Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:39:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếng súng 40 năm  (Đọc 2605 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2023, 07:12:02 am »

Trong làng Hoàng Mai lác đác vài ngôi nhà đang cháy, tàn gianh và khói bốc lên phủ kín cả ngõ xóm. Tôi cứ lần theo đường làng đi xuống mãi. Đến cuối làng Sét lại gặp anh em bộ đội đang bố trí lập phòng tuyến mới chặn địch. Tôi trả lại cho các anh khẩu súng nhặt được của anh bộ đội đã hy sinh và vì là số bộ đội chưa quen biết nên tôi cứ lần đi xuống dưới nữa. Mãi tận cuối làng, tôi lại gặp đơn vị anh Tấn. Tôi kể lại chuyện về địch cho anh nghe và dặn chú ý đến việc địch cũng giả danh công an xung phong để lừa ta.


Cả đêm hôm ấy tôi lại cùng bộ đội của anh Tấn bố trí ngoài bãi tha ma bên rìa làng. Trời rét buốt và thoảng trong làn gió Bắc có mùi hương thơm, tôi chợt nghĩ có lẽ đến Tết rồi thì phải. Nhưng rồi cũng chẳng chú ý đến nữa vì còn đang lo đánh nhau, bụng dạ nào nghĩ đến Tết.


Suốt đêm, chúng tôi nằm phục trong sương lạnh vì đề phòng địch tấn công xuống sớm. Mấy ngày hôm sau bộ đội anh Tấn rút về đường số 1, đóng ở Pháp Vân Đuôi Cá. Tôi và anh Tấn ngày ngày lên đường tàu vắng lặng heo hút nhìn về phía làng Lâm im lìm, nhìn xa về phía Hà Nội thấy vật vờ vài đám khói, lòng nôn nao khó tả. Lời thề: "Quyết giữ vững Thủ Đô???" Làm tôi day dứt, vì giờ này trong tay không còn lực lượng tự vệ, mình phải rút ra tận đây và đằng sau tôi là cánh đồng mênh mông xa tắp.


Đóng mấy ngày ở Pháp Vân trong ngôi nhà gạch độc nhất ven đường số Một, tôi được tin anh Qua đã về làng Đại Từ ở nhà anh Mão . Tôi liền tìm vào gặp anh. Nhà anh Mão là căn nhà đất ở tận cuối làng, qua cánh đồng là trường bay Bạch Mai, địch cũng đã chiếm đóng. Trong nhà anh đã đào một đường hào giao thông qua chân tường ra tận lũy tre.


Ở làng Đại Từ, tôi còn gặp đội hỏa thực của chị Trinh đóng trong ngôi nhà gạch to và kiên cố. Thấy tôi đến bất ngờ, chị ở trong nhà chạy vội ra ôm lấy tôi vồ vập:

– Tuấn đấy à! Chị tưởng em đã hy sinh rồi. Hồng Hà và cả Hùng đã về đây mà không biết tin gì về em. Em gầy nhiều quá, Tuấn ạ… Thôi, ở lại chỗ chị vài ngày để nghỉ ngơi đã…

Tôi còn lưỡng lự, chị kéo tôi vào nhà, hối hả bảo mấy anh chị giết gà nấu cháo cho tôi ăn, đun nước cho tôi tắm.

Đến tối hai chị em ngồi nói chuyện bên ngọn đèn dầu kể về tình hình từ tối hôm 19-12 đến bây giờ… Các anh chị trong đội hỏa thực ngồi nghe tôi nói chuyện mới nắm rõ sự việc của chiến sự trong phố.
Cuối cùng tôi hỏi chị Trinh:

– Anh Ninh cao và tổ hỏa thực của anh đâu rồi? em gặp anh lên tiếp tế lần cuối khi vừa thoát vây ở nghĩa địa Sài Gòn.

– Anh Ninh đã được kết nạp Đảng và chuyển sang công tác tuyên huấn bên Thành ủy rồi. À… Chị có món quà này dành cho em…

Chị nói xong vào trong buồng một lúc quay ra, trong tay cầm một gói giấy nhỏ.

– Chị tưởng em đã hy sinh, nhớ đến đồng chí trong cùng chi bộ, mới sinh hoạt với nhau vài buổi, nên chị thêu chiếc khăn này để giữ kỷ niệm về em. Nhưng bây giờ em còn sống và chị được gặp em ở đây, chị trao cho em đây.

Tôi mở gói giấy ra, thấy chiếc khăn quàng lụa đỏ, góc khăn có thêu hàng chữ: Cảm tử quân Lê Tuấn.

– Ồ! Chị phong cho em danh hiệu này à? Ngoài em ra còn biết bao nhiêu anh chị em tự vệ cũng gan dạ dũng cảm đánh địch, chứ có mình em đâu…

– Thì tất cả các anh chị tự vệ đều là những chiến sĩ cảm tử. Nhưng chị chỉ biết có em vì qua nhiều anh chị em tự vệ, cứu thương ở mặt trận về qua đây kể lại chuyện em. Em xứng đáng!

Chị vừa nói vừa quàng khăn vào cổ cho tôi. Tôi cũng thấy sung sướng nhưng chợt lại thấy bùi ngùi nhớ đến anh Bảo, em Lương và một số anh chị em tự vệ khác mà tôi không được biết hết tên, đã đổ máu xuống đường phố khu chợ Hôm, giữ trọn vẹn lời thề: "Sống chết với Thủ Đô!..."


Hai hôm ở với chị, được chị chiều chuộng săn sóc chu đáo. Tôi giữ chiếc khăn quàng của chị cho mãi đến ngày tôi đóng cơ quan ở làng Bồ Nâu, Ước Lễ, thuộc huyện Thanh Oai, bị địch nhảy dù bao vây quanh làng, chỉ ra thoát được người còn đành bỏ lại mọi tư trang, trong đó có chiếc khăn quàng đỏ của chị Trinh và chiếc ống nhòm, chiến lợi phẩm của đồng chí Tấn tặng ngay hôm đầu kháng chiến toàn quốc.


Ít lâu sau tôi được anh Qua nhắn tin phải tìm về chỗ anh Hoàng Mỹ đang đóng ở làng Tây Mỗ, bên kia thị xã Hà Đông.

Tôi lên Pháp Vân từ biệt anh Tấn để về nhận nhiệm vụ mới. chúng tôi chia tay nhau hẹn gặp lại sau này. Trên đường đi Tây Mỗ, qua làng Cự Đà, tôi được tin đội cứu thương của chị Hải đóng ở đây liền rẽ vào thăm các chị. Đến đây tôi cũng được chị Hải cưng chiều như chị Trinh. Chị tự tay gội đầu, giặt giũ, may vá lại quần áo cho tôi lành lặn.


Ở đây tôi cũng đã gặp các chị cứu thương quen biết cũ như chị Nghiêm, sau này là vợ anh Tài, Tổng cục trưởng Hải quan, chị Duyên, sau này là vợ anh Xuân Oanh, tổng thư ký Ủy ban Bảo Vệ Hòa Bình thế giới của Việt Nam, chị Lan v.v… Các chị chăm sóc tôi từ cái tóc, cái ăn, cái mặc và cả đôi dép, thay cho đôi giầy tôi lấy ở nhà đi, nay đã há mõm và mòn vẹt đế rồi.

Hôm từ biệt các chị để sang chỗ anh Hoàng Mỹ, anh thấy tôi ở mặt trận về mà trông gọn gàng sạch sẽ chỉ cười bảo:

– Tuấn đánh nhau thế đủ rồi… Bây giờ trở về nhiệm vụ cũ đi…
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #51 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2023, 07:12:49 am »

Tôi ở Tây Mỗ được chị Tâm "lồi" (sau chuyển sang xưởng phim truyện và nay chuyển vào xưởng phim thành phố Hồ Chí Minh) luôn luôn ép tôi phải uống thuốc bổ trước khi ăn cơm. Và cũng lạ thật, gần hai tháng trời cơn sốt rét như bỏ quên không hành hạ tôi lần nào. Có thể vì chiến sự liên miên và tôi chỉ có thời giờ lo chiến trận mà quên cả những cơn "nhớ rừng" Nhiều đêm tôi nằm ngủ, nghe tiếng động mạnh lại choàng tỉnh dậy, vơ lấy súng tưởng đâu như địch đang tấn công gần đây. Anh Hoàng Mỹ cũng biết những lần giật mình thức giấc của tôi như thế, và anh đã phát cho tôi bộ quần áo nâu mới, cho khẩu súng côn bát "Ngựa bay" đủ cả bao da và thắt lưng với túi da đựng hai sác-giơ đạn đầy ắp.

– Cậu Tuấn mê súng… Mình cho cậu khẩu súng này của Mỹ đấy. Khẩu súng của cậu sắp hết đạn rồi thì phải. Bây giờ phải hòa mình vào nông thôn, tắm sương, gội gió, chịu nắng mưa cho bớt cái làn da trắng như con gái của cậu…


Ngày 3-3-1947, địch chiếm được thị xã Hà Đông, từ làng Tây Mỗ, chúng tôi chuyển lên Thanh Quang rồi, So, Sở, Dương Các, Bương Cấn, cho đến một hôm anh Hoàng Mỹ gọi tôi lại bảo:

– Mình phải lên Việt Bắc thành lập cơ quan mới. Các cậu lui mãi không được, phải trở lại bám lấy địa bàn, dựa vào nhân dân mà chiến đấu ở ngay đường phố Thủ Đô chứ không đi đâu xa nữa.

Rồi anh chia người ra đi: Tuấn em và anh Nguyễn Vũ lên Việt Bắc với anh thành lập Cục Tình Báo. Tôi, anh Tài và Hồng Hà ở lại Hà Nội làm cán bộ thuộc quyền anh Lê Giản… Bước vào đầu mùa hạ năm 1947, tôi nhận nhiệm vụ của mình và lại tiếp tục chiến đấu theo nghề nghiệp cũ đi sâu vào nội thành Hà Nội.


40 năm đã qua có thể nói hơn một nửa đời người đến nay ngồi nghĩ lại những ngày rực lửa, sôi sục ý chí quyết tử, sống chết với Thủ Đô, ôn lại các trận chiến đấu, nhớ lại từng gương mặt các đồng chí của mình:

– Chị Trinh, vợ cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng sống thanh thản với cháu gái ở phố Thuyền Quang.

– Chị Hải, vợ cố đại sứ Bùi Lâm ở Liên Xô sau là Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, là bác sĩ quân y 108, đang vui với đàn cháu con êm ấm lúc về già.

– Anh Lê Ninh tức Lê Khởi Nghĩa, nguyên thư ký riêng của Chủ Tịch Phạm Văn Đồng thời kỳ 8 năm kháng chiến, nay đã về hưu, là ông già râu dài vẫn hăng hái tham gia công tác ở đường phố, nhận nhiệm vụ kèm cặp lớp thanh niên trong phường.

– Anh Ngô Tất Oánh tức Lê Thanh Quang, đại tá phó tư lệnh Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình đến nay đã được hơn 30 năm tuổi quân và trên 40 năm tuổi Đảng, đã về hưu, sống trong căn nhà nhỏ ven bờ sông Nhuệ thuộc xã Hà Cầu, vui thú với mấy luống rau, bồn hoa, cây cảnh.

– Anh Hùng, công tác ở công an sau chuyển sang Ban thanh tra, nay cũng đã về nghỉ hưu.

– Anh Lê Ngọc Tấn, đại tá cục Chính Trị tổng cục Hậu cần nay đã về hưu vẫn ở thủ Đô.

Và còn biết bao anh chị em, nay giữ cương vị này cương vị khác của cơ quan chính quyền và quân sự mà trong tầm mắt của tôi, chỉ là một cán bộ phụ trách tự vệ của tiểu khu, trong các trận chiến đấu lại chỉ biết có mũi tấn công của mình, nên không thể nhìn hết mọi sự việc, mọi hành động dũng cảm đến lãng mạn của các anh chị tự vệ tiểu khu chợ Hôm.


Nắm được cuộc chiến đấu phải là anh Nguyễn Văn Đào, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương lúc ấy là bí thư Đảng của liên khu II, và anh Tích tức Trần Vĩ, là chủ tịch Ủy ban Nhân Dân thành phố, lúc đó là phó bí thư liên khu II.


Nhưng tôi cũng lạm quyền, xin vượt qua mặt các anh, ghi lại một vài hình ảnh chiến đấu trong phạm vi của tiểu khu 6, và cũng có thể là tiểu khu tiêu biểu cho cả Liên khu II.

Những gương hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước được như ngày nay, đã để lại đến bây giờ và mai sau mãi mãi tinh thần: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Kỷ niệm 40 năm KC.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM