Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Chín, 2023, 10:50:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếng súng 40 năm  (Đọc 1413 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #40 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2023, 08:45:59 am »

Chúng tôi chia tay nhau đi chỉ huy tự vệ và vệ quốc đoàn. Súng địch và súng ta nổ vang, tiếng nổ lại dội vào hai dãy nhà của khu phố nên càng thêm ầm. Mấy lần địch tấn công xuống đều bị ta bắn mãnh liệt và tung từng loạt lựu đạn đánh bật chúng trở lại vị trí cũ.


Nhưng ở mạn trường Hàm Long súng vẫn nổ ráo riết, rồi một tiếng nổ lớn vang vọng mãi kết thúc trận đánh. Khói đen cuồn cuộn theo gió Bắc tạt xuống nơi chúng tôi bố trí. Kẻ địch ngừng tấn công. Lát sau đồng chí gặp tôi mặt sạm khói súng, cười để lộ hai hàm răng hơi vẩu:

– Bọn mình bắn cháy một xe Háp-tờ-rác của địch ngay đầu ngõ Nguyễn Chế Nghĩa. Mặt trận vẫn giữ vững.

Từ ngày hôm ấy cho đến tối, địch cũng không tấn công nữa, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi qua đường mà không theo đường hào lại thấy súng nổ "tắc bọp".

– Địch đã cài được quân ở các nhà gác để bắn tỉa mình đấy.

– Vừa qua bọn mình đánh lính Pháp còn thấy bọn lính khố đỏ đội mũ chào mào và bọn Việt gian, thổ phỉ ăn mặc thường phục theo chúng. Bọn này mới gây phiền phức cho mình vì phát hiện ra chúng càng khó, nó dễ lẫn với anh em tự vệ.

– Ta cứ phân biệt tiếng súng là được. Hơn nữa anh em tự vệ có dáng điệu đàng hoàng nên phân biệt được ngay.

– Cậu chú ý phổ biến cho anh chị em tự vệ đề phòng bọn này bắn lén.

Tôi về gặp anh Hoàng Hà để báo cáo cho anh rõ tình hình địch ở lại trụ sở đã chuyển sang đóng ở nhà Bùi Duy Dần. Ở đây tôi lại gặp tất cả các anh Oánh, anh Hùng và Tuấn em. Ban bảo vệ chỉ thấy anh Phụng, còn anh Sác đã bị hi sinh ngay hôm địch bắn moóc-chi-ê bừa bãi xuống khu phố. Anh Phụng đi cùng với anh Hồng Hà để lo việc tổ chức lực lượng tự vệ chi viện cho chúng tôi và việc tiếp tế. Mọi người đều thấy hiện tượng các nhà gác quanh các phố gần đấy đều có bóng người lạ và thỉnh thoảng súng "tắc bọp" lại nổ nhắm vào những anh em tự vệ đi qua đường mà không ẩn nấp.


Tin này được báo cho toàn lực lượng từ nay không đi ngoài hè mà phải xuyên qua các lỗ đục tường mà đi. Khi qua đường phải theo đường hào hay nấp ven các chướng ngại vật để tránh việc hy sinh vô ích.

Buổi chiều anh Hồng Hà gọi tôi và anh Oánh vào trong bếp nhà Bùi Duy Dần. Nhìn nét mặt anh trang nghiêm tôi đã đoán ra việc gì rồi, nên khẽ bấm tay anh Oánh và liếc nhìn anh thấy anh tỏ vẻ cảm động.


Vào đến trong bếp, anh Hồng Hà hỏi thăm qua gia thế nhà anh Oánh rồi đi vào vấn đề ngay:

– Được đồng chí Tuấn giới thiệu và đảm bảo phẩm chất cách mạng của đồng chí. Chúng tôi đã tìm hiểu lý lịch và sự hoạt động của đồng chí trong thời kì bí mật trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Nay chúng tôi càng đánh giá thêm về ý thức cách mạng của đồng chí và xét nguyện vọng của đồng chí muốn gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương để đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp cao cả của Đảng.


Thay mặt chi bộ Đảng tiểu khu 6, hôm nay tôi tuyên bố chính thức kết nạp đồng chí Ngô Tất Oánh là đảng viên dự bị của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong thời kỳ dự bị, đồng chí Tuấn sẽ giúp đỡ đồng chí hiểu sâu thêm về cương lĩnh của Đảng và chúc đồng chí mau chóng trở thành người đảng viên chính thức và xứng đáng.


Đồng chí Oánh im lặng một lúc như muốn kìm sự xúc động của mình sau đó đồng chí mới nói:

– Được đồng chí Tuấn tuyên truyền cách mạng từ thời kỳ bí mật, tôi đã nguyện đem cả cuộc đời của mình đi theo con đường vinh quang của Đảng. Đến nay tôi vinh dự được đứng chung trong hàng ngũ với các đồng chí, tôi nguyện đem hết sức mình phục vụ cách mạng, phục vụ mục đích chân chính của Đảng và trong cuộc chiến đấu của toàn dân, tôi xin thề luôn luôn trung thành với Đảng và luôn đứng ở hàng đầu của đội ngũ tiên phong.


Tôi cũng phát biểu một số ý kiến để khẳng định lại tinh thần và ý chí của đồng chí Oánh trước đồng chí bí thư. Sau đấy chúng tôi bắt tay nhau thật chặt mà không nói thêm được gì.

Đêm ấy chúng tôi ngủ lại ở trụ sở. Tôi và em Lương kiếm thêm được chiếc chăn bông nên hai anh em tìm chỗ hàng hiên rộng, cái trải, cái đắp, nằm ngay trên sàn đá hoa ôm nhau ngủ.

Tôi đang mơ màng trong giấc ngủ chỉ thấy những cảnh chiến đấu lúc ban ngày, thì có người tung chăn ra làm tôi lạnh quá, cố kéo để đắp lại.

– Dậy! Dậy! Cậu Tuấn Anh em bộ đội lên đông đề nghị phối hợp với tự vệ bố trí đánh trận ngày mai đấy.

Mắt nhắm, mắt mở, nhìn ngọn đèn dầu le lói cũng thấy chói, ngơ ngác một lúc mới tỉnh hẳn. Thấy anh Hồng Hà, tay cầm đèn, đang đứng nhìn tôi cười, cặp kính lấp lánh như cười theo. Anh Tích đứng bên cạnh, mặt cũng đỏ gay hấp hím:

– Tỉnh ngủ hẳn chưa? Dậy đưa bộ đội lên vị trí đi. Mình đã điều thêm lực lượng tự vệ viện trợ cho cậu đấy.

Thấy đồng chí Phó bí thư liên khu 2 nói như vậy, tôi liền kéo em Lương đang cố rúc trong chăn ấm với mấy người nữa đã chui vào chỗ nằm của chúng tôi từ lúc nào không rõ. Phải gọi mãi em Lương mới tỉnh hẳn, tôi nghĩ càng thương các em nhỏ, đang tuổi ăn học và làm nũng mẹ, mà nay theo tiếng gọi cứu nước, cũng xông pha lửa đạn, chịu đựng gian khổ nguy hiểm như người lớn.


Đang nằm trong chăn ấm, trở dậy tôi thấy người nóng ran, nhưng cũng cài khuy áo chặt lại, thắt lưng súng và lựu đạn ra ngoài áo. Còn đôi giầy của tôi thì gần một tuần nay chưa cởi ra bao giờ, ngay cả khi tôi nằm ngủ và rúc vào chăn ấm, để luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.


Cùng em Lương xuống đến đường tôi đã thấy lố nhố đến một trung đội tự vệ có đủ súng trường, lựu đạn và chai xăng cờ-rếp. Nhưng đa số vẫn là dao, kiếm và lựu đạn.

– Các anh ở phố nào đấy?

– Chúng tôi ở mấy phố quanh đây cũng thuộc tiểu khu 6.

– Ngày mai chắc là địch sẽ tấn công xuống tiểu khu mình mạnh đây. Hôm qua nó mới đánh thăm dò thôi.

– Tất cả sẵn sàng rồi. Anh cứ bố trí chúng tôi ở mặt nào cũng được…

Buổi sáng thấy mặt phố Hàm Long là nặng hơn cả nên tôi bố trí các anh có súng và lựu đạn ở mạn ấy nhiều hơn. Số còn lại tôi giao cho anh Oánh đưa anh em sang bố trí bên dãy phố số nhà chẵn.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #41 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2023, 08:47:39 am »

Tảng sáng vừa bố trí xong lực lượng, anh Ninh cao trong đội hỏa thực đã lên phân phát cơm nắm cho tất cả chúng tôi và anh em vệ quốc đoàn. Nhìn người anh cao lêu đêu, chiếc thắt lưng cài hai quả lựu đạn na lủng lẳng, tay ôm rá cơm, quần áo lấm lem vôi gạch, càng thấy tinh thần chịu thương, chịu khó chăm sóc chúng tôi. Có được số cơm nắm nhiều như vậy, chắc chắn cả đêm hôm qua các anh chị hì hụi thức suốt đêm thổi cơm, kho thịt nắm lại từng phần cho chúng tôi ăn no đánh giặc.


Anh em tự vệ vừa ăn cơm, vừa chỉ bảo cho các bạn chiến đấu mới bổ sung biết rõ các vị trí địch và hướng tấn công. Đúng lúc ấy, súng địch bắt đầu nổ dữ dội. Có anh cẩn thận cất nắm cơm dở vào túi, có anh vứt bỏ cầm vội lấy vũ khí của mình chạy lên vị trí ở sát ngay chân bức tường của nhà trường.
Qua hàng song sắt bờ rào, tôi thấy bọn lính mũ đỏ hô lớn: "En avant, À l’assaut!" (Tiến lên! Xung phong) và xen lẫn trong những tiếng nổ đanh gọn là tiếng nổ ầm vang có uy thế của những quả đạn "Bảo toàn" do các anh vệ quốc quân lao ra đường. Bọn lính địch bị ngã gục nhiều tên nên khựng lại, chạy lùi về nấp về các nhà bên kia đường.


Lúc này toàn mặt trận liên khu II đều ầm ầm trong tiếng súng. Tôi không nắm được tình hình ở mặt phố Huế mà chỉ biết trước mắt chiến sự ở đường Hàm Long này thôi.

Em Lương vẫn bám sát tôi, lăm le chỉ muốn xông ra đường để nhặt súng của bọn địch đã bỏ xác lại. Tôi phải kìm em lại và quát mắng không cho em liều lĩnh như vậy. Em Lương phụng phịu với tôi rồi cứ quay mặt đi… Tiếng súng cua hai bên vẫn nổ chát chúa. Chúng tôi ở vào địa thế thấp trong sân trường còn địch đã chiếm các căn nhà gác cao bắn xuống nên chiến đấu một lúc lâu rồi anh em tự vệ và vệ quốc phải rút cả vào trong các lớp học. Địch được lợi thế tràn qua đường đến át chân tường của nhà trường, chúng ném lựu đạn vào trong sân làm khói và đất bốc lên mù mịt. Chúng tôi thỉnh thoảng mới ném lựu đạn ra chặn đứng bọn muốn xông vào sân trường. Hai bên cầm cự nhau chỉ cách có khoảng đất hẹp. Địch muốn nhảy vào sân, nhưng hễ tên nào vừa nổ lên hàng rào song sắt là bị trúng đạn ngã lộn ra ngoài, nên sau một hồi ráo riết xung phong địch vẫn không vào được trong sân trường.


Chợt một chùm lựu đạn địch ném vào sát lớp học nổ làm bốc lên một làn khói đỏ như bụi gạch. Anh em hít phải hơi khó đó thấy cay sè, mũi và phổi nóng như bị hun lửa, nước mắt nước mũi chảy ràn rụa, ho sặc sụa. Anh em không biết là loại vũ khí gì, không còn ai nổ súng được mà chỉ ôm ngực ho rồi ào ào tháo lui. Tôi cũng hít phải hơi khói ấy, nước mắt, mũi ràn rụa, biết là địch tung lựu đạn cay nên lấy vội chiếc khăn tay bịt chặt mồm mũi rồi chạy nhanh qua lỗ đục tường trước để nhắc anh em:

– Địch ném lựu đạn cay. Ai có khăn tay, nếu không xé vạt áo bịt chặt mồm mũi lại rồi trèo lên cao mà đánh và tránh làn khói độc. Không được rút lui. Không ai được rút lui!

Tôi gào lên như vậy, nhưng chắc không có ai nghe rõ lời tôi vì tôi đã bịt chặt mồm mũi lại rồi. Tôi chặn ngay lối tường đục nắm lấy từng người chỉ lên gác cao để chặn đánh địch.

Tôi vừa ho sặc sụa, vừa cắt hai anh có lựu đạn, súng trường chắn ở lối tường đục đề phòng địch chui sang rồi ôm lấy ngực dựa vào chân tường để thở.

Khói lựu đạn tan dần theo chiều gió Bắc thổi mạnh, em Lương và các chị cứu thương đã xuống sân để cứu nhưng anh bị thương. Thấy tôi ngồi dựa vào tường em Lương cuống quít:

– Anh Tuấn, anh Tuấn làm sao thế?

– Anh bị tức ngực vì hít phải nhiều khói độc.

Làn khói cay đã tan hết, các anh tự vệ và vệ quốc lại ổn định tinh thần lần lượt chui qua tường lên phía trên. Địch cũng không dám xông vào các căn nhà có chúng tôi vì chúng cũng sợ không rõ chúng tôi trụ lại ở đâu. Thỉnh thoảng súng và lựu đạn lại nổ. Anh em nhằm vào các toán địch lăm le định vượt qua lỗ tường để đánh xuống. Đồng chí chỉ huy vệ quốc đi thu thập từng người, lại dẫn anh em về vị trí cũ. Tiếng súng ở mặt này tạm im, nhưng ở mấy phố xung quanh thì vẫn nổ ran, xen kẽ những tiếng "tắc bọp" rất khó chịu và nguy hiểm.


Lúc tôi đỡ tức ngực, thấy đồng chí Tấn đưa thêm lực lượng bộ đội lên. Nhìn thấy tôi nằm ở sàn nhà bên cạnh có chị cứu thương, anh chạy vội lại:

– Tuấn bị thương à? Mình thấy mặt trận này thưa tiếng súng, sợ bị vỡ nên điều thêm quân lên tiếp viện đây

– Mình bị tức ngực vì hít phải nhiều khói độc, nhưng không sao. Lúc nãy anh em chưa biết là loại khói gi nên có hoang mang, bây giờ lại về vị trí cũ rồi. Địch chưa dám tràn xuống đây, nhưng chúng mình phải rút khỏi trường Hàm Long.

– Cậu về dưới ấy nghỉ một lát đi. Mình sẽ ở lại đây với anh em. Ở mạn phố dưới cậu cần chú ý địch ở hai cánh bên phố Sa-rông và Giắc-canh nó đánh thọc sang đây. Mặt phố chính này cũng chưa gay lắm.

Tôi và em Lương khó nhọc mới lần xuống được qua các nhà đến mặt phố La-vê-ran (Lê Văn Hưu). Tôi ngồi lại căn nhà sát đường bảo em Lương theo đường hào xuống phố dưới xem tình hình chiến sự ra sao. Khi em Lương vừa ló ra khỏi tường tụt xuống đường hào thì tiếng "tắc bọp" ở ngoài phố Huế và Giắc-canh đã nổ tới tấp…

– Bọn thổ phỉ đã lấn sâu được xuống mạn dưới này rồi. Phải quét sạch được chúng nếu không thì rất phiền…

Tôi nghĩ như vậy liền lấy ống nhòm quan sát các nhà gác cao, nhưng chỉ thấy nhà nào cũng đóng cửa sổ kín mít. Bọn thổ phỉ cũng ẩn mình kỹ lắm.

Tôi đang ngồi nghe tiếng súng nổ ở các phố, dự đoán tình hình chiến sự thì em Lương đã quay trở lại.

– Anh Oánh và các anh tự vệ đang bố trí ở phố dưới đến chợ Hôm. Anh cho biết là quân Pháp ở đường Gia Long (Bà Triệu) đánh quật sang phố Ri-ki-ê (Nguyễn Du) đang tiến xuống cuối phố Sa-rông (Mai Hắc Đế). Còn ở phố Giắc-canh chúng cũng tung quân ở nhà dầu Sen đánh thẳng xuống, đã chiếm đoạn phố La-vê-ran, tới ngã năm A-măng Rút-sô (Lò Đúc). Anh Tuấn em đang đưa lực lượng đánh chặn địch ở phía ấy. Anh Oánh nhận đánh địch ở phố Huế, còn ở bên Mai Hắc đế chưa có lực lượng của địch.

Tôi và em Lương cẩn thận qua đường hào gặp anh Oánh.

– Tuấn sang dãy phố bên kia chỉ huy anh em đánh mặt sau vì địch đang định cắt đuôi chúng mình đấy. Mình ở mặt này rồi. Tuấn em đang đánh ác liệt không cho chúng hậu mình.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2023, 08:49:58 am »

Tôi thống nhất kế hoạch với anh Oánh. Tôi và em Lương phải lần xuống cuối chợ Hôm để theo chướng ngại vật vượt qua đường cho an toàn. Nhưng vừa đến giữa chợ Hôm thì địch đã phát hiện nổ súng bắn sang. Chúng tôi nấp sau những hàng cột tròn. Một viên đạn bắn trúng cột nơi tôi đứng nấp. Tôi nhìn thấy đầu viên đạn trượt vào cạnh tường còn xoáy tít như con quay. Em Lương tò mò cúi xuống nhặt xem đã vội buông tay và suýt xoa mãi.

– Bỏng lắm đấy. Chú dại thật… Địch đang bắn vào anh em mình còn nghịch làm gì.

Chờ lúc ngớt tiếng súng, tôi kéo em Lương chạy nhanh qua con hào ngang phố Hác-măng (Trần Xuân Soạn) chui ngay vào căn nhà đầu, rồi luồn tường qua các nhà đến phố có chiến lũy mới qua đường sang bên số nhà chẵn.


Vào được trong nhà tôi đi tìm các anh tự vệ thấy một tổ có 4 người đang canh giữ mặt đường.

– Địch đánh ta ở mặt sau phố. Chúng đã đưa xe tăng án ngữ ở ngã tư phố Mi-ri-ben (Trần Nhân Tông) và Sa-rông (Mai Hắc Đế).

– Chúng mình bị địch cắt phía dưới rồi hở anh?

– Nó chặn xe mặc nó, còn sục vào từng căn nhà thì chưa dám đâu… tôi ở bên này với các anh, sẽ tìm cách đẩy được xe nó đi. Chỉ phiền là bọn mình có khi phải nhịn ăn vì anh chị em tiếp tế chưa lên được.

– Khoản ấy không lo anh ạ… Chúng tôi mới thu được gần chục hộp sữa "Con chim" đây… Anh và em dùng tạm cũng đỡ đói…

Chúng tôi nhận mỗi người một hộp của anh em đưa cho. Một anh dùng lưỡi lê chọc thủng một lỗ để cho chúng tôi hút dần ít một.

– Anh nào có lựu đạn đi với tôi xuống chỗ xe tăng đi.

Có một anh đeo hai quả lựu đạn và hai chai xăng cờ-rếp đứng ra xin đi cùng.

– Bọn mình có 3 người, các anh có 3 người cứ giữ mặt ngoài phố này nhé. Chú ý cắt người canh chừng địch cũng sục qua lỗ tường đục xuống đấy. Bọn thổ phỉ ở ngay đoạn trên đây một quãng thôi.
Chúng vừa bắn tôi và em Lương khi chạy sang bên này với các anh.


Nói xong, tôi đưa em Lương và anh tự vệ luồn lên nhà anh Hùng ở 108 phố Huế vì tôi biết nhà anh ăn thông sang tận phố Mai Hắc Đế. Đứng nấp ở cổng, tôi nhìn rõ chiếc xe tăng địch lù lù chặn ngay ngã tư. Mấy tên lính Pháp nghênh ngang đi lại quanh chiếc xe mà không cần nấp. Tôi ước lượng thấy còn xa địch quá nên lại kéo anh tự vệ luồn sâu xuống phía dưới sát cuối phố. Chúng tôi vào trong sân một căn nhà thận trọng trèo lên gác nhìn rõ mồn một chiếc xe tăng địch ở ngay dưới chân mình. Bọn lính Pháp đứng tựa người vào thành xe hút thuốc lá.


– Chúng mày cũng anh hùng gớm nhỉ! Đánh nhau mà cứ như là đi dạo phố. Chờ đấy rồi sẽ biết nhau…

Tôi bàn với anh tự vệ ném lựu đạn và hai chai xăng cờ-rếp xuống xe địch, tôi sẽ nhằm bắn mấy tên lính xong phải tụt ngay xuống dưới nhà vì địch quay nòng súng kịp bắn thì anh em mình tung cả lên trời.

Em Lương còn một quả lựu đạn làm vốn cũng lăm le xin được ném vì ngon ăn quá.

Chúng tôi nhẹ nhàng lên gác, nhìn qua khe cửa sổ khẽ đẩy chốt cửa thật êm rồi tôi ra hiệu cho anh tự vệ chuẩn bị.

Bất thần tôi đẩy tung cánh cửa sổ, anh tự vệ chỉ việc tung chai xăng và ném liền hai quả lựu đạn gần như cùng một lúc. Tôi chĩa nòng súng ngắn bắn cả một băng vào tụi đang xúm lại hút thuốc. Em Lương cũng vung cánh tay nhỏ bé ném quả lựu đạn mỏ vịt của mình xuống đường.


Tôi nhìn kỹ 3 tên ngã gục xuống lòng đường, chai xăng chỉ cháy ở thành xe, nòng đại bác địch đang quay lại phía chúng tôi, tôi kéo em Lương tụt xuống cầu thang như tụt cầu trượt rồi cùng anh tự vệ luồn rõ nhanh lên mấy nhà phía trên vừa qua được một quãng thì tiếng đại bác nổ chói tai. Em Lương nhìn tôi lè lưỡi:

– Chậm một tí nữa thôi anh nhỉ. Có lẽ anh em mình đang bay trên trời.

Sau phát đại bác bắn nát căn nhà gác ấy, tôi nghe tiếng súng xe tăng địch gầm lên rồi rút chạy ra xa.

– Mới có 3 quả lựu đạn và chai xăng mà đã làm cho địch hoảng sợ, tưởng là chúng tôi có đông người tấn công nên chúng phải rút xe về gần ngã tư Lê Lợi (Bà Triệu dưới).

Tiếng súng ở mạn này đột nhiên im lặng hẳn. Chúng tôi quay lại nhà cũ. Anh tự vệ phấn khởi kể lại chuyện đánh xe cho các anh khác nghe:

– Xe của nó chỉ bị cháy gọi là thôi, nhưng bộ binh địch thì chết mấy đứa… Thế là mình hết vốn. Đánh nhau bằng gì bây giờ!...

– Em cũng như anh, có mỗi quả lựu đạn cũng tiêu hết. Nhưng em vẫn làm liên lạc cho anh Tuấn.

– Anh cũng đành quanh quẩn ở đây với anh bạn này. Tiếc thật! Lúc nãy không làm sao lấy được súng của bọn bị trúng đạn. Lấy được một khẩu thì đời tươi quá… Nếu không lại tìm cách đánh nhau khác vậy. Cụ Hồ bảo là: ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, nếu không có nữa thì dùng cuốc xẻng… mà đánh địch.


Chúng tôi vừa nói chuyện vừa hút hộp sữa. Đang ăn có liên lạc của anh Oánh sang báo tin là anh Tuấn em và một số tự vệ đang bị địch bao vây trong căn nhà ở đầu phố Pê-sca-đo (Phù Đổng Thiên Vương). Anh Hồng Hà và anh Phụng đã điều thêm được 19 anh tự vệ ở phố dưới lên giúp sức.
Tôi nhìn 4 anh tự vệ như muốn hỏi ý kiến vì không muốn bỏ lại các anh ở lại bên này, mấy anh đã giục tôi:

– Anh cứ đi sang bên đó đánh giải vây cho anh em. Bên này cũng tạm yên rồi. Chúng tôi sẽ bám chặt đường phố này.

Tôi kéo em Lương chạy sang hiệu bánh mì Bu-lăng-giơ-ri Mô-đee (rạp Đại Nam bây giờ) thấy một tiểu đội tự vệ có 4, 5 tay súng còn đều là kiếm và dao. Một chị cứu thương, tóc uốn, áo dài mầu be sẫm, cũng đứng nghiêm trong hàng ngũ.

– Ta đi đánh giải vây cho anh em chứ?

– Sẵn sàng.

– Bây giờ chúng mình chia đôi số người và súng. Một nửa luồn sang phố Lô-giê-rô (Phùng Khắc Khoan) đánh vòng lên. Một nửa theo tôi luồn lên mạn trên đánh xuống. Giải được vây lại về tập hợp ở đây.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2023, 08:51:42 am »

Tất cả nhanh chóng chia người đi ngay. Chị cứu thương theo toán sang phố Lô-giê-rô. Chúng tôi lại sang chợ Hôm, luồn qua xóm Đức Viễn vào căn nhà gác của cụ Vũ Đình Tụng lấy địa thế cao để bắn vào bọn địch ở phố Hác-măng. Chỉ một lát sang, súng ở hai cánh đã nổ kéo làn súng của địch về phía chúng tôi. Trong căn nhà đầu phố, nơi tổ của anh Tuấn em bị vây, cũng thấy lựu đạn tung ra và rồi mấy bóng người chí chạy sang phố Lô-giê-rô. Tôi nhìn thấy bóng chiếc mũ sắt biết là Tuấn em đã thoát vây liền thôi nổ súng, tìm lối về địa điểm đã hẹn.


Đến nơi thấy anh em đã tập hợp đông đủ cả 3 người trong tổ anh Tuấn em, nhưng tôi thấy anh cứ lom khom ôm bụng.

– Cậu bị thương rồi phải không?

– Đầu đạn còn nằm ở bụng, may nó chưa chui vào trong ruột!

Chị cứu thương băng bó tạm cho anh. Tự vệ tìm ván gỗ định khiêng anh ra ngoài cửa ô để bác sĩ mổ gấp lấy đầu đạn, nhưng anh đã gạt đi:

– Mình còn đi được. Cứ lom khom thế này luồn tường càng dễ.

Anh Tuấn em vừa nói vừa cười để lộ hai hàm răng nhỏ xít, trắng bóng. Chị cứu thương đi theo anh về tuyến sau, còn mấy anh tự vệ xin được ở lại chiến đấu. Đi được một quãng, Tuấn em quay lại, lột chiếc mũ sắt trên đầu đưa cho tôi.

– Anh giữ lại mà dùng có đội cái bê-rê tàng ấy mãi…

Tôi cầm lấy chụp vào đầu em Lương.

– Phải bảo vệ cái đầu xanh xinh này trước.

Em Lương cũng thích lắm cười tít mắt:

– Em mất lựu đạn lại có mũ sắt. Thế nào em cũng phải cướp được khẩu súng các-bin thật nhẹ.

– Chú cứ theo anh rồi còn nhiều dịp lấy súng địch.

– Em đợi đến khi nào gặp chị Lan, em lại cho chị ấy chiếc mũ này. Của Tây chính cống đấy anh nhỉ!

– Đúng rồi. Ta chưa có mũ sắt. Vài anh tự vệ có thì lại là mũ của Nhật cứ tròn ung ủng, úp sụp xuống cả mắt. Chú lại muốn tặng bà chị chiến lợi phẩm này à? Của anh Tuấn em lấy được trong ổ tác chiến địch đấy.

– Em có mũ ca lô rồi. Để cho chị ấy là con gái xông pha trên mặt trận tốt hơn.

– Tùy chú

Cả ngày hôm ấy súng địch im ắng. Chỉ thỉnh thoảng tiếng súng tắc bọp của bọn Việt gian thổ phỉ vang lên khắp các phố nghe rất khó chịu, mà chúng tôi cũng chưa diệt được tên nào. Tìm một người ẩn náu kỹ trong những phố rộng, nhà cửa đông đúc thế này không phải là dễ. Có khi chúng ở ngay trên trần nhà nơi anh em tự vệ bố trí, và khi anh em rút là chúng lại hoạt động bắn lén ngay.


Chiều hôm ấy, tôi và em Lương lần tường quay về phố A-mi-ran Sơ-nét (Hòa Mã) là nơi nhà tôi ở. Tôi phá khóa cửa vào trong nhà thấy vắng lặng, buồn tênh, đồ đạc được thu xếp gọn gàng nhưng phủ đầy bụi. Tôi lục chiếc hòm da sơn đen tìm mấy bộ quần áo để thay và tháo đôi giầy cũ đã gần rách, lấy đôi giầy của anh tôi để đi. Khi ra đến nhà ngoài, tôi thấy trong tủ kính còn lọ đường nên lấy đổ tất cả vào gói giấy cho vào túi dét. Nhìn lại lần cuối căn nhà với những đồ đạc quen thuộc của mình tôi không biết những người thân hiện nay đã tản cư về tận nơi nào vì quê tôi cũng vẫn là ở Hà Nội. Nhà tôi ở là phố vắng bên kia đường là bức tường chạy dài của nhà máy rượu nên anh em tự vệ không lấy đồ đạc lập chiến lũy, vì thế mà nhà nào cũng vẫn còn nguyên vẹn không suy suyển gì.
Vừa ra đến đầu phố, chỗ trụ sở Cao Đài phổ độ, tôi gặp anh Phước, trinh sát của anh Lê Hữu Qua. Tô hỏi thăm tình hình các anh ở Sở Công An, được anh cho biết anh Qua đã về đóng ở trại ông Hoàng Xuân Hãn ở đường Minh Khai bây giờ. Cả anh Hùng cũng đã về đấy rồi. Anh Qua cử anh Phước lên trinh sát tình hình chiến sự trên này. Tôi cũng kể cho anh biết qua vài nét về các cuộc chiến đấu và tình hình địch đóng quân hiện nay ở đâu… Đang đi có tiếng súng tắc bọp nổ ngay sát tường nơi chúng tôi vừa qua.

– Bọn mình phiền nhất về lũ thổ phỉ bắn lén này. Nó bắn tồi đấy, nếu không thì mình và cậu thế nào cũng có người bị với nó rồi.

Tôi liền kéo anh Phước vào căn nhà của một chủ cho thuê xe xích lô, lên sân thượng nhà ấy, đưa ống nhòm quan sát các nhà xung quanh đây. Chợt tôi thấy thoáng một người trên sân thượng ở một ngôi nhà gác phố Hê-ren đơ Bri-dít (Thi Sách), liền kín đáo chỉ cho anh Phước thấy:

– Căn nhà gác có sân thượng kia kìa, vừa thoáng có bóng người, mình không rõ là tự vệ hay địch. Nếu là tự vệ thì anh em thường ở vài ba người một nhà đàng hoàng. Cậu lưu ý nhé.

– Anh cứ về trụ sở đi. Tôi đi gặp nó bây giờ…

Nói xong anh Phước bí mật lần đi ngay. Tôi và em Lương trở về căn nhà ngay đầu phố Hòa Mã và phố Huế, gặp anh Oánh và anh em tự vệ đang ăn cơm.

– Ăn chưa hở Tuấn?

– Từ sáng đến giờ chưa có hột cơm nào vào bụng.

– Đội hỏa thực và tổ của anh Ninh cao đang luồn tường lên phía trên phát cơm cho tự vệ. Anh em cũng còn độ hơn 20 người. Phần lớn hết vũ khí chỉ còn tay không, nên mình để anh em ra ngoài hậu phương tham gia công tác kháng chiến khác. Mình thu gọn lực lượng bố trí ở mấy nhà đoạn trên đây một quãng thôi.

– Trên phố Hàm Long ra sao rồi?

– Bộ đội của cậu Tấn cũng không đủ người rải quân nên bố trí ở quanh đây. Ban đêm họ lại lên quấy rối địch ở các vị trí tập kết. Anh em tự vệ cũng muốn đi lắm nhưng chỉ có dao kiếm thì làm được gì.
Anh Oánh bẻ nửa nắm cơm đưa cho tôi và em Lương. Đang ăn tổ hỏa thực của anh Ninh cao quay trở về, trong rá vẫn còn hơn 10 nắm cơm.

Anh lấy đưa cả cho chúng tôi giữ lại và cho biết đội tiếp tế của chị Trinh đang đóng ở chùa Đồng Nhân rồi anh bùi ngùi nhìn chúng tôi nói thầm thì:

– Lực lượng tự vệ còn ít quá, hy sinh nhiều đến thế à?

– Không phải là hy sinh nhiều đến thế đâu mà phần lớn anh em chiến đấu dũng cảm đánh hết vũ khí nên đành rút về tuyến sau tham gia các công việc khác. Có hy sinh và bị thương cũng chỉ dăm bẩy anh, trong đó có anh Tuấn em đã được đưa ra ngoài ấy rồi.


Anh nói với chị Trinh cũng lưu ý vì địch đã chiếm được đầu phố Lò Đúc rồi đấy, chúng có thể bất ngờ thọc sâu xuống mạn dưới, rồi đánh quặt sang đây để bọc hậu anh em chúng tôi còn đang trụ ở phố Huế. Mấy ngày tới chiến sự còn gay go, các anh chị phát cơm cho cả ngày thì tiện hơn. Hiện nay còn có 27 người tất cả, trong đó có hai chị cứu thương quyết theo anh em sống chết với Thủ Đô.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2023, 08:53:14 am »

Đến sẩm tối, tôi thấy anh Phước mò mẫm trở về tủm tỉm cười, tay xách một bọc nặng và tay cầm khẩu các bin còn mới. Một chị cứu thương đã tìm được chiếc đèn dầu hỏa châm lửa đốt sáng và đưa cho anh suất cơm nắm.

– Cậu có tìm đúng tên thổ phỉ ấy không?

– Đúng! Tôi lôi nó về đây rồi.

– Đâu, đâu, xem mặt mũi nó một tí…

Mấy anh tự vệ nhao nhao đứng dậy định chạy ra ngoài sân.

– Cứ thong thả, đâu còn có đấy…

Anh vừa nói vừa đặt bọc vải lên bàn và cả khẩu súng các-bin, rồi anh cởi chiếc thắt lưng đeo đầy túi đựng sác-giơ đạn đưa cho tôi:

– Ủng hộ các anh tặng phẩm này để thêm vũ khí mà chiến đấu.

Em Lương láu táu đỡ lấy khẩu súng vuốt ve nòng thép mãi:

– Nhẹ quá anh ạ! Còn bọc này chắc là lựu đạn.

Em nói xong tiện tay cởi tung bọc ra. Chị cứu thương kêu thét lấy hai tay úp vào mặt. Em Lương cũng ú ớ, nép vào sau lưng tôi. Thì ra trong bọc vải là chiếc đầu người, tóc rối bù, râu mọc tua tủa quanh hàm như râu Trương Phi trong tranh vẽ của Tầu.

Anh Phước kể lại:

– Mình bí mật tiếp cận mấy căn nhà góc phố Hê-ren, leo lên nằm phục trên tầng một nhà, lâu lắm mới thấy tiếng động lịch kịch ở nhà bên, chưa rõ địch hay ta, nên cứ im lặng chờ đợi. Một lúc lâu lại thấy tiếng động rõ hơn và đúng là có người đang đi lại trong nhà làm gì đấy. Mình hé cửa ghé mắt nhìn sang ban công nhà bên cạnh muốn nhẩy sang ngay nhưng như vậy lại lộ mình trước nên kiên nhẫn phục kích. Mãi đến lúc chiều gần tối vừa rồi, mình thấy một người ở ban công bên ấy nhẩy sang bên này. Hắn ngơ ngác nhìn trước sau… Đúng là thổ phỉ rồi! Mình chuẩn bị bắn thì vừa lúc nó đẩy mạnh cửa xông vào nhà. Tên thổ phỉ tay xách các-bin, tay xách bọc đồ nặng. Thấy mình ở trong nhà, nó đứng há mồm ra chưa kịp phản ứng, đã xơi ngon hai phát đạn vào giữa ngực. Nó ngã vật ra ban công, mình giật vội lấy khẩu súng, cởi dây thắt lưng đạn của nó thắt vào người đàng hoàng rồi xuống bếp tìm được con dao phay đưa cái đầu nó về để anh coi…

Chị cứu thương cứ nhắm mắt thét lên:

– Vứt đi! Vứt đi! Ghê quá!

Anh Phước túm bọc vải lại:

– Mình đề nghị anh Qua cho đội trinh sát như cậu lên tìm diệt bọn thổ phỉ này thì tốt quá.

– Đồng ý!

Anh nói xong gật đầu chào chúng tôi ra cửa đi ngay.

Mấy anh tự vệ bàn tán cả vẻ khâm phục cái đức tính gan dạ đến lì lợm của anh Phước và hỏi lại tôi:

– Anh ấy ở đâu thế hở anh? Trông người trắng trẻo thư sinh mà gan cóc tía.

– Anh ấy là trinh sát của công an Sở Công An có một đội trinh sát đặc biệt gồm toàn những anh gan lì tướng quân và giỏi võ nữa.

Tôi nhìn em Lương thấy em còn nép người vào chị cứu thương. Hai chị em cứ ôm lấy nhau kêu khe khẽ "Khiếp quá! Khiếp quá! Thế mà anh ấy xách như bọc hành lý…"

– Em Lương giữ lấy khẩu súng ấy mà dùng. Đúng mong muốn của chú nhé… Toàn là đạn đum-đum.

– Đạn đum-đum là gì hở anh?

– Là đạn tắc bọp đấy. Đầu đạn chạm vào vật cản lại nổ một lần nữa. Em ra ngoài sân bắn thử mà xem, nhưng phải cẩn thận kẻo mảnh đạn lại bắn vào mình đấy.

Tôi và anh Oánh theo các lỗ đục tường bố trí lại vị trí, cắt người canh gác để anh em thay nhau ngủ. Xong đấy anh Oánh ở lại bên này và bảo tôi sang nhà bên kia đường để ngủ và để san lực lượng đánh địch hỗ trợ cho nhau vì tôi và em Lương đều có súng và đạn khá dồi dào. Hai chị cứu thương cũng theo tôi sang bên kia đường. Tôi bảo hai chị tìm chỗ mà đi ngủ trước, rồi kéo em Lương xuống mạn dưới mấy nhà một quãng để xem địa thế.


Đến đình Đông Hạ ngay đầu ngõ Séc-giăng Giắc-cơ (Ngõ Huế) tôi lại gặp anh Tấn và một số đội viên vệ quốc.

– Bọn mình giữ ngã tư này. Có thể ngày mai địch sẽ đánh xuống Nhà máy Rượu và Nhà máy Diêm. Hai nơi ấy, mình đã bố trí bộ đội trấn giữ. Chiến thuật của địch là thọc sâu hai cánh, cho xe tăng án ngữ để cắt đường lui của chúng mình rồi tung quân ra tiêu diệt dần lực lượng của mình.


Chúng tôi trao đổi với nhau cách phối hợp tự vệ và vệ quốc, trường hợp phải lui quân, trụ lại ở đoạn nào, rồi tôi và em Lương về gác của mình để nghỉ. Hai chị cứu thương còn ngồi bó gối quàng chăn trên vai mà chưa đi ngủ.


– Các chị ngủ đi chứ. Ngày mai sẽ ác liệt đấy. Tôi định để các chị về chùa Đồng Nhân trước cho đỡ nguy hiểm.

– Các anh còn ở lại, chúng em cũng ở lại. Anh cứ yên tâm, chúng em không thể bỏ các anh được, nhỡ ra có anh nào bị thương, lấy ai băng bó. Chúng em không xuống dưới ấy đâu.

– Thế thì các chị phải đi ngủ cho khỏe người.

– Tại nhà vắng, chúng em thấy sợ… Ở đây gần nghĩa địa quá…

Em Lương cười khanh khách:

– Ê, ê, chị Vân lại sợ ma rồi. Em cóc sợ nó đâu nhé. Bọn Tây em cũng còn chả sợ nữa là… Thật là con gái…

Em Lương vừa nói, hai tay đút túi quần đi đi, lại lại ra vẻ oai lắm, làm tôi bật cười nhưng cũng mắng em không được trêu các chị nữa.

Chị Vân nói ngay:

– Em là bạn con Lan, chị nó đấy. Mỗi lần đến nhà nó chơi là thằng nhóc lại trêu chọc hai chị em em tức đến phát khóc lên được. Hai chị em nó cứ chủng chẳng với nhau suốt ngày, nhưng con Lan vẫn quý thằng bé hơn cục vàng…

– Quanh khu vực này còn đầy cả anh em tự vệ và vệ quốc, các chị còn sợ gì.

– Nhưng ở đây vẫn vắng vẻ im lặng…

– Bây giờ có thêm người rồi. Hai chị lên gác mà ngủ. Tôi và em Lương nằm ở chân cầu thang canh gác ma cho.

Hai chị cười tỏ vẻ thẹn, rồi vác chăn đi lên gác. Tôi và em Lương lấy chiếc chiếu của chủ nhà, trải ra sân gạch, vừa nằm ấm chỗ, hai anh em đã ngủ say tít.

Một đêm qua trong giấc ngủ ngon lành và yên tĩnh kể từ mấy hôm nay rồi.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2023, 08:54:47 am »

Sáng hôm 25-12, tội dậy sớm gọi em Lương cuộn chăn cho gọn buộc vào người, đạn cho vào dây sác-giơ rồi xuống đình Đông Hạ gặp anh Tấn.

– Như kế hoạch phối hợp nhé. Quyết liệt đây.

– Anh em tự vệ sẵn sàng cả rồi. Cho mình thêm vài quả lựu đạn.

Vừa lúc ấy chúng tôi nghe tiếng xe tăng và háp-tờ-rắc ầm ì từ phố Lò Đúc vẳng lại.

– Đến lúc rồi đây, mình về với tự vệ đây…

Tới căn nhà, tôi thấy hai chị cũng đã cuộn chăn quàng chéo qua vai, túi cứu thương đeo bên mình và đang soi gương chải tóc. Tôi đưa nắm cơm cho hai chị và cả gói đường tây từ nhà mang đi.

– Chúng em không ăn được đâu.

– Hai chị cố mà ăn kẻo ngày hôm nay có khi phải nhịn đói đấy. Tôi và em Lương cũng cố nuốt hết nắm cơm này…

Chúng tôi vừa ăn vừa kể chuyện gia đình, nhà cửa cho nhau nghe. Ăn cơm xong không có nước uống lại đành ra bể nước khỏa váng bụi, súc miệng tạm vậy. Tôi bảo em Lương báo cho anh Oánh biết tin về dự kiến địch tấn công. Một lát sau em Lương quay trở lại cho biết anh em trên ấy cũng đã nghe tiếng xe tăng lăn xích, và sẵn sàng chiến đấu.


Ở căn nhà góc phố này vừa có cửa sổ nhìn ra phố Hòa Mã vừa có ban công nhìn ra phố Huế, tôi và em Lương cắt nhau canh chừng cả hai mặt. Được một lúc thì súng nổ ran ở mạn cuối phố Hòa Mã và cả phố Séc-giăng La-ri-vê (Nguyễn Công Trứ).

– Bộ đội anh Tấn nổ súng đấy.

Liền lúc ấy tiếng trung liên quét một tràng dài dọc con đường phố Huế, nhìn lên quãng đầu phố thấy bóng lính Pháp đang theo nhau men hàng hiên nhà kéo xuống. Súng tự vệ nổ cũng ác liệt và dãy bên địch đang tiến cũng thấy lựu đạn và chai xăng tung ra đường làm chúng phải xúm vào nhau, tạt vào trong nhà chiếm lĩnh gác cao bắn trả lại chúng tôi.


Lúc này ở tất cả mọi phía đều thấy súng nổ không ngớt. Khói súng mù mịt theo làn gió Bắc nhiều lúc như cuộn lại xoáy tít rồi mới bay tản rộng khắp mặt đường phố. Mặt phố Huế nhiều chướng ngại vật nên xe tăng địch không tiến xuống được, còn bộ binh cũng chỉ đành cầm cự với ta, mà không tiến xuống sâu được, nhưng hai cánh đều có xe địch chạy ầm ầm. Tôi nóng lòng vì ở quá sâu nên kéo em Lương chạy sang bên kia đường. Hai chị cứu thương cũng theo sau:

– Cho chúng em đi với…

Sang được đến đoạn đầu phố trên tôi thấy vắng lặng, tưởng là anh em đã rút đi rồi, nhưng nghĩ lại còn có anh Oánh, chưa chắc anh em đã rút nhanh đến thế. Chúng tôi cứ luồn tường mà tiến, đến hiệu bánh mì lại gặp các anh đang động viên nhau nhằm bọn lính Pháp ở bên kia dãy phố mà bắn. Tôi gặp anh Oánh ở ngay tận nhà đầu cùng.

– Dãy phố bên kia lực lượng yếu lắm nên bọn Pháp đã lấn xuống. Mình ở bên ngày có thể giữ vững được…

Tôi bàn với anh Oánh về âm mưu địch chỉ đánh cầm chừng có vẻ thu hút giữ chân anh em tự vệ ở mặt này, chúng sẽ cho lực lượng tấn công từ hai cánh phố bên để bọc chúng ta lại mà tiêu diệt vì vậy cần chú ý đến tình hình ở hai phố bên.


Đang bàn với nhau về nhận định địch tình thì em Lương kéo tay tôi nói:

– Hình như địch đang phá tường bên chợ Hôm.

Tôi lắng nghe thấy đúng tiếng động đục tường, liền hỏi anh Oánh xem mạn trên còn lực lượng tự vệ hay vệ quốc không.

– Tất cả tự vệ đều ở cả dưới phố này vì bọn mình cũng chẳng còn bao nhiêu người.

– Chúng mình phải đánh bật bọn này lên rồi chia nhau sang viện trợ cho bên kia.

Tôi, anh Oánh, một anh tự vệ và em Lương theo đường hào sang chợ Hôm. Đạn nổ líu ríu phía sau nhưng không trúng ai. Chúng tôi thận trọng đến sát bức tường giáp với ngõ vào xóm Đức Viên, nghe rõ ràng có tiếng đục tường, nhưng vẫn còn phân vân chưa rõ địch hay ta. Anh Oánh ra hiệu cho tôi canh chừng rồi anh đi mất. Tôi biết nhà anh ở trong xóm Đức Viên, thông thuộc từng ngõ ngách, căn nhà nên muốn đi kiểm tra lại cụ thể xem những người đục tường là tự vệ hay địch.


Được một lúc lâu, chỗ tường bị đục đã rạn nứt, tôi ra hiệu cho anh tự vệ nấp kín, chĩa nòng súng về phía đó. Chợt anh Oánh đã hiện ra đằng sau tôi:

– Địch đấy! Để mình cho nó xơi quả lựu đạn.

Anh tự vệ cũng lấy quả lựu đạn lọ mực rồi cả hai cùng rút chốt và đập kíp tung nhẹ sang bên kia tường.

Hai tiếng nổ đanh gọn ở bên kia rồi tất cả im lặng. Chúng tôi nghe rõ tiếng người rên la và sau đấy cả bốn chúng tôi lại băng qua đường về với anh em tự vệ.

Đột nhiên súng moóc-chi-ê địch nổ làm sụt mái nhà căn gác, hai anh tự vệ bị thương. Cứu thương băng bó cho hai anh và có 4, 5 anh khác chỉ còn kiếm, mã tấu nên tôi bảo các anh chịu khó làm cáng khiêng hai anh về mạn cửa ô, ở đó còn có tự vệ và vệ quốc đang bố trí giữ mặt trận phía dưới.


Lực lượng chúng tôi còn lại hơn 10 người, chia nhau ở hai căn nhà cách nhau một quãng. Súng moóc-chi-ê địch vẫn nổ lần lượt quét dọc phố làm đổ nhiều nhà cửa.

– Địch muốn truy ta đây.

Lúc này có mấy anh tự vệ xôn xao muốn rút. Tôi bàn với anh Oánh để anh em rút xuống mạn dưới qua phố Hòa Mã kết hợp với vệ quốc của anh Tấn đang chốt ở đình Đông Hạ.

Được lệnh rút, các anh hấp tấp định luồn tường đi ngay, nhưng tôi đã ngăn lại.

– Địch đang bắn moóc-chi-ê dọc dãy phố bên này, anh em mình cứ đi xuống phố thế nào cũng bị trúng đạn địch. Bây giờ phải sang phố Lô-dơ-rô mà đi. Nhưng ở căn nhà này lại không có lỗ đục tường thông sang phố sau, súng địch vẫn nổ mạnh, những tiếng nổ lớn cộng với những tiếng mái nhà sàn gác sụt đổ ầm ầm làm có người đã luống cuống. Hai chị cứu thương cũng tái mặt nhìn tôi và anh Oánh.

– Các anh chị đừng lo, cứ tản ra ở các chân tường mà nấp. Anh Oánh về tìm cách đục tường sang phố sau. Tôi trấn giữ mặt phố không để bộ binh địch tràn xuống được.
Vừa nói tôi vừa kéo em Lương ra đứng nép sát cửa nhìn ra đường.

– Hai anh em mình có hai súng còn sợ gì, nhỉ!

Tôi nói vậy, nhưng trong lòng nghĩ: "Mình phải thật bình tĩnh, lúc này mà tỏ ra lúng túng, anh em sẽ mất tinh thần bỏ chạy lung tung làm cho mình sợ lây…" Vì vậy tôi lấy trong túi dết ra nắm cơm còn lại, bẻ một miếng ăn, rồi đứa cả nắm cơm cho em Lương để cho những anh chị nào đói thì ăn.


Tôi làm ra vẻ thản nhiên, đứng nép sát cửa như người ngắm cảnh phố xá, miệng nhấm nhám từng miếng cơm nắm. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt mấy anh đã chụp lại chia nhau nắm cơ, thầm nghĩ: "Yên tâm rồi!"
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #46 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2023, 07:03:12 am »

Cùng lúc anh Oánh tìm được chiếc búa và khúc gỗ lớn. Anh cất súng ngắn vào bao, sắn tay lấy búa đập cho vỡ lần vữa ngoài rồi tiếp tục đập thủng viên gạch. Anh bảo mấy anh tự vệ cầm khúc gỗ lao mạnh vào tường vài cái đã thấy thủng một lỗ to. Các anh tiếp tục làm đến khi lỗ tường vỡ đủ người chui lọt. Một anh định đi sang trước, nhưng anh Oánh đã ngăn lại rồi anh chạy vào trong nhà kiếm được chiếc tải cuộn tròn ném sang chỗ tường thủng thấy yên tĩnh mới chui sang trước rút súng đứng bảo vệ cho tất cả mọi người lần lượt chui sang. Lực lượng chúng tôi còn hơn 10 người khỏe mạnh, không kể hai chị cứu thương. Chúng tôi cứ luồn tường bên phố Lô-dơ-rô mà đi, trong khi đó ngoài mặt phố Huế đạn địch vẫn tiếp tục làm đổ nhiều nhà cửa.


Địch đã căn sẵn nên cứ thả moóc-chi-ê dọc bên mặt ngoài, chúng mình đi bên này song song với đường đạn địch đấy.

Mấy anh tự vệ đã bình tĩnh, vừa đi vừa bàn tán với nhau:

– Nó bắn pháo tiễn anh em mình.

– Tại vướng nhà chứ không thì mình cũng gay với chúng nó…

Qua đường Hòa Mã sang được an toàn bên kia phố chúng tôi kéo cả xuống gặn anh Tấn ở đình Đông Hạ.

Anh Tấn bàn với chúng tôi chia quân sang bố trí ở ngõ Séc-giăng Giắc-cơ để yểm hộ cho vệ quốc đoàn ở mặt đường sang phố Nhà Rượu. Lúc này nơi nào cũng thấy súng địch nổ loạn xạ. Xe tăng địch chạy trên đường Vi-en-lê (Thái Phiên) bắn vào nhà máy Diêm (Nhà máy Trần Hưng Đạo) ở đấy có anh em vệ quốc đang đánh trả quyết liệt. Mạn nhà máy Rượu, súng địch cũng nổ khắp bốn phía. Tôi chia cho anh Oánh 10 người trụ lại mấy nhà trong ngõ, còn tôi đem theo 6 người trong đó có hai chị cứu thương luồn tường sang bố trí ở trong nghĩa địa Sài Gòn (công ty xe khách) để phối hợp với anh em vệ quốc trấn giữ lấy nhà máy Rượu. Chúng tôi vừa nấp sau các ngôi mộ mới xây thì thấy mấy anh vệ quốc băng bó đẫm máu rút qua đường chui vào nghĩa địa Sài Gòn với chúng tôi.

– Địch chiếm được nhà máy Rượu rồi. Một số các anh chạy tạt sang bên kia đường chặn địch. Chúng tôi sang đây cùng với các anh giữ mặt phố Giắc-canh.

Tôi thấy mình ở vào thế bất lợi vì không nhìn rõ địch mà đánh. Nếu chiếm các căn gác thì lại không ở sát mặt đường được, nên đành bố trí anh em đứng sát tường chĩa súng ra mặt đường mà bắn địch.
Lính Pháp chiếm được nhà máy Rượu, định tràn sang đường, nhưng bị chúng tôi bắn chặn, địch trụ lại trong nhà máy, dùng súng moóc-chi-ê bắn vào nghĩa địa, dọc ra tận ngõ Huế.


Tiếng đạn nổ đinh tai nhức óc. Đang lúc ấy thì lại thấy mấy anh tự vệ chỗ anh Oánh chạy sang. Tôi tưởng là bên đó bị vỡ rồi nên cũng lo lắng.

– Anh Oánh đâu?

– Đang cùng với anh em vệ quốc giữ mặt phố.

– Sao các anh lại sang đây.

– Thấy súng địch nổ nhiều ở mặt sau này, anh Oánh bảo chúng tôi rút bớt người sang đây chi viện cho anh.

– Tập trung đông người ở đây bất lợi lắm. Địch đang nã moóc-chi-ê vào nghĩa địa, vì chúng biết là có ta đang chặn chúng. Các anh tản ra xung quanh các bờ tường ở hai mặt phố canh chừng bọn bộ binh.


Đúng là chúng tôi ở trong cái túi vẻn vẹn độ 1000 mét vuông mà địch cứ rót rải đạn vào nghĩa địa. Gạch đá đất và cả gỗ áo quan bật tung lên trời rơi xuống rào rào. Đã có nhiều nhiều tiếng người rên la. Hai chị cứu thương cứ lăn mình từ mộ này sang mộ khác băng bó cho các anh. Bông băng đã hết, hai chị đã phải xé cá vạt áo dài để thay làm băng. Một tiếng nổ lớn bắn sạt bức tường của nghĩa địa mặt phố Séc-giăng La-ri-vê. Khói vàng đen kịt cuồn cuộn bốc lên cao từ mặt phố Huế bay tạt về chỗ chúng tôi bố trí, phủ kín cả một vùng nghĩa địa. Tôi lo sợ để anh chị em hy sinh dần ở đây, và bản thân cũng thấy thất vọng không biết mặt phố Huế anh em Vệ quốc còn giữ được không. Tôi ra chỗ bờ tường bị bắn lở, ló đầu ra quan sát bên ngoài, đã thấy chiếc xe tăng địch lù lù đỗ ngay ở ngã tư phố Huế và Séc-giăng La-ri-vê. Chiếc này đã bắn viên đạn đại bác vào tường nghĩa địa.

– Địch chặn đường rút của chúng ta rồi. Chỉ còn một cách bất ngờ chạy sang phía nghĩa địa Tây (khu tập thể Nguyễn Công Trứ) rồi theo bãi tha ma, đầm lầy về chùa Đồng Nhân. Nhưng phải có người thu hút hỏa lực trên xe địch.


Tôi nghĩ như vậy liền bàn với mấy anh tự vệ và Vệ quốc để làm theo cách đó. Mấy anh vệ quốc tình nguyện bắn vào chỗ xe địch đỗ để thu hút hỏa lực súng máy của địch về phía các anh. Tôi bảo anh em tự vệ anh nào có súng sang trước để chia lực lượng nấp trong nghĩa địa Tây mà đánh, cho anh chị em bên này rút sang bên đó.


Mấy anh còn ngần ngừ vẫn sợ súng địch bắn chặn. Tình thế không thể chần chừ được lâu, tôi liền bảo các anh chị cứ nấp ven tường đề phòng địch xông vào nghĩa địa, tôi sẽ sang trước, xin được tự vệ sẽ đưa quân lên đánh giải vây, nhất định không bỏ rơi các anh các chị ở lại đây.

– Có chị nào theo tôi và em Lương rút ra không?

– Chúng em chạy chậm lắm. Anh sang trước đi, rồi đem tự vệ lên đánh cứu chúng em.

Tôi buộc túi dết chặt vào người, quàng lại chiếc chăn dạ của em Lương che phía tim cho em rồi hai anh em chuẩn bị.

– Chạy cho nhanh theo sát anh nhé.

– Em sẽ theo kịp anh

Tôi ló đầu ra ngoài tường thấy nòng súng máy của địch trên xe tăng chĩa thẳng dọc đường phố, liền vẫy em Lương cùng chui ra khỏi tường, chạy băng qua đường.

Một tràng liên thanh bắn đuổi theo, nhưng tôi đã kịp nhoài người vào chân bức tường của nghĩa địa Tây. Em Lương chạy sau loạng choạn mấy bước rồi ngã xuống chân tôi. Nhìn thấy bụng em đã loang đỏ máu, nhìn sang bên kia đường chỗ tường thủng, thấy lấp ló mấy bóng tự vệ, tôi xua tay ra hiệu cho các anh đừng sang vì địch đã chú ý bắn chặn. Chờ lúc địch im tiếng súng tôi nhoài người bế thốc em chạy vào sau bức tường, vết đạn ở bụng đã làm cho một khúc ruột em phòi ra ngoài, tôi ấn đoạn ruột vào bụng em, lấy vạt áo buộc chặt lại, rồi bế em theo bãi tha ma và mấy đầm lầy về phía Đồng Nhân.


Tôi cứ loạng choạng đi vài bước lại thụt ngã vì bế em đằng trước nên không nhìn được lối đi. Súng địch vẫn nổ ngang dọc trên đầu nhưng đường đạn đi cao, xé không khí vun vút. Tôi đặt em xuống bãi cỏ, rồi cõng em lên lưng đi cho dễ. Em Lương chỉ khò khè thở nói khẽ:

– Em chết mất… Anh đừng nói cho cậu mợ1 (Bố, mẹ) và chị Lan em biết tin nhé…

– Em yên tâm. Đến chùa Đồng Nhân có các anh chị cứu thương chữa cho em ít lâu là khỏi, rồi em lại đi với anh…

Lúc này tiếng súng đã thưa dần, tôi vừa đi vừa khóc thương em và trong lúc hoang mang tôi đã nẩy ra ý định rút lui thẳng.

Cõng em được đến chùa Đồng Nhân, tôi thấy đông đủ người cả cứu thương, đội hỏa thực, anh em tự vệ và vệ quốc quân, có một số ít nhân dân vẫn chưa đi tản cư. Thấy tôi cõng một em nhỏ trên lưng máu me đầy người, mọi người xô đến đỡ em ở trên lưng tôi xuống.

– Em bị đạn vào bụng, ruột đã lòi ra rồi.

Các chị nhẹ nhàng đặt em nằm ở hiên chùa, cởi mảnh áo ra xem xét vết thương. Em Lương nhìn tôi khẽ gật đầu như muốn nói câu gì. Tôi ghé sát vào mặt em nghe em thều thào dứt quãng:

– Em không sống được nữa… Anh lấy chiếc đồng hồ… ở tay em… đưa cho chị Lan… để biếu mợ em…
Còn chiếc mũ sắt và súng… anh lấy mà dùng.

Tôi làm theo lời em và ra ngồi một góc sân chùa, hai tay ôm lấy đầu khóc thảm. Chợt tôi thấy anh Ninh cảo đến bên tôi và hỏi:

– Có thể đưa cơm lên cho anh chị em tự vệ được không?

– Nguy hiểm lắm… Anh chị em đang bị vây ở nghĩa địa Sài Gòn.

– Nguy hiểm cũng đi… Không thể bỏ anh chị em đói được…

Lời nói chí tình của anh Ninh làm tôi bừng tỉnh: Đói còn không bỏ huống chi bỏ chết được sao?... Tôi nhớ lại lời hứa của mình không bỏ rơi các anh chị và lời chị cứu thương văng vẳng tha thiết: "Anh sang trước rồi đưa tự vệ lên cứu chúng em…"


"Lên cứu chúng em…" Đây là lời kêu gọi khẩn thiết của hơn 10 mạng người… Tôi vùng ngay dậy, đội mũ sắt vào đầu, khoác các-bin vào vai, đến chỗ em Lương, mấy anh cáng thương đã đem em đi rồi. Một chị cứu thương mắt còn đỏ hoe:

– Em liên lạc của anh chết rồi.

Suýt nữa tôi òa lên khóc, nước mắt, nước mũi cứ ràn rụa trên hai má. Tôi quay mặt đi bảo anh Ninh:

– Anh đưa tổ hỏa thực lên chờ anh em ở nghĩa địa Tây, đến tối sẽ vượt qua đường mới được.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #47 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2023, 07:05:47 am »

Nói xong tôi cắm đầu đi như chạy trốn khỏi hình ảnh đau thương của em Lương. Quay trở lại đến nghĩa địa Tây, tôi thấy xe tăng địch đã lùi ra ngã tư, đang nổ súng vào chỗ 24 gian. Ở đây có lực lượng tự vệ phố dưới đang đánh trả địch ác liệt. Tôi dùng khẩu các-bin của em Lương, tiến sát ra ngã tư nổ súng bắn vào bọn bộ binh để tiếp tay với các anh tự vệ mà sau lúc này tôi thấy quí mến vô cùng. Đang mải bắn địch, tôi thoáng thấy bóng người ở sau lưng liền quay lại. Một anh tự vệ tiến đến hỏi tôi:

– Anh ở đâu đấy?

– Tự vệ tiểu khu chợ Hôm.

– Các anh đâu cả rồi?

– Tất cả đang bị vây trong nghĩa địa Sài Gòn.

– Yên trí! Chúng tôi sẽ đánh giải vây cho các anh. Trung đội của tôi chịu trách nhiệm giữ ngã tư này.
Vừa trao đổi câu chuyện, chúng tôi vừa ngắm bắn vào bộ binh địch đang lùi dần. Đến gần chiều, tiếng súng im hẳn, tôi chạy sang nghĩa địa Sài Gòn kêu lớn gọi các anh chị còn đang nấp ở đây. Mọi người vui mừng chạy lại chỗ tôi, quần áo anh chị nào cũng lấm láp, tả tơi.

– Các anh, chị còn đủ cả không?

– Anh em vệ quốc chết một người, bên mình mất ba…

– Anh Oánh đâu rồi?

– Chúng tôi không rõ, không thấy anh sang chỗ này…

Tôi nghĩ thương anh Oánh, sợ anh cũng bị hy sinh nên lúc này mà vẫn không thấy anh đâu. Anh vừa được kết nạp vào Đảng mấy hôm nay, mà bây giờ…

Chúng tôi vẫn cẩn thận chia thành từng tốp nhỏ chạy băng qua đường sang tập trung ở khu vực nghĩa địa Tây. Tổ hỏa thực của anh Ninh cao vẫn kiên nhẫn chờ. Khi thấy anh chị em sang được an toàn, anh liền phát cơm, thịt cho mọi người.

– Em Lương đầu rồi hở anh. Mà sao quần áo anh dây nhiều máu đến thế.

Chị Vân cứu thương hỏi câu ấy rồi chị tưởng tôi bị thương cứ bắt tôi cởi áo để chị xem vết thương. Nhưng tôi không trả lời được, chỉ quay mặt đi khẽ nấc lên.

– Khổ con Lan rồi… Em nó chết thì nó sống sao được.

Rồi chị Vân cũng òa khóc nức nở như trẻ em bị đòn. Các anh chị vừa ăn cơm vừa hỏi tôi:

– Bây giờ đi đâu hở anh?

– Các anh chị ở đơn vị phố nào cứ về phố ấy… Còn ai muốn theo tôi cũng được… Chúng mình phải rút, nhưng không phải là chạy trốn, mà sẽ lại bám chặt đường phố chiến đấu. Tôi sẽ đưa anh em xuống đầu phố Bạch Mai, lợi dụng con đê Bình Lao và con mương để bố trí chặn địch. Tôi chắc ở trại Hàn Lân vẫn còn người của chúng ta.

– Chúng tôi là tự vệ ở các xóm Trại Găng, xóm Tô Hoàng, chúng tôi sẽ theo anh.

Tôi quay lại hỏi chị cứu thương:

– Các chị có sợ lắm không?

– Lúc anh đi rồi, chúng em cũng sợ. Thấy anh lâu quay trở lại có người bảo là anh đã rút ra. Em không tin… Vì anh có một mình còn phải đi xin tự vệ mới lên đánh tiếp được chứ.

– Thế mà lúc em Lương mất, tôi cũng có ý định bỏ các anh chị đấy.

– Nhưng thực tế là anh vẫn lên giải vây cho chúng em.

Chị vừa nói, mặt cữ bẽn lẽn xắn mãi vạt áo dài nâu đã rách bươm như muốn che dấu tôi mà không được1 (Trước đây phụ nữ ra khỏi nhà là phải mặc áo dài. Ngay cả các chị buôn thúng bán mẹt cũng mặc áo nông Đông Lâm dài tứ thân thả vạt. Chỉ có chị em lao động chân tay nặng mới mặc áo cánh).

– Chị chẳng việc gì mà xấu hổ về chiếc áo này. Tôi lại nghĩ nếu sau đây tiểu khu mình có triển lãm hiện vật kháng chiến thì chiếc áo dài nâu của chị phải được đặt ở vị trí xứng đáng.

Chị cứu thương chỉ cười, mặt đỏ lên vì ngượng nghịu.

Ăn cơm xong, chúng tôi tìm đường xuống phía dưới. Qua chỗ mấy anh tự vệ chiến đấu lúc này, tôi lại gặp anh đã nói chuyện với mình:

– Bọn tôi xuống bố trí ở đầu phố Bạch Mai đây. Các anh ở lại hay đi cùng.

– Chúng tôi ở lại đây, khi nào phải rút cũng trụ ở đầu phố ấy thôi. Địch đã rút hết quân, nhưng ngày mai chắc sẽ lại có cuộc chạm súng dữ dội đấy.

Chúng tôi chia tay nhau rồi đi xuống trại Hàn Lân. Đến nơi thì trại đã vắng tanh, cửa khép kín.
Thế là tôi mất hết liên lạc cả với anh Hồng Hà, anh Hùng, anh Oánh… Lực lượng tự vệ chính của tiểu khu 6 chẳng còn ai. Số anh chị em này ở các phố khác ghép lại mà thôi.


Tôi đẩy cửa, bảo anh chị em vào trong nhà mà nghỉ ngơi, đến sáng sẽ đi tìm liên lạc với anh em vệ quốc.

Tối hôm ấy, tôi không thể nào ngủ được, phần vì thương em Lương, phần nghĩ đến chiến sự ngày mai sẽ đánh đấm ra sao, phần lo cho anh Oánh và anh Tấn, giờ này cũng chưa gặp được nhau… và cũng vì tối rét quá không có chăn đắp. Chiếc chăn dạ em Lương mang theo, đã dùng để gói em rồi…
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #48 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2023, 07:07:08 am »

Ngày 26-12, vừa tảng sáng, tôi đã đưa các anh tự vệ ra bố trí tuyến phòng thủ bên cạnh con mương để chặn địch ở đường Đại Cồ Việt. Tôi bảo hai chị cứ thương về Đông Dương học xá tìm đội cứu thương của chị Hải để tiếp tục nhận nhiệm vụ, vì hai chị cũng đã hết cá bông băng, nên có ở lại cũng không giải quyết được việc gì mà lại thêm lo cho hai chị đó.


Tôi đang loay hoay ở mấy nhà đầu phố, lại gặp anh Tấn. Hai chúng tôi nhìn nhau chỉ cười mừng rỡ thấy nhau còn yên ổn.

– Các cậu bị vây ở nghĩa địa Sài Gòn phải không? Bọn mình cũng bị chúng vây ở đình Đông Hạ, chúng phun cả xăng để đốt đình. Anh em có hy sinh nhưng chúng mình vẫn đánh địch không cho chúng lại gần. Đến tối bọn mình thoát ra và về đây bố trí dọc con đê Bình Lao này.

– Mình hết cả quân rồi, còn ít tự vệ ghép cũng đang bố trí dọc con mương… Đêm tối quá nên không tìm thấy cậu.

– Tuấn ở luôn với bọn mình nhé.

– Còn cậu Oánh đâu.

– Cậu ấy cũng ra thoát vòng vây cùng với bọn mình, đã đi xuống mạn dưới tìm cậu đấy.

– Rồi cũng lại gặp thôi. Tự vệ của mình ghép luôn vào đơn vị cậu để cùng chiến đấu.

– Càng tốt, quân số bọn mình có hao hụt mà chưa được bổ sung.

Cũng từ hôm ấy tôi đi liền với anh Tấn. Để ngăn xe địch, bộ đội và tự vệ đã lấy nhiều rơm trải khắp mặt đường. Anh em còn tìm kiếm ống bơ, nồi niêu đem úp la liệt trên đường. Nhưng thỉnh thoảng cũng cài xen kẽ mìn và lựu đạn đập để lừa địch.


Lúc này tiểu đoàn 77 do anh Hoàng Kiện làm tiểu đoàn trưởng đã đưa bộ đội lên bám vành đai nội thành. Tôi gặp anh đang chỉ huy bộ đội dùng dây dài buộc vào khẩu súng ba-dô-ka (súng bắn đạn lõm chống xe tăng) kéo dài đến 100m về phía sau. Tổ vệ quốc bắn ba-dô-ka nằm phục vụ ở một vị trí tiền tiêu thuận tiện cho việc bắn xe địch. Tổ súng máy có 5 quả đạn trông như cái hoa chuối có cán dài.


Dây buộc vào súng để phòng xạ thủ có bị hy sinh thì đằng sau kéo súng về, vì lúc đầu kháng chiến khẩu súng này quý hơn vàng và cả người. Tôi đứng xem anh vệ quốc chuẩn bị mà thấy tin tưởng trận này xe địch có xuống cũng không làm mưa làm gió như trước được nữa, vì chúng tôi chỉ có chai xăng cờ-rếp, có bén cháy chúng cũng dập tắt được ngay.


Buổi sáng vẫn yên tĩnh, nhưng đến 10 giờ, địch kéo quân xuống, từ nhà máy Rượu đánh vào phố Lê Bình từ phía Vân Hồ đánh dọc lại đường Đại Cồ Việt với âm mưu quét sạch lực lượng tự vệ và vệ quốc ở trên phố và ở nhà máy Diêm.


Khói đạn mù mịt, chúng tôi ở đê Đại Cồ Việt cũng đánh trả không kém. Địch không thực hiện được ý định nên lại bắn moóc-chi-ê bừa bãi xuống vùng sau lưng quân ta. Xe tăng và hác-tơ-rắc của chúng cũng tiến đến nhưng thấy bên đường đầy rơm và nồi úp chúng chững lại nã đạn đại bác vào phòng tuyến của ta. Tổ ba-dô-ka lần qua các chướng ngại vật đến sát chiếc xe tăng đậu ở giữa đường, nơi tầu điện tránh nhau. Chiếc dây buộc súng vẫn lòng thòng ở phía sau.


Chợt tôi nghe mấy tiếng nổ liền và trên đầu ô khói bốc đen kịt một vùng. Tiếng đạn trong xe địch nổ liên hồi như bắp rang. Anh em khoái quá reo hò hoan hô tổ ba-dô-ka khi các anh xách súng trở về an toàn và còn lại hai quả đạn. Ta mới bắn ba phát đã hạ một xe tăng và một háp-tờ-rắc.


Quân Pháp bị mất hai xe nên phải rút lui và chỉ tiếp tục bắn pháo và moóc-chi-ê vào dọc phố, trong ngõ Quỳnh và Tô Hoàng.

Sau trận 26-12, Pháp ngừng tấn công ít hôm. Bộ đội và tự vệ được nghỉ ngơi, có thời gian điều chuyển và bố trí lại lực lượng.

Có hôm tôi và đồng chí Tấn đang đi trong ngõ Tô Hoàng thì nghe tiếng đạn pháo lạch sạch trên đầu chúng tôi nhẩy nấp vào trong nhà nghe đã có một tiếng bịch lớn, nhìn ra sân thấy quả đạn pháo không nổ chui sâu vào đất giữa sân gạch. Cùng lúc đó có tiếng lợn hộc lên, phá chuồng chạy ra. Chúng tôi định bắn chết con lợn để anh em vệ quốc làm thịt, nhưng không kịp vì chú ỉn chạy thục mạng qua hàng giậu găng biến mất vào trong xóm.


Hàng ngày chúng tôi ra bãi tha ma sát vệ đê Đại Cồ Việt thăm anh em đang phục kích rải rác sau các gò đống và dưới lòng mương. Đường Đại Cồ Việt chỉ có mấy căn nhà gạch nối tầng ở gần phía đầu ô, còn là đầm lầy, lũy tre làng Vân Hồ rồi đến hồ Bẩy Mẫu trải rộng mênh mông đến giáp Kim Liên. Địch cho một xe háp-tờ-rắc đỗ ngay ở chỗ bến xe bây giờ thỉnh thoảng lại bắn 12 ly 7 xuống nơi chúng tôi bố trí để uy hiếp mà chẳng tác động gì. Tối đến anh em vệ quốc và tự vệ lại tổ chức những đội quân lên nội thành quấy rối đánh địch ở ngay các vị trí chúng đóng quân.


Có lần tôi và đồng chí Tấn xuống Đông Dương đại học xá và thấy đông người tấp nập nhộn nhịp. Những gia đình nhân dân ở Trại Găng hay Tô Hoàng tản cư về đây để tránh đạn pháo địch, nhóm bếp thổi cơm khói um. Trẻ em chạy nhẩy đùa nghịch lên gác lại xuống nhà. Anh em vệ quốc và tự vệ thay nhau ra vị trí ngoài đê rồi về đây nghỉ ngơi.


Tôi lên gác một căn nhà của trường thấy đông người đang đứng xem khẩu trọng liên 12 ly 7, ba chân sãi choãi rộng, nòng súng vươn dài về phía Kim Liên. Tôi cũng lại gần xem thì ra khẩu súng này đúng của anh Hồng Quân, tổ tự vệ sinh viên bây giờ đã sát nhập vào tiểu đoàn 212 do anh Hồng Kỳ là tiểu đoàn trưởng.


Tôi bàn với anh Tấn đề nghị trên cho nhân dân đi tản cư, không tập trung đông ở đây vì mặt trận có thể lan đến không biết ngày nào. Để nhân dân ở đông chỉ thêm vướng víu và nguy hiểm cho bộ đội.
Thời gian yên tĩnh khá lâu, không có chiến sự nào đáng kể. Ban ngày, chúng tôi lên sát tuyến đầu, dùng ống nhòm phát hiện thấy bóng địch thấp thoáng ở mấy căn nhà trên phố Đại Cồ Việt là nổ súng. Súng các-bin bắn rất nhẹ và chính xác, nên việc bắn tỉa cũng là điều thích thú. Tuy vậy sau đó phải di chuyển vị trí ngay, nếu không sẽ phải hứng hàng tràng đạn liên thanh các cỡ bắn nát chỗ mình vừa nấp.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
kevin
Thành viên
*
Bài viết: 69



« Trả lời #49 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2023, 07:09:55 am »

Một hôm tôi gặp anh Nguyễn Vũ (đại tá, nay là Phó chủ nhiệm Công ty du lịch thành phố Hồ Chí Minh) ở ngay tuyến bố trí tiền tiêu. Chúng tôi đang đứng nói chuyện thì đạn nổ chíu chíu cắm phập vào đất và thân cây ngay cạnh chúng tôi. Tôi kịp kéo anh ngồi thụp xuống và ra chỗ khác để nói chuyện tiếp.

– Cũng khá nguy hiểm đấy nhỉ!

– Hai bên cách nhau độ 100 mét, nhìn thấy nhau rõ lắm.

– Cậu có chỉ huy tự vệ không?

– Còn lại rất ít sát nhập vào đơn vị bộ đội rồi. Mình cũng đi với đại đội 3.

– Đánh nhau trận này xong, cậu tìm anh Qua đang đóng ở trại Hoàng Xuân Hãn trông xế sang chợ Mơ lối đi về Quỳnh Lôi. Cả Hồng Hà và Hùng đều ở đấy.

– Rồi mình cũng sẽ tìm về đấy.

Tôi vẫn ở lại trên tuyến phòng thủ mấy hôm nữa cũng chẳng thấy địch đánh lấn xuống nên tìm về chỗ anh Qua. Trong trại của ông Hoàng Xuân Hãn thật yên tĩnh. Anh Qua, anh Hùng, anh Hồng Hà, anh Cao Phi và mấy anh nữa, một em nhỏ liên lạc và chị cứu thương sống bình thản ở ngay gần mặt trận. Thấy tôi về, các anh em săn sóc hỏi thăm:

– Cậu còn sống à? Tuấn em đã được bác sĩ Hoàng Đình Căn mổ gắp lấy viên đạn trong bụng ra và cũng khỏi rồi. Cậu về nghỉ ngơi, nhận công tác cũ của công an thôi.

Thấy quần áo tôi rách nát và bẩn thỉu, anh Hùng kiếm cho tôi mấy bộ, cái rộng cái chật, nhưng cũng tạm được… trong trại của ông Hoàng Xuân Hãn có cái ao đầy nước trong phẳng lặng, thềm gạch xây ngay cạnh nhà xuống mặt nước. bên kia bờ ao là lũy tre rồi đến cánh đồng chạy mãi về tận trường bắn Bạch Mai. Tôi sống êm ả ở đây, ngày hai bữa ăn đầy đủ và ngủ liên miên có chăn gối và màn nên chóng hồi sức. Nhà ông Hãn có một thùng ton-nô rượu vang và chiếc đàn dương cầm, nhưng chúng tôi không ai biết uống rượu và chơi đàn dương cầm, chỉ thỉnh thoảng ra vào bấm mấy phím cho đỡ buồn.


Thấy thời gian im ắng, đã hơn một tuần, tôi liền trở lên khu phố xem tình hình. Đến trại Hồng Bích, lại gặp anh Tấn và đang lúc địch tấn công. Chúng kéo một cánh từ bãi rác Lò Đúc đánh xuống ngõ Quỳnh. Một cánh khác từ đường Đại Cồ việt đánh vào Đông Dương học xá. Tôi và anh Tấn lại bước vào chiến trận suốt cả ngày hôm ấy và đến gần chiều tối thì chúng rút về trụ lại ở một nhà gác rộng (Nhà máy Điện Thông bây giờ). Địch cũng đánh xuống rồi lại rút lên phố ngay.


Buổi tối tôi trở về báo cáo lại tình hình chiến sự để anh Qua biết. Thấy địch đã bắt đầu rục rịch hoạt động anh qua dặn chúng tôi phải lưu ý các mặt khác…

Sáng 15-1-47, chúng tôi vừa ăn cơm xong, tiếng súng ở mạn Vĩnh-Tuy, Mai Động đã nổ vang. Dọc đường Bạch Mai cũng thấy bộ đội chặn đánh địch ráo riết. Em liên lạc chạy về báo tin: "Các anh ơi địch tấn công xuống đây rồi!"


Nghe tin đấy tôi xách súng nhào ra cửa còn thấy anh Cao Phi nhẩy lên chiếc đàn dương cầm dẫm cho gẫy nát các phím rồi anh đạp thùng rượu xuống ao: "Không cho kẻ địch dùng được thứ gì. Phải phát hết!"


Tôi không để ý đến việc này chỉ chạy nhanh ra ngoài ngã tư Trung Hiền, nấp sau chiến lũy đắp bằng đất bên cạnh gốc đa to, cao sừng sững chắn hẳn con đường xuống Hoàng Mai. Thấy bọn địch thấp thoáng trên hè, lẩn vào các hàng hiên tiến xuống, tôi vừa nổ được mấy phát súng mấy anh công an xung phong chạy lại bảo tôi:

– Anh Tuấn, chúng mình ra chặn địch phía nhà thương Cống vọng đi. Chúng đang cho xe tăng đánh xuống.

Chúng tôi cứ luồn qua mấy dãy nhà lá đến trại lơ Vũ Tạo trụ lại vì trên đường ra ngã tư Vọng có chiếc cầu sắt nhỏ, đường cũng đã bị đào phá chỉ còn một lối đi. Hai bên đều là ao hồ không lội được.

– Bố trí ở đây tốt lắm. Bộ binh địch không quan nổi đoạn đường nhỏ hẹp này. Vài tay súng chúng mình đủ chặn nó. Còn xe tăng không qua được chiếc cầu sắt mỏng manh ấy đâu.

Đứng trong nhà lơ Vũ Tạo đưa ống nhòm nhìn ra ngã tư, tôi thấy bọn địch chỉ nấp ở mấy căn nhà gần đấy bắn vu vơ về phía chúng tôi. Chúng không dám ló mặt trên đường vì sẽ bị đạn bắn tỉa của chúng tôi hạ ngay. Chiếc xe tăng tiến đến đây cũng đỗ lại, nã súng đại bác vào dãy phố, phá đổ mấy ngôi nhà gạch và đốt cháy mấy ngôi nhà lá.


Đang mãi giữ địch ở mặt này bỗng có anh công an xung phong chạy đến nói to: "Địch từ làng Hoàng Mai đánh ngược lên. Anh em vệ quốc ở ngã tư bị tập hậu nên cũng rút rồi."

Nói xong anh cũng chạy mất. Sợ bị bao vây ở khu đất nhỏ hẹp này không có địa thế vững chắc nên tôi và mấy anh công an xung phong phải quay về ngã tư, tiếng súng chỉ còn thưa thớt. Chiến lũy vắng vẻ. Tôi thận trọng tiến lại gần vì sợ cái bề ngoài im lặng này là vòng vây của địch. Đứng nấp trong một căn nhà tôi nhìn sang bên kia đường thấy ở ngoài hiên một anh vệ quốc trúng đạn hy sinh ở trong tư thế ngồi, khẩu súng trường vẫn cầm ở tay. Tôi định chạy sang giúp anh thì nghe tiếng hát: "Bao chiến sĩ anh hùng…" và bóng mấy người mặc quần áo mầu xanh của công an xung phong.

Tôi lại tưởng lực lượng này ở dưới lên tiếp viện nên còn nghiêm chỉnh và lạc quan vừa đánh vừa hát như vậy, liền đứng ra ngoài hè hét to:

– Các anh ra kéo xác anh bộ đội vào và thu lấy khẩu súng.

Bọn người này dừng lại vì thấy tiếng tôi hét lớn, nhưng họ không làm như tôi nói mà xúm vào nấp sau bức tường bắn sang. Tôi chỉ kịp "Ơ!" một tiếng rồi nhẩy vội vào nấp sau thân cây đa.

– À ra đây là bọn phỉ đang ăn mặc giả công an xung phong, chúng theo giặc đánh từ Hoàng Mai lên bọc sau lưng mình…

Tôi cũng nhằm vào chúng bắn trả. Một lúc thấy bọn chúng chạy cả ra ngoài ngã tư, liền tung theo quả lựu đạn. Tiếng nổ vang ngay giữa mặt đường. Mảnh gang bay rào rào chém gãy các cành đa làm tôi cũng phải cúi nấp để tránh. Khi ngửng đầu lên bọn này đã giạt đi đâu hết cả. Tôi chờ một vài phút, liền chạy sang bên kia đường chỉ kịp nhặt lấy khẩu súng trong tay anh bộ đội hy sinh rồi cũng rút lui xuống mạn dưới.
Logged

Hỏi thế gian, tình là gì mà đôi lứa thề nguyền sống chết?
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM