Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:07:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 4916 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2023, 08:21:23 am »


Sau "sự biến Tây An", Trương Học Lương và Dương Hổ Thành là hai tướng yêu nước, kiến nghị với Châu Ân Lai, hy vọng điều quân đoàn 15, một quân đoàn mà Tây Bắc quân và Đông Bắc quân của Quốc dân đảng rất "đau đầu" vì nó, để hiệp trợ cùng đánh quân Quốc dân đảng có thể tiến vào Đồng Quan. Sau khi được Trung ương Đảng phê chuẩn, Châu Ân Lai đi cùng Dương Hổ Thành tới gặp thẳng Từ Hải Đông, để trao nhiệm vụ. Từ Hải Đông nhìn thấy Dương Hổ Thành, một tướng cùng đấu súng, đấu pháo với mình trong nhiều năm qua, thì rất bỡ ngỡ, ngồi lặng thinh không biết nói gì. Dương Hổ Thành với giọng bùi ngùi, nói với Từ Hải Đông:

— Ôi chao! Ông là Từ Hải Đông đấy sao? Nếu chúng ta sớm hợp tác với nhau thì hay quá. Nếu biết ngày nay cả ba bên cùng hợp tác để kháng Nhật, trước đây ông đừng tiêu diệt chủ lực của tôi thì hay biết chừng nào!

Từ Hải Đông nghe vậy, càng không biết mở miệng nói gì.

Dương Hổ Thành lại nói:

— Quốc nạn đang ở trước mắt, chúng ta cần phải nắm tay nhau để lo kháng Nhật.

Từ Hải Đông vẫn lặng thinh. Châu Ân Lai thấy vậy mới nói:

— Tục ngữ cổ của Trung Quốc có câu "không đánh nhau thì không biết nhau" đấy mà!

Câu nói của Châu Ân Lai phá tan được bầu không khí ngột ngạt.

Nhiều năm sau, khi Châu Ân Lai và Từ Hải Đông nhắc lại chuyện đó, Châu Ân Lai vẫn cười nói:

— Này anh Hải Đông, anh chỉ biết đánh giặc mà không giỏi ngoại giao. Anh còn nhớ không? Lần đầu tiên gặp Dương Hổ Thành, có đến hai mươi phút, anh ngồi lặng thinh không nói gì cả!

Từ Hải Đông đã dẫn bộ đội của mình tiến vào đóng ở Thương Lạc, rồi phối hợp với lực lượng bạn chung quanh, để xúc tiến giải quyết hòa bình "sự kiện Tây An".

Cuộc kháng chiến chống Nhặt bùng nổ, Từ Hải Đông được cử làm lữ trưởng lữ 344, thuộc sư 115 của Bát lộ quân. Ông dẫn đơn vị của mình tham gia chiến đấu ở Bình Hình Quan, phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh sư đoàn Bản Viên, một sư đoàn tinh nhuệ của quân Nhật bị thiệt hại nặng nề. Sau chiến dịch Bình Hình Quan, ông dẫn đơn vị của mình là lữ 344, ngày đêm xoay chuyển tác chiến, kiên quyết chấp hành những phương châm chiến lược của Trung ương Đảng và Mao Trạch Đông đặt ra. Ông đã từ Sơn Tây đánh tới Hà Bắc. Ông vừa di chuyển vừa đánh giặc và đã vượt qua mấy nghìn dặm đường. Năm 1937, Từ Hải Đông với sự chỉ huy trực tiếp của Chu Đức và Bành Đức Hoài, tham gia trận đánh phía Đông Nam đất Tấn, và đã đập tan chín lộ quân của Nhật bao vây tấn công. Ông dẫn hai đoàn quân đánh nhau với Nhật tại Trương Điếm, và Đinh Điếm. Trong cuộc chiến đấu này, ông đã giết và làm bị thương gần một ngàn quân xâm lược Nhật, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mình.

Đầu năm 1938, một ký giả tiền tuyến phỏng vấn Từ Hải Đông, ký giả sau đó đã viết: "Ngồi bên cạnh lò sưởi ấm giữa một đêm lạnh vào tháng giêng, chính là vị danh tướng mà quân địch nghe tới phải khiếp đảm. Trong lời đồn đại, ông là một người hết sức dũng cảm, và trong sự tưởng tượng, ông phải là một người ít nhiều có vẻ thô lỗ chăng? Nhưng sự thật thì trái ngược. Trông ông giống như một thư sinh nho nhã, ôn tồn. Ông có một khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt sáng và lanh lợi, khi cười vết thẹo do bị thương ở phía đuôi mắt trái hiện rõ lên trông duyên dáng như cái đồng tiền ở trên đôi má vậy".

Ký giả hỏi:

— Vũ khí và trang bị của các ông ở đâu mà có?

Từ Hải Đông đáp:

— Binh công xưởng của chúng tôi ở Đông Kinh!

Ký giả lại hỏi:

— Còn nguồn cấp dưỡng của các ông ở đâu?

Từ Hải Đông đáp:

— Ở các hiệu buôn tại Đông Kinh!

Người ký giả viết rõ trong bài phỏng vấn "đây là một con người kỳ dị".

Tháng giêng năm 1940, Từ Hải Đông do trải qua một thời gian lâu dài chiến đấu, ngã bệnh tại nơi làm việc, và từ đấy rời khỏi cương vị lãnh đạo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2023, 08:25:45 am »


3. "NGƯỜI BÙN" VÀ KÝ GIẢ PHƯƠNG TÂY

Nửa thế kỷ trước, khi thế giới còn hiểu rất mù mờ về cuộc chiến tranh đang xảy ra tại một nước Trung Quốc ở phương Đông, thì có một người ký giả Mỹ, ông Edgar Parks Snow đã mạo hiểm đi sâu vào lòng đất Trung Quốc để "tìm kiếm một Trung Quốc đỏ", và viết ra một quyển sách làm chấn động thế giới. Kể từ đó, từng tốp một những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, có những nét riêng khác nhau, tươi cười đứng trước mặt thế giới. Trong số đó có Từ Hải Đông, một tướng lãnh tiếng tăm lẫy lừng, nguyên là một anh thợ gồm. Nhưng thông qua ngòi bút của người ký giả phương Tây trên, ông đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trên thế giới, tất cả những điều đó đã xảy ra như thế nào? Một "người bùn" làm thế nào có thể giao lưu được với một ký giả phương Tây?

Ở cao nguyên phía Bắc Thiểm Tây, đâu đâu cũng là những đồi đất vàng nhấp nhô, và những hố rãnh chạy dài liên miên, cho tới tận chân trời. Năm 1936, trên vùng đất vàng này, bỗng có một người mũi lõ mắt xanh, đầy lòng hiếu kỳ, tìm tới. Ông ta đi đứng khắp nơi, vừa phỏng vấn vừa tham quan. Ông ta chính là ký giả Edgar Parks Snow của Mỹ. Từng ngày một, từng món đồ một, ở vùng phía Bắc tỉnh Thiểm Tây này đối với người ký giả Mỹ, đều gợi được tính hiếu kỳ và sự hưng phấn. Ngay đến những lá truyền đơn do máy bay của Quốc dân đảng rải xuống, ông ta cũng nhặt lên tò mò xem. Trên truyền đơn có in rõ những dòng chữ bảo ai nếu giết chết được Bành Đức Hoài và Từ Hải Đông, rồi đi đầu hàng, thì sẽ được thưởng mười ngàn Mỹ kim. Bành Đức Hoài thì ông có gặp rồi, nhưng người đứng cùng tên với Bành Đức Hoài, mà Quốc dân đảng nói tới, người mà tên tuổi vang dậy, đầy màu sắc thần bí, bị Tưởng Giới Thạch cho là "mối hại to của nền văn minh" là Từ Hải Đông, thì Snow cần phải đi tìm hiểu ngay, và cần phải phỏng vấn ông ấy.

Một buổi sáng nọ, Snow vừa đi tản bộ trên đầu thành trở về, thì đến ngay chỗ Bành Đức Hoài, và nhận ra có mấy vị lãnh tụ hồng quân đang ngồi tại đấy. Những người lãnh tụ này, Snow đều chưa có dịp gặp qua. Chừng như họ đang mở cuộc họp. Trong khi người ký giả Mỹ chuẩn bị bước ra khỏi phòng thì Bành Đức Hoài bỗng vẫy tay, tươi cười nói:

— Lại đây! Ông Snow này, ông đừng đi, chúng tôi đã họp xong rồi. Mọi người hãy ngồi cả vào đây ăn dưa hấu.

Lúc ăn dưa, Snow chú ý một viên chỉ huy trẻ tuổi mà ông chưa được gặp bao giờ. Bành Đức Hoài thấy vậy, bèn nói đùa:

— Đấy là người đầu sỏ "xích phi" (cướp đỏ, tiếng của Quốc dân đảng gọi hồng quân), nổi danh mà ông muốn gặp đấy. Vậy ông có nhận ra ông ấy không?

Người ấy nghe Bành Đức Hoài nói thế, thì khuôn mặt đỏ bừng lên, có vẻ như một cậu bé nghịch ngợm và bướng bỉnh. Ông ta cười gượng và để lộ chỗ trống của hai chiếc răng cửa bị gãy. Mọi người thấy thế cũng đều cười ồ.

Đây là lần đầu tiên Từ Hải Đông tiếp xúc với người nước ngoài. Trông ông ngây thơ ấu trĩ như một đứa bé, lúng túng không biết nói gì với người ký giả nước ngoài này. Khi nghe nói người ký giả nước ngoài muốn phỏng vấn mình, cũng như bộ đội của mình, thì Từ Hải Đông cảm thấy thực lúng túng. Ông lấy tay thúc nhẹ Bành Đức Hoài một cái, mặt đỏ bừng, nói nhỏ:

— Đồng chí giới thiệu người nước ngoài này cho tôi, tôi biết làm sao đây?

Bành Đức Hoài cười to, nói tiếp:

— Làm sao đây? Bành Đức Hoài lại cười to, nói tiếp - Máy bay, đại bác, đồng chí đều không sợ, thế lại sợ một người nước ngoài hay sao?

Từ Hải Đông luống cuống nói:

— Nghe đâu ký giả thì cái gì họ cũng hỏi, vậy tôi biết nói với họ những gì?

Bành Đức Hoài biết Từ Hải Đông tính tình ngay thẳng, hễ nói chuyện thì cứ nói thẳng thừng ra, không quanh co úp mở như người khác, bèn nói:

— Ông ấy là người bạn tốt của chúng ta, vậy ông ấy hỏi gì, thì đồng chí cứ nói nấy thôi!

Snow tỏ ra rất ưa thích người lãnh tụ hồng quân có những nét trẻ con này, ông ta bước tới nắm chặt bàn tay của Từ Hải Đông, rối cao hứng nói:

— Tôi rất vui mừng được gặp ông!

Từ Hải Đông chỉ biết nắm tay của Snow và mỉm một nụ cười đôn hậu, đáp:

— Tôi là một người thô lỗ!

Mọi người nhìn thấy thái độ lúng túng của Từ Hải Đông, lại phá lên cười.

Snow nói với Từ Hải Đông:

— Hôm qua tôi có nhặt một lá truyền đơn từ máy bay rải xuống, thấy Quốc dân đảng treo thưởng mười nghìn đôla Mỹ cho cái đầu của ông. Vậy, ông không sợ chiến sĩ của ông lấy đầu ông để đi lãnh thưởng sao?

Từ Hải Đông há to cái miệng bị mất hai răng cửa ra, cười ha hả, đáp:

— Tôi không sợ! Tôi không sợ! Quốc dân đảng dù có treo thưởng một triệu đôla Mỹ, thì chiến sĩ của tôi cũng không khi nào lấy đầu tôi để đi lãnh thưởng. Trái lại, cái đầu của Tưởng Giới Thạch không ai thưởng một đồng tiền nào, mà chiến sĩ của tôi cũng sẽ tranh nhau mà cắt đấy!

Câu trả lời dí dỏm của Từ Hải Đông làm cho mọi người đều cười to. Snow cảm thấy người "Xích Phỉ" lừng danh này, chẳng những biết đánh giặc giỏi, mà lại biết nói chuyện rất dí dỏm, nên ông ta càng thích Từ Hải Đông.

Từ Hải Đông lại dùng giọng nói đầy khôi hài của mình nói tiếp:

— Nếu Tưởng Giới Thạch bằng lòng trả giá cho cái đầu của tôi mười nghìn Mỹ kim, thì tôi sẽ sẵn sàng bán nó cho ông ta đấy!

Giữa tiếng cười của mọi người, Bành Đức Hoài nghiêm túc nói với Từ Hải Đông:

— Này đồng chí Hải Đông, ông Snow muốn tới quân đoàn mười lăm Hồng quân của đồng chí để tham quan và phỏng vấn, vậy đồng chí có hoan nghênh chăng?

Từ Hải Đông vui vẻ nói:

— Hoan nghênh! Hoan nghênh! Chúng tôi sẽ chuẩn bị một chỗ ở đường hoàng cho ông Snow - Nói tới đây, Từ Hải Đông quay sang ông Snow nói tiếp - Chừng nào ông đến, nên cho tôi biết trước, để tôi phái người đón ông.

Snow tỏ vẻ cảm kích, nói:

— Cám ơn ông!

Đó là lần đầu tiên Snow gặp mặt Từ Hải Đông. Dưới mắt của Snow, Từ Hải Đông là một nhân vật truyền kỳ vừa dí dỏm, dễ thẹn thùng, dễ xấu hổ, có vẻ như trẻ con, nhưng lại là một người ẩn chứa vô số những điều khó hiểu. Cho nên Snow sốt ruột muốn tìm hiểu thân thế và nội tâm của một con người tiếng tăm lừng lẫy mà Tưởng Giới Thạch đánh giá là "mối hại to lớn của thế giới văn minh". Từ Hải Đông đối với người ký giả Mỹ này vẫn có vẻ lúng túng. Nhưng từ nội tâm, cho đến hình thái bên ngoài đòi hỏi ông phải tiếp đón người "điều tra chiến khu đỏ" này một cách vui vẻ. Dù sao đi nữa thì ông ta vẫn từ một nước xa xôi lặn lội tới đây, và thật sự có lòng tốt đối với đám người ở vùng đất vàng phía Bắc Thiểm Tây, mà người đời ít ai biết tới. Cho nên Từ Hải Đông có một sự hợp tác bạn bè khăng khít, với người ký giả Mỹ này. Trong lần gặp mặt đầu tiên, Từ Hải Đông đã quyết định phải quan tâm đến người ký giả cho tốt, và sẽ thỏa mãn những yêu cầu mà ông ta cần đến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2023, 08:26:50 am »


Tại huyện thành Dự Vượng, Từ Hải Đông dẫn một toán tướng lãnh hồng quân trẻ tuổi đi nghênh đón người ký giả Mỹ đến khảo sát. Từ Hải Đông cũng không quên sắp xếp cho Snow một ngôi nhà trọ rất dễ chịu, và dẫn ông ta đi tham quan huyện thành Hạ Mã Quan được xây dựng khá hùng vĩ. Bức tường thành cao và dày, đều do gạch xây nên. Hào thành cũng rất kiên cố. Trên mặt tường thành và một số kiến trúc khác đầy dẫy những vết đạn. Đó là những vết đạn do hồng quân đánh chiếm thành còn để lại.

Từ Hải Đông giới thiệu việc tấn công chiếm thành, cũng như giới thiệu những quá trình phát triển của bộ đội, và những tướng lãnh các cấp. Snow cảm thấy Từ Hải Đông nói chuyện rất rắn rỏi, không như lần gặp mặt đầu tiên, mặt đỏ vì thẹn, thái độ rụt rè. Hơn nữa, ông là người "ý thức giai cấp" rất mạnh. Từ thái độ, ngoại hình, cách ăn nói, đều cho thấy rõ điều đó. Từ Hải Đông gieo cho Snow một ấn tượng ông ta là một thanh niên nông thôn, chừng như vừa mới ở dưới ruộng lúa nước leo lên bờ, và vừa tuột hai ống quần vốn xắn lên cao trở xuống, tham gia vào một đội quân chí viện đang đi qua đường. Vậy mà Từ Hải Đông đã là một viên đại tướng, tiếng tăm lừng lẫy cả đất nước Trung Hoa. Trong hồng quân có rất nhiều anh hùng và lãnh tụ, được mọi người gọi là "chân bùn", "cu ly", và chẳng hề trải qua sự huấn luyện và giáo dục của một trường quân sự cao đẳng nào. Nhưng trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, họ có kinh nghiệm phong phú về đấu tranh võ trang, và đào luyện họ thành những chỉ huy viên ưu tú, trở thành một tướng quân được hồng quân và nhân dân quần chúng thương yêu. Tên tuổi và sự tích anh hùng của họ được lưu truyền trong dân gian như một câu chuyện thần thoại. Từ Hải Đông chính là đại biểu cho những con người kiệt xuất đó. Snow nghĩ bụng: các tướng quân xuất thân từ nông dân, công nhân, cu ly, trong Đảng Cộng sản, đã đánh tơi bời, tan tác những tướng từng học qua các trường Hoàng Phố của Quốc dân đảng, phải chăng là sự đùa cợt của lịch sử? Không! Đó là một sự thật hoàn toàn, một sự thật trăm phần trăm. Từ trong thâm tâm mình, Snow đã cảm nhận được "ý thức giai cấp" hết sức mạnh, hết sức chân thành, và đầy tự hào, tự tin của Từ Hải Đông.

Mỗi ngày Snow đều bám theo Từ Hải Đông, hỏi ông ta những vấn đề từng trải của cá nhân, về sự phát triển của bộ đội, về sự đấu tranh trước đây tại khu Xô viết Ngạc Dự Hoãn, và tình trạng mà ông ta đang ở tại Tây Bắc hiện nay. Snow là một ký giả nước ngoài đầu tiên phỏng vấn hồng quân Từ Hải Đông đối với những vấn đề của ông ta đề ra đều trả lời một cách chân thành. Từ Hải Đông đã nói về gia thế của mình, đã nói về việc mình tham gia Đảng Cộng sản ra sao, tham gia Bắc phạt, tổ chức nông dân tự vệ quân ra sao, xây dựng khu Xô viết Ngạc Dự Hoãn, và tham gia đập tan những cuộc bao vây càn quét lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư của Quốc dân đảng ra sao. Kế đó, ông cũng nói rõ về quân đoàn hai mươi lăm Hồng quân do mình xây dựng, và mở cuộc trường chinh như thế nào. Ông cũng nói về quân đoàn mười lăm, nói về việc hợp điểm, nói về chiến dịch Trực La trấn, và nói cho đến những ngày Tây chinh.

Đối với Snow những lời kể như một dòng nước chảy của Từ Hải Đông, đã giúp ông ta hiểu được rất nhiều vấn đề mà trước đây chưa hiểu, đặc biệt là làm cho ông ta lần đầu tiên biết được quá trình xây dựng khu Xô viết Ngạc Dự Hoãn, cũng như sự phát triển của khu Xô viết này. Nhưng có điều làm cho Xìnốp chưa hài lòng, ấy là Từ Hải Đông sau khi nói sơ qua về gia đình của mình, và tham gia hoạt động cách mạng, thì bao giờ cũng nói nhiều về Đảng Cộng sản, về hồng quân, và các đồng chí lãnh đạo khác, mà rất ít nói về bản thân mình. Dưới mắt của Snow, Từ Hải Đông là "một nhân vật đầy bí ẩn". Snow đã chuẩn bị sẵn rất nhiều câu hỏi, nhưng Từ Hải Đông lại không nói tới, đặc biệt là một "người bùn" như ông, làm thế nào để trở thành một tướng quân tiếng tăm lẫy lừng, tức về lịch sử của cá nhân thì ông rất ít nói.

Gương mặt của Từ Hải Đông bỗng lại đỏ lên, và có vẻ thẹn thùng, nói tiếp:

— Thưa ông Snow, tôi là một người thô lỗ, nên tôi không được toàn diện và cụ thể. Nhưng, chúng tôi không có điều gì cần phải giữ bí mật cả. Người Cộng sản chúng tôi đều là những người quang minh chính đại, không có chuyện chi phải giấu người khác. Tất cả những người tôi biết, tôi đã nói cho ông nghe cả rồi đấy.

Snow tươi cười, nói:

— Tôi có nghe rất nhiều chuyện vui, đầy lý thú chung quanh ông, nhưng ông lại không nói. Tôi muốn buổi chiều nay, chúng ta sẽ nói chuyện thêm, vì tôi cần nêu ra một số vấn đề khác để nhờ ông trả lời.

Từ Hải Đông nghe nói người ký giả phương Tây này muốn đặt thêm một số vấn đề cho ông trả lời, thì mặt ông lại bừng đỏ, vội vàng nói:

— Bữa chiều tôi còn phải bận đi họp. Việc trả lời phóng vấn là việc của những văn nhân, vậy để tôi phái mấy viên tham mưu trả lời cho ông được không?

Snow cười ha hả. Ông ta cảm thấy vị tướng quân xuất thân từ anh thợ gốm này rất dễ yêu, bèn nói:

— Tôi muốn ông trả lời những vấn đề thuộc về lịch sử của cá nhân ông kia!

— Cá nhân tôi thì có gì đáng nói? Nếu không có Đảng Cộng sản, nếu không tham gia Hồng quân để làm cách mạng, thì tôi chỉ là một anh thợ gốm không hơn không kém. Không biết chừng tôi đã bị chủ lò gốm bóc lột và áp bức chết từ lâu rồi - Từ Hải Đông mỉm cười và bổ sung - Tôi làm gốm rất nhanh, có thể nói cả nước Trung Quốc không có anh thợ gốm nào tay nghề bằng tôi đâu. Cho nên sau khi cách mạng thắng lợi tôi vẫn sẽ là một công dân hữu dụng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2023, 08:27:56 am »


Những ngày sau đó, buổi sáng Snow đi đến các sư đoàn của Hồng quân để tham quan, còn buổi chiều và buổi tối thì đến chỗ ở của Từ Hải Đông. Ông thông qua sự phiên dịch của Hoàng Hoa, và được Từ Hải Đông trả lời từng câu hỏi một. Ngày nào hai người cũng nói chuyện tới khuya. Cứ mỗi một vấn đề nào Snow cũng phải tốn rất nhiều thì giờ, để đặt nhiều câu hỏi, thì mới được Từ Hải Đông nói ra sự thật. Snow cảm thấy viên chỉ huy cao cấp của Hồng quân này, rõ ràng là hết sức thật thà, không biết tuyên truyền ra nước ngoài. Nhưng những lời nói thẳng thừng, chân thành, không hề tô điểm bằng lời lẽ văn chương, đã làm cho Snow hoàn toàn hiểu được nhiều chuyện hết sức mới mẻ, và khiến cho ông ta tin rằng, những lời nói này là hoàn toàn đáng tin cậy.

Nối tiếp ba bốn đêm liền, lúc nào Snow cũng bám sát theo Từ Hải Đông. Ông đi cùng Từ Hải Đông đến xem Hồng quân diễn kịch, cũng như tới tham quan sư đoàn bảy mươi ba, lúc nào người ký giả phương Tây này cũng không chịu rời Từ Hải Đông, mà luôn luôn đặt câu hỏi này, câu hỏi nọ, để tìm hiểu về cá nhân ông. Từ Hải Đông cảm thấy đứng trước việc này mình thật chẳng khác nào một "phạm nhân" đang đứng ở vành móng ngựa bị cáo, còn Snow thì như một "quan tòa”. Đối với từng vấn đề một, Snow đều hỏi tới ngọn nguồn, làm cho Từ Hải Đông cảm thấy lúng túng, khó trả lời, vì ông không muốn nói nhiều về cá nhân của mình, nhưng lại không thể không nói. Snow hỏi tình trạng sinh hoạt của ông lúc còn bé, hỏi ông về đời sống lúc làm gốm, hỏi ông lúc dẫn quân đi đánh giặc, hỏi vợ con, cha mẹ, thân nhân, còn hỏi cả hai cái răng cửa của ông làm sao mà bị gãy?... Đối với mọi việc, không có việc nào lớn, việc nào nhỏ, mà tất cả mọi việc đều hỏi đến. Từ Hải Đông đối với người ký giả bám sát để cật vấn mình, thật không có cách nào chạy trốn được.

— Ông quả là một người ký giả bám sát nhất! Không chuyện gì mà ông không muốn biết cả!

Snow vui vẻ nói:

— Tôi muốn điều tra rõ ràng tình hình chiến khu đỏ, để viết lại cho toàn thế giới biết một cách thiết thực kia mà!

Từ Hải Đông cũng cười, nói:

— Trước đây, tôi vẫn tưởng những người nước ngoài mắt xanh mũi lõ, đều không có ai tốt. Nhưng tôi được sống với ông mấy hôm, thì thành kiến đó của tôi đã thay đổi. Người nước ngoài không phải ai cũng xấu. Như ông là một người phương Tây rất tốt bụng, là một ký giả rất cầu thị!

Sống tại quân đoàn mười lăm được mấy hôm, Snow cảm thấy "giây phút nào cũng đều hết sức có ý nghĩa". Khi ông được điện trở về Bảo An, thì ông vẫn lưa luyến nói:

— Tôi đến với các ông chỉ có năm hôm, còn rất nhiều người tôi vẫn chưa có dịp phỏng vấn, cũng như có mấy doanh trại của sư đoàn tôi chưa được tham quan, thế mà bây giờ phải trở về, thật là đáng tiếc!

Từ Hải Đông tiễn chân Snow, mỗi người dẫn một con ngựa đi bộ xa chừng hai dặm đường. Từ Hải Đông bùi ngùi nói:

— Chúng tôi xuất thân là công nhân, nông dân, đối với thế giới bên ngoài hiểu biết rất ít. Chính ông đã phá vỡ được thành kiến của tôi đối với người phương Tây. Được làm bạn với một người nước ngoài như ông, tôi cảm thấy rất vinh hạnh. Tôi hy vọng sẽ có càng nhiều người phương Tây như ông đến thăm khu Hồng quân của chúng tôi, rồi báo lại với thế giới biết tình hình của chúng tôi. Tôi hy vọng ông sẽ trở lại.

Snow không cầm được sự cảm động trước tấm lòng nhiệt tình của Từ Hải Đông, quyến luyến nói:

— Chúng ta nhất định sẽ gặp lại nhau!

Bỗng Từ Hải Đông thò tay vào túi, móc ra một chiếc bình dùng để hít thuốt lá bột vào mũi, làm bằng ngọc đen, nói:

— Xin ông hãy nhận vật kỷ niệm này của quân đoàn mười lăm đỏ, và của cá nhân tôi. Các đồng chí của tôi nói, nếu trông thấy nó thì ông sẽ không quên chúng tôi. Món vật này nguyên là của một vị vua Mông Cổ. Nông dân ở vùng này xem nó là một thứ đồ vật quý giá. Mang nó theo người, ông sẽ bình an trở về đến nhà.

Nói dứt lời, Từ Hải Đông nhảy lên mình ngựa, quay lại chào Snow một cái chào kiểu quân sự, rồi thúc ngựa chạy như bay.

Snow nhìn theo bóng của Từ Hải Đông, trong lòng cảm thấy kính phục ông ta một cách sâu sắc. Snow cũng cảm thấy vị danh tướng Hồng quân, xuất thân từ công nhân bảy đời làm gốm này, đúng là một con người có sự từng trải đầy truyền kỳ. Ông ta chính là người tiêu biểu cho những lịch trình cách mạng đầy khúc chiết, và đầy gian nan của Hồng quân.

Còn đối với Từ Hải Đông, trong cả cuộc đời của mình đã tiếp xúc với không ít ký giả, nhưng Snow là một ký giả mà ông khó quên nhất. Sau đó nhiều năm, khi nghĩ tới người bạn Snow của mình, và nhìn lại tấm hình mà chính Snow chụp cho mình, ông tươi cười, nói:

— Snow là người bạn Mỹ duy nhất của tôi. Ông ta là một ký giả đeo sát đối tượng phỏng vấn nhất. Gần như ông ta muốn móc cả quả tim của mình ra để xem vậy!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 09:44:28 am »


4. CÓ PHẢI ĐÃ "QUY ẨN"?

Từ Hải Đông là một tướng lãnh cao cấp, tài ba, "có nhiều công lao lớn đối với cách mạng Trung Quốc” thế tại sao giữa lúc chiến công của ông sáng chói nhất, kinh nghiệm phong phú nhất, thì ông lại biến mất giữa khói lửa của cuộc chiến tranh chống Nhật, đang hồi gay go nhất? Điều đó không phải là một điều lạ lùng sao? Vậy, sau khi ông rời khỏi cương vị lãnh đạo thì đã làm gì? Đó chính là điều mà chúng ta cảm thấy rất tò mò.

Từ Hải Đông là một danh tướng, kể từ năm 1926 tham gia Bắc phạt, cho đến năm 1940, ông đã vì bệnh mà ngã quỵ. Suốt mười bốn năm dài đó, ông luôn sống một đời sống hết sức gian khó. Trong chiến đấu, tuy ông là một người chỉ huy, nhưng ông vẫn thường dũng cảm xông lên trước, để dẫn dắt các chiến sĩ xung phong hãm trận. Do vậy, mà trên người ông đâu đâu cũng có nhiều vết thương. Tất cả quân địch nghe danh ông đều kinh hãi. Từ Hải Đông đã bị thương chín lần ở khắp người, như trên đùi, trên cánh tay, có tất cả mười bảy vết sẹo. Ông bị thương nặng nhất là vào tháng mười hai năm 1934, trong trận kịch chiến tại Canh Gia Hà, nằm về phía Nam tỉnh Thiểm Tây. Một viên đạn đã xuyên qua từ phía sau lỗ tai trái của ông, và phá miệng làm gãy nhiều răng hàm dưới. Chỉ một chút nữa là viên đạn đã xuyên qua óc ông. Ông nằm mê man suốt bốn ngày trên cáng, nhưng cuối cùng, thì ông cũng đã thoát khỏi bàn tay của tử thần.

Suốt mười bốn năm chinh chiến, Từ Hải Đông đã bị trọng thương nhiều lần, và mỗi lần bị thương như vậy, ông đều dùng một nghị lực phi thường để chiến thắng cái chết. Nhưng, trong một đời sống chinh chiến gian khổ, đời sống khó khăn, khiến ông không may bị nhiễm bệnh lao phổi. Đó là vào tháng tám năm 1932, tại khu Xô viết Ngạc Dự Hoãn. Từ Hải Đông phải hành quân tác chiến suốt hai mươi ba ngày liền, không được nghỉ ngơi. Đến khi được nghỉ, thì ông bị lạc huyết lần thứ nhất. Đến năm 1938, sau khi tiến hành chiến dịch Bình Hình Quan, ông dẫn một số người lao vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật, đưa cửu lộ quân bao vây tấn công. Trong các chiến dịch cứu viện Thái Nguyên, cũng như Đinh Điếm, ông lại bị lạc huyết lần thứ hai. Chiến tranh vẫn tiếp tục, không có thì giờ nghỉ ngơi chữa trị, cuộc sống lúc nào cũng khẩn trương và gian khó, nên sức khỏe của Từ Hải Đông đã bị suy giảm nhiều hơn. Đến tháng chín năm 1939, Từ Hải Đông theo Lưu Thiếu Kỳ đến vùng Hoa Trung để công tác, trên đường đi ngang Trúc Câu, thuộc tỉnh Hà Nam, thì ông bị lạc huyết nặng. Tháng một năm 1940, sau chiến dịch Châu Gia Cương, ông lại bị lạc huyết nặng một lần nữa, và từ đó ngã bệnh không dậy nổi.

Mặc dù Từ Hải Đông bị bệnh nặng, nhưng ông không giờ phút nào muốn rời bỏ đội ngũ cách mạng mà ông đã hiến thân. Ông luôn luôn muốn mau chóng khôi phục lại sức khỏe để tiếp tục công tác. Dù nằm trên cáng, hay trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Hễ bệnh tình khá lên một chút, là ông lại yêu cầu được trở về bộ đội để chiến đấu. Năm 1940, thì ông bệnh nặng và ngã quỵ. Đứng trước bệnh tình của Từ Hải Đông, Cục Hoa Đông phải báo cáo về Trung ương Đảng. Mao Trạch Đông đối với bệnh tình của Từ Hải Đông, tỏ ra rất quan tâm. Trong bức điện trả lời Từ Hải Đông Mao Trạch Đông viết: "phải bình tâm tĩnh dưỡng, dù trời sập cũng không cần biết". Như vậy, ông mới chịu nằm yên để dưỡng bệnh. Năm năm cuối cùng của cuộc kháng chiến, ông đều nằm trên cáng để sống qua ngày, và thực tế không bao giờ ngưng nghĩ công tác. Ông vẫn tiếp tục chỉ huy tác chiến. Đến thời kỳ cách mạng quốc nội lần thứ ba, Hồng quân triệt thoái khỏi khu Ly Hoa Điện, ông theo các cơ quan hậu phương, di chuyển về tỉnh Sơn Đông. Đến tháng chín năm 1947, Trung ương chỉ thị ông phải rời Sơn Đông đi sang Đại Liên để tĩnh dưỡng (lúc đó Đại Liên đã giải phóng). Đến chừng ấy, bệnh tình của Từ Hải Đông mới được trị liệu có hiệu qua bằng thuốc men.

Khi Từ Hải Đông đến Đại Liên để dưỡng bệnh, lại có một câu chuyện ngộ nghĩnh xảy ra. Cho dù đã mấy năm rồi, ông không còn chỉ huy tác chiến nữa, nhưng cơ quan tình báo cúa địch lúc nào cũng theo dõi tin tức về ông. Để bảo mật, lúc ông lên tàu đi Đại Liên, thì lấy một cái tên nghi trang, gọi là Dư Lập Nhân. Không ngờ sau khi ông đến Đại Liên được ba hôm, thì có một đồng chí trong Sở Công an của thành phố Đại Liên tới báo:

— Sáng hôm nay, đài phát thanh Mỹ có nói: "Một yếu nhân quân sự của Trung Cộng - Từ Hải Đông, đã tới Đại Liên. Ý đồ không rõ".

Từ Hải Đông nghe vậy, cảm thấy rất ngạc nhiên về tình báo của địch theo dõi sát mình đến thế. Ông vừa giận, vừa bực mình, nói:

— Tôi bệnh như thế này, còn có ý đồ gì không rõ? Ý đồ của tôi rất rõ, ấy là dưỡng bệnh!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 09:45:07 am »


Kẻ thù luôn chú ý tới từng hành động của Từ Hải Đông, điều đó nói lên chúng rất khiếp sợ ông. Và chính điều này làm cho ngọn lửa chiến đấu trong lòng Từ Hải Đông lại cháy bừng lên: Trị bệnh khỏi, ta lại trở ra chiến trường. Nhưng bệnh tình của ông nặng đến mức nào? Trước đây nhiều năm, tuy ở ngoài mặt trận biết ông bệnh, nhưng do không có ai khám nghiêm kỹ, nên cũng không biết bệnh của ông nặng tới mức nào. Sau khi tới Đại Liên, một chuyên gia bệnh phổi từng du học ở Mỹ và một vị thượng tá quân y của Hồng quân Liên Xô, sau khi khám nghiệm đầy đủ, cho biết đại bộ phận hai lá phổi của Từ Hải Đông đã mất công năng. Như vậy, cũng không thể nói được ông bị bệnh phổi vào thời kỳ thứ mấy. Tình trạng bệnh phổi của ông hết sức nặng, vì phổi của ông đã xơ khí quản, lại bị giãn nở, và bị chứng viêm khí quản mạn tính. Công năng của phổi đã bị tổn thương nặng. Hai lá phổi của ông lúc nào cũng có tiếng kêu vang, vì bên trong nó có những bọc nước nhỏ và cứ theo hơi thở mà kêu vang lên. Viên thượng tá quân y Hồng quân Liên Xô, nghe nói dù ông bệnh, nhưng vẫn tiếp tục công tác, đọc sách, xem văn kiện, thì lắc đầu nói:

— Tôi không thể hiểu nổi, sinh lực của ông tại sao lại mạnh mẽ đến thế?

Do bệnh nặng, bắt buộc Từ Hải Đông phải để hết thì giờ nằm trên giường. Mỗi ngày chỉ cho phép ông ngồi dậy hai lần, mỗi lần vài ba tiếng đồng hồ. Do hai lá phổi đã bị tổn thương nghiêm trọng, nên ông gần như không thể xa rời bình dưỡng khí, và đời sống, phải nhờ người khác giúp đỡ hoàn toàn. Bệnh tình không cho phép ông làm việc, thế nhưng mỗi hôm ông đều kiên trì nghe đọc văn kiện và báo chí. Đối với những vấn đề trọng đại, ông còn mời thư ký riêng hoặc những đồng chí có liên quân đến, để nói tường tận cho ông nghe. Lúc nào ông xuất hiện trước mặt y tá, đều làm ra vẻ như tinh thần phấn chấn, cười vui như thường.

Được sự giúp đỡ của cơ quan đảng địa phương và văn phòng của chính phủ tại địa phương, Từ Hải Đông đã nằm dưỡng bệnh ở Đại Liên chín năm. Trong thời gian này, bệnh tình có khi khá, có khi xấu. Lúc bệnh tình khá, mỗi ngày ông được ngồi dậy hai ba tiếng đồng hồ. Và có một lần bệnh tình rất nguy cấp, phải trải qua cấp cứu tận tình, ông mới thoát khỏi cảnh nguy hiểm. Trung ương Đảng và Chủ tịch Mao Trạch Đông rất quan tâm đối với sức khỏe của ông. Ngày hai mươi tháng tám năm 1950, Chủ tịch Mao Trạch Đồng chính tay viết thư thăm Từ Hải Đông, nói: "Bệnh tình có phần khá, tôi rất mừng. Mọi người chúng tôi đều rất quan tâm đến đồng chí. Đồng chí an tâm dưỡng bệnh, để cho khỏi hẳn". Từ Hải Đông rất nôn nóng muốn trở lại làm việc. Đối với vinh dự được Đảng quan tâm, ông rất cảm kích, nhưng trong lòng cũng tự cảm thấy xấu hổ. Đầu năm 1955, Quân Giải phóng tiến hành việc bình nghị quân hàm, và ông được bình nghị hàm đại tướng. Trong lòng ông rất không an tâm. Vừa lúc đó, có Thủ tướng Chu Ân Lai tới thăm, ông bèn nói với Thủ tướng Châu Ân Lai:

— Thưa Thủ tướng, tôi bệnh phải nằm nghỉ lâu dài, công tác cho Đảng rất ít. Vậy ban cho tôi cấp đại tướng là quá cao. Tôi nhận mà cảm thấy xấu hổ.

Châu Ân Lai lúc nào cũng thương yêu viên tướng lãnh xuất thân từ giai cấp công nhân này, nên nắm bàn tay của ông, nói:

— Này, đồng chí Hải Đông, bình nghị đồng chí là đại tướng, không cao cũng không thấp, vừa phải đấy!

Tháng chín năm 1956, sau khi Từ Hải Đông dời đến ở tại chùa Quan Âm số một, thì sức khỏe của ông khá lên một ít. Ông bắt đầu làm những công tác mà ông có thể làm được: Tham gia những phiên họp quan trọng của Đảng, tiếp nhận công việc của Quân ủy Trung ương ủy thác ông làm chủ biên viết cuốn chiến sử của quân đoàn hai mươi lăm Hồng quân. Ông thường nằm trên giường thảo luận với những người trong ban biên tập, và dặn dò:

— Nhất định phải viết về Đảng, về Mao Chủ tịch, về nhân dân, về tập thể, đừng viết nổi bật về tôi, nổi bật cá nhân.

Đối với công tác, ông không bao giờ câu nệ, mười bức địa đồ chiến trận đều do ông chỉ vẽ từng li từng tí để vẽ ra. Năm 1962, quyển Chiến Sử chào đời, thì ông cũng mệt đuối và bị thổ huyết nặng một lần nữa. Bệnh tình của ông nguy cấp suốt chín hôm. Lúc bấy giờ, không ngày nào ông xa rời bình dưỡng khí. Cho dù vậy, đối với những cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng, ông vẫn tham gia, vẫn đọc sách, vẫn xem văn kiện, vẫn tìm người để nói chuyện, không bao giờ gián đoạn. "Còn hơi thở là còn phải công tác cho Đảng", đó là câu thề mà ông đã khắc vào tim mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 09:46:42 am »


Từ Hải Đông đi suốt cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, bản thân trải qua trăm trận chiến đấu, trên thân thể bị trúng mười bảy vết thương mà không chết. Chính phủ phản động Quốc dân đảng và đế quốc Nhật Bản đã ra giá cao, nhưng vẫn không bắt được ông. Những cơn bệnh kéo dài, cũng không làm ông chết. Nhưng cuối cùng, thì "Cách mạng văn hóa" đã hãm hại ông tới chết!

Vừa bắt đầu cuộc cách mạng văn hóa, thì Lâm Bưu và nhóm "bốn người" đã bịa đặt ra đủ thứ tội danh, vu cáo Từ Hải Đông tham gia cái gọi là "Binh biến tháng hai"1, "Thò bàn tay đen đến toàn quân trong toàn quốc", "Đoạt quyền tổng tham mưu, và các quân binh chủng". Bọn chúng dùng những thủ đoạn đê tiện, như: Ngưng phát văn kiện, cắt điện thoại, giám thị mọi hành động của ông, cấm chỉ ông liên hệ với bên ngoài, đóng cửa để chỉnh Từ Hải Đông. Sau sự kiện Vũ Hán "Hai mươi tháng bảy" năm 1967 xảy ra, bọn họ đặt điều vu khống cho Từ Hải Đông là "chỗ dựa đen" và công khai nêu ra khẩu hiệu "đả đảo Từ Hải Đông", rồi mở cuộc "phê đấu tại giường" hết sức vô nhân đạo. Mấy mươi tên vây xung quanh giường bệnh của Từ Hải Đông, kêu gào đủ thứ, thậm chí dùng quả đấm đè xuống đầu ông để bắt ông thừa nhận cái gọi là "tội trạng". Bọn chúng còn xúi bẩy lục soát tịch thu tài sản của ông, cách ly hai đứa con trai của ông để thẩm vấn. Bọn chúng biết Từ Hải Đông đang bị bệnh tim suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ không thể xa rời bình dưỡng khí. Thế mà chúng lại táng tận lương tâm, cắt đứt sự trị liệu, đình chỉ cung cấp dưỡng khí. Năm 1969, sau đại hội chín của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bè lũ Lâm Bưu, lấy cớ "sơ tán chuẩn bị chiến tranh", cưỡng bách Từ Hải Đông đến Hà Nam, rồi ra lệnh cho bọn tay chân của chúng đưa Từ Hải Đông vào tử địa: Cho ông ở một ngôi nhà lạnh lẽo và ẩm thấp, cắt hết tất cả thuốc men. Ngay đến lương thực, dầu ăn, thực phẩm, cũng không cho cung ứng bình thường. Nhất là chúng đã làm một việc mà không ai có thể tha thứ được là trong lúc tính mệnh của Từ Hải Đông nguy cấp, thì Lâm Bưu lại sai bọn tay chân của hắn cấm ngặt không cho hội chẩn, không cho cấp cứu, khiến cho bệnh tình của ông trầm trọng lên, và vào ngày hai mươi lăm tháng ba năm 1970, Từ Hải Đông đã vĩnh viễn ra đi trong niềm uất hận. Vậy mà bè lũ cùng hung cực ác của Lâm Bưu vẫn chưa chịu buông tha. Chúng hung hăng ra lệnh năm điều không cho phép: "Không cho phép đăng lên nhật báo Nhân Dân, không cho phép đăng hình, không chữ phép tặng vòng hoa, trên hũ cốt không cho phép dán cờ Đảng, không cho phép viết bài đánh giá"!

"Tuyết to đè thân tùng, nhưng tùng càng đứng thẳng hơn". Đối diện với những hoạt động soán Đảng đoạt quyền đầy tội ác của Lâm Bưu và nhóm "bốn người", Từ Hải Đông đã tiến hành một cuộc đấu tranh không khuất phục. Đầu thời kỳ cách mạng văn hóa, Từ Hải Đông đã viết một bức thư kiến nghị với Chủ tịch Mao, "Trong việc chọn người kế nghiệp, nhất định phải phù hợp với năm tiêu chuẩn của Chủ tịch Mao và các lão thủ trưởng đã đề ra. Phải gỡ ngay những quả bom nổ chậm trong Trung ương để phòng hậu hoạ. Truyền thống đấu tranh của Đảng truyền lại cho thế hệ sau, cần phải có một quá trình. Những cán bộ già do Chủ tịch Mao đã đích thân bồi dưỡng không thể thay đổi quá nhiều". Bức thư này đã đối đầu thẳng với luận điệu "đề bạt một số đông, bải nhiệm một số đông". Do vậy, bè lũ Lâm Bưu liền vu cáo bức thư này là "ép Chủ tịch Mao trao quyền lãnh đạo của Trung ương". Có người bịa chuyện, nói Lâm Bưu là người xuất thân từ nhà nghèo. Từ Hải Đông tức giận, nói:

— Nói láo! Hắn xuất thân từ gia đình ác bá, địa chủ, kiêm tư bản. Tôi đã hai lần dẫn người đánh vào Lâm Gia Loan. Mười mấy cỗ máy dệt của nhà hắn, chính tay tôi đã chia cho dân nghèo. Khi được làm phó Chủ tịch, hắn cũng không thể thay đổi thành phần xuất thân. Xuất thân không tốt, chỉ cần cải tạo thế giới quan, thì có thể chống lại giai cấp vốn có của mình, để thành người cách mạng. Người xuất thân tốt, mà không chú ý cải tạo chính mình, cũng có thể trở thành phản cách mạng!

Đối diện với sự hãm hại về chính trị của bọn Lâm Bưu, cơ thể bị đầy đọa, nhưng Từ Hải Đông vẫn không khuất phục, không dao động. Đã mấy lần ông viết thư lên Chủ tịch Mao và Thủ tướng Châu Ân Lai, để giải bày tình trạng của mình, tố giác tội ác của bọn Lâm Bưu. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống, ông còn nói:

— Tôi đã bị Lâm Bưu hại chết, tôi tin Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng sẽ có ngày nhận diện được chúng.

Những nhà cách mạng lão thành như Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, đối với Từ Hải Đông đã có một sự hiểu biết và ủng hộ rất to lớn. Khi bọn Lâm Bưu công khai nêu lên khẩu hiệu "đả đảo Từ Hải Đông", thì Diệp Kiếm Anh đã nhờ người nói lại với ông: "Đồng chí Từ Hải Đông, trước đây tôi xem đồng chí thế nào, thì bây giờ cũng xem thế ấy, vẫn không thay đổi!". Trong những lúc hết sức khó khăn, Vương Chấn đã bất chấp sự cản trở, đi vào thăm Từ Hải Đông. Vương Chấn đã khiển trách bọn người đang mưu đồ tìm tài liệu đen về Từ Hải Đông, nói:

— Các anh bảo Từ Hải Đông là phản cách mạng, thì chính tôi đây cũng là phản cách mạng!

Trong khi nhóm Lâm Bưu đang cố sức hãm hại Từ Hải Đông, thì Mao Trạch Đông tự mình đề xuất Từ Hải Đông làm đại biểu của đại hội Đảng lần thứ chín, và là thành viên của chủ tịch đoàn. Khi Thủ tướng Châu Ân Lai truyền đạt đề nghị này của Chủ tịch Mao trước đại hội, thì các đại biểu đều nhiệt liệt vỗ tay. Có những lão đồng chí đã đưa cả hai tay lên để tán thành. Khi Từ Hải Đông ngồi xe lăn tới hội trường, thì Châu Thủ tướng đã ngấn lệ bước xuống, đích thân sắp xếp chỗ ngồi cho Từ Hải Đông, và cũng chính tay Châu Thủ tướng rót trà và đem ống nhổ đến để trước mặt ông. Chủ tịch Mao Trạch Đông đang chủ trì phiên họp, cũng quay lại đưa tay lên để chào ông. Từ Hải Đông cảm động đến nước mắt ngấn quanh tròng:

— Sự thật đã chứng minh Mao Chủ tịch đối với tôi vẫn như nhất, vẫn rõ ràng, tôi cần phải tin ở Mao Chủ tịch, tin ở Trung ương Đảng.

Năm 1975, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình không cần để ý tới Trương Xuân Kiều, chống lại sự phá rối của nhóm "bốn người" viết một bài bình luận về Từ Hải Đông, khẳng định Từ Hải Đông đối với cách mạng Trung Quốc, có một sự cống hiến trọng đại, và luôn trung thành với Đảng, trung thành với nhân dân, có một phẩm chất cao quý. Và hai vị đã lo việc cử hành nghi thức dời hũ cốt. Năm 1979, Đặng Tiểu Bình đích thân cử hành lễ truy điệu Từ Hải Đông tại Bắc Kinh. Như vậy, Từ Hai Đông có thể ngậm cười nơi chín suối.
_____________________________________
1. Một án oan do nhóm Khang Sinh dựng đứng lên đề hãm hại Hạ Long, Bành Châu v.v... xảy ra tháng 2 năm 1966. Đến năm 1980, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã minh oan phục hồi danh dự cho tất cả những cán bộ bị liên lụy (N.D).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:31:58 pm »


5. GIA ĐÌNH VÀ TÌNH YÊU

Trong cách mạng Trung Quốc, đã xuất hiện vô số gia đình đều là cách mạng; cha mẹ, anh em, chị em, con cái, thân thuộc, đều tham gia cách mạng. Những vị lãnh đạo trong Đảng và trong quân đội, gần như mỗi người đều có thân quyến của mình hy sinh cho cách mạng. Có những người gần như cả nhà hy sinh. Từ Hải Đông chính là một tấm gương như thế.

"Nhà giàu của cải nhiều, nhà nghèo con cháu đông". Trong nhà của Từ Hải Đông anh em chị em gồm tất cả chín người. Riêng bà con gần, bà con xa đông đến hơn tám mươi người. Khi Từ Hải Đông bước vào ngưỡng cửa cách mạng, thì qua ảnh hưởng của ông, người anh thứ tư là Từ Nguyên Hải, anh thứ năm là Từ Nguyên Ba, anh họ nội là Từ Nguyên Hồng, Từ Nguyên Đại, Từ Nguyên Khanh và Từ Nguyên Hưng, và các cháu trai là Từ Văn Sơ, Từ Văn Tài, Từ Văn Giai, Từ Văn Tị, Từ Văn Lang v.v... đều lần lượt giác ngộ cách mạng, dấn thân vào con đường chiến đấu cách mạng. Nhà họ Từ của ông có mấy mươi "người bùn", cứ người này ngã xuống thì người kia tiếp tục tiến lên, cũng giống như Từ Hải Đông vậy. Họ luôn luôn chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng của giai cấp vô sản.

Vận mệnh cá nhân của Từ Hải Đông, cũng như vận mệnh của gia đình ông, bao giờ cũng gắn chặt với vận mệnh của cách mạng. Bất luận ở trong tình huống nào, họ cũng luôn luôn lo cho đại cuộc, biết đến đại thể, không bao giờ chịu lùi bước trước gian khó, mà luôn dũng cảm tiến lên phía trước.

Từ mùa xuân năm 1930, Từ Hải Đông đã là một người lãnh đạo du kích rất dũng cảm, dẫn bộ đội đi tiêu diệt rất nhiều "dân đoàn" của địa chủ. Bọn địa chủ và thân hào căm thù ông đến tận xương tủy. Tên cầm đầu Hiếu Cảm Dân Đoàn, nhân lúc Từ Hải Đông dẫn đội du kích đi đánh ở địa phương khác, bèn tụ tập dân đoàn phản động tiến công vào quê hương của Từ Hải Đông, thực hiện việc trả thù giai cấp. Đảng ủy địa phương được tin tình báo này, bèn dẫn đội Xích vệ đến để yểm trợ cho quần chúng di tản. Kẻ thù không bắt được người, nên chúng bèn nổi lửa thiêu rụi lò gốm của nhà họ Từ, cũng như Từ Gia Điếm. Chúng cũng cướp bóc tất cả những tài sản ở đây, không còn lại vật gì đáng giá. Khi đội du kích trở lại, thì kẻ thù đã bỏ chạy từ lâu. Các chiến sĩ đứng trên đầu núi nhìn xuống phía dưới, thấy quê hương của Từ Hải Đông chỉ còn là một bãi hoang tàn. Mọi người đều lo lắng cho sự khó khăn của gia đình ông. Nhưng Từ Hải Đông cười ha hả, nói:

— Đây là chuyện trong dự kiến của chúng tôi, không có gì ghê gớm lắm đâu!

Từ Hải Đông không vội vàng đi tìm thân quyến, mà trước tiên đi tìm cán bộ nông hội, và an ủi thăm hỏi từng nhà một, rồi sắp xếp chỗ ở cho họ. Sau khi quần chúng bị hại đã có chỗ ở yên ổn, ông mới tìm đến gia đình mình để an ủi mọi người.

Người nhà thấy Từ Hải Đông về, bèn hỏi:

— Nhà bị đốt cả rồi, vậy làm sao bây giờ?

Từ Hải Đông tươi cười đáp:

— Không phải mọi người đã có biện pháp rồi đó sao?

Vợ Từ Hải Đông trách:

— Cả nhà đang hết sức buồn khổ, thế mà anh vẫn cười!

Từ Hải Đông trả lời:

— Chả lẽ buồn thì sẽ có nhà mới cho nhà mình sao? Chúng ta càng buồn càng khổ, rồi đi tới chết, bọn dân đoàn sẽ mừng hơn đấy!

Anh thấy moi người đều ủ rũ mặt mày, bèn nói:

— Tôi biết nếu ở nhờ, ở đậu nhà bà con, thì rất bất tiện. Nhưng bây giờ có đủ sức cất nhà mới không? Nếu cất xong, quân địch chưa bị tiêu diệt, thì có ai bảo đảm chúng sẽ không trở lại đốt nữa? Tôi thấy hiện nay tình thế rất tốt, tuy kẻ địch tạm thời có những hành động ngông cuồng, nhưng chúng càng đốt, càng giết, càng cướp, thì người đứng lên làm cách mạng càng nhiều. Ngày tàn của chúng sẽ đến càng sớm hơn! Chúng ta hãy cứ khắc phục khó khăn, đồng lòng làm cách mạng, chung sức đánh quỵ bọn phản cách mạng sớm ngày nào, thì chúng ta sẽ có ngày vui sớm chừng nấy!

Anh nói rất có lý, nên mọi người quyết tâm khắc phục khó khăn tạm thời, và tích cực ủng hộ cách mạng!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:32:44 pm »


Theo đà phát triển của cách mạng, bọn địa chủ phản động đã điên cuồng tấn công vào nhân dân tiến bộ. Gia tộc nhà họ Từ có tất cả ngoài tám mươi người, số người bị sát hại lên tới sáu mươi sáu người. Trong đó có hai mươi bảy người bà con gần với Từ Hải Đông và ba mươi chín người bà con xa. Già trẻ, trai gái, thậm chí đến hài nhi cũng bị chúng giết. Chỉ có Từ Hải Đông và ba người anh ở trong hồng quân, là thoát khỏi tai nạn tàn sát của bọn chúng. Nhưng về sau, người anh của Từ Hải Đông cũng hy sinh ngoài chiến trường.

Chúng ta hãy nghe mẩu đối thoại sau đây giữa Từ Hải Đông và ký giả Snow, sẽ rõ tình trạng gia đình của ông. Khi ký giả Snow hỏi: "người nhà của ông hiện giờ ở đâu?", Từ Hải Đông thản nhiên trả lời như không có chuyện gì xảy ra: "Người nhà của tôi đều đã bị giết chết cả rồi, chỉ còn lại một người anh, hiện ở trong phương diện quân số bốn".

— Ông nói họ chết trong khi đánh nhau phải không?

— Ồ! Không phải! Tôi chỉ có ba người anh ở trong Hồng quân. Số còn lại đều bị tướng Thang Ân Bá và Hạ Đẩu Dần xử bắn. Bọn sĩ quan Quốc dân đảng đã giết người của nhà họ Từ đến sáu mươi người!

— Sáu mươi người? - Snow gần như không tin ở lỗ tai của mình!

— Phải! Chúng đã giết hai mươi bảy bà con gần của tôi, và ba mươi chín bà con xa. Cả huyện Hoàng Bì đều là người họ Từ, già trẻ gái trai, đều bị họ giết. Chỉ còn lại vợ con tôi, ba người anh tôi ở trong hồng quân, và chính tôi nữa. Nhưng về sau, hai người anh tôi cũng đã hy sinh ngoài mặt trận.

— Tôi không biết hiện giờ vợ tôi ở đâu? Năm 1931, khi bạch quân chiếm lĩnh huyện Hoàng Bì, thì vợ tôi bị bắt. Về sau tôi nghe nói vợ tôi bị bán cho một người thương gia ở gần Hán Khẩu để làm vợ bé. Việc này do người anh tôi trốn thoát được, nói lại cho tôi biết. Ngoài ra, những người khác đều bị giết. Trong lần tảo thanh thứ năm của chúng, nhà họ Từ chúng tôi có mười ba người chạy vuột ra khỏi Hoàng Bì, đến huyện Ứng Sơn. Nhưng sau đó, họ cũng bị bắt hết. Đàn ông thì bị chặt đầu, còn phụ nữ và trẻ con thì bị bắn.

Khi Từ Hải Đông nhìn thấy sắc mặt của Snow có vẻ rất kinh ngạc, thì mỉm một nụ cười buồn bã, nói:

— Điều đó cũng không có chi lạ đâu - ông nói tiếp - rất nhiều người chỉ huy của hồng quân, gia đình họ cũng gặp cảnh tượng như thế. Chỉ có điều là nhà tôi bị tổn thất nhiều hơn. Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh cho binh sĩ của ông ta khi chiếm đóng quê hương của tôi, là tất cả người họ Từ đều phải giết sạch, không để ai sống sót.

Đối với việc cả nhà bị hy sinh, Từ Hải Đông chỉ nén sự đau khổ trong lòng mình, và với một sự thù hận tràn ngập, tiếp tục bước lên con đường chiến đấu mới.

Mùa thu năm 1932, khi ông dẫn quân đoàn đỏ hai mươi lăm đánh lưu động xung quanh quê nhà ông, thì người chị dâu ông khóc lóc nói cho ông biết, chuyện mấy mươi người bà con trong gia đình bị giết chết. Ông cảm thấy hết sức căm phẫn, nghĩ bụng: "thân nhân ta đã hy sinh, cách mạng cần ở ta không phải là sự đau buồn, mà là sự chiến đấu. Vậy ta phải thuyết phục những người còn sống trong thân tộc, phải ưỡn ngực lên, nối tiếp chí hướng của những bậc tiên liệt, quyết tâm làm cách mạng tới cùng". Do vậy, ông cố đè nén nỗi xúc động trong lòng, không để rơi một giọt nước mắt, và bình tĩnh an ủi người chị dâu:

— Này chị cả, đừng đau khổ nữa, đó là việc tất nhiên phải xảy ra trong đấu tranh giai cấp rồi. Đấy là một cuộc đấu tranh sống chết với kẻ địch. Nay chúng ta phải ghi nhớ món nợ máu này, để nuôi nấng con cháu trưởng thành cho tốt, rồi trả thù cho những bậc tiền bối của chúng ta.

Lúc đó, người cháu dâu của ông, tức vợ của Văn Trị vừa mới sinh con được một tháng, đề nghị ông đặt cho nó mội cái tên. Ông suy nghĩ một chốc rồi nói:

—  Thì hãy lấy tên nó là "Thủ" vậy!

Người cháu dâu hiểu rõ dụng ý của ông, đặt tên con mình như thế, là muốn gì. Văn Trị đã hy sinh cho cách mạng, vậy cần phải "thủ" (giữ) người con trai này của anh ấy, bèn nói:

— Được, cháu nhất định sẽ nuôi dưỡng cho nó lớn khôn, dù có gặp khó khăn tới đâu, cháu cũng chịu đựng được!

Về sau, quả thật người cháu dâu của ông đã chịu đủ thứ gian truân, nuôi con lớn thành người, rồi để cho nó tham gia vào đội ngũ cách mạng. Chính vì nhà họ Từ có những con người kiên cường như thế, nên gia đình của Từ Hải Đông biết biến đau thương thành sức mạnh, tiếp tục chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2023, 02:33:36 pm »


Từ Hải Đông nói với bà con của mình:

— Giai cấp vô sản muốn lật đổ toàn bộ thế giới cũ, vậy không muốn trả giá nào cả có được không? Ai cũng có cha mẹ, anh em, vợ con, con cái, nếu tất cả đều không muốn cống hiến, thì cách mạng có hy vọng thành công được hay không? Người Cộng sản khi bước vào Đảng, thì đã trao cho Đảng tất cả. Họ chỉ biết có nghĩa vụ phấn đấu vì sự nghiệp chủ nghĩa Cộng sản mà thôi. Họ hoàn toàn không có một chút tư riêng, tư lợi nào. Nếu gặp khó khăn thì quay đầu trở lại, thử hỏi có ai cần đến những người đảng viên như thế?

Chính vì Từ Hải Đông có một tâm hồn cao thượng như vậy, nên mới sẵn sàng cống hiến cả gia đình của mình, trước sau như một, kiên trì phấn đấu và được sự tin yêu ủng hộ của quảng đại quần chúng.

Từ Hải Đông là một danh tướng, tên tuổi lẫy lừng. Mối tình kiên trinh không bao giờ phai nhạt của vợ ông là Châu Đông Bình, cũng đáng nêu gương giống như chiến công của ông vậy. Trong thời kỳ đầu kháng chiến, có rất nhiều nữ học sinh có trình độ văn hóa, từ hậu phương lớn đi vào bộ đội. Có một hôm, một đồng chí vừa nửa đùa nửa thật, nói với Từ Hải Đông:

— Có muốn "cải tổ" hay không? Tôi sẽ giới thiệu cho đồng chí một nữ sinh xinh đẹp!

Từ Hải Đông nghe vậy, lộ vẻ giận dữ, nói:

— Nói bá láp! Đông Bình là người chịu khổ, còn tôi là "người bùn", chúng tôi đã là vợ chồng, lại là chiến hữu, tôi làm sao có thể làm được chuyện đó?

Lời nói thẳng thắn của Từ Hải Đông làm cho người đồng chí này thẹn đỏ mặt. Nếu lấy tình cảm thủy chung đó của Từ Hải Đông để so sánh với rất nhiều cán bộ mấy lần đổi vợ, luôn tìm cái mới lạ, thì thật khác nhau xa.

Thời kỳ đầu kiến quốc, có nhiều cán bộ từ miền Bắc xuống phía Nam, vừa bước chân vào thành phố là đã bị chết bởi những "viên đạn bọc đường". Họ chê những người vợ tao khang, kém sắc đẹp, và tự mình đứng vào "phái cải tổ". Lúc đó, Từ Hải Đông đã bị bệnh nhiều năm, và lúc nào cũng lo lắng cho tư tưởng của các chiến sĩ cách mạng và bộ đội. Cứ gặp chiến hữu cũ tới thăm, là ông bao giờ cũng hỏi ba việc: có phạm sai lầm về chính trị không? Có tham ô về kinh tế không? Có ly hôn với vợ cũ không? Ông luôn luôn chí tình giải thích cho các đồng chí cũ của mình nghe, không bao giờ nên vong bản, mà phải đi theo cách mạng tới cùng.

Từ Hải Đông nguyên có một người vợ trước ở nhà. Người vợ đầu tiên của ông tên gọi là Điền Đức Đới, là một cô dâu mà gia đình ông đã nuôi từ hồi còn bé, và do cha mẹ trước đây đã lo toan cho ông. Sau khi Từ Hải Đông tham gia cách mạng, người anh thứ tư của Từ Hải Đông là Từ Nguyên Hải, giới thiệu vợ ông vào Đảng. Đến năm 1933, Quốc dân đảng tiến hành bao vây càn quét thì bị bắt. Nửa năm sau, do người bên nhà vợ bảo lãnh cho vợ ông được thả ra khỏi ngục, và ép gả cho người khác. Hiện nay, không biết ra sao. Riêng Châu Đông Bình là người Lục An, tỉnh An Huy, nhập ngũ hồi tháng mười năm 1932, lúc nhỏ không có điều kiện học hành, sau ngày tham gia cách mạng mới học biết chữ nghĩa chút đỉnh. Châu Đông Bình là một trong bảy nữ đồng chí đã cùng quân đoàn đỏ hai mươi lăm tham gia "Vạn lý trường chinh". Trong quá trình đó, có người giới thiệu cô biết Từ Hải Đông, và hai người cùng kết hôn. Cùng xuất thân trong hoàn cảnh đau khổ này nên giữa họ có tình vợ chồng rất đậm đà, và bao giờ cũng đặt quyền lợi cách mạng lên trên hết.

Việc Từ Hải Đông bị gãy hai chiếc răng cửa, là bắt đầu từ việc Đông chinh của hồng quân.

Năm 1937, Hồng quân mở cuộc Đông chinh, đã tiêu diệt và đánh tan tất cả ba mươi mốt đoàn của địch, giết chết, làm bị thương, bắt sống, được một vạn bảy nghìn tên. Trên đường trở về, mặc dù mưa to, đường lầy lội, nhưng tất cả chiến sĩ cán bộ ai cũng vui cười phấn khởi. Từ Hải Đông nghe nói thuyền chở lính qua sông Hoàng Hà quá chậm, nên cưỡi ngựa chạy như bay để tới bờ sông, chỗ bến thuyền để quan sát. Khi sắp sửa tới bến thuyền, bỗng có một chiến sĩ từ trong hàng ngũ nhảy ra. Vì con ngựa đang phi, mà người chiến sĩ ấy đã gằn kề nhau, nên Từ Hải Đông vội vàng gò mạnh cương ngựa lại, khiến con ngựa phải quay đầu trở ra sau, và hai chân sau đứng thẳng lên, làm cho Từ Hải Đông bị ném xuống đất, té lăn quay mấy vòng, rồi đụng vào một tảng đá...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM