Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Chín, 2023, 12:27:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 7  (Đọc 952 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 10:58:07 am »

ANH HÙNG LÊ THỊ ĐẢNH
(TÚC MẸ NHU)

(LIỆT SĨ)


Lê Thị Đảnh (tức Mẹ Nhu) sinh năm 1914, dân tộc Kinh, quê ở phường Thanh Lộc Đán, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Thanh Khê 4 - phường Thanh Lộc Đán thành phố Đà Nẵng). Tham gia cách mạng 1968. Khi hy sinh Mẹ Nhu là cơ sở cách mạng thành phố Đà Nẵng.


Lê Thị Đảnh sinh ra và lớn lên giữa thành phố giàu truyền thống cách mạng. Cuộc đời Mẹ Nhu chịu bao đắng cay, khổ cực của người dân nô lệ. Mẹ có người con trai sớm giác ngộ cách mạng, đã đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tin con và có cảm tình với cách mạng Mẹ Nhu tích cực xây dựng hầm bí mật nuôi giấu con mình và cán bộ hoạt động.


Trong những năm 1966 - 1967, địch ráo riết lùng sục để ngăn chặn cơ sở cách mạng phát triển vào thành phố Đà Nẵng. Quanh vùng đồn bốt địch dầy đặc, nhưng Mẹ Nhu vẫn che chở, nuôi dưỡng cán bộ trong những căn hầm bí mật do chính tay mình đào. Nhiều đêm mẹ thức trắng để bảo vệ anh em cán bộ.


Từ những căn hầm của Mẹ Nhu, lực lượng của ta nhiều lần xuất kích luồn sâu, đánh hiểm, diệt hết đồn này đến đồn khác làm cho địch hoang mang khiếp sợ.


Năm 1968, do bọn đầu hàng chi điểm, địch biết nhà Mẹ Nhu có hầm bí mật nuôi giấu chiến sĩ biệt động Đà Nẵng. Chúng bí mật huy động lực lượng bao vây, bịt kín những con đường ra vào Thanh Khê, rồi bát ngờ ập vào nhà Mẹ Nhu. Con trai Mẹ là Phạm Phú Long bị bắt.. Chúng tra tấn đánh đập người con trai của Mẹ hòng buộc Mẹ thương con phải chỉ hầm bí mật. Không lay chuyển được ý chí và lòng trung thành của Mẹ với cách mạng, chúng xông vào đánh Mẹ dã man. Bất chấp sự dọa nạt khảo tra, Mẹ Nhu vẫn hiên ngang trước quân thù. Chúng đã hèn hạ nổ súng giết hại Mẹ Nhu. Từ dưới hầm 3 chiến sĩ biệt động bật lên, ném lựu đạn, bắn súng AK diệt 6 tên (có tên chỉ huy) bọn địch xô nhau bỏ chạy. Từ căn hầm nhà Mẹ Hiền (gần nhà Mẹ Nhu) 4 chiến sĩ biệt động cũng xông lên cùng phối hợp chiến đấu. Cuộc chiến đấu giữa 7 chiến sĩ Thanh Khê với 3 tiểu đoàn địch diễn ra suốt ngày 26 tháng 12 năm 1968. Đêm 26 tháng 12, các chiến sĩ biệt động của ta đã vượt vòng vây địch trở về căn cứ.


Tấm gương hy sinh anh dũng của Mẹ Nhu đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ ta và làm cho quân thù khiếp sợ.


Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xây dựng tượng đài "Mẹ dũng sĩ Thanh Khê" để tưởng nhớ những Bà Mẹ đất Quảng anh hùng.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Lê Thị Đảnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 10:58:48 am »

ANH HÙNG NGUYỄN THỊ BẢY
(LIỆT SĨ)


Nguyễn Thị Bảy sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở thôn Phú Mỹ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng năm 1965, nhập ngũ tháng 2 năm 1967. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội trưởng nữ thuộc đại đội 2, bộ đội địa phương huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nguyễn Thị Bảy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc vùng B huyện Đại Lộc, sớm có tinh thần giác ngộ cách mạng. Năm 17 tuổi đồng chí đã tự nguyện gia nhập lực lượng du kích tại xã. Đến năm 18 tuổi (năm 1966) Nguyễn Thị Bảy đã giữ chức xã đội phó xã Đại Minh. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích đánh chặn quân Mỹ đang càn quét tại thôn Ap Nam của xã. Nguyễn Thị Bảy đã chỉ huy một cách táo bạo chặn đứng được nhiều đợt tiến công của quân Mỹ kéo vào xã nhà. Tính từ tháng 4 năm 1966 đến tháng 3 năm 1967 đồng chí đã chỉ huy lực lượng du kích tiêu diệt 26 tên lính Mỹ, thu 9 khẩu AR 15 và 1 khẩu M79, riêng Nguyễn Thị Bảy đã bắn cháy 1 máy bay HU.34.


Tháng 4 năm 1967, đồng chí được trên điều về làm tiểu đội trưởng nữ thuộc đại đội 2 của huyện Đại Lộc. Sau 1 tháng tiểu đội Nguyễn Thị Bảy tập kích vào động Hà Sống thuộc địa phận Hà Nha, xã Đại Đồng (nơi Mỹ - ngụy tập trung đóng quân) tiêu diệt gọn 1 trung đội ngụy thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng trong đó có 1 máy RPC 25. Tháng 4 năm 1967 tại xã Đại Đồng tiểu đội đồng chí đã phối hợp với lực lương du kích xã chống địch càn tại thôn Lâm Phụng, tiêu diệt 15 tên Mỹ, thu được 6 khẩu súng AR 15.


Xuân Mậu Thân (1968) đại đội 2 được phân công tiến công tiêu diệt quân Mỹ - ngụy đang đóng tại Gò Đình và cầu Ái Nghĩa, tiểu đội đồng chí đã chiến đấu anh dũng tiêu diệt 1 tiểu đội ngụy.


Tháng 9 năm 1968, đơn vị Nguyễn Thị Bảy đang trú quân tại xã Đại Đồng, Mỹ - ngụy từ Thượng Đức kéo về càn quét tại thôn 5 và thôn 6. Tiểu đội đồng chí được phân công phục kích đã chặn đánh quân địch tại Khe Bò, tiêu diệt 20 tên ngụy.


Tháng 2 năm 1969, địch tập kích vào thôn Phước Bình và Phú Mỹ, tiểu đội nữ do đồng chí Nguyễn Thị Bảy chỉ huy đã phục kích trong đêm 28 tháng 2 năm 1969, diệt 12 tên Mỹ, thu 8 khẩu súng AR 15. Đến tháng 8 năm 1969, địch mở cuộc càn vào vùng B Đại Lộc, đại đội 2 đang trú quân tại thôn Phú Phước, được lệnh phục kích tại ngã ba Quán Bình Dân đã tiêu diệt 10 tên Mỹ - ngụy. Đồng chí đã chỉ huy tiểu đội phối hợp với lực lượng bạn chặn đứng nhiều đợt tiến quân của địch tiêu diệt 18 tên khi chúng càn vào thôn Phú Phước buộc địch phải rút lui về tuyến sau.


Ngày 21 tháng 10 năm 1970, địch tiếp tục mở nhiều đợt hành quân càn quét vào vùng B, tiểu đội do Nguyễn Thị Bảy chỉ huy chiến đấu trong đội hình phòng ngự của đại đội đã chiến đấu vô cùng quả cảm, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Trong một đợt đánh trả quân địch quyết liệt Nguyễn Thị Bảy đã anh dũng hy sinh khi bước vào tuổi hai mươi hai.


Trong quá trình chiến đấu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 đến tháng 10 năm 1970, Nguyễn Thị Bảy đã lập nên những chiến công oanh liệt tiêu diệt 101 tên Mỹ và 51 tên ngụy, bắn cháy 1 máy bay HU.34, thu được 51 súng các loại, 2 khẩu M79 - 1 máy PRC-25. Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 Dũng sĩ diệt cơ giới, 3 Dũng sĩ cấp I, II, III, 2 Dũng sĩ ưu tú.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Nguyễn Thị Bảy được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 10:59:32 am »

ANH HÙNG NGUYỄN CÔNG SÁU
(LIỆT SĨ)


Nguyễn Công Sáu sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở thôn Bộ Nam, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng tháng 3 năm 1969. Khi hy sinh đồng chí là xã đội phó xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nguyễn Công Sáu trực tiếp đánh 50 trận, tiêu diệt 150 tên địch, trong đó có 33 lính Mỹ (2 sĩ quan) thu 31 súng các loại, phá hủy 6 xe cơ giới. Những trận đánh tiêu biểu:


Tháng 2 năm 1970, Nguyễn Công Sáu vừa mới vào du kích đã tham gia đánh trận đầu tiên với bộ binh Mỹ, diệt 3 xe quân sự, loại khỏi vòng chiến đấu 14 lính Mỹ.


Tháng 6 năm 1970, đồng chí cùng du kích xã đánh đồn Chợ Cá diệt gọn trung đội Mỹ gồm 22 tên, hoàn toàn làm chủ trận địa.


Tháng 11 năm 1970, Nguyễn Công Sáu phối hợp với đại đội 2 huyện đội Đại Lộc chiến đấu diệt một trung đội dân vệ 21 tên, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội bảo an trên tuyến đường 104.


Từ đầu năm 1971 đến tháng 4 năm 1971 đồng chí chỉ huy đánh 10 trận lớn nhỏ diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, hàng chục xe cơ giới, xe bọc thép của địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.


Tháng 2 năm 1972, Nguyễn Công Sáu tham gia chiến đấu diệt 1 xe cơ giới và 9 tên địch trên đường 104.


Tháng 3 năm 1972, mở đầu chiến dịch chống bình định, Nguyễn Công Sáu với cương vị là xã đội phó đã chỉ huy du kích, diệt ác ôn, phá kềm làm cho địch không thế hoạt động trên địa bàn xã.


Ngày 21 tháng 10 năm 1972 Nguyễn Công Sáu đã mưu trí phục kích diệt 1 xe cơ giới của địch giữa ban ngày trên trục đường 104 diệt 4 tên (có 1 tên trung tá chỉ huy hành quân trên đường về).


Tháng 1 năm 1973, đồng chí chỉ huy du kích chốt giữ 15 ngày đêm liên tục ở thôn Giáo Tầy thuộc xã Đại Hòa đánh địch lấn chiếm bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.


Tháng 3 năm 1973, Nguyễn Công Sáu được bộ chỉ huy quân sự huyện Đại Lộc điều lên phối hợp đánh dịch tại vùng 8 huyện Đại Lộc diệt 1 trung đội thuộc trung đoàn 56 của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 19 tên.


Trận đánh ngày 26 tháng 3 năm 1974, Nguyễn Công Sáu cùng 3 du kích xã cải trang là học sinh lúc 10 giờ sáng vào cách đồn Ái Nghĩa khoảng 100 mét để diệt tên Nguyễn Hồ, đại úy cảnh sát đặc biệt là tên ác ôn khét tiếng, bắt nó phải đền tội ngay tại chỗ. Sau khi chiến đấu diệt được 4 tên lính địch, đồng chí bị thương vào chân phải không thể cùng đồng đội trở về được. Nguyễn Công Sáu tiếp tục chiến đấu đến khi hết đạn, rồi phá hủy khẩu súng và dùng lựu đạn chiến đấu diệt thêm 2 tên địch. Biết mình không thể sống được, Nguyễn Công Sáu rút chốt lựu đạn nằm đè lên, khi địch đến kéo đồng chí lựu đạn nổ làm chết tên trung đội trưởng và 3 tên lính nữa.


Trong quá trình chiến đấu, Nguyễn Công Sáu đã được tặng thưởng: 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 Dũng sĩ diệt cơ giới, 4 Chiến sĩ thi đua, 3 Dũng sĩ diệt Mỹ, 5 Dũng sĩ Quyết thắng, 7 Bằng khen.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Nguyễn Công Sáu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 11:00:14 am »

ANH HÙNG K ĐEN (TỨC K YET)
(LIỆT SĨ)


K’Đen (tức K’Yết) sinh năm 1940, dân tộc K’Dòn, quê ở buôn Đạch, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, nhập ngũ tháng 7 năm 1960. Khi hy sinh đồng chí là Trung đội trưởng trinh sát thuộc B742, bộ đội địa phương huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Năm 1957, K’Đen được cách mạng giáo dục giác ngộ làm cơ sở mật, nắm tình hình địch.


Năm 1959, K’Đen thoát ly tham gia lực lượng du kích tập trung, được cử làm tiểu đội trưởng.


Năm 1960, đơn vị 742 của huyện Di Linh được thành lập, K'Đen đưực giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng.


Ngày 20 tháng 12 năm 1961, đơn vị của K’Đen đã tiến đánh địch ở xã An Lạc bắt sống 10 tên thu 10 súng các loại.


Ngày 23 tháng 6 năm 1964, đơn vị của K’Đen phối hợp với lực lượng C2 của tỉnh chặn đánh quân tiếp viện của địch tại đèo Bảo Lộc, diệt gọn 1 đại đội địch, thu 41 súng các loại, phá hủy 1 xe vận tải của địch.


Năm 1963, đơn vị K’Đen được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, chống âm mưu của địch gom dân, lập ấp chiến lược, đồng chí luôn luôn xông xáo đi đầu trong mọi nhiệm vụ, chiến đấu chống địch càn quét, diệt 7 tên địch, bảo vệ an toàn khu căn cứ của ta.


Ngày 15 tháng 1 năm 1966, K’Đen chỉ huy trung đội phối hợp với đội công tác B3 của thị trấn Di Linh vào nhà máy trà Nguyễn Linh để tuyên truyền vận động công nhân xây dựng lực lượng thì bị 1 trung đội bảo an địch phục kích. K’Đen đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, bắn 2 băng đạn diệt 1 số tên. Súng đã hết đạn, K’Đen bị thương, bọn địch khép chặt vòng vây và gọi hàng, K’Đen hiên ngang nói với kẻ thù: "Tao là chiến sĩ giải phóng quân không biết đầu hàng" địch xông vào bắt K’Đen. Kẻ thù đã đánh đập đồng chí cực kỳ dã man, nhưng K’Đen vẫn kiên cường chịu đựng không một lời khai báo tức tối trước khí phách anh hùng của đồng chí kẻ địch đã hèn hạ bắn chết K’Đen.


Hành động chiến đấu dũng cảm của K’Đen đã nêu một tấm gương sáng cho đơn vị và nhân dân trong xã học tập.


K’Đen hy sinh vô cùng anh dũng lúc mới 26 tuổi đời, 7 tuổi quân cùng với đơn vị tham gia chiến đấu chống địch càn quét 4 trận, đánh phối hợp với các đơn vị 6 trận, diệt 21 tên, thu 41 súng các loại, bắt sống 1 tên.


K’Đen đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 3 Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, K’Đen được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 11:00:55 am »

ANH HÙNG NGUYỄN THANH HÙNG
(LIỆT SĨ)


Nguyễn Thanh Hùng sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nhập ngũ tháng 3 năm 1965. Khi hy sinh đồng chí là trung úy, chính trị viên đại đội 5, tiểu đoàn 482, bộ đội địa phương tinh Bình Thuận, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ đại đội, Nguyễn Thanh Hnng liên tục chiến đấu và chỉ huy chiến đấu nhiều trận, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong chiến đấu đồng chí thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, táo bạo, chỉ huy đơn vị kiên quyết, xử trí tình huống nhanh, có tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, không sợ ác liệt, hy sinh, bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy đơn vị chiến đấu.


Đặc biệt, trong 2 năm 1969 - 1970, với cương vị là chính trị viên đại đội, Nguyễn Thanh Hùng đã chỉ huy đơn vị chiến đấu 1,0 trận, tiêu diệt hàng trăm tên 4 địch, bản thân diệt 75 tên, bắt sống 1 tên, thu 3 súng, phá hủy 5 máy bay.


Trận tập kích đồn 13 đêm 12 rạng 13 tháng 6 năm 1969, đồng chí chỉ huy đơn vị chiến đấu đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn bình định và 2 trung đội bảo an, bắt sống 3 tên, thu 17 súng, 3 máy thông tin. Riêng đồng chí diệt 8 tên, thu 2 súng.


Trận tập kích đồn Kim Bình đêm 31 tháng 8 năm 1970, Nguyễn Thanh Hùng bị thương 2 lần, gẫy cả 2 chân, nhưng vẫn động viên anh em nhanh chóng đưa thương binh ra ngoài, còn mình ở lại tiếp tục chiến đấu đến khi hết đạn để yểm trợ cho đơn vị rút lui. Sáng hôm sau (1-9), phát hiện thấy Nguyễn Thanh Hùng còn sóng, chúng kêu gọi đầu hàng, đồng chí đã ném 2 quả lựu đạn diệt thêm 1 số địch và anh dũng hy sinh.


Nguyễn Thanh Hùng được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và hạng ba, 2 lần là Chiến sĩ thi đua, 2 lần đạt Dũng sĩ diệt Mỹ cấp I và III, 2 lần Dũng sĩ diệt máy bay và nhiều bằng khen.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Nguyễn Thanh Hùng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 11:01:27 am »

ANH HÙNG LÊ DUY ĐÌNH
(LIỆT SĨ)


Lê Duy Đình sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng năm 1962. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, trên quê hương có truyền thống cách mạng, Lê Duy Đình sớm giác ngộ và tham gia vào đội du kích xã năm 1962. Trong sự nghiệp cách mạng, gia đình đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc: Cha, 2 con và bản thân đồng chí là liệt sĩ.


Quá trình chiến đấu và trưởng thành, Lê Duy Đình luôn luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, thể hiện ý chí và hành động cách mạng trong sáng, được đồng đội và nhân dân tín nhiệm, yêu mến.


Trong thời gian tham gia cách mạng vào du kích xã, có 3 năm làm xã đội trưởng, Lê Duy Đình đã tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 170 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Riêng bản thân diệt 150 tên, làm bị thương nhiều tên khác, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Đồng chí có nhiều trận đánh xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần vào chiến công chung của quân và dân xã Tiên Phong - xã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Lê Duy Đình là tấm gương tiêu biểu về tinh thần chiến đấu anh dũng, không sợ khó khăn gian khổ, ác liệt, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục. Chiến công của đồng chí được quân và dân trong xã học tập, noi theo.


Lê Duy Đình đã được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 1 Huân chương chiến công hạng ba, nhiều lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Lê Duy Đình được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2023, 11:02:02 am »

ANH HÙNG TRẦN LƯƠNG
(LIỆT SĨ)


Trần Lương sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 8 năm 1949, xuất ngũ năm 1958, tái ngũ năm 1965. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, chính trị viên đại đội 7, tiểu đoàn 22, trung đoàn 2, sư đoàn 2, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trần Lương sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia công tác ở địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1949.


Tháng 8 năm 1949, đồng chí vào bộ đội, trực tiếp chiến đấu nhiều trận, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đội, qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trần Lương đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Kháng chiến thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, đồng chí được xuất ngũ về địa phương, tham gia xây dựng quê hương. Được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau, ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng đều tận tụy, nêu gương sáng về phẩm chất người đảng viên, cán bộ, được nhân dân tin yêu, mến phục.


Tháng 4 năm 1965, Trần Lương tình nguyện tái ngũ và vào chiến trường miền Nam chiến đấu, với cương vị là chính trị viên phó đại đội, gần một năm ở chiến trường, đồng chí đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu nhiều trận, trận nào cũng lập công xuất sắc và được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng ba. Đặc biệt là trận ngày 4, 5 tháng 3 năm 1966 tại cao điểm 62 (xã Sơn Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trần Lương là chính trị viên đại đội, đảm nhiệm mũi tấn công chủ yếu của trung đoàn. Đây là trận quyết chiến điểm, nằm trong chiến dịch Tây Sơn Tịnh của sư đoàn. Sau 19 giờ chiến đấu liên tục trong điều kiện ác liệt, địch đông hơn ta gấp nhiều lần, lại nằm trong công sự vững chắc. Nhưng với tinh thần kiên quyết tấn công tiêu diệt địch, chính trị viên Trần Lương đã thể hiện rõ vai trò của một cán bộ chính trị xuất sắc, dũng cảm ngoan cường, nêu tấm gương sáng cho đơn vị học tập noi theo. Mặc dù hai lần bị thương nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không rời trận địa, chỉ huy đơn vị chiến đấu đến phút cuối cùng, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ làm chủ cao điểm 62. Trong tình huống vô cùng phức tạp, đơn vị thương vong gần hết, địch lại điên cuồng tấn công hòng lấy lại chốt. Với tinh thần "Còn người còn trận địa", Trần Lương đã xử lý tình huống linh hoạt, chỉ huy đơn vị chiến đấu ngoan cường và dũng cảm giữ vững trận địa. Được lệnh rút lui, nhưng địch bao vây không còn đường ra, đồng chí tình nguyện ở lại chiến đấu để đơn vị đưa thương binh ra ngoài vòng vây và hứa với tiểu đoàn: "Trần Lương sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng". Một mình một trận địa với 3 cây súng, lại bị thương nặng, đồng chí đã cầm cự với địch để đơn vị rút lui an toàn, Trần Lương đã anh dũng hy sinh.


Trận đánh ở cao điểm 62 đã tạo thế cho sư đoàn diệt 2 tiểu đoàn khác, góp phần bẻ gãy 1 trong "5 mũi tên" mà Mỹ nhằm "bắn" vào Khu 5 trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất.


Gương chiến đấu ngoan cường dũng cảm của Trần Lương là tấm gương sáng cho toàn sư đoàn học tập và noi theo. Một cán bộ trung kiên, dũng cảm, sâu sát, gương mẫu, quyết đoán. Chiến công của Trần Lương đã góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng của sư đoận 2. Đồng chí đã được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Trần Lương được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2023, 07:34:08 am »

ANH HÙNG ĐỖ VĂN BỐN
(LIỆT SĨ)


Đỗ Văn Bốn sinh năm 1917, dân tộc Kinh, quê ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, tham gia cách mạng tháng 8 năm 1945. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đỗ Văn Bốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo nên đã sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 8 năm 1945 đồng chí đã tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 8 năm 1945. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Đỗ Văn Bốn được phân công ở lại xã Nhơn Hòa Lập quê hương của đồng chí để lãnh đạo phong trào cách mạng ở xã. Nơi đây lúc đầu là căn cứ của huyện ủy Mộc Hóa sau này là căn cứ của các lực lượng tỉnh và Khu 8.


Suốt quá trình hoạt động cách mạng gian khổ, ác liệt, Đỗ Văn Bốn là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo trong công tác, anh dũng trong chiến đấu, có nhiều sáng kiến góp phần xây dựng lực lượng vũ trang của xã ngày càng vững chắc, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.


Ngay từ tháng 10 năm 1954, khi lực lượng ta chuyển quân khỏi vùng này, địch đã tập trung lực lượng truy lùng bắt bớ, trả thù những người kháng chiến và đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương. Đỗ Văn Bốn đã tổ chức quần chúng dùng pháp lý đấu tranh trực diện với địch, đồng thời tập hợp lực lượng du kích, thanh niên lấy súng giấu ở các hầm bí mật thành lập lực lượng vũ trang và tiến hành vũ trang tuyên truyền làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.


Tháng 7 năm 1957, trong một lần làm nhiệm vụ hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đồng chí bị địch bắt giam ở khám đường Mộc Hóa, trong nhà giam Đỗ Văn Bốn đã củng cố được chi bộ.


Tháng 3 năm 1958, đồng chí đã tổ chức phá khám đường Mộc Hóa trở về vùng căn cứ tiếp tục hoạt động.


Năm 1959, Đỗ Văn Bốn được phân công giữ chức phó ban quân sự xã Nhơn Hòa Lập. Đồng chí đã thành lập được bộ phận quân giới của địa phương, tổ chức đi sưu tầm, sản xuất vũ khí thô sơ và xây dựng làng, xã chiến đấu bảo vệ được căn cứ.


Năm 1960, khi được lệnh đồng khởi Đỗ Văn Bốn đã chỉ huy du kích xã bao vây các đồn bốt địch tiêu diệt, bức rút, bức hàng 4 đồn hỗ trợ cho quần chúng phá khu gom dân của địch trở về ruộng vườn cũ làm ăn.


Tháng 2 năm 1961, đồng chí đã chỉ huy 1 tiểu đội phục kích diệt 1 trung đội địch đi càn ở đồn Kinh Bùi Củ trong đó có tên đồn trưởng, bắt sống 7 tên, thu 14 súng.


Năm 1962, Đỗ Văn Bốn chỉ huy du kích phối hợp với bộ đội tỉnh chặn đánh 1 đoàn tàu địch, bắn chìm 3 chiếc.


Năm 1964, sau khi điều trị lành vết thương, Đỗ Văn Bốn được cử về phụ trách Hậu cần vùng 4, tổ chức các trạm quân lương, quân khí từ vùng biên giới đưa xuống chiến trường. Giai đoạn này địch đánh phá và càn quét rát ác liệt, chúng dùng những tên chiêu hồi chỉ điểm đánh phá sâu vào vùng giải phóng. Đồng chí đã lãnh đạo và chỉ huy anh em trong trạm cùng với du kích đánh hàng chục trận để bảo vệ căn cứ. Nổi bật là trận cuối năm 1968, anh em trong trạm đã diệt 1 tiểu đội biệt kích trong đó có tên chiêu hồi dẫn đường.


Ngày 22 tháng 2 năm 1969, Ban cán sự vùng 4 (tỉnh ủy Kiến Tường) về họp tại Kinh Giữa xã Nhơn Ninh, địch đã dùng máy bay lên thẳng đổ quân bao vây. Đỗ Văn Bốn đã bố trí cho cán bộ xuống hầm bí mật. Sau khi lùng sục, địch phát hiện được dấu vết và cho quân đào bới tìm kiếm. Thấy tình thế có thể bị lộ, tính mạng của các đồng chí cán bộ lãnh đạo bị đe dọa, đồng chí đã dũng cảm nhảy lên khỏi hầm dùng lựu đạn ném vào đám lính đang đào bới khui hầm, rồi dùng súng bắn xối xả vào bọn địch, sau đó chạy ra khỏi cứ bắn thu hút địch. Nghe tiếng súng, lực lượng du kích Nhơn Ninh và Tiểu đoàn 505 Kiến Tường đưa lực lượng đến tiếp viện giải vây cho các đồng chí cán bộ vùng 4. Trong trận này Đỗ Văn Bốn đã diệt 8 tên địch có 1 tên trung úy đại đội trưởng và anh dũng hy sinh.


Đỗ Văn Bốn đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh để bảo vệ cán bộ, bảo vệ đồng đội. Gương chiến đấu hy sinh của đồng chí là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong những năm chiến đấu gian khổ và ác liệt để chiến thắng kẻ thù.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Đỗ Văn Bốn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2023, 07:35:08 am »

ANH HÙNG VÕ XUÂN LÂM
(LIỆT SĨ)


Võ Xuân Lâm sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhập ngũ tháng 8 năm 1949. Khi hy sinh đồng chí là đại úy tham mưu trưởng trung đoàn 31, Mặt trận 4, tỉnh Quảng Đà, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ những ngày đầu vào quân đội đến khi trưởng thành cán bộ chỉ huy và đến lúc anh dũng hy sinh Võ Xuân Lâm luôn thể hiện phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng của người chiến sĩ, người cán bộ, người đảng viên Cộng sản.


Đầu năm 1961, Võ Xuân Lâm nhận nhiệm vụ vào chiến trường Quảng Đà, xây dựng đại đội 61 chuẩn bị phá áp, phá kìm của địch, giải phóng nông thôn. Đồng chí đã chỉ huy đại đội phối hợp với lực lượng vũ trang các địa phương lập nên những chiến công xuất sắc, giải phóng nhiều vùng nông thôn tỉnh Quảng Đà.


Từ năm 1965 đến năm 1967, với cương vị là tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 1, Võ Xuân Lâm đã cùng tập thể ban chỉ huy tiểu đoàn xây dựng đơn vị trưởng thành nhanh chóng đã xuất quân là đánh thắng, bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của địch, lập nhiều chiến công xuất sắc, giữ vững vùng giải phóng. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh địch 720 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 17.492 tên địch, bắt sống 510 tên, diệt gọn 3 đại đội, 1 tiểu đoàn ngụy, 1 tiểu đoàn lính Mỹ; 3 ban chỉ huy tiểu đoàn, 32 ban chỉ huy đại đội, 77 trung đội, 16 đoàn bình định, bắn cháy 235 xe (có 104 xe tăng và xe bọc thép) ; bắn rơi 140 máy bay, phá hủy 160 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Tiểu đoàn 1 được phong tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có công lao đóng góp rất lớn của Võ Xuân Lâm.


Đồng chí là một cán bộ chỉ huy dũng cảm ngoan cường, kiên quyết, táo bạo trong chiến đấu luôn gương mẫu, đoàn kết chăm lo xây dựng đơn vị trưởng thành, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục.


Đồng chí hy sinh ngày 30 tháng 1 năm 1967, trong một trận chiến đấu ác liệt.


Võ Xuân Lâm đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhì, 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Võ Xuân Lâm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6219



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2023, 07:35:47 am »

ANH HÙNG DƯƠNG VĂN HIỂU
(LIỆT SĨ)


Dương Văn Hiểu sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhập ngũ tháng 2 năm 1956. Khi hy sinh đồng chí là đại đội trưởng trinh sát, bộ đội địa phương tỉnh Long An, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Dương Văn Hiểu sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng và giàu lòng yêu nựớc. Mảnh đất quê hương đồng chí là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Đến tuổi trưởng thành, Dương Văn Hiểu đi theo cách mạng (năm 1956) thoát ly gia đình vào lực lượng vũ trang của tỉnh Long An.


Quá trình hoạt động cách mạng đồng chí đã trưởng thành từ chiến sĩ lên tiểu đội trưởng, trung đội trưởng rồi đại đội trưởng đại đội trinh sát thuộc lực lượng vũ trang giải phóng tỉnh Long An. Dương Văn Hiểu là một cán bộ tận tụy, luôn luôn gương mẫu, bám đất, bám dân vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.


11 năm chiến đấu liên tục Dương Văn Hiểu đã 12 lần táo bạo, mưu trí vượt qua nhiều hiểm nguy đưa đón cán bộ cách mạng vào vùng địch hoạt động và trở ra an toàn. 121 lần đồng chí độc lập trinh sát và chỉ huy đơn vị trinh sát bám địch, nắm chắc quân số, vũ khi, trang bị, hầm hào, hệ thống hỏa lực và quy luật hoạt động của địch, kịp thời phục vụ cấp trên hạ quyết tâm chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Những trận thắng lớn có ý nghĩa quan trọng đối với cục diện chiến trường Long An như Hiệp Hòa, Đức Lập, Gô Đen, Phước Lý, Phước Vân...


Dương Văn Hiểu đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy đơn vị chiến đấu 93 trận lớn nhỏ, diệt 572 tên địch có gần 100 tên Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên; phá hủy 11 xe bọc thép, thu 365 súng và hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh của địch. Riêng đồng chí đã chiến đấu dũng cảm diệt 69 tên bắt sống 7 tên, thu 31 súng các loại.


Ngày 11 tháng 11 năm 1967, đồng chí đã anh dũng hy sinh.


Dương Văn Hiểu đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ Quyết thắng, và 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua Quân giải phóng Miền (1963, 1964, 1965).


Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Dương Văn Hiểu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tạng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM