Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:34:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 4704 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:33:00 pm »


Bước đường trường chinh về phía Tây rất gian khổ và rất lâu dài. Huỳnh Khắc Thành ban đầu làm chính ủy của sư bốn. Ông đã dẫn bộ đội vượt qua nghìn trùng chông gai, hiểm hóc, tham gia cuộc chiến đấu tại Tương Giang, và chiến dịch Lâu Sơn Quan, lập được chiến công hiển hách. Nhưng vì trông thấy lực lượng cách mạng tổn thất quá lớn, nên đã nóng lòng nói lên mấy câu là cần phải chú ý bảo tồn lực lượng Hồng quân, nên bị cách chức chính ủy, đưa về làm nhiệm vụ khoa trưởng trinh sát. Kế đó, ông lại được điều về làm chính ủy đoàn năm, sư hai.

Sau khi đoàn quân vượt qua khu đồng cỏ, lại xảy ra một chuyện không vui. Kể từ ngày trường chinh đến nay, chỉ huy viên của quân đoàn số ba, luôn ở dưới sự lãnh đạo của Bành Đức Hoài, nên mọi người đều quen sống đơn giản, gian khó không sờn, dù gặp gian truân đến đâu họ cũng bình tĩnh vượt qua. Chính nhờ tác phong đó, mà Hồng quân mới có thể vượt qua được Đại Tuyết Sơn, và vượt qua được đồng cỏ, khắc phục trăm nghìn khó khăn, nguy hiểm, và dần dần khôi phục tinh thần trở lại. Nhưng lúc bấy giờ, Trung ương có phái tới mấy cán bộ lãnh đạo, công tác tại quân đoàn số ba. Những cán bộ này, thường vẫn tụ họp nhau để lo việc cải thiện bữa ăn, không thể cùng các chiến sĩ đồng cam cộng khổ. Việc đó, làm cho hầu hết những người chỉ huy của quân đoàn số ba đều bất mãn. Một số chiến sĩ cũng dùng lời lẽ châm chích để nói về họ.

Có một lần, những cán bộ đó phát hiện có những chiến sĩ cá biệt đã vi phạm kỷ luật quần chúng, lén đánh cắp thức ăn của quần chúng để ăn. Đáng lý trong giai đoạn hết sức khó khăn này, chuyện đó không thể xem là một đại sự. Chỉ cần giáo dục cho họ hiểu rồi cho qua. Nhưng những cán bộ này lại xem trọng sự việc đó, cho rằng hành động của họ là sự biểu hiện mất lòng tin đối với cách mạng, nên đề nghị quân đoàn số ba phải chỉnh đốn kỷ luật, và thẩm tra cán bộ. Đối với những người đã vi phạm kỷ luật quần chúng nói trên, họ xem là một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí còn đòi xử tử những người đó.

Huỳnh Khắc Thành đối với cách làm đó, bày tỏ ý kiến phản đối. Ông chỉ rõ, có một số cán bộ chiến sĩ, biểu hiện nhiệt tình không cao, thường càu nhàu gắt gỏng, điều đó có liên quan tới việc giáo dục hằng ngày của cấp lãnh đạo chưa tốt. Nhưng có những cán bộ lãnh đạo trong hoàn cảnh khó khăn, không lấy chính bản thân mình làm gương mẫu, đã gây ảnh hưởng cho cấp dưới. Vậy, không thể hoàn toàn trách cứ các đồng chí ở cấp dưới. Kế đó, có những đồng chí vi phạm kỷ luật, cố nhiên là không đúng, nhưng nên lấy giáo dục làm chính, chứ không thể lấy biện pháp cư xử với địch, để cư xử với mình. Huống chi chúng ta vừa mới đi ra khỏi đồng cỏ, ai nấy đều mệt đến kiệt sức. Trước mắt, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, nếu tiến hành ngay việc chỉnh đốn kỷ luật và thẩm tra cán bộ, là không thích hợp.

Kết quả của ý kiến này, ta có thể tưởng tượng được: lãnh đạo cho rằng ông là người không đáng tin cậy, không xứng đáng làm công tác lãnh đạo, càng không thể chỉ huy quân đội. Thế là ông được sắp xếp đi làm chánh án tòa án quân sự.

Tại tòa án quân sự, Huỳnh Khắc Thành cũng cảm thấy có nhiều chuyện trái tai gai mắt. Hồng quân đi đến Cáp Đạt, nghĩ ngơi và chỉnh đốn hàng ngũ mấy hôm mới tiếp tục tiến quân về phía Bắc Thiểm Tây. Do chiến sĩ quá mệt mỏi, nên việc lạc ngũ ngày càng nhiều. Cơ quan chính trị của bộ đội cho rằng việc lạc ngũ có liên quan tới nhiệt tình bị suy giảm. Cho nên, họ đã thi hành những cách trừng phạt rất tàn bạo.

Nhiệm vụ trừng phạt này đều giao cho tòa án quân sự thực hiện. Nhưng Huỳnh Khắc Thành cảm thấy bất nhẫn, không nỡ ra tay xử tử những đồng chí này, nên thường tỏ ra do dự. Có một lần, bộ đội tóm được viên khoa trưởng quản lý họ Châu. Anh này trước đây trong chiến đấu đã bị kẻ thù bắn cụt một tay, nên khi qua vùng đồng cỏ, anh để rơi lại mấy thương binh, cho nên mới bị bắt. Huỳnh Khắc Thành cảm thấy bất nhẫn, nên tìm tới viên tư lệnh của tung đội là Bành Tuyết Phong để năn nỉ, cho rằng xử tử anh ta là quá nặng. Không may, hai cán bộ lãnh đạo của bộ môn chính trị bắt gặp, nên đã quát nạt Huỳnh Khắc Thành một hồi, nói:

— Đồng chí đã từng làm chính ủy sư đoàn, thế mà một chuyện nhỏ như vầy, cũng không xử lý ổn thỏa, thế là hết xài!

Nói xong, bèn phái người đi bắt viên khoa trưởng họ Châu giải đi xử tử. Sau đó, phàm việc có liên quan đến xử tử các chiến sĩ bị vi phạm chính trị, các cơ quan chính trị đều không đưa về cho Huỳnh Khắc Thành nữa.

Ngày mười chín tháng mười năm 1935. Hồng quân đã tới thị trấn Ngô Khởi ở phía Bắc Thiểm Tây. Lực lượng cách mạng sau một thời gian trường chinh cam go, nay rốt cuộc đã tìm được nơi trú chân cho mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:33:50 pm »


4. TIẾN VỀ ĐÔNG BẮC

Từ trong đội ngũ trường chinh bước ra, Huỳnh Khắc Thành tiếp tục cuộc sống đầy truyền kỳ của ông. Từ phía Bắc Thiểm Tây tới căn cứ địa Ký Lỗ Dự (Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam), tức là căn cứ địa Xô Viết phía Bắc, tiến thẳng về hướng Đông Bắc, để nghênh đón cao trào mới trong chiến tranh giải phóng. Nhưng đối với Huỳnh Khắc Thành, một con người mà đời sống đầy tính truyền kỳ, nếu bảo đây là những từng trải, thì chi bằng nói là do tính cách cá nhân của ông thì đúng hơn. Tính cách chân thành, rộng rãi của người quân tử, đã tô điểm ông trong thời gian qua, xây dựng con người ông trong hiện tại, và cũng sẽ diễn biến theo ông trong thời gian tới.

Sau khi kháng chiến bùng nổ, Huỳnh Khắc Thành đi vào địch hậu, làm chính ủy của lữ 344, thuộc sư 115. Tháng tám năm 1940, lữ 344 từ căn cứ địa Ký Lỗ Dự xuất phát, tiến thẳng vào Hoa Trung. Tháng mười, ông tụ hợp với Tân Tứ Quân do Trần Nghị chỉ huy tại phía Bắc tỉnh Giang Tô. Không bao lâu sau, bộ đội của Huỳnh Khắc Thành được cải biên làm sư ba của Tân Tứ Quân. Huỳnh Khắc Thành được bổ nhiệm làm sư trưởng, kiêm chính ủy.

Trong thời gian ở tại phía Bắc Giang Tô, có mấy sự kiện đã phản ánh được cá tính của Huỳnh Khắc Thành. Tháng giêng năm 1942, Nhiêu Thấu Thạch là quyền bí thư Cục Hoa Trung của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì biết Trần Nghị là người có uy tín rất cao trong Tân Tứ Quân, nên đã tìm cách đẩy Trần Nghị rời khỏi Cục Hoa Trung để ông ta tiện nắm cơ cấu này, mà không kể chi tới đại cuộc. Sau khi Trần Nghị ra đi, ông ta còn triệu tập hội nghị mở rộng của Cục Hoa Trung, nói này nói nọ về Trần Nghị. Không ngờ Huỳnh Khắc Thành là người không chấp nhận được thái độ đó. Ông cảm thấy rất chướng mắt, nên liền có ý kiến đối với hành động của Nhiêu Thấu Thạch, ông nói:

— Bất kể thế nào, để Trần tướng quân rời đi khỏi Cục Hoa Trung là một điều tổn thất rất lớn. Nó sẽ bất lợi chung cho cả công tác của Cục Hoa Trung.

Ông còn trực tiếp phê bình Nhiêu Thấu Thạch:

— Hai đồng chí Mao Trạch Đông và Chu Đức cùng công tác với nhau nhiều năm, tuy hai người cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng họ vốn đoàn kết, cộng tác chặt chẽ. Nay ông mới vừa tới đây không bao lâu, mà đã tìm cách đẩy đồng chí Trần Nghị ra đi, thật là việc không nên làm.

Nhiêu Thấu Thạch trừng hai mắt nhìn Huỳnh Khắc Thành, nhưng không phản bác lại lời nào.

Khoảng tháng tư, tháng năm, năm 1943, Hoa Trung Cục cùng triệu tập hội nghị với quân bộ của Tân Tứ Quân, bố trí để triển khai "phong trào cấp cứu" (San cứu vận động). Huỳnh Khắc Thành nhớ lại những lệch lạc qua các phong trào thanh trừng mở rộng trước đây, đã nêu lên một cách nhìn khác đối với "phong trào cấp cứu". Ông đề nghị, hiện nay ta đang đứng trước đại địch, ở Hoa Trung không nên phất động "phong trào cấp cứu", để khói làm tổn thương nguy hại tới những đồng chí vô tội. Nhưng, ý kiến của ông không được chấp nhận.

Sau khi hội nghị kết thúc, Huỳnh Khắc Thành đã quyết định không phát động "phong trào cấp cứu". Ông thông báo cho các ủy ban đảng địa phương ở phía Bắc Giang Tô, cũng như bộ đội ở sư đoàn ba, nhất luật không phát động "phong trào cấp cứu". Nếu phát hiện có điều gì nghi ngờ, thì chiếu theo trình tự công tác bình thường, do bộ phận chủ quản giải quyết, xử lý. Nhờ vậy, vùng phía Bắc Giang Tô và sư đoàn ba trong đợt chỉnh phong, không có gì xáo trộn, mọi việc đều bình ổn. Sau đó, cũng không xảy ra vấn đề gì.

Một hôm, Huỳnh Khắc Thành gặp mặt Tăng Hy Thánh, chính ủy của sư bảy, thấy ông này buồn bã không vui, bèn tới hỏi thăm. Qua năm lần bảy lượt, Tăng Hy Thánh mới buồn bã thổ lộ tâm sự của mình cho Huỳnh Khắc Thành nghe. Ông bảo, người yêu của mình có thể là đặc vụ.

Huỳnh Khắc Thành không tin, bèn hỏi tại sao ông ta biết, Tăng Hy Thánh nói tại sư hai có một nữ cán bộ, vốn là bạn học cũ người yêu của mình, nhận cô ta là đặc vụ, và khai chính người yêu của Tăng Hy Thánh cũng là đặc vụ.

Huỳnh Khắc Thành nghe qua, cảm thấy có điều khó hiểu, nên đã thông qua chính ủy sư hai là Đàm Chánh Lâm, để tìm gặp người nữ cán bộ đó, rồi nói chuyện riêng với cô ta, để tìm hiểu tình hình cụ thể.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:34:44 pm »


Khi người nữ cán bộ đó gặp Huỳnh Khắc Thành, vẫn tưởng ông này tới để lấy khẩu cung, nên nói huyên thuyên về việc các cô hoạt động cho tổ chức đặc vụ như thế nào, và những lời nói của cô nghe rất sinh động, khiến người nghe không thể phân biệt được thật giả. Nhưng Huỳnh Khắc Thành chừng như đã cảm thấy được điều gì đó, bèn hỏi những lời nói của cô là thật hay giả. Cô gái trả lời dứt khoát là hoàn toàn đúng sự thật.

Huỳnh Khắc Thành lại kiên tâm làm công tác tư tưởng cho cô. Bảo cô phải xóa bỏ những điều lo lắng trong lòng, nói lời thực với tổ chức, không thể có một tí nào giả dối trong đó, bằng không, sẽ rất bất lợi cho sự nghiệp cách mạng, vừa hại mình, mà hại luôn cả đồng chí của mình nữa.

Lúc bấy giờ, người nữ cán bộ ấy mới gục mặt xuống bàn òa lên khóc, bảo là mình đã bịa chuyện nói dối.

Huỳnh Khắc Thành chưa hiểu được ra sao, bèn hỏi cô tại sao phải làm như vậy? Cô ta bảo lúc "phong trào cấp cứu" vừa mở màn, thì cô đều nói thực lòng những gì mình cần nói, nhưng người chung quanh không tin, vẫn tiếp tục tiến hành "cấp cứu" đối với cô. Họ mở đại hội, tiểu hội, để đấu tranh và bức cung. Cô đứng trước việc đó, thật không còn biện pháp nào khác, hơn là bịa chuyện ra để nói dối. Không ngờ nói như vậy, thì lại được biểu dương, hoan nghênh và ưu đãi. Sau đó, cô ta càng bịa chuyện nói dối đủ điều.

Huỳnh Khắc Thành bèn đem chuyện đó nói lại cho Đàm Chấn Long nghe, ông này rất lấy làm lạ. Huỳnh Khắc Thành lại hỏi ở sư hai, đã tìm ra được bao nhiêu đặc vụ? Đàm Chấn Long bảo là mỗi một đoàn đều có hàng trăm! Huỳnh Khắc Thành cả kinh, nói:

— Ối trời! Như vậy là đoàn của ông đều là đặc vụ cả. Bộ đội và địch ở sát kề nhau, ông thẩm tra họ, không bỏ trốn mất hay sao?

Kế đó, Huỳnh Khắc Thành bèn khuyên:

— Này ông anh ơi, hãy mau đi minh oan cho người ta đi. Ông chỉnh người ta như thế, vậy mà không có một ai bỏ trốn, thử hỏi có đặc vụ nào lại như vậy không?

Sau đó, Huỳnh Khắc Thành lại đem chuyện này báo cáo lại với Nhiêu Thấu Thạch, và đề nghị tất cả những cán bộ bị "cấp cứu" đều phải được minh oan. Nhiêu Thấu Thạch suy nghĩ, gật đầu đồng ý.

Trên chiến trường, Huỳnh Khắc Thành luôn luôn dựa vào đặc điểm của chiến tranh, để định ra phương châm chiến lược, vừa có cá tính lại vừa có sức sáng tạo. Tháng mười một năm 1940, khi ông chỉ huy tung đội năm, thuộc lộ quân mười một (do lữ 344 cải biên ra) là cánh quân chủ lực đến vùng Bắc Giang Tô, liền cùng bộ đội của Tân Tứ Quân hợp đồng tác chiến, phát động chiến dịch Tào Điện.

Trước khi cuộc chiến đấu bùng nổ, Huỳnh Khắc Thành tiến hành phân tích và nghiên cứu. Ông dựa vào lịch sử chiến đấu của bộ đội, cũng như những kinh nghiệm tác chiến trước kia, bèn gửi điện về bộ chỉ huy Hoa Trung, kiến nghị về cách tác chiến của chiến dịch này. Ông nói: "Quân ta không có vũ khí công kiên (đánh vào chỗ có công sự chắc chắn), trong lịch sử chỉ có dùng cách tốc chiến tốc quyết, xung phong ào ạt, để đánh vào công sự của địch, nên rất ít khi được thành công... Tào Điện, Xa Kiều là những nơi có công sự kiên cố hơn trước, binh lực cũng nhiều hơn, nếu đánh bằng cách xung phong ồ ạt, chẳng những không có hy vọng thắng lợi, mà còn dẫn tới bị tổn thương nặng nề là khác". Do vậy, ông đề nghị trước tiên hãy tảo thanh vùng ngoại vi của những căn cứ này, rồi đắp lũy đào hào, cho những toán binh nhỏ đi quấy rối. Đó là cách đánh lâu dài với địch.

Nhưng, bộ chỉ huy của Hoa Trung không chấp nhận ý kiến của ông, vẫn áp dụng lối đánh xung phong ồ ạt. Mặc dù lúc đó cũng đánh vỡ được những nơi phòng thủ phía ngoài của địch, nhưng địch lại rút vào chính giữa, nơi có công sự chắc chắn để cố thủ. Kết quả, họ không hạ được Tào Điện, mà bị thiệt hại và thương vong khá nhiều.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:35:28 pm »


Chiến dịch Tào Điện đánh không có kết quả tốt, Huỳnh Khắc Thành do vậy bị cho là hữu khuynh, thiếu tinh thần chiến đấu, nên bị triệt tiêu chức vụ tư lệnh của tung đội năm, chỉ giữ chức chính ủy. Về sau, Huỳnh Khắc Thành lại có sự tranh chấp với một số lãnh đạo ở Cục Hoa Trung về "bảo vệ Diêm Thành". Ông cho rằng sự phê bình đối với mình là không chính xác, và tranh luận cùng họ:

— Trước khi tác chiến, tôi đã có nêu ý kiến, và cho tới bây giờ, tôi vẫn nhận rằng ý kiến đó là đúng. Sở dĩ tác chiến không đạt được mục đích như dự kiến, không phải tôi không phục tùng chỉ huy, mà do cấp trên chỉ huy không có hiệu quả.

Tuy nhiên, về sau vì muốn đại cuộc được vẹn toàn, nên ông đã tự kiểm thảo trong hội nghị, để giữ sự đoàn kết trong nội bộ Đảng.

Sau đó, ông cảm thấy bất phục, nên lại tìm đến Trần Nghị, hỏi:

— Đồng chí là thượng cấp cũ của tôi, vậy tôi có chỗ nào gọi là không phục tùng chỉ huy?

Trần Nghị cũng từng chỉ rõ: "Cuộc chiến đấu ở Tào Điện là do chúng ta đi tấn công người ta, thiếu hẳn lý do". "Ta rất khinh địch, hối hả tác chiến, chuẩn bị chưa đủ, biến thành lãng chiến". "Cách đánh của ta là công kiên, như vậy phải chuẩn bị rất tốt, và phải theo nguyên tắc tác chiến mà tiến hành thì mới được. Lúc đó, về mặt này chúng ta rất kém, chỉ biết dựa vào xung phong ồ ạt nên không thể giải quyết được vấn đề. Nếu chúng ta áp dụng cách đánh đường hầm, thì có thể thành công".

Thời gian tám năm kháng chiến trôi qua thật nhanh. Ngày kết thúc kháng chiến chống Nhật, cũng là ngày chia rẽ thêm sâu sắc giữa Quốc Cộng. Tưởng Giới Thạch vì để chuẩn bị nội chiến, độc chiếm Trung Quốc, nên mới bày ra âm mưu hòa đàm, mời Mao Trạch Đông và những nhà lãnh đạo trung ương đến đàm phán. Những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản biết rõ âm mưu đó, nên ngày hai mươi tám tháng tám năm 1945, Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, Vương Nhược Phi đã tới Trùng Khánh tham gia hòa đàm. Trong thời kỳ này, Huỳnh Khắc Thành đặc biệt chú ý tới sự phát triển của tình thế. Ông biết rõ Quốc dân đảng bày chuyện hòa đàm là giả dối, mà chuẩn bị nội chiến mới là thực tâm. Do vậy, ông luôn luôn suy nghĩ phương châm hành quân của quân ta. Ngày mười ba tháng chín, khi ông được tin Liên Xô đã xua quân tiêu diệt cánh quân Quân đông của Nhật, tiến vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, thì cho rằng đây là một thời cơ tốt, để quân ta cũng tiến vào Đông Bắc theo chân quân Liên Xô.

Ông phấn khởi tìm tới Cục Hoa Đông, nhưng Nhiêu Thấu Thạch không đồng ý phát điện báo. Thế là Huỳnh Khắc Thành bèn lấy danh nghĩa của mình, thảo ra một bức điện báo, nêu rõ tình hình trước mắt, và cách nhìn của ông về phương châm quân sự hiện nay. Vào ngày mười bốn tháng chín, ông phát bức điện báo đó đi.

Trong bức điện báo, Huỳnh Khắc Thành trước tiên chỉ ra: "Tưởng Giới Thạch đàm phán với Đảng ta, là hoàn toàn không có thành ý, mà đó chỉ là một thủ đoạn dối gạt, làm tê liệt tinh thần chiến đấu của quân ta, và kéo dài thời gian để họ đủ ngày giờ chuẩn bị nội chiến". Trái lại, về mặt quân sự, họ áp dụng một chiến lược tích cực lấn chiếm và tấn công. Do vậy, ông kiến nghị:

1. Khu Đông Bắc hiện nay có thể phái bộ đội tới đó. Vậy nên phái cho thật đông, ít nhất cũng phải có năm vạn người, nếu có mười vạn người càng tốt. Đồng thời, cần phái những nhà lãnh đạo quân sự có uy tín để chủ trì công tác, nhanh chóng xây dựng căn cứ địa, để chi viện cho cuộc đấu tranh ở Quan Nội.

2. Các vùng Tấn, Nhiêu, Sác, là căn cứ địa chiến lược số một ở vùng Quan Nội, nên tập trung mười vạn chủ lực, tiến hành tiêu diệt quân của Phó Tác Nghĩa, Diêm Tích Sơn, Hồ Tông Nam, để tiến lên khống chế toàn bộ vùng Sát, Tuy, và vùng Tây Bắc, cũng như toàn bộ vùng Thái Hành Sơn.

3. Lấy Sơn Đông làm căn cứ địa thứ hai của Quan Nội. Nên tập trung mười lăm vạn chủ lực, chờ sau khi tước khí giới địch xong, thì tiến hành quyết chiến theo đường sắt Tế, Từ, Giao, Hải, tiến đến khống chế toàn bộ Sơn Đông.

4. Các địa khu khác, trở thành vệ tinh của hai căn cứ địa chiến lược lớn, cố tranh thủ thắng lợi trong những trận đánh cục bộ. Nếu khi có khả năng thì lấy chiến tranh du kích để giằng co với địch lâu dài.

Kế đó ông cũng chỉ rõ:

Để chấp hành các phương châm trên, Sơn Đông nên điều từ ba vạn đến năm vạn người đến Đông Bắc. Hoa Trung cần điều từ ba vạn người đến sáu vạn người tới Sơn Đông. Một phần chủ lực của Hà Nam và Bình Nguyên, cần điều đến Sơn Tây. Một sư chủ lực của Giang Nam, nên điều trở về Giang Bắc, chỉ để một bộ phận ở Giang Nam hoạt động thôi. Một sư là đơn vị kiên cường của Tân Tứ Quân, hiện nay đang tác chiến ngoan cường và không có hy vọng, dự kiến trong tương lai, nếu sau khi bị cắt đứt với các nơi, thì đơn vị này buộc phải đánh du kích chiến. Lấy một chủ lực kiên cường để đi đánh du kích chiến là rất bất lợi, nên càng phải cấp tốc điều về phía Bắc.

... Vì đối với tài liệu các mặt, tôi biết rất ít, nên có thể đây là ý kiến phiến diện. Nhưng tôi cho rằng tình hình trước mắt, nếu Đảng ta không có một căn cứ địa chiến lược rộng rãi, thì sẽ không có thắng lợi to lớn. Nếu không có thắng lợi to lớn và quyết định, thì cũng không có một vùng căn cứ địa chiến lược rộng lớn. Cho nên, tập trung binh lực tiến hành quyết chiến, là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Nếu chỉ chờ đợi đàm phán, hoặc quốc tế can thiệp, đều là những tình hình có nhiều nguy hiểm. Ý kiến trên đây phải chăng là đúng, xin xét đoán và chỉ thị."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:38:42 pm »


Lúc đó, Mao Trạch Đông còn ở tại Trùng Khánh. Người chủ trì việc hàng ngày của Trung ương tại Diên An là Lưu Thiếu Kỳ. Huỳnh Khắc Thành điện về Trung ương không bao lâu, thì ngày mười chín tháng chín, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bèn gửi đến cho các trung ương cục một bản "Chỉ thị về nhiệm vụ trước mắt, và phương châm chiến lược hướng về Nam phòng thủ, hướng về Bắc phát triển và xúc tiến bố trí", xác định phương châm chiến lược toàn quốc của Đảng và quân đội là "phát triển về hướng Bắc, phòng ngự đối với hướng Nam". Chỉ thị nói: "Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của toàn Đảng toàn quân là: tiếp tục đánh vào địch ngụy, hoàn toàn khống chế hai tỉnh Nhiệt Hà và Sát Cáp Nhĩ, phát triển lên Đông Bắc và tranh thủ khống chế Đông Bắc, để tiện dựa vào Đông Bắc và hai tỉnh Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, tăng cường cho việc đấu tranh của nhân dân ở các khu giải phóng toàn quốc, và các vùng Quốc dân đảng chiếm đóng, tranh thủ hòa bình, dân chủ và địa vị có lợi cho cuộc đàm phán Quốc Cộng".

Ngày mười chín tháng chín và ngày hai tháng mười, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho bộ đội chủ lực tại Sơn Đông, và hầu hết cán bộ nhanh chóng tiến về phía Đông và Đông Bắc tỉnh Hà Bắc. Chủ lực Tân Tứ Quân ở Hoa Đông, thì từ Nam di chuyển về Bắc, để tập trung lực lượng, khống chế Đông Bắc, bảo vệ Hoa Bắc, Hoa Trung. Ngày hai mươi ba tháng chín, Huỳnh Khắc Thành tiếp được mệnh lệnh, bảo ông chỉ huy sư đoàn ba chủ lực, gồm ba vạn năm nghìn người kéo về Đông Bắc. Thế là, ông vội vàng lo việc chuẩn bị. Lúc đó, trong bộ đội có lời đồn đại, là ở Đông Bắc vũ khí rất nhiều. Đến Đông Bắc, bộ đội không cần đem theo vũ khí, vì tới đó thì sẽ được phát vũ khí mới, cũng như trang bị mới. Riêng Huỳnh Khắc Thành kỹ lưỡng hơn, vì ông phải đề phòng mọi sự bất ngờ có thể xảy tới, nên yêu cầu bộ đội phải mang toàn bộ vũ khí theo mình, không được tùy tiện để vũ khí ở lại. Hơn nữa, Đông Bắc khí trời rất rét, nên ông bắt tay ngay vào việc lo giải quyết vấn đề áo bông cho bộ đội.

Ngày hai mươi tám tháng chín, Huỳnh Khắc Thành chỉ huy sư ba, từ Hoài Dương ở phía Bắc Giang Tô bắt đầu xuất phát, họ kéo qua Sơn Đông, rồi lại tiếp tục đi thẳng về hướng Đông Bắc. Nguyên Trung ương chỉ thị bảo ông phải dừng chân lại tại Sơn Đông một thời gian, nhưng Huỳnh Khắc Thành suy nghĩ, việc binh quý ở sự thần tốc, bèn đánh điện thỉnh thị Quân ủy Trung ương, cho phép ông chỉ dừng lại ở Sơn Đông một thời gian ngắn, để bộ đội nghỉ ngơi và chấn chỉnh quân ngũ, rồi lập tức tiến về phía Bắc. Ngày sáu tháng mười, Trung ương đánh điện trả lời: "Để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chiến lược, sư ba sau khi kéo tới Sơn Đông, cần phải nhanh chóng tiến về phía Bắc, không được ở lại Sơn Đông làm nhiệm vụ chiến đấu". Thế là, sư ba ngày đêm tiến quân, vượt qua Lãnh Khẩu của Trường Thành và ra ngoài quan ải. Đến ngày hai mươi lăm tháng mười một, sư ba kéo tới gần Cẩm Châu, và hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của Trung ương giao.

Lúc đó, Trung ương điều chủ lực lên Đông Bắc, gồm có Bát Lộ quân ở Sơn Đông, Tân Tứ Quân ở phía Bắc Giang Tô, và một số quân đội ở phía Đông Hà Bắc. Khi mới kéo đến Đông Bắc, việc chỉ huy thống nhất trong nhất thời chưa xây dựng được, nên việc lãnh đạo có vẻ tản mác và rối loạn. Ý đồ của Trung ương là yêu cầu bộ đội đến Đông Bắc, thì đẩy quân đội của Quốc dân đảng ra ngoài Quan Ngoại, và yêu cầu đánh nhau với địch để "giải quyết vấn đề". Đối với vấn đề hòa đàm với Quốc dân đảng, về mặt nhận thức cũng chưa nhất trí. Trong tình hình đó, Trung ương cũng nhận thức chưa đầy đủ đối với tính chất quan trọng trong việc xây dựng căn cứ địa tại Đông Bắc.

Huỳnh Khắc Thành đang ở vào tình trạng như vậy, nhận thức một cách sâu sắc rằng, việc xây dựng căn cứ địa là hết sức quan trọng. Do mới tới Đông Bắc, chưa quen thuộc với các đồng chí trong Cục Đông Bắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc nên ông liền đánh một bức điện về Trung ương, nêu rõ những khó khăn trước mắt của bộ đội, tức là "không Đảng (tổ chức), không quần chúng (ủng hộ), không chánh quyền, không lương thực, không kinh phí, không thuốc men, không quần áo, giày tất, v.v... Sĩ khí trong bộ đội, do vậy bị ảnh hưởng lớn. Những vùng phía Tây Cẩm Châu và Sơn Hải Quan, có rất nhiều thổ phỉ, với đạo binh ít người khó bề đi đứng yên ổn được. Chiến trường hết sức xấu. Trong khi đó, địch đã chiếm lĩnh Cẩm Châu, và sắp kéo đến Trường Xuân”. Căn cứ tình hình trên, ông đề nghị: "Hồng quân tạm thời không tác chiến, tiến hành nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn, để khôi phục thể lực. Cùng lúc đó, lấy một bộ phận chủ lực đi chiếm lĩnh các thành phố vừa và nhỏ, để xây dựng căn cứ địa nông thôn, chuẩn bị chiến đấu lâu dài".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:39:23 pm »


Ngày hai mươi bảy tháng mười một, Huỳnh Khắc Thành lại đánh điện về quân ủy Trung ương, đề xuất “ở Đông Bắc thổ phỉ rất nhiều, nếu không sớm bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa, thì chủ lực ta ở Đông Bắc cũng khó ứng phó".

Ngày hai mươi chín tháng mười một, Trung ương có điện trả lời: "Về việc biên chế bộ đội của đồng chí, và việc bố trí cán bộ, cũng như địa khu hoạt động, cách tác chiến... đồng chí có thể thành thật bàn thẳng với Lâm Bưu, và do đồng chí cùng Lâm Bưu nói thẳng ý kiến giải quyết với Trung ương".

Huỳnh Khắc Thành là một người nóng tính, khi nhận được điện bèn lập tức tới Cục Đông Bắc, đề xuất rõ ràng kiến nghị xây dựng căn cứ địa của mình. Kiến nghị rất thiết thực và chu đáo:

1. Phải phân chia ngay những địa khu mà quân chủ lực sư đoàn (hoặc lữ đoàn) quen thuộc, để làm căn cứ địa của sư hoặc lữ đó. Mỗi sư hoặc mỗi lữ chia cho từ ba tới năm huyện.

2. Sư hoặc lữ đó, phải phái ngay cán bộ đi tới địa bàn của mình, rồi bắt tay ngay vào công tác xây dựng chính quyền, đảng ủy, phát động quần chúng, xây dựng lực lượng võ trang địa phương.

3. Sư hoặc lữ đó phái những binh đoàn cần thiết, để tảo thanh thổ phỉ, khôi phục lại trật tự xã hội.

4. Sư hoặc lữ đó tiến hành thu gom lương thực, tư liệu trong địa bàn của mình, cũng như lo việc xây dựng y viện, công xưởng, mở rộng thu nạp tân binh, để tạo nguồn bổ sung lâu dài cho bộ đội chủ lực.

5. Tại địa bàn đã quy định, nếu có đảng ủy, quân khu, thì cán bộ phái đi làm việc phải chịu sự lãnh đạo của đảng ủy. Nếu không có đảng ủy, thì do bộ đội phái những cán bộ giỏi, lo tổ chức đảng ủy, chính quyền, phân khu lâm thời, để tiến hành lãnh đạo công tác.

6. Khi bộ đội chủ lực tập kết tác chiến, nếu có thương bệnh binh thì đưa về nơi này để dưỡng bệnh.

Sau khi bức điện phát ra thì không có hồi âm. Thế là ông lại liên tiếp đánh thêm hai bức điện nữa, nhưng vẫn không có tin tức gì. Huỳnh Khắc Thành không ngồi yên được nữa, lập tức đi tìm gặp Lâm Bưu, nói rõ ý kiến về việc xây dựng căn cứ địa của mình. Lâm Bưu cũng tỏ ra đồng ý. Những người có mặt cũng phát biểu ý kiến. Cuối cùng, Huỳnh Khắc Thành khởi thảo một bức điện báo, và đưa cho Lâm Bưu xem qua, mới đánh đi cho Mao Trạch Đông.

Ngày hai tháng mười hai, Mao Trạch Đông trả lời bức điện. Đó chính là "Chỉ thị xây dựng củng cố căn cứ địa Đông Bắc” rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Bức điện còn kịp thời đề xuất trọng tâm công tác ở vùng Đông Bắc, là phải chiếm lãnh những thành thị và nông thôn cách xa nơi Quốc dân đảng chiếm đóng, để "mở đường lớn, chiếm lãnh hai bên", tiện việc sau này phát động quần chúng, xây dựng và củng cố căn cứ địa, từng bước xúc tích lực lượng, chuẩn bị tương lai chuyển vào phản công. Trong bức điện này Mao Trạch Đông còn nhắc nhở các đồng chí:

"Cần phải làm cho tất cả cán bộ hiểu rõ, Quốc dân đảng ở Đông Bắc, trong một thời kỳ nào đó, họ sẽ mạnh hơn Đảng ta. Nếu ta không phát động quần chúng đấu tranh, và giải quyết vấn đề giúp cho quần chúng, tất cả đều phải dựa vào quần chúng, đồng thời động viên tất cả các lực lượng, lo việc công tác quần chúng cho chu đáo. Trong vòng một năm, đặc biệt là những tháng gần đây, phải khẩn cấp nắm thời cơ, xây dựng nền tảng vững chắc, nếu không thì chúng ta sẽ bị cô lập ở Đông Bắc, và không thể xây dựng và củng cố được căn cứ địa, không thể tiến hành việc tấn công thắng lợi Quốc dân đảng, mà còn có thể gặp phải khó khăn lớn, thậm chí còn có khả năng thất bại. Trái lại, nếu chúng ta lúc nào cũng biết dựa hẳn vào quần chúng, thì chúng ta sẽ chiến thắng mọi khó khăn, từng bước một đạt đến mục đích của mình.

Từ đó, phương châm chính trị lớn ở Đông Bắc đã được xác định. Huỳnh Khắc Thành dẫn bộ đội chiếm lĩnh thành Thông Liêu, bắt đầu xây dựng căn cứ địa Tây Mãn đầy khó khăn.

Tháng ba năm 1946, quân đội Liên Xô bắt đầu lần lượt triệt thoái ra khỏi vùng Đông Bắc. Ngày mười bốn, quân đội Liên Xô rút ra khỏi thành phố Tứ Bình ở biên cảnh Cát Lâm và Liêu Đông. Lâm Bưu liền phái bộ đội thừa cơ chiếm lĩnh thành phố này. Đồng thời, đưa quân tiến nhanh về phía Bắc chiếm lĩnh các thành phố Trường Xuân, Sát Cáp Nhĩ, v.v... tước được nhiều khí giới do quân địch để lại, và rất nhiều đồ quân dụng vật tư, làm tăng lên sức chiến đấu cho bộ đội của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:40:10 pm »


Đến tháng Tư, quân đội Quốc dân đảng chia làm ba lộ tấn công vào Tứ Bình. Quân Đông Bắc tổ chức phòng ngự. Trước khi đánh, Lâm Bưu trưng cầu ý kiến của Huỳnh Khắc Thành. Huỳnh Khắc Thành đề xuất, nên chọn đánh vào một đội quân nào yếu trong ba lộ quân của Quốc dân đảng, thì có thể làm rối loạn được sự bố trí của quân địch. Lâm Bưu nghe có lý, bèn tiến hành sắp xếp bộ đội phòng ngự của mình đúng theo ý kiến của Huỳnh Khắc Thành và rốt cuộc đã đánh bại được kẻ địch.

Nhưng rất nhanh sau đó, quân địch lại mở đợt tấn công dữ dội. Lần này, quân địch tập trung binh lực của tám cánh quân, trong đó có Đệ nhất quân, Tân lục quân, và sư 207 thanh niên, toàn bộ đều được Mỹ trang bị và huấn luyện, nên rất tinh nhuệ. Những cánh quân này từng đi đánh nhau với quân Nhật ở tận Miến Điện, súng ống, trang bị hoàn toàn là của Mỹ, sức chiến đấu rất cao. Nếu so sánh, thì trang bị của Hồng quân đối với họ chênh lệch nhau rất lớn. Hai cánh quân có sự chênh lệch như vậy, lại bắt đầu một cuộc chiến đấu với nhau tại tuyến Tứ Bình.

Huỳnh Khắc Thành nhìn thấy tình thế nguy cấp, bèn đánh cho Lâm Bưu một bức điện, nêu rõ: "Khi quân địch mới bắt đầu tấn công, ta cùng giao phong với chúng, cốt để bẻ gãy nhuệ khí của chúng, là việc hoàn toàn cần thiết. Nay quân địch trút toàn bộ lực lượng ra quyết sống chết với ta. Vậy, nếu ta quyết chiến với chúng, thì trong khi ta tạm thời chưa có đầy đủ các điều kiện quyết chiến, tất sẽ không có lợi. Do vậy, cần phải rút bỏ những thành phố lớn như Tứ Bình, mà chỉ chiếm lấy những thành phố vừa và nhỏ, cũng như vùng nông thôn, để xây dựng căn cứ địa, súc tích lực lượng, chờ cho quân địch phải gánh vác nhiều nhiệm vụ nặng nề trên vai, chúng ta sẽ quay trở lại tiêu diệt chúng cũng không muộn".

Lâm Bưu không đánh điện trả lời, mà cũng không rút quân. Huỳnh Khắc Thành đánh liên tiếp mấy bức diện cho Lâm Bưu, nhưng cũng không có tin tức gì. Ông sốt ruột quá nên vào ngày mười hai tháng năm, bèn đánh điện cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, góp ý về việc bảo vệ Tứ Bình và tình thế của Đông Bắc hiện nay. Bức điện viết:

1. Bộ đội từ Quan Nội tiến lên Đông Bắc, sau mấy trận đánh lớn, binh sĩ và cán bộ đã bị tiêu hao một nửa. Nay cán bộ các cấp đại đội, trung đội và tiểu đội, đã bị tiêu hao quá nửa. Tuy trước mắt vẫn có thể bổ sung cán bộ mới, nhưng sức chiến đấu do đó đã bị suy giảm.

2. Cánh quân chín mươi ba ngoan cường của địch đã kéo tới nơi. Nếu chúng sử dụng pháo binh và một bộ phận xe tăng để tấn công, thì Tứ Bình khó giữ vững được. Nếu Tứ Bình thất thủ thì Trường Xuân cũng khó bảo vệ.

3. Nếu trong một thời gian ngắn, có thể đi tới đình chiến, thì cho dù tiêu hao chủ lực để tiếp tục giữ vững Tứ Bình, Trường Xuân, cũng là rất cần thiết. Trái lại, nếu đánh lâu dài thì Tứ Bình và Trường Xuân, quân chủ lực sẽ bị tiêu hao tới mức cùng kiệt, không còn có thể chiến đấu được nữa. Do vậy, nếu việc đình chiến không thể đạt được ngay tức khắc, ta nhường thành phố Trường Xuân để đi tới đình chiến, cũng là việc tốt. Vì chúng ta cốt tranh thủ thời gian, để chỉnh đốn chủ lực, tảo thanh thổ phỉ, củng cố căn cứ địa Bắc Mãn, tạo điều kiện ứng phó với việc quyết chiến sau này.

4. Nếu ở Đông Bắc không thể đình chiến, thì cần phải phát động việc đánh quân đội Quốc dân Đảng trong toàn quốc, để kềm chân không cho chúng điều động về phía Đông Bắc. Riêng Đông Bắc, cần phải từng bước tiêu diệt quân lực của Quốc Dân Đảng, để đạt đến mục đích khống chế toàn bộ Đông Bắc.

5. Vì tôi không hiểu được tình hình chung, nhưng hiện nay tôi thấy trong Quan Nội không còn đánh nhau, mà Quan Ngoại thì đơn độc kiên trì việc tiêu hao, nên cảm thấy hết sức bất lợi. Vậy, tôi nêu ra những ý kiến trên, xin xét đoán.

Bức điện đánh đi cho Trung ương cũng không có hồi âm.

Trận đánh bảo vệ Tứ Bình bắt đầu từ trung tuần tháng Tư cho đến trung tuần tháng năm, kéo dài một tháng tròn. Do Hồng quân lúc ban đầu đánh thắng mà không chịu rút lui, nên đã xem Tứ Bình như Madrid mà cố thủ, kết quả bộ đội thương vong tương đối nghiêm trọng. Về sau tình hình rất bị động, nên bắt buộc phải triệt thoái. Huỳnh Khắc Thành không hiểu được, tại sao Lâm Bưu và Trung ương lúc bấy giờ không đánh điện trả lời ông. Với tính cách và tài hoa quân sự của Lâm Bưu, cần phải tử thủ Tứ Binh, vì ông ta giỏi đánh những trận gay go như thế chăng? Nếu không phải vậy, thì tại sao?

Nghi vấn đó mãi cho tới năm 1959, sau ngày hoàn toàn giải phóng, ông mới được giải đáp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:40:59 pm »


Hội nghị Lư Sơn năm 1959, đối với Huỳnh Khắc Thành rõ ràng là một tai họa. Lúc bấy giờ Trung Quốc đang nổi lên những trận gió khoa trương, mạo tiến, đối với nền sản xuất công nông nghiệp, Trung ương đánh giá quá cao, khiến cấp dưới đua nhau có ý kiến. Huỳnh Khắc Thành thấy được điều đó, cho rằng chính sách của Trung ương quá "tả", nên sau khi Bành Đức Hoài viết thư góp ý cho Mao Trạch Đông, thì ông cũng phát biểu trong thảo luận tiểu tổ, và phê bình chính sách này của Trung ương. Kết quả, sự phê bình của ông đã khiến ông trở thành một "thành viên" trong "Câu lạc bộ quân sự Lư Sơn"!

Huỳnh Khắc Thành là người có cá tính ngay thẳng, trong sáng, nghĩ sao nói vậy, nên kiên quyết không thừa nhận mình và Bành Đức Hoài, cũng như những người khác, có cái chi gọi là "Câu lạc bộ quân sự” cả.

Câu chuyện này lại phải trở về với trận đánh bảo vệ Tứ Bình hồi năm 1946. Sau khi hội nghị Lư Sơn khai mạc chẳng bao lâu, Mao Trạch Đông có hẹn với Huỳnh Khắc Thành tới chỗ ông ấy ăn cơm. Họ vừa ăn vừa tranh luận vấn đề. Khi nói tới trận đánh bảo vệ Tứ Bình, Mao Trạch Đông hỏi Huỳnh Khắc Thành:

— Chả lẽ trận đánh bảo vệ Tứ Bình là sai hay sao?

Huỳnh Khắc Thành đáp:

— Ban đầu kẻ địch tấn công Tứ Bình, chúng ta đánh chúng để chặn đứng sức tiến công của địch, đó là không sai. Nhưng về sau, địch tập trung trọng binh tới tìm chủ lực của ta để quyết chiến, mà ta lại cố thủ Tứ Bình là không nên!

Mao Trạch Đông nói:

— Việc cố thủ Tứ Bình là do tôi quyết định! Chừng đó, Huỳnh Khắc Thành mới biết tại sao trước đây Lâm Bưu không trả lời những bức điện của ông và cũng không rút quân. Nhưng ông vẫn nói:

— Nếu là đồng chí quyết định, cũng vẫn là sai lầm!

Mao Trạch Đông suy nghĩ một chốc, chừng như nói với Huỳnh Khắc Thành mà cũng chừng như nói với mình:

— Điều đó hãy chờ lịch sử và người hậu thế phê phán vậy!

Sau khi toàn quốc được giải phóng, Huỳnh Khắc Thành trước tiên làm bí thư thị ủy thành phố Thiên Tân. Chẳng bao lâu sau, lại làm bí thư tỉnh ủy Hồ Nam kiêm tư lệnh, chính ủy quân khu Hồ Nam. Sau đó ông lại được rút về làm bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Trong hội nghị Lư Sơn, ông bị đả đảo, và trong "Cách mạng văn hóa" bị bức hại. Sau đó, lại trở ra chủ trì công tác của ủy ban kỷ luật kiểm tra Trung ương cho tới ngày tắt thở.

Cuộc đời của Huỳnh Khắc Thành có thể nói là một cuộc đời không oán hận, không hối tiếc. Cả đời ông bao giờ cũng quang minh, lỗi lạc, lòng dạ ngay thẳng, trời không sợ, đất không kiêng, là một người đàn ông đầu đội trời, chân đạp đất. Đặc trưng đó làm ông nổi bật trong những nhà cách mạng vô sản lão thành, mà cũng là điều mà ai cũng nhận thấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 02:55:14 pm »


NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ
ĐẠI TƯỚNG TRẦN CANH


1. GIA THẾ

Ngày mười sáu tháng ba năm 1961, đại tướng Trần Canh đã vĩnh viễn nhắm đôi mắt sáng ngời của mình, rời bỏ sự nghiệp và thân nhân mà ông lúc nào cũng yêu mến. Ông ra đi, nhưng công lao hiển hách của ông trong đấu tranh cách mạng, thì vĩnh viễn sống mãi trong lòng của nhân dân. Trần Canh - đúng là một nhân vật truyền kỳ.

Một đứa con trai của một gia đình đại địa chủ ở Tương Hương, nhưng về sau lại trở thành một đảng viên cộng sản, đánh đổ địa chủ và giai cấp tư sản. Trong quá trình đó, quả thực có nhiều điều mà ai cũng muốn tìm hiểu.

Cách thị trấn Tương Hương, thuộc tỉnh Hồ Nam về phía Bắc mười lăm dặm, có một thôn trang xinh đẹp, gọi là Liễu Thọ Phố. Nơi này núi xinh nước đẹp, có những khe nước chảy róc rách, những dòng suối nước chảy cuồn cuộn. Ngày hai mươi bảy tháng hai năm 1903, Trần Canh đã chào đời tại đó.

Về thân thế của bản thân Trần Canh có viết trong quyển "Tự Truyện" của mình như sau: "Ông nội tôi xuất thân bần hàn, thậm chí quần áo không đủ che thân, từ nhỏ đi theo trận mạc rồi làm quan, nên trở thành giàu có, rất thiện chiến. Cha tôi thừa kế tổ nghiệp, là người tương đối có tiếng tăm trong thôn làng và đối với cách mạng tỏ ra đồng tình. Ngay từ nhỏ tôi đã chịu ảnh hưởng của ông nội tôi. Lúc nào cũng muốn bỏ đèn sách để theo việc chiến chinh...". Từ đó cho thấy, thời thơ ấy của Trần Canh đã chịu ảnh hưởng của ông nội rất sâu sắc.

Ông nội của ông là Trần Ích Hoài, biệt hiệu Bồi Chi, sinh năm 1846 tại Tương Hương. Lúc nhỏ nhà nghèo; sinh hoạt khó khăn, chỉ biết đến nhà người cậu là một đại địa chủ để làm công dài hạn, chăn trâu cày ruộng, không có việc gì mà không làm. Do hồi nhỏ ông luyện võ công, nên có sức mạnh hơn người, ăn cơm cũng đặc biệt nhiều. Sau khi tới nhà người cậu làm công dài hạn, ban ngày lo việc làm ruộng, ban đêm thường luyện võ tới khuya. Do ăn cơm quá nhiều, nên người cậu vốn đã không thích sức ăn của ông, nay thấy ông luyện công lại càng thêm bất mãn. Cứ mỗi lần bắt gặp, là ông ta lại nói những lời chua chát khó nghe, còn mắng ông là người "không có tương lai lớn”. Một đêm, ông đang luyện võ công thì bị người cậu mắng là “đồ chồn mà muốn bắt chước mèo, dù bắt chước cũng không giống đâu!". Ích Hoài nghe thế rất tức giận, bèn bỏ nhà cậu ra đi, và thề sẽ làm nên danh phận chi đó cho ông cậu thấy. Từ trước tới nay, người ở Hồ Nam thường đi lính cho triều đình. Khi ra bên ngoài, ông thấy rất nhiều chỗ mở quầy chiêu mộ "Tương Quân" (lính Hồ Nam). Ông bèn dựa vào võ nghệ của mình đã học, tới một quầy chiêu mộ ghi danh gia nhập Tương Quân. Lúc mới vào quân ngũ, ông chỉ là một tên "hỏa đầu quân" (lính nấu cơm). Về sau, ông mới dần dần được sử dụng làm binh sĩ chiến đấu. Do nhiều năm tập võ nghệ, nên võ công của ông rất cao, hai tay rất mạnh. Ông có thể đứng trên ba chiếc bàn chồng lên nhau, dùng răng cắn lấy một sợi thừng, ở bên dưới cột dính chùm bốn thùng đựng nước, rồi cất nó lên khỏi mặt đất. Vũ khí mà ông dùng trong quân đội là một ngọn đại đao nặng ngoài tám mươi cân. Chẳng những thế, ông còn dũng cảm và thiện chiến, nhiều lần lập được kỳ công. Cho nên thường được cấp trên tưởng thưởng, từng bước thăng chức không ngừng, "mãi cho đến khi ông thăng lên chức như sư trưởng ngày nay" (lời nói của Trần Canh năm 1944 tại Diên An). Ích Hoài cầm quân đánh giặc chung quanh vùng sông Trường Giang và từng trú đóng tại Vũ Hồ, An Khánh, từng tham gia đàn áp những cuộc nông dân khởi nghĩa. Lúc bấy giờ ông luôn ghi nhớ "Hoàng ân bao la", nên quyết chí tận trung với triều đình. Về sau tuy không có sự bừng tỉnh giác ngộ, nhưng dần dần cảm thấy đối địch với dân, không ích lợi gì cho nước, mà bị muôn dân oán hận. Ông lại thấy triều đình bất lực, nhà Thanh hủ bại, nạn ngoại xâm, nội loạn luôn luôn xảy đến, khiến nhân dân ai ai cũng oán hờn. Cho nên, ông đã kiên quyết rời khỏi Tương Quân, từ quan trở về quê. Do bản tính của ông là người trung hậu giản dị, nên không chú ý tới việc làm tiền, nhưng với chức quan cao trong quân đội của triều đình ông vẫn có sự thu nhập tiêu xài không hết. Nhờ đó mà có phần tích lũy. Sau khi rời quân đội, ông trở về quê tại Dương Cát An là một thôn nhỏ. Ông mua một ngôi nhà bình thường để cho gia đình ở yên. Ngôi nhà này không giống phủ đệ của quan tướng nổi danh lúc bấy giờ, mà chỉ là một ngôi nhà nông thôn như mọi ngôi nhà khác. Sau khi tu sửa lại, Ích Hoài đã an cư tại đây.

Khi đã trở về thôn quê, Ích Hoài bèn mua hai trăm bốn mươi mẫu ruộng, hầu hết đều cho tá điền làm, riêng mình giữ lại ba chục mẫu, thuê hai nhân công làm năm để cày cấy. Do từ nhỏ ông đã sống trong cảnh bần hàn, nay vẫn không quên nỗi nhọc nhằn của mình khi nghèo khó. Cho nên khi đã có tiền trong tay, ông muốn làm một vài việc từ thiện chi đó trong thôn ấp.

Do vậy, những thân bằng ở gần, nếu gặp khi túng bấn khó khăn, mà tìm tới ông nhờ cậy, bao giờ ông cũng tận tình giúp đỡ cho.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2023, 02:55:46 pm »


Do bần cùng mà tổ phụ của Trần Canh lập gia đình hơi muộn, mãi tới năm ông ba mươi tuổi, vào làm lính ở Tương Quân, và được giữ chức "Tiêu trưởng" (người chỉ huy canh gác) thì mới kết hôn với một cô gái họ Lưu, nhỏ hơn ông mười tuổi, cũng là người đồng hương. Tổ mẫu sau khi về làm dâu cho nhà họ Trần, chẳng bao lâu hạ sinh được một đứa con trai. Đó là cha của Trần Canh, tên Trần Thiệu Thuần. Năm năm sau, lại hạ sinh chú của Trần Canh là Trần Bích Thuần. Chẳng may, sau khi chú của Trần Canh chào đời chẳng bao lâu thì tổ mẫu của ông bị bệnh qua đời. Đó là năm 1895. Sau khi tổ mẫu chết, cha của Trần Canh mới vừa mười hai tuổi. Tổ phụ đứng là làm chủ hôn, cưới vợ cho cha ông, và bảo cha ông phải quản lý chuyện gia đình. Qua mấy năm sau, tổ phụ của ông lại kết hôn với một người con gái ở tỉnh Tứ Xuyên, trước kia cũng từng đi lính. Vị kế tổ mẫu này không sinh con cái, và đối với con cháu của tổ phụ nhất mực yêu thương. Do vậy, bọn con cháu ai ai cũng hết sức tôn kính và thương yêu vị kế tổ mẫu.

Kế tổ mẫu nguyên là một kỵ sĩ trong quân đội của tổ phụ trước kia, võ công rất giỏi, cưỡi ngựa bắn cung rất tài. Cha và chú của Trần Canh ở nhà thường theo học quyền cước và võ công với kế tổ mẫu. Khi luyện công, bà thường bảo các con trai nhào lộn trên một cây côn của bà giữ trong tay, tỏ ra rất tận tình trong việc dạy võ công cho các con.

Khi kể về phụ thân của mình, Trần Canh thường nói: "Khá có tiếng tăm trong thôn xóm, đối với cách mạng tỏ ra đồng tình". Phụ thân của ông là người ngay thẳng, thích làm điều thiện, thường bố thí cho người nghèo. Ông lấy hình thức tặng gạo ăn tết, hoặc bán gạo với giá rẻ, để cứu tế cho người đồng hương. Đến khi ngọn triều cách mạng ào tới, tiếng hát của quân Bắc phạt vang rền, phong trào nông dân ở tỉnh Hồ Nam sôi sục thì ông tỏ ra đồng tình. Và, những tháng năm sau đó, vì Trần Canh đã trở thành đảng viên Cộng sản, là tướng lĩnh cao cấp lừng danh của Hồng quân, nên từ năm 1927, sau "Mã Nhật sự biến", trải qua những trận khủng bố trắng liên tục trong mười năm nội chiến, gia đình ông thường bị họa lây. Cha Trần Canh đã liên tiếp hai lần bị tội "dạy con không nghiêm", "gia đình xích phỉ", và bị bắt bỏ ngục. Tiếp theo đó, họ lại bị sự bức hại về mặt chính trị của phái phản động, nên kinh tế của gia đình này ngày một xuống dốc. Đến thời kỳ kháng chiến chống Nhật, ngay cả ngôi nhà rách nát tại Dương Cát An, và mấy mẫu ruộng còn sót lại cũng phải đem bán đi. Vậy, cả nhà lớn nhỏ, biết an thân ở đâu bây giờ? Tại vùng Dương Cát An có một ngôi núi nhỏ, nằm về phía Nam chừng năm dặm đường. Trên đó có một ngôi Bảo Hoa Am, gồm có ngoài mười gian nhà, kể cả một ngôi đại điện thờ tượng Thích Ca Mầu Ni Phật. Trước đây, khi xây dựng ngôi am đường này, tổ phụ của Trần Canh là người quyên góp nhiều nhất, cho nên có một thời gian gia đình của Trần Canh đứng ra cai quản ngôi am này. Về sau, trải qua nhiều sự tang thương biến đổi, trong am không còn tăng ni. Lúc đó tuy nhà cửa cũ rách, nhưng nếu tu sửa lại chút ít thì vẫn có thể ở được. Nhờ đó, khi cả nhà của Trần Canh không còn con đường nào để chọn, bèn dời hết lên Bảo Hoa Am để sống yên thân. Do chịu ảnh hưởng tham gia cách mạng của Trần Canh, nên phái phản động của Quốc dân đảng luôn luôn tìm cách hãm hại gia đình, và về mặt kinh tế, ngày một sa sút, đi tới phá sản. Tình hình đó làm cho tư tưởng của Trần Thiệu Thuần bắt đầu phân hóa. Đến sau này, ông chẳng những là một người đồng tình với cách mạng như hầu hết những người khác, mà còn ủng hộ, giúp đỡ Đảng Cộng sản lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Ông thường không sợ nguy hiểm, che giấu tổ chức hoạt động bí mật ở địa phương, che giấu nhân viên công tác hoạt động bí mật tại quê nhà. Tổ chức Đảng vẫn thường họp tại nhà ông, và đích thân ông tự nguyện ra canh gác để bảo vệ cuộc họp. Những hành động bức hại của phái phản động ngày một gay gắt, nhưng vẫn không hề khuất phục được ý chí của ông. Ngày mùng bảy tháng giêng năm 1945, cha của Trần Canh từ Bảo Hoa Am đi đến Cốc Thủy để thăm bà con, cách xa đó hơn một trăm dặm. Vì ông bị huyết áp cao, nên đã ngã gục và chết bên cạnh một chiếc cầu đá, tại một địa phương có tên là Nguyệt Sơn Loan.

Mẹ của Trần Canh tên gọi Bành Học Nhàn, xuất thân là người hàn vi. Sau khi bà bước vào ngưỡng cửa gia đình họ Trần, trở thành dâu trưởng của gia đình này, bèn cùng người chồng trẻ tuổi lo liệu, gánh vác mọi việc trong gia đình. Bà cần kiệm siêng năng, chăm sóc con cái. Mẹ của Trần Canh trước sau hạ sinh được mười hai người con (nửa trai nửa gái), Trần Canh nguyên là đứa con thứ hai, nhưng người anh lớn hơn Trần Canh một tuổi, đã yểu tử lúc lên mười, nên Trần Canh trở thành trưởng nam trong gia đình. Ông còn hai đứa em gái, đã yểu tử lúc mới bảy tám tuổi. Người em trai Trần Tôn Tam, đi lính cho quân phiệt và đã bị chết vì bệnh kiết lỵ trong khi vẫn còn ở tại quân ngũ. Đứa em trai thứ tư là Trần Diệc Ngô, cũng đi trong quân đội cũ, và chết tại Hành Dương, tỉnh Hồ Nam. Trần mẫu là một lương thê hiền mẫu điển hình. Cả cuộc đời chỉ biết lo việc nhà, lo nuôi dạy con cái, cần lao tiết kiệm. Tính bà rất trung hậu, tâm địa lương thiện cùng với cha của Trần Canh làm việc từ thiện, cứu tế cho người nghèo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM