Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:38:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ sỹ Quân đội - Cuộc đời và sự nghiệp  (Đọc 11444 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
mytam44
Thành viên
*
Bài viết: 13


Quyết chiến Quyết thắng Cờ đỏ Sao Vàng vĩ đại


« vào lúc: 10 Tháng Chín, 2007, 01:02:29 pm »

Nhạc sĩ Huy Du với “Đường chúng ta đi”
Dù đã 83 tuổi, nhưng với nhạc sĩ Huy Du, Con đường âm nhạc với chủ đề “Đường chúng ta đi” diễn ra ngày 3/6, tại Hà Nội là liveshow đầu tiên của ông. Tại đây, công chúng được gặp lại một Huy Du với những ca khúc cách mạng tiêu biểu như Việt Nam trên đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Cùng anh tiến quân trên đường dài...

Việt Nam trên đường chúng ta đi... là những câu hát được cả nước biết đến trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam, trên khắp các chiến trường miền Nam trong những năm tháng đất nước sắp giành được độc lập. Nhạc sĩ Huy Du tâm sự, bài hát này ban đầu chỉ là một chương trong bản đại hợp xướng chuẩn bị mừng ngày miền Nam đại thắng, đất nước hoàn toàn độc lập vào tết Mậu Thân 1968. Thời gian ấy, quân địch hoang mang trên khắp các chiến trường và có xu hướng muốn ngồi vào bàn đàm phán. Trước tình hình đó, ông Trần Lâm, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, đã mời bốn nhạc sĩ, Duy Du, Lê Lan, Huy Thục và Doãn Nho viết một bản đại hợp xướng chuẩn bị cho ngày đại thắng. Thời gian gấp gáp mà bản hợp xướng này lại dài tới 4 chương, yêu cầu phải thể hiện được không khí chiến thắng, niềm lạc quan cách mạng lúc đó nên cả bốn quyết định chia nhau ra để viết. Nhạc sĩ Huy Thục chương mở màn, nhạc sĩ Doãn Nho chương hai, nhạc sỹ Huy Du chương ba và nhạc sỹ Lê Lan chương cuối. Giữa lúc đó, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào bàn đàm phán, hoà bình như đã được lập lại nên “Việt Nam trên đường chúng ta đi” đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt và trở thành một ca khúc độc lập có sức sống mãnh liệt...

Trong Con đường âm nhạc lần này, công chúng còn được gặp lại những ca khúc cách mạng tiêu biểu mang âm hưởng anh hùng ca như Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Bạch Long Vĩ đảo quê ta... và những bài hát mang giai điệu trữ tình ngọt ngào nhưng không kém phần hào hùng như Tình em, Chiều không em, Nổi lửa lên em... với sự thể hiện của những giọng ca sáng giá của làng nhạc Việt như: NSND Quang Thọ, Mỹ Linh, Anh Thơ, Việt Hoàn, Đăng Dương, Trọng Tấn, Tấn Minh, Nam Khánh, nhóm AC&M...

  Ngay từ nhỏ, Huy Du đã đặc biệt thích đàn viôlông và sáo trúc. Nhưng con đường đưa ông đến với âm nhạc đầu tiên lại là những giai điệu quan họ ngọt ngào của vùng kinh Bắc. Và sau đó, ông may mắn có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc phương Tây. Sự kết hợp giữa âm nhạc Đông - Tây đã tạo nên sự hấp dẫn, gần gũi và sang trọng trong những sáng tác của ông. Với cây vĩ cầm rẻ tiền sau nhiều năm dành dụm mua được, năm 16 tuổi, nhạc sĩ đã cho ra đời ca khúc đầu tiên đầy chất lãng mạn. Nhưng sau khi đã đứng trong hàng ngũ kháng chiến, ông đã xa rời hẳn những ca khúc lãng mạn, uỷ mị. Từ đó hàng loạt ca khúc cách mạng của ông liên tục ra đời. Từ bài ca thiếu sinh quân, Sẽ về thủ đô... thời chống Pháp đến Anh vẫn hành quân, Nổi lửa lên em, Bài ca đường 9, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đường chúng ta đi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với những nhạc phẩm này, ông đã khiến hàng triệu con tim yêu nước như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu giành lại độc lập.

Dù đã 83 tuổi nhưng nhạc sĩ Huy Du vẫn còn rất khoẻ mạnh và tràn đầy tình yêu với âm nhạc Nhìn lại chặng đường sáng tác, ông bảo ông rất vui vì những sáng tác của mình dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng khán giả. “Tôi nhớ những năm tháng chiến tranh, có đơn vị trước khi vào trận đánh đã dán lên mũ khẩu hiệu “Chưa hết giặc ta chưa về”. Đó là tên một bài hát của tôi. Một đơn vị khác, khi bắt đầu cuộc giao chiến, những người lính nói với nhau “Nổi lửa lên em”. Với một nghệ sĩ, còn gì hạnh phúc hơn thế!”- nhạc sĩ Huy Du tâm sự.

Riêng cá nhân mình thích nhạc của Huy Du nhất, những tác phẩm của ông vừa hào hùng, hoành tráng vừa mênh mang, thiết tha, như Đường chúng ta đi, Trên đỉnh trường Sơn ta hát, Hoa mộc miên...

Ông là một trong những nghệ sỹ lớn bậc nhất của nền văn hoá nghệ thuật Quân đội Nhân dân Việt nam cũng như của Việt Nam


 
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2007, 01:06:33 pm gửi bởi mytam44 » Logged

Đất nước của những người Con gái, Con trai
Đẹp như Hoa hồng, cứng như Sắt thép
DongA
Thành viên
*
Bài viết: 14



« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2007, 08:53:23 pm »

ĐÔI CHI TIẾT VỀ BÀI "TRƯỜNG SƠN ĐÔNG - TRƯỜNG SƠN TÂY"

Nhà thơ Phạm Tiến Duật
 

Bài thơ được viết sau nhiều chặng đường vượt rừng gian nan. Cho đến nỗi, nếu chưa từng ở rừng, vượt rừng thì khó bề thông cảm hết với thơ ấy, bài ấy. Chẳng hạn như câu này: Nước khe cạn, bướm bay lèn đá không phải là một câu thơ tả đẹp mà là một quan sát đáng run sợ của lính trinh sát...

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Trường Sơn Tây anh đi
Thương em, thương em bên ấy mưa nhiều
Còn đường là gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo
Hết rau rồi em có lấy măng không?

Còn em thương bên Tây anh mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Là chắc em lo đường chắn bom thù.

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi, nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

Từ nơi em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
Như tình yêu nối lời vô tận
Là Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.

(Lời bài hát được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc từ bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây)

Bài thơ Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây tôi sáng tác hồi cuối năm 1969 tại một làng nhỏ bên bờ sông Son của tỉnh Quảng Bình, làng Cổ Giang, một làng nghèo khó mà nền nếp. Cái làng ấy ở không xa nơi cổng đường 20 xe ngang dãy núi Trường Sơn. Thấm thoát đã gần ba mươi năm rồi. Tuổi đất, tuổi người dài ra cũng ối chuyện mà tuổi tác phẩm – của bất kỳ ai – dài ra cũng không ít chuyện. Từ nhiều năm nay, trong các băng nhạc Karaoke có chạy bài hát cùng tên phổ thơ tôi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm nhạc. Câu thơ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ của bài thơ ấy được băng hình đánh chữ là Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ. “Xua tan” như thế thì còn gì là tình yêu. Băng hình không chỉ “xua tan” nỗi nhớ mà còn “xua tan” cả thơ ca nữa. Lỗi ấy của người làm băng chứ không phải của nhạc sĩ. Cũng phải nói thêm rằng những người làm băng ấy vi phạm bản quyền, phớt lờ tác giả. Câu chuyện ấy chỉ làm tôi buồn cười chứ lạ sao không thấy bực mình. Thì văn hóa tới đâu thì làm tới đó, chứ biết làm sao. Mà họ có làm văn hóa đâu, họ làm kinh tế đấy chứ. Một thời ngỡ tưởng gần mà đã hóa ra xa.


Ở bài hát, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây là một bản tình ca trong chiến tranh. Một anh, một chị yêu nhau trong xa cách. Còn ở tác phẩm thơ, yếu tố tình ca trộn lẫn với quân ca. Có tám dòng thơ nhạc sĩ không phổ. Ở khổ thứ hai từ trên xuống. Một dãy núi mà hai màu mây/Bên nắng bên mưa khí trời cũng khác/Như anh với em như Nam với Bắc/ Như đông với tây một dải rừng liền. Và ở khổ thứ hai từ dưới lên: Đông sang tây không phải đường thư/Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo/ Đông Trường Sơn cô gái ba sẵn sàng xanh áo/ Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh. Như vậy, trong thơ không chỉ có hai người mà còn có hai lực lượng. Ba chữ như ở đoạn trên nói rằng đây chỉ là ví dụ mà thôi. Âm nhạc viết theo thể hát nói trữ tình đã cộng hưởng rất đẹp với thơ.


Cả bài thơ, như đã nói, làm xong cuối năm 1969, nhưng hai dòng đầu tiên thì có trước đó gần hai năm. Bây giờ, nhận vật tạo hứng cho thơ đang sống ở Hà Nội, một họa sĩ đã thành danh. Hồi ấy, anh ta yêu một cô y tá ở phía đông Trường Sơn. Ngồi chung một ca-bin xe đi sang phía tây, suốt đường anh ta nhắc đến người yêu. Nỗi nhớ của anh ra lây lan sang cả tôi, sang cả người lái xe. Mãi đến khi trời mưa, cái gạt nước phía trước mặt đã giúp tôi viết hai dòng đầu tiên: Anh lên xe trời đổ con mưa/Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ.


Bài thơ được viết sau nhiều chặng đường vượt rừng gian nan. Cho đến nỗi, nếu chưa từng ở rừng, vượt rừng thì khó bề thông cảm hết với thơ ấy, bài ấy. Chẳng hạn như câu này: Nước khe cạn, bướm bay lèn đá không phải là một câu thơ tả đẹp mà là một quan sát đáng run sợ của lính trinh sát. Nếu thấy cảnh ấy vào lúc chập chiều thì cầm chắc là đói vì không thể có nước nấu cơm. Mười cây số vuông quanh đí không thể có nguồn nước. Hay là câu này: Muỗi bay rừng già cho dài tay áo, một bạn Việt kiều và một nhà thơ Pháp đã dịch là Muỗi bay, mọi người mặc áo măng tô vào thì thật buồn cười. Họ không đi lính thì trách sao được.


Bây giờ, đọc lại nghe lại, như một người ngoài cuộc vô cảm tôi vẫn thấy trong lòng bồi hồi. Từ nhiều năm nay thật nhiều bài thơ người ta gọi là thơ tình, nhiều ca khúc người ta gọi là tình ca. Nhưng sao nghe chỉ thấy tán tỉnh, có lúc tán tỉnh đến thô lỗ. Thấy quá nhiều sự ích kỷ nhuộm vào các câu chữ. Nhớ lại thời ấy, không phải để tự khen mìn và đồng đội của mình mà rưng rưng cảm động. Hình như, không yêu được số đông người thì cũng khó mà yêu lấy một người. Sự ích kỷ với thiên hạ có chứa lực phản.


Không, không chỉ một tôi viết Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây mà cả con muỗi, con bướm, cái gạt nước, ngọn măng rừng và đồng đội của chúng ta cùng viết.

Nguồn: http://www.vannghequandoi.com.vn




 
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Chín, 2007, 08:55:36 pm gửi bởi DongA » Logged

Nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ, có khung trời tuổi thơ...
mytam81
Thành viên
*
Bài viết: 390


... MY TIME ...


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2007, 06:39:31 pm »

Nhạc sĩ Huy Thục và những bài ca đi cùng năm tháng




“Đi cùng các đơn vị chiến đấu ở Cam Lộ, Khe Sanh, hình ảnh các cô gái Vân Kiều gùi trên vai những quả đạn pháo, tên lửa nặng trĩu, vẫn với chiếc đàn Ta Lư đeo trước ngực, cất tiếng ca mừng các anh giải phóng quân đã làm tôi xúc động viết nên những nốt nhạc đầu tiên cho Tiếng đàn Ta Lư”, nhạc sĩ Huy Thục tâm sự.

Tiếng đàn Ta Lư là bài hát đầu tiên nhạc sĩ Huy Thục chính thức dùng tên thật của mình sau hàng loạt những sáng tác ký tên Lê Anh Chiến: Cô gái Pa Kô, Chào đường 9 anh hùng, Tiếng hát trên đường quê hương.

Hồi đó, sau những chiến công lừng lẫy của quân dân Quảng Trị, nhân dân khắp hai miền Nam - Bắc được nghe những ca khúc vừa trữ tình vừa hùng tráng, mang đậm dấu ấn miền Trung, người ta nghĩ Lê Anh Chiến là một thanh niên Quảng Trị sáng tác ca ngợi quê hương mình.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Lê Anh Chiến là ai? Có phải một tài năng mới xuất hiện”? Nhưng rồi họ được biết Lê Anh Chiến là tên một cháu bé mới mấy tháng tuổi đang sống với mẹ là chị Nguyễn Thúy Nga ở Trường Nghệ thuật quân đội. Bố Lê Anh Chiến là nhạc sĩ Huy Thục lúc bấy giờ là một chiến sĩ quân giải phóng Quảng Trị. Huy Thục lấy bút danh tên con trong những ca khúc mới sáng tác của mình cũng như nhạc sĩ Hoàng Vân đổi tên là Y Na, nhạc sĩ Trọng Loan mang tên Hương Lan.

Đội xung kích Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị, trong đó có Huy Thục, Minh Tiến, Loan Trinh, Bích Nguyệt, Vân Anh, đang biểu diễn phục vụ quân dân miền Tây Hướng Hóa thì một tin chiến thắng vang tới: Mười pháo thủ do Bùi Ngọc Đủ chỉ huy đã mưu trí đánh bại một cuộc tập kích của 200 lính thủy đánh bộ Mỹ vào khu vực trận địa và kho đạn của một trung đoàn pháo mặt trận Quảng Trị.

Sau 15 đợt xung kích thất bại, đơn vị lính Mỹ đã phải đưa hàng chục thương binh rút lui về căn cứ ở cao điểm 241 phía tây Cam Lộ. Bùi Ngọc Đủ cùng cả tập thể 10 pháo thủ của đơn vị đều được thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được khắp hai miền Nam - Bắc nhắc đến với cái tên “1 thắng 20”.

Huy Thục cùng một số anh em văn công và một đoàn nhà báo lên tận “cao điểm không tên” nơi đơn vị Bùi Ngọc Đủ vừa chiến đấu. Huy Thục hỏi Bùi Ngọc Đủ: “Trên mảnh đất khô cằn xa hậu cứ này các anh sống ra sao?”. Bùi Ngọc Đủ trả lời: “Ăn thì rau lá trên rừng, uống thì xuống suối La La chân đồi”.

Trong khi các sĩ quan, phóng viên phỏng vấn các dũng sĩ “1 thắng 20” về diễn biến trận đánh thì Huy Thục xuống bên con suối La La sáng tác bài hát: Ơi dòng suối La La với những lời ca bay bổng: “Ai qua suối La La, nghe dòng suối reo ca: chiến công 10 dũng sĩ, xông lên như thác đổ...". Sau đó ít lâu đội văn công nhận lệnh ra Bắc.

Cuối tháng 9/1969, sau ngày Bác Hồ mất, Huy Thục xin trở lại Bắc Quảng Trị. Những đêm ra mặt trận trên con đường mang tên Bác, anh gặp từng đoàn, từng đoàn thanh niên Nam tiến. Họ là những công nhân Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Duyên Hải; là những nông dân trên cánh đồng quê hương “5 tấn”; là những thanh niên mới tốt nghiệp đại học và cả một số giáo viên các Trường đại học Tổng hợp, Sư phạm, Bách khoa… ở nhiều địa phương, địa bàn hoạt động khác nhau nhưng ai nấy đều chung một khí thế hào hùng “Nhớ Bác Hồ, biến đau thương thành sức mạnh”. Thế là bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục hình thành với những câu đầu tiên:

Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận
Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác
Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ
Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào.

Tiếp đến mùa xuân đại thắng năm 1975, các bạn văn công của Huy Thục lại có mặt trong giải phóng Huế (25/3/1975), giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975) và rồi đến 30/4/1975, các anh chị đã có mặt ở Sài Gòn vừa giải phóng. Ở đâu Huy Thục cũng có những sáng tác đầy ấn tượng.

Mấy chục năm sau trên Tây Nguyên, Huy Thục gặp lại Bùi Ngọc Đủ. Tại Kon Tầng, Măng Giang (Gia Lai), cháu Hải con anh Đủ chuyện trò với chúng tôi: “Bố cháu vừa đi sản xuất trên nương cà phê, hồ tiêu về gặp bác Huy Thục. Thế là hai người ôm lấy nhau. Bố cháu khóc, bác Huy Thục cũng khóc khi cảm động nhớ đến các bạn, kể chuyện lần bác gặp bố cháu trên ngọn đồi “Không tên”, bên dòng suối La La nơi bác sáng tác bài Ơi dòng suối La La…”

Sau khi gặp Bùi Ngọc Đủ ở Tây Nguyên ít lâu, Huy Thục có dịp trở lại Hướng Hóa, Đắk Krông với những người bạn Pa Kô, Vân Kiều năm xưa, vẫn những người bạn cũ đã để lại ở Huy Thục bao ấn tượng sâu đậm.

Một đồng chí bí thư chi bộ mời Huy Thục uống rượu. Vì dạ dày bị đau nặng, Huy Thục khéo léo khước từ. Anh bạn Vân Kiều nói: “Huy Thục ngày nay khác xưa rồi. Trước đây trong bom đạn Trường Sơn, Huy Thục vẫn uống rượu, ăn thịt rừng với người Vân Kiều. Nay về Thủ đô sung sướng Huy Thục không uống với mình nữa. Thế là không tốt đâu”.

“Huy Thục ngày nay vẫn như trước đây thôi, vẫn yêu quý người Vân Kiều, yêu quý quê hương Đắk Krông, không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ ác liệt trong kháng chiến đâu. Huy Thục không uống được rượu vì cái dạ dày bị đau vừa phải cắt hơn một nửa rồi. Bác sĩ không cho được uống rượu đâu”. Huy Thục nói xong, liền vén cao áo để lộ một vết sẹo dài trên ổ bụng.

Anh bạn vừa trách Thục tiến lên phía trước gục đầu vào vai Thục khóc nói: “Mình xin lỗi Thục. Mình đã hiểu Thục rồi”.

Sự cảm động thể hiện trên ánh mắt mọi người. Tất cả cùng reo vang. Mấy cô gái Vân Kiều rực rỡ trong chiếc váy dân tộc nhiều màu sắc, với chiếc đàn Ta Lư nhỏ xinh hát vang bài Cô gái Pa Kô với lời hát đã được dịch sang tiếng Pa Kô.

Những tiếng hát Tiếng đàn Ta Lư, Bác đang cùng chúng cháu hành quân vang khắp khu rừng Đắk Krông .

Tháng 9/2001, nhạc sĩ Huy Thục được Chủ tịch nước tặng giải thưởng cấp Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật với những bài hát Tiếng đàn Ta Lư, Ơi dòng suối La La, Bác đang cùng chúng cháu hành quân và một số sáng tác khác của anh.

Năm 2004, nhiều sáng tác kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm Giải phóng Thủ đô, 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam của Huy Thục đã được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và nhiều ca khúc của nhạc sĩ đã trở thành “Những bài ca không thể nào quên”, “Những bài ca đi cùng năm tháng".

Logged

... Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại ...
Galaxy
Thành viên
*
Bài viết: 196


Hãy sống vì KHÁT VỌNG, để thấy đời mênh mông


« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2007, 11:01:01 am »

Tác giả 'Đồng chí' đã ra đi

TP - Nhà thơ Chính Hữu - người mà tên tuổi được biết đến với hai tập thơ hay là "Đầu súng trăng treo" và "Thơ Chính Hữu", đã lặng lẽ ra đi tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội chiều 27/11/2007.



Nhà thơ Chính Hữu

Tôi vốn dân “phố nhà binh”, lại là sỹ quan thuộc quyền của nhà thơ Chính Hữu khi ông còn là Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị.

Tôi là láng giềng nhiều năm với ông - khi tôi còn ngụ trong Tập thể 32, ông ở Tập thể 34 - Lý Nam Đế - Hà Nội nên không chỉ biết ít nhiều về thơ mà còn biết cả bệnh của ông.

Nhưng khi được tin ông mất, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, bởi ông vừa mới báo tin, cháu nội của ông, cháu Trần Vinh Huân (cũng là cháu ngoại nhà văn Đỗ Chu) vừa trúng tuyển vào trường Mari Quyri với giọng rất vui.

Ông lại hẹn, sẽ cho tôi một số tài liệu ông giữ được khi còn làm Phó Ban văn nghệ Quân đội cùng với số sách và tài liệu lúc làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân đội - cơ quan chịu trách nhiệm hàng số duyệt bài tờ Văn nghệ Quân đội chúng tôi một thời dài... Thế mà…

Tôi biết ông từ khi còn là học sinh với những bài thơ Đồng chí, Ngọn đèn đứng gác..., biết nhiều hơn khi được ông tín nhiệm giao cho làm “Tuyển tập Chính Hữu” (NXB Văn học- 1998 ). Từ đấy, tôi mới rõ thêm về trường hợp ra đời của những bài Đầu súng trăng treo, Đêm sầu Hà Nội, Tháng năm ra trận, Giá từng thước đất...

Riêng với bài Ngày về thì ông bảo cho ông được từ chối in vào tuyển. Ông nói đó chỉ là phần lời cho một bài hát của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác lúc toàn quốc kháng chiến, lời lẽ, ý tứ không hợp với tạng ông, thơ ông. Nếu cần thì chỉ trích vài câu.

Nói vậy nhưng khi tôi nói, tôi muốn có nguyên văn bài thơ thì ông đã chép cho tôi. Bản chép tay bài Ngày về của ông, tôi vẫn còn giữ và đã có dịp công bố trên tờ Văn nghệ mấy năm trước với tiêu đề Ngày về sau hơn 50 năm đã về lại.

Cũng là định dấu, nhưng khi biết, ông chỉ hấp háy mắt cười và còn đưa thêm cho bản nhạc Tình đồng chí của Minh Quốc với lời nói thêm: ông Minh Quốc làm nó từ năm 1949, nghĩa là chỉ sau một năm bài Đồng chí ra đời. Tôi nói, trước 1975 nó được hát nhiều lắm. Ông không tiếp lời mà nhìn tôi một cái nhìn độ lượng.

Cũng trong dịp cùng ông làm tuyển, tôi mới biết thêm về ông - một ông “quan văn nghệ’’, một “yếu nhân” của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng lại người vô cùng dễ gần, dễ thoả hiệp.

Dễ thoả hiệp là nói trong cách làm việc thôi, chứ với chữ nghĩa thì trên đời này có lẽ ông là một. Tôi có lần đùa ông “Với bác đúng là giá từng câu chữ!”. Ông lại hấp háy mắt cười.

Bây giờ thì tác giả Ngày về đã đi xa mãi mãi, nhưng mãi mãi còn đó một hình tượng thơ đầu súng trăng treo, một con người đôn hậu như câu thơ của nhà thơ Huy Cận tặng ông năm trước:

Một đời đầu súng trăng treo/ Hồn thơ đeo đẳng bay theo chiến trường/ Tiếng lòng trong đọng hạt sương/ Cành hoa chiến địa mà gương tâm tình/ Cho hay thơ ở lòng mình/ Trăng hay súng vẫn bóng hình người thơ.

Thập Tam Trại, tối 27/11/2007
Ngô Vĩnh Bình
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=103298&ChannelID=7
Logged

Đây Trường Sa
Kia Hoàng Sa
Quần đảo đứng hiên ngang
Thiên hùng ca ngời sáng
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM