Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:26:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (hỏi và đáp)  (Đọc 127896 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2007, 12:49:50 am »

37. Vì sao có tên gọi “Tiểu đoàn Lũng Vài”?
      Ngày 8-1-1948 đã diễn ra trận phục kích của Tiểu đoàn 223 chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh có sự phối hợp của tiểu đoàn 429 (Lạng Sơn) chặn đánh quân Pháp trên đường số 4, đoạn Bố Củng – Lũng Vài (Lạng Sơn), dài khoảng 6 km. Rạng sáng ngày 8-1-1948, Tiểu đoàn 223 bố trí xong trận địa phục kích, gồm hai bộ phận: bộ phận chủ yếu (hai đại đội) ở Lũng Vài, bộ phận thứ yếu (một đại đội) ở Bố Củng. 14 giờ , 4 xe chở quân Pháp (gần một đại đội) tiến đến Lũng Vài. Do ta sơ hở, địch phát hiện và tổ chức tiến công ba lần vào trận địa ta nhưng đều bị đẩy lùi, buộc phải rút chạy về Na Sầm; đến Bố Củng bị chặn đánh và thiệt hại nặng. Kết quả: ta diệt gọn 2 trung đội địch, phá hủy 4 xe, thu 27 súng các loại. Qua trận Bố Củng – Lũng Vài ta có thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức đánh giao thông trên chiến trường rừng núi. Sau trận Bố Củng – Lũng Vài, Tiểu đoàn 223 được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Lũng Vài”.


38. Trận đánh nào để lại nhiều kinh nghiệm về đánh du kích của quân và dân Nam Bộ trong nhưng năm đầu kháng chiến chống Pháp?
 Đó là trận Đồng Tháp Mười (từ ngày 14 đến ngày 18-1-1948). Đây là trận chống càn của quân và dân khu VIII đánh bại cuộc hành quân Vêga, một trong những cuộc hành quân càn quét lớn của Pháp vào Chiến khu Đồng Tháp Mười với ý đồ phá căn cứ, diệt bộ đội chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ. Lực lượng quân Pháp gồm 11 tiểu đoàn (có 2 tiểu đoàn dù), 4 tàu đổ bộ, 1 đội tàu công binh, 3 đại đội xe bọc thép, 2 tiểu đoàn xe lội nước bánh xích, 9 pháo 105 ly,13 máy bay. Sáng 14-1,sau khi dùng máy bay, pháo binh dọn đường, quân Pháp chia làm ba cánh bao vây và tiến công; một cánh đổ bộ lên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, một cánh nhảy dù xuống kênh Trà Cú Thượng và một cánh xuống phía bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia đánh xuống. Các lực lượng vũ trang khu VII vừa kịp thời tổ chức đánh chặn các cánh quân địch, vừa phân tán rút khỏi vòng vây, dựa vào địa hình kênh rạch chằng chịt, cỏ lác mọc kín đầu, dùng cách đánh nhanh, rút nhanh, phục kích, quấy rối, bắn tỉa, kết hợp gài mìn, địa lôi diệt từng toán quân địch đi lùng sục. Sau bốn ngày chiến đấu, ta diệt hàng trăm tên địch, buộc Pháp phải kết thúc cuộc hành quân.


39. Ba nhiệm vụ của chính trị viên được Bác Hồ nêu ra trong thư gửi Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai là gì?
     Hội nghị chính trị viên (chính trị ủy viên khu và chính trị viên trung đoàn) toàn quốc lần thứ hai họp ngày 6-3-1948. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị, nêu rõ ba nhiệm vụ của chính trị viên: “1. Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc đến nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội….Chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn.”. “2. Đối với nhân dân…”, Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội.” “3. Đối với quân địch…., Chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ, lôi kéo họ về phía ta.”(1).
 
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.5, tr. 392-393.


40. “Bài ca Tầm Vu” ra đời từ thắng lợi của trận đánh nào?
      Bài hát này ra đời từ trận Tầm Vu (ngày 18-4-1948). Đây là trận phục kích của các Chi đội 24, 25, 26 Vệ quốc quân Khu IX chặn đánh đoàn xe quân sự của Pháp ở Tầm Vu (tỉnh Cần Thơ), loại khỏi vòng chiến đấu 200 địch, phá hủy 14 xe vận tải, thu 100 súng trường, 1 pháo 105 ly. Lần đầu tiên thu được pháo 105 ly ở Khu IX trong kháng chiến chống Pháp.


41. Trận thắng nào được coi là thắng lợi lớn đầu tiên của quân và dân Việt Nam trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp?
     Đó là trận Ân Thi (từ ngày 26 đến ngày 30-5-1948). Đây là trận chống càn của Trung đoàn 64 (bộ đội chủ lực Liên khu III) cùng du kích và nhân dân địa phương bẻ gãy cuộc càn quét lớn của quân Pháp tại Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
     Thực hiện ý đồ giải tỏa vùng giáp ranh, vây diệt chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến tỉnh Hưng Yên, ngày 26-5-1948 Pháp huy động 3.000 quân có thủy quân, không quân và pháo binh phối hợp, thọc sâu vào vùng tự do thuộc các huyện Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi. Du kích và nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ để ngăn chặn các mũi tiến công của địch. Đồng thời Tiểu đoàn 239 và 182 của Trung đoàn 64 tổ chức chặn đánh quyết liệt ở Cầu Đìa, Làng Thi tới phố Thi, bẻ gãy nhiều đợt xung phong của quân Pháp, diệt hơn 200 tên, bắn chìm 3 canô. Đến ngày 30-5, Pháp buộc phải lui quân.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:27:45 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #11 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2007, 03:35:29 am »

42. Trận đánh cứ điểm bằng hiệp đồng bộ binh với pháo binh, để lại nhiều kinh nghiệm về cách đánh công kiên của bộ đội chủ lực ta trong kháng chiến chống Pháp?
     Đó là trận Phủ Thông (ngày 25-7-1948). Đây là trận tiến công của tiểu đoàn 11 (Trung đoàn 308), có pháo binh chi viện, đánh đồn Phủ Thông (bắc Bắc Kạn 20km), một vị trí tương đối kiên cố trong tiểu khu Bắc Kạn của Pháp do một đại đội lê dương đóng giữ, mở đầu Chiến dịch đường số 3 (từ ngày 25-7 đến ngày 2-8-1948). 18 giờ ngày 25-7, pháo binh bắn chuẩn bị, sau đó bộ binh chia thành ba mũi, dùng thang, ván vượt rào, diệt các ụ súng, phát triển vào tung thâm, đánh chiếm gần hết các lô cốt và diệt phần lớn quân địch trong đồn.


43. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch đường số 3?
     Chiến dịch tiến công đường số 3 diễn ra từ ngày 2507 đến ngày 2-8-1948. Lực lượng tham gia của ta gồm hai8 trung đoàn, ba tiểu đoànvà một số đại đội độc lập, do Bộ Chỉ huy Liên khu I chỉ huy, đánh vào phòng tuyến đường số3 của Pháp, nhằm diệt sinh lực, phá kế hoạch củng cố thế chiếm đóng của địch ở Cao Bằng – Bắc Kạn sau Thu Đông 1947. Lực lượng quân Pháp trên địa bàn có ba đại đội lê dương và một số lính khố đỏ. Chiến dịch mở đầu bằng cuộc tiến công đồn Phủ Thông nhưng không thành công, chặn một đoàn xe địch từ Cao Bằng xuống tăng viện cũng không kết quả. Sau đó, ta chuyển sang đánh tiêu hao địch ở Bắc Kạn, Bằng Khẩu, Nà Phạc, kết hợp với phá giao thông trên đường Bắc Kạn – Nà Phạc. Đến ngày 2-8 chiến dịch kết thúc. Là một trong những chiến dịch quy mô nhỏ ở chiến trường Bắc Bộ, kết quả còn hạn chế (diệt trên 50 địch), song đã để lại bài học kinh nghiệm về tổ chức và thực hành chiến dịch, bài học kinh nghiệm rất cần cho Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn xây dựng bộ đội chủ lực, đẩy mạnh vận động chiến.


44. Vì saongày 10-3 hằng năm là ngày truyền thống của Học viện Quân y?
     Ngày 10-3-1949, Trường Quân y sĩ Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 234/SL, ngày 28-8-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai giảng khóa I (55 học viên).
     Giám đốc: Đinh Văn Thắng.
     Từ đó, ngày 10-3 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Học viện Quân y.


45. Vì sao có tên gọi “ Tiểu đoàn Lũng Phầy”?
      Ngày 25-4-1949, đã diễn ra trận phục kích đoàn xe quân sự Pháp trên đường số 4 (đoạn Bông Lau – Lũng Phầy) do tiểu đoàn 23 chủ lực Bộ Tổng tư lệnh và ba tiểu đoàn bộ binh do Liên khu I tiến hành, có pháo binh chi viện, mở đầu đợt 2 chiến dịch Cao – Băc – Lạng (từ ngày 15-3 đến ngày 30-4-1949), nhằm tiêu diệt sinh lực, phá việc vận chuyển tiếp tế của địch từ Lạng Sơn lên Cao Bằng. Sáng ngày 25-4, đoàn xe chở quân Pháp gồm 114 chiếc có xe tăng, xe bọc thép được máy bay yểm trợ lọt vào trận địa phục kích (dài 6km), những xe đi đầu bị xịt lốp do đâm vào đinh ba chạc rải trên đường phải dừng lại gây ùn tắc. Ta dùng hỏa lực pháo binh bắn phá đội hình, sau đó bộ binh xung phong chia cắt diệt từng bộ phận quân địch. Kết quả diệt 500 quân địch, phá hủy 53 xe, 500 thùng xăng, thu nhiều vũ khí. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, tạo điều kiện cho chiến dịch Cao – Bắc – Lạng phát triển thuận lợi.Sau trận Bông Lau – Lũng Phầy, Tiểu đoàn 23 được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Lũng Phầy”.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:29:55 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2007, 05:31:34 am »

46. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Cao – Bắc – Lạng?
     Chiến dịch Cao – Bắc – Lạng diễn ra từ ngày 15-3 đến ngày 30-4-1949.
     Lực lượng tham gia gồm: ba trung đoàn bộ binh (28, 72, 74) Liên khu I, có sự phối hợp của bốn tiểu đoàn bộ binh chủ lực cảu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cùng một số đơn vị kỹ thuật, hỏa lực và dân quân du kích địa phương, do Bộ Tư lệnh Liên khu I chỉ huy, đánh vào tuyến phòng thủ đường số 4 và lực lượng chiếm đóng của Pháp ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, trọng đó trọng điểm là đường số 4, nhằm tiêu diệt sinh lực và triệt vùng tiếp tế của địch trên vùng Đông Bắc, làm tan rã khối ngụy quân, buộc địch phải rút khỏi Bắc Kạn. Để đánh lạc hướng địch, đồng thời phối hợp với phối hợp với chiến dịch, ta mở chiến dịch Đông Bắc II (từ ngày 3 đến ngày 30-4-1949) và tiến hành các hoạt động tác chiến ở vùng trung du, đường sô 5. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ ngày 15-3 đến ngày 14-4-1949) đánh phục kích các đoàn xe địch trên đường Cao Bằng – Thất Khê, liên tiếp tấn công diệt các đồn Bản Trại, Đèo Khách, uy hiếp cứ điểm Bông Lau, thị trấn bản Thất Khê, pháo kích thị trấn Na Sầm, đánh đồn Bản Na, Nà Lạng, bức rút hai vị trí Bình Nhị, Nà Mần, đồng thời chặn viện binh địch từ Thất Khê lên ứng cứu cho Bản Trại. Từ cuối tháng 3-1949, ta nhiều lần pháo kích sân bay Mai Pha, thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và đánh giao thông trên đường Đông Khê – Phục Hòa. Đợt 2 (từ ngày 25 đến ngày 30-4-1949), chuyển sang đánh vận động là chính, mở đầu bằng trận Bông Lau – Lũng Phầy (ngày 25-4-1949), tiếp đó bao vây tiến công một số đồn bốt trên đường Cao Bằng – Trà Lĩnh, diệt đồn Bàn Pái và buộc địch ở Pò Mã, Pò Pạo rút chạy. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.400 tên địch, phá hủy trên 80 xe quân sự, san bằng và bức rút hàng chục đồn bốt, nhưng do ham đánh điểm nên bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt viện và chưa thực hiện được nhiệm vụ chủ yếu là làm tê liệt đường số 4.


47. Mục đích, diễn biến và kết quả của chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn?
     Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn diễn ra từ ngày 10 đến ngày 5-7-1949. Thực hiện thỏa thuận giữa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng ta, ngày 23-4 1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh (Số 264 – bis/TTL), giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Liên khu I: “giúp Giải phóng quân (Trung Quốc) xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung – Long – Khiêm liền với biên giới đông – bắc của ta, thông ra biển, gây điều kiện để khuếch trương lực lượng đón quân tiến xuống phía nam, đồng thời hoạt động ở đông – bắc để mở rộng tự do của ta sát tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế”.
     Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch: Lê Quảng Ba.
     Chính trị ủy viên: Trần Minh Giang (Trung Quốc).
     Chiến dịch diễn ra trên hai mặt trận. Mặt trận Điền Quế do đồng chí Nam Long làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Bình (Trung Quốc) làm Chỉ huy phó, đồng chí Đỗ Trình làm Chính trị viên. Mặt trận Tả Giang – Long Châu do đồng chí Thanh Phong, Tư lệnh Phó Liên khu I làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 và đồng chí Long Xuyên – Trung đoàn phó Trung đoàn 28 làm Tư lệnh phó. Các đơn vị tham gia chiến dịch: Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn 74), Tiểu đoàn 35 (Trung đoàn 308), Tiểu đoàn 426 (Trung đoàn 59), Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Hải Ninh) và một số đại đội binh chủng, đơn bị bảo đảm.
     Ngày 10-6, chiến dịch bắt đầu. Phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc, bộ đội ta tiêu diẹt nhièu đồn bốt, mở rộng khu Điền Quế, Việt Quế và các khu căn cứ Tả Giang, Thập Vạn Đại Sơn. Ngày 5-7, Bộ Tổng tư lệnh ra chỉ thị kết thúc chiến dịch. Các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước.


48. Sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta được thành lập vào thời gian nào? Ở đâu? Biên chế tổ chức, chỉ huy của sư đoàn khi mới thành lập?
     Đại đoàn bộ binh 308 nay là sư đoàn 308 thành lập ngày 28-8-1949, tại thị trấn Đồn Du, huyện Đồng Hỷ (nay là Phú Lương – Thái Nguyên). Biên chế ba trung đoàn bộ binh: 88, 102, 36, Tiểu đoàn bộ binh 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông), Tiểu đoàn Pháo binh 410 và một số đơn vị binh chủng trực thuộc. Trung đoàn 88 thành lập ngày 1-1-1949 gồm các Tiểu đoàn 23, 29, 28, 322. Trung đoàn trưởng: Nguyễn Thái Dũng, Chính ủy: Đặng Quốc Bảo. Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) gồm các Tiểu đoàn 18, 69, 79. Trung đoàn trưởng: Vũ Yên, Chính ủy Hoàng Thế Dũng. Trung đoàn 36 (Trung đoàn Bắc – Bắc) thành lập tháng 8-1946 gồm các Tiểu đoàn 54, 55, 56. Trung đoàn trưởng: Phạm Hồng Sơn, Chính ủy: Hoàng Xuân Tùy.
     Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn: Vương Thừa Vũ. Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta, được mang danh hiệu “Quân tiên phong”.


49. Nêu tóm tắt diễn biến và kết quả chiến dịch Lê Lợi?
     Chiến dịch Lê Lợi diễn ra từ ngày 25-11-1949 đến ngày 30-1-1950.
     Bộ Tổng tư lệnh sử dụng các Trung đoàn 209 (thuộc Bộ), 66 (Liên khu III), 9 (Liên khu IV), hai Trung đoàn địa phương 42, 48 (thuộc Liên khu III), Tiểu đoàn độc lập 930 (Liên khu X), một số đơn vị binh chủng và du kích tiến công địch tại chợ Bờ (Hòa Bình) nhằm phá thế uy hiếp của địch, mở rộng đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu III, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.
     Tư lệnh chiến dịch: Hoàng Sâm; Chính ủy Lê Quang Hòa; Phó Tư lệnh: Lê Trọng Tấn.
     Các đơn vị đã loại ra khỏi vòng chiến hơn 600 tên địch.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:37:17 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2007, 05:34:33 am »

50. Thời gian, địa điểm, biên chế tổ chức, huy khi mới thành lập của Sư đoàn 304?
     Đại đoàn bộ binh 304 (Đại đoàn Vinh Quang) nay là Sư đoàn bộ binh 304 thành lập ngày 10-3-1949 tại đình Tam Lạc (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Đại đoàn biên chế ba trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 66 (nguyên chủ lực Liên khu III), Trung đoàn 9 (nguyên chủ lực Liên khu IV) và Trung đoàn 57 chủ lực tỉnh Nghệ An, một số đơn vị trợ chiến, bảo đảm.
     Trung đoàn trưởng: Hoàng Minh Thảo.
     Chính ủy: Trần Văn Quang.


51. Trận đánh nào thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Việt Nam về trình độ kỹ thuật, chiến thuật và tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh trong công sự vững chắc?
    Đó là trận Đông Khê (ngày 25 và 26-5-1950). Đây là trận tiến công của Trung đoàn 174 (bộ đội chủ lực) có pháo binh chi viện, vào Đông Khê (phía nam thị xã Cao Bằng 45 km), cứ điểm quan trọng của quân Pháp trên đường số 4, do hai đại đội lính Marốc và một đại đội ngụy quân chiếm giữ. 19 giờ ngày 25-5. Trận đánh bắt đầu bằng hỏa lực pháo binh tập trung chi viện phá rào và sát thương quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong đánh chiếm các vị trí trong cứ điểm. Đến 6 giờ ngày 25-6 ta àm chủ trận địa, diệt và bắt trên 300 tên địch, thu và phá hủy 6 khẩu pháo…


52. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả chiến dịch Bến Tre?
     Chiến dịch Bến Tre diễn ra từ ngày 3 đến ngày 31-7-1950 trên địa bàn huyện Lách, Mỏ Cày (Bến Tre), do Bộ Tư lệnh Khu VIII tổ chức nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá kế hoạch của địch đánh chiếm Cù Lao Minh, củng cố và mở rộng các căn cứ du kích bắc Mỏ Cày. Lực lượng gồm ba tiểu đoàn bộ đội chủ lực khu (307, 308, 310), ba đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ ngày 3 đến ngày 12-7-1950), tiến công diệt các đồn Lò Heo, Hòa Khánh, bao vây bức rút đồn Cây Da, chặn đánh các toán quân ứng cứu của địch… Đợt 2 (từ ngày 13 đến ngày 31-7-1950) tiến công đồn Giồng Keo và đánh địch rút chạy, bao vây uy hiếp các đồn bốt khác trên toàn tuyến nhằm thu hút các lực lượng ứng cứu, nhưng địch không ra, ta chuyển hướng hoạt động vào sát thị trấn Mỏ Cày, đánh địch ở Khánh Thạnh Tân, Đa Phước Hội An, An Thạch, Thành Thới… Kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt và chiếm bốn đồn, bức rút một số lô cốt, tháp canh, loại khỏi vòng chiến đấu 250 tên địch, giải phóng một xã (Tân Bình), nhưng do không kéo được quân cơ động của địch ra nên thắng lợi bị hạn chế, không thực hiện đầy đủ mục đích nhiệm vụ chiến dịch đề ra.


53. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Đắc Lắc?
     Chiến dịch Đắc Lắc diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9-1950 ở khu vực Ma Đrắc - Cheo Reo – Buôn Hồ (Đắc Lắc), do Bộ Tư lệnh liên khu V tổ, chỉ huy nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở và phát động chiến tranh du kích, phối hợp với các chiến trường trong lien khu và cả nước. Tham gia chiến dịch có hai trung đoàn  bộ binh (803, 84) của lien khu và lực lượng vũ trang địa phương. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có chin đại đội (1/3 Âu – Phi). Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (ngày 7-8-1950), bộ đội chủ lực đánh mạnh trên đường 7, song tiến công cứ điểm Ma Phu và đánh viện không thành công. Đợt 2 (tháng 9-1950), tập trung đánh càn quét để bảo vệ hành lang vận chuyển của ta, tạo điều kiện cho các đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch hậu ở quanh thị xã Buôn Ma Thuột, Bản Đôn, bót (bốt) Đa Lạt gây cơ sở, phát động chiến tranh du kích. Trong chiến dịch Đắc Lắc, kết quả diệt địch không lớn (loại khỏi vòng chiến đấu 170 tên địch), nhưng đã góp phần quan trọng trong xây dựng và củng cố căn cứ du kích vùng sau lưng địch ở Đắc Lắc, tạo bàn đạp vượt qua đường số 14 tới Bản Đôn sang đông Campuchia.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:39:01 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:04:47 am »

54. Trận đánh nào được coi là một trong những trận đánh then chốt, thể hiện khả năng đánh tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực Việt Nam trên chiến trường rừng núi trong kháng chiến chống Pháp?
     Đó là trận Cốc Xả (diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8-10-1950). Đây là trận tiến công của ba tiểu đoàn (11, 80, 89) thuộc Đại đoàn 308 và Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) diệt Binh đoàn Lơ Pagiơ của Pháp tại vùng núi Cốc Xả (tây  - nam Đông Khê khoảng 6-7 km) trong đợt hai chiến dịch Biên giới (từ ngày 16-9 đến 14-10-1950). Ý đồ chiếm một số điểm khống chế Đông Khê thất bại, Binh đoàn Lơ Pagiơ chạy về Cốc Xả tở chức phòng ngự để chờ hội quân với Binh đoàn Sáctông từ Cao Bằng rút về. Các đơn vị ta kịp thời bám sát và tổ chức bao vây tiêu diệt địch theo quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch. 17 giờ, ngày 5-10 ta bắt đầu nổ sung, đập tan nhiều đợt phản kích của địch, khép dần vòng vây, đồng thời cho một mũi luồn sâu bất ngờ chiếm điểm cao đánh xuống làm rồi loạn đội hình địch. 6 giờ, ngày 7-10 ta làm chủ trận địa và tổ chức lục lượng truy kích, đến chiều ngày 8-10, ta diệt và bắt hầu hết quân địch, trong đó có Lơ Pagiơ; số sống sót chạy sang điểm cao 477 cũng bị tiêu diệt.


55. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Biên giới?
     Chiến dịch Biên giới diễn ra từ ngày 16-9 đến ngày 14-10-1950.
     Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới.
      Ngày 7-7, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh về chiến dịc Biên giới Cao – Lạng (chiến dịch Lê Hồng Phong II). Mục đích: tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng, đồng chí Trần Đăng Ninh – Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.
     Lực lượng chiến đấu: Đại đoàn 308, hai Trung đoàn 174, 209, ba Tiểu đoàn độc lập 426, 428, 888 của Lạng Sơn và Liên khu Việt Bắc, bốn đại đội sơn pháo, năm đại đội công binh và bộ đội du kích địa phương. Hàng vạn dân công là người các dân tộc Việt Bắc mở đường vận chuyển 4.000 tấn lương thực, vũ khí, đạn phục vụ chiến dịch.
     Ngày 2-9, chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội: “Chiến dịch Cao – Bắc – Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này. Ngày 11 và 12-9, Người đến Sở Chỉ huy chiến dịch nghe báo cáo và kiểm tra công tác chuẩn bị. Ngày 13-9, Người ra mặt trận Đông Khê trực tiếp theo dõi và động viên bộ đội chuẩn bị đánh trận mở màn chiến dịch.
     Từ ngày 16 đến ngày 18-9, hai Trung đoàn 174 và 209, hai Tiểu đoàn 11, 426, ba tiểu đoàn pháo binh, tiêu diệt cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Từ ngày 2 đến ngày 8-10, Đại đoàn 308 , Trung đoàn 209 vận động tiến công tiêu diệt Binh đoàn Lơ Pagiơ từ Thất Khê lên và Binh đoàn Sáctông từ Cao Bằng rút về, tại khu vực Cốc Xả, điểm cao 447. Từ ngày 10 đến ngày 23-10, quân địch bỏ Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng. Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu, tháo chạy.
     Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu trên 8.000 tên, gồm tám tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn ứng chiến (hơn một nửa lực lượng cơ động chiến lược của Pháp ở bắc Đông Dương); phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch; giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân, nhiều vùng quan trọng ở vùng biên giới Việt – Trung, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa.
       Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến của quân đội ta.


56. Nhân dịp báo Quân đội nhân dân ra số đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị gì đối với những người làm báo trong quân đội?
     Ngày 20-10-1950, báo Quân đội nhân dân ra số đầu. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, dễ hiểu, trình bày rõ rang, ít tiếp sang trang khác” (1).
 (1). 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.105.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:40:39 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2007, 03:42:12 am »

57. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Hoàng Diệu?
     Chiến dịch Hoàng Diệu diễn ra từ ngày 5-8 đến ngày 4-11-1950. Đây là chiến dịch tiến công quân Pháp ở khu vực Điện Bàn – Duy Xuyên (bắc Quảng Nam) do Bộ Tư lệnh Liên khu V tổ chức, chỉ huy nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, phá âm mưu càn quét, dồn dân của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phối hợp với chiến trường Bắc Bộ. Lực lượng gồm Trung đoàn bộ binh 108 của liên khu và lực lượng vũ trang địa phương. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ ngày 5-8 đến ngày 8-9-1950) phục kích ở Bảo An và trên đoạn Giao Thủy – Thượng Phước – Túy La, đánh giao thong trên đèo Hải Vân, chống địch càn quét cướp lúa và phát động quần chúng đấu tranh, xây dựng, củng cố vùng căn cứ. Đợt 2 (từ ngày 9-9 đến ngày 4-11-1950), tiến công cứ điểm Tú Hải không thành công chuyển sang đánh ở La Nghi, Gò Nổi; đánh bại cuộc hành quân càn quét lớn của địch ở Điện Hòa. Kết quả: ta loại khỏi vòng chiến trên 900 tên địch, làm thất bại một bước kế hoạch bình định, dồn dân, bắt lính của lính Pháp, góp phần giữ vững phong trào kháng chiến ở vùng sau lưng địch.


58. Thời gian, địa điểm, biên chế tổ chức, chỉ huy khi mới thành lập của Sư đoàn 312?
      Đại đoàn bộ binh 312 (Đại đoàn Chiến thắng) – nay là Sư đoàn 312 thành lập ngày 27-12-1950 tại Kim Lăng (Phú Thọ). Biên chế Trung đoàn bộ binh 209 (Trung đoàn Sông Lô, chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh), Trung đoàn bộ binh 141 (mới tổ chức từ các tiểu đoàn của “Nghĩa quân Hồng Hà” và Tiểu đoàn Phủ Thông), Trung đoàn bộ binh 165 (Trung đoàn Lao – Hà – Yên thuộc mặt trận Tây Bắc) và các đơn vị trợ chiến, bảo đảm.
       Đại đoàn trưởng: Lê Trọng Tấn.
       Chính ủy: Trần Độ.


59. Sư đoàn bộ binh 320 thành lập khi nào? Ở đâu? Biên chế tổ chức, chỉ huy khi mới thành lập?
     Đại đoàn bộ binh 320 (Đại đoàn Đồng bằng) – nay là Sư đoàn 320, thành lập ngày 16-1-1951 tại đình Móng Lá (Nho Quan – Ninh Bình). Biên chế: Trung đoàn 64 “Quyết Thắng”, trung đoàn 48 “Thăng Long” (hai trung đoàn chủ lực Liên khu III); Trung đoàn 52 “Tây Tiến”, các cơ quan, đơn vị trợ chiến và bảo đảm.
     Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy: Văn Tiến Dũng.


60. Trung đoàn công binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta mang phiên hiệu gì? Được thành lập khi nào? Ở đâu? Biên chế khi mới thành lập?
     Đó là Trung đoàn công binh 151, được thành lập ngày 15-1-1950 tại rừng Khánh Lân (Hợp Thành, Phú Lương, Thái Nguyên). Biên chế khi mới thành lập gồm: Tiểu đoàn 333 (thành lập năm 1949), Tiểu đoàn 444 (nguyên là Tiểu đoàn 60, Đại đoàn bộ binh 308) và các cơ quan tham mưu chính trị, cung cấp, quân y, xưởng sửa chữa quân cụ, trung đội vận tải, đại đội thông tin liên lạc và cảnh vệ.
    Trung đoàn trưởng: Phạm Hoàng.
   Chính ủy: Lê Khắc.


61. Nêu  tóm tắt diễn biến, kết quả chiến dịch Hoàng Hoa Thám? Bác Hồ đã đánh giá như thế nào về chiến dịch này?
     Chiến dịch Hoàng Hoa Thám diễn ra từ ngày 23-3 đến ngày 7-4-1951.
     Bộ Tổng tư lệnh sử dụng hau đại đoàn (308, 312), hai trung đoàn (98, 174), bốn đại đội pháo binh tiến công tuyến phòng ngự đường số 18 của địch (khu vực Phả Lại đến Uông Bí).Ở trung du và đồng bằng Liên khu III, hai Đại đoàn 304 và 320 đẩy mạnh tiến công địch phối hợp với chiến dịch. Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.900 tên địch, diệt và bức rút hơn 130 vị trí, tháp canh. Bộ đội ta đánh thắng nhiều trận, nhưng cũng có trận không thành công và thương vong cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Ta đã không hoàn thành nhiệm vụ đầy đủ, địch thiệt hại nhưng ta cũng bị tiêu hao” (1).
(1). 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr. 112.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:54:46 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2007, 03:49:57 am »

62. Đại đoàn công – pháo đầu tiên của quân đội ta thành lập khi nào? Biên chế khi mới thành lập?
     Đại đoàn công – pháo 351 thành lập ngày 27-3-1951. Biên chế: Trung đoàn 151 công binh (thành lập tháng 1-1951), Trung đoàn sơn pháo 75 ly (được tổ chức trên cơ sở ba tiểu đoàn pháo binh thuộc Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209), Trung đoàn 45 pháo xe kéo 105 ly (nguyên là Trung đoàn 34 “Tất thắng” thuộc Liên khu III), xưởng sửa chữa xe, pháo, khí tài và các cơ quan. Đồng chí Vũ Hiển, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng được bổ nhiệm làm Đại đoàn phó, quyền Đại đoàn trưởng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu - Ủy viên Liên khu Việt Bắc, Chính ủy Trung đoàn 246 (Trung đoàn bảo vệ căn cứ Bộ Tổng tư lệnh) được bổ nhiệm làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Đây là đại đoàn binh chủng (công binh – pháo binh) đầu tiên của quân đội ta.


63. Thời gian, địa điểm,biên chế tổ chức khi mới thành lập của Sư đoàn bộ binh 316?    
     Đại đoàn bộ binh 316 (nay là sư đoàn 316) thành lập ngày 1-1-1951 tại Cốc Lùng (Thoát Lãng – Lạng Sơn). Biên chế: Trung đoàn 174 (trực thuộc Bộ), Trung đoàn 98 (thuộc mặt trận Đông Bắc), Trung đoàn 176 (tỉnh Lạng Sơn), một sô đơn vị binh chủng và cơ quan đại đoàn.
     Đại đoàn trưởng: Lê Quảng Ba.
     Chính ủy: Chu Huy Mân.


64. Nêu tóm tắt diễn biến và kết quả chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh)?
     Chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh) diễn ra từ ngày 28-5 đến ngày 20-6-1951.
     Bộ Tổng tư lệnh sử dụng ba đại đoàn (308, 304, 312), các đơn vị binh chủng, các tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương, dân quân du kích, tiến công địch ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá khối Ngụy quân: Đảng ủy mặt trận gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy), Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm. Các địa phương huy động 100.000 dân công và 100 tấn gạo phục vụ chiến dịch.
      Kết quả: loại khỏi vòng chiến đấu 4.000 tên địch (có 40% lính Âu – Phi thuộc các đơn vị cơ động đi ứng cứu), diệt và bức rút hơn 30 vị trí, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một số thị xã thuộc hai huyện Yên Mỗ, Yên Khánh (Ninh Bình), xây dựng khu căn cứ Bình Lục, Lý Nhân (Hà Nam), gây ảnh hưởng chính trị trong nhân dân. Nhưng do địch phát huy hỏa lực không quân, pháo binh, việc chỉ đạo, vận dụng phương châm tác chiến và kỹ thuật, cách xử trí tình huống của ta còn hạn chế, nên đã bỏ lỡ một số thời cơ tiêu diệt địch.


65. Trận đánh nào thể hiện bước trưởng thành của bộ đội ta về đánh địch trong công sự vững chắc trên địa hình đồng bằng trong kháng chiến chống Pháp?
     Đó là trận Non Nước (ngày 30-5-1951). Đây là trận tiến công của Tiểu đoàn 54 (Trung đoàn 102, Đại đoàn 308) vào cứ điểm Non Nước, một vị trí quan trọng của Pháp được xây dựng trên núi Non Nước (thị xã Ninh Bình), có địa thế hiểm trở, công sự vững chắc, do hai đại đội quân Pháp và lính bảo hoàng đóng giữ. 2 giờ 15 phút ngày 30-5, được pháo binh chi viện, Tiểu đoàn 54 sử dụng hai đại đội tiến công từ hai hướng. Bằng chiến thuật tổ ba người, dung thang vượt vách đá, khắc phục vật cản, bộ đội nhanh chóng thoạc sâu chia cắt, đánh chiếm từng tầng hầm, lô cốt, ngách hang. Đến rạng sang, ta làm chủ trận địa, diệt gần 200 tên địch, bắt sống chỉ huy. Khi lui quân, 18 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn không kịp rút đã tổ chức phòng ngự đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch chiếm lại Non Nước, đến 12 giờ mới rời khỏi trận địa.


66. Tại sao Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin lấy ngày 11-11 hằng năm làm ngày truyền thống?
     Ngày 11-11-1951, Trường Thông tin được thành lập (Quyết định số 132/QĐ của Bộ Tổng tham mưu) trên cơ sở sáp nhập Trường Thông tin Liên khu III với những lớp đào tạo cán bộ  và nhân viên của Cục Thông tin lien lạc. Nhiệm vụ: đào tạo trung đội trưởng thong tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, cơ công sơ cấp và báo vụ.
     Khóa đầu khai giảng vào tháng 11-1951, tại bản Piềng, Định Hóa, Thái Nguyên, có 281 học viên. Vì thế, ngày 11-11- hằng năm trở thành ngày truyền thống của Trường Sĩ  quan kỹ thuật thông tin.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2007, 03:05:13 pm gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2007, 06:00:20 am »

67. Vì sao Trung đoàn 88 được tặng danh hiệu “ Trung đoàn Tu Vũ”?
     Ngày 10-12-1951 đã diễn ra trận Tu Vũ – trận tiến công mở màn chiến dịch Hòa Bình (từ ngày 10-12-1951 đến ngày 25-2-1952) của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) vào cứ điểm Tu Vũ (bắc thị xã Hòa Bình hơn 20 km) của quân Pháp do một tiểu đoàn Âu – Phi đóng giữ trong công sự vững chắc, được tăng cường xe tăng và một đại đội ngụy quân người Mường. Mặc dù bị thương vong khi chiếm lĩnh trận địa do hỏa lực của cứ điểm và của pháo binh Pháp từ Chẹ, Đá Chông bắn cản dữ dội, Trung đoàn 88 đã kịp thời khắc phục và 21 giờ ngày 10-12 bắt đầu tiến công. Sau 5 giờ chiến đấu, bộ đội ta làm chủ trận địa, diệt và bẳt hơn 170 tên địch, thu và phá hủy nhiều vuc khí trang bị. Thắng lợi của trận Tu Vũ góp phần cắt đứt đường vận tải của quân Pháp trên sông Đà, uy hiếp Hòa Bình tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch phát triển. Sau trận Tu Vũ, Trung đoàn 88 được tặng danh hiệu “Trung đoàn Tu Vũ”.


68. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả chiến dịch Hòa Bình?
     Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10-12-1951 đến ngày 25-2-1952.
     Ngày 18-11, Tổng Quân ủy họp nhận định âm mưu địch đánh ra Hòa Bình, đề nghị Bộ Chính trị cho mở chiến dịch phá cuộc tiến công của địch.
     Hạ tuần tháng 11, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các lực lượng vũ trang:
     “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh.
      Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là một cơ hội rất tốt cho ta.”
      Các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 304 đánh địch ở mặt trận Hòa Bình (hướng chính). Hai Đại đoàn bộ binh 316 và 320 hoạt động ở vùng sau lưng địch.
       Tư lệnh chiến dịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
       Sau ba đợt chiến đấu ta loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 tên địch, bức hàng bức rút hơn 1.000 đồn bốt, thu và phá hủy nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh, mở rộng các căn cứ du kích, giải phóng hơn hai triệu dân. Nhiều đơn vị cán bộ chiến sĩ lập thành tích xuất sắc. Chiến sĩ Cù Chính Lan anh dũng diệt xe tăng địch trong chiến dịch này.
       Trung đoàn 88 (Đậi đoàn 308) diệt cứ điểm Tu Vũ được nhận danh hiệu “Trung đoàn Tu Vũ”.


69. Tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, ngày 22-6-1952, Bác Hồ đã có chỉ thị gì cho cán bộ cung cấp?
     Ngày 22-6-1952, nói chuyện với Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Bác Hồ đã chỉ thị: “Bổn phận của cán bộ cung cấp là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những dân công đi giúp chiến dịch. Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc…Một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”.(1).
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 514.


70. Mục đích của Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ tổ chức vào tháng 7-1952 là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị gì cho Hội nghị?
     Tháng 7-1952, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy tổ chức Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ. Đại biểu các ngành quân, dân, chính, đảng các địa phương ở vùng sau lưng địch (BắcBộ, Bình Trị Thiên, Liên khu V) tham dự. Hội nghị tổng kết kinh nghiệm chống càn, khẳng định vai trò của bộ đội địa phương và dân quân du kích; giải quyết một số vấn đề cụ thể và thống nhất lãnh đạo, biên chế tổ chức công tác cung cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị cho Hội nghị: “ Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đèu phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi.”(1).
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 525.


71. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch bắc Quảng Nam?
     Chiến dịch tiến công quân Pháp ở bắc Quảng Nam diễn ra từ ngày 15-7 đến nagỳ 16-9-1952, do Bộ Tư lệnh Liên khu V tổ chức, chỉ huy nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá vỡ phòng tuyến vòng ngoài của địch ở Đà Nẵng, mở rộng khu du kích bắc Quảng Nam. Lực lượng gồm Trung đoàn bộ binh 803 của lien khu và lực lượng vũ trang địa phương, diễn biến qua ba đợt. Đợt 1 (từ ngày 15-7 đến ngày 17-8-1952), tiến công diệt các cứ điểm Xuân Đài, Vân Ly, khu hành chính Phú Kỳ…., đưa một đại đội luồn sâu đánh phía sau lưng địch, làm tan vỡ tuyến phòng thủ phía nam song Thu Bồn, giải phóng vùng tây Gò Nổi; sau đó đánh địch càn quét vào Gò Nổi, đồng thời phân tán chủ lực hỗ trợ phong trào du kích ở Điện Bàn, Hòa vang, Duy Xuyên, Đại Lộc. Đợt 2 (từ ngày 18-8 đến ngày 15-9-1952), tiến công tiêu diệt cứ điểm Túy Loan, khu hành chính Kỳ Lam và một số tháp canh, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá tề, trừ gian. Đợt 3 (từ ngày 16 đến ngày 26-9-1952), tiếp tục tiến công diệt các cứ điểm Ba Du, Thượng Phước, Lệ Sơn, Dốc Nhất… Các trận đánh trên đã tạo điều kiện cho hang nghìn du kích được rèn luyện trong thực tế chiến đấu. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên địch, giải phóng một số thị xã, mở rộng khu du kích đồng bằng nối liền với căn cứ miền núi của tỉnh. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, giữa tiến công quân sự với phát động quần chúng phá tề và vận dụng cách đánh thích hợp, chiến dịch bắc Quảng Nam giành thắng lợi, góp phần làm chuyển thế và lực của ta trên chiến trường nam Trung Bộ.


72. Trận đánh nào là trận đánh thắng đầu tiên bằng cách đánh đặc công của lực lượng vũ trang Bình Thuận trong kháng chiến chống Pháp?
     Đó là trận Ngã Hai (ngày 18-9-1952). Đây là trận tập kích của trung đội đặc công, ,một đại đội xung kích và một trung đội bộ đội địa phương tại Bình Thuận vào đồn Ngã Hai (phía nam thị xã Phan Thiết 7km). Đây là một đồn được xây dựng kiên cố do một đại đội quân Pháp chiếm giữ, nhằm thể hiện cách đánh đặc công, diệt sinh lực địch, phá khu tập trung dân của Pháp. Đêm 18-9, trung đội đặc công hình thành bảy mũi, bí mật luồn sâu, ém sát, bất ngờ dùng bộc phá đánh sập các lô cốt, tạo điều kiện cho đại đội xung kích vào tiếp chiến diệt địch. Cùng lúc, lực lượng chặn viện diệt các tháp canh ở cầu 40 và trong khu tập trung dân. Sau 20 phút chiến đấu, ta làm chủ trận địa và bắt trên 120 quân Pháp, giải phóng nhân dân khỏi khu tập trung của địch.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2007, 03:39:54 pm gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2007, 12:43:39 am »

73. Trình bày tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Tây Bắc?
     Chiến dịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 14-10 đến ngày 10-12-1952.
     Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị chuẩn bị chiến dịch từ tháng 4-1952. Đầu tháng 9, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc. Ở hướng chính, Bộ Tổng tư lệnh sử duịng các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, Đại đoàn công – pháo 351, Trung đoàn bộ binh 148 và lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở Tây Bắc. Hai Đại đoàn bộ binh 320, 304 hoạt động nghi binh và phối hợp ở vùng sau lưng địch. Các tỉnh từ Thanh – Nghệ - Tĩnh trở ra huy động 35.000 dân công cùng các đơn vị công binh sửa đường vận tải tiếp tế.
     Chỉ huy trưởng chiến dịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái; Chủ nhiệm chính trị: Nguyễn Chí Thanh; Chủ nhiệm cung cấp: Nguyễn Thanh Bình.
     Chiến dịch diễn ra ba đợt. Trên cả hai mặt trận, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đâu 13.800 tên địch, đánh bại âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Mường”, “Xứ Nùng” tự trị của địch; giải phóng 28.500 km2 với 25 vạn dân thuộc các tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), bốn huyện phía nam tỉnh Lai Châu, hai huyện phía tây tỉnh Yên Bái, nối liền Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc.
     Các đơn vị tham gia chiến dịch tiến bộ rõ rệt về trình độ đánh công kiên, đánh vận động ở chiến trường rừng núi xa hậu phương. Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch (ngày 29-1-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương: “Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng với các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước” (1).
(1). Xem 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd.


74. Trận đánh nào đã góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Loren của thực dân Pháp?
     Đó là trận Chân Mộng – Trạm Thản (ngày 17-11-1952). Đây là trận phục kích quân PHáp trên đường 2 tại khu vực Chân Mộng, Trạm Thản (Phú Thọ) do Trung đoàn bộ binh 36 (Đại đoàn 308) tiến hành sau đợt 1 chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14-10 đến ngày 10-12-1952). Sau khi phòng tuyến Nghĩa Lộ bị phá vỡ, đầu tháng 11-1952 Pháp mở cuộc hành quân Loren tiến công lên Phú Thọ nhằm đánh phá hậu phương của ta và đỡ đòn cho mặt trận Tây Bắc. Trung đoàn 36 được phái về cùng các lực lượng vũ trang tại chỗ đánh địch tại Phú Thọ. Nắm vững thời cơ địch rút khỏi Đoan Hùng, trung đoàn tổ chức trận địa phục kích ở thung lũng Chân Mộng. Sáng ngày 17-11, khi đoàn xe của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn lê dương 2 (2/2 REI) lọt vào trận địa phục kích, trung đoàn nhanh chóng chặn đầu, rồi xung phong diệt dịch, sau 20 phút, ta phá hủy 31 xe, loại khỏi chiến đấu hàng trăm tên địch.


75. Trận then chốt góp phần phá vỡ phòng tuyến nam Sơn La của địch trong chiến dịch Tây Bắc?
      Đó là trận Mộc Châu (ngày 19-11-1952). Đây là trận tiến công của Trung đoàn bộ binh 174 (được tăng cường một tiểu đoàn bộ binh và một số đơn vị hỏa lực) thuộc Đại đoàn 316 vào cứ điểm của Pháp ở Mộc Châu, vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài nam Sơn La, trong đợt 2 chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14-10 đến ngày10-12-1952). Cứ điểm được xây dựng trên núi đá hiểm trở, hệ thống công sự vững chắc, hỏa lực mạnh, xung quanh có hàng rào kẽm gai xen kẽ bãi mìn, do một tiểu đoàn lính Thái (sĩ quan Pháp chỉ huy) đóng giữ. 23 giờ 30 phút ngày 19-11, Trung đoàn 174 tổ chức tiến công từ ba hướng, dùng một mũi thọc sâu chiếm đỉnh núi, bất ngờ đánh từ trân xuống phối hợp với lực lượng từ dưới đánh lên. Sau ba giờ chiến đấu, ta làm chủ cứ điểm, diệt và bắt trên 300 tên địch, thu trên 500 súng các loại (có một pháo 94 ly), giải phóng hàng nghìn dân bị địch bắt giữ


76. Sư đoàn 325 ra đời trong hoàn cảnh nào? Biên chế tổ chức, chỉ huy khi mới thành lập?
     Ngày 17-5-1950, Bộ Quốc phòng ra Quyết định “Chấn chỉnh tổ chức quân chính quy ở Bình Trị Thiên…củng cố các đơn vị chủ lực hiện có, tiến tới xây dựng thành đại đoàn chủ lực cơ động tác chiến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh”. Ngày 23-6-1951, Bột Tỏng tham mưu chỉ thị cho mặt trận Bình – Trị - Thiên: “Gấp rút củng cố bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích, sẵn sàng thay thế lực lượng chủ lực, tiến tới xây dựng đại đoàn chủ lực ở Bình – Trị - Thiên”. Ngày 5-12-1952, Thường vụ Liên khu IV quyết nghị “Rút các trung đoàn chủ lực ra khỏi chiến trường để xây dựng thành các đại đoàn chủ lực”. Thực hiện chủ trương trên, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Bình – Trị - Thiên đưa các Trung đoàn bộ binh 101, 18, 95 và một số phân đội binh chủng ra vùng tự do Nghệ - Tĩnh xây dựng Đại đoàn bộ binh 325.
     Tư lệnh kiêm Chính ủy: Trần Quý Hai.
     Đại đoàn bộ binh 325 mang tên truyền thống ” Đại đoàn Bình – Trị - Thiên” (nay là sư đoàn 325).


77. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch An Khê?
     Chiến dịch tiến công An Khê diễn ra từ ngày 13 đến ngày 29-1-1953. Lực lượng ta tham gia gồm: Hai trung đoàn chủ lực liên khu V là 108, 803 và Trung đoàn 120 bộ đội địa phương Bình Định nhằm phá vỡ bàn đạp của quân Phápở cụm cứ điểm An Khê trên đường số 19. Lực lượng địch gồm bốn đại đội đóng tại bốn điểm chính (Con Lía, Tú Thủy, Cửu An, Thượng An) và tháp canh Eo Gió, có hệ thống hỏa lực mạnh, được sự chi viện của trận địa pháo An Khê, 1 giờ sáng ngày 13-1, bộ đội ta đồng thời nổ súng tiêu diệt các cứ điểm Cửu An, Tú Thủy, Eo gió, khiến quân Pháp ở Con Lía hốt hoảng tháo chạy, để lại nguyên vẹn kho tàng. Ngày 17-1, Pháp đưa một tiểu đoàn sơn chiến, có tám xe bọc thép tới phản kích, hòng chiến lại Cửu An, bị Trung đoàn 108 phục kích tiêu diệt. Ngày 21-1, bộ đội ta bí mật bám theo quân Pháp đi mai phục trở về, nổ súng chiếm Thượng An, tiếp đó, diệt hai vị trí Bằng La, Đầu Đèo, chặn đánh ba  đại đội địch tăng viện cho An Khê. Ngày 29-1, chiến dịch kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch (bắt 300), thu nhiều vũ khí trang bị (có 1 pháo 105 ly), giải phóng 18.000 dân. Đây là một thắng lợi lớn trên chiến trường nam Trung Bộ, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên khu V.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2007, 04:00:13 pm gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #19 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2007, 03:24:16 am »

78. “Thắng lợi này chứng tỏ các đồng chí đã tiến bộ về chính trị cũng như về kỹ thuật sau thời kỳ chỉnh huấn, đặc biệt là kỹ thuật đánh điểm nhỏ, viện nhỏ”
      Lời khen trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ai? Tron chiến dịch nào?

     Câu trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tron thư khen cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Liên khu V đã tham gia và giành thắng lợi lớn trong chiến dịch An Khê (từ ngày 13 đến ngày 29-1-1953).


79. Vì sao ngày 1-4 hằng năm trở thành ngày truyền thống của bộ đội phòng không?
     Ngày 1-4-1953, Trung đoàn 367 phòng không được thành lập (Quyết định số 06/QĐ của Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh). Biến chế: sáu tiểu đoàn hỏa lực (381, 383, 385, 392, 394, 396), mỗi tiểu đaòn có ba đại đội pháo cao xạ 37 ly (12 khẩu): một đại đội súng máy 12,7 ly (12 khẩu); một tiểu đoàn xe kéo pháo, vận tải và sửa chữa; cơ quan trung đoàn gồm: tham mưu, chính trị, cung cấp.
    Trung đoàn trưởng: Lê Văn Trị.
    Chính trị viên: Đoàn Phụng.
    Trung đoàn 367 là trung đoàn phòng không đầu tiên của quân đội ta. Vì thế nagỳ thành lập trung đoàn trở thành ngày ngày truyền thống của bộ đội phòng không.


80. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Thượng Lào?
     Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 8-4 đến 3-5-1953. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Mặt trận Ítxala, Bộ Tổng tư lệnh điều các Đại đoàn 308, 312, 316, 304, Trung đoàn bọ binh 148, phối hợp với lực lượng vũ trang Pathét Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, xây dựng và củng cố các căn cứ du kích, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch có Hoàng than Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Thaoma (Bí thư tỉnh Sầm Nưa). Về phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chỉ huy trưởng), Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm chính trị), Nguyễn Văn Nam (Chủ nhiệm cung cấp) và đồng chí Nguyễn Khang đặc trách công tác ở chiến trường nước bạn.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư (ngày 3-4) căn dặn bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”
  Trước sự tiến công của liên quân Lào – Việt, quân địch bỏ chạy. Bộ đội ta chuyển sang truy kích, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ (bằng 1/5 diện tích nước Lào. Căn cứ kháng chiến của cách mạng Lào được mở rộng, nối liền với vùng tự do của Việt Nam.
   Thắng lợi của chiến dịch góp phần củng cố tình đoàn kết chiến đấu của quân dân hai nước Việt – Lào.


81. Nêu tóm tắt diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch tây- nam Ninh Bình?
     Chiến dịch tây – nam Ninh Bình diễn ra rừ ngày 15-10 đến ngày 6-11-1953. Đây là chiến dịch phản công của Đại đoàn 320 và các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đánh bại cuộc hành quân Hải Âu của Pháp ở khu vực Rịa – Nho Quan – Phố Cát (tây – nam Ninh Bình).
      Thực hiện kế hoạch Nava, với chủ trương, “Chủ động tiến công bằng những đòn đánh trước”, giữa tháng 10-1953, Pháp huy động khoảng 40.000 quân mở cuộc hành quân ra hướng tây – nam Ninh Bình nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực và phá kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của ta. Nhờ dự kiến trước âm mưu của địch. Đại đoàn 320 và các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đã chuẩn bị sẵn thế trận và kế hoạch đánh địch,. Chiến dịch chia làm ba đợt. Đợt 1 (từ ngày 15 đến ngày 17-10) tác chiến ngăn chặn địch tiến quân theo đường 59, tập kích tiêu diệt địch ở Trại Ngọc, các điểm cao 64,201. Đợt 2 (từ ngày 18-10 đến ngày 1-11), đánh địch ở Phố Cát, Trại Ngọc, điểm cao 94 và đường 59 lên Nho Quan. Đợt 3 (ngày 2-6-11), tập kích địch trú quân ban đêm ở Chợ Cầu – Văn Luận, đánh nhiều trận phục kích trên đường 59. Bị thiệt hại nặng và không đạt các mục tiêu của cuộc hành quân, chiều 5-11, quân Pháp bắt đầu rút lui. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.500 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 11 xe tăng, thiết giáp, làm thất bại ý đồ “đánh trước” của Pháp, bảo vệ được căn cứ và lực lượng ta, tạo điều kiện cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 tiến triển thuận lợi.


82. Những kết luận chủ yếu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 do Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triệu tập ngày 19-11-1953?
     Ngày 19-11-1953, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triệu tập cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954, động viên cán bộ vượt mọi khó khăn giành thắng lợi lớn nhất trong Đông Xuân 1953 – 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: “Hướng chính là Tây Bắc, kiên quyết tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng Lai Châu và mở rộng căn cứ kháng chiến, uy hiếp Thượng Lào để phân tán địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tác chiến sau này. Lực lượng sử dụng hai đến ba đại đoàn. Hướng phụ là Trung Lào, lực lượng sử dụng hai trung đoàn. Hướng phối hợp là đồng bằng….”


83. Trình bày tóm tắt “Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954” của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 6-12-1953?
     Ngày 6-12-1
953, Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị “ Phương án tác chiến mùa xuân năm 1954”. Phương án gồm bốn phần: 1) Tình hình địch và phương hướng chiến dịch. 2) Binh lực sử dụng và thời gian tác chiến. 3) Nhu cầu nhân lực vật lực. 4) Kế hoạch đường sá và vận chuyển. Phân tích tình hình địch và phương hướng chiến dịch, Tổng Quân ủy cho rằng, trong Đông Xuân 1953 – 1954 “phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị…”; “Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, không kém Nà Sản và đường phố còn xa hơn. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”. Bộ Chính trị thông qua phương án, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2007, 04:02:10 pm gửi bởi ptlinh » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM