Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:05:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (hỏi và đáp)  (Đọc 128020 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« vào lúc: 10 Tháng Chín, 2007, 07:34:51 pm »

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 2004
Số hóa: Daibangden. 


         
60 NĂM QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG (HỎI VÀ ĐÁP)
                           
                                           
Lời nhà xuất bản

Ngày 22-12-1944, tại Nguyên Bình, Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền than của Quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập. Ra đời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, là con đẻ của nhân dân, vì nhân dân, mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nêu cao chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, truyền thống và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: ”Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, đánh bại mọi kẻ thù hung bạo, giải phóng dân tộc,thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Ngay từ khi mới ra đời với trang bị hết sức thô sơ, lạc hậu, với phương châm ”chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, được sự che chở đùm bọc của quần chúng cách mạng, quân đội ta đã giành được nhưng thắng lợi làm nức lòng nhân dân cả nước. 60 năm qua là một chặng đường chiến đấu và xây dựng đầy hi sinh gian khổ, vô cùng oanh liệt của quân đội ta.


Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2004) và 15 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2004), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (Hỏi và đáp) do các tác giả Nguyễn Đăng Vinh và Nguyễn Thị Phương Túy biên soạn.


Nội dung cuốn sách phản ánh cô đọng, ngắn gọn quá trình hình thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày đầu thành lập đến nay.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

                                                                                  Tháng 10 năm 2004
                                                                                 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA 
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2007, 07:21:10 pm gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2007, 07:35:59 pm »

PHẦN THỨ NHẤT
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM: NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU,TRƯỞNG THÀNH VÀ CHIẾN THẮNG VẺ VANG 

I-QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM NHỮNG NGÀY ĐÂU THÀNH LẬP VÀ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC(1944-1954)   

1.Lịch sử ra đời, nhiệm vụ và biên chế tổ chức, chỉ huy của Đội vũ trang Cao Bằng?
   
Đội vũ trang Cao Bằng, đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh Cao Bằng làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, giữ vững giao thông liên lạc, vũ trang tuyên truyền trong quần chúng, huấn luyện tự vệ và tự vệ chiến đấu trong tỉnh. Độ được thành lập vào tháng 10-1941 tại Pác Bó theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), gồm 12 người, 7 súng (3 súng lục,4 súng trường), do Lê Quảng Ba làm Đội trưởng,Hoàng Sâm-Đội phó, Lê Thiết Hùng-Chính trị viên.Từ cuối năm 1942, lực lượng của Đội được phân tán về các địa phương huấn luyện các đội tự vệ chiến đấu.Tới ngày 22-12-1944, một số cán bộ, đội viên Đội vũ trang Cao Bằng được lựa chọn vào Đội Viêt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, số còn lại nhận nhiệm vụ khác.


2.Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của chủ tịch Hồ Chí Minh?(1)
 
 1.Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự.Nó là đội tuyên truyền.Vì muốn có kết quả thì về quân sự,nguyên tắc chính là tập trung lực lượng,cho nên,theo chỉ thị mới của Đoàn thể,sẽ chọn lọc trong hang ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết,hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
    Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện,giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
2.Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa cán bộ địa phương về huấn luyện,tung các các bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
3.Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông, mai tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.
    Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
    Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ,nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân,nó có thể đi suốt từ Băc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam.
                                                                                                         Tháng 12-1944
                                                                                                           Hồ Chí Minh

(1) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3, tr 507-508.


3.Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập khi nào? Ở đâu? Biên chế tổ chức, chỉ huy và nhiệm vụ của Đội khi mới thành lập?
   Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944 tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, có 34 khẩu sung các loại, biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo.
         Đội trưởng: Hoàng Sâm
         Chính trị viên: Xích Thắng
         Quản lý: Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng).
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo,chỉ huy tuyên bố thành lập Đội” Nhiệm vụ mà Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời.Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy,chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này… Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu…”(1)
(1) Những ngày kỉ niệm lớn trong nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1972, tr 189-190.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Bảy, 2009, 06:39:55 am gửi bởi macbupda » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2007, 04:45:15 pm »

4.Danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dự lễ thành lập(ngày 22-12-1944)?
  1.Trần Văn Kỳ (bí danh Hoàng Sâm), dân tộc Kinh, quê Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình-Đội trưởng.
  2.Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng-Chính trị viên.
  3.Ngô Quốc Bình (bí danh Hoàng Văn Thái), dân tộc Kinh, quê An Khang, Tiền Hải, Thái Bình-tình báo và kế hoạch tác chiến.
  4.Lâm Cẩm Như (bí danh Lâm Kính), dân tộc Kinh, quê Đông Khê, Thạch An, Cao Bằng-Công tác chính trị.
  5.Lộc Văn Lùng (bí danh Văn Tiên), dân tộc Tày, quê Mai Pha, Cao Lộc, Lạng Sơn-quản lý.
  6.Hoàng Thịnh (bí danh Quyền), dân tộc Tày, quê Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.
  7.Nguyễn Văn Càng (bí danh Thu Sơn) ,dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.
  8.Đàm Quốc Chủng (bí danh Quốc Chủng), dân tộc Tày, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.
  9.Hoàng Văn Nình (bí danh Thái Sơn) dân tộc Nùng, quê Thượng Ân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
10.Hà Hương Long, dân tộc Tày, quê Nam Tuấn, Hòa An , Cao Bằng.
11.Đức Cường (tức Cơ), dân tộc Tày, quê Đề Thám, Hòa An, Cao Bằng.
12.Bế Văn Sắt (bí danh Hồng Quân Mậu), dân tộc Tày, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.
13.Đinh Trung Lương (bí danh Trung Lương), dân tộc Tày, quê Lê Lợi, Thạch An, Cao Bằng.
14.Tô Vũ Dâu (bí danh Thịnh Nguyên), dân tộc Tày, quê Vĩnh Quang, Hòa An, Cao Bằng.
15.Đồng chí Luận, dân tộc Kinh, quê Quảng Bình.
16.Bế Bằng (bí danh Kim Anh), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.
17.Nông Phúc Thơ, dân tộc Nùng, quê Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.
18.Nông Văn Kiểm (bí danh Liên), dân tộc Tày, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.
19.Ma Văn Phiêu (bí danh Bắc Hợp(Đường)), dân tộc Tày, quê Nguyên Bình, Cao Bằng.
20.Chu Văn Đế (bí danh Nam) ,dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
21.Bế Văn Vạn (bí danh Vạn), dân tộc Tày, quê Vân Tùng, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
22.Nông Văn Bê (bí danh Thâm), dân tộc Nùng, quê Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng.
23.Hồng Cô, dân tộc Mông, quê Lũng Giẻ, Nguyên Bình, Cao Bằng.
24.Nguyễn Văn Phán (bí danh Kế Hoạch), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.
25.Đặng Dần Quý  (bí danh Quí), dân tộc Dao, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.
26.Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực), dân tộc Tày, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.
27.Hoàng Văn Lương  (bí danh Kinh Phát), dân tộc Nùng, quê Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
28.Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường), dân tộc Tày, quê Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
29.Trương Đắc (bí danh Đồng),dân tộc Tày,quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
30.Dương Đại Long, dân tộc Nùng, quê Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.
31.La Thanh, dân tộc Nùng, quê Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.
32.Ngọc Trình, dân tộc Nùng, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.
33.Nông Văn Ích, dân tộc Nùng, quê Hà Quảng, Cao Bằng.
34.Thế Hậu, dân tộc Nùng, quê Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2007, 04:30:41 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2007, 04:47:18 pm »

5.Nội dung 10 lời thề danh dự của Đội Quân giải phóng Việt Nam:
  “Chúng tôi, đội viên Đội Quân giải phóng Việt Nam, xin lấy danh dự một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:
1.Xin thề:Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống xâm lược và bon Việt gian phản quốc để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước dân chủ, độc lập, tự do, ngang hang với các nước dân chủ trên thế giới.
2.Xin thề:Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên,khi nhận nhiệm vụ gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3.Xin thề:Bao giờ cũng kiên quyết phấn đấu,dù gian lao khổ hạnh cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận mạc quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu  chảy cũng không lùi bước.
4.Xin thề:Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát,hết sức học tập, chiến đấu để tự rèn luyện thành một người quân nhân cách  mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc, cứu nước.
5.Xin thề:Tuyệt đối giữ bí mật cho mọi việc của Đội như nội dung,tổ chức, kế hoạch hành động cùng những người chỉ huy trong Đội và giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6.Xin thề:Nếu trong luc chiến đấu bị quân địch bắt được, dù bị cực hình tàn khốc thế nào,cũng quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cứu quốc, không bao giờ phản bội xưng khai.
7.Xin thề:Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu trong Đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận.
8.Xin thề:Bao giờ cũng chủ trương giữ gìn vũ khí của Đội,quyết không chi vũ khí hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù.
9.Xin thề:Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều nên:Kính trọng dân, cứu giúp dân,bảo vệ dân; và ba điều răn:Không dọa nạt dân,không lấy của dân, không quấy nhiễu dân để gây lòng tin cậy ái đới của dân chúng,thực hiện quân dân nhất trí, cứu nước diệt gian.
10.Xin thề:Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình và sửa chữa giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh của đội quân giải phóng và hại đến quốc thể Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2007, 04:31:12 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2007, 04:52:31 pm »

6.Hai trận thắng đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là những trận nào?Ý nghĩa những trận thắng đó?
   Đó là trận Phai Khắt và trận Nà Ngần.Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh:”Trong một tháng phải có hoạt động.Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.Ngày 25-12,Đội Việt NamTuyên truyền giải phóng quân đã cải trang, dùng mưu tập kích đồn Phai Khắt (xã Tam Lộng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); ngày 26-12 diệt đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15 km về phía đông-bắc) bắt 30 lính ngụy, diệt 2 sĩ quan (1 sĩ quan Pháp), thu vũ khí.Đây là hai trận đánh đầu tiên, thể hiện sự gan dạ mưu trí, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.Hai trận đánh có tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào cách mạng trong khu căn cứ, mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.


7.Đội du kích Ba Tơ thành lập khi nào?Ở đâu?Ai là những người chỉ huy đầu tiên của đội?
   Đội du kích Ba Tơ thành lập ngày 12-3-1945, tại tỉnh Quảng Ngãi, gồm28 chiến sĩ, 24 khẩu súng.
   Những người chỉ huy đầu tiên của Đội là:
   Đội trưởng:Phạm Kiệt.
   Chính trị ủy viên:Nguyễn Đôn.


8.Việt Nam Giải phóng quân thành lập khi nào?Ở đâu?Biên chế tổ chức khi mới thành lập?
   Ngày !5-5-1945, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân gặp nhau ở bãi Thàn Mát (tên một loài cây) phía sau đình làng Quặng (xã Định Biên,huyện Định Hòa,tỉnh Thái Nguyên).Cùng ngày, tại đình làng Quặng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các đội vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân.Lực lượng ban đầu gồm 13 đại đội (thống nhất từ các đại đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và các trung đội Cứu quốc quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh,huyện.


9.Chiến khu Đông Triều thành lập khi nào?Ai là những người chỉ huy đầu tiên của Đội du kích chống Nhật của chiến khu này?
  Chiến khu Đông Triều (Trần Hưng Đạo) thành lập ngày 8-6-1945.Đội du kích chống Nhật của chiến khu ra đời do các đồng chí Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung…chỉ huy.Từ Đông Triều,Chí Linh (Hải Dương) địa bàn chiến khu nhanh chóng phát triển ra Quảng Yên, Kiến An, Hải Ninh, Hải Phòng, vùng duyên hải đông-bắc Bắc Bộ.


10.Việt Nam Giải phóng quân có vi trò như  thế nào trong cuộ Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945?
     Việt Nam Giải phóng quân đã góp phần cùng toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
     Đêm 15 và ngày 16, từ Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân chia thành hai bộ phận tiến đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang và Thái Nguyên.Ngày 17, tiến công trại lính Nhật (hơn một tiểu đoàn) ở thị xã Tuyên Quang.Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Tám, bao vây tiến công các vị trí quân Nhật ở Thái Nguyên, kêu gọi chúng đầu hang.
     Ngày 19-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội,ngày 23-8 ở Huế và ngày 25-8 ở Sài Gòn.Ngày 28-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi trên cả nước.
     Việt Nam Giải phóng quân phát triển nhanh chóng trong quá trình Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945,


11.Bộ Quốc phòng được thành lập vào thời gian nào?Các đồng chí đã từng giữ chức Bộ trưởng  Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ?
     Bộ Quốc phòng được thành lập ngày 27-8-1945, các đồng chí từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng::Thượng tướng Chu Văn Tấn (1946-1946), Phan Anh (1946), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1946-1980), Đại tướng Văn Tiến Dũng (1980-1987), Đại tướng Lê Đức Anh (1987-1991), Đại tướng Đoàn Khuê (1991-1997),Đại tướng Phạm Văn Trà (từ 1997 đến nay)*
*Tính đến tháng 10-2004-thời điểm xuất bản sách.Từ 2006 đến nay Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng là Đại tướng Phùng Quang Thanh.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Hai, 2007, 11:04:28 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2007, 07:28:26 pm »

12.Nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cho Bộ Tổng tham mưu trong Chỉ thị thành lập ngày 7-9-1945 là gì?
     Ngày 7-9-1945,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Bộ Tổng tham mưu,trong đó nêu rõ rằng Bộ Tổng tham mưu là cơ quan tham mưu cơ mật của Đoàn thể,cơ quan đầu não của quân đội,có nhiệm vụ: “Tổ chức,huấn luyện quân đội cho giỏi,tổ chức nắm địch,nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt; bí mật, nhanh chóng; kịp thời;chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù,bảo vệ thành quả cách mạng”(1).
1.55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam , Sđd, tr.21.           


13.Vì sao ngày 9-9 hằng năm trở thành ngày truyền thống của bộ đội thông tin liên lạc?
     Ngày 9-9-1946,thành lập Phòng Thông tin liên lạc quân sự Bộ Tổng tham mưu do đồng chí Hoàng Đạo Thúy phụ trách.Vì thế,ngày 9-9 hàng năm trở thành ngày truyền thống của bộ đội thông tin liên lạc.


14.Vì sao ngày 12-9 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành cơ yếu quân đội?
     Ngày 12-9-1945, thành lập Ban Mật mã quân sự ( thuộc phòng  Thông tin liên lạc quân sự-Bộ Tổng tham mưu) có nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn và sử dụng mật mã, bảo đảm bí mật nội dung  lãnh đạo và chỉ huy các cấp trong quân đội khi chuyể qua các phương tiện thông tin.
     Cán bộ phụ trách:Tạ Quang Đệ.
     Vì thế,ngày 12-9 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành mật mã (cơ yếu) của Quân đội nhân dân Việt Nam.


15.Tại sao ngành tòa án quân sự lấy ngày 13-4 hằng năm làm ngày truyền thống?
     Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh thiết lập các tòa án quân sự.Trong đó quy định:
     “Điều 1 – Sẽ lập tòa án quân sự ở Bắc Bộ: tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung Bộ: Tại Vinh, Huế,  Quảng Ngãi; ở Nam Bộ: tại Sài Gòn, Mĩ Tho.
      Điều 2 – Tòa án quân sự sẽ xử tất các các người nào phạm vào một việc gì phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Trừ phi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật”(1).
      Từ đó, ngày 13-9 trở thành ngày truyền thống của ngành toà án quân sự.
(1).55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr23.


16.Tại sao Tổng cục Công nghiệp quốc phòng lấy ngày 15-9 hằng năm làm ngày truyền thống?
      Ngày 15-9-1945, quân đội ta thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng.Nhiệm vụ: thu thập, mua sắm và tổ chức các cơ sở sản xuất vũ khí để trang bị cho quân đội.Tổ chức gồm các bộ phận: Sưu tầm, mua sắm, phân phối vũ khí; lập các bản vẽ kĩ thuật vũ khí, văn phòng.
      Phụ trách chung: Vũ Anh.
      Trưởng phòng: Nguyễn Ngọc Xuân.
     
 Vì thế, ngày 15-9 hằng năm trở thành ngày tryền thống của ngành quân giới Việt Nam; ngày truyền thống của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay.



17.Trong chỉ thị Chấn chỉnh,mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn,Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những gì?Biên chế của Vệ quốc đoàn khi mới thành lập?
     Giữa tháng 9-1945,Chủ tịch Hồ Chí Minbh ra Chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn – quân đội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Người căn dặn Vệ quốc đoàn,các lực lượng vũ trang và nhân dân, thực hiện sách lược mềm dẻo đối với quân đội Tưởng Giới Thạch (dưới danh nghĩa quân Đồng minh, kéo theo bọn phản động tay sai vào miền Bắc, giải giáp quân đội Nhật).Phải hết sức tránh khiêu khích, không để xảy ra xung đột với quân Tưởng.Nếu xảy ra xung đột thì biến xung đột lớn thành xung đột nhỏ, biến xung đột nhỏ thành không xung đột(1).Thực hiện chỉ thị mở rộng lực lượng của Bác, từ một số chi đội, đại đội ( khoảng 5.000 người) trong những ngày tổng khởi nghĩa đến cuối năm 1945, Vệ quốc đoàn đã phát triển lên 50.000 người,gồm 40 chi đội (mỗi chi đội từ 1.000 đến 2.000 người).
(1). 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.23.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Hai, 2007, 11:07:46 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2007, 10:24:02 pm »

18.Nam Bộ mở đầu toàn quốc kháng chiến khi nào?
     Ngày 23-9-1945, Nam Bộ mở đầu kháng chiến toàn quốc.
     Được quân Anh, Nhật tiếp sức, quân Pháp mở cuộc tiến công Sài Gòn (Nam Bộ).Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, xung phong công đoàn, thanh niên tiền phong cùng nhân dân Sài Gòn anh dũng chiến đấu đánh trả quân Pháp xâm lược.Các tỉnh miền Đông Nam Bộ thành lập Ủy ban kháng chiến. Nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội đánh giặc.Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ họp tại số nhà 269, đường Cây Mai, Chợ Lớn, quyết định điện báo ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị, đông thời phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp.


19.Ví sao ngày 16-4 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành quân y?
      Quân y Cục thành lập ngày 16-4-1946 (Nghị định số 12/NĐ của Bộ Quốc phòng).
      Nhiệm vụ: Tổ chức việc y tế và thú y trong quân đội.
      Cục trưởng: Bác sĩ Vũ Văn Cẩn.
      Vì thế, ngày 16-4 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành quân y.


20.Hội nghị quân sự toàn quốc ngày 19-10-1946 họp tại nhà số 58 phố Nguyễn Du, Hà Nội đã có những nhận định và quyết định gì về cuộc kháng chiến và xây dựng lực lượng vũ trang?
     Ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc họp tại nhà số 58, phố Nguyễn Du, Hà Nội do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì.Các đồng chí Ủy viên Quân ủy Hội và cán bộ quân sự, chính trị chủ chốt của các khu tham dự.Hội nghị nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”,; Quyết định gấp rút xây dựng lực lược kháng chiến, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là công tác đảng – công tác chính trị trong Vệ quốc đoàn.Mỗi đại đội hay một cơ quan từ tiểu đoàn trở lên tổ chức một chi bộ.Chỉnh đốn các cán bộ chính trị viên bằng cách đưa ngươì có năng lực vào.Mở trường huấn luyện chính trị viên.Quy định rõ chế độ chính trị viên và các cơ quan chính trị trong bộ đội…


21. Trường võ bị Trần Quốc Tuấn được thành lập vào thời gian nào? Lá cờ mà Bác Hồ tặng nhà trường trong lễ khai giảng đâu tiên mang dòng chữ gì?
 Ngày 17-4-1946, thành lập Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn trên cơ sở Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam.
 Giám đốc: Hoàng Đạo Thúy.
 Phó Giám đốc: Trần Tử Bình.
 Ngày 26-5-1946, trường khai giảng khóa I tại Sơn Tây ( 288 học viên). Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, tặng trường lá cờ thêu dòng chữ: "Trung với nước, hiếu với dân".


22. Quỹ "Mùa đông binh sĩ" và "áo trấn thủ" sử dụng trong quân đội ra đời vào thời gian nào?ư
 Tháng 10-1946, Chính phủ lập quỹ "Mùa đông binh sĩ". Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng áo, tư trang và lương của người cho bộ đội. Các tầng lớp nhân dân, đoàn thể cứu quốc quyên góp được nhiều vải, quần, áo, chăn, màn. Áo trấn thủ do một cửa hàng ở phố Hàng Trống, Hà Nội may bắt đầu được sử dụng trong quân đội vào thời gian này.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2007, 07:42:38 pm gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2007, 12:01:16 am »

23. Nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
             
  Đêm 19 rạng ngày 200 tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
  "Hỡi đồng bào toàn quốc!
   Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa.
   Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
  Hỡi đồng bào
   Chúng ta phải đứng lên!
   Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
  Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
   Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
   Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
   Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
   Kháng chiến thắng lợi muôn năm" (1)

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr 480-481


24. Chi đội Trần Phú thành lập khi nào? Biên chế tổ chức, chỉ huy khi thành lập?
 Ngày 26-12-1946, thành lập Chi đội Trần Phú gồm 426 cán bộ, chiến sĩ tuyển chọn trong các tổ chức Việt kiều yêu nước ở Lào và Thái Lan. Chi đội gồm 3 đại đội, một phân đội trinh sát, một phân đội vận tải và một tiểu đoàn bộ.
 Chi đội trưởng: Nguyễn Chánh.
 Chính trị viên: Trần Văn Sáu.
 Sau lễ thành lập, chi đội hành quân về nước tam gia chiến đấu ở Nam Bộ với tên gọi "Chi đội Hải ngoại IV".


25. Trung đoàn Thủ Đô được thành lập vào thời gian nào? Biên chế tổ chức, chỉ huy của trung đoàn khi mới thành lập?
 Trung đoàn Thủ đô thành lập ngày 6-1-1947. Các đơn vị Vệ quốc quân, tự vệ, công an xung phong của Liên khu I Hà Nội (khu vực quận Hoàn Kiếm ngày nay) chính thức làm lễ thành lập trung đoàn, lúc đầu mang tên "Trung đoàn Liên khu I". Hội nghị quân sự toàn quốc (từ ngày 12 đến ngày 16-1-1947) tặng danh hiệu "Trung đoàn Thủ đô". Biên chế ba tiểu đoàn 101, 102, 103.
 Trung đoàn trưởng: Hoàng Siêu Hải.
 Chính trị viên: Lê Trung Toản.
 Tham mưu trưởng: Hoàng Phương.
 Ngày 13-1, trung đoàn làm lễ tuyên thệ tại rạp hát Tố Như (nay là Rạp Chuông Vàng), thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".


26. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô nhân dịp Tết Đinh Hợi (1947), Bác Hồ đã căn dặn những gì?
  Ngày 17-1-1947, nhân dịp Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau" (1).
 
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 35.


27. Trận đánh nào được coi là trận đánh phục kích thắng lợi đầu tiên của Khu VIII, đánh dấu bước trưởng thành của bội đội khu, tỉnh góp phần thúc đẩy phong trào du kích chiến tranh ở các địa phương phát triển trong kháng chiến chống Pháp?
 Đó là trận Cổ Cò (ngày 22-1-1947 - mồng một Tết Đinh Hợi). Đây là trận phục kích của các Chi đội 17, 18, Đại đội Trường quân chính khu 8, một bộ phận Quốc vệ đội và du kích đánh tiểu đoàn cơ giới của Pháp từ chợ Mới về Sài Gòn. Trận địa bố trí từ cầu Bà Tồn đến cách Mĩ Thuận 1 km (trên quốc lộ 4), chủ yếu ở khu vực Cổ Cò (xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). 10 giờ 30 phút trận đánh bắt đầu. Sau khi nổ mìn chặn đầu, bộ binh dùng tiểu liên, lựu đạn diệt địch. Sau hai giờ chiến đấu, ta diệt 170, bắt 15 quân Pháp, phá 14 xe quân sự (8 bọc thép), thu trên 100 súng.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:21:19 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2007, 02:50:30 am »

28. Hội nghị chính trị viên lần thứ nhất họp ngày 15-12-1947 đã có những quyết định gì về nhiệm vụ của công tác chính trị, của đảng viên trong quân đội?
 Hội nghị chính trị viên lần thứ nhất họp ngày 15-12-1947. Đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bí thư Trung ương quân ủy và đồng chí Văn Tiến Dũng - Cục trưởng cục chính trị chủ trì. Hội nghị quyết định nhiệm vụ của công tác chính trị, của đảng viên trong quân đội: "Dù trong trường hợp nào cũng phải nắm cho vững bộ đội, củng cố và mở rộng cơ sở đảng, thi hành cho được nhiệm vụ quân sự". Hội nghị đề ra 12 điều kỉ luật dân vận, 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội, quyết đính ra báo Vệ quốc quân.


29. Vì sao ngày 28-2* hằng năm trở thành ngày truyền thống của Cục Cán bộ?
 Phòng Cán bộ thuộc Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng thành lập ngày 28-2-1947 (Nghị định số 243/NĐ của BBộ trưởng Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ: giúp cục Chính trị kiểm soát cán bộ, thu nhập danh sách, lý lịch cán bộ; hiểu rõ trình độ năng lực cán bộ để đề nghị đề bạt, bổ dụng và thuyen chuyển, kiểm tra thi hành kỷ luật với số cán bộ phạm sai lầm khuyết điểm.
 Biên chế: 11 cán bộ và nhân viên.
 Trưởng phòng: Trần Tử Bình.
 Vì thế, ngày 28-2 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Cục cán bộ, Tổng cục Chính trị ngày nay.
* Theo sách in là ngày 28-12 hằng năm.


30. Lịch sử ra đời súng Bazôka Việt Nam?
 Tháng 4-1947, quân đội ta đã chế tạo thành công súng Bazôka. Việc nghiên cứu, chế tạo đã được thức hiện ở Xưởng quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên) từ giữa năm 1946. Sau đó, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo chế tạo thành công Bazôka theo mẫu của Mỹ (kiểu ATM6A1), cỡ 60 ly, dài 12,7 mét, nặng 11kg, có thể vác vai, bắn không giật; cự ly bắn hiệu quả từ 50 đến 60 mét, xa nhất 300 mét. Đạn Bazôka là đạn lõm chống tăng. Ngày 3-5-1947, Bazôka được sử dụng diệt xe tăng Pháp tại Sơn Lộ -  chùa Trầm, Hà Đông.


31. Trận đánh điển hình về vận dụng cách đánh phục kích giao thông thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp?
 Đó là trận Giồng Dứa (ngày 25-4-1947). Đây là trận phục kích của của Đại đội học viên Trường quân chính Khu VIII phối hợp với Chi đội 17 và du kích Mỹ Tho đánh đoàn xe của quân Pháp từ Sài Gòn đi tiếp tế vũ khí cho binh sĩ các tỉnh miền tây Nam Bộ (đoàn xe của chính phủ ngụy quyền Nam Kỳ cùng đi) trên quốc lộ 4 (ngã tư Trung Lương - cầu Long Định). 10 giờ ngày 25-4, khi đoàn xe địch lọt vào trung tâm trận địa phục kích tại Giồng Dứa (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), ta dùng mẹo đẩy xe bò đá chặn đầu, tổ chức lực lượng khóa đuôi, chặn viện và đánh chính diện. Sau 10 phút chiến đấu, đã phá hủy 14 xe, làm thương vong 80 tên địch (có quan năm chỉ huy tình báo Pháp), bắt 7 tên (có Trương Vĩnh Tống, bộ trưởng ngụy quyền và sĩ quan kỹ sư Pháp). Trận Giồng Dứa làm chấn động dư luận trong nước và ở Pháp, góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích địa phương.


32. Hội nghị dân quân du kích toàn quốc lần thứ nhất họp vào thời gian nào? Cho biết những nội dung chính trong trong thư gửi Hội nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
  Hội nghị dân quân du kích toàn quốc lần thứ nhất họp ngày 24-5-1947, thống nhất việc tổ chức dân quân tự vệ và du kích từ những tổ chức vu trang quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc xây dựng trở thành một bộ phận trong các lực lượng vũ trang nhà nước, do các cơ quan quân sự chỉ huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị, trong thư có đoạn:
 "...Dân quân,tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã.
 Các chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích ở Nam Bộ, ở Thủ đô, ở miền duyên hải và ở các nơi, đã chứng rõ sự thực đó một cách rất anh hùng. Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng.
 Nhưng chúng ta không tự mãn tự túc, không kiêu ngạo, chúng ta luôn luôn phải thực hành mấy điều này:
 1. Trong bộ đội phải đồng cam cộng khổ. Phải giữ kỷ luật, phải siêng năng tập tành, phải giữ bí mật, luôn luôn cẩn thận, lúc có địch trấn tĩnh như không có địch, lúc xa địch nghiêm ngặt như gần địch;
 2. Đối với dân - phải bảo vệ dân, phải giúp đỡ dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu;
 3. Đối với công việc - phải lập làng kháng chiến khắp nơi, phải luôn tích cực hành động;
 4. Đối với địch - phải kiên quyết, dũng cảm. Phải có kế họach, mưu trí, phải hữu tiến vô thoái, phải thi đua nhau trong việc sát giặc cướp súng, v.v..Song đối với tù binh thì phải ưu đãi họ".(1).

 (1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 132-133.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:23:35 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2007, 12:59:27 am »

34. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Quân đội quốc gia ngày 2-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ chỉ huy và đội viên những gì?
 Ngày 2-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội quốc gia, trong đó Người căn dặn:
 ..."Các cấp chỉ huy cần phải:
 a) Biết rõ bộ đội, chăm nom bộ đội.
 b) Mỗi một các mệnh lệnh đưa ra thì cần phải mau chóng và chuyển khắp đến từng đội viên và phải thi hành triệt để.
 c) Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu, phải giữ gìn đúng đạo đức của quân nhân.
 Tất cả quân nhân cần phải:
 a) Ra sức học tập kinh nghiệm, và cố gắng nghiên cứu kỹ thuật.
 b) Rèn luyện tinh thần chịu khó, chịu khổ.
 Toàn thể bộ đội cần phải:
 Ra sức thực hành những nghị quyết đã do những hội nghị quân sự toàn quốc ấn định. Phải thực hành cho đến nơi đến chốn.
 Quân đội ta quyết phải làm được những điều đó, để khỏi phụ lòng tin cậy của Chính phủ, của đồng bào, và trở nên một quân đội tất thắng" (1).

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 204-205.


35. Nguồn gốc tên gọi "Pháo binh Sông Lô" và "Trung đoàn Sông Lô"?
 Trong các ngày 23, 24-10 và ngày 10-11-1947 đã diễn ra trận Sông Lô. Đây thực chất là các trận phục kích đường sông của lực lượng pháo binh Khu X, có sự phối hợp của trung đoàn bộ binh 112 và dân quân du kích địa phương, đánh tàu chiến Pháp trên sông Lô (địa phận Tuyên Quang - Phú Thọ), trong chiến dịch Việt Bắc (từ ngày 7-10 đến 22-12-1947). Ngày 23-10, tại Khoan Bộ với 1 sơn pháo 75 ly và 1 súng chống tăng 25 ly, Trung đội pháo binh 175 bắn trọng thương 2 tàu vận tải. Trưa ngày 24-10, tại trận địa chân Gò Đồi (gần bến phà Đoan Hùng), với 2 pháo 75ly Trung đội pháo binh 200 đã bắn chìm và bắn bị thương 4 trong số 5 tàu địch có máy bay hộ tống từ Tuyên Quang về Đoan Hùng. 10 giờ ngày 11-10, tại Khe Lau (ngã ba sông Gâm - sông Lô), với 1 sơn pháo 75 ly, Trung đội pháo binh 225 đã bắn chìm 2 và bắn bị thương 1 tàu chở quân từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, diệt hàng trăm tên địch. Đây là chiến công đầu của pháo binh Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Bằng cách đánh gần, bắn thẳng, bí mật bất ngờ bố trí trận địa sát bờ sông, kết hợp nghi binh (tạo khói thuốc để hút máy bay, dùng bưởi sơn đen giả làm thủy lôi trên sông lừa địch vào hướng đã định), trận sông Lô đã góp phần bẻ gãy gọng kìm phía Tây của quân Pháp vào Việt Bắc. Sau chiến thắng sông Lô, lực lượng pháo binh Khu X và Trung đoàn 112 được tặng danh hiệu "Pháo binh sông Lô và "Trung đoàn sông Lô".


36. Nêu tóm tắt diễn biến và kết qủ của chiến dịch Việt Bắc?
      Chiến dịch phản công Việt Bắc diễn ra từ ngày 7-10 đến 9-12-1947.
      Bộ Tổng chỉ huy sử dụng các Trung đoàn 147, 165 (chủ lực Bộ), 72, 74, 121 (Khu I), 11, 26, 98 (Khu XII), 1 tiểu đoàn  pháo binh và Trung đoàn sông Lô (khu X), 5 tiểu đoàn độc lập của Bộ, Khu I và Khu XII, các đơn vị binh chủng và du kích đánh bại cuộc tiến công lớn của quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc.
      Ngày 8-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ra sức tiêu diệt địch. Ngày 15-10, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của Pháp.
      Chiến dịch diễn ra thành hai đợt. Các đơn vị thực hiện phương châm” đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” và cách đánh du kích, vận động, đánh địch trên các địa bà, trọng điểm là các mặt trận đường số 3, đường số 4 và sông Lô; bẻ gãy các mũi tiến công đường không, đường bộ và đường thủy của Binh đoàn đổ bộ đường không, Binh đoàn bộ binh thuộc địa, Binh đoàn hỗn hợp bộ binh thuộc địa, lính thủy đánh bộ cùng lực lượng dự bị của Pháp (tổng số khoảng 1,2 vạn quâm). Nhiều trận gây cho địch tổn thất lớn: bắn rơi tại chỗ máy bay chở viên Tham mưu phó quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thu bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của địch (ngày 9-10); phục kích bản Sao – đèo Bông Lau ( ngày 30-10); bắn tàu chiến, ca nô tại Khoan Bộ (ngày 23-10), Đoan Hùng (ngày 24-10), La Hoàng (ngày 2-11), Khe Lau ( ngày 10-11)… trên sông Lô; tập kích đồn Phủ Thông (ngày 30-11); phục kích tại đèo Giàng trên đường số 3 (ngày 15-12)…
      Toàn chiến dịch, các đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 Pháp, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến và canô, phá hủy 100 khẩu pháo, cối, hàng nghìn súng, hàng trăm xe quân sự, thu hàng chục tấn chiến lợi phẩm. Chiến dịch phản công Việt Bắc đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta. Bộ đội ta dần dần quen tác chiến. Bộ Chỉ huy của ta học được những kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh….
      Chiến thắng Việt Bắc làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc khoáng chiến của quân và dân ta chuyển sang một giai đoạn mới.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2007, 11:26:23 am gửi bởi ptlinh » Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM