Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:41:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: "Đi trên dây"  (Đọc 112091 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #80 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 07:17:41 am »

Các bác giằng nhau thế này thì chả bao giờ xong. Tôi thì tôi thiên về quan điểm cho rằng Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ cứu nước vừa là một cuộc nội chiến, vừa là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vừa là một cuộc chiến ý thức hệ. Bỏ cái nào đi cũng không được. Mỗi bên đeo một loại kính phóng to một thứ khác nhau.

Em đồng ý với bác, nhưng... chỉ một phần. Theo ý kiến của em thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta đúng ra là vừa có "yếu tố" (thay vì "một cuộc") nội chiến (Việt Việt), vừa có yếu tố chiến tranh chống xâm lược (Việt Mỹ) lại vừa có yếu tố một cuộc chiến ý thức hệ (theo em là giữa các nước lớn với nhau). Nhưng để định rõ tính chất của nó, mình phải xét xem yếu tố nào là chính, là nguồn gốc căn nguyên.

Theo cái lí lẽ của em ở trên, thì em xin mạo muội trả lời câu này

Năm 1784 khi vua Xiêm cho tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 20 vạn quân và 300 chiếc thuyền sang giúp Nguyễn Ánh thì rõ ràng nhà Tây Sơn phải chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn kết thúc năm 1802 vẫn gọi là cuộc nội chiến.

của bác Hannoi như sau:

Đúng ra là nhà Tây Sơn chỉ chống "nguy cơ" giặc ngoại xâm thôi, mặc dù Xiêm lợi dụng cơ hội đó để xâm chiếm nước ta. Nó chỉ gọi là chống ngoại xâm nếu như quân Xiêm vào ta, Nguyễn Ánh trở thành bù nhìn, quyền hành vào tay quân Xiêm giống như trường hợp Lê Chiêu Thống "rước" quân Thanh vào. Trong trường hợp Nguyễn Ánh, yếu tố "nội chiến" vẫn còn giữ vai trò chủ đạo. Còn trong trường hợp Lê Chiêu Thống thì yếu tố ngoại xâm là chủ đạo, bởi Lê Chiêu Thống lúc đó hoàn toàn là bù nhìn, tượng trưng, làm gì có quyền mà chống lại Tây Sơn. Lí luận kiểu này, khéo có ai cao hứng lên lại bảo 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên cũng là... nội chiến, vì nhà Nguyên cũng lập chính quyền bù nhìn Việt mà.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #81 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 09:47:00 am »

Cái chính quyền bù nhìn của quân Nguyên dựng lên chỉ có danh chứ không có thực: không có bộ máy quản lí tới cấp cơ sở, không có luật pháp, gần như không có các công cụ quản lý khác ... tức là chưa thành 1 chính quyền (dù là bù nhìn) như CQ SG sau này.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #82 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 04:36:49 pm »

Nhưng để định rõ tính chất của nó, mình phải xét xem yếu tố nào là chính, là nguồn gốc căn nguyên.

Đồng ý gần như toàn phần với bác. Cái oái oăm nó ở chỗ mỗi bên có một nhận định của mình cái nào chính cái nào phụ, chính đến đâu, 47% hay 53%, phụ đến đâu, nguồn gốc căn nguyên ở đâu. Thế mới đánh nhau chứ.   Sad
Logged
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 04:51:26 pm »

Nhưng để định rõ tính chất của nó, mình phải xét xem yếu tố nào là chính, là nguồn gốc căn nguyên.

Đồng ý gần như toàn phần với bác. Cái oái oăm nó ở chỗ mỗi bên có một nhận định của mình cái nào chính cái nào phụ, chính đến đâu, 47% hay 53%, phụ đến đâu, nguồn gốc căn nguyên ở đâu. Thế mới đánh nhau chứ.   Sad

Đấy, cho nên em mới để lửng chứ có dám bình luận tiếp đâu. Cái nào chính, cái nào phụ thì nó tùy thuộc vào quan điểm, chỗ đứng của mỗi người. Mà theo kiểu các bác bên Mỹ hay nói là "nhồi sọ". Nếu không các sử gia "bên này" hay "bên kia" làm gì có việc mà làm.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
mig21-58
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 576

binh nhì


« Trả lời #84 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 10:08:16 pm »

tôi xin hỏi ngài HA NOI một câu thôi :nếu vnch là một chính quyền thực sự thì tại sao vụ mỹ lai vnch không xử bọn mỹ ,mà lại để mỹ nó xử ?chính quyền gì ?chủ quyền gì ?có còn chủ quyền hay không ?hay là cái gì mờ để mỹ nó làm như vậy ?
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #85 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 04:12:42 pm »

tôi xin hỏi ngài HA NOI một câu thôi :nếu vnch là một chính quyền thực sự thì tại sao vụ mỹ lai vnch không xử bọn mỹ ,mà lại để mỹ nó xử ?chính quyền gì ?chủ quyền gì ?có còn chủ quyền hay không ?hay là cái gì mờ để mỹ nó làm như vậy ?
- Bác tàu bay hỏi thế thì ai "giả nhời" được?! Chưa biết chừng có người hỏi lại: mặt trận giải phóng miền nam có phải là "tay sai" của VNDCCH không?! thì bằng nhau...Hic...Hic!
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Sáu, 2010, 04:25:51 pm gửi bởi bob » Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #86 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 04:52:35 pm »

Đúng là chiến tranh VN mang nhiều ý nghĩa song chỉ có chính quyền Hà Nội và Mỹ giữ vai trò quyết định. Phản ứng của ông Thiệu khi Mỹ chấp nhận ký hiệp định thì rõ. Tôi thấy nói là " nội chiến " là nói cho vui thôi và xét về hình thức cũng không sai.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #87 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2010, 08:26:25 pm »

nếu vnch là một chính quyền thực sự thì tại sao vụ mỹ lai vnch không xử bọn mỹ ,mà lại để mỹ nó xử ?chính quyền gì ?chủ quyền gì ?có còn chủ quyền hay không ?hay là cái gì mờ để mỹ nó làm như vậy ?

Hmm, thế bác mig với bác bob nghĩ thế nào, nếu một người trong số 300,000 quân tình nguyện Trung Quốc sang ta làm nghĩa vụ quốc tế những năm 60, hoặc quân nhân Liên Xô ở Cam Ranh những năm 80, giả dụ, phạm vào cái kim sợi chỉ của dân ta, thì ai sẽ trực tiếp thụ lý, ta hay bạn?

Hoặc quân tình nguyện ta ở K hồi đó, nếu có nhỡ tay gì đấy, thì bạn sẽ xử hay ta tự xử?

Vậy có mang những việc như vậy ra để luận về "chủ quyền hay không" một cách sòng phẳng được không?

Logged
Hannoi
Thành viên
*
Bài viết: 108



« Trả lời #88 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2010, 08:17:38 am »

Cám ơn các bạn đã đóng góp. Cuộc chiến đã hơn 35 năm qua, mà bây giờ chúng ta, những người chiến thắng vẫn chưa biết cách đối xử tử tế với các tử sĩ miền Nam. Họ cũng là người Việt Nam mình? Cuộc đời mỗi người quá ngắn ngủi so với lịch sử. Còn nhớ năm 1975 ai ai cũng hi vọng được sống đến năm 2000 vì khi đó Việt Nam sẽ hoàn thành công cuộc xây dựng CNXH và bắt đầu xây dựng CNCS. Bây giờ đã là năm 2010 rồi, Việt Nam vẫn là nước nghèo và tham nhũng bậc nhất thế giới. Có phải tại chiến tranh không?

Bài nghiên cứu này của Giáo sư Lê Xuân Khoa, cựu Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á (SEARAC) và là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins, Washington, D.C. Tôi luôn ủng hộ những ý kiến sâu sắc, toàn diện và nghiêm túc.
http://daosy.multiply.com/journal/item/98

Cuộc chiến Việt Nam - tên gọi từ nhiều phía

Cuộc chiến 1945-1954 giữa thực dân Pháp và các phong trào kháng chiến giành độc lập của các dân tộc Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào thường được các nhà viết sử gọi chung là chiến tranh Đông Dương. Đối với từng quốc gia Đông Dương, cuộc chiến này còn mang những tên khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa. Chẳng hạn trong trường hợp Việt Nam, đây là chiến tranh giành độc lập, chiến tranh chống đế quốc Pháp hay ngắn gọn hơn, chiến tranh Việt-Pháp. Tất cả những cách gọi tên này đều đúng và không có gì cần phải tranh luận. Khi cuộc chiến 1955-1975 tiếp diễn trên lãnh thổ Đông Dương được gọi là chiến tranh Đông Dương lần thứ hai thì cách gọi không sai nhưng nội dung của nó không đơn giản như lần trước, vì thành phần tham chiến và thời gian chiến tranh ở mỗi quốc gia Đông Dương không giống nhau.

Trên chiến trường Đông Dương, Hoa Kỳ thay thế Pháp nhưng chỉ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam từ 1965 đến 1972 và hỗ trợ những lực lượng chống cộng sản ở Lào và Cam-pu-chia. Ngay cả những cuộc dội bom ở hai quốc gia này cũng không ngoài mục đích chính là ngăn chặn Bắc Việt sử dụng lãnh thổ hai nước láng giềng làm căn cứ tiếp viện cho bộ đội cộng sản ở miền Nam. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất được giải quyết chính thức và toàn bộ bởi Hiệp định Genève 1954 với Việt Nam là trọng điểm. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, tình trạng ba nước Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia đuợc quốc tế giải quyết vào ba thời điểm cách xa nhau: Lào bằng Hiệp định Genève năm 1962, Việt Nam bằng Hiệp định Paris năm 1973, và Cam-pu-chia bằng Hiệp định Paris năm 1991. Mặc dù những đặc tính khác biệt đó, gọi cuộc chiến tranh 1955-1975 là chiến tranh Đông Dương lần thứ hai cũng vẫn đúng trong ý nghĩa tổng quát của chiến trường.

Trong trường hợp Việt Nam, vấn đề gọi tên cuộc chiến sau hiệp định Genève 1954 đã được tranh cãi dai dẳng cho đến nay, ba mươi năm sau chiến tranh, vẫn chưa đạt được đồng thuận. Những quan điểm bất đồng được xoay quanh nhiều tên gọi: chiến tranh chống cộng, chiến tranh chống Mỹ-Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh ủy nhiệm. Bỏ qua một bên chiến tranh "chống cộng" và "chống Mỹ-Ngụy" chỉ thích hợp trong thời chiến, ở đây chỉ cần thảo luận về bốn tên gọi còn lại thường được tranh cãi nhiều nhất.

Cuộc chiến 1955-1975 ở Việt Nam được gọi là nội chiến vì sau khi đất nước bị chia đôi, chính quyền miền Bắc đã để lại cán bộ, chôn dấu vũ khí và hoạt động bí mật đàng sau các phong trào tranh đấu ở miền Nam; trong khi đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng phát động chiến dịch tố cộng sâu rộng và mãnh liệt. Đảng cộng sản phản công bằng những hành động khủng bố và ám sát các viên chức Việt Nam Cộng Hoà. Đầu năm 1959 thì miền Bắc bắt đầu mở đường xâm nhập bộ đội và vũ khí vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và phát động công cuộc đấu tranh vũ trang với phong trào "Đồng khởi". Năm 1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời được miền Bắc hỗ trợ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở các tỉnh miền Nam. Năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam càng ngày càng tồi tệ dẫn đến việc Mỹ quyết định đưa quân vào yểm trợ quân đội VNCH nhưng thực tế nắm vai trò chủ động. Đây là giai đoạn "Mỹ hoá" cuộc chiến cho tới năm 1969 thì chính quyền Nixon trở lại chương trình "Việt Nam hoá" chiến tranh và bắt đầu rút quân về nước. Trận chiến quốc-cộng tiếp tục cho tới khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ vào tháng Tư 1975

Cuộc nội chiến vì lý tưởng khác biệt, cộng sản và không cộng sản, có mầm mống từ những năm cuối thập kỷ 1920 khi Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu được thành lập năm 1927 và Đảng Cộng Sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Hong Kong năm 1930. Sự khác biệt ban đầu về chủ trương chỉ trở thành đối nghịch (nhưng chưa giết hại nhau) sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của VNQDĐ bị thất bại năm 1930 và phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh của ĐCSVN bị Pháp dẹp tan năm 1931 khiến những người còn sống sót của hai đảng đều phải bỏ chạy sang Tàu. Vì sống chung dưới chính thể Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, các đảng viên cộng sản Việt Nam đều phải hoạt động âm thầm trong khi các lãnh tụ không cộng sản thì hoạt động công khai với sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ), một số còn được đào tạo tại trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu và lên đến cấp tướng trong quân đội Trung Hoa.

Nhược điểm của các đảng phái quốc gia là không có tổ chức qui củ và đường lối minh bạch, chỉ trông cậy vào sự che chở của THQDĐ để chống Pháp trong khi Trung Hoa dù không ưa Pháp nhưng đang là đồng minh của Pháp chống Nhật ở Đông Dương. Các lãnh tụ quốc gia lại không đoàn kết được với nhau trong khi không có hoạt động gì đáng kể ở trong nước. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi THQDĐ quá thất vọng với các phe nhóm quốc gia nên đã giúp cho Hồ Chí Minh đại diện Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đưa người về Việt Nam tăng cường hoạt động chống Nhật năm 1944. Nhân dịp này Hồ Chí Minh củng cố được Mặt Trận Việt Minh thành lập từ năm 1941.

Cuộc tranh chấp giữa các đảng phái quốc gia và Việt Minh trở thành những cuộc thanh toán đẫm máu giữa đôi bên trong năm 1946 và lực lượng quốc gia đã bị tiêu diệt gần hết trước khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ trên toàn quốc vào cuối năm đó. Việt Minh hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và cuộc xung đột Quốc - Cộng chỉ tái diễn chính thức và qui mô sau khi đất nước bị chia đôi và chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thành lập ở miền Nam.

Mặc dù cuộc xung đột 20 năm giữa những người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đã rõ ràng là một cuộc nội chiến có gốc rễ sâu xa, tên gọi này vẫn không được giới lãnh đạo miền Bắc chấp nhận. Để xây dựng và bảo vệ chính nghĩa của mình, nhà nước cộng sản đã gọi cuộc chiến này là chiến tranh chống Mỹ cứu nước hay chiến tranh chống Mỹ-Ngụy. Sau chiến tranh, vì nhu cầu bang giao, thì gọi là chiến tranh của Mỹ hay do Mỹ gây ra (American war), nhất là trong trường hợp sử dụng tiếng Anh. Cách gọi "American war" còn có ngụ ý nhắc nhở lỗi lầm của Hoa Kỳ và phủ nhận cách gọi của người Mỹ là "Vietnam war" (chiến tranh Việt Nam).

Trong một cuộc trao đổi ý kiến gần đây giữa một số học giả quốc tế gồm cả người Mỹ và Mỹ gốc Việt, có người đã dùng tên gọi "American war" để chỉ định cả hai cuộc chiến trong thời gian từ 1945 đến 1975, vì ngoài việc viện trợ và tham chiến trực tiếp trong cuộc chiến lần thứ hai, chính phủ Mỹ đã viện trợ tiền bạc và vũ khí cho Pháp trong suốt cuộc chiến lần thứ nhất. Nhưng nếu đặt tên chiến tranh bằng tên của quốc gia viện trợ thì cũng phải gọi tên cuộc chiến này là chiến tranh của Liên Xô và Trung Quốc vì hai nước này đã viện trợ kinh tế và quân sự rất quan trọng cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Cũng hiểu theo cách rộng rãi như thế thì cuộc chiến lần thứ hai phải được gọi là chiến tranh của Mỹ và các đồng minh Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Bởi vậy không nên đặt tên chiến tranh bằng tên của những quốc gia viện trợ hay dự phần vào cuộc chiến, mặc dù có lý do chính đáng để gọi giai đoạn Mỹ hoá chiến tranh (1965-1972) là "American war". Cũng nên ghi nhận là Mỹ bắt đầu rút quân từ 1969, và tên gọi "Vietnam war" chỉ có nghĩa là chiến tranh ở Việt Nam chứ không phải là "Vietnamese war" tức là chiến tranh của Việt Nam hay do Việt Nam gây ra.

<Bài viết hơi dài, xin xem tiếp phần 2>
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Sáu, 2010, 12:32:29 pm gửi bởi Hannoi » Logged
Hannoi
Thành viên
*
Bài viết: 108



« Trả lời #89 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2010, 08:17:59 am »

<Phần tiếp theo...>

Đáng chú ý là phần lớn các tổ chức chính trị trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không chấp nhận tên gọi cuộc chiến 1955-1975 là "nội chiến", khẳng định rằng đây là cuộc chiến của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa và chế độ cộng sản độc tài. Như trên đã nói, đây là cách gọi tên theo lập trường chính trị chẳng khác gì phía cộng sản đã gọi đây là cuộc chiến tranh nhân dân chống ngụy quân ngụy quyền. Những tên gọi này chỉ có giá trị nhất định đối với mỗi bên trong những năm đang có chiến tranh mà thôi.

Sau hết, cần bàn về "chiến tranh ủy nhiệm". Tên gọi này phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan nhưng không một quốc gia tham chiến nào, trực tiếp hay gián tiếp, muốn chấp nhận nó để phải mang tiếng xấu. Gọi là ủy nhiệm vì từ cuộc xung đột về ý thức hệ, hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã dùng chiến trường Việt Nam để thí nghiệm và tiêu thụ các loại vũ khí kể cả chất độc da cam, trong khi Liên Xô và Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ và thúc giục Bắc Việt tận lực hi sinh và chiến đấu trường kỳ.

Các quan sát viên quốc tế hồi đó đã có một nhận xét rất đúng về dụng ý của Trung Quốc khi viện trợ cho Việt Nam: "Trung Quốc sẽ đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng." Quả thật, giải pháp chấm dứt chiến tranh Đông Dương đều do các nước lớn sắp đặt sẵn với nhau rồi ép buộc đồng minh Việt Nam, cộng sản hay quốc gia, phải chấp thuận.

Sau khi đã gạn lọc lập trường chính trị của mỗi bên để xác định bản chất thật sự của nó trong lịch sử, cuộc chiến 1955-1975 phải được gọi là một cuộc nội chiến đồng thời là chiến tranh ủy nhiệm. Con dân một nước cùng một dòng giống-thực tế thì hầu như gia đình nào cũng có bà con gần hay xa ở phía bên này hay/và bên kia-đã tàn sát lẫn nhau ít nhất là trong hai mươi năm, vì lý tưởng khác nhau mà không hoàn toàn do mình chủ động. Tổng số người Việt Nam thiệt mạng riêng trong cuộc chiến này, kể cả quân và dân của cả hai bên, lên tới gần 4 triệu người. Riêng bộ đội cộng sản còn có khoảng 300,000 người chưa tìm được xác. Đất nước và tài sản của dân chúng cả hai miền đều bị chiến tranh tàn phá đến mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, cho đến nay vẫn còn những di hại của bom, mìn chưa nổ và chất thuốc khai quang (chất độc màu da cam).

Các nhà ngoại giao Hà Nội tại những phiên họp hậu chiến Việt-Mỹ từ 1995 đến 1998 cũng như các sách vở lịch sử ở Việt Nam đều xác nhận điều này. Cố ngoại trưởng Trần Văn Đỗ cũng than phiền rằng tại hội nghị Genève 1954, Pháp đã không cho phái đoàn quốc gia biết cuộc thảo luận của các nước lớn về việc chia cắt Việt Nam và ông đã được Phạm Văn Đồng mời họp riêng để tìm giải pháp giữa hai bên người Việt với nhau nhưng không thực hiện được. Nhờ mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc, nhờ phong trào phản chiến rầm rộ của dân chúng Mỹ và lợi thế chính trị đặc biệt sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố không tái ứng cử năm 1968, Việt Nam cộng sản đã tránh được sự áp đặt của "các nước bạn" trong tiến trình hội nghị "hai phe bốn phái đoàn" ở Paris (1968-1973).

Trong chiến tranh ủy nhiệm, phía Việt Nam quốc gia phải chịu sức ép của đồng minh Hoa Kỳ cho tới những ngày chót của hội nghị Paris. Từ 1965, Hoa Kỳ hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến cho tới 1969 mới bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp Việt Nam hoá chiến tranh, nhưng vẫn nắm quyền định đoạt các phương tiện chiến đấu, không theo nhu cầu của giới chỉ huy quân sự Việt Nam. Từ sau hiệp định Paris 1973 thì Quốc Hội Hoa Kỳ lại mạnh tay cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự khiến cho miền Nam phải sụp đổ mau chóng hơn cả kế hoạch dự liệu của các chiến lược gia Hà Nội.

Trong khi đó, mặc dù khéo khai thác mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc để được cả hai đồng minh lớn đua nhau viện trợ, Việt Nam cộng sản cũng không tránh khỏi áp lực của mỗi "nước bạn", nhất là sự kiểm soát và ngăn chặn của Trung Quốc đối với những toan tính ngoại giao độc lập của Việt Nam. Hà Nội dứt khoát đi với Liên Xô khi ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu Nghị với Aleksei Kosygin vào tháng 11/1978 và gần như hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Liên Xô cho đến khi Mikhail Gorbachev và những chính quyền kế tiếp không còn có mối quan tâm chiến lược ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nữa.

Người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đều đã có quá nhiều kinh nghiệm về quan hệ hợp tác với các đồng minh của mình để thấy rằng đồng minh nào cũng chỉ ủng hộ một nước bạn chừng nào sự ủng hộ ấy phù hợp với lợi ích riêng của họ chứ không phải vì cùng theo đuổi một lý tưởng chung. Sau chiến tranh, bài học ấy có thể là một động cơ cho phe thắng trận tập hợp được khả năng của toàn dân vào công cuộc tái thiết và phát triển đất nước thời hậu chiến. Nhưng chính sách sai lầm của các nhà lãnh đạo miền Bắc đối với miền Nam đã làm tê liệt những đóng góp quan trọng của một nửa dân số toàn quốc trong mười mấy năm cho đến đầu thập kỷ 1990 mới thực sự chuyển hướng.

Riêng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhà cầm quyền trong nước đã sớm nhận ra khả năng đóng góp to lớn của tập thể này vào công cuộc phục hồi kinh tế cũng như những tiềm năng trí tuệ có thể đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Thái độ đối với tập thể này thay đổi hẳn, từ việc kết tội người tị nạn là "những kẻ phản bội" đến sự công khai nhìn nhận họ là "một nguồn lực phát triển quan trọng của dân tộc." Tuy nhiên, trong khi kêu gọi cộng đồng hải ngoại dẹp bỏ quá khứ, hướng tới tương lai để cùng chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương, Nhà nước vẫn chỉ ban hành những biện pháp cởi mở hạn chế nhằm đáp ứng lợi ích vật chất nhỏ nhặt mà chưa thật tình hòa giải trong tinh thần bình đẳng. Vì thế những đóng góp chất xám của công dân ngoại quốc gốc Việt chưa vượt qua mức tối thiểu và các phong trào chống đối chính quyền trong các cộng đồng ở hải ngoại vẫn còn rất mạnh.

Trong cuộc chiến này, phe cộng sản vì nhiều lý do đã thắng phe quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước. Gần đây, một nhà sử học ở Hà nội đã nhắc đến những nhân vật yêu nước không cộng sản như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và đã có những nhận định xác đáng: "Chủ nghĩa yêu nước thì khác nhau nhưng lòng yêu nước thì ai cũng có. . . . Tôi nghĩ rằng con người rất phức tạp, hoàn cảnh lịch sử càng phức tạp. Nếu chúng ta không đánh giá lòng yêu nước rạch ròi, chúng ta sẽ ngộ nhận, chúng ta sẽ độc quyền yêu nước."

Ba mươi năm sau chiến tranh, đã đến lúc chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại cần phải nhận ra thực chất của cuộc chiến, ôn lại những bài học quá khứ và nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để có thể cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương Bắc. Giữa hai bên, những bước đầu tiên cần phải được thực hiện bởi chính quyền trong nước một cách thật tình và cụ thể. Một khi thiện chí ấy đã được chứng tỏ, cộng đồng hải ngoại cũng cần phải đáp ứng tích cực.

Trở lại vấn đề gọi tên cuộc chiến 1955-1975, để các phe liên hệ có thể vượt lên khỏi những ám ảnh tiêu cực của quá khứ và chấm dứt những cuộc tranh luận do tình cảm chủ quan, cuộc chiến này nên được gọi đơn giản là "chiến tranh Việt Nam" với ý nghĩa khách quan phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nội dung phức tạp của nó sẽ được lịch sử ghi chép một cách đầy đủ và trung thực…
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM