Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Chín, 2023, 11:16:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất  (Đọc 795 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1011



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2023, 07:41:51 am »

6.
Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản toàn liên bang (Bôn-sê-vích) về việc phê chuẩn dự thảo điện mừng nhân dịp 5 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (kèm nội dung các bức điện mừng của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô N.M. Sve-rơ-nhích và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Ia. Vư-sin-xki)

Ngày 31/8/1950
Tối mật

NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN TOÀN LIÊN BANG (BÔN-SÊ-VÍCH)

Về dự thảo các bức điện mừng nhân dịp 5 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9)

Phê chuẩn dự thảo các bức điện mừng của các đồng chí N.M. Sve-rơ-nhích A.Ia. Vư-sin-xki được kèm theo đây.

BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG


Thông qua ngày 31 tháng 8 năm 1950.

Những người biểu quyết ĐỒNG Ý: Các đồng chí Bê-ria, Bun-ga-nhin, Ma-len-cốp, Mi-cô-i-an, Khơ-ru-sốp.


Nghị quyết:
   Gửi các dồng chí Ma-len-cốp, Vư-sin-xki, ngày 01/9/1950.
   P771 210.

ĐIỆN GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
NGÀI HỒ CHÍ MINH


Thay mặt Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và nhân danh cá nhân, xin Ngài hãy nhận lời chúc mừng và những lời chúc tốt đẹp nhất gửi đến nhân dân Việt Nam nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
N. SVE-RƠ-NHÍCH


ĐIỆN GỬI BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NGÀI HOÀNG MINH GIÁM


Nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xin Ngài hãy nhận những lời chúc mừng chân thành của tôi cùng với mong muốn tiếp tục tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta.

A.VƯ-SIN-XKI

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga
Phông 17. ML163. HS 1559. Tờ 144-146
Bản sao
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1011



« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2023, 07:51:31 am »

7.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng Bí thư Ban Châp hành Trung ương Đảng Cộng sản toàn liên bang (Bôn-sê-vích)

I. V. Xta-lin

Ngày 14/10/19501 (Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chú thích của tài liệu))
Nguyên bản bằng tiếng Anh.


Đồng chí Xta-lin yêu quý,

Tôi vui mừng gửi tới Đồng chí bản báo cáo sau:

Nhờ sự giúp đỡ to lớn của các Đồng chí và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giai đoạn thứ nhất cuộc phản công của chúng tôi ở biên giới đã kết thúc thắng lợi.

Mặt trận Cao-Bằng-Đông Khê-Thất Khê có chiều dài gần 70 km và nằm ở vùng núi hiểm trở2 (Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại sứ Liên Xô tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa N.V. Rô-sin chuyển đến Mát-xcơ-va và tại đây nhận được ngày 30/12/1950).


Lực lượng của chúng tôi gồm: 25.500 bộ đội chính quy, 970 bộ đội địa phương, 18.000 nông dân cả nam giới và phụ nữ làm nhiệm vụ vận chuyển, mỗi người làm việc 10 ngày.

Lực lượng của địch gồm: 6.000 lính (có gần 1.700 lính da trắng, 2.600 lính Bắc Phi, 700 lính người Việt).

Các giai đoạn chiến đấu:

1) Cầu Đông Khê, từ 16 đến 20/9. Lực lượng địch gồm 350 lính. Chúng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng tôi chiếm được Đông Khê.

2) Các đội quân địch rút khỏi Cao Bằng hòng đến được Thất Khê cùng với 1.650 binh lính (ngày 03/10). Tuy nhiên khi đến gần Đông Khê, chúng đã bị chúng tôi tiêu diệt. Chỉ huy của chúng là Đại tá Charton cùng quân lính đã phải đầu hàng.

3) Các lực lượng quân địch khác, khoảng gần 2.000 lính, được phái tới Thất Khê để gặp toán quân của Charton. Khi gần đến Đông Khê chỉ cách Charton khoảng 1 km, chúng cũng đã bị chúng tôi tiêu diệt. Viên chỉ huy của chúng, Đại tá Le Page cùng binh lính và Đại tá, Bác sỹ Durif đã phải đầu hàng.

Cuộc chiến đấu bắt đầu ngày 03/10 và kết thúc ngày 11/10.

Kết quả: Chúng tôi đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê và tịch thu được một lượng lớn chiến lợi phẩm. Chúng tôi đã tiêu diệt gần 2.300 binh lính và sỹ quan địch, bắt làm tù binh khoảng 2.500 người (3 đại tá, 1 sỹ quan chỉ huy, 5 đại úy, 20 trung úy. Các con số này còn chưa đầy đủ).


Theo thông báo mới nhất, quân địch cũng đã phải bỏ lại tỉnh Thái Nguyên ngày 11/10. Chỉ cách đây 10 ngày khi chiếm được tỉnh này (ngày 01/10), đối phương đã gọi đây là "Thủ đô của Hồ Chí Minh" và làm rùm beng về điều đó.


Một kết quả quan trọng khác: Lần đầu tiên chúng tôi tiến hành một trận đánh lớn, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và cũng thấy rõ những thiếu sót của mình.

Nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc và thực hiện lời dạy của Lê-nin-Xta-lin, chúng tôi đã làm tất cả có thể để khắc phục các thiếu sót.

Những đồng chí cố vấn của chúng tôi. Tôi cần báo để Đồng chí biết là Bộ Tổng Tư lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi cho chúng tôi những người có phẩm chất tốt nhất để làm cố vấn và các đồng chí đã giúp chúng tôi rất giá trị. Chúng tối đang chuẩn bị một trận đánh tiếp theo, sau đó quân đội chúng tôi sẽ tạm nghỉ một chút. Chúng tôi hứa với Đồng chí là sẽ chiến đấu ngày càng tốt hơn.


Đồng chí Xta-lin kính mến, liệu tôi có đúng không khi cho rằng thắng lợi của chúng tôi, mặc dù còn chưa lớn, nhưng cũng là một bộ phận trong thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa quốc tế vô sản cách mạng do vị lãnh tụ yêu quý và quả cảm là Đồng chí lãnh đạo?


Khoảng tháng 12 chúng tôi sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc để thành lập đảng mới là Đảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là phải "cải tổ" để trở thành một đảng gồm nửa triệu đảng viên được huấn luyện tương đối tốt về học thuyết Mác-Lê-nin. (Hiện nay, chúng tôi có hơn 750.000 đảng viên, nhưng nhiều người trong số đó cần được làm trong sạch).


Tôi hy vọng sẽ nhận được những cuốn sách mà Đồng chí đã hứa viết riêng cho chúng tôi. Tôi sẽ tự mình dịch những cuốn này. Đó sẽ là món quà quý giá nhất của Đồng chí dành cho Đảng chúng tôi.

Tôi xin nhờ Đồng chí chuyển lời chào anh em của tôi đến các đồng chí ở Bộ Chính trị.

Ôm hôn Đồng chí và chúc Đồng chí dồi dào sức khỏe và trường thọ.

Thân ái
Đinh
Cao Bằng, ngày 14/10/1950

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga.
Phông 558. ML.11. HS. 295. Tờ 4-6, 7-8.
Cô-nô-lép-va. Một số đặc điểm trong tiểu sử chính trị của Hồ Chí Minh// Các vấn đề lịch sử. 2008. Số 10. Tr. 136-141.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1011



« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2023, 07:52:40 am »

8
Thư của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Chính phủ và nhân dân Liên Xô nhân dịp Kỷ niệm một năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nhận được kèm với thư của   Dấu đến
Đại diện nước Việt Nam Dân chủ   Bộ Ngoại giao Liên Xô
Cộng hòa gửi Đại sứ Liên Xô tại   Vụ Đông Nam Á
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa   Số đến: 51
Ngày 22/01/1951   Ngày 02/3/1951


"Thư của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam gửi Chính phủ và nhân dân Liên Xô

Ngày 18/01/1950, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân cũng đã công nhận đất nước chúng tôi. Để thể hiện lòng biết ơn hành động cao quý và thực tế đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết định Kỷ niệm trọng thể một năm ngày thắng lợi ngoại giao vào ngày 18 tháng Giêng trên cả nước.


Nhân ngày lễ vẻ vang này, thay mặt các tổ chức quần chúng và nhân dân Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam xin bày tỏ lòng cảm ơn và sự tin tưởng vào Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Nhân dân Việt Nam vô cùng xúc động về sự công nhận này, nguyện sẽ tiếp tục đoàn kết chặt chẽ với phe dân chủ và hòa bình do Nguyên soái Xta-lin đứng đầu, và cương quyết chiến đấu đến cùng để tiêu diệt hoàn toàn thực dân Pháp, làm thất bại mưu đồ can thiệp của Mỹ, bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc, vì hòa bình trên toàn thế giới.

Ngày 18 tháng 01 năm 1950

Các đảng phái và tổ chức thuộc Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ký:

Mặt trận Liên Việt,

Việt Nam Độc lập Đồng minh,

Liên đoàn Lao động Việt Nam,

Hội Nông dân cứu quốc,

Liên đoàn Thanh niên Việt Nam,

Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,

Đảng Dân chủ Việt Nam,

Đảng Xã hội Việt Nam,

Liên đoàn Cách mạng Việt Nam"

Sao y bản chính: Va-khơ-ru-sốp đã ký

Nơi nhận:
   
Các đồng chí Xta-lin,   Vư-sin-xki,
Mô-lô-tốp,   Grô-mưn-cô,
Ma-len-cốp,   Dô-rin
Bê-ria,   Pốt-txe-rốp,
Mi-cô-i-an,   Vụ Đông Nam Á,
Ca-ga-nô-vích,   Lưu hồ sơ - 2.
Bun-ga-nhin,   
Khơ-ru-sốp,   
Số công văn đi: 85/GX-nx   


Lời phê:
   Gửi đồng chí Mkhi-ta-ri-an
   Lưu hồ sơ 2/3- A.M.

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga.
Phông 79. ML. 5. Cặp 2. HS.1. Tờ 3-4
Bản sao xác thực.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1011



« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2023, 07:56:16 am »

9.
Trích bài viết của Đinh (tức Hồ Chí Minh) "Việt Nam những năm 1950 và 1951" về mở đầu cuộc chiến tranh giải phóng ở Việt Nam và vai trò của Liên Xô trong việc thiết lập nền dân chủ"

Tháng 5/1951
Dịch từ tiếng Pháp


VIỆT NAM trong năm 1950 và 1951.

Nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với niềm tin, niềm phấn khởi, hân hoan vui mừng đón Tết năm mới tính theo Âm lịch (ngày 06/02/1951).

Cùng với việc đón năm mới, họ tổng kết năm cũ và chuẩn bị kế hoạch cho năm tới.

Trước năm 1950

Cuối năm 1950 là lúc kết thúc nửa đầu của thế kỷ XX và mở ra cánh cửa cho thời đại tiếp theo.

Trong giờ phút trọng đại này, nhân dân Việt Nam, củng như các dân tộc khác, một lần nữa nhìn lại lịch sử của dân tộc và quốc tế để có những bài học và rút ra kinh nghiệm.

Trong 50 năm qua, đã có nhiều phát minh, đạt được nhiều thắng lợi, xảy ra những cuộc chiến tranh, có những biến động và thay đổi lớn.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thắng lợi đã đưa nhân loại sang kỷ nguyên mới và hạnh phúc. 34 năm sau đó, Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, tiếp tục thúc đẩy cho công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân bị áp bức.


Dưới sự lãnh đạo và giúp đờ của Liên Xô, từ Trung Âu đến Viễn Đông, các nước dân chủ mới đang xây dựng cuộc sống mới và củng cố sức mạnh của mình. Những nước đó chiếm một nửa dân số của nhân loại và là sức mạnh to lớn của thế giới và nền văn minh hiện nay.


Nhân dân Việt Nam đã phải chịu nhiều đau khổ từ hai cuộc chiến tranh thế giới. Họ đã trải qua hai ách thống trị của đế quốc là Pháp và Nhật. Nhân dân Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân, mà nổi bật nhất là Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.


Nhờ có quân đội Xô viết dũng cảm và nhân dân Liên Xô anh hùng dưới sự lãnh đạo của Xta-lin thiên tài, quân phát xít Nhật đã bị đánh bại, và nhờ sự thống nhất và tinh thần yêu nước của Mặt trận Dân tộc Việt Minh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc Cách mạng tháng Tám (năm 1945) đã giành được thắng lợi. Cuộc Cách mạng đó đã đánh đổ cả ách thống trị nghìn năm phong kiến cũng như ách đô hộ tàn bạo kéo dài suốt gần một thế kỷ của bọn đế quốc.


Việt Nam đã trở thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập. Chính quyền thuộc về nhân dân. Tuy nhiên chỉ sau một tháng, dưới sự trợ giúp của quân đội Anh và Quốc dân Đảng Trung Hoa, thực dân Pháp, những kẻ 4 năm về trước đã đầu hàng Hít-le một cách đê hèn ở Pháp, đã bắt đầu cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, không cân sức và tàn khốc. Kẻ địch có đủ các loại lực lượng bộ binh, hải quân và không quân hiện đại. Hơn nữa, chúng lại được phe phản động quốc tế, đặc biệt là đế quốc Mỹ, giúp sức. Trong cuộc đấu tranh chống lại các sức mạnh đó, những người dân Việt Nam mới đầu chỉ được trang bị vũ khí thô sơ bằng những gậy tre. Mặc dù vậy, nhờ sự thống nhất và niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa, nhờ sự đồng tình và ủng hộ tinh thần của các dân tộc hữu nghị trên thế giới trong thắng lợi cuối cùng, nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng và giành được nhiều thắng lợi.


Năm 1950

Đầu năm 1950, Việt Nam đã đạt được một thắng lợi to lớn về chính trị: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô và các nước dân chủ khác đã chính thức công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Thắng lợi này củng cố niềm tin và cổ vũ tinh thần cho quân đội và nhân dân ta. Đây là động lực để giành những thắng lợi quân sự khác. Tuy vậy, chúng ta phải luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn mới nặng nề hơn và lớn hơn gấp nghìn lần. Để vượt qua tất cả những khó khăn đó, chúng ta có một vũ khí không thể đánh bại là sự đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển của nhân dân ta. Trên thực tế có những khó khăn mới đang đặt ra trước mắt chúng ta.


Đế quốc Mỹ (và cả đế quốc Anh) trước đây đã giúp đỡ thực dân Pháp, từ năm 1950 bắt đầu trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Chúng cung cấp tiền bạc và vũ khí cho quân Pháp và bọn bù nhìn. Chúng đích thân tham gia ném bom các thành phố và làng mạc Việt Nam. Từ tháng 8/1950-   01/1951, phía Mỹ đã cung cấp cho quân đội Pháp ở Việt Nam: 130 máy bay ném bom, 36 tàu thủy, 6 tàu quét mìn, trang bị đầy đủ cho 12 tiểu đoàn bù nhìn xe tăng, thiết giáp, bom na-pan.


Nhưng dù viện trợ của Mỹ có lớn đến đâu vẫn không thể giúp đội quân viễn chinh Pháp tránh khỏi thất bại nặng nề. Trong năm 1950 nhiều tướng lĩnh và chỉ huy Pháp đã phải than vãn. Đến cuối năm 1950, tổn thất của đội quân viễn chinh Pháp ước khoảng 200.000 lính bị chết, bị thương và bị bắt làm tù binh (Pôn Rây-nô chỉ thừa nhận 1/5 tổn thất đó: Theo tuyên bố của Rây-nô, quân đội Pháp tổn thất 40.447 người, trong đó 10.447 là lính của mẫu quốc).


Đối với Việt Nam, các thắng lợi quân sự vang dội nhất là chiến thắng Biên giới (cuối năm 1950) và chiến thắng ở khu vực Trung du (đầu năm 1951). [...]

Hơn nữa Đờ Tát-xi-ni không thể đánh lừa được cả thế giới. Tạp chí hàng tuần "La Xman" (ngày 22/01/1951) đã viết về điều này như sau: "Tình hình ở Việt Nam trong tuần này được đánh dấu bằng trận đánh ở ngoại ô Hà Nội. Bộ Tổng Tư lệnh Pháp nhận thấy đây là lần đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành một trận đánh hiện đại, có tổ chức với các lực lượng được hiệp đồng tốt".


Sau khi tuyên bố về quy mô chiến trận, Bộ tổng Tư lệnh Pháp long trọng ăn mừng thắng lợi. Nhưng bản thân Tướng Đơ Lat-tơ-re đờ Tát-xi-ni phải thừa nhận là chưa loại bỏ được hoàn toàn mối đe dọa từ phía quân đội Việt Nam đối với Hà Nội. Tình trạng lo âu ngày càng tăng đang bao trùm các nhà chức trách Pháp do bị đánh một đòn quyết định trong trận chiến đó. Tổn thất các đội quân tinh nhuệ đã làm cho Bộ Tổng Tư lệnh Pháp rất lo lắng. Bằng cách này hay cách khác, trận đánh ở ngoại ô Hà Nội một lần nữa cho thấy cái thời mà quân đội Pháp chỉ có tấn công đã kết thúc.


Một bài viết của một viên tướng đăng trên Báo "Le Monde" đã nói về tâm trạng lo âu của giới quân sự Pháp. Sau khi chỉ ra rằng các đội quân thiện chiến nhất của Pháp đã được dùng để phòng thủ trong vô vọng và phân tích vấn đề nhân lực, viên tướng này nhắc lại luận điểm của Men-đét Phơ-răng, theo đó việc bảo vệ mẫu quốc sẽ bị đe dọa nếu tiếp tục theo đuổi chính sách này... Oa-sinh-tơn lo ngại trước đòn đánh mạnh mẽ như vậy trong trận chiến đó... Mỹ trao giấy khen cho con ngựa con, muốn vỗ về nó sau khi nó bị những cú đánh mạnh mẽ như vậy. Tuy nhiên, sau hiệp đấu đầu tiên những người đua và những con ngựa vẫn không khỏi bồn chồn lo lắng cho những hiệp đấu sắp tới. Về phía Việt Nam vẫn thể hiện sự bình tĩnh thường thấy cũng như sự quan tâm chân thành đến con người: Sau trận đánh, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị thả hết các tù binh Pháp bị thương. Hành động cao thượng này đối ngược với hành động của Bộ Tổng Tư lệnh Pháp trắng trợn công nhận đã sử dụng bom na-pan và còn khoe khoang hiệu quả của loại vũ khí này. [...]


Nguồn gốc các thắng lợi của chúng tôi

Có nhiều yếu tố góp phần vào các thắng lợi của chúng tôi: sự ủng hộ tinh thần của các nước hữu nghị, tình cảm của nhân dân lao động và những người dân chủ trên toàn thế giới, sự ủng hộ của nhân dân Pháp, sự lãnh đạo đúng đắn... Tuy nhiên, có một yếu tố cơ bản không thể bàn cãi đó là tinh thần yêu nước vô bờ bến của nhân dân chúng tôi.


Mỗi lần ra thị sát mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hỏi: "Quân đội chúng ta thuộc về ai?"

- Nhân dân! - Tất cả các chiến sĩ đồng thanh đáp.

- Ai đã cổ vũ các đồng chí lập chiến công?

- Nhân dân ta và bè bạn chúng ta!

Thực vậy, nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại trong cuộc đấu tranh yêu nước này.

Việt Nam là một đất nước rất nhỏ bé với nền nông nghiệp lạc hậu, không có nền công nghiệp. Trải qua suốt 80 năm đất nước này đã bị đế quốc đô hộ và bóc lột tàn khốc, về thể chất bị đầu độc bằng rượu, thuốc phiện của những kẻ độc quyền thực dân về tinh thần bị khốn khổ vì chính sách ngu dân. Bọn đế quốc coi nước này như ở trong tình trạng nô lệ. Tuy nhiên, đất nước nhỏ bé đó đã dứng dậy vững vàng như bàn thạch, kiêu hãnh và dũng mãnh như sư tử, quyết chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc của mình.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1011



« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2023, 08:02:02 am »

Trong 5 năm qua, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Việt Nam đã đấu tranh thắng lợi chống lại bọn xâm lược, những kẻ man rợ thời hiện đại; đồng thời đạt được những thành tựu tuyệt vời trong mọi lĩnh vực. Đây là một vài ví dụ về tinh thần yêu nước của các chiến sĩ và những người yêu nước:


Trong Chiến dịch Biên giới, một chiến sĩ đã dùng lưỡi lê chặt đứt bàn tay phải bị dập nát vì lựu đạn địch và tiếp tục chiến đấu.

Các chiến sĩ bị thương từ chối rời khỏi trận địa cho đến khi kết thúc trận đánh. Các tiểu đoàn không ăn, không ngủ trong vòng bốn ngày để truy đuổi và tiêu diệt đội quân của Đại tá Sác-tơn.

Cùng với nam giới, hàng chục nghìn phụ nữ các dân tộc thiểu số Mán, Mèo, Nùng, Thổ đã tự nguyện tham gia vận chuyển giúp bộ đội. Ban ngày dưới trời mưa như trút họ không quản bùn lầy, trèo đèo lội suối chuyên chở đạn dược và lương thực. Ban đêm, họ ngồi tựa vào nhau trên cánh đồng lúa chờ cho trời sáng. Dù vậy, họ vẫn luôn vui vẻ và hăng hái.


Và những người phụ nữ cũng luôn quan tâm săn sóc các chiến sĩ. Những người phụ nữ luống tuổi gần như cả cuộc đời chưa từng ra khỏi thôn làng quê hương. Nhưng bây giờ họ đã xung phong ra mặt trận, tận tình chăm lo săn sóc bộ đội và thương binh khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng xúc động trước những hành động ấy, đã ra chỉ thị khen ngợi họ, trong đó một số người được tặng thưởng. Các đội du kích cũng nổi tiếng vì sự dũng cảm quên mình và những chiến công xuất sắc.


Hàng nghìn thanh niên từ các tỉnh khác nhau đã tự nguyện tập hợp thành những đội quân xung phong sẵn sàng thực hiện bất cứ công việc cần thiết nào: như vận chuyển, sửa chữa đường sá, v.v...

Nông dân thi đua với nhau để nâng cao năng suất nông nghiệp và đạt được những kết quả mong muốn. Chính nhờ điều này mà Việt Nam đã tránh được nạn đói mặc dù bị tàn phá nặng nề bởi thực dân Pháp và hạn hán, lụt lội. Tại các vùng tự do cách không xa chiến tuyến, điều kiện đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt.


Công nhân đang tạo nên những điều kỳ diệu. Nhờ những sáng kiến và lòng kiên trì, họ đã tăng số lượng sản phẩm lên 200-300% chỉ bằng các máy móc cũ kỹ.

Trong số đó có Nguyễn Đức Tịnh, công nhân xí nghiệp quân giới, Ninh Ước và Trần Ngọc Gụ - thợ tiện, Hoàng Tiềm - thợ mộc, đã vượt năng suất 1000%. Công nhân hóa chất Đỗ Văn Cơ hoàn thành định mức 1600%.


Trong phong trào thi đua yêu nước, đứng đầu danh sách khen thưởng được Hồ Chủ tịch ký lệnh khen thưởng vào đầu năm mới có tên nữ công nhân hóa chất Trương Thị Sen. Chị đã tăng năng suất lao động lên 437%.


Các cháu nhi đồng tại các vùng tự do và vùng tạm chiếm cũng tham gia vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.

Các cháu tham gia canh gác xóm làng khi người lớn làm việc. Các cháu làm liên lạc cho bộ đội, du kích, giúp đỡ các gia đình chiến sĩ, v.v...

Thật xúc động khi nhìn thấy những đứa trẻ 4-5 tuổi đã nhận ra chân dung "Người cha vĩ đại Xta-lin", "Bác Mao", "Bác Hồ" trong số các bức ảnh.

Cũng cần ghi nhận việc các dịa chủ, những cựu quan lại và thành viên cũ của hoàng tộc đã tích cực tham gia vào phong trào của dân tộc.

Ngoài một số ít là những kẻ phản bội, toàn thể nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chống lại thực dân Pháp và nhưng kẻ can thiệp Mỹ. Vì thế, họ đã giành được nhiều thắng lợi trên tiền tuyến và ở hậu phương, ở những vùng tự do không còn tồn tại lưu manh, cướp giật, nghiện ngập và mại dâm. Theo số liệu thống kê đến tháng 7/1950, 4/5 dân chúng đã được thanh toán xóa nạn mù chữ, hơn 13 triệu người đã được học đọc, học viết. [...]


Tin tức về việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam đã lan nhanh cả nước. Chào mừng sự kiện thành lập Đảng, bộ đội, công nhân và nông dân tổ chức những cuộc thi đấu thể thao và ký giao ước thi đua.


Cũng vào ngày 03/3 đã khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt.

Tham dự Đại hội có 152 đại biểu (trong đó có 20 đại biểu là nữ) đến từ tất cả các tỉnh thành, kể cả ở vùng tạm chiếm, và đại diện cho tất cả các tổ chức đoàn thể nhân dân và tôn giáo.

Trong số các đại biểu có những cụ già 70-75 tuôi (những trí thức, công nhân, nông dân) với túi khoác trên vai đã đi bộ, vượt hàng trăm cây số đường dài trong vài tuần lễ.

Với mái tóc bạc, chòm râu dài, gương mặt cương nghị và nhiệt huyết như thanh niên, họ đã chiếm được sự kính trọng của tất cả mọi người.

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, Đại hội đã nhất trí thông qua "Nghị quyết" về việc thống nhất hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên Việt.

Cương lĩnh hành động của Liên Việt đề ra nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mọi lĩnh Vực, đặc biệt là trong sản xuất.

Đại hội đã ra Nghị quyết ủng hộ vô điều kiện các Nghị quyết của Hội đồng Hòa bình toàn thế giới họp tại Béc-lin vừa qua.

Đại hội đã bầu ra Hội đồng quốc dân gồm 45 người, trong đó có 3 nữ. Ngoài các lãnh đạo của các đoàn thể nhân dân, được bầu vào Hội đồng còn có một linh mục, một hòa thượng và một người chú của Bảo Đại hiệu Ưng úy đồng thời là Chủ tịch Liên Việt tỉnh.


Sau Đại hội, các đại biểu Liên Việt, Ít-xa-rắc và Ít-xa-la (các tổ chức Mặt trận dân tộc của Cam-pu-chia và Lào) đã tổ chức Hội nghị đoàn kết nhân dân ba nước để thảo ra Cương lĩnh đấu tranh chung của nhân dân ba nước chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thành lập Ủy ban Đoàn kết nhân dân Việt-Miên-Lào.


Hồ Chủ tịch đã tuyên bố tại Đại hội: "Vào đầu năm ngoái chúng ta đã giành được một thắng lợi chính trị lớn: Liên Xô, Trung Hoa dân chủ và các nước dân chủ khác đã công nhận nước Cộng hòa chúng ta. Tiếp theo thắng lợi chính trị đó là các chiến thắng ở Biên giới và Trung du.


Đầu năm nay, chúng ta cũng đã có một thắng lợi to lớn về chính trị, đó là việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam, thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất từ hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt, và Liên minh các Mặt trận dân tộc Việt-Miên-Lào trong tương lai. Dĩ nhiên, tiếp theo những thắng lợi chính trị này phải có các chiến thắng quân sự to lớn hơn nữa.


Đừng quên là còn nhiều khó khăn gian khổ đang đợi chúng ta.

Nhưng cùng với sự đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển được của chúng ta, sự đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển được của các dân tộc đang đấu tranh bảo vệ tự do dân chủ và hòa bình, chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù của nhân dân và thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta".


Những lời này đã nhận được những tràng vỗ tay và hoan hô nhiệt liệt kéo dài.

Hồ Chủ tịch muôn năm!

Xta-lin muôn năm!

Mao Chủ tịch muôn năm!

Với niềm hân hoan không tả xiết các đại biểu đã ôm chầm lẫn nhau trước khi chào tiễn biệt, hứa sẽ ra sức làm việc và hẹn gặp tại Đại hội sau được gọi trước là Đại hội chiến thắng.

ĐINH
(Đề nghị sửa các lỗi chính trị và ngữ pháp)


Người dịch: I-va-nhi-cô-va (Đã ký)

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga.
Phông 17. ML 137. HS 740. Tờ 33-35, 37, 39-44.
Bản sao dịch từ tiếng Pháp.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1011



« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2023, 08:04:19 am »

10.
Ghi chép buổi tiếp Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Lương Bằng của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Ia. Vư-sin-xki

(Trích sổ ghi chép của A.Ia. Vư-sin-xki)
Ngày 22/4/1952

Dấu đến:
   Bộ Ngoại giao Liên Xô, Vụ Đông Nam Á
   MẬT
   Số đến: 448, ngày 23/4/1952.
Mật Bản số 15.

   TRÍCH SỔ GHI CHÉP CỦA A.IA. VƯ-SIN-XKI

BUỔI TIẾP ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, ĐẠI SỨ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TẠI MÁT-XCƠ-VA

Ngày 22/4/1952


Hôm nay tôi đã tiếp đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đại sứ Việt Nam tại Mát-xcơ-va, để bàn về buổi trình Quốc thư sắp tới của Đại sứ lên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô. Tháp tùng Đại sứ có Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Nguyễn Đức Quý làm người phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp.


Trong buổi tọa đàm chủ yếu có tính chất lễ tân, tôi đã quan tâm hỏi thăm sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hình nhân dân ở các vùng giải phóng.

Đại sứ trả lời là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khỏe. Tinh thần của nhân dân Việt Nam rất hăng hái dù còn phải vượt qua nhiều gian khổ. Đại sứ nói thêm, cuộc đấu tranh sẽ còn phải kéo dài và bền bỉ trước khi vĩnh viễn xóa bỏ được chế độ Bảo Đại.


Đối với câu hỏi của tôi về tình hình kinh tế của các vùng giải phóng ở Việt Nam, Đại sứ trả lời, hiện tình hình đất nước đã được cải thiện rất nhiều sau khi tiến hành một loạt các biện pháp hành chính.

Tôi hỏi Đại sứ liệu cuối cùng đã xác định được thủ đô của vùng giải phóng chưa.

Đại sứ trả lời, hiện có một số thành phố, thị xã đang nằm trong tay của quân đội giải phóng, tuy nhiên cho đến nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có thủ đô cố định. Các cơ quan Đảng và Chính phủ trung ương thường xuyên thay đổi chỗ ở chủ yếu ở ba tỉnh - Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Đến đây Đại sứ nói thêm là các thành phố, thị xã tại các vùng giải phóng hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn.


Trả lời câu hỏi của tôi về việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đường sắt hay không, Đại sứ cho biết, quân đội giải phóng kiểm soát một số khu vực đường sắt chủ yếu nằm ở phía Nam đất nước và ở vùng biên giới với Trung Quốc.


Sau đó tôi hỏi có nhiều người Mỹ ở Việt Nam không.

Đại sứ trả lời không có các binh đoàn Mỹ ở Việt Nam. Tại khu vực của Bảo Đại chỉ có phái đoàn quân sự Mỹ.

Kết thúc buổi tọa đàm, tôi nói với Đại sứ là, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Đại sứ bất cứ lúc nào nếu ông có vấn đề gì cần hỏi Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Đại sứ cảm ơn và nói chắc chắn ông sẽ cần đến sự giúp đỡ của chúng ta bởi vì ông không có chút kinh nghiệm ngoại giao nào.

Khi chào tạm biệt, tôi chúc Đại sứ đạt nhiều thành công trong công việc.

Buổi tọa đàm kéo dài 15 phút. Đồng chí Xta-ri-cốp có mặt tại cuộc tọa đàm.

Vư-sin-xki
   Sao y bản chính: Đã ký (V. Xu-xlốp)
   Nơi nhận:
   Gửi các đồng chí: Xta-lin,    Dô-rin,
            Mô-lô-tốp,    Gu-xép,
            Ma-len-cốp, Bô-gô-mô-lốp;
            Bê-ria,    Pô-đơ-txep,
            Mi-cô-i-an,   Vụ Đông Nam Á,
            Ca-ga-nô-vích,   Vụ Lễ tân,
            Bun-ga-nin,    Lưu hồ sơ - 2.
            Khơ-ru-sốp,
            Grô-mưn-cô,
   Số: 228-c
   Ngày 22/4/1952
   Đã gửi: 18 bản
   Lời phê:
   Lưu hồ sơ ngày 24/4 - AM.

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga.
Phông 79. ML 7.
Cặp 3. HS 4. Tờ 1-2.
Bản sao xác thực.
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM