Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:41:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân  (Đọc 65614 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 05:55:55 pm »

Hồi ức về Tướng Nguyễn Sơn

Cửu Thọ



  Đầu năm 1948, chúng tôi từ Bình-Trị-Thiên ra học Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV.

  Vừa vào trường được ít hôm thì có lệnh trên cho Thiếu sinh quân tập thao diễn quân sự để chuẩn bị dự ngày lễ lớn.

  Thế là... sáng học văn hoá, chiều ra bãi tập quân sự. Các trung đội đi đều tăm tắp, làm các động tác cơ bản thật thành thục.

  Hôm ấy, chúng tôi được phát quần áo mới, đứa nào cũng súng sính trong bộ quân phục xanh, mũ lưới nom như một "đoàn quân xanh" thật hùng dũng, đẹp mắt. Chúng tôi càng vui sướng hơn khi được biết, hôm nay, chúng tôi sẽ đi dự Lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho Tư lệnh Nguyễn Sơn, Tư lệnh trưởng Quân khu IV.

  Tư lệnh Nguyễn Sơn và Chính uỷ Trần Văn Quang (nay là Thượng tướng) "cha đẻ" của Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Bọn "lính nhóc" chúng tôi là "con cưng" của hai vị tướng đó. Từ lâu, chúng tôi đã nghe danh tiếng của Tư lệnh Nguyễn Sơn. Vị tướng tài ba đó đã từng học Trường quân sự Hoàng Phố, đã từng tham gia Vạn lý trường chinh của Hồng quân Trung Quốc, lập nên nhiều chiến công oai hùng.

  Nhớ một ngày sau Cách mạng tháng Tám, lúc đó chúng tôi còn học ở Trường Quốc học Huế, tất cả học trò chúng tôi tập trung ở hội trường để nghe Tướng Nguyễn Sơn từ chiến trường miền Nam ra nói chuyện.

  Vị tướng lúc đó mặc áo sơ-mi xoàng xĩnh như một người dân bình thường, nước da đen xạm, tóc hơi xoăn bờm xờm, tiếng nói thì oang oang như sấm.

  Sau khi nói qua về tình hình chiến trường phía Nam, Tướng Nguyễn Sơn khuyên chúng tôi học phải liên hệ với thực tế, không phải chỉ học lý thuyết suông với những con số đơn thuần. Vị tướng bỗng hỏi chúng tôi:

  - Hai với ba cái nào to hơn?

  - Ba to hơn - chúng tôi trả lời.

  Vị tướng lại nói:

  - Thế hai khẩu đại bác với ba khẩu súng trường, cái nào to hơn?

  - Hai khẩu đại bác to hơn.

  Vị tướng cười:

  - Đó, trong thực tế không phải khi nào ba cũng to hơn hai.

  Chúng tôi nhìn nhau:

  - Ông tướng nói hay thật.

  Hôm nay trong buổi lễ, chúng tôi thấy Tướng Nguyễn Sơn không xuềnh xoàng như mọi khi mà mặc bộ quân phục bằng dạ xanh, đội mũ kê-pi xanh có quân hiệu đàng hoàng, uy nghiêm như những vị tướng chúng tôi thường thấy trong ảnh.

  Tất cả bộ đội đã tập trung nghiêm chỉnh ở sân vận động Thọ Xuân, xung quanh có cả dàn súng cao xạ để đề phòng máy bay địch đột kích. Bọn nhỏ chúng tôi được xếp hàng đầu gần lễ đài. Sau khi đồng chí Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ đọc lệnh thụ phong và gắn quân hàm Thiếu tướng, Tướng Nguyễn Sơn nói lời cảm ơn, các đơn vị chúng tôi bắt đầu diễu hành qua lễ đài. Chúng tôi bước đều răm rắp, đi nghiêm quay mặt về lễ đài, chào. Thiếu tướng cười vui vẻ và giơ tay vẫy chào lại chúng tôi.

  Sau lễ thụ phong, chúng tôi hành quân thay đổi chỗ đóng quân ngay để đề phòng máy bay địch oanh tạc. Cuộc hành quân bắt đầu vào lúc nửa đêm, khi qua một cây cầu bắc ngang nông giang, bọn nhỏ đi trước bỗng ùn cả lại. Tôi đi đến thì thấy Tư lệnh Nguyễn Sơn đứng đón ở đầu cầu, mỗi đứa đi qua bị ông "tóm" lại và dùng râu cằm cọ vào má. Ôi, râu cằm của ông thì lởm chởm như rễ tre mà cọ vào má thì rất ghê! Nhưng đứa nào cũng sung sướng khi được Thiếu tướng cọ râu vào má. Có đứa ôm lấy cổ ông và hôn lên cằm, lên tai. Lúc này không còn sự cách biệt giữa vị tướng tư lệnh quân khu với người lính nhỏ tuổi nữa mà chỉ tràn ngập một tình thương yêu, thân thiết như cha với con.

  Từ đây, ở Trường Thiếu sinh quân lưu truyền một bài hát tên là "Râu bác Sơn" với đoạn lời như sau:

  "Râu bác Sơn cọ vào má rất ghê! Còn gì bằng được bác đến gần, còn gì bằng được bác hôn nhiều, ôi râu nhiều sợ ghê!"

  Thỉnh thoảng trên đường công tác, Tướng Nguyễn Sơn lại ghé thăm Trường Thiếu sinh quân. Tối đó, chúng tôi tập trung ở sân đình, trình diễn văn nghệ: múa, hát, diễn kịch chào mừng Thiếu tướng. Sau khi thăm hỏi các cháu về học hành, sức khoẻ, Thiếu tướng hỏi:

  - Bây giờ các cháu muốn ăn gì?

  - Dạ, chè! (tiếng đáp ran lên).

  Chả là vì dạo ấy chúng tôi ăn uống rất kham khổ, không mấy khi được nếm vị ngọt nên đứa nào cũng thèm của ngọt.

  Thiếu tướng nói:

  - Được, hôm nay đãi toàn trường một bữa nhé.

  Thế là các anh nuôi vội vã lên kho hậu cần Quân khu lĩnh đường, đậu về nấu mấy nồi chè to tướng. Cả trường xì xụp ăn chè hết sức ngon lành.

  Do sáng kiến của Tướng Nguyễn Sơn, cả quân khu dậy lên phong trào luyện quân và mở các "Đại hội tập" để thi các môn kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Trường Thiếu sinh quân cũng nô nức học tập và rèn luyện các môn quân sự như lăn, lê, bò, toài, bắn súng, v.v... Sau đó nhiều học viên lớn được bổ sung về các đơn vị để ra chiến trường.

  Một lần, Tướng Nguyễn Sơn đến thăm Trường Thiếu sinh quân. Ông bảo các lớp lớn như chuyên khoa, đệ tứ... đưa vở học lên cho ông xem. Lúc đó lớp chuyên khoa văn đang học Truyện Kiều do giáo sư Trương Tửu giảng. Trong bài giảng của giáo sư có những quan điểm khác thường như cho nàng Kiều là bị bệnh "uỷ hoàng", một thứ bệnh sinh lý về tình dục.

  Sau khi xem xong các bài vở, Tướng Nguyễn Sơn ra lệnh triệu tập các lớp lớn trong trường lại để nghe ông nói chuyện.

  Chúng tôi tập trung ở đình làng. Tướng Nguyễn Sơn bước vào. Ông cầm chiếc mũ bêrê có quân hiệu đang đội trên đầu bỏ xuống bàn và nói:

  - Hôm nay chúng ta không nói chuyện quân sự mà nói chuyện học. Tôi sẽ giảng lại bài Truyện Kiều thay cho bài của giáo sư Trương Tửu.

  Suốt một ngày (buổi sáng và chiều) ông tướng quân sự ấy đã nói về Truyện Kiều rất say sưa và hấp dẫn. Ông ca ngợi Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt tác của dân tộc mà bất kỳ một người dân Việt Nam bình thường nào đọc cũng thông cảm và rung động sâu sắc.

  Ông phê phán kịch liệt quan điểm của Trương Tửu cho rằng Kiều là một người bệnh hoạn.

  Ông nói:

  - Trong những ngày tham gia Vạn lý trường chinh, khi vượt qua những rặng núi tuyết lạnh thấu xương, mỗi lần tôi ngâm lên câu Kiều là thấy lòng mình ấm lại, là có thêm nghị lực để vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

  Chúng tôi đều khâm phục tri thức uyên bác của vị tướng tài Nguyễn Sơn không những về chính trị, quân sự mà cả về văn học nữa.

  Đúng như đánh giá của các học giả trong lễ tưởng niệm Tướng Nguyễn Sơn ở Hà Nội ngày 31-12-1993, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông: "Tướng Nguyễn Sơn được coi như một danh tướng song toàn cả văn lẫn võ".

Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 1-1994
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 05:59:53 pm »

Tướng Nguyễn Sơn hiệu trưởng trường lục quân trung học Quảng Ngãi 1946

Thái Vũ - Hồ Đệ



  Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, trong cuốn Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 (tập 1, tr.105 - 106, NXB Quân đội Nhân dân, HN, 1984) có ghi:

  - Tháng 10 năm 1945, Chính phủ quyết định thành lập các chiến khu (tức quân khu sau này) bổ nhiệm khu trưởng và ủy viên chính trị chiến khu, quyết định này được lần lượt thực hiện ở Bắc bộ, miền Bắc Trung bộ rồi đến miền Nam Trung bộ.

  - Tháng 11 năm 1945, Nam bộ thành lập xong các chiến khu.

  - Tháng 12 năm 1945, Chính phủ quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam. Trên thực tế, lúc này Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam mới chỉ đạo được các tỉnh Nam Trung bộ. Nam bộ vẫn do Xứ uỷ Nam bộ lãnh đạo.

  Uỷ ban kháng chiến miền Nam do Tướng Nguyễn Sơn được Trung ương phân công nhận trách nhiệm làm Chủ tịch. Vào cuối tháng 11-1945, trước khi vào các tỉnh phía nam nhận công tác, Tướng Nguyễn Sơn đã được cùng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái bàn bạc theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tổ chức chiêu sinh thành lập các trường quân chính và xây dựng hai trường quân sự chính quy đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự ở các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam.

  Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam lúc đó, được Trung ương chỉ định cán bộ cao cấp lãnh đạo như sau:

  - Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Chính trị viên.

  - Đồng chí Nguyễn Sơn làm Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng Lục quân Trung học Quảng Ngãi.

  - Đồng chí Nguyễn Chánh (Chính trị viên đội Du kích Ba Tơ cũ) làm Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam... đồng thời là Uỷ viên trưởng quốc phòng Trung bộ (chủ yếu là các tỉnh phía nam Trung bộ, tức Liên khu V sau này).

  Tháng 12 năm 1945, khi Tướng Nguyễn Sơn vào nhận chức Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, thì tình hình quân sự đang hết sức gay go, căng thẳng. Giặc Pháp từ phía đông Nam bộ đã tung quân đánh lấn ra lần lượt chiếm các vùng đô thị Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai Thượng, Đắc Lắc. Chúng đánh lấn ra Nha Trang, Khánh Hoà và cả phía nam Tây Nguyên. Tháng 12-1945, sau một tháng cầm cự quyết liệt, quân ta (các đại đội Nam tiến) rút khỏi Buôn Ma Thuột. Các đoàn quân Nam tiến, một phần vào được Nam bộ, phần lớn trở thành các đơn vị chủ lực hợp sức cùng bộ đội địa phương (lúc đó các Trung đoàn các tỉnh còn gọi là Chi đội) chiến đấu kiên cường ngăn chặn các cuộc hành quân qui mô của giặc do các tên tướng sừng sỏ, giàu kinh nghiệm chiến tranh như Lơ Clec và Va-luy trực tiếp chỉ huy (như cuộc hành quân Gaur do Lơ Clec trực tiếp chỉ huy tháng 1-1946). Cùng lúc, trong tháng 12-1945, tiếp tay cho Pháp, 8 tàu chiến Mỹ chở sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9-DIC) và một tiểu đoàn dù gồm 5.000 tên đến Sài Gòn.

  Ở Chiến khu VIII, phần lớn bộ đội "xuyên đông" đã rút ra cực nam Trung bộ, với tiểu đoàn Ba Dương. Nếu kể từ ngày 22-10-1945, giặc đánh Nha Trang đến tháng 12 cuối năm giặc chiếm Buôn Ma Thuột, mặc dù chiến đấu gay go và anh dũng, các mặt trận chính quy của quân ta đã tan vỡ. Tướng Nguyễn Sơn vào nhận chức Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam trong tình hình căng thẳng đó...
Tình hình chiến sự như trên từ những tháng cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, cần phải cho thấy rõ là quân đội non trẻ của ta lúc đó không chỉ phải đương đầu trên trận chiến với quân đội Pháp (đa số là quân lê dương) mà phải chiến đấu đối diện với hàng ngàn quân Nhật thiện chiến vừa đầu hàng phe Đồng Minh đứng vào hàng ngũ quân viễn chinh Pháp chống lại Cách mạng ta. Các trận từ Quy Nhơn trước đó (đ/c Nguyễn Chinh Cầu dự trận) đến các trận ở Nha Trang, Phan Thiết, Ninh Thuận đều có quân Nhật bên quân Pháp. Tuy nhiên ta đã chặn được địch từ Đèo Cả, không cho chúng đánh lấn nống ra Phú Yên, và ở Tây Nguyên, chúng chỉ có thể lập cứ điểm ở An Khê phía ngoài Pleiku.

  Với vai trò của Tướng Nguyễn Sơn khi vào nhận chức Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam..., trong tập 1 sách Khu V-30 năm chiến tranh giải phóng,  đã ghi rõ: "... Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam chủ trương tập trung lực lượng đánh sâu vào vùng địch ở Khánh Hoà, đồng thời tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (tr.65)... Theo lệnh của Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, các đơn vị ta trên toàn Tây Nguyên tăng cường chuẩn bị đánh địch..." (tr.68).

  Thế trận của ta đã hoàn toàn chủ động, nhất là sau khi giặc Pháp ngoan cố phản bội và chà đạp Hiệp định Sơ bộ mồng 6-3-1946. Theo hướng tăng cường cán bộ lãnh đạo và chỉ huy quân sự trên, ngay trong tháng 4-1946, nhân danh Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, Tướng Nguyễn Sơn cho mở lớp bổ túc cán bộ trung đoàn (theo Thiếu tướng Phan Hàm, người đã dự lớp đó kể lại). Đồng thời "với kinh nghiệm nhiều năm phục vụ trong Hồng quân Trung Quốc của mình, đồng chí Nguyễn Sơn đã xác định hướng và phương pháp chiêu sinh, tuyển dụng huấn luyện viên có năng lực và chọn địa điểm của vùng tự do (trong thời gian đó) ở miền Nam Trung bộ và là nơi có phong trào cách mạng cao, đã tiến hành khởi nghĩa (Ba Tơ) sớm giành chính quyền về tay nhân dân ngay sau khi quân Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương". (Nguyễn Chính Giao - tức Cầu, bài Lời một nhân chứng lịch sử, Chính trị viên những ngày đầu Trường Lục quân Quảng Ngãi - 1946).

  Chính Tướng Nguyễn Sơn cũng đã dựa theo Chỉ thị của Bác Hồ, như đồng chí Phan Phác, nguyên Cục trưởng cục quân huấn lúc đó đã nhận được Chỉ thị của Bác về tiêu chuẩn chiêu sinh: "Tuyển chọn trong những thanh niên có lòng yêu nước, tình nguyện vào quân đội, đầy đủ sức khoẻ. Về trình độ văn hoá thì dân tộc Kinh tương đương thành chung trở lên, những với dân tộc ít người đỗ tiểu học cũng được. Với các chiến sĩ đang ở mặt trận đã tỏ ra dũng cảm, trung kiên với độc lập thì văn hoá có thấp một chút, được ban Chỉ huy mặt trận, đoàn thể giới thiệu cũng được xem xét". Người còn chỉ thị: "Chương trình huấn luyện quân sự phải thật cụ thể theo cách đánh, khả năng trang bị của ta, về chính trị phải bồi dưỡng lòng yêu nước thương dân", (Hồi ký của Hồ Đệ - Thiếu tướng - thuộc C3 Trường Lục quân Quảng Ngãi - 1946, và bài của Trần Minh Mai - Đại tá - C3).

  Trường đã thu nhận một số học viên (lúc ấy gọi sinh viên) người các dân tộc như Y-Blok-Ê Ban (dân tộc Êđê) nay là Thiếu tướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đắc Lắc; Phạm Như Lai, người dân tộc Mường, Thanh Hoá, Trung tá, Trung đoàn trưởng, đã chuyển ngành.

  Những tháng đầu năm 1946, trước khi Trường Lục quân Quảng Ngãi được thành lập, hết Tàu Tưởng và các đảng phái phản động Việt Quốc với lại Việt Cách gây rối ở miền Bắc đến bọn thực dan Pháp gây lấn chiếm đất đai ở Nam Bộ rồi lập "Nam kỳ tự trị", những người trai yêu nước nhiệt tình cách mạng vừa thoát khỏi ách nô lệ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã đứng dưới cờ Đảng tiên phong cùng tụ quân dưới mái Trường Lục quân Trung học ở Quảng Ngãi từ giữa tháng 5-1946. Và chính họ, trước ngày khai trường, đã may mắn được dự lễ kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của Bác Hồ, ngày 19-5-1946. Hẳn khó ai quên trong buổi lễ khai giảng trường, ngày 1-6-1946, sau ngày 19 tháng 5 dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ đó, đã được nghe Hiệu trưởng Nguyễn Sơn giải thích về một luận điệu phản động, cho Trường Lục quân là trường "cộng sản, cộng vợ, cộng con, cộng của cải". Thầy nói:

  "Còn có người ngộ nhận, bị bọn phản động lừa bịp, cố tình chia rẽ Mặt trận đoàn kết dân tộc, cho đây là trường Hồng quân của cộng sản, toàn là người của Việt Minh, sao mà họ ngu thế, ta đã có gì gọi là "sản" để mà "cộng"? Trước mặt ta là bọn thực dân Pháp đang lăm le hòng chiếm lại ba nước Đông Dương, bắt dân ta làm nô lệ cho chúng lần nữa. Ta cần phải xây dựng lực lượng, đào tạo một đội ngũ chỉ huy quân sự có trình độ, gồm những thanh niên yêu nước, có học vấn, sức khoẻ... Trong học viên có mặt hôm nay, đâu chỉ có là Việt Minh, là cộng sản, mà gồm đủ các thành phần trong xã hội, kể cả con em phú hào, quan lại, dòng tôn thất nhà Nguyễn, các thành phần dân tộc ít người, Nùng, Tày, Ê-đê, Ba-na, Mường, Chàm cùng Hoa Kiều...".

  Buổi giao đầu cách mạng nhiều phe phái đó của những tháng đầu năm 1946, trong một buổi mít tinh ở sân vận động Quảng Ngãi đông đảo đồng bào, sinh viên Trường Lục quân cùng dự, cũng như buổi nói chuyện ở sân vận động Đà Nẵng, với chủ đề giải thích trên, Tướng Nguyễn Sơn đã chỉ đích danh Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh là đã "được đàng chân, lân đàng đầu" và coi họ là "ngu như bò", khi ông nói thẳng trước đồng bào: "Những kẻ kêu gào đòi lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh, cho đó là Chính phủ cộng sản thì quả là đúng "ngu như bò". Bởi vì trong chính phủ có cả vua Bảo Đại là Cố vấn, Nguyễn Hải Thần là Phó Chủ tịch, cả Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và chính chúng đã vả vào mồm chúng. Còn những vị như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Bùi Kỷ, Phan Anh, linh mục Phạm Bá Trực... nếu là cộng sản thì lừa bịp được ai, kể cả trẻ con. Có phải bọn người đó tung ra những luận điệu xuyên tạc kia như người nằm ngửa mà nhổ ngược, có phải là "ngu" không, ngu như bò"? Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới được thành lập, trong ngân khố Trung ương chỉ vét được khoảng 2.000 đồng bạc Đông Dương rách không xài được của chính quyền tay sai để lại, ta lại đang để tang 2 triệu đồng bào chết đói, phải nhịn ăn, nhịn mặc, lá lành đùm lá rách, lại phải diệt giặc dốt và nhất là cùng đoàn kết diệt trừ giặc xâm lăng thì đúng là bọn đó "ngu như bò" không? Ngu hơn cả bò nữa! Vậy thì làm gì có sản mà cộng, lấy đâu ra sản mà cộng, lấy đâu ra sản mà cộng? (Theo Trần Bá, Hồ Ban, Hồ Thế Tri - C3, Trường Lục quân Quảng Ngãi).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 06:02:45 pm »

  Cách nói chuyện của Tướng Nguyễn Sơn là thế, nôm na, ngắn gọn và cụ thể, mãi đến nay anh em gặp nhau cũng khó quên cách ví "ngu như bò" của Hiệu trưởng. Ngôn ngữ của Nguyễn Sơn rất trong sáng, mạch lạc, dễ hiểu. Điều này càng thấy rõ mỗi lần Thầy giảng dạy về các khoa mục lý luận quân sự như về cầm quân, có thể nói thầy là người đầu tiên giải thích về ý nghĩa, nội dung về bài học lúc đó mà sau này nhiều người thường nhắc đến (Nguyễn Chính Giao, Phan Hàm), đủ có thể tóm tắt là biết "luyện quân, nuôi quân và dùng quân". Trong các buổi giảng về chính trị, về triết học, học thuyết Mác Ăng-ghen cũng vậy, Thầy thường bổ sung cho các bài giảng của giảng viên người Áo Hồ Chí Dân hay các giảng viên khác với giọng nói sôi nổi, dễ cuốn hút. Điều này càng thấy rõ hơn, khi Thầy là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Quân khu IV tranh luận về văn học, về Truyện Kiều trong nhiều ngày trước một cử toạ toàn là "anh hùng hảo hán" của giới trí thức, văn hoá và văn nghệ, vốn là "kẻ sĩ" của đất thủ đô Hà Nội, Quân khu IV, Quân khu III. Nhà văn, kịch gia một thời đất ngàn năm văn hiến Chu Ngọc đã viết: "Người cán bộ quân sự ấy bảo vệ đất nước không chỉ thuần tuý về mặt súng đạn. Anh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tâm hồn của người Việt Nam để yêu nước hăng say, yêu con người, yêu ngôn ngữ, yêu giọng nói, điệu múa, yêu thơ, yêu hoa..." Đúng vậy, Tướng Nguyễn Sơn đã làm như vậy và làm rất sớm, từ đầu kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, từ chiến trường nóng bỏng, từ Trường lục quân Quảng Ngãi. Các bài viết của Nguyễn Khắc Huỳnh, C2, bài Nhớ anh Nguyễn Sơn và bài viết chung Nhớ về trường của Hồ Thế Tri, Tống Sĩ Uyên, Võ Tấn Nam, Lê Xuân Kiện là minh chứng.

  Là Hiệu trưởng của trường, tuy chỉ đạo trực tiếp toàn trường về mọi mặt là Tổng đội (các đồng chí Phạm Kiệt, Đoàn Khuê), nhưng Tướng Nguyễn Sơn luôn quan tâm săn sóc anh em học viên. Thầy ở gần trường, dọc theo trục đường từ thị xã Quảng Ngãi lên nhà ga, với chiếc xe hơi loại nhỏ tự lái, nhiều lần ra Huế, Đà Nẵng họp với ủy ban hành chính Trung bộ hay từ chiến trường về, có lúc người và xe đang nhuốm bụi đường trường hay hơi súng của chiến trận phía Nam, Thầy đã không về ngay trụ sở, cũng không về nhà, mà lái thẳng xe vào cổng trường hô "Tập họp"! Dưới nắng trưa Quảng Ngãi, như đứng giữa ba quân, Thầy vừa lau mồ hôi vừa nói chuyện. Đó là vì lòng thương yêu, quan tâm đến lớp trẻ cầm quân tương lai của đất nước mà Thầy có trách nhiệm cũng như tình thương yêu cán bộ chiến sĩ, tình thương yêu đồng bào. ở trường thủa ấy đã có Chi bộ (đồng chí Đoàn Khuê là Bí thư Chi bộ đầu tiên của trường) và Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Chan hoà với sinh hoạt trường, Hiệu trưởng Nguyễn Sơn cũng tham gia sinh hoạt chi bộ và những buổi toạ đàm về chủ nghĩa Mác. Đặc biệt, đội bóng đá trong Ban Thể dục thể thao của trường thường tham dự đấu giao hữu với trường quân chính hay thanh niên dân quân thị xã, Hiệu trưởng Nguyễn Sơn cũng rất quan tâm. Như có cuộc đánh "bốc" (quyền Anh) ở thị xã, ông đến dự và đã lên đài cho dừng lại, giải thích mặt không tốt của môn thể thao này (Theo Phan Quang Tiệp - C4, và Nguyễn Khắc Huỳnh - C2).

  Hiệu trưởng Nguyễn Sơn luôn căn dặn anh em: "Học ra học, chơi ra chơi. Phải học tập tốt để đánh thắng giặc. Đánh địch phải luôn tấn công, bí mật tấn công...". Thầy lấy ví dụ trận tấn công phân khu Vạn Giã (hè 1946).

  "... Cụm phân khu Vạn Giã có lô cốt vây quanh, chúng rải một thứ "bàn chải gai" nhọn hoắt, rộng 5-6m. Loại chải này dài độ 5cm, gai sắc tua tủa có thể xuyên đế dày bằng cao su hay "crếp" (loại đế giày phổ biến thời đó), chỉ trừ đế giày da "săn đá" của lính Pháp. Thời đó ta chưa có loại dép lốp Bình-Trị-Thiên...

  Quân ta mấy lần quyết tâm đánh phân khu Vạn Giã đều bị thương vong phải rút lui (Sách: Khu V, 30 năm chiến tranh giải phóng,  tập 1, tr.65, ghi chỉ huy trận đánh là trung đoàn trưởng Hữu Thành - T.V.). Đồng chí Nguyễn Sơn thấy tinh thần bộ đội có phần hoang mang nên quyết tâm tổ chức đánh thắng một trận lớn để nâng khí thế bộ đội ta. Vốn đã tham gia Vạn lý trường chinh, nên có nhiều kinh nghiệm đánh công kiên của Giải phóng quân Trung Quốc, đồng chí cho xây sa bàn và dựng tượng trưng một đồn, Vạn Giã, rồi tổ chức tập luyện dùng ván để vượt qua hàng rào "bàn chải gai" như con nhím. Đích thân đồng chí hướng dẫn, chỉ huy luyện tập cho quân bắc ván công đồn ào ạt tấn công. Trận Vạn Giã ta thắng lớn, diệt luôn cứ điểm Hiền Lương và Đồng Điền, địch chết 150 tên. Đây là một trận thắng vang dội, nhưng chính là trận đánh công kiên đầu tiên, không chỉ ở phía Nam mà cả đất nước thời kỳ đó". (Theo hồi ký của Ung Răng, đại tá công binh, C4 Trường Lục quân Quảng Ngãi).

  Là người hoạt động cách mạng kiên cường từ tuổi còn rất trẻ ở trong nước, ra hoạt động ở nước ngoài, cầm quân trong các trận đánh lớn, cán bộ lãnh đạo cao cấp trong hàng ngũ cán bộ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, xa nước lâu năm, khi trở về, với dầy dạn kinh nghiệm đấu tranh cách mạng từ những ngày đầu với thời gian ngắn, Tướng Nguyễn Sơn đã hoà đồng với quần chúng, với cán bộ cách mạng trong nước. Lòng nhân ái, thương yêu cán bộ, chiến sĩ chẳng những trong cương vị lãnh đạo trực tiếp của mình mà đối với đồng bào, nhất là đối với các thành phần tôn giáo, theo đạo Phật hay theo đạo Thiên Chúa, Tướng Nguyễn Sơn không thành kiến, luôn tỏ thái độ thân ái, đoàn kết và cởi mở. Ngược lại, các vị cao tăng, linh mục hay tu sĩ cũng tỏ lòng quý mến, tin cậy vị tướng cầm quân cứu nước không hề phân biệt giữa đạo và đời. Chuyện khó quên được là hằng tuần phối hợp với phòng chính trị Uỷ ban kháng chiến miền Nam và lớp nghiên cứu chủ nghĩa Mác của trường, Hiệu trưởng thường có những buổi nói chuyện mở rộng mời các chức sắc tôn giáo (Phật và Chúa) cùng một số trí thức, thân sĩ trong tỉnh đến dự. Buổi nói chuyện nào cũng có đông người dự. Có thể nói cách nói chuyện của Tướng Nguyễn Sơn rất hấp dẫn. Nhiều vấn đề về tôn giáo, Thầy nêu lên, thoạt đầu khá phức tạp, tưởng như khó giải thích, kể cả một số vấn đề "hắc búa" mà các chức sắc tôn giáo, do tin tưởng ở thuyết trình viên nêu lên, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sơn đều giảng giải mạch lạc, dễ hiểu. Nhiều đoạn nói chuyện khá hóm hỉnh, đầy hấp dẫn đến nỗi những vị theo đạo tưởng quên đời cũng cười vang cùng cử toạ, tay phẩy quạt, đầu gật gật thích thú. Còn đám "các em học viên" Tướng Nguyễn Sơn thường thân mật gọi thế - chúng tôi thì càng thu nhận - học tập được sâu sắc hơn... (Phan Quang Tiệp, Huỳnh Thúc Tuệ). Nói sao hết được tình nghĩa thầy trò, giữa Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sơn và anh em học viên Trường Lục quân Quảng Ngãi... Nhớ lại, một lần Thiếu tướng Lê Thiết Hùng lúc đó, nhân danh thanh tra Bộ Tổng Tư lệnh vào thanh tra các Trường quân chính, tất nhiên đến cả Trường Lục quân Quảng Ngãi. Vậy là cả 4C được "báo động", lát giường bằng tre đập dẹt đến áo quần đồ đạc thường ngày đã ngăn nắp gọn gàng nay càng "tuyệt hảo" hơn. Giếng tắm, bếp ăn cũng vậy. Cuối cùng, "quan" thanh tra đứng trước "ba quân" đại đội 4 nhận xét và khen về việc đào tạo, xây dựng con người mới, sĩ quan quân đội... Hiệu trưởng Nguyễn Sơn đã hoan nghênh đoàn thanh tra của Bộ (ông đưa tay sờ ria mép), nhưng nói rõ đây là vùng đất Quảng Ngãi, đất của vùng giáp ranh với tiền tuyến không đầy 100 km, còn nhiều thiếu thốn, nhà trường là nhà trường kháng chiến, luôn sẵn sàng chiến đấu cho nên việc đào tạo và huấn luyện đều được tổ chức theo một trường của Hồng quân... (Phan Quang Tiệp C4, Nguyễn Hào C1, Trần Viết Nuôi C2).

  Hiệu trưởng Nguyễn Sơn là người rất thẳng tính, cương trực. Thầy ghét tính làm việc quan liêu, chống tham nhũng. Về những người phụ trách quản lý ở các đơn vị trong quân đội hẳn nhiều người còn nhớ câu nói của Nguyễn Sơn: "Những người coi việc nuôi quân phải liêm khiết. Những viên quản lý giữ tiền nuôi quân, nếu tham ô, chỉ sau ba tháng có thể xử bắn. .. không oan".

  50 năm đã trôi qua, nhưng một thời "Trường lục quân Quảng Ngãi" với hình ảnh và con người Nguyễn Sơn, vị Tư lệnh Quân khu yêu mến, thầy Hiệu trưởng quý trọng và thân thương, vị tướng tài ba của dân tộc mà sau này nhiều báo chí ghi "Tướng huyền thoại Nguyễn Sơn", "Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn", có nơi lập bàn thờ, đối với mỗi anh em học viên chúng ta vẫn luôn luôn còn những dấu ấn đậm đà và thân thiết. Rời trường, toả đi khắp chiến trường đất nước từ cuối tháng 11-1946, khó ai quên những ngày đầu bỡ ngỡ tựu trường, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa thầy và trò. Anh Nguyễn Khắc Huỳnh, C2 đã ghi: "Một con người tầm thước, râu hùm hàm én, tôi liên tưởng đến một Từ Hải trong Truyện Kiều". Nguyễn Sơn nói hay lắm, rõ ràng, mạch lạc, ý kiến mới mẻ, sâu sắc, lôi cuốn người nghe. Sau này nhà thơ Màu tím hoa sim Hữu Loan có viết: "Tiếng nói Nguyễn Sơn còn vang vọng núi Nưa"! (Thanh Hoá).

  Cuộc đời của Nguyễn Sơn rất sôi động nhưng cũng nhiều sóng gió. (Quy luật của chữ Tài)! Hãy nhắc gọn lại đôi dòng. Hai lần tham gia Hồng quân Trung Quốc. Vị tướng duy nhất người nước ngoài trong Cách mạng Trung Quốc từ những năm tháng gian khổ ban đầu đến đại thắng lợi cuối cùng. Về nước, 5 năm ở Việt Nam, ngay từ năm đầu đã là người đầu tiên cầm quân chống giặc cứu nước với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, từ 12-1945 đến 12-1946.

  Dù chỉ một năm cầm quân tại các tỉnh phía Nam Trung bộ đó, Tướng Nguyễn Sơn cùng các cấp lãnh đạo khác là những người đầu tiên triển khai thế trận chiến tranh nhân dân trên một nửa đất nước ở phía nam các tỉnh Trung Bộ, sớm ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô của thực dân Pháp, đồng thời hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của quân dân Nam Bộ. Chính từ đó, các tỉnh từ Phú Yên trở ra đến phía nam Quảng Nam là vùng đất tự do, hậu phương lớn cho chiến trường Liên khu V, đồng thời đã tạo thời gian chiến lược cho cuộc kháng chiến toàn quốc (19-12-1946), cũng là cơ sở cho chiến trường Liên khu V sau này trong suốt những năm chống Pháp, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm năm đó, ông đã 2 lần Tư lệnh chiến trường, 2 lần kiêm Hiệu trưởng Trường Lục quân (Quảng Ngãi và Sơn Tây), rồi rời Việt Nam đột ngột, trở về nước đột ngột và từ giã cuộc đời cũng đột ngột với tuổi đời quá ngắn ngủi (1908-1956). Với bài này, không phải là cả cuộc đời của Tướng Nguyễn Sơn, chỉ là vài kỷ niệm của một số anh em, học trò của Thầy...

Ban liên lạc Toàn quốc
Trường Lục quân Quảng Ngãi, 1946
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 06:06:41 pm »

Chuyện một thời khó quên và hồi ức về Tướng Nguyễn Sơn

Nguyễn Đức Tuân



  Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, các đơn vị bộ đội chủ lực trên chiến trường Bình-Trị-Thiên vẫn đảm bảo duy trì những chuyến liên lạc thường kỳ với Bộ chỉ huy Liên khu IV bấy giờ đóng ở Nghệ An. Tại Quảng Bình sau mấy tháng xảy ra chiến sự, quân Pháp đã lấn chiếm hết vùng đồng bằng thị xã Đồng Hới, lực lượng của ta rút hết lên vùng rừng núi. Theo chiến thuật "vết dầu loang" địch nống dần ra, lấn chiếm, đóng chốt một loạt đồn bốt ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch... Quân dân Quảng Bình bị đặt vào một tình thế cực kỳ khó khăn và thử thách nặng nề đối với phong trào cách mạng trên quê hương.

  Vào thời điểm đó, tôi được cấp trên giao phụ trách một tổ trinh sát, liên lạc đưa chuyển công văn hoả tốc ra liên khu. Nhận lệnh, tổ 3 người chúng tôi từ trạm giao liên đặc biệt đóng tại Cổ Cảng (huyện Tuyên Hoá), ngay sớm đó vượt đỉnh Mồng Gà 510m băng qua Mỹ Sơn, tắt đường theo hướng Trại Cau, nhá nhem tối thì đến địa đầu huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Không kịp ăn bữa tối, anh em động viên nhau đi nốt chặng đường 16 km trên quốc lộ 1 kịp đón chuyến xe đêm từ Vinh vào đổ bên kia cầu Giát (đã bị đánh sập) cách Voi 4km. Thuở ấy bánh chưng Voi là món ăn bình dân rẻ và ngon "nổi tiếng liên khu", không một chàng "vệ túm" nào qua đây có thể làm ngơ mà không chén đầy bụng vài cặp. Thế là chúng tôi, mỗi anh lủng lẳng một xâu bánh, kéo qua cầu ngồi ăn, luôn thể chờ xe.

  Khoảng 2 giờ sáng xe đến. Có lẽ, hơn 45 năm nay, trên mọi nẻo đường đất nước đã qua, tôi chưa hề gặp lại ở đâu "người bạn cũ" cần cù một thời kháng chiến gian lao xa xưa ấy. Đó là chiếc ô tô chạy khí ga giô-gien, hông xe đeo một lò gang hình trụ cao sát nóc, than cháy đỏ lựng. Khi xe chạy, muội than đỏ mù xịt xả ra từ ống khói tưng bừng như pháo hoa. Sau chuyến đi, từ bác tài, lơ xe đến hành khách, ai nấy áo quần, mặt mũi lấm lem như từ trong lò than hầm chui ra. Khi con đường cái quan bị phá sạch, những cỗ máy cổ lỗ đó lại được tháo ra lắp vào ca nô chở khách, chở hàng, ngang dọc trên mấy con sông Lam, Ngàn Sâu... cần mẫn phục vụ suốt cuộc kháng chiến cho đến khi trở thành đống sắt phế liệu trong Bảo tàng lịch sử Giao thông vận tải nào đó. Chính nhờ nó mà hai hôm sau, tổ giao liên hoả tốc đã đến Đô Lương.

  Cơ quan khu bộ đã chuyển từ thành nội Vinh lên đóng ở Cát Ngạn cách Đô Lương 5km. Thị trấn heo hút huyện miền Tây Nghệ An này trở nên tấp nập, sầm uất sau ngày khu bộ sơ tán lên đây. Hai bên đường những dãy quán nối nhau san sát: quầy tạp hoá, hiệu ảnh, hiệu thuộc tân dược Âu - Mỹ (!), quán trọ, quán ăn mọc lên như nấm. Chợ Lường họp suốt ngày, hàng nội, hàng ngoại, hàng tươi sống ngồn ngộn. Khách buôn chuyến từ Phát Diệm, Thanh Hoá vào, từ Hà Tĩnh, Vinh lên bán hàng, ăn hàng nhộn nhịp, xen vào mấy anh "lính cậu" trốn cơ quan, quân phục kaki, côn - bát đeo trễ bên hông, oai phong đi lại giữa mấy sạp hàng "duyệt" các cô hàng xén. Không hiểu sao hôm chúng tôi đến Đô Lương, quân ta đổ xô "bát" phố phường như trẩy hội... Có vị chỉ huy đội cả mũ ca-lô đính quân hiệu sao vành vàng thêu chỉ kim tuyến. Ngoại trừ chúng tôi là lính từ chiến trường ra đi chân đất, lính ở đây toàn đi dép "Ba-ta con Hổ". Cán bộ thì oách hơn, giận dày da cao cổ, có vị quấn cả "đờ-mi ghẹt" Mỹ hẳn hoi. Hoá ra hôm nay là ngày kỷ niệm ngày "Tử sĩ binh sĩ bị nạn" thế nhưng không có chút xíu gì là không khí chiến tranh váng vất nơi đây! Điều đặc biệt là, tất cả mọi quán xá, chợ búa nhất loạt trước quầy đều treo tấm biển "Hôm nay bán hạ giá cho bộ đội 20%". Một tô phở sốt vang béo ngậy, thơm lựng giá một đồng còn tám hào, cốc sữa đá giá tám hào còn sáu hào tư, một kiểu ảnh 4x6 giá hai đồng còn lại đồng sáu... dép ba-ta, "ghíp" đánh răng, nịt da, tất tật đồng loạt hạ giá 20%. Đặc biệt hơn nữa là ưu tiên không chỉ dành một lần, trong ngày, anh bộ đội có thể vào ra ăn uống, mua bán bao nhiêu lần tuỳ ý, món ăn vẫn ngon lành, chất lượng không suy suyển, thái độ vẫn vồn vã như lúc mở hàng đến giờ đóng cửa. Một chút tình tri âm đó khiến chúng tôi vừa trải qua những ngày cực kỳ thiếu thốn đói kém trên chiến khu Thuận Đức ra đây, chứng kiến cái cảnh phồn hoa trái khoáy trên cũng đỡ mủi lòng. Trong các quán ăn, người ta xôn xao rủ nhau chiều nay đi nghe Khu trưởng Nguyễn Sơn nói chuyện trong lễ mít tinh. Từ khi ở Liên khu V ra thay Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Khu trưởng Liên khu IV, chung quanh vị khu trưởng khác thường này đã dệt nên bao huyền thoại. Ông đã từng tham gia Vạn lý trường chinh, là người sáng lập Trường Lục quân Quảng Ngãi nổi tiếng và sau này là cha đẻ của Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV mà hễ nhắc đến bác Nguyễn Sơn, những "em" Thiếu sinh quân tóc bạc trắng hôm nay vẫn dành trong tình cảm của mình một góc trìu mến đối với vị Tướng văn võ toàn tài này...

  Thời gian thường phủ một lớp bụi mờ lên mọi vật, người ta có thể vô tình hoặc cố ý quên lãng nhiều chuyện, nhưng riêng tôi, mấy mươi năm nay, nhất là gần đến ngày 27-7 vẫn như nghe đồng vọng đâu đây giọng nói ồm ồm đanh thép, sắc lạnh của ông làm hả lòng hả dạ những người ra trận, làm xúc động đến rưng rưng nước mắt cả chiều hôm đó. Bên chiếc lư trầm nghi ngút khói hương, ông nói: "Hôm nay, chúng ta những người đang sống, những người con lành lặn họp mặt tại đây để tri ân những chiến sĩ đã xả thân mình, đã không tiếc máu xương mình dâng hiến cho nền độc lập của đất nước.

  Chúng ta nghiêng mình tưởng niệm những người con đã chết vì Mẹ Tổ quốc, họ là những tử sĩ? - Đúng.

  Còn những người lính không may bị thương tật trong trận mạc là binh sĩ bị nạn ư! - Bị nạn?! Cứ như thể một chuyện không may nào đó, ngẫu nhiên ập đến không lường trước. Có thật những người lính chúng ta trước khi ra trận, không lường trước được mình sẽ hy sinh hoặc bị tật nguyền? Có chứ. Biết nhưng họ không ngần ngại vì lời thề "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ". Cái cao cả là ở lẽ đó. Nhân dân tri ân họ cũng vì lẽ đó".

  Đột ngột rời bục nói chuyện, tiến đến trước hàng quân, chỉ vào khối bộ đội cầm súng uy nghiêm đứng làm hàng rào danh dự trước lễ đài, Khu trưởng Nguyễn Sơn gằn giọng: "Tự nguyện cống hiến máu xương mình xây nên bức thành đồng ngăn lũ cướp nước, ai? Ai dám bảo họ là bị nạn! Dám coi đó như một thứ tai bay vạ gió?! Cho nên gọi những người tự nguyện dâng hiến máu xương mình cho đất nước là binh sĩ bị nạn thì vừa láo vừa vô ơn. Láo và vô ơn với chính họ và gia đình họ. Tôi nói vậy bà con nghe phải không?"

  Sau này, có sự đánh giá lời tuyên dương nào cao cả hơn, tôi không rõ, nhưng lúc này thì tiếng reo hò, tung hô tán thưởng từ cuộc mít tinh dậy lên rầm rộ cả khu phố. Tôi nén xúc động, lén gạt mấy giọt nước mắt nao nao nhớ đến giây phút cuối của anh Lê Thanh Đồng trên bãi biển Đồng Hới sáng ngày 27-3-1947. Đợi tiếng hò reo chấm dứt, ông nói tiếp: "Đời đời nhân dân thương nhớ, Tổ quốc ghi công họ. Không thể có cảnh "chinh phu - tử sĩ mấy người - nào ai mặc mặc, nào ai gọi hồn!". Nhất định chúng ta không là kẻ vong ân. Bởi vậy, theo nguyện vọng của bà con hôm nay, nhân danh đồng đội, tôi sẽ đề nghị lên Trung ương xoá cái tên binh sĩ bị nạn chẳng thơm tho gì!". Tiếng hoan hô lần nữa lại dậy lên sống động xen những tiếng nức nở đến nao lòng. Quả nhiên, cuối năm 1947, khi bọn tôi trở lại chiến trường, Hội binh sĩ bị nạn của tỉnh do đồng chí Lê Như Quyến phụ trách đã được đổi thành Ty Thương binh Quảng Bình. Chiếc huy hiệu hình thuẫn in nổi người thương binh khập khiễng chống đôi nạng cũng được thay bằng chiếc huy hiệu thương binh hình tròn như hiện nay.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 06:09:04 pm »

  Sớm hôm sau, đồng chí Chu Văn Biên, Chánh văn phòng liên khu cho gọi tổ trinh sát giao liên lên gặp. Trong phòng còn có Khu trưởng Nguyễn Sơn. Thấy chúng tôi, ông ôm chầm từng đứa, vò đầu, vỗ vỗ vào lưng hoan hỉ "Mấy cậu nhóc này - khá lắm!". Đồng chí Chu Văn Biên cũng trìu mến nhìn bộ áo quần bạc phếch và đôi chân trần của chúng tôi nói:

  - Tôi vừa bảo quân nhu cấp cho mỗi em 50 đồng bồi dưỡng, một bộ quân phục và đôi ba-ta.

  Khu trưởng gật đầu hài lòng, vui vẻ:

  - Lớp trẻ này rồi sẽ thay thế chúng mình tiếp bước cha anh đến đích cuối cùng. Nên có kế hoạch đào tạo kỹ lưỡng từ giờ, rồi chúng sẽ làm ăn ra trò đấy.

  Sực nhớ chúng tôi sắp trở lại mặt trận, ông hỏi: "À, mà mấy cậu nhóc này sắp về, anh Biên xem hiện giờ trong đó có yêu cầu gì?".

  - Báo cáo xin quân trang mùa đông và ưu tiên cấp vũ khí đạn dược.

  - Chỉ thị cho quân nhu cấp phát quân trang đến tay bộ đội kịp trước rét, mùa đông ở rừng lạnh lắm! Còn vũ khí - Khu trưởng bỗng cười dí dỏm - anh thảo công văn gửi Văn Lễ (Trung đoàn phó, được Bộ chỉ huy Liên khu IV cử vào thay anh Lê Thanh Đồng) bảo súng ống, đạn dược khu đã cấp đầy đủ, tạm gửi tại mấy kho vũ khí của địch ở các đồn Minh Lễ, Ba Đồn, Hoàn Lão... Phái bộ đội đến đấy lấy tha hồ mà đánh giặc!

  Như hiểu ý Khu trưởng, đồng chí Chu Văn Biên cười to. Chúng tôi chẳng hiểu "mô tê răng rứa" cũng nhìn Khu trưởng cười, ông càng cười to hơn, gian phòng vui hẳn lên, ấm áp, chan hoà tình cảm đồng đội giữa các vị tướng lãnh với mấy anh binh nhì trẻ là lũ trinh sát - liên lạc chúng tôi.

  Sau chuyến đi đầy ấn tượng khó quên đó, tôi trở về đơn vị. Tôi đang phụ trách quân báo huyện Quảng Trạch thì được lệnh tham mưu trưởng gọi về báo cáo động thái của địch trong những ngày gần đây.

  Những khó khăn ban đầu của Quảng Bình về tình hình quân sự đã được Bộ chỉ huy Liên khu đặc biệt chú ý. Nhất là sau ngày cơ quan lãnh đạo của tỉnh rời chiến khu Thuận Đức ra Tuyên Hoá, liên tiếp các đồng chí Trần Văn Quang - Chính uỷ Liên khu IV, Thiếu tướng Khu trưởng Nguyễn Sơn thay nhau vào thị sát mặt trận Quảng Bình, đặc biệt chuyến đi bán công khai của Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm nức lòng cả miền Bắc Quảng Bình gây xôn xao tận vùng tạm chiếm, khiến một số đồn bốt địch ở vùng Quảng Trạch, Bố Trạch. .. phải ra lệnh "cấm trại".
Trong buổi nói chuyện suốt ba giờ liền với nhân dân, cán bộ, bộ đội tập trung tại Còi (huyện Tuyên Hoá) đánh giá tiềm năng về mảnh đất và con người Quảng Bình, ông có một nhận định sâu sắc, thông tuệ mà đến nay trải qua mấy thập kỷ linh nghiệm như một lời tiên tri thần tình. Sau khi khái quát quá trình đấu tranh của nhân dân Quảng Bình trong lịch sử giữ nước và dựng nước, chỉ rõ thế thắng tạm thời hiện nay của địch và tiềm lực giải đất này, Thiếu tướng Nguyễn Sơn kết luận "Lịch sử xưa nay đã chứng tỏ Quảng Bình là mảnh đất dày dạn chiến trận, con người ở đây vì thế cũng dạn dày trận mạc, là "địa linh nhân kiệt" bao đời sản sinh nhiều tướng lĩnh kiệt xuất, mãi tận hôm nay Quảng Bình vẫn có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay trên đất huyện Tuyên hùng vĩ này cũng sinh ra Thiếu tướng Hoàng Sâm, con người ưu tú của làng Lệ Sơn đó. Thử xem cả đất nước giờ đây tướng lĩnh như "lá mùa thu" ấy thế mà Quảng Bình đã chiếm mất mấy vị - ông cười khà khà rồi chỉ tay vào khối bộ đội đông đảo đang chăm chú lắng nghe ông nói như uống từng lời, đất này là đất thượng võ, đất vượng tướng. Chắc chắn trong các đồng chí đứng đây sẽ còn nảy ra nhiều tướng tá tài ba nữa cho đất nước". Tiếng cười vui vẻ bỗng bật lên râm ran, xoá tan cái không khí trang trọng, uy nghiêm ban đầu cả ba quân trước vị thống lĩnh.

  Hôm nay, "nhớ lại và suy nghĩ" ngẫm ra càng "kính nể" con mắt tinh đời của Thiếu tướng Nguyễn Sơn ngày ấy. Bởi xưa nay: "Anh hùng đoán giữa trần ai mới là!" Trong hàng ngũ những người lính đứng lặng, lắng nghe ông nói hôm đó có anh còn là cán bộ tiểu đội, trung đội (như B.C.A), có anh là thư ký đại đội trưởng như (L.V.T), là chính trị viên huyện đội, tầm cỡ là cán bộ tiểu đoàn (Nguyễn Hoà) v.v... nay đã trở thành những tướng lãnh thực sự tài ba như các tướng Đồng Sĩ Nguyên, Lê Văn Tri, Nguyễn Hoà, Phan Khắc Hy, Lương Hữu Sắt, Nguyễn Bình Sơn, Bùi Công Ái, Nguyễn Văn Thanh... Ngay những chú "nhóc" thuở ấy thường được xếp đứng đầu hàng quân nay đang là chuẩn Đô đốc Hải quân (Trần Đàm), Thiếu tướng không quân (Hồ Thanh Minh)... Tuy không là con em nhân dân Quảng Bình nhưng họ đã trưởng thành từ mảnh đất này hoặc đã có lần đảm nhiệm những trọng trách tại đây như Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê nguyên là Chính trị viên chỉ đạo viên đầu tiên của chi đội Lê Trực, Quảng Bình, Trung tướng Hoàng Văn Thái...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 06:11:38 pm »

Nguyễn Sơn với phong trào văn nghệ rộng rãi

Chu Ngọc

 

  Nói đến Nguyễn Sơn, tôi sợ ngòi bút tôi không đủ phong phú để viết về anh.

  Tôi đã sống với người cộng sản này vài năm. Anh có một chút khuyết điểm đối với tôi, và tôi cũng có khuyết điểm là lúc đầu chưa hiểu nổi Nguyễn Sơn.

  Nhưng sau thêm một lần tôi lại nhập bộ đội, và cùng ở trong một đơn vị với anh. Tôi hiểu anh Sơn. Tôi thấy nhiều cái thú vị chung đúc ở anh. Anh có gì thực rộng rãi về suy nghĩ như hơi hướng của Chủ tịch Mao, có lúc, tôi lại thấy anh hiền hậu và tế nhị như tôi thường nghĩ về Hồ Chủ tịch, đôi khi tôi lại thấy anh như là một nhân vật anh hùng hào hiệp của Thuỷ Hử sống lại. Rồi trong lúc hành quân của Liên khu bộ Khu IV tôi thấy anh là hình ảnh Từ Hải của Nguyễn Du, cùng anh em đoàn văn nghệ đi hành quân.

  Tôi đã sống nhiều với tiểu thuyết cổ của nước nhà và của Trung Quốc, tôi rất thú vị nhận thấy trong cuộc cách mạng của đất nước ta có một vị tướng phóng khoáng như Nguyễn Sơn. Tác phong quần chúng của anh giúp cho tôi suy nghĩ nhiều về con người cách mạng. Là một thiếu tướng tư lệnh của một quân khu rộng lớn, đáng lẽ phải cảnh giác với địch, là đi đâu phải tiền hô hậu ủng, nghĩa là phải bảo vệ như mắc vải cánh cửa của chiếc ô tô hòm. Nhưng Nguyễn Sơn thì bất cứ ở đâu cũng thấy: đi chợ Rừng Thông, đi chợ Đô Lương, chiều vào bãi đá bóng, tối lững thững ở Cầu Bố, lúc mặc quần đùi chạy thi với anh em bộ đội. Vào nhà nông dân lăn ra ngủ. Đánh cờ, uống cà phê. Dự những buổi tập kịch. Rồi trịnh trọng ở những buổi lên lớp huấn luyện chính trị, quân sự và văn nghệ.

  Tôi thấy anh xông xáo như thế nghĩ mà lo. Nhưng, anh không chết vì địch mà chết vì ung thư, mới biết rằng cái đức tin ở quần chúng, tin ở nhân dân của Nguyễn Sơn quả là lớn và hiếm có.

  Người cán bộ quân sự ấy bảo vệ đất nước không phải chỉ thuần tuý ở mặt quân sự, gắn với quân đội, súng đạn. Anh đặc biệt chú trọng việc nâng cao tâm hồn của người Việt Nam để say sưa yêu nước, yêu con người, yêu ngôn ngữ, yêu giọng nói, điệu múa, yêu thơ, yêu họa. Anh đã cùng anh Đặng Thai Mai khơi lên một mùa văn nghệ sáng sủa của buổi đầu kháng chiến ở Khu IV.

  Những đoàn kịch được thành lập.

  Những tờ báo được xuất bản.

  Những lớp huấn luyện văn nghệ được liên tục mở và do đó đào tạo được một số lớn văn nghệ sĩ trẻ tuổi.

  Lập đoàn chèo ở Liên khu bộ, cử Nguyễn Đình Nghi làm đoàn trưởng; mạnh dạn cho diễn những tích cũ.

  Tạo phương tiện để anh chị em văn nghệ tham gia các chiến dịch và thâm nhập vào quảng đại quần chúng.

  Khuyến khích sáng tác - mạnh dạn xuất bản tác phẩm "Lúa xanh" của Văn nghệ trẻ.

  Những kịch bản được hình thành, sử dụng và lưu hành rộng rãi như Cái Đèn, Cái võng, Cái Loa, Trên nớ, Người nữ cứu thương Trung Hoa.
Triển lãm hội hoạ được tổ chức thường xuyên. Sơn mài được khuyến khích sử dụng. Tác phẩm Cái Bát của Sĩ Ngọc ra đời ở thời kỳ này.

  Những cuộc tranh luận về văn nghệ được tổ chức thường xuyên.

  Đặc biệt những gia đình văn nghệ sĩ được sự giúp đỡ của khu bộ về vật chất, nên văn nghệ sỹ đã toàn tâm toàn ý vào sáng tác và công tác.

  Rồi Nguyễn Sơn chuyển công tác, Đặng Thai Mai nằm đau một chỗ, Văn nghệ Liên khu IV do ông Lưu Trọng Lư phụ trách từ Thanh Hoá vào Nghệ An để nhập vào nguồn văn nghệ do ông Tô Thư lãnh đạo từ Việt Bắc xuống.

  Anh Nguyễn Sơn, nay đã yên nghỉ, những lúc nhắc đến anh tôi chỉ thấy anh đem đến cho tôi hình ảnh một người cách mạng có tâm, có trí.

20-11-1956
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 06:16:55 pm »

Tướng Nguyễn Sơn một nhà văn hoá lớn

Phạm Phấn



  Ngoài tài năng quân sự, Tướng Nguyễn Sơn rất xứng đáng đạt tầm lớn trong văn hoá. Đó là một vị tướng văn võ song toàn.

  Ông thu hút quanh mình đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức của cả nước. Do ảnh hưởng của mình, một số hoạt động văn hoá, nghệ thuật, tờ báo và tạp chí, viết sách, những cuộc nói chuyện... được tổ chức, đã diễn ra, gây tiếng vang, truyền mãi đến bây giờ.

  Dưới "trướng" Tướng Nguyễn Sơn, Bộ Tư lệnh Liên khu IV, ngoài các phòng ban khác, còn có phòng chính trị, do Nguyễn Kiện phụ trách. Phòng này có Ban Văn nghệ, báo "Chiến sĩ", sau đổi là "Vệ quốc quân Liên khu IV". Đứng đầu Ban văn nghệ là nhà văn Nguyễn Đình Lạp, tác giả hai tiểu thuyết phóng sự "Ngoại ô" và "Ngõ hẻm". Khi bộ ba Nguyễn Văn Hoàng Đạo, Kim Sơn, Chu Duy Kính đánh đắm chiếc thuyền chiến Amyot D'Inville ở Sầm Sơn - Thanh Hoá, Tướng Nguyễn Sơn gợi ý Nguyễn Đình Lạp viết về đề tài này. Sau mấy tháng ghi chép và viết, nhà văn đã hoàn thành tác phẩm "Chiếc va li". Như chúng ta đều biết, chiếc va li giấu chất nổ mà chị Nguyễn Thị Lợi (mới được phong liệt sĩ công an) mang xuống tàu để "về thành".

  Thời kỳ này, hoạ sĩ Sĩ Ngọc đã hoàn thành bức danh hoạ "Cái bát", đến bây giờ vẫn được nhiều người ưa thích.

  Báo "Chiến sĩ" có Nguyễn Đình Tiên, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Hà Khang, Vương Như Chiêm, Lê Văn Chính, Hoả Ngọc Triêm... do Nguyễn Hữu Loan làm chủ bút, Tướng Nguyễn Sơn luôn quan tâm, động viên và khuyến khích mọi người làm thơ, viết bài đăng báo.

  Chung quanh Liên khu bộ, bên cạnh Tướng Nguyễn Sơn, tập hợp một đoàn tuồng chèo, một đội kịch, một số nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, hoạ sĩ, cả những người làm công tác dịch thuật. Nguyễn Đình Nghi, trùm chèo rất tâm phục ông tướng "của mình". Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác được nhiều bài hay, có chất dân ca, sau chuyến đi Bình Trị Thiên về. Ca sĩ Thái Hằng, vợ Phạm Duy hát rất đạt những bài hát của chồng. Gia đình ca sĩ Thái Hằng có nhiều người ở "bộ đội Nguyễn Sơn": nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Phạm Đình Viên và ca sĩ Thái Thanh. Phạm Đình Viên không mấy người không biết nhờ bắt chước tiếng ngựa hí trong bài hát, rất có duyên và nhất là khuôn mặt...
của anh!

  Nguyễn Tiến Lãng, người quen viết văn Pháp, em vợ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, được Tướng Nguyễn Sơn bảo lãnh, sở trường môn dịch thuật ở trường thiếu sinh quân. Riêng Nguyễn Đức Quỳnh, "ông tướng" giao cho dịch Tư bản luận của Các Mác. ở trong bộ đội, Nguyễn Đức Quỳnh khuyến khích anh em đọc sách, đọc có thời hạn, đọc xong phải tóm tắt nội dung cho "sếp" biết.

  Người ta hay nhắc tới vợ chồng Phạm Văn Đôn (hoạ sĩ) Nguyễn Thị Kim (điêu khắc) và người anh ruột, nhạc sĩ Phạm Văn Chừng. Tướng Nguyễn Sơn rất chú ý đến dấu trong tiếng Việt, ông thường nhắc khéo nhạc sĩ nên quan tâm việc hát sao cho khéo mới nghe được. Ở bộ phận kịch, tôi nhớ có bà Minh Tâm, nghệ sĩ lớp cũ, từ Hà Nội ra đi, rất gắn bó với bộ đội "Nguyễn Sơn".

  Bên cạnh nhà viết kịch Bửu Tiến, còn có Hoàng Trọng Miên, họ hàng với học giả Hoàng Xuân Hãn, hồi thuộc Pháp, Hoàng Trọng Miên chủ trương lập nhà xuất bản Phương Đông, hay in chuyện quái dị kiểu Hofmanm, Edgan Poe...

  Dưới ảnh hưởng của Tướng Nguyễn Sơn, Bửu Tiến đã viết vở kịch "Trên nớ", gây tiếng vang ở Liên khu IV lúc bấy giờ.

  Liên khu IV gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên có thành phố Huế; phía Nam chia ra phân khu Bình-Trị-Thiên do Tướng Trần Văn Quang đảm nhiệm. Quảng Trị có Trung đoàn 95, do Lê Chưởng (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục), Thừa Thiên có Trung đoàn 101, Trần Sâm (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) phụ trách.

  Lúc ấy người ta quen gọi Liên khu, không gọi quân khu kể cả quân sự, như bây giờ. Về mặt kháng chiến hành chính có Hồ Tùng Mậu, bạn chiến đấu và học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quân sự thì Tướng Nguyễn Sơn đứng đầu. Đó là hai nhân vật tiếng tăm, nhiều người ngưỡng mộ.

  Trong một cuộc họp mặt, tán gẫu nhưng nghiêm chỉnh, Đặng Thai Mai, Bửu Tiến cùng tham dự, theo gợi ý của Tướng Nguyễn Sơn thì nên mở lớp văn hoá kháng chiến. Lớp thiên về văn nghệ vì có các môn thơ, tiểu thuyết, kịch, phóng sự, phê bình văn học, v.v... nhưng để đảm bảo bề rộng nên vẫn gọi là "văn hoá", mặc dù các môn lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam và tiếng Anh chiếm số lượng không nhiều. Ghi giấy chứng nhận vẫn đề là "Đoàn văn nghệ kháng chiến", do nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ký tên.

  Thanh - Nghệ - Tĩnh là vùng tự do của Liên khu IV, cho nên văn nghệ sỹ về tụ hội khá đông. Từ thực tế đó, lớp văn hoá kháng chiến ra đời mở ở Thanh Hoá; Khoá 1 - Cổ Bôn - cuối năm 1947; khoá 2 - Quần Tín - giữa năm 1948; khoá 3, cùng địa chỉ trên, cuối năm 1949.
Học viên hầu hết là cán bộ, giáo viên từ Quảng Bình trở ra, người Thanh Hoá chiếm kha khá. Một số học viên đã có cương vị xã hội, như Bùi Hiển lúc đó làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Nghệ An, đã có tập truyện ngắn "Nằm vạ" do Nhà xuất bản Đời nay thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn ấn hành.

  Cuối khoá 2 Quần Tín, sau 4 tháng, Ban giám đốc nhà trường - lúc ấy gọi thế - phát giải thưởng. Thơ: Hoàng Trung Thông với "Bài ca vỡ đất",  mà câu "có sức người sỏi đá cũng thành cơm" còn truyền tụng. Trần Hữu Thung "Cò trắng phát thanh". Mãi sau này Minh Huệ mới có "Đêm nay Bác không ngủ". Về lý luận văn học, Xuân Tửu đứng đầu đoạt giải "thủ khoa", v.v... Tướng Nguyễn Sơn tuy là người góp phần sáng lập, nhưng ông vẫn tự nhận là học viên không thường xuyên. Ông hay đến lớp để "nghe" và "nói"; học viên yêu cầu ông nói chuyện, ông nói ba bốn giờ liền, người nói càng say sưa, người nghe không chán.

  Trong số học viên sau này nhiều người thành đạt, không kể bộ trưởng, thứ trưởng, nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà báo rất nhiều như Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, Hoàng Trung Thông, Viện trưởng Viện Văn học, PTS Tôn Gia Ngân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn Hoá, Hoàng Minh Châu, Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, chị Thanh Hương, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, v.v.

  Giảng viên gồm những người có uy tín trong học thuật, văn học, nghệ thuật: Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Sĩ Ngọc, Nguyễn Thị Kim... Các cộng tác viên, hoặc trường mời đến nói chuyện, thì từ các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Tướng Nguyễn Sơn, Phạm Ngọc Thạch đến Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... đều có mặt. Cuối khoá, tổ của Lương Khôi vui mừng đón Nguyễn Tuân tới uống rượu.

  Theo chủ trương của Tướng Nguyễn Sơn, bộ đội mở những đợt đi thực tế, nhất là chiến trường Bình-Trị-Thiên cho văn nghệ sĩ.

  Nhiều người muốn đi, được đi đợt đầu thì hỉ hả ra mặt, những người đi đợt sau nôn nóng, chờ đợi. Vài người chưa được đi, vật nài rất tội nghiệp. Chúng tôi, Hữu Loan và Phạm Phấn, Nguyễn Đức Nùng được chọn đi đợt đầu. Đó là mùa hè năm 1949. Hồi đó tôi 21 tuổi, Hữu Loan 34 tuổi và Nguyễn Đức Nùng 37 tuổi. Tướng Nguyễn Sơn dặn dò trưởng phòng chính trị Nguyễn Kiện (sau này là Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội) phải lo thật tốt việc đi của chúng tôi. Sau khi lĩnh mỗi người một "Cục" bạc tài chính mới cứng, mặc dù kháng chiến, chúng tôi được chiêu đãi một bữa "tiệc" (là tiệc lúc ấy) làm lấy tại chỗ, nhớ nhất cà chua nhồi thịt.

  Bọn tôi đều cuốc bộ, còn Tướng Nguyễn Sơn thì luôn gắn bó với chiếc xe "cuốc" với chiếc ghi đông luôn quặp xuống. Gần chiều, chúng tôi rẽ vào nhà viên án sát trí sĩ, họ hàng nhạc gia Hữu Loan, dùng cơm rất ngon miệng. Mặc dù được giữ lại, chúng tôi chia tay, về ngôi trại khoảng giữa hai ga Yên Thái - Minh Khôi, huyện Nông Cống. Sẩm tối thì chúng tôi tới trại, gần đồi sim.

  Đây là trại của nhà vợ Hữu Loan, cả hai cụ là địa chủ kháng chiến, hiến nhiều vàng, trả lại ruộng đất, nuôi bộ đội.

  Khi ở vùng biển tạm chiếm tỉnh Quảng Trị, Hoả Ngọc Triêm phóng viên báo, "lính" của Hữu Loan đuổi kịp. Anh nhắc nhẹ bọn tôi: ở biển mà ăn cá khô!

  Chúng tôi gặp Lê Chưởng, Chính uỷ Trung đoàn 95 ở chiến khu Ba Lòng; xuống quê ở đồng bằng thăm hai cụ. Có anh con trai đi biền biệt. ở đây chúng tôi "trông thấy" nhà thơ Vĩnh Mai, Ty trưởng thông tin tuyên truyền và các nhà thơ Lương An, Kinh Kha. Câu thơ kết: "Ai lên bến Trấm thì lên, về cho sơm sớm, mưa đêm khó chèo" của Kinh Kha chúng tôi nhớ mãi.

  Vào Thừa - Thiên - Huế, chúng tôi ở Chiến khu Dương Hoà cùng Chính uỷ Lữ Giang, Trung đoàn trưởng Trần Sâm, Trung đoàn 101. Chúng tôi đi khắp nơi, đến các đơn vị, xuống đồng bằng, bị càn ở Hương Trà, công đồn Lương Văn, đánh xe ở đường 9, ăn khoai ở Gia Đẳng... nếm đủ mùi cay đắng, tài liệu bị mất hết.

  Các nhà văn Nguyễn Đình Lạp, Thanh Châm tới thôn Cảnh Dương chiến đấu (Quảng Bình) viết về "pháo đài san hô" nổi tiếng. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đến Thừa - Thiên - Huế. Trần Doãn Tỷ người ham viết kịch, đi sau cùng, bị giặc bắt ở Bình-Trị-Thiên trong một trận càn.

  Với tôi, Tướng Nguyễn Sơn rất đa tài, ngoài tài binh nhung, ông còn làm thơ, viết báo, viết sách, dịch sách và biết nhiều ngoại ngữ, có tài hùng biện, đặc biệt nói mấy giờ liền về những vấn đề văn học nghệ thuật mà khi kết thúc người nghe vẫn còn muốn nghe nữa. Ông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, trước sau "nghiện" Truyện Kiều. Ông là người Việt Nam duy nhất tham gia Vạn lý trường chinh (10/1934 - 10/1935), năm 26 tuổi, từ Hoa Nam lên Hoa Bắc qua 11 tỉnh, băng qua 5.000 km lúc đi 300.000 người, lúc đến chỉ còn 30.000 người. Ông cũng thuộc nhiều điển tích và biết nhiều tác phẩm Trung Quốc.

  Tôi có may mắn được nghe Tướng Nguyễn Sơn nói chuyện ở Thọ Xuân (Thanh Hoá) một lần về Truyện Kiều của Nguyễn Du, lần khác về "Lôi Vũ" của Tào Ngu.

  Ông rất ghét thói nhìn nhận xã hội Truyện Kiều một cách máy móc, gượng ép, gọi họ là bọn "mượn màu". Nếu tôi không lầm, Tướng Nguyễn Sơn thích nhất hai nhân vật Kiều và Từ Hải. Kiều đại diện cho người phụ nữ nói chung, lời kêu than "đau đớn thay phận đàn bà" đủ nói lên sự thông cảm sâu sắc về thân phận họ. Tính nghệ sĩ đa tình, ngang tàng với cốt cách "râu hùm hàm én" dễ làm Tướng Nguyễn Sơn vận vào mình. Cũng như ở "Lôi Vũ" nhân vật Thị Bình với nỗi đau lớn, nhân vật Lỗ Đại Hải với tính bộc trực, thẳng thắn làm ông xúc động.
Nhiều người hâm mộ, ngưỡng mộ "ông tướng của mình", nhất là thi sĩ Hữu Loan hai lần khóc... thành công, một lần khóc vợ trong "Màu tím hoa sim", ngót một chục năm sau Hữu Loan lại khóc Tướng Nguyễn Sơn bằng bài thơ Kiểu Mai-a "Đám tang đi mãi không tới huyệt...".
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 06:40:41 pm »

Ông đi còn để lại

Tặng chị Nguyễn Thanh Hà con gái Tướng Nguyễn Sơn



Ông là tướng, Ông cũng là nghệ sĩ
Bạn trai đông, bạn gái cũng nhiều
Cứng như sắt mà cũng mềm như lụa
Sách binh thư đem xếp lẫn Truyện Kiều

Ông ngang dọc một thời binh lửa
Lên Bắc về Nam không chùn vó ngựa
Dáng phong trần
Chẳng nhạt nét hào hoa

Một đời Ông đâu có tuổi già
Đang tranh cãi câu Kiều bên bếp lửa
Bắp ngô nướng ăn nửa chừng bỏ dở
Nhìn sóng sông quê ngỡ sóng Tiền Đường

Đến thăm người con gái của Ông
Tôi bắt gặp trang nhân từ, rắn rỏi...
Và ánh mắt
Ông đi còn để lại
Như câu Kiều xanh mãi
giữa nhân gian...

Hà Nội 1994
Hồ Minh Hà


Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 06:47:34 pm »

Bắt tay,
Anh hẹn lần sau sẽ vào!(*)

Tặng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Liên khu IV

Thế Đạt

Bóng bàn, thua trọn hai bàn,
Anh cười, mắt sáng lây sang lòng này!
Câu anh rộn mở đôi môi
- "Trẻ trung có khác, mình thua cậu rồi!"

Thuận Hoan dòng nước lặng trôi
Sông Gianh anh biết hình hài huyện Tuyên1
Ngày ngày hai lượt đổ quân
Giặc lên cũng đến Minh Cầm mà thôi!

Núi sông, đồng ruộng xanh tươi,
Đồng Lê, Chợ Gát... nụ cười thêm duyên.
Anh đi khắp nẻo xa gần,
Mỗi nơi mỗi vẻ ngại ngần có ai!

Huyện Tuyên anh thấy say say,
Thầm mong bận khác đến đây hát hò...

Bắt tay, anh hẹn lần sau sẽ vào!

Chợ Gát năm 1949


-------------------------------
(*) Bài trích trong tập thơ Khoảng cách không xa. Tác giả bài thơ là Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội (NXB Hà Nội - 1996).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 06:54:06 pm »

Chuyện về hai người thầy

Trần Hồng Lạc



  Theo sáng kiến của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam "góp một giọt đồng đúc tượng danh nhân", ngày 14-8-2000, đông đảo cán bộ, học trò Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV cũ, các nhà nghiên cứu lịch sử, những người mến mộ cùng gia đình dòng họ Vũ, tổ chức trọng thể rước tượng Tướng Nguyễn Sơn về ban thờ gia tộc.

  Quanh cuộc đời ông, vị tướng quân lưỡng quốc Việt - Trung, biết bao bài báo, cuốn sách đã mô tả những phẩm chất anh hùng, kiên cường song lại đầy tài hoa, thông tuệ và tính cách đời thường của Ông - có khi như huyền thoại.

  Chính cái dáng ngoài dũng tướng pha vẻ ngang tàng được những người sống cùng thời với Nguyễn Sơn quá sủng mộ, yêu quý cũng hay thêu dệt thành những chuyện không thật, không chuẩn.

  Những năm tháng ngắn ngủi làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu IV, có câu chuyện được truyền miệng:

  Dịp nọ, khi bộ đội hành quân vượt sông Lam ở Nghệ An, người lái đò vì lý do nào đó đã chùng chình không chịu chở quân sang. Ông tướng rút súng bắn cảnh cáo, lệnh mới được chấp hành.

  Thực ra đã là Tư lệnh trưởng một quân khu - về mặt tác chiến ông là người chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược quân đội. Việc điều hành huấn luyện, hành quân... thuộc cán bộ cấp cơ sở.

  Trong đời sống, Nguyễn Sơn có tiếng quý trọng tình bạn, trí thức, văn nghệ sĩ, yêu mến dân chúng, chiến sĩ; không bao giờ tỏ ra quân phiệt.

  Mùa hè 1950, ông trở lại Trung Quốc.

  Ông là một trong số 72 công thần hiện còn lại ở Bắc Kinh nên được Đảng, Nhà nước Trung Quốc trọng nể, nhà cửa được bố trí sẵn cho ông và gia đình trong khu Trung Nam Hải.

  Năm 1951, Nguyễn Sơn có danh sách đi Triều Tiên (kháng Mỹ viện Triều). Cũng thời gian đó, học viện cao cấp mở, ông được chọn ở lại học tập. Vừa học vừa được phân công giảng về Đảng sử Trung Quốc.

  Tốt nghiệp Học viện quân sự Nam Kinh loại ưu, Hồng Thuỷ được đề bạt làm Cục phó Cục Điều lệnh. Sau đó, làm Xã trưởng (Chủ nhiệm) kiêm Tổng biên tập tạp chí "Huấn luyện chiến đấu".

  Ngày 27-9-1955, ông được phong quân hàm Thiếu tướng cấp Sư trưởng. Được tặng thưởng Huân chương Bát Nhất hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất và Huân chương Giải phóng hạng nhất để biểu dương cống hiến lớn lao của ông trong các thời kỳ cách mạng của Trung Quốc.

  Ngày 1-10-1955 lễ mừng quốc khánh Trung Quốc, có sự can thiệp của Mao Chủ tịch, ông được xếp cấp tướng bậc Quân đoàn trưởng.
Nhân sự kiện này, nhiều báo chí ở Bắc Kinh đã đăng bài ca ngợi ông. Nhân dân nhật báo trong bài "Tướng quân Hồng Thuỷ" viết: "Trong lịch sử nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, phong quân hàm và tặng thưởng cho một người nước ngoài, việc này chỉ có một lần, và cũng là để tỏ lòng biết ơn và kính trọng của nhân dân Trung Quốc đối với một chiến sĩ quốc tế đã đổ máu hy sinh vô tư, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Trung Quốc.

  Nhân dân Trung Quốc vĩnh viễn không thể quên người chiến sĩ chủ nghĩa quốc tế kiệt xuất, người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc".

  Ngược thời gian, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 111- SL phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Lê Thiết Hùng và Nguyễn Sơn... sau sắc lệnh 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Ngày 25-1-1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong Trung tướng cho Nguyễn Bình.

  Sinh thời, Nguyễn Huệ (Quang Trung) là thần tượng của ông.

  Bởi lẽ đó, từ họ Vũ - Vũ Nguyên Bác, ông đã đổi thành Nguyễn Sơn. Cũng như Từ Hải (nhân vật Truyện Kiều) là thần tượng thứ hai của ông.

*
*     *

  Nhà văn Trương Tửu cất tiếng chào đời vào một sáng tháng 5 năm 1913 (Quý Sửu) tại làng Bồ Đề, huyện Gia Lâm, Hà Nội trong một gia đình thuộc lớp dân nghèo thành thị, gồm bảy anh chị em.

  Tuổi học trò, cậu bé Tửu hoà nhập không khí học đường những năm cuối thập kỷ 20 - có những sự kiện: cụ Phan Bội Châu bị bắt, cụ Phan Châu Trinh về nước mang cả một không khí "tự do", rồi sau đó là đám tang cụ, năm 1926.

  Năm 1927, Trương Tửu học tiểu học Hàng Than. Năm cuối cấp, một sáng tháng 5, sân trường tràn ngập truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khoá. Vì tích cực tham gia phong trào này, Trương Tửu bị đuổi học.

  Bằng con đường tự học, Trương Tửu học xong tiểu học, rồi tiếp trung học tư thục đầu tiên tại Hà Nội: Trường Minh Sanh.

  Năm 1929, thi đỗ vào Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng. Lại tham gia phong trào đòi dân chủ, cải cách học tập... bị đuổi học lần thứ hai.
Kiên trì và mãnh liệt không chịu khuất phục, bằng ham mê đọc sách, nghiên cứu, dần dần chàng thanh niên Trương Tửu tiếp cận với lịch sử với tri thức văn hoá dân tộc và thế giới.

  Cũng chính thời gian này, Trương Tửu tiếp cận với văn học Pháp và bước đầu manh nha một ước vọng, một định hướng của nghề văn!
Tháng 11-1931, trên báo Đông Tây xuất hiện bài báo "Triết lý Truyện Kiều", tác phẩm đầu tay của Trương Tửu ở tuổi 18. Lúc đó anh thanh niên Trương Tửu cũng không ngờ rằng, gần nửa sự nghiệp của mình sẽ gắn bó với Truyện Kiều

  Thời kỳ giảng dạy ở Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV cũng đã xảy ra một sự việc khá tế nhị: về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa vẫn trình bày nguyên si các luận điểm cũ.

  Để cung cấp cho học sinh một cách hiểu khác, Ban giám đốc trường đã mời Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến nói chuyện ngoại khoá về Truyện Kiều. Nguyễn Sơn đã điểm lại ý kiến bình phẩm Truyện Kiều của Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Hoài Thanh và đã phê phán mạnh mẽ quan điểm của Nguyễn Bách Khoa.

  Sau cuộc nói chuyện đó, dư luận cho là Trương Tửu sẽ không được giảng dạy ở trường, nhưng việc đó đã không xảy ra.

  Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV là một trường văn hoá của quân đội nhưng vẫn có lối ứng xử mềm dẻo với các trí thức cũ.

  Tuy chỉ tồn tại gần 5 năm (1948 - 1952), nhưng được Tướng Nguyễn Sơn - người thầy sáng lập trường Thiếu sinh quân đầu tiên nước ta ưu ái nên trường đã trở thành một dấu son đặc biệt sâu đậm và ngời sáng đối với cả cuộc đời của mỗi một thiếu sinh quân.

  Bởi lẽ:

  - Đó là một mô hình giáo dục, rèn luyện đào tạo và bồi dưỡng khá toàn diện cả văn và võ...

  - Nhà trường đã kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng mục tiêu, động cơ học tập, rèn luyện với xây dựng tình thương yêu giai cấp, yêu thương đồng đội, yêu nước, thương nòi, khó khăn, gian khổ cùng sẻ chia, niềm vui cùng chan hoà...

  - Nhà trường đã rất coi trọng phương pháp giáo dục, phát huy cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự giác suy nghĩ, sáng tạo của học sinh và tinh thần hết lòng vì học sinh thân yêu của cán bộ, thầy cô giáo...

  Tôi là học trò của thầy Nguyễn Sơn và là học trò của thầy Trương Tửu. Trong một buổi đến thăm thầy Tửu, nhân đang vui chuyện, tôi mạnh dạn hỏi: "Thưa thầy, đến giờ thầy còn giận Tướng Nguyễn Sơn nữa không?"

  - Ông ấy tốt lắm chứ. Giảng xong Truyện Kiều ở Sim về; Nguyễn Sơn đạp xe qua Quán Giắt, thấy mình lững thững đi bộ trước, ông vồn vã gọi to: Trương Tửu, vào đây uống cà phê đã!

  - Tốt đến thế, sao lại giận người ta được".

*
*     *

  Buổi rước tượng Tướng Nguyễn Sơn đúng vào dịp ngày rằm tháng bảy, tục lệ "Xá tội vong nhân".

  Chúng tôi đều là học trò cũ của hai thầy, đứng dậy thưa với mọi người: "Năm xưa, khi giảng Truyện Kiều, cho dù hai thầy có những quan điểm học thuật khác biệt, đối nhau. Nhân ngày rằm, xin thắp nén hương tưởng nhớ công ơn các bậc tiền bối. Hẳn ở thế giới bên kia, hai thầy đã gặp lại nhau vui vẻ, thân ái đàm đạo về Truyện Kiều cùng Tố Như tiên sinh Nguyễn Du nâng ly, để:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên".

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM