Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:05:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân  (Đọc 65612 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2008, 06:00:58 pm »

Nguyễn Sơn với trường lục quân trung học Quảng Ngãi 1946

Nguyễn Việt Hồng



  "Khoảng tháng 5 năm 1946, tôi ra Quảng Ngãi nộp giấy tờ vào học Trường Lục quân trung học. Tôi được biên chế vào tiểu đội 2, trung đội 2, đại đội 4. Học sinh của trường được gọi là sinh viên, có một huy hiệu tròn đeo ở ngực ghi rõ chữ "Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi" và số hiệu của mỗi người - tôi có số 354".

  Một nửa "sinh viên" là chiến sĩ đã chiến đấu ở các mặt trận phía Nam, số còn lại là học sinh, viên chức mới tòng quân. Trường có hơn 400 sinh viên, được chia làm 4 đại đội do 4 đại đội trưởng người Nhật "Việt Nam mới" mà Nguyễn Sơn đã chinh phục được họ làm đại đội trưởng. Đông Hưng phụ trách đại đội 1, Minh Ngọc đại đội 2, Phan Lai đại đội 3, Minh Tâm đại đội 4.

  Trong trường bàn tán nhiều về tài "thuyết phục" của Hiệu trưởng. Nghe đâu Hiệu trưởng đã chuyện trò với Yô-ka-ya-ma, Cố vấn tối cao của Nhật bên cạnh Bảo Đại, đã giao thiệp với nhiều sĩ quan Nhật, đặc biệt là I-ca-oa, sĩ quan cao cấp Nhật ở Trung Kỳ. Thông qua Đề-bút-chi, phiên dịch của I-ca-oa mà "cách mạng" đã biết trước nhiều hành động của quân Tàu Tưởng đóng tại Huế, đã chuyển được một số vàng, vũ khí cho các đồng chí Lào ở Savanakhét có chuyến bằng xe vận tải quân sự của Nhật.

  Người phiên dịch của I-ca-oa là Na-ca-ha-ra, có tên Việt Nam là Minh Ngọc (viên ngọc sáng). Khi quân đội Nhật có lệnh rút khỏi Đông Dương, I-ca-oa và Minh Ngọc đến gặp chính quyền ta, xin ở lại Việt Nam để cùng Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Pháp xâm lược.
Sau đó I-ca-oa được chuyển từ Huế vào Liên khu V, "Nguyễn Sơn đã có mối quan hệ đặc biệt với I-ca-oa" và đã thu hút được 4 người Nhật về công tác tại trường.

  Ban Giám hiệu nhà trường gồm có: Nguyễn Sơn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam, Tổng đội trưởng là Phạm Kiệt - sau đó là Lê Thuỳ. Chính trị viên Tổng đội là Đoàn Khuê (nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).

  Chương trình quân sự do Hiệu trưởng lập ra, dạy từ cá nhân chiến đấu, lăn lê bò toài, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn theo kiểu Nhật, kiểu Pháp. Về chiến thuật, chỉ tập tiểu đội chiến đấu tấn công. Chiến thuật cấp trung đội chỉ được giới thiệu đại cương. Trong tình hình bấy giờ của Quảng Ngãi mới cướp được chính quyền, xa Trung ương, mà có một chương trình học tập, có giáo viên, trường sở... như vậy cũng không phải dễ ai cũng khắc phục được, chưa nói là ở tầm nhìn xa đào tạo cán bộ cho quân đội.

  Học viên ra thao trường về doanh trại phải đi đều và hát đồng ca để giữ nhịp đi theo đội hình 3 khối của một đại đội, hát chuyền khối "đuổi nhau". Khi đi qua thị xã Quảng Ngãi, khí thế bộ đội tăng lên, nhân dân hai bên đường phố nghe tiếng hát "Lục quân" ùa ra xem, vỗ tay, cổ vũ. Trước mặt đồng bào là những thanh niên cao to, mặc đồng phục màu xanh chàm, đi giày các kiểu, hát những bài hát cách mạng do học viên mang từ nhiều nơi về đã dấy lên một không khí chiến đấu hào hùng ở Quảng Ngãi.

  Có một lần nhà trường đã bố trí cho học viên đi nghe giảng về duy vật biện chứng. Giáo viên là một người Pháp và một người Việt ở Hà Nội vào. Ai nghe được tiếng Pháp thì nghe. Không nghe được thì nghe bằng tiếng Việt.

  Chín tháng sau, khi học xong chương trình tiểu đội chiến đấu, học viên của trường được cử đi thực tập ở các đơn vị thuộc các mặt trận miền Nam trong 3 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, có người lên mặt trận Củng Sơn, An Khê...

  Hết 30 ngày thực tập, học viên trở về trường tiếp tục học tập.

  Bấy giờ, quân ta có đánh một đồn do một trung đội nguỵ chiếm giữ. Đồn có nhiều hoả điểm, xung quanh rào dây thép gai "bàn chải", tua tủa như đinh xuyên qua cả đế giày bằng da hay cơ-rếp... Bọn địch huyênh hoang là "bất khả xâm phạm".

  Ta tấn công đôi ba lần nhưng không thành công. Đồng chí Nguyễn Sơn bèn quyết định tổ chức đánh một trận thắng để nâng cao khí thế bộ đội. Đồng chí cho xây dựng một đồn giả và tổ chức cho bộ đội tập luyện. Không có giầy "xăng-đá" để vượt qua thép gai bàn chải, đồng chí đã dùng ván để khắc phục, và trực tiếp chỉ huy luyện tập, sau đó tổ chức trận đánh.

  Địch ở đồn đêm đêm chui vào các lô-cốt ngủ, chỉ gác ở một cổng ra vào. Quân ta tiếp cận im lặng, dùng ván đè lên dây thép gai, ào ào xung phong dưới sự yểm hộ của hoả lực, ném lựu đạn vào lô-cốt, các hầm, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm. Đây có lẽ là trận công kiên đầu tiên của quân ta ở miền Nam và của cả nước.

  Khoá học dự kiến một năm, nhưng do tình hình quân Pháp âm mưu gây hấn nên phải bế mạc sớm vào ngày 22-11-1946. Nhà trường phân phối học viên về các mặt trận, các tỉnh và gửi 100 người ra miền Bắc.

  Số anh em này ra đến Hà Nội vào cuối tháng 11 bằng tàu hoả. Ngày 3 tháng 12, anh em lại lên Sơn Tây, cùng đi có đồng chí Nguyễn Sơn, bấy giờ đã nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân huấn.

  Sau ngày 19-12-1946, đoàn học viên Lục quân Quảng Ngãi chuyển về Đền Và, rồi Thạch Thất. Hàng ngày đồng chí Nguyễn Sơn đến nói chuyện với anh em về cách mạng Trung Quốc, giới thiệu sách "Bàn về cách đánh lâu dài của Mao Trạch Đông"... Đồng chí nói mỗi ngày một buổi sáng, nói hàng chục ngày liền mà chẳng có tài liệu sách vở gì cả mà vẫn mạch lạc không bao giờ trùng lặp, sai sót, bổ sung, cải chính.

  Một lần, Đoàn tổ chức lửa trại, diễn kịch, đồng bào đến dự rất đông. Ban tổ chức mời đồng chí Nguyễn Sơn nói "vài lời" khai mạc. Bấy giờ làm gì có micrô, tăng âm, đồng chí cứ đứng giữa trời nói, cuốn hút mọi người trong một tình huống mà "khán giả" không muốn nghe dài. Nhưng đồng chí cứ nói, người nghe vẫn bị hấp dẫn... có lẽ gần một tiếng mới hết.

 ... Trong tâm trí anh em học viên Trường Lục quân Quảng Ngãi vẫn in đậm hình ảnh Hiệu trưởng của mình.

  Năm 1992, khi học viên Trường Lục quân Quảng Ngãi gặp lại nhau, đồng chí Phi Hùng có viết 4 câu thơ "Nhớ người anh lớn Nguyễn Sơn" như sau:

"Bốn sáu năm rồi, gặp lại nhau
Vắng người anh lớn, đã đi lâu
Nhớ anh, nhớ cả người lẫn nết
Nhớ cả lời khuyên những buổi đầu".

(Theo tài liệu của đồng chí Ung Răng và của gia đình đồng chí Nguyễn Sơn)
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2008, 06:06:46 pm »

Kể chuyện Nguyễn Sơn*

Cao Bá Sanh



  ... Sau khi từ Trung Quốc về thì cha cháu được Đảng và Nhà nước giao cho một nhiệm vụ khá nặng - làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam - cả quân sự và dân sự. Lúc đó, qua dư luận của các cán bộ làm việc đối với cha cháu thì chú nhận thức được rằng cha các cháu nói chung được cán bộ rất yêu mến, cảm phục, trong đó có cả những bác sau này làm to như bác Nguyễn Chánh hay bác Phạm Kiệt... Có những người chưa quen, chưa gặp mặt nhưng nghe tên Nguyễn Sơn thì đều biết đấy là một ông tướng rất có thành tích. Khi chú được về Bộ Tổng Tham mưu, tức là sau khi Trường Lục quân Quảng Ngãi tạm giải tán theo yêu cầu chiến đấu thì lúc đó ở trong Nam địch mở rộng tấn công, mở rộng gọng kìm ra ngoài Bắc, nhất là vùng Lạng Sơn, Hải Phòng địch tăng cường. Sau vụ Hàng Bún, tháng 12-1946 tình hình căng thẳng lắm. Ra Bắc, chú về phòng tác chiến và cùng với chú Đào Văn Trường - lúc đó là trưởng phòng. Trước đó, khi ở Quân khu V thì chú Trường là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 23 và có thời gian ở Trường Lục quân, nên chú Trường hiểu biết về cha các cháu rất nhiều. Sau đó giáo sư Minh Ngọc, sĩ quan người Nhật, là quan ba mà có học vị, trở về làm cố vấn cho Phòng tác chiến. Lúc ở Trường Lục quân, giáo sư được trực tiếp làm việc với cha các cháu. Nhờ đó, trong những lúc tâm sự, Minh Ngọc có kể cho chú nghe về Nguyễn Sơn trong thời kỳ ở miền Nam. Chúng ta giữ Sài Gòn một thời gian thì địch đánh nống ra để chiếm miền Nam Trung bộ. Địch điều sư đoàn cơ giới của Tướng Lơ-cơ-léc sang, và giải toả được Sài Gòn. Sau đó chúng đánh theo hai gọng kìm ra miền Nam Trung bộ: một, theo đường 1 ra đến Đèo Cả và một, theo đường lên Tây Nguyên. Lúc đó lực lượng của ta ở Tây Nguyên rất đông, theo chú Trường nói là có 6-7 trung đoàn, trang bị thô sơ, mà quân đội Pháp thì rất hiện đại. Cán bộ chỉ huy xuất thân từ nhiều trường, nhiều nước khác nhau. Trường Nhật có, trường Pháp có..., mỗi anh đánh theo một kiểu, chưa có sự thống nhất. Sai lầm của chúng ta là vũ khí rất thô sơ nhưng lại đánh theo kiểu của quân đội có trang bị hiện đại, đánh theo kiểu chiến tranh chiến hào của Pháp. Trong khi ta nấp trong chiến hào, chuẩn bị vũ khí đánh giáp lá cà, nhưng địch có đến gần đâu. Nó có ca-nông, moóc-chi-ê, có các loại súng lớn, nên khi địch tấn công thì quân ta tan rã. Khi phòng tuyến này tan rã lại lập phòng tuyến thứ hai, rồi lại tan rã, lại lui lại lập phòng tuyến thứ ba. Khi cha các cháu vào Nam đi khảo sát tình hình Tây Nguyên thì thấy không ổn nên có quyết định rất táo bạo và ra một mệnh lệnh. Điều đó xuất phát từ sự đánh giá tình hình địch rất táo bạo. Cha các cháu đánh giá: mặc dù địch đang trong thế tiến công, nhưng với điều kiện như thế này thì sức của địch không thể tiến thêm được nữa mà lấy đèo An Khê làm mốc cuối cùng của gọng kìm Tây Nguyên. Và ông ra lệnh rút toàn bộ lực lượng trên chiến trường Tây Nguyên trong 3 ngày, không để một bóng dáng người lính nào ở đó. Lúc đó cán bộ cao cấp, trung cấp..., đều có sự phản ứng. Nhưng cha các cháu luôn đề cao quân lệnh, nên tất cả đều phải chấp hành. Trong 3 ngày không còn một bóng vệ quốc đoàn trên chiến trường Tây Nguyên. Ông chỉ cho phép để lại một tiểu đoàn, hoá trang làm dân để nắm tình hình địch, rải từ huyện Thu Phong đến đèo An Khê. Địch cũng rất hoang mang, một phần lực lượng của nó đến đó cũng cạn, một phần nó không hiểu và sợ âm mưu của ta. ở phía đường 1 thì nó cũng chỉ đến Đèo Cả. Ta bên này, nó bên kia. Với chủ trương tập trung bộ đội về củng cố, nghỉ ngơi, huấn luyện cho nên mới nghe có vẻ tầm thường nhưng sau mới thấy quan trọng. Cán bộ chính trị trung đoàn, làm công tác dân vận đối với các bà mẹ, đối với phụ nữ; các đoàn thể làm công tác uý lạo chiến sĩ. Cán bộ quân sự thì một mặt chuẩn bị chương trình huấn luyện, thao trường... Sau một quá trình chiến đấu gian khổ khi rút về nhất định tư tưởng, tinh thần có ảnh hưởng. Cho nên vai trò của các bà mẹ chiến sĩ rất quan trọng. ở quân khu của Nguyễn Sơn thì nhất là ba thứ quân được tổ chức đầu tiên; thứ hai là huấn luyện từ phân đội trở lên và lấy phân đội làm đơn vị tổ chức chính. Cán bộ từ trung, tiểu đoàn trở lên đều được tập trung huấn luyện do chính Nguyễn Sơn đảm nhiệm. Để biết kết quả huấn luyện và bổ sung cho chương trình huấn luyện ông đã đề ra hình thức "Đại hội tập" tức là hình thức diễn tập kiểm tra, trên cơ sở đó mà có những bổ sung cho chương trình huấn luyện. Nhưng việc lựa chọn đơn vị để "hội thao" cũng không phải là chỉ định mà là chọn theo hình thức thi đua từ dưới đơn vị lên và có khen thưởng rõ ràng. Tổ chức kiểm tra thì các đơn vị đều phải hành quân về Thanh Hoá, nhưng địa điểm hội tập thì luôn luôn thay đổi để rèn luyện mọi mặt cho bộ đội. Đi trên đường, ông cho đánh bom mìn, chông bẫy, sử dụng vũ khí thô sơ. Có một bức vẽ phóng tác của chú Dậu lúc đó ở Ban tác chiến mà chú rất thích. Đó là hình ảnh Nguyễn Sơn dẫn đầu cuộc thi vũ trang 10km, ông cũng đeo vũ khí như anh em mà ông vẫn dẫn đầu.

  Muốn đoạt giải hành quân vũ trang thì đội hình phải đến đích đầy đủ trang bị, cho nên ông cứ chạy lên trước được một đoạn thì lại quay lại "khích": Ôi! thanh niên mà thua ông già à? Thế là cả đoàn quân lại ào lên. Cuối cùng đội của ông nhất. Cái khó bấy giờ là phải bí mật, nhanh chóng vì máy bay địch luôn dòm ngó. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội tập vừa rèn kỹ thuật, vừa hành quân, cũng đồng thời chuẩn bị phương án đánh địch trên đường. Quân khu bộ đông người, mà đến chỗ nào ông cũng ra lệnh "nếu làm việc hết một ngày thì phải triển khai công tác và chuẩn bị phương án mọi mặt chiến đấu".

  .......Nói về văn học nghệ thuật thì có một lần đáng ghi nhớ là lần tổ chức nói chuyện với trí thức, văn nghệ sĩ về vở kịch "Lôi Vũ" của Tào Ngu (Trung Quốc). Chúng ta biết rằng khi Lôi Vũ - một tác phẩm lớn ra đời ở Trung Quốc và Việt Nam, bác Đặng Thai Mai, một trí thức lớn lúc đó là người dịch. Ông Đặng Thai Mai theo cách mạng từ trước chứ không phải là từ khi cướp chính quyền đâu. Khi ta tổ chức Trường Văn hoá kháng chiến ở Bôn (Thanh Hoá) thì Đặng Thai Mai là Hiệu trưởng. Khi tổ chức nói chuyện về Lôi Vũ thì ông nhà ta là diễn giả, mà nói mấy ngày liền ở đó. Phải nói là với thành phần trí thức như vậy, nếu là nói không hay, không giỏi, không đúng thì không phải đến ba ngày ai cũng nghe đâu. Đằng này thì không thiếu một ai. Cho nên khi kết thúc cuộc nói chuyện thì Đặng Thai Mai có nói thế này: "Nguyễn Sơn nói chuyện về Lôi Vũ sâu sắc, đầy đủ hơn cả bản thân người dịch ra nó", để muốn nói rằng ông ấy là dịch giả, ông đã xâm nhập vào tác phẩm rồi thế mà vẫn không bằng Nguyễn Sơn. Thường thì chúng tôi cũng được nghe, nhưng nói là "đàn gảy tai trâu" thì cũng không đúng, nhưng làm sao hấp thụ được như những trí thức ngồi đấy, trong đó có cả những trí thức lớn. Đó là điều chúng ta thấy tự hào về ông, chứng tỏ là cái tài giỏi của ông. Nói về văn hoá còn có một chuyện như thế này. Quân khu IV là phức tạp - cũng không phải gì đâu - mà là nhiều tổ chức quá, Trường Thiếu sinh quân, Quân khu bộ, nhưng đặc biệt là các đoàn tuồng, chèo... với cái số nhạc sĩ, văn sĩ và đặc biệt là số trí thức như đã nói. Mặc dù là chiến tranh nhưng người ta vẫn yêu cầu phải có điều kiện cho người ta sáng tác. Cho nên là mỗi khi di chuyển địa điểm Khu bộ, thì thường mấy ông đến gặp chú đặt vấn đề khi chọn ở cho chúng tôi thì yêu cầu thế này, thế khác. Yêu cầu của họ rất chính đáng thôi, và nhiều đoàn như vậy. Về Trường Thiếu sinh quân, chú có một kỷ niệm sâu sắc là: hành quân, các cháu mệt quá đến bờ sông thì tất cả ngủ ở bờ sông bên này, sáng bảnh mắt ra Khu trưởng hỏi: Thiếu sinh quân đến chưa? Chú mới cho quay trở lại thì thấy đang ngủ tất cả bên bờ sông, "thế máy bay nó thấy thì chết tất". Ông Sơn quát cho một trận. Lúc đó chú đang trẻ tuổi mà ông đã giao làm những việc quá trời nhưng cũng phải cố mà làm. Ông ấy hiểu về các lĩnh vực rất sâu chứ không phải khơi khơi đâu. Tất nhiên là không sâu tới mức trở thành nghệ sĩ, nhưng sâu trên nhiều lĩnh vực. Bây giờ chú nói đến chuyện Phạm Duy có sáng tác một bài hát trong một hội nghị quân khu, cán bộ rất đông. Phạm Duy đến báo cáo với Khu trưởng là tôi mới sáng tác được một bài hát để phục vụ bộ đội. Khu trưởng duyệt xem thế nào có thể hát ở hội nghị được không. Ông ấy bảo: ờ được, được! Chú mi hát thử ta nghe. Thế là nhạc sĩ Phạm Duy ngồi cạnh hát nho nhỏ. Phạm Duy vốn là một nhạc sĩ chuyên hát ở các Bar rất nổi tiếng cho nên phong cách biểu diễn của ông ta cũng khác các nhạc sĩ khác, điệu lắm, nhưng rất hấp dẫn. Nhưng do có lẽ là điệu quá cho nên trong bài hát có một nốt nhạc nào đấy anh ta "luyến" quá đi một chút. Đến khi hát xong, anh ta ngồi xuống bên cạnh Khu trưởng hỏi nhỏ xem thế nào, trong khi nhiều người cứ vỗ tay đòi hát lại. Khu trưởng mới trả lời là: Chú mi hát hay đấy! Nên phổ biến cho bộ đội họ tập đi. Nhưng chú mi điệu quá nên hát sai ở chỗ này và ông nói cái "nốt" sai ấy. Phạm Duy không ngờ mình hát sai có một tý thế mà ông ấy cũng biết được.

  Thời kỳ ở Quảng Ngãi, có một lần học sinh Thiếu sinh quân tổ chức liên hoan văn nghệ có cả thanh niên địa phương tham dự. Thế là có các cô ở Quảng Ngãi lên hát bài "Thiên thai" bài hát này sau có thời kỳ khuyên không nên hát vì giai điệu nó ru ngủ. Nhưng Nguyễn Sơn phê phán ở chỗ này: Khi hát đến đoạn "chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên", các cô thì mặc lơ-muya, ngực giơ ra, ông đứng dậy nói ngay: ý nghĩa của câu "dâng hai chàng trái đào tiên hay như thế sao lại giơ ngực ra..." Hay là các bài "Không quân Việt Nam" có tư tưởng đế quốc mà mình có biết đâu, đến khi ông phân tích ra ông bảo như thế là có tư tưởng đi tàn sát, xâm lược, khi đấy nhiều người mới ớ ra, kể cả những ông có trình độ - thế rõ ràng chứ gì nữa. "Nhìn qua khói những kinh thành tan" thì quan điểm đó là không hợp. Hay là bài hát gì mà thu nhiều chiến lợi phẩm, anh thì lấy đôi giầy, anh thì cầm thắt lưng, nếu mà anh nào tếu một tý thì hát buồn cười lắm. Nhưng khi nghe ông, ông phân tích ra thì anh nào cũng đớ cả ra... Thấy mình còn đang dốt quá, quan điểm lập trường thì cứ hay nói nhưng thực chất chả hiểu được mấy.

  Một lần về Thọ Xuân, nghe ở làng Xuân Phả gần quân khu bộ, có một điệu múa Xuân Phả mà nội dung diễn tả về việc Cống Chiêm (Chiêm Thành), tục lệ là 12 năm mới có một lần, và mỗi lần như vậy rất tốn kém vì tổ chức tới hàng trăm người. Về đó một thời gian thì Nguyễn Sơn mới nghiên cứu, rồi phân tích: Đây là một điệu múa dân tộc mà lại không biết... Vì thế ông gặp chính quyền địa phương đề nghị tổ chức ngay buổi múa đó mà kinh phí tổ chức do Quân khu trưởng chịu. Hôm đó, đông người đến xem lắm, nhưng để làm được là công phu và tốn kém lắm, ăn mặc theo thời cổ, kể cả người Việt và người Chiêm, nhưng ông kiên quyết làm... để thấy tính cách của ông là như thế, ham hiểu biết đến tận nơi tận chốn trên nhiều lĩnh vực.

  Còn đối với cơ quan, thường là cán bộ cơ quan rất "phức tạp", cồng kềnh, thế mà ai cũng phải luyện tập cả. Theo lệnh ông cứ đơn vị ở một ngày thì phải triển khai toàn bộ các phương án phòng khi tác chiến, làm như thế thì khổ nhất là anh thông tin, lắp máy, giây rợ... Nhưng phải làm để thành thói quen. Mà Đại hội tập cũng không chỉ là tổ chức một nơi, làm ở rất nhiều nơi, nơi khai mạc riêng, nơi tập riêng... Trưởng ban tổ chức lúc đó là Nguyễn Sĩ Tuấn (cũng là hạ sĩ quan Pháp cũ) là Tham mưu trưởng, ông giao cho chú một cái xe lệnh đi tìm địa điểm. Cuối cùng tìm địa điểm khai mạc ở Chùm Chuối, rồi trên đường 10 lên Cổ Định thi và kết thúc ở trên đó. Như vậy là bộ đội từ sĩ quan đến chiến sĩ luôn luôn phải luyện tập, cơ động cao. Khi đó ở Ban tác chiến có một anh gọi là anh Lê Quốc Dọc có tài vẽ phác thảo, có vẽ hình ảnh Nguyễn Sơn, dẫn đầu đoàn chạy vũ trang, sau đó cùng ông dừng lại "chống nạnh" và quát: này thua ông già à! Thế rồi đoàn quân đến nơi ông lại chạy tiếp, nét vẽ về ông rất sinh động. Ông Dọc này người Bình-Trị-Thiên. Có một chuyện Trung đoàn 57 của ông Nguyễn Thụ hành quân cùng Trung đoàn 77 Thanh Hoá đến đò Lách, chú với ông Sơn đạp xe đi trước và vào một quán, ông bảo "chú đặt cho tôi một nồi cháo thật to, vài chục con gà, tôi ngủ, chú trực, thấy thằng nào đến báo cáo thì chú đãi nó", ông bảo thế. Nửa đêm, Trung đoàn trưởng 77 Việt Hùng chạy đến báo cáo, tôi thay mặt Thủ trưởng nhận báo cáo mới chết chứ lại. Tôi bảo mời anh vào đây Thủ trưởng chiêu đãi. Kể chuyện này để nói là bất cứ việc gì ông cũng có phần thưởng cho người làm tốt để mà thi đua với nhau. Lúc đó, đò Lách rộng lắm, rộng thế mà ông tổ chức thế nào trong một đêm mấy trung đoàn vượt sông trước sáng, tôi nghĩ đây là kinh nghiệm của "Vạn lý trường chinh", huy động mấy trăm chiếc thuyền của dân chở bộ đội, thật tài!
----------------------------------------
* Trích bài nói chuyện của tác giả với gia đình Tướng Nguyễn Sơn. Tác giả nguyên Trưởng phòng Tác chiến Liên khu IV. Hiện ở xã Mẫu Đơn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2008, 06:08:54 pm »

Nguyễn Sơn giám đốc trường Võ bị Trần Quốc Tuấn

Nguyễn Cao Vỹ



  Tháng 11 năm 19461, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đóng ở thị trấn Sơn Tây. Lúc đó, tôi là sinh viên của Trường. Ông Hoàng Đạo Thuý, giám đốc được điều động về Bộ Quốc phòng. Đồng chí Nguyễn Sơn về thay. Đó là một con người có tầm vóc trung bình với bộ râu con kiến và nắng gió của cuộc đời gian khổ trong giải phóng quân Trung Quốc còn đọng trên da mặt đen sạm của ông. Khi về trường, ông có mang theo một chiếc ô tô du lịch, bỏ mui, màu trắng.

  Tính tình ông rất phóng khoáng và cởi mở. Chiều chiều, hết giờ làm việc, đầu đội bê-rê lệch, ông tự lái xe ô tô đi dạo.

  Khi mới về, Tướng Nguyễn Sơn nói với chúng tôi: "Mình đánh du kích ở bên Tàu 10 năm, nay Bác Hồ bảo đem truyền kinh nghiệm cho các chú trong một tháng. Các chú liệu mà học".

  Tài kể chuyện của ông thật là vô địch. Cứ sáng chủ nhật, bỏ tất cả các cuộc vui chơi, chúng tôi quây quần ở hội trường, há hốc mồm nghe ông nói về cuộc Vạn lý trường chinh ở Trung Quốc mà ông đã tham gia. Ông đã đi qua nhiều vùng xa xôi hẻo lánh của những người thiểu số đầy nguy hiểm, bất trắc. Không biết tiếng các dân tộc, nhưng với trí thông minh và lòng dũng cảm, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiền trạm được giao.

  Tháng 1 năm 1947, vào một buổi chiều, chúng tôi còn đang tập ở trên một quả đồi gần trường, một chiếc máy bay Dakota của Pháp đến ném bom. Không ai bị thương. Nhân dân thị xã Sơn Tây nghe tin đến thăm rất đông. Trời chạng vạng tối, bà con vẫn chưa chịu về. Ông Nguyễn Sơn bèn ra nói chuyện với đồng bào. Sau khi cám ơn bà con đã quan tâm đến bộ đội, ông phân tích cái yếu, cái mạnh của quân đội Pháp và kết luận: "Máy bay địch không có gì đáng sợ cả, chỉ cần chúng ta biết phòng tránh cho tốt". Đồng bào ra về chuyện trò vui vẻ.

  Một đêm trời lạnh, sương mù dày đặc, tôi vừa đổi gác về. Có lệnh báo động toàn trường, tin truyền xuống các tiểu đội: "Địch đang tiến về Cầu Phùng". Vừa lúc đó có tiếng đại bác từ phía Hà Nội vọng sang. Mọi người lặng lẽ thu xếp ba lô, súng đạn rất nhanh. Toàn bộ sĩ quan, sinh viên, nhân viên nhà trường rút khỏi Sơn Tây. Một trung đội được dàn ra chặn hậu, đề phòng quân địch, rút sau cùng. Chúng tôi hành quân cấp tốc không nghỉ. Đến 9 giờ sáng hôm sau, chiếc ô tô của Tướng Nguyễn Sơn vượt đội hình bộ đội. Có lệnh tập trung để nghe Giám đốc nói chuyện.

  Giọng ông sang sảng: "Đêm hôm qua quân Pháp không tiến về Cầu Phùng. Đó chỉ là một cuộc tập báo động. Từ nay chúng ta sẽ vừa đi, vừa học không trở về trường nữa.

  Muốn chuyển từ thời bình sang thời chiến phải hết sức gọn nhẹ. Chẳng nên tiếc những thứ cồng kềnh làm khổ chúng ta. Tất cả:
Nghiêm! Đi đều bước!"

  Chúng tôi lại lên đường hát vang khúc quân hành.

Sinh viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, 1946
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2008, 06:16:07 pm »

Một buổi "loạn đàm"

Bửu Tiến


 
  "Một khoá bồi dưỡng văn nghệ khu?" - Nguyễn Sơn mồm không rời điếu thuốc lá thơm Phillip Morris, nhướn đôi lông mày rậm, ông nhắc lại câu nói của thầy Mai.

  Hồi đó, Chính phủ chưa phong tướng cho ông. Nhưng nhân dân Khu IV đã truyền tụng với nhau nhiều giai thoại về ông, một trong số người đã tham gia cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng quân Trung Quốc, ngày ra đi 72 vạn người, sau 10 năm trở về còn lại 7 vạn 2, đã đánh nhau hàng trăm trận với Tưởng và trở về. "Thằng này đã trở về" - ông thường tự hào nhắc lại câu nói đó - trái với lời thơ xưa "Xưa nay chiến trận mấy ai về"! Ông có tài hùng biện diễn thuyết trước đám đông ba, bốn giờ đồng hồ liên tục, liên tục hút thuốc lá thơm, thỉnh thoảng thêm những mẩu chuyện vui, bên cạnh những mẩu chuyện chiến đấu dũng cảm, gây những chuyện cười rộ trong người nghe khiến quên khuấy cả thời gian tràng giang đại hải.

  Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân của ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh tự do đã tự hào về vị Khu trưởng quân sự mà họ phong là Tướng "văn, võ song toàn", mà họ ví với Từ Hải vì nước da bánh mật và bộ mặt "râu hùm, hàm én, mày ngài" của ông.

  Võ có ông, văn có giáo sư Đặng Thai Mai, đã từng ở tù chính trị thời Pháp thuộc, đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sau đây trở thành bạn chiến đấu.

Lúc Quốc học, lúc Thăng Long, dạy nghĩa đồng bào trong tiếng quốc kêu khắc khoải.
Khi khu Tư, khi Việt Bắc, khuyên tình đồng chí dưới cờ sao dậy xôn xao...


  Hôm đó, thầy Mai đến bàn với Khu trưởng Khu IV về việc mở khoá bồi dưỡng văn nghệ khu... Nguyễn Sơn rít một hơi thuốc dài và nói tiếp:

  - Về mặt "đấm đá", mình có thể cam đoan với các ông là thực dân Pháp không có đủ sức nống ra ba tỉnh tự do này. Vừa qua, chúng tập trung nhảy dù xuống chiến khu Thừa Thiên. Anh Lâu đã đón tiếp chúng bằng một bãi mìn trước mặt chiến khu. Hơn 300 tên nằm lại trên đó! Hiện nay, chúng không đủ quân bảo vệ những đồn đóng ở đồng bằng Bình-Trị-Thiên. Du kích đã bắt đầu hoạt động mạnh. Trận Đồng Dương tháng trước, tuy chỉ diệt được 11 bảo vệ quân trong trận càn đồng bằng Quảng Trị, nhưng là trận mở màn cho phong trào du kích đang lên, níu giữ từng tấc đất, chống càn của giặc. Chúng không còn ngang nhiên đi lại, như vào chỗ không người được nữa! Trong đó, bộ ba Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Hà Văn Lâu làm ăn rất khá. Có cơ phát đạt. Bọn mình ngoài này cũng đang chuẩn bị một đợt rèn cán chỉnh quân, gửi quân vào tiếp sức với trong đó. Giặc càn đến đâu, du kích đánh đó. Hăng đấy! Nhưng chưa có quy củ, bài bản gì cả. Cũng như tuyên truyền, xông xáo đấy! Nhưng chỉ có thuộc lòng bài ba giai đoạn của Hải Triều mà thôi! Khô như ngói rang. Phải có bài bản. Khoá bồi dưỡng văn nghệ khu này, theo mình hiểu cũng là một kiểu "rèn cán chỉnh quân" bên văn đó. Phải có màu sắc văn nghệ vào tuyên truyền mới uyển chuyển, sinh động, ôm nhẹ vào lòng người cứ như không. Điều kiện cho phép, tình thế đang cần, các ông cứ việc "rèn cán chỉnh quân" của các ông đi!

  Thầy Mai tủm tỉm:

  - Vậy mới phải bàn với anh, "Cán" của chúng tôi nằm trong quân đội của anh khá nhiều, văn: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, hoạ: Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc, kịch: Chu Ngọc, Bửu Tiến...

  Nguyễn Sơn tiếp:

  - Bên Hải Triều cũng có một số, văn: Bùi Hiển, nhạc: Nguyễn Văn Thương... về lý luận mác-xít anh sẵn có Đào Duy Anh, Trương Tửu... tập trung cả lại, có thể có một khung giảng viên mạnh đấy!

  Nguyễn Sơn quay sang Bửu Tiến là tôi, lúc bấy giờ là một "thực khách" của ông đang ngồi chầu hẫu nghe chuyện:

  - Ví dụ: "Mệ" đây có thể phụ trách môn sân khấu, dạy cho thanh niên làm kịch.

  Tôi mỉm cười:

  - Sân khấu là cả một biển mênh mông... Tôi chỉ biết "tô tô" năm, ba sải nước gần bờ. Anh "đề bạt mạng" giảng viên cho chết tôi à.

  Thầy Mai mỉm cười, cười rất hóm:

  - "Toa" chẳng phải đã diễn kịch Lôi Vũ? Thời gian dạy học tư ở Huế, đã diễn một số kịch Pháp? Đã viết một số kịch ngắn? Không có một chút kinh nghiệm gì về sân khấu ư? "Toa" không nhớ gì về môn sân khấu đã học ở trường ư?

  - Đã xa xôi lắm rồi, thầy ạ! Và tôi buột mồm đọc lên hai câu về sân khấu cổ điển Pháp:

  "Qu'en un lieu, en un jour, une action accomplie tienne jusqu' à la fin le théâtre rempli1.

  Thầy Mai phút chốc trở lại ông giáo văn ở Quốc học ngày trước:

  - C'est du Boileau. Bien! Ce que l'on concoit bien s'énonce clairement. Et les mots pour le dire arrivent aisément2.

  - C' est du Boileau aussi

  Nguyễn Sơn cười ngặt nghẽo:

  - Thày khen trò: "Bien!", trò khen thày "Bien!". Toàn giọng thực dân! Vậy sân khấu Việt Nam, tuồng, chèo, cải lương, "mệ" có biết gì không, hay là mất gốc rồi?

  - Từ nhỏ, tôi đã được xem tuồng cung đình, ngồi trong lòng ông nội. Chòm râu giăng một tấm màn tơ trước mắt, phải vén râu ông lên mới xem rõ sân khấu. ấn tượng để lại ngày nay là hình ảnh Hồ Nguyệt Cô quằn quại trên sân khấu, sau khi bị Tiết Giao "đoạt ngọc", kết quả của ngàn năm tu luyện từ con cáo trở thành con người:

Uổng ngàn năm thâu góp báu càn khôn,
Sẩy một phút, tan tành trường phong nguyệt.

  Nguyễn Sơn cười hể hả:

  - Bài học cảnh giác cho cán bộ cách mạng đấy.

  - Hồi ba tôi ngồi làm quan ở đất Thanh Hoá này, tôi đã được xem chèo vài lần. Ấn tượng để lại là lời bông phèng của tên hề đồng của Từ Thức, tả chân cô tiên Giáng Hương, người tình mơ ước của chủ: "cô tiên trước ngực" lù lù "hai cái bàn bốc". Từ Thức ngạc nhiên: "Sao mày gọi là bàn bốc?" Hề cười toe toét: "Thế khi thầy đùa với cô tiên, thầy lấy đũa thầy gắp à? Thầy phải bốc tay chứ!"

  Nguyễn Sơn lại cười ngặt nghẽo:

  - Trí tuệ dân gian đấy! Thông minh đấy! Hiện thực trần trụi, không có mỹ từ nào, không có vòng vèo nào che giấu được. Nhưng văn nghệ không phải luôn luôn thẳng thừng như thế. Khi bóng bẩy: "Uổng ngàn năm thâu góp báu ngàn khôn". Khi thẳng thừng: "Trước ngực cô tiên hai bàn bốc...". Vấn đề là đúng chỗ, đúng lúc... Không nói đến Boileau nào xa xôi, cứ Hồ Nguyệt Cô, cứ "bàn bốc", cứ "Từ đưa phu tướng, bao kiếm sắc phong lên đường" mà giảng! Sân khấu dân tộc đó! Bơi "tô tô" cũng bị sặc nước như thường. Nhưng giảng viên cũng tập bơi thêm với học viên, từ "tô tô" sang brasse, sang crawl, càng xa, càng tốt. Cũng là một dịp lại soát lại cái vốn hiểu biết của mình. Thấy còn ít thì học thêm, cùng với học viên, học thực tế, học kinh nghiệm, học sách vở... Giảng chỉ là nói chuyện, là trao đổi với học viên. Biết một nói một, chủ yếu là kinh nghiệm của bản thân đã làm. Đừng phiêu lưu vào cái chưa biết, không biết. Thực sự cầu thị. Thành tâm trao lại cho thanh niên cái vốn hiểu biết của mình, dù còn rất ít ỏi so với cái biển mênh mông của văn nghệ, lắm luồng lạch, nổi chìm. Phiêu lưu dễ chết chìm lắm.

  Anh bỗng quay sang thầy Mai nói: Các anh còn cái ông làm thơ "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" nữa kia mà!" Thầy Mai: "Xuân Sanh! Anh mới về nước mà cũng chịu khó đọc nhỉ? " Nguyễn Sơn: "Cái dạo mình phải giấu mặt mấy thằng Tàu vàng, theo lệnh ông Cụ nằm bẹp dí một chỗ và xa nước lâu ngày, nhớ nước quá nên cứ vớ được sách nào đọc sách ấy. Chỉ văn nghệ mới phản ánh được bộ mặt của đất nước, nên đọc bạt mạng, đọc nghiến ngấu, đọc "Đáy đĩa"... cũng như đọc: "Hương thời gian thanh thanh - Màu thời gian tím ngát".

  Thầy Mai: "Đoàn Phú Tứ! Anh có hiểu loại thơ đó nói gì không?"

  Nguyễn Sơn tỉnh bơ: "Không! Dùi đục chấm nước cáy như mình làm sao hiểu nổi những cái vặn vẹo của thứ văn nghệ "hũ nút" đó được! Không hiểu nhưng cũng nhơ nhớ: Nó thanh thoát, nó lâng lâng như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng nước chảy. Nói gì với mình, cụ thể? Không hiểu nổi. Nhưng nó lung linh như một khúc nhạc thiều..., nó chập chờn như một bóng Liêu Trai!" Rồi bỗng nhiên ông nhảy cẫng: "À! Cái nhóm Dạ Đài đó có đi kháng chiến không?".

  Thầy Mai: "Hiện họ đang ở khu Ba!"

  Nguyễn Sơn: "Cái anh chàng "ba mươi năm trên vai mà trống không bình sinh" đó, nay với cách mạng, đã thấy cái to lớn của dân tộc, có lấy được cái trống không bình sinh đó chưa?"

  Thầy Mai: "Vũ Hoàng Chương đang ở khu Ba!".

  Nguyễn Sơn: "Rủ về đây! Vực dậy mà đánh thực dân! Này, cái chính sách Liên hiệp của ông Cụ hay tuyệt đấy!

Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công!

  Cái ông "Màu thời gian tím ngát đó đã vào Quốc hội phải không? Đoàn kết với ông "Màu thời gian", đoàn kết với ông "Lá vàng bay ngổn ngang", đoàn kết với ông "Bướm trắng". Rủ về! Cách mạng chứa được tất cả! Mỗi người một tính, một nết, miễn đồng ý chung một điểm: Đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho nước nhà. Chưa đồng ý rồi sẽ đồng ý... Cái "Mệ" hoàng gia ngồi đây (chỉ Bửu Tiến) là hiện thân của chính sách Liên hiệp của ông Cụ. Đoàn kết thực sự, chân thành, từ đáy lòng của người cộng sản Việt Nam! Đừng ai dại dột nghĩ rằng đó chỉ là chiến thuật trong một giai đoạn ngắn, mà là cả một chiến lược lâu dài trong công cuộc giành lại độc lập còn khá lâu dài gian khổ..., trong công cuộc xây dựng đất nước sau đó, một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, đứng ngang hàng các nước trên thế giới, còn lâu dài, gian khổ hơn nữa! Hiểu đó là chiến thuật, là bá đạo! Hiểu đó là chiến lược là vương đạo! Phân biệt "cách mạng thực" và "cách mạng giả" là ở điểm mấu chốt này. Lịch sử lâu dài đã chứng minh cái quy luật vĩnh cửu đó, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn...".

  Thầy Mai tủm tỉm: "Chúng ta loạn đàm rồi! Ông Cụ đã giễu cách nói tràng giang đại hải của một số cán bộ, một khi lên bục, nói say sưa, dây cà ra dây muống, đến nỗi không biết rời bục bằng cách nào nữa!"

  Nguyễn Sơn đấm vào vai thầy, nắm đấm của Từ Hải vào vai một Kim Trọng về già! Thầy Mai nhăn mặt, lùi ghế ra xa. Nguyễn Sơn: "Anh phê bình lối nói tràng giang đại hải của tôi, dẫn đi quá xa vấn đề! Tiếp thu! Tiếp thu! Nào, ta trở lui: Khoá bồi dưỡng văn nghệ khu...".

  Thày Mai đưa bàn tay sờ vai: "Tiếp thu kiểu đó cũng đau cho người phê bình!". Và họ cười hể hả với nhau. Đồng hồ gõ 11 tiếng. Kết luận đến rất nhanh: Lớp bồi dưỡng văn nghệ Khu IV đã được quyết định.

3-8-1992
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 05:02:52 pm »

Một cuộc thảo luận bổ ích

Nguyễn Thìn Xuân



  Cách mạng thành công, mở ra nhiều vấn đề mới mẻ cần phải nghiên cứu, tìm tòi và giải quyết, cả trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ cũng vậy. Tôi khó quên được một cuộc tranh luận về tuồng chèo mà tôi có cái may mắn tham dự theo học khoá I Trường văn hoá kháng chiến.
Tuồng chèo có nên để tồn tại hay không? Nhiều ý kiến trái ngược. Nhà trường chủ trương mở cuộc hội thảo về vấn đề này. Một tình tiết khá bất ngờ là chính... một vị tướng đã nhiệt tình bảo trợ và tích cực tham gia. Bối cảnh lúc bấy giờ là phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp và nguỵ quân đổ bộ vào miền tự do bắc khu Bốn hoặc nhảy dù quấy rối. Tuy nhiên, Tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Liên khu IV, một con người từng tỏ ra có hiểu biết khá sâu rộng về văn học nghệ thuật, đã đứng ra đỡ đầu cuộc thảo luận, với một hình thức tổ chức khá quy mô so với hoàn cảnh lúc bấy giờ.

  Ông Nguyễn Sơn đã mời toàn thể nhà trường lên chiến khu đóng tại rừng Sim (thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) làm hội thảo. Ông lại mời một số đoàn tuồng, chèo nổi tiếng, một số diễn viên có tên tuổi, trình diễn các vở tuồng, giải quyết một cách nghiêm túc. Sau đêm biểu diễn tới khuya giữa rừng chiến khu (dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các đơn vị bộ đội) cuộc thảo luận diễn ra rất sôi nổi nhưng cũng khá quyết liệt giữa hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng tuồng, chèo là lạc hậu, mang nặng tư tưởng phong kiến, do đó đã hết vai trò lịch sử, cần phải xoá bỏ. Thay vào đó phải mở rộng và tăng cường cho kịch nói, một loại hình nghệ thuật tuy còn mới, nhưng đã có chỗ đứng vững vàng.

  Một quan điểm khác mà người tiêu biểu chính là Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Trong bài phát biểu khá dài của mình, Nguyễn Sơn cho rằng tuồng, chèo vốn là vốn cổ riêng biệt của dân tộc, đã là vốn cổ thì cần trân trọng, giữ gìn và phát huy. Những gì mang nặng ý thức hệ phong kiến thì cần xem xét, gạt bỏ, phải "gạn đục, khơi trong". Dứt lời thuyết trình, cả hội trường vang lên những tràng vỗ tay không ngớt.
Để kết thúc cuộc thảo luận, thầy Mai, Hiệu trưởng nhà trường đồng thời là đồng chủ toạ cuộc họp đã tổng kết: "Phải bảo vệ và phát huy vốn cổ của dân tộc, tuồng chèo phải được phát huy, nhưng cần mang thêm nội dung mới cho phù hợp với tình hình mới, phải được "gạn đục, khơi trong", phải "bình cũ rượu mới".

  Cho đến ngày nay, tuy đã chuyển sang công tác ở ngành giáo dục từ lâu, nhưng những ký ức về lớp văn hoá kháng chiến như vẫn còn rất sống động và tuy không trực tiếp làm công tác văn hoá văn nghệ nhưng những gì tiếp thu được ở lò luyện "thập bát ban võ nghệ" ấy vẫn có tác dụng nhiều mặt, giúp tôi làm tốt nhiệm vụ "trồng người", nhất là trong nhiệm vụ dạy Văn ở các trường phổ thông trung học.
Hè 1993
 
 
(Trích: "Một thời để nhớ" 45 năm khoá văn nghệ kháng chiến Liên khu IV, 1947-1992)



Ngày 9-10-1948, Lễ thụ phong Thiếu tướng Nguyễn Sơn,có các vị: Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Quang, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính (Tướng Nguyễn Sơn thứ hai từ phải sang, hàng thứ nhất).

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2008, 05:16:25 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 05:04:21 pm »

Một lần gặp Nguyễn Sơn

Xuân Tửu



  ... Trường hợp tiếp xúc với Tướng Nguyễn Sơn đối với Trường Quần Tín khoá II chúng tôi có thể nói là đặc biệt thú vị: anh em mến ông không phải chỉ do những ý kiến về thời sự sâu sắc và sáng suốt, mà còn do ở thái độ trân trọng của ông đối với văn nghệ sĩ và vấn đề văn nghệ, hơn thế nữa còn do tầm hiểu biết sâu rộng của ông về mặt này. Tôi nhớ mãi chuyện không thể nào quên được sau đây:

  Hôm ấy, Tướng Nguyễn Sơn đến thăm lớp chúng tôi.

  - Nào, ông nói: vừa qua anh chị em thu hoạch được những gì, cho Sơn đọc với! Sơn cũng là một học viên như các bạn thôi, nhưng nó không đến lớp thường xuyên được, vì nó là Khu trưởng mà! Hôm nay các bạn có vấn đề gì chưa trôi xin kể lại Sơn sẽ nuốt giúp cho!

  Tại dãy bàn bên trái, một học viên đứng lên. Đó là anh Phạm Phấn:

  - Thưa Khu trưởng, chúng tôi nghe nói đồng chí lúc hoạt động ở Trung Quốc, đã có dịp nghiên cứu Tào Ngu. Nếu có thể được xin Khu trưởng nói cho anh chị em biết thêm đôi điều về tác giả ấy qua kịch Lôi Vũ!

  Không ngờ lời đề nghị bất thần ấy của anh Phấn đã đem lại cho cả lớp (và cả các thầy cô nữa chứ) mấy giờ liền nghe chuyện rất hứng thú. Tướng Nguyễn Sơn, với nhận thức sâu sắc về đấu tranh giai cấp trong xã hội phong kiến Trung Quốc, cộng với sự hiểu biết khá am tường về nghệ thuật sân khấu kịch nói, đã sôi nổi phân tích tài năng của Tào Ngu, nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong Lôi Vũ. Ông đã nói say sưa và khá tài hoa về các tính cách Phồn Y, Chu Phác Viên, Lỗ Quý, Lỗ Đại Hải... Cuộc nói chuyện hấp dẫn đến mức nghe nói sau đó có một bạn nữ đã phát biểu rằng "lúc đầu tôi chỉ muốn theo nghề viết văn, nhưng e rồi tôi còn phải làm thêm cả sân khấu hoặc điện ảnh nữa mới mãn nguyện".
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 05:07:28 pm »

Nhớ Nguyễn Sơn

Nhà thơ Hồ Dzếnh



  Mười năm về trước, cuộc kháng chiến toàn quốc mới bắt đầu, trên vườn hoa Ba Đình, Thanh Hoá, nhân dân thị xã lần lượt được dự một cuộc nói chuyện giữa trời. Người nói chuyện quay lưng lại phía "toà sứ", nâng cao tiếng nói của mình trên bể người, càng nói càng sang sảng, càng nôn nao, càng hấp dẫn. Người dân Thanh Hoá xưa nay vốn quen với cái phong vị êm ả, cách ăn nói nhẹ nhàng, bỗng bị cuốn vào những âm thanh át cả gió bể thổi lại, phấn khởi theo một câu chuyện chiến sự còn cách đây hàng trăm cây số. Nắng soi tròn bóng diễn giả trên pho tượng to, cho đến lúc hàng cây phượng kéo dài mình trên bãi cỏ lúc nào không hay. Lần đó là lần thứ nhất, Thiếu tướng Nguyễn Sơn ra mắt bà con Khu IV với một tác phong chất phác, giản dị, một lối hùng biện bén lửa vào lòng người.

  Con người đặc biệt đó mà vốn hiểu biết phong phú, thao thao trên bất cứ vấn đề gì bàn luận, quân sự, văn chương, ca kịch, âm nhạc, con người mà tính tình hào hứng đến nóng nảy, đã trở nên sống động. Với nhiệm vụ Tư lệnh Liên khu IV, ông còn là người bạn chân thành của văn nghệ sĩ.

  Và cũng chính con người chân thành, sôi nổi đó đã tạo cho giới văn nghệ Khu IV buổi cách mạng khởi sơ, những phương tiện suy nghĩ và làm việc, khuấy động không khí tản cư ban đầu thành những lực lượng hoạt động mới. Nhưng tâm hồn Nguyễn Sơn vốn là một lò lửa, một khi bốc là bốc tràn, hào hứng, là rừng rực. Do bản tính khác thường như thế, nhiều khi ông quên cả hoàn cảnh khách quan, để chỉ lăn xả vào những điều mình tin là hay, là đúng.

  Công chúng thị xã Thanh Hoá đã có lần chứng kiến cảnh diễn xuất hai vở kịch mà tác giả bị nhà quân sự Tư lệnh cho treo giò ngay giữa hai lá màn còn chưa đóng hẳn.

  Bên cạnh những hành động bột phát ấy, Nguyễn Sơn đã dám vượt giai đoạn lúc đó bằng những cử chỉ trọng đãi, ân cần "ba ngày tiệc lớn, một ngày tiệc nhỏ" nhà diễn viên lâu năm Nguyễn Đình Nghi để khai thác tinh hoa nghệ thuật chèo cổ.

  Chiến dịch bắt đầu tiếp thụ văn nghệ sĩ. Guồng máy ấn loát quân đội chuyển ầm ầm trên những trang báo chí mà Nguyễn Sơn là cây bút chính viết hàng loạt bài về chỉnh phong, chỉnh Đảng. Dầu sao đi nữa, hoạt động sôi nổi kia cũng hâm nóng được tư tưởng và cây bút, cứu nó ra khỏi cái bình tích của một an toàn khu.

  Là Tư lệnh Liên khu, tuy nhiều khi áp đảo đùng đùng những tác phẩm văn nghệ, Thiếu tướng Nguyễn Sơn vẫn vui lòng nhận những cuộc bút chiến và tranh luận trên tinh thần tự do dân chủ cao độ, duy trì triệt để những lập luận của mình, đồng thời cũng để tận lực khai triển những ý nghĩ đối lập của người khác. Những lúc chứa chan sôi nổi như thế, nhà quân sự như quên hẳn cây súng bên mình, để chỉ đắm chìm bởi những rung động sảng khoái.

  Rồi vừa dứt ra khỏi những cuộc tranh luận hào hứng, Nguyễn Sơn đã lại tiếp ngay vào công tác quân đội, một sức bền bỉ dẻo dai, không phân biệt ngày đêm, đã khắc sâu vào những ai đã gặp ông cái ấn tượng không thường về con người và sức mạnh.

  Nói, nói và viết, nói hàng giờ, viết một mạch, lời nói cháy bỏng làm rung động hàng ria mép và mái tóc cứng quăn, ở Thiếu tướng Nguyễn Sơn có những luồng lửa khích động, một sức hấp dẫn khó cưỡng lại mà lần đầu người văn nghệ tìm thấy ở một chiến sĩ quân nhân. Bằng cả hai tay đưa ra ôm và diễn xuất hình ảnh trong lời nói, Nguyễn Sơn khi đề cập một vấn đề văn nghệ - Lôi Vũ của Tào Ngu hay Kiều của Nguyễn Du chẳng hạn - không bao giờ nhớ đến thời gian ấn định cho phạm vi bài nói. Từ khi mặt trời lên đến khi mặt trời lặn, đó thường là khoảng thời gian trung bình cho một buổi diễn thuyết.

  Trải mấy chục năm đấu tranh cho cách mạng đó đây, nhà quân sự - văn nghệ Nguyễn Sơn vừa tỏ ra thấm nhuần khá sâu tinh thần dân tộc, Tổ quốc, bằng cách trả lại cho tác giả Kim Vân Kiều phần lớn chỗ ngồi xứng đáng. Giữa lúc Nguyễn Du bị gán đứng cho một lý luận sai lệch, máy móc nó làm thương tổn những ai đầy lòng kính trọng bậc tiền bối của nhân dân, Nguyễn Sơn đã đưa được ra một cô Kiều nạn nhân của xã hội phong kiến thống trị và bóc lột, nêu bật được cái chết đứng của Từ Hải, đồng thời nói được lên cái hoài bão, khao khát một cuộc đời ngang dọc của thi hào tác giả. Ít nhất thì, bên những "khuyết điểm" rải rác đó đây về chủ quan, về cá tính, Nguyễn Sơn đã phân tích được tương đối nhuần nhị và tinh vi cái kho tàng văn chương dân tộc.

  Có người cho rằng, trong thuở bình sinh, Nguyễn Sơn áp dụng lối "độc tài", "quân phiệt" vào lãnh đạo văn nghệ. Nhưng có người lại nghĩ khác hơn: Nguyễn Sơn đã gắn được, cùng với chính trị vào văn chương, quân sự vào văn nghệ. Cái tham vọng, nếu có như thế, thì cũng chỉ là tham vọng muốn xốc lên một phong trào văn nghệ cho kháng chiến nở đủ mặt, áp dụng đủ mọi hình thức tốt tươi.

  Đây đó chan hoà vào đại chúng, trong hoàn cảnh này hay trong hoàn cảnh khác, những nhà văn đã từng ở khu Bốn, quen biết hoặc công tác với Thiếu tướng Nguyễn Sơn đều chưa quên được điểm này ở người vừa khuất: lòng ưu ái mặn nồng đối với những cuộc đời lao động nghệ thuật. Lòng ưu ái đó thể hiện qua những hành động rất thân mật, cụ thể, có khi là... thiếu cả nể nang: ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu với văn nghệ để rồi... hùng hổ cắt ngang một vở kịch đang công diễn như đã nói ở trên.

  Nhưng, trên những "khuyết điểm" thông thường của một người văn nghệ, nhất lại là người văn nghệ quân nhân, sáng mãi lên một tấm lòng chân thành bên những tấm lòng nghệ thuật, kề vai sát cánh với văn chương, hiểu sâu vào tâm tình nghệ sĩ.

  Cảm thông đó trở nên một khuyến khích to lớn đối với nhà văn trên chặng đường sự nghiệp phức tạp và gian nan.

*
*     *

  Chiều hôm nay, Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã nhắm mắt vĩnh viễn.

  Trời Hà Nội vào thu, mùa thu dạt dào sức mạnh kiến thiết. Ở đỉnh cột cờ cao nhất trên Thủ đô, lá quốc kỳ mở rộng từ hai năm nay, ném mình theo gió. Xe linh cữu quàn màu cờ đỏ thắm, chầm chậm đi giữa hai hàng cây loáng nắng. Những chiếc mũ hai bên đường lần lần ngả xuống. Hà Nội rộn ràng sức sống, giới văn nghệ vững chân trên con đường hoàn thành độc lập và thống nhất Tổ quốc, ngừng lại một phút để tưởng nhớ Thiếu tướng Nguyễn Sơn.

  Bánh xe linh cữu trôi từ từ, quay những vòng lưu luyến, như muốn in rõ từng nét xuống mặt đường Thủ đô xôn xao gió nắng...

22-10-1956
 (Tài liệu do bà Hồ Dzếnh (Hồng Nhật) cung cấp)
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2008, 03:31:28 pm »

Khóc Nguyễn Sơn hay một đám tang đi không bao giờ tới huyệt*

Hữu Loan



  Nguyễn Sơn là một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Khi còn ở Trung Quốc, ông từng tham gia "Vạn Lý Trường Chinh", chỉ huy một quân đoàn tới 2,5 vạn quân. Đầu kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn làm Tư lệnh Liên khu IV.

  Ở đây, ông được bộ đội và nhân dân đặc biệt yêu mến. Người ta đã kể về ông rất nhiều giai thoại. Ví dụ như việc phong tướng cho Nguyễn Sơn, ở chợ Đà (Thọ Xuân - Thanh Hoá), Nguyễn Sơn nói vui: "Tôi là thừa tướng chứ không phải là thiếu tướng!". Nguyễn Sơn rất phóng túng ngang tàng. Khi đi công tác, ông thường đi một mình, trên chiếc xe đạp Stéc-linh, chứ không mang theo tuỳ tùng. Có lần, trên đê sông Chu, ông bấm chuông cho bà con đi chợ tránh đường. Tiếng chuông khá gay gắt. Mấy bà cự lại: "Làm gì mà hách như ông tướng thế?". Nguyễn Sơn đáp lại: "Thì tướng đấy chứ còn gì nữa!". Nguyễn Sơn cao lớn, da đen, râu hùm, hàm én. Có người ví ông với Từ Hải, ông cáu văng tục. Hách thế, nhưng Nguyễn Sơn lại rất ân cần, tình cảm với mọi người. Có lần, đang lần mò trong rừng mạn núi Nưa, ông gặp một đoàn thiếu niên lôi thôi, lếch thếch từ phía trong đi ra đang lơ ngơ tìm đường. Hỏi ra thì biết đấy là thiếu sinh quân, ông reo lên: "À, hay lắm! Ta là người lập ra Trường Thiếu sinh quân đây". Rồi ông mời mấy cậu bé vào quán ăn chè lam, uống nước chè xanh và chỉ đường cho về trường.

  Đối với anh em văn hoá văn nghệ, Nguyễn Sơn cũng ưu ái đặc biệt. Lúc ấy Ban tuyên huấn khu bộ có tới 172 người. Thấy anh em vất vả, ông ra lệnh cấp sinh hoạt phí cho lính văn nghệ gấp đôi lính thường. Trình độ văn hoá và sự hiểu biết văn nghệ của Nguyễn Sơn rất cao. Có lần ở núi Nưa, có cả giáo sư Đặng Thai Mai tham dự, Nguyễn Sơn đã nói 8 tiếng đồng hồ về Truyện Kiều.

  Đồng chí Phó Ban tuyên huấn - nhà thơ Hữu Loan - kém Nguyễn Sơn 16 tuổi, được ông coi như em út. Chính Hữu Loan đã góp phần thanh minh nhiều tiếng xấu cho Nguyễn Sơn. Khi đó có tin ra Trung ương rằng Nguyễn Sơn là người chơi bời, tiêu tốn rất nhiều công quỹ, Trung ương cử phái viên vào điều tra. Hữu Loan đã thẳng thắn báo cáo với phái viên Trung ương sự thật. Thì ra lúc bấy giờ Khu bộ có căng-tin ở khắp nơi. Cán bộ quân đội đi công tác thường ghé vào ăn và ghi sổ, họ thường ghi vào sổ của... Tư lệnh trưởng. Như thế Nguyễn Sơn vô hình chung bị biến thành Chúa Chổm! Nhân dân cũng nói luôn, anh em văn hoá văn nghệ không ai đổ nợ cho Tư lệnh trưởng cả.

  Vị tướng của chúng ta rất hiển hách, rất tự tin, nhưng cũng rất biết nghe, dẫu là lời góp ý của cấp dưới, của người trẻ.

  Năm 1948, Phòng chính trị tuyên huấn nảy ra ý định viết một cuốn sách ca tụng Tư lệnh trưởng. Chỉ sau vài ngày, các loại
văn thơ đã đưa đến. Các tác giả chủ yếu là anh em làm công tác chính trị. Hữu Loan được cử làm tổng biên tập. Cầm tập bản thảo, nhà thơ rất băn khoăn. Linh cảm mách ông rằng in tập sách này sẽ có hại cho thanh danh vị tướng mà ông quý mến. Hữu Loan mang tập bản thảo đến trình Nguyễn Sơn và nói rõ ý nghĩ của mình. Nguyễn Sơn lặng lẽ không nói gì, chắc là ông suy nghĩ rất lung. Sau đó cuốn sách ấy không được in, bản thảo cũng mất tiêu.

  Vào khoảng cuối 1949 đầu 1950, một hôm Hữu Loan vào hiệu phở, lát sau thấy Nguyễn Sơn cũng vào. Nguyễn Sơn là người ăn rất khoẻ, ông thường xơi tới ba bát phở, uống hai tách cà phê. Nhưng hôm ấy Nguyễn Sơn chỉ ăn một bát còn Hữu Loan thì làm tới hai bát. Vị tướng trả tiền cho cả hai người rồi bỗng nhắc lại câu chuyện về cuốn sách kia: "Cậu ít tuổi mà khá. Tôi chẳng sợ gì cuốn sách. Chỉ sợ điếc tai thêm. Tôi sắp đi xa. Nếu không gặp lại thì đây là lần cuối cùng".

  Quả nhiên đó là lần gặp cuối cùng của vị tướng và nhà thơ. Nguyễn Sơn đi Trung Quốc, cầm quân chí nguyện sang Triều Tiên đánh Mỹ.
Sau đó ông về nhà và mất ở Hà Nội.

  Khi Nguyễn Sơn còn sống, Hữu Loan không hề viết một lời ca tụng, thậm chí còn làm tiêu tan tập bản thảo về ông. Nhưng vị tướng đi rồi, nhà thơ đã khóc ông bằng một bài thơ phong cách rất Hữu Loan.

Vị tướng và nhà thơ:

Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ
mang giông tố đại dương đi đến đâu
            không
               cho
                  sóng
                     ngủ
Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu
là gây những đám cháy
               vòng quanh

Từ Vạn Lý Trường Chinh
Nguyễn Sơn về Liên khu Tư
những năm đầu kháng chiến
Liên khu Tư của 
         Nghệ Tĩnh lầm lỳ

và nước Liên khu Tư
đã biết thế nào là giông biển
và rừng Liên khu Tư
đã biết thế nào là cháy rừng.
Phải vì Đất như giường hẹp
Nằm thừa
         đầu
            thừa
               chân
phải vì giường không đầu
một bước đi vạn lý
Nguyễn Sơn ra đi
            không
               ai
                  ngờ...
Những thằng đại xu nịnh ngày xưa
                  trở mặt
nhưng lịch sử và thời gian
            không
               bao
                  giờ
                     phản trắc
Còn vang dội mãi rừng núi Nưa
tiếng Nguyễn Sơn
            một
               lần
                  truyền
                     hịch
còn vang dội mãi những tâm hồn
những o gái Liên khu Tư
mắt xanh màu Trường Sơn
mang trong mắt hình ảnh người
Râu - Hùm, Hàm - Én.
gần thì sợ ghê
nhưng xa thì nói
         không bao giờ hết chuyện
những gánh trống chèo
         những kèn đồng gươm gỗ
lỉnh kỉnh
gánh gồng khiêng vác
những gia đình nghệ nhân toàn gia
dắt dìu bế bồng
không chỗ nào là không tụng ca
người mê xem quân nhân văn nghệ
                  Nguyễn Sơn

Nhưng ngày 22 tháng 10
đọc báo Nhân Dân thấy đăng cáo phó
"Thiếu tướng Nguyễn Sơn
đã từ trần!"

- Thiếu tướng Nguyễn Sơn nào?
- Làm gì có mấy Nguyễn Sơn!
Đành rằng sống chết con người tại số
nhưng hình như có bàn tay
Định
   mệnh
         khốc
            liệt
               nào
đặt lên cung kiếp Nguyễn Sơn
Một cuộc đời ngắn ngủi
bao nhiêu là bất thường
bất thường đến
bất thường đi
về bất thường
chết lại càng
                 không
                       đúng lúc!

Văn nghệ sĩ bao người đã khóc
khi đọc báo Nhân Dân
            thấy cáo phó Nguyễn Sơn
Và ngày 22 tháng 10 trên khắp nẻo đường Thủ đô
một đám tang đã diễu hành
một đám tang
         cờ đỏ liệm quan tài
nấc lên màu huyết...
Một đám tang đi
         không
            bao
               giờ
                  tới
                     huyệt!


Hà Nội, 1956
----------------------------
* Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T).
[/i]
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2008, 03:47:48 pm »

Ấn tượng

X.H.



  Sẽ là một thiếu sót nếu tôi không nói đến một nhân vật độc đáo trong lớp bồi dưỡng cán bộ văn hoá văn nghệ kháng chiến Liên khu IV này: Thiếu tướng Nguyễn Sơn.

  Ông là nhà quân sự không những rất say mê văn học mà lại có nhiều am hiểu khá sâu sắc về văn học và nghệ thuật. Thực ra công việc của ông là Tư lệnh trưởng Quân khu IV mà Quân khu bộ lúc đó đóng gần vùng Sim. Thỉnh thoảng, ông lại cưỡi ngựa hoặc đạp xe đạp, không có bảo vệ đi cùng từ Quân khu IV sang "trường văn hoá" (chúng tôi thường gọi tắt như vậy cho tiện) để thăm các thầy là các văn nghệ sĩ ưu tú của cả nước tập trung về, đồng thời để nói chuyện ngoại khoá với cánh trẻ chúng tôi về văn học Trung Quốc và cả về những vấn đề lý luận văn học nói chung nữa.

  Ở giữa khoá, một lần, lớp đã tổ chức phê bình một số bài thơ "có vấn đề". Ông đã sang dự và đã "quạt" một trận bài thơ "Khủng bố", trong đó tôi miêu tả sự tàn ác của giặc Pháp đã giết hại một lúc hơn ba trăm người trên cầu xe lửa gần ga Mỹ Trạch, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Bài thơ nặng về tả thực hơn là đặt ra vấn đề. Dạo đó, tôi đã có lý luận gì đâu, chỉ sáng tác dưới dạng bản năng, cách biểu hiện còn chịu nhiều ảnh hưởng của phương pháp tự nhiên chủ nghĩa. Ông Sơn đến, trực tiếp phân tích, mổ xẻ phê phán bài thơ của tôi như là một biểu hiện không thể chấp nhận được của phương pháp tự nhiên chủ nghĩa. Ông nói: "Một tác phẩm nói về tội ác của giặc phải gợi lên cho được lòng căm thù chớ không phải gây cho người đọc tâm lý sợ hãi trước sức mạnh về vũ khí của địch...". Còn nhiều và nhiều hơn nữa, tôi không làm sao nhớ hết! Nhiều anh bạn trẻ xem chừng xanh mắt trước sự tức giận thực sự của người chỉ huy quân sự sính văn học. Ông vốn dữ tướng: "Râu hùm hàm én" như kiểu Từ Hải. Giọng ông to... Ông lại thích hét gào lên một cách dữ dội trong khi phê phán sự kém yếu của tác phẩm. Tôi hoang mang thực sự không hiểu mình sẽ rút kinh nghiệm như thế nào đây, tan buổi nói chuyện, Minh Huệ gặp tôi cứ che miệng cười rúc rích: "Cậu đã thấy cụ Nguyễn Sơn nhà ta chưa? Ông ta nói chuyện văn học mà như đang đánh nhau thực sự với một kẻ địch vô hình trước mắt". Tôi vẫn cố tình chống chế, vì biết là mình chưa thông: "Mình chịu ảnh hưởng của Vích-to Huy-gô ấy mà! Trong "Những sự trừng phạt" ông ta còn nói dữ gấp mấy!".

  Thật ra, phải nói là lúc ấy tôi còn quá ấu trĩ. Ông Nguyễn Sơn đã nói đúng về cơ bản. Nhưng thái độ của ông dữ dội quá, điều mà dạo ấy với tất cả sự nhạy cảm tiểu tư sản của mình, tôi đã không chịu nổi và có sự phản ứng ngấm ngầm từ bên trong. Bây giờ đến lượt bài "Quê tôi", tôi cũng bị mang tiếng là "còn mang những tình cảm nhớ thương một cách uỷ mị của tư tưởng tiểu tư sản". Đành vậy thôi. Nhưng cái túi thêu phần thưởng cũng đã về tay tôi trong sự yêu mến đầy lòng ưu ái của thầy Vũ Ngọc Phan và của khá nhiều thầy giáo và các bạn bè cùng khoá, thế là được rồi!

  Nhưng với Thiếu tướng Nguyễn Sơn, có lẽ ấn tượng đậm nét nhất ở trong tôi là buổi bế mạc hội diễn quân sự ở vùng Sim trong những ngày hè năm 1948 nắng gắt như đổ lửa ấy.

  Để biểu dương lực lượng và tuyên truyền sức mạnh quân đội ta, mùa hè 1948, Quân khu IV đã tổ chức Đại hội tập trong ba ngày. Có diễu binh, biểu diễn các hình thức luyện tập hành quân và các cuộc thi điền kinh. Trong thời gian đó, có dành một buổi sáng cho Tư lệnh trưởng Nguyễn Sơn nói chuyện, đồng thời làm lễ trao huân chương chiến thắng các loại cho một số đơn vị và cá nhân trong Quân khu bốn.
Chúng tôi được nhà trường cho nghỉ học một ngày để sang Sim xem Đại hội tập (không biết có phải do có sự gợi ý của Tư lệnh trưởng Quân khu IV với Ban giám hiệu nhà trường hay không). Đúng là có không khí thượng võ với việc thao diễn và thi tài binh sĩ trong các ngày lễ hội truyền thống hôm qua. Hội tập đã tập trung về cả những đơn vị đang đánh địch ở Bình-Trị-Thiên. Mỗi trung đoàn chỉ cần cử một đơn vị xuất sắc cũng đủ mang cái không khí chiến trường ra với vùng tự do ngoài này.

  Chiều bế mạc hôm ấy là một chiều thật vui, nhưng hầu như tôi không để ý mấy vào diễn biến của buổi lễ. Tan lễ bế mạc, tôi ra về thật nhanh, lòng bồi hồi nôn nóng. Chính trong tâm trạng đó, qua khúc quẹo của một con đường mòn men sườn đồi, tôi đã bắt gặp Thiếu tướng Nguyễn Sơn đang cùng người vợ của mình trên mình ngựa trở về chỗ đóng quân. Với ai chứ với vị tướng soái này, việc đó không làm tôi ngạc nhiên. Người ta từng đồn đại về cách đi xe đạp của vị Tư lệnh trưởng ngang tàng, phóng đãng này: gặp chướng ngại vật trước mắt, không bao giờ ông chịu xuống xe để dắt mà bằng mọi cách, từ trên yên, ông vẫn lèo lái cho xe qua được. Ông thường đi chiếc "xe đạp đua" bằng đuya-ra rất nhẹ, tay lái bẻ quặp xuống. Nếu cần, ông nhấc bổng cả người lẫn xe băng qua rãnh một cách nhẹ nhàng không cần phải làm động tác xuống xe để lại lên xe rườm rà mất thời giờ. Nguyễn Sơn là như vậy. Còn bây giờ ông đang cùng người vợ trẻ, thong thả buông cương cho ngựa đi về doanh trại trước mắt quân lính và người đi xem hội về.


  Không hiểu sao, cái ấn tượng ấy về Nguyễn Sơn đến nay vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi: một con người dữ dội, ngang tàng, mà lại vô cùng hào hoa phong nhã như một thứ Từ Hải được hồi sinh trong cách mạng! Và tôi cảm thấy yêu mến con người không câu nệ về sự gò bó ấy mặc dầu đã hơn một lần, ông ta từng quạt tôi ra trò.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2008, 03:57:45 pm »

Kỷ niệm về mái trường thân yêu

Nguyễn Thị Kim



  Sau hai đêm vợ chồng tôi cùng anh em Ban Kịch "Hoa Lan" biểu diễn vở Lôi Vũ ở Nhà hát kịch Hà Nội. Bên ngoài tiếng xe cơ giới gầm rú và đó đây tiếng súng của giặc Pháp nổ vang. Ngay khi đó anh Phạm Văn Đôn được lệnh đưa đoàn rút ra ngoại thành và gấp rút thành lập một đoàn tuyên truyền kháng chiến lấy tên là "Đoàn Giải Phóng" do Tổng đoàn thanh niên Việt Nam lãnh đạo. ở ngoại thành được ít ngày, đoàn kéo về Hà Đông lấy nhà Séc1 "Lạc đạo" làm nơi dựng kịch, luyện tập ca hát, các hoạ sĩ thì vẽ tranh, bích báo, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ.
Cùng lúc này, các cơ quan của Trung ương cũng đang bận rộn chuyển hết lên chiến khu, thì một buổi chiều tối, tiếng súng nổ ran, lập loè sáng cả chân trời phía Hà Nội, thủ đô yêu dấu. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Ngay đêm hôm 19 tháng 12 ấy chúng tôi di chuyển lên Sơn Tây cho xa mặt trận. Đến Sơn Tây, đoàn tạm trú tại Trường Quân Chính Trung ương. Rất may là Hiệu trưởng lúc này là Tướng Nguyễn Sơn mà tôi được nghe kể về ông rất nhiều, về tài hoa văn - võ song toàn, về những kỳ tích trong Vạn lý trường chinh ở Trung Quốc trước đây. Ông đón đoàn niềm nở, chăm sóc nơi ăn chốn ở chu đáo, giữ đoàn lưu lại ít ngày biểu diễn phục vụ cho học viên. Khi ông biết là chúng tôi chưa liên lạc được với Tổng đoàn, ông đã giúp đoàn một phông màn kaki và một chiếc xe bò nhỏ để thanh niên trong đoàn chuyên chở phông màn, hành lý và mấy cháu nhỏ con các chị Trúc Quỳnh, Minh Châu, v.v...

  Sau mấy tháng vất vả, tự túc đi biểu diễn trên nhiều địa phương thì bắt được liên lạc với Tổng đoàn và lập tức công tác của chúng tôi hướng dần về phía Bắc Cạn, nơi đây lúc này là thủ đô của cuộc kháng chiến. Các cơ quan Trung ương đến đóng rải rác trong rừng, quanh thị xã. Đoàn kịch cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, gặp lãnh đạo Tổng Đoàn. Đồng thời chỉnh đốn mọi việc cho công tác mới.
Bỗng một buổi sáng, Tướng Nguyễn Sơn lại gặp chúng tôi ở ngôi nhà sàn phố chợ Trâu cuối thị xã, không ngờ lại được gặp anh, cả đoàn xúm quanh trò chuyện vui vẻ. Anh cho biết anh phụ trách Bộ tư lệnh Liên khu IV ra Hà Nội họp và có ý muốn mời chúng tôi vào để tổ chức một đoàn tuyên truyền văn nghệ phục vụ cho các đơn vị và nhân dân Liên khu.

  Cả đoàn rất cảm động và trân trọng tình cảm tốt đẹp của anh, nhưng lúc này đoàn là một bộ phận của Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam thì làm sao mà chúng tôi tự quyết định được, nên nhà tôi, anh Phạm Văn Đôn, trưởng đoàn lúc đó thưa với anh là xin ghi nhận tấm chân tình của anh và hứa nếu có dịp thuận tiện sẽ đền đáp nghĩa tình đã có từ những ngày đầu kháng chiến ở Sơn Tây.

  Ở đời có những sự bất ngờ rất kỳ lạ, nó gần như có bàn tay của số mệnh đã an bài, nhất là trong chiến tranh, thì sự may rủi xảy ra không ai lường trước được, vì chỉ ít ngày sau khi gặp Tướng Nguyễn Sơn, giặc Pháp nhảy dù vào bao vây Bắc Cạn. Chúng tôi vội thu lượm hết giấy tờ rút khỏi vòng vây và suốt 12 ngày đêm rút về phía chợ Chu, Thái Nguyên. Đúng lúc này địch tràn lên Vĩnh Yên đóng nhiều đồn bốt và liên tục hành quân càn quét. Một số anh chị không vướng víu gia đình đã rời đoàn về Khu X và ngược lên Việt Bắc. Đoàn chỉ còn lại phần lớn các anh chị và các cháu nhỏ len lỏi trong các khu rừng trám, dứa, tình thế vô cùng vất vả khó khăn thì cũng lúc này đoàn nhận được công văn của Tổng đoàn triệu tập vợ chồng tôi về cơ quan và tuyên bố giải tán đoàn kịch Giải phóng.

  Thấy không thể để số anh chị em và các cháu nhỏ bơ vơ giữa vùng địch đang liên miên càn quét, đồng thời trong tay lại có công văn giải tán đoàn, nên anh Phạm Văn Đôn tập hợp những người còn lại và đề nghị tất cả cố gắng vượt qua vùng địch, trở vào cống Thuần, chợ Đại và đi dần vào Khu IV, thực hiện lời hứa với Tướng Nguyễn Sơn khi gặp nhau ở Bắc Cạn.

  Mấy tháng trước tôi cũng vừa sinh cháu nên khi nhập ngũ, các đồng chí lãnh đạo nhất trí đưa tôi về dạy ở Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, vì hoàn cảnh của tôi lúc này không thể theo đoàn tuyên truyền "chiến sỹ" luôn di động phục vụ các đơn vị và đồng bào cả Quân khu được.

  Đó là lý do tại sao đoàn kịch "Giải phóng" có cơ hội vào Khu IV và riêng tôi ở lại có tổ ấm mới là Trường Thiếu sinh quân với các giảng viên khác. Các đồng chí lãnh đạo và Tổng đội nhà trường phụ trách sinh hoạt cùng các em Thiếu sinh quân lúc đó, cộng với tình nghĩa sâu nặng của đồng bào địa phương đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm tốt đẹp.

  Tôi rất nhớ, mỗi lần di chuyển địa điểm, nhà trường phân công mấy đồng chí đưa mẹ con tôi đến địa điểm mới trước, ở đấy đã được chuẩn bị chu đáo. Các chú Thiếu sinh quân đã nắm được quy luật này nên ba lô cùng các dụng cụ học tập các em đã gọn gàng để khi tiếng còi tập hợp là sẵn sàng lên đường.

  Ở nơi đóng quân, cứ chiều chiều các em lại cùng các con tôi chơi đùa với các em thiếu nhi địa phương. Vui nhất có lẽ là những buổi bác Nguyễn Sơn đến thăm trường. Bác hay tóm mấy chú bé nhất, cọ vào má em bộ râu Từ Hải bờm xờm, làm các em rú lên chạy toán loạn cùng tiếng cười vang vang sảng khoái của vị tướng hào hoa phóng khoáng quện lẫn mùi thuốc lá thơm thoang thoảng.

  Công việc của tôi là dạy các em học vẽ. Các em học rất say mê thích thú, các em tự ngồi cho các bạn vẽ thay phiên nhau. Sau này một số em lớn lên tiếp tục ở các trường chuyên nghiệp và đã trở thành những họa sĩ có vị trí trong ngành nghệ thuật tạo hình của nước ta.

  Năm 1951, vợ chồng tôi rời quân ngũ tham gia giảm tô và cải cách ruộng đất. Năm 1953, tôi trở lại công tác ở Việt Bắc. Đến năm 1960, khi tôi được cử sang Liên Xô thực tập trên đại học tại Viện hàn lâm mỹ thuật Rêpin ở Lêningrat (nay là St Petecbua). Trong một buổi họp các sinh viên, thực tập nghiên cứu sinh Việt Nam, nhân dịp đồng chí Nguyễn Chí Thanh qua Liên Xô, chúng tôi đến nghe nói chuyện về tình hình trong nước. ở đây, không ngờ tôi được gặp lại mấy chú Thiếu sinh quân khi xưa, nay đang được bạn đào tạo ở một học viện quân sự cao cấp. Các em lúc này đã là những quân nhân cao lớn trong bộ quân phục sĩ quan hiên ngang. Cô cháu lại gặp nhau vui mừng đến rơi nước mắt, cùng ôn lại kỷ niệm xưa ở Quân khu IV thấm thoắt đã bao năm trôi qua.

  Cuộc sống trôi qua nhanh, các em xưa kia nay đều đã trưởng thành, nhiều em vẫn tiếp tục trong quân ngũ và đã có những em hy sinh anh dũng ngoài mặt trận, đặc biệt một số không ít đã giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan của Đảng, của Nhà nước, cùng các em khác công tác ở các ngành khác nhau trên mọi miền đất nước, đóng góp với Tổ quốc nhiều cán bộ vững vàng có uy tín trên mọi mặt. Vì địa bàn phân bố công tác của mọi người quá rộng nên khó có thể liên lạc với nhau được, nhưng một số anh em có hoàn cảnh gần nhau như các nhóm ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Nghệ An, Hà Nội vẫn thường xuyên tạo cơ hội gặp mặt hoặc thông tin cho nhau biết về công tác, đời sống của các anh chị em khác tản mạn trong cả nước.

  Đến nay, qua mấy chục năm, tới khi có sáng kiến của một số cán bộ và học viên cũ với sự tán thành và tạo điều kiện của đồng chí Chính uỷ quân khu khi xưa - Thượng tướng Trần Văn Quang đã cùng anh chị em tổ chức được mấy lần họp mặt đông vui, cảm động, nhưng dù sao cũng vẫn không thể có mặt tất cả nên kỳ họp nào cũng có quay băng ghi hình để các anh chị không có hoàn cảnh về họp vẫn có thể trông thấy nhau và phần nào có chút cảm giác cùng vui chung với tất cả mọi người.

  Ngày nay người trẻ nhất tóc cũng đã hoa râm, nhiều người tóc đã bạc trắng, một số vĩnh viễn không còn gặp lại, nhưng trong tình cảm của mọi người không bao giờ vắng bóng Nguyễn Sơn, cùng những kỷ niệm không bao giờ phai mờ, vượt trên tất cả tuổi tác, thời gian và số phận.

Hà Nội, tháng 12 năm 1994
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM