Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:40:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân  (Đọc 65646 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:33:21 pm »

CÁO PHÓ

  Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam rất đau đớn và thương tiếc báo tin để đồng bào và toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam biết:

  Thiếu tướng Nguyễn Sơn Nguyên Tư lệnh Liên khu IV

  Sau một thời gian bị bệnh ung thư, đã tạ thế lúc 15 giờ 30 ngày 21-10-1956, tại Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô ở Hà Nội.

  Thi hài Thiếu tướng đã đưa về Câu lạc bộ Quân nhân ở đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

  Tang lễ sẽ cử hành hồi 15 giờ ngày 22-10-1956.

Báo Nhân Dân, số 961
ngày 22-10-1956
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:35:16 pm »

Lễ an táng
Thiếu tướng Nguyễn Sơn
đã cử hành trọng thể tại Hà Nội



  Sau một thời gian trị bệnh, Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã từ trần hồi 3 giờ 30 chiều ngày 21-10-1956 tại Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô ở Hà Nội.

  Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập Ban tổ chức tang lễ do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Trưởng ban, gồm có Tổng tham mưu phó Trần Quý Hai, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Quân huấn Cao Văn Khánh, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiếu.

  Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Hoàng Anh, các cán bộ cao cấp trong quân đội và gia đình Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã đến bệnh viện dự lễ khâm liệm Thiếu tướng.

  Sau đó, linh cữu Thiếu tướng đã đưa về đặt tại Câu lạc bộ Quân nhân. Tại đây, các đại diện Bộ Tổng Tư lệnh và một đơn vị bộ đội danh dự đã thay phiên nhau túc trực suốt đêm 21 và ngày 22-10-1956.

  Sáng 22-10-1956, Hồ Chủ tịch đã đến viếng, đặt vòng hoa trước linh cữu. Tiếp đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trường Chinh, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vị đại diện ban Thường trực Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, các cơ quan Trung ương và Hà Nội, đại biểu các Tổng cục thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, đại biểu các đơn vị Quân đội ở Liên khu V, Liên khu IV là nơi Thiếu tướng đã hoạt động trong những năm kháng chiến, cùng nhiều đại biểu các đơn vị quân đội, anh hùng, chiến sĩ lần lượt đến viếng và đặt vòng hoa.

  3 giờ chiều, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ làm lễ truy tặng Thiếu tướng Nguyễn Sơn Huân chương Quân công hạng Nhì.
3 giờ 30 lễ an táng bắt đầu.

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều cán bộ cao cấp trong quân đội khiêng linh cữu Thiếu tướng lên xe hơi bọc vải đen viền trắng.
Đi đầu là xe hoa rồi đến xe mang Quân kỳ "Quyết Thắng", xe ảnh Thiếu tướng Nguyễn Sơn và xe chở linh cữu phủ quốc kỳ, một đơn vị danh dự đi hộ tống. Tiếp đó là xe của gia đình Thiếu tướng, đại diện Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ cao cấp của quân đội, đại biểu của chính đảng, cơ quan, đoàn thể ở trung ương và Hà Nội, đại biểu nhân dân, cùng các bạn chiến đấu của Thiếu tướng. Các đồng chí công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc cũng tới viếng và dự lễ an táng Thiếu tướng. Ngoài ra còn có một tiểu đoàn và một đội nhạc của quân đội.

  Thi hài Thiếu tướng Nguyễn Sơn được an táng tại ngoại thành Hà Nội.

  Trong lễ an táng, đồng chí Hoàng Anh thay mặt Tổng quân uỷ và Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đọc lời điếu, nhắc lại đời hoạt động của Thiếu tướng Nguyễn Sơn

  Lễ an táng xong hồi 5 giờ chiều.

Báo Nhân Dân, số 962,
 ngày 23-10-1956
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:37:27 pm »

Lời điếu đồng chí Nguyễn Sơn

(Do đồng chí Hoàng Anh thay mặt
Tổng Quân uỷ và Bộ Quốc phòng,
đọc lúc làm lễ an táng)



  Các bạn và các đồng chí thân mến,

  Đồng chí Nguyễn Sơn, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, tức Hồng Thủy, tên thật là Vũ Nguyên Bác hôm nay đã vĩnh biệt chúng ta. Vô cùng đau đớn và thương tiếc đồng chí! Đồng chí Nguyễn Sơn mất đi, thật là một tổn thất cho Đảng, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam.

  Quê làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, sinh ngày 1-10-1908, từ lúc 17 tuổi, đồng chí là một học sinh sớm giác ngộ. Với chí bất khuất của tuổi thanh niên, mở đầu cho quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã phấn đấu không biết
mệt mỏi.

  Trong nước cũng như ngoài nước, đồng chí đã biểu thị tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, tinh thần yêu nước nồng nàn của một cán bộ cách mạng.

  Lúc đầu đồng chí tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ năm 1925 đến năm 1945, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng ở Trung Quốc. Đồng chí đã tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã hoạt động trong các khu xô viết, tham gia Hồng quân Công Nông, tham gia Vạn lý trường chinh, tham gia kháng Nhật trong Bát lộ quân.

  Với những thành tích vẻ vang đó, đồng chí đã đóng góp cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, tình hữu nghị chiến đấu của quân đội hai nước anh em.

  Năm 1945, đồng chí về nước, chiến đấu trong hàng ngũ của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặc phái giữ trọng trách Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam. Từ năm 1947, đồng chí được Chính phủ cử giữ chức Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu IV. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ và cùng với các bạn chiến đấu của mình, đồng chí đã góp phần tiêu hao và tiêu diệt quân địch, làm chậm bước tiến của chúng ở miền Nam Trung Bộ. Đồng chí đã tham gia rèn luyện quân đội, góp phần vào việc đào tạo các lớp cán bộ đầu tiên của trường Lục quân và trong việc bổ túc cán bộ quân sự. Trong Đảng, trong thời gian ở Khu IV, đồng chí đã được cử vào Ban chấp hành và giữ chức Phó Bí thư Liên khu uỷ Liên khu IV. Với những cống hiến đó, đồng chí đã được Chính phủ phong cấp Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

  Trong những năm gần đây, vì đã trải qua những ngày hoạt động gian khổ, đồng chí đã nhiều lần mắc bệnh, gần đây lại mắc bệnh trầm trọng và ngày 21-10-1956 đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta.

  Để ghi công đồng chí, Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.

  Thưa các đồng chí,

  Công lao của đồng chí Nguyễn Sơn đối với cách mạng thật là đáng quý.

  Đồng chí mất đi, quân đội chúng ta mất một Thiếu tướng có tài. Tổ quốc và Chính phủ, Đảng mất một người cán bộ tốt.

  Vĩnh biệt đồng chí, chúng ta cần học tập tinh thần chủ nghĩa quốc tế và tinh thần yêu nước nồng nàn của đồng chí, học tập tinh thần đấu tranh và công tác không biết mệt mỏi của đồng chí. Chúng ta cần không ngừng nêu cao ý chí chiến đấu của mình để cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp của nhân dân chúng ta.

  Đồng chí Nguyễn Sơn thân mến,

  Sự nghiệp cách mạng của Đảng và của quân đội chúng ta vượt qua những bước khó khăn, gian khổ để lớn mạnh không ngừng. Đồng chí mất đi, sự nghiệp to lớn ấy của chúng ta còn phải tiếp tục.

  Vĩnh biệt đồng chí hôm nay, chúng tôi biến lòng thương nhớ đồng chí thành sức mạnh trong công việc xây dựng Quân đội nhân dân tiến dần từng bước tới chính quy hoá và hiện đại hoá, góp phần vẻ vang của mình trong công cuộc củng cố hoà bình cho nước nhà.

  Ở dưới suối vàng, xin đồng chí nhận lấy lòng thương nhớ của Đảng, của nhân dân và của Quân đội nhân dân, của các đồng chí, của các bạn thân yêu của đồng chí.

  Lần cuối cùng xin vĩnh biệt đồng chí.

Báo Nhân Dân, số 962
Ngày 23-10-1956
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:40:53 pm »

Nhớ về Tướng Nguyễn Sơn

Hồi ký của Nakahara Mitsunobu
Minh Ngọc - Nakahara Nhật Bản



  Trên đất nước Việt Nam, ở cả thành thị và nông thôn đều treo đầy cờ đỏ sao vàng, tiếng hô "Việt Nam độc lập muôn năm" vang lên như sấm trong nhiều ngày liên tục.

  Những ngày đầy biến động trong năm kết thúc chiến tranh đã qua đi nhanh chóng, thoắt cái đã sang năm 1946. Chúng tôi sống trong thời kỳ vui mừng vì sắp được trở về Tổ quốc, nhưng cũng lo lắng vì không biết bao giờ tàu cập bến.

  Tháng Một ở Huế thì mát mẻ, dễ chịu và thật là yên tĩnh. Thỉnh thoảng có những đứa bé trai xách hộp đồ nghề đến để cắt tóc cho những người lính. Việc đi lại của dân chúng bên ngoài được cởi mở và dễ dàng hơn trước. Một hôm, người lính bảo vệ dẫn một người đàn ông trạc 40 đến để gặp chúng tôi. Ông vào phòng tươi cười chào Tham mưu trưởng Ikawa và tôi như là một người bạn đã quen nhau từ lâu, rồi từ từ ngồi xuống ghế theo lời mời của chúng tôi. Nước da đen giòn, đôi gò má cao, ánh mắt trong sắc gây cảm giác thật thân mật. Tôi nhận ra ngay ông không là người tầm thường mà đã từng trải qua những cuộc sống gai góc. Chúng tôi nói chuyện bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Việt "bồi".

  Ông nói:

  - Tên tôi là Nguyễn Sơn. Tôi hay nghe nói về các ông. Tôi đã từng ở Trung Quốc. Tôi được Chính phủ bổ nhiệm làm Tư lệnh trưởng chiến khu Nam Trung bộ và đang trên đường đi nhận nhiệm vụ mới.

  Câu chuyện chuyển sang nói về tình hình ở Việt Nam. Đối với những từ khó thì chúng tôi trao đổi bằng cách bút đàm. Ông viết:

  - Chúng tôi nhất định thắng lợi trong cuộc đấu tranh để giành giải phóng và độc lập cho nhân dân Việt Nam.

  Giọng nói của ông để lại cho tôi một ấn tượng khá sâu sắc và khó quên. Ngót một giờ đồng hồ sau, ông nói:

  - Thôi, tôi xin phép về bởi vì tôi có công việc. Ông có thể tham gia đi cùng với chúng tôi ở miền Nam được không?

  Lời đề nghị thật bất ngờ. Cách nói của ông không khác gì như rủ tôi đi cùng ra quán cà phê gần đấy.

  Thật sự lúc đó tôi cũng không mường tượng được đây là Tướng Nguyễn Sơn, một nhân vật mà sau đó đã có những cống hiến rất lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

  Tháng 2 năm 1946, chúng tôi rời Touran1 đi vào phía Nam theo Quốc lộ số 1, mất hai ngày mới đến được Bình Định. Từ Bình Định chúng tôi rẽ đến thị trấn Pleiku, đi được mấy cây số thì gặp thị trấn Phú Phong. ở đấy có trụ sở của Uỷ ban kháng chiến Nam Trung bộ (Chiến khu V). Bấy giờ mọi người gọi Tướng Nguyễn Sơn là Chủ tịch ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ hoặc Tư lệnh trưởng Chiến khu V. Chúng tôi vô cùng vui mừng vì gặp lại nhau. Chúng tôi đề cập ngay về tình hình chiến sự. Khi ấy, quân Pháp chiếm đóng mặt trận Sài Gòn, đang tiến công lên phía Bắc với hai gọng kìm theo quốc lộ số 1 (đường theo ven biển) và theo đường số 9 (đường miền núi). Quân Pháp trên đường số 1 đã tiến đến Nha Trang. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng trận địa bảo vệ ở khu vực xung quanh Tuy Hoà để ngăn chặn quân Pháp. Tướng Nguyễn Sơn đề nghị tôi tham gia công tác ấy. Đó là nhiệm vụ đầu tiên của tôi.

  Có lúc tôi nói với Tướng Nguyễn Sơn rằng có thể châm chước khả năng quân sự vì quân Việt Minh mới được thành lập, biên chế của nó vẫn còn chưa đều. Chúng tôi bàn với nhau về trình độ tác chiến chỉ huy của cán bộ Việt Minh và vấn đề thiếu thốn vũ khí. Khi tôi hỏi Tướng Nguyễn Sơn, chúng ta phải trang bị vũ khí như thế nào thì ông khẽ cười như chẳng sợ cái gì cả và nói:

  - Vũ khí thì ở chỗ quân địch. Quân chúng tôi vừa chiến đấu vừa bổ sung thêm vũ khí.

  Quân đội đã đứng lên để giải phóng dân tộc tất nhiên phải như thế! Lời nói này của Tướng Nguyễn Sơn được chứng minh bằng những sự kiện sau này.

  Vào tháng 6 năm 1946, Trường sĩ quan lục quân ở Quảng Ngãi được thành lập. Tướng Nguyễn Sơn và tôi cùng giữ quan hệ tại đây là hiệu trưởng và giáo viên của nhà trường. Trong bầu không khí căng thẳng trước cuộc kháng chiến toàn quốc, tôi cùng Tướng Nguyễn Sơn ra Bắc vào đầu tháng 12. Đúng vào lúc bắt đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, tôi tham gia vào mặt trận Nam Định. Khoảng năm 1948, trong thời kỳ Tướng Nguyễn Sơn làm Tư lệnh trưởng Chiến khu IV, tôi đến thăm và xem tình hình huấn luyện ở đấy, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với Tướng Nguyễn Sơn.

  Tướng Nguyễn Sơn là người có lòng yêu mến thơ ca và âm nhạc. Ông hay chơi nhạc, cũng am hiểu văn nghệ nhiều. Nhiều người kính yêu
Tướng Nguyễn Sơn, không chỉ có những cán bộ quân sự mà còn có các cụ già nông thôn.

  Tướng Nguyễn Sơn là người đã để lại công lao rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng tiếc thay 15 giờ 30 phút ngày 21-10-1956 tại Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Hà Nội, trong sự chăm sóc của gia đình, nhiều bạn bè, cán bộ và các quan chức của Chính phủ, nhưng Tướng Nguyễn Sơn vì bệnh ung thư đã ra đi vĩnh viễn và để lại nhiều thương tiếc trong quân và dân Việt Nam. Tướng Nguyễn Sơn vừa tròn 48 tuổi đời.

  Riêng đối với tôi, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi về Nhật Bản vào tháng 12 năm 1954. Một điểm lạ đến với tôi, sau cuộc tang Tướng Nguyễn Sơn hai tháng, tôi được cử sang Việt Nam trong đoàn đại biểu mậu dịch đầu tiên từ Nhật Bản đến.
---------------------------------------
 1. Đà Nẵng
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:45:04 pm »

Tướng quân Hồng Thuỷ
người chiến sĩ quốc tế kiệt xuất*
(Trích)

Lý Linh (Trung Quốc)

V



  Hồng Thuỷ là một người đa tài đa nghệ. Ban dân vận Tổng bộ Bát lộ quân vừa đến Ngũ Đài gặp ngay cảnh bại quân Diêm Tích Sơn trên đường tháo chạy đã cướp bóc của cải, trâu bò, lợn gà của dân. Dân chúng kêu khóc váng trời. Thấy vậy, ông đã đứng ra, một mặt giáo dục lòng yêu thương nhân dân ở những người lính của Diêm, một mặt giải thích cho bà con, phát động mọi người giúp đỡ quân đội Diêm Tích Sơn bằng hành động thực tế. Ông tổ chức lừa ngựa các thôn lân cận, từng thôn, từng thôn, từng đoạn, từng đoạn, giúp quân Diêm Tích Sơn vận chuyển vật tư, làm xong nhiệm vụ, cả người lẫn ngựa cùng về. Làm như vậy, vừa chiếu cố lợi ích của dân chúng, lại vừa thu xếp ổn thoả quan hệ với đội quân bạn, không để ảnh hưởng đến phương châm kháng chiến. Qua sự việc trên có thể thấy rõ tài năng tổ chức của ông.

  Hồng Thuỷ bước lên bục nói chuyện, không bao giờ có bài viết sẵn. Ông diễn đạt gẫy gọn, ý tứ rành mạch, được nhà trường Hồng quân và Ban huấn luyện cán bộ thanh niên kháng chiến Ngũ Đài công nhận là giảng viên giỏi. Tuyên truyền trước quần chúng, ông nói rất hùng hồn, tiếng phổ thông vốn đã lưu loát lại thành thạo cả phương ngôn thổ ngữ, cặp mắt sáng long lanh, ăn nhịp với động tác mạnh mẽ dứt khoát, bà con thường tấm tắc khen ông "nói đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra".

  Ông biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tinh thông tiếng Việt, tiếng Trung, vốn hiểu biết sâu rộng của ông khiến nhiều người phải khâm phục. Ông cũng thường viết văn. Mới xong một đợt vận động quần chúng ở Ngũ Đài, bài "Công tác quần chúng của chúng ta" thông tin về tình hình Ngũ Đài đã ra mắt bạn đọc trên tuần báo Giải phóng ngày 27-11-1937. Tìm trong các báo Chiến tuyến, Tấn-Sát-Ký nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng biên khu Tấn-Sát-Ký, hoặc trong Kháng địch nguyệt san, cơ quan ngôn luận của Quân khu Tấn-Sát-Ký, đều có thể đọc thấy nhiều bài viết của ông. Ngoài những bản tin, những bài lý luận văn chương, tổng kết kinh nghiệm, ông còn làm khá nhiều văn thơ. Bài thơ dài của ông "Bi kịch của sự ngây thơ" đã làm tăng thêm dũng khí khắc phục khó khăn ngoan cường chiến đấu của hàng vạn thương binh, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác bảo mật phòng gian cho mọi người. Đặng Thác đã cho đăng bài thơ trên trong liền ba số Tấn-Sát-Ký nhật báo, nếu cộng lại phải chiếm hết hai trang báo. Trên Kháng địch nguyệt san,  số tháng 6-1941, Hồng Thuỷ công bố hai bài thơ châm biếm nhằm đả kích những thói xấu thô bạo, giản đơn, tàn dư quân phiệt trong bộ đội, v.v..., có kèm theo Lời giới thiệu của Ban biên tập: Hai bài thơ "có ý nghĩa chính trị nổi bật... là nét mới hoàn toàn trong sự phát triển của công tác văn nghệ quân đội".
Ngoài ra, Hồng Thuỷ còn soạn kịch, diễn kịch, làm công tác phiên dịch.

  Ông từng kể với nhiều đồng chí câu chuyện: Hồi mới tới Quảng Châu, ông có hỏi một bạn Trung Quốc: "Người Trung Quốc khi gặp nhau họ chào nhau thế nào?". Người bạn đó nói đùa với ông: "Tỉu nà ma". Đó là câu nói tục tĩu của dân Quảng Đông khi chửi người khác, Hồng Thuỷ cứ tưởng thật, một lần ra phố, thử nói, liền bị mấy người xúm lại đánh cho một trận nhừ tử. Sau này, cái ông bạn chót đùa dại cứ xin lỗi mãi, còn Hồng Thuỷ thì cười khà khà mà rằng: "Trò đùa đó chơi thật hay, muốn khỏi bị đánh thì phải chịu khó học". Từ đó, ông càng cố công học tập, cuối cùng đã trở thành một người Trung Quốc "chính cống" đa tài, đa nghệ.


VI


  Mùa thu năm 1937, hồi công tác ở Ngũ Đài, Hồng Thuỷ rất cần một nữ thanh niên tiến bộ có văn hoá, có năng lực để lãnh đạo công tác phụ nữ. Đảng viên cộng sản Từ Tục Chi, một cán bộ khu, đã giới thiệu Trần Ngọc Anh ở trấn Đông Trị.

  Trần Ngọc Anh đã tốt nghiệp Trường Sư phạm Thái Nguyên. Sau này, ở Bắc Kinh nhờ quen biết đồng chí Vương Dao làm công tác bí mật của Đảng, cô tham gia Đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa, không may bị bắt. Vì không có chứng cớ gì, nên ít lâu sau được tha. Nhưng từ đó, cô mất liên lạc với tổ chức. Sau sự kiện 7-7, cô về quê trở thành một cán bộ của Khu IV do Hồng Thuỷ lãnh đạo.

  Sau này, khi Hồng Thuỷ về phụ trách Ban tuyên truyền của Uỷ ban đặc biệt phân khu 2 Tấn-Sát-Ký, do cần bồi dưỡng cán bộ kháng chiến, ông cùng với Hồ Khai Minh, Trương Liên Khuê, v.v... tổ chức mấy lớp huấn luyện cán bộ thanh niên ở Vương Gia Trang, cách thành Ngũ Đài về phía Đông chừng 1km. Tham dự huấn luyện phần lớn là những thanh niên tiên tiến của các huyện Định Tương, Ngũ Đài... Trần Ngọc Anh là một trong số học viên đó. Vốn đã quen biết nay lại gặp lại nên Ngọc Anh và Hồng Thuỷ rất thân nhau, lại có dịp cùng nhau diễn kịch, tình yêu giữa họ đã nảy nở trong cuộc đấu tranh chung. Sắp cưới nhau rồi mà vẫn có người dị nghị: "Người Trung Quốc có hàng vạn hàng triệu, sao phải đi kiếm người nước ngoài?" Ngọc Anh trả lời: "Anh ấy giúp chúng ta làm cách mạng, lãnh đạo chúng ta chống Nhật, sao lại không thể yêu anh ấy được?". Tết năm 1938, bố Ngọc Anh làm bữa rượu mời các đồng chí Triệu Bằng Phi, Mã Chí Viễn, v.v... tới dự lễ cưới của hai người. Mã Chí Viễn đã làm riêng một bài thơ tặng mối tình Hồng Thuỷ - Ngọc Anh. Bốn mươi năm sau, Mã Chí Viễn đã đưa bài thơ này vào cuốn "Mã Chí Viễn thi văn tập" (cuốn sách này do Diệp Kiếm Anh đề chữ ngoài bìa) để kỷ niệm vị thượng cấp cũ của mình là đồng chí Hồng Thuỷ.

VII


  Năm 1945, cuộc chiến tranh chống Nhật sắp giành được thắng lợi cuối cùng, hàng loạt cán bộ của Diên An đã sẵn sàng tung đi khắp mọi miền Tổ quốc. Hồng Thuỷ và Ngọc Anh đều đang học tại Trường Đảng Trung ương ở Diên An. Một lần, hai người tâm sự:

  - Sắp tới, anh về Tấn-Sát-Ký hay đi Đông Bắc?

  Hồng Thuỷ âu yếm ôm vào lòng cậu con trai chưa đầy hai tháng tuổi có tên là Hàn Phong, hôn lên má con, giọng trầm xuống: "Đêm hôm qua, anh nằm mê thấy mẹ đứng trên đỉnh núi Hồng Sơn gọi anh, bảo anh về...".

  Quả nhiên, Tổ quốc gian nan vất vả của ông đã phát đi lời kêu gọi những người con ưu tú ở ngoài nước. Đảng Việt Nam chuẩn bị phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang trong phạm vi cả nước, đang rất cần hàng loạt các cán bộ quân sự chính trị. Trung ương Đảng Việt Nam và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bàn và quyết định điều về nước một số đồng chí Việt Nam công tác tại Trung Quốc.

  Hồng Thuỷ chia tay với đứa con yêu dấu và người vợ đang mang thai, đáp máy bay về phương Nam. Đến Vân Nam, Hồng Thuỷ mua một mảnh vải hoa, gửi qua đường bưu điện lên Diên An cho vợ và con, sau đó, lúc ngồi xe, lúc đi bộ tìm đường về Việt Nam. Đường đi vất vả, nhưng lúc nào ông cũng mang theo người những tác phẩm của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã được dịch sang tiếng Việt Nam như "Bàn về đánh lâu dài"; "Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc",... Đó là những tài liệu ông tranh thủ những lúc rỗi rãi dịch ra tiếng Việt, tự mình đánh máy rồi đóng thành từng tập. Người ta nói Đường Tăng đi lấy kinh vất vả, Hồng Thuỷ đi lấy kinh Trung Quốc quả cũng chẳng dễ dàng! Bắt đầu từ năm 1925, ông đã phấn đấu suốt 20 năm vì mục đích đó. Trong suốt thời gian trên, không kể đến chuyện kẻ thù nhiều phen muốn dồn ông vào chỗ chết, chưa nói đến những gian lao vất vả khôn lường ông từng nếm trải, chỉ những chuyện phiền toái trong nội bộ cũng đã quá đủ. Hai lần bị khai trừ khỏi Đảng, một lần kỷ luật lưu Đảng. Lần này về nước, đối với ông có khác chi một cuộc trường chinh. Để đề hòng bất trắc, ông rất thận trọng trong việc đi đường. Phải mất bốn tháng trời, cuối năm 1945 ông mới tới được Trấn Nam Quan (nay gọi là Hữu nghị quan). Cửa ải canh phòng rất nghiêm ngặt, không có cách nào đi qua, ông tìm cách thoát khỏi sự theo dõi của bọn tay sai đế quốc, đi vòng theo đường núi, vượt qua biên giới, trở về được lòng mẹ Tổ quốc. Sau khi về nước ông lần lượt được giao các trọng trách: Tư lệnh chiến khu IV, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Chiến khu V. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, bằng chính tài năng quân sự và chính trị của mình, ông đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Pháp và những tên bù nhìn của chúng.
----------------------------------------
* Tác giả đã viết bài này với gần 20 trang đánh máy (đã dịch ra tiếng Việt) gồm 8 chương. Chúng tôi xin trích 4 chương phù hợp với sách này (B.T).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:47:01 pm »

VIII


  Hồng Thuỷ đã chiến đấu năm năm trong cuộc chiến tranh chống Pháp ở Việt Nam. Năm 1950, sau khi có sự trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người lãnh đạo Trung Quốc, lần thứ ba ông trở lại Trung Quốc. Sau một thời gian học tập ở Học viện quân sự Nam Kinh, ông lần lượt giữ các cương vị như Giám đốc toà soạn Tạp chí huấn luyện chiến đấu của Quân uỷ, v.v... Năm 1955, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và vinh dự được nhận ba Huân chương hạng Nhất.

  Sáu năm thấm thoát trôi qua. Mùa hè năm 1956, ông bị ho nhiều, qua khám nghiệm mới biết ông bị u ác tính ở giai đoạn cuối. Lúc này, ông rất nhớ Tổ quốc của ông và đề nghị được về nước.

  Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai sau khi biết tình hình, đã bố trí gặp ông tại Lễ đường Quốc hội.

  Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: "Nghe báo cáo đồng chí không được khoẻ, muốn về nước, chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí về chữa bệnh cho tốt, sau khi khỏi bệnh, chúng tôi rất hoan nghênh đồng chí trở lại". Chu Ân Lai cũng hỏi han tỉ mỉ về bệnh tật. Họ tâm tình nhớ lại những năm tháng chiến tranh chung sống với nhau và cả ba người cùng khóc.

  Hồng Thủy là con người rất dễ xúc động. Tối hôm đó, ông lật đi lật lại tấm Huân chương Mao Chủ tịch tặng ông mà nước mắt chảy ròng ròng. Ông bảo đồng chí bí thư Vi Thủ Văn gói các Huân chương, quân hàm để vào hòm mang về Việt Nam làm kỷ niệm. Ông còn kể cho đồng chí bí thư nghe rất nhiều chuyện cũ.

  Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành đích thân bố trí chuyến về nước của ông. Trong phòng làm việc của Tổng tư lệnh Bành Đức Hoài đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng, hai người giao nhiệm vụ cho đồng chí Vi Thủ Văn, v.v... chịu trách nhiệm đưa ông về nước. Bành Đức Hoài nói: "Đồng chí Hồng Thuỷ ốm, các đồng chí hộ tống đồng chí đó về nước. Gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí cần báo cáo rõ ràng, đồng chí Hồng Thuỷ có cống hiến rất lớn đối với cách mạng Trung Quốc, vất vả quá mà sinh bệnh, nhân dân Trung Quốc mãi mãi cám ơn đồng chí đó".

  Khi rời Bắc Kinh, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh - thượng cấp cũ của Hồng Thuỷ hồi ở Trường quân sự Hoàng Phố và nhiều đồng chí ở Bộ Ngoại giao, các Quân uỷ đã tới tận sân ga tiễn đưa. Các vị lão tướng nếm đủ phong sương đều rơi nước mắt.

  Đến Hà Nội, đoàn được sắp xếp nghỉ tại ngôi nhà lầu trong Chủ tịch phủ. Hôm sau, Hồng Thuỷ và bí thư Vi Thủ Văn cùng tới gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nhìn thấy Hồng Thuỷ đã trở về, hai người ôm nhau khóc rồi nói chuyện với nhau hơn một tiếng đồng hồ bằng tiếng Trung Quốc, sau đó họ mới bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Việt.

  Ít lâu sau, báo chí và đài phát thanh của Việt Nam đều thông báo về tin buồn: Đồng chí Hồng Thuỷ vì bệnh nặng, điều trị không kết quả, đã mất ngày 21-10-1956, thọ 49 tuổi. Nhân dân Việt Nam đã cử hành lễ tang trọng thể và chôn cất ông tại ngoại thành Hà Nội.

  Viết tới đây, cảm thấy lời như cạn. Một số bạn chiến đấu cũ, Thủ trưởng cũ của ông căn dặn người chấp bút này phải viết thêm một đoạn, rằng đồng chí Hồng Thuỷ là người Việt Nam duy nhất đã tham gia suốt cả quá trình cuộc trường chinh hai vạn năm nghìn dặm của Trung Quốc, rằng cho đến năm 1956 là năm ông từ giã cõi đời, ông là người nước ngoài đã tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc với thời gian dài nhất, rằng hàng loạt cán bộ quân sự, chính trị do ông đào tạo bồi dưỡng vẫn đang cống hiến sức lực trên các chiến tuyến ở Trung Quốc, rằng rất nhiều trước tác và bài viết của ông vẫn đang lưu giữ tại các cơ sở lưu trữ, các thư viện Trung Quốc để giới thiệu với mọi người sự tích về một thời kỳ lịch sử, và một phần trước tác của Chủ tịch Mao Trạch Đông in bằng tiếng Việt do ông dịch cũng vẫn bày trên giá sách tiếng nước ngoài.

  Ôi! Vũ Nguyên Bác - Nguyễn Sơn - Hồng Tú - Hồng Thuỷ, sử sách sẽ mãi mãi ghi lại tên tuổi của Người! Nhân dân Trung Quốc sẽ mãi mãi nhớ Người, cảm ơn Người!

Văn Thanh dịch
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #76 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:50:21 pm »

Một con người đã cống hiến trọn đời
cho cách mạng Trung Quốc

Trần Hàn Phong
(Trung Quốc)



  Trong hàng tướng lĩnh cao cấp của quân đội Trung Quốc, có một vị tướng là người nước ngoài. Đó là Thiếu tướng Hồng Thuỷ - người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, một chiến sĩ cộng sản kiệt xuất.

  Hồng Thuỷ tên thật là Vũ Văn Bác,  là một trong những đồng chí người nước ngoài có mặt sớm nhất trong cách mạng Trung Quốc. Ngay từ năm 1925, qua đồng chí Hồ Chí Minh giới thiệu, ông đã tới trung tâm cách mạng của Trung Quốc lúc bấy giờ là Quảng Châu để tìm chân lý cách mạng. ở đây, ông làm quen với Thái Xướng và được Thái Xướng giới thiệu vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Kể từ đó, ông cũng là một trong những học viên người nước ngoài có mặt sớm nhất ở trường này. Tại Trường Hoàng Phố, ông gia nhập Quốc dân đảng Trung Quốc lúc bấy giờ đang thực hiện ba chính sách lớn2. Nhưng sau đó hai năm, Tưởng Giới Thạch làm chính biến phản cách mạng, tàn sát dã man những người cộng sản và nhiều nhân sĩ tiến bộ. Cuộc khủng bố trắng tàn khốc đó giúp ông thấy rõ bộ mặt phản động của Tưởng Giới Thạch, ông dứt khoát tuyên bố ra khỏi Quốc dân Đảng và qua một người giới thiệu, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 11-12-1927, khởi nghĩa Quảng Châu bùng nổ. Ông tham gia khởi nghĩa cùng với hơn 30 đồng chí Việt Nam đang học tập, công tác tại Trường Quân sự Hoàng Phố.

  Khởi nghĩa bị thất bại, tư cách là đảng viên cộng sản Trung Quốc lộ rõ. Không thể ở lại Quảng Châu, ông sang Thái Lan cùng với Hoàng Văn Hoan tuyên truyền cách mạng, tiến hành công tác tổ chức trong Việt Kiều ở Thái. Mặc dù vậy phong trào cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi ở Trung Quốc vẫn có sức cuốn hút ông.

  Năm 1929, ông trở lại Trung Quốc với mục đích học tập lý luận quân sự, nâng cao tài năng chỉ huy quân sự. Tới Trung Quốc, ông đến ngay khu vực Đông Giang (Quảng Đông), tham gia đội du kích Đông Giang của Hồng quân công nông do các đồng chí Bành Bái, Cổ Đại Tồn... lãnh đạo. Ông đảm nhiệm các chức vụ: chính trị viên đại đội, chính uỷ trung đoàn. Hồi đánh du kích ở Đông Giang thấy truyền đơn của địch gọi Đảng Cộng sản là con mãnh thú Hồng Thuỷ, ông căm lắm. Một lần, ông nói với các chiến sĩ: "Kẻ thù rủa chúng ta là "mãnh thú Hồng Thuỷ", đã vậy, tôi đổi tên là Hồng Thuỷ, từ nay mọi người cứ gọi tôi là Hồng Thuỷ. Một đồng chí khác tiếp lời: "Tôi cũng đổi tên, tên tôi là Mãnh Thú". Đáng tiếc là đồng chí Mãnh Thú trong một trận chiến đấu với kẻ thù đã anh dũng hy sinh, còn Hồng Thuỷ đúng như tên ông, đã băng băng lao tới trong đại dương cách mạng.

  Đầu năm 1930, Quân đoàn 12 Phúc Kiến thành lập, Hồng Thuỷ từ Quảng Đông lên Phúc Kiến, và lần lượt được giao các chức vụ: Chính uỷ trung đoàn, Chủ nhiệm ban chính trị Sư đoàn 34 Quân đoàn 12 Hồng quân.

  Trường Quân chính Trung ương của Hồng quân thành lập, ông được điều về làm công tác giảng dạy. Ở trường ngoài việc làm tốt việc được phân công, ông còn tích cực tham gia công tác văn hoá. Ông là thành viên tích cực của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và là một trong những người phụ trách câu lạc bộ của trường. Hồng Thuỷ thường dạy mọi người đánh đàn, học hát, nhảy múa. Cùng với các đồng chí Tiền Tráng Phi, Lý Bá Chiêu, Trương Ái Bình, ông soạn vở diễn kịch. Cùng với Lý Bá Chiêu, ông sáng lập ra đoàn kịch đầu tiên trong lịch sử quân đội Trung Quốc - Đoàn kịch Công Nông. Đoàn kịch sau này phát triển thành đoàn kịch Áo Xanh của Khu Xô viết, đã đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt những cốt cán văn nghệ cho Đảng và quân đội, góp phần vào việc xây dựng văn hoá ở khu Xô viết.

  Tháng 1-1934, ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hoà Xô viết Trung Hoa, là uỷ viên người nước ngoài duy nhất của Chính phủ dân chủ công nông Xô viết Trung ương. Và cũng chính năm đó, vì kiên quyết chống lại đường lối "tả khuynh", ông đã bị đối xử thô bạo, quy cho tội "đặc vụ cao cấp", thậm chí khai trừ ra khỏi Đảng. Trước sự đả kích của một đường lối sai lầm, ông vẫn giữ vững lập trường, không hề chùn bước, kiên quyết đi theo Đảng, đi theo Mao Trạch Đông, vững vàng tham gia vào cuộc trường chinh hai vạn năm ngàn dặm từng làm kinh hoàng thế giới. Dọc đường trường chinh, Chu Đức, Lưu Bá Thừa đã bảo vệ Hồng Thuỷ, bố trí ông làm giáo viên trong Đoàn cán bộ Đỏ, sửa lại hình thức kỷ luật sai lầm đối với ông.

  Tháng 6-1935, ông cùng Chu Đức, Lưu Bá Thừa... đến nhận nhiệm vụ ở cánh quân sườn trái. Trung tuần tháng 8, cánh quân này xuất phát từ Trác-Khắc-Cơ, qua huyện A Bối, vượt thảo nguyên hoang vu không một bóng người, tới được thượng du sông Đại Độ. ở vào những giờ phút quyết định sắp sửa vượt sông, Trương Quốc Đào đột ngột chống lại việc tiếp tục Bắc tiến, chủ trương dẫn quân Nam Hạ. Ông kiên quyết ủng hộ chủ trương đúng đắn của Chu Đức, Lưu Bá Thừa tiếp tục Bắc tiến để chống Nhật, dứt khoát chống lại chủ nghĩa chia rẽ, chủ nghĩa chạy trốn của Trương. Kết quả, ông bị kết tội "gián điệp quốc tế" và lại bị khai trừ khỏi Đảng. Mãi đến khi cuộc trường chinh kết thúc, ông tới được Diên An, Trung ương mới xoá kỷ luật, khôi phục danh dự cho ông.

  Trong quá trình Trương Quốc Đào tự ý ra lệnh cho cánh quân sườn trái rút lui, Hồng Thuỷ một lần nữa lại cùng bộ đội vượt thảo nguyên, leo núi tuyết, trải qua bao nhiêu nỗi gian nan, nguy hiểm. Trong một lần kịch chiến ở Cam Tư Tây Khang, quân bị đánh tan tác, Hồng Thuỷ một mình thâm nhập bà con người Tạng, chăn dê, chăn lạc đà, xin ăn từng bữa, ra sống vào chết, chịu mọi đắng cay. Năm 1936 mới đến được Diên An. Lúc đến Diên An nhiều đồng chí thấy Hồng Thuỷ trên mình khoác chiếc áo Tạng, người gầy như que củi, đã không nhận ra. Mọi người thực sự xúc động bởi tinh thần cách mạng kiên cường bất khuất của ông.

  Thời kỳ đầu kháng chiến, Tổng bộ Bát Lộ quân cử ông cùng với các đồng chí Lý Chí Dân... đi phát động quần chúng ở vùng núi Ngũ Đài (Sơn Tây), liên hệ với các cánh quân bạn để cùng kháng chiến. Ông rất giỏi làm công tác quần chúng. Vừa tới địa phận Ngũ Đài, ông và các đồng chí trong ban dân vận gặp ngay cảnh bại quân của Diêm Tích Sơn trên đường tháo chạy đã cướp tài sản, trâu bò, lợn gà của dân. Dân chúng kêu khóc váng trời. Ông đã dũng cảm đứng ra, một mặt giáo dục khêu gợi lòng yêu dân ở những người lính của Diêm, một mặt giải thích cho bà con, phát động bà con bằng hành động thực tế tạo điều kiện cho quân đội của Diêm Tích Sơn với tư cách là quân đội bạn rút lui yên ổn. Ông tổ chức các gia đình nông dân có lừa ngựa ở các thôn chung quanh giúp quân Diêm Tích Sơn vận chuyển vật tư, xong việc lại dẫn lừa ngựa về, làm như vậy vừa có lợi cho dân lại vừa thu xếp ổn thoả quan hệ với quân đội bạn, không để ảnh hưởng đến phương châm kháng chiến.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2008, 01:52:43 pm »

  Một lần, Hồng Thuỷ nghe nói có người phê bình Bát Lộ quân đóng ở Đông Trị, bèn đi sâu tìm hiểu tình hình. Ông được biết người phê bình đó là Chu Hỷ, vốn là đại đội trưởng Quân đội Quốc dân Đảng đã từ chức về nhà, ông đến tận gia đình thăm hỏi và xin ý kiến. Lúc đầu, Chu Hỷ không hiểu đầu đuôi ra sao, sợ hết hồn, nhưng khi biết Hồng Thuỷ đại diện cho Bát Lộ quân đến để nhận thiếu sót thì ông này tỏ ra hết sức cảm động và hết lời ca ngợi Bát Lộ quân. Sau đó, nhờ ông giác ngộ, Chu Hỷ đã tham gia đội du kích chống Nhật, sau đó đã hy sinh khi chỉ huy trận chiến đấu ở thôn Bắc Câu (Ngũ Đài). Thời gian ông công tác ở Ngũ Đài, Hồng Thuỷ đã yêu cô Chủ nhiệm Hội phụ nữ cứu quốc Trần Ngọc Anh, sau đó hai người làm lễ cưới, trở thành bạn đời của nhau. Ít lâu sau, để mở rộng công tác tuyên truyền chống Nhật, Đảng ra tờ "Kháng địch báo" ở chiến khu Tấn-Sát-Ký và giao cho Hồng Thuỷ phụ trách. "Kháng địch báo" đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền chống Nhật. Sau này, người phụ trách tờ báo là đồng chí Đặng Thác đã làm thơ ca ngợi công lao và nhân cách của ông.

"Hồi thủ Hồng Hà sang thống thâm
Nhân gian tòng thử nhiệm phù trầm
Bắc Lai tráng chí long tiên vận
Nam quốc thi tình thiên hạ tâm.
Thập tải phong ba tam thập lý
Thiên thu huyết lệ nhất sinh ngâm
Đông phương vọng nhỡn lãng triều cấp
Mạc đạo phiêu phùng trực đáo kim".

  Đầu năm 1938, ông rời toà báo "Kháng địch báo", được điều về làm giáo viên chính trị Trường cán bộ quân chính kháng Nhật Tấn-Sát-Ký đặt tại thôn Bạch Đầu Am dưới chân núi Ngũ Đài, đồng thời phụ trách tổ giảng dạy. Trường học này đã đào tạo hàng loạt chỉ huy quân sự cấp cao và cán bộ chính trị cho quân đội Trung Quốc, nhiều người sau này đã được giao trọng trách trong các quân binh chủng.

  Hè năm 1938, bác sĩ Bôrôđin - người chiến sĩ quốc tế vĩ đại được cử tới vùng núi Ngũ Đài thuộc quân khu Tấn-Sát-Ký, làm việc tại bệnh viện hậu phương Tùng Kham Khẩu. Hồng Thuỷ cũng phải đến mổ ở bệnh viện và bác sĩ Bôrôđin chủ động đề nghị được trực tiếp mổ cho ông. Hoàn cảnh lúc bấy giờ rất khó khăn, thuốc men thiếu thốn, thuốc gây tê lại càng hiếm hoi. Ông đã đề nghị dành thuốc tê cho các đồng chí khác cần hơn, bản thân tự nguyện không dùng. Ông nghiến răng chịu đau, không một tiếng rên rỉ. Bác sĩ Bôrôđin hết lời khen ngợi ý chí kiên cường của ông.

  Trong những năm tháng gian khổ nhất của cuộc chiến tranh chống Nhật, ông lúc nào cũng đồng cam cộng khổ với các đồng chí Trung Quốc, cho tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cần ông về nước tham gia đấu tranh võ trang. Lúc đó, mặc dầu bị mất người con gái trong chiến tranh, nhưng để báo đền Tổ quốc, ông kiên quyết từ biệt đứa con trai một tuổi và người vợ đang mang thai trở về Việt Nam.

  Các đồng chí Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh... đã đến tiễn đưa trước lúc ông lên đường về nước. Mao Trạch Đông nói vui với các đồng chí Việt Nam: Hồng Thuỷ quả là một con ngựa bất kham đấy, điều khiển không tốt, không cẩn thận đồng chí ấy đá người khác. Những lời lẽ thân mật ấy nói lên mối tình biết bao sâu nặng với các đồng chí lãnh đạo như Mao Trạch Đông... mà ông đã xây dựng trong hơn 20 năm cùng nhau nằm gai nếm mật, sống chết bên nhau.

  Về Việt Nam, ông lần lượt được giao các nhiệm vụ: Tư lệnh Quân khu IV, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Chiến khu V, trở thành một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng mà ở Việt Nam ai cũng biết tới.

  Lần thứ ba ông trở lại Trung Quốc là vào tháng 10-1950. Bấy giờ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đích thân bố trí một ngôi nhà ở Trung Nam Hải để mời ông đến ở. Lúc đầu, ông phụ trách khoa Việt Nam Ban Mặt trận thống nhất trung ương, sau đó lại về học tập tại Học viện quân sự Nam Kinh. Năm 1954, ông tốt nghiệp với thành tích học tập xuất sắc, được cử đến Bộ Tổng giám huấn luyện Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc giữ chức Phó Cục trưởng Cục điều lệnh, Giám đốc toà soạn "Tạp chí Huấn luyện chiến đấu". Ông đã viết nhiều bài xã luận, bình luận về các luận văn quân sự, đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hoá, chính quy hoá quân đội Trung Quốc.

  Năm 1955, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc phong quân hàm thiếu tướng và trao Huân chương Bát Nhất hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất cho ông để tuyên dương những cống hiến xuất sắc của ông trong các giai đoạn của cách mạng Trung Quốc.

  Hồng Thuỷ sống độ lượng, cởi mở, thẳng thắn, trung thực, hào hiệp với mọi người. Ông không bao giờ tranh giành địa vị, gây uy tín cá nhân. Hồi bình quân hàm phong cấp bậc, lúc đầu định phong cho ông hàm thiếu tướng cấp sư đoàn chính quy. Nhiều người bất bình thay cho ông, rằng như vậy là quá thấp. Nhưng ông cũng chẳng tìm ai nói chuyện đó. Ngày 1-10-1955, đồng chí Mao Trạch Đông đứng trên Thiên An Môn nhìn thấy ông, thân mật hỏi: Chú Hồng, người ta phong cho chú cấp gì? Ông báo cáo thực với Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông lập tức nói ngay với các đồng chí hữu quan: Không chính xác, đồng chí ấy tham gia quân đội từ thời kỳ Hoàng Phố, liệu xem có thể sửa thành cấp quân đoàn chính quy. Thế là nhờ sự quan tâm trực tiếp của đồng chí Mao Trạch Đông, cấp của ông đã được sửa lại là cấp quân đoàn chính quy.

  Mùa hè năm 1956, ông bị ho nhiều. Kiểm tra sức khoẻ mới biết ông bị u ác tính ở giai đoạn cuối. Lúc này, ông rất nhớ Tổ quốc và xin được về nước. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai sau khi biết tin đã tiếp kiến ông tại Lễ đường Quốc hội. Mao Trạch Đông nói: Nghe báo cáo đồng chí không được khoẻ, muốn về nước, chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí về chữa bệnh cho tốt, sau khi khỏi bệnh, chúng tôi rất hoan nghênh đồng chí trở lại. Chu Ân Lai cũng hỏi han tỉ mỉ về bệnh tật, họ tâm tình nhớ lại những năm tháng chiến tranh chung sống với nhau và cả ba người cùng khóc. Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành trực tiếp lo liệu chuyến về nước của ông, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí đi hộ tống. Bành Đức Hoài nói: đồng chí Hồng Thuỷ đau ốm, các đồng chí được giao trách nhiệm đưa đồng chí đó về nước, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh phải báo cáo rõ ràng, đồng chí Hồng Thuỷ đã có cống hiến rất lớn đối với cách mạng Trung Quốc, vất vả quá mà sinh bệnh, nhân dân Trung Quốc mãi mãi cám ơn đồng chí đó.

  Khi rời Bắc Kinh, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và nhiều đồng chí ở Bộ Ngoại giao, các quân uỷ đã tới tận sân ga tiễn đưa. Các vị lão tướng từng nếm đủ phong sương đều không cầm được nước mắt. Về nước được ít lâu thì ông mất. Nhân dân Việt Nam tổ chức lễ tang trọng thể và an táng ông tại ngoại ô Hà Nội. Nhân dân Trung Quốc sẽ mãi mãi không bao giờ quên người bạn chiến đấu khác quốc tịch nhưng đã có những cống hiến quan trọng cho cách mạng Trung Quốc và trong sử sách của cách mạng Trung Quốc mãi mãi ghi lại tên tuổi người anh hùng Hồng Thuỷ - một chiến sĩ cộng sản kiệt xuất.
 
(Bài đăng trên báo Giải phóng quân ngày 16-1-1989)
Quốc Tuấn dịch
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #78 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2008, 01:55:29 pm »

Hoàng Hà nhớ
Hồng Hà thương
Tôi và Lưỡng Quốc Tướng Quân Nguyễn Sơn
Hồi ký
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch






Dịch từ nguyên bản tiếng Trung của Trần Kiếm Qua
Châu Yến chỉnh lý
Nhà xuất bản Thế giới đương đại, Bắc Kinh, 2000.
Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, xuất bản năm 2001.

Thư gửi Nhà xuất bản Văn học và bạn đọc Việt Nam

  Nhà xuất bản Văn học Việt Nam và bạn đọc Việt Nam thân mến!

  Cuốn Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương này do Nhà xuất bản Thế giới đương đại Trung Quốc xuất bản vào tháng 4 năm 2000, đến nay đã được hơn một năm. Hoàng Hà là dòng sông mẹ của Trung Quốc. Hồng Hà là dòng sông mẹ của Việt Nam. Cuốn sách nói về một câu chuyện có thực, ghi lại những thực tế về cuộc chiến đấu kề vai sát cánh giữa hai Quân đội, hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam, phản ánh thực tế nhất về tình hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước Trung - Việt. Gia đình của chúng tôi chính là tượng trưng của tình hữu nghị đó. Hoàng Hà và Hồng Hà sẽ mãi mãi chảy xuôi, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Việt cũng sẽ mãi bền vững với thời gian. Cuốn Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương sau khi được đồng chí Nguyễn Đồng Thoại dịch ra tiếng Việt một cách tinh tế và chuẩn xác cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Nhà xuất bản Văn Học Việt Nam, cuối cùng đã ra mắt bạn đọc, cho phép tôi gửi lời chúc mừng đến các bạn. Chúc nhân dân hai nước Trung - Việt cùng nhau tiến bước, phát triển mạnh mẽ trong hình thế mới của công cuộc cải cách, đổi mới và trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa vĩ đại.

  Xin gửi tới các bạn lời chào trân trọng nhất!


Kính thư!
Phu nhân Tướng Nguyễn Sơn
Trần Kiếm Qua
Bắc Kinh, ngày 22 tháng 9 năm 2001

Giới thiệu tóm tắt về tác giả

  Trần Kiếm Qua, tên gốc là Trần Ngọc Anh, người huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, tốt nghiệp Trường Nữ học sư phạm của tỉnh Sơn Tây.

  Năm 1933 tham gia cách mạng.

  Tháng 10 năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

  Tháng 1 năm 1938, tại căn cứ kháng Nhật Tấn - Sát - Ký, bà kết hôn với Hồng Thuỷ - tức Tướng quân Nguyễn Sơn, vị tướng tài ba của cả Trung Quốc và Việt Nam.

  Trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, bà từng làm Chủ nhiệm Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Ngũ Đài, giáo viên văn hoá ở Phân hiệu 2 Trường Đại học Kháng Nhật, Trưởng khoa Giáo dục và nuôi dưỡng của Trường Mầm non số hai Diên An.

  Sau khi Trung Quốc được giải phóng bà làm Viện trưởng Viện Giáo dục mầm non "1/6" Bắc Kinh, rồi làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục Bắc Kinh.

  Năm 1983 bà nghỉ hưu.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #79 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2008, 01:57:23 pm »

Lời tựa
của Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
(Nguyên bản tiếng Việt)


  Tôi rất vui mừng được chị Trần Kiếm Qua, vợ anh Nguyễn Sơn nhờ viết lời tựa cho cuốn sách "Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương". Ghi chép lại những hồi ức của chị, nó bất giác gợi cho tôi nhớ lại những ngày tháng sống và chiến đấu cùng anh Nguyễn Sơn.

  Anh Nguyễn Sơn từ nhỏ đã tham gia phong trào thanh niên và được vinh hạnh học tập tại trường quân sự nổi tiếng của Trung Quốc - Trường Quân sự Hoàng Phố. Khi anh Nguyễn Sơn về nước, thì quân Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nước ta cũng bước vào thời kỳ kháng chiến lâu dài. Trong cuộc họp của Thường vụ, Bác Hồ, anh Trường Chinh và tôi yêu cầu anh Nguyễn Sơn vào miền Nam, nơi chiến sự ác liệt. Khi tôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Quân sự toàn quốc (sau này đổi tên thành Uỷ ban Kháng chiến toàn quốc), anh Nguyễn Sơn được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Đây là một chức vụ cực kỳ quan trọng, thể hiện lòng tin của Đảng và Chính phủ đối với anh.

  Anh Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, là một tướng lĩnh có công với quân đội ta. Đặc biệt anh đã từng tham gia cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài ở Trung Quốc, là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho nên khi các đồng chí láng giềng nhắc đến anh đều với một tình cảm tôn trọng và sâu nặng. Năm 1993, sang thăm Trung Quốc, được gặp vợ và các con anh Sơn, tôi rất vui và yên lòng khi thấy họ có một tinh thần lạc quan. Những đứa con bên đó cũng giống như những đứa con đang sống trong gia đình bên này, đều đã thực hiện được những điều mà thế hệ cha anh mong đợi, cần cù phấn đấu học tập và công tác.
Do vậy, có thể nói Tướng Nguyễn Sơn là một tấm gương sáng, là một chiến sĩ chủ nghĩa quốc tế của Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Trung Quốc.

  Tướng Nguyễn Sơn là một chiến sĩ Cộng sản kiên định, là một người có khí phách và cũng là một vị tướng tài ba. Tài ba của anh Sơn không chỉ ở lĩnh vực quân sự, mà còn trong các lĩnh vực chính trị, tuyên truyền, văn nghệ. Nguyễn Sơn còn có một phong cách riêng, vô cùng độc đáo. Ví dụ, khi làm chủ hôn đã yêu cầu cô dâu, chú rể làm thơ ngay tại hôn lễ, điều này chỉ có anh Nguyễn Sơn mới làm được.
Cho dù ở Trường Lục quân Quảng Ngãi hay ở Trường Quân chính Quân khu IV, anh Sơn luôn rất coi trọng đào tạo cán bộ. Trong phong trào luyện binh, anh đã rất thành công và đưa ra một hình thức huấn luyện được áp dụng trong toàn quân và nhân dân: "Đại Hội Tập".
Anh tôn trọng bạn bè và mọi người, coi trọng bồi dưỡng đội ngũ xung quanh.

  Có thể nói, trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, Cách mạng Trung Quốc còn chưa giành được thắng lợi, Đảng và nhân dân ta đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chính quyền non trẻ trong điều kiện bị bao vây và cực kỳ khó khăn phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng, toàn dân đoàn kết, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, từ xây dựng dân quân đến xây dựng sư chủ lực đầu tiên. Chúng ta đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đã đứng vững và lớn mạnh, đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp thu và sử dụng có hiệu quả sự viện trợ hết lòng của các nước anh em, đặc biệt là Trung Quốc sau này. Tôi phải nhắc đến một tài liệu năm 1949 do Pháp công bố, trong tài liệu đó, Pháp đã buộc phải thừa nhận "dùng lực lượng quân sự không thể thắng nổi Việt Minh".

  Anh Sơn đã về nước chính vào những ngày khó khăn đó. Anh đã tích cực tham gia các cuộc thảo luận về quân sự, chiến tranh, đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc về vấn đề bồi dưỡng cán bộ, tác chiến, xây dựng bộ đội chủ lực, xây dựng lực lượng dân quân v.v... đặc biệt anh rất coi trọng vấn đề xây dựng dân quân. Trong các cuộc hội nghị, anh phát biểu rất sôi nổi và thu hút được sự chú ý của mọi người. Trong quan hệ với bạn bè, anh tôn trọng đồng chí, bạn chiến đấu, thường tâm sự với mọi người thâu đêm suốt sáng, làm mọi người có cảm giác thoải mái và quyến rũ.

  Thời gian về nước của anh không dài, nhưng anh đã có những đóng góp hết mình. Mùa hè năm 1950, do phân công công tác, anh đã đến Bắc Kinh. Mặc dù xa quê hương đã lâu, bôn ba hoạt động cho cách mạng ở bên ngoài, nhưng không có giờ phút nào anh không nhớ tới Tổ quốc mình. Khi bệnh tình nguy kịch, mặc dù đã được bạn bè hết lòng cứu chữa, thậm chí gửi sổ y bạ đi hội chẩn ở Liên Xô, nhưng anh không thể qua nổi. Theo nguyện vọng của anh, Đảng đã đón anh về nước. Anh đã từ trần trong niềm thương tiếc vô hạn của người thân, bạn bè chiến hữu trên mảnh đất quê hương.

  Mặc dù mất sớm, nhưng anh đã để lại hình ảnh của một người Cộng sản suốt đời cúc cung tận tụy cho sự nghiệp cách mạng nước ta và đất nước anh em hữu nghị, hình ảnh một đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết và hết sức chân thành. Anh mãi mãi được ghi nhớ trong trang lịch sử cách mạng Việt Nam và khắc sâu trong trái tim mỗi chúng ta.


Hà Nội, ngày 22-12-1999
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười, 2008, 02:02:50 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM