Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:38:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại  (Đọc 123931 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TQNam
Thành viên
*
Bài viết: 1267


« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 08:02:56 am »

Kỳ 4: Lặng thầm như đất

TT - Những câu chuyện về sự hi sinh cả một tập thể của TNXP thường có những huyền thoại. Và hơn thế, những huyền thoại ấy được lòng ngưỡng vọng và yêu quý của người đang sống. Những câu chuyện như thế có thể nghe ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), hang Tám Cô trên đường 20 - Quyết Thắng (tây Quảng Bình)... Và ở Truông Bồn cũng vậy. Sự thật về sự hi sinh ngày ấy của các nữ TNXP có những huyền thoại mà nhiều chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn ngày ấy vẫn thường kể. Một hình ảnh vừa đẹp, vừa lãng mạn, vừa không kém phần khốc liệt.

 
Huyền thoại “cọc tiêu sống”

Đó là đêm đêm khi vượt qua cung đường Truông Bồn nguy hiểm, ôtô không được bật đèn pha, không được bật cả đèn gầm vì tránh để đối phương phát hiện. Đi mò mẫm trong đêm với hàng cọc tiêu quét vôi trắng mờ mờ hai bên đường làm lộ giới. Nhưng với mật độ đánh phá ác liệt, không cọc tiêu nào chịu đựng nổi, tất cả đều bị xóa sạch. Và khi ấy, những cô gái TNXP tự mình biến thành những “cọc tiêu sống” với mảnh vải dù trắng khoác trên vai, đứng thành hàng trong đêm để các chiến sĩ lái xe nương theo dấu hiệu ấy mà đi.

 
Không biết có hư cấu quá không khi có nhà văn trong một câu chuyện về những nữ TNXP đã kể rằng trên những tuyến đường năm ấy, có đoàn xe được lệnh hành quân khẩn cấp thoát qua cửa tử, trên trời máy bay quần đảo, cả những mảnh dù trắng khoác làm cọc tiêu cũng bị bom hất đi. Và thay cho mảnh dù trắng, các cô gái đã dùng chính làn da con gái trinh bạch của mình để làm tín hiệu trắng giữa bốn bề màn đêm!

Hỏi chị Trần Thị Thông sự thật về những đêm làm “cọc tiêu sống” ở Truông Bồn ngày ấy, mới hay chuyện làm cọc tiêu cũng lắm điều thú vị. Ban đầu các chị dùng cọc gỗ, nhưng rồi gỗ cũng không đủ cung cấp, chị em sáng kiến lấy lõi thân cây chuối, bóc lấy bẹ trắng rải dọc theo mép đường hằng đêm. Nhưng từ tháng này qua tháng khác, triền miên bom đạn như vậy thân chuối cũng không còn bởi làng xóm cũng bị bom đánh tan nát. Và chính các chị, với những chiếc áo lá màu trắng đã hóa thân làm “cọc tiêu sống” đêm đêm, như một thách thức can trường với đạn bom.

Trong hàng vạn hình ảnh ấn tượng về cuộc chiến tranh nhân dân suốt mấy chục năm cho đến ngày thắng lợi, có lẽ hình ảnh những cô gái bất chấp đạn bom gầm réo, đem thân mình làm cọc tiêu trắng đêm đêm cho đoàn xe ra mặt trận là một trong những hình ảnh có tính biểu tượng bất khuất hơn cả. Và cũng nhờ những “cọc tiêu sống” ấy mà hàng vạn chuyến xe đã chở quân, chở hàng vượt qua trọng điểm Truông Bồn an toàn.

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình”

Những ngày ở Đô Lương, Yên Thành (Nghệ An), tìm về gia đình các liệt sĩ ngã xuống ở Truông Bồn, chúng tôi chợt nhận ra sự hi sinh của mỗi người trong số họ thật lớn lao. Loanh quanh gần một buổi sáng chúng tôi mới tìm ra nhà ông Vũ Đình Liêu ở xã Tăng Thành.

Ông Liêu là em ruột liệt sĩ Vũ Thị Hiên. Là chị cả trong nhà, chị Hiên ngày ấy rất xinh đẹp và có năng khiếu văn nghệ. Hồi học cấp II, khi nào chị cũng đóng vai Bà Trưng. Kể về sự hi sinh của chị Hiên, ông Liêu cứ ngậm ngùi: “Ngày chị ấy hi sinh tôi còn nhỏ, chỉ nghe bố kể là sau trận bom, mọi người chỉ tìm thấy một cánh tay của chị. Biết được đó là cánh tay của chị Hiên bởi trên cổ tay còn buộc chặt chiếc khăn tay, trong khăn gói ghém mấy cái tem gạo và giấy gọi nhập học trường trung cấp y tế, nhờ tên chị Hiên ghi trong tờ giấy của trường mà mọi người nhận ra cánh tay đứt lìa ấy!

Liệt sĩ Phan Thị Dung ở Hợp Thành cũng vậy. Mấy anh chị em ruột chị Dung nay làm ăn sinh sống xa quê hương, di ảnh chị được thờ ở nhà thờ bổn tộc. Từ Yên Thành, chúng tôi nối điện thoại liên lạc với người em trai của chị Dung đang công tác trong ngành dầu khí ở Vũng Tàu. Người em trai của chị cho biết trước khi hi sinh một tuần, chị Dung được cho về nhà chuẩn bị đồ đạc rồi quay lại đơn vị chia tay trước khi tựu trường. Rồi chị mãi mãi không về nữa.

Chị Trần Thị Doãn ở Sơn Thành thì chỉ hai hôm trước khi hi sinh do không về nhà được để thu xếp hành trang đi học, mẹ chị đã sắp xếp quần áo, rang thêm mắm muối, gói ghém lặn lội mang vào đơn vị cho cô con gái yêu để mấy hôm sau từ đơn vị chị Doãn có thể yên tâm về thẳng thành phố Vinh nhập học. Càng nghe kể về những mơ ước, khát vọng, dự tính của những anh chị em TNXP Truông Bồn trước lúc hi sinh càng thấm thía sự hi sinh lặng thầm như đất vì tuyến đường Truông Bồn. Và với những hi sinh như thế, câu chuyện Truông Bồn càng cần được nhắc nhớ với hôm nay nhiều hơn, như một câu thơ của Thanh Thảo: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?)/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc!

Không chỉ có sự hi sinh của người nằm xuống trên những cung đường ra trận. Đất nước hòa bình, về lại với đời thường rất nhiều anh chị em TNXP ngày ấy vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Và khi gặp họ rồi, những ngỡ cái điều khiến tất cả mọi người âu lo, day dứt sẽ là cuộc sống với bao khó khăn mỗi ngày nơi đồng ruộng quê hương mà những cựu TNXP vẫn ngày ngày đối mặt, nhưng hóa ra không phải thế! Điều tất cả đau đáu nhất vẫn là nỗi khắc khoải về những đồng đội mình đã ngã xuống. Giống như chị Thông đã tâm sự với chúng tôi trong lần đầu trò chuyện là khao khát làm sao cho anh linh những liệt sĩ được siêu thoát. Những người đã mang tuổi trẻ ra trận, khi hi sinh không tìm thấy thi thể, nay phụng thờ không có di ảnh và có liệt sĩ không còn thân nhân để thờ tự. Còn sự hi sinh nào lớn hơn thế?

Sự hi sinh làm lay động lòng người.

Sự kiện Truông Bồn xảy ra khi tôi mới 12 tuổi. Nhưng hình ảnh những người lính lái xe, dân quân tự vệ, giao thông vận tải, đặc biệt là những cô gái TNXP thời đó đã bồi hồi hiện lên khi tôi đọc từng trang viết thật ấn tượng đang đăng trên Tuổi Trẻ.

Hồi đó, con đường ác liệt phải chạy rẽ qua làng tôi. Nhà tôi là một trong nhiều nhà dân có các cô TNXP đến ở. Tôi không thể quên có đêm các cô bất chấp bom đạn, mặc áo trắng để làm “cọc tiêu sống” cho hàng ngàn chuyến xe đi vào Nam. Vực Chỏng là một trong bốn trọng điểm ác liệt cùng với trọng điểm Truông Bồn. Mùa mưa lũ, nước dâng ngập vực Chỏng, ngày nào quần áo các cô cũng ướt đầm. Vì thế, các cô thường mặc chung quần áo của nhau miễn người nào đó có dư một bộ quần áo khô. Rồi bất ngờ các cô hi sinh, vùi trong đất đá. Đó là sự hi sinh cao cả, làm lay động ký ức tôi không chỉ đến bây giờ.

Từ Truông Bồn, tôi lớn lên, đi xa, trở thành chủ doanh nghiệp. Việc công ty chúng tôi đóng góp 1 tỉ đồng để tỉnh Nghệ An xây dựng di tích lịch sử Truông Bồn chỉ mới là bước đầu, vì tôi nghĩ Truông Bồn quê hương sẽ là kỳ tích cho đời sau bởi nó gắn với sự hi sinh bi hùng của nhiều lực lượng, trong đó có cuộc đời trẻ trung của các cô TNXP Nghệ An.

NGUYỄN BÁ THI
(chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - SABECO)



LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN

_____________________________

Đối với rất nhiều cựu TNXP khắp Yên Thành, ký ức chiến tranh khốc liệt quá, bi tráng quá nên khi bước ra từ hôm qua, họ nhìn những khó khăn hôm nay không còn là khó khăn nữa. Chỉ còn nỗi khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội hi sinh.

Kỳ tới: Không sợ cực, chỉ sợ lãng quên!
Logged
TQNam
Thành viên
*
Bài viết: 1267


« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2008, 07:33:41 am »

Kỳ cuối: Không sợ cực, chỉ sợ lãng quên!

 
TT - Tin tập thể 14 chiến sĩ TNXP của đại đội 317 - Tổng đội TNXP Nghệ An - được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm 40 năm ngày các anh chị hi sinh tại Truông Bồn đã bay nhanh khắp vùng Đô Lương, Yên Thành. Đó là sự tưởng niệm và vinh danh xứng đáng của đất nước với những người con đất Nghệ An. Truông Bồn không còn là câu chuyện của riêng 13 liệt sĩ TNXP đại đội 317 nữa.


Nỗi niềm đồng đội

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tâm Cớn, một cựu TNXP của đại đội 317, nay là chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Thành. Những năm tháng ở Truông Bồn ông Cớn là tổ trưởng tổ phá bom của đại đội 317. Không hiểu sao thời đó tên Nguyễn Tâm Cớn của ông được anh em thay chữ đệm bằng chữ “Bích” - Nguyễn Bích Cớn! “Tổ phá bom Nguyễn Bích Cớn” lừng danh tuyến đường 15A, vang tên trên khắp các báo, đài trung ương. Hôm xảy ra trận bom 31-10 ấy, khi máy bay ngớt oanh tạc, chính ông Cớn và đồng đội trong tổ đã lao vào rà phá bom từ trường để đảm bảo an toàn cho đơn vị, sau đó đào bới tìm kiếm thi thể mọi người.

Hòa bình, ông Cớn mang mẫu số chung gian khó của hầu hết cựu TNXP trở về. Trong căn nhà nhỏ và ẩm tối ở xã Liên Thành, ông Cớn lật cuốn sổ tay của mình. 127 chiến sĩ của đại đội 317 ngày ấy nay chỉ còn 70 người. Mỗi cựu đội viên đều được ông ghi chi tiết hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú. Dường như đã đi qua những năm tháng khốc liệt, chịu đựng quá nhiều thử thách của chiến tranh nên cũng như chị Thông, ông Cớn luôn xem mỗi ngày bình yên, không đạn không bom, được thanh thản đi thăm bạn bè đã là hạnh phúc.

Còn bữa cơm nghèo mỗi ngày hay căn nhà ọp ẹp với ông không là điều gì khó nhọc. Như rất nhiều đồng đội cựu TNXP khác khắp Yên Thành mà ông đưa chúng tôi đến thăm, ký ức chiến tranh khốc liệt quá, bi tráng quá nên khi bước ra từ hôm qua, họ đã nhìn những khó khăn hôm nay không còn là khó khăn nữa.

Ông Cớn đưa chúng tôi về Sơn Thành thăm ông Nguyễn Xuân Thỏa, nguyên đại đội trưởng 317 TNXP, nhưng ông Thỏa đã về bệnh viện ở Vinh. Ghé sang Vĩnh Thành thăm bà Phạm Thị Thuần, cũng là cựu TNXP của Truông Bồn, rồi bà Nguyễn Thị Hương ở Lăng Thành, ông Nguyễn Văn Tải ở Thọ Thành...

Nỗi niềm đau đáu nhất bây giờ của họ không là những khó khăn mưu sinh thường nhật mà là nỗi khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội hi sinh. Tâm nguyện của ông Cớn khi đưa chúng tôi về thăm những cựu TNXP Truông Bồn xưa cũng chỉ để cho chúng tôi biết nhiều nỗi niềm tâm tư của anh chị em 40 năm rồi vẫn còn day dứt lắm.

Thông điệp máu xương

Bà Thuần từng là tiểu đội trưởng đại đội 317. Tìm đến nhà, bà ra ruộng chưa về. Ông Cớn bảo: “Bà này khổ lắm, không có cả giường mà nằm!”. Rồi ông tất tưởi ra ruộng tìm. Một lúc sau bà Thuần về. Khi bà Thuần mở liếp cửa để lách vào nhà, chúng tôi mới “mục sở thị” điều ông Cớn nói. Trên nền nhà chỉ có mớ thóc vừa gặt vun đống, góc bếp là mấy nồi niêu chỏng chơ và chiếc giường gỗ lung lay đã gãy vai được tháp bởi một đoạn gỗ thô vụng.

Ngày rời TNXP trở về, bà Thuần được bầu làm chủ tịch Hội phụ nữ xã. Lấy chồng, sinh được ba đứa con, đứa út chưa đầy bốn tuổi thì chồng bỏ đi theo người đàn bà khác. Bà tảo tần mấy chục năm nuôi con, không thoát khỏi khó nghèo, con cái chỉ học hết cấp II rồi lại quay về cùng mấy sào ruộng, đứa nào thoát ly được thì đi làm công nhân da giày tận miền Nam.

Đồ vật trong nhà của bà, như chúng tôi chứng kiến, chỉ là cái giường gãy. Bà cười với chúng tôi: “Ừ, thì nằm cái giường gãy như vậy nhưng vẫn ngủ ngon vì không còn nghe kẻng báo động, nghe tiếng máy bay, tiếng bom nổ như hồi xưa!”. Tuổi 63, những trận bom ở Truông Bồn cộng với tuổi tác đã khiến hai tai bà gần như điếc hẳn. Có lẽ sự lam lũ và khốn khó đeo đẳng suốt đời nên khi muốn hỏi bà về một điều gì đó bà đang mơ ước, cứ nghĩ bà Thuần sẽ mơ về một ngôi nhà tươm tất hơn, công ăn việc làm ổn định cho con cái hay ít ra bà sẽ mơ có cái giường lành lặn.

Nhưng không, bà không hề nghĩ đến cái giường gãy, không nghĩ đến những vất vả bao năm, mà chỉ băn khoăn thương xót chị em ngày ấy hi sinh sao mình còn sống! Sao những đồng đội chưa được phong anh hùng (bà vẫn chưa biết tin Chủ tịch nước vừa truy tặng danh hiệu anh hùng cho những liệt sĩ Truông Bồn)? Sao di tích Truông Bồn chưa được đàng hoàng to đẹp như di tích ngã ba Đồng Lộc?... Khi chúng tôi cho biết ngày 23-9-2008 danh hiệu anh hùng đã được truy tặng cho các liệt sĩ và sắp tới đây Truông Bồn sẽ được trùng tu xây dựng thành một khu tưởng niệm bề thế, xứng đáng với máu xương đã đổ xuống của anh chị em TNXP ngày ấy, bà Thuần cười rạng rỡ: “Ừ, có rứa chớ, bầy tui không sợ cực bằng sợ người đời quên!”.

Câu nói bột phát của bà Thuần “không sợ cực bằng sợ người đời quên” đã mang được thông điệp mà bắt đầu từ bây giờ người dân Nghệ An đang khởi động: làm sống lại huyền thoại Truông Bồn! Rồi nhiều thế hệ sẽ hành hương về đây, soi mình vào cuộc đời của những tuổi 20 đã mãi mãi dừng lại với ngày hôm qua, để hiểu hơn cái giá của mỗi ngày đang sống và có thêm sức mạnh đi tới ngày mai.

Truông Bồn là Truông “hồn”

Sau khi loạt bài về Truông Bồn đăng trên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh, một cựu TNXP của đại đội 317 hiện sống ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình (TP.HCM), đã liên lạc với Tuổi Trẻ. Những mạch ký ức của bà đã chắp nối thêm về ký ức oanh liệt và bi tráng của Truông Bồn. Đi qua chiến tranh, xuất ngũ, bà được đi học Trường trung cấp Lao động - tiền lương rồi tham gia công tác ở nhiều đơn vị.

Bây giờ ở tuổi 61, con cái đã trưởng thành, Truông Bồn vẫn là nỗi thao thức trong bà suốt mấy chục năm nay. Bà Thanh cho biết cuối tháng mười này anh chị em cựu TNXP của đại đội 317 sẽ họp mặt, bà sẽ về lại Truông Bồn dâng hương cho đồng đội. Giọng chị nghẹn ngào: “Truông Bồn chính là Truông “hồn”. Những linh hồn của đồng đội tôi vẫn còn in dấu ở đó! Biết bây giờ được phong anh hùng ai cũng mừng, nhưng với tôi ngoài niềm vui vẫn thấy day dứt! 40 năm mới phong anh hùng. Các liệt sĩ chẳng mấy ai còn được bố mẹ đang sống để nhận lấy vinh dự này của con cái mình!”.



LÊ ĐỨC DỤC - VŨ TOÀN
Logged
conghdv
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #52 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2008, 10:58:37 am »

Bác Kevin viết bài nay hay wa > Em linh mới nhập ngũ ở dd này. Vốn là dân HDV du lịch tới đây em có tour đi Đường mòn 7 ngày từ TP.HCM Tới` Quảng Bình. Các bá giúp em một ít tư liệu nhé. Thanks
Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #53 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 02:50:05 pm »

Thầy giáo em kể chuyện ngày xưa đi bộ đội đơn vị ông quản lý một đoạn đường bí mật ở Trường Sơn đó là toàn bộ tuyến đường được bộ đội ta trồng đỗ cô-ve che kín (Thầy giáo em bảo đến giờ vẫn còn sợ đỗ cô-ve vì ăn nhiều quá) hết mùa đỗ thì trồng cây dây leo khác để ngụy trang. Tuyến đường này chưa bao giờ bị lộ và chỉ phục vụ đi lại cho những đoàn công tác quan trọng. Tụi em há hốc mồm nghe mà không biết đúng hay sai nên hỏi các bác xem có đoạn đường nào như thế không? Nếu có sao không thấy ai nhắc đến vậy?
Logged
ahuuls
Thành viên
*
Bài viết: 453


Hoa hồi Xứ Lạng


« Trả lời #54 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 09:23:56 pm »

Theo thiển nghĩ của em cái này nó chỉ là 1 trong muôn vàn cách ngụy trang của bộ đội Trường sơn,nó không được nhắc đến vì cảnh ấy đối với bộ đội ta là chuyện bình thường,nó sẽ nổi tiếng nếu nó nổi bật vì 1 lí do nào đấy hoặc 1 trận đánh nổi tiếng.
Logged

Thư ký hỏi sếp :chữ sếp viết sờ nặng hay xờ nhẹ
sếp trả lời :Tao là xếp thích sờ gì mà chẳng được
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #55 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2009, 10:29:02 am »

Chào các đồng đội!
Quả thật không cường điệu chút nào khi người ta (cả chúng ta và thế giới) đã gọi Đường Trường Sơn là con đường huyền thoại. Chỉ đi qua đó có một lần nhưng hơn 30 năm qua đi rồi vẫn còn đọng lại trong tôi những cảm xúc thật là sâu sắc và chắc là không bao giờ quên được. Không biết các đồng đội nghĩ thế nào, còn riêng tôi rất tâm đắc với hai câu thơ của Tố Hữu:
..."Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa biết mình"...
Và tôi cũng nghĩ rằng: không có ngôn từ nào có thể kể hết những hy sinh của đồng bào ta, chiến sĩ ta trong KCCM nói chung và bộ đội Trường Sơn nói riêng.
Nhưng cũng có một vài điều cứ ám ảnh mãi trong tôi, xin chia sẻ cùng các đồng đội.
Trước hết, xin cảm ơn bạn rongxanh đã giới thiệu rất nhiều tư liệu tại BT Trường Sơn. Nhưng tôi cũng xin hỏi thật: các đồng đội của chúng ta trên QSVN này đã mấy ai biết BT này nằm ở đâu, mấy ai đã một lần đến đó và  các đồng đội suy nghĩ thế nào sau khi từ đó ra về Huh
Riêng tôi- đó là một cảm giác hơi buồn, có phần cám cảnh sau một lần đến đó!
Trong khi quân đội có bao nhiêu mảnh đất rất đẹp, rất tiện lợi về đi lại, ngay TCT Trường Sơn- hậu duệ trực tiếp của BĐ TS cũng tọa lạc trên một vị trí rất đẹp ngay trên mặt đường Nguyễn Trãi thì BT Trường Sơn được người ta "dúi" vào một góc rất ư là khuất nẻo và xa trung tâm đến hơn 20 km. Muốn đi đến đó các đồng đội phải vượt qua TX Hà Đông, theo đường 6 đến Ba La và phải rất chú ý quan sát (hoặc phải hỏi thăm dân ở đấy) mới tìm đến được vì BT nằm cách đường 6 khoảng hơn 1 km, bên rìa một khu doanh trại cũ của 1 đơn vị nào đó thuộc BĐTS. Đến đó về rồi tôi cứ băn khoăn- chắc những người lựa chọn địa điểm này cho rằng "BT thì nhét chỗ nào chả được. Còn những mảnh đất đẹp kia nó sẽ còn đẻ ra vàng, bạc và làm lợi cho một số người". Thật tình, cứ nhìn sang cái anh chàng nghèo kiết xác như BCTTG mà cũng còn xây được cái BT ở Hoàng Quốc Việt thì mới thấy cảm cảnh cho truyền thống của BĐTS.
Có lẽ chính vì không có được một địa điểm gần trung tâm, thuận lợi cho đi lại... cho nên nói thực tình hiệu quả của BT này vô cũng hạn chế. Đồng đội có đến đấy thì cũng thấy chủ yếu là một không khí vắng lặng đến tẻ nhạt- "còn hơn chùa Bà Đanh. Đã thế lại còn thu tiền người vào xem nữa Huh (Đó là năm 2006, còn bây giờ tôi không biết có thu nữa hay ko?).
Và cũng có thể do quá ít khách thăm, ít có dịp được trau dồi kiến thức nên trình độ các nhân viên ở đây cũng khá là hạn chế. Các đồng đội có hỏi gì thêm ngoài bài giới thiệu thuộc lòng thì họ gần như không biết gì cả.
Các đồng đội bảo như thế thì có cám cảnh hay không? Huh Huh Huh
Logged
ahuuls
Thành viên
*
Bài viết: 453


Hoa hồi Xứ Lạng


« Trả lời #56 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2009, 10:51:41 am »

he.he.he cảm ơn bác Lixeta không có bài của bác em còn không biết có bảo tàng riêng của Binh đoàn Trường sơn nữa cơ.Mà bác ơi em đi qua chỗ BTLTTG ở Đông ngạc-Từ liêm thì phải từ hồi 1991-1992 thấy cơ ngơi cũng khang trang đấy ạ.
Logged

Thư ký hỏi sếp :chữ sếp viết sờ nặng hay xờ nhẹ
sếp trả lời :Tao là xếp thích sờ gì mà chẳng được
TimeBreak
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 844



« Trả lời #57 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2009, 12:33:58 pm »

Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp - tọa lạc tại khu vực đất thuộc xóm 2 - xóm 4 , xã Cổ Nhuế, Từ Liêm Hà Nội. Nếu so với Bảo tàng TTG thì quả thực là BT TTG có vị trí tọa lạc, bộ mặt khang trang hơn rất nhiều so với BTL. Đấy chính là cái em đánh giá rất cao : Những người lãnh đạo hiện thực tôn trọng Quá khứ.

Ấn tượng nhất là cổng BTL có hệ thống " con lươn" ép giảm tốc - có lẽ là đầu tiên, sớm nhất ở Hà nội, từ những năm 1993 - 1995 đã có, to, cao, rất hầm hố

Cổng BTL được làm cách điệu từ mặt trước chính diện của chiếc T54, nòng pháo dựng đứng hết cỡ  Grin

Suốt bao năm gắn bó với cái cổng ấy, giờ BTL đã sửa sang lại, cổng mới, lại theo motip " cổng thành nhà Mạc" khá phổ biến trong toàn quân, em đi qua cứ nhớ nhớ cái cổng cũ  Embarrassed
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #58 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2009, 06:13:17 pm »

Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp - tọa lạc tại khu vực đất thuộc xóm 2 - xóm 4 , xã Cổ Nhuế, Từ Liêm Hà Nội. Nếu so với Bảo tàng TTG thì quả thực là BT TTG có vị trí tọa lạc, bộ mặt khang trang hơn rất nhiều so với BTL. Đấy chính là cái em đánh giá rất cao : Những người lãnh đạo hiện thực tôn trọng Quá khứ.

Ấn tượng nhất là cổng BTL có hệ thống " con lươn" ép giảm tốc - có lẽ là đầu tiên, sớm nhất ở Hà nội, từ những năm 1993 - 1995 đã có, to, cao, rất hầm hố

Cổng BTL được làm cách điệu từ mặt trước chính diện của chiếc T54, nòng pháo dựng đứng hết cỡ  Grin

Suốt bao năm gắn bó với cái cổng ấy, giờ BTL đã sửa sang lại, cổng mới, lại theo motip " cổng thành nhà Mạc" khá phổ biến trong toàn quân, em đi qua cứ nhớ nhớ cái cổng cũ  Embarrassed

Quê chỉ được cái nói đúng thôi!
Còn cái cổng cũ chắc không chỉ một mình quê nhớ. Oai phong thế cơ mừ. Nòng pháo dựng đứng hết cỡ! Grin
Cảm ơn quê nhé! Grin
Logged
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #59 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2009, 06:36:11 pm »

Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp - tọa lạc tại khu vực đất thuộc xóm 2 - xóm 4 , xã Cổ Nhuế, Từ Liêm Hà Nội. Nếu so với Bảo tàng TTG thì quả thực là BT TTG có vị trí tọa lạc, bộ mặt khang trang hơn rất nhiều so với BTL. Đấy chính là cái em đánh giá rất cao : Những người lãnh đạo hiện thực tôn trọng Quá khứ.

Ấn tượng nhất là cổng BTL có hệ thống " con lươn" ép giảm tốc - có lẽ là đầu tiên, sớm nhất ở Hà nội, từ những năm 1993 - 1995 đã có, to, cao, rất hầm hố

Cổng BTL được làm cách điệu từ mặt trước chính diện của chiếc T54, nòng pháo dựng đứng hết cỡ  Grin

Suốt bao năm gắn bó với cái cổng ấy, giờ BTL đã sửa sang lại, cổng mới, lại theo motip " cổng thành nhà Mạc" khá phổ biến trong toàn quân, em đi qua cứ nhớ nhớ cái cổng cũ  Embarrassed

Cổng cũ bị phá bỏ và xây lại theo mẫu chuẩn của các BTL rồi bác ạ, mới hoàn thành đầu tháng này. Cảnh cổng cũ chắc đi sắt vụn rồi.
Và địa điểm là xóm 7 chứ không phải là 2 hay 4 đâu.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM