Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:14:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 4709 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:34:18 pm »


"Người chỉ huy dầu giỏi tới đâu, cũng không tránh khỏi có ngày bị bại trận. Cũng như người kỵ mã giỏi tới đâu, cũng không tránh khỏi có ngày bị té ngựa", đó là lời Từ Hải Đông thường nói với người chung quanh. Cái đau khổ của bại trận ông đã nếm qua rồi, nhưng té ngựa là chuyện lần đầu tiên ông mới gặp. Ông bị té ngựa đến vỡ đầu chảy máu, gãy hai chiếc răng cửa. Ông phải nằm trên cáng liên tiếp ba ngày ba đêm, mới tỉnh dậy. Khi vừa tỉnh dậy, ông liền nghe Châu Đông Bình đang ngồi bên cạnh, oán trách con ngựa, oán trách người chiến sĩ nọ đã quá vô ý. Châu Đông Bình suốt mấy ngày qua, luôn ở bên cạnh săn sóc cho Từ Hải Đông, đôi mắt mệt mỏi đỏ ngầu, nên đã có lời oán trách như vậy.

Từ Hải Đông nói:

— Sao em lại cằn nhằn chi thế? Chỉ trách anh quá hối hả đó thôi. Em nên biết, nếu anh để cho con ngựa giẫm phải người chiến sĩ đó, thì anh sẽ bị kỷ luật đấy!

— Theo tôi, người chiến sĩ đó vẫn phải bị kỷ luật! - Người giữ ngựa đứng bên cạnh nói chen vào.

— Nói bậy! - Từ Hải Đông nạt lớn và nói tiếp - Ai cho phép anh làm như vậy? Tôi không để ngựa giẫm chết anh ấy là tốt rồi, vậy còn phạt anh ấy là nghĩa lý gì?

Châu Đông Bình vốn hiểu rõ cá tính của Từ Hải Đông, biết thương người chiến sĩ còn hơn cả bản thân mình, thấy ông quá tức giận, vội vàng giải thích:

— Đó là lời nói khi tức giận thôi, vậy anh hãy nằm yên để dưỡng thương. Khi nào gặp nơi trồng răng, thì trồng lại hai chiếc răng cửa đó thôi.

Với ý chí ngoan cường, với tánh cách không lúc nào chịu nằm yên, Từ Hải Đông lại leo lên mình ngựa đi chiến đấu, nhưng hai chiếc răng cửa của ông, vẫn thường khiến cho mọi người chú ý. Trong cuộc đại hội tổng kết chiến dịch Đông chinh, Mao Trạch Đông khi nói chuyện còn khôi hài:

— Chúng ta mở cuộc Đông chinh, đánh thắng lớn, làm cho quần chúng thức tỉnh, mở rộng được hồng quân, thu được nhiều vật tư nguyên liệu, chỉ có điều là đồng chí Từ Hải Đông bị mất hết hai chiếc răng cửa!

Lời nói của Mao Trạch Đông làm cho cán bộ có mặt đều phá lên cười.

Năm 1938, Từ Hải Đông được điều về Diên An để dưỡng bệnh. Chẳng bao lâu sau, ông được tham gia hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa sáu. Trong khi hội nghị nghỉ xả hơi, Từ Hải Đông trông thấy Mao Trạch Đông và đồng chí Hạ Long, đang đi tản bộ nơi một ngôi nhà thờ thiên chúa giáo, nói cười vui vẻ, nên muốn nhân cơ hội này đề xuất việc xin trở ra tiền tuyến đánh giặc. Từ Hải Đông chưa kịp mở miệng, thì Mao Chủ tịch quay sang đồng chí Hạ Long nói:

— Trung Quốc có ba bộ tiểu thuyết nổi danh: Tam Quốc, Thủy Hử và Hồng Lâu Mộng. Ai chưa xem ba bộ tiểu thuyết đó, thì kể như không phải là người Trung Quốc!

Hạ Long nói lớn:

— Tôi chưa xem! Tôi chưa xem! Nhưng tôi không phải là người nước ngoài.

Chủ tịch Mao Trạch Đông nhìn sang Từ Hải Đông, hỏi:

— Hải Đông, đồng chí có xem qua ba bộ tiểu thuyết đó chưa?

Từ Hải Đông tuy hồi nhỏ có học được ba năm rưỡi ở một trường làng, hoàn cảnh học tập rất khó khăn, nhưng nhờ ông có tinh thần hiếu học, trong những năm làm thợ gốm, ông vẫn đọc không ít sách vở. Từ Hải Đông bèn quay sang Chủ tịch nói:

— Tam quốc tôi đã xem qua, Thủy Hử tôi cũng đã xem qua, còn Hồng Lâu Mộng thì tôi không biết nó là cái gì, vì chưa xem qua.

Mao Chủ tịch cười, nói:

— Nếu vậy, đồng chí chỉ có một nửa là người Trung Quốc!

Những người chung quanh nghe thế đều cười rộ.

Từ Hải Đông đề xuất với Chủ tịch Mao để cho mình ra tiền tuyến tác chiến, nhưng một lần nữa ông bị từ chối. Ông suy nghĩ, nếu không được ra tiền tuyến, thì nên nhân cơ hội này đi học thêm chút đỉnh. Thế là ông yêu cầu Mao Chủ tịch cho ông vào học viện Mác-Lênin để học.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:35:07 pm »


Trong những ngày học tại viện Mác - Lênin, Từ Hải Đông luôn nghĩ tới quyển "Hồng Lâu Mộng" mà Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói tới. Ông rất muốn có được quyển sách đó để xem. Khi về nhà, ông hỏi Châu Đông Bình:

— Em có cách nào tìm cho anh quyển Hồng Lâu Mộng không?

Châu Đông Bình có nghe người khác bảo Hồng Lâu Mộng là một loại sách tài tử giai nhân, bèn đáp:

— Sao anh lại rảnh rỗi để xem loại sách đó?

Từ Hải Đông hỏi:

— Em có xem quyển sách đó chưa?

Châu Đông Bình thành thực trả lời:

— Những sách Mác - Lênin em xem còn chưa hết kia, vậy có thì giờ đâu để xem nó!

Từ Hải Đông không khỏi bật cười, nói:

— Anh chỉ được xem là phân nửa người Trung Quốc, còn em thì phân nửa cũng không có!

Từ Hải Đông học ở Học viện Mác - Lênin. Nhưng ngày nào cũng muốn trở ra tiền tuyến để đánh quân thù. Sau nhiều lần yêu cầu, Trung ương Đảng và quân ủy Trung ương quyết định phái ông và Lưu Thiếu Kỳ cùng đi Hoa Trung. Từ Hải Đông hết sức vui mừng, trở về chỗ ở. Vừa bước vào nhà hầm, trông thấy đứa con gái vừa đầy tháng, đang nằm khóc oa oa. Ông bèn đưa tay bồng con lên, nói:

— Con khóc chi vậy? Có phải muốn ra tiền tuyến không?

Đứa bé gái nằm gọn trong lòng cha, đôi mắt hãy còn nhòa lệ, thế mà miệng nó lại nhoẻn cười, Châu Đông Bình thấy vậy cười nói:

— Con bé này khi lớn lên, chắc chắn trở thành một tên lính tốt, anh không thấy đó sao? Anh vừa nói đi tiền tuyến, là nó hết khóc liền. Nhưng theo em, tới chừng nó ra tiền tuyến được, chắc là kháng chiến đã thắng lợi từ lâu rồi.

Từ Hải Đông tát yêu đứa con, nói:

— Nghe đây! Mẹ con cũng là phái tốc thắng đấy! - Ông quay sang Châu Đông Bình nói tiếp - Anh báo cho em một tin mừng, bây giờ chuẩn bị lên đường đây!

Châu Đông Bình tưởng chồng nói đùa, nên cũng nửa đùa nửa thật đáp:

— Lên đường thì lên đường chứ. Nếu ngay hôm nay lên đường, thì em sẽ lo hành trang liền.

Nhưng sau đó, Châu Đông Bình mới biết là thật, nên nhìn chồng mỉm cười nói:

— Em thực muốn ở lại đây để học tập văn hóa. Ngoài tiền tuyến, nào có trường văn hóa để học?

— Bát Lộ Quân, Tân Tứ Quân chính là trường đại học đấy. Học văn hóa ở đâu mà không học được? Học sinh tốt nghiệp trường "Thanh sơn đại học" càng có tiếng hơn. Tuy nhiên, nếu em muốn ở lại Diên An thì cũng được - Từ Hải Đông nói dứt lời, bước ra khỏi nhà hầm và quay đầu trở lại nói tiếp - Theo anh, thì chúng ta nên cùng ra tiền tuyến!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:35:42 pm »


Từ Hải Đông rất yêu vợ mình. Châu Đông Bình tuy người không cao, sắc đẹp không có chi nổi bật, nhưng tánh tình chất phác, thuần khiết, dũng cảm, lại có nhiều kinh nghiệm cứu hộ trên chiến trường. Từ năm mười ba tuổi, bà tham gia hồng quân và cùng Từ Hải Đông đồng sinh đồng tử, chia sẻ hoạn nạn. Trong thời kỳ trường chinh, Từ Hải Đông bị thương nặng ở đầu, bà đã từng chăm sóc cho ông. Thời gian Đông chinh, Từ Hải Đông bị té ngựa, hôn mê ba ngày ba đêm, bà vẫn ở bên cạnh chăm sóc.

Bây giờ hai vợ chồng sắp trở ra tiền tuyến. Từ Hải Đông cảm thấy trong những ngày gian khó như thế này, nếu vừa để cho Châu Đông Bình làm chiến sĩ, lại làm mẹ, thì rõ ràng là rất khó khăn. Do vậy, ông có vẻ ái ngại, nói:

— Việc này quả là khó cho em. Chúng ta kết hôn quá sớm, làm cho em phải chịu nhiều cực khổ, không thể tiến bộ nhanh hơn.

Thường ngày, Từ Hải Đông là người ưa nói thẳng, lại nóng nảy, ít khi nói được những lời nói dịu dàng. Nay Châu Đông Bình nghe được lời nói âu yếm và dịu dàng của chồng, nên trong lòng cảm thấy rất vui vẻ và mãn nguyện. Hơn nữa, lợi ích của cách mạng là trên hết, nên bà cũng không oán trách chi chồng, ngày đêm lo giặt giũ quần áo để chuẩn bị hành trang lên đường. Bà quyết định ẵm con gái và dẫn đứa con trai theo chồng tới Hoa Trung, tiến vào địch hậu để kháng Nhật.

Tháng chín năm 1939, hai vợ chồng Từ Hải Đông theo Lưu Thiếu Kỳ lên đường. Họ đi qua Tây An, Lạc Dương, rồi đi về phía Đông tỉnh An Huy, để tới bộ chỉ huy Giang Bắc. Trên đường đi, lúc nào cũng khẩn trương, mệt nhọc, khí trời lại lạnh, nên bệnh phổi của Từ Hải Đông tái phát, ho luôn. Lưu Thiếu Kỳ bắt Từ Hải Đông phải lên nằm cáng. Đầu tháng mười một, đoàn người của họ đã tới bộ chỉ huy Giang Bắc. Lúc bấy giờ, bệnh tình của Từ Hải Đông có vẻ khá hơn, nên nghỉ ngơi vài hôm, thì ông lại lao vào công tác. Châu Đông Bình sợ bệnh cũ của chồng tái phát, khuyên chồng nên nghỉ ngơi thêm ít ngày. Từ Hải Đông giận, trừng mắt, nói:

— Bộ anh nghỉ như thế còn ít sao? Trên đường đi, lại để cho các đồng chí khiêng. Anh sắp thành thần rồi đấy. Ngày mai này, tốt hơn em nên dẫn con trở về hậu phương, để lo học tập văn hóa.

Châu Đông Bình nói:

— Lạ chưa! Em khuyên anh không nghe, chừng ngã bệnh, gọi em, em không tới đấy!

Từ Hải Đông nói:

— Em hãy yên tâm! Anh sẽ không bao giờ gọi em đâu! Con người của anh, một khi ra tiền tuyến thì sẽ hết bệnh ngay. Còn bắt anh nghỉ ngơi, thì con ma bệnh cứ bám sát theo người!

Châu Đông Bình hỏi Từ Hải Đông tình hình Giang Bắc ra sao?

Từ Hải Đông do dự một chút, mới nói:

— Nói chung, tình hình rất căng thẳng. Chỉ một vài câu thì nói không rõ được, vậy chi bằng em hãy trở về hậu phương là tốt hơn.

Châu Đông Bình đã sống chung với chồng nhiều năm qua, biết tánh chồng, phàm chuyện gì mà ông không muốn nói rõ, thì cũng không nên hỏi nhiều. Vì hỏi nhiều, Từ Hải Đông chẳng những không nói, mà lại phê bình vợ là "tò mò". Do vậy, Châu Đông Bình đành phải bồng con thơ đi trở về hậu phương để sống.

Tuy Từ Hải Đông bảo rằng mình khỏi bệnh, nhưng do cơ thể hãy còn yếu, nên sau khi ông chỉ huy Tân Tứ Quân cùng đánh nhau với giặc Nhật, trải qua ba ngày ba đêm kịch chiến, tuy giành được một trong những thắng lợi lớn của chiến dịch chống càn quét ở phía Đông An Huy, nhưng Từ Hải Đông quá mệt nhọc, và bệnh cũ lại tái phát. Ông ngã bệnh tại chiến trường phía Đông An Huy. Do bệnh tình nghiêm trọng, nên chủ tịch Mao Trạch Đông gửi điện bảo: "Dù cho trời sập cũng không cần biết, phải lo an tâm dưỡng bệnh". Từ đó, Từ Hải Đông không ngày nào rời khỏi giường bệnh nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:36:29 pm »


Sức khỏe đối với mọi người đều là quan trọng số một. Một tướng lãnh chỉ huy tác chiến ngoài chiến trường, càng phải có sức khỏe tốt, và có một tinh thần phấn chấn đầy đủ. Nhưng đáng tiếc, Từ Hải Đông sau ngày ngã bệnh thì đã mất đi tất cả những điều kiện đó. Ông nằm trên giường bệnh, nhưng lòng dạ ông lúc nào cũng ở ngoài chiến trường. Bên cạnh giường bệnh của ông, ban ngày hay ban đêm đều có đểế những tấm bản đồ quân sự, và vẫn thường có người đến nói chuyện công tác với ông, hoặc học tập kinh nghiệm chỉ huy tác chiến của ông. Căn bệnh giày vò, khiến Từ Hải Đông vốn là người có ý chí kiên cường, dần dần sinh ra một thứ tình cảm nóng nảy, khó khống chế. Cho nên ông thường nổi nóng với vợ. Mỗi ngày, ông đều mong mỏi được nghe tin chiến thắng ngoài chiến trường. Mỗi lần nghe tin chiến thắng, thì ông như uống được một liều thuốc hay, tinh thần phấn chấn rõ rệt. Trái lại, nếu nghe tin xấu, thì lòng dạ ông nặng trĩu, bệnh tình như bị trầm trọng hơn. Tin thắng lợi và thất bại ngoài chiến trường, phản ứng đối với ông cũng giống như chiếc hàn thử biểu phản ứng đối với khí hậu chung quanh. Các đồng chí ở chung quanh thấy vậy, nên từ đó, họ chỉ nói cho ông biết những tin tức thắng lợi, còn tin tức bất lợi thì giấu kín. Từ trong tia mắt, từ trong lời nói của mọi người, ông thấy họ chỉ muốn báo tin vui, chứ không muốn báo tin buồn cho ông. Do vậy, ông sinh hoài nghi và tức giận, thường tỏ ra nóng nảy.

Có một hôm, ông gọi Châu Đông Bình tới chất vấn rằng:

— Em có còn là một đảng viên Cộng sản không? Tại sao lại luôn luôn nói dối anh vậy?

— Em không biết cái gì là nói dối cả. - Châu Đông Bình trả lời rất bình tĩnh.

— Em không biết? Hay là em giả vờ không biết? Các người cứ cho tôi đây là một thằng ngốc, một đứa bé lên ba! Tại sao tin tức gì cũng nói toàn tin thắng lợi? Cũng như đồ ăn ngon thì mua riêng cho tôi ăn? Như vậy, em có còn đảng tính nữa hay không? - Thấy Châu Đông Bình không nói gì, ông càng tức giận hơn, nói tiếp - Em biết không? Người đảng viên Cộng sản bao giờ cũng nói thật. Nếu em còn nói dối với anh nữa, thì anh sẽ kiến nghị với Đảng khai trừ đảng tịch của em!

Châu Đông Bình biết Từ Hải Đông không bao giờ nói dối, và cũng không cho phép ai nói dối với mình, cho nên bà bình tĩnh nói với chồng:

— Không ai nói dối với anh đâu. Chẳng qua người ta chỉ nói tin vui cho anh nghe, còn tin không vui thì sợ anh...

— Nói phân nửa, giấu phân nửa, chỉ nói điều tốt, không nói điều xấu, đó là nói dối. Về sau, anh không cho phép ai nói như vậy!

Từ Hải Đông muốn biết sự thật về chiến đấu, về công tác. Đối với thầy thuốc, ông khuyên là không nên can thiệp vào hành động của ông. Thầy thuốc bảo Châu Đông Bình khuyên ông không nên gặp người chung quanh bàn về công tác. Nhưng Châu Đông Bình vừa mở miệng nói, thì Từ Hải Đông đã to tiếng hỏi:

— Em có còn là đảng viên Cộng sản không?

— Còn! Còn!... - Châu Đông Bình trả lời với chồng.

— Một người đảng viên Cộng sản khi còn hơi thở, thì phải công tác cho Đảng! Nếu không công tác cho Đảng, là một điều sỉ nhục, không xứng đáng là một người đảng viên...

Tiếng nói của Từ Hải Đông nghe rõ mồn một trong một ngôi nhà tranh nhỏ.

Có một lần tuyết to phủ kín đường đi, điện thoại thông ra tiền tuyến cũng bị gián đoạn, tin tức không truyền được đến Từ Hải Đông. Ngay đến văn kiện cũng không gửi tới được. Từ Hải Đông cuống cuồng cả lên, ngày đêm có vẻ lo lắng không yên. Ông bèn gọi Châu Đông Bình tới, bảo vợ phải đích thân tới chỗ bộ tư lệnh để nắm tin tức cho ông.

— Chờ sáng ngày mai đi được không? - Châu Đông Bình hỏi chồng rồi nói tiếp - Bây giờ trời tối lắm, tuyết rơi to, không thể tìm đường đi được!

— Không được! Không được! - Từ Hải Đông nghiêm nghị nói tiếp - một chiến sĩ hồng quân kỳ cựu, mà lại sợ trời tối, sợ tuyết to? Đêm nay nếu điện thoại vẫn không thông, không hỏi rõ được tình hình ở tiền tuyến, thì em không xứng đáng là một đảng viên nữa!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:37:19 pm »


Châu Đông Bình là một người đàn bà tính tình cứng rắn, là một chiến sĩ hồng quân can đảm, nên liền mặc áo choàng rồi dẫn theo hai người, đạp tuyết đi về phía bộ tư lệnh giữa đêm tối. Không phải bà sợ chồng phát cáu, mà bà cũng như chồng, luôn luôn quan tâm đến chiến sự ngoài mặt trận.

Trời chưa sáng tỏ, Châu Đông Bình đã từ bộ tư lệnh quay trở về, mang theo nhiều văn kiện và báo chí.

Kế đó, đường điện thoại cũng thông trở lại. Từ Hải Đông nghe vợ đọc văn kiện, đọc báo chí, nhìn thấy người vợ của mình đang mặc một bộ đồ hãy còn ướt đẫm tuyết lạnh, bỗng cảm thấy đêm qua mình trách vợ như thế là không thỏa đáng, bèn lên tiếng nhận lỗi:

— Này đồng chí, anh có lỗi với em!

Xuân, hạ, thu, đông đã trôi qua.

Kể từ đó, Từ Hải Đông không bao giờ rời khỏi giường bệnh. Bắt đầu từ tháng giêng 1940, Từ Hải Đông nằm bệnh cho đến tháng ba năm 1970, trước sau ông đã bệnh liên tục hơn ba mươi năm dài. Châu Đông Bình chịu cực chịu khổ, luôn chăm sóc cho chồng, không khi nào xa rời giường bệnh. Bà đã dùng tất cả những thời gian tốt đẹp trong cuộc sống của mình, để lo chăm sóc bệnh tật cho chồng, và hỗ trợ cho chồng đấu tranh với bệnh tật. Bất luận đứng trước sự nóng nảy của chồng, do bệnh kéo dài không thể tham gia công tác gây ra, hoặc những nỗi lo lắng, phập phồng của bản thân khi chăm sóc theo dõi cơn bệnh của chồng, hoặc đứng trước những nỗi oan ức, bất công, mà Từ Hải Đông phải gánh chịu, khi ông bị vu khống bôi nhọ trong "Cách mạng văn hóa", bà đã nhất nhất chịu đựng, và thể hiện rõ nét kiên trinh bất khuất của người phụ nữ Trung Quốc trong tình yêu, sẵn sàng gánh vác những công việc nặng nhọc cho gia đình và xã hội.

Trong bảo tàng quân sự của cách mạng nhân dân Trang Quốc, có giữ một chiếc đồng hồ bỏ túi bị hư, vỏ bằng thép không gỉ. Chiếc đồng hồ này xem rất bình thường, nhưng có ai biết được nó lại là món vật đã kết tụ bao nhiêu tình cảm sâu đậm giữa các nhà cách mạng lão thành với nhau. Chính nó đã khắc ghi những từng trải không tầm thường của Từ Hải Đông và những nhà cách mạng lão thành khác.

Việc này chúng ta hãy nghe Cù Thu Bạch kể lại.

Đó là mùa đông 1920, Cù Thu Bạch là một ký giả của tờ "Báo buổi sáng" (Thần báo), ngồi tàu hỏa từ Trung Đông đến Matxcơva. Lúc đó, nhà nước Xô viết xã hội chủ nghĩa hãy còn non trẻ, và đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Để hưởng ứng lời chính phủ Xô viết kêu gọi đồng bào hiến vàng để xây dựng tổ quốc. Cù Thu Bạch trao chiếc đồng hồ vỏ vàng của mình cho chính phủ Liên Xô. Và, chính phủ Liên Xô đã trao tặng lại cho ông một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng loại thép không gỉ để kỷ niệm.

Tháng chín năm 1930, Cù Thu Bạch đến Thượng Hải chủ trì kỳ họp Trung ương lần thứ ba, khóa sáu. Hội nghị đã cơ bản kết thúc đường lối tả khuynh chủ nghĩa sai lầm của Lý Lập Tam. Trong việc này, Cù Thu Bạch đã lấy chiếc đồng hồ bỏ túi của mình, tặng lại cho người lão chiến hữu Thẩm Trạch Dân, người đồng chí từng cùng phản đối trước đường lối tả khuynh sai lầm của Lý Lập Tam.

Năm 1931, Thẩm Trạch Dân mang chiếc đồng hồ bỏ túi này đến công tác tại biên khu Ngạc Dự Hoãn. Tháng mười năm 1932, phương diện quân chủ lực số bốn Hồng quân rời khỏi khu Xô Viết Ngạc Dự Hoãn, để lại lực lượng võ trang địa phương tổ chức thành quân đoàn hai mươi lăm Hồng quân, do Từ Hải Đông làm quân đoàn trưởng. Thẩm Trạch Dân lúc bấy giờ vẫn ở lại khu Ngạc Dự Hoãn để làm bí thư tỉnh ủy. Từ Hải Đông và Thẩm Trạch Dân đồng tâm hợp lực cùng nhau đấu tranh trong một hoàn cảnh hết sức gay go. Do vậy, họ đã trở thành đôi bạn thâm tình. Năm 1933, Thẩm Trạch Dân biếu chiếc đồng hồ bỏ túi này lại cho Từ Hải Đông. Kể từ đó, Từ Hải Đông luôn giữ chiếc đồng hồ để sử dụng trong việc chỉ huy quân đoàn hai mươi lăm Hồng quân, cùng chiến đấu liên miên, đầy gian khó với hơn hai chục vạn quân Quốc dân đảng ở tại khu vực này, để bảo vệ căn cứ địa Ngạc Dự Hoản. Hạ tuần tháng mười một năm 1933, Thẩm Trạch Dân đang ở tại phía Đông tỉnh An Huy, thì chẳng may lâm bệnh mà chết. Kể từ đó, chiếc đồng hồ bỏ túi này trở thành món quà kỷ niệm quý báu của Từ Hải Đông, để nhớ lại người đồng chí thân thương của mình là Thẩm Trạch Dân.

Chiếc đồng hồ bỏ túi này cùng với Từ Hải Đông, trải qua những chiến trận gay go tại biên khu Ngạc Dự Hoản. Nó theo ông suốt con đường chinh chiến lâu dài. Sau đó, nó lại theo Từ Hải Đông lên chiến đấu với quân thù tại khu vực đồi núi hiểm hóc ở phía Bắc Thiểm Tây, rồi lại theo ông tham gia vào chiến dịch nổi tiếng Trực La Trấn. Sau khi chiến dịch Trực La Trấn kết thúc, Từ Hải Đông thấy chiếc đồng hồ của Bành Đức Hoài đã bị hỏng, bèn trao tặng chiếc đồng hồ quý giá này cho Bành Đức Hoài. Từ đó, Bành Đức Hoài sử dụng nó suốt đoạn đường Nam chinh Bắc chiến, và lập được nhiều chiến công.

Năm 1946, người yêu của Cù Thu Bạch là Dương Chi Hoa vừa ra khỏi ngục thất ở Tân Cương trở về Diên An, Bành Đức Hoài bèn hoàn trả lại cho bà, để lấy đó an ủi bà sau những ngày lao lý. Đó là chiếc đồng hồ đã từng trải bao nhiêu gió mưa, bão táp, xông pha bao nhiêu trận mạc, và đậm đà tình nghĩa của những người bạn cách mạng với nhau.

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Dương Chi Hoa vì để kỷ niệm những đồng chí đã vì Tổ quốc, vì nhân dân mà chiến đấu gian khổ hy sinh, nên đã hiến chiếc đồng hồ này cho Viện bảo tàng quân sự, lấy nó để giáo dục tác phong tốt, truyền thống tốt cho thế hệ trẻ mai sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:39:11 pm »


Từ Hải Đông xuất thân là một anh thợ gốm, đối với Đảng lúc nào cũng trung thành. Suốt cả cuộc đời vào sinh ra tử, đã thấy quen những đồng chí của mình đã hy sinh giữa rừng súng mưa đạn. Nhưng đối với một người đã hy sinh và làm cho ông đau đớn nhất, đó là vào trung tuần tháng Bảy, năm 1935, Từ Hải Đông và các đồng chí trong quân đoàn hai mươi lăm Hồng quân bắt đầu bước lên những đoạn đường càng vinh quang, phối hợp với chủ lực quân ở cạnh đó để Bắc tiến, nghênh đón Trung ương Đảng và nghênh đón Chủ tịch Mao Trạch Đông. Nhưng không may, trong trận tác chiến tại bến đò Hình Xuyên, Ngô Hoán Tiên bị thương nặng. Từ Hải Đông đang chỉ huy tác chiến, nghe Ngô Hoán Tiên bị thương, liền phái một trung đội đi yểm trợ cho người chính ủy này. Cuộc chiến vừa kết thúc, thì Từ Hải Đông chạy bộ vào Thôn Tứ Ba, trông thấy một đám cán bộ chiến sĩ đang đứng im lặng trong sân một ngôi nhà, giữa lúc trời mưa rả rích. Tất cả mọi người đều cúi đầu rơi lệ. Khi họ thấy Từ Hải Đông chạy tới, mới ngửa mặt nhìn lên, thì nghe có mấy tiếng nói nặng nề thốt ra:

— Chính ủy đã hy sinh rồi!

Từ Hải Đông bước vào trong nhà, thấy chính ủy nằm trên mặt đất im lặng, ông bèn quỳ xuống nắm lấy đôi bàn tay đã lạnh cứng của người chính ủy, kêu to:

— Hoán Tiên!...

Rồi ông òa lên khóc. Bên ngoài mưa vẫn rơi rả rích, mọi người đều ứa lệ trước cảnh đau thương. Từ Hải Đông luôn nói: "Anh hùng đổ máu chứ không đổ lệ”. Nhưng hôm nay thì ông không cầm được dòng nước mắt. Ông đã nhiều lần bị trọng thương, nhưng chưa hề rơi lệ. Trong gia đình mấy mươi mạng người đã bị bọn phản động giết chết, ông chỉ âm thầm nuốt lệ chứ không bao giờ khóc. Nhưng hôm nay chính ủy hy sinh, ông thật tình không làm sao kiềm chế được tình cảm của mình. Từ Hải Đông và Ngô Hoán Tiên là hai chiến hữu thân thiết, đồng sinh đồng tử. Hơn ba năm qua, hai người cùng nhau chỉ huy quân đoàn đỏ hai mươi lăm chiến đấu tại chiến trường Ngạc Dự Hoản, và Tây chinh tới Thiểm Tây, Cam Túc. Một người văn, một người võ, đồng tâm hiệp lực để chỉ huy đạo quân đỏ này. Về mặt quân sự, Hoán Tiên tin tưởng nơi Hải Đông có tài chỉ huy, còn về mặt chính trị, Hải Đông tin tưởng nơi Hoán Tiên là người chững chạc, lão luyện, chẳng những đáng tin cậy, mà còn là một người lèo lái tốt. Hai người đã từng chia nhau sự đau khổ trong thất bại, mà cũng từng chia nhau những nỗi vui mừng trong bao lần chiến thắng. Trong công tác, hai người từng cãi nhau, thậm chí từng vỗ bàn với nhau, nhưng không ai phiền ai trong lòng cả. Phẩm chất cao quý của Hoán Tiên, cũng như tinh thần quên mình của ông ấy, đã làm cho Từ Hải Đông chịu ảnh hưởng rất sâu sắc. Cha ruột, anh ruột, chị dâu, em trai của Hoán Tiên, đều bị bọn phản động giết chết. Mẹ ông phải đi xin cơm ăn, vợ ông bị chết đói, tất cả những điều bất hạnh đó đều không làm cho ông chao đảo, mà quyết tâm làm cách mạng tới cùng. Ông ấy, đúng là một nhà cách mạng chân chính.

Từ Hải Đông băn khoăn không biết phải làm thế nào để đền đáp người chính ủy từng gắn bó bao năm qua, cũng như để an ủi người còn sống và chính mình. Ông gạt lệ, rồi nói với người phụ trách hậu cần:

— Nhất định phải tìm cách mua cho chính ủy một cỗ quan tài tốt!

Đến hoàng hôn, các cấp chính ủy, quân trưởng, tham mưu trưởng và các cấp chỉ huy, đều tới để giã biệt chính ủy lần cuối cùng, rồi cứ hành lễ an táng. Trước khi liệm chính ủy vào quan tài, Từ Hải Đông bảo người ta bưng tới một thau nước, rồi chính tay mình lau sạch vết máu trên mặt, trên người của chính ủy, và thay cho ông chiếc áo màu cỏ úa mà thường ngày ông ưa thích nhất. Sau đó, mọi người mới đặt xác ông vào cỗ quan tài sơn phết đường hoàng, vừa mới mua về tới nơi, Từ Hải Đông và các cán bộ Đảng, lãnh đạo quân ủy, tự khiêng cỗ quan tài chở sang sông, rồi an táng trên một sườn núi...

Liên tiếp hai ngày, Từ Hải Đông chỉ uống nước chín, không ăn được thức ăn gì cả. Cứ khi nhắm mắt lại, là ông nhớ tới Ngô Hoán Tiên, một người đã từng làm cách mạng, chịu nhiều gian khổ hy sinh, thế mà nay lại nhắm mắt ra đi. Ông vừa đau đớn, lại vừa cảm thấy gánh nặng trên vai mình như càng nặng thêm. Sau mấy hôm, Từ Hải Đông phải đè nén sự đau buồn, tiếp tục chỉ huy quân đội, lại bước lên những đoạn đường mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:39:50 pm »


Từ trước tới nay, Từ Hải Đông vẫn là một con người quang minh lỗi lạc, hành động chính trực, biết nghĩ tới đại cuộc. Trong giai đoạn hồng quân mở cuộc trường chinh, để thoát khỏi sự bao vây, ngăn chặn của quân đội Quốc dân đảng, tình hình hết sức khó khăn, ông vẫn nghĩ tới đại cuộc, không bao giờ có ý nghĩ cục bộ. Ông luôn luôn hy sinh quyền lợi của bộ đội mình, để phục vụ cho các bộ đội bạn. Khi Hồng quân hợp điểm tại phía Bắc Thiểm Tây, ông trông thấy Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, và những người lãnh đạo Trung ương khác, đều mặc áo bông cũ rách, bèn kêu bộ phận cung ứng của bộ đội mình, may sẵn y phục mới để đưa tặng các đồng chí lãnh đạo. Ông thấy họ gầy yếu nên ra lệnh cho bộ phận cung ứng lấy những thức ăn bổ dưỡng như ngân nhĩ, mà ông đã tịch thâu được qua những trận đánh bọn thổ hào tại phía Nam Thiểm Tây, gói mấy gói to, rồi đem tặng cho các đồng chí đó. Con người vốn thô lỗ của ông, đã trở thành tế nhị. Ngay tới vóc dáng cao thấp béo gầy của từng đồng chí lãnh đạo trung ương, ông cũng nhớ rõ, để góp ý may áo bông mới cho họ.

Từ Hải Đông rất thích sống gần Mao Trạch Đông. Ông cảm thấy Mao Trạch Đông không có kiểu cách của người trí thức, và cũng không tỏ vẻ oai phong của người lãnh đạo. Ăn nói rất ôn hòa, sinh hoạt cũng không câu nệ lắm, nếu so với người thô lỗ như mình, thì cũng không có chi là khác. Một đêm nọ, vì khí trời quá lạnh, Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài, và Từ Hải Đông ngồi trên một giường lò (loại giường ở dưới có nơi đốt lửa để sưởi nóng) nói chuyện. Bộ đội cảnh vệ thấy các thủ trưởng có vẻ co ro vì lạnh, nên đem từng bó củi một đốt dưới giường lò để sưởi ấm. Nào ngờ Bành Đức Hoài là người rất sợ nóng, nên đốt một lúc, thì ông kêu to:

— Đừng đốt nữa! Đừng đốt nữa!

Nhưng Mao Trạch Đông thì lại cảm thấy ấm áp dễ chịu, nên nói:

— Đốt nữa đi! Đốt nữa đi!

Tới nửa đêm, bỗng chiếu trải trên giường bị cháy. Bành Đức Hoài vừa dập tắt lửa vừa cười nói:

— Đốt nữa đi! Đốt nữa đi! Đốt cho cháy tiêu mọi người hết đi!

Mao Trạch Đông vẫn cười và nói với người cảnh vệ:

— Đốt nữa đi! Đốt nữa đi!

Thái độ thân mật của các đồng chí làm cho Từ Hải Đông dần dần phá tan được sự ngăn cách giữa mình với Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, cũng như các đồng chí lãnh đạo khác. Ông sống bên cạnh các đồng chí lãnh đạo không ngớt hấp thu tri thức và sức mạnh tinh thần của họ.

Từ Hải Đông từ một con "người bùn", đi vào quân đội cách mạng, lúc đầu chỉ là một chiến sĩ bình thường, sau đã trở thành người chỉ huy cao cấp, đã trải qua bao nhiêu đoạn đường gay go. Mùa đông năm 1935, khi được sống gần Trung ương Đảng, được gần Mao Trạch Đông, Từ Hải Đông cho rằng đây là một giai đoạn chuyển biến lớn lao trong đời của ông. Ông từng nói như thế này: "Tiến lên được phía Bắc Thiểm Tây, và sau khi được sống gần Chủ tịch Mao, có nhiều vấn đề giúp cho tôi được nâng cao lên. Trong một khoảng thời gian khá dài, tôi theo Chủ tịch Mao hành quân, sống cùng một nơi, cho nên tư tưởng, lời nói, hành động, và tác phong bao giờ cũng lấy mình làm tấm gương cho mọi người chung quanh, cũng như phương pháp làm việc khoa học v.v... của Chủ tịch đã cho tôi một ảnh hưởng rất sâu sắc”.

Có một câu chuyện như thế này. Mùa đông năm 1936, ở phía Bắc tỉnh Thiểm Tây bỗng trời lạnh dữ dội. Quân đoàn mười lăm và hồng quân Trung ương, sau khi hợp điểm thắng lợi, cũng như sau khi đại thắng tại chiến dịch Trực La trấn, tuy không khí vui mừng chiến thắng đó có làm ấm áp lòng người, nhưng kỳ thực thì ai ai cũng không thể chịu đựng nổi trước luồng gió rét dữ dội đưa tới. Sau một trận tuyết rơi to, bầu trời càng lạnh căm căm, các chiến sĩ hồng quân đứng trước cái giá rét chưa từng có, ai nấy chịu không nổi. Các chiến sĩ từ phía Nam vạn lý trường chinh tới đây, thân mình chỉ mặc áo đơn phong phanh, không có đồ rét, làm cho Từ Hải Đông hết sức cuống quít. Nhưng bộ phận cung ứng của quân đoàn bộ, vốn liếng chỉ còn có bảy nghìn đồng. Ông bèn tính toán kỹ lưỡng, giảm bớt những chi dụng khác, và quyết định trích ra hai ngàn đồng đưa xuống cho đoàn cải thiện đời sống.

Vừa lúc đó, Từ Hải Đông nhận được một cái thư tay do Mao Trạch Đông viết, hỏi mượn quân đoàn mười lăm Hồng quân hai ngàn năm trăm đồng, để giải quyết vấn đề ăn uống và áo mặc cho Hồng quân Trung ương. Từ Hải Đông xem qua bức thư tay, trong lòng cảm thấy rất băn khoăn. Sau ngày hợp điểm, Từ Hải Đông chỉ chú ý tới các đồng chí lãnh đạo Trung ương, ăn mặc phong phanh, thân thể gầy yếu, chứ chưa hề nghĩ tới trích một số tiền đem biếu cho họ. Nay Mao Trạch Đông đích thân viết thư mượn tiền, làm ông cảm thấy rất ái ngại trong lòng. Tại sao mình không biết trước điều này? Người đem thư thấy Từ Hải Đông im lặng suy nghĩ, tưởng ông gặp khó khăn, không giải quyết được, bèn nói:

— Các đồng chí đã quần thảo với giặc hơn một năm qua, chắc là có nhiều khó khăn, nếu không làm được thì...

Từ Hải Đông vội vàng nói:

— Sao đồng chí lại nghĩ thế? Chúng tôi vẫn còn tiền kia mà!

Ông bèn cho gọi người phụ trách cung cấp tới, bảo trích năm nghìn đồng trong số bảy nghìn còn lại, để giúp cho Trung ương Đảng. Người phụ trách cung cấp sửng sốt. Qua một đoạn đường dài từ phía Nam trường chinh về phía Bắc, ông ta lúc nào cũng tính toán chi li, ngay như một đồng bạc, ông còn muốn xé nhỏ nó ra để tiêu cho đủ thứ chuyện. Bất kể các đồng chí ở cấp dưới càu nhàu, gọi ông là "đồ giữ của", ông vẫn cứ lì ra, luôn tính toán cẩn thận, chi dùng dè xẻn, không bao giờ dám tiêu pha lớn. Nay thấy quân đoàn trưởng nói như vậy, ông không khỏi lấy làm kinh ngạc, vì chi ra năm ngàn đồng đối với ông thật đau chẳng khác nào cắt da cắt thịt mình. Tuy nhiên, vì ông là một đồng chí già nên đã hiểu được nhanh chóng. Quân đoàn trưởng làm như vậy là chắc chắn đúng. Một người đảng viên cộng sản, một cán bộ Hồng quân, không thể chỉ nghĩ riêng cho đơn vị nhỏ của mình, mà phải nghĩ tới đại cuộc, nghĩ tới đại thể. Chính vì vậy mà ông vui vẻ nói:

— Tôi thi hành ngay!

Bộ đội cách mạng chẳng khác chi một đại gia đình. Nay từ trong nhà mình lấy ra một phần tiền để tặng cho cơ quan lãnh đạo Trung ương, nguyên là một chuyện nhỏ không đáng nói. Thế nhưng, vì bấy giờ chủ nghĩa cục bộ, chủ nghĩa bản vị còn đang rất trầm trọng, cho nên đó là một hành động đáng quý. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương như Mao Trạch Đông, Châu Văn Thiên, Chu Ân Lai, Bành Đức Hoài, đều xem việc quân đoàn mười lăm Hồng quân biếu cho năm ngàn đồng, là một cử chỉ giống như "đưa lửa tới hơ giữa vùng tuyết lạnh".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2023, 05:42:56 pm »


NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ
ĐẠI TƯỚNG HUỲNH KHẮC THÀNH


1. THÂN THẾ

Trong số mười đại tướng nói đến trong quyển sách này, Huỳnh Khắc Thành là một trong những nhân vật có sức hấp dẫn nhất. Những sự từng trải lạ lùng, tính cách cứng rắn, và lúc nào cũng chân thành của ông, đã làm cho đời ông ba chìm bảy nổi, đầy rẫy những chuyện lý thú hấp dẫn. Nhưng trước khi chúng ta tìm hiểu những vấn đề đó, cần trước tiên tìm hiểu quá trình trưởng thành của vị đại tướng này đã.

Ngày một tháng mười năm 1902, Huỳnh Khắc Thành chào đời tại thôn Hạ Thanh, thuộc vùng Du Ma Khư, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Hồ Nam.

Sự chào đời của Huỳnh Khắc Thành, không mang đến cho gia đình họ Huỳnh những điều vui vẻ. Vì, chỉ sau đó ít lâu, Thành lại có một người em trai khác chào đời. Do gia đình sinh con quá đông, người cha là Huỳnh Thanh Chủ lúc nào cũng buồn rầu, vì cái ăn cái mặc. Thôn Hạ Thanh là nơi hầu hết các hộ đều mang họ Huỳnh. Huỳnh Thanh Chủ là một gia đình yếu kém trong tộc họ, nhà rất nghèo. Người cha phải làm tất bật để nuôi sống gia đình, suốt ngày phải bôn ba đây đó. Cứ mỗi lúc làm nông có rảnh, thì ông lại đi tận tỉnh Quảng Đông để gánh muối về bán kiếm lời. Có khi còn mua giấy sút về gánh đi bán dạo. Nhưng dù có làm tất bật tới đâu, cả nhà vẫn ăn buổi sáng phải lo buổi chiều.

Huỳnh Thanh Chủ là người chuyên cần, biết làm tròn bổn phận, nhưng do gia đình yếu kém về tiền bạc và thế lực, nên thường bị người trong thôn hiếp đáp. Ông chẳng những không đấu tranh mà còn chịu nhẫn nhục, im hơi lặng tiếng để khỏi xảy ra chuyện rắc rối. Tuy nhiên, trong gia đình, thì ông là một người có quyền uy nhất. Từ trước tới nay, hễ nói một là một, hai là hai, không ai được cãi. Ông thường trút nỗi buồn khổ lên đầu các con. Lúc còn bé, Huỳnh Khắc Thành vẫn bị cha đánh nhiều trận nên thân.

Thời thơ ấu, điều làm cho Huỳnh Khắc Thành xúc động nhất, là cái chết của người chị. Người chị ngay từ lúc nhỏ đã bị bệnh kinh phong, cứ mỗi lần bệnh phát là té xuống đất bất tỉnh, miệng sôi bọt trắng. Người nhà không tiền để lo chữa bệnh cho con, do vậy, Huỳnh Khắc Thành buộc phải luôn luôn lo lắng cho chị. Cứ khi thấy chị bị lên cơn, thì kịp thời báo để người nhà tới chăm sóc. Người chị biết bệnh mình ai cũng không thích, lại không có thuốc gì để chữa trị, nên rất bi quan, suốt ngày im lặng cúi đầu làm việc, buồn bã không khi nào vui. Có một hôm, người chị quá buồn, nên định thắt cổ chết. Cô gái vào trong phòng kín, lấy thừng buộc lên sàn nhà rồi làm một chiếc vòng, thò đầu vào nhưng chưa kịp hất chiếc ghế ở dưới chân. Ngay lúc đó, người cha bước vào, thấy vậy, chẳng những không cứu con, mà còn đá chiếc ghế dưới chân để cho con gái mau chết, rồi bỏ đi ra ngoài. Cũng may có người trông thấy kịp, nên mới cứu cô gái tỉnh lại. Tuy nhiên, qua việc đó cô biết nhà mình đã bị nợ chồng chất, nên về sau nhân lúc không ai để ý, cô lại thắt cổ tự vận chết.

Điều làm cho Huỳnh Khắc Thành đau lòng nhất là cha mẹ đối với cái chết của con gái không tỏ ra đau buồn, mà trái lại, người cha thở phào nhẹ nhõm, xem như trút được viên đá nặng đang đè lên vai mình. Mẹ ông tuy cũng tỏ ra buồn khổ, nhưng vẫn cảm thấy con gái chết như vậy là tốt, nên dặn Huỳnh Khắc Thành và các con trong nhà:

— Các con đi ra ngoài, không nên nói chị treo cổ chết, mà nói bị té chết đấy nhé!

Huỳnh Khắc Thành cảm thấy trong lòng đau nhói và cũng cảm thấy được cái nghèo, đã làm cho cốt nhục tình thâm bị phai nhạt. Cha mẹ đối với con cái trở nên vô tình, vô nghĩa. Ông rất căm ghét cái nghèo.

Do chi phái của Huỳnh Thanh Chủ bị yếu kém trong thân tộc, thường bị hiếp đáp, nên họ bàn bạc với nhau, mỗi người đóng góp một đảm (năm chục ký) lúa để làm học phí và chọn một đứa trẻ thông minh trong chi phái, cho đi học ở trường tư thục. Mọi người chọn tới chọn lui, và Huỳnh Khắc Thành đã được đi học cho chi phái.

Tại tư thục, cậu bé Huỳnh Khắc Thành đã nhanh chóng bộc lộ trí thông minh thiên phú. Sức nhớ của cậu rất tốt, lại chịu khó học hành, nên đã học rất nhanh những bài văn cổ, và học thuộc lòng tất cả. Người thầy dạy ở tư thục rất hài lòng. Người cha, và các bậc chú bác trong chi phái, đều lấy làm kinh ngạc trước sức học tiến bộ nhanh chóng của cậu. Vì từ trước tới nay, trong chi phái này không có người thanh thiếu niên nào học ra gì. Do vậy, họ vui lòng đóng góp để cho cậu học suốt năm năm tại tư thục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2023, 05:43:35 pm »


Trong thời gian đi học ở tư thục, cậu bé Huỳnh Khắc Thành vừa học, cũng vừa giúp đỡ gia đình làm công việc. Tại phía Tây của thôn có một địa phương tên gọi Mã Điền Khư, cách xa mấy mươi dặm, là nơi chuyên đốt than củi. Trong khi đó ở phía Đông, cũng cách xa mấy mươi dặm, có một địa phương chuyên khai thác mỏ vàng, cần dùng đến than củi. Thế là Huỳnh Khắc Thành trong những ngày không đi học, vai mang một chiếc gùi, rồi đựng than củi từ phía Đông đem bán sang mỏ vàng ở phía Tây, để kiếm chút ít lãi. Cậu lắm khi phai đi sớm về khuya, hết sức nhọc nhằn.

Mặc dầu làm việc cực nhọc, nhưng Huỳnh Khắc Thành tận dụng từng giây phút thời gian để học hỏi. Những đứa trẻ trong thôn thấy vậy, rất tò mò và lạ lùng, nhưng cũng rất khâm phục. Một hôm, khi cậu và một đồng bạn từ xa gùi than củi về đến nơi, để xuống nghỉ chân giây lát, thì người bạn đồng hành này thấy cậu cầm sách lên đọc, bèn hỏi:

— Anh xem sách đó là sách gì? Nó dày đến thế, cầm cũng vuột tay nữa kia!

— Sách gì à? Đây là một quyển từ điển. Vì tôi không tìm được sách khác để xem, nên xem nó cho đỡ ghiền - Huỳnh Khắc Thành vừa xem sách, vừa trả lời cho bạn, nhưng không ngước mặt lên.

— Đúng là một con mọt sách. Thảo nào đôi mắt của anh ngày nào củng đỏ lòm, sắp mù rồi đấy!

— Dù có vậy đi nữa, cũng còn hơn là kẻ mở mắt thao láo mà như mù!

— Đúng thế rồi! - Người bạn đồng hành cũng đồng cảm với cậu, thở ra một hơi dài nói tiếp - Anh thử nói xem, tôi do đâu mà không thể xem sách được?

Huỳnh Khắc Thành suy nghĩ một lúc, nói:

— Đọc sách cũng như uống nước vậy. Khi anh khát, thì anh mới uống một ly nước. Nhưng, nếu không khát thì anh đâu có muốn uống. Sách càng xem thì càng muốn xem nữa. Vì trong một quyển sách, xem qua anh cũng biết được một số sự việc. Nhưng, với những sự việc đó, anh chưa hài lòng, anh vẫn còn muốn biết thêm những sự việc khác. Cho nên, anh lại muốn xem sách.

— Chí hướng anh thật cao, nếu không phải thế thì cha anh đâu có cho anh đi học. Tại sao ông ấy không bảo người anh hoặc người em của anh đi học chứ?

Trở về đến nhà là đã khuya lơ khuya lắc. Huỳnh Khắc Thành cảm thấy đôi vai ê ẩm. Hôm nay anh gùi một mớ than củi từ phía Tây về nhà, rồi ngày mai lại gùi số than củi này đi về phía Đông.

Anh về tới cổng, thấy bà mẹ đang tựa cửa ngóng trông. Vừa trông thấy anh, bà mẹ vội vàng chạy ra. Thấy con quá khó nhọc, lòng mẹ cũng cảm thấy bất nhẫn, nói:

— Con đội sao đi, rồi lại đội trăng trở về, làm sao có thể làm lâu dài được? Thấy chiếc gùi chứa đầy than nặng nề, bà mẹ xót dạ nói tiếp - Mẹ bảo con đừng có gùi quá nặng, thế tại sao vẫn không nghe?

Huỳnh Khắc Thành cố mỉm cười, nhưng không nói lời nào.

Bà mẹ lấy tay phủi bụi than bám trên áo của cậu bé, nói:

— Hãy mau vào nhà rồi ăn cơm. Chắc là con đói lắm rồi phải không? Vào nhà, bà mẹ giở chiếc lồng bàn ra, thấy bên trong có một chén cháo loãng đầy. Huỳnh Khắc Thành nhìn chén cháo loãng, băn khoăn hỏi:

— Má đã ăn chưa vậy?

Bà mẹ bảo mình đã ăn rồi. Nhưng Huỳnh Khắc Thành nhìn thấy sắc mặt của bà mẹ tái nhợt, biết bà chưa ăn, nên buông chén cháo xuống, xô cửa đi ra, nói:

— Má, con đi tới nhà chú ba, chén cháo loãng này má hãy húp hết đi.

Nói dứt lời, Huỳnh Khắc Thành đi nhanh ra khỏi cổng. Bà mẹ đứng ở phía sau gọi:

— Đã tối thế này rồi, chú ba còn cần con đốt lửa nữa sao?

Huỳnh Khắc Thành không để ý, cứ cắm đầu đi thẳng về nhà chú ba. Thì ra, người chú ba của cậu có mở một gian tiệm nhỏ, chuyên bán dầu, mỡ, muối, đường, giấm các loại, hằng ngày cũng tạm sống được. Huỳnh Khắc Thành luôn tới đó để phụ giúp một số công việc, như thổi lửa nấu cơm chẳng hạn, rồi sau đó, ăn được một bữa cơm no. Cũng may là người chú này không so đo kỳ kèo chi về chuyện đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2023, 05:44:14 pm »


Đến năm mười tám tuổi, có người đến nhà Huỳnh Khắc Thành động viên người nhà, nên cho cậu tiếp tục lên học ở trên huyện lỵ. Những người học ở tư thục nói chung, khi biết được một chút chữ nghĩa, chút đỉnh văn chương, thì đều cho là đủ, hầu hết đều trở về nhà làm nghề nông. Cho nên, có thể nói lúc bấy giờ Huỳnh Khắc Thành đang đứng trước ngã ba của cuộc đời, cần phải lựa chọn.

Nhưng việc lên học trên huyện lỵ, là một chuyện lớn. Huỳnh Thanh Chủ một mình không thể đảm đương nổi học phí cho con, nên đành phải triệu tập người trong thân tộc lại để bàn bạc. Cha cậu vẫn không có một quyết định nào dứt khoát, còn bà mẹ thì cũng không tán thành lắm. Chỉ riêng có người anh ruột của Huỳnh Khắc Thành là kiên quyết ủng hộ cho cậu đi học thêm. Điều này gieo cho Huỳnh Khắc Thành một ấn tượng sâu sắc suốt đời. Huỳnh Khắc Thành tự cho mình có một người huynh trưởng xứng đáng. Về sau, trong mọi hoàn cảnh nguy hiểm, chính người anh ruột của ông, đã giúp đỡ ông tận tình. Người trong thân tộc cuối cùng cũng đồng ý để cho Huỳnh Khắc Thành tiếp tục lên huyện lỵ để học tiếp. Họ quyết định hằng năm trích một số lúa, lấy từ nhà thờ họ, để cung cấp cho cậu đóng học phí và chi dụng. Trong nhà không đủ sức lo quần áo, người trong thân tộc cũng tiếp tay lo phụ. Sau dịp tết năm 1920, người anh của Huỳnh Khắc Thành đích thân gồng gánh rương sách và hành lý, đưa cậu em đến tận trường cao đẳng tiểu học nơi thị trấn huyện, để lo việc học hành.

Trong những ngày học tại trường cao đẳng tiểu học ở huyện, Huỳnh Khắc Thành lúc nào cũng đứng đầu lớp. Mỗi năm lại được một ít tiền thưởng. Trong những lúc rảnh rỗi, cậu thường giúp người ta viết này nọ, cũng kiếm thêm được ít tiền. Với số tiền đó, cộng thêm số tiền mà cậu mang từ nhà tới, đủ để cho mình học một năm rưỡi ở trường tiểu học.

Mãi cho tới năm học hết bậc tiểu học, Huỳnh Khắc Thành vẫn chịu sự giáo dục theo mẫu truyền thống của Trung Quốc. Tuy lúc bấy giờ đã là thời điểm trước sau "Ngũ tứ vận động", những tư tưởng mới đã du nhập Trung Quốc không ít. Nhưng vì huyện Vĩnh Tân, nơi mà cậu theo học, chỉ là một huyện nhỏ và hẻo lánh, nên những tư tưởng mới này, cũng không có ảnh hưởng tới đây là bao.

Mùa hè năm 1922, Huỳnh Khắc Thành từ huyện Vĩnh Tân đi tới thị trấn lớn Hành Dương ở phía Nam tỉnh Hồ Nam, và vào học tại Trường Sư phạm số ba của tỉnh.

Hành Dương là một thị trấn nằm trên trục giao thông, phàm từ phía Nam đi lên phía Bắc, từ phía Bắc xuống phía Nam, đều phải đi qua địa phương này. Do vậy, thị trấn Hành Dương có thể xem là một nơi đời sống về tư tưởng của nhân dân rất khai phóng. Nhờ đó, tư tưởng của học sinh trong Trường Sư phạm số ba của tỉnh, cũng rất mở mang. Cuối năm 1919, Uẩn Đại Anh mở "Lợi quần thư xã" ở Vũ Hán, thường gửi một số sách báo tiến bộ đến đây. Mùa hè năm 1920, ông còn tới Trường Sư phạm số ba để điều tra, giúp đỡ những thầy trò có tư tưởng tiến bộ ở đây thành lập "Quầy bán sách báo mới". Mùa đông 1920, quầy bán sách báo này liên hệ được với "Tân văn hóa thư xã" do Mao Trạch Đông mở ở Trường Sa, nên đổi tên lại là "Phân xá của văn hóa thư xã". Thư xã này chuyên bán những sách như "Lịch sử xã hội chủ nghĩa", "Lịch sử cách mạng Nga", "Chủ nghĩa Mác giảng giải", "Công xã chủ nghĩa ABC", "Lịch sử phong trào lao động quốc tế" v.v... Và những tờ tạp chí tiến bộ như "Tân Thanh niên", "Giới lao động", "Bình luận hàng tuần", "Tân Trào" v.v... Tư tưởng mới và quan niệm mới, đã tràn vào Trường Sư phạm số ba một dạo.

Tháng 10 năm 1921, Mao Trạch Đông có đến Trường Sư phạm số ba này và mở buổi diễn thuyết với đầu đề "Vấn đề chiến tranh nông dân trong lịch sử Trung Quốc" tại một lớp học. Tháng tư năm 1922, Mao Trạch Đông lại tới Trường Sư phạm số ba để diễn giảng về "Xã hội chủ nghĩa". Mùa thu năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn xây dựng ở đây tổ chức cơ sở của mình - chi bộ Đảng sớm nhất tại tỉnh Hồ Nam.

Lúc Huỳnh Khắc Thành bước chân vào Trường Sư phạm số ba cảm thấy ngay không khí ở đây khác hẳn. Nhưng đối với cậu, một học sinh mới, thì Trường Sư phạm số ba hấp dẫn mình, bởi ở đây không thu học phí, cũng không thu tiền ăn trọ, phí giáo trình, mà chỉ thu một ít phí về sách giáo khoa thôi. Cho nên Huỳnh Khắc Thành được bước chân vào một trường học như vậy, quả nhiên là rất vui mừng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM