Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:09:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếng súng 40 năm  (Đọc 2386 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:09:04 am »

Tên sách: Tiếng súng 40 năm - Hồi ký (Kỷ niệm 40 năm toàn quốc kháng chiến)
Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 1986
Số hóa: macbupda


Biên tập   :   LÊ BẦU
Biên tập   :   TRẦN NGỌC QUÝ
Trình bày   :   NGUYỄN HUỲNH MAI
Sửa bản in   :   LÊ BẦU
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:11:24 am »

HÀ NỘI TRƯỚC VÀ SAU GIỜ NỔ SÚNG

Trung tướng
TRƯƠNG CÔNG CẨN


Sau Tết Bính Dần, vài chục anh chị em vốn là cán bộ chiến sĩ trung đoàn Thăng Long, tổ chức họp mặt, cùng ôn lại quãng ngày chiến đấu bảo vệ Thủ Đô với hy vọng sẽ giúp dựng phần đầu cuốn sử của Trung đoàn.


Đã hẹn, đã chờ đợi ngày hẹn, thế rồi vẫn bàng hoàng xúc động lặng nhìn nhau không nói được với nhau những lời chào hỏi tình cảm nhất như từng người đã dự định. Nhiều giọt nước mắt lăn trên má không chỉ những người từng được gọi là "các cô em gái của Trung đoàn". Bốn mươi năm không phải ngắn ngủi với đời một con người càng không phải ngắn đối với đời những người lính "3 thời kỳ" như nhiều anh chị em chúng tôi trong cuộc họp. Giờ đây địa vị xã hội, hoàn cảnh công tác, cuộc sống riêng tư, sức khỏe, tuổi tác từng người chúng tôi không giống nhau. Đôi ba anh chị em đã gánh chịu những éo le của số phận. Song những cách biệt ấy tiềm ẩn một sức mạnh gắn bó chúng tôi như những năm còn trai trẻ. Chúng tôi ôn lại đủ mọi thứ chuyện: chiến đấu, riêng tư… trong tiếng cười vui thoải mái tâm tình. Câu chuyện giữa chúng tôi trầm xuống phảng phất không khí thiêng liêng, khi chúng tôi nhắc đến những đồng chí đã hy sinh.


Tiễn đưa một số anh em ra về, đi qua các đầu ô, trong cái rét ngọt còn vương hương vị Tết, tôi nhớ không khí của Hà Nội những ngày trước và sau giờ nổ súng.

Cuối năm 1945, như mọi chiến sỹ giải phóng quân đắm mình trong khí thế bừng bừng chống bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, tôi lại xin Bộ chỉ huy khu XI, còn gọi là khu đặc biệt Hà Nội, được lên đường Nam tiến. Nhưng rồi tôi nhận được quyết định: về khu bộ phụ trách phòng chính trị.
Bâng khuâng, tôi tạm biệt các đồng chí tiểu đoàn 101 – sau này là tiểu đoàn 54 thuộc trung đoàn Thủ đô – Tiểu đoàn 101 là một bộ phận của "công nhân xung phong đoàn" thành Hà Nội, thêm đại đội Mộng–Hùng quân giải phóng thuộc chi đội Quang Trung từ chiến khu về. Từ những buổi đầu tiên "Hà Nội đỏ sao cờ" tôi đã là người lính của đơn vị đang giữ nhiệm vụ bảo vệ khu vực Bắc Bộ phủ  nơi làm việc của Cụ Hồ và Chính Phủ dân chủ cộng hòa của nước việt Nam. Từ đơn vị này, tôi được anh em bầu dần lên từng cấp: tiểu đội, trung đội, đại đội, cuối cùng được cấp trên cử làm chính trị viên tiểu đoàn ngay tại chính đơn vị đã nhận tôi vào đội ngũ.


Khi tôi về phòng chính trị, khu bộ khu XI đóng trong trại vệ quốc đoàn Trung ương  giữa phố Hàng Bài trước cửa rạp Ma-jes-tic  một rạp chiếu bóng sang trọng bậc nhất Hà Nội. Ở giữa lòng Hà Nội, hàng ngày Bộ chỉ huy khu, ngoài các nguồn tin được thông báo, còn tận mắt chứng kiến không ít sự kiện căng thẳng.


Choáng váng sửng sốt trước tin cách mạng tháng 8 đã nổ ra thành công nhanh chóng ở Hà Nội, Xanh-tơ-ny tên cáo già thực dân Pháp chỉ huy "phái bộ 5" đại diện cơ quan tham mưu quân đội Pháp ở bên cạnh Bộ tham mưu Đồng Minh ở Côn minh (Vân Nam Trung Quốc), cầu xin được "bám càng" máy bay Mỹ liều lĩnh đến Hà Nội chiều ngày 22-8-1945.


Bắc bộ đang lụt to, đêm 24-8-1945 đê Đông Lao ở Hà Đông vỡ! Bức điện đầu tiên, y báo cáo về cấp trên của y đóng ở Săng-đéc-ma-go thuộc địa cũ của Pháp ở Ấn Độ: "Tôi thấy Hà Nội chỉ treo toàn cờ Việt Minh" Y không biết nạn đói khủng khiếp vừa làm chết 2 triệu người ở miền Bắc, nạn đói mới càng đe dọa chúng ta? Y không biết chính quyền ta còn non trẻ gần như trắng tay với bao nhiêu khó khăn chồng chất? nhưng cái làm cho y sợ nhất, lo lắng nhất: "lá cờ đỏ sao vàng".


Trong cuộc đời, có những giờ phút làm cho con người ta vụt lớn hẳn lên.

Hà Nội ngày Tổng khởi nghĩa cờ đỏ đỏ rực phố phường Hà Nội đón Cụ Hồ và đoàn quân giải phóng ở chiến khu về. Hà Nội đêm trung thu đầu tiên ở Hồ Gươm, cùng tiếng trống ếch khắp nơi. Hà Nội ngày Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình. Hà Nội ngày tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử đất nước. Hà Nội ngày phản đối quân đội Pháp xâm lược Sài Gòn với một cuộc biểu tình khổng lồ hơn 1.000.000 người! Hà Nội tiễn đưa con em mình Nam tiến v.v… Hà Nội – Thủ Đô đã vụt lớn lên gấp bội cả tầm cao và sức mạnh.


Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ cùng một lúc có nhiều kẻ thù như năm 1945 – 1946.

23-9-1945 quân đội Anh giúp quân đội Pháp đánh chiếm lại Sài Gòn. Hà Ứng Khâm, Tổng tham mưu trưởng quân đội Tàu Tưởng, chớp thời cơ này bay sang Hà Nội thực hiện kế hoạch lật đổ ta, đưa bọn "Việt Quốc" "Việt Cách" lên nắm chính quyền. Nhưng trước sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa, Khâm ta đành chịu giao thiệp với chính quyền ta, để rồi tiếp tục thực hiện kế hoạch đó bằng thủ đoạn khác.


Tại các cuộc họp của ban cán sự Đảng quân khu Hà Nội – tôi là một ủy viên – chúng tôi được đồng chí Trần Độ bí thư Ban cán sự, chính trị ủy viên khu phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tôi nhớ nhất, sau khi phân tích âm mưu từng kẻ thù Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng, mâu thuẫn giữa chúng, những thắng lợi và khó khăn của ta, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh Pháp là kẻ thù chính, Pháp sẽ tìm mọi cách chiếm lại Đông Dương, điều mà Đảng ta đã nói trong nghị quyết ngày 13-8-1945 quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc: phải biết lợi dụng mâu thuẫn của kẻ thù mà tồn tại và phát triển; cách duy nhất để chống lại được âm mưu của kẻ thù là dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân phải gấp rút xây dựng quân đội và lực lượng vũ trang… Để động viên quân khu, tôi nhớ có lần anh Độ đã mời anh Lê Đức Thọ bí thư xứ ủy Bắc Kỳ xuống dự họp Ban cán sự Đảng. Trong 2 lần đó sau khi phân tích nghị quyết của Đảng, anh Lê Đức Thọ đã nói: "Nền độc lập mới giành được có thể bị thủ tiêu, nguy cơ nhân dân ta phải sống lại cuộc đời nô lệ là một nguy cơ có thật. Thực tế chứng tỏ giữ chính quyền còn khó hơn giành chính quyền. Cần nói rõ điều đó với anh em bộ đội và nhân dân…".
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:14:32 am »

Chiều chiều, nhiều người dân Hà Nội quây chung quanh các bản tin cuối cùng được dán trước các báo "Cờ Giải phóng", "Cứu Quốc", "Dân Thanh", "Đông Pháp"… Tại miền Nam lúc này, quân Pháp đã vào Nha Trang, tiến lên Đà Lạt. Từ rừng rậm biên giới Việt Trung, Việt Lào, bọn tàn binh Pháp thua trận ngày 9-3-1945 đã bò ra chiếm thị xã Lai Châu rồi về Sơn La. Bọn "Việt Quốc", "Việt Cách" "bám chân" 20 vạn quân Tàu Tưởng, chiếm một số thị xã thị trấn Lào Kay, Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái.
Bọn Tưởng đã ép chúng ta nhượng cho "Việt Quốc" "Việt Cách" 72 ghế trong quốc hội không qua bầu bán gì.


Bọn "Việt Quốc", "Việt Cách" cướp của, giết người, tống tiền, bắt cóc… Nhân dân Hà Nội rất căm tức, khinh bỉ chúng.

Bọn lãnh tụ của chúng đi đâu, đều có 2 tên vệ sỹ nằm dài ở đầu xe, từ 1 đến 2 tên nữa nằm ở cuối xe; tay giơ súng "Pạc hoọc". Bọn "Tàu trắng" vơ vét bất kể cái gì có thể vơ vét được, cướp giật ở các chợ búa, phố phường.


Chúng chết la liệt ở Hà Nội, có hôm tôi đi qua ngã tư Giám, gò Đống Đa, tôi thấy chúng để xác của đồng bọn trương phình ra, ruồi nhặng kinh khủng. chúng rắc bệnh sốt định kỳ, sốt vàng da, một số người Hà Nội cũng bị lây và chết sau khi đã qua được nạn đó khủng khiếp.


Để Pháp vào được Đông Dương, Mỹ ép Pháp và Tưởng ký hiệp ước Pháp-Hoa ngày 28-2-1946. Bản hiệp ước này là sự ngã giá của 2 kẻ trục lợi sau một cuộc mặc cả gay go ở Trùng Khánh, nhưng hoàn toàn không bất ngờ với Đảng ta.


Ngay từ khi Nhật đầu hàng, Xanh-tơ-ny (Sainteny) đã cuống quýt xoay xở một chiếc máy bay định nhảy dù xuống ngay trước phủ toàn quyền Đông Dương cũ, nhanh chóng xông vào dinh toàn quyền cũ cắm lá cờ tam-tài lên đó để chứng tỏ với nhân dân Việt Nam và khối  Đồng Minh rằng Đông Dương vẫn là của Pháp!1 (Theo sách: "Lịch sử của một nền hòa bình hụt" của Xanh-tơ-ny (Histoire d'une paix manquée)).


Không có máy bay riêng, Xanh-tơ-ny đến Hà Nội chậm hơn sự mong muốn của hắn nhiều (22-8-1945)

Chậm chân nhưng hắn vẫn ráo riết hoạt động. Hắn cho cắm trước mũi xe ô-tô một lá cờ Pháp phóng trên phố phường Hà Nội. Lực lượng vũ trang và công an ta được lệnh bắt giữ cả Xanh-tơ-ny và chiếc xe. Bọn Mỹ và tàu Tưởng dù sao cũng không để cho ta giam giữ đồng minh của chúng một tội phạm. Hồi đó ta cũng không thể trục xuất tên khách không mời mà đến này, nhưng về phía hắn, hắn đành theo luật lệ của chính quyền ta. Cờ Pháp chỉ được kéo lên ở Hà Nội sau ngày 6/3 nhưng cũng lẻ loi so với cả rừng cờ đỏ Hà Nội.


Ký xong hiệp ước Pháp – Hoa, sự tình sẽ ra sao nếu "Việt Minh" tổ chức kháng chiến, khi quân đội Pháp đặt chân lên Hải Phòng, nói gì kéo đến Hà Nội? Nam Bộ mới cướp chính quyền có mấy ngày chưa kịp làm được gì mấy, Pháp đã nhờ Anh và Nhật giúp đánh ngay, thế mà Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã giáng trả cho Pháp khá đau. Trước một thực tế quá hiển nhiên đó, thực dân Pháp đành tính toán: để chiếm lại Việt Nam cần có 30 vạn quân viễn chinh. Lúc đó, nếu nhờ một phép lạ mà có được số quân ấy, lấy gì mà chở số quân đó sang Việt Nam, chưa kể sẽ vận chuyển bổ xung quân số, và hậu cần cho chiến tranh chắc chắn là dài ở nơi xa nước Pháp: Nước Pháp tuy về danh nghĩa được đứng trong phe Đồng Minh, nhưng đã thua phát xít Đức, hạm đội Pháp đã bị phát xít Đức tiêu diệt gần hết, ảnh hưởng Đảng cộng sản Pháp lại rất cao; ở Đông Dương Pháp lại 2 lần đầu hàng Nhật. Nước Pháp đã suy yếu nhiều, cần có một bước đi thận trọng, phải chấp nhận sự vòng vèo.


Ký hiệp ước 6-3 với ta, Pháp toan tính cốt đưa được quân đội Pháp ra miền bắc yên ổn, trước hết là Hà Nội, Hải Phòng, chờ viện binh rồi sẽ lấn dần, bao vây bóp nghẹt rồi kết thúc ở Hà Nội: đảo chính lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh.


Pháp buộc phải công nhận "Việt Nam là một quốc gia tự do, có quân đội, tài chính riêng, nằm trong liên bang Đông Dương và khối liên hiệp Pháp".

Với bản hiệp ước này, ta tận dụng được thời gian, tăng cường lực lượng để làm cho mình mạnh lên. Ai nấy đều tin chắc thời gian lại ủng hộ chúng ta như chỉ thị "Hòa để tiến" của Đảng đã chỉ rõ.

Xuống công tác tại các đơn vị, tôi đem chuyện Hồ Chủ tịch khuyên nhủ, bảo ban, chăm sóc bộ đội ra sao kể lại. Tôi tin với những mẩu chuyện ấy, dù người kể không có duyên, cũng đủ sức hấp dẫn người nghe; hơn thế nữa, qua những mẩu chuyện ấy, sẽ để cảm nhận tình hình địch, ta, xu thế của tình hình, dễ dàng cảm nhận họ sẽ phải làm gì?


… Một trung đội đóng ngay tầng dưới nơi Bác làm việc, vừa đi tập về. Bác từ trên gác xuống, tôi vừa kịp hô bộ đội đứng nghiêm chào bác, Bác đã tươi cười ra lệnh cho bộ đội nghỉ, rồi quay lại hỏi đồng chí Quang Trung1 (Hồi đó đồng chí Quang Trung chỉ huy 1 chi đội ở khu giải phóng về, đặc trách bảo vệ Bắc Bộ phủ và Bác.):

- Sao không huấn luyện cho anh em chiến đấu mà chỉ có đi đều, quay trái, quay phải? Phải bày cho anh em biết đánh du kích, biết đánh trong thành phố.


Một lần khác, cũng mới đi tập về, quần áo anh em lấm lem vì lăn lê bò toài, tập vượt tường, Bác lại xuống thăm. Bác hỏi: "Các chú có mệt không?" rồi Bác đi thẳng đến 1 khẩu súng "mút-cơ-tông" của 1 đồng chí vừa dựng vào giá súng. Bác ngoáy vào nòng súng, đưa cho chúng tôi xem, ngón tay út của Bác đầy mỡ pha lẫn bụi cát.

- Thế này là không biết giữ gìn vũ khí. Muốn chiến đấu tốt, các chú phải yêu vũ khí như bản thân mình.

Có lần, vào 1 buổi chiều, Bác lại xuống thăm đơn vị. Bác bảo chúng tôi dẫn Bác đi xem nhà bếp, nhà xí. Nhà bếp nhà xí đều không sạch! Bác nhẹ nhàng nhắc chúng tôi, rồi Bác đi vào trung đội do đồng chí Đặng Tý đại đội phó phụ trách. Bác thấy trung đội gọn gàng ngăn nắp, nhìn lên tường thấy ghi những điều kỷ luật của đội viên du kích mà tôi học được trong tù, Bác hài lòng nói:

- Bộ đội cần tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm. Có tổ chức chúng ta sẽ không sợ bất cứ kẻ thù nào.
Chúng tôi vô cùng súng ướng vì thấy Bác vui, chúng tôi càng thương Bác vì chúng tôi biết mấy hôm đó Bác đang mệt, càng ân hận vô cùng vì đã không kiểm tra để cho nhà bếp và nhà xí không sạch!
Mỗi lần được gặp Bác, chúng tôi luôn thấy ấm cúng tình người, tình đồng chí, tình cha con.
Vào một buổi trưa trời nói, vài anh em trong ban chỉ huy đại đội chúng tôi mở quạt chạy hết tốc độ rồi ngủ thiếp đi. Bỗng nhiên, tôi thấy có ai vỗ vào vai, nhỏ nhẹ:

- Để quạt trần chạy to quá dễ bị cảm. Phải giữ gìn sức khỏe mới chiến đấu được.

Chúng tôi đều thức dậy xúc động nhìn Bác, Bác đã hãm quạt trần chạy chậm lại, rồi Bác hỏi: "Lâu nay, các chú ăn uống ra sao?" Không biết cậu nào nhanh nhẩu:

- Dạ thưa Cụ, lâu lắm mới có một bữa cá, cá lại hơi lắm xương!

- Thế các chú có biết cá gì không có xương không nào?

Anh em chúng tôi đang ngơ ngác suy nghĩ, Bác trả lời ngay:

- "Cá gỗ"

Tất cả cùng bật lên cười vui với Bác.

Những lời bảo ban chí tình, những cử chỉ chăm sóc của Bác, khiến chúng tôi thấy được tình thế trước mắt rất dễ biến động và phải chuẩn bị thật đầy đủ để ứng phó khi biến động xảy ra.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:18:33 am »

Những lời bảo ban chí tình, những cử chỉ chăm sóc của Bác, khiến chúng tôi thấy được tình thế trước mắt rất dễ biến động và phải chuẩn bị thật đầy đủ để ứng phó khi biến động xảy ra.

Hầu hết người Hà Nội đồng tình ủng hộ việc ký hiệp ước 6-3-1946 với Pháp. Lòng tin đó không phải là một tín ngưỡng có sẵn. Ai đã tổ chức công cuộc cứu đói chống lụt khi mới giành được chính quyền? Ai lo cho dân nghèo từng bơ gạo, từng tờ giấy để vượt qua nạn đói mới đang đe dọa miền Bắc và nạn mù chữ lâu đời? Ai lo việc tổ chức kháng chiến ở miền Nam và gửi con em miền Bắc vào miền Nam cũng chiến đấu? Ai tổ chức cho dân chọn đại biểu của mình vào Quốc Hội bàn việc nước? Câu trả lời thật quá rõ ràng. Bọn "Việt Quốc" "Việt Cách" la lối om sòm "Việt Minh cộng sản mở đường cho Pháp chiếm miền Bắc". Những từ ngữ "đánh đến cùng" được mạ kền đánh bóng bằng mấy tiếng "ái quốc ái quần" không đánh lừa được ai. Người lao động Hà Nội vừa qua nạn đói, còn xanh xao vàng vọt, nhưng chẳng ai thèm nhận 5 đồng bạc Đông Dương cùng một gói cơm tiền công chúng trả cho một buổi đi biểu tình chống tổng tuyển cử, "chống Việt Minh cộng sản rước Tây ra miền Bắc"… Để cho rõ hơn về chúng, chúng ta chú ý Nguyễn Tường Tam lãnh tụ của chúng đã bí mật gặp Xanh-tơ-ny ở Côn Minh bàn về "Hợp tác Pháp – Việt" sau khi Nhật đầu hàng!1 (Theo sách: "Lịch sử của một nền hòa bình hụt" (Histoire d'une paix manquée, Sainteny)) những tên "Việt Cách" – "Việt Quốc" là những tay sai đắc lực mà sau này Mỹ, Diệm đã dùng trong các chiến dịch "tố cộng diệt cộng" đẫm máu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số nơi khác ở miền Nam.


Riêng việc 20 vạn quân Tàu hàng ngày ngốn mất hàng chục tấn gạo, phá phách chúng ta chưa biết đến bao giờ, phải cút về nước, thay vào đó chỉ có 15.000 quân Pháp được phép đóng trong thời hạn 5 năm tại Hà Nội, Hải Phòng và một vài tỉnh khác, đã cho thấy nên hay không nên ký hiệp định 6-3. Chỉ sau đó ít lâu, thắng lợi của việc ta ký kết bản hiệp định, đã khiến cho một số người trước đây ít nhiều hoài nghi đã phải thán phục. Họ nói: "Cụ Hồ thánh thật!". Họ chơi chữ theo cách nói lái: "Đúng là một đòn mác xít"2 (Mác-xít nói ngược thành "Xít-mác" - tiếng Pháp nghĩa là mồng 6 tháng 3)


Bọn "Việt Quốc", "Việt Cách" càng ra sức phá chúng ta, cho đến khi âm mưu giúp Pháp gây "màn đảo chính" đánh úp chính phủ ta nhân ngày quốc khánh Pháp 14-7-1946 bị chúng ta lật tẩy, chúng vội vàng vơ vét tiền của chạy theo quan thầy Tàu Tưởng.


Nhân đấy, chúng ta quét sạch bọn phản động, đánh giải phóng luôn những nơi mà bọn chúng chiếm đóng Chính quyền ta được củng cố vững chắc hơn, kể cả ở các vùng bị tạm chiếm ở miền Nam, không gian ta được mở rộng ra.


Vốn không là dân Hà Nội gốc nên khi trên đường xuống các đơn vị công tác, tôi thường ngắm nhìn phố phường, quan sát tình hình xã hội, để hiểu thêm yêu thêm mảnh đất ngàn năm văn vật, mảnh đất rồi đây chắc chắn, tôi sẽ cùng đồng bào của mình chiến đấu bảo vệ nó.


Bản tạm ước 14-9-1946 Hồ Chủ tịch vừa ký ở Pháp đã được Đảng giải thích là một biện pháp tranh thủ thời gian thêm nữa.

Thời gian đối với cách mạng lúc này là vàng, nếu như vàng là một vật quý nhất trên thế giới không có gì đánh đổi được. Giờ đây thời gian là lực lượng chính trị được mở rộng và củng cố; thời gian là lực lượng vũ trang rộng khắp, là nhanh chóng tổ chức các đơn vị chủ lực tập trung; ở Hà Nội đợt tuyển quân đầu năm 1946 lấy từ các đoàn thể quần chúng mà ra, bổ xung củng cố 5 tiểu đoàn và một số đơn vị trực thuộc khác.


Thời gian để củng cố chính quyền, thời gian để đào tạo gấp cán bộ, để phát triển Đảng ăn sâu bám rễ vào quần chúng, trong mọi tổ chức.

Thời gian để tăng thêm thóc gạo, để xóa thêm nạn mù chữ, tăng thêm ý thức làm chủ cho dân, thời gian để chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc kháng chiến khi chúng ta không thể nhịn được nữa với một lực mới, một thế mới.


Đi trên hè phố Hà Nội, đôi lúc tôi chợt rùng mình nhớ lại những ngày tôi cùng một trung đội ở Bắc bộ phủ giúp anh Phan Mỹ thu nhặt xác chết đói tại gầm cầu Long Biên, bãi Phúc Xá chợ Đồng Xuân, chợ Hôm và một số nơi khác ở Hà Nội. Ở các đầu ô, ở các chợ, ở vài phố vẫn còn những hàng bán cơm nắm, bán cháo, lúc nào cũng đông người đói; tôi không nhớ rõ hồi đó đến lúc nào những cửa hàng bi thảm đó mới không còn nữa.


Nạn đói đã qua đi, nhưng trước mắt tôi Hà Nội còn không ít nghịch cảnh. Bọn lính ngoại bang da vàng, da trắng đã tạo nên trong thành phố một lớp người chỉ biết tiền, chúng lao vào các "áp phe" đấu thầu đủ mọi thứ, buôn đủ mọi thứ, trong lúc công nhân, viên chức, học sinh sinh viên, dân nghèo lăn vào cáng đáng mọi việc của cách mạng, góp từng bơ gạo, quyên từng tờ giấy để chống giặc đói, chống giặc dốt. Hầu hết thanh niên trai, gái Hà Nội hồi ấy đã là tự vệ, hoặc ở các đội cứu thương, đội tiếp tế v.v…. Hiếm hoi lắm, mới có trung đội "xoay" được một khẩu súng trường cho 10 đội viên, trong khi lính Pháp treo đầy các-bin Mỹ, thom-xơn Mỹ, côn-bát Mỹ, ngồi trên xe díp Mỹ, xe cơ giới Mỹ phóng như điên trên các đại lộ, chẹt chết người cốt để ra oai, đe dọa, khiêu khích.
Đi trên hè phố ngày nào còn bỡ ngỡ nay đã gần gũi thân thiết, tôi chợt nhớ Huế, nhớ Đà Nẵng, nơi tôi sinh ra, nơi tôi lớn lên. Hơn 2 năm trước, trời rét thâm dai tím ruột, từ trên toa tầu chở hàng, đen như một khối than khổng lồ, tôi bước xuống sân ga Hàng Cỏ. Thầy quyền với quần "soóc", áo sơ mi lính ngắn tay đi giải tù, khoác súng đế quốc trên vai, nhưng thầy vẫn lẩy bẩy rét run không khác hai người tù bị còng tay đi trước.


Tôi sinh ở Huế, nhưng ở Đà Nẵng từ bé, lấy giấy khai sinh ở Đà Nẵng, đất nhượng địa của Pháp, lại hoạt động ở Đà Nẵng, cho nên chiếu theo luật khủng bố của Pháp hồi đó; mọi hoạt động "trên đất Pháp" phải do tòa án binh Pháp xử: từ Đà Nẵng trở ra Bắc do tòa án binh Hà Nội phụ trách. Tôi ra Hà Nội là do đo3 (Hoạt động chống Pháp).


Bước vào phố, thầy quyền càng ngượng với dân Hà Nội, càng giục chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cố kéo dài: mỗi bước đi về phía nhà lao là một bước mất đi ánh sáng mặt trời và tự do.

Chúng tôi đi về phía hỏa lò trong ánh mắt đồng cảm của phố phường Hà Nội.

Với người cách mạng, nhà tù là 1 trường học. Tôi đã tiếp thu câu nói khô khan ấy bằng cả cuộc sống của mình trong 2 năm tù, bằng tất cả tình cảm của tôi. Trong tù tôi đã thấy cuộc sống vốn như nó là của một xã hội thuộc địa. Tôi đã học được nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống, về con đường đi tới một ngày mai tươi đẹp, không chỉ cho riêng ai, không chỉ cho 1 dân tộc nào! Không phải tôi chỉ được học A – B – C của chủ nghĩa cộng sản, về "cách mạng tư sản dân quyền" (nay gọi là cách mạng dân chủ mới) về đường lối, chính sách của Đảng, học công tác vận động quần chúng v.v… Tôi theo các đông chí đàn anh đi tới những bến lạ, bờ xa trên trái đất, uống từng lời các anh kể về những năm tháng hoạt động cách mạng, bôn ba hải ngoại, như thuở ấu thơ nghe bà kể chuyện cổ tích. Anh Bùi Lâm kể về phong trào công nhân Pháp, đặc biệt say sưa kể rất nhiều về cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại, về thủ đô của những người đã làm nên cuộc cách mạng ấy, về những nông trường, những nhà máy về những con người Liên Xô bạn bè của anh. Trí tưởng tượng của tôi theo lời kể vượt tường đá của nhà pha đến nước Nga xa xôi của Lê nin. Tôi đã học như một học trò chăm chỉ, với tất cả tâm hồn rộng mở.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:20:10 am »

Nhật đảo chính Pháp. Ban lãnh đạo nhà tù đã bàn những chủ trương biện pháp đối phó với tình huống xấu nhất: Nhật có thể thủ tiêu hết tù cộng sản, hoặc đầy đi xa rồi cũng thủ tiêu sau. Chính phủ Trần Trọng Kim lên không hề nới tay với tù cộng sản. Tuy nhiên, tài liệu của cách mạng vẫy bay lọt qua cửa sắt nhà tù đến với chúng tôi. Trước tình hình ngày càng có lợi cho cách mạng, Đảng đã bố trí cho một số đảng viên vượt ngục.


Ngày 15-8-1945 Nhật đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh tấn công vũ bão của Hồng Quân Liên Xô. Phong trào cách mạng lên cao như thác lũ, triều dâng, tin tức quân giải phóng trên chiến khu thắng lợi ở nhiều nơi vang về, trước sức ép của phong trào quần chúng, ngày 17-8-1945, chính phủ Trần Trọng Kim buộc phải trả lại tự do cho tù chính trị tại Hà Nội.


Chúng tôi say sưa cùng bước qua khung cửa nhà tù, ngước nhìn khoảng không xanh vời vợi trên cáo, căng ngực hít làn không khí thoáng đãng. Lúc đó, tôi mới có thể nhìn kỹ tòa nhà đồ sộ, cái gọi là "bên kia tòa án, bên này nhà lao". Từ cây cổ thụ lảnh lót tiếng chim đang hót.


Ở Hà Nội lúc này, chính quyền đế quốc và tay sai rệu rã lắm rồi, nhưng chính quyền cách mạng chưa được thiết lập. Anh em Đà Nẵng chúng tôi đoán rằng cách mạng sắp cướp chính quyền đến nơi rồi. Về Đà Nẵng hay ở lại tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội đây? Tôi đến nhà anh Vũ Kỳ ở 72 phố Thuốc Bắc. Ở trong tù, anh Vũ Kỳ rất thương tôi. Qua anh, gia đình anh giúp đỡ tiếp tế cho tôi rất nhiều. Anh Vũ Kỳ đi vắng!


Trở lại Cửa Nam gặp anh em Đà Nẵng, tim tôi đập mạnh, mỗi lúc mỗi mạnh, mạnh hơn cả khi bọn mật thám xích tay tôi bằng còng số 8 năm nào – Cờ đỏ, cờ đỏ, cờ đỏ và sao vàng!

Cờ đỏ tràn qua các phố như một đám cháy bốc cao, bốc cao mãi. Chúng tôi mừng tưởng hét lên được khi gặp Lê Trọng Nghĩa, đồng chí cùng tù và được Đảng chỉ định vượt ngục. Nháy mắt với chúng tôi, Lê Trọng Nghĩa như muốn nói: "Sắp rồi!" Không khí Hà Nội càng cuốn hút chúng tôi không thể nào cưỡng lại được. Ngay ngày hôm sau tôi được gặp anh Trần Tử Bình, người chiến sỹ cộng sản lão thành đã giương lá cờ đỏ ở đồn điền Phú Riềng năm 1927, người anh mà tôi rất quý mến ở trong tù. Anh khuyên tôi ở lại, và đưa tôi đến gặp anh Khang, xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách Hà Nội. Tôi được giới thiệu vào "Công nhân xung phong đoàn thành Hoàng Diệu".


Phố phường Hà Nội ngày nay đã đẹp hơn xưa, nhưng Hà Nội trong những ngày cách mạng Tháng 8 năm 1945, đẹp hơn tất cả, đẹp hơn bao giờ hết!

Thất bại trong việc âm mưu dùng Việt Quốc, Việt Cách, tổ chức một cuộc đảo chính, bọn thực dân Pháp chuẩn bị những bước lấn tới chắc chắn hơn. Chúng cho trẻ con, người già yếu của chúng tản cư vào Sài Gòn, hoặc về Pháp, phát súng cho bọn Pháp kiều ở lại, bí mật xây dựng các ổ chiến đấu chiến lược cắm quanh các mục tiêu trọng yếu trong thành phố, kết hợp với các vị trí của quân Pháp nhằm đánh úp ta khi có lệnh. Lúc này ngoài 9 điểm đóng từ 300 quân trở lên như thành Hà Nội, trường Bưởi, trường An-be Xa-rô, nhà thương Đồn Thủy, sân bay Gia Lâm v.v… chúng còn chia quân đóng trên 40 điểm xung yếu khác trong thành phố.


Nhìn cách bố trí của chúng, không cần phải có trình độ quân sự uyên thâm cũng có thể thấy được đòn hiểm của quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương do tướng Móc-li-e chỉ huy, dự định đánh ta khi cơ thời cơ:

Dùng chủ lực cơ giới ở trong thành vòng ra, phối hợp và dựa vào các cứ điểm mạnh đã bố trí sẵn, tiêu diệt ngay cơ quan đầu não của ta (Bắc Bộ phủ); tiêu diệt ngay các vị trí của ta cùng đóng quân với Pháp; nhanh chóng chiếm các đầu ô, chốt chẹn Hà Nội rồi sau đó sẽ tiêu diệt các lực lượng vũ trang của ta còn lại, đánh thông nối liền các tỉnh v.v…


Bọn tướng tá Pháp tin chắc sẽ nhanh chóng làm chủ Hà Nội, tiêu diệt đại bộ phận lực lượng bộ đội ta. Ở khách sạn Mê-tơ-rô-pôn1 (Nay là khách sạn Thống Nhất) sang trọng, luôn luôn có người ngoại quốc trú ngụ, hai trăm sỹ quan và binh lính Pháp được ém sẵn. Đây là mũi đột kích nhằm phối hợp với chủ lực trong thành ra có nhiệm vụ tiêu diệt Chính Phủ ta.


Khi bọn Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Nội thưa dần tiếng nhạc từ các phòng trà vọng ra. Đêm đêm, đèn điện vẫn tỏa sáng lòng đường. Gió lạnh đưa tiếng giày đinh của các đội tuần tra Pháp vang xa.


Pháp bất ngờ đổ bộ lên Đà Nẵng. Tin ấy làm cho người tôi nóng ran. Không biết Đà Nẵng có kịp chuẩn bị không? Tôi muốn viết thư về trong ấy, cho Huế, cho Đà Nẵng. Đâu có phải ở hai nơi đó không đủ đất cho tôi "vẫy vùng" như cô bạn tôi đã trách tôi. Hà Nội trong biển cờ đã vẫy gọi tôi. Tôi tin nếu cô bạn tôi có mặt ở Hà Nội trong những giây phút ấy, cũng sẽ xử sự như tôi. Đó là điều khiến chúng tôi, tuy xa nhau mà vẫn trọng nhau cho mãi đến sau này.


Tháng 11-1946, đồng chí Vương Thừa Vũ về làm chỉ huy trưởng khu Hà Nội. Gặp tôi, anh thân mật hỏi:

"Theo đồng chí, tình hình này sắp đến độ bùng nổ chưa?" Cảm thấy trong câu hỏi của anh hình như đã có sẵn câu trả lời, tôi cười tỏ ra không đủ trình độ đoán định một vấn đề nghiêm trọng đến thế.
Quả nhiên ngay ngày hôm đó, tôi được nghe phổ biến nhận định của hội nghị quân sự toàn quốc:

"Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định cũng phải đánh Pháp".

Ở Hải Phòng Pháp đã không chịu ngừng bắn, còn đánh rộng ra Cầu Rào – Cầu Niệm. Nơi nóng của cuộc chiến tranh không tránh khỏi đang nóng dần lên. Các trường học, công sở lần lượt đóng cửa rời khỏi thành phố. Hà Nội bắt đầu tản cư.


Hà Nội vắng hẳn tiếng trống ếch của hàng trăm đội thiếu niên Măng Mọc Thẳng. Hà Nội mọc lên các chiến lũy lầm lì chắn ngang các đầu ô. Đêm đến Hà Nội ầm ầm tiếng búa đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia. Một Hà Nội xa hoa lùi nhanh vào quá khứ, một Hà Nội tự vũ trang cho mình xuất hiện lẫm liệt, đường hoàng.


Công việc của cơ quan khu bộ lúc này nhất là cơ quan tham mưu, bận rộn suốt từ sáng đến khuya. Lo nắm tình hình địch để không bị bất ngờ, kiểm tra công việc chuẩn bị của các tiểu đoàn, nắm lực lượng tự vệ chiến đấu, lực lượng cứu thương, tiếp tế ở các nơi, nắm lực lượng hậu cần của ta, bố trí lại hệ thống tiếp tế, thông tin liên lạc v.v… không ai còn biết gì chuyện nhà cửa, mặc dầu nhiều đồng chí có gia đình ở ngay Hà Nội.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:26:03 am »

Không phải so sánh chi li, ai nấy đều biết Pháp hơn hẳn ta tuyệt đối về trang bị, vũ khí, trong đó đáng chú ý nhất là xe tăng và cơ giới. Ta hơn hẳn địch về ý chí quyết tâm và sức mạnh đoàn kết. Quân đội Pháp là quân đội chính quy nhà nghề, quân đội ta còn non trẻ, cán bộ ta chưa qua tác chiến, nhưng ta hơn hẳn địch về thế trận lòng dân, cán bộ chỉ huy của ta sẵn sàng xả thân vì nước.
Vấn đề chính trong kế hoạch tác chiến của Hà Nội: đánh xe tăng và cơ giới của địch, nếu làm việc đó tốt sẽ tạo thuận lợi nhiều để thực hiện nhiệm vụ mà Trung Ương Đảng giao cho: Hà Nội phải tiêu hao, tiêu diệt địch, giam chân địch một thời gian để chuyển toàn quốc vào kháng chiến.


Trong điều kiện mỗi tiểu đội chỉ có 3 – 4 khẩu súng trường cũ kỹ đủ các loại, còn là mã tấu, lựu đạn Phan Đình Phùng tự tạo, cả một đại đội may lắm có vài ba tiểu liên và 1 khẩu súng máy cào cào1 (Súng máy của Pháp giống con cào cào. Từ chiến tranh thế giới thứ nhất), cách đánh xe tăng và cơ giới địch tốt nhất là dùng con người dám lao vào xe tăng và cơ giới địch. Theo đề nghị của đồng chí Trần Độ, Đảng ủy Mặt trận đồng ý tổ chức các đội "Quyết Tử quân".


Công binh xưởng được đi về Hà Đông ngày đêm lo sản xuất bom ba càng, quả bảo toàn2 (Đạn pháo 105 kháp tre bên ngoài dùng để lao vào xe tăng địch), chai xăng "cờ-rếp", lựu đạn.


Làm sao tiêu diệt bọn địch ở khách sạn Mê-tờ-rô-pôn, ở rạp Ma-giéc-tích, và phá sập cầu Long Biên giam chúng ở Hà Nội. Anh Trần Cư công binh được giao nghiên cứu toàn bộ đường cống ngầm thành phố nhưng chỉ chôn được 1 quả bom ở rạp Ma-giéc-tích, chuẩn bị sẵn bom thả trôi sông với nụ xòe giật sẵn hướng vào trụ cầu, nhưng sau cũng không thành công. Không tự giới hạn vào 1 khuôn sáo, một định mức nào cả, ý chí quyết đánh, quyết thắng bắt ta phải làm tất cả, có khi phải làm cả những việc không thể làm được.


Phòng tham mưu lo tăng cường cho pháo đài Láng xây dựng thêm 2 trận địa pháo mới Thủ Khối và Xuân Tảo, dựa vào pháo mà cách mạng đã tịch thu được của Pháp Nhật.

Trong so sánh lực lượng, thường hay sai lầm là ít chú ý đến mặt chất lượng của các yếu tố, ít chú ý đến mức mạnh tổng hết, trước hết là mặt tinh thần chính trị. Hà Nội sau ngày tổng khởi nghĩa đã tiến "1 ngày bằng 20 năm", đế quốc Pháp không tính ra là phải.


Công tác của phòng chính trị lúc này tập trung chủ yếu kiểm tra giúp đỡ các đơn vị quán triệt chủ trương chính sách của Đảng: Pháp nhất định gây chiến tranh chiếm lại Đông Dương, ta phải sẵn sàng nhưng phải nín nhịn đợi lệnh, không được manh động; kiểm tra việc phát triển các tổ trung kiên, phát triển đảng viên; huấn luyện cán bộ chính trị. Lẻ tẻ đôi nơi, anh em tự vệ đã cáu tiết dùng dao găm tỉa dăm ba thằng lính Lê dương được thả rong như những con chó "béc-giê" với "24 giờ ngoài luật pháp"3 (Vingf quatre heures hora de la loi).


Phải nín nhịn lòng căm thù thiêng liêng trước những cảnh đó thật là khó. Nhưng anh em bộ đội rất tin tưởng Đảng ta và Cụ Hồ.

Sau vụ thảm sát Hàng Bún 16-12. Anh Nguyễn Văn Trân phó bí thư thành ủy, phó bí thư Đảng ủy mặt trận đến nơi động viên, an ủi đồng bào trong khói thuốc súng còn nồng khét. Bộ chỉ huy khu dời về Bạch Mai.

Ta không thể nín nhịn được nữa rồi!

Bộ tổng chỉ huy đã thông qua và lúc này lại kiểm tra, trực tiếp giúp Hà Nội thực hiện kế hoạch chuẩn bị tác chiến.

Đồng bào tiếp tục tản cư từ sáng đến khuya. Tạm biệt Hồ Gươm, tạm biệt phố phường, tạm biệt các hàng cây xanh, đã từng ấp ủ bao chuyện vui buồn từ tấm bé ra đi. Tạm biệt công việc làm ăn từ bao đời cùng cơ nghiệp, tạm biệt tiện nghi sinh hoạt thị thành, tạm biệt chồng con thân yêu ở lại chiến đấu, "cam chịu sống lênh đênh vất vả chứ không chịu ở lại hợp tác với giặc" (thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào tản cư).


Tản cư là kháng chiến khi không có điều kiện ở lại chiến đấu. Tản cư là nhiệm vụ. Ngày nay khó mà hình dung được cảnh tượng đó.

Các đội tự vệ, cứu thương, tiếp tế, các đội công an xung phong, tuyên truyền xung phong đông thêm, và lại chuyện phải giải thích: không ai chịu thua kém ai. Bọn "lính mũ đỏ" dùng xe tăng húc sạt các chiến lũy buổi sáng, buổi trưa lại lực lưỡng hơn, vững chắc hơn. Đêm đêm, các phố phường tính toán việc cưa cây, dựng chướng ngại vật dọc ngang, tập luyện tiếp tế tải thương… vui như hội. Tự vệ chiến đấu đã canh gác kiểm tra nghêm ngặt ở các đầu ô và hầu khắp thành phố. Đi công tác về đêm qua Ngã Tư Sở, chúng tôi ngại nhất khi gặp phải phiên gác của các chị em. Sử dụng vũ khí chưa thạo, có cô thấy "lính cậu" lại vặn vẹo đủ trò. Bộ chỉ huy khu XI lúc này đã về làng Mọc Chính Kính.


Anh Trần Độ và tôi có đi gặp hết các tiểu đoàn. Đến đâu anh Độ cũng gặp cán bộ, chiến sỹ nói chuyện, động viên anh em. Anh Độ có tài nói chuyện, không khí chuẩn bị căng thẳng đến thế mà anh đã làm cho anh em cười vui thoải mái bất chấp tất cả!


Cho tới hôm nay, tôi vẫn nhớ khuôn mặt, giọng nói của các đồng chí đóng chung với lính Pháp ở nhà máy đến Bờ Hồ. Trước cửa ra vào nhà máy, hai bên là 2 vọng gác, một của ta, một của nó. Một khẩu 12,7 ly đặt trên bao cát bên cạnh một thằng lính mũ đỏ, tiểu liên "thom-xơn" Mỹ treo trước ngực, súng lục bên hông! Đồng chí gác của hai tay không, lưng đeo đến 7 – 8 quả lựu đạn Phan Đình Phùng, một con dao găm ở thắt lưng, đứng ở ngoài vọng gác hiên ngang, mặt lạnh như tiền!


Tôi hỏi đồng chí tiểu đoàn trưởng: "Sao để anh em gác không súng?" Đồng chí tiểu đội trưởng hình như chỉ chờ có thế, trả lời tôi bằng giọng diễn giải cốt để người nghe phải đồng tình:

- Thưa anh, nó mới đưa khẩu 12,7 ly đến, chúng nó đưa nhiều thứ nữa đến, chúng nó bắt lính gác của nó trang bị thế để dọa tụi tôi. Đúng là "vũ trang đến tận răng" anh ạ! Nó tưởng phô vũ khí của nó nhiều mà nạt nổi tụi tôi. Đã vậy, chúng tôi không gác với khẩu "mút cờ tông" cũ của Pháp nữa, xem kẻ nào yếu bóng vía! Quả nhiên thằng hạ sỹ quan của nó chờn, nhờ một nhân viên trong nhà máy hỏi chúng tôi: "Việt Minh chuẩn bị đánh úp bằng một trận giáp lá cà?" Tôi trả lời thẳng thừng nhờ anh nhân viên nhà máy dịch hộ cho thật đúng: "Trước khẩu 12,7 ly vừa mới bày ra kia… khẩu "mút cơ tông" hóa thừa!".

Tôi bật cười giục: " – Thế rồi sao nữa"

- Báo cáo anh; thằng hạ sỹ quan nhún vai, thanh minh nó không có quyền. Sau đó, để tỏ nó không muốn uy hiếp chúng tôi, nó tháo băng đạn 12,7 ly ra khỏi súng. Biết vậy! nó sợ mình chứ anh, chúng tôi cứ đứng gác như anh đã thấy đấy!

- Các cậu coi chừng, nó vồ cho lúc nào không biết đấy. – Khẩu 12,7 ly đó đã không kịp lên tiếng đêm 19-12, tiểu đội của ta gác ở nhà đèn đã "vồ" nó và cả bộ phận lính gác của Pháp khi pháo đài Láng nổ, đèn điện thành phố vụt tắt.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:29:45 am »

20 giờ, 19 tháng 12 năm 1946. Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Thủ Khối nhằm vào thành, vào phủ toàn quyền cũ, mà nhả đạn. Tiếng súng Hà Nội nổ ran! "Thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ" Tiếng loa của các đội tuyên truyền xung phong vang lên khắp nơi. Đó là lời của bác Hồ, là mệnh lệnh của Tổ quốc, là lương tâm phẩm giá con người Việt Nam, con người Hà Nội. Anh Trân, anh Trần Duy Hưng, anh Vương Thừa Vũ đều có mặt khi ra lệnh cho đồng chí Phạm Văn Đôn đại đội trưởng và Tô Na chính trị viên đại đội pháo ở Láng. Tôi nhìn các anh khi đó thấy các anh vui nhưng cũng đầy lo âu. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Bất chợt, tôi nhớ người lính gác ở nhà máy đèn Bờ Hồ.


Nén cái lò xo hết mức, và thả nó bật lên đúng lúc tự nó đã tạo nên một sức mạnh ghê gớm.

Tuy trình độ chúng tôi hồi đó còn thấp, nhưng tiến hành công tác Đảng công tác chính trị thuận lợi lắm.

Uy tín ảnh hưởng của Đảng và Bác Hồ tuyệt đối trong nhân dân, vai trò cán bộ đảng viên luôn hăng hái xung phong; nhân dân sẵn sàng hy sinh tất cả cho đất nước; sống trong không khí đó, ai cũng chỉ cho phép mình làm hết sức mình, mỗi ngày một tốt hơn mà thôi.


Công việc của chúng tôi xoanh quanh "Lời kêu gọi kháng chiến" của Hồ Chủ tịch mà giáo dục phổ biến sâu rộng trong bộ đội, trong nhân dân, kiểm tra giúp đỡ các đơn vị trong những ngày đầu của kháng chiến, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu và công tác, tuyên truyền gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu của bộ đội và nhân dân v.v… Mờ sáng ngày 20, tại chỉ chỉ huy sở, đồng chí Hoàng Văn Khánh, tham mưu phó khu, ủy viên ban cán sự Đảng khu đã tổng hợp xong kết quả của đêm chiến đấu đầu tiên. Thành cửa Bắc trúng nhiều đạn đại bác của ta. Tấn công nhà Móc-li-e1 (Nhà Móc-li-e: nay là trụ sở báo Nhân Dân).Tên này xổng. Xanh-tơ-ny kẻ gửi tối hậu thư buộc ta phải giải giáp các lực lượng vũ trang của ta ít may mắn hơn. Hắn bị thương. Xe tăng đã kịp cứu hai tên này. Nhưng xe tăng địch không xông vào được Bắc Bộ phủ. Địch vẫn đang cố chiếm cơ quan của Chính Phủ. Chúng tôi được lệnh đi nắm tình hình tại những điểm "nóng" nhất.


Qua một đêm chiến đấu, đường phố trước mắt tôi thật khác lạ, đoạn quanh vắng như chiều ba mươi tết, gió cuốn lá khô bay khắp mặt đường xám lạnh, đoạn khác tấp nập người xuôi kẻ ngược có thể tưởng quanh đây đang mùa hội hè. Người rút khỏi Hà Nội vẫn là các cụ già, đàn bà và các em nhỏ. Người kéo vào Hà Nội toàn là thanh niên, trai trái ở các làng ngoại thành. Anh chị em kéo đi như đi gặt, đi cấy, đinh ninh mặt trận có việc đang cần đến mình. Việc đó là việc gì, chưa biết. Điều quan trọng trước hết là có mặt ở nơi súng nổ.


Suốt ngày 20 quân đội viễn chinh chưa mở được dòn tấn công nào đáng kể. Chúng vẫn chưa chiếm được Bắc Bộ phủ. Thắng lợi này rất cần cho "Đài Con Nhạn" của quân đội Pháp. Một lần nữa, chúng đã bị bất ngờ như đã bị bất ngờ trước cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tôi được tin ở cả ba liên khu I, II, III các đơn vị tự vệ đã phối hợp với những đơn vị nhỏ vệ quốc đoàn nhổ hầu hết những ổ tác chiến ngầm của Pháp cắm trong các khu phố. Tư dinh tên quan năm La-mi2 (Nay là tòa nhà đại sứ quán Pháp) kẻ lật lọng trong cuộc đàm phán ngừng bắn tại Hải Phòng, bị một trung đội thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 77 tấn công và chiếm giữ sau khi tiêu diệt và bắt sống toàn bộ hai tiểu đội, (trung đội trưởng là đồng chí Quý) tên quan năm vắng mặt. Như vậy là các đơn vị đóng trong trại Vệ Quốc đoàn trung ương đã được bảo vệ sườn bên phải phái đường Găm-bét-ta3 (Nay là đường Trần Hưng Đạo).Tiếc nhất là quả bom được bí mật đặt dưới móng rạp chiếu bóng Ma giéc tích khi giật đã không nổ. Một đồng chí được lệnh theo đường hầm kiểm tra lại kíp bom. Kíp bom lâu ngày đã bị rỉ. Nếu muốn bom nổ, tiêu diệt bọn đóng trong rạp chiếu bóng, chỉ còn một cách: đập kíp bom bằng một vật nặng. Không xin lệnh, nghĩ sao làm vậy, đồng chí được phái đi kiểm tra quả bom đã đập mạnh vào ngay chính giữa ngòi nổ của quả bom. Đập một lần không nổ, đập hai, ba lần không nổ. Về báo cáo lại sự tình, theo mình là đáng buồn đó, đồng chí thở dài: cái kíp ấy khốn nạn thật! Cuối cùng, một đơn vị từ trại vệ quốc đoàn được lệnh xông sang tiêu diệt tiểu đội Pháp đóng trên quả bom không nổ. Khi bị bắt, và biết có quả bom đó, mặt mũi bọn tù binh tái hơn cả khi phải giơ tay hàng "Việt Minh". Nhưng quả bom ở Bắc Bộ phủ đã nổ, khi xe tăng địch mở đợt xung phong quyết liệt sau nhiều lần bị đánh bật ra. Trước tình thế gần hết đạn, bị địch tấn công dồn dập, để bảo toàn lực lượng kéo dài cuộc chiến đấu như mệnh lệnh đã nhận được, chính trị viên Lê Gia Định kiên quyết lệnh cho những đồng chí còn lại rút sang phía khu nhà Bưu Điện. Một mình ở lại chờ cho xe tăng địch húc đổ cổng sắt, và bộ binh địch ùa vào các gian tiền sảnh, Lê Gia Định bình tĩnh giật kíp bom. Người đảng viên cộng sản, chính trị viên đại đội hy sinh, nhưng anh đã tiêu diệt thêm hơn mười tên giặc.


Sự có mặt các cán bộ chỉ huy cao cấp tại ngay chiến lũy, nơi đang phục sẵn một tổ quyết tử quân lăm lăm bom ba càng, đón chờ xe tăng địch, không phải là điều hiếm thấy, hoặc chỉ xuất hiện trong một thoáng. Suốt hai tháng chiến đấu, Hà Nội luôn luôn nhận được, không chỉ những mệnh lệnh, chỉ thị mà cả những lời dặn dò góp ý trực tiếp của nhiều đồng chí ở cấp cao nhất. Ngay sáng 20, đồng chí Vương Thừa Vũ đã đưa đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị đóng giữa ô Chợ Dừa và Khâm Thiên. Đại bác địch bắn khá mạnh vào khu vực trọng yếu này. Chúng thấy cần ngăn cản quân ta tập trung tấn công vào nhà dầu Xen hoặc ga Hàng Cỏ.


Giữa tiếng súng, ba đồng chí Tổng chỉ huy, bí thư thành ủy, chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội đã cùng một số chiến sĩ chụp ảnh, kỷ niệm. Hơn tháng sau trong một đêm giá rét, đồng chí bí thư thành ủy đã vượt qua vòng vây địch chăng quanh, vào liên khu 1, kiểm tra nắm tình hình, truyền đạt nghị quyết của Đảng, và ra những chỉ thị cần thiết để liên khu I tiếp tục sừng sững giữa lòng Hà Nội, buộc địch phải đối phó, không rảnh tay dồn quân đánh ra các cửa ô, bứt khỏi thế bị bao vây. Chúng cố nống khỏi Hà Nội, không phải để tiêu diệt "Việt Minh" như chúng tuyên bố. Cấp thời, chúng cầu cứu đồng đội đang bị vây hãm khốn khổ tại nhà băng Nam Định, và nhiều nơi khác. Có thể nói, chúng đã bị các đơn vị bộ đội và tự vệ Hà Nội túm gáy, không cho ngang dọc. Chính từ tư thế ấy, khái niệm "bị vây" là một khái niệm không được những người đang chiến đấu tại Hà Nội chấp nhận, kể cả những đơn vị nằm trong liên khu I, thực sự bị cắt rời khỏi toàn mặt trận.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #7 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:31:24 am »

Ở ô Cầu Dền tôi được nghe một cuộc cãi cọ vì hai tiếng bị vây. Đó là vào ngày thứ năm hoặc thứ sáu của cuộc chiến đấu, lúc tiểu đoàn 77 do đồng chí Hoàng Kiện chỉ huy từ các khu phố Hàng Bài, Bà Triệu, Hàm Long, Chợ Hôm, Nhà Rượu được lệnh lui về giữ ô Cầu Dền và ngã tư Trung Hiền.

Một đồng chí tiểu đội trưởng hí hửng xuýt xoa:

– Chậm tí tẹo nữa là bọn mình bị vây.

Một đồng chí tiểu đội trưởng khác cau mày:

– Vây thế nào?

– Còn thế nào! Nó bít ngã tư Chợ hôm – Nhà Rượu, ngã tư Bà Triệu – Vân Hồ là xong một vòng vây chứ gì?

– Đầu óc cậu chứa chấp nhiều chữ bị vây quá đấy!

– Cậu cho thằng này dát chứ gì? Nhưng nói lên một sự thực, đâu phải là thái độ hèn yếu. Nó bít được hai ngã ấy, có đúng là chúng ta bị vây không?

– Không, mình không nói liều đâu. Đây là Hà Nội, và ta đang vây nó. Tất nhiên ở liên khu I nó vây ta. Nhưng đấy là một vòng vây nhỏ do từ ta đặt trong vòng vây lớn, vòng vây này do chính ta chăng và ở Hà Nội đâu phải chỉ có các ngã ba, ngã tư. Hà Nội còn các mái nhà liền nhau, các lỗ đục tường nối nhà này, nhà khác, còn những cống ngầm nối liền các phố. Đêm đến, Tây có dám liều cho xe tăng án các ngã ba, ngã tư không? Hà Nội là của dân Hà Nội cơ mà.

Giọng đồng chí tiểu đội trưởng đã nói bị vây vẫn hài hước:

– Lý sự như cậu, ai dám bạo phổi cãi lại kia chứ! Nhưng xin thưa rằng, nói bị vây không có nghĩa là sợ. Cậu lo xa cho anh em quá đấy!

– Tớ không có nhiệm vụ lo lắng phần hồn của cậu. Hai tiếng bị vây của cậu, tớ không đồng ý. Có thế thôi!

Cuộc tranh cãi nho nhỏ thoáng qua ấy, có thể nói, phản ánh một sự thực lớn lao. Theo tôi biết, trong suốt hai tháng chiến đấu tại Hà Nội, không một người nào, một tổ chiến đấu nào, chưa nói một tiểu đội, khi bị địch vây chịu hạ vũ khí. Tất nhiên không phải trong bất cứ trường hợp nào, khi bị vây, các đơn vị cũng đều dễ dàng vượt qua mạng lưới giăng bủa, không tổn thất. Đã có lúc, không nhẩy được từ mái nhà này sang mái nhà khác, không có đường cống ngầm để xuyên qua vòng vây.


Trận Giảng Võ là một trận như thế. Qua tin tức của quân báo, Bộ chỉ huy mặt trận đoán địch sẽ đánh chiếm làng Giảng Võ, để từ đó tấn công pháo đài Láng vẫn hàng ngày bắn vào khu thành cửa Bắc. Đại đội 134 đang hoạt động theo kiểu du kích đánh tỉa địch trên các phố Huế, phố Minh Khai, Lê Bình, Huyền Trân công chúa, những phố về "danh nghĩa" đã bị địch chiếm. Được lệnh rút ra, tập họp lại, sau một đêm, đại đội 134 đã đến bố trí tại Giảng Võ. Ngay mờ sáng hôm sau, xe tăng địch dẫn đầu cuộc tấn công, áp sát lũy tre làng. Cuộc chiến đấu không cân sức bắt đầu. Xung phong bị đánh bật ra, lại xung phong tiếp đợt khác, địch quyết chiếm bằng được Giảng Võ. Đại đội trưởng Vũ Công Định, rồi chính trị viên Lê Chí Thực lần lượt ở lại, cản địch, không cho chúng truy đuổi đơn vị mang theo thương binh, rút về phía Nam Vũ Công Định, Lê Chí Thực chiến đấu không phải đến viên đạn cuối cùng, mà là đến quả lựu đạn cuối cùng. Những quả lựu đạn nổ trên tay hai anh, đã khiến những kẻ xô đến định bắt sống "Việt Minh" phải gục ngã. Gương chiến đấu ấy lan nhanh khắp mặt trận. Một đồng chí phóng viên báo Thủ Đô – tờ báo in và phát hành ngay tại Hà Nội rền tiếng súng – Tìm gặp tôi, hỏi tên người nữ cứu thương đã ở lại bên cạnh đại đội trưởng Vũ Công Định, và liệu có thể nghĩ rằng ngoài tinh thần chiến đấu, còn có một lý do tế nhị và đặc biệt nào đó, giữ chị không rời người đại đội trưởng trong tình thế rõ ràng là vô cùng nguy hiểm, để rồi cuối cùng chia sẻ với anh cái chết. Tôi thú thực với đồng chí phóng viên, không biết gì nhiều hơn. Chỉ biết khi từ các phố bị địch chiếm rút ra, đại đội 134 được bổ sung gần một tiểu đội nữ cứu thương, phần lớn quê tại làng hoa Ngọc Hà. Người nữ cứu thương ở lại bên đồng chí đại đội trưởng – theo tôi nghĩ – vì lúc đó anh đã bị thương nơi đầu gối. Chắc chắn anh đã hạ lệnh cho người nữ cứu thương rút cùng đơn vị. Nhưng với nhiệm vụ của mình, người nữ cứu thương có lý để không chịu nghe theo lệnh đó. Đồng chí phóng viên quả quyết với tôi rằng: "Đây là một chiến công của những tâm hồn quả cảm và lãng mạn". Rồi như sợ tôi hiểu hai tiếng lãng mạn theo một nghĩa không đúng anh nhắc lại: "Một chiến công bất tử vì tinh thần quên mình, lãng mạn cách mạng!". Cuộc chiến đấu tại các đường phố, đặc biệt sau đó, tại các cửa ô, với tất cả sức nặng của nó, đã khiến tôi không có điều kiện gặp lại đồng chí phóng viên, hỏi xem anh đã thu lượm được gì thêm về sự hy sinh của hai cán bộ chỉ huy đại đội 134 và người nữ cứu thương!
Tháng 8-1947, quân khu ủy quân khu II mở một lớp đào tạo bí thư chi bộ và chính trị viên đại đội. Lớp học được mang tên Vũ Công Định – người đảng viên cộng sản – trên cương vị chỉ huy đại đội 134, đã chiến đấu bằng tính mạng mình, đã bảo vệ đơn vị rút khỏi vòng vây. Mãi sau này tôi mới biết thêm, người nữ cứu thương hy sinh cùng Vũ Công Định là làng Lai Xá, Năm đó chị vừa tròn hai mươi tuổi. Ngày chị hiến dâng cuộc đời cho Tổ Quốc, là ngày 6 tháng 1, đúng ngày một năm trước đó, trong lịch sử Việt Nam, lần đầu tiên nhân dân bỏ phiếu tổng tuyển cử bầu ra Quốc Hội của mình!
Được Bộ Tổng chỉ huy tăng cường cho hai tiểu đoàn 45 và 64, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội có thêm lực lượng thực hiện nhiệm vụ: Giam chân địch lâu hơn nữa, tạo điều kiện để toàn quốc có thời gian chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến chắc chắn lâu dài. Trừ tiểu đoàn 101 vẫn ở lại trong các phố liên khu I, các tiểu đoàn khác lần lượt rút về trấn giữ các cửa ô, không để địch vọt ra khỏi Hà Nội đánh chiếm các đường chiến lược như đường số 1, đường số 6. Hồi đó đồng chí Vương Thừa Vũ hay dùng cách đánh "trùng độc chiến". Địch tập trung quân đánh rộng ra các cửa ô thì bị "cái gai" liên khu một hãm lại; dồn sức tiêu diệt liên khu I đã khó lại còn bị các tiểu đoàn từ các cửa ô tung quân vào đánh phá các cứ điểm trong nội thành, ngăn chặn từ cuộc chuyển quân nhỏ nhất đến bất ngờ xông ra tấn công xe tăng, xe cơ giới bằng bom ba càng và chai ét-xăng cờ-rếp.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #8 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:33:08 am »

Kế hoạch đánh chiếm Hà Nội bất ngờ và chớp nhoáng của Bộ Tham mưu Pháp, tiêu ma ngay từ khi các xe tăng xông lên vấp phải những chiến lũy trán ngang cửa ô, bị đánh đứt xích, bốc cháy. Địch buộc phải ngừng những đòn vỗ mặt. Để làm kiệt sức các đơn vị phòng ngự cửa ô, ngày đêm địch nã đủ các loại đạn đại bác, súng cối xuống những khu vực rộng hẹp không quá năm trăm thước vuông. Những chiến lũy bị bắn sụt lở ban ngày, đã lại vạm vỡ lực lưỡng ngay tối hôm đó, tiếp tục đương đầu với địch suốt ngày hôm sau. Vòng vây quanh Hà Nội vẫn ghì lấy địch không buông. Chúng lại dùng máy bay. Ngã Tư Sở, ngã tư Trung Hiền, phố Khâm Thiên, Việt Nam học xá lần lượt bị tấn công bằng bom. Tôi nhớ ngày pháo đài Láng bắn rơi máy bay địch. Hôm ấy chúng bay đến không bổ nhào, cứ từ từ trút bom, bất ngờ bị pháo của ta hướng nòng lên bắn trả. Từ Mọc qua Ngã Tư Sở theo đường "Tàu Bay"1 (Nay là đường Chiến Thắng B.52) tin "ta hạ máy bay nó" truyền tới ngã tư Trung Hiền, truyền sang Vĩnh Tuy, truyền lên ô Cầu Dền. Nhiều khuôn mặt ngước nhìn vòm trời xám tạnh như thể trên đó còn tiếng máy bay địch bị thương đang rút rít sắp lao xuống đâu đây. Tiếng bom, tiếng đại bác không ngừng dội tới chỉ huy sở, khiến nhiều đồng chí đứng ngồi không yên, khi thì nì nèo "nói khó", khi thì nằng nặc đòi lên "trên ấy". Để bảo đảm công tác và "công bằng" chúng tôi luân phiên chia nhau "trực ở nhà" và "lên trên ấy" nắm tình hình, giúp đơn vị tất cả những gì cần giúp, có thể giúp. Nhiều cán bộ phòng chính trị đã cùng các chiến sĩ đánh địch ngay khi chúng bất ngờ tấn công. Tại đê Thanh Nhàn, về phía mạn Lò Lợn, một hôm đồng chí Vương Thừa Vũ đang nghe một cán bộ đại đội báo cáo tình hình, thì địch từ phía nhà thương Đồn Thủy theo đường đê Vĩnh Tuy, tiến xuống. Như một đội viên, đồng chí Vũ rút súng lục cùng anh em xông ra phản xung phong. Một đồng chí đi với đồng chí Vũ, phải chạy theo giữ chỉ huy trưởng lại: "Ấy sao anh lại thế". Nếu tôi nhớ không nhầm, trận đánh giáp lá cà ấy, đại đội trưởng Như Trang đã bắn hạ tám tên địch bằng khẩu "côn bát" của anh.


Thường có mặt ở những điểm căng thẳng, trực tiếp nhìn nhận và xem xét tình hình, rồi so sánh các báo cáo, trước khi hạ quyết tâm bằng những mệnh lệnh hoặc chỉ thị ngắn gọn rõ ràng, có thể nói đó là những điều tôi học được ở đồng chí Vương Thừa Vũ. Nghiêm khắc nhưng bao dung anh được hầu hết cấp dưới tín phục yêu mến. Khi mặt trận Hàng Bột xuất hiện dấu hiệu địch chuẩn bị thọc một mũi nhọn sau lưng các đơn vị của ta ở phía Khâm Thiên, đồng chí Vương Thừa Vũ lập tức đến tận nơi xem xét, đồng chí đại đội trưởng phụ trách phòng ngự khu vực này, từ tốn trải bản đồ lên mặt một bể nước mưa, báo cáo những vị trí của địch đang được bố trí thêm súng máy. Theo đồng chí đại đội trưởng, đồng chí đã kiểm tra, trước mặt đại đội không có biệt kích, không có gì mới. Một loạt đạn bay xé không khí lướt qua tóc, qua mày chúng tôi mọi người vội vàng ngồi thụp xuống. Đồng chí Vương Thừa Vũ hai môi mím chặt hạ lệnh cho đồng chí đại đội trưởng vào một căn nhà bên, tiếp tục báo cáo và nhận những mệnh lệnh cần thiết. Trước khi ra về, đồng chí Vũ nghiêm khắc, mắt như bốc lửa nói với đồng chí đại đội trưởng:

"– Nó hơi hấp tấp. Hôm nay gặp thằng bình tĩnh hơn thì chính đồng chí nộp mạng mình, nộp cả mạng chúng tôi cho chúng. Chỉ huy phải thường xuyên nắm tình hình địch". Chúng tôi rời khỏi điểm "nóng", ra đến đường cái anh Vũ dặn anh em chúng tôi: "Xoay cho trưởng phòng chính trị một cái mũ sắt khi xuống các đơn vị đang đọ súng với địch.


Các đồng chí chớ nên bốc. Nhiệm vụ của các đồng chí là nắm tình hình, làm tham mưu cho lãnh đạo và chỉ huy sát hơn, toàn diện hơn"

Trong buổi gặp mặt nhân ngày đầu xuân như tôi đã kể, nhiều đồng chí đề nghị đồng chí An Giao và tôi thuật lại hay nói cho đúng: xác nhận chiến công của các đội Quyết Tử quân trong hai liên khu II và Liên khu III thuộc mặt trận Hà Nội. Theo các đồng chí đó, không hiểu vì lẽ gì, nhưng hình như, khi nói đến Quyết Tử quân, nhiều người chỉ nghĩ đến liên khu I. Sẽ sai lầm khi đánh giá liên khu nào của Hà Nội đã anh dũng nhất, quyết tử nhất, xứng đáng nhất với lời động viên của Bác Hồ: "Các chú quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh".


Lễ thành lập đội Quyết Tử quân đầu tiên tổ chức tại làng Mọc Quan Nhân, từ đó lần lượt nhiều đội được thành lập trong tất cả ba liên khu, vào những thời điểm khác nhau. Vũ khí của đội thô sơ nhưng gây cho cơ giới địch nhiều thảm bại. Bom ba càng, bom "bảo toàn" và chai xăng cờ-rếp, có thể nói đó là ba loại vũ khí chính của đội Quyết Tử, ngoài một vài khẩu súng trường và lựu đạn, chỉ dùng khi cần yểm hộ những người đánh bom ba càng xông ra chặn đánh xe tăng. Trong hồi ký "Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa", đồng chí Vương Thừa Vũ đã tỏ ý tiếc, hồi ấy nếu biết tập trung lực lượng đầy đủ hơn, nhằm vào những điểm nhất định, tấn công địch, chắc chắn sẽ còn thu nhiều thắng lợi. Tất nhiên qua thời gian, cùng với những kinh nghiệm và kiến thức thu nhận được, khi quay nhìn lại quá khứ, dễ phát hiện ra những điểm yếu hồi đó. Cũng như đồng chí Vũ và nhiều đồng chí khác, khi nhớ lại những ngày chiến đấu tại Thủ Đô, tôi bâng khuâng với nỗi tiếc nuối có thể nói, đôi lúc xót xa. Sao ngày ấy, không nghĩ ra, không tìm cách lưu giữ lại tên những đồng chí đã đánh bung những xe tăng địch. Không phải chỉ bằng bom ba càng mà bằng chính cả tính mạng mình. Giờ đây, tôi chỉ còn nhớ được đồng chí Trần Thành, người đã đâm bom ba càng trúng thành chiếc xe tăng ở ngã năm Hàng Kén. Còn bao đồng chí khác, tên tuổi nằm sâu trong trí nhớ đồng đội chưa được ghi lại xứng đáng trên những trang sử dù của địa phương. Hiện nay, theo tôi chưa tìm được tên thật của em bé đánh giầy có tên là Gầy, người đã nhặt quả bom ba càng từ tay một anh vệ quốc đoàn bị đạn gục xuống khi đang lao ra toan đâm xe tăng địch xông lên ụ cửa ô Cầu Dền. Quả bom ba càng trong tay em Gầy đã hất nghiêng chiếc xe tăng, và khẩu ba-dô-ka độc nhất của mặt trận Hà Nội lúc đó nổ phát đạn đầu tiên trong tổng số bốn phát đạn của nó, thiêu cháy chiếc Ran-tờ-rắc từ góc đường Đại Cồ Việt xông ra, định cùng một lúc phá vỡ ụ đất chắn ngang cửa ô, lao thẳng xuống ngã tư Trung Hiền qua suốt phố Bạch Mai. Mũi nhọn địch dụng công tổ chức đã bị ta bẻ gẫy. Chúng phải phái thêm xe tăng, liều thân lôi hai chiếc bị hỏng quay trở lại chợ Hôm. Còn có thể kể thêm nhiều trường hợp, khi lao bom ba càng vào xe tăng địch, bom không nổ, các quyết tử quân đã không ngần ngại ôm quả bom tịt ngòi ấy lăn vào xích xe tăng. Khối thuốc trong bom bị ép mạnh đã bùng nổ. Xe tăng bị đánh bằng kiểu ấy không đứt xích, cũng bốc cháy. Chính vì những tổ Quyết Tử quân, địch phải hoạt động một cách dè dặt gần như đầy sợ hãi ngay trong các khu vực chúng vừa chiếm. Một nhà báo Pháp buộc phải nói lên một sự thật khi có mặt ở Hà Nội trong những ngày đó: "Trong cuộc chiến tranh kỳ dị này, người ta có thể chết một cách dễ dàng ở bất kỳ nơi nào, lúc nào mà người ta không thể biết!" Nhận xét ấy chứng minh vì sao, có lúc các sĩ quan quân đội viễn chinh đã phải xích chân các lính lái xe tăng vào ngay dưới ghế ngồi, để buộc bọn này phải thi hành lệnh tiến quân. Chuyện ấy làm chúng ta nhớ đến loại máy bay được mang tên "Thần Phong" của quân đội phát xít Nhật xuất hiện vào màn cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những chiếc "Thần Phong" được chất đầy thuốc nổ, khi bay khỏi mặt đất, hai bánh xe lập tức rơi xuống. Viên phi công hết đường hạ cánh, chỉ còn biết lái máy bay theo lệnh lao xuống các chiến hạm, hoặc một căn cứ của đối phương trên mặt đất. Những viên phi công này trước khi lên máy bay, được chơi bời, ăn uống thỏa thích trong một số ngày, kể cả được quyền "yêu" bất kể cô gái nào anh ta ham muốn. Bọn phát xít gọi đó là những anh hùng "võ sĩ đạo". Còn các đồng chí Quyết Tử quân của chúng ta? Các đồng chí ấy đã phải tranh nhau từng quả bom ba càng và trong những trận đánh lớn, nhỏ, đều không nhận được một mệnh lệnh nào buộc phải đánh bằng đổ xe tăng địch, nếu không đừng trở lại đơn vị! Chưa ai hề nghe các đồng chí khi nhận nhiệm vụ nói đến hai tiếng anh hùng hoặc một danh từ nào như vinh quang, chiến công. Các đồng chí Quyết Tử quân chỉ hứa với cấp trên và đồng đội: "Các đồng chí tin ở tôi. Chúng ta đã thề sống chết với Thủ Đô". Nhớ đến những Quyết Tử quân, đôi khi tôi băn khoăn, sao Hà Nội chưa dựng ở đâu đó trên đường phố của mình, tượng đài kỷ niệm người chiến sĩ mang quả bom ba càng rướn người, lấy thế đâm thẳng quả bom hình phễu vào xe tăng địch?
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 09:36:14 am »

Để tránh thiệt hại khi phải đánh vượt qua các cửa ô, địch tổ chức một gọng kìm bao vây phía nam Hà Nội, từ mũi xe tăng băng qua Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, ập đến tận ngã tư Trung Hiền, họp với mũi từ ga Hàng Cỏ thẳng đường số 1 xuống nhà thương Cống Vọng rồi quặt sang. Vòng vây địch được khép lại sau những trận đánh ác liệt. Suốt một ngày, không chiếm xong nhà thương Vọng, địch đánh liều, đưa xe tăng ném giữa ngã tư đường ngay trước đài vô tuyến điện Bạch Mai. Để chặn đường rút của những đơn vị quân ta nằm trong vòng vây, địch tưới ét xăng đốt làng Quỳnh Lôi, đốt các khu nhà lá quanh chợ Mơ. Lửa cháy đỏ một góc trời Hà Nội. Ban chỉ huy các tiểu đoàn 77, 64 để tránh thế hợp vây của địch ngay đêm đó cử liên lạc mang lệnh tìm đến các đơn vị hướng dẫn đường rút, và phương án tác chiến khi chưa thoát vây. Đơn vị trấn giữ cửa ô Cầu Dền, lúc này phải chống đỡ địch từ phía sau đánh thốc lên, cần rút vào các ngôi nhà kiên cố của khu Việt Nam học xá nên một rồi hai ngày sau, cả phía nam Hà Nội vẫn diễn ra những trận đánh tranh chấp từng ngôi nhà, góc phố. Xe tăng địch chạy trên đường Ngã Tư Sở qua sân bay Bạch Mai, nhưng bộ binh của chúng vẫn chưa dám đóng hẳn ở sân bay, vì sợ những đòn đột kích. Máy bay địch ném bom Việt Nam học Xá để bộ binh quét quân ta ra khỏi khu vực này. Nhưng cuối cùng, chúng không chiếm được ngôi nhà nào trong khu học Xá, đêm phải rút về ngã tư Trung Hiền, chịu để quân ta vượt qua đường bao quanh thành phố lui về Giáp Bát, Giáp Tứ.


Vòng vây quanh Hà Nội tuy có dãn ra nhưng địch chưa phá vỡ được cái đai bao bọc chúng. Không tiến xuống được Văn Điển, vì bị chặn lại ở làng Sét, không vượt qua Cầu Mới sao có thể tiến tới Hà Đông. Phải đi xa hơn một hai cây số, nhưng đêm đến các đơn vị cỡ từ một đến hai trung đội vẫn được tung vào những trận tập kích nhà Diêm, khu nhà Đỏ đê La Thành, đình Vĩnh Tuy. Nếu tôi nhớ không nhầm, do được du kích chỉ dẫn, Hồ Đệ một cán bộ đại đội tốt nghiệp trường Lục quân Quảng Ngãi được điều về nhân dịp tăng cường cán bộ cho mặt trận Hà Nội, đã dẫn hơn hai trung đội đánh tiêu diệt năm mươi tên địch đóng ở đình làng Vĩnh Tuy. Đó là trận đánh đêm diệt được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí kể từ đêm 19-12. Đại đội trưởng Bảo Cường được lệnh của ban chỉ huy tiểu đoàn 77 tập kích nhà sữa Minh Ngọc ngay tại cửa ô Cầu Dền. Đây là một vị trí cản đường quân ta vào Hà Nội. Nhổ bọn địch ở đây không dễ. Dựa vào tòa nhà hai tầng, đã hai lần chúng đánh bật quân ta, và tiếp tục khống chế một đầu mối giao thông khá quan trọng. Đại đội trưởng Bảo Cường hỏi ý kiến cấp dưới và anh em đội viên. Phải đánh vỡ một mảng tường rộng lấy lối xung phong, nhưng đại đội không có mìn. Một đội viên xin đánh bằng bom ba càng. Mọi người bàng hoàng trước ý kiến chưa hề được nghĩ tới. Về nguyên tắc, bom ba càng cấu tạo theo lý thuyết đạn lõm, nghĩa là khi nổ sức mạnh hất về phía trước, nhưng đó là những quả bom được chế tạo có độ chính xác cao, với những quả bom thủ công nghiệp của ta sai số rất lớn, chính vì vậy nhiều đồng chí đã hy sinh ngay cả khi bom nổ, xe tăng địch bị diệt, nhưng người đâm bom cũng bị sức ép ép vỡ mạch máu. Nay đem bom ba càng phá vị trí địch! Bom nổ, tường đổ, người đánh bom cầm chắc cái chết không khác gì lao cả người vào xe tăng? Câu hỏi đó được đặt ra. Và câu trả lời lập tức được đáp lại, đơn giản như một cái gật đầu: "Thì thế chứ sao?". Người đề nghị đánh bom xác nhận thắc mắc của đồng đội, nhưng không lấy đó làm điều phải tính toán suy nghĩ. Nhiều ý kiến tán thành. Nếu đã có đồng chí hy sinh khi đánh xe tăng bằng bom ba càng, sao lại không khi cần đánh một vị trí? Cái vị trí kia đáng giá như cái xe tăng chứ. Mọi người đi đến quyết định: tán thành đánh bom ba càng mở cửa xung phong. Đồng chí có ý kiến về việc này được quyền thực hiện ý kiến của mình. Trước khi vào trận, đồng chí ấy bí mật dặn đồng chí tiểu đội trưởng của mình: "Anh cho buộc vào người tôi một sợi dây thừng loại tốt và dài dài một chút. Để làm gì à? Còn để làm gì nữa? Tôi đâm bom xong, các đồng chí cứ thế kéo dây lôi tôi ra. Dù chết, tôi cũng muốn được các đồng chí chôn cất cẩn thận. Lỡ đánh không thắng, bỏ xác tôi lại, không có lợi, địch sẽ tuyên truyền giết được hàng mấy tá Việt Minh, bằng cái xác của tôi!" Đồng chí tiểu đội trưởng thấy không có lý gì để phản đối đề nghị bất ngờ kia. Quả bom ba càng trong trận đánh đêm ấy nổ khá to. Một mảnh tường sụp xuống. Quân ta xung phong qua đột phá khẩu. Bị choáng váng vì tiếng nổ lộng óc, địch chưa kịp trấn tĩnh, đã bị quân ta băng lên thang gác. Người đội viên được giao nhiệm vụ kéo sợi dây thừng "thu" lại xác chết của đồng đội bỗng thấy đầu dây phía bên kia giật giật, sau đó như có ai lôi lại. Đoán bạn chưa chết anh vội bò ngay đến và được nghe một câu phê bình lạ tai nhưng rất vui: "Lôi gì lôi khiếp thế? Ngực người ta bị sái hết vì cậu cứ cố lôi. Đã giật rồi mà còn cứ lôi!". Hai người cùng bò ra, khi trên gác, đã kết thúc trận đánh do một đội viên đã dùng chai xăng cờ-rếp đốt vị trí địch.


Cả ngay khi rút về Văn Điển, và địch đã chiếm được thị xã Hà Đông, quân ta vẫn băng qua các làng ngoại thành, tiến vào đánh phá các vị trí địch, rồi lại rút ra, chỉ trong một đêm, không kể những tổ được phái vào hoạt động đánh tỉa, lúc chỗ này lúc chỗ khác hàng tuần lễ ngay trong Hà Nội được địch tuyên bố: Đã hoàn toàn làm chủ.


Trong gần hai tháng chiến đấu tại Hà Nội, tôi đã thức nhiều đêm suốt sáng không thấy mệt. Nhưng có lẽ đêm đáng nhớ nhất, chưa hẳn là đêm 30 tết, để kỷ niệm một cái tết đầu tiên của cuộc kháng chiến, nhiều đơn vị đã "ra quân" giữa giao thừa bằng cách "kéo lên phố" tập kích các cứ điểm địch. Tất nhiên đêm đầu tiên nổ súng bao giờ cũng lưu lại trong ký ức người trong cuộc những hình ảnh và cảm giác không dễ gì quên. Nhưng đối với tôi, và chắc với nhiều đồng chí khác, đêm tổ chức những trận đánh tạo cơ hội để trung đoàn Thủ Đô rút khỏi liên khu I là đêm hồi hộp, căng thẳng nhất. Cân nhắc tình hình, căn cứ vào nhiệm vụ của mặt trận Hà Nội, ngày 17-2-1947 Bộ tổng chỉ huy ra lệnh: trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội. Cố thủ thêm nữa, không lợi gì hơn, trái lại còn có thể tiêu hao phần lớn lực lượng cần bảo vệ. Các tiểu đoàn thuộc liên khu II, liên khu III tấn công nhất loạt vào những cửa ô đã giành giật quyết liệt cách đó 1 tháng: ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy, một dọc đường phố Huế, Hàng Bột sang Kim Mã, Nhà Tiền. Nhiều đại đội trưởng nhận được lệnh, sung sướng tưởng được phản công chiếm lại Hà Nội. Tất nhiên vì nguyên tắc bí mật, đành phải để những đồng chí "hăng hái" ấy mừng hụt. Trung đoàn thủ Đô có an toàn rút được? Dù sao không thể coi thường vòng vây của địch; nhất là khi phải chấp hành mệnh lệnh "rút ra để bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng". Đêm đó, vừa lắng nghe tiếng súng nổ rền trong Hà Nội, vừa chờ đợi trời mau sáng, để nhận được những tin tức cuối cùng của cuộc hành quân vượt qua vòng vây, địch đã tuyên bố siết chặt chim bay không lọt. Toàn thể mọi người có mặt ở chỉ huy sở mặt trận như cùng một lúc reo lên: Xong rồi!


Trung đoàn Thủ Đô đã hoàn thành cuộc rút lui thần kỳ của mình với sự yểm hộ bằng mưu trí và cả xương máu của đơn vị tự vệ Phúc Xá. Đài Con Nhạn1 (Đài Con Nhạn: đài phát thanh của quân đội Pháp) lại đưa tin vịt: "Việt Minh ở liên khu I chỉ còn một con đường: đầu hàng, nếu không muốn bị tiêu diệt"!!


Hà Nội Tổng khởi nghĩa sáng tạo, nhanh gọn, đã thôi thúc cổ vũ toàn quốc mở đầu kháng chiến toàn quốc. Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ mà Trung Ương Đảng và Bác Hồ đã giao. Hà Nội đã lớn lên với lòng tin sắt đá ở Đảng và Bác Hồ, với lòng "tự tôn, tự lập của dân tộc"


Để cho phù hợp với yêu cầu kháng chiến trong tình hình mới, theo quyết định của trên, Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy mặt trận, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định thành lập trung đoàn 80 gồm 3 tiểu đoàn trước trực thuộc khu: 823, 77, 145 bố trí đánh địch ở Hà Nội và trên đường Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Hà Sơn Bình. Khi tiểu đoàn 145 đi Tây tiến cùng với tiểu đoàn 212, trung đoàn được bổ sung 2 tiểu đoàn: 185 ở Sơn Tây, phụ trách tác chiến phía Tây Hà Nội, tiểu đoàn Hà Nam, phụ trách Nam Hà Nội.


Trung đoàn được thành lập một ngày trong dịp tết âm lịch năm 1947 tại làng Đại Mỗ Hà Đông.
Năm 1947, Trung đoàn được Trung Ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy tặng danh hiệu Trung đoàn Thăng Long.


Tôi may mắn được cấp trên cử làm chính trị viên Trung đoàn cùng với đồng chí An Giao là chỉ huy trưởng đầu tiên.

40 năm đã trôi qua. Trung đoàn Thăng Long đã có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trung đoàn Thăng Long đã có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Nhưng những người con trai, con gái Hà Nội không chỉ có mặt trong 2 trung đoàn Thủ Đô và Thăng Long. Họ đi Tây tiến, đi hầu hết các chiến trường, chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn, có lúc chia nhau 1 đại đội 4 viên thuốc ki-na-rô-rin chống sốt rét hòa loãng với lá rừng. Họ ra đi lòng dạ đinh ninh "sẽ trở về chiếm lại quê hương".

Mong ước ấy từ lâu đã thành hiện thực.

Nhưng nhiều người không trở lại.

Chính vị vậy, Tổ Quốc và người còn sống hôm nay mãi mãi được khích lệ vì những tâm hồn cao cả ấy, không ngừng dấn mình lên phía trước.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM