Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:03:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân  (Đọc 2296 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:44:33 am »

- Tên sách: Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân
- Tác giả: Phạm Trùng Dương
- Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
- Năm xuất bản: 2015
- Người số hóa: macbupda, thongdiepthoigian


Lời nhà xuất bản


Tập hồi ức "Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân" của tác giả Phạm Trùng Dương được chính tay ông mang đến chi nhánh Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22.12.1944- 22.12.2014). Có thể nói, đọc bản thảo được viết bằng nét chữ viết tay rất đẹp của tác giả Phạm Trùng Dương, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân rất trân trọng những trang viết chân thực, giản dị của một người từng là chiến sĩ giải phóng quân.


Cuốn sách như những thước phim về một thời thị xã Hải Dương được giải phóng, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân và bước chân đầu tiên, cảm xúc đầu tiên khi tác giả nhập ngũ... cho đến khi vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, cứ thế cuốn hút, lôi cuốn người đọc hết từ bất ngờ này đèn bất ngờ khác.


Tác giả Phạm Trùng Dương sinh năm 1948, tại Ngọc Uyên - Ngọc Châu, thành phố Hải Dương. Hiện ông đang sống tại phường 10 quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố mà ông đã vinh dự có mặt vào thời khắc đặc biệt để tiếp quản trong niềm vui và nước mắt dâng tràn.


Năm 1966, trong lúc cuộc chiến tranh vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ đánh Mỹ, con đường hành quân đầy gian khổ, ác liệt đã đưa ông trở thành một chiến sĩ giải phóng quân tại chính mảnh đất bom đạn một thời khói lửa bên dòng sông Chiêu.


Người lính trẻ Phạm Trùng Dương sinh ra trên đất Bắc đã hòa vào dòng chảy của biết bao thế hệ người Việt Nam lên đường đánh Mỹ. Thế hệ đã làm nên lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng mà nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Chính khát vọng và với quyết tâm đánh tháng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã giúp ông cùng đồng đội vượt qua biết bao khó khăn, của sốt rét, của rắn cắn, của chất độc hóa học để đi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một dải.


Trang hồi ức "Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân" giàu chi tiết, hình ảnh xúc động chân thực, có con người, sự kiện lịch sử cụ thể, qua đó khắc họa được chân dung của một người lính Phạm Trùng Dương. Cuốn sách kể lại cho độc giả hiểu hơn về những cơn sốt rét đến mức sức trai tráng như ông không thể theo đơn vị hành quân được, tác giả phải lùi lại phía sau đi "thu dung", một từ rất quen thuộc của một thời khói lửa mà bạn trẻ ngày nay không thế hiểu được. Bản thân người chiến sĩ trẻ Phạm Trùng Dương bị nhiễm chất độc hóa học đến mức cả hai mắt không nhìn thấy đường hành quân, đồng đội đã dắt tay ông vượt núi, băng rừng để đến đích vào căn cứ Tây Ninh nơi Trung ương Cục miền Nam.


Phần đầu của tập hồi ức là những trang văn thấm đẫm chất thơ, chất nhân văn với nụ cười của mẹ nét phúc hậu của bà với những kỷ niệm về thời thơ ấu của tác giả trên mảnh đất quê hương Hải Dương địa linh, nhân kiệt. Tuổi ấu thơ ấy ông được sinh ra và chứng kiến những sự kiện lịch sử đổi thay của đất nước. Rồi những trang hồi ức ảm ánh người đọc về năm tháng nhọc nhằn mà chính tác giả đã phải trải qua, chống chọi lại với bệnh tật để sự sống của mình được hồi sinh. Ai có thể tưởng tượng ông đã phải vượt qua sự khắc nghiệt như thế nào thì mơi yêu mình, yêu sự sống đến thế.


Thuở nhỏ, cậu học trò Phạm Trùng Dương bị mắc một căn bệnh mà ngày ấy khoa học không thể chữa được bây giờ có tên gọi là "thương hàn". Sau bao nhiều năm tháng chữa trị tại bệnh viện cuối cùng bác sĩ trả về, nói không thể sống được bao lâu, mẹ ông khóc cạn nước mắt trong lo âu. Nhưng với tình yêu thương của mẹ, của bà, ông đã được cứu sống. Trong tình huống "hiêm nghèo" một người hàng xóm tốt bụng đã đóng cho ông một chiếc quan tài nhưng cuối cùng chiếc quan tài đó phải đốt đi. Đồng hành theo thời gian của "Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân" là biết bao những chi tiết của một thời ác liệt được chính tác giả là một nhân chứng lịch sử kể lại sống động, hấp dẫn bạn đọc và đôi chỗ làm người đọc không cầm được nước mắt.
   

Cũng như biết bao đồng đội của ông biền biệt ra đi cầm súng chiến đấu, người còn, người mất, những năm tháng ấy xa quê nhà, xa bạn bè, xa mẹ già, xa người thân mãi sau cuộc chiến ông mới về thăm gia đình, cảm xúc đó "thăng hoa" để ông thể hiện trong trang sách xúc động lòng người: "Dắt xe vào tới sân, hàng xóm và họ hàng đã ào tới, tất cả vây quanh. Trong lòng tôi nao nao sung sướng. Mẹ tôi lao ra khóc, rồi túm lấy tôi, bà chẳng nói được điều gì, cứ khóc hoài.

- Nó đã về! Nó sống đây rồi! Việc gì mà chị khóc dữ vậy!

Mấy bà dì: bà Tụng, bà Tích, bà Nhận rồi mấy ông cậu cùng các em, họ hàng vây lấy xung quanh. Tôi buông tay, chiếc xe đạp đổ kềnh xuống. Bước vào nhà, chiếc ba lô tuột khỏi vai lúc nào không biết, tôi đứng lặng đi nhìn mọi người. Cái sung sướng nghẹn ngào làm tôi như mất trí. Mọi người coi tôi như "người từ cõi chết trở về". Không khí trong nhà như một buổi liên hoan đầy tiếng cười nói và xen lẫn tiếng khóc cùng nước mắt rơi.


Tôi ngồi xuống ngắm nhìn bộ tràng kỷ có từ dạo mới đi bộ đội. Rồi ngước mắt lên tường thấy bằng "Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Hải". Lòng tôi đau quặn, người xìu xuống, hai tay ôm mặt nức nở khóc. Trong đầu tôi chập chờn hiện lên hình ảnh anh vẫy tay tiễn đưa tôi lên đường vào Nam ở ga Cẩm Giàng... Anh đã hy sinh, xương cốt anh đã nằm sâu vĩnh viễn dưới chân dồi Chóp Nón ở tây nam thành phố Huế mà gia đình đã nhiều lần tìm không được..."1 (Đoạn trích trong chương ba "Trở về quê mẹ", tr.125, 126)


Cuốn sách giúp người đọc bắt gặp lại một không khí vô cùng khẩn trương của những ngày đầu quân giải phóng miền Nam tiếp quản thành phố Sài Gòn vô cùng tưng bừng. Hình ảnh Sài Gòn rợp bóng cờ hoa và niềm vui trào nước mắt trong ngày gặp lại của đồng bào và chiến sĩ cả hai miền Nam - Bắc. Đó là thời khắc ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông trực tiếp tham gia tiếp quản thuộc Cục Hậu cần miền Nam - Quân giải phóng. Làm nhiệm vụ tiếp quản Căn cứ 10 - Trung tâm sản xuất quân trang của chế độ cũ Sài Gòn - ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.


Rồi đến khi đất nước hòa bình bước vào xây dựng sau chiến tranh, tiếp quản Sài Gòn với những công việc ngổn ngang và những suy tư một thời gian khó mà tác giả từng sống làm doanh nghiệp từ ngày đầu mới giải phóng không ít những khó khăn, bỡ ngỡ. Cũng như rất nhiều người lính khác khi hoàn thành nhiệm vụ cầm súng của mình, ông ở lại mảnh đất Sài Gòn như là một công dân hăng hái xây dựng lại thành phố với bao cảm xúc, tư duy, vượt qua cơ chế mà hôm nay thế hệ sinh sau 1975 không thể hình dung nổi. Rồi một ngày tác giả nghỉ hưu ở tuổi 43 để lao vào sản xuất kinh doanh bằng chính nghị lực, trái tim của một người chiến sĩ giải phóng quân.


Đây là một cuốn hồi ức của cá nhân có giá trị tham khảo, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xin trân trọng và giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài quân đội tập hồi ức "Dấu chân chiến sĩ giải phóng quân" của tác giả Phạm Trùng Dương rất mong độc giả đón dọc.

NHÀ XUẤT BẢN
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:45:01 am »

Lời tác giả


Cuốn sách này của tôi kể về thời niên thiếu khắc nghiệt mà tôi đã vượt qua để giành sự sống. Những thăng trầm và những chứng kiến lịch sử như: giải phóng thị xã Hải Dương, chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân và những năm tháng của ngày đầu nhập ngũ. Đặc biệt là một chặng đường hành quân đi bộ hăng ngàn cây số, vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chống Mỹ. Quyển sách đã kể về cuộc đời hoạt động của một chiến sĩ giải phóng quân mà tôi đã trải qua. Kế tiếp là tôi đã chứng kiến sự giải phóng của đất nước Chùa Tháp Carnpuchia, và giai đoạn hào hùng lịch sử, nhất là chứng kiến Đại thắng mùa xuân 1975 - Giải phóng Sài Gòn (30-4), chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tôi cũng kể về những ngày tháng tiếp quản Sài Gòn, rợp trời cờ hoa và niềm vui trào dâng nước mắt. Sau đại thắng, hàng triệu người lính giải ngủ, tiếp tục trở về xây dựng làng xôm quê hương. Còn tôi vẫn ở lại quân đội để xây dựng xí nghiệp quốc phòng, xây dựng ngành hậu cần quân đội. Những thành tích và trưởng thành trong xây dựng, những bông hoa mình hái đã đưa tôi đến đất nước Liên Xô vĩ đại. Tôi sung sướng, hạnh phúc đến vô bờ khi đi trên cánh đồng tuyết, cánh đồng táo thơm ngon đầy sắc lạ. Tôi ước mơ khi trở về sẽ xây dựng nhiều xưởng sản xuất giầy cho quân đội và thành phố mang tên Bác Hồ - xứng đáng như người chiến sĩ giải phóng quân năm xưa. Ước mơ thì bát ngát bao la... Nhưng hoàn cảnh và môi trường đã bảo tôi dừng lại ở tuổi 43 đúng vào ngày sinh nhật 14 tháng 4 năm 1991, để chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tự xóa nghèo của bản thân. Tôi thầm cảm ơn cách mạng, cảm ơn Đảng và quân đội đã khéo dẫn dắt tôi đi một cách vô hình, cho tôi sang chân trời mới.


Toàn bộ nội dung quyển sách hoàn toàn dựa một cách trung thực vào các trang nhật ký của tôi. Những trang nhật ký ấy tôi đã viết nó từ tuối thơ cho đến hôm nay. Có quyển nhật ký vẫn còn lung linh trong tủ kính, nhưng có quyển đã mất trong trận càn mà tôi phải hồi tưởng lại, bởi nó không thể nào quên và chẳng bao giờ quên.


Khi viết quyển sách này tôi mong muốn lưu truyền cho con cháu mai sau. Để chúng hiểu hơn về thời kỳ lịch sử của đất nước mà tôi đã từng gắn bó với bao mồ hôi cùng máu và hoa. Chúng sẽ tự hào và noi theo gương ông cha để trở thành người có ích cho xã hội.


Quyển sách xin tình nguyện làm một hạt cát trong sự nghiệp trồng người và tư liệu vườn hoa của chiến sĩ giải phóng quân.


PHẠM TRÙNG DƯƠNG
30-10-2014
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:46:12 am »

Chương một
THỜI THƠ ẤU


Ngồi ở mũi thuyền gỗ, nhìn thấy mấy bông hoa bèo màu tím đẹp quá. Bé cúi người với tay lấy. Thùm một cái xuống ao, con thuyền chòng chành. Mẹ tôi quay lại thấy mất con. Bà nhìn xuống ao bọt tăm nổi liên tục trên mặt nước. Nhào xuống, một tay bám mạn thuyền, một tay khua khoăng túm được đầu bé. Bà túm tóc lôi bé lên, vừa bám thuyền vừa kéo vào bờ và kêu thất thanh:

- Có ai không cứu tôi với! cứu tôi với!

Mọi người trong nhà ông bà ngoại ở gần đó hốt hoảng chạy ào ra, xốc lấy bé lên bờ làm các động tác cứu người đuối nước. May quá có cả ông Vỵ (cậu ruột tôi) đã học y tá ba tháng. Cuối cùng mọi người và ông đã cứu được bé:

- Nó thở được rồi! nó mở mắt rồi kìa!

Niềm vui này, sung sướng này đã hiện rõ trên khuôn mặt mẹ tôi và mọi người, nguồn vui giàn nước mắt.

Sau ngày tôi thoát chết đuối, ba mẹ con tôi dọn về ở bên nội ông bà Đoan số 95 phố Tam Giang thị xã Hải Dương. Đầu tháng 9 năm 1954, tôi được ông Phạm Văn Đoan dắt đến "trường con gái" (giờ là Trường Võ Thị Sáu) mặt tiền đường Trần Hưng Đạo để học lớp vỡ lòng. Thời đó giáo dục thuộc Pháp ở thị xã Hải Dương có hai trường Nam và Nữ (gọi là con trai, con gái). Không biết dạo đó tôi có biết hát và hát hay hay không? Cũng không nhớ rõ, nhưng được thầy giáo chỉ định là quảng ca của lớp. Lớp vỡ lòng dạo chưa giải phóng thị xã gọi là lớp 5, lớp 1 là lớp 4... cứ thế lớp 4 là lớp cuối của bậc tiểu học. Từ ngày đó hôm nào tôi cũng được ông đưa đón đi học.


Trưa ngày 30 tháng 10 năm 1954 hai ông cháu đang đi trên đường Trần Hưng Đạo về nhà thì thấy tiếng còi ở rạp chiếu bóng Hòa Bình hú vang lên liên tục không ngớt. Tiếp theo là dọc đường tất cả mọi người đổ ra đầy: reo hò, hát vang bài: "Sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê... dân Liên Xô, vui hát trên đồng hoa, dân Nam ta tranh đấu cho Hòa Bình"... Mọi người ai cũng gõ trống, chiêng, thậm chí lấy chậu thau, xoang nồi ra để gõ, nét mặt hân hoan vui mừng không sao tổ xiết. Tôi ngước mắt lên hỏi ông:

- Ông ơi! Có gì mà mọi người vui vậy?

Ông cùng vui cười giòn giã và nói:

Giải phóng thị xã rồi! Hòa Bình về rồi đấy cháu ạ! Thế là hai ông cháu vừa đi vừa như chạy về nhà. Ngày đó tôi ở với mẹ và anh Phạm Văn Hải tại số nhà 97 phố Tam Giang, thị xã Hải Dương. Đó là căn nhà của một gia đình di cư vào Nam đang bỏ trống, ở bên trong chiếc giường tre dài suốt cả gian nhà. Một hiện vật còn sót lại của bọn Tàu Tưởng thay mặt đồng minh đến ở tiếp quản, mà dân ta phải làm phục vụ chúng dạo chưa giải phóng thị xã. Ở trong căn nhà trông chỉ có vạt giường tre nên ba mẹ con vẫn sinh hoạt ăn uống bên nhà ông bà ở bên cạnh. Còn anh Hải, anh trai tôi đang học nghề may ở nhà may Tân Đức. Anh học gần hai năm rồi mà vẫn chưa ra nghề vì bị "bệnh tâm thần". Mỗi lần lên cơn, anh cầm đòn gánh, gậy phang bừa bãi rồi hô to: "Hung thần! Hung thần! nó là hung thần đấy!". Mẹ tôi, ông bà hoang mang vô cùng đưa anh đi bệnh viện chữa chạy khoảng nửa tháng thì hết bệnh. Mẹ tôi đi xem thầy, thầy nói nhà đó có ma nên cả nhà, không dám ngủ ở căn nhà đó nữa.


Hòa bình được lập lại, tôi chuyển về học ở trường tiểu học Tô Hiệu, cuối đường Quang Trung, thị xã Hải Dương. Đang học lớp 2 lại bị một trận ốm rất nặng (lúc đó gọi là bệnh thương hàn), mẹ đưa tôi đi chữa ở bệnh viện thị xã, điều trị sáu tháng nhưng không khỏi. Bác sĩ nói:

- Chị ơi! Đằng nào cháu cũng qua khỏi, chị nên đưa cháu về nhà chăm sóc, cho đỡ tốn kém. Cháu sống được ngày nào hay ngày đó. Mẹ khóc và buồn vô cùng, sau đó mẹ cũng quyết định đưa tôi về nhà. Tôi ở trong gian nhà nhỏ khoảng mười sáu mét vuông. Trước đây ông bà dùng làm bếp. Nằm trên một cái giường gỗ nhỏ và tôi ở đó một mình. Một năm trời rồi, một thằng bé bảy tuổi không được ăn cơm, cháo, mà chỉ uống nước cơm, sữa. Bác sĩ nói nếu ăn cơm hoặc đồ cứng sẽ thủng ruột chết luôn. Tôi nằm bất động, người chỉ còn da bọc xương, không được tắm, da xám xịt sần sùi như da cóc. Có một hôm bà Ba Được hàng xóm bên cạnh nhà làm nghề thợ mộc và buôn bán tre nứa, nói với mẹ tôi:

- Lúc nó còn là đứa trẻ khỏe mạnh, ngoan dễ thương, tôi không giúp gì được cho cháu, nay nó sắp đi rồi, tôi tặng cháu bộ quan tài tốt. Mẹ tôi xót xa ứa nước mắt.

Ngày 7 tháng 5 năm 1955 là ngày tổ chức đám cưới của ông chú Phạm Văn Hân, mọi người ra vào tấp nập, vui nhộn, ăn uống tưng bừng lắm. Mà tôi nằm liệt một mình trong phòng tôi, như ở dưới nhà xác. Bà Hoàng Thị Thu (bà nội) vì thương thằng cháu bé nhỏ bị bệnh nặng, đến cạnh giường nét mặt rầu rĩ nói:

- Cháu thèm ăn gì không bà cho? Hay bà cho cháu ăn xôi gà nhé!

Tôi bất động không nói được, mà chỉ gật nhẹ!
   
Sau đó bà mang cho tôi một cái đùi gà, góc đĩa xôi. Tôi há mồm nhai ngon lành, đang ăn được một nửa thì chú ập vào hét lên:

- Bà định giết nó hay sao? Chị Phòng mà biết thì chết thôi!

Bà nói:

- Đằng nào nó cũng chết, đừng để nó thèm, nó đói! Chú nói vậy thôi, nhưng bà vẫn lờ đi cho tôi ăn, vì biết rằng thằng cháu chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Sau ngày đó bà cứ cho tôi ăn, thấy tôi ăn được bà cho ăn đồ mềm và cả cơm nữa. Kỳ lạ thay tôi không chết như lời bác sĩ dặn trước khi ra viện, mà lại khỏe ra. Từ cái bụng đen xì to như cái thúng con, bao ngày không đi đại tiện được, thì giờ đây tôi đi xôi xả, liên tục mấy ngày.


Cái bụng cóc đã xẹp đi. Tôi ăn rất nhiều, lúc nào cùng thèm và đói. Mẹ tôi mừng lắm, lo cho ăn và bồi dường cho tôi. Sức khỏe khá dần, tôi đã nói được, nhưng chưa thể tự ngồi dậy. Mẹ đã mua ba lạng cao hổ cốt cho tôi ăn để mau phục hồi sức khỏe. Tôi được bà giúp tập ngồi, tập đứng, tập đi, đã có da, có thịt hơn trước nhiều. Khi đã ngồi, đứng được tôi tỉ mỉ bóc từng lớp da khô đen xì, lớp da trắng được lộ dần khắp cơ thể. Không ngờ rằng di chứng và hậu quả để lại là tôi đã mắc bệnh da khô, vì lớp mỡ giữ ẩm dưới da bị teo lại, ăn bệnh này nó đã hành hạ, đeo đuổi tôi mãi đến khi vào miền Nam chống Mỹ. Đặc biệt là khi trời lạnh hanh khô của miền Bắc.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:47:48 am »

Ở bếp nhà có treo một bị hành giống để trồng, không hiểu sao tôi thèm hành sống lạ kỳ, thế là lấy trộm ăn hết. Khi mẹ cần hành giống để trồng thì chỉ còn bị hành không treo lủng lẳng.

Bà Ba Được hàng xóm, người đã cho cỗ quan tài nói với mẹ tôi:

- Chị nói thằng Dương đốt cái quan tài ấy đi!

Thế là với sự hỗ trợ của hai lít dầu lửa, tôi đã đốt nó sau nhà ông Đoan. Nhìn ngọn lửa cháy bừng bừng mà đầu tôi chao đi như một cánh diều trên bầu trời mùa thu đầy nắng ấm. Như vậy là sau gần hai năm vật lộn với bệnh tật và thần chết, tôi đã khỏe và học lại lớp 2 của trường tiểu học Tô Hiệu. Còn ông nội vẫn hàng ngày còng lưng với mái đầu bạc trắng cuốc đất trồng rau ở bờ sông con, bên kia đê trước cửa nhà. Mảnh vườn nhỏ khoảng hơn trăm mét vuông đầy sỏi đá đã phủ màu xanh của các loại rau, nguồn sống chính của ông bà lúc đó. Mẹ của tôi thì buôn bán ngược xuôi để nuôi hai con ăn học. Lúc thì buôn cá, buôn rươi, mua vải thiều đi Hà Nội, Hải Phòng bán. Long đong cả cuộc đời, chồng thì mất tích ở miền Nam. Các con thì thay nhau đau ốm. Mẹ kiếm được đồng nào cũng nuôi bệnh viện và bác sĩ hết sạch. Mỗi khi nhớ lại, hình ảnh mẹ đã in đậm trong ký ức của tôi, bà là người phụ nữ rất Việt Nam, rất đúng với câu ca dao quen thuộc của người Việt: "Gánh cực mà vực nên non / Còng lưng mà chạy cực còn theo sau".


Tôi đã ghi nhận mình được cứu sống là nhờ đám cưới của chú Hân, đặc biệt là bà Hoàng Thị Xuyến đã cứu tôi. Bây giờ ảnh của bà được tôi phóng to đưa lên bàn thờ cùng với mẹ tôi ở tại căn nhà: đường Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò vấp, Thành phỏ Hồ Chí Minh. Tôi mãi nhớ ơn bà, người phúc hậu, nhân từ. Con người ta sau thời gian đi xa trở về, bỗng cảm thấy lớn thêm lên và sáng dạ ra là thế! Còn tôi sau lần thoát cửa tử thần đã chai sạn, không bao giờ còn sợ chết và càng yêu cuộc sống này đến lạ lùng.


Sau lần thoát chết, ba mẹ con tôi về ở nhờ ông bà ngoại trong Ngọc Uyên, cách phố Tam Giang gần hai cây số. Dọc đường đi ôi chao! Rợp trời cờ đỏ sao vàng. Cờ to thì treo ở đền chùa trụ sở, cờ nhỏ in bằng giấy phấp phới trên tay tất cả mọi người, trẻ già, trai gái. Khắp hai cánh đồng sau, trước cửa đình làng Ngọc Uyên là rợp bóng cờ đuôi nheo. Mỗi thửa ruộng đều có cắm tấm biển tên chủ đất, bên trên là cờ đỏ bay bay theo chiều gió. Thế là bà con nông dân bần cố đã có trâu cày ruộng cấy rồi! Đội cải cách ruộng đất đã về làng ngày nào cũng họp với nông dân. Cảnh bà con bần cố nông đấu tố, kế khổ cuộc đời với đội cải cách, trước mặt địa chủ đã diễn ra khắp nơi trong làng xã. Theo tôi được biết thời cải cách ruộng đất, đã mang lại nhiều niềm vui cho bà con nông dân, thực hiện công bằng xã hội.


Cải cách ruộng đất xong là đến phong trào hợp tác xã nông nghiệp, vì neo người gia đình tôi xung phong vào hợp tác xã đầu tiên.

Năm 1958 là năm đầu thi hành luật nghĩa vụ quân sự của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trước khi anh tôi đi bộ đội, mẹ quyết định lấy vợ cho anh. Anh Hải lúc đó hai mươi mốt tuổi, còn chị tên là Chu Thị Dứa mười chín tuổi, con một ông địa chủ làng Nhân Nghĩa, ở bên kia sông Thái Bình, đối diện làng Ngọc Uyên. Chẳng có mối lái gì! Bởi anh học phổ thông cùng với anh Chu Văn Nha là anh trai của chị dâu tôi.


Mẹ tôi có bàn chuyện cưới xin với ông bà Đoan bên nội, ở 95 Tam Giang, thị xã Hải Dương và xin được đưa cả nhà ra ở cùng với ông bà sau đám cưới. Ông, bà, chú thím Hân đã nhất trí. Vậy là đầu năm 1958, ca nhà tôi đã về ở lại với ông bà nội, đám cưới anh tôi đã diễn ra. Sau một tháng anh Hải lên đường nhập ngũ.


Anh đi bộ đội, gia đình chỉ còn lại ba mẹ con, ăn chung một bếp, ông bà, chú thím Hân ăn riêng. Tôi thì đang học lớp ba trường Tô Hiệu ở thị xã. Có một nghịch cảnh là: nhà tôi ở phố, nhưng lại làm ruộng có trâu bò, thóc lúa, rơm rạ phơi phóng với lại ở chung với chú thím, ông bà nên chật chội, bất tiện đủ thứ, nhiều sự việc đã phát sinh.


Để giải quyết những mâu thuẫn đó, mẹ tôi đã quyết định làm nhà riêng ở mảnh vườn đã được đội cải cách chia trong làng Ngọc Uyên. Dạo đó làm nhà khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, nhưng được họ hàng giúp đỡ, mỗi người một tý nên cũng ổn thỏa. Chú Hân ở ngoài phố giúp nửa mái nhà lợp bằng cọ (mà ông mua cung cấp của Nhà nước). Các cậu dì thì giúp công thợ... Mẹ và chị dâu tôi tất bật lo cơm nước phục vụ.


Đang làm nhà thì anh Hải khoác ba lô giải ngủ về nhà vào mùa hè năm 1961. Cánh đồng đang khô cạn thì gặp phải mưa rào, mừng quá! Vừa có thêm nhân lực, vừa có sổ tiết kiệm mà anh chắt chiu mấy năm về đưa cho mẹ. Cả nhà phấn khởi tăng tốc, vậy là căn nhà lá, gỗ xoan đã hoàn thành. Còn tôi đang tung tăng đi học ở lớp 5 trường Ngô Gia Tự, năm đầu của cấp hai.


Sang năm 1962, chị dâu tôi sinh được cháu gái đầu lòng là Phạm Thị Huyền, cả nhà vui rộn hẳn lên, vì bấy lâu nay nhà toàn người lớn. Những ngày đầu năm 1964, tôi đang học lớp bảy, năm cuối của cấp hai. Không khí chiến tranh đã lan ra cả nước. Mỹ tiến hành bắn phá miền Bắc bằng không quân. Trẻ em đến trường phải đội mũ rơm, nam nữ thanh niên, dân quân đi làm đồng phải mang theo súng đạn. Mọi nẻo đường trường học, nhà ở có hầm trú bom đạn, máy bay nhà nọ sang nhà kia, cả làng kết nối bằng hệ thống giao thông hào. Tiếng loa, kẻng báo động máy bay đến diễn ra hàng ngày.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:49:54 am »

Chương hai
CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG QUÂN


Lên đường nhập ngũ   

Vào lúc này thanh niên nam nữ, lớp lớp lên đường nhập ngũ và đi thanh niên xung phong. Khắp nơi rộn ràng không khí tòng quân chống Mỹ, lên đường giải phóng miền Nam. Tôi đã lớn thấy tưng bừng khí thế như vậy nên "chán học".


Học hết cấp hai tôi và thằng Kỷ (em họ) cùng lớp chạy một mạch ra hồ bơi đầu vườn hoa Con Cóc, đầu phố Tam Giang nhảy thùm xuống nước lặn ngụp sung sướng. Cuộc đời được tự do "thoát khỏi cảnh học trò".


Năm đó tôi mười sáu tuổi, cao 1 mét 67, nặng 50 kilôgam, rất khỏe mạnh nên giúp được nhiều việc cho gia đình. Ngoài đi làm hợp tác xã, dân công đắp đê, tôi về cùng thanh niên rủ nhau kéo và đắp ụ pháo cao xạ giúp bộ đội. Các em thiếu nhi hái lá cây, từng đoàn theo nhau đi ngụy trang trận địa, không khí nhộn nhịp vui như hội.


Vào một buôi sáng sớm tôi giúp mẹ gánh nước tưới rau ở bờ sông Thái Bình. Vừa cúi xuống múc nước thì có tiếng kẻng báo động máy bay Mỹ vang liên hồi ba tiếng một. Hàng đàn quạ sắt lao đến nhào lộn trên bầu trời cầu Phú Lương.


Cầu Phú Lương trên đường 5 bắc qua sông Thái Bình, con đường huyết mạch nối từ Hà Nội - Hải Dương đến cảng Hải Phòng. Vị trí của nó cực kỳ quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ cảng vào miền Bắc. Máy bay nhiều quá tôi đếm không xuể. Nó lao lên, bổ nhào xuống, lật qua, lật lại rơi tự do rồi nhào lộn như biểu diễn, mục đích là để phân tán hỏa lực của ta. Chỉ có mấy chiếc lao về phía cầu bỏ bom bắn phá, nhìn những cột nước bùng lên cao vút, cá trôi nổi trắng xóa cả mặt sông. Những con rồng lửa bay vút lên (tên lửa), đạn pháo của ta nổ như sét đánh nhằm vào lũ quạ mà bắn. Mặt đất rung chuyển, trên bâu trời đã có chiếc máy bay nổ tung, cháy đỏ rực. Mới đầu tôi chẳng sợ gì cả, cứ ngửa mặt lên xem. Nhưng đã có mảnh đạn rơi gần mấy mét, tôi sợ nép mình vào hốc đất ven bờ, căng mắt nhìn về phía cầu: Trời ơi! Hai nhịp cầu từ từ võng oằn xuồng chìm ập xuống lòng sông. Tôi nổi gai gà khắp người, bủn rủn tay chân, trong lòng xót xa, tim như thắt lại. Đau xót quá trời ơi! Căm thù sôi sục trong lòng. Lũ quạ biến mất. Tiếng súng pháo lặng im. Tôi lao nhanh về nhà, cả hợp tác xã, dân quân, bộ đội pháo binh dội lên lòng căm thù sôi sục. Tất cả chuẩn bị lao vào trận chiến đấu mới dồn ra bờ sông để ngày mai thêm hai cầu phao nữa thay thế ra đời.


Tháng 6 năm 1965, khi tôi đang cắt lúa ở đầu làng thì đòn sóc của ông bạn tên là Ly (Vũ Đình Liệu) lao đúng giữa bàn chân trái. Máu trào ra, tôi quỵ ngay tại chỗ, mấy em: Vịnh (con cậu Huy), Thi (Hồng) nhai cỏ, cởi xà cạp quần, băng bó rồi khênh tôi về nhà. Anh Hải ngay lập tức mượn xe đạp nhà anh Thập đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu. Do nhiễm trùng nên đau đi, đau lại mất gần năm trời mới khỏi. Tính đùa dai hăng máu của thanh niên là thế đấy! Hậu quả khôn lường.


Buổi sáng ngày 20 tháng 4 năm 1966, khi đang cùng thanh niên hợp tác xã đào mương dẫn nước, thì một tin vui ập đến, giấy gọi nhập ngũ đã đến với tôi.

Chờ đợi ngày này bấy lâu nay, bởi vì đã đi khám nghĩa vụ quân sự đạt loại A1 (cả xã chỉ có mình tôi là A1). Tôi lại được kết nạp Đoàn viên thanh niên, không đi bộ đội thì chỉ có trong chuyện lạ của làng.

Nhận được tin nhập ngũ, tôi reo hò bỏ ngay về nhà khoe với mẹ. Những ngày chờ nhập ngũ tôi chập chờn khó ngủ, đêm thức dậy viết mấy dòng thơ:

"Thật vui biết mấy tự hào,
Mang niềm vinh dự bước vào tuổi xuân.
Gọn gàng sách bút xếp ngăn,
Tạm xa phượng đỏ vây quanh mái trường.
Tạm xa tất cả tình thương,
Bước đi không nổi vấn vương trong lòng.
Trái tim yêu đã rực hồng,
Máu yêu ơi! Đã như dòng suối reo.
Nhanh chăn cất bước vượt đèo,
Con đường giải phóng Đảng giao cho mình"
1 (Bài thơ "Con đường giải phóng" viết tháng 4-1966)


Bảy giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1966, anh Hải mượn xe đạp nhà anh Thập (hàng xóm) chở tôi đến Huyện đội Nam Sách tập trung nhập ngũ. Ở nhà tôi được chuẩn bị hai bộ quần áo, một đôi dép lốp cao su và một mũ cát (giống như mũ cối bây giờ nhưng làm bằng cây dút). Hai anh em đến một sân hợp tác xã rất lớn, thấy thanh niên tập hợp rất đông. Tôi được gọi nhập vào danh sách đơn vị mới, đồng thời nhận cấp phát: mũ cối, chăn, màn, chiếu, ba lô. Tôi ở lại, chia tay anh ra về, hai người nghẹn ngào rơi nước mắt.


Thế là từ hôm nay cuộc đời tôi đã được sang trang mới, luôn xác định quyết tâm phân đấu thật cao, sẵn sàng thích nghi với cuộc sống, công tác của người chiến sĩ trong quân đội.

Toàn bộ danh sách tập trung dưới sự quản lý của Sư đoàn 320B (Sư đoàn huấn luyện bộ đội đi B - vào Nam). Quân số hôm đó khoảng 500 người, tạm thời biên chế: mỗi xã một trung đội, cả huyện một tiểu đoàn.


Ngay trưa hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chúng tôi hành quân liên tục, đến đêm thì nghỉ ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà. Tại đây đơn vị được cấp phát bổ sung thêm quân tư trang đầy đủ. Lính mới chưa bao giờ đi bộ bốn, năm chục cây số, thì đây là lần thử thách đầu tiên. Chân tay rã rời, mệt mỏi, bàn chân phồng rộp, nhưng ai cũng vui vẻ hăng hái. Dừng chân nghỉ hành quân là phân công mỗi người một việc, rất chu đáo đối với dân địa phương.


Hôm sau ăn sáng xong đoàn lại hành quân tiếp tục, nửa đêm thì đến một khu rừng Nho Quan, Ninh Bình, bên cạnh là một bản dân tộc Mường rất lớn. Đêm hôm nay chúng tôi được ngủ ở nhà sàn của đồng bào dân tộc, phải dựa vào dân để làm doanh trại. Khu rừng Nho Quan có các địa danh: Ba Dốc, rừng Lim, có con sông Đáy chảy ngang thị xã Phủ Lý. Dân tộc ở đây cũng đông, chủ yếu là người Mường. Chúng tôi làm lán trại hôm nay là ngày thứ hai, tất cả tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của anh bộ đội được phát huy cao độ.


Mỗi người được cấp phát một con dao phát nhọn đầu, một cái xẻng cá nhân, cả tiểu đội được trang bị thêm hai cái búa chim. Mọi việc như chặt cây, đẽo gỗ, cắt cỏ tranh, mổ gà, heo, tất cả đều bằng dao. Suốt hai ngày trời mỗi tiểu đội đã hoàn thành xong một cái lán để ở, một giếng nước và một bếp Hoàng Câm. Ngoài ra ai cũng phải có hố cá nhân (có nắp) để trú bom đạn. Đây cũng là thử thách thứ hai của các chiến sĩ trong những ngày đầu quân ngũ. Đêm đầu tiên các anh bộ đội đã có nhà và cuộc sống độc lập riêng biệt.


Chúng tôi được biên chế chính thức vào đơn vị Đại đội 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 320B. Lán trại của đơn vị quay lưng dựa vào vách núi, trước mặt là rừng cây Ba Gạc thưa, một loại cây cao trên ba mét, lá giống như bàn tay người. Sau này ai cũng bị ghẻ ngứa, lấy lá nấu nước tắm và sát vào da là khỏi.


Hôm nay tuần đầu tiên chúng tôi được học đội ngũ, điều lệnh nội vụ, tiếp theo học các nội quy, quy định, chế độ, đường lối chính sách của Đảng về sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nói tóm lại là học chính trị và quân sự. Các tuần tiếp theo học sử dụng, tháo lắp các loại súng bộ binh: súng ngắn, súng CKC AK, trung liên, đại liên, B40, B41, các loại lựu đạn, thủ pháo, mìn, đánh bộc phá. Học kỹ thuật lăn, lê, bò nhoài, đào giao thông hào, làm hầm hố, đánh lô cốt, vượt phá dây thép gai, kỹ thuật đánh trận ban ngày, ban đêm.


Cuối cùng là kiểm tra bắn đạn thật, ném lựu đạn, bộc phá thật. Kết quả bắn đạn thật tôi được 28 điểm, ai đạt 30 điểm thì được thưởng một tuần về phép thăm gia đình.

Thời gian biểu sinh hoạt buổi tôi của đơn vị như sau:

Thứ hai: sinh hoạt Tiểu đội.

Thứ ba: sinh hoạt Trung đội.

Thứ tư: sinh hoạt Đại đội.

Thứ năm: sinh hoạt Đảng, Đoàn.

Thứ sáu: tất cả đi lấy gạo.

Thứ bảy: sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Chủ nhật: nghỉ tự do trong đơn vị.


Ban ngày sáng, chiều ra bãi đồi tập quân sự từ thứ hai đến thứ bảy. Sáng chủ nhật thường là nghe thời sự, học chính trị hoặc là sinh hoạt tiểu đoàn, buổi chiều đi lấy cui, giúp anh nuôi, củng cố công sự... giờ giấc của đơn vị cũng rất chặt chẽ.


Buổi sáng báo thức 5 giờ hoặc 5 giờ 30 phút tùy theo mùa, vệ sinh cá nhân, 15 phút thể dục, 15 phút ăn sáng, sau đó tập hợp hành quân ra bãi đồi (thao trường) luyện tập quân sự. Việc sinh hoạt được quy định rất nền nếp:

- Cách buộc giày, mắc màn đi ngủ, cách gấp chăn gối, phải xếp vuông vắn thẳng tắp như se chỉ. Súng đạn phải để thống nhất đều tăm tắp. Nói tóm lại mọi vật dụng phải rất gọn gàng, để thống nhất có hàng có lối, thực hiện dễ lấy, dễ thấy, dễ kiểm tra, đồng thời phải mỹ quan, đẹp mắt. Lễ nghi, xưng hô phải đúng quy định, gặp nhau ở ngoài đường cấp dưới chào cấp trên trước, cũng phải học cả cách chào.


Tất cả cán bộ, chiến sĩ phải thuộc lòng ít nhất năm bài hát: Quốc ca; Quốc tế ca, lãnh tụ ca; Kết đoàn; Vì nhân dân quên mình.

Đặc biệt là phải thuộc mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội muốn đánh thắng kẻ thù phải kỷ luật như thế đó! "Kỷ luật là sức mạnh của quân đội", tính thống nhất phải rất cao, muôn người như một.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:51:21 am »

Sau năm tháng liên tục ngày đêm học tập chính trị, quân sự, lăn lộn vất vả trên thao trường, huấn luyện đã hoàn tất chương trình. Đơn vị đứng trước nhiệm vụ mới: rèn luyện thể lực, bồi dưỡng sức khỏe để vào chiến trường miền Nam. Chúng tôi có một tháng cán bộ, chiến sĩ ăn bồi dưỡng, chế độ được tăng lên gần gấp đôi. Mọi người được ăn no, ăn ngon, ăn xong có trái cây tráng miệng. Ngày nào tiểu đoàn cũng giết bò, mổ lợn, quản lý dùng cả xe ô tô để đi chợ. Rèn luyện sức khỏe là: đan sọt tre để đeo đá (đeo ba lô sợ rách), ngày nào cũng tập đeo đá, hành quân, leo đèo, lội suối tám đến mười giờ mỗi ngày. Đợt cuối cùng thử thách: mỗi người đeo 30kg kèm súng đạn hành quân một tuần liền đi qua năm tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Thái Bình. Ai vượt qua chặng đường này, không ốm đau, nghỉ lại là đủ tiêu chuẩn vào Nam. Tất cả anh em, đồng đội giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là quyết tâm rất cao, vì vậy 100% đạt tiêu chuẩn lên đường nhận nhiệm vụ.


Trước khi vào Nam chúng tôi được cấp trên cho về phép thăm gia đình một tuần.

Ngày 5 tháng 10 năm 1966, toàn tiểu đoàn hành quân về phép, tất cả đều quê ở Hải Dương (gọi là tiểu đoàn Hải Dương). Chúng tôi đi bộ từ Ba Dốc, Nho Quan, Ninh Bình một mạch đến Phủ Lý.

Được về thăm gia đình nên tinh thần ai cũng phấn khởi, hăng hái, đi như chạy, tốc độ 13km một giờ, vượt qua chặng đường 50km.

Khi đến Phủ Lý, một cảnh tượng nhà cửa bị san phẳng ngổn ngang, bao la là đổ vỡ vì bom Mỹ. Cầu Phủ Lý bị bom Mỹ đánh sập, mọi người qua sông bằng cầu phao của công binh. Đến ga Phủ Lý đã có sẵn đoàn tàu hỏa chờ đón chúng tôi, cả đơn vị lên tàu nhanh chóng, lúc này là 9 giờ tối.


Đoàn tàu lăn bánh xình xịch... chạy băng qua ga Hà Nội về thẳng Hải Dương. Sư đoàn 320B đã giao quân về phép cho Huyện đội Nam Sách. Huyện đội có trách nhiệm quản lý quân số và giao trả Sư đoàn đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết.


Nhà cách ga Hải Dương khoảng hai cây số, nên tôi khoác ba lô đi bộ băng qua thị xã.

Tháng 8, tết Trung thu, trăng tròn vành vạnh sáng tỏa khắp quê hương. Thị xã vắng không bóng người vì dân đi sơ tán, chỉ còn một số tự vệ ở lại quản lý và trực bắn máy bay. Không gian êm đềm tĩnh mịch, bóng tôi đi nhanh, cứ dài ra rồi tròn lại rồi dài ra dưới ánh đèn điện trên phố. Mới xa quê hương có mấy tháng mà cảm thấy như đã từ lâu rồi. Tôi thật sự thấy trong lòng lâng lâng cảm xúc khi trên đường trở về.


Khoảng hơn 1 giờ đêm tôi có mặt ở nhà. Một giấc ngủ ngon lành mà mẹ đã ban cho tôi sau sáu tháng đi xa, rèn luyện trong quân ngũ. Giấc ngủ ở nhà trong gia đình đầm ấm yêu thương, sao mà nó sâu và đẹp đến thế. Tôi mơ về miền Nam bao la đồng lúa, hát ngát rừng dừa trong buổi sáng bình minh gió lộng.


Sáng hôm sau tin bộ đội về phép lan ra rất nhanh. Tôi thức dậy, bà con, cô dì, anh em, bạn bè đã đến chơi chật nhà. Suốt mấy ngày đi thăm bà con lối xóm và các bạn thanh niên.

Dạo đó, hợp tác xã (thôn, làng) là một pháo đài, có đại đội dân quân đầy đủ súng đạn, và trung liên để bắn máy bay tầm thấp. Ngoài đồng ruộng từ cửa đình đến cầu Phú Lương, pháo cao xạ 37, 57 ly giương cao nòng quân lá ngụy trang khắp nơi sẵn sàng nhả đạn. Giao thông hào được đào nối từ nhà này sang nhà khác, chạy chằng chịt khắp làng. Nhà nào cũng có hầm trú ẩn chữ A nửa nổi, nửa chìm.


Khí thế thanh niên nam nữ sôi sục lao động sản xuất, phục vụ bộ đội.

Hậu phương lớn của miền Nam là như vậy đó!

Anh em chúng tôi về phép mà lòng cứ nao nao, sốt ruột, muốn nhanh chóng được vào miền Nam ngay để tham gia chiến đấu.

Chi đoàn thanh niên tổ chức liên hoan nhẹ, chia tay sáu anh em chúng tôi. Trên bàn chủ tọa có anh: Phạm Văn Hải (anh trai tôi), Bí thư xã đoàn, anh Vỳ, anh Vĩnh Bí thư và Phó bí thư chi đoàn cùng rất đông nam nữ đoàn viên có mặt ở chùa Ngọc Uyên.


Thay mặt sáu anh em, tôi lên phát biểu ý kiến chia tay chi đoàn để ngày mai lên đường. Một cảm giác tự hào trào dâng, cùng với niềm vui sướng hân hoan, phấn khởi, rạo rực trong lòng.

Buổi chiều cuối cùng trước khi vô Nam, tôi bách bộ một mình trên mặt đê quanh làng. Đến góc cua cuối cùng tôi dừng lại ngắm ngã ba sông Thái Bình và dòng sông Con (Kẻ Sặt). Hai dòng sông ôm ấp vây quanh tạo thành bán đảo Ngọc Uyên, phía bắc là giáp đường 5, góc phía đông là cầu Phú Lương đã bị trọng thương vì bom Mỹ. Mặt ngã ba sông mênh mông cuộn chảy, những dòng phù sa nâu sẫm đang về.


Mặt trời hoàng hôn đỏ rực từ từ khuất dần, trời không một gợn mây, trong xanh tĩnh lặng... Quay về phía xóm làng: Cánh đồng lúa xanh non mơn mởn bao la, đàn chim đang rập rờn vỗ cánh bay về nơi trú ẩn. Những cây cau cao vút xen lẫn những rặng tre quanh làng, vươn lên dưới những làn khói tỏa chuẩn bị cho bữa cơm chiều tối. Bất giác tôi nhớ đến tiếng kẻng ngân vang giục giã hàng đoàn người dắt trâu bò, vác cày bừa, cuốc ra đồng làm việc trong nắng sớm ban mai của hợp tác xã. Rồi nhớ đến tiếng trống rộn ràng trong những ngày khởi công đắp đường đào mương, cờ bay phấp phới với hàng trăm bạn thanh niên lao động tâp nập rộn rã tiếng cười.


Ngọc là viên ngọc quý, uyên là thâm, thâm là sâu. Viên ngọc nằm ở dưới sâu lòng đất. Đó là Ngọc Uyên. Không biết có tự bao giờ cái tên Ngọc Uyên ấy! Chắc là có từ khi hai ông: Lê Viết Hưng, Lê Viết Quang, hai tướng lĩnh nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân rồi về đây lập nghiệp xây dựng làng. Nên dân làng đã xây dựng Đình Ngọc Uyên để tưởng nhớ hai người. Tượng hai ông, hồn hai ông vẫn còn đó trong đình.


Viên ngọc nay đã nổi lên trên mặt đất bao la đẹp thế kia - Viên ngọc tan biến thành đình, chùa, miếu, quán, thôn xóm dân làng, lũy tre, đường sá và những cánh đồng phù sa màu mỡ.

Trong lòng tôi nặng trĩu, thẫn thờ, lưu luyến trước cảnh quê hương, xóm làng êm đềm xanh tươi.

Mặt trời đã lặn, hoàng hôn tan biến, nhường cho màn đêm tĩnh mịch, để chuẩn bị cho một bình minh rạng rỡ. Nước mắt tôi tuôn rơi khi cúi chào quê hương làng xóm yêu dấu để ngày mai cất bước lên đường.


Buổi sáng ngày 10 tháng 10 năm 1966 trả phép, trở về đơn vị. Tiễn sáu người chúng tôi (Dương, Trác, Đức, Quảng, Phao, Hào) hôm đó có rất đông người có mặt tại ga Cẩm Giàng. Nhưng tôi nhớ rất rõ hai người: anh Phạm Văn Hải và Phạm Thị Bảo (chị thằng Đức - cũng họ hàng với tôi).


Đoàn người đã khoác ba lô lên tàu, tay vẫy tay. Nước mắt của anh Hải và cô Bảo giàn giụa trong giọng nói nghẹn ngào, làm cho tôi như muốn vỡ tim.

Tàu chuyển bánh, tiếng còi hú vang. Đoàn người đưa tiễn xa dần rồi mất hút. Nước mắt chúng tôi lăn trên má. Tạm biệt quê hương đối với tôi, nhưng với rất nhiều người khác là một ngày vĩnh biệt, không bao giờ trở về.


Đây là lần cuối cùng gặp mặt và cũng là ngày cuối cùng vĩnh viễn xa anh Hải... Thật đau buồn... Nỗi đau này mãi mãi không nguôi.

Gần nửa đêm chúng tôi về tới doanh trại của đơn vị, được vài ngày nghỉ ngơi chuẩn bị tinh thần.

Núi rừng Nho Quan như im lìm, bình lặng, một mùa thu mát mẻ. Nhưng cả nước, nhất là miền Nam đang dội vang khí thế tiến công Mỹ - ngụy.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:54:09 am »

Chặng đường hành quân lịch sử

Sáu giờ tối ngày 16 tháng 10 năm 1966, tại một bãi trống ở gần khu rừng thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình, đơn vị chúng tôi được tập trung dưới lá cờ đỏ sao vàng và quân kỳ.

Theo công bố đơn vị tên là: Đoàn 741, đồng chí Củng là Đoàn trưởng, đồng chí Sa là Chính ủy. Quân số đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Vũ khí trang bị là tiểu liên AK, trung liên RBD cùng đầy đủ cơ số đạn. Mỗi người được trang bị nửa kilôgam muối, một kilôgam bột ngọt, hai hộp ruốc thịt, một hộp thuốc cá nhân, mỗi người trang bị một cái xẻng nhỏ, dao dài. Về tư trang, ngoài ba lô quần áo, tăng che võng, võng kaki hai lớp, mùng (màn) còn có hai đôi giày vải cao cổ, một đôi dép cao su đúc (có một cuộn dây dép dự phòng), một mũ tai bèo1 (Mũ tai bèo, quần áo bà ba đen để trang bị cho Quân giải phóng miền Nam - mũ tai bèo còn gọi là mũ giải phóng) và một bộ quần áo bà ba đen. Mỗi tiểu đội được trang bị đèn pin, bật lửa, búa chim. Mỗi tiểu đội được trang bị đèn pin, bật lửa, búa chim, một nồi nấu cơm, một nồi nấu canh. Nói chung trang bị rất đầy đủ đến từng cái nhỏ nhất như: thuốc chống vắt muỗi, thuốc khử trùng, v.v... và một miếng lân tinh (dạ quang) dẫn đường được gắn trên mũ giải phóng.


Toàn đơn vị xếp hàng thẳng tắp, một tiêng hô "Nghiêm" vang lên để nghe quân lệnh và lời kêu gọi:

- Hỡi cán bộ, chiến sĩ Đoàn 741! Đảng, Chính phủ, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho các đồng chí hành quân cấp tốc vào chiến trường để giải phóng miền Nam, các đồng chí có quyết tâm không?

Tiếng hò vang dậy núi rừng:

- "Quyết tâm, quyết tâm"!

Cả đơn vị rạo rực, sục sôi khí thế lên đường. Khu rừng như rung chuyển. Mệnh lệnh hành quân được đoàn trưởng công bố cho toàn đơn vị, theo thứ tự và hướng xuất phát. Hướng đi bám theo dọc quốc lộ 1 vào Nam, để giữ bí mật chỉ được hành quân ban đêm, ban ngày nghỉ trong nhà dân.


Có một đêm đơn vị hành quân gần đến huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Con đường nhỏ khoảng một mét giữa cánh đồng lúa mênh mông. Trời tối mờ, mọi người nối theo nhau nhìn vào ánh dạ quang sau mũ. Đoàn quân đang chạy đến một ngã ba đường thì tôi bị đau bụng và buồn đi đại tiện. Nhanh như cắt, không kịp báo cáo, tôi ngồi lại ngay bờ lúa ven đường. Đơn vị vẫn hành quân chạy, khi tôi đứng dậy thì bị mất hút đoàn người.


Hoảng quá! Tôi cứ chạy trên con đường mà hai bên là những ruộng lúa trải dài tít tắp. Mọi người có hiểu chăng con chim lạc đàn thì nó như thế nào không? Nó kêu thất thanh rồi bay hoảng loạn, còn tôi thì không thể kêu mà cứ cắm cổ chạy tìm đơn vị. Lúc đó gà đã gáy đổ hồi, văng vẳng có tiếng chó sủa ở xa xa... Vậy la tôi cứ nhăm theo hướng chó sủa và gà gáy mà chạy. Tôi đã chạy vào tới làng rồi, gặp mấy anh dân quân đi tuần tra, tôi mừng quá, trình bày sự việc và kể tên đơn vị để được trợ giúp. Các đồng chí dân quân dã dẫn tôi đến nhà xã đội trưởng. Mọi người nên hiểu rằng đi B (miền Nam) là trong người không có bất kỳ một loại giấy tờ nào, lý lịch trích ngang là do chính ủy nắm giữ. Tôi trình bày hoàn cảnh và kể lại sự việc với đồng chí xã đội trưởng. Đồng chí ấy động viên tôi hãy bình tĩnh, xếp sắp ngủ tạm, đến sáng sẽ dẫn về đơn vị. Vì trời vẫn còn tối. Tôi nằm mà không sao chợp mắt được, trong lòng lo lắng hồi hộp và rất nhớ đơn vị. Trời vừa sáng là bật dậy đi theo đồng chí xã đội trưởng ngay.


Qua cánh đồng đến thôn bên kia là tôi vui mừng vì loáng thoáng thấy bộ đội đi lại.

Đơn vị đây rồi! Tôi sung sướng ôm hôn mọi người và cám ơn xã đội trưởng. Như con chim non ríu rít được gặp bầy đàn. Tiểu đội trưởng nói:

- Đơn vị tưởng đồng chí đảo ngũ rồi đây!

Tôi nói:

- Đảo ngũ thế nào được, dẫu thế nào tôi cũng phải tìm bằng được đơn vị.

Một kỷ niệm nhớ đời của tôi ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cuộc hành quân vào Nam vẫn tiếp tục ngày nghỉ, đêm đi. Trong tay mỗi người tự tìm kiếm, trang bị một chiếc gậy, nó không thể thiếu trên chặng đường hành quân. Đó là "chiếc gậy Trường Sơn" mà đúng như bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết, bây giờ mỗi khi nghe lại vẫn thấy nôn nao trong lòng.


Khi đến nhà dân (trạm dừng chân) là tiểu đội trưởng phân công nhiệm vụ cho các chiến sĩ. Đào hầm trú ẩn là việc đầu tiên phải làm ngay, sau đó là tìm việc giúp đỡ dân địa phương. Chúng tôi nhường cơm sẻ áo, nhận ăn sắn, ăn khoai để cho trẻ em được ăn cơm. Bộ đội lúc đó thật tuyệt vời làm sao! Không một việc gì là chúng tôi không biết làm: đi cày, cấy, nhổ mạ, gánh phân, làm nhà, đào giếng, tắm rửa cho em bé, nghĩa là tất cả mọi việc to, nhỏ mà dân cần, chúng tôi đều có mặt. Còn ngược lại dân thương yêu bộ đội vô cùng, các chàng trai trẻ, mặt còn "búng ra sữa" mà cần cù dũng cảm. Dân chia sẻ mọi thứ mà bộ đội thiếu và cần: như chỗ ăn, chỗ ở, chỗ nấu cơm... Đi đến đâu là chúng tôi giúp dân hoàn thiện hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn đến đấy. Kỷ luật dân vận thật nghiêm khắc, không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, luôn lễ phép đúng mực trong quan hệ.    Đây là sức mạnh của quân đội, nó đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của cách mạng.


Khi chia tay ra đi, nhiều người buồn phát khóc, buồn vì phải xa các anh quá tốt, khóc vì các anh phải ra đi để nhận phần hy sinh mất mát, cũng như tất cả chồng và con em họ.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:55:22 am »

Trong quá trình hành quân, bí mật là cực kỳ quan trọng. Phải nhẹ nhàng nhưng rất khẩn trương, thần tồc, luôn ngụy trang thật kín đáo, không được phép sai lầm, sai lầm là đổ máu. Trên đường đi chúng tôi luôn quan sát, thấy có củi khô là kiếm, có lá xanh là hái bổ sung cho ngụy trang bản thân.


Tháng đầu hành quân đi bộ, ai cùng mệt nhoài, chân xưng vù, đỏ ửng. Đến trạm dừng chân ngoài lo nhiệm vụ chung, mọi người còn lo ngâm chân bằng nước muối ấm.

Các trạm dừng chân, từ trạm này sang trạm kia cách nhau khoảng bốn, năm mươi cây số, tùy theo đường khó hay dễ. Có giao liên dẫn đường, có lương thực và thực phẩm bổ sung cho bộ đội.

Dọc đường hành quân, nhân dân các tỉnh miền Trung tuy nghèo khổ, nhưng tinh thần cách mạng rất cao. Họ một lòng theo cách mạng, rất yêu quý bộ đội, bởi vì không phải họ lo chỗ ăn ở cho bộ đội một vài ngày đêm, mà là lo trường kỳ suốt cuộc kháng chiến. Nghĩa là ngày nào cũng có bộ đội sinh hoạt, ăn, ở trong nhà. Chính quyền, các đoàn thể, nhất là thanh niên, phụ nữ luôn có nhiều hình thức hoạt động phong phú, như gặp gỡ giao lưu, văn nghệ để động viên bộ đội. Trong thâm tâm họ nghĩ rằng: các anh đi miền Nam là không có ngày quay trở lại... Nghĩ vậy nên họ thương lắm... Dạo đóng quân nghỉ lại Quảng Trạch, Quảng Bình mười ngày, khi đi các cô gái nhớ thương chúng tôi vô cùng. Họ đã sáng tác ra bài hò xứ Nghệ trèo lên cây cao hát vọng xuống đoàn quân:

   Anh đi mà giải phóng miền Nam,
   Ở nhà em sẽ lo toan ruộng vườn.
   Anh đi gìn giữ quê hương,
   Ở nhà em sẽ chín thương mười chờ.
   Bao giờ thống nhất nước nhà,
   Anh về em sẽ hát ca đón chào.


Nghe tiếng văng vẳng của bài hát mà nước mắt chúng tôi giàn giụa, cổ vũ đoàn quân xốc tới.

Cuối tháng 12 năm 1966, chúng tôi đã đến làng Ho, Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Đó là địa danh cuối cùng của đồng bằng miền Trung, đơn vị phải chia tay để lên dãy Trường Sơn.

Làng Ho bị bom đạn Mỹ - ngụy (chính quyền Sài Gòn) san phẳng không còn nóc nhà nào, làng xóm đã biến thành cánh đồng dày đặc hố bom đạn. Còn dân làng Ho đã vào chân núi làm nhà, đào hầm, họ biến thành "làng chiến sĩ" để ngày đêm phục vụ chiến đấu. Chao ôi! Xúc động vô cùng khi nghe thấy cảnh này - nó đã thôi thúc chúng tôi xông lên phía trước.


Từ đây đến sông Bến Hải là vành đai chết. Đêm qua ở làng Ho chúng tôi thấy hàng trăm xe thồ bị bom pháo bắn gãy nát tan hoang. Xương thịt, xác người còn phơi tơi tả trên mặt đất, cành cây. Một mùi tanh hôi, gây gây lan tỏa nồng nặc. Đồng chí giao liên kể lại rằng: "Hôm qua có một đoàn xe đạp thồ vận tải bị máy bay B52 Mỹ rải thảm bom trúng đội hình". Mọi người xót xa vừa đi vừa mặc niệm các đồng chí đã hy sinh. Đồng chí giao liên còn cho biết hàng trăm người đã chết mà chưa kịp được thu dọn, chôn cất.


Đoàn quân chúng tôi đã đi vào dãy Trường Sơn hùng vĩ của Tổ quốc Việt Nam.

Càng vào sâu trong rừng thì càng thèm khát ánh nắng và bầu trời trong xanh. Trời mưa tầm tã, nên chúng tôi hành quân rất gian khổ. Đi trong rừng nên được đi ban ngày, vì vậy mới có điều kiện vượt nhiều núi cao, thác sâu và những con suối dài.


Đoàn đã đi qua con suối bảy ngọn (bảy dòng), đó là thượng nguồn sông Bến Hải. Nghe giao liên nói đang đi qua sông Bến Hải mà trong lòng ai cũng nặng trĩu, xót xa. Con sông chia cắt hai miền Nam - Bắc nghe mà vừa giận lại vừa thương nhưng sao nó thiêng liêng và đáng yêu đến thế!


Đêm nằm trên võng mà nghe văng vẳng bài hát: "Trông qua rặng Trường Sơn, miền quê xa tít chân trời, mây đen lặng lờ trôi, mây đen lặng lờ trôi..."1 (Lời trong bài hát "Câu hò trên bên Hiền Lương" - Nhạc: Hoàng Hiệp, lời thơ: Đằng Giao).


Đoàn người đi men theo sườn núi, dốc đá cheo leo qua những cây cầu "khỉ" chênh vênh giữa hai vách núi. Cầu khi nghĩa là chỉ khỉ đi được thôi, vậy mà dùng để ngươi đi thì gian nan lắm. Dòng người ùn lại kẹt cứng, chúng tôi phải đứng nghỉ giải lao và lúc này cây gậy có nhiệm vụ chống đỡ ba lô cho đôi vai bớt nặng.


Từng người một vịn tay trên dây song (mây), rón rén từng bước thận trọng, nó mà trượt chân thì lao xuống vực, người nát như cám.

Chính vì thế qua cầu khỉ phải mất hàng giờ, nó chỉ là cây gỗ bắc ngang, chứ đâu phải là cầu. Có hôm hành quân suốt ngày, cứ lên, xuống, vòng qua vòng lại mà chỉ qua được một ngọn núi.

Khổ nhất là đến trạm nghỉ phải nấu cơm. Cả tiểu đội quây lại chỉ nấu nổi một nồi cơm, mà phải mất cả giờ. Nấu cơm phải nấu ban đêm, mà nấu ban đêm thì không được phát ra ánh sáng.

Chúng tôi phải dùng bốn, năm cái tăng (tấm ni lông to che võng ngủ) để che mưa và quây quanh che ánh sáng? không cho lọt ra ngoài.

Xuống suối lấy nước rất gian nan, nước chỉ có ở mãi dưới chân núi sâu, lấy được bọc ni lông nước về tới nơi là chảy mất một nửa.

Cơm nấu xong rồi ăn cũng vất vả, khổ với muỗi và vắt, muỗi nhiều vô kể, vắt thì sờ đâu cũng thấy. Không cẩn thận trong khi nhai cơm vắt nó búng vào mồm, thế là nhai luôn cả vắt.

Mọi người biết không? Vắt là con đỉa rừng, nó như con đỉa dưới nước, nhưng chỉ to hơn cái tăm, dài chừng 3cm, sống ở trên cạn. Nó co lại và nhảy (chúng tôi gọi là búng) từ cành cây này sang cành cây khác, từ người này sang người khác. Ở đâu có hơi người là nó đến, vắt có thể chui rúc như con sâu. Sáng dậy sờ dưới võng, dưới chân, vắt lổn nhổn, mềm nhũn, máu dính đầy tay... nghĩ mà ghê cả người.


Những ngày hành quân như thế cứ lặp đi lặp lại trên dãy núi Trường Sơn. Đó là chặng đường gian khố vất vả nhất, nhưng cuối cùng chúng tôi đã vượt qua và sang đất nước Lào.

Sang đất Lào là sang một đất nước khác hẳn. Chúng tôi đã thoát từ rừng núi hiểm trở âm u, mưa dầm ướt át, sang đất Lào khô cháy rộng bao la.

Đi trên đất Lào vừa khô, vừa nóng, rừng lá vàng úa phủ mênh mông. Nước rất khan hiếm. Đồi núi tương đối bằng phẳng, đi cả ngày không thấy dân, cũng chẳng có nước. Khi đến được suối là mọi người lao xuống lấy bi đông đựng nước, tha hồ uống cho đã khát. Thuốc sát trùng mọi người tiết kiệm, chỉ pha diệt khuẩn khi nước suối đục mà thôi.


Sang đất Lào bộ đội được thoải mái hơn, vì không có máy bay, biệt kích xuất hiện dọc đường.

Sang đất Lào được hai ngày, đang hành quân thì mọi người nhận được lệnh từ trên xuống: "Nghỉ giải lao tại chỗ một giờ". Lệnh còn truyền thêm: Mỗi người được trích một lạng gạo rang, tiểu đội được một lạng thuốc lá rời (lấy gạo vào dân đổi) cùng nhau liên hoan đón mừng năm mới, năm 1967. Mừng đón năm mới nhưng cấm hát hò, vẫn phải lặng yên giữ bí mật.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2023, 07:56:13 am »

Cái tết dương lịch đầu tiên của những người lính trẻ xa nhà. Mọi người hạ ba lô, tìm gốc cây mát ngả lưng ngồi. Tiểu đội cử người vào bản đổi thuốc lá, xuống suối lấy nước. Thế là cùng nhau quây lại vừa ăn gạo rang, vừa hút thuốc, uống nước, âm thầm liên hoan mừng năm mới.


Trên nét mặt từng người hiện lên nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê nhưng trong lòng khí thế tiến quân vào chiến trường vẫn ngùn ngụt trào dâng. Và rất vui vì đã trải qua một chặng đường dài thành công, chưa tổn thất hy sinh mất mát.


Đi trên đất Lào khoảng hơn mười ngày là chúng tôi lại trở về đất Việt - tới Tây Nguyên. Chặng hành quân này có lúc băng qua hoặc đi dọc quốc lộ 9 nối liền hai nước Việt Nam - Lào.

Như vậy là Đoàn 741 đã đặt chân lên đất miền Nam thân yêu. Nhưng mới là Kon Tum, Gia Lai, chưa phải đích cuối cùng. Đồng bào miền Nam, rừng dừa, cánh đồng của vựa lúa mênh mông, Sài Gòn hoa lệ vẫn còn chờ, vẫy gọi chúng tôi ở phía trước.


Hành quân trên đất Tây Nguyên khác hẳn trên đất Lào. Trên đường thường xuyên gặp quân giải phóng mặc quần áo bà ba, đội mũ tai bèo, gặp nhau là vẫy chào, không khí rộn ràng hẳn lên. Tiếng bom đạn râm ran suốt ngày đêm, trên trời máy bay trực thăng, phản lực liên tục gầm rú bắn phá. Dưới mặt đất xuất hiện nhiều biệt kích và mìn gài dọc đường mòn.


Toàn đoàn nghỉ một ngày để học tập chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các quy định của quân giải phóng.

Kể từ nay chúng tôi mặc quần áo bà ba, đội mũ tai bèo. Đơn vị cũng được quán triệt về tình hình địch và các yêu cầu đặt ra trong thời kỳ hành quân mới, luôn cảnh giác cao độ.

Sẵn sàng tinh thần vừa hành quân vừa chiến đấu. Vũ khí trang bị được bổ sung thêm đầy đủ. Nhiệm vụ đơn vị chưa phải tìm địch diệt, mà vòng tránh để kịp đến đích cuối cùng mà cấp trên giao. Tuy nhiên, nếu cần vẫn chiến đấu mở đường để tiến lên phía trước.


Đơn vị đã lác đác có người bị bệnh sốt rét khi đi qua sân bay Bù Gia Mập (gần như bị bỏ hoang) gần trạm T41, phía nam Tây Nguyên.

Đêm nay đơn vị nghỉ tại trạm T41 vì bộ đội sốt rét tràn lan nhiều quá. Tôi vừa đặt ba lô xuống đất là mắc võng nằm ngay. Người bị sốt rét run cầm cập, bên trong lạnh thấu xương, đồng thời khát nước vô cùng.


Mấy anh em cùng tiểu đội và cũng là cùng quê lao đến giúp đỡ tôi căng bạt, xếp ba lô. Tôi run lên rung cả võng và hét rất to:

- Nấu nước lá tre đi Đức, Phao ơi! Tao khát gần chết rồi (không hiểu sao tôi thèm nước lá tre đến thế!).

Thế là mấy đứa nấu khẩn cấp một nồi nước lá tre cho tôi uống. Nồi nước vừa nguội là tôi bật dậy lấy bát sắt múc uống liên tục cạn hết cả nồi nước uống hết nồi nước là tôi lên võng nằm vật ra bất tỉnh.

Sáng sớm hôm sau tiểu đội phải khiêng cáng tôi vào trạm xá T41 cấp cứu.

Vào trạm xá tôi không biết gì hết! Gần như bị điên, cởi sạch quân áo vứt đi, chạy khắp rừng, cả tuần liền sốt rất cao. Ở trạm xá đa số là con gái Tây Nguyên làm y tá, hộ lý đã chạy đuổi theo tôi trói lại đưa về giường, lán điều trị. Người ta cho uống một bát gì đó mát lạnh sau đó tôi ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy tôi nghe thằng Đức nói:

- Em cũng bị sốt rét nhưng nhẹ và thường thôi! Còn anh là sốt nặng, bác sĩ nói là sốt rét ác tính đấy!

Tôi hỏi:

- Thế đơn vị và anh em cùng làng đâu rồi?

Thằng Đức trả lời:

- Ông Trác, Phao, Hào, Quảng cùng đơn vị hành quân đi tiếp rồi!

- Vậy là anh em mình phải ở lại, không theo đơn vị à?

- Anh và em vẫn còn sốt, nhất là anh bị sốt ác tính, đầu rụng hết tóc rồi kìa! Sao mà đi được, phái ở lại điều trị thêm ít ngày nữa, sau đó đi thu dung.

Đi thu dung là những người bị ốm không theo đơn vị được, phải nằm viện, sau khi hết bệnh, trạm sẽ tổ chức gom lại khoảng vài chục người đi theo đoàn nhỏ.

Một buổi sáng tôi dậy sớm xuống suối rửa mặt, khi đứng dậy mắt cứ mờ dần, thấy hơi sốt sốt trong mắt, mọi người đưa tôi đi gặp bác sĩ, tôi lo sợ khóc ầm lên. Sau khi khám, bác sĩ kết luận mắt tôi bị nhiễm độc.


Toàn trạm xá và các đơn vị xung quanh được lệnh báo động, cảnh giác phòng nhiễm độc nước suối. Còn tôi mắt đã không nhìn thấy chữ và đường đi. Ngày nào bác sĩ cũng cho thuốc nhỏ, rửa mắt, đồng thời phát dầu cá cho tôi ăn.


Một tuần sau không còn sót, đau nhưng tôi không nhìn thấy đường. Thằng Đức nó quyết định dắt tôi đi thu dung để hành quân vào đích cuối cùng. Vậy là anh em tôi rời trạm T41 lên đường đi tiếp. Tôi may mắn có thằng em họ, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ tôi trong suốt chặng đường còn lại. Cuộc đời đi thu dung như bầy én bị lạc đàn, hồi hộp lo lắng, tuy được ưu tiên không phải mang vác súng đạn, nhưng vì sức còn yếu nên đi chậm và gặp nhiều khó khăn. Anh em chủ động bảo nhau lo trên dọc đường đi, độc lập về mọi mặt, tốp năm, tốp ba, trông nhếch nhác và lếch thếch lắm.
Nhờ có giao liên phụ trách tận tình nên khoảng hơn một tháng chúng tôi đến trạm K9.


Trạm K9 là trạm tập kết cuối cùng ở B2 (miền Đông Nam Bộ) thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm sát thượng nguồn sông Sài Gòn. Rừng chủ yếu là cây le, tre và cây buông. Cây le giống như cây trúc nhưng rất dài, cây buông rất to, đường kính thân khoảng 50cm, lá giống lá cọ nhưng to gần bằng cái nong. Quân giải phóng thường chặt lá buông để lợp nhà, còn gốc buông là nơi chắn bom, pháo rất tốt.


Đến trạm K9 sức khỏe tôi khá nhiều, tuy mắt vẫn mờ nhưng hồng hào, nhanh nhẹn hẳn ra. Còn thằng Đức nó lại suy sụp, ngày nào cũng sốt, không dậy được, cứ ngủ li bì trên võng.

Ăn uống ở trạm khá tốt, thịt rau đầy đủ, mọi người thay nhau giúp đỡ anh nuôi hái măng, chặt củi để chờ ngày bổ sung đi chiến trường. Đoàn xung kích 1, do vợ chồng ca sĩ Tô Lan Phương làm nòng cốt đã đến phục vụ cán bộ, chiến sĩ mới ở miền Bắc vô. Tôi nhớ mãi bài ca vọng cổ: "Bài ca Đồng Tháp gửi anh chiến sĩ giải phóng quân". Một bài hát có sức lôi cuốn, động viên mãnh liệt, rất hợp với hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó: "Thương các anh, đường xa mang nặng, đói cơm thiếu muối, gặp quân thù anh chắng sợ hy sinh, thề quyết chiến đến thắng lợi cuối cùng" và "Gặp nhau đây ta nhớ nhau nhiều, mai anh ra chiến trường có tiếng hát của em theo".


Bài hát này tôi đã phải đi tìm 47 năm mới thấy và được nghe lại, nó vẫn ngọt ngào và tha thiết biết bao, gợi lại cho mình chặng đường gian lao nhưng đầy kiêu hãnh.
Logged
thongdiepthoigian
Thành viên
*
Bài viết: 143



« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2023, 07:47:11 am »

Người chiến sĩ giải phóng quân - Xuân 1968

Trong thời gian nằm ở trạm K9, Tây Ninh đang diễn ra một trận càn Gian-xơn Xi-ty lớn nhất từ trước đến nay, nhằm tiêu diệt Trung ương Cục, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Với một lực lượng 45.000 quân Mỹ, 1.300 xe thiết giáp, 162 máy bay ném bom, 300 máy bay lên thẳng 67 máy bay vận tải và trinh sát, 306 pháo đại bác.

Phía ta có: 16.000 tay súng mà nòng cốt là Sư đoàn 9 chủ lực, lúc đó ta đã có pháo cao xạ 12,7 ly, cối 82 ly, B40, B41 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Địch dùng B52 rải thảm bom napan, chất độc làm trụi lá rừng Dương Minh Châu.

Sau 53 ngày đêm (từ 22-2 đến 15-4-1967) kiên cường dũng cảm chiến đấu, địch đã thiệt hại nặng nề, phải rút lui và kết thúc trận càn. Cơ quan đầu não của Trung ương Cục và Giải phóng quân vẫn an toàn.


Kết quả ta đã diệt 7.614 tên địch, bắn cháy 558 xe tăng, xe quân sự các loại, phá hủy và thu 109 đại bác, bắn rơi 42 máy bay. Đây là thất bại trực tiếp, nặng nề nhất, làm rung chuyển nước Mỹ.

Vào một buổi sáng trung tuần tháng 3 năm 1967, có đơn vị cử cán bộ đến nhận quân bổ sung. Anh em chúng tôi vẫn ngồi trên võng để nghe trạm trưởng K9 và đồng chí cán bộ phát biểu quán triệt tinh thần bộ đội.

Đồng chí cán bộ nói:

- Xin chào các đồng chí! Các đồng chí đã dũng cảm vượt qua bao gian lao vất vả để vô với đồng bào và Quân giải phóng miền Nam. Đồng bào, quân giải phóng chúc mừng các đồng chí. Bây giờ có một nhiệm vụ "đặc biệt" chúng tôi cần tinh thần xung phong của năm đồng chí! Yêu cầu phải có sức khỏe, trình độ văn hóa, có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.


Nhìn vào đoàn thu dung còn ốm yếu, mệt mỏi thấy có sáu người xung phong đứng dậy trong đó có tôi. Số còn lại đang bị sốt rét chưa đứng dậy được.

Đồng chí cán bộ đến gặp sáu người, nói chuyện và phỏng vấn. Cuối cùng có ba người được công nhận đủ tiêu chuẩn đi làm nhiệm vụ "đặc biệt" gồm hai người ở Hà Tây và tôi.

Tôi mừng lắm nhưng cũng rất buồn vì phải chia tay thằng Đức, người anh em gắn bó bấy lâu nay. Tôi tới chỗ võng thằng Đức đang nằm nói:

- Suốt chặng đường gian lao, khổ cực, hàng ngàn cây số sống chết có nhau, giờ đây người đi, người ở, anh đi không đành. Nhưng hiện anh đã khỏe, không xung phong đi không được.

Đức nghẹn ngào nói:

- Em vừa hết sốt, vẫn phải ăn cháo, đi còn run chưa theo anh được anh à!

Tôi ngồi xuống võng vỗ vai Đức:

- Vậy anh đi trước xem thế nào! Sau đó quay lại đón em nhé! Nhưng em phải cố gắng ăn uống, dậy đi lại, tập cho nhanh khỏe đấy!

Thế là anh em lăn tăn nước mắt chia tay nhau.

Tôi khoác ba lô cùng hai người nữa đi theo anh cán bộ nhận nhiệm vụ "đặc biệt". Đi loanh quanh qua mấy con suối cạn và khu rừng là đã đến nơi.

Tôi nghĩ bụng và xì xào với hai anh em đi cùng:

- Sao đi nhanh quá vậy, mười lăm phút đã tới rồi! Chả nhẽ đây là nhiệm vụ "đặc biệt" sao?

Đồng chí cán bộ nói:

- Tới nơi rồi các đồng chí à!

Rồi đồng chí ấy dẫn ba anh em vào một căn nhà lá buông chỉ:

- Đây là nhà và hầm ở của các đồng chí! Mọi người tranh thủ sửa sang, vệ sinh, nạo vét hầm cho sạch sẽ.

Sau khi chúng tôi xếp ba lô xong, đồng chí dẫn ba người đi tiếp 50 mét tới căn nhà to và rộng lợp bằng lá trung quân1 (Lá trung quân là loại lá cây rừng to bằng nửa lá bàng nhưng hơi dài, quân giải phóng gập và đan gài thành từng tấm dài 2 mét để lợp nhà, nó không cháy được) - trong nhà có bốn, năm người nói:

- Đây là đồng chí Nguyễn Chí Trung, tôi giao ba người này cho đồng chí để sử dụng.

Tôi mạnh dạn hỏi:

- Thế còn đồng chí là...

Anh Trung nói luôn:

- Đây là đồng chí Ba Thuật, phó ban quân nhu Đoàn 85, Cục Hậu cần miền Nam.

Sau thời gian tìm hiểu tôi được biết: chỗ chúng tôi đang làm việc là Ban quân nhu Đoàn 85, vừa mới được thành lập sau trận càn Gian-xơn Xi-ty. Anh Trung là trợ lý quân nhu tổng hợp, người phụ trách trực tiếp chúng tôi.


Ngày hôm sau ba người được anh Trung thử việc. Mỗi người được giao một quyển sổ 100 trang, một cây bút bi, thước và mấy tờ giấy trắng. Chúng tôi được viết lý lịch tự truyện, muốn viết gì thì viết, đồng thời kẻ mỗi người một mẫu biểu theo hướng dẫn. Sau khi xem "bài thử việc" của mọi người, đồng chí ấy khen tôi:

- Đồng chí Dương viết chữ khôn và đẹp, mẫu biểu vuông vắn, chữ số viết chuẩn dễ đọc.

Vậy là chỉ một mình tôi được ở lại Ban quân nhu làm thống kê, còn hai đồng chí kia chuyển đi đơn vị khác.

Tôi thầm nghĩ chả lẽ đây là nhiệm vụ "đặc biệt" sao? Và tôi không ngờ rằng nhiệm vụ này nó đã theo tôi suốt những năm tháng dài đằng đẵng.

Anh Nguyễn Chí Trung hơn tôi sáu tuổi, quê ở xóm Ao Gừa, ấp Đông Nhì, xã Tân Thanh, quận Cần Đước, tỉnh Long An. Tính tình anh nhân hậu, mềm mỏng, ở gần anh tôi học được rất nhiều điều.
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM