Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:30:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại  (Đọc 123930 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Linhsinhvien1972
Thành viên
*
Bài viết: 139


LSV1972


WWW
« Trả lời #170 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 12:11:31 pm »

PHIM TÀI LIỆU:

TRƯỜNG SƠN - NƠI HUYỀN THOẠI BẮT ĐẦU - TẬP 14 - Kí ức và sự thật - YouTube.MP4

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=DbUl16nrYUQ" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=DbUl16nrYUQ</a>

LSV1972 (s/t &g/th)
Logged

Bao giờ cho "hết" tháng 10 ?!
Linhsinhvien1972
Thành viên
*
Bài viết: 139


LSV1972


WWW
« Trả lời #171 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 12:12:29 pm »

PHIM TÀI LIỆU:

TRƯỜNG SƠN - NƠI HUYỀN THOẠI BẮT ĐẦU - TẬP 15 - YouTube.MP4

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=tMKxGys1M0M" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=tMKxGys1M0M</a>

LSV1972 (s/t &g/th)
Logged

Bao giờ cho "hết" tháng 10 ?!
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #172 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2014, 09:34:19 pm »

MACV và Chiến Tranh Việt Nam: Những Cuộn Băng của Đại Tướng Abrams

Điểm sách: Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes 1968 – 1972
Tác giả: Lewis Sorley
Texas Tech University Press; 917 trang; $50.00
Người điểm sách: Nguyễn Kỳ Phong

Trong một buổi họp ở bộ tư lệnh MACV vào cuối năm 1969, đại tướng Abrams đọc một huấn lệnh mới nhất của tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird cho các sĩ quan cao cấp nghe. Laird ra lệnh cho MACV thay đổi một số chi tiết quan trọng về chương trình Việt Nam Hóa đang tiến hành ở Việt Nam: (1) Chương trình Việt Nam Hóa sẽ chấm dứt vai trò tác chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam. (2) Trong kế hoạch Việt Nam Hóa do chính phủ trước (Lyndon Johnson) soạn thảo, bộ quốc phòng ước lượng quân đội Bắc Việt sẽ rút khỏi lãnh thổ miền Nam, và vai trò của quân đội VNCH chỉ giới hạn vào mục tiêu đương cự với các lực lượng Việt Cộng còn lại ở miền Nam. Trong kế hoạch mới của chính phủ Nixon và tổng trưởng Laird, vai trò của quân đội VNCH không chỉ giới hạn vào nhiệm vụ chống lại quân Việt Cộng, mà họ còn có nhiệm vụ đương đầu với các đơn vị chánh qui từ miền Bắc đưa vào dù quân đội Bắc Việt có rút khỏi miền Nam hay không. Buổi họp ngày thứ Bảy đó có hai ông đại sứ; ba đại tướng; sáu trung tướng; năm thiếu tướng; chín chuẩn tướng; năm đại tá; và bốn, năm, nhân viên dân sự cao cấp. Những người đang có mặt là đại diện cho tất cả sức mạnh của Hoa Kỳ ở Việt Nam  nếu không nói là cho cả sứ mạnh của Hoa Kỳ ở vùng Thái Bình Dương. Thái độ của tất cả sau khi nghe huấn lịnh của Laird là ngỡ ngàng, bực tức ... họ thấy một chút xấu hổ đối người bạn đồng minh Việt Nam. Sự xấu hổ đó được đại tướng Abrams diễn tả khi ông kết thúc buổi họp khi ông nói: “Tôi vẫn thường nói, ngày vui nhất của tôi là ngày đại tướng Cao Văn Viên gọi điện thoại và xài xể tôi. Ngày đó là ngày tôi vui nhất. Nhưng tướng Viên sẽ không làm chuyện đó; ông ta quá lịch sự. Nhưng tôi muốn ông ta làm như vậy.” (The Abrams Tapes, trang 302-316).

Trong buổi họp tình báo của MACV ngày 8 tháng Giêng, 1972, thuyết trình viên thông báo: “Vào tháng 11-1971, với những dữ kiện thâu thập đủ để có thể thử nghiệm phương cách đánh dấu những mục tiêu [xâm nhập], các trạm giao liên T-54, T-55, T-61, và T-62 [thuộc binh trạm 35 và 38] được chọn để thử nghiệm. Với các toán đầu của đoàn xâm nhập đang trên đường hướng về B-3, chiều ngày 6-tháng 12, B-52 oanh tạc trạm giao liên T-54 và T-61. Chiều ngày 14 tháng 12, hai phi tuần B-52 oanh tạc trạm T-62. [MACV] Có kế hoạch sẽ sử dụng bom CBU [để dội bom các binh trạm]. Sư đoàn 320 đang chuyển quân; Binh trạm 35 [phụ trách B-1 và Khu 5] thay đổi hệ thống trạm giao liên. ... [Tình báo] Thẩm định từ ngày 18 đến ngày 31 tháng 12-1972, các đơn vị thuộc sư đoàn 320 sẽ đi ngang các trạm giao liên T-31, T-35 và T-36. [MACV] Rải máy điện tử báo động và truy tầm. Sáng ngày 23 tháng 12, B-52 dội bom trạm giao liên T-31 bằng bom CBU. Chiều ngày 24 và sáng ngày 25, không quân chiến thuật và B-52 tiếp tục tấn công trạm giao liên này bằng bom CBU. Trạm giao liên T-36 bị tấn công ngày 28; T-35 bị tấn công ngày 29. Ngay ngày Tết Tây, T-62 bị tấn công với hơn 500 tiếng nổ phụ.” Sau khi thuyết trình viên chấm dứt, đại tướng Abrams lên tiếng: vì đây là kế hoạch tối mật, ông ra lệnh cho các sĩ quan cao cấp có mặt trong phòng không được bàn về chương trình Island Tree hay những gì họ đã được nghe với bất cứ ai (trang 743).
Ở trên là một vài đoạn trong tác phẩm The Abrams Tapes của sử gia quân sử Lewis Sorley. The Abrams Tapes, với những tin tức tối mật xuất hiện lần đầu tiên, được giới quân sử coi là một tác phẩm quan trọng về đại tướng Abrams và vai trò của bộ tư lệnh MACV (Military Assistance Command, Vietnam) trong chiến tranh Việt Nam. Như tựa sách cho thấy, nội dung của tác phẩm đến từ những cuộn băng thâu lại hơn hai ngàn giờ họp tại bộ tư lệnh MACV do Abrams chủ tọa và có sự hiện diện của các tư lệnh quân sự, dân sự, cao cấp nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Ở đoạn nói về chương trình Việt Nam Hóa, câu nói chua xót và hối tiếc của tướng Abrams về tướng Cao Văn Viên vào cuối năm 1969, cho thấy những gì Bộ tư lệnh MACV đã hứa với bộ tổng tham mưu VNCH và tướng Viên sẽ không thực hiện được. Trước khi có huấn Lệnh của tổng trưởng Laird, Abrams đã thông báo cho bộ tổng tham mưu VNCH, là Hoa Kỳ sẽ rút quân theo khả năng gánh vác của quân đội VNCH; và, quân đội Mỹ vẫn duy trì một lực lượng tác chiến căn bản để canh chừng những vi phạm và hoạt động của Quân giải phóng, như họ đã và làm ở Nam Hàn, hay Tây Đức (Residual Forces). Nhưng tân tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird — vì một áp lực chính trị, hay một khó khăn ngân sách nào đó — đã ra lệnh cho MACV rút tất cả quân tác chiến. Chủ trương giữ lại một số residual forces hoàn toàn bị hủy bỏ khi vào ngày 9 tháng 12-1971, Abrams yêu cầu ban tham mưu đừng nhắc đến nhóm từ residual forces nữa (trang 708). Hai ngài sau, 11 tháng 12, tương lại liên hệ Việt Mỹ càng mù mờ hơn trong buổi của tất cả các đại sứ vùng Đông Nam Á: ý kiến chung của họ là Việt Nam không còn là yếu tố quan trọng trong những quyết định chính trị, quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ ở Á Châu (714-718). Nghe những gì nói ra trong buổi họp của các đại sứ, chúng ta biết thêm là họ bị cấm không được bàn về tính cách chính trị chuyến viếng thăm của Nixon ở Trung Cộng sắp xảy ra (hơn hai tháng sau, tháng 2-1972, Nixon qua Trung Cộng); và chính họ cũng hoài nghi về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.   
Ở đoạn trích dẫn thứ nhì về những chiến dịch đánh bom CBU vào binh trạm của Quân giải phóng trên đường xâm nhập: Đó là lần đầu tiên MACV và bộ tư lệnh Thái Bình Dương chuyển sang kế hoạch tiêu diệt quân chính quy, thay vì tấn công các đoàn quân xa xâm nhập như họ đã cố gắng thực hiện từ lâu (trang 650). Trong quá khứ, Không Lực 7 và không lực của Hải Quân chú trọng vào các điểm tập trung quân xa, và các đoàn quân xa di chuyển trên các lộ trình xâm nhập. Nhưng từ lúc tình báo MACV nghe lén được truyền tin và biết được địa điểm chính xác của nhiều binh trạm, MACV quyết định tiêu diệt các đoàn quân xâm nhập khi họ nghỉ chân ở các binh trạm trên đoạn đường vào Nam. Loại bom CBU được nói đến là lọai CBU dùng để sát thương bộ binh, rất nhỏ, chứa chừng một ký chất nổ mỗi trái. Theo thuyết trình viên cho biết, mổi chiếc B-52 có thể chở được 44 ngàn quả bom bi BLU-23 và BLU-49. Những chi tiết này và kế hoạch tối mật Island Tree lần đầu tiên được tiết lộ ra công chúng trong The Abrams Tapes.
Sự thành hình của tác phẩm The Abrams Tapes: Theo tác giả Sorley vào năm 1994, trong lúc biên soạn về cuộc đời và binh nghiệp của đại tướng Abrams (Thunderbolf: General Creighton Abrams and the Army of His Times), Sorley được các sĩ quan cao cấp nói về sự hiện hữu của các cuộn băng này. Sorley dò theo các nguồn tin thì được biết thêm: sau khi Abrams mãn nhiệm chức tư lệnh MACV ở Việt Nam để trở về Ngũ Giác Đài nắm chức Tư Lệnh Lục Quân, ông đem theo 455 cuộn băng nói trên. Khi Abrams chết vào năm 1974 lúc còn đang tại nhiệm, tân tư lệnh Lục Quân Frederick Weyand (cũng là người theo sau Abrams giữ chức tư lệnh MACV ở Việt Nam năm 1972- 1973), ra lệnh mật hóa những cuộn băng và đem cất vào một thư khố quân sự bí mật. Sau khi nghe sự vụ, tác giả Sorley làm đơn xin tư lệnh Lục Quân Gordon Sullivan cho phép ông được nghe những cuộn băng đó với mục đích nghiên cứu về MACV và về tướng Abrams. Khi được cho phép, Sorley bỏ ra một năm trời làm việc: năm ngày một tuần; 10 tiếng một ngày để ghi lại những chi tiết quan trọng của 455 cuộn băng. Tổng cộng, Sorley ghi lại gần 3.200 trang tài liệu từ những cuộn băng. Sau đó ông đưa những gì được ghi lại đến những cơ quan thẩm quyền để được giải mật. Và tất cả những tài liệu đó là căn bản của tác phẩm A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Years in Vietnam (Một Cuộc Chiến Tốt Hơn: Những Chiến Thắng Chưa Được Nói Đến và Thảm Kịch Những Năm Cuối của Hoa Kỳ ở Việt Nam), một quyển sách nói về những thành quả và chiến thắng của quân lực VNCH trong những năm sau cùng mà không được giới truyền thông báo chí Mỹ tìm hiểu hay để ý. Cũng với những trang tài liệu đến từ các cuộn băng đó, qua một hình thể khác, tác giả Sorley soạn ra The Abrams Tapes.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #173 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2014, 09:38:31 pm »

Tài liệu đến từ The Abrams Tapes rất có giá trị về phương diện quân sử. Qua những gì tiết lộ, chúng ta có thể thấy được bên trong guồng máy quản trị và điều khiển chiến tranh Việt Nam của MACV — và một cách gián tiếp — của thẩm quyền dân sự từ Hoa Thịnh Đốn. Những buổi họp vào ngày thứ bảy hàng tuần (và mỗi đầu tháng, với sự tham dự của các tư lệnh quân đoàn dã chiến Hoa Kỳ) có tên là Weekly Intelligence Estimate Updates (Cập Nhật Uớc Lượng Tình Báo Hàng Tuần). Tuy nói là họp để cập nhật tin tức tình báo, nhưng những gì được bàn luận hàng tuần đi xa hơn là tin tức tình báo. Trong những buổi họp chúng ta nghe Abrams — hay các tư lệnh khác — nói về mọi đề tài liên hệ đến quân sự và chính trị ở Việt Nam cũng như ở Mỹ: từ chuyện hòa đàm ở Ba Lê và sự nghi ngờ của họ đối với những chính trị gia ngây thơ như Averell Harriman (trang 41-42), đến những hoạt động và khả năng của các đơn vị VNCH; từ chuyện dội bom các mật khu của Quân giải phóng bên Lào cho đến những lời khen chê về khả năng cầm quân của các tướng lãnh Mỹ, Việt. Vì những cuộn băng được thâu từ tháng 6-1968 cho đến tháng 6-1972 (thời gian Abrams chánh thức làm tư lệnh MACV; trước đó ông đã đến Việt Nam từ tháng 5-1967 làm tư lệnh phó cho tướng Westmoreland), chúng ta thấy vai trò của Abrams gần như bao trùm các thời điểm quan trọng nhất của cuộc chiến Việt Nam: Bắt đầu chương trình Việt Nam Hóa, 1969-1970, rồi hành quân đánh qua Cam Bốt năm 1970 và Hạ Lào 1971, cho đến trận phản công của quân lực VNCH năm 1972, cũng như các kế hoạch bình định phát triển nông thôn (như chiến dịch Phụng Hoàng) trong suốt thời gian Abrams làm tư lệnh.
Qua tác phẩm, chúng ta thấy lối làm việc và tác phong và tánh tình của Abrams: Abrams có sự chân thật của một sĩ quan biết lo cho lính, thẳng tánh, và — một chi tiết ít sách nào nói đến — ông công khai bênh vực, bảo vệ thanh danh và ca ngợi những thành quả của quân lực VNCH trước những sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ. Có một lần, khi các sĩ quan so sánh về tỉ lệ gây thương vong cho Quân giải phóng giữa quân đội VNCH và Hoa Kỳ (thí dụ như mỗi cuộc hành quân thì giết được bao nhiêu địch), Abrams không ngần ngại nói cho các sĩ quan dưới quyền biết lý do: quân đội VNCH không được trang bị, không có yểm trợ hỏa lực dồi dào như các đơn vị Mỹ. Ông nói thêm, quân đội VNCH (vào những tháng đầu năm 1968) nằm ở dưới đáy của thứ tự ưu tiên để nhận yểm trợ hỏa lực (trang 48) từ quân đội Hoa Kỳ. Khi nói về lối hành quân và kế hoạch hành quân của tướng Nguyễn Viết Thanh lúc đánh qua Cam Bốt (trước khi tướng Thanh tử nạn trực thăng), tướng Thanh hành quân nhanh đến độ ông làm cho các tướng lãnh Mỹ tham dự song song trong cuộc hành quân thấy họ chậm như những con voi (trang 418-419). Tiếp theo đó ông không tiếc lời khen ngợi những sĩ quan trung cấp VNCH trong cuộc hành quân. Một lần khác, khi có sự va chạm giữa thiếu tướng Charlie Stone của sư đoàn 4 Bộ Binh Mỹ, và cố chuẩn tướng Nguyễn Bá Liên (khi tướng Liên rời binh chủng TQLC, về coi Biệt Khu 24 ở Vùng II, rồi sau đó tử nạn trực thăng vào tháng 12-1969), Abrams nói cho các sĩ quan biết ông không tin những gì tướng Stone nói về tướng Nguyễn Bá Liên. “Ông ta [đại tá Liên] đã hoạt động tích cực ở vùng trách nhiệm ... ông ta là một sĩ quan giỏi mà lâu nay chúng ta mới thấy được,” Abrams nói về tướng Liên (trang 83-94). Hay là Abrams thuật lại những đối thoại giữa ông và đại tướng Viên về các tư lệnh Việt Nam — những đối thoại sau lưng mà chúng ta không thể biết nếu chưa đọc tác phẩm này. Một lần, khi ông có lời khen tướng Nguyễn Văn Toàn (lúc tướng Toàn còn coi sư đoàn 2 Bộ Binh) với tướng Viên, và so sánh sư đoàn 2 của tướng Toàn với sư đoàn 1 của tướng Ngô Quang Trưởng. Abrams nói sư đoàn 2 sẽ theo kịp sư đoàn 1 trong tương lai. Nghe xong, tướng Viên nói cho tướng Abrams biết sự khác biệt về lối chỉ huy giữa hai tướng Trưởng và Toàn: “Khi tướng Trưởng ra quân lệnh, ông sẽ đích thân xuống từng đại đội để coi huấn lệnh của ông được thi hành hay không; trong khi tướng Toàn thì chỉ giao quân lệnh cho sĩ quan cấp dưới thực thi, chứ ông ít để ý về chi tiết ở những đơn vị cấp nhỏ.” Abrams thú nhận là những gì tướng Viên nói với ông sau này ông thấy rất đúng (trang 258). Cũng từ những đối thoại đó, chúng ta thấy sự cách biệt giữa tướng Viên và tổng thống Thiệu đã bắt đầu xảy ra từ cuối năm 1968, khi tướng Abrams kể lại cho ban tham mưu của ông biết sự “khó khăn” của đại tướng Viên. Tướng Abrams nói tướng Hoàng Xuân Lãm (tư lệnh Vùng I) đã bắt đầu liên lạc và nhận lệnh trực tiếp từ tổng thống Thiệu (thay gì qua bộ tổng tham mưu và tướng Viên theo hệ thống quân giai); và tướng Đỗ Cao Trí thì ăn cơm với tổng thống Thiệu một tuần vài lần. ... Theo những gì đại tướng Abrams nói lại trong băng, tướng Viên gần như chỉ còn lo về vấn đề hành chánh quân sự ... trong khi tổng thống Thiệu và các tư lệnh quân đoàn nói chuyện thẳng với nhau về vấn đề hành quân và tác chiến (trang 82). Ở trang 114, Abrams nói tổng thống Thiệu đặt ông Viên vào một thế kẹt, vì nhiều khi tướng Viên chỉ biết được những quyết định quân sự của ông Thiệu một cách ... tình cờ và qua thuộc cấp. Sau này (năm 2002) trong lời bạc của cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH, tướng Viên có nhắc lại chuyện này. Ông nói vào cuối năm 1970, tướng Abrams tiết lộ cho ông biết tổng thống Thiệu muốn thay ông bằng tướng Đỗ Cao Trí. Tướng Viên cũng cho biết càng ngày các tướng lãnh càng nhận lệnh trực tiếp từ tổng thống Thiệu (hay báo cáo thẳng cho ông Thiệu), và dần dần Bộ Tổng Tham Mưu mất đi vai trò căn bản của một bộ tư lệnh chỉ huy quân sự tối cao.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #174 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2014, 09:39:24 pm »

Nếu độc giả nào thích về vấn đề quân sự và tình báo quân sự, thì The Abrams Tapes sẽ đem lại nhiều thích thú —  càng thích thú hơn cho những tác giả Việt Nam viết về đường mòn Hồ Chí Minh hay các sĩ quan, quân nhân Quân giải phóng đã sống và phục vụ trên hệ thống đường xâm nhập này. Tác giả ghi lại khá nhiều những chi tiết tình báo mà MACV đã thâu thập được từ những binh trạm chỉ huy từng chặn đường xâm nhập. Qua tác phẩm, chúng ta biết MACV đã nghe được những liên lạc giữa những binh trạm quan trọng thuộc bộ chỉ Đoàn 559 (một vài thí dụ ở trang 14 và 247). Binh trạm là trạm chỉ huy đóng dọc theo hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh để điều khiển và phân phối lưu lượng xâm nhập người và quân nhu dụng vào nam. Dưới quyền điều khiển của binh trạm là nhiều trạm giao liên do các tiểu đoàn giao liên, công binh, phòng không phòng bị. Một binh trạm tương đương với một trung đoàn. Đọc những gì do sĩ quan tình báo báo cáo trong các buổi họp ở MACV, rồi đọc những biên khảo hay hồi ký đã được xuất bản của các sĩ quan Quân giải phóng phụ trách hệ thống đường xâm nhập, chúng ta thấy những gì MACV biết được về hệ thống xâm nhập của Quân giải phóng rất chính xác — chính xác đến độ chúng ta suy luận: hoặc MACV đã gài được người vào hệ thống tình báo của Quân giải phóng, hoặc MACV bằng một cách nào đó, đã nghe được đường điện thoại liên lạc qua lại ở các binh trạm (trang 30, 59). So sánh những gì MACV biết vào 1968-1972, với sách vở về Binh Đoàn Trường Sơn 559 được xuất bản trong những năm gần đây, chúng ta thấy những chi tiết của đôi bên rất giống nhau. Một thí dụ: qua những tác phẩm như Trường Sơn: Đường Mòn Hồ Chí Minh Huyền Thoại, Tập I và II (đại tá Nguyễn Việt Phương, TP HCM: NXB Trẻ, 2004); Đường Về Thành Phố Mang Tên Bác (thiếu tướng Võ Bẩm, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, đại tá Nguyễn Viết Phương, Hà Nội, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2005); hay, Cuộc Hành Trình Năm Nghìn Ngày Đêm (Trường Sơn, NXB  Văn Nghệ, TP HCM, 1992. Trường Sơn là bút hiệu của đại tá Phạm Tề, một sĩ quan cao cấp của bộ tư lệnh Đoàn 559 từ những năm đầu thành lập), chúng ta đọc được địa điểm của các binh trạm và trạm giao liên phụ thuộc; chúng ta biết được Quân giải phóng đã ăn chia và hối lộ chánh phủ Cam Bốt và hoàng thân Shihanouk để họ giúp đỡ Quân giải phóng trong vấn đề chuyên chở vũ khí từ hải cảng Shihanoukville về các căn cứ của Quân giải phóng trên đất Cam Bốt, hay băng qua đất Cam Bốt để đi về vùng ba biên giới, bản doanh của bộ tư lệnh B-3. The Abrams Tapes chúng ta thấy MACV đã biết tất cả những chuyện đó: họ biết công ty Hắc Lỉ là công ty của Trung Ương Cục Miền Nam và do Đoàn Hậu Cần 17 quản trị (Nguyễn Việt Phương, sđd, trang 15-16; Abrams Tapes, trang 94-95). Hơn một năm trước khi Hoa Kỳ và VNCH tấn công qua Cam Bốt, MACV đã có tất cả tang chứng về những công ty vận chuyển hàng hải và đường bộ ăn chia với giới lãnh đạo Cam Bốt — trong đó có luôn hoàng thân Shihanouk — để chuyển quân nhu dụng về căn cứ của Quân giải phóng trên đất Cam Bốt. Đối chứng những chi tiết này và ngững chi tiết được giải mật trong một tài liệu có tên là 77 cuộc đối thoại của cấp lãnh Đạo Trung Cộng về Chiến Tranh Dông Dương, chúng ta đọc được lời phàn nàn của Lê Đức Anh với Mao Trạch Đông khi Quân giải phóng phải cắt 10 phần trăm trên mỗi chuyến hàng để hối lộ giới lãnh đao Cam Bốt. Chúng ta đọc và thấy, khi MACV càng biết rõ những sào huyệt của Quân giải phóng bên kia biên giới, họ càng bực tức vì những giới hạn chính trị (không được tiết lộ và không được tấn công qua Cam Bốt vì sự “trung lập” của Cam Bốt) không cho phép bộ tư lệnh Hoa Kỳ ở Việt Nam hành động. Tác phẩm cung cấp rất nhiều tin tức về số lượng xâm nhập người và quân nhu dụng của Quân giải phóng qua hai hệ thống đường xam nhập Shihanoukville và Hạ Lào. Một đôi khi The Abrams Tapes đưa ra những con số rất khó tin. Nhưng nếu so sánh với những tài liệu của Quân giải phóng viết hay công bố về sau này, chúng ta có thể tin những tin tức đó. Thí dụ: ở trang các 72, 79, 85, 92-95, MACV đưa ra nhiều con số về sự thiệt hại và số lượng xâm nhập để bổ sung vào những thiệt hại mà Quân giải phóng chịu đựng sau Tết Mậu Thân. MACV cho biết từ tháng 10-1965 cho cuối năm 1968 Quân giải phóng đã xâm nhập vào miền Nam khoảng 600 ngàn quân; trong năm 1968, họ đưa vào khoảng 236 đến 250 ngàn quân; thiệt hại của Quân giải phóng (ở đây tính luôn Việt Cộng) trong năm 1968 là 289 ngàn quân (bị thương, chết, ra hồi chánh, đầu hàng và tù binh). Con số này hơi khó tin. Nhưng nếu chúng ta nghe chính lời tướng Võ Nguyên Giáp vào giữa năm 1969 thì những con số do MACV cung cấp không xa sự thật lắm. Chính Giáp đã công bố với ký giả Tây phương là đến giữa năm 1969, Quân giải phóng đã chết nửa triệu quân (đọc Oriana Fallaci, Interview With History, trang 82). Song song với những con số lính xâm nhập vào nam do chính các sĩ quan Quân giải phóng cung cấp, chúng ta có thể đặt một câu hỏi thật căn bản: nếu Quân giải phóng không bị thiệt hại nặng thì số quân xâm nhập hàng năm biến đi đâu? Đơn vị nào xử dụng khối lượng quân nhu dụng khổng lồ mà bộ tư lệnh Đoàn 559 nói đã đưa vào Nam — hơn một triệu bốn trăm ngàn tấn (1.400.000)  vũ khí và quân nhu dụng trong mười bốn năm.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #175 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2014, 09:40:03 pm »

Trở về phía quân lực VNCH. Tác phẩm chúng ta một số chi tiết quan trọng về hai trận đánh được coi là lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam: Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào, và trận phản công của quân đội VNCH vào mùa Hè năm 1972 khi Quân giải phóng mở cuộc tấn công toàn diện trên bốn vùng chiến thuật. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, qua những gì được bàn luận giữa các tướng lãnh ở bộ tư lệnh MACV, chúng ta thấy cuộc hành quân được hoạch định một cách rất hấp tấp; cơ cấu điều khiển có nhiều khiếm khuyết; và phương tiện vận chuyển cũng như hỏa lực cần thiết để áp đảo đối phương không đầy đủ. Cho đến khi những chi tiết trong The Abrams Tapes được giải mật, chưa bao giờ chúng ta đọc được những lời chỉ trích hằn học của các tư lệnh đối với thuộc cấp; chưa bao giờ nghe ông đại tướng chửi thề một trung tướng vì sự chểnh mảng của vị tướng ba sao khi ông này không lượng định được khả năng vận chuyển để cung ứng cho cuộc hành quân. Đồng thời, từ những trang sách này, chúng ta thấy chính cơ cấu điều khiển cuộc hành quân từ phía VNCH cũng không được hoàn hảo. Đọc The Abrams Tapes chúng ta sẽ thấy tại sao cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử cuộc chiến đã không giống như được hoạch định và dự tính (đọc các buổi họp từ đầu tháng 3 đến tháng 5-1971 trong sách). Cuộc hành quân được tổ chức một cách thiết hoàn mỹ đến độ tướng Abrams đã hậm hực về những khiếm khuyết cho đến hai ba tháng sau khi cuộc hành quân chấm dứt.
Về cuộc tổng công kích của Quân giải phóng vào năm 1972 (thường được gọi là trận Mùa Hè Đỏ Lửa), nhiều sự kiện trong The Abrams Tapes sẽ cho độc giả một ấn tượng — cũng như đã cho người viết này nhiều ấn tượng — là thẩm quyền dân sự và quân sự Hoa Kỳ đã biết trước cuộc tấn công qui mô của Quân giải phóng, nhưng họ không ra tay tấn công trước đễ ngăn ngăn ngừa. Hình như Hoa Kỳ làm ngơ để cho cuộc tấn công xảy ra, để hai bên — Quân giải phóng và VNCH — bị tiêu hao nặng, rồi Hoa Kỳ mới ra tay phản công bằng hỏa lực khủng khiếp của họ. Trong một tài liệu giải mật mới nhất, chúng ta nghe Nixon nói với Kissinger là, “trong trận này [1972] thế nào cũng có một bên chết! (đọc thêm Jeffrey Kimball, The Vietnam Wars Files, trang 216) Làm sao MACV không biết được ý định của Quân giải phóng, khi bắt đầu từ những buổi họp vào cuối năm 1971, Abrams đã xin phép Hoa Thịnh Đốn cho ông dội bom các điểm tập trung quân của Quân giải phóng ở bên kia vĩ tuyến 17, và các mật khu sát biên giới Việt Nam ở Hạ Lào, vì tình báo cho biết Quân giải phóng đã phát động một kế hoạnh gọi là chiến dịch vận tải để chuẩn bị tác chiến cho mùa khô 1972 (Võ bẩm, et al., trang 308-309; Abrams Tapes, trang477) Nếu MACV có được khả năng nghe lén liên lạc giữa những binh trạm — như đã nói ở trên — thì làm sao họ không biết gì về những di chuyển của hơn 400 xe tăng từ Vùng I cho đến Vùng III? Ngày 28 tháng 12-1971, Abrams họp tất cả các tư lệnh để thông báo về tin tức tình báo, báo động cuộc tấn công sắp đến của Quân giải phóng vào muà xuân 1972. Ngày 20 tháng Giêng, tại bô tư lệnh MACV, tướng Abrams đọc cho đại sứ Bunker nghe tờ tường trình ông sẽ gởi cho tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, John McCain, và tham mưu trưởng Liên Quân Thomas Moorer, về cuộc tổng tấn công của Quân giải phóng sẽ xảy. Trong tờ tường trình đó, Abrams xin phép Hoa Thịnh Đốn được quyền dội bom các căn cứ quân sự, nhà kho, giàn hỏa tiển SAM, và nơi tập trung quân. Buổi họp quan trọng đó, ngoài Abrams, chỉ có năm người hiện diện: đại sứ Bunker; phó đại sứ Samuel Berger; đại tướng John Lavelle của Không Lực 7, và ba ông thiếu tướng chỉ huy trưởng phòng hành quân, tình báo và tham mưu của MACV. Sau khi trình bày, Abrams nói với đại sứ Bunker một câu rất khó hiểu: ông sẽ họp tất cả các tư lệnh để thông báo về nội dung của bức điện văn sẽ gởi đi, nhưng ông chỉ đọc cho họ nghe chứ không cho họ giữ bản sao vì tính chất tối mật của bản báo cáo (trang 753-757). Nếu đây là một tiên đoán tình báo chánh thức, thì tại sao các tư lệnh cao cấp khác của MACV không được biết? Ngày hôm sau, 21 tháng Giêng, trong bản tường trình viết về cho tổng thống Nixon, đại sứ Bunker nhấn mạnh là cuộc tổng tấn công của Quân giải phóng sẽ xảy ra sau Tết, khoảng trung tuần tháng 2-1972 (đọc The Bunker Papers, quyển 3, trang 849). Khi ba sư đoàn Quân giải phóng tấn công vào các tiền đồn của TQLC và sư đoàn 3 Bộ Binh đóng bảo vệ hướng cực tây của Quảng Trị ngày 30 tháng 3, Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đã thông báo cho nhau là cuộc tổng tấn công đã bắt đầu. Nhưng trong buổi họp ngày 2 tháng 4, thái độ của đại tướng Abrams hoàn toàn khác hẳn: ông không tin hơn ba sư đoàn chánh qui của Quân giải phóng đã vượt biên giới Lào/ vĩ tuyến 17 và đánh thẳng vào Quảng Trị. Không những như vậy, ông còn nặng lời khi đọc diện tín báo cáo và lời yêu cầu xin đổ bộ quân tiếp viện của đại tá Gerald Turley, cố vấn sư đoàn TQLC Việt Nam, đang hiện diện tại mặt trận (về chi tiết này, đọc The Easter Offensive of 1972, của đại tá Geral D. Turley).
Rất khó biện luận là MACV hay Ngũ Giác Đài không biết chính xác về thời điểm cuộc tấn công “bất thần” của Quân giải phóng trong năm 1972. Và quan trọng hơn, với những hiểu biết họ đã bàn luận trong các buổi họp, MACV có thông báo với thẩm quyền quân sự VNCH để cho họ có một phòng dự tổng quát hay không. Những tuần lễ tiếp theo sau, trong các buổi họp, MACV lần lượt cho thấy họ đã thu thập được nhiều tin tức liên quan đến ngày tổng tấn công của Quân giải phóng.  Tuy nhiên khi Quân giải phóng thật sự tấn công, thái độ của bộ tư lệnh MACV gần như là, “cứ để cho Quân giải phóng tấn công sâu vào hơn ... rồi tính.” Phải chăng đây là một cố ý của người Mỹ vào năm cuối cùng của họ trong cuộc chiến?
Qua 879 trang của The Abrams Tapes, độc giả thấy được ít nhiều những chi tiết về chiến tranh Việt Nam — ở phương diện chỉ huy và điều khiển từ bộ tư lệnh cao nhất. Có một điều làm người điểm sách tò mò: không biết hơn hai ngàn trang còn lại — những trang bị kiểm duyệt và chưa được công bố — chứa đựng những gì trong đó.
The Abrams Tapes, dù chỉ cho độc giả những bí mật trong bốn năm của cuộc chiến, nhưng đó là bốn năm quan trọng, bốn năm quyết định nhất của cuộc chiến. The Abrams Tapes là một tác phẩm đáng được tham khảo trong tương quan của người Mỹ về cuộc chiến Việt Nam.

Nguyễn Kỳ Phong
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM