Người cảnh vệ đã đưa cơm tới.
— Hãy ăn một tí đã, nếu nói chuyện không thì bụng rỗng đấy! - Mao Trạch Đông nói một cách dí dỏm.
— Có món gì ăn ngon không? - Đàm Chánh vừa bước tới bàn vừa hỏi.
— Ngon lắm! Ngon lắm! Ớt xào khổ qua, đó là món ăn quê hương của chúng mình - Món Hồ Nam. - Mao Trạch Đông gắp một miếng thức ăn vừa bỏ vào miệng nhai vừa nói.
— Bây giờ đang giữa mùa đông giá rét, làm sao lại có khổ qua?
— Chẳng phải là những thành quả thu hoạch được trên miếng đất trồng rau quả của chúng ta sao? Mùa thu chúng ta đã hái, và lão Vương đầu bếp đã cất nó vào hầm đất. Ông ấy biết có người quê hương Hồ Nam tới kia mà, nên đã xào món này cho chúng ta ăn! - Mao Trạch Đông trả lời câu hỏi của Đàm Chánh.
— Khi chúng ta bắt tay làm việc thì sẽ ăn no mặc ấm mà! - Đàm Chánh lặp lại ý của Mao Trạch Đông.
— Điều kiện lịch sử đã thay đổi rồi! Tình hình đã khác rồi, đồng chí Đàm Chánh ạ! - Mao Trạch Đông lại nói tiếp - Nếu cần dựa vào tình hình thay đổi của lịch sử để giải quyết vấn đề xuất hiện lúc bấy giờ, thì danh từ triết học gọi là thực sự cầu thị, vậy đồng chí còn nhớ không? Năm 1929, chúng ta có thảo luận qua vấn đề của Hồng quân bốn, là giải quyết tư tưởng không trọng thị việc xây dựng căn cứ địa, mà chỉ nhằm quan điểm quân sự đơn thuần, và tư tưởng "giặc cỏ". Và đã quét sạch chủ nghĩa quân phiệt cũ trong quân đội. Bây giờ chẳng những phải tiếp tục khắc phục khuynh hướng chủ nghĩa quân phiệt, mà còn phải giải quyết mối mâu thuẫn chủ yếu đang căng thẳng giữa sĩ quan và binh sĩ. Có người khi được làm quan, thì không còn nghĩ tới nỗi nhọc nhằn của binh sĩ nữa. Binh sĩ đề xuất ý kiến, thì bị họ áp chế dân chủ, đả kích để trả thù.
Dừng lại một chốc, Mao Trạch Đông lại tiếp tục nói:
— Ngoài ra, trong thời kỳ ở Tỉnh Cương Sơn, khi mở đầu, chúng ta không biết phát động quần chúng, và cũng không duy trì kỷ luật bộ đội, làm cho mối quan hệ giữa bộ đội và quần chúng xấu đi, dẫn tới không có lương thực để ăn, đồng chí còn nhớ không? Hai chúng ta ngày ngày cùng ngồi trong phòng húp canh bí rợ đó?
— Còn nhớ! Lúc đó suốt đêm viết văn chương, nếu được uống một tô canh bí rợ có vị mặn, là đã cảm thấy quý rồi!
— Vừa thiếu lương thực, lại vừa thiếu muối nữa!
- Mao Trạch Đông nói tiếp - Còn bây giờ, hai chúng ta ăn gì đây? - Mao Trạch Đông dùng đôi đũa gõ nhẹ lên miệng chén, nói tiếp - Bây giờ chúng ta ăn tiểu mễ (gạo kê). Đồng chí nghĩ, nếu chúng ta không quan tâm tới quần chúng, không phát động bộ đội khai hoang sản xuất, thì chúng ta có được áo ấm cơm no như thế này không?
— Hả hả! - Đàm Chánh cười to, Mao Trạch Đông cũng cười to - Cho nên, báo cáo của đồng chí tại hội nghị cao cấp lần này, chẳng những phải giải quyết mối tương quan giữa sĩ quan và binh sĩ, mà còn phải giải quyết mối tương quan giữa dân và quân, cần phải kiểm thảo mối tương quan giữa quân đội và dân địa phương, cũng như chính phủ địa phương...
Đàm Chánh và Mao Trạch Đông bắt tay từ biệt.
Mao Trạch Đông đưa Đàm Chánh ra cửa. Chừng như nghĩ ra được việc gì, bỗng ông đứng lại trước sân, hỏi Đàm Chánh:
— Đồng chí năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?
— Ba mươi tám tuổi rồi - Đàm Chánh trả lời, nhưng không hiểu tại sao Mao Trạch Đông lại hỏi đột ngột thế.
— Khổng Phu Tử có nói "Tam thập nhi lập", còn đồng chí thì là người đã sắp bốn mươi rồi, vậy cần phải sớm "lập" đi?
— Ồ! - Đàm Chánh tưởng Mao Trạch Đông khích lệ mình lo khởi thảo "Báo cáo vấn đề công tác chính trị trong bộ đội", nên chỉ "ồ" một tiếng để đáp lại, chứ không biết phải nói gì. Nhưng Mao Trạch Đông đã dùng ngón tay trỏ bên phải, viết vào lòng bàn tay trái, cho nên Đàm Chánh phải đứng lại để chờ xem Mao Trạch Đông muốn hỏi gì.
— Đồng chí có nhớ tên cũ của đồng chí là Đàm Thế Danh không? Và đồng chí có chú ý, cái tên hiện giờ - Đàm Chánh không? - Mao Trạch Đông lại hỏi.
— Chuyện đó tôi không để ý lắm.
— Đồng chí hãy đếm xem hai chữ Đàm Chánh có tất cả bao nhiêu nét?
Đàm Chánh cũng dùng một ngón tay viết lên lòng bàn tay để đếm nét chữ, và đáp:
— Hai mươi tám nét!
— Nếu thế đồng chí hãy đếm ba chữ "Mao Trạch Đông", tên tôi, có bao nhiêu nét?
Đàm Chánh lại dùng ngón tay viết lên lòng bàn tay để đếm nét ba chữ "Mao Trạch Đông" rồi đáp:
— Cũng hai mươi tám nét!
— Hai chúng ta đã từng ở Tỉnh Cương Sơn, rồi cùng trường chinh đến tận Diên An. Trước sau đã sống và làm việc với nhau ngoài mười lăm năm rồi. Có lẽ đồng chí không bao giờ nghĩ tới những số nét chữ hết sức giản dị đó chứ? Thôi được, hai mươi tám nét đó không phải bình thường đâu nhé!
Đàm Chánh đứng yên chờ nghe Mao Trạch Đông giảng giải thêm:
— Đồng chí xem chứ "cộng" trong Đảng Cộng sản và chủ nghĩa Cộng sản không phải là hai mươi tám nét đó sao? (chữ cộng theo chữ Hán, nếu tách ra thì phía trên là chữ hai mươi, và phía dưới là chữ tám).
— Như vậy, chúng ta đều là họ “Cộng” cả. Khi đã làm người Đảng viên Cộng sản thì ai cũng tin vào chủ nghĩa Cộng sản và phải đấu tranh thực hiện chủ nghĩa Cộng sản đó!
… Với một chữ “Cộng”, đã gắn chặt Đàm Chánh và Mao Trạch Đông lại làm một!
HẾT TẬP I