Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:23:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân  (Đọc 2293 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:48:10 am »

Về Ban quân nhu được một thời gian, tôi sốt rét trở lại, người xanh xao, yếu đi, mắt lại mờ nữa. Công việc chuyên môn chưa làm được gì, anh Trung bảo tôi hàng ngày đi hái măng, kiếm củi, xách nước giúp anh nuôi. Cách nhà tôi và anh Trung đang ở có một tổ may đo quần áo cho cán bộ, do chị Tư Điệp phụ trách, trong tổ có anh Huỳnh Văn Lợi, anh A và hai người nữa.


Hàng ngày lấy măng hay đi qua tổ may đo, mọi người thấy tôi trẻ (mới 19 tuổi), ốm yếu cứ nhìn theo xì xầm với nhau, tôi nghe lỏm được:

- Thằng này trông xanh xao quá, cứ sốt, ra vào bệnh viện hoài thế này liệu có qua khỏi không đây!

Vừa đi vừa nghe mà tôi thấy rờn rợn.

Sau đó tôi lại nhập viện K70, gần cầu 48, thượng nguồn sông Sài Gòn. Ở bệnh viện tôi vẫn sốt rét liên miên, rụng gần hết tóc, chị bác sĩ Phù Dung hay đến tiêm thuốc và động viên tôi, chị rất tốt, vui tính chăm sóc tôi như em út trong nhà.


Suốt cả năm 1967 tôi chẳng làm được gì cả, liên tục ra rồi vào viện.

Ở ngoài kia quân giải phóng đang tiến công địch dồn dập khắp nơi, chiến thắng liên tiếp bay về. Tôi sốt ruột quá mong cho mình khỏe mạnh, nhanh khỏi bệnh để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam. Trong khi đó thời gian đã trôi nhanh, năm 1967 sắp đi qua rồi!


Tôi vừa xuất viện về tới đơn vị thì thấy tình hình có gì đó đang chuyến biến lớn, không khí nhộn nhịp khác thường, thủ trưởng Ba Thuật họp Ban quân nhu phổ biến, quán triệt tình hình nhiệm vụ mới!

Sau cuộc họp cả đơn vị chuẩn bị di chuyển. Anh Nguyễn Tự Cử được phân công ở lại căn cứ cùng với tôi. Trong lúc tất bật lo nhiều việc, thì anh Trung gọi:

- Dương ơi! Cậu có điện thoại ai gọi nè!

Tôi giật mình ngỡ ngàng, hồi hộp không biết ở đây còn có ai gọi mình nhỉ? Tay cầm điện thoại mà cứ run cầm cập - Từ bé đến giờ có được cầm điện thoại bao giờ đâu?

Đầu bên kia gọi:

- Có phải anh Dương ở Ngọc Uyên không? Em là Phao ở Ngọc Uyên đây!

Tôi mừng quýnh reo ầm lên:

- Mày là Phao hả, đang ở đâu vậy?

- Em đang ở tổ thông tin thuộc Ban tham mưu của Đoàn 85 đây!

- Vậy đến gặp anh đi, anh đang ở Ban quân nhu Đoàn 85 nè!

- Em chỉ gọi điện thăm anh được thôi, bây giờ bận lắm, không có thời gian đến gặp anh được, hẹn lúc khác.

Thế là chúng tôi chào nhau, hẹn gặp lại.

Sau gọi điện thoại tôi mừng quá! Cảm nhận tình cảm quê hương đang rất gần gũi quanh đây! Nhưng vẫn thắc mắc sao nó biết được tôi về đây chứ! Đơn vị đã hành quân di chuyển bằng xe đạp thồ và xe tải GMC. Đoàn xe và người cứ xa dần mà tôi cũng chưa biết họ đi về đâu?


Anh Nguyễn Tự Cử và tôi được phân công ở lại trông căn cứ và kho bột ngọt của đơn vị. Cả khu rừng rộng lớn mà chỉ có hai người thật là buồn vắng. Anh Cử tâm sự cho tôi biết: Đoàn Hậu cần 85 có quyết định giải thể để thành lập Đoàn hậu cần 50, vẫn trên cơ sở đoàn cũ, nhưng quy mô rộng lớn hơn, Đoàn bộ được bố trí gần đồng bằng. Theo anh Cử phán đoán thì từ đây tới đó khoảng tám giờ đi xe đạp. Kho bột ngọt chỉ còn năm tấn, nếu cấp phát hết thì anh em tôi rút đi theo đơn vị luôn.


Vào một ngày cuối mùa mưa năm 1967, sau khi nghe điện thoại xong, anh Cử quay lại nói với tôi:

- Anh em mình chuẩn bị tư trang để đi theo đơn vị.

Tôi hỏi anh:

- Thế còn bột ngọt thì sao?

Anh Cử nói:

- Sẽ có đơn vị đến nhận theo phiếu cấp phát của Ban quân nhu.

Khoảng ba mươi phút sau đã có đơn vị cầm phiếu đến nhận hết bột ngọt. Vậy là hai anh em tôi khoác ba lô, lấy xe đạp chở nhau lên đường. Anh Cử khỏe nên chở tôi, mỗi người khoác theo hai tiểu liên AK. Lúc đó là 10 giờ sáng.


Chiếc xe đạp thồ Đại Ngạch chạy lọc cọc, lúc thì bon bon trên đường mòn phẳng lỳ, lúc thì chạy trên đường o tô toàn đất đá và nước vũng vãnh


Xe đạp thồ Đại Ngạch là loại xe được nhập khẩu ở Campuchia, đưa qua biên giới, nó được đặt hàng của một hãng sản xuất ở Pháp, nên rất tốt. Gác-ba-ga to khung gia cố thêm hai cọc thép rất cứng, chuyên dùng để thồ gạo, vũ khí, đạn dược.


Chiếc xe lao lên, lao xuống, băng qua những triền đồi tháp thoai thoải, hai bên là những trảng thưa trống vắng. Cỏ gặp mưa xuống mọc xanh rì. Tình hình khá yên tĩnh, rất ít máy bay, gần như không có tiếng bom, pháo. Hai anh em đi qua các địa danh của quân giải phóng theo anh Cử giới thiệu:

- Đồi Tư Dư (kho Tư Dư).

- Cầu 48, đồi Năm Bích (kho Năm Bích).

Tôi chỉ ngồi sau mà cùng mệt, đau cả lưng nữa, còn anh thì ướt đẫm mồ hôi ra áo. Hai người dừng xe nghỉ ngơi uống nước. Tôi ngồi tựa vào gốc cây nuốt từng ngụm nước ở bi đông mà đầu óc miên man nghĩ về căn cứ và đơn vị mới! Nghĩ về anh Cử đang ngồi trước mặt, anh lớn tuổi hơn nên dày dạn, từng trải, chỗ nào anh cũng biết. Anh người đậm, thấp, da trắng, rất đẹp trai và khỏe mạnh. Tôi ước gì được khỏe mạnh như anh, để xông xáo, lao vào nhiệm vụ mà đơn vị đang cần.


Hai anh em đứng dậy lên xe đi tiếp, đường đi bằng phẳng và dễ dàng hơn trước nhiều, đi qua toàn rừng thưa trảng trống... Đến tối mịt thì đã đến đơn vị mới.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:49:45 am »

Tối hôm đó, hai anh em ngủ ở Ban quân nhu Đoàn 50, Cục Hậu cần Miền. Nhưng cũng chẳng ngủ được, chỉ mong trời sáng xem đơn vị mới thế nào? Bảy giờ sáng họp đơn vị để nghe trưởng ban quán triệt tình hình và phân công nhiệm vụ. Tôi được tạm phân công phụ việc chị nuôi, vì mới hết sốt người còn yếu.


Qua cuộc họp tôi được biết công tác tổ chức như sau:

- Trưởng ban: đồng chí Nguyễn Văn Bảo.

- Phó ban: đồng chí Ba Thuật (quê Bến Tre).

Có bốn tổ: quân lương, quân trang, cấp dưỡng may đo.

Các trợ lý đầu ngành gồm: anh Trung, anh Nhật, anh Cử, anh Vọng... quân số khoảng 40 người.

Một tuần sau, đồng chí trưởng ban gọi tôi lên bàn làm việc hỏi:

- Đồng chí quê ở đâu?

- Dạ tôi quê ở Ngọc Uyên, Ngọc Châu, Nam Sách, Hải Dương.

- Thế à!

Đồng chí vê vê điếu thuốc lá, bật lửa châm hút rồi cười:

- Vậy đồng hương với tôi rồi đấy! Tôi quê ở Gia Lộc, Hải Dương.

Tôi mừng quá, ớ giữa miền Nam mênh mông này mà lại có người thủ trưởng là đồng hương, thì không vui sao được!

Đồng chí trưởng ban nói tiếp:

- Đồng chí cố gắng rèn luyện nâng cao sức khỏe, nay mai tôi sẽ bố trí nhiệm vụ mới!

- Dạ, vâng! Thưa thủ trưởng!

Tết Mậu Thân 1968 đã đến, mấy anh em ngồi trước đài radio để đón giao thừa và nghe thơ xuân chúc Tết của Bác Hồ:

   "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
   Thắng lợi tin vui khắp nước nhà.
   Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
   Tiến lên!
   Toàn thắng ắt về ta!"
1 (Thơ chúc mừng năm mới - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. H.2002, Nxb Chính trị quốc gia, tr.327).


Tiếng pháo giao thừa nổ giòn trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, đồng thời cũng là tiếng súng đồng loạt khắp miền Nam, tổng tấn công Mỹ - ngụy.

Tổng tấn công và nổi dậy trên khắp miền Nam, đúng như thơ xuân của Bác. Bọn Mỹ - ngụy đã bất ngờ và choáng váng, quân ta tấn công dồn dập, đồng loạt vào trung tâm đầu não của địch ớ Sài Gòn và các thành phố lớn.


Ngay sau giao thừa, toàn Ban quân nhu đã ra quân phục vụ bộ đội ở chiến trường. Tôi được phân công cùng với ba nữ Việt kiểu ở Campuchia mới nhập ngũ đi đón thương binh từ Sài Gòn chuyển về.

Tôi và mấy chị em vui quá hăng hái chuẩn bị lên đường.

Không ngờ rằng bài thơ xuân của Bác Hồ lập tức đã trở thành mệnh lệnh tổng tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam.

Suốt cả năm 1968, quân và dân miền Nam liên tục tiến công, quân Mỹ - ngụy đã rơi vào thế bị động chống đỡ, bất ngờ và lúng túng. Địch hoang mang, đứng trước nguy cơ thất bại chiến lược.

Về phía ta tuy tấn công mạnh mẽ, nhưng trải rộng, quân tiếp viện đến chậm, nên cũng bị thương vong nhiều. Đêm nào chúng tôi cũng đón cả trăm thương binh ở Nha Thức (hướng đi Bến Cát, Thủ Dầu Một).


Nhiệm vụ của tổ phục vụ là pha đường, sữa đón đường các anh đi qua (khiêng bằng võng cáng xe đạp thồ) cho các anh uống mỗi người một bát đường sữa để lại sức. Mấy tổ quân y thì chăm sóc, băng bó lại các vết thương đã bị bung, rơi băng gạc.


Việc đón, chăm sóc thương binh diễn ra hoàn toàn vào ban đêm, trên đường về chiến khu để có điều kiện chữa trị.

Trời vừa tối thì tôi nhận được lệnh phải về ngay đơn vị. Đúng ra là phải có người dẫn đường, nhưng chờ thì chậm, nên tôi quyết định khoác súng AK cắt đường rừng thẳng hướng về Ban quân nhu ngay trong đêm. Tôi không dám đi theo đường mòn vì sợ có biệt kích và mìn gài. Đi suốt đêm đến gần sáng thì về tới đơn vị, rất may tối hôm đó trời có trăng sáng. Cả đơn vị giật mình với hành động của tôi vì từ Nha Thức đến Ban quân nhu vừa xa, vừa có biệt kích hoạt động rất nguy hiểm.


Tôi nói:

- Có sá chi đâu, mình vừa tập cắt rừng để định hướng cho nó quen các anh à!

Đồng chí trưởng ban quân nhu khoảng 50 tuổi, người trắng trẻo, nhanh nhẹn, cao khoảng 1 mét 65, trong đơn vị vẫn thường gọi là anh Hai Bảo.

Anh Hai gọi tôi lên nói:

- Cánh Bẩy1 (Cánh Bẩy là đơn vị cấp dưới của Đoàn 50 - tương đương cấp tiểu đoàn) Đoàn 50 mới thành lập, quân số thiếu, ban điều cậu về làm thống kê, phụ giúp đồng chí Du trợ lý quân nhu cánh. Cậu cố gắng làm tốt và thường xuyên báo cáo về ban theo quy định.

Tôi hớn hở nói:

- Báo cáo thủ trưởng, em sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày hôm sau tôi được liên lạc dẫn đường (đi bằng xe đạp), nhận nhiệm vụ mới! Tôi theo đồng chí liên lạc đạp băng qua K9 suốt cả ngày mới tới nơi.

Cánh Bẩy là cánh hậu cần trực thuộc Đoàn 50, phụ trách thu mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm, tồn trữ kho tàng và tiếp nhận hàng A (hàng của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ). Các đơn vị của cánh nằm dọc bờ sông Chiêu (phía tây bắc của Đoàn 50), có nơi cắm sâu vào đất Campuchia mấy cây số.


Cánh trưởng là đồng chí Bẩy Sinh, chính trị viên đồng chí Bảy Minh (bị chột mắt), hai cánh phó là đồng chí Bảy Hiệp, Huỳnh Ảnh, tất cả đều quê ở miền Nam.

Anh Du (quê ở Long An) với tôi ở chung một nhà. Tất cả nhà ở đây đều lợp bằng lá buông, xung quanh cánh bộ toàn rừng le xen lẫn những cây buông to cao xanh mát. Ban đêm khá yên tĩnh, không có máy bay và bom pháo.


Cứ tối đến cửa khẩu ở gần cánh bộ rất nhộn nhịp. Hàng đoàn xe đạp thồ hàng hóa của dân địa phương nôi đuôi nhau chở lương thực, thực phẩm (cá khô, đậu xanh, bột ngọt, bí đỏ...) đến bán cho quân giải phóng, đây là cửa khẩu Tiểu Ngạch. Còn có một cửa khẩu nữa là cửa khẩu Đại Ngạch, chuyên tiếp nhận vũ khí của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ, đi qua cảng Xihanúc Vin của Campuchia vào biên giới miền Nam (Việt Nam) mà chúng tôi phải tiếp nhận.


Hàng vũ khí đến muộn hơn, cứ khoảng hơn 10 giờ là hàng đoàn xe tải nhà lầu (10 đến 20 tấn) mang lệnh của Quốc trưởng Xihanúc chạy một mạch từ cảng về biên giới. Hàng vũ khí về là toàn bộ lực lượng tập trung bốc vác, xuống hàng khẩn trương để giải phóng xe.


Ban đêm hai cửa khẩu nhộn nhịp sôi động nhưng rất bí mật, khẩn trương. Đến sáng ra tất cả lại im lìm chỉ có rừng, cây lá và tiếng suối chảy róc rách.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:50:36 am »

Ở chiến trường miền Nam, ban đêm là của ta, ban ngày là của địch. Hàng hóa về nhiều như vậy nên tôi và anh Du khá vât vả: kiểm tra, theo dõi, cấp phát, làm sổ sách mà phải làm vào ban đêm, ban ngày thì đạp xe đi nắm tình hình.


Những ngày tháng công tác ở Cánh Bẩy, tôi nhận thấy cách mạng miền Nam được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế to lớn như thế nào? Vũ khí, đạn dược ngày đêm tuôn vào như thác lũ, không phải chỉ ở Cánh Bẩy không đâu, mà còn nhiều nơi khác như thế nữa!


Các đội chế biến tiền A xuất hiện ở nhiều điểm, để đổi đô la Mỹ ra tiền chế độ Sài Gòn, tiền Campuchia. Tiền đô la ấy cũng là chuyển từ miền Bắc vào. Ở Cánh bộ Cánh Bẩy tôi có chơi thân với một người tên là Hiệp, ít hơn tôi hai tuổi, là Việt kiều ở Phnôm Pênh, mới nhập ngũ về làm phiên dịch tiếng Khơme.


Hiệp và tôi ngủ chung nhà hầm, thỉnh thoảng những buổi tối hàng chưa về, hai đứa rủ nhau ra trảng trống ngắm trăng, tâm sự. Đó là những lúc yên lành ngắn ngủi của chúng tôi.

Những ngày tiếp nhận hàng Đại Ngạch, Tiểu Ngạch, như thế này hẳn là máy bay trinh sát Mỹ để ý, chúng rè rè ở trên rất cao quần đảo. Vì vậy chúng tôi được lệnh phải ngụy trang và hết sức giữ bí mật.


Campuchia tuy là quốc gia trung lập, nhưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quốc vương Xihanúc đã ngầm ủng hộ cách mạng miền Nam. Cách mạng miền Nam được sử dụng đất đai, cảng biển, giao thông để vận chuyển hàng viện trợ quốc tế.


Trên lảnh thổ đất Chùa Tháp này có một ông trùm tư bản giàu có bậc nhất, thế lực nhất, đó là ông Tư Võ. Nói đến ông tất cả các quan chức Campuchia phải xanh mặt. Không những ông cực giàu, mà còn có một đội quân lính kín (tình báo), vừa buôn bán, vừa sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù, là chỗ dựa cho cách mạng.


Thực chất là Đoàn 17 do quân giải phóng xây dựng thành một mạng lưới rộng khắp trên đất Khơme do đồng chí Tư Võ, Cục phó Cục hậu cần Miền kiêm đoàn trưởng. Ông nắm một đội quân tình báo trên đất Campuchia, có thể vận động cả bộ máy Khơme phục vụ cho cách mạng.


Nói đến đây chúng ta mới thấy con người Việt cách mạng siêu đẳng làm sao?

Tất cả những điều tôi nói ở trên không phải Mỹ - ngụy không biết gì! Chúng đang có kế hoạch đối phó. Ta cũng đang có phương án chuẩn bị. Còn tôi đang chuẩn bị sang một thời kỳ mới! Đón nhận một trận càn khốc liệt nhất trong cuộc đời giải phóng của tôi. Để triệt phá đường dây vận chuyển, tiếp tế của quân giải phóng trên đất Campuchia.


Ngày 18 tháng 3 năm 1970, Mỹ đã giật dây quốc hội lật đổ quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc của Campuchia, trong lúc ông đang ở Pháp. Mỹ đã dựng lên một chế độ Xi-rích Ma-tắc thân Mỹ ở Phnom Pênh, nhằm chống phá cách mạng miền Nam Việt Nam.


Thời vận lịch sử lại sang trang, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của quốc trưởng Xihanúc và Mặt trận dân tộc cứu quốc Campuchia (do ông sáng lập), cùng quân giải phóng Campuchia tiến hành chiến tranh chống Mỹ và chính quyền Lon Non Xi-rích Ma-tắc ở Phnôm Pênh, nhằm giải phóng Campuchia. Như vậy, lực lượng của cách mạng miền Nam tràn sang giải phóng Campuchia. Rất nhanh, vùng giải phóng được mở rộng mênh mông.


Lúc này, tỏi được chỉ huy Cánh Bẩy điều đi tiếp quản khu giải phóng mới là thị trấn Sa-Nua, phía đông bắc Campuchia. Sa-Nua nằm trên quốc lộ 7 gần biên giới với tỉnh Bình Phước của Việt Nam. Một thị trấn xinh đẹp xung quanh bạt ngàn là rừng cao su xanh biếc.


Hội Việt kiều Campuchia bố trí tôi ở nhà bà hội trưởng tại Sa-Nua. Nhiệm vụ của tôi lúc này là cùng với phía Campuchia tiếp quản các chiến lợi phẩm của chế độ cũ Lon Non Xi-rích Ma-tắc tháo chạy để lại.


Tôi được bà hội trưởng rất quý mến vì tính tình hiền lành chịu khó và dũng cảm nữa. Bà nói tôi dũng cảm vì bất kỳ chỗ nào được dẫn đi tiếp quản, dù có một mình cũng không ngần ngại. Bà tên là Hạnh, có hai cô con gái, một tên là Hiền, còn một tên là Hòa. Hai con gái bà đều trắng trẻo và xinh đẹp. Mỗi lần tôi đi công tác về được bà lo cơm nước chu đáo, các em Hiền, Hòa còn mang trái cây cho tôi ăn, mở đài đĩa cho tôi nghe. Tình cảm đó cứ thắm thiết dần lên.


Đã có lần bà Hạnh ngỏ ý bàn với anh Du (phu trách quân nhu cánh) tạo điều kiện cho tôi lấy em Hiền con gái bà. Đó là khoảng thời gian êm đềm hạnh phúc ngắn ngủi, chỉ diễn ra hơn một tháng trong cuộc đời quân giải phóng của tôi. Sau đó là một sự đảo lộn không ngờ, nhanh chóng, chiến tranh đã ập đến trên đất Chùa Tháp xinh đẹp này.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:52:42 am »

Trận càn Moóc Câu, sông Chiều khói lửa

Cuối tháng 4 năm 1970, cánh trưởng và viên vừa đi họp ở Đoàn 50 về để chuẩn bị chống càn, thì bầu trời Cánh Bẩy đã đầy máy bay gầm rú. Tình hình cực kỳ nguy hiểm và khẩn trương. Ban chỉ huy cánh đã quyết định tổ chức cho đơn vị đi sơ tán theo kế hoạch của cấp trên. Việc sơ tán diễn ra ngay trong đêm, bao gồm Cánh Bộ, Trung đội Cảnh vệ, Bệnh viện, các đơn vị kho tàng, v.v...


Tôi được lãnh đạo giao nhiệm vụ ở lại căn cứ. Tổ ở lại căn cứ gồm:

1. Phạm Trùng Dương làm tổ trưởng (lúc đó là A bậc trưởng).

2. Chiến sĩ Ngư quê ở Hải Phòng.

3. Chiến sĩ Sắn quê ở Hải Phòng.

4. Chiến sĩ Đào quê Hà Bắc.

5. Chiến sĩ Hiệp quê Long An.

Trước khi dẫn Cánh Bộ đi sơ tán, lãnh đạo cánh đã quán triệt nhiệm vụ cho chúng tôi và dặn:

- Nếu có tình hình nguy cấp thì cắt rừng đi về phía tây bắc Campuchia là gặp đơn vị, đồng thời trao cho tôi một cái la bàn bỏ túi.

Sáng sớm cả tổ năm người thức dậy bắt gà nuôi trong chuồng làm thịt. Tôi và anh em đứng hàng giờ để mổ hàng chục con gà dưới bờ sông Chiêu1 (Sông Chiêu là một con suối rộng ở thượng nguồn sông Sài Gòn - đây là tên do dân và quân địa phương gọi). Đang ở dưới bờ sông thì đột nhiên pháo bắn dồn dập vào căn cứ, đất đá bắn tung tóe, cành cây đổ răng rắc.

Tôi hô to:

- Tất cả xuống hầm trú ẩn mau lên! Năm anh em xuống hầm, trên mặt đất tiếng nổ rền vang nghe choáng tai suốt 15 phút liên tục. Tiếp theo là tiếng máy bay trực thăng gầm rú, bắn phá, ném đạn cối xuống chúng tôi, căn hầm được làm rất vững chắc nhưng cũng bị chao đảo, rung chuyển. Cũng may chưa có quả bom pháo nào trúng hầm. Sau mười phút tình hình yên tĩnh đến ghê sợ. Tôi ra lệnh cho mọi người lên khỏi hầm, chuẩn bị ba lô, súng đạn di chuyển sang căn cứ dự phòng theo kế hoạch, vì căn cứ đã bị lộ.


Tôi khoác ba lô, súng đạn, dẫn mọi người chạy theo đường mòn dọc bờ sông về hướng bắc. Vừa xuống lòng suối cạn là đạn bắn như mưa cắm tung tóe trước mặt đất phía chúng tồi. Mọi người nằm rạp xuống, tôi ngước mắt lên nhìn thấy khẩu đại liên của địch thấp thoáng bên ụ mối.

Địch giương loa phóng thanh kêu gọi:

- Hỡi anh em Việt cộng, mọi người đã bị bao vây, hãy đầu hàng quân lực Việt Nam Cộng hòa về với chính nghĩa quốc gia, sẽ được khoan hồng, nếu không sẽ bị tiêu diệt.

Tôi thầm nghĩ: "Không đời nào", rất nhanh rút chốt lựu đạn khói tấn công, ném về phía địch. Tôi và mọi người bật dậy quay trở lại đường cũ, khói phía sau mù mịt, vậy là thoát.

Theo sau tôi chỉ còn hai người: Ngư và Sắn, vậy là mất hai người. Ba anh em chạy tiếp, tôi hô: "Vứt ba lô đi, chỉ giữ súng đạn thôi, thế là ba chiếc ba lô quăng xuống suối cạn để cơ động chiến đấu.

Chạy thêm mười mét thì mấy chiếc xe tăng lù lù gầm rú trước mặt, lính địch lố nhố theo sau, tay lăm lăm súng. Tôi vội nghĩ thoáng: "Vậy là mình đã bị bao vây, không có đường thoát". Bọn biệt kích xông lên, nhanh như chớp tôi và hai anh em xả đạn về phía địch, chúng lảo đảo ngã dúi và lùi lại. Ba băng đạn đã hết không kịp thay băng, tôi nhảy lao xuống sông Chiêu, hai người nhảy theo, đó là tình huống hiểm nguy vô cùng cấp bách mà anh em chúng tôi xử lý, quyết không đầu hàng và để địch bắt sống.


Cây xanh dày đặc hai bờ và nước sông Chiêu cuộn chảy đã cứu được ba chiến sĩ giải phóng thoát chết và không bị địch bắt sống. Chúng tôi cuốn theo dòng nước khoảng 300 mét thì dạt vào bờ. Mọi người cố gắng bò lên lòng con suối cạn rồi nằm vật ra thở như sắp chết.


Tôi lơ mơ hướng về căn cứ cũ bị địch chiếm mà lòng đau như cắt. Chúng bắt heo gà mổ để ăn mừng và tế sống chúng tôi. Tiếng hầm bị đánh sập, gà kêu lợn rống, tiếng chửi rủa cộng sản xen lẫn cho đến tối mới hết.


Trời tối hẳn, ba anh em chúng tôi bò lại gần nhau, sờ soạng xem có ai bị thương không mà tất cả người đau như dần thế. Tôi thì thầm với hai người:

- Tổ ta mất hai người rồi! Xung quanh ta không còn đồng đội và đơn vị nào nữa! Chắc anh em mình phải sống cuộc đời thổ phỉ thôi!

Ban đêm Mỹ - ngụy vẫn thắp đèn cưa cây làm trại và hầm pháo. Tiếng xe xích gầm rú hòa với tiếng trực thăng lên xuống phành phạch.

Bò ra mép trảng trống, dưới đèn pháo sáng địch, ba người bết máu do cành cây đâm xước, va phải đá mặt đứa nào cũng sưng vù, chỉ bị thương nhẹ phần mềm. Bụng đã đói cồn cào, cả khát nữa, nước thì ở sông suối, còn cơm thì không biết kiếm ở đâu. Tôi nói với hai người:

- Ta nghỉ thêm một lúc cho đỡ mệt, sau đó bò vào sóc xin cơm ăn!

May mắn là có ánh trăng mờ mờ dẫn lỏi nên ba anh em cắt rừng nhắm vào sóc, nhà dân. Đi khoảng ba mươi phút thấy sóc rồi! Xa xa có ánh đèn lờ mờ. Mọi người tiến đến gần một ngôi nhà, cậu Sắn biết ít tiếng Khơme đi lên phía trước. Một cô gái từ nhà sàn đi ra cầm theo ngọn đèn dầu leo lét. Cậu Sắn bước lên cầu thang nói chuyện và xin cơm cô gái, một cái gật đầu và chỉ tay xuống bếp. Đúng là nồi cơm hình như đã nấu buổi trưa, bên cạnh là hũ mắm bồ hóc (một loại mắm của người Miên) và lọ muối đen xì. Ba người ăn lót dạ cho đỡ đói rồi bảo nhau rút lui, không dám xin ngủ nhờ vì sợ biệt kích Mỹ - ngụy mò tới.


Đêm hôm đó mấy anh em ra rừng làm tổ lá để ngủ tạm, chịu đựng cho muỗi đốt đầy người.

Tranh thủ thời gian ba người lò dò đi điều tra tình hình địch, để chuẩn bị kế hoạch vượt lộ 7 vào Campuchia.

Tối hôm sau anh em ngụy trang kín người, nếu dừng lại nằm xuống phải giống hệt như một lùm cây. Tôi đi trước, Sắn và Ngư đi sau cách 5 mét theo hướng mũi tên, đến mép đường nhựa dừng lại quan sát.


Cứ 150 mét có một xe tăng chốt đường, hai phút có một xe chạy qua tuần tra, pháo sáng thì quả này vừa tắt, quả khác đã bắn vụt lên. Mục đích của địch là ngăn không cho quân giải phóng rút sang đất Miên, để chúng tiêu diệt.


Ba anh em nằm bất động quan sát chờ thời cơ. Pháo sáng vừa tắt là băng qua rất nhanh, vừa tới mép đường tất cả nằm rạp xuống thì đã có xe tăng chạy sát người hai mét, thót tim và hú vía, toát cả mồ hôi hột. Đi tiếp nữa quả thật rất khó khăn: pháo sáng vừa tắt là lao lên được chục mét, cho đến khi bỏ xa lộ khoảng hơn trăm mét thì anh em lom khom lùa có tranh để tiến lên.


Qua lộ 7 khoảng hơn cây số tôi thấy một cây gỗ dầu to trước mặt, cách 10 mét, 5 mét rồi 2 mét, thì pháo sáng lóe lên ở xa. Một thằng cao to lao vào ôm chầm lấy tôi. Hoảng hồn thoáng nghĩ: "Biệt kích địch rồi!". Chưa kịp phản ứng thì có tiếng hô to:

- Ối anh Dương ơi! Anh Dương ơi! Tý nữa là em bắn chết anh rồi!

Tôi kịp nhận ra thằng Tân, bảo vệ của thủ trưởng Cánh Bẩy. Thế là Ngư, Sắn kéo Tân ngồi xuống chụm đầu lại bốn người hội ý.

Tân nói:

- Ở phía sau còn có thủ trưởng Tư Cân, cánh trưởng cũ có lệnh chuyển công tác nhưng chưa kịp đi vì gặp càn và hai bảo vệ nữa.

Một lúc sau thủ trưởng Tư Cân đã tới, ông cao to, trạc 40 tuổi quê ở Hải Phòng cùng với hai người bảo vệ.

Ông nói:

- Tôi được chỉ huy cánh ủy nhiệm cùng anh em trở về căn cứ cũ, tìm hiểu tình hình, khi hết càn sẽ đón cánh bộ về.

Tôi kể lại địch tấn công căn cứ như thế nào? Chúng tôi thoát chết ra sao?

Thủ trưởng Tư Cân nói:

- Như vậy là may mắn lắm rồi! Cánh bộ từ khi sang đất Campuchia vì có đàn bà trẻ con, thương binh nên biệt kích phát hiện bao vây các phía, thương vong nhiều lắm!

Ông kể gần 30 bảo vệ bây giờ chỉ còn 10 người. Đi lấy gạo, nước là hy sinh do bắn nhau với biệt kích. Cuộc sống gian khổ gần tháng nay. Mỗi người chỉ có ba lạng gạo một ngày. Thực phẩm khan hiếm, nấu cơm ăn cực kỳ khó khăn.

Trầm ngâm, ông nói tiếp:

- Cánh bộ ở cách đây khoảng hơn ngày đường đi bộ về phía tây bắc. Bây giờ ta quay lại thì lại bị thương vong thôi. Tôi và anh em phải quay về cứ cũ để nắm tình hình rồi quyết định.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #14 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:54:25 am »

Đội ngũ tập hợp lại tổng số là bảy người do anh Tư Cân chỉ huy, chia làm hai tổ.

Tổ đi đầu tôi làm tổ trưởng vì đã thạo đường về, đi tiên phong. Tổ thứ hai bốn người do đồng chí Tư Cân chỉ huy.

Cắt rừng về, đoàn đi chệch đường cũ khoảng 100 mét, tình hình có vẻ như yên tĩnh, hình như địch đã rút. Khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi vượt lộ 7 dễ dàng, để tiến tới sông Chiêu. Bảy người lội qua sông, nước đến ngang ngực (phải cởi quần áo). Tình hình khá yên tĩnh, mọi người mặc quần áo, trèo lên bờ.


Ầm ầm như sét đánh mang tai trút vào căn cứ. Ông Tư Cân hô:

- Tìm hầm trú ẩn! Tôi, Ngư, Sắn, ba người lao xuống căn hầm cũ, mọi người xuống theo.

Thủ trưởng Tư Cân nhận định:

Như vậy là địch đã gài máy ghi âm sau khi chúng đã rút đi.

Pháo bắn dồn dập trên đầu chúng tôi suốt mười phút đồng hồ thì dừng hẳn. Lúc này mới có thời gian ngửi thấy nồng nặc hôi thối.

- Trời ơi! Xác người chết thối quá thủ trưởng ơi! - Tôi kêu lên.

Ông Tư Cân soi đèn pin thấy một thi thể người chiến sĩ giải phóng quân. Mọi người vượt lên miệng hầm. Thằng Ngư nói:

- Thằng Hiệp bị chết cháy đó!

Như vậy là đã rõ, Hiệp trong tổ ở lại cứ, quê ở Long An, kỳ trước bị bom pháo, nó không chạy theo chúng tôi mà vẫn ở lại trong hầm. Khi địch chiếm cứ đà ném lựu đạn cháy nên chết đen thui trong hầm.


Mấy anh em thương xót, nhẹ nhàng hót cát ở bờ sông để mai táng đồng đội tại hầm, vì không có cách nào khác hơn.

Thủ trưởng Tư Cân nói khẽ với mọi người:

Chúng ta bây giờ đi sát mép nước dưới lòng sông, để đến căn cứ dự phòng của cánh.

Dòng sông Chiêu chảy róc rách đưa chúng tôi đến căn cứ của cánh một cách an toàn, tránh được máy ghi âm phát hiện. Tới cứ dự phòng chúng tôi ăn tạm lương khô, uống nước suối và ngủ ngồi dưới hầm suốt đêm chờ trời sáng.


Sáng hôm sau, biệt kích Mỹ - ngụy đã đánh hơi thấy có bóng dáng quân giải phóng, nên máy bay lại quần đảo liên tục. Ông Tư Cân nhận định: địch vẫn gài biệt kích lại theo dõi Việt cộng trở lại căn cứ. Máy hay trực thăng bay rất thấp, nhất là loại "cá rô"1 (Cá rô, cá lẹp là do quân giải phóng đặt tên cho hai loại trực thăng tấn công của Mỹ. Cá rô ở tầng thấp, cá lẹp ở tầng cao), còn "cá lẹp"2 (Cá rô, cá lẹp là do quân giải phóng đặt tên cho hai loại trực thăng tấn công của Mỹ. Cá rô ở tầng thấp, cá lẹp ở tầng cao) ở trên cao hỗ trợ, chúng gầm rú bay là là sát ngọn cây. Anh em phát hiện có biệt kích đang tiến gần đến hầm và công sự của tổ tôi đang quan sát. Thủ trưởng Tư Cân cho truyền lệnh chuẩn bị chiến đấu. Địch vẫn lò dò, thận trọng đến gần, lần này không thấy xe tăng, nhưng trực thăng bay thấp bám sát hỗ trợ.


Mọi người quan sát tập trung cao độ, chờ địch đến gần thì nổ súng. Tôi, Sắn, Ngư chuẩn bị bóp cò thì thằng Tân bảo vệ thủ trưởng Tư Cân ập đến nói dứt khoát với ba người:

- Anh Dương! Thủ trưởng Tư Cân yêu cầu mọi người rút ngay để bảo toàn lực lượng vì địch rất đông, nó đang khép vòng vây, mà ta chỉ có mấy người. Nếu nổ súng bị lộ ta sẽ bị hủy diệt.

Trên đầu máy bay "bà già" quần đảo truyền loa phóng thanh:

-  Hỡi các chiến hữu Dương, Sắn, Ngư và đồng đội, tôi tên là Đào, y tá đã về với chính nghĩa quốc gia, được đối xử rất tốt. Tôi kêu gọi anh em đầu hàng quân lực Việt Nam Cộng hòa, sẽ được khoan hồng.

Tất cả mọi người giật mình, vậy là thằng Đào đã đào ngũ hay bị bắt sống? Thủ trướng Tư Cân trao đổi với chúng tôi, trong lúc máy bay trực thăng ném cối và bắn rốc-két ầm ầm, trực thăng "cá rô" xà xuống rất thấp, nó xoay trên ngọn cây, nhìn rõ giặc lái. Tôi xin được bắn "cá rô", ông Tư Cân quát:

- Cậu muốn hủy diệt đơn vị hay sao? Tôi cấm, đây là mệnh lệnh.

Bảy người đã lả đi vì chỉ ăn lương khô, gạo rang và uồng nước lã. Vừa chuẩn bị rút lui thì trên đầu tôi một tiếng vang trời, mắt tôi lồi ra một đống lửa trước mặt, hầm đã sập xuống đầu, tiếng kêu răng rắc. Tôi bị đất đá, cây đè bẹp dí, mọi người moi gỡ, xóc tôi lên trong nồng nặc khói sặc sụa. Tôi rũ xuống, đầu đau nhói, mắt rỉ máu không nhìn thấy gì. Mọi người cõng tôi rút qua sông Chiêu sang bờ bên kia để chăm sóc. Sau hai giờ tôi đã tỉnh lại. Sau khi bị sập hầm, một nửa mặt bên phải bị tê dại, tai không còn nghe được nữa.


Trời vừa xẩm tối, địch đã rút đi, tiếng máy bay thưa dần rồi hết hẳn. Ông Tư Cân nhận định đây là đợt quét cuối cùng để chấm dứt trận càn Moóc Câu của địch.

Đến 9 giờ đêm chúng tôi làm tổ lá ngủ tạm trong rừng, thủ trưởng Tư Cân mở radio nghe, rồi thông báo với các anh em:

- Theo đài BBC trận càn Moóc Câu đã kết thúc, địch đã rút hoàn toàn.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tính đến nay là một tháng rồi, trận càn ác liệt vô cùng, theo BBC thì đây là trận càn lớn nhất từ trước đến nay với 10 vạn lính Mỹ, hàng ngàn xe tăng, hàng trăm máy bay các loại, kéo dài dọc tuyến biên giới vùng Moóc Câu Việt Nam - Campuchia. Sau trận càn cơ sở hậu cần của ta dọc biên giới vùng Tây Ninh, Bình Phước bị thiệt hại nặng. Nhưng vùng giải phóng được mở rất rộng, quân giải phóng có địa bàn hoạt động sang giáp đất Thái Lan.


Tình hình cách mạng lại sang một trang mới. Đoàn 50, Cánh Bẩy bị giải tán để thành lập Quân khu C20, còn Đoàn 50 chuyển thành Phòng hậu cần Quân khu, đóng ở khu vực Đầm Be trên đất Khơme.

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc đời lính "thu dung" (gom từ Cánh Bẩy) nằm toòng teng suốt ngày trên võng để chờ bổ sung đi đơn vị mới!

Những cánh rừng cao su bạt ngàn yên tĩnh, cỏ cây thi nhau xanh tốt, vươn lên giữa mùa mưa vùng biên giới.

Lòng tôi nặng trĩu nhớ về Sa-nua, nơi có cô Hòa và hai em gái: Hiền, Hòa dễ thương xinh đẹp. Sa-nua đã bị bom Mỹ san phẳng, còn cô và hai em giờ này đang ở đâu?

Vào một ngày giữa tháng 7 năm 1970, tôi vừa ăn cơm trưa xong thì có một người tìm gọi trong số anh em thu dung:

- Ai là Phạm Trùng Dương quê ở Hải Dương?

Tôi ngồi bật dậy khỏi võng nói to:

- Dạ có! Chính tôi đây!

Một đồng chí cán bộ hông đeo súng ngắn và túi da công tác, đi đến gần hỏi:

- Có phải đồng chí là Phạm Trùng Dương quê ở Hải Dương?

- Vâng, báo cáo thủ trưởng chính là tôi!

- Đồng chí biết những ai ở Ban quân nhu Đoàn 50?

- Dạ thưa! Đồng chí Hai Bảo trưởng ban, Ba Thuật phó ban và các anh: Trung, Nhật, Cử là trợ lý!

Đồng chí cán bộ ngắm nghía, tỏ vẻ một lòng tin nói:

- Tôi tên là An, cán bộ Ban quân nhu, Phòng hậu cần Quân khu C20, mang quyết định điều động đồng chí về Ban quân nhu công tác.

Nói xong đưa quyết định cho tôi. Hai bàn tay tôi run run chìa ra đón mà lòng vui sướng vô bờ giống như "con chim non được về tổ ấm".

Đồng chí An chỉ tôi ra xe jeep (ô tô con) cùng về đơn vị.

Xe băng trên những trảng dầu, xuyên qua nhiều cánh rừng cao su rộng lớn. Đến 5 giờ chiều thì tới nơi! Tôi được về "tổ ấm", vui mừng gặp anh Hai Bảo xiết bao sung sướng cảm động, bắt tay các anh: Trung Nhật, Cử, Vọng...


Tối hôm đó tôi tận hưởng một giấc ngủ ngon lành, một giấc mơ đẹp về đơn vị trong thời gian tới!
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #15 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:55:16 am »

Kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng miền Nam

Sáng 20 tháng 6 năm 1970, đồng chí Hai Bảo trưởng ban gọi tôi lên nhà hầm làm việc nói:

- Cậu về Ban muộn nhất, các vị trí đã được sắp xếp đầy đủ. Bây giờ còn nhiệm vụ tiếp phẩm, giúp quản lý, giao cho cậu làm tạm thời gian.

Tôi nhìn thủ trưởng rơm rớm nước mắt:

- Em được anh Hai quan tâm cho tìm về để bố trí công tác, như vậy là thương, là quý lắm rồi! Dù làm bất cứ việc gì, em sẵn sàng với quyết tâm cao nhất.

Vậy là tôi gắn bó với công tác tiếp phẩm, dưới sự chỉ dạo của Cao Minh, quản lý đời sống Ban quân nhu. Ở cùng nhà hầm với quản lý và anh nuôi tên là Mỹ. Phía tay trái là tổ may đo, bên phải là nhà y tá chị Ngọc Ánh. Đây là một khu rừng già trên đất Campuchia, gần thị trấn Đầm Be.


Cứ một tuần hai lần tôi đạp xe đạp vượt qua sông Salon1 (Sông Salon là nhánh của sông Mê Kông, thị trấn Salon nằm sát sông Mê Kông, nằm sâu trong đất Campuchia) đến thị trấn (Salon) để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm cho Ban quân nhu (khoảng 50 người). Dạo đó quân giải phóng mỗi người được cấp phụ cấp, tuy ít ỏi, nhưng đủ mua lặt vặt như kem, bàn chải đánh răng, xà bông, thuốc lá... (tiền được cấp là tiền riel Campuchia).


Bảy giờ sáng vào trung tuần tháng 10 năm 1970 tôi cùng anh Cao Minh, hai người hai xe đạp đến Salon mua hàng. Chiếc cầu gỗ bắc qua sông Salon đã bị máy bay Mỹ bắn cháy, gãy sập nên mới có địa danh là cầu Cháy. Hai người xuống phà tre kéo dây song để qua bờ bên kia (sông rộng khoảng 50 mét). Vừa tới giữa sông thì một máy bay "bà già" phát hiện sà thấp bắn đại liên xối xả. Hoảng quá hai người lao xuống sông bám mép bè tre tránh đạn. Thật may mắn bè tre đã được ngụy trang nhiều lớp bèo trang xanh mướt bị đạn trôi lềnh bềnh nên địch tưởng bọn tôi đã chết. Chiếc "bà già" bỏ đi, Cao Minh và tôi tiếp tục kéo bè sang sông leo lên bờ quần áo ướt sũng. Hai người đạp xe đi tiếp dưới nắng, gió nên một giờ sau quần áo đã tạm khô.


Chúng tôi đến chợ mua đầy hai xe hàng về đơn vị, người mệt toát mồ hôi, nằm vật ra. Cả Ban kéo đến hỏi thăm. Sau khi nghe câu chuyện thoát chết do Cao Minh kể, anh Hai Bảo nói: lần sau các cậu qua sông phải tính toán đi vào ban đêm mới an toàn được, tuyệt đối không đi vào ban ngày.


Thời gian trôi qua sáu tháng, tôi được bố trí làm thống kê tổ quân trang. Anh Mỹ thay tôi và bàn giao công việc nấu cơm cho hai nữ Việt kiều gốc Hoa tên là Tiểu Linh, Sèo Hỏa.

Tổ quân trang do anh A Sử quê Bến Tre làm tổ trưởng, anh Hiệp, anh Cử làm trợ lý cùng hai nhân viên nữa.

Nhiệm vụ chính của tôi là thanh toán nguyên liệu của xưởng may, quyết toán cấp phát quân trang với các đơn vị thuộc quân giải phóng.

Thời gian này do gặp khó khăn khan hiếm về thực phẩm, nên trưởng ban đã cử anh Tư Bình cùng tôi đi mổ cá phơi khô ở bờ sông Mê Kông.

Sông Mê Kông đoạn gần Biển Hồ có làng chài Việt kiều Khơme sống rất đông đúc. Họ làm nhà sàn sát bờ, hàng đoàn thuyền đậu dày đặc dưới mép nước.

Sau một tháng trời được bà con làng chài giúp đỡ hai anh em đã mổ, phơi khô hàng trăm kilôgam cá mang về cho đơn vị.

Sau một năm trở lại Ban quân nhu công tác, tôi luôn vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, phân đấu hoàn vụ được giao. Bản thân không tơ hào đến cám dỗ của vật chất, trung thực trong nhiệm vụ và đã trở thành cảm tình Đảng của chi bộ.


Vào ngày 21 tháng 7 năm 1971, tôi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam, sau chín tháng được công nhận là đảng viên chính thức (21-4-1972).

Trong quyển nhật ký viết lại sau khi bị mất vì trận càn Moóc Câu, tôi cùng ghi người giới thiệu cho mình vào Đảng là Nguyễn Tự Cử (quê Hà Tây) và A Sử quê Bến Tre. Người ký quyết định kết nạp Đảng là đồng chí Lê Thiệu, Bí thư Đảng ủy khối quân nhu. Hiện quyết định vẫn được lưu giữ đến hôm nay. Cũng năm đó tôi được đề bạt trung đội bậc phó do thủ trưởng Đỗ Khắc Dy ký. Dù có muộn màn so với quá trình phấn đấu, trải qua nhiều khó khăn ác liệt nhưng dù sao cũng là bước khắc dấu, sang trang của cuộc đời giải phóng quân.


Tháng 5 năm 1972, anh Cử và tôi cùng một số anh em được cử đi thồ gạo về cho đơn vị. Việc lấy gạo phải đi qua một trảng trống rất rộng, khu vực Đầm Be Campuchia. Đoàn thồ vừa tới giữa trảng thì bị trực thăng phát hiện lao tới bắn dữ dội. Mọi người bỏ xe gạo chạy dạt vào nấp ở hai bên đường. Trực thăng sà xuống thấp ném cối và bắn đại liên. Anh Cử và tôi nằm dán vào một ụ mối. Một quả cối nổ choáng tai cách hai người bốn mét ở bên kia ụ, đất cày lên phủ đầy hai anh em. Biết mình đã bị lộ, trực thăng vòng lại bám theo. Tôi và anh Cử chạy tiếp lao vào một lùm cỏ xanh trước mặt. Trời ơi! Tôi thụt luôn xuống một cái giếng cũ của dân địa phương, giếng sâu khoảng 2 mét, nước ngập ngang hông. Anh Cử nhảy trùm lên đầu tôi, ếch nhái, cả rắn nữa quân lấy hai người, rùng rợn quá! Trực thăng vẫn phành phạch trên đầu, nên cắn răng chờ đợi. Thấy chúng tôi mất hút, hai trực thăng là là bỏ đi, trời vừa xẩm tối, hai anh em công kênh bò lên khỏi mặt giếng, dìu nhau ra đường tìm xe gạo. Người tôi, nhất là cổ đau như dần vì cú nhảy lên đầu của ông anh ở giếng.


Nghỉ mười lăm phút chúng tôi thồ xe gạo thủng lỗ chỗ về đơn vị. Hôm đó không ai bị thương nặng, chỉ bị nhẹ phần mềm, riêng tôi ở lưng và cổ. Một bài học nhớ mãi về công tác ngụy trang và tinh thần cảnh giác đã thấm đậm trong tôi.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #16 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:56:17 am »

Hiệp định Paris về Việt Nam

Mùa xuân năm 1972, quân ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ, tấn công giải phóng Lộc Ninh vào ngày 7 tháng 2. Quân khu C20 giải thể Phòng hậu cần chuyển thành Đoàn Hậu cần 220. Căn cứ Ban quân nhu di dời liên tục, sau đó về rừng cao su gần thị trấn Mi Mốt (Campuchia), sát biên giới Việt Nam.


Cách mạng miền Nam giành nhiều thắng lợi to lớn, địch thất bại liên tiếp rất nặng nề. Vùng giải phóng mở rộng, Lộc Ninh (Bình Long) trở thành thủ đô lâm thời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.


Dù có ngoan cố, cuối cùng Mỹ - ngụy đã phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đó là một bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền Nam. Sau Hiệp định Paris, căn cứ Ban quân nhu Đoàn 220 chuyển về Suối Ngô, gần cầu Bổ Túc (Tân Biên, Tây Ninh), xa xa thấy núi Bà Đen cao sừng sững.


Phải nói rằng khi Hiệp định Paris được ký kết đã mang đến cho chúng tôi một luồng gió mới, một không khí hân hoan phấn khởi vô cùng.

Trước đây ở trong rừng sâu, lúc nào cũng ngủ hầm, phải cảnh giác cao độ máy bay, đạn pháo. Hiểm nguy ác liệt luôn ở bên mình, mọi sinh hoạt khó khăn trở ngại. Theo hiệp định, Mỹ phải rút quân, công nhận chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Còn quân giải phóng và quân ngụy Sài Gòn giữ nguyên vị trí. Loại Mỹ ra khỏi cuộc chiến đó là thắng lợi của Hiệp định Paris. "Chỉ còn lại quân ngụy và chế độ Sài Gòn, quân giải phóng và cách mạng miền Nam chiến đấu hiệp hai là xong thôi" - Anh em chúng tôi bàn tán nhau như vậy.


Không còn máy bay, bom pháo, nhà cửa, căn cứ chúng tôi chuyển sát bìa rừng. Ánh nắng chan hòa cùng với gió thổi mát rượi. Những vườn rau, giàn mướp, bãi ngô xanh thẳm mọc lên khắp nơi. Chúng tôi tha hồ tăng gia sản xuất, nuôi gà nuôi heo, cải thiện đời sống. Đơn vị có sân bóng chuyền, bóng bàn, tiếng hát, tiếng ca văn nghệ thật phong phú chưa từng có trong đời quân giải phóng.


Đơn vị tổ chức đi cửa khẩu Sa Mát (Tân Biên Tây Ninh) mua hàng hóa, giao lưu, tuyên truyền trực tiếp với quân ngụy Sài Gòn về chính sách của cách mạng và quân giải phóng.

Núi Bà Đen to cao sừng sững trước mặt, đã chứng kiến chiến thắng này, niềm vui này! Bà Đen ơi! Hãy động viên cổ vũ chúng tôi vươn lên xốc tới giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Bác Hai Bảo đã được Cục Hậu cần Miền điều động về Phòng Quân nhu làm Trưởng ban cấp dưỡng. Bác Hai Bảo vào miền Nam từ năm 1965 với cấp quân hàm đại úy và được phiên sang Tiểu doàn bậc trưởng - theo chế độ Quân giải phóng. Là người mẫu mực trong sinh hoạt, liêm khiết, chí công vô tư. Suốt các thời kỳ đều nắm việc thu mua cấp phát, quản lý một khối lượng hàng hóa to lớn của Quân giải phóng, nhưng không hề vụ lợi cho mình. Đấu tranh phê phán nghiêm khắc các vụ lãng phí tham ô, lúc nào cũng gương mẫu thực hiện đúng chế độ. Tuy vậy Bác Hai Bảo rất tình cảm, sống chan hoa, đúng mực, không bao giờ lớn tiếng với cấp dưới. Luôn quan tâm thăm hỏi hoàn cảnh của từng người, sâu sát với công việc.


Vậy mà Bác Hai Bảo phải gần mười năm mang quân hàm đại úy Tiểu đoàn trưởng, Bác Hai là tấm gương sáng chói về phẩm chất cách mạng để tôi và cả đơn vị noi theo.

Dù có đi đâu thủ trưởng Hai Bảo vẫn nhớ đến tôi. Chính vì vậy, đầu năm 1974 tôi nhận được quyết định điều động từ Đoàn 220 về Phòng Quân nhu công tác. Mọi người trong đơn vị ngỡ ngàng. Các anh em đến chúc mừng, cho tôi là đã bay xa, bay cao... Đơn vị liên hoan chia tay. Bạn bè, anh em xúc động rơi nước mắt. Những người thân thiết như: Cao Minh, Quang Hoằng, Xuân Viên, Tự Cử, Anh Liễu, v.v... đều thay nhau ghi lưu bút kỷ niệm rất tình cảm. Ai cũng nói Bác Hai quý tôi như con, nên đã điều động đi theo.


Anh Vọng (quê Hà Nội) đưa tôi đi một chặng đường từ Suối Ngô (Tây Ninh) về cầu Trắng, Lộc Ninh. Hai người đi hai xe đạp. Anh Vọng mang theo súng đạn để bảo vệ, dẫn đường, tối mịt mới đến Phòng quân nhu. Đêm đó ngủ ở trạm đón khách của phòng, tôi không sao chợp mắt. Nói chuyện với anh đủ thứ trên đời, mệt thiếp đi lúc nào không biết. Tôi mơ thấy một cánh đồng toàn hoa thơm, cỏ lạ, xa xa là một rừng cờ nửa đỏ, nửa xanh ở giữa có ngôi sao vàng lấp lánh tỏa ánh hào quang khắp rừng dừa, đồng lúa của miền Nam thân yêu.


Sáng hôm sau nghẹn ngào chia tay với anh Vọng, tôi được trạm khách dẫn đến gặp đồng chí trưởng ban chính trị. Tôi đưa quyết định điều động và được đồng chí trưởng ban hỏi thăm, bố trí nơi ăn chốn ở, giới thiệu tình hình đơn vị.


Chờ đợi gần nửa tháng, tôi mới được điều về làm trợ lý ban quân trang do đồng chí Tư Đông làm trưởng ban. Như vậy là tôi không được về với Thủ trưởng Hai Bảo rồi! Buồn quá.

Công tác ở Phòng quân nhu Cục Hậu cần Miền căng thẳng, vất vả hơn dưới Đoàn 220 nhiều. Ban ngày từ Trung đội trưởng trở xuống phải công tác nhiều việc: như làm hội trường, đường đi, cưa củi, lấy gạo đặc biệt là tăng gia sản xuất để tự túc thực phẩm rau quả. Toàn bộ công tác chuyên môn nghiệp vụ phải làm vào buổi tối. Nhiệm vụ của tôi cũng giống như ở dưới Đoàn 220, chỉ có điều phạm vi theo dõi rộng quản lý quân trang tất cả các đơn vị quân giải phóng.


Ở Phòng quân nhu các phương tiện, điều kiện vật chất khá đầy đủ như: máy phát điện, máy cưa gỗ dụng cụ làm nhà, xe máy, v.v... chế độ ăn uống cũng khá hơn dưới Đoàn 220. Thấm thoắt trôi nhanh năm cũ đã hết, chúng tôi tưng bừng đón xuân Ất Mão (1975), một cái têt vật chất, tinh thần phong phú nhất của cuộc đời quân giải phóng.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #17 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:59:20 am »

Giải phóng miền Nam (30-4-1975)

Tết Ất Mão (1975), tôi được điều chuyển Ban kế hoạch công tác. Ban kế hoạch Phòng quân nhu do anh Lâm Bắc làm trưởng ban, anh Kiểm trợ lý tổng hợp (khi trưởng ban vắng thì tạm quyền vì chưa có phó ban). Có bốn tổ trực thuộc, tổ kế hoạch tổng hợp, tổ văn thư đánh máy, tổ lái xe liên lạc và một tổ mới ở Cục quân nhu (Hà Nội) chuyển vào là tổ nuôi dưỡng. Trong tổ nuôi dưỡng do ông Hợi đại úy làm tổ trưởng, anh Định, anh Liêu cùng hai người nữa. Tổ này cũng chỉ vào làm cố vấn, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể. Tổ văn thư đánh máy có mấy cô ở Hà Nội vào là cô Nương, cô Hướng, cô Thiện, còn cô Thanh quê ở miền Tây, cô Hồng là Việt kiều. Mấy cô con gái được Thủ trưởng Mười Ngọt chú ý quan tâm. Ông quan niệm đây là mấy quả bom nổ chậm của đơn vị. Trên rừng, trai, gái đều thiếu thôn và khao khát tình cảm nên ông rất lo sợ có điều gì đó xảy ra với các cô thì xấu mặt cả Phòng quân nhu. Chính vì thế mà ông cấm con trai không được vào nhà mấy cô văn thư ngồi chơi. Có ai đó mà bị ông bắt gặp ngồi tán chuyện ở trong nhà thì người đó chỉ có mà độn thổ.


Tôi được anh Năm Bắc phân công làm trợ lý thống kê quân lực, quản lý theo dõi, điều động, cấp phát xăng xe của Phòng quân nhu. Ở tổ tôi có ba người cùng ngủ chung một nhà hầm là anh Tháu, anh Tịnh và tôi, anh Tịnh làm tổ trưởng, cùng sinh hoạt với nhau. Anh Năm Bắc người cao, da trắng, giọng nói dịu dàng, tính nết hiền như phụ nữ. Tôi về sau nên được anh em trong đơn vị kể lại ràng: Chị Lan người quê Bến Tre, bị méo mồm, đã bắt cóc anh Năm trong một lần mò ốc ở bờ suối. Chị Lan đã mang bầu nên ông Mười Ngọt bắt anh phải tổ chức đám cưới, nếu không sẽ bị kỷ luật. Hai người đã có hai cháu gái xinh xắn rất giống bố.


Thủ trưởng Mười Ngọt thì khác hẳn mọi người, ông vừa là trưởng phòng, vừa là Bí thư Đảng ủy, đã bước sang tuổi sáu mươi.

Ông Mười to cao, tóc bạc hoa râm, quê ở Bên Tre tập kết ra Bắc. Ông vô miền Nam từ những năm 1960 bằng tàu biển vào cảng Xihanúc Vin của Campuchia, rồi đi xe ô tô vào biên giới. Đó là lớp cán bộ đầu đàn vô để xây dựng ngành hậu cần quân giải phóng. Ông rất nghiêm khắc và gia trưởng, đi đến đâu cũng có hai người khoác súng tiểu liên AK bảo vệ, trông oai phong lẫm liệt. Mệnh lệnh của ông đi tới đâu cũng phải được thực hiện ngay tức khắc tới đó. Có một buổi sáng mùng ba tết Ất Mão, ông chống ba toong cùng hai cảnh vệ đi kiểm tra, thấy mọi người vẫn còn say sưa tết nhất, toòng teng đèn lồng với hoa xuân. Vậy là ông dùng ba toong đập ngoắc dây hoa, lồng đèn rơi lả tả, quát tháo rầm rầm.


Sau đó ông triệu tập cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đến hội trường để chân chỉnh và giảng về đạo đức cách mạng. Ông là hiện thân của ý chí làm rung chuyển tình hình, để cho mọi người phải thức tỉnh tinh thần cách mạng, không được say sưa với chiến thắng.


Sau tết Ất Mão, không khí ở Phòng quân nhu có nhiều khác lạ, khí thế hẳn lên. Các đoàn cán bộ ở Hà Nội vào công tác ngày một nhiều. Đặc biệt là Phòng quân nhu tổ chức đón một xưởng mũ cứng từ miền Bắc chuyển vô, do đồng chí Định làm xưởng trưởng. Tôi thì túi bụi công việc, ngoài điều động xe cộ, nhập xuất xăng dầu còn làm thủ tục tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ ở Bắc vào...


Chiến thắng của quân ta từ Quảng Trị, Huế, rung chuyển cả nước và thế giới. Cách mạng đang chuẩn bị vào "hiệp hai" sau khi Mỹ rút như anh em từng dự đoán trước đây.

Chúng tôi đi ngang quốc lộ 13 lấy gạo thấy hàng đoàn xe ô tô tải nối đuôi nhau, kéo theo đủ loại súng pháo. Rồi lại hàng đoàn xe chở bộ đội, quần áo xanh mươt, mũ cối mới tinh, từ Bắc chuyển vào, bụi cuốn bay mịt mù. Còn đoàn chúng tôi thấy vậy xốn xang về mau căn cư, không khí rộn ràng lan truyền, cán bộ phòng ban họp hành liên tiếp. Một mệnh lệnh từ cấp trên truyền ra (không có văn bản): "Mở toàn bộ kho hàng cấp phát theo yêu cầu của bộ đội, không cần giấy tờ phiếu xuất, không hạn chế tiêu chuẩn, với tinh thần khẩn trương nhất"


Ở Phòng quân nhu, tất cả mọi người xôn xao, quýnh ca lên vì tất bật lo công việc và vì mệnh lệnh nói trên. Chúng tôi nhận thấy đất nước và cách mạng đang chuyển mình dữ dội. Mấy anh em đang làm hội trường ở sân bóng trung tâm của phòng hay chơi với nhau như anh Thuật ban quân lương, anh Ương ban cấp dưỡng, Đang lái xe, Văn hậu cần, v.v... bỏ về đơn vị để hỏi thăm tình hình cụ thể xem thế nào?


Không khí khẩn trương vô cùng, không có thời gian hội họp nữa mà chỉ nghe mệnh lệnh liên tiếp từ trên xuống.

"Chiến dịch Hồ Chí Minh, thần tốc thần tốc đại thần tốc tổng tấn công" đã bắt đầu.

Đồng chí Lâm Bắc tập trung cán bộ phổ biến vắn tắt nhiệm vụ Phòng quân nhu, quyết định thành lập đoàn tiếp quản Sài Gòn.

Tất cả các xưởng may toàn quân mở hết tốc lực ngày đêm may cờ giải phóng mấy tháng nay. Không ngờ diễn biến lại nhanh đến thế! Dồn dập chỉ thị, mệnh lệnh liên tiếp từ các cấp.

Tôi mở đài radio nghe tin chiến thắng khắp miền Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung đả được giải phóng. 19 giờ 30 phút ngày 21 tháng 4 năm 1975, tổng thống của chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức. Tin này làm rã rời binh lính ngụy và cổ vũ quân dân miền Nam xốc tới.


Ngày 26 tháng 4, tôi được lệnh tham gia vào đoàn tiếp quản của Phòng quân nhu.

Đoàn gồm có 35 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí út Tùng làm đoàn trưởng, đồng chí Ba Tú làm đoàn phó, đồng chí Hiệp Thạnh làm chính trị viên. Mỗi phòng ban, đơn vị, kho tàng cử một người đại diện. Đồng chí Ngô Trọng Nguyễn đại diện Ban quân trang, tôi đại diện Ban kế hoạch, đồng chí Phạm Trọng Văn đại diện Ban hậu cần, v.v... và 5 chiến sĩ cảnh vệ. Do tình hình rất khẩn trương, đoàn không kịp học tập chính sách, chế độ nội quy tiếp quản, sơ đồ Sài Gòn mà phải chuẩn bị lên đường ngay. Mọi người được trang bị quân tư trang mới tinh, bỏ lại đồ cũ. Cả đoàn tiếp quản Cục hậu cần Miền gồm đoàn dài xe ô tô tải (tôi không đếm xuể) chở đầy cán bộ, chiến sĩ. Mỗi xe cắm hai lá cờ giải phóng (cờ nửa đỏ nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng năm cánh) hai bên. Nhìn đoàn xe nối đuôi nhau cờ bay phấp phới mà lòng chúng tôi náo nức vô cùng. Đi tiếp quản mọi người được trang bị đầy đủ vũ khí, bút sách giấy tờ để ghi chép, vừa đi vừa được phổ biến các quy định, chế độ tiếp quản và công tác dân vận.


Mười chiếc honda 90 mới tinh cắm cờ đuôi nheo dẫn đường lao vun vút trên quốc lộ 13 về Thủ Dầu Một. Khi đến gần thì Thủ Dầu Một chưa được giải phóng, quân ta đang giao tranh ác liệt với địch. Vì vậy đoàn được dẫn cắt ngang băng qua quốc lộ 22 Tây Ninh - Sài Gòn. Tôi là trợ lý kế hoạch đồng thời là phụ tá kế cận của anh Ba Tú nên mọi diễn biến, thông tin đều được tiếp cận sớm. Ông út Tùng tuy là đoàn trưởng nhưng kiêm phó đoàn tiếp quản Cục hậu cần Miền, nên ông Ba Tú quyền trưởng đoàn. Từ khi đi tiếp quản tôi chưa nhìn thấy mặt ông út Tùng lần nào vì ông đi ô tô con với Ban chỉ huy đoàn tiếp quản Quân giải phóng miền Nam.


Trên quốc lộ 22, đoàn xe nhiều lần phải dừng lại vì quần áo, tư trang, vũ khí của lính ngụy vứt bỏ đầy dọc đường để chạy thoát thân. Chúng tôi phải xuống xe thu gom dẹp sang hai bên lề để đi tiếp.

Ngồi trên xe lần đầu tiên tôi được phóng rộng tầm mắt xa hết cỡ, ngắm nhìn hai bên cánh đồng lúa rộng bao la của miền Nam thân yêu. Chao ôi! Đồng bằng Long An, vựa lúa của miền Nam đây rồi! Cánh đồng bao la rộng mấy chục cây số thẳng cánh cò bay đã hiện ra. Phía xa xa là làng mạc, nơi chân trời rực rỡ dưới ánh nắng chan hòa buổi sáng.


Anh Ba Tú kè kè chiếc radio hiệu Sony (của Nhật) ngồi cạnh tôi liên tục nghe đài phát thanh giải phóng. Cách Sài Gòn hai mươi cây số thì đài phát thanh loan báo: Quân giải phóng đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút hôm nay là ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cả đoàn xe hô vang, tất cả đứng dậy reo hò loan tin chiến thắng. Các chiến sĩ giương súng lên trời thi nhau nổ giòn giã. Mọi người khóc, nước mắt rơi... gai ốc toàn thân tôi nổi lên, tóc dựng đứng. Xúc động đến nghẹn ngào, mọi người ôm lấy nhau trên xe chao đảo rồi ngã dúi, cả đoàn xe tăng tốc lao vun vút về phía Sài Gòn.


Đài phát thanh lại loan tin: "Dương Văn Minh - Tống thống của chế độ Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thế là miền Nam đại thắng, niềm vui này có một không hai, không thế nào tả siết".


Đoàn xe đến ngà tư Bảy Hiền, Sài Gòn đây rồi! Thì không tài nào đi nổi! Chao ôi! Người dân đổ ra đầy đường kẹt cứng để xem đoàn xe Quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn. Rợp trời cờ, hoa trên tay mỗi người dân trên đường Lý Thường Kiệt dẫn vào sân bay và cổng Bộ tổng tham mưu ngụy Sài Gòn. Các phóng viên nước ngoài vừa lùi vừa chạy, thi nhau quay phim, chụp ảnh đoàn xe dài tít tấp, phấp phới cờ nửa đỏ nửa xanh. Một cảnh tượng huy hoàng của lịch sử trong thế kỷ 20 của dân tộc Việt Nam. Các em thiếu nhi đuổi theo hai bên mép vỉa hè vẫy tay, hoan hô, các cụ già chống gậy đứng ngắm, rưng rưng lệ.


Chỉ có chưa đầy cây số mà phải mất hơn ba giờ chúng tôi mới đến được Lăng Cha Cả gần cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay giữa đường góc Lăng là mấy chiếc xe tăng địch đang nghi ngút khói. Bộ đội ta phải dùng xe bọc thép kéo dẹp chúng sang một bên để cho đoàn xe ta tiến lên.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #18 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 08:00:02 am »

Đến trước cổng Bộ tổng tham mưu ngụy (đã được quân giải phóng chiếm giữ) đoàn xe dừng lại. Đoàn tiếp quản Phòng quân nhu xuống xe ô tô và được phân công vào nghỉ ở nhà riêng của Đại sứ Tây Đức đối diện chếch 100 mét với Bộ tổng tham mưu quân đội chế độ Việt Nam cộng hòa.
Đón đoàn chúng tôi có anh chị em sinh viên biệt động nội thành Sài Gòn. Họ mang đủ thứ gồm: bếp dầu, xoong nồi, lương thực, thực phẩm đưa vào bên trong vườn căn biệt thự để nấu cơm cho chúng tôi ăn.


Không khí cả khu vườn thật náo nhiệt, tay bắt mặt mừng, nói chuyện râm ran, giữa quân và dân tươi cười rạng rỡ. Các em sinh viên hỏi chúng tôi về chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc ra sao? Chính sách của Quân giải phóng thế nào?


Mấy chị em sinh viên xúm đến vừa cười vừa hỏi:

- Sao họ nói Quân giải phóng bảy người đu kéo cành đu đủ không gẫy, mà giờ bọn em thấy các anh khỏe mạnh, trẻ đẹp thế này?

- Về Sài Gòn rồi các anh có lấy vợ người Sài Gòn như chúng em không?

Chúng tôi vừa cười vừa đáp lời:

- Chế độ cũ nó tuyên truyền khỉ ở trên rừng chứ đâu phải các anh. Các em đừng tin chúng nói, mà hãy nhìn xem lính ngụy hiện đang ở đâu?

- Các anh là quân giải phóng, các em muốn giải phóng thì có các anh đây!

Tất cả bò lăn ra bãi cỏ cười nghiêng ngả.

Trời ập tới nhưng cả bầu trời lại bừng sáng. Khắp nơi trong thành phố đều bắn pháo hoa, pháo sáng. Ôi! Tổ quốc, miền Nam thân yêu có bao giờ đẹp như thế này? Qua đài phát thanh giải phóng, cả nước ta tưng bừng như ngày hội. Ngày hội của tiếng cười và nước mắt vì sung sướng đến nghẹn ngào.


Sau gần mười năm sống gian khố, ác liệt ở trong rưng, hôm nay được chứng kiến Sài Gòn giải phóng mà tôi thấy vẫn như đang mơ, chưa tin vào mắt mình, vì nó đến quá nhanh. Khắp nơi hát vang bài: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã làm rạo rực hàng triệu, hàng triệu trái tim.


Suốt đêm 30 tháng 4, chúng tôi đều thức trắng, nghe đài, ti vi cách mạng và nhìn lên bầu trời "Hòn ngọc viễn đông" chan hòa pháo sáng, pháo hoa. Toàn cảnh vườn của ngôi biệt thự riêng Đại sứ Tây Đức lung linh dưới ánh đèn màu ngũ sắc. Từ núi cạn, vườn hoa, bãi có, lùm cây đều kết hoa và đèn màu rất đẹp.


Sáng hôm sau, ngày 1 tháng 5, khoảng 7 giờ đoàn chúng tôi lên hai chiếc xe ô tô tải đến tiếp quản căn cứ 10 và trung tâm sản xuất quân trang của chế độ chính quyền Sài Gòn. Nhưng đến nơi lại phải quay về vì chưa có lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


8 giờ sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, đoàn chúng tồi được lệnh đến tiếp quản "quân tiếp vụ" ở đường Tô Hiên Thành. Cánh cửa sắt rộng mở toang. Hai ô tô băng qua cổng vào sân. Bộ đội chiến đấu đang tràn ngập trong căn cứ. Thấy nói đoàn tiếp quản hậu cần đến, anh em lính trẻ ào ra gặp lính già bọn tôi hỏi thăm đồng hương, rồi mời uống bia, nước ngọt, ăn bánh kẹo, hút thuốc lá. Tất cả đồ ăn, thức uống tốp năm tốp ba đã được bày la liệt trên một khoảng sân rộng chừng năm ngàn mét vuông. Họ là những người lính trực tiếp chiến đấu, lăn lộn trong bom đạn hiểm nguy, thương vong cận kề từng giây phút. Tuổi của anh em chí mười tám đôi mươi, còn chúng tôi lính hậu cần già hơn. Trẻ nhất như tôi cũng 27 tuổi, đa phần trên ba lăm, bốn lăm, năm mươi. Cuộc liên hoan mừng chiến thắng tưng bừng trên khắp sân bãi "quân tiếp vụ" cho đến khi mặt trời đỏ rực của hoàng hôn chìm xuống, nhường cho pháo sáng, pháo hoa.


Trời nhá nhem tối, tôi đi kiểm tra tìm một phòng ngủ cho chỉ huy đoàn. Mở cánh cửa phòng chỉ huy trưởng "quân tiếp vụ", tôi thận trọng bước vào soi đèn pin. Nhìn sang bên phải tôi giật bắn mình lùi lại thấy một cô gái khỏa thân, không mảnh vải che thân, thân hình trắng nõn đang chìa tay ra như mời chào?


Hoảng quá! Cái hoảng của anh lính sống nhiều năm ở trên rừng ngô nghê... Tôi chạy ra tìm chính trị viên Hiệp Thạnh báo cáo. Ông dẫn theo hai bảo vệ cùng tôi quay lại phòng. Thời chế độ ngụy Việt Nam Cộng hòa co đội lính gọi là lính "Phượng Hoàng" gồm toàn các cô gái đẹp, giỏi võ nghệ và kỹ thuật bắn súng, dùng để tiếp cận rồi chiêu hồi các chiến sĩ cách mạng, "Hay là nó đây" - Tôi nghĩ...


Đồng chí bảo vệ đạp cửa vào phòng, tôi soi đèn pin còn ông Hiệp Thạnh giơ súng ngắn bước vào đạp mạnh một cái, cô gái ngã vật xuống nền gạch.

- Đồ khỉ cái thằng Dương này, cậu nhát dọa mọi người hả? Đó là người giả biết chưa! - Ông Hiệp Thạnh nói.

Mọi người cười rũ lăn cả xuống sàn gạch.

- Em ngố quá phải không thủ trưởng, sao mà nó giống y người thật vậy? - Tôi nói rồi bò ra cười!

Tối 2 tháng 5 chúng tôi vẫn không sao ngủ được ở "quân tiếp vụ", pháo sáng, pháo hoa vẫn bắn sáng rực thành phố. Tất cả cấm trại một trăm phần trăm. Mọi người trong đoàn chăm chú xem ti vi để nghe Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn đọc mệnh lệnh và các bài ca giải phóng.


Ngoài đường không có cảnh sát, chỉ toàn là bộ đội, tuần tra canh gác. Biệt động thành và sinh viên làm nhiệm vụ chỉ đường, quản lý giao thông. Mọi hoạt động của người dân vẫn bình thường mặc dù lệnh giới nghiêm thực hiện suốt đêm.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2023, 07:32:46 am »

Tiếp quản căn cứ 10, trung tâm sản xuất quân trang

Sáng 3 tháng 5 năm 1975, đoàn tiếp quản Phòng quân nhu do đồng chí Ba Tú và Hiệp Thạnh dẫn đầu đến tiếp quản Căn cứ 10.

Đến cổng, ngồi trên xe ô tô tôi ngước lên nhìn tấm bảng hiệu to lớn uy nghi: "Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Căn cứ 10, Trung tâm sản xuất và tồn trữ quân trang, số 7 Phan Văn Trị, Gò Vấp, Đô thành Sài Gòn". Đồng chí Ba Tú và Hiệp Thạnh xuống xe đến cổng gác làm việc với bộ đội chiến đấu đang canh giữ, đó là một đại đội thuộc Quân đoàn 1. Cánh cổng sắt đồ sộ từ từ kéo sang một bên. Hai xe ô tô tải chở Đoàn tiếp quản phấp phới cờ giải phóng tiến vào. Mọi người nhảy xuống xe, súng đạn sẵn sàng. Đại tá Nguyên Gia Ngọc, Chỉ huy trưởng Căn cứ 10 (của chế độ cũ) từ xa khúm núm tiến tới, cúi đầu chào lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Đoàn tiếp quản.


Hắn xun xoe chắp hai tay nói:

- Kính thưa quý anh giải phóng! Chúng tôi vẫn ở lại quản lý cơ xưởng kho tàng, chờ quý anh vào bàn giao.

Đồng chí Ba Tú nói:

- Các anh về văn phòng làm việc chờ mệnh lệnh của chúng tôi, không được ai ra khỏi căn cứ.

Sau khi hội ý với lãnh đạo chỉ huy đại đội chiến đấu, anh Ba Tú và Hiệp Thạnh phân công:

- Anh Nhoại phụ trách 6 chiến sĩ bảo vệ cổng chính, ở dãy nhà ngoài cổng (phòng chiến tranh tâm lý). Anh Phạm Trọng Văn làm quản lý đời sống, anh Mạc nấu cơm. Tiếp quản ở ngay khu hậu cần nhà bếp của Căn cứ 10. Tôi, anh Nguyền và một số đồng chí khác ở nhà trung tá Bán (hắn đã bỏ chạy) phía đường Quang Trung, sau nhà sàn. Số còn lại do anh Quang chỉ huy ở khu nhà gần xưởng mộc - bên trái cổng gác. Anh Ba Tú và Hiệp Thạnh ở nhà sàn (nơi chỉ huy trưởng Nguyễn Gia Ngọc ở) có một liên lạc ở cùng.


Tên trung tá Bán là người của tình báo Mỹ (CIA) là phó chỉ huy trưởng Căn cứ 10. Khi quân giải phóng vô, hắn hoảng sợ bỏ chạy - vì có nợ máu nhiều với nhân dân. Hắn luôn ăn hiếp tên chỉ huy trưởng Nguyễn Gia Ngọc (đại tá) và lấn áp cấp trên (theo nằm vùng của ta kể).


Anh Ba Tú yêu cầu mọi người phải ngày đêm canh gác sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt là chấp hành chế độ tiếp quản, chống tham ô, ăn cắp tài sản. Phân công xong anh Ba Tú và Hiệp Thạnh cho gọi tên đại tá Ngọc chỉ huy trưởng đến nhà sàn. Tồi được phân công là trợ lý kế hoạch của đoàn, trực tiếp xây dựng kế hoạch và là thư ký ghi chép cho anh Ba Tú. Lúc này là 9 giờ sáng ngày 3 tháng 5. Anh Ba hỏi tên Ngọc:

- Anh cho biết tình hình toàn bộ Căn cứ 10?

- Dạ thưa, Căn cứ 10 có trung tâm sản xuất quân trang, khu tồn trữ quân khu, khu tiếp vận, xưởng sản xuất huân huy chương, xưởng cơ khí, xưởng mộc. Khu nghiên cứu quân trang đang xây dựng dở dang.

Anh Ba Tú hỏi tiếp:

- Phương tiện vận tải, ô tô thế nào?
   
- Dạ thưa, toàn căn cứ có 8 xe ô tô đưa rước công nhân loại GMC Code đầu lớn có toa kéo đang hoạt động. Xe vận tải các loại có 8 chiếc, xe jeep có 4, xe cẩu có 1 và khoảng 15 xe nâng các loại, xe du lịch Toyota có hai cái và một số chiếc đang tu sửa.

- Anh nói cụ thể về trung tâm sản xuất quân trang - Anh Ba Tú yêu cầu.

- Dạ thưa, trung tâm sản xuất có ba phân xưởng may hàng loạt, một xưởng may đo, một xưởng cắt và một xưởng bảo toàn (sửa chữa).

- Còn hệ thống điện nước ra sao?

- Dạ thưa, căn cứ có hai máy phát điện loại 200 KVA vẫn đang hoạt động tốt, hai trạm biến thế 2.000 KVA. Về nước máy có hai đồng hồ thuộc chi cục Gia Định. Ngoài ra có một giếng khoan sâu 120 mét cùng máy bơm hỏa tiễn dự phòng và một tháp nước 20 mét khối.

- Tình hình xăng dầu ra sao? Số tồn kho còn bao nhiêu?

- Dạ thưa, có một trạm xăng dầu ở sát góc căn cứ phía đông bắc, hai bồn xăng và hai bồn dầu Diezen, mỗi bồn dự trữ khoảng 30 mét khối.

Tên Ngọc nói tiếp:

- Trước khi quý giải phóng vô, tất cả anh em vận hành hệ thống điện nước, xăng dầu, lái xe, thợ sửa xe... vẫn đi làm và trực ca bình thường, đang chờ lệnh quý anh.

Anh Ba Tú hỏi thêm:

- Số lượng máy may các loại hiện có bao nhiêu?

- Dạ thưa - Tên Ngọc suy nghĩ một lúc rồi trả lời tiếp: Ba xưởng may hàng loạt có khoảng 600 máy may công nghiệp một và hai kim, còn máy chuyên dùng như khuy, cúc, đính bọ, vắt sổ khoảng 100 cái. Riêng phân xưởng cắt có 20 máy cắt đứng cao và 10 máy cắt đứng thấp. Còn xưởng may đo có 100 máy dân dụng lắp mô tơ các loại, cùng máy khuy, cắt, vắt sổ. Ngoài ra còn phân xưởng may lều bạt có khoảng 30 chiếc các loại ở sát bãi hàng A (sân đậu trực thăng).

- Còn tổng số lao động nhân sự và quân nhân có bao nhiêu?

- Dạ thưa, tổng số khoảng 4.500 người trong đó quân nhân khoảng 200 và sĩ quan là 50 từ thiếu úy đến trung tá.

Sau hai giờ làm việc, toàn bộ số liệu, tình hình tên Ngọc báo cáo đã được tôi ghi chép đầy đủ vào sổ sách.

Mọi người đang ngồi thì có một chị tên là Trợ xin vào được gặp chỉ huy Đoàn tiếp quản, trước khi làm việc với chị Trợ, anh Ba Tú nói với tên Ngọc:

- Chúng tôi yêu cầu tất cả các sĩ quan, thợ kỹ thuật công nhân, lái xe, xưởng cơ điện, bảo toàn vẫn phải đi làm bình thường và trình diện vào đúng 7 giờ sáng. Anh gọi cho tôi hai xe jeep cùng lái xe đến ngay bây giờ.

- Dạ thưa vâng! Có ngay ạ!

Chị Trợ bước vào phòng, tôi rót nước và anh Ba Tú mời ngồi. Chị nói trước:

- Tôi xin giới thiệu với các anh, tôi tên là Trợ, người được tổ chức phân công nằm vùng ở Căn cứ 10, nghe các anh đến tiếp quản xin đến cung cấp một số tình hình.

Tôi ngắm nhìn chị nói. Người chị dong dỏng cao, nước da trắng mặt hơi rỗ hoa, áng chừng trên 30 tuổi.

Hai anh Ba Tú và Hiệp Thạnh mừng lắm - Đề nghị từ ngày mai trở đi chị đi làm việc hình thường và phân công theo dõi việc đi làm và trình diện của sĩ quan, quân nhân, công nhân chế độ cũ. Anh Ba Tú nói nhỏ với anh Hiệp Thạnh, sau đó anh Hiệp Thạnh tiếp tục làm việc với chị Trợ.


Còn anh Ba Tú yêu cầu tên Ngọc dẫn đi kiểm tra thực tế. Tôi xách theo tiểu liên AK và gọi thêm một bảo vệ mang súng đi kèm. Xe vừa lăn bánh tôi đề nghị cho kiểm tra kho súng đạn trước, anh Ba vỗ đùi đét một cái: "Ờ, suýt quên!".


Xe đậu ở cửa kho súng đạn trước trạm phát điện của căn cứ và sau nhà vệ sinh của văn phòng trung tâm sản xuất quân trang. Xuống xe rồi nhưng vì quên hai thùng chìa khóa nên lại phải quay xe về nhà lấy. Dọc đường tôi hỏi anh lái xe:

- Anh tên là gì?

- Dạ tôi tên Sóc, công nhân chế độ cũ, là thợ sửa xe thuộc xưởng cơ điện.

- Anh bao nhiêu tuổi?

- Dạ bốn mươi lăm tuổi!

- Ồ hơn tôi nhiều tuổi quá! Thôi cho gọi bằng chú đi!

Quay lại kho súng đạn, tôi mở toang hai cánh cửa.

- Ôi chao! Nhiều súng mới quá, còn đạn thì một đống!

Tôi đếm và xem thẻ kho còn 20 khẩu súng AR15, 10 khẩu côn (súng ngắn), 5 khẩu cạcbin, 1 trung liên. Tôi xin anh Ba Tú khẩu côn nòng ngắn1 (Khẩu súng côn: một loại súng ngắn trang bị cho sĩ quan Mỹ - ngụy, nó có trục xoay tròn để đạn lên nòng), anh đồng ý ngay, thế là tôi đeo luôn bên người. Niêm phong kho súng xong, xe chạy tiếp. Tên đại tá Ngọc ngồi xe máy do một người khác chở dẫn đường. Xe chạy đến kho xăng dầu, xuống xe chúng tôi đã thấy ngay một người to cao đầu hơi hói, trông rất hiền lành, trạc khoảng năm mươi tuổi người chế độ cũ ra đón và cúi đầu chào, người đó tên là Quý. Ông giới thiệu hệ thống bồn, kho, sổ sách theo dõi khá nền nếp, vậy là yên tâm rồi! Anh Ba Tú nhắc ông phải quản lý tốt, nhất là phòng chống cháy và nhớ phải trực làm việc sẵn sàng cấp phát. Xe đi theo đường quanh tường rào vòng phải, về kiểm tra các xưởng may, cắt, bảo toàn. Mở cửa kéo hai cánh cửa sắt: Ôi chao! Một xưởng rộng khoảng 2.000 mét vuông, toàn máy may công nghiệp nhập từ Mỹ (khoảng hơn 200 cái) được phủ bạt cẩn thận. Mở tiếp cửa xưởng bảo toàn, tôi thấy có một người gầy gò nhỏ thấp ra chào lễ phép:

- Xin chào các quý anh, tôi là Phạm Văn Phước, phụ tá xưởng trưởng xưởng bảo toàn. Nhìn vào bảng nhỏ tôi thấy đề câp bậc ông là "thượng sĩ", theo chú Sóc nói ông này học ở Mỹ 7 năm, thạo tiếng Anh, giỏi về sửa chữa máy văn phòng. Kho bảo toàn rộng khoảng 1.000 mét vuông, còn hàng trăm máy may đã và đang sửa chữa.

Tôi thầm nghĩ: Ta tiếp quản một tài sản thật tuyệt vời, chưa từng thấy bao giờ. Các xưởng đều có hệ thống nội quy quy định rất bài bản nền nếp.

Anh Ba Tú giục đóng cửa lên xe đi tiếp. Kiểm tra khu tồn trữ quân trang, thấy những kiện hàng tăm tắp cao vút, bao la, điều đó đã nhắc tôi "khẩn trương tổ chức kiểm kê toàn bộ".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM