Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Chín, 2023, 07:45:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức công binh Trường Sơn  (Đọc 688 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1683



« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:23:05 pm »

Đường 49 - Trung đoàn thần tốc

Sáng 24 tháng 01 năm 1966 tức mồng 2 Tết Bính Ngọ, trong một khu rừng tre tương đối kín đáo ở Tây Nguyên, Trung đoàn bộ đang đi chúc Tết vui vẻ. Chính uỷ Nguyễn Xuân Kim đang tâm sự ở cơ quan chính trị, Trung đoàn phó Chu Minh Đông đang khề khà hơi men với cơ quan hậu cần. Tôi cùng cơ quan tham mưu đang ngồi bên chén nước trà còn bốc hơi ấm.

- "Báo cáo thủ trưởng, có điện khẩn ở ngoài Đoàn” - chiến sỹ cơ yếu Đoàn Văn Tập vội vã bước vào và trình điện.

- "Chắc là điện chúc Tết, động viên anh em mình vừa hoàn thành nhiệm vụ, hẳn lại có thưởng to rồi” - Tham mưu phó Hoàng Tiến Vinh vừa đỡ bức điện vừa nói.

Tôi có ý lo ngại có chỉ thị cấp tốc, nhưng trước mặt anh em đang trong không khí nghỉ Tết vẫn cố giữ thái độ ung dung, thư thái, mở bức điện ra xem. Ngay đầu điện đã có chữ “Thượng Khẩn”. Tôi căng mắt đọc từng dòng một:

“Mệnh lệnh gửi E 98.

Chuyển ngay Trung đoàn sang làm đường 49. Điểm đầu từ ngã ba Phi Hà, qua các điểm Chín Suối, bãi đá Lâm Phu, Lanh Tanh đèo 200, vượt Nậm Công, rồi qua suối Tà Ngâu, điểm nối sang đất bạn Cam pu chia, điểm cuối K20 Siam Pạng.

Đường dài khoảng 200 ki lô mét. Yêu cầu thi công thật khẩn trương để chuyển hàng ngàn tấn hàng đang bị ứ đọng. Thời gian khổng quá 4 tháng. Liên hệ chặt chẽ với đồng chí Đức Phương, mật danh là “Ông Chủ”. Triển khai ngay và báo cáo về Đoàn”.


Điện còn nói rõ thêm: “Vì ở phía ngoài, địch đánh phá mạnh, nhiều điểm bị tắc, xe hàng không vào được. Đường 49 được mở là một cứu cánh lớn để đưa hàng từ K1 (K: Campuchia) ra nhanh tới các chiến trường, nhất là Tây Nguyên và Khu 5".


Chúng tôi rất hiểu điều đó. Từ khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào, chúng mở liên tiếp các cuộc tiến công hòng bình định nhanh, tiêu diệt quân giải phóng, mà muốn thắng chúng phải đánh mạnh tuyến chi viện đường mòn Hồ chí Minh. Các cửa khẩu và các trọng điêm phía bắc đường Trường Sơn đã bị đánh phá rất mạnh như Pha Nốp, Seng Phan, Vang Mu, Thà Khống, Dốc Thơm... có nơi tắc đường 7 ngày, 10 ngày, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn.


Với tình hình đó, mệnh lệnh mở đường C41 (Đường 49 mang 2 tên 49, C4. Sau này mở thêm đường 49B, và đường 49 kéo dài thì đường 49 gọi là 49A) nhanh chóng rất có ý nghĩa và Trung đoàn đã triển khai khẩn trương. Cơ quan tham mưu, đồng chí Tô Đa Mạn và đồng chí Nguyễn Văn Bảy đã mở bản đồ, nghiên cứu nhanh địa hình, xác định các điểm khống chế và báo cáo nhanh, đường dài khoảng 200 ki lô mét, thi công nhanh cũng mất 5 tháng, có thể chia làm 2 đoạn:

Đoạn 1: Từ Phi Hà đến Tà Ngâu dài khoảng 120 ki lô mét, đường đi dưới rừng cà bông tương đối kín, có một số điểm khó như khu vực Chín Suối dễ lầy lội, bãi đá Lâm Phu dài khoảng 2 ki lô mét đi sát bờ sông Sê Sụ, đèo 200 dài khoảng 5 ki lô mét tương đối trống trải, dốc, đất pha đá, gần địch, địch còn chốt ở Mường Mày.

Đoạn 2: Từ Tà Ngâu đi K20 đường dài khoảng 80 ki lô mét, chủ yếu qua rừng khộp, dễ thi công, cần chú ý điểm vượt sông Tà Ngâu. Cơ quan cũng đã sơ bộ đề xuất cách sử dụng lực lượng và biện pháp tác nghiệp. Các cuộc họp Đảng uỷ, họp quân chính khẩn trương, và được khái quát như sau:


Tinh thần là phải triển khai như một chiến dịch, thật nhanh trong mọi công việc, từ họp hành đến mọi công tác chuẩn bị. Đội hình chiến dịch là Trung đoàn thành một tuyến, mỗi tiểu đoàn một địa đoạn, mỗi đại đội một phân đoạn, vừa nhảy cóc vừa cuốn chiếu trong từng phân đội. Phương pháp tác nghiệp là thi công trong hành tiến. Trinh sát định tuyến đi trước, đội hình tác nghiệp theo ngay. Thi công liên tục, nhiều giờ trong ngày, kể cả đêm. Công tác bảo đảm, đặc biệt là hậu cần, chiến sĩ phải được ăn no, uống đủ. Khẩu hiệu là thần tốc, thần tốc mở đường. Tuyệt đối giữ bí mật. Quyết tâm hoàn thành trong vòng 3 tháng, vượt kế hoạch 2 tháng.


Đúng ngày mồng 02 Tết, chấp hành mệnh lệnh, các tiểu đoàn đã lên đường ngay, thứ tự từ ngoài vào lần lượt là Tiểu đoàn 1, 2, 3. Có một thuận lợi là đã có tuyến đường thồ đi dọc tuyến nên các phân đội triển khai khá nhanh. Lợi dụng đường sông Sê Sụ, chúng ta đã mượn được một số thuyền máy, các thuyền này làm nhiệm vụ rải bộ phận trinh sát và chỉ huy tiểu đoàn ở phía trong. Riêng Trung đoàn bộ, bộ phận đi thuyền máy gồm Trung đoàn phó Chu Minh Đông, đồng chí Tô Đa Mạn, đồng chí Nguyễn Văn Bảy cơ quan tham mưu; đồng chí Bảo, Chủ nhiệm Hậu cần; đồng chí Bá, Chủ nhiệm Chính trị, cùng một số trợ lý đi thẳng vào phía tuyến trong, sau đó đi ngay vào K20 gặp “Ông Chủ" để quan hệ, báo cáo tình hình triển khai, đặc biệt là công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bộ đội.


Ngày mồng 03 Tết, 8 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở K20 trên bờ sông Sê Kông nắng thoáng. Đã từ 2 năm nay, giờ này chúng tôi mới được hưởng một không khí tương đối thanh bình.

Cơ quan "Ông Chủ" thật đơn giản, dưới rặng cây cà bông, trông nề nếp nhưng cũng không quên sẵn sàng chiến đấu, phòng không, phòng địch mặt đất. Những dãy kho liên tiếp đầy ắp hàng, phân tán trong khu rừng gần nơi “Ông Chủ” ở. Thuyền máy chạy trên sông liên tục chở đầy hàng cập bến nhanh chóng rồi lại rời bến khẩn trương. Chúng tôi hình dung được hàng hoá có nhiều nên đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thành con đường và thầm nghĩ, ngành hậu cần quân đội ta thật tài giỏi đã thiết lập được con đường vận tải này.


Rồi đây các vũ khí, binh khí kỹ thuật từ miền Bắc vào B2 đi qua con đường này cũng rất thuận lợi. Những tâm tư, ý nghĩ trên thoảng qua cũng không làm chúng tôi sao nhãng nhiệm vụ trước mắt.

Trong gian phòng nhỏ thông thoáng, trên chiếc bàn dài có bộ ấm chén mầu nâu, hai bộ ghê mây trang nhã, chúng tôi được “Ông Chủ" Đức Phương tiếp. Thật bất ngờ, Ông Chủ không phải dáng nhà tư sản béo mập trắng trẻo như chúng tôi nghĩ. Trông ông cao to, làn da bánh mật, hai con mắt luôn nhấp nháy, nhưng giọng nói lại dễ quyến rũ.


Ông vào đề rất nhanh: “Chúng tôi K20 đã nhận được điện của Tổng cục Hậu cần, Đoàn 559 cho biết Trung đoàn 98 đã nhận lệnh vào làm đường ô tô để chở hàng từ đây. Rất mong các đồng chí vào để hợp đồng công việc, yêu cầu làm thật nhanh để rút hàng".


Ông khoát tay nhìn vảo các bãi hàng xung quanh nói tiếp: “Đây, các anh nhìn, hàng chất đống, toàn hàng cho chiến trường, nào gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm và cả xăng dầu nữa, có đến hàng vạn tấn, phải có đường ô tô thì mới chuyển nhanh được. Trong này rất mong con đường ô tô của các anh, không phải 5 tháng mới xong, mà cần phải nhanh hơn, nếu không mùa mưa ập đến thì không kịp. Để chiến trường đói thiếu, không mở chiến dịch được, để các anh Đoàn 559 đói thiếu trên đống kho đầy hàng hoá lương thực, thử nghĩ sao đành”.


Những lời nói của "Ông Chủ” là lời động viên thiết thực, lời kêu gọi của chiến trường, làm bừng lên một khí thế, một niềm tin, một quyết tâm, con đường nhất định sẽ chóng hoàn thành. Đồng chí Chu Minh Đông phát biểu đề nghị một vài việc, nhất là công tác đảm bảo sức khoẻ, đảm bảo thi công cho bộ đội.


“Ông Chủ” lại khoát tay một cái đài và nói: “Các cậu cứ cho bộ đội ăn no để lấy lại sức vì đã 500 ngày liên tục chịu đói chịu khổ trên Trường Sơn rồi, cần thuốc chống sốt rét, không thiêu, cần dụng cụ làm đường, sẽ có đủ”.


Anh Đông, anh Bảo nhìn nhau và nói nhỏ điều gì.

“Thôi, cho mấy trợ lý quân nhu đến gặp ngay anh Huỳnh Tấn Đại để nhận hàng cho bộ đội”. “Ông Chủ” nói tiếp.

Chỉ cần có gạo ăn no thôi, nhưng “Ông Chủ” lại cấp thêm xà phòng, một ít thuốc lá sợi, một số bịch đường. “Ông Chủ” cũng không quên nhắc:

- “Nếu gặp lính hoặc dân Cam Pu Chia hỏi thì các cậu cứ nói là “cu li” của “Ông Chủ”, hiểu không, không được nói là bộ đội nhá!”
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1683



« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:23:38 pm »

Ra về anh Chu Minh Đông còn nhắc đồng chí trợ lý quân nhu xin “Ông Chủ” ít chè khô để bộ đội uống, đã rất lâu thèm hương vị miền Bắc.

Đến đây anh Tiệp nói, tôi còn nhớ mãi, khi đoàn hậu cần về, tôi rất phấn khởi nhưng vẫn phê bình ông Đông cần lương thực, thuốc men là chính, sao nhận chè làm gì. Tôi nhớ lúc đó anh Đông cứ phàn nàn mãi, đúng là "lập công nên tội".


Bộ đội, các đơn vị đã vào vị trí của mình. Những chiếc ba lô được xếp hàng ngay ngắn ở một góc đường, anh em chiến sĩ, người chặt cây, đào rễ, người kéo đất san nền. Đây một tốp ba người đang cùng nhau đào phạt những ổ mối to hàng chục mét khối. Chỗ khác một tốp lại cùng nhau đào những tảng đá hộc chắn ngang đường. Không một tiếng bộc phá, không một tiếng reo hò, chỉ nghe thấy những tiếng dao chắc nịch đẽo cây đánh dấu đường, tiếng cuốc bùng bục, tiếng kéo lá rào rào. Trong những ngày này, lao động kéo dài một ngày từ 15 đến 16 giờ, có một số hôm làm thông đêm, bộ đội chỉ được phép ngủ một giấc ngắn tại chỗ, hoặc tại chiếc võng treo trên hai gốc cây. Tất cả mọi người từ chỉ huy Trung đoàn, văn thư đánh máy, liên lạc, y tá, ai cũng cầm cuốc, xẻng, dao cùng tham gia mở tuyến. Ai cũng muốn góp phần nhỏ bé vào nhiệm vụ thần tốc đặc biệt này.


Khó nhất vẫn là mở dốc đá Lâm Phu, đá liền khối, mở sao đủ rộng đưởng và giữ được bí mật. Anh em đã có sáng kiến, đục nhiều lỗ bộc phá nhỏ, tra thuốc, tranh thủ lúc không có máy bay trinh sát cho nổ rồi lại nguỵ trang ngay.


Đèo 200 dài, dốc lớn, cua hẹp, có những đoạn lại hướng về phía địch Mường Mày, At Tô Pơ. Đã chỉnh lại từng đoạn tuyến tránh che khuất mắt địch, chọn giờ làm, đặt đài quan sát, đồng thời cử cán bộ dân vận biết tiếng Lào như đồng chí Phong, Lùng, Tế đi vào bản vận động bà con giữ bí mật và không chế những tên địch còn sót lại.


Vượt sông Tà Ngâu, bước vào đất Cam Pu Chia, làm sao để con đường vào đó được. Đại đội 7 do đồng chí Nguyễn Đình Tùng làm Đại đội trưởng trong bộ quần áo bà ba đen và mũ lá do “Ông Chủ” cấp phát, với danh nghĩa là “cu li” làm công cho "Ông Chủ". Nguyễn Đình Tùng đóng vai cai do “Ông Chủ” thuê tay cầm ba toong đôn đốc. Bằng cách che mắt như vậy, nhiều người dân cũng chẳng để ý, nhưng cũng có người biết chút ít, tò mò hỏi.


Có lần, một ông già người Cam Pu Chia đi qua, thấy đoàn “cu li” đang cặm cụi lao động, thỉnh thoảng lơ là nhìn lên phía trước, nhưng không thấy “ông Cai” đứng đấy nói gì. Ông già thắc mắc tại sao “cu li" làm chểnh mảng, mà “ông Cai" không cho mấy ba toong?


“Cai Tùng” nói nhăng nhít vài câu cố tình đánh trống lảng.

Ông già nói: "Thôi, tôi biết ông Cai và “cu li” của “Ông Chủ” rồi. Các ông là “cu li” Điện Biên Phủ”, đúng không? Ý nói là lính Điện Biên Việt Nam.

Anh em nghĩ, ai biết cứ biết, ta giấu cứ giấu, miễn là không nói, người dân không biết, thế là được. Với lính Cam Pu Chia cũng vậy, một lần đồng chí Mạn, Trưởng ban Tác chiến cùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Hoàng Viết Cúc đi trinh sát bên phà Nhăng Xum hữu ngạn sông Sê Kông, phải qua đồn Siêm Pạng, ở đây có lính gác. Làm thế nào để vượt qua trạm gác? Đành phải dở “kịch bản”, nói là “cu li” nhưng họ không hiểu, nên sau đó nói là người của “Ông Chủ”. Họ cười và viết vào một tờ giấy nhỏ cho chúng tôi vào khảo sát! Thế mới biết uy tín “Ông Chủ” lớn biết chừng nào. Thật vậy, trong cuộc chiến đấu, chúng ta đã có nhiều mưu sâu, kế sắc. Anh Tiệp quay lại phía tôi (tác giả bài viết) cười: “Ông Mạn còn nhớ không?”


Nhiệm vụ từng phân đội và toàn Trung đoàn diễn biến liên tục ngày này qua ngày khác. Phân đội vượt qua các phân đội, toàn tuyến của Trung đoàn đã được nối liền.

Đó là ngày 04 tháng 3 năm 1966, một ngày đáng ghi nhớ!

Qua 38 ngày đêm lao động miệt mài liên tục, Trung đoàn đã hoàn thành xong con đường trước thời hạn 4 tháng 22 ngày. Thật là một kỷ lục thần tốc mở đường nói lên một ý chí quyết tâm cao, một tổ chức điều hành giỏi và những kinh nghiệm kĩ thuật tích luỹ trong nhiều năm tháng của cán bộ và chiến sĩ.


Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi điện báo cáo ngay ra Đoàn và Cục Công binh. Được tin này, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 cử đồng chí Hồng Kỳ, Chủ nhiệm Chính trị đến thăm và tặng Trung đoàn lá cờ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" cùng tâm Huân chương Quân công hạng Ba. Sau đó Tư lệnh Hoàng Văn Thái đến động viên chiến công Trung đoàn vừa lập, tặng Trung đoàn lá cờ "Mở đường thần tốc”. Và cũng từ ngày đó, Trung đoàn 98 - Chi hội Bình Minh vinh dự mang tên “Trung đoàn mở đường thần tốc".


Nhưng niềm vui còn được nhân lên gấp nhiều lần khi đường 49 vừa mở xong, nhiều đoàn xe nối đuôi nhau vào, tranh thủ hai tháng mùa khô còn lại rút lương thực, thực phẩm thuốc men, xăng dầu, hàng vạn tấn còn tồn đọng, kịp cho chiến trường Tây Nguyên, Khu 5 đánh thắng. Từ đường C4 này, Binh trạm 37 được hình thành, địch đã phát hiện, đánh rất ác liêt hình thành các trọng điểm, nhưng vẫn đứng vững mãi mãi trong suốt cuộc chiến như một trong các mũi tấn công chủ yếu để vận chuyển vào chiến trường B2 Nam Bộ.


Hoàn thành đường C4, anh Phan Quang Tiệp quay ra miền Bắc chữa bệnh, ba năm sau, năm 1972, anh trở lại Trường Sơn với nhiệm vụ Cục phó, năm 1973 là Cục trưởng Tham mưu Công binh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, gắn bó với tuyến Trường Sơn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.


Anh là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn với quân hàm thiếu tướng cho đến ngày nghỉ hưu, năm 1989.

Anh Phan Quang Tiệp đã vĩnh biệt cuộc đời ngày 30 tháng 7 năm 2000 tại thành phố Hồ Chí Minh. Các thế hệ lực lượng Công binh Trường Sơn nói chung, trong đó có Trung đoàn 98 không bao giờ quên hình ảnh người chỉ huy đã từng gắn bó một thời, đầy nhiệt huyết, có dũng khí quyết tâm cao, mẫn cán, nghiêm túc, có tư duy sắc sảo trong lãnh đạo chỉ huy, hoà đồng trong mối quan hệ cán binh.
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM