Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:20:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thành phố Huế được giải phóng vào ngày nào ?  (Đọc 50033 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
citadel
Thành viên

Bài viết: 1


« vào lúc: 01 Tháng Mười, 2008, 09:46:00 am »


THÀNH PHỐ HUẾ ĐƯỢC GIẢI PHÓNG VÀO NGÀY NÀO ?
 
 
      Năm học 2008-2009 này học sinh lớp 12 được học sách giáo khoa Lịch sử 12 mới. Sách Lịch sử 12 mới có nhiều sửa chữa và bổ sung phù hợp nên đã khắc phục được một số hạn chế của cuốn Lịch sử 12 trước đó. Ví dụ, ở mục nói về cuộc đấu tranh với quân Trung Hoa Dân quốc và bọn phản cách mạng ở miền Bắc sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, sách Lịch sử 12 cũ (tập 2) viết : Nhằm hạn chế sự phá hoại của quân Tưởng và tay sai, tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội khoá I đồng ý tăng thêm cho Tưởng 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử ...  (Tr.77). Sách Lịch sử 12 mới viết: Nhằm hạn chế sự phá hoại của quân Trung Hoa Dân quốc và tay sai, tại kì họp đầu tiên (2-3-1946), Quốc hội khoá I đồng ý nhường cho các đảng Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử... (Tr.127). Rõ ràng so với cách viết của sách Lịch sử 12 cũ thì sách Lịch sử 12 mới viết cụ thể và chính xác hơn. Bởi, thứ nhất, dùng đúng tên gọi chính thức của quân Tưởng là quân Trung Hoa Dân quốc; thứ hai, cho học sinh biết thời gian diễn ra kì họp đầu tiên của Quốc hội khoá I (2-3-1946); thứ ba, tránh cho học sinh hiểu nhầm là Quốc hội khoá I đồng ý mở rộng thêm 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử cho quân Trung Hoa Dân quốc. Ngoài ra, cũng trong phần này sách Lịch sử 12 mới còn bổ sung một đoạn, chính xác là một câu giải thích việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố "tự giải tán", nhờ đó học sinh sẽ không bối rối khi học các phần sau và qua đó biết được ý nghĩa của hành động trên.
     Tuy nhiên, có một chi tiết mà sách Lịch sử 12 cũ (tập 2) đã viết thiếu chính xác, sách Lịch sử 12 mới dù có chỉnh sửa chi tiết đó nhưng theo tôi vẫn cần được kiểm tra lại. Đó là việc sách Lịch sử 12 mới cho rằng thành phố Huế được giải phóng vào ngày 26-3-1975.
     Trong mục Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, sách Lịch sử 12 cũ viết:Trưa ngày 25-3, quân ta tiến vào giải phóng cố đô Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên (Tr.173). Sách Lịch sử 12 mới: Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25-3, quân ta tiến vào cố đô Huế, đến hôm sau (26-3) thì giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên. (Tr.194). Đúng là vấn đề thành phố Huế được giải phóng vào ngày nào, ngày 25-3 hay 26-3 nhiều tài liệu vẫn chưa có sự đồng nhất. Ví dụ, theo cuốn Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế (TS Đỗ Bang (Chủ biên). NXB Thuận Hoá, Huế, 2000) thì ngày 26-3-1975 thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng (Tr.82). Với cuốn Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng  của Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên (NXB Thuận Hoá, Huế, 1985) thì ngày 25-3-1975 Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng với một thành phố hầu như còn nguyên vẹn (Tr.256). Còn theo cuốn Địa chí Thừa Thiên Huế (Phần Lịch sử) của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005) thì 10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã được cắm trên đỉnh cột cờ. Thành phố Huế hoàn toàn giải phóng! (...) Sáu giờ 30 phút ngày 26-3-1975, trung đoàn 6 bộ binh quân khu chính thức kéo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam dài 12m rộng 8m lên đỉnh cột cờ, đánh đấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng (Tr.489).
     Các tài liệu thì viết vậy, thế các nhân chứng lịch sử - những người trong cuộc nói gì về thời gian của sự kiện này? Cuốn Thừa Thiên Huế Xuân 1975 của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế (NXB Thuận Hoá, Huế, 2005) là cuốn sách được trình bày dưới dạng hồi ký, gồm các bài viết, lời kể của các tác giả nguyên là những người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Thừa Thiên Huế. Theo các bài viết, lời kể của các nhân chứng lịch sử đó, những ai có nhắc đến ngày giờ của sự kiện trên hầu hết đều cho biết rằng thành phố Huế được giải phóng vào ngày 25-3-1975, còn ngày 26-3-1975 là ngày tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn giải phóng. Dưới đây xin trích một số đoạn trong bài viết, lời kể của các nhân chứng lịch sử đó:
     Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế: Ngày 25-3-1975, các cánh quân ta từ nhiều hướng đã hợp vây tiến vào giải phóng thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Một cánh quân ta ở phía Bắc được tự vệ và biệt động thành Huế dẫn đường đã dùng xe lam, xe đò, honda... nhanh chóng tiến vào cửa An Hoà, tràn qua Tây Lộc, tiến thẳng vào Ngọ Môn và kéo cờ giải phóng lên cột cờ Phu Văn Lâu lúc 10 giờ 30 phút trưa 25-3-1975, đánh dấu thời khắc lịch sử thành phố Huế hoàn toàn giải phóng. (...) Sáng ngày 26-3-1975, lá cờ giải phóng rộng 8m dài 12m được kéo lên trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. (Tr.24)
      Trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên Bí thư Khu uỷ Trị Thiên Huế: Nói về các cánh quân phía Bắc, Trung đoàn 4 và một số đơn vị lẻ dưới sự chỉ huy của đồng chí Dương Bá Nuôi, Phó Tư lệnh Quân khu suốt cả ngày 24-3 đánh với lữ thuỷ quân lục chiến trên đường Lại Bằng - An Lỗ diệt được trên một đại đội, buộc chúng phải co cụm về cầu An Lỗ. Sáng 25-3 bị đánh tiếp, chúng rút chạy về Huế, đồng chí Dương Bá Nuôi cho bộ đội đuổi gấp. Theo kế hoạch, đến cửa An Hoà, một bộ phận chặn chốt còn đại bộ phận đánh thẳng qua Bao Vinh rồi ngã ba Sình. Cánh quân đánh dọc đường 68 đến thôn Thế Chí Tây thì gặp bọn thuỷ quân lục chiến cũng vừa chạy đến nơi, đơn vị phải đánh với bọn này, diệt một số tên; cuối cùng chúng chạy về cửa Thuận An. Đơn vị đánh dọc theo đường số 1 đến cầu An Lỗ, thì bọn thuỷ quân lục chiến vừa bị Trung đoàn 4 đuổi theo, lại vừa gặp anh chị em tự vệ thành phố đón về luôn trong nội thành vào khoảng 8 giờ. Các đơn vị từ phía Nam đánh lên vừa lùa địch bên ngoài thành phố vừa cho những đơn vị nhỏ thọc vào thành phố. Từ 8 giờ sáng đến khoảng 13-14 giờ ngày 25-3 các đơn vị không hẹn mà gặp nhau tại thành phố giải phóng đang nồng nặc mùi thuốc súng. (Tr.50)
      Vũ Thắng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế: Ngày 25-3-1975, từ hai hướng Nam Bắc Huế, các lực lượng đi đầu tiến công vào thành phố Huế. Phía Bắc, một bộ phận đi đầu của tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương Quảng Trị, được tự vệ đẫn đường tiến vào nội thành Huế. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975, lá cờ giải phóng được  cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế đã được giải phóng. (...) Ngày 26-3-1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng, quê hương sạch bóng quân thù. (Tr.72)
      Thiếu tướng Nguyễn Công Trang, nguyên Phó chính uỷ Quân đoàn II (Quân đoàn II có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Quân khu Trị - Thiên mở chiến dịch Trị - Thiên Huế): Sáng ngày 25-3 chiếm xong Phú Bài và quận lỵ Hương Thuỷ, Trung đoàn 101 phát triển lên An Cựu. Trung đoàn 3 (có xe tăng đi kèm) theo sát phía sau Trung đoàn 101. Được nhân đân địa phương đưa xe lam, xe máy tới giúp chuyên chở lực lượng, Trung đoàn 101 tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân - đứa con chủ lực đầu lòng của nhân dân Thừa Thiên Huế, vinh dự là đơn vị tiến vào Thành Nội, góp phần giải phóng quê hương thân yêu. Ngày 25-3-1975, từ đỉnh Phu Văn Lâu, lá cờ chiến thắng tung bay trên bầu trời Huế, chính thức báo tin vui thành phố đã hoàn toàn giải phóng. (...) Ngày 26-3-1975, các lực lượng vũ trang Quân khu và Quân đoàn cùng nhân dân địa phương quét sạch mọi tên địch còn ẩn náu ở các hang cùng ngõ hẻm. Ta giành toàn thắng trên chiến trường Trị Thiên vô cùng anh dũng. (Tr.175)
      Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin: Đêm đầu tiên ở thành phố mới giải phóng sao mà khó ngủ đến thế. Tôi muốn nhắm mắt ngủ sau một ngày hành quân mệt nhọc để lấy lại sức, vì mọi việc đã phải bắt đầu từ ngày mai 26-3, rất bề bộn và phức tạp. Trằn trọc mãi, chập chờn trong giấc mơ đẹp, tỉnh dậy đã nghe tiếng thuyền xuôi ngược sông Hương, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. (Tr.195)
      Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn II: Cùng với lực lượng chính bao vây địch không cho chúng rút chạy, Trung đoàn 1 của Sư đoàn 325 và Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 tiến công theo hướng đường số 1 qua căn cứ Phú Bài chiều ngày 25-3 đã vào đến thành phố Huế, treo lá cờ cách mạng lên Phu Văn Lâu.
     Việc đánh chiếm Huế hoàn thành vào ngày 25 tháng 3 năm 1975. Sau có người hỏi tôi: "Tại sao tỉnh Thừa Thiên lại kỷ niệm ngày giải phóng là 26-3". Tôi trả lời: "Lấy ngày 26-3 là ngày giải phóng Thừa Thiên là đúng. Bởi trong ngày 26-3 lực lượng của sư đoàn 325 còn tiếp tục tiến công địch để tiêu diệt nốt các căn cứ của chúng từ Phú Lộc vào đến Lăng Cô". (Tr.159)
            Như vậy, căn cứ vào lời kể của nhiều người trong cuộc thì thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên không phải được giải phóng vào cùng một ngày như sách giáo khoa Lịch sử 12 cũ và mới viết, và ngày thành phố Huế được giải phóng là ngày 25-3-1975. Vậy việc sách giáo khoa Lịch sử 12 mới cho rằng thành phố Huế được giải phóng vào ngày 26-3-1975 liệu có chính xác?


(Thêm dấu cho tên topic)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2008, 12:42:46 pm gửi bởi Tunguska » Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2008, 01:11:26 pm »

Sách Lịch sử 12 mới: Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25-3, quân ta tiến vào cố đô Huế, đến hôm sau (26-3) thì giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên. (Tr.194).
------
- Ngày 25/3: Giải phóng TP
- Ngày 26/3: giải phóng Toàn tỉnh (trong đó có TP Huế đã GP từ hôm trước)
Thế thì có gì mâu thuẫn với thực tế đâu nhỉ?
Logged
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2008, 02:34:47 pm »

Tấm biển giới thiệu chứng tích tăng M48 Patton trong bảo tàng Huế muốn nói gì đây?
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 10:50:25 am »

Trích từ cuốn Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ.

GÓP BÀN VỀ NGÀY GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ XUÂN 1975

Trần Vĩnh Tường


Hàng năm, cứ đến dịp ngày 26 tháng 3, nhân dân Thừa Thiên-Huế nô nức tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như một sinh hoạt tinh thần đầy ý nghĩa. Đây không chỉ là hoại động kỷ niệm mang tính chính trị mà đã trở thành nét văn hóa của người dân xứ Huế. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, trong thực tế, Thừa Thiên-Huế được giải phóng vào ngày nào, ngày 26 hay ngày 25 tháng 3 năm 1975? Thiết nghĩ, với lịch sử 1 cần phải khách quan và công bằng. Trên tinh thần đó, tôi xin có đôi điều mong góp phần xác định thêm cho rõ ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế.

Trong cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, có ghi: “Ngày 26-3-1975, sư đoàn 1 ngụy bị tiêu diệt, thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Thắng lợi đó đã tạo thế uy hiếp từ hướng Bắc đối với quân địch ở Đà Nẵng". Trong thực tế, sư đoàn 1 ngụy không phải đến ngày 26 tháng 3 mới bị tiêu diệt.

Trong cuốn Thừa Thiên-Huế kháng chiên chống Mỹ cứu nước (1954-1975), viết: “Trong khi 2 cánh quân Nam và Bắc của ta đã tiến vào Huế, thì ở cánh phía Tây, Trung đoàn 6 trung đoàn Phú Xuân) - con đẻ của Quân khu Tn-thiên, trước khi bước vào chiến dịch được Quân khu giao nhiệm vụ cắm cờ chiến thắng ở thành phố Huế, nhưng trên đường về Huế gặp khó khăn. Đến 6 giờ sáng ngày 26 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 6 mới chính thức kéo lá cờ lớn dài 12m, rộng 8m lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn toàn được giải phóng”. Cũng trong cuốn sách này, các tác giả khẳng định: "Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, lá cờ chiến thắng được các chiến sĩ giải phóng cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu, phần phật bay báo tin vui với nhân dân Cố đô Huế: thành phố Huế được giải phóng".

Trong cuốn Thừa Thiên-Huế xuân 1975, Trung tướng Lê Tự Đồng - nguyên Bí thư Khu ủy Trị Thiên-Huế, viết: "Các đơn vị từ phía Nam đánh lên vừa lùa địch bên ngoài thành phố, vừa cho những đơn vị nhỏ thọc vào thành phố. Từ 8 giờ sáng đến khoảng 13-14 giờ ngày 25-3 các đơn vị không hẹn mà gặp nhau tại thành phố giải phóng đang nồng nặc mùi thuốc súng".

Đồng chí Vũ Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế viết: "Ngày 25-3-1975, từ hai hướng Nam và Bắc Huế, các lực lượng đi đầu của Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương Quảng Trì, được tự vệ dẫn đường tiến vào nội thành Huế. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, lá cờ giải  phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế đã được giải phóng.
 
Đồng chí Nguyễn Vạn - nguyên Bí thư Tinh ủy Thừa Thiên-Huế, người đã từng chiến đấu lâu năm ở chiến trường này kể: “Ngày 23 tháng 3 đến ngày 25 tháng 3, đồng chí Hoàng Lanh - Bí thư Thành ủy chỉ huy lực lượng bí mật bên trong cùng lực lượng biệt động đặc công thành phố ở ngoài vào huy động cơ sở cách mạng và quần chúng nổi dậy chiếm các nhà máy điện, nước, bưu điện, đài phát thanh, đài truyền hình và những cơ quan công sở quan trọng, bảo vệ an toàn thiết bị, vật tư tài liệu... tạo thuận lợi cho việc tiếp quản thành phố nhanh gọn, sớm ổn định. Một số cốt cán thành phố do đồng chí Nguyễn Huy Ngọc chỉ huy đã ra tận cửa An Hòa đón Tiểu đoàn 8 Quảng Trị vào thành, cùng vào có một đơn vị của Quân đoàn 2, hai đơn vị này đã treo cờ ở Phu Văn Lâu và Ngọ Môn. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 6 vào tiếp quản nội thành Huế, treo cờ giải phóng rộng 8m, dài 12m lên Kỳ đài Thừa Thiên-Huế đã hoàn toàn giải phóng".

Thượng tướng Nguyễn Hữu An - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, viết: "Sau khi giải phóng Phú Bài và Hương Thủy, Trung đoàn 101 , tiếp theo là Trung đoàn 3 bộ binh có xe tăng đi cùng, được nhân dân địa phương giúp phương tiện... vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3, Tiểu đội phó Tiểu đội trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm cờ chiến thắng lên Phu Văn Lâu.

Một bộ phận của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) cùng xe tăng, chiều ngày 25 tháng 3 đã tiến vào sở chỉ huy Quân đoàn 1 ở Mang Cá và tới giải phóng cho hơn 2.000 tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ.

Cùng chiều hôm đó, các lực lượng của Quân khu Trị -Thiên từ hướng Bắc cũng tràn vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố".

Từ những mô tả trên của các vị lãnh đạo và chỉ huy chiến trường lúc bấy giờ có thể nhận thấy rằng có một điều chưa thống nhất là thời điểm cắm cờ giải phóng trên Phu Văn Lâu. Nhiều người cho là cờ được cắm vào 10 giờ 30 phút ngày 25-3, có người nói là 13 giờ cùng ngày. Nhưng tất cả các ý kiến đó đều thống nhất ở những điểm sau.

- Lá cờ giải phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu vào trưa ngày 25 tháng 3 năm 1975.

- Đơn vị cắm cờ là Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị.

- Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá bị quân ta đánh chiếm vào ngày 25-3.

- Thành phố Huế được giải phóng ngày 25 tháng 3 năm 1975.

Vậy tại sao lấy ngày 26 tháng 3 làm ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế"? phải chăng đây là ngày cả tỉnh được giải phóng? Chúng tôi xin dẫn ra đây ý kiến của các đồng chí chỉ huy chiến trường, tham gia giải phóng Thừa Thiên-Huế.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An viết: "Rạng sáng ngày 23, Trung đoàn 101 đã phá vỡ căn cứ Lương Điền, mở được cửa phía Nam về Huế, đồng thời hỗ trợ cho Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tiêu diệt địch ở 303, núi Bông, núi Nghệ, Mỏ Tàu. Trung đoàn 18 tiến công vào căn cứ mũi Né... Nắm thời cơ địch đang hoảng hốt, Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Lẫm cho Tiểu đoàn 3 truy theo và đánh thẳng vào chi khu Phú Lộc. Tới 19 giờ ngày 23, Trung đoàn 18 diệt xong chi khu và đánh tan tiểu đoàn 128 bảo an, rồi đưa tiếp Đại đội 7 phối bợp với Tiểu đoàn 21 bộ đội địa phương chiếm cửa Tư Hiền... chiều 23 tháng 3, các trung đoàn 1 và 2 (Sư đoàn 324) đã chiếm cửa Thuận An, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) cùng bộ dội địa phương đã áp sát cửa Tư Hiền.

Phía Bắc Huế, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3, bộ đội địa phương Quảng Trị có Đại đội 7 xe tăng (Lữ đoàn 203) yểm hộ đã quét một loạt căn cứ, quận lỵ như Thanh Hương, Đại Lộc, Hương Điền rồi vượt sông Mỹ Chánh tấn công Phò Trạch, Lương Mai, tiếp đó hình thành hai mũi; một mũi đánh chiếm Bao Vĩnh, một mũi đánh chiếm bờ Bắc Thuận An.

Tảng sáng ngày 25 tháng 3, Tiểu đoàn 3 đã nổ súng đánh chiếm quận ly Lương Thủy, cùng lúc, Trung đoàn 101 đánh vào Phú Bài. Địch bị bất ngờ tháo chạy hỗn độn, bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy".

Đồng chí Nguyễn Vạn viết: "Chiến trường Bắc Thừa Thiên có khó khăn mới, nhưng trong tình thế địch bị hoảng soạn, tinh thần rêu rã, dù co cụm đông đặc cũng không giữ được sẽ bị quân ta đánh tan. Chấp hành lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch không để địch co cụm vào Huế, không để địch xúc dân, tối 23-3- 1975, toàn bộ mặt trận đồng bằng phát động cao trào tấn công nổi dậy...

Như vậy là 3 huyện Bắc Thừa Thiên-Huế đã hoàn toàn được giải phóng trong 2 ngày 24 - 25-3-1975".

Theo đồng chí Vũ Thắng: "Phối hợp với đòn tiến công quân sự, Đảng bộ và nhân dân các huyện và thành phố Huế đã nổi dậy giải phóng quê hương. Ngày 24 tháng 3, giải phóng các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Ngày 25 tháng 3, tiếp tục giải phóng Phú Vang, Quảng Điền, thành phố Huế và huyện Phú Lộc”.

Từ những trình bày trên có thể nhận thấy rằng, các huyện của Thừa Thiên-Huế đều được giải phóng trong các ngày 24 và 25 tháng 3 năm 1975. Để cụ thể hơn, chúng tôi dẫn ra đây ý kiến về ngày giải phóng các huyện. Đồng chí Võ Nguyên Quảng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Đến ngày 25-3, nhân dân 18 xã trong huyện đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền. Huyện Hương Thủy hoàn toàn giải phóng”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hường - nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Trà kể lại: "Đồng chí Lành và đơn vị xuất phát từ 5 giờ sáng ngày 25-3-1975 vào tới thành phố lúc 6 giờ sáng... thì được biết Hương Trà không còn địch . . . Gặp tôi đồng chí Dương Bá Nuôi bắt tay, ôm hôn tôi rất chặt: "Hoan hô Hương Trà đã giải phóng sớm...".

Ở Phong Điền, "Ngày 24-3 một tiểu đoàn của Quảng Trị đánh chiếm Mỹ Chánh rồi tiến thẳng vào Phò Trạch, An Lỗ hướng về Huế. Các lực lượng Phong Điền chớp thời cơ giải phóng ngay quận lỵ. Cùng lúc ấy Tiểu đoàn 812 từ Hải Lăng tràn sang. Các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương đồng loạt nổi dậy giành chính quyền làm chủ huyện. Huyện Phong Điền được hoàn toàn giải phóng”.

Tại Quảng Điền, đồng chí Nguyễn Trung Chính - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, kể: "Ngay đêm ấy (24-3), anh Hoàng  Điền liên lạc được với bộ đội ở Phong Chương rồi chỉ đạo ngay mũi công tác của huyện và các đội công tác xã phát động quần chúng nổi dậy tiến công giải phóng các xã Quảng Thái, Quảng Hưng (nay là Quảng Lợi, Quảng Phước - TVT) và quận lỵ Quảng Điền. Đúng 15 giờ ngày 25, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa quận trưởng, chi khu quân sự Quảng Điền".

Đồng chí Lê Viết Phong - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phú Vang viết: "Thừa thắng xông lên, lực lượng vũ trang của huyện... lấy xe và lái xe của địch (GM C)... tổ chức tiến lên vùng trên (Ân - Tài - Thiện) hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, bao vây tiêu diệt quận lỵ Phú Vang... Ngày 25-3- 1975, toàn huyện Phú Vang được giải phóng, một số xã tiến hành mít tinh mừng giải phóng và ra mắt ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời".

Từ thực tế chiến trường mà các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp đã phản ánh trong bài viết của mình gần đây nhất, có thể nhận thấy toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được giải phóng ngày 24 và 25 tháng 3 năm 1975. Như đã dẫn ở trên, đồng chí Vũ Thắng viết: "Ngày 24-3, giải phóng các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Ngày 25-3, tiếp tục giải phóng Phú Vang, Quảng Điền, thành phố Huế và huyện Phú Lộc".

Có thực tế là "Trung đoàn 6 bộ binh Quân khu là đơn vị con đẻ của Trị-thiên, được Quân khu giao nhiệm vụ cắm cờ chiến thắng ở thành phố Huế, thì đúng 6 giờ 30 phút ngày 26-3- 1975 mới chính thức kéo cờ lớn (dài 12 m, rộng 8 m) lên cột cờ phu Văn Lâu...". Theo đồng chí Nguyễn Vạn thì “Ngày 26-3-1975, Trung đoàn 6 vào tiếp quản nội thành, treo cờ giải phóng". Nói tiếp quản, bởi vì thành phố Huế đã được giải phóng và cờ giải phóng đã được Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị và một đơn vị của Quân đoàn 2 cắm trên Phu Văn Lâu trước đó một ngày (25-3-1975).

Từ những trình bày trên, mà chủ yếu là dẫn ý kiến từ các bài viết của chính các nhân chứng lịch sử, những vị lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu trực tiếp ở chiến trường Trị-Thiên-Huế trong chiến dịch Xuân 1975, theo chúng tôi có thể khẳng định, thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được giải phóng ngày 25 tháng 3 năm 1975.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Ba, 2009, 10:52:05 am gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:51:23 am »

Tóm lại là rất rắc rối!
Có thể là Thừa Thiên - Huế không thích Quảng Trị giải phóng?
Hay là các bác Quân đoàn 2 đánh tiếp phía Nam, các đồn bốt nhỏ lẻ, giải quyết nốt chiến trường dành cho quân Thừa thiên Huế. Và các bác này giải quyết xong trong ngày 26?
Logged
vovanha
Thành viên
*
Bài viết: 1575

Một thời để nhớ !


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 06:35:43 pm »

Tóm lại là rất rắc rối!
Chẳng khác gì với Bình Định quê tôi. 4 giờ chiều ngày 31/3/1975, tôi gặp các chú bộ đội tại cổng sân vận động Quy nhơn ( ngả ba Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ hiện nay ) các anh du kích và bộ đội hỏi tôi đường xuống bãi biển khu 2 Quy nhơn ( Phương Mai bây giờ ), thế nhưng Quy nhơn có rạp hát  " 1 tháng 4 " ?
Tóm lại là rất rắc rối! Huh Huh
Logged

Quy Nhơn ! Thành phố nhỏ hơn những gì nó có.Thơ bốn câu không quá hai mươi chữ. Rung chân trời một cánh yến mảnh mai. Con đường nghiêng em hát bên tôi. Gió và tóc...nắng và nước mía .
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #6 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 04:59:09 pm »

Nếu nói 30/4/1975 là ngày giải phóng miền Nam thì nói nói 25/3/1975 là ngày giải phóng Thưa Thiên Huế là có lý. Vì sao lại là ngày 26/3/1975 Huh Thật lằng nhằng! Việc cắm cờ ở Huế cũng khác với ở Sài Gòn. Địch trong thành phố đã chạy hết xuống Thuận An trong đêm 24/3, nhiều đơn vị đi trước đã được lệnh xuống Thuận An như e1/f324 QDD2, e4 QK Trị Thiên. Đã thấy mong manh chuyện công trạng mà quên mất những rất , rất nhiều người đã ngã xuống trên đường đến chiến thắng. Cái vụ ở dinh Độc Lập đến giờ vẫn chưa rõ  Huh Nghĩ mà buồn
Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #7 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 06:16:03 pm »

Cái vụ ở dinh Độc Lập đến giờ vẫn chưa rõ  Huh Nghĩ mà buồn

Vụ gì chưa rõ hả bác?
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #8 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 07:03:55 pm »

Ai thảo văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh ấy
Logged
china
Thành viên
*
Bài viết: 517


« Trả lời #9 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 07:26:42 pm »

 Có điều tra, có kết luận rồi đó, tin hay không thì tùy mỗi người, đừng bàn thêm nữa, có việc không bàn có khi còn vui hơn!?
Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM