Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Chín, 2023, 12:25:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Đường 9 Nam Lào 1971 - Tầm vóc ý nghĩa và bài học lịch sử  (Đọc 367 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 07:40:57 am »

Trong công tác tham mưu, nội dung quan trọng nhất của giai đoạn chuẩn bị chiến dịch là làm các kế hoạch, trong đó kế hoạch tác chiến đóng vai trò trung tâm. Theo đó, các mặt công tác và kế hoạch khác đều lấy bảo đảm phục vụ cho kế hoạch tác chiến mà tổ chức thực hiện. Để đương đầu với khối binh lực lớn của địch với công thức "quân chủ lực ngụy + hỏa lực Mỹ"1 (Lúc đầu địch huy động 42.000 quân, lúc cao nhất lên tới 55.000 quân, bao gồm tất cả các lực lượng dự bị chiến lược cùng lực lượng cơ động của Quân khu 1 (Vùng chiến thuật I), đó là 3 sư đoàn (1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn lính thủy đánh bộ, 1 sư đoàn bộ binh) với tổng số 47 tiểu đoàn bộ binh, 460 xe tăng - xe bọc thép, 280 khẩu pháo, 600 máy bay (có 300 máy bay lên thẳng). Đến ngày 10 tháng 3 năm 1971, địch tăng thêm 13.000 bộ binh, 120 xe tăng - xe bọc thép, 70 khẩu pháo, 300 máy bay lên thẳng. Ngoài ra còn có 2GM (30 và 33) với 9 tiểu đoàn quân của ngụy Lào hậu thuẫn từ phía tây. Được sự chi viện lớn hỏa lực của không quân Mỹ và một bộ phận bộ binh, thiết giáp Mỹ phối hợp tác chiến, yếm trợ ở phía sau), ta đã huy động lực lượng chủ lực tương đương một quân đoàn tăng cường, được trang bị và chi viện của nhiều loại pháo binh cỡ lớn, xe tăng - thiết giáp cùng lực lượng phòng không, công binh tương đối mạnh tham gia chiến dịch2 (Lực lượng ta tham gia trực tiếp chiến dịch gồm 5 sư đoàn bộ binh (304, 308, 320, 324 và Sư đoàn 2 của Quân khu 5), các lực lượng tại chỗ của Mặt trận Đường 9 (155), Trị - Thiên (B4), Đoàn 559, một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; 3 tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp (với 88 xe các loại, chiếm 50% tổng số xe hiện có của binh chủng); 4 trung đoàn pháo binh, một số phân đội pháo của 5 sư đoàn bộ binh, của Đoàn 559, với tổng số 351 khẩu pháo, cối lớn các loại; 4 trung đoàn pháo cao xạ cùng nhiều tiểu đoàn, đại đội phòng không của Đoàn 559, của các sư đoàn bộ binh; có 3 trung đoàn công binh và nhiều phân đội công binh của Đoàn 559. Ngoài ra còn có lực lượng vũ trang tại chỗ của các địa phương, kho trạm, v.v... Tổng cộng gần 58.800 cán bộ, chiến sĩ). Do đó, các kế hoạch - nhất là kế hoạch tác chiến phải là những kế hoạch của đội hình chiến đấu hiệp đồng gồm nhiều binh chủng, nhiều lực lượng trong chiến trường rừng núi rộng lớn trên cả đất bạn và ta. Các kế hoạch đều phải được xây dựng thành nhiều phương án có thể xảy ra, trên cơ sở dự kiến các tình huống về địch, với yêu cầu chung bảo đảm đánh thắng trong mọi tình huống. Đó là những đặc điểm ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị kế hoạch, huấn luyện bộ đội và chỉ đạo tác chiến.


Đồng thời với chuẩn bị các mặt ở chiến trường, ngay từ giữa năm 1970, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các cục Tác chiến, Quân huấn, Quân lực và Viện Khoa học quân sự nghiên cứu biên soạn tài liệu huấn luyện về cách đánh tập trung hiệp đồng binh chủng. Các chuyên đề "Một số vấn đề về chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực trên chiến trường lựa chọn ở vùng rừng núi", "Một số vấn đề về chiến dịch phản công khi địch đánh vào các căn cứ hậu phương, khu giải phóng của ta", "Một số vấn đề về đánh tiêu diệt chiến đoàn (trung đoàn, lữ đoàn) quân ngụy trong chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực trên chiến trường rừng núi", "Bao vây đánh lấn tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch trong công sự vững chắc" và "Cách đánh cụm cứ điểm có công sự vững chắc của địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành sau khi vây lấn thời gian ngắn" lần lượt hoàn thành và nhanh chóng được tập huấn cho hơn 300 cán bộ toàn quân từ cấp trung đoàn trở lên trong tháng 9 năm 1970.


Các đồng chí Tổng Tham mưu phó Vương Thừa Vũ - phụ trách công tác huấn luyện và Lê Trọng Tấn - phụ trách tác chiến, trực tiếp tham gia ban chỉ đạo lớp tập huấn. Qua học tập, cán bộ trung - cao cấp nhận thức sâu sắc thêm nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn; thấy rõ vị trí chức năng, nhiệm vụ của bộ đội chủ lực trong giai đoạn cách mạng mới và sự cần thiết phải đánh tập trung, đánh hiệp đồng binh chủng, đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị lớn của địch; xây dựng được niềm tin thắng lợi vào cách đánh mới phù hợp với điều kiện vũ khí trang bị hiện có, đồng thời xác định trách nhiệm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy trong tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, quyết tâm đánh tiêu diệt lớn quân địch. Sau hơn một tháng nghiên cứu, cán bộ tập huấn tỏa về các đơn vị mang theo cách đánh mới vận dụng ngay vào huấn luyện với quyết tâm sớm được thử thách trên chiến trường. Một số đơn vị tham gia chiến đấu tại Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã kịp thời tranh thủ tổ chức cho bộ đội tập luyện đánh địch theo cách đánh mới tại thực địa, với nhiều phương án dự kiến trước.


Chỉ đạo chiến trường đối phó với âm mưu đánh ra hành lang vận chuyển chiến lược của ta trong Đông - Xuân 1970 -1971, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các đơn vị ở Mặt trận Đường 9 và Trị - Thiên cần xây dựng cả hai phương án: ta chủ động tiến công địch và ta phản công khi địch mở cuộc hành quân. Cả hai phương án đều phải quán triệt và nắm vững tư tưởng tiến công. Trong hoạt động tác chiến thường xuyên, phải coi trọng phát triển thật nhiều các tổ săn máy bay, tổ săn cơ giới; tích cực đánh bại các thủ đoạn biệt kích, phục kích, đẩy mạnh đánh giao thông và căn cứ địch trên các trục đường số 9, 13, 16 để tiêu hao sinh lực địch; tăng cường xây dựng cơ sở vùng địch hậu, phát động chiến tranh du kích, phối hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, phá bình định của địch, bảo vệ hành lang tiếp tế và phát triển thế làm chủ chiến trường.


Nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ bằng được tuyến vận chuyển chiến lược, tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến của chiến dịch được xác định rõ là: Đánh địch ngay từ khi chúng đang triển khai đội hình, đánh địch vận động, đồng thời tích cực đánh địch co cụm; tích cực nắm thời cơ và tạo thời cơ, buộc địch đánh theo ý đồ và trận địa có lợi do ta chuẩn bị sẵn; đánh hiệp đồng binh chủng từ tiểu đoàn, trung đoàn trở lên, đồng thời phát huy sức mạnh của các lực lượng nhỏ mà tinh, đánh những trận có hiệu suất cao, đánh tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường, thu vũ khí và bắt tù binh; kiên quyết chia cắt địch ra từng bộ phận, chặn tiếp tế đường bộ, đường không, tổ chức đánh cơ giới và trực thăng địch một cách rộng khắp, hạn chế mức cao nhất sức cơ động của địch, tạo điều kiện để tiêu diệt gọn chiến đoàn, trung đoàn địch.


Thực hiện phương châm chỉ đạo tác chiến trên, trong những ngày dịch nghi binh và tập kết lực lượng chuẩn bị tiến công trên Đường 9 (30.1 - 7.2.1971), các lực lượng thuộc B4, B5, Đoàn 559 và lực lượng địa phương tại chỗ đã tiến hành nhiều trận phục kích giao thông, đánh vận động tiêu hao, bắn máy bay trực thăng chở quân, tập kích hỏa lực pháo binh nhằm tiêu hao và ngăn chặn quân địch triển khai đội hình tiến công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:21:30 am »

Bước vào giai đoạn cao điểm đánh địch tiến công, các bức điện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương luôn nhắc chỉ huy các cấp trong chỉ đạo tác chiến phải liên tục phát huy sức mạnh tiến công để tạo nên uy lực sức mạnh của bộ đội binh chủng hợp thành; nắm vững phương châm tác chiến kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, biết đánh nhỏ, đánh vừa, đồng thời phải tạo điều kiện để đánh những trận tiêu diệt lớn, tiêu hao rộng rãi và liên tục quân địch; kịp thời nắm thời cơ và tạo thời cơ phát triển chiến đấu, kết hợp chặt chẽ tác chiến với vận động binh lính địch đầu hàng, bắt tù binh, thu vũ khí; quyết tâm đánh thắng địch trong mọi tình huống, nhưng không vì thế mà ham đánh những trận tiêu hao lớn; nhanh chóng rút kinh nghiệm để kịp thời kiện toàn tổ chức chỉ huy các cấp, kiện toàn biên chế, tránh xé lẻ đơn vị; chú trọng bổ sung hỏa lực các loại và các cỡ, kịp thời phát triển cách đánh về kỹ thuật và chiến thuật; chú trọng xây dựng lực lượng dự bị các cấp, bảo đảm bộ đội tác chiến được lâu dài, càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh.


Cụ thể hóa một bước tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho các đơn vị tham gia chiến dịch hết sức tranh thủ thời gian, tích cực, chủ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ, kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, giữa các lực lượng, liên tục, bền bỉ tiến công địch mọi lúc, mọi nơi. Thời gian đầu khi địch mới đánh ra, ta sử dụng lực lượng nhỏ phân tán, chốt trước các điểm cao dự kiến địch có thể đổ quân đánh chiếm, tích cực diệt cơ giới địch một cách rộng khắp, đánh phủ đầu tiêu hao địch, tích cực phòng hóa và bắn máy bay địch, nhất là trực thăng chở quân, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực cơ động đánh tiêu diệt. Khi địch đổ quân lớn, ta kết hợp các loại hỏa lực đánh từ xa tới gần, kiên quyết bám địch đánh tiêu hao rộng rãi, làm chậm bước tiến quân của chúng, không cho địch củng cố phòng ngự nơi chiếm đóng, tạo điều kiện để tổ chức tác chiến tập trung tiêu diệt từng bộ phận quân địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của địch.


Đối với lực lượng cơ động của ta, bố trí ở nơi tiện cơ động, chuẩn bị thật chu đáo mọi mặt, cài thế và tạo thế tiến đánh những trận tiêu diệt lớn bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, bằng mọi hình thức và thủ đoạn tác chiến, nhằm bẻ gãy từng cánh quân của địch trong quá trình hành quân cũng như khi rút lui. Tổ chức bao vây đánh lấn đi đến tiêu diệt nếu địch cụm lại. Kết hợp đánh địch ở phía trước với tổ chức các lực lượng tinh nhuệ và hỏa lực thường xuyên đánh địch ở phía sau (căn cứ hành quân, sở chỉ huy, trận địa pháo, bãi đáp trực thăng nơi tập trung cơ giới, kho tàng...). Các lực lượng bảo vệ kho tàng thực hiện đánh nhỏ nhưng đánh thật mạnh với tinh thần kiên quyết ở khu vực kho, nếu phải đánh lớn thì phải lừa dụ địch ra xa khu vực kho để đánh, kết hợp với phân tán, cất giấu, ngụy trang giữ bí mật kho tàng.


Thực tế diễn biến chiến trường suốt giai đoạn đầu dịch tiến công, ta phản công (8.2 - 11.3.1971) và giai đoạn địch rút lui, ta chuyển từ phản công sang tiến công (13 - 23.3.1971), bộ đội ta luôn thực hiện rất tốt tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến, từng bước ngăn chặn và đánh bại hình thức tác chiến "trực thăng vận" và đột phá bằng xe tăng - thiết giáp của địch, không cho chúng thực hiện âm mưu đánh nhanh, chặn đứng không cho địch tiến đến Sê Pôn, thực hiện vây lấn "đánh mõm" quân địch ở khu vực Bản Đông, buộc địch phải bỏ dở cuộc hành quân để ta truy kích đánh địch rút chạy. Với ý chí quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bộ đội ta đã sáng tạo nhiều cách đánh, nhiều thủ đoạn chiến đấu mưu trí, linh hoạt ở cả quy mô tác chiến chiến dịch và chiến thuật, trong chiến đấu chốt chặn - phòng ngự và phản công - tiến công, trong chiến đấu hiệp đồng và đánh độc lập, ban ngày và ban đêm, với nhiều trận phục kích, chia cắt, vây lấn, tập kích, đột phá... làm cho địch bị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, mất dần thế chủ động, bị dồn vào thế bị động đối phó và buộc phải tháo chạy.


Một số trận đánh bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng như trận chốt giữ điểm cao 351 của Trung đoàn 24 (Sư đoàn 324) trên Đường 9, trận Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) vây lấn tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 39 biệt động quân trên điểm cao 500, trận Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) đánh chiếm điểm cao 543 tiêu diệt Sở chỉ huy Lữ đoàn 3 dù của địch, trận đánh của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ở khu vực điểm cao 723... đạt kết quả cao, tỷ lệ thương vong thấp là những bằng chứng hết sức sinh động trong việc vận dụng linh hoạt cách đánh mới mà cán bộ ta vừa được tập huấn trước đó không lâu. Qua chiến đấu, ta đã giải quyết được vấn đề đánh cơ giới địch vận động, bước đầu sử dụng xe tăng đánh ban ngày, sử dụng đặc công và pháo binh tiến công, pháo kích căn cứ hậu cần địch có hiệu quả; trình độ tổ chức, tác phong chỉ huy của cán bộ và hiệu suất chiến đấu của bộ đội có tiến bộ rõ rệt. Điều đó khiến dịch từ chỗ chủ quan đánh giá thấp khả năng chiến đấu của bộ đội ta nay càng thêm bất ngờ, kinh ngạc trước những đòn đánh bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng rất hiệu quả của chủ lực ta. Tuy nhiên, từ thực tế chiến dịch cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển trong xây dựng bộ đội chủ lực về tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện, chuẩn bị chiến trường như thế nào để chủ lực ta có thể tác chiến lớn bằng sức mạnh binh chủng hợp thành đánh bại quân chủ lực Sài Gòn trong những năm tiếp theo.


Như vậy, xét riêng về mặt tác chiến trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ta đã đánh bại các chiến thuật cơ động quân quy mô lớn bằng máy bay lên thẳng, dùng thiết giáp làm lực lượng xung kích tiến công và hình thức đóng chốt trên điểm cao bằng lực lượng tiểu đoàn hoặc trung đoàn của địch; tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhệ, dự bị chiến lược và phương tiện chiến tranh, đánh bại cuộc hành quân của địch; giữ vững hệ thống kho tàng, bảo đảm tuyến vận chuyển chiến lược không bị gián đoạn; làm tròn nhiệm vụ mặt trận chính trong Xuân - Hè 1971, tạo điều kiện cho các chiến trường khác phối hợp hoạt động để phân tán địch về chiến lược.


Đánh giá về sự chỉ đạo tác chiến, báo cáo của Quân ủy Trung ương tại Hội nghị tổng kết chiến dịch (28-6-1971) đã nêu rõ: Xét về mặt chỉ đạo vận dụng nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa điển hình là một chiến dịch tiêu diệt lớn nhằm đập tan về mặt quân sự của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Nó mang kiểu cách Việt Nam uà phát triển tính độc lập sáng tạo trong cách đánh ở Việt Nam.


Trong sự thành công trên, Bộ Tổng Tham mưu vừa làm tròn trọng trách của cơ quan tham mưu chiến lược để tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn đơn vị; vừa có lúc trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến dịch - nhất là giai đoạn chưa thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu luôn bám sát diễn biến chiến trường, kịp thời có điện chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch về sử dụng lực lượng và cách đánh, nhất là đối với những trận có ý nghĩa then chốt quyết định. Đi đôi với chỉ đạo từ xa, nhiều cán bộ được tăng cường cho cơ quan tham mưu và chỉ huy tác chiến chiến dịch tại mặt trận, trong đó không chỉ có cán bộ là trợ lý mà còn có cả cán bộ cấp phòng, cấp cục phó. Đặc biệt, khi chiến dịch bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cả đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng, Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn và đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đều có mặt trực tiếp theo dõi và chỉ đạo chiến dịch tại mặt trận. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm về xây dựng cơ quan và tổ chức hoạt động của Bộ Tổng Tham mưu trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu có tình huống chiến tranh xảy ra.


Nhìn lại toàn bộ diễn biến và kết quả chiến dịch, chúng ta thấy rằng, đây là lần đầu tổ chức chiến dịch phản công tác chiến binh chủng hợp thành quy mô lớn trên chiến trường miền Nam, chiến dịch được tiến hành thuận lợi ta giữ vững quyền chủ động tác chiến từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc, giành thắng lợi toàn diện và gọn (chiến dịch không bị kéo dài). Điều đó chứng minh rõ rằng, cơ quan chủ nhiệm các binh chủng đã làm tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo về sử dụng lực lượng và cách đánh của binh chủng mình, góp phần quan trọng làm cho sự chỉ đạo, chỉ huy tác chiến chiến dịch ăn khớp nhịp nhàng, đạt hiệu suất chiến đấu cao; đồng thời, khẳng định chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, đánh dấu bước phát triển cao về nghệ thuật chiến dịch phản công bằng tác chiến binh chủng hợp thành của quân đội ta.


Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đã chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vùng ngoài của liên quân Mỹ - quân đội Sài Gòn, tạo ra bước ngoặt rất quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, không chỉ của nhân dân Việt Nam mà cả ba nước Đông Dương. Với ta, thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mở ra thời kỳ phát triển hết sức phong phú, đa dạng nhiều cách đánh của các lực lượng trong đội hình tác chiến binh chủng hợp thành. Vì vậy, ý nghĩa và sức lan tỏa của thắng lợi Đường 9 - Nam Lào 1971 đó vượt qua giới hạn thông thường cả về không gian và thời gian của nó.


Hội thảo khoa học về chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử kháng chiến, những giá trị sáng tạo về nghệ thuật chiến dịch và chỉ đạo tác chiến của thế hệ cha anh trong chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang, trân trọng những bài học kinh nghiệm của thế hệ trước, chúng ta có trách nhiệm làm sáng tở những vấn đề có tính quy luật trong nghệ thuật chiến dịch và chỉ đạo tác chiến. Phải khái quát thành lý luận khoa học để vận dụng vào huấn luyện bộ đội, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng quân đội ta ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, có sức mạnh và trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong điều kiện tác chiến hiện đại, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nếu xảy ra chiến tranh, chiến dịch phản công sẽ là loại hình chiến dịch phổ biến. Vì vậy, đi đôi với nghiên cứu một số hạn chế, thiếu sót không sao tránh khỏi của một chiến dịch trong điều kiện cụ thể của chiến tranh, việc làm rõ thành công diển hình của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971 sẽ góp phần rất quan trọng vào việc bổ sung, phát triển kho tàng lý luận nghệ thuật chiến dịch nói chung và nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng trong nền nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.


Những bài học và kinh nghiệm của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 40 năm trước vẫn còn nguyên giá trị và sẽ phát huy tác dụng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:24:12 am »

CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO 1971, THẮNG LỢI CỦA TƯ DUY VÀ NGHỆ THUẬT CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC

Trung tướng NGUYỄN THÀNH CUNG
Ủy viên Trung ương Đảng,
Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng


Cách đây 40 năm, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971 của quân và dân ta giành toàn thắng. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Với việc đập tan cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, chiến dịch đã góp phần quan trọng làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra sự thay đổi cục diện chiến trường và "đánh bại một bước quan trọng, mở ra triển vọng hiện thực đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ về quân sự"1 (Điện của Quân ủy Trung ương số 036 năm 1971, dẫn theo: Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1987, tr. 4).


Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; là thắng lợi của trí tuệ và tài thao lược của Bộ Thống soái tối cao. Nói cách khác, đó là thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc sảo, độc lập tự chủ và sáng tạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Chiến tranh là sự thử thách lớn nhất đối với một dân tộc, một quốc gia. Vì thế, cuộc đọ sức quyết liệt không chỉ diễn ra trên chiến trường - mặc dù tính chất ác liệt, sự hy sinh và những hậu quả lâu dài của nó đều tập trung ở đó - mà còn diễn ra căng thẳng, gay gắt từng giờ, từng phút ở các cấp chỉ huy, trước hết là ở cấp chiến lược, bộ tham mưu đầu não của hai bên. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là một trong những minh chứng về tài thao lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, từ sự lường định tình hình, phán đoán đúng âm mưu và ý đồ hành động của địch, nắm bắt những động thái chiến lược của chúng, quyết tâm tổ chức chiến dịch phản công, đến việc kiên quyết tập trung lực lượng, phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần của cả tiền tuyến và hậu phương, đảm bảo cho chiến trường đánh thắng.


1. Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển từ chiến lược "Chiến tranh cục bộ" sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", vừa tiến hành các cuộc hành quân "bình định cấp tốc" ở miền Nam, vừa đánh phá ác liệt tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta, ngăn chặn nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho các chiến trường. Trước sự phản công quyết liệt của địch, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của ta bị tổn thất nặng nề; các đơn vị vũ trang bị đánh bật khỏi đô thị, vùng ven, vùng đồng bằng; một số phải rút qua bên kia biên giới hoặc về đứng chân ở Nam Quân khu 4. Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là giai đoạn cách mạng miền Nam đứng trước thử thách cực kỳ gay gắt. Song, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã bình tĩnh tìm hiểu, lợi dụng và khoét sâu những sai lầm của địch trong bước chuyển chiến lược, chỉ đạo các đảng bộ miền Nam, lực lượng vũ trang và nhân dân từng bước khôi phục lại thế và lực trên chiến trường, nắm lại quyền chủ động chiến lược; đồng thời, khẩn trương khôi phục kinh tế miền Bắc, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho miền Nam, tập trung nâng cao một bước sức mạnh của lực lượng vũ trang, đặc biệt là nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực.


Tháng 1 năm 1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 18 (khóa 111) nhận định: tình hình sẽ diễn biến phức tạp ở Campuchia, đường hành lang vận chuyển chi viện cho Nam Bộ và một phần Khu 5 có thể bị cắt đứt, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ quốc tế là tăng cường chi viện cho cách mạng Lào, góp phần cùng quân và dân Lào đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" của đế quốc Mỹ ở Lào. Đặc biệt, sau khi quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết nêu rõ: "Mỹ và tay sai sẽ tiếp tục việc chuyển hướng chiến lược trên chiến trường miền Nam nước ta, từng bước rút một lực lượng lớn quân Mỹ, đồng thời để một bộ phận quân Mỹ nhất là không quân và hậu cần làm chỗ dựa để thực hiện "Việt Nam hóa chiến tranh"1 (Dẫn theo tài liệu số 218/Tg, ngày 26 tháng 6 năm 1971, lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu). Trên cơ sở đánh giá chính xác âm mưu, quy luật hoạt động của địch trong năm 1969 và đầu năm 1970 trên chiến trường, Bộ Chính trị nhận định: địch sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới trong thời gian tiếp theo, đồng thời dự đoán chính xác phương hướng tiến công chiến lược của chúng trong mùa khô 1970-1971 sẽ là tuyến vận tải chiến lược của ta ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, thực hiện biện pháp được gọi là "Cuộc chiến tranh bóp nghẹt" nhằm ngăn chặn tận gốc con đường chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Về đối tượng tác chiến, Bộ Chính trị cũng cho rằng, trong khuôn khổ chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" thì trong các cuộc hành quân có tính chất phản công chiến lược của địch, lực lượng nòng cốt chủ yếu là quân đội Sài Gòn có sự chi viện mạnh về hỏa lực, phương tiện cơ động và một bộ phận quân Mỹ bảo đảm phía sau.


Thực tế diễn biến tình hình trong năm 1970 chứng tỏ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã bắt mạch đúng âm mưu và chủ trương chiến lược của địch. Đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề, buộc phải xuống thang từng bước, không thể duy trì cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do bản chất ngoan cố, nên mỗi bước xuống thang chiến tranh, địch lại tăng cường nỗ lực chính trị, quân sự và ngoại giao hòng giành thế mạnh trên chiến trường để tạo điều kiện "xuống thang" chiến tranh trên thế mạnh, giúp Mỹ rút ra trong danh dự. Chính vì vậy, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị cho các lực lượng trên toàn tuyến vận chuyển chiến lược chuẩn bị tổ chức chiến trường, đặc biệt là hướng Đường số 9, sẵn sàng đánh bại quân địch khi chúng liều lĩnh đánh ra vòng ngoài. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định thành lập Binh đoàn 70, binh đoàn chiến lược đầu tiên của quân đội ta, có nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến công ra Nam Quân khu 4; đồng thời sẵn sàng phối hợp với các đơn vị tại chỗ thuộc B4, B5 và Đoàn vận tải chiến lược 559 đánh địch trên hướng Đường số 9.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:24:53 am »

Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1971, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình bình định ở miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tăng cường chuẩn bị và tiến hành các cuộc hành quân quy mô lớn sang Lào và Campuchia1 (Cuộc hành quân "Toàn thắng 1-71-NB" với quy mô trên 30 tiểu đoàn đánh từ Tây Ninh, Lộc Ninh (Việt Nam) sang CônKpông Chàm, Kra Chiê (Đông Bắc Campuchia); cuộc hành quân "Lam Sơn 719", với lực lượng 34 tiểu đoàn đánh vào khu vực Đường số 9 - Nam Lào; cuộc hành quân Quang Trung 4 từ bắc Kon Tum (Việt Nam) ra hướng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia) bằng lực lượng quân đội tay sai mà nòng cốt là quân đội Sài Gòn có sự hỗ trợ của quân Mỹ, nhằm triệt phá tuyến hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của ta. Măc dù trước khi tiến hành cuộc hành quân "Lam Sơn 719", quân Mỹ và quân Sài Gòn đã tiến hành nghi binh trên cả ba hướng: Tây Nguyên, Đường số 9 và Nam Quân khu 4, nhưng do ta nắm chắc được ý đồ chiến lược thực sự của địch là đánh phá tận gốc tuyến vận tải chiến lược, nên đã sớm xác định hướng tiến công chủ yếu của chúng sẽ là Đường 9 - Nam Lào và khẩn trương chuẩn bị khá toàn diện cho chiến dịch phản công quan trọng này.


Cuộc hành quân "Lam Sơn 719" đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào là một trong những cuộc hành quân có quy mô lớn nhất của địch và cũng là sai lầm chiến lược của chúng trong quá trình thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Trên cơ sở phân tích tình hình chung trên toàn chiến trường cũng như trên từng khu vực, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cho rằng, sai lầm của địch bắt nguồn từ bản chất ngoan cố, phiêu lưu, mạo hiểm của chúng, là hậu quả một chuỗi sai lầm chiến lược từ trước của Mỹ và nằm trong sai lầm của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Những sai lầm đó là:


Thứ nhất, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã đánh giá sai khá năng của ta. Chúng cho rằng, sau Tết Mậu Thân 1968 ở miền Nam, lực lượng ta đã suy yếu không đủ sức mở các cuộc tiến công lớn; mặt khác, đánh ra Đường 9, chủ lực ở miền Bắc khó có điều kiện tập trung và cơ động kịp thời đến khu vực tác chiến. Đặc biệt, địch đánh giá thấp sức chiến đấu của lực lượng tại chỗ, sức cơ động và khả năng đánh hiệp đồng binh chủng của lực lượng chủ lực ta.


Thứ hai, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đánh giá quá cao sức mạnh của lực lượng tổng dự bị của quân đội Sài Gòn như các đơn vị dù, thủy quân lục chiến với sự chi viện về hỏa lực của không quân, pháo binh của Mỹ.


Thứ ba, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc hành quân vào một chiến trường mà ta đã có tổ chức chuẩn bị, có điều kiện để tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc và sử dụng lực lượng chủ lực với quy mô lớn.


Thứ tư, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc tiến công sang Lào bằng lực lượng lớn, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị cả về dư luận, về lực lượng, phương tiện nên mất yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện cho ta có thời gian chuẩn bị chiến dịch.


Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đánh giá đúng tầm quan trọng của chiến dịch phản công của ta và coi việc địch đưa lực lượng ra khu vực Đường 9 - Nam Lào là một cơ hội hết sức thuận lợi để ta tiêu diệt chúng. Do vậy, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thực sự "là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược, không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch trong lúc tinh thần của chúng đang suy sụp, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" của địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiên lên mạnh mẽ, để giải phóng miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa yêu quý, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang"1 (Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dẫn theo tài liệu: Một số nhận xét bước đầu về thắng lợi của ta trên Mặt trận Đường 9, số 029/VP-QƯ, ngày 25 tháng 3 năm 1971, Lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, hồ sơ 275). Vì vậy, "quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào và Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai"2 (Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dẫn theo tài liệu: Một số nhận xét bước đầu về thắng lợi của ta trên Mặt trận Đường 9, số 029/VP-QƯ, ngày 25 tháng 3 năm 1971, Lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, hồ sơ 275).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:25:38 am »

2. Cuối tháng 1 năm 1971, khi địch bắt đầu điều động và triển khai lực lượng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trên cơ sở theo dõi chặt chẽ mọi động thái của đich diễn biến tình hình chiến trường, đã kịp thời hạ quyết tâm: nhất thiết phải đánh thắng trận này, dù phải động viên sức ngươi, sức của như thế nào, dù phải hy sinh như thế nào cũng phải quyết tâm đánh thắng vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược.


Có thể nói, quyết tâm chiến lược được đề ra dựa trên cơ sở phán đoán đúng âm mưu của địch, thấy rõ sai lầm của chúng, đánh giá đúng tình hình tương quan lực lượng hai bên. Để thực hiện quyết tâm đó, ta đã kiên quyết tập trung một bộ phận quan trọng binh lực trên cả hai miền, đặc biệt sử dụng gần hết lực lượng chủ lực cơ động và một bộ phận chủ lực ở miền Nam, với nhiều binh chủng kỹ thuật tham gia chiến dịch. Đồng thời, Quân ủy Trung ương đã kịp thời thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường số 9, tăng cường cho mặt trận nhiều cán bộ lãnh đạo và chỉ huy có kinh nghiệm và trong một thời gian ngắn đã huy động một khối lượng lớn vật chất đảm bảo cho chiến dịch. Ngày 9 tháng 2 năm 1971, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị "Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho Chiến dịch X"1 (Chỉ thị số 009/QU-TƯ/A, lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, hồ sơ Số 713 (Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mang mật danh "Chiến dịch X")). Chỉ thị của Quân ủy Trung ương yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải "ra sức động viên chính trị, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ đảng viên, đoàn viên nhận rõ tình hình, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng, yêu cầu của chiến dịch, quyết thắng thật cao, động viên khí thế chiến đấu thật sôi sục, thật bền bỉ nêu cao lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, khơi sâu lòng căm thù giặc, có quyết tâm hy sinh chiến đấu, cống hiến lớn nhất cho dân tộc. Bất kể tình huống nào chúng ta cũng phải đánh thắng"2 (Tài liệu đã dẫn, hồ sơ số 713).


Ngay từ khi quyết định mở chiến dịch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương hết sức cụ thể: Bề mục tiêu chiến dịch: tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, phá hủy, thu vũ khí trang bị, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược; Về hướng phản công chủ yếu: khu vực Đường số 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông; Về phương chăm tác chiến: kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng chủ lực cơ động đánh bại tập đoàn tiến công của địch. Các vấn đề trên được thể hiện trong quyết tâm và kế hoạch thống nhất, nhằm mục tiêu chiến lược là đánh một đòn nặng vào lực lượng dự bị chiến lược tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn - lực lượng nòng cốt trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".


Trong quá trình chiến dịch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo hết sức tập trung. Thường vụ Quân ủy Trung ương họp hàng ngày, Quân ủy họp mỗi khi có tình hình chuyển biến phức tạp và mọi quyết định đều được báo cáo với Bộ Chính trị. Trên thực tế, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo xử lý các tình huống nảy sinh trong chiến dịch. Chẳng hạn, sau những thắng lợi của ta trong giai đoạn đầu chiến dịch, Quân ủy Trung ương đã kịp thời ra chỉ thị, trong đó nêu rõ: "Tuy địch đã thất bại bước đầu ngoài dự tính, nhưng với bản chất ngoan cố và còn lực lượng, nên qua mấy ngày lúng túng, chúng đang điều động thêm lực lượng với ý đồ củng cố trận địa Bản Đông thành một bàn đạp tương đối vững, đồng thời dùng lực lượng mới, thay đổi thủ đoạn tác chiến, cố gắng tiếp tục cuộc hành quân hòng vớt vát về chính trị... Tình huống cơ bản là cuộc chiến đấu có thể diễn ra quyết liệt trong một thời gian tương đối dài; chúng ta phải sẵn sàng đánh địch và thắng địch; đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch trong trường hợp chúng buộc phải rút sớm trước những thất bại mới"1 (Chỉ thị số 012/QU-TƯ/A ngày 2 tháng 3 năm 1971, lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, hồ sơ số 174)... Được sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời điều động lực lượng, tổ chức sẵn sàng đánh địch theo hai phương án: địch ngoan cố kéo dài cuộc hành quân và rút sớm, tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Chính vì vậy, sau khi bị thất bại nặng nề trên các hướng, địch có biểu hiện rút chạy, các lực lượng ta đã nhanh chóng bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt, làm tan rã tập đoàn tiến công chủ yếu của địch trên khu vực Bản Đông, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:26:01 am »

3. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thắng lợi đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc về tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược.

Một là, trong chiến tranh, khi cục diện chiến trường ở vào thế giằng co, địch có những biểu hiện lúng túng về chiến lược, thì mặc dù lực lượng của ta còn hạn chế, để tạo ra bước ngoặt quyết định, cần kịp thời và kiên quyết tập trung nỗ lực cao độ cả về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cả về sử dụng lực lượng cũng như vũ khí, phương tiện và đảm bảo hậu cần cho các hoạt động tác chiến có ý nghĩa chiến lược. Chỉ có như vậy mới tạo ra chuyển biến lớn về thế và lực, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới.


Hai là, chiến tranh là sự thử thách lớn, toàn diện và liên tục; là cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai bên tham chiến. Mỗi lần địch thay đổi chiến lược và biện pháp chiến tranh là một lần khó khăn thử thách lớn đối với ta. Để vượt qua những thử thách trong chiến tranh, ta phải tập trung cao công sức, trí tuệ, lực lượng để giành và giữ vững quyền chủ động trong mọi tình huống. Trong thực tiễn chỉ đạo, ta đã tập trung lực lượng chủ lực lớn nhất có thể tập trung được và đã huy động đến mức cao nhất nhân lực, vật lực của cả tiền tuyến và hậu phương. Đặc biệt, để đảm bảo chắc thắng trong trận mở đầu và cho toàn chiến dịch, ta phải kịp thời và nhanh chóng cơ động lực lượng lớn chủ lực đến địa bàn chiến dịch, tạo so sánh lực lượng có lợi cho ta, đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch.


Ba là, trong chiến tranh, chiến dịch chịu sự chỉ đạo của chiến lược, thực hiện nhiệm vụ của chiến lược. Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch. Vấn đề đặt ra trước hết trong chỉ đạo chiến lược là phải trên cơ sở phân tích tình hình, nhận rõ những sai lầm, mạnh yếu của địch, khoét sâu những sai lầm chiến lược của chúng, quyết tâm mở chiến dịch quyết chiến chiến lược.


Thực tế lịch sử chiến tranh cho thấy, một nước nhỏ chống lại chiến tranh xâm lược của nước lớn, một quân đội ít hơn địch về số lượng, yếu hơn địch về vũ khí trang bị, để đánh thắng, phải có nghệ thuật chỉ đạo chiến lược cao hơn địch, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân đánh giặc, của nhân tố chính trị tinh thần và nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang; phải giữ vững và phát huy quyền chủ động trên chiến trường, điều được địch và buộc địch phải đánh theo cách của ta. Điều đó khẳng định, ta thắng Mỹ không phải chỉ bằng sự hy sinh, lòng dũng cảm mà trước hết là bằng bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.


Có thể nói, thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của chủ trương đúng đắn, nghệ thuật chỉ đạo sắc sảo, cách đánh thích hợp và có hiệu quả. Thắng lợi to lớn và toàn diện của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào cho thấy mối quan hệ giữa cách đánh và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược có vị trí rất quan trọng. Cách đánh sáng tạo được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao có thể làm thay đổi nhanh chóng tình thế, thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Những bài học về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:27:04 am »

SỰ CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG ƯƠNG VÀ BỘ CHỈ HUY TỐI CAO QUÂN GIẢI PHÓNG NHÂN DÂN LÀO TRONG ĐỢT HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ MÙA KHÔ 1970 - 1971

Trung tướng CHĂNSAMỎN CHĂNNHALẠT
Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào,
Thứ trướng Bộ Quốc phòng
Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào


Nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam và sự nhất trí của Bộ Quốc phòng Lào, tôi rất vinh dự được tham dự Hội thảo khoa học ngày hôm nay và được phép của Đoàn chủ tịch, tôi xin trình bày bài tham luận với chủ đề: "Sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương và Bộ chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào trong đợt hoạt động quân sự mùa khô 1970-1971".


Đầu năm 1969, tập đoàn Níchxơn lên cầm quyền ở Mỹ. Mặc dù, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở Lào và chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam của Giônxơn đã bị phá sản, nhưng đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược Lào và các nước Đông Dương. Để tiếp tục thực hiện âm mưu đó, ngay sau khi lên cầm quyền, Níchxơn đã đề ra một chiến lược toàn cầu mới mang tên "Học thuyết Níchxơn" - dựa trên ba nguyên tắc: Sức mạnh Mỹ; chia sẻ trách nhiệm; sẵn sàng thương lượng trên thế mạnh. Ở Lào, "Học thuyết Níchxơn" được biểu hiện cụ thể bằng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường"; ở miền Nam Việt Nam là "Việt Nam hóa chiến tranh". Sau hai năm thực hiện, đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề, đã buộc phải xuống thang từng bước, không thể duy trì cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn trong một thời gian dài.


Như chúng ta đã biết, tính chất, đặc điểm của cuộc "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào và "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ thực chất là chiến lược của cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới hết sức thâm độc mà chúng gọi là: "Cuộc chiến của người Đông Dương", nghĩa là: "lấy người Đông Dương đánh người Đông Dương". Sau khi thất bại trong cuộc hành quân Ô Đô En (1969) và Kù Kiệt (1970), đế quốc Mỹ rơi vào thế bị động đối phó trên chiến trường Đông Dương, nhất là khi mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược sang Campuchia, tình thế đó càng trở nên nguy ngập đối với Mỹ. Tại nước Mỹ, xuất hiện nhiều cuộc biểu tình đòi chính quyền Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược các nước Đông Dương và rút ngay quân đội về nước. Phong trào đấu tranh đó ngày càng lan rộng khắp nước Mỹ, ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch mở rộng chiến tranh của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.


Do vậy, mục đích chính của chiến lược quân sự của Mỹ là tiến hành các cuộc hành quân chiến lược ở chiến trường Đông Dương, mở đồng loạt các cuộc tấn công trên cả 3 chiến trường, nhằm cắt đứt liên lạc, tiếp tế cấp chiến lược trên cả 3 nước; giành được chiến thắng (sau một năm, 1971), chúng thực hiện cuộc tấn công vào Đông Bắc Campuchia, cuộc hành quân Quang Trung 4 vào Tây Nguyên - Việt Nam và cuộc hành quân chiến lược "Lam Sơn - 719" từ Nam Việt Nam tiến công theo trục Đường 9 (1971) đánh vào Bản Đông - Mường Phìn - Sê Pôn (Trung - Hạ Lào). Trong đó, cuộc hành quân "Lam Sơn - 719" là lớn nhất. Mục đích của cuộc hành quân này là "đánh phá tận gốc tuyến hành lang vận tải chiến lược" của cách mạng ba nước Đông Dương, chiếm toàn bộ địa bàn tỉnh Xa Van Na Khẹt, chia cắt vùng giải phóng của Lào, làm cho cách mạng Lào lâm vào thế khó khăn, dẫn đến thoái trào. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn tăng cường viện trợ cho lực lượng ngụy Lào và lực lượng đặc biệt Vàng Pao, phối hợp cùng lính đánh thuê Thái Lan tăng cường hoạt động giành thế có lợi trên chiến trường Đông Dương nói chung và chiến trường Lào nói riêng.


Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên chiến trường Lào, Trung ương Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân cách mạng Lào) đã kịp thời phát động phong trào đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh quân sự rộng khắp. Ngày 6 tháng 3 năm 1970, Trung ương Mặt trận Lào yêu nước ra thông báo 5 điểm, nhằm giải quyết các vấn đề về Lào và cử Chủ tịch Xuphanuvông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước đến Viêng Chăn, để bàn bạc với Thủ tướng Xuvănna Phuma về việc thành lập Chính phủ liên hiệp. Đó chính là cuộc đấu tranh chính trị nhạy bén sáng suốt trong lãnh đạo cách mạng của Đảng Nhân dân Lào. Ngày 24 và 25 tháng 4 năm 1970, Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương được tổ chức và đã thống nhất quan điểm đường lối đấu tranh phải kiên quyết chống lại đến cùng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương.


Ngày 25 tháng 6 năm 1970, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị, đã nhận định: "Tình hình diễn biến rất phức tạp, quyết liệt, nhưng Mỹ ít có khả năng chuyển "Chiến tranh đặc biệt" lên "Chiến tranh cục bộ" ở Lào... Nếu Mỹ có đưa quân Thái Lan vào thôm nữa thì cũng vẫn nằm trong phạm vi của Chiến tranh đặc biệt tăng cường"1 (Lịch sử Quân đội nhân dân Lào, Bản tiếng Việt, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, ký hiệu: VL.3352, tr. 212).


Trên cơ sở phân tích tình hình ta và địch trên chiến trường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã xác định nhiệm vụ trong 2 năm 1970-1971 của cách mạng Lào là:

1. Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh bền bỉ lâu dài, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, bảo vệ và phát huy thắng lợi đã giành được, phát huy thế chủ động tiến công địch về mọi mặt.

2. Ra sức củng cố vùng giải phóng, giữ thế liên hoàn, khi có thời cơ thì mở rộng vùng giải phóng ở những vùng chiến lược, những vùng đông dân.

3. Xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt làm cho lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh, vững chắc.

4. Tăng cường đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai;

5. Tích cực chuẩn bị về mọi mặt để chuyển hướng đấu tranh khi tình hình có chuyển biến mới.


Đặc biệt, Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào còn nêu rõ: Hướng Trung Lào, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ trở nên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến hành lang tuyến vận tải chiến lược Tây Phu Luổng (Trường Sơn) chi viện cho các chiến trường Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1704



« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2023, 09:27:38 am »

Sau những thắng lợi của quân và dân Lào trong mùa khô 1970, đánh bại các cuộc hành quân của quân phái hữu Viêng Chăn phối hợp với quân Thái Lan như: "Can-nha-kiệt" đánh vào hành lang Tạt Hay, Mường Noòng, Mường Phìn (Xa Van Na Khẹt); cuộc hành quân "Tha-nông-kiệt" đánh vào Tha Thôm, Tha Viêng (Xiêng Khoảng)... Ngày 30 tháng 10 năm 1970, Quân ủy Trung ương Lào ra Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch quân sự mùa khô 1970-1971, theo đó xác định: Phải nêu cao vai trò của ba thứ quân, phải phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường, giữa hai vùng chiến lược (vùng giải phóng và vùng sau lưng địch)... Chủ động tiến công địch mạnh mẽ liên tục, nhằm vào cả hai lực lượng chiến lược của địch, trước hết là nhằm vào lực lượng quân đặc biệt, đồng thời phải đánh thiệt hại nặng quân Thái Lan, đánh phá các cơ sở hậu cần, kỹ thuật của địch..., phải bảo vệ củng cố, xây dựng vững chắc vùng giải phóng đi đôi với việc đẩy mạnh hoạt động bằng các hình thức thích hợp ở từng vùng đối phương kiểm soát... Chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của quân ngụy Sài Gòn và một số quân Mỹ, quân Thái Lan vào Trung, Hạ Lào và Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền Nam Việt Nam và Campuchia, sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi mới.


Căn cứ vào Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào quyết định thành lập 5 cục chiến đấu, bố trí ở các khu vực quan trọng trong đó có 2 cụm ở Nam Lào, 2 cụm ở Cánh Đồng Chum và 1 cụm ở Bắc Lào.


Trên cơ sở quán triệt tư tưởng đấu tranh lâu dài, bền bỉ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Lào đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đánh địch trên tất cả các mặt trận, nhằm giữ vững và phát huy những thắng lợi đã giành được, ra sức xây dựng vùng giải phóng, giữ vững thế và lực, tích cực mở rộng các khu căn cứ, vùng giải phóng quan trọng, tạo thế có lợi cho cách mạng; phát huy sức mạnh tổng hợp, củng cố tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu nhân dân ba nước Đông Dương, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giành quyền chủ động, kiên quyết đấu tranh đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào cũng ra chỉ thị tăng cường các hoạt động tiêu hao, tiêu diệt địch ở các chiến trường trên toàn quốc. Hai Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam và Lào đã tăng cường chỉ đạo các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng Lào ở các quân khu Bắc - Trung - Nam Lào, tổ chức các mặt trận để bảo đảm chỉ huy, chỉ đạo chiến trường trong từng khu vực và toàn quốc, nhằm xử lý kịp thời với các tình huống xảy ra. Theo đó, Bộ Chỉ huy tối cao đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam mở "Chiến dịch 74B", "Chiến dịch 139" ở chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng để giải phóng vùng Mường Xủi; Xảm Thông - Long Chẹng, thành lập Mặt trận Đường 9, (khối 23) ở Nam Lào, nhằm đối phó với cuộc hành quân chiến lược "Lam Sơn 719" của Mỹ - ngụy vào Trung - Nam Lào; thành lập Mặt trận Y ở Hạ Lào để tấn công tiêu diệt lực lượng chủ lực quan trọng của địch. Đặc biệt, nhận rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong các chiến dịch phối hợp giữa quân đội hai nước Việt Nam, Lào, Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng Lào đã đề ra quyết tâm, tổ chức lực lượng tham gia giải phóng Trung Lào, xây dựng được thế chiến trường liên hoàn giữa Việt Nam và Lào. Tư tưởng chỉ đạo trên chiến trường của Quân ủy Trung ương Lào đều nhấn mạnh rằng: Phải tích cực mở các chiến dịch để tiêu diệt địch; đồng thời, giữ vững thế đánh địch liên tục là trọng tâm, đánh tiêu hao, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch. Kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, đứng lên đấu tranh hợp pháp, đánh phải bảo đảm chắc thắng; đánh trúng mục tiêu, giành thời gian củng cố bổ sung lực lượng, bảo đảm trang bị vũ khí, lương thực, thực phẩm...


Các nội dung trên là những vấn đền cơ bản về tư tưởng chỉ đạo, phương hướng nhiệm vụ chiến lược trong hoạt động quân sự mùa khô năm 1970-1971 và những năm tiếp theo của Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng Lào.


Sự chỉ đạo và phương hướng chiến lược đó đã góp phần quyết định vào thắng lợi của nhân dân các bộ tộc Lào trong những năm quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trực tiếp là mùa khô 1970-1971 với việc đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của đế quốc Mỹ và tay sai, mở ra cục diện mới trên chiến trường tạo thế, tạo lực đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.


Thực tiễn sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và mùa khô 1970-1971 nói riêng, đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu.


Một là, trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, trong suốt quá trình chiến tranh phải luôn nắm vững thời cơ, tiến hành chỉ đạo chiến lược một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn chiến tranh, nhằm giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Hai là, sự chỉ đạo chiến lược trong chiến tranh xuất phát từ nhận thức đúng đắn quan điểm "Đông Dương là một chiến trường", từ đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường ba nước Đông Dương cùng đánh kẻ thù chung.


Ba là, trong chỉ đạo phải phát huy được tinh thần tự lực, tự cường của cả dân tộc, sức mạnh liên minh đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đõ quốc tế. Nói cách khác, phải vận dụng cho được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.


Những bài học kinh nghiệm về sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng Nhân dân Lào đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào hôm nay và mai sau.

Nhân dịp trọng đại này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã tổ chức Hội thảo khoa học quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc về sự hợp tác liên minh chiến đấu giữa hai quân đội Việt Nam - Lào.
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM