Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Chín, 2023, 01:14:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên gốc me già  (Đọc 741 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 4971



« Trả lời #30 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2023, 09:30:21 am »

Chương 29

                                                                          

 1

 

Lại một mùa mưa dai dẳng trở về.

Những cơn mưa như ăn vạ đất trời khiến những con suối đã bao ngày khô kiệt cũng đầy ắp nước, còn đất khô như đá hóa thành bùn nhão nhoẹt.

Mấy ông già đem sách chữ Tàu ra coi cho biết năm nay tới kỳ người đằng âm đi lấy gỗ đá về âm phủ làm nhà nên mưa rất to, bão rất lớn. Năm Khải Định cửu niên, người đằng âm cũng tới kỳ đi lấy gỗ đá nhưng chuyển không kịp nên hòn đá to bằng con voi đến nay vẫn còn nằm ở đập Thầy Mười. Cũng năm Khải Định cửu niên tức năm 1924 ông già Đờn cũng chứng kiến cảnh người đằng âm đi lấy gỗ đá. Trong mưa gầm, gió hú người đằng âm hùa nhau lăn đá xuống suối lục cục lảng cảng, nhổ cây xào xào và gọi nhau í ới, cười nói vang cả rừng sâu. Đi như bay như lượn trong đất và trong nước, người âm lùa gỗ đá từ suối ra sông, ra biển. Đã là trời cho tất trời phải làm ra gió bão giúp họ hoàn tất công việc. Song người sống thì tủi khổ và lao lý. Mạng ông già Đờn rất lớn nên không bị người âm bắt mới sống đến bây giờ.

Sách xưa, chuyện xưa là vậy, còn nửa tháng nay gió mưa tầm tã, nước lũ cuốn gỗ đá trôi ra sông, ra đồng, ra biển là có thiệt.

Cách đây bốn hôm, mưa bão đến kinh người, cả Tám Nghiệp, Chín Phượng và Út Hân  đều nằm chiêm bao thấy Nhự, Đào và Năm Đồng về ngồi dưới gốc me. Quần áo Đào và Nhự khô ráo, còn quần áo Năm Đồng ướt sũng. Năm Đồng kêu to: “Nước xối vào nhà lạnh lắm!...” rồi cả ba người biến mất. Riêng Út Hân còn chiêm bao thấy Đào dẫn đến ổ gà có 9 trứng nằm trong bụi lách và nói: “Mày ăn nhớ để phần tao nghe Út”. Hoảng hồn Út Hân đem giấc chiêm bao kể cho Chín Phượng và Tám Nghiệp nghe. Chiêm bao xuất hiện cùng vào lúc nửa đêm lại giống nhau nên cả ba chị em cùng sợ và dẫn nhau đi tìm bụi lách mà Út Hân thấy trong chiêm bao. Quả nhiên cả ba chị em tới bụi lách thì tìm được ổ gà rừng có 9 trứng.

Câu chuyện nhanh chóng lan truyền và tất nhiên Út Hân, thằng Tràng, thằng Bông đêm nằm phải mắc võng xít vào nhau cho đỡ sợ ma. Bán tín bán nghi, Mai và Hai Trúc đi thăm mộ Năm Đồng, quả nhiên có dòng nước chảy xối vào đầu mộ. Lật đật Mai huy động tất cả các lực lượng tại căn cứ đi đắp mộ liệt sĩ.

Đắp mộ xong, Chín Phượng và Tám Nghiệp đem cơm và trứng gà rừng ra cúng. Đứng trước mộ Đào, Nhự, Năm Đồng và Thịnh, Tám Nghiệp chắp tay xuýt xoa thành kính khấn:

Trăm lạy, ngàn lạy vong hồn các anh, các chị! Xã mình công tác lu bu, cái đầu bọn em tối mù, các anh chị linh thiêng hiện về nhắc nhở. Cả xã biết lỗi nên cùng nhau đi đắp mộ, âm sao dương vậy, tỷ như làm cách mạng có sai thì sửa, tình đồng chí xin hỉ xả cho nhau.

Bữa nay có chén cơm, quả trứng mong các anh chị nhận và phù hộ cho mọi người bình an. Nhớ đỡ dùm bom đạn cho bọn em, xã mình công tác lu bù nếu quên xin hiện về nhắc nhở !.                                                            

Linh hồn các liệt sĩ bất tử! Nam mô a di đà phật!


Tám Ngiệp vừa khấn xong, Mai phì cười:

-Cúng vái mà cứ lu bu với lù bù, đã hô khẩu hiệu lại niện chú phật nữa, nghe cô mày khấn chắc các ông, các bà đó cười bể bụng mà chết một lần nữa cho coi.

Đứng ngẩn người sực nhớ lại những lời khấn của mình, Tám Nghiệp cũng phì cười:

-Bà quỷ, nghĩ sao khấn vậy nào ai biết khấn bao giờ.

Trở về nhà Mai được tin Lâm học ngoài khu xong, đã trở về hậu cứ sản xuất của xã và nhắn Mai lên hậu cứ gặp gấp để Lâm còn về đơn vị nhận công tác. Vậy là Mai vội vã sắp xếp công việc, đồ đạc đi gặp chồng.

Đêm nay mưa vẫn sầm sập đổ xuống, cái lạnh hun hút của gió mùa đông bắc khiến Mai nằm co trên võng. Lấy đèn pin soi vào chiếc gùi như một kiện hàng, bất giác Mai mỉm cười tưởng tượng sáng mai mình sẽ như con lạc đà thồ hàng, khom lưng leo dốc. Chợt thức giấc thấy Mai chưa ngủ, Chín Phượng tò mò hỏi:

-Chị làm gì vậy? Sao chưa đi ngủ?

-Có lẽ đêm nay bé Trung mong má nên chị không ngủ được.

-I...hí... Nó biết gì, nôn nóng gặp chồng thì có, còn đặt chuyện con nó nhớ không ngủ được. Đi thăm chồng mà lọ mọ như chị em ớn đến tận gáy, hết muốn lấy chồng.

-Cầu cho em lấy chồng, có con như chị để thấy thế nào là lọ mọ. Có con mà ôm nhau ngủ, nó tè lên đầu cả vợ lẫn chồng tha hồ mà ngửi nước hoa của trẻ con. Lúc đó ngồi đấy sai chồng nó giúp cho.

Phượng khúc khích cười:

-Em mà lấy chồng bắt chồng làm hết, đâu phải như chị: Rung rinh nước chảy qua đèo, trèo non lụm cụm cõng heo thăm chồng.

Ánh mắt tinh nghịch lóe lên, Mai chậm rãi nói:

-Ừ, tướng cô mày chồng chiều chứ không như chị đâu.

-Điều đó là đương nhiên.

-Vậy cô mày bắt chồng cõng đi tè suốt ngày nó cũng phải cõng hả?

-Bà quỷ, ỷ có chồng ăn nói lỳ một cây.

Mai vẫn tỉnh bơ:

-Cái mông niêng niểng, chè bè thằng chồng nào chẳng muốn ôm vỗ đồm độp suốt ngày phải không em?

Nhảy khỏi võng, đấm vào lưng Mai thùm thụp, Phượng kêu lên:

-Khiếp, bà quỷ...bà quỷ...Trời cũng sợ.

- Nói cho tởn da gà để lần sau đừng chọc chị nữa nghe em.

Trèo lên võng, Chín Phượng  giục Mai.

-Đừng giỡn nữa, tranh thủ ngủ lấy sức để ngày mai còn đi đường chị à.

Lên võng nằm, chỉ một lát Chín Phượng đã ngủ say, riêng Mai vẫn trằn trọc mong cho trời mau sáng.

 

 



                                                                      
2

 

 

Buổi sáng mưa và sương ướt đẫm cả cánh rừng và trời bỗng tạnh, Mai, Tám Nghiệp và Út Hân đi một lèo từ căn cứ xã Phụng tới chân dốc Lỗ Chài thì trời lại mưa. Gặp anh em bên Thị đội khiêng Ngân bị thương lên  viện Hồ Tây, cả hai đoàn cùng nhau vượt dốc. Vượt qua mười hai dốc vòng vèo, leo tiếp một cái dốc thẳng đứng tới đỉnh dốc Lỗ Chài cả đoàn mới nghỉ giải lao. Vặn lưng kêu răng rắc, Duy nhìn trời:

-Lão trời dở hơi, khi leo dốc thì mưa tối mặt tối mày, lúc giải lao thì lại tạnh mưa, mệt ơi là mệt.

Mai ôn tồn:

-Mùa này thời tiết thất thường biết đâu mà lường được.

Thủ điềm đạm:

-Mong trời tạnh đi đường cho đỡ vất vả.

Lấy gói thuốc rê ra vê một điếu to bằng ngón tay, Thủ lấy bật lửa mồi thuốc. Tiếng sè sè của cái bánh xe cùng ánh lửa chớp nháy liên tục mà lửa vẫn không cháy, khiến Thủ bực mình chửi to:

-Tiên sư mày, nếu ở nhà tao đã quăng mày xuống ao cho khuất mắt, đúng là cái cối xay đá.

-Mang tiếng thủ trưởng hậu cần mà không có nổi một cái máy lửa cho ra hồn, cho  em  xin điếu thuốc, em đảm bảo sửa thành máy lửa tốt cho anh xem.

-Không khiến.

Lôi cục bông trong ruột máy lửa, để cạnh bánh xe, rồi bật mạnh làm ánh lửa bùng lên, Thủ vội vàng mồi thuốc. Và rít liên tục mấy hơi rồi cho máy lửa vào túi nhìn Duy đắc ý:

-Có thế chứ, đời nào tớ chịu thua.

-Lạnh quá, anh cho em điếu thuốc hì... hì..

Cầm gói thuốc rê đưa cho Duy, Thủ hất hàm hỏi:

-Cũng biết xin thuốc hút hả, xin thuốc thì nhanh còn lúc thằng Ngân bị “pháo đĩ” bắn mày nằm ở đâu?

Duy cười cầu hòa:

-Chẳng qua pháo đĩ bắn trái qui luật, em hơi hoảng ngồi dưới hầm anh thông cảm.

 Vô tình Út Hân hăng hái xen vào chuyện:

-Buổi sáng làm gì có pháo  đĩ?

-Chú mày thì biết gì? Đã bảo pháo đĩpháo đĩ  hiểu chưa?

Út Hân vênh mặt:

-Sẩm tối bọn lính đưa mấy con điếm lên cứ điểm, làm le  bọn lính nạp đạn cho mấy con điếm giật cò, pháo nổ tầm bậy, tầm bạ nên mới gọi là pháo đĩ chứ.

Duy hỏi vặn:

-Ngày đêm ai cấm bọn lính đưa gái điếm vào cứ điểm, bọn gái điếm xin bắn lúc nào chẳng được? Đạn Mỹ chứ có phải của hồi môn của bọn lính đâu mà chúng nó tiếc.

Thủ bỗng cười vang:

-Con xin hai ông cụ non, chim mới bằng trái ớt mà cũng đòi giải thích pháo đĩ.

Mắc cỡ Tám Nghiệp la lên:

-Khiếp... Chú Thủ ăn nói quá tay.

Khoa tay Thủ nói oang oang:

-Này, tôi nói tục mà thanh đấy, xét về tuổi tác như cô Mai bất quá chỉ bằng tuổi con trai tôi là cùng.

Mai vui vẻ ngắt lời:

-Chắc chú thoát ly muộn?

-Do tôi xin phục viên để cưới vợ, bà vợ lại mắn đẻ nên bốn năm đẻ tới ba đứa. Không phục viên bét ra tôi cũng cỡ cán bộ tiểu đoàn chứ đâu phải làm lính như bây giờ.

Duy nhanh nhảu:

-Con gái anh Thủ là y sĩ đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đấy chị Mai à.

Quăng tàn thuốc ra xa, Thủ chép miệng:

-Bởi có cảnh xuất ngũ, tái ngũ, tổng động viên nên ra trận bố làm lính, con chỉ huy, chuyện thật mà tưởng như bịa, thế mới tài.

Nổi hứng, anh chàng Luận y tá cũng thủ thỉ:

-Vợ mới sinh em chưa thấy được mặt con đã được lệnh vào Nam chiến đấu thế mới tức chứ.

Duy cười vỗ vai Luận:

-Chiến  đấu lâu dài gian khổ như thế này có khi bà xã đã đi “giải phóng” với mấy thằng cán bộ hợp tác hay du kích rồi cũng nên.

Thấy mọi người rộ lên cười, cao hứng một cậu lính cố ý uốn éo giọng hát của mình:

-Từ ngày anh đi, ở nhà em  chửa hoang, sinh đứa con trai nó giống cả làng. Rồi nó lớn lên  gọi bố đàng hoàng... Thích nhé em đảm đang...

Duy cười ngặt nghẽo:

-Ông nhạc sĩ sáng tác  này nghe mày hát chắc phải trợn mắt tắc thở vì hay hơn ông ấy đấy.

-Gặp tớ chắn chắn ông ấy phải bắt tay cảm ơn vì có công nâng cao, cải biên lời hát tới trình độ siêu việt phải không?

Thủ đứng dậy nói to:

-Hết giờ giải lao, tất cả lên đường. Đúng là tán láo như lính.

Có thêm bóng dáng của phải yếu, các chàng giải phóng khiêng thương đi băng băng và  chẳng mấy chốc cả đoàn đã đến suối Sổ.

Con suối Sổ lúc này đã trở thành một giòng sông đục ngàu, sóng bạc đầu chồm lên va đập vào hai bờ suối tạo nên những âm thanh lục ục, ầm ào vang dội. Thấp thoáng dưới làn nước đục ngầu là những cây gỗ dài đuỗn lùi lũi trôi như những con thuồng luồng đang lặn ngụp giữa dòng nước. Nhìn giòng nước lũ, Thủ lo ngại:

-Nước lớn thế này làm sao qua được.

Tám Nghiệp chần chừ:

-Hay là chờ nước rút rồi mới vượt suối?

Mai nghiêm sắc mặt:

-Suối Sổ là cái túi đựng pháo của địch, cực chẳng đã mới phải dừng lại, không tìm cách vượt suối cứ bàn lùi hoài.

Duy gật đầu:

-Phải đi lấy giây buộc ròng qua suối mới vượt suối được.

Út Hân nháy Duy:

-Em biết chỗ có rất nhiều mây song, chỉ cần năm đoạn song bự thiệt dài là đủ giây ròng qua suối.

Duy, Luận  và Út Hân đi khá lâu lễ mễ đưa về những cuộn giây song to khiến mọi người khâm phục. Thủ đưa gói thuốc rê cho Duy hồ hỡi:

-Hút cho ấm người, cậu bơi giỏi nhưng cẩn thận, vượt suối nắm  chặt đầu dây, có gì bọn tớ kéo vào bờ.

Rít một hơi thuốc dài, nhìn chiếc băng ca kết bằng cây sổ thẳng đuột, Duy đắc ý:

-Chiếc băng ca  đúng là đủ ba tiêu chuẩn: chắc, gọn, nhẹ không chê vào đâu được.

Cầm giây lội ngược suối, rồi bơi ngược giòng nước lũ, như một con cá kình, Duy bơi trườn qua những cơn sóng bạc đầu vượt ra giữa suối rồi lựa thế bơi vào bờ. Nhanh chóng cầm giây  quấn quanh một cây sổ to bằng thân người hai vòng rồi cột giây vào thân cây và lấy tay làm loa gọi to:

-Kéo căng giây lên cao rõ chưa?

Thủ gọi vọng sang:

-Kiểm tra mối dây bên đó một lần nữa thật kỹ đi.

Nhìn đường dây nằm là là trên mặt nước, Duy hiểu mực nước lúc này có thể qua được, còn  hai hoặc ba giờ sau nước lũ dâng lên cao, khó mà vượt qua suối được. Bám sợi giây lội trở về, Duy vừa đi vừa dò đường. Nước xoáy dưới lòng suối nên cát sỏi dưới chân bị trôi khá mạnh, Duy thầm lo cho Mai và Nghiệp sức yếu khó bề vượt qua suối . Tới bờ, co ro chạy lấy áo khoác vào người, toàn thân Duy run lên vì lạnh. Lẳng lặng cầm lọ dầu nóng dúi vào tay Duy, Nghiệp nói trống không:

-Dầu nóng xoa vào cho bớt lạnh.

Thấy Duy lóng ngóng Mai ngầy Nghiệp:

-Em lấy dầu chà mạnh vào lưng cho Duy, không thấy đồng chí mình răng đánh bò cạp đó  hay sao.

Bẽn lẽn, Nghiệp lấy tay luồn vào áo Duy xoa dầu, vừa xoa vừa nói nhỏ:

-Dầu nóng lắm, anh xoa vào ngực, vào bụng chống cảm lạnh.

Duy hối thúc:

-Tranh thủ chuyển đồ đạc và kèm hai phụ nữ vượt suối trước rồi tập trung đưa Ngân sang sau.

Mưa lại ập xuống, Mai vội kéo sụp chiếc mũ tai bèo xuống để tránh những hạt mưa lao xuống như tên bắn. Rùng mình vì cái lạnh buốt của nước lũ thấm vào da thịt Mai nắm chặt dây vượt suối. Nhìn Thủ kiễng chân vác cái gùi nặng trĩu của mình trên vai, Mai mừng thầm vì gặp may. Vừa nhấc một chân lên bỗng một đợt sóng  xoáy dưới chân khiến Mai chao người bước hụt. Lại một cơn sóng chồm tới hắt vào mặt làm Mai ho sặc lên luống cuống rồi  một con sóng nữa lao tới đánh thốc vào mũi vào miệng khiến Mai bị sặc nước. Ngực đau nhói, mũi cay buốt xối vào óc. Mắt hoa lên, Mai vội buông tay ôm ngực. Lại một đợt sóng chồm lên đẩy Mai vào khối nước đục ngàu. Tay chân đạp loạn xạ chống đỡ với nước trùm phủ xoáy cuộn Mai chờn vờn hụt hẫng và bất lực.

-Chị Mai!...

Duy thét lên đưa gói đồ cho Út Hân rồi lao tới nắm mớ tóc Mai đang nổi trên mặt nước. Sóng xoáy dập khiến tay nắm hụt mớ tóc, Duy vội nhoài người bơi đến cạnh Mai. Lách người nắm chặt lưng áo Mai, Duy đẩy mạnh cho Mai trồi lên khỏi mặt nước rồi vừa bơi vừa lựa thế  hất Mai lên lưng mình. Vật lộn với nước lũ và nạn nhân nên cả hai chị em bị nước lũ cuốn trôi một đoạn khá xa Duy mới đưa Mai vào bờ. Vội vàng cõng Mai lên bến lội, Duy gọi to:

-Căng tăng, mắc võng cho chị Mai nhanh lên!

Đặt Mai nằm xuống làm hô hấp nhân tạo cho nước trong miệng ộc ra, Duy lo lắng nhìn mọi người. Một lát sau thấy Mai thở và rên nhè nhẹ, Duy reo lên:

-Chị ấy tỉnh rồi!

Đặt Mai nằm trên võng, Tám Nghiệp và Út Hân lấy dầu xoa bóp liên tục cho người Mai nóng lên. Khá lâu Mai mở mắt nhìn mọi người đang đứng xung quanh nước mắt bỗng ứa ra. Thấy Mai khóc Tám Nghiệp cũng khóc theo và rối rít:

-Chị Hai! Đừng có làm sao nghe chị!...

-Chỉ được cái mau nước mắt, tiêm thuốc hồi sức cho chị ấy nhanh lên - Thấy mình vô lý và quá lời với Nghiệp, Duy ôn tồn - Đừng khóc nữa, mọi việc sẽ ổn thôi.

Lau nước mắt, lấy thuốc trong ba lô ra tiêm cho Mai, Nghiệp nhìn Duy. Vô tình bắt gặp ánh mắt Nghiệp, Duy nhận ra ánh mắt Nghiệp. Nhìn mình như đằm thắm, như yêu thương lẫn hời dỗi. Tay chân luống cuống, Duy vội nhìn sang bên kia suối. Đứng dậy lấy khăn mặt của mình đưa cho Duy, Nghiệp nói trống không:

-Lau tóc đội mũ vào kẻo lạnh đấy!

-Không sao đâu!...

Thấy Duy cười, Nghiệp bối rối:

-Nước cuốn trôi tới cả trăm mét chứ có ít đâu...

-Năm chục thước là cùng!...

-Nhiêu đó cũng đủ xót ruột, xót gan rồi!... Còn nói nữa!...

Bồi hồi Duy vội quay đi và nói nhỏ:

-Trông chị Mai, anh đưa Ngân vượt suối.

Nói xong Duy vừa đi xuống suối vừa hối thúc mọi người:

-Khẩn trương lên các ông.

Đặt Ngân lên cáng, Thủ lấy tấm tăng che và buộc cho Ngân cẩn thận rồi nâng cáng khiêng Ngân vượt suối. Mưa như một cây nước khổng lồ ập xuống dày đặc và dữ dội hơn. Bầu trời xám đục như  sà thấp xuống. Gió từ rừng già gào thét lao ra đồi tranh xoáy vật vã khiến cây cối tạo nên những tiếng hú kéo dài đến gai người. Nước lũ tạo thành một màu nâu bạc, cuộn réo nhảy nhót trước mặt mọi người. Những tảng bọt màu gạch cua bồng bềnh bị vỡ ra rồi tụ lại, bám vào những cành cây vừa trôi vừa xoay tròn trong nước.

-Con rắn!...

Duy thét lên, nghiêng đầu vung tay hất mạnh. Con rắn bị tung lên và rơi vào cáng thương. Hoảng sợ, con rắn ngóc cổ há miệng khiến mọi người bàng hoàng nhìn cái lưỡi đen ngòm của nó đang chớp động. Nhanh như cắt, Thủ chộp con rắn nhướn người quăng thật xa. Bị mất đà, Thủ lao người đẩy cáng thương về phía trước.

Duy kêu lên thì nước ập tới đập mạnh khiến tăng võng bị đứt tung ra. Nước xoáy vào tấm tăng lật nghiêng cáng thương và đẩy Ngân vào nước lũ. Nhoài người ôm lấy bạn, cả Duy và Ngân cùng chìm xuống nước. Bị sặc nước, Ngân vật vã chống đỡ nên cả hai bị chìm xuống lòng suối. Chân vừa chạm đất, Duy co người đạp mạnh cho cả mình lẫn bạn lên khỏi mặt nước. Để bạn trong tư thế nằm ngửa Duy bơi chéo theo giòng nước tìm cách vào bờ.

Loạng choạng ôm Ngân lội lên khỏi suối, đặt bạn trên cát, Duy ngồi phệt xuống thở rốc. Cái lạnh cóng của gió mưa và nước lũ ngấm vào xương thịt khiến Duy tê buốt. Những cơn lạnh từ trong ruột lạnh ra co thắt khiến Duy run lên từng cơn. Thủ, Tám Nghiệp cùng mọi người chạy tới cõng Ngân và dìu Duy tới chỗ Mai. Út Hân vội vàng lấy tăng võng nới rộng mái che và trải tấm nhựa đi mưa xuống đất để cấp cứu cho Ngân. Thủ mồi một điếu thuốc thật bự ân cần bảo Duy:

-Hút cho ấm người. Vật lộn với nước lũ cũng như đánh bạc với ông trời, còn người là thắng rồi. Cậu khá lắm.

Nhìn Ngân da trắng nhợt, nằm đờ như một cái xác không hồn, Thủ bồn chồn:

-Giá có lửa sưởi ấm cho nó thì tốt biết mấy.

Út Hân nhanh nhảu:

-Đưa anh ấy về nhà  sưởi ấm rồi hãy chuyển tới viện.

Luận gật đầu:

-Hơi lửa rất cần cho người bị mất máu nhiều trong lúc này, nếu không thì...

Thủ ngắt lời:

-Về hậu cứ xã vừa có lửa sưởi, vừa có thuốc cấp cứu, vừa có đồ ăn nóng, tình hình yên ta sẽ tính sau.

Nói xong Thủ đứng dậy cùng Út Hân chuẩn bị khiêng cáng, chia sớt đồ đạc phân công từng người mang vác, khiêng Mai và Ngân đi đường cho an toàn.

Mưa vẫn xối xả dội xuống, gió vẫn gào lên trong những cánh rừng già. Bầu trời như co lại, như sà xuống mặt đất. Bóng Nghiệp dìu Duy đi như hai cái cây đang níu vào nhau chống đỡ giữa gió mưa vật vã. Phía trước họ bóng đoàn người đi liêu xiêu trong gió, nhạt nhòa trong mưa...

 
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 4971



« Trả lời #31 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2023, 09:56:19 am »

Chương 30


                                                                           1

 

Tay cầm vạt áo mưa che đoạn ruột nghé đựng gạo vắt thòng trước ngực, tay đỡ để Duy tựa vào vai mình, Nghiệp thận trọng dìu Duy đi trên con đường trơn như đổ mỡ. Cơn sốt hoành hành, khiến đôi chân Duy nhiều lúc muốn khụy xuống khiến Nghiệp phải vội vàng đứng dạng chân đỡ cho Duy khỏi bị ngã nên mãi xẩm tối hai anh em mới về đến hậu cứ sản xuất xã Phụng.

Lật đật thay quần áo rồi lên võng nằm  Duy vật vã chống chọi với cơn sốt. Phải gấp rút đưa Ngân đi viện cấp cứu nên Thủ và anh em Thị đội đành gửi Duy ở lại xã Phụng, vậy là Nghiệp phải lo điều trị cho cả Mai lẫn Duy.

Một tuần như cơn gió thoảng qua, sức khỏe của Mai đã hồi phục, còn Duy vẫn mỗi ngày một cơn sốt đều đặn.Chiều nay Duy sốt tới 41 độ khiến Nghiệp hết xem mạch, lại sờ trán rồi lấy võng cột ngồi canh chừng con bệnh. Nhìn Duy nằm co ro run rẩy thím Năm thở dài, bất giác đập nhẹ vào vai Nghiệp:

-Tao biểu này.

-Gì hả thím?

Thím Năm ái ngại:

-Nó sốt cả tuần rồi mà chưa dứt có lẽ thuốc chưa trúng bệnh mày à.

-Thì con cũng đã đem hết khả năng của con để điều trị cho ảnh rồi...

-Thằng bé da xanh lét trông người chỉ còn thấy con mắt!... Xem ra sức khỏe không ổn đâu ...

-Con biết làm sao bây giờ!...

-Hay là đào trùn và đất ổ mối đem về sắc cho nó uống?

-Trời đất!... Thuốc gì mà kỳ lạ vậy thím!

Thấy Nghiệp kêu lên, đôi mắt mở to nhìn mình như ngạc nhiên, như diễu cợt rồi phì cười, thím Năm bực mình:

-Cười cái gì!... Đừng coi thường, đó là bài thuốc gia truyền của ông thầy Ba Công, phó ban y tế Tỉnh truyền lại cho bọn tao linh nghiệm lắm đó!

Chợt hiểu ra, Nghiệp nhoẻn cười:

-Con đâu có biết...con nhớ rồi, hèn gì chị Hai nhắc bài thuốc này hoài.

Cơn bực thoảng tan, thím Năm cũng cười:

-Bài thuốc linh nghiệm lắm, tranh thủ vào rừng kiếm thuốc cho thằng Duy rồi về kẻo tối Tám à.

-Thím ở nhà trông ảnh giúp con, đi một lát con về.

Lụm cụm vào rừng đào thuốc đem về sao vàng hạ thổ rồi sắc đặc, Nghiệp bưng chén thuốc lại ngồi cạnh Duy:

-Anh uống thuốc nghe, bữa nay em chuyển sang thuốc nam để anh uống cho mau khỏi bệnh.

Nhìn chén thuốc Duy bỗng rùng mình hỏi nhỏ:

-Xác con gì lềnh bềnh trong bát thuốc đấy?

-À... xác con mối, con trùn đấy, đây là bài thuốc gia truyền trị cảm sốt hay lắm anh à.

Duy nhăn mặt:

-Anh không uống đâu, tại sao lại đi lấy mối với trùn làm thuốc, uống vào ngộ độc đấy.

-Vậy mới là thuốc gia truyền, anh cứ uống đi, em đảm bảo nhất định chóng khỏi.

Duy rùng mình nhăn mặt:

-Uống bậy bạ thế này nguy hiểm lắm Nghiệp à.

Nghiệp nài nỉ:

-Em có đưa thuốc độc cho anh uống đâu mà sợ, có bệnh thì phải chữa, phải chịu khó uống thuốc anh à.

Thấy Duy thở dài, Nghiệp lại năn nỉ:

-Uống đi anh, em cầu xin anh đó!

Thừ người ngồi trên võng khá lâu, Duy thở dài:

-Thôi được để anh uống!

Nhắm mắt uống một hơi dài, hết nửa chén thuốc, Duy nhìn bát thuốc rồi nín hơi uống hết và vội vàng lấy tay vuốt ngực cho khỏi buồn nôn. Đưa cốc nước đường đã pha sẵn cho Duy, Nghiệp vừa vuốt lưng Duy vừa dỗ dành:

-Uống chút nước đường là hết buồn nôn ngay, phải chịu khó nghe anh.

Vừa uống, vừa nhai ngấu nghiến những hạt đường chưa tan trong miệng, Duy nằm co người trên võng, lấy tấm đắp bằng dù hoa tủ nhẹ lên đầu, rồi thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi. Hơn một giờ trôi qua, thấy Duy vẫn ngủ, Nghiệp mừng thầm trong bụng nhẹ nhàng đứng dậy đến chỗ thím Năm đang ngồi lột sắn vui vẻ:

-Không ngờ bài thuốc lại linh nghiệm như vậy, sao thím không nói cho con từ đầu có phải ảnh có đỡ khổ không.

-Tao đâu biết, thôi tìm lá chanh, lá sả nấu một nồi nước xông cho ra mồ hôi, nó mới chóng khỏi hiểu không.

-Dạ con nhớ rồi, trông ảnh khô đét như con cá rô con thấy chẳng an tâm chút nào. Ảnh tội quá phải không thím!

-Đứa nào bị sốt chẳng vậy, thời buổi chiến tranh ở rừng, ở núi kham khổ biết làm sao bây giờ.

Nghe tiếng phản lực bay ro ro trên trời, tiếng pháo ầm ì vọng tới bất giác thím Năm quay sang hỏi:

-Hình như phía Tuy An đang đánh nhau phải không Tám?

-Có lẽ vậy, ở vùng giáp giữa thị xã Tuy Hòa và Tuy An thì phải.

-Làm sao mày biết?

-Nghe tiếng pháo nổ thì biết, anh em mình đánh ban ngày thế này thì ác liệt lắm thím à, có gì đi nữa thì cũng phải trụ đến tối mới giải quyết được tình hình.

Thím Năm chẹp miệng:

-Tội nghiệp mấy đứa nhỏ rủi lúc này có chuyện gì thì vẫn phải nằm phơi mình hứng bom đạn. Ông trời quả là không có mắt! Chiến tranh cứ kéo dài như vầy thì nước mình hết cả đàn ông...

Nghiệp khúc khích cười:

-Bà già...chỉ được cái hay nghiễn chuyện.

-Chứ không à...tao nói thiệt đó, đừng có chọc quê tao. Mày xem làng mình chỉ toàn là ông già, đàn bà với lũ con gái. Con trai mới nhổ giò không lên núi, thì cũng bị địch bắt đi quân dịch.  Con gái tộc ngộc cả bầy, thắp đuốc cả ngày cũng không kiếm được một thằng đàn ông, gào hoài mà cũng không tìm nổi một thằng chồng mày ơi.

-Ý  hí... hèn gì trên không phân công thím làm công tác chính trị. Thím mà làm lãnh đạo thì bọn con khỏi lo ba khoan, cưới xả láng, đẻ con cả bầy, hết lo thiếu người đánh Mỹ.

Thím Năm bật cười:

-Bởi vậy trên mới không cho tao làm lãnh đạo, tao nghĩ sao nói vậy chứ bộ.

Ngừng một lát, bất giác Thím Năm thở dài:

-Tao nghĩ như anh Bốn Xuân thường vụ Huyện ủy có bốn đứa con thoát ly, đều hy sinh, vậy là nuôi dưỡng mấy chục năm trời bỗng chốc hết vốn đi chợ, mày coi có đau không! Hòa bình thống nhất còn hai vợ chồng già sống với nhau, rủi khi đau bệnh vợ chồng chỉ còn biết bò ra ang nước gạo mà uống thôi mày ơi.

-Khiếp thím đến là bạo miệng, còn đồng chí, anh em nữa chớ.

-Ấy là tao nói phòng vậy thôi, đàn ông lúc về già còn đỡ, chứ đàn bà thì đứa con là vốn, có vốn đi chợ vẫn chắc ăn hơn.

-Vậy con thương một người rồi xin làm đám cưới ngay thím có chịu không? Nếu trên nói ba khoan thì thím nói sao?

-Tao đâu có biết, bất quá cũng như thằng Lâm và con Mai rồi đâu cũng vào đấy đúng không?

Câu chuyện không đầu, không cuối tưởng như hai thím cháu nói cả ngày không hết. Bỗng Duy nói mớ, Nghiệp vội vàng đứng dậy tới bên Duy. Môi Duy bỗng mấp máy, mi mắt thỉnh thoảng co giật  như khóc,  như cười khiến Nghiệp hoảng hốt gọi to:

-Thím ơi!... Anh Duy làm sao thế này!...

Vội vàng chạy tới, thấy con bệnh trở chứng thím Năm lóng ngóng lấy lọ dầu đưa cho Nghiệp và giục:

-Lấy dầu xoa bóp cho nó!  Chắc nó bị cảm gió, phải cạo gió mới được .

Như cái máy, Nghiệp hết thoa dầu, cạo gió đến thoa bóp cho bệnh nhân. Khá lâu, mồ hôi Duy vã ra như người bị ngộ độc khiến Nghiệp hoảng hồn níu lấy thím Năm:

-Thím ơi!...Rủi ảnh có chuyện gì thì con chết mất thím à!...

Tay chân cũng run lên, thím Năm hoảng hồn:

-Tao đâu có biết, mọi lần tao uống mồ hôi cũng vã ra, chứ không  vật vã như thế  này!

Vừa khóc, Nghiệp vừa giục thím Năm:

-Ra rẫy gọi anh chị Hai về đi thím! Lẹ lên!

Chẳng kịp suy nghĩ, thím Năm vừa chạy, vừa gọi to đến lúc gặp Mai và Lâm ở cuối rẫy thì chẳng còn nói ra hơi nữa. Phải một lát, chờ cho thím Năm hoàn hồn Lâm và Mai mới hiểu. Lâm giật mình chạy thẳng về nhà, Mai hối hả ẵm con cùng thím Năm chạy theo. Vừa bước vào nhà, Lâm đã thấy Nghiệp ngồi khóc thút thít rối rít xoa bóp cho Duy. Vừa thở rốc, vừa quan sát bệnh nhân Lâm hỏi Nghiệp:

-Mạch của Duy ra sao?

-Có lẽ ngộ độc anh à.

 Sờ vào bụng và ngực của Duy khá lâu, Lâm đứng dậy thở phào:

-Do sức khỏe của nó yếu, bị thuốc hành nên mới bị vật vã như vậy chứ không phải bị ngộ độc hay bị thuốc công đâu.

Nghiệp hỏi nhỏ:

-Làm sao bây giờ anh Hai?

-Cứ xoa bóp đều đặn, lấy khăn khô lau sạch mồ hôi cho bệnh nhân thì hết vật vã, khoảng hai giờ nữa bệnh sẽ dịu đi rồi sẽ khỏi.

Lau nước mắt Nghiệp đỏ mặt hỏi nhanh:

-Làm sao anh biết?

-Ở đơn vị anh, quân y thường xuyên lấy bài thuốc này điều trị cho mấy cậu bị sốt rét ngã nước làm sao anh không biết.

Thấy thím Năm và Mai đứng ngẩn người nhìn mình, Lâm bật cười nói vui:

-Làm gì mà đứng như  mấy ông phật trong chùa vậy... Nhỏ Nghiệp ngồi canh chừng bệnh nhân, thím Năm đi nấu nồi cháo lát nữa cho thằng Duy ăn, còn em lo trông con để anh lo củi nước và nấu ăn cho.

Mọi người như bừng tỉnh đều bật cười và nhanh chóng tản đi làm việc. Cơn đau dịu dần, Duy tỉnh táo trở lại, ngồi trên võng xúc từng thìa cháo vừa ăn vừa xúyt xoa vì cháo nóng. Như trút được gánh nặng, Nghiệp xuống bếp ngồi nói chuyện với thím Năm. Chẳng hiểu chuyện gì mà hai thím cháu cứ rầm rì, Nghiệp bỗng cười rúc rích:

-Nhìn ảnh co giật, miệng nói sảng con mất hồn mất vía, lúc đó mồ hôi rịn ra cứ nghĩ rủi có chuyện gì chắc con chết mất thím à.

-Cũng tại mày, chưa chi thần hồn đã nát thần tính làm tao cuống lên rồi cũng khóc theo, thiệt chẳng ra sao phải không mày.

-May có vợ chồng anh Hai, cả như chỉ có hai thím cháu mình chắc ngồi khóc chứ biết làm gì nữa.

-Cái con nói mới hay, nhà có đàn ông có khác chứ, tao thấy mày thương thằng Duy rồi đấy Tám à.

-Thím chỉ được cái nói vậy!...

Thấy bé Trung chạy vụt xuống bếp ôm cổ bắt cha cõng, Lâm  làm trâu cho bé Trung ngồi kêu “nhong nhong” thím Năm cũng vui lây nói với Nghiệp:

-Con bé cái mắt, mái tóc giống hệt mẹ, còn bao nhiêu y khuôn thằng cha lớn lên khối thằng chết. Nếu không có chiến tranh thì đâu đến nỗi nó bé tong teo như vậy. Lớn lên nhất định con Trung sẽ có phúc có phần lớn lắm Tám à.

-Tại sao thím biết?

-Trông tướng thì biết, con người có số, có mạng cả Tám à.

Nhìn Lâm nhướn cổ thổi cho ngọn lửa cháy bùng lên, thím Năm hích nhẹ vào người Nghiệp:

-Mày thấy con nhỏ ngồi oai chưa?

Không trả lời thím Năm, nỗi bồn chồn vô cớ nổi lên, Nghiệp kín đáo nhìn Duy đang nằm ngủ thiếp trên võng mỉm cười. Những cảm xúc mông lung thoắt hiện thoắt tan trong người khiến Nghiệp thần ra và giật mình khi nghe tiếng thím Năm giục mình nhanh tay gọt sắn nấu ăn để tối nay Lâm và Út Hân còn đi săn sớm.

 

 



2


 

Suốt cả buổi tối, đội đèn đi hết trảng tranh này đến quả đồi khác mà chẳng có con mồi nào, Lâm và Út Hân đều mệt nhoài, buồn vì hôm nay gặp sui. Tới đầu suối, hai anh em ngồi nghỉ khá lâu rồi quyết định đi dọc theo suối Cái. Vận may vụt tới, Lâm bắn được con nhím nặng hơn chục ký khiến hai anh em mừng khúm. Hy vọng bắn được một con mồi nhỏ để đem về nhà có một bữa ăn tươi lúc đầu nay vượt quá mức yêu cầu khiến niềm hy vọng của  hai anh em lại vụt lên. Cho con nhím vào bao, xốc lên lưng gùi gọn trơn, Út Hân vừa đi vừa nói với Lâm:

-Bữa nay anh Hai gặp hên rồi, lát nữa cho em bắn thử  nghe anh Hai.

Lâm vừa soi đèn vừa trả lời:

-Chịu khó tập tính kiên nhẫn cho quen sẽ thành thợ săn.

-Bữa nay anh san bớt cái hên cho em đi.

-Ừ ...Về tới trảng tranh gần nhà anh cho chú mày đội đèn tập bắn thoải mái, còn bây giờ phải đi theo sát anh nghe chưa.

-Em mà bắn trúng con cheo chị Nghiệp không đưa lưng cho em nướng là chết với em.

Lâm cười to:

-Con Tám  thách đố  à?

Út Hân cười khanh khách, nhướn người bước từng bước dài. Đi hơn một giờ đồng hồ nữa, bắn trượt hai con mồi,  hai anh em về tới trảng tranh gần nhà mới nghỉ giải lao. Lấy gói thuốc rê trong túi cuốn một điếu thiệt bự Lâm mồi lửa hút thuốc. Giật mình vì ánh lửa đàn thỏ nhảy xào vào bụi rậm. Đứng bật dậy, Út Hân hối thúc:

-Anh Hai! đưa đèn và súng cho em, lẹ lên.

Út Hân lấy cây đèn đội lên đầu và quất đèn soi lia lịa. Lâm nhắc nhở:

-Quất đèn là là, khi soi phải có điểm dừng thì mới thấy được con mồi hiểu không.

 Nhìn ánh đèn, Lâm  mỉm cười hài lòng về tính hiếu động của thằng nhỏ. Ánh đèn bỗng dừng lại rọi thẳng vào một hốc cây có một tảng đá khá lớn, Út Hân kê súng bắn liên tục hai phát AK. Con mồi nằm quay đơ trong hốc đá. Út Hân vội vứt cây nạng cầm súng chạy tới thấy con cheo nằm xong trên mình không có một giọt máu nào cả. Linh cảm vụt tới, Út Hân chộp cổ con cheo dơ cao và quất thiệt mạnh xuống đất. Oằn mình vì đau và bừng tỉnh con cheo nhảy cẫng lên rồi lao mình vào bụi rậm. Nhanh như cắt, Út Hân phi thân lao theo túm lấy đuôi con cheo và cả người lẫn súng lao vào bụi rậm. Con cheo quật đuôi vằng khỏi tay Hân rơi xuống đất và lủi mất. Gai cào tướp cả da thịt, vừa đau, vừa bực vì mất con mồi, loay hoay mãi người và súng mới ra khỏi bụi rậm, lúc đó Út Hân mới nhận ra mình bị rơi vào bụi gai kim cang. Ê ẩm và đau nhức vì gai cào rách da, rách áo, Út Hân lấy vạt áo lau mặt rồi quất đèn soi vào bụi gai kim cang làu bàu chửi đổng:

-Tổ cha bụi gai! Tổ cha con cheo chết tiệt! Tao mà bắn được mày thì tao quật thêm cho mày mấy cái cho bõ ghét!...

Hậm hực trả đèn và súng cho Lâm, Út Hân ngồi xuống bãi cỏ cúi đầu lặng im. Lâm cười xòa:

-Mới tập săn bắn ai chẳng vậy, tập riết nhất định thành công. Cái nghề chim trời cá nước hên sui là chuyện tình thường chú em à.

Đứng dậy đội đèn, cầm súng Lâm khoan khoái vươn vai nói to:

-Về thôi Út, tối nay nhất định phải nấu một nồi cháo thiệt ngon để cả nhà cùng liên hoan.

Về tới nhà, Út Hân để con nhím cho cánh phụ nữ nấu nướng, vội cầm đèn pin chạy vù xuống suối tắm giặt rồi mắc võng ngồi chống tay lên hông nhìn nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp. Nỗi buồn bực đã tan biến, đôi mắt Út Hân lại sáng lên trong trẻo nhìn những thanh củi cháy lem lét, tiếng nổ tí tách làm bắn tung lên những bụi than đỏ hồng. Thay quần áo xong thư thả tới sờ trán Duy thấy mát, Lâm thân mật:

-Cậu phải tiếp tục uống thuốc cho đủ liều mới chóng khỏi được, vào chiến trường mà không sốt rét thì chưa được cấp bằng Giải phóng Miền Nam đâu.

Thấy Duy cười, Lâm  quay sang nhắc Nghiệp:

-Cho tăng thêm thịt và tiêu cho bệnh nhân ăn thì mới ra nhiều mồ hôi, mới mau hồi phục sức khỏe nghe chưa Tám.

-Dạ khoảng mười phút nữa cháo nhừ em sẽ trực tiếp cho ảnh ăn.

Lúi húi tới khuya cả nhà mới ăn xong, hể hả nói chuyện bao đồng khá lâu rồi mới đi ngủ. Dọn dẹp nhà cửa xong, thấy Duy đã ngủ say, Nghiệp nhẹ nhàng lên võng nằm. Xoay người nhìn ánh lửa cháy rừng rực, thấy võng mình chạm võng của Duy, Nghiệp mỉm cười yên tâm vì trong đêm nếu bệnh nhân có chuyện gì thì mình có thể biết ngay. Nhớ lúc ngồi cho Duy ăn cháo, vị cay xè của ớt và hạt tiêu khiến Duy xuýt xoa, Nghiệp lại thấy Duy thương thương, tồi tội. Bất giác Nghiệp tự hỏi mình: “Ủa! Người ta không bà con thân thích, cách nhau hàng ngàn cây số, bệnh thì chữa có chuyện gì mà phải nghĩ tới người ta hoài!”. Nghiệp nhìn sang võng Duy lại mỉm cười một mình trong đêm.

Như đã quen hơi bà, bé Trung chúi đầu vào ngực thím Năm ngủ say tít trong tiếng hát  đều đều và buồn tênh: ..."ơ hờ  một mai con cá hóa rồng, đền ơn bác mẹ dưỡng công sinh thành ....ơ hờ một mai ai chớ bỏ ai, chỉ tiêu nên gấm, sắt mài nên kim...”

Đống lửa giữa nhà bỗng sáng bừng lên, những ngọn lửa nhảy nhót, chờn vờn như những diễn viên đang nhảy múa. Ánh lửa xuyên qua bọc võng khiến màu vải dù của bọc võng trở nên sáng hồng rực rỡ và khuôn mặt Nghiệp cũng hồng lên. Nhìn Duy ngủ say, Nghiệp bồn chồn nghĩ thầm: “Có lẽ chị Đào về khiến anh ấy cứu chị Mai rồi bắt mình chăm lo sức khỏe cho ảnh cũng nên!”. Mặt bỗng nóng bừng, Nghiệp nhủ thầm và tự trách mình “Vớ vẩn tại sao lại cứ nghĩ đến người ta...” Nỗi xốn sang vô cớ ào ạt tràn đến mãi không thôi trong lòng Nghiệp. Cơn mưa rừng đã tạnh tự lúc nào, gió vỗ nhẹ vào mái tranh xôn xao, Nghiệp ngủ thiếp đi trong giấc mơ êm ả, thấy mình bồng bềnh nằm trên đám mây trôi.

Giật mình tỉnh giấc thấy Duy ngồi trên võng, Nghiệp vội vàng ngồi dậy vấn tóc lo lắng hỏi:

-Anh làm sao vậy?

-Anh khó thở lắm...

Cầm đèn pin soi, tay ấn nhẹ vào ngực và bụng bệnh nhân, thấy Duy nhăn mặt Nghiệp vừa xoa  vừa hỏi:

-Đau ở khu vực này phải không anh?

-Ừ... đau lắm!...

-Anh bị trúng thực rồi, để em làm thuốc giải cho anh uống nghen.

 Duy phàn nàn:

-Anh có ăn được nhiều đâu mà trúng thực, có lẽ anh bị sốt trở lại Nghiệp à.

-Do cơ thể yếu, ăn thịt nhím vào mát nên sinh khó thở chứ không phải sốt trở lại đâu.

Lấy đoạn xương nhím đốt cháy thành than hòa vào nước sôi để nguội, Nghiệp lọc lấy nước thật trong rồi thổi lửa cho cháy bùng lên, và cầm bát thuốc đưa đến cho Duy ân cần:

-Anh uống đi, chỉ một lát thôi là hết khó thở.

Như một cậu bé ngoan biết vâng lời chị, Duy cầm bát thuốc uống một hơi rồi rùng mình:

-Tanh quá!...

-Tốt rồi, bài thuốc giải trúng thực này hay lắm, chỉ mươi phút là người dễ chịu ngay thôi anh à.

Dùng ngực đỡ lưng bệnh nhân, Nghiệp tập trung cảm giác và khí lực lên bàn tay xoa  mạnh trên người Duy. Khá lâu thấy Duy ợ được hơi trong cổ Nghiệp vui vẻ :

-Anh khỏe rồi!... Em biết mà...

Duy gật đầu mệt mỏi nghẻo đầu dựa lưng hẳn vào người Nghiệp. Cảm giác dễ chịu luồn vào người khiến Duy cảm thấy mình như trút được gánh nặng. Và rất lâu... cảm giác thư thái trở lại Duy nhận ra bàn tay Nghiệp nóng hổi đang xoa trên cơ thể mình như yêu thương, như ôm ấp vỗ về!... Toàn thân nóng bừng, Duy nắm tay Nghiệp bóp nhẹ. Nghiệp bỗng rùng mình, bàn tay vẫn để yên trong tay Duy. Bàn tay Duy lại bóp mạnh, Nghiệp bỗng luống cuống cúi xuống vô tình để má mình chạm vào mặt Duy.

Bàng hoàng đến thần người rồi bừng tỉnh, Duy xoay người ôm lấy đầu Nghiệp níu xuống hôn nhẹ lên má Nghiệp. Nghiệp đờ đẫn nhắm mắt và nắm chặt lấy tay Duy. Những cái hôn đọng trên má, trên mắt khiến Nghiệp thở dồn, tiếng nói ấm trong bật lên như tiếng rung của một sợi giây đàn:

-Anh!...

Người như mềm nhũn ra khi tay Duy ôm choàng lấy mình, Nghiệp thầm thì:

-Khéo ngã anh!...

Một thoáng thôi, nhận ra mình đã yêu, cảm giác ngây ngất ập đến, Nghiệp ôm chặt Duy giữa không gian yên tĩnh. Như thấm men say, Duy muốn môi mình đọng mãi trên môi người yêu.

-Ý!... chị Tám, anh Duy ôm nhau hôn nghen...

Như bị điện giật, cả hai người hốt hoảng vội buông nhau ra lấm lét nhìn Út Hân đang khoái chí nằm trên võng cười. Như con chị ăn vụng bị thằng em bắt quả tang Nghiệp lúng túng chống chế:

-Tại chị ngửi miệng anh Duy xem đã khỏi bệnh chưa chớ bộ...

-Không biết, hai người đừng có cãi, thằng này đã bắt được quả tang... í...hí....

Duy dấu diụ:

-Thôi mà Út... Anh chịu rồi mà...

-Muốn thằng Út này không nói, sáng mai phải pha cho em một cốc nước chanh thiệt ngọt, nếu không đừng trách nghe chưa.

Duy vội gật đầu, giọng ngọt hẳn lại:

-Được rồi, sáng mai anh pha cho em một cốc nước chanh thiệt ngọt .

-Nè... anh chị biết hồi tháng mười vừa rồi thằng Ních-Xơn lật lọng không chịu ký hiệp định Pa-ri về Việt Nam rồi chứ?

Duy vội cướp lời Út Hân:

-Anh biết rồi, mình quân tử đâu phải là thằng tổng thống Ních-Xơn ở tuốt bên Mỹ đâu.

Út Hân gật đầu khoái chí:

-Được rồi, sáng mai... hai người lật lọng như tổng thống Mỹ đừng trách thằng này nghen.

Nằm xuống võng, hất tấm bọc võng che người Út Hân găn gút:

-Cả hai người phải thực hiện nghiêm chỉnh nghe chưa.

Hoàn hồn Nghiệp ngọt ngào năn nỉ:

-Thôi được rồi, chị hứa là có, em cứ ngủ đi.

Nói xong Nghiệp vội tung tấm bọc võng che kín người nằm im như  ngủ say, lén nhìn về phía Út Hân. Đêm yên tĩnh lại đắm chìm trong màn sương lung linh... Và rất lâu, chỉ có ngọn gió rừng mới biết được đôi bàn tay của Duy và Nghiệp tìm nhau nắm chặt đưa họ vào giấc ngủ giữa gió rừng miên man vô tận...

.... Và cũng rất lâu, cũng chỉ có hương rừng mới biết được hơi thở dồn dập của Lâm đang ôm trùm lấy cơ thể Mai. Tiếng võng khẽ rung lên hòa với tiếng rên nhè nhẹ của Mai loang trong hương rừng thấm vào màn sương mỏng tanh bềnh bồng huyền ảo.

 
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 4971



« Trả lời #32 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2023, 10:19:28 am »

Chương 31                                                   



1


 

Sau trận lụt 23 tháng 10 âm lịch thường niên, mưa thưa dần. Những tảng  mây mọng nước như muốn kéo bầu trời xà thấp xuống lại nhường chỗ cho những đám mây trắng như bông bay lơ lửng giữa bầu trời xanh leo lẻo. Cây cỏ bắt đầu ra hoa nảy lộc báo hiệu mùa xuân sắp đến. Quay đi, quay lại tết dương lịch và tết âm lịch cũng ập tới nơi và một năm lại trôi qua. Đối phó với tết, Mỹ - Ngụy lại tăng cường phòng thủ chặt các thành phố, thị xã và thị trấn. Những cuộc càn quét vùng ven đô liên tiếp xảy ra và xã Phụng cũng không thoát khỏi những cuộc càn vây ác liệt cùng với những đợt bắt bớ thanh lọc.

Đài tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh giải phóng liên tục đưa tin những trận đánh thắng ròn rã của quân và dân ở cả hai miền Nam - Bắc. Chính quyền Ngụy Sài Gòn gào lên chửi Mỹ bỏ rơi và đòi Mỹ tăng cường viện trợ cho chúng, nếu không miền Nam sẽ rơi vào tay Việt Cộng.

Cứ suy từ năm 1968, sau cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân của ta, quân Mỹ phải chui ra khỏi “lớp vỏ sò kiêu binh” hiện nguyên hình thành đội quân con nhà giàu công tử bột. Vũ khí tối tân, uy thế không lực Hoa Kỳ không còn là lá bùa hộ mệnh cho quân Mỹ và quân Mỹ bị hạ uy thế.

Mùa mưa năm 1969 quân giải phóng nhử bọn Đại Hàn lên rừng đánh cho tả tơi rồi chưa kịp hoàn hồn ta lại vào sào huyệt của bọn Đại Hàn mà đánh khiến chúng không kịp trở tay. “Cái vỏ lì lợm” hung hãn của lính Đại Hàn bị tước bỏ và bọn Đại Hàn bị hạ uy thế.

Mùa hè năm nay, báo chí Sài Gòn gọi là “Mùa hè 72 đỏ lửa”, xác lính Mỹ vùi trong rừng sâu, xác lính Ngụy phơi trên thành Quảng Trị, buộc Mỹ phải ký tắt với ta tại hội nghị Pa-ri. Dẫu Ních-Xơn lật lọng nhưng ai cũng biết Mỹ - Ngụy đã thua, ngày Mỹ cút, Ngụy nhào không còn bao xa nữa.

Gần nửa tháng chỉnh huấn, cán bộ và du kích xã Phụng rất phấn khởi, ai cũng tin rằng tình hình cách mạng miền Nam sẽ có một bước ngoặt lịch sử. Khí thế hăm hở ra quân bị chững lại vì bốn đêm đột nhập vào làng đều nổ súng đánh nhau với  địch  cũng may là không bị thương vong.

Trưa nay, sau khi cảnh giới cẩn thận Mai cùng Út Hân, Ba Hổ, Tám Nghiệp và Chín Phượng ra đồng gặp cơ sở. Nhìn cánh đồng lơ thơ người đi lại Mai buột miệng:

-Trong làng chắc có chuyện rồi.

Chín Phượng nói nước đôi:

-Mình cứ tới chỗ hẹn, không gặp dân xã mình thì cũng gặp dân xã Quang, xã Thắng, nếu không gặp được dân thì về chứ biết tính sao bây giờ.

Đang đi, bỗng Ba Hổ vẫy tay ra hiệu rồi nhảy tạt sang bờ mương và chạy nép vào bìa rừng. Mai chạy theo và thoáng nghĩ: “không lý có biệt kích”... Chạy băng qua một đám đất thổ Mai ngồi kê súng lên bờ đá, ra hiệu cho Phượng và Nghiệp ngồi tản ra sẵn sàng chiến đấu. Út Hân lom khom chạy tới:

-Có dấu giày biệt kích.

Nhìn theo hướng Út Hân chỉ, Mai nói nhỏ:

-Ba Hổ đâu?

-Đang kiểm tra.

Nói xong Út Hân xách súng chạy theo Ba Hổ. Mất gần một giờ đồng hồ mới thấy Ba Hổ và Út Hân cùng một ông già từ trong rừng đi ra. Mai thở phào đứng dậy hỏi:

-Tình hình ra sao?

Ba Hổ cười chỉ vào đôi giày treo tòng teng trên bó củi của ông già:

-Ông ấy đi giầy biệt kích, báo hại em phải theo miết tới gần bãi bố phòng của mình mới gặp.

Chín Phượng giật nảy người:

-Chết! Sao chú lại kiếm củi gần chỗ bố phòng? Lỡ trúng mìn thì sao!

-Trời đất! Lão đâu có biết... lần sau không dám tới đó nữa đâu.

Ông già cũng giật nảy người và há miệng ngơ ngác. Mai cười xòa:

-Lần sau đừng đi giày lính ngụy lên cứ kiếm củi nữa nghe chưa nội.

Ông già thanh minh:

-Bữa trước đi hái củi suýt bị con rắn cạp nong cắn, sợ quá lão xin đôi giày rách của bọn lính đi cho chắc ăn.

Mai ôn tồn:

-Chú ở xã Quang phải không? Tình hình địch ở dưới làng ra sao?

-Tôi biết bà cầm súng AK này là bà Mai bí thư xã Phụng có đúng không?

-Sao chú biết?

Nghe Chín Phượng hỏi ông già cười lớn:

-Cả tuần nay bọn nó treo giải thưởng, dán ảnh bắt bà Mai bí thư xã Phụng khắp nơi, mấy người chưa biết à? Sáng nay lính về xã Phụng nhiều lắm, không biết chúng nó làm gì, xem bộ hung hăng lắm, có lẽ lùng sục bắt bớ thì phải. Nhờ vậy mà bên xã Quang lính trống trơn, cộng sản có vào hát bộ cũng không hề hấn gì. Thôi lão về đây.

Chín Phượng vội dặn:

-Ra đồng nếu có địch thì cầm nón, không có địch thì đội nón để làm hiệu cho bọn con nghe chú.

-Yên tâm đi, dân cách mạng mà lo.

Ông già gật đầu rồi xốc gánh củi lên vai băng băng đi trên  bờ ruộng. Gánh củi nhún nhảy khiến người ta có cảm giác như ông lão vừa đi, vừa chạy. Thỉnh thoảng ông già quay lại nhìn như báo cho mọi người biết không có địch và bóng ổng mờ dần trên đồng lúa xanh thăm thẳm. Nhìn ông già và dáng điệu  đi lại của những người trên đồng Mai thấy yên tâm cùng Phượng và Nghiệp  tới cây vông đồng bên bờ mương ngồi cảnh giới .

Quá trưa, thấy hai người từ xã Quang đi về phía mình, nhìn kỹ Mai bỗng nói như reo lên :

-Hình như thím Hai! Còn ai đi cùng nữa kìa?

Út Hân bỗng nhẩy cẫng lên gọi to:

-Má Hai phải không? Ai đi cùng đấy?

-Nhỏ Xuân đấy!...

Cả hai người cầm nón vừa vẫy, vừa hối hả chạy đến. Ba Hổ và Út Hân cũng chạy bủa ra đồng đón má Hai Hiền. Mừng như mẹ đi chợ về, Út Hân nói như mong, như giận:

-Sao bữa nay mới lên, trông đỏ cả con mắt !

Mai cũng reo lên:

-Nhỏ Xuân! Bữa nay cũng mò lên đây sao! Thôi lên cho biết căn cứ!

-Nó lên thoát ly luôn đó.

Nghe má Hai nói, Phượng ngạc nhiên hỏi:

-Sao vậy? Chưa có lệnh sao đã thoát ly?

Má Hai Hiền cười, cú nhẹ vào đầu Xuân giọng vui vẻ:

- Nó bị lộ rồi, đi làm cách mạng mà cứ như là đi hát thì trước sau cũng bị lộ thôi. Bây giờ tao gởi nó cho bọn bay đấy.

Thấy Xuân đỏ mặt lúng túng nhìn mọi người, Nghiệp nói nhỏ:

-Lên đây công tác có chị, có em càng vui, thêm người, thêm việc phải không chị Hai?

Mai vui vẻ:

-Thôi, mọi người tới ngồi dưới gốc vông cho mát rồi ta nói chuyện, Hổ và Hân thay nhau cảnh giới  nghe chưa.

Vừa ngồi xuống má Hai Hiền đã nói:

-Cái con Xuân trửng mỡ nằm hát bài ca cách mạng để bọn lính nó nghe thấy, may mà trốn lên cứ được, nếu không chắc giờ này bọn nó tống giam rồi.

-Hát câu gì?

Nghe Phượng hỏi, Xuân đỏ mặt:

-Thì bài ca có câu: “Con người muốn sống con ơi, phải yêu đồng chí, yêu người anh em”, bọn lính đứng ngoài ngõ nghe được liền hô lên rồi hùa nhau vây bắt em.

Mai bật cười nói với Xuân:

-Hoạt động hợp pháp mà chủ quan, ngẫu hứng thì có ngày mất mạng đấy.

Xuân đỏ mặt ấp úng:

-Tại hồi đó hứng bất tử em đâu có ngờ bọn lính nghe thấy.

Má Hai đỡ lời:

-Bọn tao hô lên, cả xóm kéo tới đấu lý vòng vo với bọn lính rồi cho trẻ nhỏ chạy loạn cả lên mới đánh tháo được cho nó, rồi lấy quần áo của con Cúc  đưa nó sang xã Quang để lên cứ, chứ biết làm  sao bây giờ.

Phượng ôm vai Xuân cười ròn tan:

-Má tin ngay cho gia đình nhỏ Xuân biết kẻo ông già, bà già nó lo.

Chờ cho câu chuyện tạm lắng xuống, Mai nhìn Xuân và má Hai thư thả gợi chuyện:

-Không xuống được làng người cứ như lửa đốt, tình hình dưới làng ra sao?

Má Hai nghiêm nét mặt, rồi thoáng buồn và thở dài:

-Con Cúc nhà tao bị bắt rồi! Chắc thằng Bảy Vân báo cho bọn nó bắt con Cúc nhà tao chứ không ai khác.

-Sao má biết?

-Sao tao lại không biết! Cách đây mười bữa, thằng Bảy cùng bọn thượng cấp, đi xe Jeep về xã, rảo khắp các xóm rồi kéo nhau ra đồng, lật bản đồ ra coi, sau đó về trụ sở xã họp kín với nhau. Xế chiều bọn chúng mới lên xe về Thị xã. Hai ngay hôm sau con Cúc nhà tao, con Năm Lý, ông Kiều bị bọn cảnh sát bắt đưa về Tỉnh, sự thể chưa biết ra sao.

Mai bỗng thở dài im lặng. Nét mặt thoáng buồn Xuân lo lắng:

-Nghe nói con Cúc và chị Năm Lý đều bị biệt giam, chúng nó sẽ đưa chị Năm lý vô khám Chí Hòa rồi đưa đi Côn Đảo. Tội nghiệp con Cúc không thoát khỏi tay thằng phó ty cảnh sát đâu!

-Em nói sao?

Nghe Mai hỏi, Xuân đỏ mặt lúng túng cúi đầu tránh cái nhìn của Mai rồi ngập ngừng trả lời:

-Thằng phó ty cảnh sát ác ôn  lắm chị à... Anh Màu cảnh sát là cơ sở của mình  nói thằng phó ty có một phòng riêng chuyên bắt đàn bà con gái vào đó vấn cung. Khi vào phòng nó cho uống thuốc kích dục, rồi chiếu phim con heo bắt phạm nhân coi. Vậy là phạm nhân tự cởi quần áo ra cho nó hãm. Hãm xong, nó cho bọn lính về hội đồng, sau đó mới đem đi tra tấn.

Xuân rùng mình nhìn Mai, đôi mắt mở to sợ hãi. Như thấu hiểu nỗi lo của má Hai, Mai bùi ngùi:

-Má vừa đi tù về thì con Cúc lại bị bắt, đã cơ cực lại càng cơ cực!... Làm cách mạng phải chịu bao  tủi hờn, nhưng mình không làm thì ai làm thay cho mình đây! Mỹ - Thiệu gây cảnh lao tù, nhà tan, cửa nát ai mà không căm tới tận xương tủy má à!

Nước mắt bỗng trào ra, đôi bàn tay khô rám của má Hai Hiền run run bám lấy vai Mai:

-Làm sao bây giờ Mai ơi!...

Ôm má Hai vào lòng nước mắt rưng rưng Mai vuốt nhẹ lên lưng má nghẹn ngào:

-Nín đi má! Lúc này phải dũng cảm lên má à! Tội ác trời không dung đât không tha mà bọn Mỹ gây ra phải trả bằng máu! Phải tiếp thêm nghị lực cho Cúc, em nó sẽ đứng vững trước kẻ thù !...

Nhìn má Hai thần người, nước mắt chảy tràn trên gò má và cố nén những tiếng ưng ức đang nghẹn trào trong cổ.  Mai hiểu lúc này má khác nào gà mẹ mất con, biết con bị nạn muốn xông vào cứu mà đành bó tay  đứng nhìn! Ông trời thiệt trớ trêu, cuộc đời thiệt eo óc biết chừng nào!... Thấy mọi người lặng im, Chín Phượng nhìn má Hai khẽ lắc đầu nói:

-Em thấy lần này thằng Bảy Vân sẽ chỉ điểm bắt nhiều người nữa chứ không phải ngần ấy người đâu. Nhỏ Xuân bất ngờ bị lộ nhảy núi phải nhắn để ông già, bà già nó biết mà tìm cách đối phó với bọn chúng.

Không khí trầm lắng vô tình được xóa tan, mọi người nhìn nhau cười. Nghiệp nhỏ nhẹ:

-Thôi chuyện đã qua cho qua, chuyện gì tới sẽ tới, để chị Mai tranh thủ trao đổi công tác còn má Hai về. Về trễ ông ấy ghen lại bợp tai cho đấy.

Xuân cười ròn tan:

-Ừ, Nghiệp nó nói đúng đó ông già ghen một cây, già khụ mà còn ghen mới lạ chớ, có lần tao thấy ông bợp tai bà già vì tội cười với ông Chuẩn đờn cò rồi đấy.

-Cái con, ăn với nói...ổng có thương mới bợp tai chớ bộ.

Mai bật cười:

-Thôi đi mấy nàng, trẻ có tình trẻ, già có tình già mấy nàng làm sao hiểu được.

Nhìn má Hai Hiền đỏ mặt cười, Mai nghiêm nét mặt:

-Năm nay chuột bọ đồng mình nhiều, phải tổ chức bà con khoanh vùng mà diệt kẻo mất mùa thì khốn. Cứ yêu cầu thằng xã trưởng ra đồng diệt chuột làm gương cho dân, sợ chết nó không dám ra đồng thì cả làng tự do ra đồng như vậy điều kiện liên lạc giữa căn cứ với dưới làng thuận nhiều má à.

Má Hai cười lắc đầu:

-Thằng xã trưởng nó nói: Ông trời làm thì phải chịu, còn lệnh thượng cấp quy định thời gian ra đồng, về làng không thay đổi được. Ai làm sai chết ráng chịu. Tuần trước bọn bảo an bắn M79 ra đồng làm chết hai người, ba người bị thương rồi đó.

-Thôn mình có ai việc gì không?

Nghe Phượng hỏi, má Hai lại thở dài:

-Cha con ông Tảng đang đào chuột thì quả M79 nổ trước mặt ông Tảng chết, thằng con trai bị thương.

Chín Phượng hỏi dồn:

-Rồi sao nữa?

-Tội nghiệp! Dân mình túa ra đồng khiêng  xác ông về và vào thị xã mua gấp cỗ quan tài để chôn cho kịp giờ hoàng đạo, ấy vậy, mà thằng xã trưởng  với thằng trưởng đoàn “Bình Định” rủ nhau tới hạch sách đòi nhậu nhẹt.

Mai bực mình:

-Đồ quỷ sứ!

Má Hai Hiền vẫn thư thả kể:

-Đốt ba cây nhang lấy cớ rồi xà vào bàn ăn nhậu say bí tỷ mà vẫn còn đòi bia rượu. Gia chủ vừa khóc người chết, vừa khóc bọn nó ăn và nói bậy, phá phách.

Mai hậm hực:

-Sao không tìm cách tống cổ chúng đi cho rảnh.

-Có trời mới bứng được mấy thằng bợm ấy ra khỏi bàn nhậu. Cũng may là trong lúc say thằng trưởng đoàn “bình định” thấy lũ trẻ cầm mấy cái bao đi qua liền chạy ra  đứng chặn giữa đường hét vang: Ê...Bọn nhóc dừng lại...Bọn bay ra đồng nhận lựu đạn của Việt cộng đem vào làng đánh bọn tao hả..!

Lũ trẻ sợ xanh mặt dở vội bao ra, thấy chuột trong bao, nó cười sặc lên rồi lè nhè nói: Ờ hé, chuột to quá hé...trông y như trái lựu đạn ấy bay à...Tội nghiệp, chuột chết cũng ra ma, ông ấy chết cũng ra ma...tử sĩ về chuột là đúng quá  rồi phải không ông xã trưởng...

Thấy mọi người cười ran, má Hai kể:

-Chân nam  đá chân siêu hai đứa vừa đi, vừa hát như gào lên cái bài gì tao quên mất rồi.

Xuân nhanh miệng:

-Bài vọng cổ lính nó đặt “Em ơi, nếu anh chết em có buồn không em...hay em tấp tỉnh phấn son đi với bồ”.

 Xuân hào hứng:

-Con gái ông Thừa Đạt đi lấy chồng cố ý không mời bọn lính, thằng trung sĩ Chiêm, liền bày chuyện tới mừng rồi sà vào bàn nhậu. Thằng Chiêm say mềm người, bọn lính phải vực ra tới cổng thì thằng Chiêm trúng gió ngã cái đụi nằm chết quay đơ trước cổng nhà. Vậy là lớp tới mừng, lớp đang ăn nhậu, lớp khiêng thằng Chiêm khiến cả xóm cứ lộn tùng phèo  cả lên. Thiệt là oái oăm không biết hên hay sui nữa. Nhờ vậy em mới biết địch sắp điều đại đội  bảo an 310 về vùng mình đóng quân, càn quét.

Má Hai gật đầu:

-Chúng liên kết với bọn lính trên núi Sầm đánh phá xã Phụng mình là cái chắc. Bay cần phải có kế hoạch đối phó. À, thằng Sang ở tù mới về, bị chúng nó đánh gãy chân đi cà thọt trông tội lắm. Nó còn yếu lắm, nhưng cứ đòi gặp mày để thoát ly, đúng là cọp thì phải về rừng thôi Mai à. Máy may bọn tao đã mua, bay chuyển gấp lên cứ kẻo trễ công việc. Dưới làng bọn hội đồng  xã mở chiến dịch vẽ cờ, phát cờ quốc gia cho từng nhà.

Mai thư thái đứng dậy nắm tay kéo má Hai Hiền tới bụi ổi sát bờ mương ngồi nói chuyện khá lâu, rồi má Hai vội đứng dậy cầm nón chào mọi người hối hả ra đồng về làng. Tần ngần đứng nhìn theo má Hai, Xuân lén ngoảnh mặt lau nước mắt, mặt hơi ửng đỏ đăm đắm nhìn về thị xã Tuy Hòa. Mai vuốt nhẹ vào lưng Xuân thủ thỉ:

-Thôi chị em mình về cứ , hồi mới thoát ly chị cũng nhớ nhà như em, nhưng công tác chỉ một thời gian thôi là chị quen với nếp sống thoát ly em à.

-Dạ...em không sao đâu, chắc ở dưới đó ba má em đang lo lắm chị à...

Xuân bẽn lẽn cười nhìn Mai rồi chạy nhanh tới chỗ Phượng và Nghiệp. Mai lững thững khoác súng  vừa đi vừa ngắm nhìn ba cô gái và hai chàng du kích xã Phụng líu ríu nói chuyện.

Đêm nay sau khi liên hoan mừng Xuân lên cứ xong, chờ cho mọi người đi ngủ Nghiệp mới lên võng nằm. Tin trung đội của Duy được tăng cường về xã Phụng công tác khiến Nghiệp bồn chồn không ngủ được. Nhìn Mai ngồi bên ngọn đèn dầu sáng lung linh, khuôn mặt trắng hồng lấp ló dưới mái tóc đen dày óng ả, bất giác Nghiệp thấy Mai đẹp  lạ lùng. Nghĩ tới lời Thím Năm nói: "con Mai có hơi chồng  nhất định sẽ chóng khỏi bệnh, chuyện đó mày chưa hiểu đâu...” tự nhiên Nghiệp mỉm cười một mình trong đêm.

Tiếng pháo bầy của địch rất xa vọng tới, tiếng súng đại liên ở núi Sầm lụp bụp vọng lại, ngọn gió rừng lành lạnh bay luồn dưới võng và cả tiếng mưa rơi lắc cắc...cứ hùa theo những suy nghĩ mông lung của Nghiệp bồng bềnh như những đợt sóng trôi trên dòng sông Đà Rằng  miên man vô định.

 



                                                                                    2

           

Đêm qua đột nhập vào thôn Tường thì bất ngờ gặp địch buộc Duy phải ra lệnh nổ súng thu hút hỏa lực cho anh em rút quân. Cũng do hoảng hồn nên Hải xạ thủ B.40 đặt súng lên vai bắn ào vào làng. Trái đạn bay vọt cầu vồng và tự nhiên bọn địch ở trong làng không bắn ra nữa. Nhưng pháo địch thì bắn như mưa trên cánh đồng cũng như dọc theo bìa núi vùng căn cứ. Lúc chúi vào bờ ruộng, khi nằm ào giữa vũng bùn, con gái và con trai thở hổn hển nằm đè lên nhau tránh pháo chụp trên đầu... Quân ta chạy một bữa sạc đùi về đến nhà vẫn phải nhảy xuống hầm tránh pháo bắn cả giờ đồng hồ nữa tình hình mới yên.

Do cái nhớp của đêm  trước, nên đêm nay vào thôn Tường ai cũng nghĩ nhất định sẽ gặp địch. Trạng thái vừa đi đường vừa bám địch khiến đầu óc của từng người đều căng như sợi giây đàn,  nhưng vào làng lại không có địch. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy chiến tranh nhiều lúc giống như trò trốn tìm mà cả ta lẫn địch đều là kẻ trốn và tìm nhau trong phập phồng may rủi. Nhìn những ánh đèn hột vịt sáng le lói trong những căn nhà người ra vào mua hàng tấp nập, những tốp lính trẻ hối thúc nhau bám sát hậu cần đến chỗ lấy gạo, tiếng càm ràm của một ông cán bộ ngầy mấy cô gái, chàng trai cười dỡn... Tất cả đều ẩn hiện trước mắt khiến Mai vui lây trong không khí sôi động của thôn Tường.

Đi gặp cơ sở và kiểm tra tình hình xong Mai cùng Hai Trúc và Út Hân đến nhà cụ Dư Phước. Thấy Mai cụ Dư Phước mừng rỡ cười ròn rồi khen:

-Đêm qua anh em mình đánh trúng ban chỉ huy đại đội 310 nên đêm nay chúng không dám ở trong làng nữa, phải đánh trúng huyệt như vậy chúng mới bớt hung hăng với dân xã Phụng.

Hai Trúc đỏ mặt gãi đầu:

-Dạ, đâu có... Bọn con mới chỉ...

-Ủa, hai thằng chết, thằng đại đôi trưởng và một thằng lính bị thương, còn khẩu trung liên cháy cong lại, chúng lo khiêng nhau không dám đánh trả anh em mình chứ bọn nó có ngọng đâu mà không biết nổ súng.

Khẽ à... lên một tiếng rồi bật cười Mai chợt hiểu trái B.40 do Hải bắn ai cũng trách là vô duyên không ngờ lại hữu dụng như vậy. Được thể cụ Dư Phước phấn chấn nói:

-Sáng nay bọn lính nói: bị đánh bất ngờ dại gì mà nổ súng làm lộ cộng sản bắn bay cái sọ dừa đi thì hết đi lãnh lương nuôi vợ con. Anh hùng có chỗ, gian hùng có nơi, có vậy bọn tôi mới đánh được cộng sản. Cái lý của thằng thua nói ẩu là vậy đấy bay à.

Thấy mọi người chú ý lắng nghe cụ Dư Phước lại nói:

-Thằng đại đội trưởng nói: Thắng thua là chuyện bình thường bọn tôi đâu có ngán, nhất định bọn tôi sẽ bắt cộng sản phải trả món nợ này ngay trên đất xã Phụng.

Út Hân nhận xét:

-Thằng này hung hăng muốn làm tàng phải không nội.

Mọi người đều cười, cụ Dư Phước gật đầu vui vẻ nói:

-Nó nói: Dẫu máy bay B.52 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc, dẫu hiệp định Pa-ri về Việt Nam có ký kết thì quốc gia vẫn đánh cộng sản chứ không có hòa hợp gì trơn.

Ngừng một lát cụ Dư Phước lại nói:

-Bọn nó nói: Chỉ một thời gian ngắn nữa, quốc gia sẽ dồn cộng sản vào ở trong hang núi sống chung với cọp vằn, khỉ đột. Bọn này ác ôn không diệt không xong bay à.

Mai gật đầu đồng ý với cụ Dư Phước và nhận xét:

-Bọn con cũng đã tính đến khả năng chúng sẽ càn quét lớn vùng căn cứ của mình rồi nội à.

Chợt nghe tiếng lịch kịch ngoài sân, biết anh em khiêng máy may đã tới, Mai định  nói thì Chín Phượng cùng Xuân và Ba Hổ đã nhẹ nhàng đặt chiếc máy may ở hiên nhà. Mọi người cùng xúm đến xem, Út Hân gật gù:

-Còn y nguyên trong hộp chị Hai à.

Mai bật cười gật đầu nhìn Út Hân và thích thú với tính ngồ ngộ của thằng nhỏ.  Xuân nói như khoe:

-Máy may nhãn Ba con bướm là hạng nhất rồi đấy, cách mạng mình sài toàn đồ sịn. Từ nay quần áo rách khỏi phải ngồi khâu, chỉ mạng ào một lát là xong phải không chị Hai.

Chín Phượng vui vẻ:

-Đừng tưởng bở em ơi, mình mua cho Thị đấy.

Xuân hít hà:

-Uổng quá ta... Vậy mà em cứ tưởng mua cho xã mình.

Mai vui vẻ giục:

-Tháo chân máy, đầu voi ra cho gọn để từng người mang, lềnh kềnh như vầy không được đâu.

Nhanh nhảu Út Hân và Ba Hổ cùng Xuân và Chín Phượng xúm nhau vừa tháo máy vừa nói chuyện rôm rả. Đột nhiên Hai Trúc hỏi Mai và cụ Dư Phước:

-Tám Nghiệp đi đâu mà giờ này chưa về nhỉ?

Cụ Dư Phước cười rạng rỡ:

-Nó với thằng Duy đem đồ về cúng Tổ chưa kịp cúng thì anh em gọi đi, chắc cũng xắp về rồi đấy.

Mai hóm hỉnh hỏi:

-Vậy là con nhỏ lấy chồng Bắc thiệt rồi, nội đồng ý chứ?

Nét mặt rạng rỡ hẳn lên cụ Dư Phước hồ hởi:

-Hồi nhỏ lập cho nó lá số tử vi nội thấy cung phu của nó phải lấy chồng xa mới đắc cách, bây giờ ứng rồi mới lạ chứ. Các cụ mình ngày xưa giỏi thiệt.

Mai thiệt tình:

-Cha con cũng lập cho con lá tử vi nhưng viết bằng chữ Tàu nên con chẳng hiểu gì hết, vậy số con ra sao?

-Trông tướng mày cũng biết là vượng phu, ích tử rồi... mà kể cũng lạ, xã mình do thế đất đắc địa nên con gái đứa nào trong lá tử vi cũng có sao Liêm Trinh, Hồng Loan đắc địa chiếu vào các trọng cung mới lạ chứ. Xem ra con gái bây giờ đẹp không thua con gái lớp trước mới tài chứ.

Hai Trúc vội hỏi:

-Chuyện đó đúng thiệt không nội? Nội xem cho con với. Bữa nay hai anh chị về ra mắt à ?

-Ừ, đồ cúng bày trên khám, còn chỉ chờ chúng nó về cúng là xong chứ có gì đâu... Chiến tranh mà...

Vừa tháo máy xong Út Hân cũng xen vào chuyện:

-Vậy mà hai người im như đá, kỳ này về cứ thì chết với em.

Bỗng Hải cầm súng xăm xăm bước vào hối thúc mọi người:

-Có địch vào làng, tất cả ra chỗ tập trung nhanh lên.

Vừa lúc đó Duy và Nghiệp cũng hối hả bước vào nhà. Xốc gùi gạo lên lưng Nghiệp nói với Duy:

-Anh chào nội đi rồi mình tới chỗ tập trung, ở nhà cúng cho bọn con nghe nội.

-Ừ... Để nội lo!... Tội nghiệp đôi trẻ chưa kịp cúng Tổ!... Đi cẩn thận nghe bay!

Chỉ một thoáng sau anh em xã Phụng đã đến nơi tập trung và nhanh chóng hòa vào đoàn người đang rời khỏi thôn Tường.

Hương bùn non trộn lẫn hương cỏ úa bay thoang thoảng trên cánh đồng làm dịu bớt sự căng thẳng của từng người. Màn đêm đen tím khiến người đi sau chỉ nhận ra màu xám lờ mờ của cái gùi trên lưng của người đi trước. Căng mắt, căng tai vừa đi vừa quan sát xung quanh khiến không khí vốn im lặng càng lặng im hơn. Chợt có tiếng người gọi:

-Chờ với!...

Lập tức cả đoàn người ngồi thụp xuống hồi hộp chờ đợi những giây phút có thể bất ngờ nổ súng và nhìn nhau như nhắc nhở bám sát đội hình chờ lệnh. Khá lâu không thấy động tĩnh gì biết là không có địch, lập tức nhiều tiếng càm ràm người đi lạc nổi lên bay lan rất xa trên cánh đồng. Vội xốc gùi gạo nặng trịch đang đè dính trên lưng cho đỡ mỏi, Mai quay lại ra lệnh:

-Truyền sau im lặng, có biệt kích.

Khẩu lệnh được truyền nhanh và phút chốc đoàn người im lặng tiếp tục bám sát đội hình đi đường. Đã thành thói quen khi đến Bàu Cạn, đàn ông thì tự động cởi quần dài còn đàn bà thì xắn quần thiệt cao nên đội hình phải tạm dừng lại. Như trút được gánh nặng Út Hân nói:

-Lội qua quãng sình lầy này là chị em mình vừa đi vừa huýt gió cũng về đến nhà chị nhỉ.

Mai nghiêm giọng:

-Xắn quần cho nhanh lên, lại còn đứng mà tán dóc à.

Nói xong Mai xốc gùi gạo sải trước khiến Út Hân phải đi theo như chạy. Đang bì bõm lội trên đoạn lầy, nước tới bắp vế thì ánh đèn dù của bọn Đại Hàn từ núi Tranh bắn vụt lên khiến mọi người chỉ còn biết khom lưng đứng như trời trồng. Trong ánh sáng chập chờn của đèn dù mọi người đều nhìn thấy đội hình của đoàn đi khẩu dài gần hai cây số và bỗng thấy công tác tổ chức đi khẩu ở xã Phụng quả là rất phức tạp. Nhìn lên núi Tranh ai cũng thấp thỏm lo bị lộ thì chẳng những pháo mà ngay cả đạn thẳng của bọn Đại Hàn trên cứ điểm cũng có thể bắn chính xác mục tiêu trên bàu một cách dễ dàng. Bỗng Ba Hổ khẽ kêu lên:

-Coi chừng kẻo ngã!

Luống cuống Xuân xoay người đứng giữ thế và thuận đà đẩy đòn khiêng về phía trước khiến Ba Hổ chao người rồi sập xuống hầm bùn sâu tới cổ. Nhìn Ba Hổ vùng vẫy, Hai Trúc hốt hoảng vừa trườn tới vừa nghiêm giọng:

-Bám chặt thùng máy đứng im! Để tao cứu!

Bước tới gần chỗ Ba Hổ, Hai Trúc lấy chân dò tìm nơi đất cứng dưới bùn rồi  nghiêng mình và nói:

-Thả thùng máy là chộp ngay nòng súng của tao dồn đu thiệt nhanh ra khỏi hầm bùn rõ chưa.

 Ba Hổ nhướn người đu lên khỏi hầm bùn và lầm bầm:

-Chút nữa thì mất mạng!

Hai Trúc mừng rỡ:

-Phúc cho mày đấy, nhiều người sập búng, tức sập hầm bùn, càng vùng vẫy càng lún sâu rồi chết sặc trong bùn hiểu chưa.

Lại những loạt pháo sáng từ núi Tranh bay vụt lên kêu lụp bụp và cháy sáng cả một vùng trời khiến mọi người đều nhìn rõ những rào kẽm gai, lô cốt và những dãy nhà tôn trên cứ điểm núi Tranh. Bỗng tiếng rít của chiếc gù đèn bay sé trên đầu, chỉ kịp co người nhắm mắt Mai  đã nghe thấy tiếng rơi như lưỡi dao bay xoáy cắm phập xuống bùn làm bùn bắn tung tóe. Mở mắt  Mai bỗng rùng mình sợ hãi, Út Hân thảng thốt kêu lên:

-Mô phật! Chút xíu thôi là chị em mình thành liệt sĩ vì gù đèn rồi!

Tám Nghiệp bực mình ngầy:

-Quạ ỉa vào miệng mày đấy Út à! Mở miệng là nói gở!

Út Hân làu bàu:

-Lại bà nữa, đi làm cách mạng mà cứ đeo cái lư hương trên đầu rồi sinh chuyện hoài!...

Mai nghiêm giọng:

-Hai đứa có im đi không, địch sát bên còn kình với cãi!...

Nói xong Mai lại căng mắt nhìn một loạt đèn dù bay vút lên trời. Út Hân nói nhỏ:

-Chị lau mặt đi kẻo bùn vào mắt là đau mắt đấy

-Hơi bùn tanh thiệt đấy.

Nói xong Mai lất ống tay áo chùi mặt và nhìn Út Hân cười. Vượt Bàu Cạn về tới  mương số một, Mai mới cho anh em nghỉ giải lao. Những tiếng cười nói lao xao dọc theo bờ mương lại vang lên và nhiều người đã tranh thủ nhảy xuống mương tắm. Chợt tiếng bục kêu rất nhẹ vọng đến và lập tức ánh chớp  cùng với những tiếng nổ và mảnh pháo bay sát sạt trên đầu khiến mọi người vừa chạy vừa nằm tránh pháo và về đến nhà vội vàng nhảy ào xuống hầm tránh pháo. Cũng may sau đợt pháo bắn không ai bị thương vong nên mọi việc lại trở lại như cũ và cũng không ai dám ra mương tắm nữa.

Pháo ngưng bắn được một lát thì mấy chàng trai vội rủ nhau ra suối tắm, nhưng vừa đến bờ suối lập tức ánh đèn pin rọi vào mặt và giọng nói lanh lảnh vang lên:

-Nhắm mắt lại! Đằng sau quay!

Hoảng hốt mấy chàng đứng ngây ra nhìn đã thấy bọn con gái tắm mà chẳng có chị em nào mặc quần áo cả, ấy vậy còn đứng tụm vào nhau hò hét đuổi bọn con trai đi. Chưa kịp phản ứng thì giọng nói tinh quái đã vọng tới:

-Xuống tắm chung rồi chúng mình cùng về làm kiểm điểm anh ơi...

- Tắm chung rồi cùng nhau lên suối Ché phát rãy ta xây cái tổ con tò vò kẻo trễ anh ơi...

Mấy chàng trai chỉ còn cách co giò vắt chân lên cổ mà chạy về tới nhà rồi kình nhau chí chóe về cái tội lề mề để bọn con gái nhanh chân chiếm mất chỗ tắm. Thực hiện phản ứng nhanh, mấy chàng dựng ngay chuyện tới kể cho Út Hân biết bọn con gái đang kình cãi ở ngoài suối đem cả Út Hân lẫn Mai ra làm chứng và còn đòi lột quần áo ra khám xét nữa... Rồi với bộ mặt hết sức bất bình, những lời lẽ nỉ non cùng những tình tiết éo le mấy chàng cung cấp cho Út Hân có đủ chứng cứ mà đi dẹp loạn. Chẳng hiểu Út Hân nói với Mai những gì mà cả hai chị em tức tốc cầm đèn pin ra suối dẹp loạn.

Tới bờ suối nghe thấy tiếng cười nói rổn rảng của bọn con gái và biết mình bị mắc hợm, xong tính nghịch ngầm nổi lên Mai quất đèn pin lia lịa xuống suối. Lập tức nhiều tiếng cười nói xen lẫn tiếng kêu ré lên:

-Ối! Tắt đèn đi!

-Ai đấy! Sao kỳ vậy!

-Đứa nào quậy phá đấy! Có tắt đèn đi hay không thì biểu!

Mai tắt đèn rồi đứng cười ròn tan. Được thể Út Hân ra oai liền hừ lên một tiếng rồi nói:

-Chị Hai đấy, ai dám nói quậy? Mấy bà quỉ sinh giặc.

Lập tức những tiếng cười nói càng vang hơn:

-Ý hý ... Chị Hai chơi xấu nghe!...

-Thằng Út hả, mày với chị Hai đằng sau quay, bước đều bước.

-Thằng Út trẻ con cho về, còn chị Hai ở lại tắm với bọn tao nghe chưa.

Chạm nọc Út Hân trả đũa:

-Hừ, đàn bà con gái rủ nhau tắm truồng mà không biết mắc cỡ.

-Nè Út ơi, đây là chỗ tự do của mấy chị biết chưa, về nhà mắc võng ngủ đi em... ý hý...

Út Hân nổi quạu to tiếng:

-Mấy bà chỉ giỏi tranh chỗ tắm của người khác rồi ỷ đông người ăn hiếp thế cô chứ làm gì được ai. Hồi địch nổ súng thì chạy như vịt bị chồn đuổi, lúc pháo bắn mấy anh nằm che đạn cho mà vẫn sợ chết hết rên lại kêu lên: áp mạnh vô anh, áp mạnh vô anh... Vậy mà bây giờ cái miệng tía lia.

Tiếng cười nói càng rộ lên:

-Ý hý... Tại mấy anh ấy lớn rồi nên lúc đè lên thì mấy chị mày mới rên, còn chú mày bằng cái kẹo thì làm sao mấy chị rên nổi.

-Sao pháo nó không bắn cho mấy người tiêu đời đi cho rồi, để làm gì cho sinh chuyện sạo sự...

-Út ơi, tại mấy chị chưa biết mùi đời chết mối nó xông thì uổng lắm em ơi.

Tiếng cười cứ rộ lên khiến cả hai chị em luống cuống và Mai chỉ còn biết đứng cười cho đôi bên đấu khẩu. Lại một giọng lì lợm tinh nghịch bay tới chỗ Mai:

-Chị Hai ơi, cho mấy anh ra tắm chung với bọn em rồi chị chỉ huy bọn em đi gùi gạo nuôi trẻ nhỏ nghe.

Mai phì cười nói thiệt lớn:

-Đứa nào thách đố đấy?  Tao ra lệnh thì cả bọn nó ào xuống tắm lúc đó đừng trách chị Hai nghe chưa?

Mai vừa nói dứt câu, lập tức nhiều tiếng nói lao xao:

-Cứ thách, chị ấy không dám đâu...

-Úi cha, lì đòn một cây đấy bà ơi...

-Nè mấy người đó đến thiệt thì có nước xách quần chạy không kịp đâu mấy bà ơi... Đừng có mà dại...

Đột nhiên một giọng ca vọng cổ lảnh lót vang lên:

-Chị Hai ơi... Chị đừng có xui mấy ông thần hoàng, thủy đế ấy ra đây để cho bọn em tắm, bọn em giặt, kẻo tắm chung thì mai đây cấp trên sẽ gọi chúng em lên kiểm điểm với phê bình...

Đến nước này Mai chỉ còn biết lắc đầu chịu thua rồi quay lại nói với Út Hân:

-Về thôi Út, ngày mai mình trị tội bọn nó cũng chưa muộn.

Thấy Mai cầm đèn vừa soi vừa đi về nhà Út Hân cũng đi theo xong vẫn không quên ngoái lại hăm một câu thiệt to:

-Rồi mấy bà sẽ biết tay tôi!

 
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 4971



« Trả lời #33 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2023, 10:43:45 am »

Chương 32


                                                                                 1



Địch lại đưa thêm một trung đội cảnh sát dã chiến và một đoàn “bình định” nông thôn về xã Phụng tiến hành những cuộc truy lùng, bắt bớ, thẩm vấn. Cảnh dân sáng ra đồng chiều về làng bị khám xét gắt gao lại diễn ra. Đêm đêm bọn bảo an như những bóng ma chờn vờn khi ẩn khi hiện trong vườn cây, ngõ xóm dồn người dân vào cảnh sống trong phập phồng lo sợ. Thế nhưng địch ở thôn này thì cộng sản lại vào thôn khác và tự nhiên thế trận theo kiểu đèn cù cộng sản xã Phụng dắt mũi bọn bảo an chạy tít mù rồi lại vòng quanh đêm đêm diễn ra.

 Song song  với việc cho lính đem sơn đến từng nhà sơn cờ quốc gia, bọn địch họp dân thành lập các liên gia và bắt dân vào đảng Dân chủ của Tổng thống Thiệu . Người vào đảng Dân chủ nếu không biết chữ có  bọn chúng viết dùm rồi chỉ cần lấy  tay ịn vào tờ đơn viết sẵn là thành đảng viên đảng Dân chủ. Tự nhiên hơn nửa dân xã Phụng trở thành đảng viên đảng Dân chủ. Bởi vậy mới có chuyện là:  Bọn hội đồng xã và bọn “bình định” họp dân thôn Tường để phát động phong trào thi đua hưởng ứng tham gia chiến dịch lấn đất dành dân của quốc gia tại trụ sở xã. Sau khi chúng lên đọc diễn văn rồi thay nhau phát biểu đã đời, đến phần dân lên phát biểu nguyện vọng hưởng ứng chiến dịch thì do chữ nghĩa kém thằng Ri trưởng đoàn “bình định” nhìn vào giấy đọc:

-Xin mời bà Nguyễn Thị Út Đủn 40 tuổi ở đầu xóm Gò lên phát biểu cảm tưởng.

Dân thôn Tường nhìn nhau cười phá lên khiến thằng Ri đập bàn quát thiệt lớn:

-Im! Mấy người định phá hay sao mà cười?

Ông Hai Kiều vội đứng lên  xoa hai tay lễ phép nói:

-Dạ thưa Út Đủn ở xóm tôi có con ông Ba Khía thôi ạ.

-Vậy thì con ông Ba Khía lên nói.

Nghe thằng Ri chặn lời ông Hai Kiều ra lệnh, ông Ba Khía vội đứng bật dậy xoa tay:

-Dạ ... con Út Đủn nhà tôi mới có 4 tuổi thôi ạ.

Thằng Ri đập bàn một cái rầm mặt hằm hằm:

-Ông nói thiệt hay nói dỡn với tôi đấy ?

-Dạ, thưa thiệt đấy ạ, trước khi tới đây tôi còn rửa đít mà, nó khóc tôi phát vào đít nó một cái bộp, không tin tôi xin ẵm nó lại đây để ông coi.

Thằng Ri gằn giọng nói như quát lên:

-Vậy ai ghi vô giấy đây?

Ông Tư Nỏ vội đứng dậy nói:

-Dạ đấy là ông lính “bình định” bữa đó đến ghi,  tôi là liên gia trưởng cũng có mặt.

Tức ói máu thằng Ri quên cả chiếc micro trước mặt quay sang hạch tên xã trưởng:

-Ông xã trưởng định chơi tôi phải không?

Tên xã trưởng vội nói:

-Tôi đã nhắc  ông đọc giòng trên là ông Ba Mun cớ sao ông lại đọc dòng dưới rồi đổ cho tôi.

-Trời đất! Mun với Đủn có khác gì nhau! Ông hại tôi rồi!

Tiếng của thằng Ri và thằng xã trưởng  lọt vào micro phát ra loa  phóng thanh oang oang khiến mọi người đều cười ngặt nghẽo. Thằng xã trưởng đứng trước micro hỏi:

-Sự thể ra sao yêu cầu liên gia  trưởng nói  để ông  trưởng đoàn rõ.

Ông Tư Nỏ  đứng dậy e hèm rồi chắp hai tay nói:

-Dạ thưa, dân quê  thường gọi tên con thay tên mình nên cứ gọi tên con là cả xóm biết. Ông Ba Khía nói là đúng sự thiệt, còn ông lính “bình định” ghi như vậy thì dễ nhớ, mong các ông thông cảm.

Thằng Ri cằm giật giật rồi rít lên:

-Vậy ông Mun đâu?

-Dạ, ông ấy đang bị đi tả có nhờ cụ Dư Phước đang cắt thuốc bắc cho uống nên không tới đây được, không tin quí ông cứ tới nhà thì rõ.

Lúc này bọt mép của thằng Ri sùi ra, rồi nó nói như thét lên:

-Giải tán.

Chỉ chờ có vậy, lập tức dân thôn Tường nói như ong vỡ tổ, ông Hai Kiều đi sát ông Ba Khía nói cho được một câu:

-Con Đủn nhà ông bữa nay coi vậy mà được việc hé...

Rồi chuyện ông Chuẩn đờn cò bỗng dưng bị bọn cảnh sát bắt về tội tự nhiên hai đứa cháu mất tích. Bọn chúng tra tấn dã man bắt ông Chuẩn đờn cò khai ra những người trong đường dây đã đưa hai đứa cháu  ông lên cứ thoát ly, rồi đưa ra Bắc học để đào tạo cộng sản nòi về đánh lại quốc gia. Ông Chuẩn đờn cò thì một mực khai hai đứa cháu đã lớn không chịu đi hát rong đã rủ nhau trốn đi bụi đời bỏ ông thơ bơ thất bất một mình. Rồi bị đánh đau quá ông Chuẩn khai và dẫn bọn cảnh sát tới chỗ mấy ông cộng sản bự của tỉnh. Ông Chuẩn đờn cò dẫn bọn cảnh sát tới nhà ông chủ tiệm vàng, ông chủ tiệm vải, ông chủ tiệm đồ gỗ. Thấy ông Chuẩn đờn cò đưa cảnh sát tới nhà, ông nào cũng lăn ra cười công nhận có biết ông đi hát rong và đều nói: cái ông gió chưa thổi đã bay  như vầy làm sao theo cộng sản nổi. Nghe nói cả ba ông chủ đều có con cháu là dân biểu hay làm chức bự trong Sài Gòn và nói với con cháu hay mấy người có chức bự ở Phú Yên nên ông Chuẩn đờn cò được tha.

Vẫn cái dáng liêu xiêu đi giữa chiều nắng nhạt, ông Chuẩn đờn cò vừa đi vừa bò về đến nhà thì ho ra máu rồi nằm liệt chiếu liệt giường, liệt chiếu. Hàng ngày thương tình cụ Dư Phước tới xem mạch và cho uống thuốc, còn vài người hàng xóm tới nấu ăn giúp ông Chuẩn đờn cò vượt qua cơn bĩ cực.

Nghe nói có người trông thấy ông hòa thượng và ông ăn mặc rất sang tới đón hai đứa cháu ông Chuẩn đờn cò ra Tuy An rồi đưa chúng vô Sài Gòn  hay lên căn cứ gì đấy. Rồi chẳng hiểu ai cho ông Chuẩn đờn cò cái khung hình và ông đã lấy tờ giấy chứng nhận cùng tấm huy chương anh dũng bội tinh của thằng con trai đi lính biệt động bị tử nạn ra treo cho oai. Lại nghe nói cách đây một tuần có ông cộng sản bự ở tỉnh về thôn Tường, đêm hôm ông ấy xuống làng có cả quân đi theo hộ vệ. Ông cộng sản đó có qua nhà cụ Dư Phước rồi tới nhà ông Chuẩn đờn cò ngồi nghe đờn và hát, rồi cho tiền để ông Chuẩn đờn cò bốc thuốc uống...

Quả thiệt chuyện về ông Chuẩn đờn cò lúc nào cũng u u minh minh giống như luồng gió trong với luồng gió đục mờ xoáy trộn vào nhau, đun đẩy nhau rồi bay là là trên mặt ruộng khô cằn nứt nẻ như chính cuộc đời ông.

Đêm qua, ông Chuẩn đờn cò ngồi lấy tấm hình chụp hai đứa cháu ra coi rồi khóc. Sợ nước mắt rơi nhòa tấm hình ông Chuẩn đờn cò để sát tấm hình bên chiếc đèn hột vịt  vừa coi vừa khóc và vô tình một giọt nước mắt rơi xuống bóng đèn khiến nó sôi lên xèo xèo giống như nỗi nhớ thương cháy bỏng của ông. Rồi ông Chuẩn đờn cò cho tấm hình của hai đứa cháu vào cái túi nhựa nhỏ xíu và cất vào túi ngực. Mắt thờ thẫn, ông Chuẩn đờn cò ngồi im như một pho tượng, có lẽ ông đang nghĩ về hai đứa cháu của mình! Chúng nó ra miền bắc học hay đi bụi đời, hay đã được ông hòa thượng cùng ông ăn mặc sang trọng đưa lên căn cứ hay đưa đi học làm CIA cho Mỹ?... Chắc chỉ có trời biết, đất biết và ông Chuẩn đờn cò biết!...

 Đêm  khuya, ông Chuẩn đờn cò đem đờn ra vừa kéo vừa hát. Giọng hát của ông đùng đục khàn khàn giống như những cơn sóng bạc đầu đục ngàu đang dội vào nhau trong mùa mưa tầm tã. Tiếng đàn của ông lúc bổng lên trong như đôi mắt trẻ thơ, khi trầm xuống ấm trầm như dòng lũ chảy cuồn cuộn, như đoàn quân đi. Lúc réo rắt như ai oán, như nước mắt lã chã rơi trong tiếng nấc, khi luyến láy như nhắc nhủ, như ân tình...

Đêm khuya ấy có nhiều người thức giấc bỗng ngồi dậy nghe và có bao người nghĩ tốt về ông hay nghĩ xấu về ông?...

 

 



                                                         
2


 

Màn đêm lại trùm xuống, pháo của địch từ nhiều trận địa bắn như vãi cải trên cánh đồng. Ánh đèn dù từ các cứ điểm của địch bắn lên sáng rực cả bầu trời và hỏa  lực của địch từ các cứ điểm bắn ra không hề tiếc đạn.

Mai khoác khẩu AK cùng Khanh khi chạy, khi bò cùng H.96 đi về hướng thôn Tường. Lại một đợt pháo sáng dày đặc bắn lên khiến mọi người phải nằm ép xuống bờ ruộng. Quay lại nhìn vẫn thấy Chín Phượng, Tám Nghiệp vẫn bám sát đội hình Mai hỏi Chín Phượng:

-Hai Trúc và Ba Hổ đâu?

-Đi với C1 và C2 rồi.

-Đi lâu chưa?

-Khoảng gần một giờ rồi.

Pháo sáng vừa tắt, mọi người lại bám sát nhau chạy qua những đám ruộng nhão nhoẹt khiến nhiều người vừa chạy vừa ngã. Những trái đạn pháo bay nổ trên không trung khiến mọi người phải nằm ép xuống rồi bật dậy chạy tiếp. Những luồng đạn đại liên, trọng liên bắn đan dày, bay là là và cắm xuống bùn phầm phập khiến Mai nhận ra tất cả các thôn trong xã Phụng đều nằm trong tầm đạn thẳng của địch. Nhìn ánh đèn dù chờn vờn trên trời Mai cảm thấy chiến dịch này có nhiều điều khác lạ. Chín Phượng bỗng hỏi Mai:

-Liệu mình có bị lộ không chị?

-Chắc không bị lộ đâu.

Mai vừa nói dứt câu thì tiếng pháo cối, tiếng đạn Đ.K của ta từ nhiều hướng bắn dội vào núi Tranh, núi Sầm và nhiều nơi khác làm cho hỏa lực của địch đang bắn bỗng bị khựng lại. Có tiếng người nói như reo lên:

-Đánh rồi!...

Lập tức hỏa lực của tiểu đoàn H.96 cũng đồng loạt nổ ở nhiều thôn. Rồi tiếng đạn cối, tiếng đạn Đ.K của tiểu đoàn cũng nổ rền ở Gò Giữa, gò xóm Than và gò Cây Duối nơi bọn chỉ huy đại đội 310 cùng nhiều hỏa lực của chúng cũng ở đấy. Nghe tiếng A.K nổ ròn trong thôn Tường, Chín Phượng nói với Mai:

-Chắc là anh em mình đang đánh bọn địch ở khu trụ sở xã chị à.

Mai gật đầu nhân xét:

-Tiếng súng nổ như vậy chắc bọn địch chạy sạch trơn chứ không tiêu diệt gọn đâu.

Thoáng thấy đồng chí liên lạc cầm súng lom khom chạy trước, còn Khanh đang bước những bước dài, Mai vội cầm súng chạy theo. Vừa đến bìa làng thì một loạt M.79 nổ  trên bụi tre khiến Mai vội nằm ép xuống rồi bật dậy chạy vào làng. Thà liên lạc tiểu đoàn bỗng kêu lên:

-Em bị thương rồi!...

Mai vội chạy đến bên Thà thì y tá Sơn chạy đến ngồi băng cho Thà và giục Mai:

-Bám theo thủ trưởng Khanh nhanh lên.

Quay lại nhìn vẫn thấy anh em xã Phụng bám sát theo mình, Mai cầm súng chạy đến gần nhà chị Năm Lý thì nghe tiếng Khanh đang hỏi:

-Truy quét hết địch chưa? Anh Ban đâu?

-Báo cáo đang tiếp tục truy quét, thủ trưởng Ban đang kiểm tra vị trí đặt chỉ huy sở.

Khanh nghiêm giọng:

-Lệnh tiếp tục truy quét, rồi đào hầm rõ chưa.

Mai vội hỏi Khanh:

-Lực lượng dân chính cho triển khai nghe anh?

-Chờ cho tình hình yên đã, lúc này đi đứng loạng quạng anh em nó rẹt A.K vào đầu cho đấy.

Nói xong Khanh đi đến sở chỉ huy tiểu đoàn. Vừa lúc đó Út Hân chạy đến hỏi Mai:

-Em tìm được hầm rồi chị đến coi, cách chỉ huy sở khoảng bốn, năm chục mét là cùng.

Út Hân kéo tay Mai vừa đi vừa nói:

-Căn hầm này không thua gì so với căn hầm hồi mình cùng H.96  đánh trụ lần trước đâu chị à.

Cùng Út Hân đến chỗ căn hầm, Mai cầm đèn pin rọi rồi vui vẻ nói:

-Chị tới chỗ mấy anh trong ban chỉ huy xem tình hình ra sao rồi ta cho triển khai công tác. Nói Chín Phượng tới ngồi trực rõ chưa.

Mai đi nhanh đến chỉ huy sở tiểu đoàn. Thấy Mai, Hùng chính trị viên tiểu đoàn gật đầu chào rồi nói:

-Em cho một y tá đi cùng thanh niên xung phong đi hộ tống thương binh. Trên đường đi có anh em của mình chốt rồi, cứ yên tâm mà đi.

Mai nhanh nhảu:

-Dạ, em cho triển khai ngay.

Hùng căn dặn:

-Khẩn trương lên, thương binh cũng chuyển về tới rồi đấy.

Về đến hầm thấy Chín Phượng ngồi chờ, Mai điềm tĩnh nói:

-Út Hân nói Tám nghiệp tới nhận lệnh rõ chưa.

Út Hân vừa chạy khuất, chín Phượng trầm giọng:

-Theo em chắc chắn ngày mai sẽ ác liệt, khả năng đêm nay địch sẽ vào làng.

Một lát sau đó Tám  Nghiệp đến hỏi Mai:

-Chị cho gọi em?

-Ừ, em cùng thanh niên xung phong đưa thương binh về căn cứ, xong việc thì xuống ngay, cho Xuân về để hàng ngày nhận công văn chuyển xuống cho chị.

Chợt nghe tiếng người nói lao xao chỗ quân y Mai giục Nghiệp:

-Em và Xuân chuẩn bị đi, thương binh về rồi đấy.

Cả bốn chị em tới quân y tiểu đoàn đã  thấy Lộc quân y đang kiểm tra và băng lại các vết thương cho thương binh, Mai hỏi một người đứng bên:

-Mình bị mấy người? Anh em có nặng lắm không?

Bỗng người đó nói như reo lên:

-Chị Mai phải không! Em Loan đây nè...

Mai mừng rỡ hỏi:

-Em về nhà chưa? Đoàn em đi mấy người?

Loan nắm tay Mai mừng rỡ:

-Đêm nay mang tiếng về quê mà không được về nhà nghĩ cũng tủi chị à. Con Nguyên, con Nữ và con Nhị đây nè chị nhớ không.

Mai vui vẻ gật đầu:

-Chị nhớ rồi. Xã mình có Tám Nghiệp với Xuân cùng đi với các em, trên đường đi cùng biểu nhau nghe chưa.

-Chị yên tâm đi.

Đồng chí quân y nhắc:

-Thủ trưởng Khanh nhắc trên đường các điểm chốt của ta nhớ tín hiệu đi đường, ai chưa rõ hỏi tác chiến. Thôi, tất cả xuất phát nhanh lên.

Các cô gái thanh niên xung phong nhanh chóng xốc cáng thương lên vai, Nghiệp và Xuân chào Mai và Chín Phượng rồi hối hả đi theo sau cáng thương.

 Nghiệp vừa đi vừa nhìn bờ tre chạy dọc hai bên đường làng. Ra khỏi làng trời như sáng hơn và Nghiệp đã thấy được dải núi xa mờ mờ của vùng căn cứ. Đến gần ga nước Hà Bình cả đoàn dừng lại toóc gió để bắt tín hiệu. Nghe tiếng toóc gió đáp trả lại Nghiệp vội hỏi:

-Đơn vị nào đấy?

-Thị đội đây.

Bỗng nhận ra tiếng Duy, Tám Nghiệp nói như reo lên:

-Anh! Em đây!...

Nhận ra tiếng của Nghiệp Duy chạy đến mừng rỡ hỏi:

-Em về căn cứ hả? H.96 đánh ra sao? Sao lại đi toàn là nữ thế này?

-Bọn em đưa thương binh về cứ, có anh bọn em mừng rồi.

Nghiệp đến đứng cạnh Duy và bóp nhẹ vào tay người yêu rồi mỉm cười. Duy chỉ tay về phía có bóng của một người vừa chạy qua mương và nói:

-Trên sườn đồi bên đó cũng có một bộ phận chốt ở đấy, bọn anh làm cầu tạm để qua lại cho dễ dàng. Anh ở bên này có vườn cây ban ngày mát lắm.

Xuân vui miệng:

-Khu vườn hoang dài tới cả cây số hồi còn ở nhà em đi hái củi về vô đó nghỉ mát lắm còn bên núi thì nóng rim mình.

Từ bên kia mương một anh lính chạy qua nói nhỏ:

-Cái miệng nói nhỏ thôi, tận trên sườn đồi bên ấy cũng nghe thấy rõ mồm một. Đêm khuya tiếng nói vọng xa lắm rõ chưa.

Duy ân cần:

-Tranh thủ nghỉ rồi về cứ cho an toàn.

Câu chuyện của mọi người đang vui vẻ thì Hải cùng Chí từ dưới vườn chạy đến nói gấp:

-Anh Duy, có địch đang tiến đến chỗ mình...

Duy bật người đứng dậy nói như ra lệnh:

-Đưa thương binh đến hầm trú ẩn.

Mọi người hối hả cùng Chí đưa thương binh đến hầm, Nghiệp kiểm tra lại vết thương cho thương binh hỏi Nữ:

- Anh Duy đâu?

-Em  không biết.

 Vừa lúc đó Duy đi tới giọng vẫn bình thản:

-Tất cả cứ ngồi dưới hầm với thương binh, việc đánh địch đã có các anh lo.

Nói xong Duy cùng Chí và Hải chạy ra bìa vườn căng mắt nhìn những bóng đen di chuyển trên đồng đang chậm chạp tiến về phía mình. Nghiêng người lấy hai quả thủ pháo Duy ra lệnh:

-Báo cho các tổ chủ động đánh gần rõ chưa.

Như một con báo Chí bật dậy cầm súng chạy lẩn trong vườn cây. Chờ cho những tên địch đến thiệt gần Duy vung tay ném chụm hai quả thủ pháo về phía địch. Ánh lửa lóe lên trong tiếng nổ đanh gọn làm hai tên địch rồi ngã gục xuống. Lập tức các hỏa lực của địch từ ngoài đồng bắn xối xả vào vườn cây. Nép người tránh những loạt đạn nổ găm trước mặt Duy cặp khẩu A.K bắn liên tiếp vào tốp địch đang chạy nhốn nháo ngoài đồng. Cả trận địa của ta vang rền tiếng súng bắn xuyên vào đội hình địch.

Bị đánh bất ngờ địch rút ra nằm dọc theo bờ mương tiểu câu và dùng hỏa lực mạnh bắn như mưa vào khu vườn hoang. ánh đèn dù từ núi Tranh, đèo Củng Cu và núi Sầm bắn lên sáng rực bầu trời. Đột nhiên pháo tự hành của bọn Đại Hàn từ núi Tranh như một tấm lưới lửa đỏ lừ bắn trùm phủ cả trận địa.

Duy nhổm người nhìn bọn địch đang cụm thành từng tốp trên mương tiểu câu và hai khẩu đại liên từ mương tiểu câu bắn xối vào trận địa rồi quay lại nói với Hải:

-Bắn vào khẩu đại liên bên bụi cây rõ chưa.

Thấy Hải lúng túng Duy vội lấy khẩu B.40 của Hải rồi quỳ gối bắn liên tiếp ba quả đạn vào ba mục tiêu của địch. Tiếng Hải nói như reo lên:

-Trúng hai khẩu đại liên rồi!

Hỏa lực địch câm lặng, bọn địch tháo chạy rồi nằm lại bắn vào khu vườn hoang. Chí ghì súng bắn từng loạt vào từng tốp địch đang lom khom đi lại trên bờ mương.

Trong tiếng pháo tự hành, tiếng pháo các loại từ nhiều trận địa bắn đến Duy nhận ra địch đang cố tình kéo dài thời gian để  tổ chức những đợt tấn công mới. Tiếng máy bay phản lực bỗng bay rít trên trời. Tiếng pháo ngưng bắn, những chiếc phản lực rít lên lượn vòng rồi bổ nhào xuống trận địa và tiếng súng 12ly7 từ sườn đồi bắn lên cùng với tiếng A.K, đại liên, trung liên của ta tạo nên một lưới lửa buộc những chiếc phản lực chao mình tránh đạn. Duy quay sang nói với Hải:

-Giữ vững trận địa rõ chưa.

-Rõ.

Tiếng Hải rắn rỏi và kiên quyết khiến Duy yên tâm chạy đến chỗ Nữ.

Nghe thấy tiếng bước chân người chạy trên nóc hầm Nữ bật dậy đứng nhìn ra ngoài thì đã nghe thấy tiếng Duy hỏi:

- Có việc gì không?

- Không việc gì, cần chuyện gì anh cứ gọi bọn em.

Duy bỗng hỏi:

-Tình hình thương binh ra sao?

Nghiệp vừa ló đầu khỏi miệng hầm thì một loạt rốc-két nổ chụp trên đầu khiến Nghiệp ôm cả Duy lẫn súng kéo xuống hầm rồi nói:

-Cẩn thận nghe anh ! Hình như bọn  địch bắn pháo khoan làm anh thương binh hy sinh rồi anh à!...

Vội để tay lên mũi đồng chí thương binh kiểm tra, Duy bỗng thở dài nói:

-Hy sinh rồi!... Thôi để cậu ta nằm đấy, mọi chuyện ta tính sau.

 Nghiệp vội nhắc Duy:

-Coi chừng chiếc Đakota bắn dọn đường cho phản lực thả bom đấy anh.

Duy nhảy vụt ra khỏi hầm cùng Chí chạy khắp trận địa kiểm tra và đôn đốc từng người rồi vừa chạy vừa nhìn chiếc Đakota đang thả đèn dù và bắn như vãi cải xuống trận địa.

Khá lâu, chiếc Đakota bỗng trút một loạt đạn rồi bay vút lên khiến Duy chỉ còn thấy ánh đạn đỏ lừ vây bủa xung quanh và tiếng Chí kêu lên :

-Em bị thương rồi!...

Cõng Chí về hầm Nghiệp, Duy nói trong tiếng thở gấp :

-Băng cho Chí nhanh lên!...

Từ dưới hầm Nghiệp nhảy lên trong tiếng rít của máy bay phản lực đang bổ nhào xuống và bắn những chùm đạn bay tứ tung và  bình tĩnh nói:

-Chắc bọn nó phát hiện ra khẩu 12ly7 của mình nên tìm cách diệt!...

Duy vừa cầm súng nhổm người định chạy đến chỗ Hải thì tiếng phản lực cùng với tiếng bom  xoáy rít trên đầu. Nghiệp vội ôm chặt lấy Duy trong tiếng nổ và ánh lửa phủ trùm lấy cả hai người lẫn căn hầm. Đất đá bay tung lên khét lẹt và tất cả mọi người lẫn căn hầm bỗng tan biến trong hố bom sâu hoắm. Máu và quần áo bị xé vụn bay dính lên ngọn tre, mùi thuốc bom khét lẹt bám chặt vào cây cỏ!...

Rất lâu...

Cả trận địa lặng im, Hải cùng mọi người chạy đến và tiếng Hải nấc lên :

-Anh Duy, chị Nghiệp và mọi người hy sinh rồi!...

 

 



3


 

Mai bàng hoàng ngồi lặng đi khi nghe tin Duy, Nghiệp và tốp thanh niên xung phong hy sinh. Nhìn những cành tre bị pháo tiện gãy nằm ngổn ngang bên cạnh ngôi nhà bị sập và cái chuồng bò cháy nham nhở, khói bốc nghi ngút nước mắt Mai tự nhiên ứa ra. Nghe tiếng Chín Phượng khóc thút thít rồi tiếng Út Hân nói với Chín Phượng:

-Các anh chị ấy có sống lại được nữa đâu mà chị khóc! Lát nữa địch nó lại đánh vào làng thì phải sống mà đánh rồi còn về căn cứ nữa chứ!...

Lấy mũ lau nước mắt Mai ngoảnh lại nói:

-Chị nói con Chín lau nước mắt đi! Còn thằng Út đừng nói nữa! Tôi nói hai đồng chí nghe rõ chưa! Đó là lệnh đấy!...

Lau nước mắt Chín Phượng nói trong tiếng nấc :

-Chị cho em khóc một chút cho đỡ tủi vong linh chúng nó!...

Nói xong Chín Phượng òa lên khóc, rồi Út Hân cũng khóc khiến Mai lúng túng ngồi thừ ra mặc cho nước mắt của mình cũng trào rơi trên má.

-Chị Mai tới gặp thủ trưởng Khanh gấp.

Nghe tiếng đồng chí liên lạc gọi, Mai lau nước mắt đứng dậy nói :

-Út Hân theo chị, còn Chín Phượng ngồi trực rõ chưa.

Mai vừa bước đến chỉ huy sở thì Khanh nhìn Mai rồi nói:

-Dưới C2 báo về tình hình tư tưởng mấy nhỏ du kích không ổn, vậy em xuống đó làm công tác tư tưởng cho bọn nó.

Hùng điềm tĩnh nói:

-Từ sáng đến giờ mình đã hai lần đánh bật địch ra khỏi làng, ác liệt lần này so với những lần trước thì hơn nhiều Mai à. Em xem nếu tư tưởng anh em không ổn thì tạm thời đưa về tiểu đoàn bộ rồi đến tối đưa về căn cứ.

Khanh bỗng thở dài :

-Bọn nó mới 15, 16 tuổi chứ nhiều nhặt gì cho cam, mình lựa lời mà nói chứ biết làm sao bây giờ. Hồi mới thoát ly mình cũng bằng tuổi chúng nó có khác gì chúng nó đâu.

Mai cười dịu giọng:

-Đội quân của em là vậy, nhưng có em thì nhất định mọi chuyện sẽ yên, các anh yên tâm đi.

Thấy Khanh và Hùng cùng cười thông cảm Mai vui vẻ :

-Ở đây có Chín Phượng trực thay em, khi cần các anh cứ gọi. Thôi em đi nghe các anh.

Nói xong Mai quay lại dặn dò Chín Phượng rồi cùng Út Hân đi xuống C2. Ngoái nhìn Út Hân đeo khẩu AK gọn trơn Mai bỗng mỉm cười và nhận ra thằng bé bữa nay đã lớn bổng lên, chỉ cần từ giờ đến cuối năm là nó thành thanh niên rồi. Đi xuyên qua những vườn cây, tắt qua nhiều lối ngõ, Mai và Út Hân đến bờ tre bên con mương tiểu câu nối từ thôn Tường sang thôn Nguyên. Thấy Hồng và Hoài đang cùng tổ của mình ngồi quan sát địch, Mai hỏi Hoài :

-Anh Thơ, anh Ánh đâu ?

Hoài vui vẻ :

-Dạ, đang kiểm tra việc củng cố công sự của các trung đội.

Út Hân vô tình hỏi Hoài:

-Anh không làm liên lạc cho các thủ trưởng nữa à?

Hồng vui vẻ :

-Bây giờ là tiểu đội trưởng của tớ rồi đấy.

Hoài đỏ mặt nhìn Hồng rồi nói:

-Nó bị mảnh đạn ăn mất nửa bắp thịt ở vai, nhưng chiến đấu khá ra trò đấy.

Mai nghiêm giọng hỏi Hoài:

-Tình hình thôn Nguyên ra sao?

-Vẫn bình thường, lát nữa thủ trưởng ánh về em cũng đưa hai tổ ra chốt để đảm bảo liên lạc giữa thôn Nguyên và thôn Tường, nếu chị qua thôn Nguyên thì chờ bọn em cùng đi, tới thì an toàn hơn.

Vừa lúc đó Ánh về  hối thúc Hoài:

-Dẫn hai tổ ra chốt dọc theo mương tại những nơi mình đã chọn trước rõ chưa.

Ánh quay lại hỏi Mai:

-Chị cũng qua C2 à?

-Ừ, mình qua đó xem tình hình tổ của Ba Hổ ra sao?

Ánh nhìn Hoài rồi ra lệnh:

-Để chị Mai và Út Hân đi giữa đội hình, khi bắt liên lạc được với tổ chốt của C2 thì nói bên ấy đưa chị Mai về ban chỉ huy rõ chưa.

Hoài khom người cùng tổ đi đầu lúc dựa vào bờ mương và bờ tre khi chạy, khi dừng để quan sát địch. Mai cầm súng đi theo chợt thoáng rùng mình khiến toàn thân nổi gai ốc vội khom người lăm lăm tay súng. Linh cảm như mách biểu khiến Mai dừng lại nhìn ra những đám ruộng nằm cách bờ tre không đầy ba mươi mét. Chợt thấy những lùm cỏ bên bờ ruộng nghiêng ngả và như có người cầm nên lay động Mai ép sát vào bờ tre gọi Hoài:

-Hoài! Có địch!...

Tiếng Mai vừa dứt thì những bụi cỏ và bụi lúa bị hất tung ra, bọn địch nhổm dậy bắn xả vào đội hình của ta. Mai vội nép người vào bờ tre ghì súng bắn thẳng vào bọn địch đang vừa bắn vừa bò lùi ra khỏi tầm đạn của ta. Út Hân nhướn người bắn găm vào tốp địch đang bám bờ ruộng bắn cắt đội hình của ta. Tiếng M.79 của Hoài nổ liên tiếp bốn quả khiến khẩu trung liên nằm đằng sau một mô đất lớn bay tung lên. Rồi tiếng đạn đại liên, thượng liên và trung liên từ thôn Tường và thôn Nguyên của ta bắn chéo cánh sẻ khiến địch phải tróc ra khỏi từng bờ ruộng. Tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng rên xen lẫn tiếng chửi tục của bọn địch trộn trong tiếng súng nổ rền của ta lẫn địch.

Chạy lùi ra ngoài mương lớn bọn địch dùng các hỏa lực mạnh bắn dọc theo bờ tre . Rồi tiếng pháo các cỡ từ Thị Xã, Màng Màng, Cầu Cháy... tập trung bắn muốn xóa tan cả bờ tre lẫn con mương tiểu câu. Mai nhoài người bắn găm vào những tên địch vừa lùi vừa bắn chí mạng vào bụi. Những thân tre như bị băm tướp ra gãy nằm ngổng ngang. Bỗng tiếng M.79 nổ trước mặt, mảnh đạn bay chụp lấy Mai. Mắt hoa lên, khẩu AK trong tay văng xuống lòng mương Mai nằm gục xuống. Út Hân kêu như thét lên:

-Chị Mai hy sinh rồi!

Nhảy chồm tới đỡ Mai, Út Hân vừa lay vừa gọi:

-Chị Mai! Chị Mai!...

Bỗng thấy Mai thở mạnh Hoài hối thúc:

-Cõng chị Mai vào làng nhanh lên!

Hồng nói như ra lệnh cho Út Hân:

-Cõng chị Mai chạy thiệt nhanh qua đoạn mương trống, đã có yểm trợ rõ chưa.

Sức mạnh vô hình vụt đến, Út Hân xoay người đặt Mai lên lưng cúi người chạy, mặc cho khẩu AK đập vào ngực đau điếng. Tới đoạn mương trống Út Hân co người dồn sức cõng Mai chạy vụt vào làng, đến tổ chốt  Út Hân vội ôm Mai xuống hầm trú ẩn.

Tiếng trực thăng của địch lại bay rền trên trời và tám chiếc chia thành hai tốp thi nhau trút đạn xuống thôn Tường và thôn Nguyên. Từ khắp các trận địa của ta lưới lửa đạn 12ly7, đại liên, thượng liên... và cả đạn AK bắn lên vây bọc lấy kẻ thù. Bỗng một chiếc trực thăng lao xuống nhả đạn, đột nhiên đảo mình loạng choạng, khói lửa từ thân nó bốc lên. Chiếc máy bay cố bay vượt lên trời nhưng luồng khói đen đặc bám lấy toàn thân buộc nó lao đầu về hướng núi Sầm. Những chiếc máy bay đang bay rà xuống lập tức bay vọt lên cao và từ trên cao hối hả nhả đạn xuống trận địa.

Máy bay trực thăng vừa ngừng oanh tạc, thấy Mai vẫn thở Út Hân đứng bật dậy gọi:

-Anh Thơ, anh Ánh! Chị Mai còn sống!

Ánh chạy tới rồi cùng Út Hân đỡ Mai lên khỏi hầm và ra lệnh:

-Đưa gấp chị Mai về quân y tiểu đoàn rõ chưa.

Sau tiếng “rõ” đanh gọn như người nhận lệnh Út Hân cõng Mai chạy về quân y tiểu đoàn liền gọi thiệt lớn:

-Chị Phượng! Chị Mai bị rồi!...

Phượng vội chạy đến cùng Út Hân để Mai nằm dưới hầm. Sơn hối hả chạy đến xem mạch cho Mai. Mai bỗng mở mắt nhìn Út Hân rồi nhìn Phượng giọng thều thào:

-Nói anh Lâm!... Bé Trung!... Anh em!... Đồng chí Chuẩn đờn!...

Mai nấc nhẹ một tiếng rồi nghẻo đầu nằm im. Phượng ôm lấy Mai khóc nức lên:

-Chị Mai ơi! Chị đừng bỏ bọn em mà đi! Chị ơi!...

Tiếng bom bỗng rung giật căn hầm. Tiếng nổ của bom và rốc-két như làm cho bầu trời rạn nứt ra. Tiếng đạn bắn máy bay từ khắp trận địa rộ lên quyết liệt. Chín Phượng vẫn ngồi ôm chặt lấy Mai và như không nghe thấy tiếng bom rơi nữa Út Hân bình tĩnh nói với Phượng:

-Khăn đây! Chị lau mặt cho chị Hai đi!...

Màn đêm tím rịm. Trên đường làng những bước chân bước vội của các cô thanh niên xung phong hối hả tiếp đạn cho tiểu đoàn H.96. Tiếng bước chân hối hả của anh em cán bộ và du kích xã Phụng đưa Mai về căn cứ. Tiếng cuốc xẻng âm âm đào sâu vào lòng đất củng cố hầm chiến đấu vững vàng hơn...

Ở đầu thôn Tường, nơi gần chỗ Mai hy sinh tiếng cụ Dư Phước và ông Chuẩn đờn cò vẫn rầm rì trong đêm. Địch cũng cụm về khu vực xung quanh núi Sầm trú quân. Tiếng pháo thi thoảng lại bắn vu vơ trên đồng hay vào làng...

Và rất lâu cụ Dư Phước đứng dậy thắp nhang lên bàn thờ Tổ lâm râm cầu nguyện rồi nói với ông Chuẩn đờn cò:

-Tôi cầu xin cho thằng Duy được làm rể nhà này ông à. Chúng nó đã mua đồ về cho tôi cúng Tổ rồi!... Chúng nó sống có đôi, chết đâu có lẻ bạn phải không ông!... Tôi chỉ còn một nụ mà bây giờ thì hết cả vốn rồi!...

Ông Chuẩn đờn cò chậm rãi hỏi:

-Vậy ông có cúng cho con Mai không?

-Có chứ ông! Số nó đâu phải vậy!... Mà sao nó nỡ bỏ đi trong lúc làng xóm loạn ly như thế này!...

Ông Chuẩn đờn cò chắp tay lạy bàn thờ Tổ rồi nói:

-Cụ Dư à... Cho tôi hò mấy câu đưa linh để cho chúng nó thanh thản!...

-Ừ, ông hò đi!... Âm sao dương vậy mà!...

Tiếng đờn cò vang lên bay rất xa, rồi giọng ông Chuẩn đờn cò khàn khàn đục đục vang lên trong tiếng đàn nghe mới ai oán làm sao! Nhức nhối làm sao!...


Hạt bụi trần xoay vần trong gió cát
Gió cát nơi nào bay vương vẫn hồn ai


                      (Hò đưa linh ơi hỡi hò đưa linh)

Thân ngọc ngà hỡi ông trời sao nỡ hại
Chồng con khóc than, hồn khắc khoải cõi trần!...


                      (Hò đưa linh ơi hỡi hò đưa linh)

Hồn đớn đau hồn chờn vờn trong gió cát
Ơi hỡi ông trời sao nỡ xé nát cặp uyên ương!...


                      (Hò đưa linh ơi hỡi hò đưa linh).

 
... Và cũng rất lâu, ông Chuẩn đờn cò, cụ Dư Phước lặng im ngồi nghe tiếng bước chân hối hả của thanh niên xung phong, anh em lực lượng vũ trang giải phóng rầm rập chuẩn bị cho trận đánh ngày mai. Bỗng tiếng nhạc hiệu của đài tiếng nói Việt Nam vang lên, rồi tiếng người phát thanh viên hùng tráng vang lên: Hiệp định Pa-ri đã được ký kết!.

 

                                                         

                                                                     
Tuy Hòa - Mùa hè năm 1999




HẾT

 
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 4971



« Trả lời #34 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2023, 02:39:45 pm »

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ




Nhà văn Trần Thiện Lục

- Bút danh: Phương Yến. Sinh năm 1946, mất năm 2013.

- Quê quán: thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

- Tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa Sử đã xung phong đi chiến trường B năm 1964 và năm 1967 trở thành phóng viên chiến trường. Ông đã có 12 năm sát cánh cùng quân dân Phú Yên trong những năm tháng hiểm nguy nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Trở về với cuộc sống đời thường nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc sống đầy ý nghĩa bằng nghề thầy thuốc đông y để chữa bệnh cứu người và viết sách như là một cách để trả nợ ân tình những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.

- Phụ trách biên tập báo Giải phóng Phú Yên, tạp chí Văn nghệ Giải phóng Phú Yên (1968-1975). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

- Các tác phẩm đã xuất bản: Giáp mặt với kẻ thù (tập truyện ký, 1967); Đồng chí (tập thơ, 1968); Bên gốc me già (tiểu thuyết, tập 1, 2005); Hồng và Lam (tập truyện ký, 2007); Bên gốc me già (tiểu thuyết, tập 2, 2008); Về đi (tập thơ, 2010); Gió Tuy Hòa (tiểu thuyết, 2012).

- Chưa xuất bản: Khát (tiểu thuyết); Thăm thẳm Vũng Rô (tiểu thuyết)

Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM