thongdiepthoigian
Thành viên

Bài viết: 113
|
 |
« Trả lời #30 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2023, 07:01:42 am » |
|
Trên đất nước Xô Viết
Ngày 20 tháng 10 năm 1987 tôi được Tổng cục cử đi Liên Xô theo đề xuất của Liên hiệp Da giày Việt Nam và Xí nghiệp 32. Tới Mạc Tư Khoa gặp trời rét, xe taxi lại còn đi lạc (cùng với ba giám đôc xí nghiệp của thành phố) nên tôi bị cảm sốt, phải uống thuốc, ăn súp nằm đắp chăn ba ngày mới khỏi.
Đoàn đi Liên Xô lúc đó gồm: (Thành phố Hồ Chí Minh)
1. Anh Đức, Phó giám đôc xí nghiệp Sagoda.
2. Chị Châu Huệ Cẩm, Giám đốc xí nghiệp giày An Lạc.
3. Anh Đông, Giám đốc xí nghiệp giày Phú Nhuận.
4. Anh Hiệp, Giám đốc xí nghiệp giày Bình Thạnh.
5. Một phó chủ tịch quận Tân Bình.
6. Tôi - Phạm Trùng Dương, Phó giám đốc Xí nghiệp 32 (quân đội) và anh Thọ đại diện Liên hiệp Da giày Việt Nam làm trưởng đoàn. Toàn bộ chi phí chuyến đi do Thành phố Hồ Chí Minh đài thọ. Sau khi đến Mạc Tư Khoa nghỉ bốn ngày đoàn được đi tham quan thành phố giày ở nước cộng hòa Ukraina. Tham quan nhà máy giày Ugan và một số xí nghiệp khác. Đến các nhà máy giày làm việc, phía bạn rất quý phái đoàn Việt Nam. Mỗi người được bồi dưỡng 10 rúp1 (Một rúp tương đương một đôla - quy đổi) một ngày. Được đi tham quan các danh lam thắng cảnh, tắm, xông hơi mát xa, xe đưa đón, đặc biệt là ăn uống rất rất trọng hậu.
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh tuyết rơi vào ngày 6 tháng 11. Cả bầu trời như triệu triệu cánh hoa bay lơ lửng. Hoa tuyết trắng muốt luồn vào cổ áo, sà vào mặt tôi, đậu vào cành cây, mặt đất rồi nhẹ nhàng từ từ tan biến. Một cảnh đẹp thần tiên mà ở Việt Nam không bao giờ có được. Đoàn thành phố nhận gần trăm mẫu giày da các loại về chỗ ở (thương vụ đại sứ quán Việt Nam) để nghiên cứu, lựa chọn và làm giá với bạn.
Ban đêm ở nhà chọn mẫu, ban ngày đoàn giám đốc thành phố được chị Châu Huệ Cẩm dẫn đi chơi phố, chợ ở thú đô Mạc Tư Khoa. Chị Cẩm đã từng học ở Liên Xô, thông thạo tiếng Nga, đường sá nên kiêm luôn phiên dịch của đoàn. Còn chúng tôi đi đâu cùng phải nhờ chị. Mạc Tư Khoa đẹp quá, toàn xe hơi, rất ít xe máy. Đi đường chỗ nào mà có nhà hình chã A bên trên có chữ M là chúng tôi mua tiền xu nhét (10 kôp)1 (Một rúp bằng 100 kốp) vào "mắt thần", tay chắn tự động mở ra cho ta xuống tàu điện ngầm với tên gọi Metropolitan. Với 10 kôp ta có thể đi cả trăm kilômét đường tàu, chán thì tìm một ga gần nhà rồi "chui" lên. Dưới các nhà ga của tàu điện ngầm trông như cung điện nhà vua, xung quanh treo các bức tranh đồng cực đẹp. Ở nhà ga cũng có cửa hàng phục vụ ăn uống, cửa hàng sách và bách hóa, mọi người cảm giác như ở trên mặt đất. Tôi rất ấn tượng hàng dãy đèn Neon sáng trắng to bằng bắp đùi người lớn, dài gần một mét, chạy đều tăm tap khi đi xuống thang điện sâu hàng trăm mét, chỗ nông nhất của Metro cũng là 50 mét dưới lòng đất.
Hệ thống Metro của Mạc Tư Khoa có từ năm 1935 sau đó liên tục mở rộng và hiện đại hóa. Đây là hệ thống Metro (gọi tắt của tiếng Anh) được mệnh danh là Hoàng cung dưới lòng đất đẹp nhất thế giới. Do chưa có vé máy bay về nước nên chúng tôi suốt ngày đi chơi dưới lòng đất với mê cung. Chán rồi lại "chui" lên ra ngoại thành gọi taxi về sứ quán.
Dạo đi máy bay sang Liên Xô, do có sương mù nên không hạ cánh được ở sân bay Mạc Tư Khoa mà phải hạ cánh xuống nước cộng hòa Ukraina (thủ đô Kiev). Sau đó chúng tôi đi tàu điện nổi về Mạc Tư Khoa dài tới 2.000 cây số. Ngồi trên tàu điện nổi với vận tốc trên trăm cây số, chúng tôi được ngắm đất nước Liên Xô hùng vĩ, những vườn táo phủ tuyết trắng lung linh quả trĩu cành. Cánh đồng tuyết bao la đã được gieo lúa mỳ, chỉ chờ mùa xuân về, tuyết tan là nảy mầm xanh, lớn nhanh như thổi. Chẳng có thực phẩm mà họ chỉ phát bánh mỳ không. Đến chỗ nghỉ bọn tôi tràn xuống vườn khẩn trương mua táo, vào cả vườn táo tham quan. Cánh đồng táo đẹp quá, tưởng mình đang lạc trên thiên đình trong những vườn táo tiên. Đẹp như cảnh vườn táo tiên trong Tây du ký mà Tôn Ngộ Không đại náo.
Đến Liên Xô ta mới thấy nước ban thiếu lao động trầm trọng. Ở xưởng may đa số là người già ngồi máy may. Ngoài đường những công việc như gạt, hót tuyết cùng chỉ có bà già, vậy các nhà máy họ mới quý ta sang tham quan, nhận may gia công mũ giày cho họ. Mấy ngày tiếp theo chúng tôi được đưa đi tham quan lăng Lênin, quảng trường Đỏ, trung tâm triển lãm quốc gia. Chỗ nào tôi thấy cũng rất thú vị, mới lạ và đẳng cấp, xứng đáng là thành trì của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Đứng trước quảng trường Đỏ lát đá xanh nghiêng (mỗi viên rộng 15, dài 20, dày 20cm) với tuyết bay gió lộng, tâm hồn tôi như muốn bay bổng lên không trung để ngắm nhìn đất nước Liên Xô bao la vĩ đại.
Tôi vẫn như đang lạc vào một thế giới xa lạ, như một giấc mơ thứ hai nối tiếp giấc mơ đại thắng mùa xuân 30-4-1975 khi vào tiếp quản Sài Gòn.
Hạnh phúc đang trào dâng và tràn ngập trong lòng. Kết quả chuyến đi của đoàn giám đốc Thành phố Hồ Chí Minh, cộng với Liên hiệp các xí nghiệp Da giày Bộ công nghiệp nhẹ là ký được hai mươi triệu đôi mũ giày các loại. Ngoài ra nhà máy giày Ugan còn ghi nhớ sẽ đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất một trăm ngàn đôi giày lót lông cao cổ mỗi năm ở Xí nghiệp 32. Đúng sáu tháng sau xưởng sản xuất giày lót lông cao cổ đã trở thành hiện thực, do anh Đồng (nguyên là trợ lý giám đốc) làm quản đốc, công suất một trăm ngàn đôi một năm.
Tiếng vang của Xí nghiệp 32 về sản xuất mũ giày và giày xuất khẩu đi Liên Xô đã đến tai các chuyên gia Tiệp Khắc đang làm việc ở nhà máy giày Sài Gòn. Nối tiếp chuyến thăm của đoàn Tiệp Khắc cuối năm 1986, đến tháng 1 năm 1988 đoàn chuyên gia giày Tiệp Khắc lại đến Xí nghiệp 32. Lần này phía Tiệp ký hợp đồng đầu tư ngay một xưởng sản xuất mũ giày vải xuất khẩu.
Xí nghiệp 32 xây dựng xưởng may mũ giày vải lần này rất thuận lợi, vì toàn bộ thiết bị, công nghệ, kỹ thuật may do phía bạn đảm nhiệm. Xí nghiệp 32 chỉ lo mặt bằng, nhà xưởng, tuyển dụng quản lý công nhân. Các chuyên gia kỹ thuật phía bạn trực tiếp đào tạo tay nghề, kiểm soát hướng dẫn kỹ thuật và dải chuyền cho từng mẫu mã.
Như vậy chỉ sau hai tháng, xưởng gia công mũ giày cho Tiệp Khắc đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, công suất mỗi năm lên đến cả triệu đôi, với số lượng công nhân khoảng 1.000 người. May mắn và thuận lợi nối tiếp đến với Xí nghiệp 32, bởi vì xí nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng, nhà xưởng khang trang rộng rãi, vẫn còn trống.
|