Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:37:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 4914 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:56:48 pm »


Không phải Túc Dụ không dám trình bày thẳng ý kiến của mình. Trong Đảng cũng như trong quân đội, ông được xem là người dám nói thẳng, có những tư duy độc lập. Nhưng bây giờ ông do dự là vì ông suy nghĩ nếu mình không chịu rời khỏi chiến trường Trung Nguyên, phải chăng là do không nhìn thấy toàn cục? Trung ương có đôi mắt nhìn rộng, tính toán chu đáo, vậy nếu mình đưa ý kiến này ra, phải chăng sẽ làm rối sự tính toán của Trung ương một cách không cần thiết?

Từ tháng giêng cho tới tháng tư, Túc Dụ đã suy nghĩ và do dự mãi, không thể quyết định được phải hành động ra sao?

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho bộ đội tiến vào Hoa Nam vẫn không giờ phút nào ngơi nghỉ. Một khi Trung ương quyết định rồi, thì ba tung đội của ông có thể lên đường ngay.

Vào ngày mười tám tháng tư, Túc Dụ đã hạ quyết tâm một cách dứt khoát, là người chỉ huy viên của một chiến dịch, ông phải có trách nhiệm trình bày thẳng với thượng cấp ý kiến của mình. Còn ý kiến đó đúng hay sai, còn phải do thượng cấp phán đoán. Ngày hôm ấy, ông đánh điện về Quân ủy Trung ương, ngỏ ý đưa ba tung đội về phía Nam, là không bằng để họ ở tại chỗ để tiêu diệt địch.

Sau khi Mao Trạch Đông tiếp được bức điện, tỏ ra hết sức trọng thị, bèn triệu tập ngay Ban bí thư Đảng để cùng các đồng chí lãnh đạo thảo luận về ý kiến của bức điện đó. Ngày hôm sau, ông ra lệnh cho Trần Nghị và Túc Dụ rời tiền tuyến, đi đến Tây Bách Ba, thuộc vùng Bình Sơn, Tây Bách Ba, tỉnh Hà Bắc, nơi Trung ương trú đóng để trực tiếp báo cáo cụ thể.

Kể từ năm 1934 khi rời khỏi Trung ương để tiến lên phía Bắc, đã là mười bốn năm dài, Túc Dụ chưa bao giờ tới nơi trú đóng của Trung ương và chưa gặp mặt các thủ trưởng ở Trung ương lần nào. Nay có cơ hội tiếp xúc với Mao Trạch Đông và những người lãnh đạo Trung ương để bàn về tình hình và nhiệm vụ, khiến Túc Dụ hết sức xúc động. Ông chuẩn bị đề cương báo cáo một cách hết sức đầy đủ.

Ngày năm tháng năm năm 1948, năm vị Bí thư Trung ương là Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Châu Ân Lai, Chu Đức, Nhiệm Bậc Thời đã cùng ngồi nghe Trần Nghị và Túc Dụ báo cáo tình hình quân đội dã chiến ở Hoa Đông, và nhất là chú ý lắng nghe ý kiến của Túc Dụ, đối với việc đưa đại quân xuống phía Nam có lợi, hay là giữ ở lại Trung Nguyên có lợi.

Túc Dụ đã thận trọng và chu đáo phân tích việc đó trước mặt Ban bí thư Trung ương, và được họ tán thành. Ban bí thư bèn quyết định trong vòng từ bốn tới tám tháng, tạm thời không vượt sông Trường Giang để xuống Hoa Nam, mà tập trung quân lực để tác chiến tại Trung Nguyên.

Sau buổi báo cáo kết thúc, Mao Trạch Đông mời riêng Túc Dụ cùng ăn cơm. Trong bữa ăn, ông nói với Túc Dụ: "Trung ương đã quyết định điều Trần Nghị trở về Trung Nguyên Cục để công tác, và nhiệm vụ lãnh đạo dã chiến ở Hoa Đông sẽ giao cho đồng chí".

Túc Dụ bao giờ cũng trân trọng và ủng hộ công tác của Trần Nghị. Nay nghe quyết định này cảm thấy hơi bất ngờ, bèn nói với Mao Trạch Đông: "Công việc lãnh đạo quân dã chiến ở Hoa Đông, không thể tách rời được với Trần quân trưởng".

Trung ương đã quyết định rồi, vậy không thể thay đổi được nữa. Mao Trạch Đông vẫn kiên trì quyết định của mình.

Túc Dụ suy nghĩ chốc lát, nói:

— Nếu vậy, Trần tướng quân có thể đi về Trung Nguyên cục để làm việc, nhưng vẫn kiêm chức lãnh đạo quân dã chiến ở Hoa Đông.

Cách giải quyết phân hai đó, cũng làm cho Mao Trạch Đông rất tán thưởng. Ông cao hứng vỗ nhẹ xuống một bàn, nói:

— Thôi, cứ quyết định như thế. Đồng chí Trần Nghị trở về Trung Nguyên Cục, nhưng vẫn bảo lưu chức tư lệnh quân dã chiến, kiêm chính ủy Hoa Đông, còn đồng chí thì làm quyền tư lệnh, và quyền chính ủy.

Với sự tín nhiệm của Trung ương, Túc Dụ hết sức cảm động, đồng thời, cũng hiểu được đây là một trách nhiệm nặng nề. Nếu trong vòng từ bốn tới tám tháng tới, không tạo được những chiến quả huy hoàng để trả lời với Trung ương, thì rõ ràng là phụ lòng tín nhiệm của Trung ương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:57:57 pm »


Túc Dụ đã trở về đến bộ tư lệnh quân dã chiến ở Hoa Đông. Quân dã chiến tại Trung Nguyên do sự phối hợp toàn lực, vào ngày mười bảy tháng sáu đến ngày sáu tháng bảy, đã đại thắng tại phía Đông tỉnh Hà Nam, giết địch được chín vạn tên, lập được một kỷ lục mới về tiêu diệt chiến.

Từ mười sáu đến hai mươi bốn tháng chín, quân giải phóng lại chiếm được Tế Nam, và tiêu diệt địch mười ngàn tên. Ngày hai mươi bốn tháng chín, sau khi giai phóng Tế Nam, Túc Dụ liền kiến nghị với Quân ủy, mở chiến dịch Hoài Hải.

Cách suy nghĩ của Túc Dụ như sau: Quân dã chiến Hoa Đông từ phía Nam Sơn Đông kéo xuống, giai đoạn thứ nhất, lấy thêm ở binh đoàn phía Bắc Giang Tô một tung đội, để tấn công chiếm Lưỡng Hoài (Hoài Âm, Hoài An). Rồi thừa cơ thắng lợi đó chiếm luôn các địa phương khác như Bảo Ứng, Cao Bưu, và lấy sức mạnh toàn quân của quân dã chiến Hoa Đông, kéo thẳng tới phục tại hai bên đường gần ga xe lửa Vận Hà, để tiêu diệt quân tiếp viện của địch kéo tới, nếu có. Trái lại, quân địch nếu bị chặn và không tiếp viện, mà lại đưa quân từ phố Khẩu ở Trường Giang và Dương Châu tiến về phía Bắc để cứu viện, thì ta sẽ đón đánh chúng tại Lưỡng Hoài và kết thúc chiến dịch. Sau đó sẽ tiến tới bước hai của chiến dịch, là lấy ba tung đội đánh chiếm Hải Châu, Liên Vận Cảng và kết thúc chiến dịch Hoài Hải. Sau đó, toàn quân sẽ kéo về một căn cứ để nghỉ ngơi và chỉnh đốn.

Quân ủy Trung ương rất trọng thị kiến nghị của Túc Dụ. Ngày hôm sau đánh điện trả lời và chỉ thị thêm: "Chúng tôi thấy mở chiến dịch Hoài Hải là rất cần thiết". Đồng thời lại chỉ thị: "Mở đầu chiến dịch phải lấy tiêu diệt binh đoàn của Huỳnh Bá Thao làm mục tiêu".

Lúc đó, quân địch lấy Từ Châu làm trung tâm, tập kết chung quanh bốn binh đoàn lớn (Huỳnh Bá Thao, Lý Di, Khâu Thanh Tuyền, Tôn Nguyên Lương) gồm sáu chục vạn binh. Về phía ta cũng có sáu chục vạn binh, là các bộ đội của quân dã chiến Hoa Đông và quân dã chiến Trung Nguyên. Sáu chục vạn quân này chia ra đóng ở Sơn Đông và Hà Nam. Nếu muốn nuốt trọn số quân địch ở Từ Châu, là điều chưa dám nghĩ tới. Nhưng, nếu muốn tiêu diệt mười hai vạn quân của Huỳnh Bá Thao là chuyện có thể làm được.

Về sau, chiến dịch Hoài Hải từ từ phát triển thành cuộc quyết chiến chiến lược giữa hai đảng Quốc Cộng, đó là sự phát triển lên từng bước một.

Túc Dụ đã cống hiến nhiều công lao trọng đại trong quá trình phát triển đó.

Ngày tám tháng mười một, sau khi bộ đội vừa hoàn thành việc chia cắt bao vây quân đoàn của Huỳnh Bá Thao, thì Túc Dụ đứng liên danh với tham mưu trưởng Thương Chấn, đề xuất với Quân ủy Trung ương là trong chiến dịch Hoài Hải, phải tiêu diệt toàn bộ quân địch tập kết tại Từ Châu. Đó là một kiến nghị hết sức trọng đại.

Trong bức điện này, hai người đã phân tích hai khả năng mà địch có thể thực hiện: hoặc dựa vào chủ lực tại Từ Châu, cộng thêm một số quân đội tăng viện khác, tiếp tục quần thảo với Hồng quân ta tại Giang Bắc, để tranh thủ thời gian bố trí phòng tuyến tại sông Trường Giang. Hoặc nhanh chóng từ Giang Bắc, triệt thoái về phía Nam để củng cố phòng tuyến tại sông Trường Giang, với ý đồ lấy sông Trường Giang làm con sông phân chia ranh giới, rồi củng cố phía Nam, chờ cơ hội để tấn công lên phía Bắc.

Túc Dụ và Trương Chấn cho rằng, bất luận quân địch dùng một trong hai phương châm nào, đều có chỗ lợi và chỗ hại. Nếu so sánh, thì khu giải phóng cũ có thể tiếp tục ủng hộ cho các hoạt động chiến tranh, nên kéo địch ra chung quanh vùng Từ Châu, rồi tiêu diệt tại chỗ, là rất có lợi cho mình. Bức điện này được Trung ương khẳng định. Mao Trạch Đông trong bức điện phúc đáp nói: "Cần phải tích cực tiêu diệt địch tại chung quanh vùng Từ Châu, đừng để cho chúng vọt được về phía Nam".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2023, 02:58:31 pm »


Giai đoạn một của chiến dịch tiến hành được thuận lợi. Binh đoàn của Huỳnh Bá Thao bị bao vây tại vùng Niễn Trang ở phía Đông Từ Châu, và bị tiêu diệt toàn bộ. Binh đoàn của Huỳnh Duy từ Vũ Hán xa xôi kéo tới chi viện, bị bao vây tại vùng Đôi Tập, và không thể thoát đi đâu được.

Dưới cờ của Đỗ Duật Minh, có các binh đoàn của Khâu Thanh Tuyền, Lý Di, Tôn Nguyên Lương, đang tập kết tại ngôi thành Từ Châu cô lập. Hướng di động của họ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với việc tác chiến bước tới của quân ta.

Túc Dụ lại chứng tỏ trí tuệ tuyệt vời, hơn hẳn mọi người của mình. Ông đã dự kiến một cách chính xác tập đoàn Đỗ Duật Minh sẽ hành động ra sao? Ông phán đoán:

"Nếu tập đoàn Đỗ Duật Minh cố thủ Từ Châu, thì cũng không tạo được sức uy hiếp nào đối với quân giải phóng. Vì trong tay của Tưởng Giới Thạch không còn đội binh cơ động nào đưa tới chi viện. Như vậy, giữ Từ Châu là con đường dẫn vào cửa tử. Đỗ Duật Minh rõ ràng không bao giờ làm như vậy.

Nếu ông ta muốn tháo chạy, thì chỉ có ba con đường để chọn lựa:

Con đường thứ nhất là theo đường Lũng Hải ở phía Đông, từ đó rút xuống Liên Vận Cảng, rồi lên tàu để chạy về phía Nam. Nhưng Hồng quân đã tập kết chủ lực mạnh mẽ ở tại đó rồi. Nếu ông ta tháo chạy bằng con đường này, sẽ bị chủ lực đánh chặn hoặc truy kích. Cho dù có tháo chạy được tới Liên Vận Cảng cũng không có cách nào tìm đủ tàu thuyền để chở hết hai chục vạn quân chạy về phía Nam, mà chỉ có cách duy nhất là dựa lưng vào biển để đánh một trận sau cùng với quân ta. Như vậy cũng là con đường chết.

Con đường tháo chạy thứ hai có thể hướng về phía Đông Nam, chạy tới Hoài An, Hoài Âm, rồi xuống trung bộ tỉnh Giang Tô mà chạy về Nam. Con đường này có tránh được chủ lực của ta, nhưng toàn bộ đều là sông ngòi, hồ ao, nếu không có thuyền thì không thể di chuyển được. Quân địch toàn bộ được trang bị cơ giới, tới vùng này tất cả cơ giới đều vô dụng. Hơn nữa, ở đây thuộc vùng giải phóng khu cũ của ta, quân dân địa phương sẽ không bao giờ cho chúng chạy qua một cách dễ dàng, mà họ sẽ lợi dụng địa hình này để ngăn chặn, vây đánh, chờ chủ lực ta tới tiêu diệt.

Con đường tháo chạy cuối cùng có thể men theo cạnh phía Tây tuyến đường Tân Phủ mà đi về hướng Nam. Khu vực này là vùng bình nguyên, mặt đất bằng phẳng lại rộng rãi, tiện cho địch sử dụng cơ giới để hành quân. Nơi đây, lại tiếp cận với binh đoàn của Huỳnh Duy đang trú đóng. Đồng thời, cũng có thể liên hệ với binh đoàn của Lý Diên Niên đóng cách đó không xa. Chắc chắn Đỗ Duật Minh sẽ chọn con đường này. Hắn tìm đường tháo chạy, mà lại muốn cứu cả Huỳnh Duy, và thuận tiện còn bố trí lại phòng tuyến sông Hoài. Như vậy, một mũi tên của hắn sẽ bắn được một lúc ba con nhạn, quả là sáng suốt.

Túc Dụ chỉ rõ: Những sự tính toán của Đỗ Duật Minh là không thể thực hiện được. Vì quân đoàn dã chiến Trung Nguyên, quân đoàn dã chiến Hoa Đông, là hai cánh quân chủ lực của La, đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Nơi đây, có địa thế bằng phẳng, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch tại một chiến trường thuận lợi.

Theo sự phán đoán như thế, Túc Dụ bèn ra lệnh: Tại Lưỡng Hoài, tại phía Đông Từ Châu, bố trí lực lượng chủ lực. Phải tập trung các tung đội chủ lực, bố trí dài từ Từ Châu cho tới Trúc Viện, quyết không để cho Đỗ Duật Minh và Huỳnh Duy được kết hợp với nhau. Phải bao vây chia cắt họ trước khi họ kết hợp, để hoàn toàn tiêu diệt họ.

Về sau, tình thế hiện thực của chiến dịch Hoài Hải, hoàn toàn khớp với những dự kiến và phán đoán của Túc Dụ. Trận đánh nhau tại Hoài Hải, Hồng quân với sáu chục vạn quân đã quyết chiến với địch tám chục vạn binh, và tiêu diệt được năm mươi lăm vạn binh trong số này, làm cho các khu giải phóng của Sơn Đông, phía Bắc tỉnh Giang Tô, và Trung Nguyên hợp nhất lại làm một. Vấn đề ở phía Bắc sông Trường Giang xem như đã giải quyết về cơ bản. Trong tay của Tương Giới Thạch không còn binh đội nào để điều động nữa. Nó đã tạo ra điều kiện tốt để mở chiến dịch vượt Trường Giang sau này.

Mao Trạch Đông từng nói: "Chiến dịch Hoài Hải là một nồi cơm sống, quân ta đã cố nuốt trôi tất cả".

Trong những thời khắc then chốt của chiến dịch này, Túc Dụ đã sử dụng nhiều mưu kế tuyệt vời, lập công to lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 11:20:54 am »


4. LÀ MỘT “NHO TƯỚNG"

Trong hàng tướng lãnh của Trung Quốc, về mặt học lực, văn bằng của Túc Dụ không kể là cao, nhưng ông lại được mọi người tặng cho biệt hiệu là "Nho Tướng". Vậy, ông dựa vào đâu, để có được một cái biệt hiệu trang nhã như thế?

Nói về trình độ học vấn, Túc Dụ chỉ mới học được ba năm rưỡi tại Trường Sư phạm số hai tỉnh Hồ Nam đặt tại Thường Đức, chưa lấy được bằng tốt nghiệp. Do cách mạng thất bại, ông bị cánh hữu của Quốc Dân Đảng truy nã, buộc phải bỏ dở việc học, trốn tới Vũ Hán, gia nhập hàng ngũ quân đội nhân dân.

Từ đó trở đi, Túc Dụ không có cơ hội nào để vào trường học chính quy, tiếp nhận sự giáo dục chính thống nữa. Nhưng, ông không hề buông bỏ việc học tập. Việc học tập của ông được tiến hành bất luận là ở đâu, khi ở trong quân đội tác chiến, hoặc ở trong thời kỳ hòa bình xây dựng. Cũng như trong lúc bản thân gánh lấy trọng trách là người lãnh đạo, hoặc trong những trường hợp bị hãm hại, đả kích, ông không bao giờ buông lơi việc học.

Dựa vào tính tự giác và kiên trì học tập đó, ông đã tìm được sự tiến bộ cho mình. Chẳng những ông học từ trong sách vở, mà càng chú trọng học từ trong thực tế, từ trong đấu tranh.

Trong thời kỳ ở Tỉnh Cương Sơn, ông chỉ là người chỉ huy bình thường, thuộc cấp cơ sở (cán bộ đại đội), là đã chú ý học tập tư tưởng của Mao Trạch Đông về xây dựng quân đội, xây dựng căn cứ địa, và tư tưởng chỉ đạo tác chiến, cũng như kỹ thuật tác chiến.

Khi vào bộ đội của Diệp Đĩnh, Túc Dụ mới bắt đầu được huấn luyện về quân sự. Nhưng sự huấn luyện đó là theo lối cũ. Khi lên Tỉnh Cương Sơn, cách huấn luvện theo lối cũ không còn thích ứng với tình thế đã thay đổi, không còn thích ứng được yêu cầu của Hồng Quân. Cho nên bắt buộc ông phải học lại từ đầu. Đối với hàng loạt những nguyên tắc về xây dựng quân đội do Mao Trạch Đông đề xướng, như Đảng chỉ huy quân đội, dân chủ trong quân sự, bình đẳng giữa sĩ quan và binh sĩ, ông tỏ ra hết sức ủng hộ, và bản thân cũng nghiêm túc thực hành.

Túc Dụ rất chú trọng về mặt dân chủ trong quân sự. Ông chỉ huy tác chiến, bao giờ cũng làm cho người chung quanh có một ấn tượng là ông dự đoán sự việc như thần, và lúc nào cũng có những mưu kế tuyệt diệu để đánh địch. Có ai biết được ông đã bỏ ra bao nhiêu thì giờ để đi điều tra, nghiên cứu, thảo luận. Lúc ở phía Bắc tỉnh Giang Tô, để chỉ huy tác chiến, ngày ngày ông đều phải hành quân đánh giặc, đâu có nhiều thì giờ để điều tra, nghiên cứu. Cho nên ông thường cưỡi ngựa mà ngồi quay mặt ra sau, để vừa đi vừa thảo luộn với các sĩ quan cùng hành quân chung. Khi hành quân kết thúc, thì vấn đề cũng đã thảo luận ngã ngũ. Dần dần ông trở thành người có kỹ thuật cưỡi ngựa ngồi quay mặt ra sau lưng rất cao, ít ai sánh kịp.

Ông còn biết học tập trong những sự sai lầm của mình. Như lúc ở Tỉnh Cương Sơn, Túc Dụ có một binh sĩ thông tin rất thích đánh bạc. Dù bị phê bình nhiều lần, nhưng binh sĩ này không sửa đổi. Túc Dụ giận quá, bèn phạt anh ta đứng nghiêm, hai tay đưa thẳng lên trời, đầu gối cong xuống nửa chừng. Đây là cách phạt trong quân đội cũ. Dù người có sức khỏe tới đâu, cũng không chịu đựng được bao lâu. Ông tưởng mình trừng trị người lính thông tin như vậy là sau này anh ta sẽ bỏ thói cờ bạc. Nào ngờ không phải như vậy, qua một thời gian sau, người lính này lại đi đánh bạc như thường.

Việc đó làm cho Túc Dụ phải nghiêm túc suy nghĩ. Nếu chỉ phê bình, trừng phạt, thì xem ra không có hiệu quả chi mấy, vậy cần phải thay đổi phương thức, Túc Dụ tìm anh ta và nói chuyện với anh ta thực lâu. Túc Dụ dẫn chứng nhiều cái hại của cờ bạc, phân tích phải trái, chịu khó giảng giải rất chân thành cả nửa ngày trời, rốt cục đã thuyết phục được người lính thông tin. Anh ta rơi lệ và thề sẽ không cờ bạc nữa. Về sau, quả nhiên anh ta đã thay đổi hẳn.

Từ việc trên, Túc Dụ có được một kinh nghiệm: đối với đồng chí của mình, cái lưỡi quan trọng hơn quả đấm. Công tác tư tưởng là trọng yếu nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 11:22:16 am »


Lúc từ tỉnh Phúc Kiến kéo lên Hàng Châu, Túc Dụ đảm nhiệm công tác cảnh vệ cho Mao Trạch Đông. Lúc bấy giờ, chung quanh quân địch dày đặc, Mao Trạch Đông lại đang bị bệnh. Thế nhưng ông ấy lúc nào cũng đọc sách và viết lách. Trong phòng gần như ánh đèn thắp thâu đêm. Việc siêng năng học hỏi và khổ luyện của Mao Trạch Đông đã làm cho Túc Dụ học được một bài học lớn, và cảm thấy rất kinh ngạc.

Trong cuộc chiến tranh chống bao vây tiêu diệt căn cứ trung ương của địch, Túc Dụ đã cố gắng thực hành đúng ý đồ chỉ huy của Mao Trạch Đòng. Đối với chiến lược chiến thuật, linh hoạt và cơ động của Mao Trạch Đông, Túc Dụ học thấu đáo đến tinh túy của vấn đề. Từ đó về sau, trong việc tác chiến độc lập của ông, bao giờ ông cũng sử dụng linh hoạt những điều ông đã học tập. Những trận đánh đắc ý của ông, như là trận đánh Huỳnh Kiều, đánh thẳng vào chỗ địch mạnh trước, cũng như bảy trận đánh bảy trận thắng, và trong những trận tiêu diệt địch ở ngoài biên căn cứ địa, trận đánh Mạnh Lương Cố, không đánh vào một cánh quân địch yếu, mà đánh thẳng vào trung ương với lực lượng quân địch mạnh. Tất cả chiến lược, chiến thuật đó, đều được ông sử dụng một cách linh hoạt và đã thành công trong thực tiễn.

Vùng hoạt động của Tân Tứ Quân là Giang Tây, Triết Giang, Thượng Hải. Nơi đây trình độ giáo dục văn hóa đều rất phát triển. Những hành động bạo ngược của quân Nhật đã kích động lòng yêu nước của các thanh niên trí thức, nên họ ùn ùn chạy vào căn cứ địa để kháng Nhật, tham gia công tác.

Phải đối đãi với những người học sinh, sinh viên đầy nhiệt tình yêu nước này như thế nào đây? Đó quả là một vấn đề nan giải.

Do nguyên nhân lịch sử, lúc bấy giờ trong Đảng và trong quân đội, thành phần công nông chiếm đa số. Nhất là vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng tả khuynh, mọi người đối với những phần tử trí thức có ý xem thường và không tín nhiệm.

Nhưng Túc Dụ không nghĩ như vậy, ông cho rằng quân sự là một môn khoa học có tính tổng hợp rất cao. Chỉ dựa vào lòng gan dạ, dũng cảm không chưa đủ, mà cần phải có trình độ văn hóa cao. Nay có nhiều thanh niên trí thức gia nhập, đối với việc nâng cao sức chiến đấu trong quân đội là có lợi, chứ không có hại. Do vậy, ông yêu cầu tất cả những người dưới quyền chỉ huy của ông, phải quán triệt phương châm đúng đắn đối với những phần tử trí thức, đó là: nhiệt tình hoan nghênh, dùng lễ đối xử, trao cho nhiệm vụ quan trọng, bảo hộ và quan tâm, để họ đi đứng tự do.

Trong Tân Tứ Quân, Túc Dụ còn kiêm nhiệm một sư trưởng. Cán bộ ở cấp đại đội chiếm sáu mươi phần trăm là trí thức. Sư này có sức chiến đấu mạnh nhất, có chiến công cao nhất, đó là điều không thể tách rời với thái độ là cách biết dùng người trí thức của Túc Dụ.

Túc Dụ hết sức chú trọng đến việc xây dựng binh chủng kỹ thuật. Trong một thời gian dài, quân đội nhân dân chỉ có bộ binh và một số pháo binh rất hạn chế. Nhưng theo đà tiến lên của cuộc chiến tranh giải phóng, quân đội lần lượt chiếm được nhiều trang bị khí tài của giặc. Túc Dụ với một tư tưởng nhạy bén, đã nhận thức rằng, lợi dụng trang bị lấy được của địch để xây dựng các binh chủng kỹ thuật, đối với việc phát triển về lâu về dài của quân đội ta, là rất quan trọng. Cho nên quân đội dã chiến ở Hoa Đông, không chỉ có bộ binh, pháo binh, mà còn xây dựng được công binh, thiết giáp, xe tăng, quân đo đạc, trinh sát kỹ thuật v.v...

Sau ngày nước Trung Quốc mới được thành lập, Túc Dụ đã lần lượt đảm nhận các chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, Tổng tham mưu trưởng, Viện trưởng Học viện Khoa học quân sự v.v... Ông đã cố gắng xây dựng bộ đội hiện đại. Ông chủ trương, lục quân cần phải giảm bớt quân số, và tập trung tài lực, vật lực để phát triển pháo binh, thiết giáp binh, công binh, truyền tin binh, đội ra-đa, đội phòng chống chiến tranh hóa học. Ngay từ hồi thập niên năm mươi, mà ông đã dự đoán từ nay về sau, chiến tranh sẽ từ chỗ đấu nhau bằng súng trường, chuyển sang đấu nhau bằng đại bác, bằng tên lửa là chính. Cho nên, việc khống chế bầu trời, khống chế mặt biển là rất quan trọng trong chiến tranh tương lai.

Sức khỏe của Túc Dụ không tốt lắm. Trong những năm chiến tranh, ông trước sau bị thương sáu lần, đặc biệt là có hai lần bị trúng đạn vào đầu, nay vẫn còn để lại di chứng đau đầu, chóng mặt, không thể chữa dứt. Nhưng, khi ông làm việc, thì một người thanh niên khỏe mạnh cũng không theo kịp. Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, ông thường đội một chiếc nón làm mát đầu để chỉ huy tác chiến. Sau khi giải phóng, ông giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp, theo quy định, ông có thể làm việc tại nhà, nhưng ông vẫn kiên trì mỗi ngày đi làm tại công sở, và lại thường làm thêm ca, thêm giờ.

Trong thời gian "Đại cách mạng Văn hóa", ông đang chủ trì tại Học viện Khoa học quân sự, và đã bị bọn tạo phản tấn công. Học viện Khoa Học quân sự là nơi tập trung rất đông những nhân tài khoa học, là kho tồn trữ về tư tưởng, để xây dựng quân đội hiện đại hóa. Vì để bảo vệ những người giỏi khoa học kỹ thuật này, Túc Dụ không sợ đắc tội với bọn tạo phản dù chúng tự cho mình là đỏ đến phát tía. Ông sẵn sàng vượt lên những nguy hiểm, để bảo vệ cho tất cả những cán bộ ở đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 11:22:55 am »


Tháng Giêng năm 1976, "Tứ Nhân Bang" đã dấy lên một phong trào "phê Đặng và phản kích cánh hữu khuynh lật lọng". Túc Dụ lúc đó tuổi đã cao, lại thường bệnh hoạn, cảm thấy hết sức buồn khổ, tức giận. Ông quyết định viết một cuốn hồi ký, để thông qua những ngày chiến đấu của mình, phân tách sâu sắc quy luật và đặc điểm chiến tranh chống xâm lược trong tương lai. Sau ngày đập tan "Tứ Nhân Bang", quyển hồi ký đó được chỉnh lý thành hai quyển sách "Thiên vạn lý chuyển chiến" (Đánh xoay vòng nghìn vạn dặm) và "Túc Dụ chiến tranh hồi ức lục" (Hồi ký chiến tranh của Túc Dụ). Hai quyển sách này, không phải đơn thuần hồi ức về lịch sử, mà trong đó có rất nhiều đoạn phân tích sâu sắc, cụ thể, chứng tỏ tác giả đối với chiến tranh có một sự nhận xét giàu lý trí, nên nó rất đáng đọc, có tính tư tưởng rất cao.

Nói đến sở thích của Túc Dụ, thì đầu tiên phải nói đến "súng". Điều đó có lẽ do nửa đời dấn thân trong chiến tranh, nên ông có sở thích đó chăng? Trong thời kỳ chiến tranh, tất nhiên súng không bao giờ rời khỏi người. Sau giải phóng, ông vẫn có hứng thú sưu tập các loại súng. Những súng mà ông sưu tập, gồm có những thứ súng lấy được của địch, cũng có những thứ súng do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo, mà cũng có những thứ súng do bạn bè người nước ngoài tặng cho. Ông rất trân trọng những thứ súng mà ông sưu tập được. Là một quân nhân, ông hiểu rất rõ, trong những cuộc chiến tranh xâm lược sắp tới, chỉ có tự mình tự lực cánh sinh thì mới không bị đánh bại mà thôi. Năm 1960, bộ đội nghiên cứu và chế tạo được loại súng bán tự động kiểu 56. Súng này có xạ trình xa, bắn chuẩn, giá trị thực dụng rất tốt. Túc Dụ rất yêu thích loại súng này. Ông lấy cây súng bộ binh mà bộ đội đã tặng cho ông, làm thêm một cái cán cầm phía dưới bá gỗ. Như vậy tuy tay trái của ông bị tàn phế, mà vẫn có thể thao tác được như thường. Cây súng này đã trở thành vật yêu thích nhất của ông. Khi đi săn ông vẫn dùng nó.

Sự yêu thích súng của ông, chẳng những phản ánh lòng mến tiếc từng niên đại trong thời kỳ chiến tranh, mà với tư cách là một người lính già, giây phút nào ông cũng sẵn sàng vì dân tộc, vì quốc gia, mà trở ra chiến trường để giữ nước.

Yêu thích thứ hai của ông là sưu tập bản đồ. Trong phòng làm việc và trong phòng ngủ của ông, phàm những nơi nào có thể lợi dụng được, ông đều treo đầy bản đồ. Ông thường lấy kính lúp để soi kỹ từng điểm trên bản đồ, và xem đó là một cách nghỉ ngơi tốt nhất của ông. Đối với ông, nếu không biết xem trọng bản đồ, không biết về bản đồ, thì không đủ tư cách để làm một người chỉ huy.

Có một hôm, con gái ông gọi ông ăn cơm, trong khi ông đang tập trung nghiên cứu bản đồ, nên không trả lời. Con gái ông hỏi ông có thể nhớ được bao nhiêu địa danh đó không? Ông tươi cười gật đầu, và chỉ cho con gái thấy nhiều điểm chi li trên bản đồ. Rốt cục, ông chẳng những đối đáp đúng hoàn toàn những câu hỏi do con gái đặt ra về các địa phương, dù nó rất hẻo lánh, mà có những con sông nhỏ, quả núi nhỏ, cầu, trên bản đồ không có ghi rõ, ông vẫn biết rõ mồn một.

Đối với đường lớn, hẻm nhỏ ở Bắc Kinh, ông hiểu rõ như lòng bàn tay của mình. Ông thường ngồi xe hơi công cộng, đi từ điểm khởi đầu cho tới điểm cuối cùng để khảo sát. Thậm chí, ông đi bộ vào các ngõ hẻm nhỏ để tìm hiểu. Một số đường xe công cộng mới mở, ông cũng thường đi và biết rõ thứ tự từng trạm một. Những lúc cao hứng, Túc Dụ thường hát những bài ca hoặc những trích đoạn của những vở hát. Những bài đồng dao mà ông học hồi còn nhỏ, suốt đời ông không bao giờ quên. Ông thích hát nhất, tất nhiên là "Bài ca Tân Tứ Quân". Cứ mỗi lần ông hát tới câu "Tiến về Đông! Chúng ta là Tân Tứ Quân rắn như sắt thép!" thì giọng hát của ông rất hùng hồn, tinh thần của ông rất chuyên chú. Có lẽ lúc đó tâm hồn ông lại trở về chiến trường xưa, đầy khói súng và đầy tiếng nổ...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 11:24:20 am »


Túc Dụ chẳng những có nghệ thuật chỉ huy quân sự rất cao siêu, mà lại có thể làm thơ, đề từ rất hay, đó là điều hiếm thấy trong các tướng lãnh cao cấp của Trung Quốc. Ông có một bài thơ như thế này:

 
Bán thế sinh nhai nhung mã gian,
Nhất sinh hệ đắc kỷ nguy an.
Sa trường bách chiến đàm tiếu quá,
Tế ngộ số phiên lịch tân gian.
Tùng thương cảm hướng vân tranh lập,
Thảo kình khỉ cụ tật phong hàn.
Sinh tử trầm phù tầm thường sự,
Lạc tương hoằng nguyện phó thanh sơn.


Dịch:

Nửa đời sống giữa binh nhung,
An nguy âu chuyện bình thường xẩy ra.
Sa trường bách chiến kể qua,
Bao phen gian khó mà ta vẫn thường.
Tùng xanh mây trắng cố vươn,
Cỏ già trước gió xem thường sợ chi?
Phù trầm sinh tử lạ gì,
Núi xanh ta gửi chí to cho tròn.


Ý thơ bộc lộ tâm hồn cao rộng của người làm tướng, thái độ không hề biết sợ gian nguy, và luôn luôn lạc quan của một người được trui rèn trong chiến đấu.

Sưu tập bưu hoa cũng là một sở thích nghiệp dư của Túc Dụ. Trong "Đại cách mạng văn hóa" thế lực cực tả đã miệt thị nghệ thuật sưu tập bưu hoa, bảo đó là "tác phong của giai cấp tư sản", và có một thời gian bị hạn chế. Năm 1971, Túc Dụ được giao trách nhiệm là thành viên của tổ nghiệp vụ thuộc Quốc vụ Viện, và được phân công lo về giao thông bưu chính. Khi nghe việc sưu tập bưu hoa bị cấm chỉ, thì ông vừa tức cười lại vừa tức giận. Sưu tập bưu hoa là một thú chơi mà trẻ già đều thích hợp, từng được đông đảo quần chúng tham gia, vậy làm sao bảo nó là "Tứ cựu" (bốn cái cũ) được? Ông bèn chỉ thị cho Bộ Bưu điện phải khôi phục lại hoạt động sưu tập bưu hoa, và tiến hành xuất khẩu bưu hoa ra nước ngoài.

Đứa con trai đầu lòng của Túc Dụ sinh ra trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật đầy máu lửa. Cậu bé sống tại nhà ông ngoại ở Dương Châu đến hai tuổi. Từ đó trở đi, cậu bé tên gọi Nhung Sinh này được sống bên cạnh cha và theo bộ đội hành quân đánh giặc.

Đời sống trong bộ đội hết sức gian khổ, thế mà cậu bé hai tuổi, vẫn phải chịu đựng giống y như người lớn. Kẻ thù phong tỏa, càn quét, dẫn tới bao nhiêu khó khốn. Ăn uống không được chọn lựa, đói rét không được kêu ca, ban đêm không được la khóc.

Đề rèn luyện tính can đảm cho con trai, dù nó mới hai tuổi, ông đã dạy cho nó bơi lội. Cách dạy bơi lội của ông rất đặc biệt: Ông bảo con trai ôm lấy một ống tre to, rồi nhảy xuống dòng suối. Đứa bé còn quá nhỏ, tất nhiên là không đủ can đảm để nhảy. Túc Dụ liền bồng con trai lên, và ném nó xuống nước. Chỉ sau mấy lần, đứa bé đã dám tự nhảy, và đã biết bơi.

Cách làm như vậy, thoạt nghe như có vẻ quá nhẫn tâm, nhưng điều đó, lại ngầm chứa tình yêu con hết sức thâm trầm của một người cha. Là quân nhân, là cha, Túc Dụ hy vọng con trai mình khi lớn lên, sẽ trở thành một chiến sĩ dũng cảm. Năm Nhung Sinh sáu tuổi, Túc Dụ cho con trai mình một món quà đặc biệt, quý giá: một khẩu súng lục lấy được của quân địch. Nguyện vọng của Túc Dụ đối với con trai, là lớn lên nó sẽ làm lính, để hiến thân cho nhân dân và Tổ quốc.

Nhung Sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Đó là những năm sáu mươi, tập đoàn Tưởng Giới Thạch đang hò hét "phản công đại lục" rất dữ dội. Nhung Sinh với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn gia nhập quân đội, nhưng Túc Dụ dạy con phải học tập thêm về khoa học kỹ thuật hiện đại, thì mới có thể cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và quân đội được nhiều hơn. Lời giáo dục của cha làm cho ý tưởng của Nhung Sinh thay đổi, và cậu đã thi được vào trường bách khoa của thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Năm 1966, Nhung Sinh đã tốt nghiệp trường này.

Là con em của một tướng lãnh cao cấp, là một học sinh Trường Võ bị có phẩm chất và thành tích tốt, Nhung Sinh vốn có thể ở lại thành phố lớn để làm việc. Nhưng cậu không hề đề ra một yêu cầu nào cho mình, mà vui vẻ nhận sự phân phối chung, đến biên cương miền Nam của Tổ quốc để làm một chiến sĩ bình thường.

Nhung Sinh đã trưởng thành trong một trường đại học quân đội. Sự thể hiện tài năng ưu việt của cậu, khiến cậu đã đi từng bước một từ tiểu đội trưởng, lên trung đội trưởng, và sau này đảm trách những chức vụ lãnh đạo cao hơn, trở thành một người chỉ huy quân đội. Điều kiện khó khăn ở biên cương miền Nam tổ quốc, là một bài học tốt để Nhung Sinh tiếp tục rèn luyện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 11:25:25 am »


Năm 1969, Túc Dụ, một tướng lãnh cả đời liêm khiết, lần đầu tiên đã mở "cửa sau".

Năm ấy, Nhung Sinh được lệnh điều động từ đơn vị cũ, trở về nội địa để tiếp tục công tác trong quân đội. Đời sống và những điều kiện sinh hoạt khác, đều được cải thiện rất tốt. Nhưng, Túc Dụ thông qua "quan hệ" của mình, yêu cầu điều động Nhung Sinh từ đơn vị đang phục vụ, đến biên cương phía Bắc đầy tuyết giá.

Lúc bấy giờ, suốt dọc biên giới Trung-Xô, chuyện đổ máu vẫn thường xảy ra. Tình thế ở biên giới phía Bắc có thể bùng nổ chiến tranh bất cứ lúc nào. Một số người tham sinh úy tử, đã nghĩ đủ cách chạy chọt để được điều từ tiền tuyến về hậu phương, làm ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Giữa giây phút gay go đó, người lão quân nhân Túc Dụ, lại đi “cửa sau" để điều động con trai mình, từ nội địa trở ra tiền tuyến!

Ông không thương con trai mình sao? Nhưng, ông biết có làm như vậy mới thực sự là thương con. Ông không xem con trai của mình là tài sản riêng, mà xem con mình cũng như lớp con cháu sau này, phải gắn liền với vận mạng của dân tộc và tổ quốc.

Chiều ngày năm tháng hai năm 1984, Túc Dụ qua đời vì bệnh.

Trước khi tắt thở, Túc Dụ đã dặn đi dặn lại: không cử hành lễ viếng di thể, không cử hành lễ truy điệu. Ông chỉ có một lời yêu cầu là đem tro cốt của ông rải khắp nơi trên những miền chiến trường mà ông đã đánh nhau với kẻ thù, ở tại các tỉnh Giang Tây, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Thượng Hải, Hà Nam v.v... Ông muốn mình sẽ mãi mãi ở bên cạnh những chiến sĩ đã nằm xuống trên khắp các chiến trường này và không được thấy ngày thắng lợi.

Ngày một tháng tư, chiếc xe chở tro cốt của người tướng lãnh ấy lần lượt chạy về khắp tất cả các vùng mà trước đây ông từng chiến đấu...

 

Tiếng súng ở Nam Xương đã mở ra một chương mới trong lịch sử Trung Quốc.

Trong lều cỏ tại Tỉnh Cương Sơn, một chàng quân nhân đã lần lượt trưởng thành.

Trong các trận đánh trên khắp miền Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Nam, với hành trình nghìn dặm, Túc Dụ lần đầu tiên phát triển tài hoa của mình.

Tại Vị Cương, "Một kiếm trừ xong tiểu Lâu Lan", đã đốt cháy ngọn lửa chiến tranh kháng Nhật, ở hai bên bờ sông Trường Giang.

Qua trận huyết chiến tại Huỳnh Kiều, bình định được phía Bắc tỉnh Giang Tô, rồi tiến vào phía Nam Triết Giang để phá khuấy địch, người anh hùng dân tộc Túc Dụ, đã lập được công lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Bảy trận đánh bảy lần thắng, đã xây dựng cơ sở đầu tiên cho người tướng quân, và làm cho nhuệ khí của địch bị tụt xuống. Sau đó, trong các trận chiến tại Túc Bắc, Lỗ Nam, Mạnh Lương Cố, Sa Thổ Tập, Khai Phong, Túc Dụ đã chiến thắng liên tiếp. Rồi lại đánh chiếm Lạc Dương, Khai Phong, Tế Nam, Từ Châu của địch, cũng như giành đi giành lại với địch những nơi đó. Qua trận đánh Hoài Hải, Túc Dụ là người đã có công bình định được Trung Nguyên.

Hằng triệu hùng binh vượt qua sông Trường Giang, Túc Dụ là một trong những vị thống soái. Ông và bao nhiêu anh hùng trong quân đội đã cắm lá cờ đỏ lên nóc "phủ tống thống” tại Nam Kinh, và cũng đã cắm lá cờ đỏ bay tung nơi ven sông Hoàng Phố.

Trong nửa đời chinh chiến, ông đã có trên mười mấy vạn chiến hữu, đã vĩnh viễn nằm xuống trên con đường đi tới thắng lợi.

Hôm nay, Túc Dụ đã đến thăm các chiến hữu của mình, và vĩnh viễn không bao giờ xa rời họ nữa!

Cây cỏ núi sông nhuộm máu đào, hương hồn của người chiến sĩ trung liệt bay cao tận mây xanh.

Chỉ là một hạt "Túc" (bắp) trong biển cả, mà tên tuổi của ông sống mãi mãi với đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 02:26:12 pm »


NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ
ĐẠI TƯỚNG TỪ HẢI ĐÔNG



1. ANH THỢ GỐM ĐỎ

Ai có đọc quyển "Tạp ghi trong chuyến đi về phía Tây" của một ký giả ngoại quốc, ông Edgar Parks Snow sẽ không quên dòng chữ "Từ Hải Đông, người thợ gốm đỏ". Trong mười năm nội chiến và chiến tranh kháng Nhật, dưới mắt của các ký giả ngoại quốc, Từ Hải Đông là một nhân vật thần bí "danh tiếng lẫy lừng". Ngoài việc ông từng làm công nhân gốm ở Hồ Bắc ra, thì mọi người ở bên ngoài biết rất ít về ông. Ấn tượng mà Từ Hải Đông gieo vào lòng những ký giả ngoại quốc đã từng gặp ông, là "người lãnh tụ đảng Cộng sản có ý thức giai cấp mạnh mẽ nhất mà tôi được gặp - bất luận về mặt thái độ, về ngoại hình, về cách ăn nói, về bối cảnh của cuộc đời, đều như vậy cả", "Là một người thuộc giai cấp vô sản thuần túy". Từ Hải Đông không bao giờ giấu mình là "công nhân lò gốm", là "cu li". Ông từng nói: "Nếu không có Đảng, không có Chủ tịch Mao, đến nay tôi vẫn là một anh công nhân lò gốm". Nguyện vọng to nhất của anh, là sau khi cách mạng thành công, sẽ trở về làm một anh thợ xây lò gốm. Vì anh xây rất nhanh và rất khéo. Vậy, một công nhân lò gốm, làm thế nào để trở thành danh tướng một thời. Đó là tất cả những sự truyền kỳ về cuộc đời của Từ Hải Đông.

Một nhà tâm lý nước ngoài là ông Sigmund Freud có lý luận như thế này: "Những từng trải của một con người trong thời thơ ấu sẽ quyết định một phần lớn nội dung tính cách và hành vi của người đó suốt cả cuộc đời. Nó cũng quyết định phương hướng phát triển trong sự nghiệp của người đó về sau này". Tác giả Châu Lạp Ba sau khi gặp mặt Từ Hải Đông, có ghi vào sổ nhật ký của ông những dòng chữ như sau: “Tính ông rất thành thực, rất thuần hậu và ôn hòa, mà cũng rất dũng cảm". Ký giả nước ngoài nói trên cho Từ Hải Đông là "thuần túy giai cấp vô sản", có tính chân thành, nhưng lại cố chấp. Tất cả những điều đó, đều bắt nguồn từ điều kiện xuất thân của Từ Hải Đông.

Ở vùng núi Đại Biệt thuộc tỉnh Hồ Bắc, mỗi nhà dù nghèo hay giàu, đều có những thứ đồ sành, gốm trong nhà để dùng, như lu, hũ, chậu, chai. Những thứ đó đều được dùng đất sét vàng nung thành. Nó là sản phẩm từ xã hội nguyên thủy, cho đến xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân của Trung Quốc cũ, đều có sản xuất. Cũng không biết từ thời đại nào, những người nung đồ sành gốm đều được gọi là "Nê ba nhân" (Người bùn), "Giao hoa tử" (thợ gốm). Năm 1900, Từ Hải Đông đã chào đời trong một gia đình làm thợ gốm ở tại huyện Hoàng Bì, tỉnh Hồ Bắc.

Quê hương của Từ Hải Đông, "Hoàng gia lão dao" (lò gốm cũ nhà họ Hoàng), là một thôn trang nhỏ, không thể tìm thấy trên bản đồ. Ở phía Tây thôn trang này có một lò gốm, do một nhà họ Hoàng xây dựng, nên nó mới có tên như vậy. Về sau, do tổ tiên của Từ Hải Đông đời đời nối tiếp nhau làm gốm, nung gốm ở đây, nên người ta lại gọi nơi này là “Từ Gia Lão Dao” (lò gốm cũ họ Từ). Nhà họ Từ sáu đời đều làm nghề gốm, không có ruộng cày, chỉ có hai mảnh đất giồng nhỏ. Ông có hai người chị, năm người anh, ngoài ra, lại còn bốn người anh họ nội và một người chị họ nội. Kể luôn cả cha mẹ, chú thím, cháu trai, cháu gái, cả nhà ông có tất cả ba mươi hai nhân khẩu. Cha, chú và mấy người anh của Từ Hải Đông đều là thợ gốm. Ngay từ lúc nhỏ, họ đã gắn liền với bùn đất. Mẹ Từ Hải Đông họ Ngô, được mọi người thường gọi là Thím Ngô.

Năm Từ Hải Đông chào đời, thím Ngô đã bốn mươi sáu tuổi. Trong thôn có câu tục ngữ: "Bốn mươi chín phải nín đẻ". Thím Ngô tuy chưa tới bốn mươi chín, nhưng với một người đàn bà lớn tuổi như vậy mà còn sanh con, bị người chung quanh xem như là chuyện xấu. Hơn nữa, bà đã có tới chín người con trai, con gái. Đứa con mới sanh này, nếu so với mấy đứa cháu do mấy người chị dâu lớn sinh ra, thì nó còn nhỏ tuổi hơn nhiều. Do vậy, thím Ngô và chồng đều cảm thấy xấu hổ. Năm Từ Hải Đông chào đời. là năm gặp nạn đói kém, trong nhà không có tồn trữ lương thực, lại không được bên ngoài tiếp tế, đời sống thực khó khăn. Mẹ Từ Hải Đông lại thiếu sữa, nên cha ông muốn đem nhận nước đứa con làm "mất mặt" gia đình này, cho chết đuối đi. Nhưng, người làm mẹ không nỡ vứt bỏ hòn máu của mình, nên cứ ôm con khư khư ngồi bên ao nước, mà không nỡ buông tay cho đứa con trai mình rớt tõm xuống nước. Cũng may, có mấy người chị dâu lớn thấy vậy, cũng tội nghiệp cho Từ Hải Đông, nên thường san sẻ một số sữa tuy rất ít cho đứa em trai út bú. Nhờ vậy mà Từ Hải Đông mới sống và lớn lên được.

Cho dù Từ Hải Đông khi lớn dần lên, có đôi mắt tròn xoe, sáng quắc, đôi má phúng phính, không cười cũng lồ lộ hai lúm đồng tiền, khi cười, hai lúm đồng tiền càng lộ rõ ra, khiến ai thấy cũng yêu thích, thế mà cha cậu vẫn chưa bao giờ bồng bế cậu lần nào và trong lòng cũng không thích chi cậu. Đến năm ba tuổi, mà cha cậu vẫn chưa hề bồng cậu một lần. Từ Hải Đông sống trong ngôi chòi tranh "Người bùn" như thế, chẳng khác chi một con người dư thừa. Chỉ riêng có má cậu là vẫn chăm chút thương yêu cậu. Nhưng, có điều bất hạnh, là đôi mắt của má cậu bỗng bị bệnh. Vì không tiền để chạy chữa, chẳng bao lâu sau, bà không còn thấy đường. Thế là Từ Hải Đông, luôn luôn được dùng một sợi thừng, cột lên cháng hai cành cây du, để cậu tha hồ bò, lăn, nhào lộn chung quanh đó. Và, đông qua xuân lại, thu đến hạ về, cậu không hề bị bệnh hoạn chi cả, mà dần dần lớn lên.

Thuở còn bé, Từ Hải Đông chưa bao giờ được mặc một bộ đồ mới. Vì trong nhà không ai ở không để chăm sóc cho cậu. Sang mùa hè, cậu ở trần ở truồng suốt ngày, và thường lăn chơi dưới đất, nên khắp người dính đầy bùn đất, từ đầu cho tới chân. Mấy người chị dâu thường nói đùa với cậu: "Trông kìa, cậu chẳng khác chi một ống "đậu hũ thối"!”. Từ Hải Đông nghe vậy cảm thấy rất thích, nên ré lên cười. Về sau, mấy người chị dâu của cậu, khi cần tắm rửa cho cậu, đều gọi cậu là "đậu hũ thối". Hễ gọi là cậu chạy tới ngay để cho mấy chị dâu tắm rửa giúp. Đối với mấy bà chị dâu, cậu tỏ ra rất tôn trọng, không kêu chị dâu, mà kêu chị, như chị ruột. Cho nên mấy chị dâu gọi cậu là "đậu hũ thối", cậu không cảm thấy bất bình, mà lại cảm thấy rất thân mật, nên kêu là cậu chạy tới ngay. Về sau, những đứa bé trong thôn xóm cũng kêu cậu như vậy. Vì mọi người cho rằng người cậu rất bẩn, nhà lại nghèo, và khi giận lên thì không sợ ai cả. Những đứa trẻ chung quanh, tuy nhiều lúc bị cậu giận, đấm đá bất kể, nhưng lại luôn luôn thích chơi với cậu, không bao giờ chịu xa rời. Đúng là "Ngửi thì thối, ăn thì thơm". Đặc biệt là những đứa bé có tánh rụt rè nhát gan, thường bị người ta ăn hiếp, thấy cậu dám bênh vực qua những điều bất bình, nên xem cậu như là người đỡ đầu cho mình. Dần dần ba tiếng "đậu hũ thối" trở thành biệt hiệu của Từ Hải Đông. Tên thật của cậu người ta không chú ý, mà chỉ gọi như thế cho đến khi cậu trưởng thành. Đến ngày cậu tham gia cách mạng, mà mọi người cũng vẫn gọi thân mật như vậy.

Sau khi Từ Hải Đông làm quân trưởng quân đoàn 25 Hồng quân, có một lần cậu dẫn bộ đội đi ngang quê hương mình, gặp một người bạn cũ có biệt hiệu là "Xác đậu". Người này trông thấy cậu đã làm quan to, nên rất cung kính, gọi cậu là "Từ quân trưởng". Nhưng, cậu thò tay chụp lấy người bạn của mình, nói đùa "Cậu quên rồi sao? Chúng mình là anh em chí cốt kia mà. Cậu là "xác đậu", còn mình là "đậu hũ", vậy không phải là bạn chí cốt hay sao?". Hai người đều cười xòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 02:27:11 pm »


Do Từ Hải Đông đánh giặc rất dũng cảm, lại thiện chiến, nên quân đội phản động Quốc dân Đảng rất sợ ông. Cứ mỗi khi nghe biệt hiệu "đậu hủ thối" thì cảm thấy "thứ này" không thể chọc tới được. Nếu chọc nó thì không sao chạy thoát đâu. Do vậy, ba tiếng "đậu hũ thối" đối với quân địch, lại có một ý nghĩa đặc biệt khác.

Thuở nhỏ Từ Hải Đông rất lanh lợi và hiếu học. Năm chín tuổi cậu được đưa tới một trường học của một người cậu ruột để học. Trong trường con em nhà nghèo ít, con em nhà giàu đông. Những con em nhà giàu thường kết bè với nhau để ăn hiếp con em nhà nghèo. Từ Hải Đông do vậy dần dần không chơi với họ nữa. Cả lớp có hơn ba mươi học sinh, nhưng chỉ có bốn năm người là chơi thân với cậu. Trong số đó, có một học sinh con nhà giàu, tên Lận Tích Đường.

Từ Hải Đông có sự tự trọng rất cao, trong việc học hành rất nghiêm túc, chẳng hơn một tháng, là cậu đã học thuộc quyển "Bách gia tính", chẳng những có thể nhận ra mặt chữ, mà còn có thể viết cả chữ. Kế đó, cậu học sang "Tam tự kinh", "Giáo nhi kinh", và "Tứ thư". Thầy dạy thường khen cậu trước mặt các bạn cùng lớp. Nhưng, Từ Hải Đông ngay lúc nhỏ đã quen tánh tự do phóng túng, hiếu động, nên bất luận đọc bao nhiêu sách của "Thánh hiền" tánh đó cũng không thay đổi. Có một lần, sau khi tan học, cậu lấy một chiếc ghế ở trong lớp, để tới nhà thờ họ bắt tổ chim. Không ngờ hai tay cậu vừa thò tới tổ chim, thì thanh gỗ mục nơi đó bị gãy và rơi xuống. Từ Hải Đông không kể chi tới chuyện đó, chỉ lo hai tay ôm lấy tổ chim có mấy con chim chưa biết bay, bỏ chạy ra khỏi nhà thờ. Về sau, chuyện này thấu tai mấy cụ già trong thôn. Leo phá làm hư hỏng nhà thờ, làm ô uế nơi thờ cúng tổ tông, là chuyện không phải nhỏ. Người thầy dạy của Từ Hải Đông sợ các bô lão làm ra to chuyện, nên đích thân gọi Từ Hải Đông đến đánh cho một trận nên thân, rồi lại đích thân đi xin lỗi, bỏ tiền ra làm lại chỗ hư hỏng trong nhà thờ. Như vậy, mọi việc mới kể là được giải quyết ổn thỏa. Nhưng từ đó, ông ta đối với Từ Hải Đông tỏ ra lạnh nhạt, vì cho rằng đứa cháu trai này rõ ràng quá hư hỏng, không thể dạy dỗ được. Bọn con em nhà giàu thấy thế, đều xúm lại ăn hiếp Từ Hải Đông. Nhưng Từ Hải Đông không xem chuyện đó ra gì, nên ba năm sau, cậu lại gây ra một tai họa lớn khác.

Có một hôm, một đứa trẻ con nhà địa chủ, ăn mặc sang trọng, cố tình tới gây sự với Từ Hải Đông, trêu chọc cậu là "miếng đậu hũ thối, chó không thèm ăn", rồi lại kéo bè kéo cánh với một số con em nhà giàu khác, tới vây đánh Từ Hải Đông. Vì tự vệ, Từ Hải Đông đã lấy nghiên mực ném thẳng vào đầu đứa học sinh con nhà giàu nọ, khiến nó bị vỡ trán chảy máu. Đám học sinh này lên méc với thầy giáo, rồi lại chạy về nhà khóc la với cha mẹ. Trong khi thầy giáo chưa kịp xử trí, thì cả nhà người địa chủ này đã kéo tới. Không cần biết phải quấy chi, xúm nhau đánh đá Từ Hải Đông, và bảo thầy giáo phải đuổi Từ Hải Đông ra khỏi trường, nếu không, thì họ sẽ mời thầy khác về dạy. Thầy giáo do sợ mất chén cơm, nên không cần biết phải trái chi cả, lấy thước bảng đánh Từ Hải Đông. Vì quá oan ức, không thể nói được với ai, Từ Hải Đông bèn chụp lấy cây thước bảng ném ra khỏi cửa, và ôm mớ sách của mình, đi thẳng ra ngoài, không quay đầu ngó lại. Thế là, Từ Hải Đông với số tuổi mới mười hai, đã không còn được vào trường học nữa.

Ba năm học hỏi ở trường, khiến Từ Hải Đông thu thập được một số tri thức về văn hóa, nhưng cũng cho cậu thấy những nỗi bất bình của xã hội. Trong tâm hồn non dại của cậu, đã cảm thấy sự chênh lệch, sự bất công giữa giàu nghèo, và ngọn lửa phản kháng đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng cậu.

Sau khi Từ Hải Đông bỏ học bèn theo mấy người anh để học nghề làm đồ gốm, xem như đó là "Người bùn" thế hệ thứ bảy của nhà họ Từ. Ban đầu cậu là người học việc, nên phải làm tất cả những công việc lặt vặt, rồi mới lần lần học chế tác những chậu gốm, hũ gốm. Lúc đó, cậu cũng như lớp cha anh mình, từ sáng sớm cho tới chiều tối, lúc nào cũng làm quần quật. Cậu thường ở trần trùi trụi dưới ánh nắng mặt trời, lo nhào đất, móc đất, gánh nước, bổ củi, nên da cậu ngăm đen. Nhất là gương mặt tròn với đôi má phúng phình, đã bị khói trong lò nung làm đen hắc như than đá. Chỉ có hai hàm răng là trắng tinh.

Trong những tháng năm làm lụng cực nhọc như thế, đối với Từ Hải Đông, thì lò gốm là nhà, nhà là một chiếc lò gốm cũ kỹ. Cả nhà cậu đều dốc hết sức mình ra để làm gốm, nhưng vẫn không thể cải thiện được đời sống. Trái lại, ngay như mức sống tối thiểu cũng thành vấn đề. Có một năm nọ tuyết rơi quá nhiều, trong thôn không còn lương thực, cả nhà đều vì đời sống mà ủ rũ buồn lo. Từ Hải Đông bèn gánh một gánh đồ gốm đi ra ngoài để rao bán. Cậu dầm sương chảy tuyết, bôn ba suốt một ngày, mà số tiền bán được không đủ ăn một bữa cơm. Quá đói, không chịu đựng nổi, cậu đã ngất xỉu, té xuống trước một nhà nọ. Cũng may, cụ già trong nhà là người lương thiện, mở cửa trông thấy thế, vội vàng khiêng "anh thợ gốm" vào nhà, rồi cho ăn một chén cháo nóng, anh mới tỉnh dần lại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM