Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:25:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất  (Đọc 2722 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #40 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2023, 10:46:46 am »

13.
Tin của Chi nhánh Thông tấn xã Liên Xô tại Kha-ba-rốp-xcơ về việc ngày 06/3/1953 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cọng sản Liên Xô về việc I.V. Xta-lin từ trần

Ngày 09/3/1953
Mật
Tờ 8-D

Ngày 09/3/1953 THÔNG TẤN XÃ LIÊN XÔ

ĐIỆN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA GỬI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN XÔ


VIỆT NAM, ngày 08/3, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin từ miền Bắc Việt Nam:

Nhận được tin Đại nguyên soái Xta-lin từ trần, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã gửi điện chia buồn tối Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô. Nội dung bức điện như sau:

Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô.

Tin về việc vị Lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, đồng chí Xta-lin từ trần là nỗi đau buồn sâu sắc đối với toàn Đảng và toàn thể nhân dân chúng tôi.

Thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi lời chia buồn anh em của chúng tôi tới Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô.

Sự công hiến của đồng chí Xta-lin cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân lao động Việt Nam, là vô cùng vĩ đại. Đồng chí Xta-lin từ trần là một mất mát không gì bù đắp được của toàn thể nhân loại.


Hơn lúc nào hết, trung thành với Học thuyết Xta-lin, chúng tôi nguyện luôn đoàn kết sát cánh với Liên Xô.

Chúng tôi nguyện đi theo con đường của Mác - Ang-ghen - Lê-nin - Xta-lin và kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc chúng tôi, vì thắng lợi của nền dân chủ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội.

Chúng tôi rất lấy làm tiếc là do khoảng cách xa xôi nên không thể trực tiếp tham dự lễ tang của đồng chí Xta-lin.

Ký tên: Hồ Chí Minh
Ngày 06/3/1953.

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga. Phông 495.
ML.201. HS. 1. Tập 1. Tờ 79. Bản in máy in thủ công.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2023, 10:47:44 am »

14.
Trích Lời phát biểu bế mạc của G. M. Ma-len-cốp tại Hội nghị toàn thể tháng 7/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô

Ngày 07/7/1953

BẢN TỐC KÝ PHIÊN HỌP THỨ NĂM HỘI NGHỊ
TOÀN THỂ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ NGÀY 07/7/1953


[...] MA-LEN-CỐP: ...Nhưng rõ ràng là, đối thủ của chúng ta, những kẻ thù của hòa bình cũng thấy và đang lo ngại theo dõi sự lớn mạnh của các lực lượng chủ nghĩa cộng sản.

Những kẻ đế quốc lo lắng sâu sắc về việc các lực lượng dân chủ và chủ nghĩa xã hội phát triển không ngừng và phe các lực lượng đế quốc ngày càng yếu thế. Trong sự việc đó cần thấy được lý do các lực lượng đế quốc phản động đang tăng cường hoạt động mạnh mẽ và vội vã cố gắng phá hoại sức mạnh ngày càng tăng của phe hòa bình và dân chủ quốc tế mà trước hết là Liên Xô - lực lượng hàng đầu của phe này.


Không có lẽ những kẻ đế quốc có thể cam chịu việc ngày càng có nhiều nước và các dân tộc đang thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của chúng.

Trên cơ sở các lực lượng của chúng ta đang lớn mạnh sẽ không tránh khỏi sự căng thẳng trong quan hệ giữa các lực lượng cộng sản và lực lượng đế quốc. Những kẻ đế quốc lo ngại việc các lực lượng của chúng ta lớn mạnh. Chúng sẽ không ngồi yên trước sự lớn mạnh này.


Đó là lý do tại sao khi tiến hành chính sách hòa bình nhất quán, chúng ta vẫn không thể có bất kỳ sự yếu đuối hay do dự nào.

Chúng ta sẽ thương lượng với kẻ đế quốc khi cần thiết tại những nơi gọi là hội nghị nhưng sẽ không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng ta sẽ không dự hội nghị với bất cứ điều kiện nào, chúng ta không thể có những hành động một chiều.


Chúng ta tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của chúng ta.

[...]

Viện Lưu trữ Lịch sử hiện đại Nhà nước Nga. Phông 2.
ML. 1. HS. 38, Tờ 1 -2,19, 22. Bản sao.

La-vren-chi Bê-ri-a. 1953. Biên bản Hội nghị toàn thể
BCHTƯĐCS Liên Xô và các tài liệu khác/dưới sự chủ biên
của Viện sĩ A.N. Ia-cốp lép; biên soạn V. Na-u-mốp, Iu.
Xi-ga-chốp, M. MPhD, 1999. Tr.350,357
(Nước Nga thế kỷ XX. Tài liệu).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #42 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2023, 10:49:32 am »

PHẦN II
CON ĐƯỜNG GIAN NAN ĐẾN GIƠ-NE-VƠ
Tháng 6/1953 - 4/1954

15.
Báo cáo của Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Liên Xô về ý định của Chính phủ Pháp muốn bắt đầu việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam

Ngày 10/6/1953
Mật. Bản lưu Vụ ĐNA /823

SỰ THĂM DÒ CỦA CHÍNH PHỦ RƠ-NÊ MÂY-E VỀ KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT HÒA BÌNH VẤN ĐỀ VIỆT NAM
(Báo cáo)


Trong 1 tháng rưỡi gẵn đây phía Chính phủ Pháp đã có hai ý định không chính thức muốn nhận được sự ủng hộ của Liên Xô và một ý định muốn nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam:

1) Trong cuộc tọa đàm với đồng chí A. Ia. Vư-sin-xki ngày 29/4 năm nay, Đại diện thường trực của Pháp tại Hội đồng Bảo an Ôp-pe-nô hôi liệu Liên Xô có thể giúp đỡ trong việc giải quyết vấn đề Lào không. Trong cuộc tọa đàm với đồng chí A. Ia. Vư-sin-xki ngày 15/5 năm nay, Ốp-pe-nô tuyên bố Pháp có thể sẽ ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên hợp quốc nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngừng giúp đỡ Việt Nam. Có thể cho rằng khi tuyên bố như vậy, Ôp-pe-nô có ý nói tới việc muốn Liên Xô giúp đỡ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam;


2) Ngày 28/5, bà Ri-cốc, Cố vấn Kỹ thuật của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Pháp Rơ-nê Mây-e, đã đến thăm Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Liên Xô tại Pa-ri là đồng chí Xcô-riu-cốp-va và tuyên bố là bà được Rơ-nê Mây-e cử đến nhằm mục đích tổ chức một cuộc gặp sắp tới của ông với Đại sứ Liên Xô, và hiện bà được giao việc bắt đầu các cuộc hội đàm không chính thức về các giải pháp nhằm cải thiện quan hệ Pháp - Xô và có thể cả việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Bà Ri-cốc đã báo cho đồng chí Xcô-riu-cốp-va biết là vấn đề kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã được định trước rồi và toàn bộ vấn đề hiện ở chỗ ai có thể làm trung gian giữa Pháp và Việt Nam. Tiếp đó, bà cho biết cách đây một tháng Đại sứ Pháp ỏ Mát-xcơ-va Giôc-xơ đã định nêu sáng kiến này, tuy nhiên sau đó ông đã về Pa-ri để xin ý kiến;


3) Ngày 23/5, đồng chí Páp-lốp gặp đồng chí Đuy-cơ-lô và được đồng chí cho biết là khoảng 1 tuần - 10 ngày (ngày 10 - 14/5) trước khi Nội các Rơ-nê Mây-e sụp đổ, Rơ-nê Mây-e có ý định tiếp xúc với Đảng Cộng sản Pháp để làm rõ những điều kiện mà Hồ Chí Minh có thể chấp thuận chấm dứt chiến sự ở Đông Dương. Có thể hiểu sự ám chỉ của Rơ-nê Mây-e là một thứ thỏa hiệp nào đó, chẳng hạn như là miền Bắc Việt Nam sẽ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nắm giữ, còn miền Nam nằm trong tay Bảo Đại.


Đảng Cộng sản Pháp đã lảng tránh việc tiếp xúc với Rơ-nê Mây-e.

Như vậy, sự thăm dò từ phía Chính phủ May-Ơ về khả năng giải quyết hòa bình ở Việt Nam đã diễn ra ba lần: ngày 29/4 và ngày 15/5 với đồng chí A.Ia. Vư-sin-xki; ngày 10-14/5 với Đảng Cộng sản Pháp và ngày 28/5 tại Đại sứ quán Liên Xô tại Pa-ri.
VỤ TRƯỞNG VỤ ĐÔNG NAM Á
/K. NÔ-VI-CỐP/
(đã ký)

   2-nk/KN
   1 bản gửi đồng chí Nô-vi-cốp
   2 bản lưu hồ sơ
   Ghi chú:
   Hồ sơ M.L, 11/8/53

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 079, ML. 8, Cặp 5, HS. 10, Tờ 17-18.
Bản gốc.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #43 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2023, 10:50:38 am »

16.
Bản ghi cuộc tọa đàm của Bộ trưỡng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp với Ngoại trưởng Pháp Gi. Bi-đô về vấn đề Đông Dương tại buổi chiêu đãi tổ chức ở tòa nhà của Hội đồng Kiểm soát quân Đồng minh trước đây ở Béc-lin. (trích sổ ghi chép của V. M. Mô-lô-tốp)

Ngày 11/02/1954
Tối mật

TRÍCH SỐ GHI CHÉP CỦA V.M. MÔ-LÔ-TỐP


Hôm nay, tại buổi chiêu đãi tổ chức ở tòa nhà Hội đồng Kiểm soát đã có cuộc tọa đàm của V.M. Mô-lô-tốp với Ngoại trưởng Pháp Gi. Bi-đô.

Bi-đô tuyên bố rằng ông ta hoàn toàn hiểu được ý định của Đoàn đại biểu Liên Xô muốn có cuộc hội nghị ngoại trưởng của 5 cường quốc. Tuy vậy, hội nghị này, theo ý kiến của ông, sẽ không phải là của 5 nước, mà có thể là 4 nước không có sự tham gia của Mỹ. Bi-đô tuyên bố, đề xuất do Đoàn đại biểu Pháp đưa ra mang tính xây dựng và có thể làm cơ sở để thoát khỏi tình thế bế tắc hiện nay.


Mô-lô-tốp nhắc Bi-đô là đề xuất của Đoàn đại biểu Pháp rất giống với đề xuất của Mỹ ở Liên hợp quốc.

Bi-đô tuyên bố, đề xuất của Pháp có điểm khác biệt cơ bản liên quan đến việc Liên hợp quốc sẽ đứng sang một bên và các ngoại trưởng của 4 cường quốc có quyền đưa ra sáng kiến. Tiếp đó, Bi-đô nêu rằng, không thể tổ chức hội nghị 5 nước còn bởi vì đã mời các nước tương ứng đến dự hội nghị dự kiến và hoàn toàn không tiện khi loại bỏ sự tham gia của họ.


Mô-lô-tốp nói, Đoàn đại biểu Liên Xô mong muốn tìm ra một giải pháp trung gian cho vấn đề này. Tuy nhiên, cần lưu ý là, nếu như không tìm ra được một hình thức phù hợp cho vệc tổ chức hội nghị 5 nước, thì sẽ khó tìm ra một giải pháp cần thiết. Mô-lô-tốp nói thêm, Đoàn đại biểu Liên Xô còn chưa hiểu rõ Đoàn đại biểu Pháp muốn gì trong thực tế.


Bi-đô tuyên bố, đối với ông, chắc chắn là phải tìm ra giải pháp cho các vấn đề Viễn Đông, mà chủ yếu là là những vấn đề có liên quan đến Đông Dương. Tuy vậy, không nên cho rằng nước Pháp đã kiệt quệ và không còn sức mạnh. Bi-đô nhắc lại, Pháp vẫn đủ mạnh nhưng nước này quan tâm đến việc thiết lập hòa bình ở châu Á, cũng như ở các khu vực khác. Vì thế, Bi-đô, không thể nói rõ hơn về những vấn đề khác cho đến khi tìm được giải pháp phù hợp cho vấn đề Đông Dương mà không động chạm đến danh dự quốc gia của đất nước.


Mô-lô-tốp trả lời, trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương, Trung Quốc, một nước láng giềng của Đông Dương, có thể giúp nước Pháp tốt nhất. Thiếu Trung Quốc sẽ khó giải quyết được vấn đề này. Mô-lô-tốp nhắc lại là Đoàn đại biểu Liên Xô mong muốn tìm ra giải pháp phù hợp và tìm kiếm một con đường trung dung.


Kết luận Bi-đô là ông sẵn sàng bàn vấn đề này với Mô-lô- tốp bất cứ lúc nào, còn liên quan đến các đề xuất của Liên Xô thì ông sẽ nghiên cứu thêm lần nữa. Bi-đô đề nghị Mô-lô-tốp cũng nên phân tích thêm lần nữa các đề xuất của Pháp.

Cuộc hội đàm đến đó kết thúc.

Người ghi: K. Xta-ri-cốp (đã ký)

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 06, ML. 13a, Cặp 25, HS. 7, Tờ 24-25.
Bản gốc.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #44 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2023, 10:51:39 am »

17.
Thông cáo về Hội nghị các Ngoại trưởng Liên Xô, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh họp tại Béc-lin

Ngày 25/01 - 18/02/1954
Dịch từ tiếng Pháp


Từ ngày 25/01 - 18/02/1954 tại Béc-lin đã diễn ra Hội nghị các Ngoại trưởng Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viêt, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh gồm V.M. Mô-lô-tốp, Giôn Phô-xtơ Đa-lét, Gioóc Bi-đô và An-tô-ny I-đen. Các Ngoại trưởng đã thỏa thuận về các vấn đề như sau:

I.

"Ngoại trưởng các nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh họp tại Béc-lin,

Nhận thấy việc thành lập một nước Triều Tiên thống nhất và độc lập bằng con đường hòa bình sẽ là yếu tố quan trọng làm dịu căng thẳng quốc tế và khôi phục hòa bình tại các khu vực khác của châu Á;


Đề xuất triệu tập Hội nghị ở Giơ-ne-vơ vào ngày 26/4/1954 gồm đại diện của Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa nhân dân Triều Tiên và những nước khác có lực lượng vũ trang tham chiến ở Triều Tiên mong muốn tham dự, để đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên;


Nhất trí rằng vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem xét tại Hội nghị và mời đại diện của Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và những quốc gia có liên quan khác tham dự.


Trong đó có lưu ý không được coi việc mời tham dự cũng như tiến hành Hội nghị như là sự công nhận ngoại giao cho bất kỳ trường hợp nào, khi mà điều này còn chưa xảy ra".


II.

"Chính phủ các nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh cho rằng, việc giải quyết các bất đồng quốc tế là cần thiết để thiết lập hòa bình bền vững và sẽ dễ dàng hơn nhờ vào thỏa thuận giải giáp vũ khí hay ít nhất là giảm tối đa việc vũ trang, trong thời gian sắp tới sẽ tiến hành trao đổi ý kiến để thúc đẩy cho việc giải quyết thành công vấn đề đó, như đã được đề ra tại Điểm 6 của Nghị quyết Liên hợp quốc ngày 28/11/1953".


Đã có cuộc trao đổi ý kiến toàn diện giữa bôn Ngoại trưởng về vấn đề nước Đức, vấn đề an ninh châu Âu, cũng như vấn đề Áo, nhưng các Ngoại trưởng đã không đạt được thỏa thuận về những vấn đề này.

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 445, ML. 1, Cặp 24, HS. 127 (a), Tờ 279-280.
Nguyên bản bằng tiếng Pháp.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2023, 10:53:04 am »

18.
Trích bản ghi tốc ký Phiên họp của Hội nghị toàn thê Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
tháng 02- 3/1954

Ngày 02/3/1954
Dve-re-va, Gri-gô-re-va, Xtơ-ru-chơ-cô-va

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ
Phiên họp ngày 02/3/1954


Chủ tịch Hội nghị KHƠ-RU-SỐP: Xin phép khai mạc Phiên họp của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Phiên họp này, Hội nghị toàn thể chúng ta sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết về vấn đề thứ nhất. Sau đó, thưa các đồng chí, còn một số vấn đề tổ chức sẽ được trình ra Hội nghị. Và có đề xuất là đưa vào chương trình nghị sự Hội nghị toàn thể báo cáo thông báo về Hội nghị bốn Ngoại trưởng ở Béc-lin, người báo cáo là đồng chí V.M. Mô-lô-tốp. Các đồng chí không phản đối chứ?


Tiếng nói từ hội trường: Không.

Chủ tịch Hội nghị KHƠ-RU-SỐP: Vậy thông qua [...]

Ki-rin-lô-va, Din-chen-cô, Ê-me-li-nô-va

(Phần đầu bài phát biểu của đồng chí Mô-lô-tốp không được ghi tốc ký).

Mô-lô-tốp: ... Trong 5 năm gần đây sau chiến tranh đã hình thành rất rõ những xu hướng phát triển của phe các nước tư bản chủ nghĩa. Hiện nay, mọi người đều thấy là giới cầm quyền Mỹ đang cố giành vai trò lãnh đạo trong phe này. Họ còn có tham vọng lớn hơn và trắng trợn nói đã nhận gánh nặng vai trò lãnh đạo thế giới, mặc dù những tham vọng này dĩ nhiên là chẳng có căn cứ nào cả. Như đã biết, tham vọng là đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến tự cao, tự đại. Chúng thể hiện sự khao khát muốn làm bá chủ thế giới. Sự khao khát đó được thể hiện trong thực tiễn qua việc thành lập khối Bắc Đại Tây Dương vào năm 1949 theo sáng kiến của Chính phủ Mỹ với sự ủng hộ tích cực của giới cầm quyền Anh quốc.


Các quốc gia sau đây đã ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luých-xăm-bua, Đan Mạch, Na-uy, Ai-xơ-len, Bồ Đào Nha, I-ta-Ii-a, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ [...]


Hiện giờ tất cả đều thấy rằng, chính sách "dùng thế mạnh" do các giới cầm quyền Mỹ và Anh tiến hành, đã không đem lại những kết quả tích cực cả trong lĩnh vực chính trị cũng như trong lĩnh vực kinh tế. Chính sách đó cũng đã thất bại trong lĩnh vực quân sự. Chính sách đó đã không chịu được thử thách mà trước hết là ở Triều Tiên, nó đã không đưa Mỹ đến thắng lợi quân sự. Dính líu vào cuộc can thiệp quân sự ở Triều Tiên, Mỹ đã đánh mất thể diện quân sự và uy tín tinh thần của mình.


Chính sách đó tất yếu sẽ gặp phải thất bại ở những nơi nhân dân đã tiến hành cuộc chiến đấu bền bỉ vì quyền lợi dân tộc, vì độc lập, tự do của đất nước mình.

Mặc dù Pháp nhận được mọi sự giúp đỡ từ phía Mỹ ở Đông Dương, nhưng tại đây chính sách "dùng vũ lực" đã không mang lại điều gì tốt đẹp. Tại Đông Dương chính sách thực dân của Pháp và cùng với đó là chính sách ủng hộ chủ nghĩa thực dân do Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tiến hành, đã gặp hết thất bại này đến thất bại khác.


Cuộc chiến tranh kéo dài chống lại nhân dân Đông Dương chiến đấu giành tự do của mình đã không làm cho chính sách "dùng vũ lực" được vẻ vang hơn, mà trái lại, đã đẩy chính sách này đến việc mất hết uy tín.


Cần bổ sung thêm vào đó chính là việc trong 5 năm gần đây, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chỉ đã được thành lập mà còn được củng cố và đặt ra nhiệm vụ cải tạo đất nước bằng con đường XHCN. [...]


Cũng đã đạt được thỏa thuận về việc triệu tập Hội nghị ở Giơ-ne-vơ vào ngày 26/4/1954. Đây sẽ là Hội nghị gồm các đại diện của Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên với sự tham gia của Nam Hàn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và tất cả các nước khác có lực lượng vũ trang tham chiến ở Triều Tiên và mong muốn tham dự, và vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương, cùng với sự tham gia của các quốc gia liên quan đến việc này.


Như vậy, ngày 26/4 tại Giơ-ne-vơ sẽ diễn ra hội nghị có sự tham gia của 5 cường quốc về hai vấn đề căng thẳng nhất liên quan đến tình hình ở châu Á: vấn đề Triều Tiên và tình hình ở Đông Dương. Đồng thời, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ có vị trí hợp pháp của mình tại Hội nghị cùng với các cường quốc khác.


Hiện còn sớm để đánh giá hết được thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị Béc-lin, tuy nhiên thỏa thuận này có thể phục vụ cho việc giải quyết hai vấn đề quan trọng ở châu Á, góp phần tiếp tục làm giảm căng thẳng quốc tế.


Đại Hội đồng của Liên hợp quốc, tổ chức hoạt động dưới sức ép từ phía Mỹ, đã tỏ ra bất lực trong việc giải quyết vấn đề Triêu Tiên. Sức ép đó đã làm cho Đại Hội đồng đưa ra những quyết định không đúng đắn, phá hỏng việc triệu tập Hội nghị chính trị về Triều Tiên. Các đại diện Mỹ cũng hành động theo hướng đó tại các cuộc đàm phán ở Bàn Môn Điếm.


Hội nghị Béc-lin đã giúp tháo gỡ nút thắt này. Giờ đây các đại diện của Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Anh và Pháp cùng với các đại diện của hai miền Triều Tiên có thể xem xét để giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên. Nhiệm vụ đặt ra là phải góp phần làm thống nhất đất nước Triều Tiên trên cơ sở dân chủ và chuyển nước Triều Tiên từ tình trạng đình chiến sang hòa bình bền vững.


Tuy vậy, ở đây cần lưu ý rằng, trong thời gian diễn ra các cuộc gặp gỡ tại Béc-lin, Đa-lét đã ngụ ý không nên trông chờ khả năng có được bất kỳ sự nhân nhượng nào từ phía Nam Triều Tiên, cũng như từ phía Bắc Triều Tiên. Ông ta nói thẳng về việc này là chúng tôi dĩ nhiên sẽ không nhân nhượng Trung Quốc đối với Nam Triều Tiên và chúng tôi cũng không hy vọng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ nhân nhượng chúng tôi đối với Bắc Triều Tiên. Chúng ta bắt buộc phải chú ý đến điều này. [...]


DIN-CHEN-CÔ, Mô-lô-chơ-cô-va, Be-lô-va

Đại diện Pháp tại Hội nghị Béc-lin đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong vấn đề Đông Dương. Chính sách thực dân của Pháp tại đây đã đi vào bế tắc khi vấp phải cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam đòi có quyền được hòa bình và tự do dân tộc; đồng thời chính sách đó đã chất một gánh nặng quá sức lên nhân dân Pháp, ngày càng đòi hỏi ở họ những hy sinh mới và hơn nữa lại là vô nghĩa.


Tại Hội nghị Béc-lin có thể thấy rõ Bi-đô bằng mọi cách cố đạt được việc triệu tập Hội nghị, nơi có thể thảo luận vấn đề Đông Dương. Thêm vào đó điều này đã tác động đến việc hình thành những đề xuất về vấn đề này. Các dự thảo ban đầu của Đa-lét và Bi-đô về vấn đề trên có những nội dung khác nhau và không chấp nhận được, trong đó họ mưu toan đô trách nhiệm về cuộc chiến tranh ở Đông Dương cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi ám chỉ sự giúp đỡ của nước này. Tất cả điều đó đã vấp sự phản đối kịch liệt từ phía chúng ta. Kết quả là đã thông qua những nội dung như đã được công bố và đã được Chính phủ Liên Xô, cũng như Chính phủ Trung Quốc hữu nghị chấp thuận khi được hỏi ý kiến trước.


Một nhiệm vụ phức tạp đặt ra cho Hội nghị ở Giơ-ne-vơ đó là bảo đảm việc khôi phục hòa bình và các quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương. Điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lập trường của Chính phủ Pháp và vào sự công nhận của tất cả các đại biểu dự Hội nghị đối với sự cần thiết phải giải quyết vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương không phải bằng con đường tiếp tục cuộc chiến tranh vô nghĩa, mà bằng con đường thỏa thuận trên cơ sở các nguyên tắc tự do và độc lập dân tộc của nhân dân Đông Dương.


Trong thời gian Hội nghị Béc-lin tôi đã có hai cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Đa-lét về vấn đề hạt nhân. [...]

Viện Lưu trữ Lịch sử hiện đại Nhà nước Nga,
Phông 2, ML. 1, HS. 77, Tờ 01, 13, 19-20, 65-69.
Bản gốc.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #46 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 07:44:48 pm »

19.
Bản ghi chép cuộc tọa đàm của Đại sứ Liên Xô tại nước
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa P.Ph. Iu-đin với Đại sứ
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(trích sổ ghi chép của P.Ph. Iu-đin)

Ngày 05/3/1954
MẬT
Bản số 1

   Trích sổ ghi chép của P.Ph. IU-ĐIN
   Ngày 31/3/1954
   Số: 283

Dấu đóng:
Bộ Ngoại giao
Liên Xô
Vụ Viễn Đông.
3   tờ mật
Số đến: 1258,
Ngày 4/4/1954   Dấu đóng
(bên dưới):
Bộ Ngoại giao
Liên Xô
Ban Thư ký
Mật
Số đến: 3739M
Ngày 0/4/1954   Dấu đóng
(bên dưới):
Số 1636-vào sổ ngày
12/4/1954


BẢN GHI CHÉP CUỘC TỌA ĐÀM CỦA ĐẠI SỨ LIÊN XÔ TẠI CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA P.PH, IU-ĐIN VỚI ĐẠI SỨ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TẠI CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Ngày 05/3, Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bắc Kinh đến gặp tôi. Ông mới trở về từ Việt Nam sau 4 tháng ở đó. Trong cuộc trao đổi, Đại sứ Việt Nam thông báo về tình hình ở Việt Nam, cũng như bày tỏ ý kiến của mình về Hội nghị ở Giơ-ne-vơ sắp tới.


Đại sứ cho biết quân đội nhân dân Việt Nam hiện đang nắm thế chủ động trên khắp các mặt trận. Nhờ đó phần lớn các khu vực phía bắc Việt Nam và Pa-thét Lào, trừ một vài điểm, đã được giải phóng. Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân dự định sẽ dần dần điều các lực lượng chính của mình vào miền Trung Việt Nam. Việc thực hiện nhiệm vụ này sẽ gặp không ít khó khăn do Quân đội nhân dân chưa có phương tiện vận tải cần thiết. Kế hoạch chiến lược của Quân đội nhân dân là cố gắng tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch bằng cách di chuyển cơ động. Hiện thời Quân đội nhân dân chưa đặt ra nhiệm vụ chiếm các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, v.v.. bởi vì còn chưa đủ lực, nhất là về kỹ thuật. Hiện quân số bộ đội chủ lực gồm khoảng 200 nghìn ngươi, còn quân địch có khoảng gần 300 nghìn người, trong đó có một nửa là quân Pháp, số còn lại là các đơn vị người bản xứ. Ở Việt Nam, các đơn vị dân quân tự vệ và du kích đóng vai trò không nhỏ, hỗ trợ rất nhiều cho Quân đội nhân dân.


Hiện nay, phía Pháp chưa kịp bổ sung lực lượng bù đắp cho sinh lực đã bị tổn thất, tuy nhiên, những đội quân điều từ châu Âu sang Việt Nam đều yếu cả về tác chiến cũng như về tinh thần. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều binh lính quân đội viễn chinh Pháp chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân, trong đó có cả những binh lính người Ma-rốc, là những người mà phía Pháp cho là thiện chiến nhất.


Còn đối với Quân đội nhân dân, kỹ năng chiến đấu và tinh thần lúc nào cũng cao và uy tín trong nhân dân ngày càng tăng. Những chiến thắng trước quân Pháp, cũng như thất bại của Mỹ ở Triều Tiên đã làm quân và dân Việt Nam càng thêm nức lòng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trước kẻ thù.


Các đội quân của Đảng Lao động đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng tại những vùng do quân địch chiếm đóng. Có thể kể ra một sự việc để chứng minh điều này như tại nhiều thành phố và khu vực bị chiếm đóng không chỉ có những tổ chức Đảng Lao động bí mật mà còn có các cơ quan của chính quyền nhân dân hoạt động bí mật. Chế độ Bảo Đại chỉ có thể duy trì được ở những vùng này nhờ sự nâng đỡ của phía Pháp và Mỹ.


Về vấn đề Hội nghị sắp tới ở Giơ-ne-vơ, Đại sứ Việt Nam nói rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động và Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu vấn đề này. Theo Đại sứ, cho đến nay vẫn còn chưa rõ thủ tục tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ thể là sẽ được mời dự Hội nghị hay nước này phải ra tuyên bố về vấn đề đó? (Câu trả lời là gì?)


Tiếp đó, Đại sứ Việt Nam cho rằng có khả năng Chính phủ Pháp sẽ chịu thương lượng về việc đình chiến ở Việt Nam, tuy nhiên sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán. Thứ nhất, ở Việt Nam không có một mặt trận cố định, do đó sẽ rất khó để xác định đường giới tuyến và khu phi quân sự (có đến 80% người dân cả nước sinh sống tại các vùng đã giải phóng ở Việt Nam); Hai là, phía Pháp sẽ cố đạt được một quy chế nào đó cho Bảo Đại, một điều mà Chính phủ nhân dân cương quyết không đồng ý; Ba là, Mỹ sẽ tăng cường gây sức ép lên Chính phủ Pháp, còn Bảo Đại đang mưu toan phá hoại cuộc đàm phán.


Kết thúc cuộc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam đề nghị tôi sắp tới tiếp tục cho ông biết về tiến trình chuẩn bị Hội nghị Giơ-ne-vơ về phần liên quan đến phía Việt Nam.

Bí thư thứ Hai Đại sứ quán Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa N. Chê-ca-nốp đã phiên dịch cho cuộc tọa đàm.

ĐẠI SỨ LIÊN XÔ TẠI CỘNG HÒA
NHÂN DÂN TRUNG HOA
P. IU-ĐIN
(đã ký)

Viện Lưu trữ Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #47 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 07:49:31 pm »

20.
Bản ghi chép buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô Trương Vấn Thiên của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp

Ngày 06/3/1954
Mật

TRÍCH NHẬT KÝ CỦA V.M. MÔ-LÔ-TỐP1 (Phía dưới trang đầu tiên của tài liệu có đánh dấu "Nguồn 151/M")
BUỔI TIẾP ĐẠI SỨ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
TRƯƠNG VẤN THIÊN
Vào lúc 14 giờ ngày 06/3/1954


Có mặt: Gơ Bao Xuan, Tham tán Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và N. T. Phê-đô-ren-cô.

Trương Vấn Thiên nói, các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khác đã yêu cầu Đại sứ chuyển lời chào đến đồng chí Mô-lô-tốp.

V.M.Mô-lô-tốp cảm ơn.


Trương Vấn Thiên thông báo, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nhân dân Trung Quốc đánh giá cao thành công của Hội nghị Béc-lin, đồng thời ủng hộ quyết định của Hội nghị về việc triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ông nói, mặc dù phía Mỹ sẽ cố phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ, nhưng các đại diện của phe dân chủ hoàn toàn có khả năng dùng Hội nghị để làm giảm căng thẳng quốc tế.

Ông nhấn mạnh, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự định tham gia tích cực vào Hội nghị Giơ-ne-vơ và cho rằng, ngay cả khi Hội nghị khồng đạt được nhiều thành công, thì đây cũng sẽ là thành tựu quan trọng, bởi vì con đường tham gia tích cực vào công việc quốc tế đang mở ra đối với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.


V.M.Mô-lô-tốp bày tỏ sự hoan nghênh về dự định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham gia tích cực vào Hội nghị Giơ-ne-vơ.


Trương Vấn Thiên nói, theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Nam Ir1 (Lỗi phiên âm tên người; Ngoại trưởng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên từ năm 1953 - 1967 là Nam In (1913-1976)) đã đến thành phố Bắc Kinh ngày 05/3 để thảo luận những vấn đề liên quan đến Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ông thông báo, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự định soạn thảo một chương trình tối đa và tối thiểu đối với vấn đề Triều Tiên2 (Chỗ này và các chỗ tiếp theo trong văn bản có đánh dấu in nghiêng của V.M. Mô-lô-tốp). Trong chương trình tối đa đưa ra các đề xuất sau:

1. Thành lập Ủy ban Liên Triều trên cơ sở đồng đẳng gồm đại diện của hai miền Bắc và Nam Triều Tiên để quản lý đất nước trước khi thành lập một chính phủ chung của Triều Tiên.

2. Thực hiện Tổng tuyển cử.

3. Rút tất cả các quân đội nước ngoài.

4. Thống nhất Triều Tiên.

Trong trường hợp nếu chương trình này không được thông qua, thì đề xuất một chương trình rút gọn, cụ thể là: giữ nguyên tình trạng hiện tại, rút dần các quân đội nước ngoài, điều chỉnh các quan hệ kinh tế, thương mại và các quan hệ khác giữa miền Bắc và miền Nam Triều Tiên.

Ông lưu ý cả hai chương trình này được xây dựng theo hình mẫu lập trường của Đoàn đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Béc-lin.

Ông nói, vấn đề Đông Dương phức tạp hơn. Câu chuyện ở đây có thế là về đình chiến. Tuy nhiên, quan trọng là các điều kiện để chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Do đó, cần phải có đàm phán. Đây là một quá trình lâu dài.


VM.Mô-lô-tốp nói, theo tin tức báo chí thì quá trình này sẽ diễn ra khoảng 02-3 tháng, còn theo ý kiến của một số nhà quan sát quốc tế được báo chí nước ngoài nhắc tới thì sẽ kéo dài đến tháng 11. Dĩ nhiên đây là vấn đề phức tạp.


Trương Vấn Thiên nói, đề xuất của Nê-ru về việc "đình chiến tại chỗ" vị tất có thể chấp nhận được, bởi vì quan trọng là các điều kiện chấm dứt chiến tranh.

Ông nêu rằng, cần phải đạt được việc Mỹ chấm dứt viện trợ ở Đông Dương, nếu không chiến tranh sẽ kéo dài.


Mô-lô-tốp nói, nếu phía Pháp muốn thỏa thuận thì dĩ nhiên cần phải biết với các điều kiện nào.


Trương Vấn Thiên thông báo, hiện có đề xuất về đường giới tuyến ở vĩ tuyến 16. Đây là một đề xuất có lợi cho đồng chí Hồ Chí Minh và nên chấp nhận nếu đề xuất đó được nêu ra chính thức.

Ông nói, nên mời đồng chí Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh vào cuối tháng 3 năm nay. Khi đó Đại sứ có hỏi về khả năng mời đồng chí Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va để thảo luận về lập trường ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, cũng như để cùng trao đổi với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về các vấn đề trong Đảng.


V. M. Mô-lô-tốp bày tỏ sự nhất trí về khả năng mời đồng chí Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va, nhưng nói thêm vấn đề này sẽ phải do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô xem xét.


Trương Vấn Thiên về vấn đề mời tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ, ông nói mong muốn mời các đại diện không chỉ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn cả của Pa-thét Lào và Cam-pu-chia dân chủ, tức là ba nước dân chủ đối trọng với việc mời ba nước trong Liên hiệp Pháp, đến Hội nghị Giơ-ne-vơ để thảo luận vấn đề Đông Dương. Trong trường hợp ngược lại, thì đành phải đưa các đại diện Pa-thét Lào và Cam-pu-chia tham gia vào Đoàn đại biểu Việt Nam.


V.M. Mô-lô-tốp nói, cần phải suy nghĩ kỹ vấn đề này.


Trương Vấn Thiên nêu khả năng thảo luận các vấn đề khác tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, như vấn đề Đài Loan, việc vũ trang của Nhật Bản, Hiệp ước quân sự của Mỹ với Pa-ki-xtan, v.v...


V. M. Mô-lô-tốp Mô-lô-tốp nói, cần nghiên cứu khả năng thảo luận các vấn đề nói trên, nhưng theo ông, không loại trừ khả năng này ở một mức độ nào đó.


Trương Vấn Thiên thông báo, căn cứ theo thỏa thuận của bốn Ngoại trưởng ở Béc-lin, đồng chí Chu Ân Lai sẽ chuẩn bị chuyến đi tới Giơ-ne-vơ để tham gia Hội nghị và cho rằng đồng chí V.M.Mô-lô-tốp sẽ đại diện cho Liên Xô.


V. M. Mô-lô-tốp Mô-lô-tốp xác nhận thỏa thuận ở Béc-lin về vấn đề này và nói thêm, các Bộ trưởng có thể sẽ không tham dự trước khi Hội nghị kết thúc vì nó sẽ kéo dài.


Trương Vấn Thiên giải thích mục đích việc các Đoàn đại biểu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Việt Nam đến Mát-xcơ-va vào giữa tháng 4 (khoảng từ ngày 10-20) trong vài ngày để trao đổi về lập trường của mình tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.


V. M. Mô-lô-tốp Mô-lô-tốp nói, một cuộc họp như vậy là cần thiết và có ích cho công việc.

Ông bày tỏ tin tưởng1 (Thôi phiên âm tên người, 1952) rằng các đồng chí Trung Quốc và Triều Tiên sẽ có sự chuẩn bị thích hợp cho việc thảo luận vấn đề Triều Tiên, bởi vì là những người am hiểu việc này tốt hơn. Ông cũng tin tưởng là các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam là những người có khả năng phù hợp trong dịp này cũng sẽ có sự chuẩn bị cần thiết cho vấn đề Đông Dương.


Trương Vấn Thiên nói, ở Bắc Kinh đã bắt đầu công việc: lựa chọn cán bộ, biên soạn các dự thảo đề xuất, v.v.. Ông nói các đồng chí Trung Quốc mong chờ sự trợ giúp từ phía Liên Xô. Mô-lô-tốp hứa giúp và nói cần có sự nỗ lực chung.

Trương Vấn Thiên nêu lý do ông còn thiếu kinh nghiệm, nên đề nghị cử một đại diện có năng lực của Bộ Ngoại giao Liên Xô đến giúp các cán bộ ngoại giao Trung Quốc ở Mát-xcơ-va như trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức hội nghị quốc tế, phương pháp và cách tiếp đại diện các nước tư sản, v.v...


V. M. Mô-lô-tốp hứa đáp ứng đề nghị này và nói rằng, đồng chí Đại sứ có thể trao đổi các vấn đề trên1 (Thoạt đầu ghi là "và cung cấp cho đồng chí Grô-mưn-cô hoặc một cán bộ khác") với đồng chí Grô-mưn-cô, người có nhiều kinh nghiệm tham gia các hội nghị quốc tế.


Trương Vấn Thiên thông báo Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ủy quyền cho ông duy trì sự tiếp xúc thường xuyên với Bộ Ngoại giao Liên Xô về các vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị Giơ-ne-vơ, cũng như đưa ông vào thành phần Đoàn đại biểu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự Hội nghị này.


V. M. Mô-lô-tốp bày tỏ sự hài lòng.


Trương Vấn Thiên cũng đề cập các vấn đề thủ tục tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ông quan tâm đến khả năng đồng chí Chu Ân Lai làm chủ tọa phiên họp tại Hội nghị. v.v.


V. M. Mô-lô-tốp nói, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ xuất hiện nhiều vấn đề thủ tục như chủ tọa phiên họp, về bộ máy, về địa điểm, v.v... sẽ không tránh khỏi việc bàn cãi và tranh luận. Vì vậy ở đây cũng cần phải tiến hành chuẩn bị thích hợp và vạch, ra kế hoạch hành động của mình.


Trương Vấn Thiên quan tâm đến khả năng mời đại diện các nước trung lập, như Ấn Độ, tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.


V M Mô-lô-tốp nói, về vấn đề Triều Tiên, thành phần đại biểu đã được xác định chính xác, còn về vấn đề Đông Dương thành phần đại biểu còn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ, và có thể sẽ có những cuộc tranh cãi nghiêm trọng.

Liên quan đến vấn đề mời Ấn Độ, cho rằng, sự tham gia của Ấn Độ vào Hội nghị Giơ-ne-vơ là không nên bởi vì điều này có thể làm giảm vai trò của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là nước sẽ xuất hiện ở Giơ-ne-vơ cùng với bốn cường quốc khác, điều mà Ấn Độ chưa thể đạt được. Tuy nhiên, ông nói, tại đâu đó ở nước ngoài cũng có ý kiến mời Ấn Độ và Thái Lan về vấn đề Đông Dương và cần phải nghĩ thêm về vấn đề này.

Cuộc tọa đàm kéo dài một tiếng.


Người ghi: I. Phê-đô-ren-cô (đã ký)
   Nơi gửi:
   Gửi các ủy viên Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
   V.M. Mô-lô-tốp

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 06, ML. 13a, Cặp 25, HS. 6, Tờ 07-12.
Bản gốc có bút tích sửa của V.M. Mô-lô-tốp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM