Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:00:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc tiến công chiến lược năm 1972: Quảng Trị-Bắc Tây Nguyên-Đông Nam Bộ  (Đọc 344710 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #580 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2012, 09:19:47 am »

Trích dẫn
Ý tôi nói là nếu không phải là sư 3 mà là 1 s­ư khác (dù, thủy quân lục chiến, sư 1 hoặc thậm chí "Nam chinh bắc phạt cao nguyên trấn" chẳng hạn thì e là còn mệt với tụi nó. Tôi cũng không hiểu tại sao nơi "địa đầu" như vậy mà họ lại bố trí 1 đơn vị yếu kém như thế?

Thật ra thì tháng 2 năm 1972, lực lượng địch ở Trị - Thiên gồm có: 2 sư đoàn bộ binh (1, 3), 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ (147, 258), 4 tiểu đoàn, 94 đại đội bảo an, 302 trung đội dân vệ, 5.100 cảnh sát, 14 tiểu đoàn pháo binh (258 khẩu), 3 thiết đoàn 184 xe tăng, thiết giáp. Với lực lượng trên, địch tập trung bố phòng trên hai hướng Quảng Trị và Thừa Thiên, lấy Quảng Trị làm trọng điểm, ở đây luôn luôn có 5 trong số 8 trung đoàn chủ lực địch. Như vậy ta có thể thấy địch bố trí phòng ngự theo cấp trung đoàn với: Trung đoàn 57 bố trí từ Quán Ngang đến Dốc Miếu; Trung đoàn 2, từ Bái Sơn đến Cồn Tiên; Trung đoàn 56, từ điểm cao 241 đến nam Tân Lâm; lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ từ Mai Lộc đến Động Toàn; Lữ đoàn 258 từ Tân Điền đến điểm cao 36 7. Sở chỉ huy sư đoàn 3 đóng tại Ái Tử.

Có một quy luật trong chiến tranh: "muốn giỏi thì phải trả giá bằng máu - càng trả giá đắt thì càng có kinh nghiệm xương máu" - vậy thôi. Địch bố trí như vậy là quá được rồi còn gì, phía sau luôn có đến 3 trung đoàn bộ binh làm lực lượng dự bị sẵn sàng cơ động. Hơn thế nữa địch có điểm lợi lớn là toàn bộ khu vực đều đã có tọa độ sẵn để chi viện. Vấn đề là không ngờ là cụ Hoàng Đan khi được phân cánh tây - cánh thứ yếu của chiến dịch có nhiệm vụ thu hút trước - đã quá hiểm khi chọn đúng vị trí yếu nhất để đập - và phương án chọc sâu có tăng đi kèm  Grin. Có một ví dụ minh chứng rõ rệt nhất là ở cánh này khi e66 đánh Động Toàn thì tổn thất nhiều hơn - có thể nói Động Toàn vách đứng hơn, cao hơn nhưng bọn lính thủy đánh bộ kháng cự tốt hơn nhiều.

Trích dẫn
...Một điểm nữa là trong trận này, không hiểu 38 bố trí đội hình và thiết kế công sự, nghi binh thế nào mà không quân mỹ không làm gì được. ..
Có phải chúng nó không làm gì được đâu; chỉ riêng con số tổng kết trong quá trình chuẩn bị chiến dịch đã cho thấy như sau: Tổn thất: hy sinh 34, bị thương 75; hỏng 4 pháo mặt đất, 17 pháo cao xạ, 8 xe tăng, 12 xe xích, 39 ô tô.)

Còn để bảo vệ cho e38 đánh thì Bộ tăng cường phối thuộc cho cụ Đan cũng không ít (xin lưu ý lại một lần nữa đây là cánh thứ yếu,  Grin : bốn trung đoàn pháo cao xạ (230, 232, 241, 280), 2 tiểu đoàn tên lửa, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn công binh.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #581 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2012, 09:21:42 am »

Chi tiết trận đánh thì như sau:
Trích dẫn
30/3/1972
Đêm 29 rạng 30 tôi trực tiếp chỉ huy chiếm lĩnh đài quan sát của tiểu đoàn ở khu vực đồi Không Tên. (Đông điểm cao 182) Lợi dụng ánh sáng của đèn dù và chớp lửa của đạn đại bác địch, phân đội trinh sát triển khai chiếm lĩnh, làm công sự, cưa cây mở rộng thị giới quan sát.

Trời đã sáng rõ. Khu căn cứ lính thuỷ đánh bộ của địch ở Mai Lộc đã hiện lên ngay trước mắt. Từ đài quan sát chúng tôi có thể nhìn rõ và đo đạc chính xác các mục tiêu trong cụm cứ điểm của địch. Đường tin của máy đo phương hướng đã dừng lại và đánh dấu ghi nhớ trong ống kính từng mục tiêu: khu chỉ huy sở, khu kho đạn, khu trận địa pháo.

Chúng tôi đang quan sát thì có hai trực thăng bay tới và hạ cánh ở sân vận động. Trợ lý trinh sát Ngô Thịnh chép miệng, ”nếu như lúc này được lệnh nổ súng!”.

Chợt một số dân có bọn chỉ điểm đi cùng lên núi lấy củi. Họ đang tới gần khu vực ta đặt đài quan sát. Nếu họ lên tới đây phát hiện đài quan sát của ta trong lúc chưa nổ súng thì sao. Là người chỉ huy tôi không khỏi lo lắng, bởi giờ G đang tới gần, thời gian đã đến điểm tính từng phút. Thịnh nhanh nhẹn rút súng ngắn đút vào thắt lưng sẵn sàng đối phó, nom chàng trai Hà Nội thật hiên ngang. Chưa biết Thịnh sẽ xử lý thế nào khi dân lên tới khu đài, nhưng nhìn vào nét mặt bình tĩnh và tác phong quyết đoán của Thịnh anh em trên đài yên tâm… Tôi lệnh cho các chiến sỹ trinh sát dàn đội hình lẩn trong công sự sau bụi rậm giữ bí mật tới cùng và sẵn sàng chiến đấu.

Hòa chiến sỹ vô tuyến điện có bộ mặt thư sinh Hà Nội, từ sớm tới giờ tai gắn liền với ống nghe, mặt đần ra chờ tín hiệu chiến đấu từ sở chỉ huy. Bỗng Hòa bật lên tiếng báo cáo. Hòa nhìn tôi vẻ quan trọng và hả hê:
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng!… Lệnh của chỉ huy mặt trận báo động khẩn cấp… Tất cả về vị trí chiến đấu… Báo cáo ngay tầm nhìn ở khu vực mục tiêu.

Chúng tôi xúc động nhìn nhau. Vậy là giờ phút lịch sử của đời tôi, của tiểu đoàn, trung đoàn đã tới.

Tôi đi về phía cửa đài quan sát, lia ống nhòm vào mấy mục tiêu quan trọng rồi lệnh cho chiến sỹ vô tuyến điện báo lên sở chỉ huy trung đoàn “Mục tiêu quan sát tốt!…”
- Sao Hôm-Ba Lòng, Sao Hôm-Ba Lòng… Ba Lòng chú ý Ba Lòng chú ý, dòng sông xanh thắm…
- Sao Hôm nghe tốt… Sao Hôm nhận đủ…

10g45 tiểu đoàn chuẩn bị xong phần tử đầu tiên truyền xuống trận địa.

10g49 trung đoàn lệnh nạp đạn. Có đơn vị vẫn còn nghi ngờ nạp đạn thật hay tập. Chẳng là phương án chiến đấu rất giống như phương án tác chiến trước khi hành quân đi chiến đấu anh em đã diễn tập.

11g bão táp I bắt đầu. Toàn cụm pháo trung đoàn tiến hành bắn vào Z26, căn cứ trung đoàn bộ binh 56 ở điểm cao 241. Một vài khẩu ở trận địa đại đội 5, đại đội 6 bị vướng xạ giới, anh em đã tranh thủ khi khẩu đội bạn nổ súng, cho nổ bộc phá ngả cây để kịp thời tham gia chiến đấu. Địch ở Mai Lộc thấy 241 bị pháo kích đứng lố nhố xem.

11g24 đạn bắt đầu giót xuống Z39, căn cứ của lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 đóng ở Mai Lộc. Bọn cọp biển chạy tán loạn.

Lúc này bộ binh mới tìm thấy đài chỉ huy của tiểu đoàn và mắc dây tới. Thấy đài quan sát của pháo rất gần mục tiêu, quan sát tốt và tạo được yếu tố bất ngờ, bộ binh cũng chuyển đài chỉ huy của bạn kế bên.

Lệnh truyền từ đài chỉ huy, qua sở chỉ huy tiểu đoàn, xuống các trận địa pháo. Tiếng khẩu lệnh, tiếng chuông reo, tiếng ma níp truyền tin vang lên ở các đầu mối thông tin liên lạc, trạm giữa, trạm vô tuyến trung gian. Chiến sỹ tụm lại yên lặng lắng nghe diễn biến của trận đánh.

11g30. Đồng loạt các trận địa pháo tầm xa nhả đạn. Những tiếng nổ cộng hưởng nối nhau, chen nhau dậy đất rền trời. Những bụm khói trắng nở như hoa trên tầm cây. Toàn cụm pháo của trung đoàn bắn tập trung vào cứ điểm 241, Mai Lộc và các trận địa pháo địch.  Đây là lần đầu tiên pháo binh Việt Nam bắn tập trung hỏa lực toàn cụm với số đạn lớn của hơn hai mươi khẩu pháo 130mm và 122mm.

13g và 17g25 trung đoàn điều đại đội 5 sang bắn cứ điểm 241 thay cho đại đội 7 gặp khó khăn.
Xe tăng bộ binh tiếp cận mục tiêu. Các chiến sỹ cao xạ lia nòng pháo dõi theo bốn phương tám hướng. Những đoàn xe chở đạn lao nhanh trên đường. Dân công tới tấp chuyển đạn vào trận địa.

Những nấm khói đen vàng ở trại lính địch bung lên. Những tiếng rít, tiếng nổ đan nhau. Bọn lính ngụy nháo nhào chạy từ hầm nọ sang hầm kia, núp dưới xe tăng, chui sâu xuống hầm ngầm, chạy tháo thân ra ngoài cứ điểm. Cột rada gãy quẹo, pháo binh câm họng. Pháo thủ lùi ra xa những đống đạn. Chúng lò dò bê được vài viên đem ra rê nòng pháo bắn uỳnh oàng được vài phát vu vơ vào những cánh rừng mênh mông rồi lại chạy tụt vào hầm.

Các đợt hoả lực liên tiếp trút xuống Mai Lộc, 241 lúc dồn dập mãnh liệt, lúc thưa thớt kéo dài. Nhiều khẩu pháo gục nòng, Hàng chục xe hơi chết gí. Cái cháy, cái vỡ máy, cái xịt lốp. Những ngọn lửa của thuốc pháo cháy sáng xanh. Những phi dầu mỡ và những chiếc lốp xe trúng đạn ngọn lửa cháy đỏ xịt, khói đen xì.

31/3/72

7g37 và 8g52 đại đội 5 tập kích hỏa lực vào cứ điểm 241.

9g15 đại đội 5 và đại đội 6 cấp tập đợt một vào căn cứ Mai Lộc. Tiếp theo đợt cấp tập là từng khẩu bắn phá hoại. Đạn trúng khu trung tâm thông tin, ra đa bị gục.. Một kho đạn bị cháy. Nhiều tiếng nổ to. Đạn pháo hiệu trong kho nổ. Khói màu: xanh, đỏ, vàng bung lên như pháo hoa bao trùm căn cứ. Cảnh chiến trận thật là hoành tráng.

11g trung đoàn thông báo ở 65G có một tiểu đoàn bộ binh và xe tăng địch, lệnh: “phát hiện được cho bắn ngay”, nhưng đài quan sát tiểu đoàn không thấy. Nhận định của tôi đó là một số lính lẻ tẻ chạy từ 365 về khi thấy Mai Lộc bị uy hiếp.

11g25 khẩu 2 đại đội 6 bắn kiềm chế pháo địch ở đoạn 204, gần hết đạn liều nguyên, trung đoàn điều đại đội 5 kiềm thay. Khẩu đội 3, khẩu đội 4 đại đội 5 bắn cháy trận địa pháo 105mm, 155mm của địch, có hai khẩu bị hỏng, một khẩu gục nòng đài quan sát thấy rõ.

15g36. Dưới trận địa phải dùng hai xe gát chở đạn pháo ban ngày. Trung đoàn cho thêm một xe xích chở đạn. Chỉ trong hai ngày đầu, riêng tiểu đoàn hai đã bắn ngót một ngàn viên đạn.

1/4/72

9g một tiểu đoàn địch phản kích ra nam Mai Lộc tiến về phía chân đài chỉ huy. Đài tiểu đoàn gọi khẩu đội 2 đại đội 6 bắn tan tác một đại đội ở khu bãi mít. Hai đại đội ở phía trước bị tiểu đoàn 6 bộ binh đánh bỏ chạy. Tôi điều ngay khẩu đội 2, khẩu đội 4 đại đội 6 bắn vào bọn địch rút chạy. Đạn trúng đội hình. Anh em bộ binh tấm tắc khen pháo tầm xa 130mm mà giót trúng như cối 120mm. Tiểu đoàn địch ra phản kích vội tháo chạy ra hai hướng.

11g30 đại đội 5 bắn căn cứ lữ 147 Mai Lộc. Đạn trúng mục tiêu rất đẹp. Một phát trúng giữa trận địa pháo 105mm, một phát trúng sở chỉ huy lữ đoàn, một kho cháy.

12g40 tiếp tục bắn từng loạt. Hai loạt trúng mục tiêu.

12g42 một phát trúng. Mục tiêu bốc cháy.

14g30 trúng đội hình hành quân của địch từ Quận Trung sang Mai Lộc. Lúc này thấy cổng bên trái căn cứ có khói vàng, phán đoán sắp có trực thăng hạ cánh, tôi hô bắn nhưng không kịp, máy bay đã thả được một khối hàng xuống thì đạn mới tới, nhưng rất hay là đạn trúng ngay gần khối hàng địch vừa thả. Khối hàng bị vỡ tung tóe có cả bắp cải lăn ra đường.

Ít phút sau lại có khói vàng và một trực thăng quan tài bay CH 47 xuất hiện, tôi hô bắn kịp thời, máy bay vừa xà xuống thì đạn nổ, máy bay không dám hạ cánh vội thả một lô hàng rồi bay đi. Lô đạn rơi từ trên cao bị vỡ tan. Đợt thứ ba nghe tiếng trực thăng nhưng không thấy khói, tôi lệnh cho pháo bắn nhưng trực thăng không dám xuống và chuồn thẳng.

14g35 bắn bốn phát trúng cả bốn vào mục tiêu.

Kết quả bắn phá hoại kết hợp kiềm pháo địch không cho chúng phản pháo vào trận địa của ta, vào đội hình bộ binh ta đạt kết quả tốt. Có đợt 8 phát trúng vào khu mục tiêu cả 8. Có phát trúng nơi hiểm yếu của căn cứ gây được hiệu quả tiêu diệt. Đại đội 5 đánh chặn tiếp tế tốt. Đánh kiềm pháo dai dẳng cả ngày làm địch sống trong tình trạng căng thẳng, không có điều kiện tổ chức phản kích, tinh thần mau sa sút. Ngày thứ ba cả chiến sỹ vô tuyến điện, và trinh sát viên, cũng biết sửa bắn.

Tôi đề nghị trung đoàn khen thưởng cho khẩu đội 2, khẩu đội 4, đại đội 6.

Đêm 1/4/72

Chỉ trong ngày đầu tiên toàn trung đoàn đã bắn hàng ngàn viên đại bác 122mm và 130mm, có trọng lượng tới bảy tám mươi tấn (Mỗi viên kể cả hòm và ống phóng nặng khoảng tám mươi kilôgam). Nghĩa là sau một ngày bắn thì ngay đêm đã phải có ba mươi chuyến xe vận tải tiếp đạn cho các trận địa.

Trời vẫn mưa sập sùi, đường trơn như đổ mỡ, có trận địa phải dùng xe xích vận chuyển đạn vào công sự. Lưu Hữu Đặng chỉ huy đoàn xe vận tải kịp thời tiếp đạn. Lương Minh Nghĩa đem xe xích đi hộ tống xe vận tải đạn vượt qua những đoạn đường trơn.

Nửa đêm xe đạn tới trận địa, không chỉ pháo thủ mà cả thông tin, anh nuôi lái xe và dân công ra bốc đạn.

2/4/72

Trời vẫn mây mù. Gần trưa trời hửng nắng.

Đại đội 6 tiếp tục bắn vào khu bãi mít, tuyến phòng ngự vành ngoài của địch. Một chốt địch bị trúng đạn pháo, hàng chục tên chết nằm ở dọc đường.

Trung đoàn điều hỏa lực đại đội 5 sang cấp tập căn cứ 241 của trung đoàn 56 bộ binh địch, xong lại quay về bắn căn cứ Mai Lộc, lữ 147 lính thủy đánh bộ.

10g30 tôi chỉ huy cho đại đội 8 tiểu đoàn 3 bắn thử vào căn cứ Mai Lộc.

13g đồng chí chiến sỹ máy vô tuyến điện ở đài quan sát Sao Mai, đài tiền tiến của trung đoàn pháo binh Bông Lau do đồng chí Thông trung đoàn phó chỉ huy nhận được tín hiệu của lính thông tin Ngụy nói chỉ huy của trung đoàn 56 xin gặp chỉ huy cao nhất của Bông Lau. Chiến sỹ thông tin không dám báo cáo, sợ rằng mình quan hệ với địch vô nguyên tắc. Nhưng sỹ quan trung đoàn 56 tiếp tục gọi nhiều lần xin gặp, đồng chí Thông điện về sở chỉ huy báo cáo trung đoàn trưởng Cao Sơn. Đồng chí Cao Sơn ngay lập tức trao đổi với chính ủy Trương Linh Huyên và sau khi báo cáo sư trưởng Hoàng Đan, anh cầm máy nói chuyện trực tiếp với Phạm Văn Đính. Khi đó nhà báo quân đội Nguyễn Thắng có mặt ở sở chỉ huy đứng kề bên nghe được giọng nói Thừa Thiên của Phạm Văn Đính “Tôi, Phạm Văn Đính, trung tá, trung đoàn trưởng trung đoàn 56 cùng toàn thể sỹ quan thuộc bộ chỉ huy trung đoàn đã họp tại phòng làm việc của tôi, trên dưới bàn bạc quyết định không đề kháng nữa để ra với Quân giải phóng.”

Trung đoàn trưởng pháo binh Bông Lau Cao Sơn “Hoan nghênh các anh hạ súng đầu hàng tập thể. Pháo sẽ ngừng bắn… Sẽ có người tới dẫn đường cho các anh.”

13 giờ 9 phút ngày 2 tháng 4, từ đài quan sát Sao Mai, đồng chí Trần Thông trung đoàn phó báo về đã thấy cờ trắng trên điểm cao 241 và các binh sỹ trung đoàn 56 cầm cờ trắng đi ra phía Đầu Mầu theo quy định.

Ngay lúc đó trên bàu trời phía cao điểm 241 xuất hiện hai máy bay trực thăng. Anh Hoàng Đan yêu cầu pháo binh bắn, nhưng lúc này binh sỹ địch đang trên đường ra nơi tiếp nhận đầu hàng, nếu bắn thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng anh em. Sở chỉ huy lệnh cho cao xạ bắn, nhưng cao xạ của cả pháo binh và bộ binh lúc này chưa tiếp cận được căn cứ 241. Chính hai chiếc trực thăng đã lợi dụng tình huống khó xử đó để giải cứu hai cố vấn Mỹ.

Trung đoàn trưởng Cao Sơn lệnh cho trung úy Giáp cán bộ Quân lực của trung đoàn cùng trung úy Đạo chỉ huy đại đội 8, khẩu đội trưởng Tô Văn Thành và các chiến sỹ khẩu đội 4 đi trên chiếc xe ATC 55 do Lương Minh Nghĩa lái, tới tiếp nhận sự phản chiến đầu hàng của trung đoàn 56. Đi cùng trung úy Giáp có nhà báo Quân đội Nguyễn Thắng, có anh Đồng ở bộ phận tuyên huấn Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Gần tới nơi xe bị trúng mìn, anh Đồng và một vài chiến sỹ bị thương. Anh Thắng, anh Đạo và mọi người tiếp tục đi bộ tới gặp Phạm Văn Đính.

Trung úy Giáp một mặt cử người cùng nhà báo Nguyễn Thắng đưa trung tá Phạm Văn Đính và Trung tá Vĩnh Phong về tuyến sau, một mặt cùng Nghĩa Đen lái xe của ta, trung sỹ Hẩu lái xe của trung đoàn 56, một khẩu đội trưởng pháo vua chiến trường, một pháo thủ pháo 155mm… đưa pháo vua chiến trường và pháo 155mm ra khỏi căn cứ cất giấu tạm cách Đầu Mầu chừng 3 kilômét.

13g28 trong lúc bên căn cứ 241, Tân Lâm trung đoàn 56 đầu hàng thì đại đội 5, đại đội 6, đại đội 8 cấp tập mãnh liệt vào căn cứ lữ 147 Mai Lộc. Sở chỉ huy cháy lớn

14g56 đại đội 5, đại đội 6, đại đội 8, đại đội 9 lại cấp tập vào Mai Lộc, địch tháo chạy. Một xe tăng và khoảng hai trăm lính chạy tán loạn. Tôi điều đại đội 5, đại đội 6 bắn tiếp nhưng trung đoàn không cho, mặc dầu trong ngày trung đoàn trưởng Cao Sơn đã nhắc, nếu để địch tháo chạy đồng chí Hải phải chịu trách nhiệm. Sau tôi báo cáo rõ xin bắn theo yêu cầu của anh Phê phó tư lệnh sư đoàn 304 bộ binh. Khi anh Phê can thiệp được thì địch đã chạy thoát chỉ bắn đuổi được vài viên vì sợ vào khu dân.

18g đại đội 5, đại đội 6, đại đội 8, đại đội 9 do trung đoàn chỉ huy đã cho lệnh nạp đạn, mặc dù lúc 14g bộ binh đã tiếp cận căn cứ Mai Lộc. Đồng chí Thịnh trợ lý trinh sát phát hiện bộ binh đã tiếp cận, tôi vội báo cáo trung đoàn xin tạm ngừng. Nếu bắn chắc chắn sẽ có một số đạn tản mác rơi vào đội hình bộ binh ta.

19g bộ binh của sư đoàn 304 vào căn cứ Mai Lộc, địch chỉ còn một số tên bị thương ở lại. Bộ binh triển khai sang đánh Quận Trung.

20g40 đại đội 5, đại đội 6, đại đội 7, đại đội 8 bắn nốt viên đạn đã nạp sẵn trong nòng vào Quận Trung. Đạn trúng một lô cốt, giết một quận phó và sập nhà ấp trưởng.

3/4/72

8g sáng đã nhìn thấy rõ cờ Giải phóng ta cắm ở Quận Trung. Cùa đã được giải phóng. Đồng bào sơ tán đã kéo về.

Thế là toàn bộ trung đoàn 56 bộ binh nguỵ, lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 cọp biển với căn cứ hoả lực và căn cứ hành quân 241 và Mai Lộc, trong hệ thống cứ điểm phòng ngự vành đai thép mà đich thường ví với chiến lũy Verdun, chiến lũy Maginot (Pháp) đã bị tiêu diệt. Giai đoạn bóc vỏ chiến dịch đã thắng lợi ngoài sức tưởng tượng.

Xe tăng bộ binh từ các ngả kéo vào.
Các o du kích dẫn tù hàng binh về tuyến sau. Đủ các loại: lính pháo, lính xe tăng, bộ binh, lính thuỷ đánh bộ. Đứa đeo phù hiệu hình ó đen quắp lấy quả địa cầu, đứa đeo đầu voi trắng, đứa đeo hình cá sấu có chữ Bến Hải. Đứa nào đứa nấy đầu tóc rậm rạp, da đen cháy. Đứa mang băng trên người. Đứa mặc quần áo vải xanh cứt ngựa, túi bắt gà. Đứa cởi trần ngực xăm đầy hình đàn bà khoả thân. Đứa chỉ mặc độc một quần xà lỏn bục ống. Một số lính cùng trung sỹ Hẩu hàng binh giúp các lái xe của ta kéo các khẩu pháo vua chiến trường 175mm, pháo 155mm, pháo 105mmm chiến lợi phẩm về tuyến sau.

Chỉ từ 30 tháng 3 đến 2 tháng 4, riêng tiểu đoàn 2 đã bắn tới 1830 viên đạn đại bác 130mm. Ngày 2 tháng 4 là ngày tiểu đoàn bắn với số đạn nhiều nhất: 695 trái. Kỷ lục thuộc về hai khẩu đội của đại đội 6. Khẩu đội 2 trong ngày 2 tháng 4 bắn tới 152 viên, khẩu đội 3 trong ngày 2 tháng 4 bắn tới 153 viên. Pháo thủ Tưởng được anh em gọi là pháo thủ một cơ số. Anh đã nạp hẳn một cơ số đạn bắn trong một ngày, với trọng lượng khoảng chín mười tấn.
Logged

qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #582 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2012, 11:16:55 am »

Mod quangcan trích ở cụ Quý Hải à. Cuốn "Mùa hè cháy" đó chi tiết lắm, đủ cả vinh quang và gian khổ cả thắng lợi và thất bại, đủ cả bi hùng. Theo lời cụ thì d2 là d pháo 130 duy nhất của Bông Lau. Mà chưa thấy ai số hóa đưa lên box "Tài liệu hồi ký Việt Nam". Trong lời tựa, cụ dẫn lời cựu trưởng ban quân lực  e38 là thương vong trong cả chiến dịch lên đến 40% chứ chẳng ít đâu. Khẩu pháo 130 đối phương lấy được mang về triển lãm cũng là của Bông Lau. Chắc cũng vì chuyện này mà cụ sang ngạch văn hóa-văn nghệ.
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #583 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 10:29:21 am »

Mod quangcan trích ở cụ Quý Hải à. Cuốn "Mùa hè cháy" đó chi tiết lắm, đủ cả vinh quang và gian khổ cả thắng lợi và thất bại, đủ cả bi hùng. Theo lời cụ thì d2 là d pháo 130 duy nhất của Bông Lau. Mà chưa thấy ai số hóa đưa lên box "Tài liệu hồi ký Việt Nam". Trong lời tựa, cụ dẫn lời cựu trưởng ban quân lực  e38 là thương vong trong cả chiến dịch lên đến 40% chứ chẳng ít đâu. Khẩu pháo 130 đối phương lấy được mang về triển lãm cũng là của Bông Lau. Chắc cũng vì chuyện này mà cụ sang ngạch văn hóa-văn nghệ.

Vâng, đúng đấy bác.  Grin
Mà em thấy các cụ Tổng nhà mình tuy rằng phân công rất rõ ràng nhưng các cụ F lại rất gấu, rất nhạy nhé:
- 320A 1968 rõ ràng là đi cánh thứ yếu, chặn viện đường 9 lên Khe Sanh thế mà cụ Sùng Lãm "nổi điên" cho các bác "luồn sâu đánh hiểm" thọc thẳng vào cổ họng Đông Hà - đường 1 làng Sòng.
- 320A 1972 cũng rứa với trận Bích La Đông
- 304 1972 của cụ Hoàng Đan cũng đi cánh thứ yếu (cánh tây) như sư đoàn 320A ở cánh đông; vậy mà cụ chơi tuốt luốt - chấp luôn,  Grin.
Thế mới biết nghệ thuật : "kỳ binh"   Grin
Logged

vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #584 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2012, 03:04:01 pm »

sưu tầm được mấy ảnh ko biết có phải là  trong số này ko?

G.   Các thông tin khác

1.   Thiệt hại của Đại đội 1 tại Làng Coi (Gần Làng Sen)

Lúc 5h00 ngày 2/3/1972, đại đội trúng B52, gây ra hư hại cho 3 xe tăng:
*   Xe tăng số 383, lái xe Đức, trúng vào pháo, không quay được
*   Xe số 385, lái xe Thanh, bị cháy, Thanh bị bỏng toàn thân
*   Xe số 334, lái xe Lưu, bị thủng thùng dầu.

H.   Nhận xét của VNCH

*   E203 không tham gia hoạt động trên chiến trường giới tuyến trong những ngày đầu của chiến dịch (30/3 – 6/4) Trận chiến đấu đầu tiên của E203 diễn ra ngày 9/4/1972 tại căn cứ Phượng Hoàng, nơi thu được tài liệu. Nó chúng minh tăng số 340 và 2 xe T54 khác đã bị bắt và triển lãm cho dân chúng xem là của Đại đội thiết giáp 1, Tiểu đoàn 397, bao gồm xe do Phùng Văn Thanh lái.







Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #585 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2012, 04:25:17 pm »

1 số ảnh  mới sưu tầm được:
trận thị xã AN LỘC - 1972



cái này nghi là dàn xếp để tuyên truyền vì ko thấy dấu hiệu  xe đang vận hành tác chiến.
nhìn rõ khẩu M72 .


SD 5  trung đoàn 7 bộ binh - VNCH tịch thu được ở  AN LỘC?











« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tám, 2012, 04:33:20 pm gửi bởi vietkieu_cuuquocquan » Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #586 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2012, 04:35:35 pm »

Bối cảnh trước trận đánh
 
Tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị Đảng lao động Việt Nam ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược 1972 trên các hướng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị Thiên (chiến dịch Trị Thiên), trong đó Đông Nam Bộ là hướng tiến công chính nhằm tiêu diệt 1 lực lương quân sự lớn và mở rộng vùng chiếm được. Chủ trương ở Đông Nam Bộ là đánh gục Quân đoàn III và lực lượng tổng trù bị của VNCH.
 
Cuối tháng 2, khi quá trình chuẩn bị đã hoàn tất, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ với lực lượng hùng hậu tương đương cấp Quân đoàn. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có:
 Trần Văn Trà-Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ
 Đồng Văn Cống-Phó Tư lệnh
 Trần Văn Phác-Phó Chính uỷ
 Lê Ngọc Hiền-Tham mưu trưởng
 Bùi Phùng-Chủ nhiệm hậu cần
 
Thường trực tại Bộ chỉ huy còn có:Hoàng Văn Thái, Phạm Hùng, Trần Độ và Hoàng Cầm[7].
 
Trực tiếp chỉ huy các đơn vị chiến đấu tại trận An Lộc có sư đoàn trưởng sư đoàn 9 Bùi Thanh Vân và sư đoàn trưởng sư đoàn 7 Nguyễn Thới Bưng.
 
Lực lượng tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng, gồm 3 Sư đoàn 5, 7, 9; 3 Trung đoàn bộ binh 24, 271, 205[8]; Trung đoàn đặc công 429; 2 Trung đoàn 28 và 42 Pháo binh Miền; 2 tiểu đoàn Tăng thiết giáp 20 và 21 và Đại đội 33 độc lập; Đại đội 52 Cao xạ tự hành; 4 tiểu đoàn pháo phòng không; 20 tiểu đoàn và 63 đại đội bộ đội địa phương. Quân số lên tới 40.000 quân tham dự chiến dịch này.
 
Lúc 1 giờ sáng ngày 1 tháng 4, Đoàn C30B quân Giải Phóng gồm Trung đoàn 24 và 271, phối thuộc Đại đội xe tăng 33 tấn công cứ điểm Sa Mát, do Chiến đoàn 49 QLVNCH trấn giữ, với mục đích nghi binh. Tuy bị bất ngờ, nhưng lực lượng đồn trú cũng đã trống trả mãnh liệt, dùng M-72 bắn hỏng 3 xe tăng, trước khi rút lui khỏi cứ điểm.
 
Rạng sáng ngày 5 tháng 4, 1972, vào lúc bình minh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm: "Phải chiếm An Lộc trước ngày 20 tháng 4, 1972, nghĩa là phải đè nặng áp lực tối đa lên một vùng hơn 100 km nằm về phía Bắc Sài Gòn, để cầm chân một số lớn lực lượng nòng cốt của địch tại đây."
 
Ngày 5 tháng 4 năm 1972, quân Giải Phóng sử dụng lực lượng của Sư 5, tăng cường Trung đoàn 3 Bộ binh (Sư đoàn 9), Trung đoàn pháo binh 28 và 2 đại đội xe tăng, do Thượng tá Bùi Thanh Vân [9], Sư trưởng sư 5, làm tư lệnh mặt trận, tấn công mạnh vào Lộc Ninh, một quận nằm về phía Bắc của An Lộc.
 
Trong trận đánh tại Lộc Ninh, Quân giải phóng giao chiến với lực lượng phòng thủ của Chiến đoàn 9 QLVBCH gồm Trung đoàn 9 Bộ Binh và 30 chiến xa của Thiết đoàn 5, phối thuộc thêm các đơn vị Biệt động quân Biên phòng, Địa Phương Quân và Nghĩa quân ở Lộc Ninh. Do trận đánh kéo dàimà chưa chiếm được ưu thế quân tấn công lui trở ra, để rồi pháo kích ào ạt vào các ổ kháng cự của quân trú phòng.
 
Lúc 15 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1972, một đơn vị trinh sát của Trung đoàn đặc công 429 QGP bất ngờ tấn công phá hủy sân bay Quản Lợi, thăm dò từ phía bắc, đồng thời nhằm chặn đường tiếp viện cho Lộc Ninh, cắt đứt tuyến tiếp viện bằng đường không của thị xã An Lộc. Đoạn đường từ An Lộc đi Lộc Ninh bị gián đoạn hoàn toàn, chỉ có thể liên lạc bằng điện thoại. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, tư lệnh Chiến đoàn 9 QLVNCH điều 2 tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp 1 đang phòng ngự căn cứ Hoa Lư (tiền đồn ở Bắc Lộc Ninh) về ứng cứu như bị rơi vào đúng trận địa phục kích của sư đoàn 5 QGP. Bộ tư lệnh B2 QGP tăng cuờng cho hướng này trung đoàn pháo hỗn hợp 40 (gồm pháo, cối và hỏa tiễn H12), 2 đại đội xe tăng hỗn hợp (PT-76 và T-54). Sư đoàn 5 tiếp tục công kích, bắn cháy bắn hỏng 18 xe tăng, 31 xe M-113 và 8 máy bay trực thăng UH-1 của QLVNCH.
 
Lúc 5 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4 năm 1972, quân Giải Phóng mở đợt tấn công tổng lực vào chi khu Lộc Ninh. Sau 3 ngày bị tấn công và bị cắt đứt tiếp viện, quân trú phòng được lệnh di chuyển dần dần về phía Nam để lùi về An Lộc. Toàn bộ 30 chiến xa của Việt Nam Cộng Hòa, một số bị phá hủy, một số đành bỏ lại. Đến 14 giờ, Quân Cộng Sản mới chiếm lĩnh hoàn toàn chi khu Lộc Ninh. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 9 bị bắt sống. Ngày 8 tháng 4 năm 1972, Lộc Ninh hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của QGP Chỉ trong vòng 3 ngày giao tranh, phía Việt Nam Cộng Hòa đã có 600 binh sĩ chết. Chiến đoàn 9 QLVNCH bị thiệt hại nặng và tan rã, đại tá Nguyễn Công Vĩnh và trung tá Nguyễn Đức Dương, chỉ huy thiết đoàn 1 đầu hàng. Hơn 100 xe thiết giáp chỉ còn hơn 30 chiếc thoát được về An Lộc
 
Sau khi chiếm được Lộc Ninh, Sư đoàn 5 QGP tiếp tục hành quân tiến theo Quốc lộ 13 xuống phía Nam, uy hiếp mặt Bắc An Lộc. Sư đoàn 7 xuất phát từ vùng biên giới Campuchia, đi vòng qua An Lộc, tiến xuống phong tỏa Quốc lộ 13 ở phía Nam An Lộc, tức là con đường bộ duy nhất tiếp tế cho thị trấn này, đồng thời uy hiếp các căn cứ Katum, Bổ Túc, Tống Lê Chân, Thiện Ngôn, phối hợp với Đoàn C30B để cầm chân Sư đoàn 25 Bộ binh VNCH tại Tây Ninh, ngăn cản không cho tiếp viện An Lộc. quân phòng thủ hạ quyết tâm: "Dựng bức tường thép trên Quốc lộ 13, không để 1 chiếc xe, 1 tên địch nào vượt qua trận địa". Sư đoàn 9 là lực lượng chủ lực tấn công An Lộc, cũng xuất phát từ vùng biên giới Campuchia, tiến xuống và tấn công An Lộc từ phía Tây.
 
Cùng lúc đó, trước áp lực mỗi ngày một mạnh của Quân Giải phóng, để tránh bị bao vây tiêu diệt, Chiến đoàn 52 VNCH phải rút bỏ cứ điểm Cần Lê, lui về phòng thủ mạn Bắc An Lộc. Chiến đoàn 8 cũng được tăng cường phòng thủ ở hướng Tây Bắc An Lộc, án ngữ điểm cao núi Đồng Long, cùng phối hợp chống đỡ hướng tấn công chính của quân QGP. Liên đoàn 3 Biệt động quân phòng thủ phía Đông, án ngữ điển cao Núi Gió. Chiến đoàn 7 phòng thủ hướng Tây Nam, đề phòng tập hậu, đồng thời sẽ tập kích khi có điều kiện để mở thông tuyến tiếp viện từ phía Nam.
 
Tại tuyến phòng thủ An Lộc, quân trú phòng rơi vào thế bất lợi khi toàn bộ 24 khẩu đại bác 105mm của Tiểu đoàn 52 Pháo binh VNCH đã bị quân Giải phóng pháo kích phá hủy gần hết, chỉ còn lại một khẩu duy nhất may mắn "còn sống sót". Ngoài ra, một pháo đội 6 khẩu của quân Nhảy dù được trực thăng vận xuống Đồi Gió, về phía Đông An Lộc, mấy ngày sau cũng bị quân Giải phóng triệt tiêu luôn
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #587 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2012, 04:36:54 pm »

Diễn biến trận đánh
 
Trước sức ép gia tăng của quân Giải phóng vào thị xã An Lộc, Tổng tham mưu trưởng và Tư lệnh Quân đoàn III VNCH đã điều động binh lực tiếp viện cho An Lộc. Toàn bộ Lữ đoàn 1 Nhảy dù VNCH, gồm ba tiểu đoàn 5, 6 và 8 được gởi đến tăng viện. Toàn bộ Sư đoàn 21 Bộ binh cùng với Trung đoàn 15 của Sư đoàn 9 Bộ binh từ vùng miền Tây sông Cửu Long cũng được trực thăng bốc lên Lai Khê.
 
Tuy nhiên, kể từ đây, quãng đường Chơn Thành đi Lộc Ninh đã bị tắc nghẽn. Các đơn vị tăng viện của Việt Nam Cộng Hòa cố tiến từng bước một để đến gần đơn vị bạn An Lộc, nhưng mỗi bước tiến đều liên tục bị các ổ phục kích ven đường đánh trả quyết liệt, thương vong rất lớn. Tiến lên không nổi, phải quay trở lại, để rồi tìm cách tiến lên. Gần trọn các binh sĩ của Sư đoàn 7 QGP đã dồn nỗ lực chính vào tuyến phục kích dài 26 km từ Chơn Thành đến An Lộc. Suốt quãng đường này, nơi nào cũng có thể là mục tiêu của pháo binh giải phóng. Họ rải quân dài dài dọc theo quốc lộ để sẵn sàng chỉ điểm tọa độ cho pháo binh bắn từ xa tới.
 
Cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt. Dần dần, lực lượng bên trong An Lộc đã có thể khởi lại thế công, dù phải hết sức chật vật. Do phải chuyển quân đi chặn lực lượng giải vây nên lực lượng bao vây bị phân tán, quân VNCH phòng thủ ở An Lộc thừa cơ phản kích, mở rộng vòng vây. Vòng bán kính bao vây thị trấn chỉ chừng 500 mét nhưng tới ngày 11 tháng 4/1972, vòng đai kiểm soát được nới rộng thêm hơn 3 km đường bán kính.
 
Bên ngoài, Lữ Ðoàn dù 1 QLVNCH vượt khỏi Chơn Thành được 7 km về hướng Bắc, sau khi giải tỏa áp lực từ Lai Khê đến Chơn Thành. Sau một trận đụng độ ác liệt với QGP tại vùng này, Lữ Ðoàn 1 Dù thiệt hại nặng phải giao lại trách nhiệm cho các đơn vị của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh giữ an ninh trục lộ, những đoạn đường đã được giải tỏa.
 
Riêng trong ngày 11 tháng 4, 27 pháo đài bay B-52 đã trút gần 800 tấn bom xuống các vị trí đối phương. Có lẽ nhờ thế, buổi chiều hôm đó, mức độ pháo kích đã giảm sút nhiều.
 
Sư Ðoàn 21 Bộ Binh VNCH được tăng phái Trung Ðoàn 15 thuộc Sư Ðoàn 9 và một tiểu đoàn Nhảy Dù, lãnh nhiệm vụ khai thông Quốc Lộ 13. Nhưng mãi 2 tháng sau đến ngày 8 tháng 6 mới hoàn thành nổi.
 
Ngày 12 tháng 4/1972, Bộ Tư Lệnh quâm Giải phóng ra khẩu lệnh cho chiến sĩ của họ: "Cán bộ và binh sĩ phải tấn công trên khắp mặt trận. Chắc chắn quân ta sẽ thắng." Ngay ngày hôm sau 13 tháng 4, xe tăng của họ bắt đầu tiến vào thị xã An Lộc.
 
Mở màn cho trận đánh khốc liệt đầu tiên bằng chiến xa này, hồi rạng sáng, bộ đội từ mạn Bắc thành phố tiến chiếm đồi Đồng Long và chiếm phi trường Quản Lộc[10]. Lúc ấy, toàn thể kho nhiên liệu, đạn dược gần sân bay bị pháo kích phát hỏa bốc cháy dữ dội. Hàng ngàn quả pháo bắn vào An Lộc dọn đường. Sau đó, đoàn chiến xa 15 chiếc nổ máy tiến vào.
 
Đoàn chiến xa tiến theo đường Ngô Quyền, sát cạnh Bộ Chỉ Huy của Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung Ðoàn Trưởng của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh VNCH.
 
Khi còn cách Bộ Chỉ Huy của Đại Tá Mạch Văn Trường 20 mét thì đoàn chiến xa bị khựng lại bởi một loạt đạn M-72 (vũ khí cá nhân dùng để chống xe tăng), xe tăng dẫn đầu bốc cháy, trườn tới mấy thước rồi ngừng hẳn. Các xe tăng còn lại cũng rơi vào ổ phục kích. Trong trận này, có 7 xe đã bị bắn cháy sát cạnh Bộ Chỉ Huy của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, 3 bởi M-72 và 4 bởi trực thăng vũ trang và AC-130. Ðoàn xe tăng lùi lại để rồi tìm đường khác tiến vào. Tiếng súng vang rền trong phân nửa phía Bắc thị xã An Lộc.
 
Trong lúc giao tranh ác liệt tiếp tục, Đại Tá Trương Hữu Đức, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 5 VNCH, đang ngồi trên trực thăng quan sát, bị trúng đạn pháo của bộ đội tử thương.
 
Trở lại An Lộc, sau 30 giờ ác chiến đẫm máu bằng đủ mọi hình thức, xáp lá cà, cận chiến bằng lựu đạn, súng dài, súng ngắn thi nhau nổ, trong phân nửa thị xã phía Bắc, hai bên đều bị thiệt hại nặng, và kiệt lực, cần phải nghỉ ngơi và chỉnh đốn lại. Bộ Tư lệnh Miền giao cho Sư đoàn 7 và Trung đoàn 209 chốt tại Tàu Ô trên đường 13, hạ quyết tâm không cho địch giải cứu An Lộc và bảo vệ 3 huyện mới giải phóng
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #588 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2012, 04:39:41 pm »

Cuộc tấn công An Lộc lần thứ 2
 
Ngày 14 tháng 4 năm 1972 An Lộc vẫn bị xiết chặt trong vòng vây chừng vài cây số vuông. Quân trú phòng không bung ra ngoài được để hoạt động. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân khu 2 muốn lập một đầu cầu mở cửa ra vào An Lộc, nới rộng tầm hoạt động của quân trú phòng. Mặt bắc, mặt tây, mặt nam đều bị bít kín, chỉ còn mặt đông nam, với những ngọn đồi thoai thoải. Tướng Minh trao nhiệm vụ này cho Chiến đoàn 15 dưới quyền Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.[11]
 
Cuộc họp mặt tại căn cứ Lai Khê giữa Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù, Trung tướng Nguyễn Văn Minh và Đại tá Lê Quang Lưỡng kết thúc mau chóng. Sau 5 vòng bay trực thăng quan sát, Đại lá Lưỡng chọn ấp Srok Ton Cui làm bãi đáp, nơi này nằm về phía Đông cách An Lộc 4 km.
 
Ngày 14 tháng 4 năm 1972, Tiểu đoàn 6 Dù được trực thăng vận xuống trước để dọn bãi đáp. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 8 cùng Bộ chỉ huy của Lữ đoàn 1 nhảy dù xuống theo. Sau đó Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù ở lại Ðồi Gió trấn giữ đoạn hậu (về sau bị quân giải phóng đánh tả tơi). Còn hai tiểu đoàn kia chia làm hai cánh quân song song tiến vào An Lộc nhưng gặp sự phản kích quyết liệt của quân giải phóng, 2 đơn vị này không tiến vào được An Lộc và cũng đứt liên lạc với nhau.
 
Sáng 15 tháng 4, quân giải phóng lại ồ ạt tấn công vào mặt bắc thị xã An Lộc. Một số xe tăng quân Giải phóng đã chọc thủng phòng tuyến phía Bắc, di chuyển xuống đến nửa phía nam thành phố, nhưng một số xe tăng cũng bị bắn cháy.
 
Rút kinh nghiệm lần trước, quân trú phòng tập trung bắn chiến xa, không phải chỉ bằng M-72 mà bằng cả súng phóng hỏa tiễn B-40 và B-41 tịch thu được của Giải phóng quân khi họ xâm nhập thành phố. Trong các cuộc giao tranh này, Giải phóng quân để lộ rõ một khuyết điểm trầm trọng trong kỹ thuật tác chiến trong thành phố: thiếu phối hợp giữa bộ binh và cơ giới. Quân trú phòng ẩn nấp trên các cao ốc, trong các hầm trú ẩn, tại bất cứ nơi nào kín đáo mà họ thuộc nằm lòng để chĩa tất cả họng súng đủ loại vào một mục tiêu quá lớn, và quá rõ ràng đang di chuyển trên đường phố, trong lúc đôi bên chỉ cách nhau trong vòng 10 mét thì quân trú phòng tấn công.
 
Do Giải phóng quân từ xa tới, không thông thạo đường xá, không biết rõ địa thế bằng những binh sĩ VNCH đang sinh sống tại An Lộc, do đó đã phát sinh thêm 1 số thiệt hại không đáng có.
 
Theo tài liệu từ phía quân giải phóng thì:
 
"Riêng Mặt trận Bình Long ta không dứt điểm được. Giữa tháng 4/1972 địch tập trung cố thủ với 5 Lữ đoàn, lực lương Không quân chi viện tăng gấp nhiều lần trong khi ta bị thương vong hao hụt, sức tiến công giảm sút. Rõ ràng thời cơ dứt điểm Bình Long không còn, ta chuyển sang bao vây cô lập."[12]
 
Ngày 9 tháng 4/1972 tại Quảng Trị, Tiểu Ðoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến dùng M-72 (súng phóng hỏa tiễn chống chiến xa, thuộc loại vũ khí cá nhân) đã hạ khá nhiều xe tăng của quân giải phóng. Chiến thắng đầu tay này được loan truyền mạnh mẽ trên hệ thống truyền thanh Quốc Gia.
 
Cũng trên làn sóng này, kỹ thuật bắn chiến xa cũng được phổ biến, hướng dẫn, giải thích tường tận. Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, hầu như mỗi người đều có một máy thu thanh bỏ túi dể nghe âm nhạc. Họ biết được hiệu quả của vũ khí chống chiến xa, và các cấp chỉ huy mặt trận cũng không bỏ lỡ cơ hội huấn luyện thêm ngay tại chỗ, như trường hợp của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, ngay sau trận tấn công bằng xe tăng đầu tiên của quân Giải phóng vào An Lộc.
 
Ngày 15 tháng 4/1972, Trung tướng Nguyễn Văn Minh dời Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 đến Lai Khê để trực tiếp chỉ huy mặt trận Bình Long. Một lực lượng với 20.000 binh sĩ gồm Nhảy Dù, Bộ Binh, Thiết Kỵ được huy động để giải tỏa Quốc Lộ 13.
 
Cuộc đổ quân của Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù bị thiệt hại nặng ở Đồi Gió. Tiểu Ðoàn 6 Dù và một pháo đội gồm 6 khẩu đại bác 105 ly bị bộ đội đánh tan nát vào lúc 17 giờ ngày 21 tháng 4/1972.
 
Lúc ấy, Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, đang hoạt động bên trong phòng tuyến địch, cũng được trực thăng bốc hết về An Lộc vào ngày 16 tháng 4/1972, để tiêu diệt các tổ đặc công của địch lọt được vào thị xã sau hai lần tấn công.
 
Lính Biệt Cách Nhảy Dù được huấn luyện để đơn độc chiến đấu, quen cách tác chiến, thói quen và vũ khí của quân Giải phóng, nên kỹ thuật tác chiến cá nhân của họ khá cao. Chính các binh sĩ Biệt Cách Dù đã tỉa các đặc công Giải phóng lẫn vào dân
 
Sau khi quân Nhảy Dù bắt tay được với quân trấn thủ, họ liền nới rộng vòng đai về phía Nam. Không lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ hoạt động mạnh. Pháo đài B-52 dội bom nhiều nơi chỉ cách An Lộc một cây số về phía Bắc, gây nhiều thiệt hại cho quân tấn công. Quân trú phòng cố nới rộng vòng đai phòng thủ, đồng thời di chuyển được chừng 2.000 dân chúng ra khỏi An Lộc để chạy về Chơn Thành.
 
"Trận tấn công Bình Long lần 2 của ta bất thành. Sau 4 ngày đột phá liên tục, 18 trên 25 xe tăng bị cháy hoặc bị hư hỏng nặng..."[13]
 
 Cuộc tấn công lần thứ 3
 
Ngày 18 tháng 4/1972, đợt tấn công thứ ba của bộ đội vào An Lộc bắt đầu. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, chỉ huy toàn bộ lực lượng trú phòng, đã cam kết: "Ngày nào tôi còn, An Lộc còn."
 
Thêm 1 số xe tăng quân Giải phóng bị hạ gần Bộ chỉ huy của Chuẩn Tướng Hưng. Pháo đài B-52 tiếp tục dội bom chung quanh. Không lực Việt Nam Cộng Hòa dồn dập yểm trợ và tiếp tế. Nhưng trước một hàng rào phòng không mạnh của quân giải phóng, từ đại liên 12.7 ly, các pháo phòng không 37 ly và 100 ly, hỏa tiễn tầm nhiệt vác vai SA-7 lố nhố trong rừng cao su bao vây An Lộc, không quân VNCH chịu nhiều tổn thất, nhưng cũng chỉ có thể tiếp tế "nhỏ giọt" cho chiến trường.
 
Phần lớn kiện hàng tiếp tế cho quân VNCH (thả lơ lửng bằng cánh dù) từ phi cơ thả xuống đều rơi tạt ra ngoài hàng rào phòng thủ và rơi vào tay bộ đội. Nguồn tiếp tế bị cản trở, Quốc Lộ 13 vẫn tắc nghẽn trong khi quân giải toả vẫn tiến lên 1 cách ì ạch trước sức chiến đấu dữ dội của các ổ đề kháng do các chiến sĩ Sư đoàn 7 quân Giải phóng đảm nhận
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #589 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2012, 04:42:21 pm »



Cuộc tấn công lần thứ 4

Nửa đêm về sáng ngày 21 tháng 4/1972, quân giải phóng pháo kích trên 2.000 trái đạn đủ loại vào những địa điểm trú phòng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, rồi đánh vào thị xã từ bốn nơi khác nhau. Bốn mũi tiến quân cùng khởi động từ ở mặt Ðông: tại 2 km về phía Đông Nam An Lộc, tại 3 km về phía Đông Nam, tại 1 km về phía Đông Nam, và tại 5 km cũng phía Đông Nam đều là những nơi có binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa trấn đóng. Tại mỗi địa điểm tấn công, họ sử dụng 5 hoặc 6 chiến xa cùng với một tiểu đoàn bộ đội đi theo hỗ trợ. Và lần này, đặc công Giải phóng bên trong thị xã bắt đầu hoạt động mạnh trở lại để ăn nhịp với các hoạt động bên ngoài.
 
Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp, các mũi này không khai diễn đồng loạt, mà lại cách quãng nhau. Mũi thứ nhất lúc 4 giờ sáng, và mũi sau cùng hồi 13 giờ chiều. Nhờ thế, quân trú phòng có thể yểm trợ cho nhau một phần hỏa lực còn lại, và nhất là hỏa lực của không quân.
 
Có đến 17 phi vụ B-52 để yểm trợ cho An Lộc trong ngày hôm ấy. Trong số đó có 3 "pass" yểm trợ cho Tiểu Ðoàn 6 Dù rút khỏi Đồi Gió, nằm 4 km về phía Đông An Lộc. Nhưng tiểu đoàn này gặp phải hỏa lực hùng hậu của địch gờm sẵn để tấn công mặt Ðông Nam An Lộc đúng vào ngày này nên bị đánh tan. Tiểu Ðoàn 6 Dù đã "tan hàng" hoàn toàn. Dù vậy, những đơn vị còn lại đều đẩy lui được các đợt tấn công của đối phương.
 
Trong lòng nửa phía Bắc thành phố An Lộc, cuộc giao tranh giữa Biệt Cách Dù và đặc công Giải phóng tiếp tục với mức độ ác liệt, tạo thành những mảng "da beo" trên phần đất này. Hàng trăm xác chết của cả hai bên, và của cả thường dân la liệt trong thành phố.
 
Đêm 22 rạng 23 tháng 4/1972, Bộ Tư lệnh Miền tung thêm 2 cánh quân, một đánh vào Tiểu Ðoàn 8 Dù ở cửa Nam An Lộc, và một cánh quân khác đánh vào Trung Ðoàn 15 của Sư đoàn 9 Bộ Binh trên Quốc Lộ 13. Cánh quân đánh Tiểu Ðoàn 8 Dù có 2 xe tăng T-54 và 2 chiếc BTR-60 (xe thiết giáp, sức nặng và hỏa lực đều nhẹ hơn xe tăng) yểm trợ. Lúc này, quân trú phòng đã có loại súng bắn chiến xa mới mang tên XM202 từ M-72 biến cải (do lính Dù đem theo lúc đổ bộ lên An Lộc), có thể bắn liên tiếp 4 phát, với sức nóng 3.600 độ Fahrenheit mỗi trái.
 
Do bất ngờ mà cả 4 chiếc xe tăng đều bị cháy rụi. Bộ đội tùng thiết mất tinh thần lại không được xe tăng yểm trợ nên bị đánh bật trở ra. Vị sĩ quan chỉ huy trưởng của Tiểu Ðoàn 8 Dù còn liên lạc và hướng dẫn phi cơ AC-130 (có gắn pháo 105 ly bắn theo sự hướng dẫn của radar) tiêu diệt luôn 4 xe tăng khác đang chạy về phía đóng quân của Trung Ðoàn 15 Bộ Binh VNCH.
 
Sau đợt tấn công lần thứ tư, quân Giải phóng thay đổi chiến thuật, tiếp tục pháo kích vào thành phố.
 
Trong khi đó, đoạn đường Quốc Lộ 13 giữa Chơn Thành và An Lộc vẫn tiếp tục đánh nhau ác liệt. Bên Việt Nam Cộng Hòa cố tiến lên. Quân Giải phóng cố sức giữ lại, nhiều binh sĩ của họ trong các hố chiến đấu cá nhân nằm rải rác dọc Quốc Lộ 13 để cản đường, và chỉ điểm cho pháo binh của họ từ xa bắn tới.
 





Ngày nào cũng có một số trực thăng VNCH bị rớt nhưng không có chiếc nào hạ cánh nổi xuống An Lộc. Các cuộc chuyển quân cấp đại đội của Nhảy Dù đều bị đánh bật. Về sau, họ phải di chuyển ở cấp tiểu đoàn.

Mãi đến ngày 8 tháng 5/1972, lực lượng giải tỏa Quốc Lộ 13 mới tiến thêm được 6 km nữa để chiếm làng Tàu Ô, nằm giữa Chơn Thành và An Lộc. Trận giao tranh đẫm máu kéo dài 3 ngày đã gây thiệt hại nặng cho cả đôi bên. Quân Giải phóng đã xây những hầm chiến đấu kiên cố sâu đến 6 mét dưới lòng đất khiến phi cơ không thể nào phá nổi. Quân giải tỏa phải đánh cận chiến, đánh bằng lựu đạn, và chiếm cứ từng hầm hố, từng địa đạo, từng căn nhà, từng thước đất một.
 
Lúc ấy, hai trung đoàn của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh VNCH tức tốc được trực thăng vận xuống phía Bắc của làng Tàu Ô để rồi đánh thốc xuống, trong khi đó một cánh quân khác từ phía Nam đánh lên. Trước khi chiếm làng này, lực lượng giải tỏa đã phải đối đầu với 4 tiểu đoàn Giải phóng và 2 tiểu đoàn pháo và đặc công tăng cường mạn Bắc làng Tàu Ô. Lực lượng giải tỏa của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cố lập một phòng tuyến tại đây, tạo một đầu cầu trên đường tiến vào An Lộc.
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM