa mà trở thành mệnh lệnh từ sau đêm 18 tháng 12. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ "dành đạn tên lửa để đánh B52", các tiểu đoàn vẫn không thoát khỏi tình trạng khan hiếm đạn. Ngay từ sáng 19 tháng 12 những chiếc xe chuyên dụng TZM đã đổ xô lao đến các kho, bãi lắp ráp đạn. Chuyện tranh cãi, muốn giành đạn nhiều cho đơn vị mình ở các kho bãi; chuyện “cháy túi" bắn đến quả đạn cuối cùng tại các trận địa không còn là chuyện hãn hữu, cá biệt. Cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất. Hai ca sản xuất suốt ngày đêm, có được quả đạn nào lập tức được đưa ngay xuống các trận địa. "Cơn sốt đạn" không những không thuyên giảm mà tiếp tục tăng cao vào các đêm 19 và 20. Đã có lúc có người nghĩ đến những đêm tiếp theo mà lòng đầy lo lắng.
Tình trạng thiếu đạn tên lửa xảy ra và lan nhanh bởi nhiều lý do. Trước hết chúng ta chưa dự đoán đầy đủ quy mô lớn của trận tập kích chiến lược với số lượng B52 tham chiến như vậy. Theo lời mô tả của viên đại uý phi công Mỹ Rô-bớt Vôn-phơ đăng trên tạp chí Air Forces - 1977 thì đêm 18 tháng 12 "đàn voi con" bao gồm 67 chiếc B52 nối đuôi nhau dài tới 70 dặm ầm ầm kéo vào Hà Nội. Cường độ đánh phá cũng đạt tới mức kỷ lục: đêm 18 có 90 lần chiếc tập kích liên tiếp 3 đợt vào hầu hết các mục tiêu quan trọng ở Hà Nội. Ngày 19 có 87 lần chiếc và ngày 20 tới 93 lần chiếc được huy động. Máy bay địch bay vào ngày càng đông, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong trận đầu dẫn đến bắn trượt, bắn hỏng cộng với việc sử dụng đạn tên lửa có phần phung phí ở một vài đơn vị đã góp phần dẫn đến việc khan hiếm đạn. Điều này biểu hiện rõ nhất trong đêm 18 và 19 là những đêm mà ta sử dụng số lượng đạn tên lửa lớn trong khi chỉ bắn rơi 3 chiếc B52 (đêm 18) và 2 chiếc B52 (đêm 19).
Đúng vào lúc tình trạng khan hiếm đạn tên lửa đang trở nên nghiêm trọng thì cường độ đánh phá của B52 đột nhiên giảm hẳn. Đêm 21 chỉ có 1 đợt 24 chiếc đánh vào Bạch Mai, An Dương, Giáp Bát, Văn Điển. Các đêm 22, 23 và 24, máy bay B52 dường như lảng xa Hà Nội. Phải chăng "hiện tượng" trên đã giúp ta khắc phục được tình trạng khan hiếm đạn tên lửa như một số người lầm tưởng. Khách quan mà xem xét thì việc kẻ địch giảm dần tần suất và cường độ oanh kích bằng B52 và ngừng ném bom vào ngày Nô-en phần nào cho ta có thêm điều kiện thuận lợi để củng cố trận địa và lực lượng, trong đó có vấn đề tạo thêm nguồn đạn cho tên lửa. Nhưng nguyên nhân chính của việc chặn đứng được tình trạng khan hiếm đạn tên lửa là do ta đã kịp thời tìm ra những "phương thuốc" hữu hiệu và triển khai nó một cách tích cực. Bên cạnh việc động viên phát huy tối đa công suất của các dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa và thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh "Chỉ dành đạn tên lửa cho B52", sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, cơ quan chỉ huy chiến lược còn kịp thời điều chỉnh, sắp xếp bố trí lại lực lượng. Số đạn tên lửa dự trữ được khẩn trương chuyển từ Thanh Hoá ra chi viện cho Hà Nội. Hai tiểu đoàn tên lửa (71 và 72) được điều từ Hải Phòng lên án ngữ phía đông bắc. Ba tiểu đoàn (87, 88, 89) thuộc trung đoàn 274 được điều từ Quảng Trị ra bố trí ở hướng đông nam và tây nam Hà Nội. Đến ngày 26 tháng 12, Hà Nội đã có 84 bệ phóng với đầy đủ cơ số đạn theo quy định. "Cơn sốt" đã bị đẩy lùi, bộ đội tên lửa đã có "của ăn" và một ít "của để" không còn phải lo "cháy túi"; bình tĩnh, tự tin bước vào đánh đòn quyết định đêm 26 tháng 12 năm 1972.
Như chúng ta đều biết, theo ý định ban đầu của Bộ chỉ huy liên quân Mỹ thì chiến dịch Linebacker II được thực hiện trong 3 ngày với phương châm "đánh thật mạnh, thật nhanh, gặt hái thắng lợi trước Nô-en 1972". Nhưng sau khi phân tích và nhận thấy rằng "Hà Nội, Hải Phòng là một trong số các khu vực có lưới lửa phòng không khủng khiếp nhất trên thế giới" thì một kế hoạch dài ngày hơn đã được vạch ra và thông qua. Theo kế hoạch này thì hoàn toàn không có vấn đề hạ cường độ và tần suất oanh kích trong các ngày từ 22 - 24. Vậy điều gì đã xảy ra đối với SAC kể từ sau đêm 20? Và vì sao từ đêm 22 tháng 12, B52 lại cố tình "lảng xa" Hà Nội? Thực tế đã cho một câu đáp án và đến mức không thể chịu nổi. Những phi công còn sống sót thừa nhận: "Ngày 20 tháng 12 chứng kiến nỗ lực phòng thủ mãnh liệt nhất của Bắc Việt Nam chống lại các máy bay B52 và đó là một ngày tổn thất cao nhất của chiến dịch Linebacker II. Sự thật đúng như vậy? Đêm 20 rạng sáng 21, địch tung vào Hà Nội nhiều B52 nhất (93 lần chiếc) cũng chính là đêm B52 bị bắn rơi tại chỗ nhiều nhất: 4 chiếc. Đêm 21 có một đợt 24 chiếc vào đánh phá thì 3 chiếc bị bắn rơi tại chỗ. Hãng thông tấn AP bình luận: “Nếu B52 cứ bị bắn rơi theo nhịp độ như thế này thì chẳng bao lâu nữa các loại máy bay này sẽ bị diệt chủng”. Mức thiệt hại trong ba ngày đầu của chiến dịch Linebacker II đã vượt quá mức tưởng tượng của SAC cũng như Lầu Năm Góc. Nó không chỉ là vấn đề số máy bay B52 bị bắn rơi mà còn là vấn đề tinh thần hoang mang dao động của giặc lái. Từ sau đêm 20, tại các căn cứ B52, tinh thần phi công khủng hoảng đến mức suy sụp. Hiện tượng phản chiến đã xuất hiện bằng các hình thức cáo ốm, từ chối không nhận nhiệm vụ hoặc cao hơn nữa là viết đơn phản kháng như hành động của Mai-cơn Hếch - một phi công từng có 262 lượt bay chiến đấu ở Đông Dương. Rồi thì những cuộc đấu tranh đòi thay đổi chiến thuật, những bức thư phản chiến bay về nước, thậm chí được gửi cho một số nghị sĩ quốc hội. Các câu lạc bộ sĩ quan ở Guam và Utapao trở thành những nơi thổ lộ và trút tâm trạng thất vọng, sợ hãi của giặc lái B52.
Trước một thực trạng như vậy, việc giảm cường độ và tần suất oanh kích từ sau ngày 21 và việc B52 lảng ra xa Hà Nội từ sau ngày 22 là điều tất yếu. Thứ nhất, SAC không còn đủ sức để tiếp tục cuộc đấu trí, đấu lực ở cường độ cao như 3 ngày đầu của chiến dịch; hơn nữa số lượng B52 bị bắn rơi quá lớn đã không cho phép SAC tiếp tục đi nước cờ phiêu lưu, mạo hiểm. Họ sợ rằng "nếu B52 cứ rơi với tốc độ như thế này thì sau 2 tuần lễ sẽ không còn máy bay B52 ở Đông Nam Á để chiến đấu nữa". Thứ hai, SAC rất cần có thời gian để trấn an bọn giặc lái và điều quan trọng hơn là để tổ chức rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho một trận đánh mới dữ dội hơn, ác liệt hơn, hòng "đánh nốc ao đối phương", buộc ta phải trở lại bàn hội nghị trên thế yếu và sửa đổi lại văn bản hiệp định đã thoả thuận có lợi cho Mỹ và Sài Gòn. Thực tế cho thấy sau lễ Nô-en, chiến thuật oanh kích của B52 đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên SAC cũng không tài nào xoay chuyển được tình thế. Theo tạp chí Air Forces (số 7-1977) thì "tới ngày 25 tháng 12 khi số B52 bị rơi cao tới mức không thể chấp nhận được, lúc đó Mỹ mới nghiên cứu tới việc phối hợp đánh vào đối thủ chính đã diệt B52, đó là tên lửa SAM".
Tóm lại, tình trạng khan hiếm đạn tên lửa trong 3 ngày đầu tiên của chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 là có thực. Nó đã đạt tới đỉnh điểm vào đêm 20 rạng ngày 21. Việc ta chặn đứng được tình trạng trên không phải hoàn toàn nhờ vào việc giảm cường độ và tần suất oanh kích của B52 trong 3 ngày tiếp theo đó mang lại. Thực ra thì không hẳn như vậy, các chiến lược gia Hoa Kỳ không phải không nhận ra điều đó khi điều chỉnh kế hoạch. Họ muốn "làm tới" nhưng "lực bất tòng tâm". Họ hiểu cái giá phải trả như thế nào nếu như cứ duy trì cường độ oanh kích như các ngày 18, 19 và 20 tháng 12. B52 bị bắn rơi quá nhiều; tinh thần giặc lái (linh hồn của các đợt oanh kích) bị suy sụp, hoang mang thì thử hỏi làm sao Linebacker II lại có thể diễn ra suôn sẻ như ý muốn của các tác giả của nó.

________________
Bạn Altus ơi,
Tháng 12-1989, nhân kỷ niệm 17 năm trận "Điện Biên Phủ trên không", báo Nhân Dân có đăng một loạt bài nói về việc thiếu tên lửa vào đêm 23-12-72 và coi như một sự trùng hợp với việc  Mỹ giảm cường độ ném bom B52. Bài báo nói, Liên Xô đã tính đến việc lập cầu hàng không tiếp vận cho Việt nam. Đồng thời phía ta cho gọi những tiểu đoàn tên lửa đóng ở khu 4 cấp tốc kéo về Hà nội. Tôi nhớ lúc đó các bến phà khu 4 ưu tiên hàng đầu cho các xe tên lửa. Vì vậy đến 26-12 ta mới có đủ số đạn để mạnh tay chiến đấu.
Còn chuyện Liên Xô chở đạn cho SAM-2 bằng tàu hoả qua Trung Quốc thì tôi không biết, nhưng chắc chắn SAM-3 đến Bằng Tường vào ngày 1-1-1973, đúng lúc Nixon chấm dứt ném bom Bắc Việt nam.
 
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2008, 04:12:55 pm gửi bởi ngao5 » Logged
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #22 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 04:12:38 pm »

@ bác ngao5 đi học tên lửa ở Baku rồi về được phân vào đoàn nào ah?

@ altus: cái trang nhat-nam.ru mà đồng chí tải hình có khá nhiều ảnh tư liệu về việc chuyên gia bạn giúp xây dựng mấy phân đội đầu tiên của H36.
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 04:17:24 pm »

@ bác ngao5:

Thế lúc nào rảnh bác đọc mấy thông tin thống kê của bác dongadoan

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg13436#msg13436

rồi bác cho vài bình luận được không ạ?

Tôi nghĩ cần phân biệt rạch ròi chuyện thiếu đạn đã lắp và thiếu đạn chung chung. Theo số liệu của bác dongadoan thì ta không hề thiếu đạn trong kho, chỉ có mấy hôm đánh to thì lắp đạn không kịp thôi. LX lập cầu hàng không làm gì nếu đạn C-75 vẫn còn nằm ở Bằng Tường? Vụ kéo đạn từ quân khu 4 ra có giúp được gì nhiều hay không thì cũng theo số liệu của bác dongadoan, chưa có cơ sở.

Trích dẫn
@ altus: cái trang nhat-nam.ru mà đồng chí tải hình có khá nhiều ảnh tư liệu về việc chuyên gia bạn giúp xây dựng mấy phân đội đầu tiên của H36.

Vâng, cái forum ở đấy cũng rất hay.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2008, 04:22:33 pm gửi bởi altus » Logged
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 04:22:04 pm »

Để lúc nào rảnh tớ xin phép admin nhat-nam.ru cho phép tải ảnh và chuyển dịch một số bài ký tiêu biểu về bên này.
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #25 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 04:52:57 pm »

Bạn Altus ơi

Xem BỘ ĐỘI TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG 1965 - 2005
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2005


"Tại Hải Phòng, máy bay hải quân áp dụng thủ đoạn bay vẹt vào đánh mục tiêu. Tiểu đoàn 72 Trung đoàn 285 bằng 2 tên lửa đã bắn rơi một chiếc F4 vào lúc 22 giờ 22 phút. Đến 0 giờ 10 phút tiểu đoàn tên lửa 83 Trung đoàn 238 bằng một quả đạn lại bắn rơi một chiếc F4 nữa.
Trong lúc tin chiến thắng đang dồn dập báo về sở chỉ huy Quân chủng thì một tin không vui từ sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 báo lên: Tiểu đoàn 77 và tiểu đoàn 94 hết đạn
".
Tại tiểu đoàn kỹ thuật 80 Trung đoàn 257, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung đoàn phó Vũ Ninh và các cán bộ kỹ thuật sư đoàn, Quân chủng, tiểu đoàn đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất đạn chưa từng thấy. tiểu đoàn trưởng Vương Toàn Tước và tiểu đoàn phó Nguyễn Huy, mặt mày hốc hác, vì đã gần ba đêm không được ngủ, cùng anh em nghiên cứu cải tiến rút gọn từng công đoạn đưa năng suất từ 10 đến 12 quả ngày lên 24 đến 26 quả ngày đêm để bảo đảm đạn cho các đơn vị hoả lực chiến đấu.

"Cho đến rạng sáng ngày 21 tháng 12, đạn tên lửa đã được bổ sung hơn 20 quả cho các tiểu đoàn hoả lực, nhưng tình trạng thiếu đạn của các tiểu đoàn hoả lực vẫn là vấn đề nan giải nhất".



Năm 1972 tôi là người chứng kiến nhiều tên lửa bắn lên đêm đầu tiên và đêm thứ hai (18 và 19-12), con số đêm hôm đầu cả Miền Bắc lên đến hàng trăm quả. Sáng 19-12. tướng Phùng Thế Tài đến Chùa Trầm (bơi đặt Sở chỉ huy) với sự tức giận vì hiệu quả kém, bắn khá nhiều tên lửa, ông văng: "Bắn thế này thì lấy… gì mà bắn tiếp(!)".
Lúc đó trong kho còn tên lửa, nhưng không phải là  tốt cả 100% (nhiều thứ phải tận dụng). Là người đánh trận có kinh nghiệm, ông Tài phải tính đến cuộc chiến kéo dài hàng tháng, chứ lúc đó ông cũng không biết cuộc chiến chỉ kéo dài 12 ngày thôi. Vì thế ông phải lo kiếm cho đủ đạn để chiến đấu lâu dài.
Bạn cứ tính xem một ngày đêm lắp được 26 quả (maximum) đối với đánh B52 được mấy phút?
Việc SAM-3 về VN theo "kế hoạch" nhưng bị chậm trễ vì những chuyện "tế nhị" với Liên Xô và Trung Quốc, nhưng để đưa vào chiến đấu không phải ngay tức khắc được, trong khi các bệ S-75 đang là vũ khí truyền thống của bộ đội tên lửa. Do vậy cần ngay đạn cho SAM-2  đủ để dự trữ đánh lâu dài.
Cái lo đó là hoàn toàn có cơ sở, chứ nếu biết chỉ đánh 12 ngày thôi thì tình hình lại khác.
 

 




Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 05:10:19 pm »

LX lập cầu hàng không làm gì nếu đạn C-75 vẫn còn nằm ở Bằng Tường

 Bạn xem kỹ những gì tôi viết trước đây. Tôi không nói  đạn C-75M lúc đó đang nằm ở Bằng Tường. SAM-3 cũng chưa có mặt ở Bằng Tường

Toàn bộ SAM-3 (đạn C-125 + bệ phóng) từ Khabarovsk (Nga) chở bằng tầu hoả qua Trung Quốc nếu đi nhanh phải mất 5 ngày, tức là nó phải xuất phát từ Khabarovsk trước ngày 26-12-72 để đến được ga  Bằng Tường ngày 1-1-1973.
Từ 21-12-72 Việt nam bắt đầu lo thiếu đạn, nhưng đến đêm 23-12-72 thực sự sẵn sàng chiến đấu chỉ còn vài chục quả, tôi nhớ không chính xác là 23 quả nằm trên bệ)
Liên Xô lo thiếu đạn tên lửa với tốc độ bắn nhiều như mấy ngày đầu sợ rằng  chở bằng tàu hoả không kịp, "phải tính đến" (xin nhớ là tính đến phương án như lời bài báo) đưa ngay sang bằng máy bay, để bổ xung, vì lắp ráp ở Việt nam cũng không kịp với tốc độ cuộc chiến.

     
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 05:18:29 pm »

Tham khảo thêm để biết về "đạn" của ta trong kho


Câu hỏi: Câu hỏi 7: Trong chiến dịch 12 ngày đêm, tình trạng thiếu đạn tên lửa khá trầm trọng. Chúng ta đã khắc phục ra sao
--------------------------------------------------------------------------------
 
Trả lời:
Đáp: Chiến dịch đánh trả cuộc tập kích của không quân chiến lược Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng là một trận đánh lớn, dài ngày, đương nhiên nhu cầu tiêu thụ đạn rất lớn, nhất là đạn tên lửa SAM2. Trong nhiệm vụ đánh B52, theo quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân thì "lực lượng chủ yếu đánh B52 là tên lửa và không quân. Tên lửa là chủ yếu nhất”. Phần lớn gánh nặng đánh thắng pháo đài bay Mỹ dồn lên vai bộ đội tên lửa. Vì vậy, vấn đề làm sao có đủ đạn tên lửa để chiến đấu trở thành một đòi hỏi hết sức. gắt gao.

Sự viện trợ của Liên Xô cho ta về vũ khí phòng không, trong đó có đạn SAM2 về sau có phần hạn chế. Vì lẽ đó chúng ta phải tận dụng số lượng đạn "tồn kho". Sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ( 1965 -1968), bộ đội tên lửa ta còn khoảng vài ngàn quả đạn. Một phần trong số đó đã được lắp ráp và nạp nhiên liệu để sẵn sàng chiến đấu nhưng chưa dùng tới. Năm tháng trôi qua, thời hạn sử dụng của đạn không còn. Anh em ta thường gọi đó là những viên đạn "quá đát"
Một điều đáng nói nữa là tốc độ lắp ráp đạn tên lửa còn chưa đảm bảo yêu cầu cho một chiến dịch lớn.,

Vào những đêm tháng 12 năm 1972, có tiểu đoàn hỏa lực đã rơi vào tình trạng giữa chừng "trắng bệ", nghĩa là trên các bệ phóng không còn đạn, trong khi máy bay địch vẫn tiếp tục kéo vào. Anh em lái xe chở đạn cực kỳ dũng cảm, chầu chực ở các bãi lắp ráp, được quả nào là tranh thủ vượt đạn bom lao về đơn vị. Đạn về đến nơi, lập tức được nạp vào bệ phóng, chưa ấm chỗ đã lao đi tìm diệt B52. Các tiểu đoàn hỏa lực thỉnh thoảng lại nhận được chỉ thị qua điện thoại từ trung đoàn: "Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo” Giữa đêm 20 tháng 12, tình trạng căng thẳng đến nỗi từ Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã gọi điện chỉ thị Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạn cho các tiểu đoàn tên lửa.

Khó khăn to lớn như vậy, bộ đội ta đã khắc phục bầng cách nào?

Xin nêu mấy biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định: "Tên lửa chỉ được dành để đánh B52"; "Điều gấp đạn tên lửa từ Quân khu 4 ra tăng cường cho Sư đoàn Phòng không Hà Nội .

2. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân chỉ thị cho các đơn vị tên lửa phải "hết sức tiết kiệm đạn”. Thí dụ lẽ ra đánh 3 quả để bảo đảm xác suất tiêu diệt máy bay thì chỉ đánh 2 quả. Yêu cầu các tiểu đoàn trưởng phải cân nhắc trước khi hạ lệnh phóng, không chắc ăn thì không đánh.

3. Cải tiến và nâng cao năng suất tổ chức lắp ráp đạn tên lửa ở các tiêu đoàn kỹ thuật.

4. Phục hồi những viên đạn quá thời hạn sử dụng.

(Hai biện pháp 3 và 4 được thực hiện từ trước khi xảy ra trận đánh 12 ngày đêm)

Đầu tiên, xin nói về những viên đạn quá tuổi: theo quy định của quân đội các nước trên thế giới, đạn quá thời hạn sử dụng, nếu không có biện pháp "kéo dài tuổi thọ" thì nhất thiết phải hủy, bởi vì nếu đem ra chiến đấu sẽ không an toàn.
Kéo dài niên hạn cho đạn tên lửa là một việc hết sức phức tạp, chúng ta không có kinh nghiệm. Nhưng trong hoàn cảnh của một đất nước nghèo, thiếu thốn mọi thứ, lẽ nào quân đội ta lại để cho hàng ngàn quả đạn như thế bị hủy bỏ.
Rồi "cái khó làm ló cái khôn", dựa vào tài liệu của quân đội bạn, cán bộ kỹ thuật ta đã đi sâu nghiên cứu và đã thực hiện thành công "quy trình lắp ráp ngược", tức là làm ngược lại quá trình lắp ráp.

Trước hết là lấy hết nhiên liệu ra, rửa sạch các khoang chứa, sấy thật khô, rồi dùng thiết bị đặc biệt kiểm tra độ chịu đựng áp suất cao của từng khoang. Tiếp theo là tháo rời tầng đuôi, đầu đạn, cánh lái, xếp gọn tất cả vào thùng, xong cặp chì lại y như mới (Chú thích: việc kéo dài tuổi thọ cho đạn tên lửa được thử nghiệm thành công tại một tiểu đoàn kỹ thuật, ở Hà Nội, sau đó thực hành rộng rãi ở nhiều nơi. ).

Bằng cách ấy, ngành Kỹ thuật tên lửa phòng không đã kéo dài tuổi thọ cho toàn bộ số đạn "quá đát" nói trên thêm được 48 tháng, có nghĩa là mỗi viên đạn "thọ" thêm 4 năm. Các cán bộ chiến sĩ tài giỏi của ngành Kỹ thuật tên lửa chúng ta đã làm sống lại và trả về cho Tổ quốc hàng ngàn viên đạn SAM2, một tài sản rất lớn.

Quý hóa vô cùng. Chính những quả đạn ấy đã góp phần bắn rụng pháo đài bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội - Hải Phòng những đêm cuối tháng 12 năm 1972.

 

Về tình trạng lắp ráp chậm:

Khi chuyển từ Liên Xô sang, các quả đạn tên lửa đều ở trạng thái tháo rời. Từng bộ phận đều được sắp xếp gọn gàng trong những thùng kín. Chúng sẽ được các đơn vị kỹ thuật, thường gọi là "Tiểu đoàn 5", lắp ráp lại, kiểm tra hệ thống điện và vô tuyến điện đầy đủ, xong nạp chất đốt, trước khi chuyển đến các tiểu đoàn hỏa lực. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tốc độ lắp ráp của các tiểu đoàn 5 nói chung đã phục vụ được yêu cầu chiến đấu lúc ấy.

Nhưng, để đối phó với cuộc tiến công ồ ạt của không quân chiến lược Mỹ, kéo dài nhiều ngày đêm như trong chiến dịch B52 Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng, trong điều kiện các công đoạn lắp ráp được tiến hành ở nhiều dịa điểm phân tán cách xa nhau (Chú thích: Bố trí các bãi lắp ráp đạn tên lửa ở xa nhau là để giảm tổn thất nếu bị Mỹ ném bom.), thì tốc độ lắp ráp bình thường như trước không thể nào đáp ứng nổi. Vấn đế đặt ra là phải cải tiến quy trình. thao tác, để làm sao trong một ngày đêm có thể cung cấp được một số lượng đạn tên lửa nhiều hơn.

Trước kia, để lắp ráp một quả đạn, theo quy trình cũ các chiến sĩ phải mất rất nhiều thời gian. Qua nhiều ngày đêm cùng anh em trong đơn vị tìm tòi, Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Dương Quảng Châu, người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đã đề ra sáng kiến mới: nạp nhiên liệu sẵn, lắp ráp đạn ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số động tác kỹ thuật, được Tư lệnh Binh chủng Đoàn Huyên và Cục trưởng Kỹ thuật Quân chủng Lương Hữu Sắt rất hoan nghênh và đã sớm cho tiến hành thử nghiệm ngay tại tiểu đoàn kỹ thuật của Dương Quảng Châu, ở Hải Phòng. Kết quả thành công tốt đẹp: năng suất lắp ráp đạn trong một ngày đêm tăng lên gấp đôi. . .

Thế mà khi bước vào chiến dịch, trước sức "ngốn" đạn ngoài mức dự kiến, các tiểu đoàn kỹ thuật của Hà Nội lại bị một phen lúng túng, không sao bảo đảm cung cấp đủ đạn cho các tiểu đoàn chiến đấu, như đã nói ở trên.

Cục Kỹ thuật Quân chủng được lệnh: tăng gấp lực lượng chuyên môn cho các tiểu đoàn 5, để cho mỗi tiểu đoàn có thêm một dây chuyền lắp ráp. Mỗi dây chuyền lại còn được bổ sung quân số để tăng ca, tăng kíp, giúp cho cán bộ chiến sĩ có điều kiện thay nhau làm việc và nghỉ ngơi. Tuy thế, cường độ làm việc ở các tiểu đoàn 5 vẫn vô cùng căng thẳng. Các trận địa hỏa lực từng giờ từng phút đang chờ đạn của Tiểu đoàn 5. Ai nấy đều gầy rộc đi, mắt trũng sâu, thâm quầng vì mỏi mệt và thiếu ngủ.

Cục Hậu cần Quân chủng liền cho mở kho, xuất đường, sữa, thịt hộp, lương khô... vốn là tiêu chuẩn dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ đi B để bồi bổ sức khỏe cho các anh em các tiểu đoàn kỹ thuật. Cả những viên thuốc làm dịu thần kinh, chống cơn buồn ngủ cũng được gửi đến tận tay chiến sĩ.

Nhờ những biện pháp tích cực nói trên, tình trạng lắp ráp đạn không theo kịp yêu cầu chiến đấu đã cơ bản được giải quyết

Còn việc bắn tiết kiệm đạn, bộ đội tên lửa đã thực hiện ra sao?.

Trước hết xin nêu một dẫn chứng: ở Tiểu đoàn 57 trong trận đánh hồi 5 giờ sáng đêm 20 rạng ngày 21, khi từng tốp B52 đang nối tiếp nhau bay vào thì trên các bệ phóng chỉ còn 2 quả đạn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (Chú thích: Đồng chí Nguyễn Văn Phiệt được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dàn ngày 3-9-1973. Đến năm 1999 là Trung tướng, Phó Tư lệnh chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.) hạ quyết tâm đánh "quả một", nghĩa là mỗi lần dùng một quả.

5 giờ 09 phút, quả thứ nhất rời bệ, hạ 1 chiếc B52.

5 giờ 19 phút, quả thứ hai, quả đạn cuối cùng trên các bệ phóng, vút lên, hạ thêm 1 B52 nữa. Chiếc này rơi xuống gần Núi Đôi, Vĩnh Phú.

Thế là trong tình hình khan hiếm đạn, bộ đội tên lửa ta đã phải bắn từng phát một và đã lập chiến công kỳ diệu "mỗi viên đạn một quân thù". Đặc biệt ở đây "quân thù" là những siêu pháo đài bay.

Còn những thí dụ khác cũng không kém phần lý thú:

Đêm 26 tháng 12, Tiểu đoàn 79 cũng chỉ bằng một quả đạn đã hạ tại chỗ 1 chiếc B52 rơi ở Sơn La.

Riêng ở Tiểu đoàn 77 đã diễn ra ba trận đánh xuất sắc. Hồi 4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 19, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã cho phóng 2 quả, hạ 1 B52 rơi ở xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Đêm sau, 20 tháng 12, lúc 20 giờ 34 phút, Tiểu đoàn 77 lại hạ thêm 1 B52 nữa rơi ở Vạn Thắng, Ba Vì, cũng bằng 2 quả đạn. Sau đó đến 5 giờ sáng, Tiểu đoàn trường Văn lại cho phóng tiếp 2 quả đạn cuối cùng, diệt thêm 1 B52 nữa, rơi xuống thị xã Phúc Yên.

Như lời của một viên tướng không quân Mỹ, do hãng UPI phát đi từ Băng Cốc hồi giữa tháng 11 năm 1972, nói rằng: "Nếu Bắc Việt bắn rơi được một chiếc B52 trị giá 9 triệu đô-la này mà có bằng cớ, chúng ta coi như họ đánh chìm được một tàu chiến Mỹ", thì chỉ riêng Tiểu đoàn 77, với chiến công bắn rơi tại chỗ 3 chiếc B52, đã đạt được ý nghĩa "đánh chìm" 3 tàu chiến Mỹ, mà chỉ bằng 6 quả đạn tên lửa SAM2 (Chú thích: Tiểu đoàn 77, thuộc Trung đoàn H57, bắn rơi 4 B52 (có 3 chiếc rơi tại chỗ) được phong danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3 tháng 9 năm 1973.).

Sau đêm Nô-en, vào chiều 26 tháng 12, giữa thanh thiên bạch nhật bỗng thấy vút lên một vệt khói dài. Tên lửa của đơn vị nào bắn đây? Sao lại dám vi phạm mệnh lệnh của Bộ "chỉ dành tên lửa để đánh B.52"? (B52 vào Hà Nội chỉ có bay đêm). Thì ra đó là Tiểu đoàn 72 thuộc Trung đoàn H85 của Hải Phòng mới được điều lên tăng cường cho Thủ đô. Do "chân ướt chân ráo" chưa nắm vững quy định, khi phát hiện một tốp F4 lao vào Hà Nội, bất chấp khả năng địch sẽ đánh trả đũa, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chắt vẫn quyết định phóng đạn. Một chiếc F4 rơi tại chỗ . Nhở chiến công này, Tiểu đoàn 72 được cấp trên miễn tội.

Dường như để "tạ lỗi", đêm 27, vào lúc 23 giờ, Tiểu đoàn 72 đã đánh một trận thật xuất sắc, cũng bằng 2 quả đạn, quật ngã một pháo đài bay giữa lòng Hà Nội. Xác của chiếc B52 rơi ngay xuống đường Hoàng Hoa Thám và giữa làng hoa Ngọc Hà, chỉ cách trung tâm Quảng trường Ba Đình không đầy 600 mét. Một nhà nhiếp ảnh đã chớp thời cơ, thu được hình ảnh chiếc pháo đài bay đang bùng cháy giữa trời đêm. Tấm ảnh thật đẹp, được ca ngợi như là một tác phẩm nghệ thuật hiếm có.

Năm 1973, ông Xô-lô-rép, Đại tá chuyên gia Phòng không Liên Xô nói với chúng tôi: "Việt Nam nghèo nên phải đánh theo cách của con nhà nghèo, nhưng Việt Nam vẫn thắng, bởi vì các bạn Việt Nam rất thông minh, rất sáng tạo”. Gần đây, một nhà chiến lược Mỹ nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Nếu dân tộc Việt Nam chỉ anh hùng không thôi thì chắc chắn Việt Nam đã bị khối lượng sắt thép khổng lồ của chúng tôi đè bẹp. Nhưng vì dân tộc Việt Nam thông minh quá nên Mỹ đã chịu thua".

Việc bộ đội phòng không khắc phục muôn vàn khó khăn để có đủ đạn tên lửa đánh thắng B52 Mỹ, suy ra, cũng là từ cái đầu óc sáng tạo của người Việt Nam chúng ta vậy.

Có điều rất đáng tiếc là giá như hồi ấy, bộ đội tên lửa ta có được thêm nhiều đạn hơn, được bắn theo qui tắc xạ kích, được "đánh bồi", "đánh nhồi", mỗi lần bắn thêm vài ba quả, thì kết quả bắn rơi B52 chắc sẽ còn lớn hơn nhiều.

Nguồn: "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân
 

Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 07:02:12 pm »

Vâng , bây giờ tôi hiểu ý bác là "vài chục quả" là bác nói đạn đã lắp, sẵn sàng chiến đấu, chứ không phải là toàn bộ vốn đạn tên lửa của toàn quân. Thế thì tôi nhất trí cao ạ.

Vây còn vụ điều đạn và khí tài từ QK 4 ra HN đã giúp thay đổi cục diện thì quan điểm của bác thế nào ạ?
Logged
ngao5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 756


« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2008, 12:28:19 pm »

Vâng , bây giờ tôi hiểu ý bác là "vài chục quả" là bác nói đạn đã lắp, sẵn sàng chiến đấu, chứ không phải là toàn bộ vốn đạn tên lửa của toàn quân. Thế thì tôi nhất trí cao ạ.

Vây còn vụ điều đạn và khí tài từ QK 4 ra HN đã giúp thay đổi cục diện thì quan điểm của bác thế nào ạ?



Năm 1972, tôi về làm việc tại Viện Vật Lý, đóng ở Nghĩa Đô, và cơ quan cử 6 thanh niên tự vệ ở lại bảo vệ Viện. Trong số đó có tôi. Đây là bức hình chụp 15 giờ 30 ngày 26-12-1972 nhóm chúng tôi (thiếu 3 người nữa: Trực, Tân, Khuông)

Từ trái sang: Phạm Đình Tỵ, Đặng Vũ Minh, ngao5 (tôi), Ngô Quang Tấn (chỉ huy).
Ông Đặng Vũ Minh, nay là uỷ viên TW Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học công nghệ Quốc hội.
Phải sống trong những ngày đó, các bạn mới hiểu được tâm trạng con người. Chính vì vậy tôi cũng mất nhiều công tìm hiểu vụ Linebacker từ những năm 1972. Thêm nữa, năm 1970, vào năm thứ tư; bạn học cùng lớp khoá 12 Khoa Hoá học Đại học Tổng hợp nhập ngũ và phần đông vào PKKQ, một số được đưa sang LX học SAM3. Những người này kể cho tôi nghe nhiều chuyện về tên lửa, bản thân họ là sĩ quan chỉ huy SAM2 ở khu 4.
Trở lại câu chuyện đạn tên lửa: Từ năm 1969 LX và Trung Quốc giảm viện trợ quân sự cho Việt nam. Tên lửa Việt nam (đã có) được chứa trong các kho thí dụ: Kim Bôi (Hoà Bình) Ba Khe (Nghĩa Lộ)v.v… một số được đưa vào khu 4 và vào miền Nam qua đường HCM. Trên thực tế, từ 1968 sĩ quan Nga đã đi cùng các đơn vị tên lửa của chúng ta đến tận Vĩnh Linh.


Ảnh: Sĩ quan Nga cùng các tiểu đoàn tên lửa vào Quảng Bình-Vĩnh Linh
Trong những ngày thiếu đạn như thế trông chờ vào:
1) Cầu hàng không (nếu có) chở đạn SAM-2 (chứ không phải SAM-3) từ LX sang
2) SAM-3 về kịp
3) Lắp ráp đạn tên lửa
4) Đạn tên lửa từ Quảng Bình, Vĩnh Linh và miền "tây Quảng Bình" (một cách gọi tránh đất Lào giáp Quảng Bình)

Phương án 1:
Cầu hàng không chưa thấy và chắc cũng khó khăn vì phải sử dụng sân bay Trung Quốc để hạ cánh. Trong bối cảnh LX, TQ có "những thoả thuận độc ác" (Xã luận Báo Nhân Dân, ngày 5-5-1972) với Mỹ thì phương án này khó khả thi.
Phương án 2: SAM-3 về kịp. Chỉ có những vị lãnh đạo quân sự cao cấp của ta mới trả lời được câu hỏi: vì sao những người học SAM-3 về Việt nam từ tháng 10 mà vũ khí lại về muộn hơn? Không những muộn mà lại về "vừa vặn đúng lúc Nixon chấm dứt nứm bom Bắc Việt nam".
Phương án 3: Lắp ráp đạn: với tốc độ chừng 20 quả/ngày đối với cuộc đánh nhau với B52 quả là quá khiêm tốn
Phương án 4: Tên lửa từ QB-VL đưa về, theo báo Nhân Dân, 12-1989 viết có những đơn vị phải di chuyển từ đó về HN tới 600 km. Các bạn nên hình dung thời chiến di chuyển tên lửa 600 km là một kỳ công: phải đi đêm, ban ngày cất giấu….
Theo tôi hiểu cả hai phương án 3, 4 là hiện thực (real) cung cấp đạn cho chúng ta bổ xung kịp trong 2 ngày nghỉ Noen (24-25 tháng 12-72)

Nếu Nixon (tôi giả định thế) kéo dài ném bom thì tình hình sẽ ra sao? Lúc đó chúng ta sẽ được biết hai anh cả Liên Xô Trung Quốc sẽ xử thế với Việt nam ra sao?

 


   




 
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tám, 2008, 12:37:02 pm gửi bởi ngao5 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM