Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:04:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 4700 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2023, 05:53:15 pm »


Một hôm, hai người thấy trên báo chí có đăng tên Huỳnh Bích. Huỳnh Bích nguyên là người ở tại Vĩnh Hưng, đi du học Nhật Bản, hiện đang giữ chức chủ nhiệm phân xưởng làm đạn pháo tại Binh công xưởng ở Thượng Hải. Huỳnh Khắc Thành bèn đổi tên là Huỳnh Sở Trân, viết cho Huỳnh Bích một lá thư, nói dối mình là hạ sĩ quan của bộ đội Trình Tiềm, sau khi bị giải giới ở Giang Tây, trôi nổi về thượng Hải, không có công ăn việc làm, nay muốn đi Nam Dương để mưu sinh, và xin ông ta giúp cho tiền bạc.

Chẳng bao lâu sau Huỳnh Khắc Thành nhận được thư phúc đáp. Ông vui mừng ngoài sức tưởng tượng, bèn đi tới Binh công xưởng Thượng Hải, để tới văn phòng tìm gặp Huỳnh Bích. Hai người gặp mặt nhau, ngồi xuống nói chuyện chưa được mấy chốc, thì có người từ bên ngoài bước vào tìm Huỳnh Bích. Huỳnh Bích đi ra, không mấy chốc lại trở vào, bảo là ông ta có việc quan trọng phải đi ngay, không thể nói chuyện tiếp, ủy thác một người bà con đến để nói chuyện với Huỳnh Khắc Thành.

Huỳnh Bích đi chẳng bao lâu, thì có một người bà con của ông ta bước vào. Huỳnh Khắc Thành vừa trông thấy người này, giật mình đánh thót. Thì ra, người này tên là Đặng Phong Lập, là một đại ác bá ở huyện Quý Dương tỉnh Hồ Nam. Trong lần bạo động ở phía Nam tỉnh Hồ Nam, hắn từng sát hại rất nhiều đảng viên Cộng sản và nông dân nổi lên bạo động. Hắn đúng là một tên chống Cộng chánh hiệu. Hồi lúc nhỏ, Huỳnh Khắc Thành đã có dịp gặp mặt hắn mấy lần. Thấy Đặng Phong Lập bước vào, Huỳnh Khắc Thành rất lo sợ, nghĩ bụng: phen này chắc là tiêu đời rồi. Không ngờ, Đặng Phong Lập bước vào, lại ôn tồn nói chuyện với ông. Hắn hỏi tình hình đi lính của Huỳnh Khắc Thành, chứ không nói chi khác. Ngoài ra, hắn không biết mặt Huỳnh Khắc Thành. Huỳnh Khắc Thành cảm thấy đỡ lo, nghĩ rằng có lẽ hắn không để ý tới mình, nên hắn không nhận diện được.

Một lúc sau, Đặng Phong Lập bỗng hỏi Huỳnh Khắc Thành:

— Đứa cháu của Huỳnh Thanh Chánh ở thôn Hạ Thanh, tên gọi Huỳnh Thời Tuyên, anh có biết không?

Huỳnh Khắc Thành giật mình đánh thót, Thời Tuyên là tên của Huỳnh Khắc Thành lúc còn nhỏ. Nhưng ông cố giữ bình tĩnh, đáp:

— Lúc tôi còn ở nhà, có biết hắn.

Đặng Phong Lập lại hỏi:

— Huỳnh Thời Tuyên hiện nay ở đâu, anh có biết không?

Huỳnh Khắc Thành đáp:

— Tôi rời quê hương đi làm lính đã lâu, nên không có dịp liên lạc với anh ta nữa. Không biết hiện giờ anh ta ra sao?

Đặng Phong Lập với sắc mặt hầm hầm, nói:

— Huỳnh Thời Tuyên là một tên Cộng sản giết người, đốt nhà đấy!

Huỳnh Khắc Thành giả vờ kinh ngạc, nói:

— Thế hả? Anh ta như vậy mà là Đảng viên Cộng sản sao? Quả thật bất ngờ!

— Chính anh ta đã cầm đầu nổi lên bạo động chỗ chúng tôi, nhà đương cuộc đang ra lệnh truy nã đấy. Nếu tôi gặp anh ta ở đâu, thì tuyệt đối sẽ không bao giờ buông tha!

Huỳnh Khắc Thành giả vờ thở dài, nói:

— Ôi! Một người như anh ta mà cũng nổi lên bạo động? Quả là một chuyện quá bất ngờ - Kế đó, Huỳnh Khắc Thành đánh trống lảng, nói qua chuyện khác - Huỳnh Bích tiên sinh lúc nào mới trở về?

Đặng Phong Lập đáp, là ngày hôm nay chưa chắc ông ấy trở về kịp.

Nhân đó, Huỳnh Khắc Thành bèn nói:

— Nếu Huỳnh Bích tiên sinh hôm nay không trở về, thì tôi xin cáo biệt, đợi ngày khác sẽ đến gặp lại.

Nói dứt, lời, Huỳnh Khắc Thành đứng lên từ biệt. Đặng Phong Lập đưa tới tận cổng của công xưởng, mới quay vào. Huỳnh Khắc Thành cảm thấy như vừa trút bỏ được một tảng đá đè lên ngực. Và từ đó, ông không còn dám tới tìm Huỳnh Bích nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2023, 05:53:51 pm »


Một thời gian sau, lúc hai người gần như bí lối, thì bỗng gặp Tăng Hy Thánh, và nhờ đó tìm được tổ chức Đảng. Huỳnh Khắc Thành hết sức vui mừng, cảm thấy từ đây mình đã có nơi nương tựa. Nhân dịp này, ông học tập rất nhiều tài liệu. Trong số đó có cả những văn kiện của Đảng Cộng sản quốc tế.

Sau mấy hôm, Quân ủy Trung ương đến tìm gặp ông, cho ông biết hệ thống tổ chức của ông là thuộc hệ thống Quân ủy. Đồng thời, cũng cho ông biết, kinh tế của đảng hiện nay rất khó khăn, chỉ có thể đảm bảo đời sống cho thiểu số những người làm cách mạng chuyên nghiệp, chứ không thể bảo đảm đời sống cho tất cả đảng viên. Vì vậy, Trung ương Đảng mong tất cả đảng viên đều cố tìm chức nghiệp cho mình, để vừa giải quyết được vấn đề đời sống, vừa lấy chức nghiệp đó làm bình phong che chở, để liên hệ quần chúng, triển khai hoạt động cách mạng.

Huỳnh Khắc Thành dựa vào chỉ thị của Trung ương, suy nghĩ thật lâu, quyết định đi Đường Sơn để tìm một người thượng cấp cũ của mình là Lăng Triệu Nghiêu. Tổ chức Đảng đồng ý và ông ngồi tàu tới Đường Cô, rồi mới đi xe tới Đường Sơn.

Lăng Triệu Nghiêu tiếp đón Huỳnh Khắc Thành rất vui vẻ. Người này trước đây là một đoàn trưởng trong đệ bát quân của quân Bắc phạt, có mối quan hệ khá tốt với Huỳnh Khắc Thành. Hiện nay ông ta làm lữ trưởng lữ 158, thuộc sư đoàn 53 quân Quốc dân Cách mạng. Sau khi ông ta sắp xếp cho Huỳnh Khắc Thành ở lại, lúc rảnh thì tìm tới nói chuyện. Ông ta nói từ Quốc dân đảng đến Đảng Cộng sản, đều là những vấn đề thuộc về chính trị. Huỳnh Khắc Thành ý thức được ông ta muốn tìm hiểu tư tưởng của mình, nên cũng bắt đầu cảnh giác. Huỳnh Khắc Thành vốn quen biết nhiều người trong đội quân này, nên có mối quan hệ với các sĩ quan và binh sĩ rất tốt. Ông ta ở lâu, khiến Lăng Triệu Nghiêu sinh nghi, sợ Huỳnh Khắc Thành lật mình, cho nên những hứa hẹn này nọ trước đây, ông ta cũng lờ đi luôn.

Huỳnh Khắc Thành ở chờ một lúc, thấy Lăng Triệu Nghiêu có lòng nghi ngờ, nên không muốn tiếp tục ở lại nữa. Ông đi Thiên Tân, Nam Kinh rồi lại đi Vũ Hán, được một người đồng hương tên Lưu Ất Quang giới thiệu, vào làm thiếu úy tổ viên tổ giám thị, thuộc phòng chính huấn của sư đoàn 2 Quốc Dân Đảng, nhiệm vụ cụ thể là trông nom phòng đọc sách.

Một hôm, Huỳnh Khắc Thành và Lưu Ất Quang cùng đi dạo phố, bất ngờ lại đụng đầu với một tên oan gia tại nơi đó. Tên này gọi là Lưu Hùng, con một đại địa chủ ở huyện Vĩnh Hưng, là bạn học cũ của Huỳnh Khắc Thành lúc còn theo học tại Hành Dương, hiện là học sinh sĩ quan trường Hoàng Phố khóa bốn. Lúc bạo động ở phía Nam tỉnh Hồ Nam, nhà họ Lưu bị quần chúng kéo tới tịch thâu hết gia sản, một người anh em của Lưu Hùng, còn bị quần chúng giết chết. Sau ngày bạo động thất bại, nhà họ Lưu tiến hành việc trả thù thẳng tay. Riêng Lưu Hùng đi khắp các nơi, tìm kiếm đảng viên Cộng sản để sát hại, làm đủ thứ chuyện tàn ác. Trước đây không bao lâu, chính hắn là người đã giết Lý Bốc Thành. Đối với Huỳnh Khắc Thành, hắn biết rõ tất cả, và hắn cũng ngày đêm truy lùng để bắn Huỳnh Khắc Thành.

Huỳnh Khắc Thành không chạm mặt thẳng với hắn, mà đôi bên chỉ đi ngang qua, nên không nhận ra nhau. Dù vậy, Huỳnh Khắc Thành muốn lánh mặt cũng không còn kịp nữa. Giữa lúc nguy cấp, Huỳnh Khắc Thành liền nghĩ ra một kế hay. Bèn bước thẳng tới nắm lấy tay Lưu Hùng giả vờ thân mật nói:

— Ô! ông bạn cũ, đã nhiều năm không gặp nhau, chắc cũng khỏe mạnh chứ?

Lưu Hùng không khỏi ngạc nhiên trước sự việc đang xảy ra. Huỳnh Khắc Thành vừa nói, vừa siết chặt tay Lưu Hùng. Lưu Hùng muốn rút tay trở lại, nhưng không thể rút được, nên cũng luống cuống không biết phải làm gì. Huỳnh Khắc Thành nhân lúc hắn không đề phòng, bèn buông tay hắn và lui thẳng vào đám đông, biến mất. Lưu Hùng đang lúng túng muốn đuổi theo, thì Lưu Ất Quang vội vàng nắm tay hắn lại, tìm lời để giằng co với hắn, hỏi han đủ điều, khiến hắn không làm sao thoát thân được. Chờ khi Lưu Hùng bình tĩnh trở lại, thì hai người cũng đã biến mất.

Do lưu lạc nhiều ngày trong khu Quốc dân đảng chiếm đóng, Huỳnh Khắc Thành đã gặp nhiều trường hợp rất nguy hiểm, khiến ông không muốn ở lại lâu dài nữa. Ông đã ý thức được một cách sâu sắc, nếu vẫn tìm công việc chính trị để làm trong quân đội cũ, mà không nắm được binh quyền, thì chẳng khác nào cá nằm dưới thớt, để người ta muốn làm gì thì làm. Cho nên ông tha thiết muốn trở vào khu du kích, để trở lại hồng quân lo chuyện đấu tranh quân sự. Ông thỉnh thị với Trung ương và nhanh chóng được sự đồng ý. Nhờ vậy, ông kết thúc giai đoạn lưa lạc lâu dài trong khu chiếm đóng của Quốc dân đảng. Tháng hai năm 1930, ông xuất phát từ Thượng Hải, đi thẳng tới phía Nam tỉnh Hồ Bắc, để gia nhập vào quân năm của Hồng quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:26:18 pm »


3. TẠI QUÂN ĐOÀN BA HỒNG QUÂN

Đời sống của Huỳnh Khắc Thành trong những ngày ở tại quân đoàn ba Hồng quân, rõ ràng là một chuỗi ngày khó quên. Sở dĩ nói như vậy, vì không chỉ trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Bành Đức Hoài, Huỳnh Khắc Thành đã lập được chiến công hiển hách, mà còn do nhân cách chân thành, bộc trực của ông, trời không sợ, đất không kiêng, dù ai cũng dám đụng thẳng, nên ông trở thành một người rất có tiếng tăm. Qua đó, ông đã viết lên cho mình những trang sử huy hoàng. Trong thời gian này, đôi mắt có bệnh của ông bắt đầu ngày một nghiêm trọng, dẫn đến nhiều chuyện buồn cười và nguy hiểm.

Hạ tuần tháng 2 năm 1930, Huỳnh Khắc Thành dẫn ba người tới Võ Huyệt Trấn thuộc tỉnh Hồ Bắc, chuẩn bị đến huyện Dương Tân để tìm quân 5 Hồng quân. Ba người đi theo ông, đều là người mà ông quen biết tại sư đoàn 2 trước đây. Ba người này đều là đại đội trưởng. Ông thấy cả ba đều có kinh nghiệm tác chiến tốt, nên động viên họ cùng đi ra căn cứ để làm hồng quân. Thế là ba người bèn theo ông cùng đi.

Bốn người đều mặc quân phục của Quốc dân đảng, nên trên đường đi được an toàn. Họ thuê một chiếc thuyền nhỏ, chèo qua bờ sông phía Nam, để liên hệ với đặc khu ủy phía Nam Hồ Bắc. Nhưng do họ mặc quân phục Quốc dản đảng, khiến số người mà họ liên hệ sinh nghi ngờ, không bằng lòng móc nối với họ.

Huỳnh Khắc Tliành dù nói đi nói lại mật khẩu nhiều lần, nhưng người ở trạm giao thông vẫn không chịu móc nối. Bốn người không còn cách nào khác, đành phải trở về Vũ Hán.

Khi tới Vũ Hán, một trong ba viên trung đội trưởng không thể chờ đợi được nữa, nên kiên quyết trở về quê hương ở Hồ Nam. Huỳnh Khắc Thành khuyên ông ta nhiều lần, nhưng không có tác dụng, đành để cho ông ta ra đi.

Huỳnh Khắc Thành đang hết sức sốt ruột, thì bỗng có người chủ động đến liên hệ với họ. Người này hỏi họ có phải từ Thượng Hải tới không, rồi đôi bên nói mật khẩu để móc nối nhau. Mọi việc đều thuận lợi. Huỳnh Khắc Thành bèn lấy bức thư giới thiệu từ Thượng Hải mang đến để trình ra. Thế là ngày hôm sau, người này đã dẫn ba người của Huỳnh Khắc Thành đến căn cứ địa du kích ở phía Nam Hồ Bắc, trong lòng rất phấn khởi, dễ chịu. Đến tháng tư Huỳnh Khắc Thành được sắp xếp về trung đội 5 thuộc quân 5 để công tác. Hai người kia cũng được cử làm đại đội trưởng của hai đại đội khác nhau. Chẳng bao lâu, trung đội 5 đến huyện Bình Giang tham gia trận chiến đấu ở tại dây. Cũng ở tại nơi này, Huỳnh Khắc Thành lần đầu tiên gặp Bành Đức Hoài. Sau khi chiến đấu ở Bình Giang, một trong hai người trung đội trưởng theo Huỳnh Khắc Thành tới, nói:

— Xem ra, chúng ta tới đây, thì đừng mong chi còn sống để trở về.

Huỳnh Khắc Thành hỏi ông ta tại sao, ông ta nói:

— Hồng quân đánh giặc gan dạ như vậy, cán bộ phải dẫn đầu làm gương mẫu, nên chúng ta cần phải chuẩn bị hy sinh mạng sống ở đây.

Thì ra, ông ta khi còn ở trong quân đội cũ, vẫn còn thiếu tinh thần làm cách mạng, nên đối với người chỉ huy của Hồng quân vì dũng cám mà quên sự sống chết, là điều mà về mặt tinh thần, ông ta chưa thích ứng nổi.

Huỳnh Khắc Thành nghe vậy, chịu khó khuyến khích, giúp đỡ ông ta, bảo ông ta nên hạ quyết tâm làm cách mạng tới cùng. Về sau, đồng chí này luôn luôn tỏ ra can đảm, và trong trận tấn công huyện Dương Tân, anh bị thương nặng, khi khiêng trở về hậu tuyến, vết thương của anh không còn băng bó nổi nữa. Huỳnh Khắc Thành vội vàng chạy tới thăm anh, và anh chỉ còn nói được một câu:

— Tôi không thể chịu đựng được nữa!

Dứt lời, anh tắt hơi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:27:17 pm »


Người trung đội trưởng thứ hai theo Huỳnh Khắc Thành tới đây, lúc tấn công Trường Sa cũng bị thương nặng, và được đưa về hậu phương để cứu chữa. Về sau, việc thanh trừng trong đội ngũ mở rộng, anh ta sợ quá bỏ trốn mất. Từ đó, rời khỏi hàng ngũ cách mạng. Đến khi giải phóng toàn quốc, anh tỏ ra rất tích cực trong việc cải cách ruộng đất, nên được làm cán bộ cơ sở tại nông thôn. Lúc bấy giờ, Huỳnh Khắc Thành đã là bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Nam, nên có liên hệ với chính quyền ở đây, nhờ chú ý tới đời sống của anh. Do vậy, về sau anh lại yêu cầu được gia nhập Đảng, Huỳnh Khắc Thành phái người tới điều tra lý lịch, được biết anh này từ căn cứ trốn về thì tới Hà Nam. Trong thời kỳ kháng chiến, anh tham gia quân đội Quốc dân đảng và làm tiểu đoàn trưởng địa phương quân. Huỳnh Khắc Thành phê bình anh:

— Lúc đó Bát lộ quân ở hậu phương địch, tại sao anh không đi tìm để xin gia nhập?

Người ấy nghẹn lời, nhìn nhận mình đã làm sai. Về sau, khi anh về hưu, chính phủ có tặng cho anh một số tiền nghỉ hưu. Tất nhiên đó là việc sau này.

Tháng sáu năm 1930, đội quân 5 Hồng quân được biên chế mở rộng thành quân đoàn ba, Bành Đức Hoài làm quân đoàn trưởng, kiêm bí thư ban chỉ huy tiền phương. Đằng Đại Viễn làm chính ủy. Lúc đó, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Lý Lập Tam, đã đưa ra nhiều chính sách, yêu cầu phát động những cuộc bạo động tại thành thị trung tâm, và tập trung hồng quân để vây đánh những thành thị này. Tháng bảy, Trung ương đã bố trí tại các thành phố trọng điểm như Nam Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán.... để chuẩn bị phát động những cuộc bạo động tại đây.

Đồng thời, quy định ba quân đoàn hồng quân cắt đứt đường tàu hỏa Vũ Hán - Trường Sa, tiến vào Vũ Hán. Một quân đoàn hồng quân sẽ tiến công Nam Xương, Cửu Giang, để cắt đứt sông Trường Giang, yểm hộ cho sự thắng lợi của Vũ Hán. Các nơi khác hồng quân cũng phải hỗ trợ.

Khi chỉ thị của Trung ương truyền đạt tới quân đoàn ba Hồng quân được đa số cán bộ ở đây tán đồng. Nhưng Huỳnh Khắc Thành nghe qua, cảm thấy nó làm sao ấy. Ông dự cảm tình hình không phải thuận lợi như đã phân tích. Ông cho rằng, hiện giờ mà tiến hành chiếm lấy những thành phố trung tâm là không thiết Ihực. Cho nên ông đã viết cho Bành Đức Hoài một lá thư, nói rõ những lý do không thể tấn công chiếm những thành phố lớn.

Bành Đức Hoài cũng cảm thấy lực lượng của hồng quân không đủ sức để tiến chiếm Vũ Hán, nên cho quân tiến về phía Nam tỉnh Hồ Nam, chiếm lĩnh Nhạc Dương, Bình Giang. Tại Bình Giang, ban chỉ huy tiền phương của quân đoàn ba Hồng quân, tỉnh ủy Hồ Nam, đặc khu ủy Tương Ngạc Cán (tức Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây) cùng mở hội nghị liên tịch, thảo luận kế hoạch hành động sắp tới. Người trong quân đội hầu hết yêu cầu tấn công Vũ Hán, nhưng một số người ở tỉnh ủy Hồ Nam, thì cho rằng nên đánh lấy Trường Sa trước, rồi mới tiến công Vũ Hán sau. Hai phái giằng co không dứt khoát. Huỳnh Khắc Thành bèn phát biểu tại buổi họp này, phản đối đánh chiếm các thành phố trung tâm. Ông nói, hiện nay nêu lên vấn đề đánh chiếm Vũ Hán là chưa hiện thực, vì trước mắt, chúng la chưa đủ những điều kiện để chiếm đóng Vũ Hán. Ông chỉ rõ thêm, Trường Sa không phải không thể đánh, nhưng không phải dùng bạo lực để đoạt lấy Trường Sa, mà cũng không thể đánh Trường Sa trước, rồi đánh Vũ Hán sau, mà chỉ có thể dùng hình thức hoạt động du kích, để tìm cách hấp dẫn quân đội địch từ trong thành phố Trường Sa kéo ra đánh dã chiến với ta, rồi ta tiêu diệt họ. Nếu thắng được họ, thì thừa cơ đánh chiếm Trường Sa. Như vậy, có thể mở rộng ảnh hưởng chính trị, và mở rộng quân đội, cũng như đạt được mục đích gây quỹ.

Ý kiến của ông làm cho những người dự hội nghị tức giận. Họ đều phê bình một cách nghiêm khắc, quân điểm đó chính là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. Kết quả ý kiến của ông không được chấp thuận, và làm cho những người lãnh đạo cho rằng, trạng thái tư tưởng của ông hiện nay không còn thích hợp công tác lãnh đạo quan trọng. Do vậy, ông bị triệt tiêu ý định giao cho ông làm chính ủy của quân đội, mà quyết định ông vẫn tiếp tục làm chính ủy ở chi đội hai, thuộc tung đội ba. Về sau, khi cải biên tại Trường Xuân, ông cũng vì mấy lần phát biểu bị cho rằng là người có ngôn luận hữu khuynh, không thích hợp giữ vai trò lãnh đạo cấp sư đoàn, nên đã điều ông làm chính ủy đoàn ba, thuộc sư bốn của quân tám.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:27:58 pm »


Sau hội nghị liên tịch tại Bình Giang, quân đoàn ba Hồng quân thừa cơ địch sơ hở, đánh vu hồi về phía thành phố Trường Sa. Và đã bao vây quân địch tại Tấn Khanh, cách phía Nam Bình Giang hai mươi dặm. Đôi bên đánh nhau từ sáng sớm cho tới chiều tối, Hồng quân mở nhiều đợt xung phong, và cuối cùng đánh bại quân địch.

Trong trận chiến đấu này, Huỳnh Khắc Thành lại gặp một sự nguy hiểm. Đôi kính cận mà ông đeo, suýt nữa đã hại ông. Ngay từ lúc còn đi học tại huyện lỵ, là ông đã mang kính cận rồi. Việc đó rất bất tiện trong khi hành quân tác chiến. Trong trận đánh Tấn Khanh, đôi bên giao phong không bao lâu, thì chi đội trưởng mất liên lạc với bộ đội. Huỳnh Khắc Thành bèn tiến hành chỉ huy một mình. Lúc bấy giờ là mùa hè, trên mặt ông mồ hôi nhễ nhại. Vì vậy, trên đôi kính cũng dính lấm tấm mồ hôi, khiến tầm nhìn của ông bị hạn chế.

Nhưng lúc đó đôi bên đánh nhau đang căng thẳng, Huỳnh Khắc Thành không đủ thời giờ để ý tới mắt kính của mình, cứ chỉ huy bộ đội xung phong về phía trước. Riêng ông cũng lao tới không hề do dự. Và khi đôi bên thấy rõ nhau, ông mới nhận ra bao nhiêu miệng súng đen ngòm đang chĩa về mình, sẵn sàng nhả đạn. Huỳnh Khắc Thành hoảng hốt, ý thức được đó là kẻ dịch. Ông thoáng do dự, rồi quay về phía họ vẫy tay, miệng la lớn:

— Đừng có bắn!

Nhưng lời nói của ông vừa dứt, thì bao nhiêu khẩu súng đều nhất tề nhả đạn. Huỳnh Khắc Thành vội vàng té xuống đất, và lăn tròn theo sườn núi. Ông nghe tiếng đạn rít ngang tai mình vèo vèo, cho rằng phen này chắc chắn sẽ chết. Nhưng khi lăn tới chân núi, ông mới thấy ngoài mắt kính, mũ, và cặp da bị mất hết, bản thân ông vẫn nguyên vẹn không hề bị trúng đạn. Nhưng vì không còn mắt kính, ông nhìn cảnh vật chung quanh đều mơ hồ, không thấy gì rõ ràng nữa, và cũng không nhận ra phương hướng. Ông đành phải sờ soạng để đi tới. Trời cũng sắp tối tới nơi, ông bò ra một bìa rừng sát công lộ, thấy có rất nhiều người đang chạy theo công lộ la ó. Ông định thần nhìn kỹ, thấy những người đó đều đeo băng tay, biết họ là quân đội của mình, nên mới dám leo lên công lộ để tìm bộ đội. Thì ra, quân địch đã bị đánh bại, và Hồng quân đang ra sức truy kích chúng.

Về sau ông mới biết, mình từ trên đỉnh đồi lăn xuống chân đồi, người cảnh vệ cho rằng ông đã trúng đạn hy sinh, nên trở về bộ đội báo cáo. Kịp khi ông lò mò về tới bộ đội, thì mọi người vừa giật mình, lại vừa mừng rỡ.

Chống "AB đoàn" là một sự kiện trọng đại trong thời gian Huỳnh Khắc Thành ở tại quân đoàn ba.

"AB" là từ viết tắt của Anti-Bonchevik. "AB đoàn" là một tổ chức chống cách mạng, do Tưởng Giới Thạch sai Từ Quả Phu gợi ý cho Đoàn Tích Bằng và Trình Thiên Phóng thành lập tại Nam Xương, sau ngày quân Bắc phạt chiếm Nam Xương hồi năm 1926. Mục đích của tổ chức này là chống Đảng Cộng sản, đoạt lại quyền lãnh đạo ở Giang Tây. Đến tháng tư năm 1927, Đảng Cộng sản lãnh đạo quần chúng tấn công vào đoàn thể này, và tự nó đã bị giải thể. Từ đó trở đi, không còn ai nhắc tới nữa. Tuy nhiên, tại căn cứ cách mạng Trung ương, về sau lại xuất hiện vấn đề "AB đoàn". Và bắt đầu có cuộc thanh trừng nội bộ, gây ra một sự tổn thất lớn lao.

Quân đoàn ba sau khi rút khỏi Trường Sa, thì vào tháng tám năm 1930, cùng hợp điểm với quân đoàn một do Mao Trạch Đông và Chu Đức chỉ huy, thành lập phương diện quân một, thuộc Hồng quân công nông của Trung Quốc. Chu Đức được cử làm tổng tư lệnh, Mao Trạch Đông làm tổng chính ủy. Tư lệnh quân đoàn một do tư lệnh phương diện quân kiêm nhiệm. Quân đoàn ba vẫn do Bành Đức Hoài làm quân đoàn trưởng, Đằng Đại Viễn làm chính ủy. Sau khi phương diện quân một thành lập, bèn rút lui ra khỏi trung tâm căn cứ địa của Trung ương. Lúc đó thì xuất hiện vấn đề thanh trừng "AB đoàn".

Tháng mười năm 1930, sau khi quân đoàn một Hồng quân đánh chiếm được Cát An, phát hiện một số tư liệu nói tới "AB đoàn", trong đó có dính líu một số cán bộ thuộc "Tỉnh ủy Giang Tây" và "Đặc ủy phía Tây Nam Giang Tây". Dựa vào đó, bí thư đảng ủy tiền phương của phương diện quân cho rằng tổ chức Đảng ở Tây Nam tỉnh Giang Tây, tồn tại "nguy cơ hết sức quan trọng, cần phải cải tạo căn bản một lần".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:28:36 pm »


Đầu tháng mười hai, đảng ủy tiền phương phái Lý Thiều Cửu, trưởng phòng chính vụ của Tổng Cục chính trị, đến tỉnh ủy Giang Tây và chính phủ Xô Viết của tỉnh đóng tại Phú Điền, thực hiện việc thanh trừng, hy vọng "tìm được những đầu mối để phá vỡ tổ chức này". Lý Thiều Cửu đến Phú Điền, liền dùng thủ đoạn ép cung, tiến hành bắt bớ tại tỉnh ủy, và chính phủ Xô viết tỉnh, cũng như tại cơ quan đặc ủy Tây Nam tỉnh Giang Tây. Họ đã khai thác và bức cung những người bị bắt. Sau đó, Lý Thiều Cửu lại dựa vào những tờ cung giả này để bắt người, khiến một số đông cán bộ ưu tú của tỉnh Giang Tây bị bắt bớ, làm cho các cấp trên dưới đều sợ hãi, ai ai cũng cảm thấy mình sắp bị bắt tới nơi.

Lúc đó xảy ra hai sự kiện không vui. Một là có một số cán bộ phụ trách tỉnh ủy Giang Tây, và quân 20 Hồng quân, giả mạo bút tích của Mao Trạch Đông viết thành một bức thư bảo là của Mao Trạch Đông gửi cho bí thư Cỗ Bách, vu cho Chu Đức, Bành Đức Hoài, Huỳnh Công Lực là chủ phạm của "AB đoàn", âm mưu chia rẽ Hồng quân, cũng may Bành Đức Hoài biết được, nên mới ngăn chặn không để xảy ra đại họa này.

Một sự kiện không vui khác, là những người này khích động Hồng quân số hai mươi, bắt giữ Lưu Thiều Cửu, buộc thả ra tất cả những người bị Lưu Thiều Cửu bắt, rồi đưa Hồng quân số hai mươi đến phía Tây Cán Giang, hoạt động tại vùng Vĩnh Tân và Liên Hoa. Họ còn nêu ra khẩu hiệu "đả đảo Mao Trạch Đông, ủng hộ Chu, Bành, Huỳnh". Đó là "sự biến Phú Điền" nổi tiếng.

Sau "sự biến Phú Điền", Đảng ủy tiền phương của phương diện quân hết sức sợ hãi, cho rằng đó là “AB đoàn" nội công ngoại kích, tiến tới công khai phản loạn, do vậy đề ra "sách lược kiên quyết tiến công". Những người phụ trách đảng ủy tiền phương và phương diện quân lần lượt phát biểu tuyên ngôn và thư ngỏ, hiệu triệu phản kích đối với sự biến trên. Mao Trạch Đông còn khởi thảo một bố cáo "thảo nghịch" bằng thể văn sáu chữ như: "Đoàn, Tạ, Lưu, Lý phản nghịch, phản biến nổi tại Phú Điền, đuổi đi Tăng Tam chủ tịch, bắt giữ trung ương ủy viên, phản đối công nông Hồng quân, phản đối chia đất chia ruộng..."

Từ đó trở đi, dưới khẩu hiệu "giai cấp quyết chiến", việc đấu tranh thanh trừng tại căn cứ địa ngày một leo thang. Chẳng những rất nhiều người bị gán là "AB đoàn", mà nhiều cán bộ địa phương ở Giang Tây cũng bị thanh trừng. Như Hồ Xán, Đoàn Khởi Phượng, là những lãnh tụ quần chúng rất được quần chúng tin yêu, đều bị bắt và bị sát hại. Nhất thời, nhân tâm tại tỉnh Giang Tây đều hoang mang, tinh thần chiến đấu tụt xuống hẳn.

Sau đó, Trần Nghị từng nói lại cho Huỳnh Khắc Thành biết, khi giết xong Hồ Xán, thì quần chúng địa phương không ai không rơi lệ, khóc thương, mẹ của Hồ Xán gặp Trần Nghị hỏi thẳng:

— Con trai tôi phạm tội gì? Tại sao các anh giết chết nó?

Câu hỏi này làm cho Trần Nghị phải câm như hến. Riêng trong cuộc thanh trừng này, Lý Thiều Cửu, một cán bộ làm nhiều điều phi pháp, bắt người ta rồi ép cung, khiến Trần Nghị lấy làm căm tức. Chính Trần Nghị đã nói cho Huỳnh Khắc Thành biết, với một giọng nói vẫn còn tức giận: "Đó là một tên bất lương! Sau khi chủ lực của Hồng quân tiếp tục cuộc trường chinh và kéo đi, thì chúng tôi đã xử nó rồi!"

Trong đợt tiến hành đánh "AB đoàn", Huỳnh Khắc Thành cũng phải tuân theo chỉ thị của Trung ương, thanh trừng không ít người trong đoàn ba, sư bốn của mình. Trong số tám chín trăm người của một đoàn, nhất thời đã khử đi hơn một trăm người. Tuy nhiên, như vậy hãy còn là ít. Có nhiều đơn vị, gần như khử hết các chiến sĩ là người gốc Giang Tây. Việc làm đó khiến Hồng quân bị tổn thất rất nghiêm trọng.

Sau mấy mươi năm, nhìn lại giai đoạn lịch sử này, Huỳnh Khắc Thành cảm thấy hết sức đau lòng và xấu hổ:

"Trong hành động sai lầm mở rộng việc thanh trừng "AB đoàn" này, đối với sự nguy hại do "AB đoàn" hiện diện, cũng như đối với khẩu hiệu "giai cấp quyết chiến", và cái gọi là "địa chủ phú nông chui vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại", tôi tin là một sự thật. Không có chi đáng nghi ngờ. Và đối với chỉ thị cũng như sự bố trí của cấp trên, tôi hoàn toàn tự giác tuân hành, do đó, đã tạo ra nhiều sai lầm mà suốt cả cuộc đời mình hãy còn ân hận. Đến nay nhớ lại, trong lòng tôi vẫn còn hết sức đau xót. Nếu tính món nợ này với lịch sử, thì chiếc đầu trên cổ của Huỳnh Khắc Thành tôi, không đủ để trả. Do bài học quá đau thương về sự sai lầm đó, khiến tôi khắc cốt ghi xương, suốt đời không quên được. Cho nên từ đây về sau, nếu gặp những phong trào chính trị kiểu thanh trừng, chỉnh người chẳng hạn, thì tôi không bao giờ nhắm mắt nghe theo".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:29:52 pm »


Huỳnh Khắc Thành là một con người đầu đội trời, chân đạp đất, quang minh lỗi lạc. Trong cả cuộc đời của ông, những chuyện đáng hổ thẹn đối với lương tâm không nhiều, nhưng chuyện này, quả là một sự đả kích to tát đối với ông, khiến ông phải suốt đời ân hận.

Quả nhiên ông không xấu hổ với lời hứa của mình. Trước khi xẩy ra việc quân Quốc dân đảng bao vây tảo thanh lần thứ ba, thì lại tiến hành thanh trừng đánh "AB đoàn" lần thứ hai trong Hồng quân. Huỳnh Khắc Thành bắt đầu có ý thức về việc này, nên tiến hành tẩy chay nó. Nhưng quyền lực ủy ban thanh trừng rất lớn, họ thường bắt những chiến sĩ hoặc cán bộ ở bất cứ đơn vị nào mang đi. Có một lần, ủy viên thanh trừng trao cho sư đoàn ba một danh sách, gọi là các phần tử "AB đoàn". Huỳnh Khắc Thành lúc đó là chính ủy của sư đoàn ba, kiên quyết không cho bắt người. Ông nói:

— Trước đây bảo là địa chủ phú nông chui vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại, nên cần phải tiến hành giai cấp quyết chiến, nhưng những người mà các vị đã bắt, không ai là địa chủ phú nông cả, trái lại, họ hoàn toàn là những cán bộ do chúng tôi bồi dưỡng lên. Vậy, tại sao họ lại phản cách mạng?

Ủy ban thanh trừng chỉ vào danh sách nói:

— Đã có người khai ra họ, vậy nhất định phải bắt để thẩm tra.

Huỳnh Khắc Thành nhìn vào danh sách, thấy trong đó hầu hết là cán bộ cấp trung đội. Trong số này lại có hai chính trị viên trung đội, một người tên gọi Thạch Nguyên Tường, một người tên gọi Tăng Bân Nông, bình thường tỏ ra rất đường hoàng, khi đánh giặc lại can đảm xung phong. Thế là Huỳnh Khắc Thành quyết tâm đem giấu họ trên khu núi gần đó, và mỗi ngày cử người đem cơm tới cho họ ăn.

Dù vậy, nhóm người trong ủy ban thanh trừng vẫn phát hiện. Lúc đó đang cần nhiều chiến sĩ chiến đấu, nên Huỳnh Khắc Thành gọi hai người xuống núi để đánh giặc. Ông chuẩn bị đánh giặc xong thì đưa họ lên núi trốn tiếp. Hai người này đều tỏ ra bằng lòng hy sinh ngoài mặt trận, chứ không thể để bị bắt qua cuộc thanh trừng, hoặc làm một tên đào binh. Thái độ của họ khiến Huỳnh Khắc Thành rất cảm động. Ủy ban thanh trừng nhân lúc cuộc chiến đấu vừa kết thúc, liền tới bắt hai người mang đi, và đã nhanh chóng giết chết cả hai.

Huỳnh Khắc Thành hết sức đau đớn, bèn chất vấn ủy ban thanh trừng, tại sao lại giết hại bừa bãi những người vô tội. Ông đã cãi vã với họ rất kịch liệt. Do vậy, số người của ủy ban thanh trừng lại hoài nghi ông có vấn đề chính trị, nên quyết định bắt ông để thẩm vấn.

Bành Đức Hoài biết được tin này, lập tức tới hiện trường hỏi số người đó tại sao bắt chính ủy của mình. Ủy ban thanh trừng không có đủ bằng cớ chứng tỏ Huỳnh Khắc Thành là "AB đoàn", nên bảo Huỳnh Khắc Thành là phần tử có chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. Bành Đức Hoài tức giận nói:

— Nếu là phần tử có tư tưởng cơ hội hữu khuynh, thì có thể phê bình đấu tranh, chứ làm sao bắt giết người ta được?

Ủy ban thanh trừng đuối lý, đành phải thả Huỳnh Khắc Thành ra. Nhờ đó mà Huỳnh Khắc Thành thoát nạn. Nhưng chức vụ chính ủy sư đoàn ba của ông bị thu hồi (chẳng bao lâu sau, ông lại làm chính ủy sư đoàn một). Không ngờ sự kiện này về sau còn trở thành một công án. Năm 1959, tại hội nghị Lư Sơn, có người bảo Huỳnh Khắc Thành sở dĩ ủng hộ "thư góp ý" của Bành Đức Hoài là vì muốn trả cái ơn cứu mạng. Nhưng, trong hồi ức của Huỳnh Khắc Thành, ông cho biết mãi đến trước khi hội nghị Lư Sơn, ông không hề biết trước đây Bành Đức Hoài đã từng cứu ông.

Đối với những người phụ trách thanh trừng "AB đoàn", Huỳnh Khắc Thành, trong quyển hồi ức của mình, đã chân thành, và công bằng phát biểu cách đánh giá của mình. Ông từng cùng với Hà Đốc Tài, khoa trưởng khoa tuyên truyền của sư đoàn nói chuyện. Hà Đốc Tài tham gia cách mạng rất sớm, nhưng do trong hội nghị Cổ Điền phản đối Mao Trạch Đông, nên từ đó về sau không được trọng dụng. Ông chỉ được giữ chức khoa trưởng tuyên truyền trong sư đoàn. Rõ ràng ông là người điển hình về chức vụ nhỏ mà tài năng lớn. Ông từng nói với Huỳnh Khắc Thành, Mao Trạch Đông là người rất giỏi. Nói về làm việc, thì không ai có thể vượt qua Mao Trạch Đông, nói về chủ trương chính trị, thì Mao Trạch Đông luôn luôn có những chủ trương đúng đắn.

Huỳnh Khắc Thành bèn hỏi, nếu vậy tại sao ông lại đứng về phía người phản đối Mao Trạch Đông?

Hà Đốc Tài cho biết, ông không phản đối đường lối chính trị của Mao Trạch Đông, mà phản đối đường lối tổ chức của ông này.

Huỳnh Khắc Thành có vẻ lấy làm lạ, hỏi:

— Đường lối chính trị đúng đắn, vậy đường lối tổ chức có sai sót chút đỉnh, thì đâu đáng kể?

Hà Đốc Tài nói:

— Không được! Đường lối chính trị và đường lối tổ chức không cho phép có chỗ sai sót, không thể "tả" mà cũng không thể "hữu".

Huỳnh Khắc Thành hỏi:

— Ông cho đường lối tổ chức của Mao Trạch Đông có vấn đề gì?

Hà trả lời:

— Mao Trạch Đông chỉ tin dùng những người phục tùng mình, mà đối với những người có ý kiến khác mình, thì lại không xem như vậy. Ông là người có quyết tâm to, và có bàn tay không tình cảm, cho nên không bằng sự khoan hậu, thành khẩn của Chu lão tổng (muốn nói Chu Đức). Thí dụ con người của Lý Thiều Cửu, có phẩm chất rất xấu, thế mà chỉ biết phục tùng cá nhân, nên dối gạt được sự tín nhiệm, từ đó được trao cho những việc làm quan trọng, và có quyền lực lớn. Kết cục, khi làm hư việc, cũng không bị truy cứu. Đường lối tổ chức như vậy, thì làm sao để người ta phục được?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:30:41 pm »


Huỳnh Khắc Thành cho rằng: Đối với những lời nói đó của Hà Đốc Tài phải một năm sau tôi mới thấy được một phần lý lẽ trong đó. Thì ra, Mao Trạch Đông đối với quân dân trong khu căn cứ địa cách mạng Trung ương, đã có uy tín rất cao, mọi người đều công nhận đường lối chính trị, quân sự của Người là đúng đắn. Thế nhưng, sau khi Trung ương lâm thời từ Thượng Hải vào khu Xô viết Trung ương, thì lại đoạt lấy quyền hành từ trong tay của Mao Trạch Đông một cách quá dễ dàng, và thay vào đó, là đường lối chính trị quân sự sai lầm. Sở dĩ đưa tới như vậy, một nguyên nhân quan trọng, là các đồng chí trong khu Xô viết, tin tưởng ở Trung ương mà ra. Nhưng, nếu không phải Mao Trạch Đông có những sai sót về mặt tổ chức, để mất đi một số nhân tâm, thì muốn Trung ương tại khu Xô viết bài xích Mao Trạch Đông, tất nhiên cũng không phải dễ dàng.

Đồng thời, Huỳnh Khắc Thành đối với Mao Trạch Đông, về sau có sự thay đổi cũng đánh giá rất cao: "Về sau, đồng chí Mao Trạch Đông khi thẩm tra cán bộ tại Diên An, có đề xuất mấy phương châm như "Một người cũng không giết, số đông cũng không bắt", "Chú trọng chứng cứ, không dễ tin khẩu cung", chính là sự tổng kết sâu sắc đối với bài học bi thảm đó. Khi đã có những nguyên tắc như vậy, thì về sau trải qua những cuộc vận động chính trị, sẽ không còn chém đầu, mà lại chừa một con đường, để sau này người bị oan có dịp được minh oan. Như vậy, không thể không nói là một quyết sách trọng đại". Về sau, Trần Nghị cũng từng nói với Huỳnh Khắc Thành: "Chỗ vĩ đại của Mao Trạch Đông là ông không phạm lỗi lầm hai lần".

Theo đà Hồng quân phát triển nhanh chóng tại vùng Giang Tây, Phúc Kiến, Tưởng Giới Thạch đối với căn cứ địa của trung ương, đã phát động hàng loạt cuộc bao vây tảo thanh.

Tháng mười năm 1930, Quốc dân đảng nối tiếp điều động hơn mười vạn quân dùng Lỗ Địch Bình làm tổng chỉ huy, phát động bao vây tảo thanh căn cứ địa của trung ương lần thứ nhất, kết quả bị Hồng quân đánh cho đại bại. Sư trưởng của địch là Trương Huy Toán, bị Hồng quân bắt sống và xử tử.

Sau vụ bao vây tảo thanh thất bại, Tưởng Giới Thạch bèn nghĩ ra một âm mưu, thủ đoạn, mà trước đây đã dùng đối phó với quân phiệt, định đối phó với hồng quân, tức là phái người đi dụ hàng các tướng lãnh cao cấp của Hồng quân, làm cho nội bộ Hồng quân bị chia rẽ, để không cần đánh mà tự Hồng quân cũng phải thua.

Lúc đó, có xảy ra một chuyện như thế này: Một hôm, tại doanh trại của Huỳnh Công Lược, quân trưởng quân ba Hồng quân, có một người anh cùng cha khác mẹ, tới dụ hàng tướng này theo lệnh của Tưởng Giới Thạch, hứa ban cho Huỳnh Công Lược chức tước cao và bổng lộc hậu. Huỳnh Công Lược chẳng những không bằng lòng, mà còn đem việc này báo cáo lại cho Mao Trạch Đông, và Chu Đức nghe. Đồng thời, ông ta đem người anh của mình ra chém chết. Chuyện đó được giữ bí mật, không truyền ra ngoài, nên Tưởng Giới Thạch cho rằng thuyết khách của hắn đã đứng vững chân trong khu căn cứ địa. Thế là, Tưởng Giới Thạch lại phái người chú của Huỳnh Công Lược, vào căn cứ địa với ý đồ dụ hàng Bành Đức Hoài.

Ngày hôm đó, người chú của Huỳnh Công Lược dẫn một tên lính cần vụ, chễm chệ đi vào ngoại ô thành Lê Xuyên, và bị quân tuần tiểu của sư ba bắt được. Hắn bị đưa về đến sư đoàn bộ, nói rõ thân thế của mình, yêu cầu được gặp Bành Đức Hoài, bảo là có chuyện quan trọng cần thương lượng. Huỳnh Khắc Thành lập tức đánh điện cho sư đoàn bộ của Bành Đức Hoài được biết:

— Có một người họ Huỳnh, hiện ở tại sư đoàn bộ của tôi, muốn gặp đồng chí. Tôi thấy người này có vẻ không tốt.

Bành Đức Hoài nghe xong, nói:

— Tôi biết rồi, vậy đồng chí hãy phái người dẫn anh ta tới đây.

Huỳnh Khắc Thành bèn phái người đưa người chú của Huỳnh Công Lược tới quân đoàn bộ. Bành Đức Hoài đã có sự tính toán trước, nên trước tiên khoản đãi rất trọng hậu. Ông bày tiệc để cùng uống rượu với hắn. Trong tiệc, chỉ có hai người ngồi với nhau. Bành Đức Hoài luôn rót rượu mời hắn để tìm hiểu ý đồ của hắn đến đây làm gì. Sau ba tuần rượu, lão già đã ngà ngà say, bèn nói thật mình phụng mệnh Tưởng Giới Thạch, vào đây để dụ hàng. Lão nói nếu Bành Đức Hoài chịu hàng, thì sẽ có chức tước cao, bổng lộc hậu.

Sau tiệc rượu, Bành Đức Hoài đưa hắn ra phía sau để nghỉ ngơi, và phái người canh gác kỹ lưỡng. Đồng thời, ông lại gọi điện cho Huỳnh Khắc Thành, bảo hãy chém đầu tên thuyết khách này, rồi đưa thủ cấp cho tên lính cần vụ mang về.

Huỳnh Khắc Thành thi hành theo lệnh của Bành Đức Hoài, cho người áp giải lão già tới sư đoàn bộ, rồi xử tử. Xong, chặt đầu hắn và dùng vôi bột để muối cho khỏi bị sình thối, để vào một cái giỏ phong kín lại, giao cho tên lính cần vụ đi theo, mang trở về. Tưởng Giới Thạch nhận thủ cấp mới biết mình bị mắc lừa, và nhận ra Hồng quân không phải dễ dụ dỗ như bọn quân phiệt. Do vậy, ông ta bèn phát động những cuộc bao vây tảo thanh lần thứ hai, lần thứ ba...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:31:45 pm »


Trong lần tảo thanh thứ ba, Huỳnh Khắc Thành lại gây ra một trò cười. Vì để giành phần chủ động, dụ địch bám theo mình, nên Hồng quân ở căn cứ địa đã di chuyển lòng vòng rất xa. Việc này làm cho Huỳnh Khắc Thành mệt nhọc, vì phải đi đứng nhiều. Ông đi đến đôi giày cỏ cũng bị rách nát. Cho nên phải đi chân không. Lúc đầu đi chân không, đạp phải ngó tranh đâm rất đau, hoặc đạp phải gai góc, cũng đau thấu tận đầu. Nhưng sau một thời gian, da chân ông chai dần, không còn có cảm giác gì nữa.

Một hôm, Huỳnh Khắc Thành đang hành quân, bỗng thấy trên trời có máy bay địch xuất hiện, thế là ông ra lệnh cho bộ đội của mình tìm chỗ ẩn núp. Máy bay địch ném bom và xạ kích như điên cuồng. Huỳnh Khắc Thành thấy trên đầu mình có một trái bom nặng ký đang rơi xuống, bèn vội vàng bỏ chạy để tránh. Không ngờ, khi ông chạy được chừng bốn mươi mét, quả quả bom lại rơi xuống sát bên cạnh ông, làm ông giật mình đánh thót, trong lòng tự nhủ, phen này là hết mạng rồi. Nhưng không ngờ quả bom ấy vẫn êm ru không nổ. Chừng đó, Huỳnh Khắc Thành mới hú hồn, và cho rằng mạng mình chưa tận số.

Ngoài ra, còn cặp kính quỉ quái của ông nữa. Lúc hành quân, nếu có trăng thì còn đỡ, gặp khi trời tối đen, Huỳnh Khắc Thành cũng giống như một người mù. Lúc đó, ông chỉ còn một biện pháp duy nhất, là lấy khăn cột vào cổ, để cho cảnh vệ kéo mình đi.

Lại một lần nọ, Huỳnh Khắc Thành đang đi, bỗng phát hiện ở phía trước đứng lại, nên vội vàng vỗ vai người bên cạnh, hối:

— Mau đi tới! Mau đi tới!

Chẳng ngờ hành động của ông đã làm cho mọi người cười ồ. Thì ra, ông tưởng mình vỗ vào vai của một binh sĩ, nào ngờ mình đang vỗ vào mông của một con lừa!

Có khi một vài chiến sĩ trẻ, cũng bạo gan đùa giỡn với người chính ủy hiền hòa của mình. Một lần nọ, một chiến sĩ trẻ bước nhanh tới bên cạnh Huỳnh Khắc Thành nói:

— Thưa chính ủy, bây giờ như thế này nhé! Tôi đi trước để hướng dẫn. Tôi đi thế nào, thì đồng chí đi thế ấy. Tôi giống như là con mắt của đồng chí vậy!

Huỳnh Khắc Thành rất cảm động, nên vui vẻ bước theo anh ta. Phía trước rỏ ràng mặt đất bằng phẳng, thế mà anh ta lại nhảy tưng lên, như là nhảy qua một cái khe nhỏ. Huỳnh Khắc Thành thấy vậy, cũng nhảy tưng lên. Một chốc, người lính trẻ cũng đi trên mặt đất bằng, nhưng lại đi vòng tròn như tránh một tảng đá to. Huỳnh Khắc Thành cũng đi vòng tròn với một thái độ nghiêm túc. Các chiến sĩ thấy vậy, đều phá lên cười. Chừng đó, Huỳnh Khắc Thành mới biết anh lính trẻ chọc quê mình, nói:

— Anh là một thằng rắn mắt! Tôi không đi theo anh nữa đâu!

Thế là một trận cười chung quanh lại vang lên.

Sau lần thắng lợi của Hồng quân, qua trận chống bao vây càn quét lần thứ ba, chủ nghĩa tả khuynh mạo hiểm bắt đầu lộ ra về mặt quân sự. Ngày chín tháng Giêng năm 1932, Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra quyết nghị, đối với tình hình trước mắt, đánh giá quá lạc quan. Cho nên quyết nghị quy định chủ lực Hồng quân ở phía Nam Trường Giang, phải chiếm lấy những thành phố trung tâm như Cát An, Phủ Châu, Nam Xương v.v... thuộc vùng lưu vực sông Cán Giang. Còn chủ lực Hồng quân ở phía Bắc Trường Giang, thì tấn công, tạo thế uy hiếp Vũ Hán, và vùng hạ du sông Trường Giang, cũng như uy hiếp Bình Hán. Căn cứ chỉ thị của Trung ương, vào tháng hai, Hồng quân bắt đầu tấn công Cán Châu.

Quân đoàn số ba Hồng quân chịu trách nhiệm chủ công trong chiến dịch. Sư đoàn một do Huỳnh Khắc Thành làm chính ủy, chịu trách nhiệm tấn công thành. Ông vốn có thái độ phản đối chiến dịch này, nên khi đến phía dưới chân thành Cán Châu xem qua, thấy địa hình đối với mình thật bất lợi, cảm thấy trận đánh này thật khó tiến hành. Cho nên sau khi tấn công thành gặp trở lực, ông liền báo cáo về quân đoàn mấy lượt bằng thư, yêu cầu rút bỏ vòng vây. Thậm chí, có khi ông còn phê bình Bành Đức Hoài là ba phải, nhưng không ai để ý tới ý kiến của ông.

Sau khi viện binh của địch đến, quân địch từ trong thành nhân đêm tối phản công ra ngoài. Bọn viện binh ở ngoài thành cũng hợp đồng tấn công, làm cho hồng quân trước mặt và sau lưng đều bị địch đánh. Qua tình hình đó, Huỳnh Khắc Thành nhận ra thật là nguy hiểm, nên vội vàng ra lệnh rút lui. Khi ông thấy một tiểu đoàn trưởng không chịu rút lui, bèn nói, anh hãy mau rút lui cho tôi, tất cả mọi chuyện tôi chịu trách nhiệm. Chừng đó, mọi người mới chịu rút lui, và giảm thiểu những tổn thất không cần thiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2023, 03:32:31 pm »


Quân đoàn ba lúc đó thấy quyết sách của ông là đúng đắn, nên cũng không trách phạt gì. Nhưng đến tháng ba, Cục chính trị của quân đoàn mở cuộc họp, thì lại tiến hành phê bình Huỳnh Khắc Thành, bảo ông không chịu tấn công thành phố trung tâm, chính là phản đối đường lối Trung ương. Hội nghị lại bảo ông chủ trương đánh những lực lượng nhỏ ở địa phương, để mở rộng căn cứ địa, và việc chống chính sách thổ địa quá "tả" của Trung ương, là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. Ông bất phục, liền cãi nhau dữ dội với những người phê bình. Từ đó trở đi, ông lại bị nhiều lần phê phán. Đến tháng mười năm 1932, sau hội nghị Ninh Đô, đường lối chánh trị của Mao Trạch Đông bị phê phán, và Huỳnh Khắc Thành cũng bị tập trung phê phán luôn. Chức chính ủy sư đoàn của ông bị triệt tiêu, và bị phái tới tiểu đoàn huấn luyện để công tác.

Tháng chín năm 1933, Tưởng Giới Thạch điều động một triệu quân đội, để bao vây càn quét Hồng quân Trung ương. Lúc đó, người chỉ huy Hồng quân tại căn cứ địa cách mạng Trung ương là cố vấn quân sự Quốc tế cộng sản Lý Đức. Ông này thích đánh đột kích và diệt nhanh, nên yêu cầu Hồng quân phải đánh theo lối chính qui. Dùng hình thức trận địa chiến để đối đầu với quân Quốc dân đảng. Khi mở màn cuộc bao vây cuộc tấn công lần thứ năm của địch, ông đã đề xuất mấy phương châm sai lầm là "bảo vệ từng tấc đất của khu Xô viết", "chặn địch ở ngoài cổng không cho vào". Phương châm này đã làm cho Hồng quân bị thiệt hại nặng và gặp nhiều khó khăn sau đó. Đối với những phương châm sách lược sai lầm đó, Huỳnh Khắc Thành ý thức được rất nhanh. Việc không hạ được Tiêu Thạch, Hử Loan, đã cho ông thấy tương lai của Hồng quân không sáng sủa. Về sau, qua trận chiến đấu tại Đoàn Thôn nằm về phía Nam Lê Xuyên, càng giúp cho ông kiên định sự nhận thức đó.

Trong cuộc chiến đấu này, Huỳnh Khắc Thành làm chính ủy sư bốn. Khi quân địch kéo từ thành Lê Xuyên tiến về Đoàn Thôn, Hồng quân đã dùng lối đánh thẳng, đánh mạnh, và đánh tan quân địch, rồi bám theo đuôi truy kích. Huỳnh Khắc Thành theo sát sư trưởng Trương Tích Long, xung phong về phía trước. Khi hai người đến trước một doanh trại, bèn đứng lại xem xét địa hình. Lúc đó, hai người đứng trên một vị trí khá cao, và đưa kính viễn vọng để quan sát. Quân địch phát hiện ra họ, và dùng súng máy quét về phía đó. Một viên đạn bay vèo qua, và ghim vào đầu của Trương Tích Long. Sau đó, viên đạn đáng ghét này lại từ đầu của nạn nhân tiếp tục bay ra, đánh rơi chiếc kính của Huỳnh Khắc Thành. Huỳnh Khắc Thành giật mình. Nếu không có kính thì sẽ không thấy chi cả. Ông vội vàng quỳ xuống lấy tay sờ soạng tìm chung quanh. Khi tìm được cặp kính, thì thấy nó đã bị hỏng, vội vàng lấy cặp kính dự phòng ra mang lên. Tới chừng đó, Huỳnh Khắc Thành mới phát hiện, Trương Tích Long đã hy sinh. Ông không còn để ý chi tới việc cặp mắt kính đã cứu mạng mình, mà cảm thấy trong lòng đang hết sức căm thù quân địch, và cảm thấy bất mãn với đường lối sai lầm về quân sự của Trung ương.

Càng lúc Huỳnh Khắc Thành càng cảm thấy trận chiến đấu này quả không thuận lợi tí nào, bèn nói với Bành Đức Hoài:

— Nếu cứ đánh như thế này mãi, thì Hồng quân chắc chắn sẽ bị đánh tan, không còn con đường nào để phát triển nữa. Hiện nay, lời nói của đồng chí còn có tác dụng nhiều, vậy hãy kiến nghị với Trung ương, mời Mao Trạch Đông ra chỉ huy, mới mong có cơ chuyển biến được cục diện đang nguy cấp này.

Bành Đức Hoài cũng có ý nghĩ như vậy, nhưng dường như có ẩn tình chi đó, khó nói ra. Nên việc kiến nghị với Trung ương, rốt cuộc ông không tiến hành.

Về sau, khi đến chiến đấu ở vùng Quảng Xương, Bành Đức Hoài không còn chịu đựng được trước đường lối chính trị sai lầm của Lý Đức nữa, bèn nói thẳng trước mặt ông ta, đường lối của ông ta chính là "nhà chiến thuật trên bàn giấy". Và mắng ông ta là "bán ruộng của cha nên không đau lòng".

Lý Đức nghe vậy nhảy đổng lên, rồi cùng nhau đấu khẩu với Bành Đức Hoài. Hai bên không ai nhường ai, làm cho Lý Đức hết sức giận dữ. Bành Đức Hoài cũng giận không thua chi Lý Đức, và không cho ông này ăn cơm, khiến ông ta giận quá bỏ đi mất.

Do áp dụng phương châm sách lược sai lầm, nên lần chống bao vây tảo thanh thứ năm, Hồng quân bị thất bại toàn diện, buộc phải mở cuộc trường chinh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM