Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:21:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1  (Đọc 4913 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:21:18 am »

- Tên sách: Mười vị đại tướng Trung Quốc - Những điều chưa biết - Tập 1
- Tác giả: Nhiều tác giả
- Nhà xuất bản: Tp Hồ Chí Minh
- Năm xuất bản:
- Người số hóa: giangtvx, ptlinh, chuongxedap

 

MƯỜI VỊ
ĐẠI TƯỚNG TRUNG QUỐC

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT







Chủ biên: Hà Di Minh
Tác giả: Vương Quân Vĩ, Lý Lệ Na, Lưu Đông Vân, Lôi Hải Thu, Vu Hải Dương
Người dịch: Phong Đảo






Lời giới thiệu


Ngày hai mươi bảy tháng chín năm 1955, các tướng lãnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tề tựu đông đảo. Những ngôi sao vàng trên bâu áo của họ lấp lánh chóa mắt. Trong hàng tướng lãnh này, người được chú ý nhất là các tướng Túc Dụ, Từ Hải Đông, Huỳnh Khắc Thành, Trần Canh, Đàm Chánh, Tiêu Kình Quang, Trương Vân Dật, La Thụy Khanh, Vương Thụ Thanh, Hứa Quang Đạt. Mười vị tướng ấy, có người xuất thân từ Trường Quân sự Hoàng Phố, ngôi trường hợp tác giữa Quốc Cộng trước đây, có người xuất thân từ mặt trận của cuộc bạo động phía Nam Hà Nam, và cũng có người xuất thân từ những cuộc khởi nghĩa đa dạng của nhân dân Trung Quốc... Vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Trung Quốc, họ đã dấn thân vào khói lửa, và đã trải qua trăm trận chiến đấu với quân thù. Họ đứng cùng một chiến tuyến với nhân dân, và với cây súng trong tay, họ xây dựng một xã hội mới rực rỡ.

Người xưa nói: "Nhất tướng thành danh vạn cốt khô" (một tướng công thành muôn xương trắng). Đến nay, tất cả các vị tướng này đều đã thành người thiên cổ. Vậy, họ làm thế nào để từ một người lính thường, trở thành một đại tướng, thống lĩnh hàng nghìn, hàng vạn binh mã để chiến đấu? Họ làm thế nào tạo được những kỳ tích trong lịch sử quân sự của Trung Quốc, thậm chí trong lịch sử quân sự của cả thế giới, bằng lòng dũng cảm và trí tuệ của mình? Khí chất cá nhân của họ, và bối cảnh gia đình của họ như thế nào? Bao nhiêu sự tích trong đời họ ra sao? Tất cả những vấn đề đó rất ít người được biết. Nay, để tiếp nối quyển "Thập đại nguyên soái chi mê" (Mười vị đại nguyên soái, những điều chưa biết) các tác giả lại sưu tập tài liệu và viết quyển "Trung Quốc thập đại tướng chi mê” (Mười vị đại tướng Trung Quốc, những điều chưa biết). Qua quyển sách này, các tác giả sẽ công bố cho bạn đọc biết một số vấn đề về mười vị đại tướng mà trong lịch sử chưa từng công bố. Từ đó, các bạn sẽ thấy rõ được sự thật về con người của mười vị đại tướng lỗi lạc mà các tác giả nói tới.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:24:12 am »


  I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ
ĐẠI TƯỚNG TÚC DỤ



1. XẾP BÚT NGHIÊN LÊN ĐƯỜNG TRANH ĐẤU

Đại tướng Túc Dụ là người đứng hàng đầu trong mười vị đại tướng mà chúng tôi nói đến. Chiến công hiển hách của ông ai nấy trong xã hội đều biết. Đại tướng Túc Dụ xuất thân từ một gia đình tiểu địa chủ, thuộc dân tộc Đồng ở phía Tây tỉnh Hồ Nam. Phụ thân của ông hy vọng ông sau khi học được chút đỉnh chữ nghĩa, thì ở nhà lo nối nghiệp gia đình. Nhưng, năm hai mươi tuổi, Túc Dụ lại "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu", bỏ nhà đi đến Vũ Hán, tham gia "Quân Cách mạng Bắc phạt". Trong quá trình đó, có biết bao nhiêu chuyện gay go xảy ra trong cuộc đời ông.

Ngày mồng hai tháng bảy âm lịch năm 1907, Túc Dụ chào đời tại gia đình một địa chủ ở thôn Phong Mộc Cước, thuộc làng Phục Long, huyện Hội Đồng. Cha ông tên gọi Túc Gia Hội, là một vị tú tài thi rớt, tính tình trung hậu, chất phác. Ông không biết cày ruộng, cũng không biết mua bán, chỉ sống nhờ vào trên mười mẫu ruộng của ông bà để lại. Hằng ngày, ông đọc sách, làm thơ để tiêu khiển. Có lẽ vì cả đời ông lo học hành, mà không lập được công danh gì, nên đối với chuyện học của con ông cũng không coi là chuyện quan trọng.

Huyện Hội Đồng là một địa phương nằm về phía Tây của tỉnh Hồ Nam, giáp ranh với tỉnh Quới Châu của Trung Quốc. Nơi này núi cao, rừng rậm, cách xa tỉnh thành, nên về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa đều hết sức lạc hậu. Phong tục của người dân ở đây vẫn giữ theo nếp cổ, sống rất mộc mạc, nhưng cũng cứng rắn, dũng cảm. Thời thơ ấu, Túc Dụ là một thiếu niên hoạt bát, lúc nào cũng thích chạy nhảy, hoạt động. Mặc dù thôn Phong Mộc Cước rất lạc hậu, nhưng phong cảnh lại rất đẹp. Gia đình Túc Dụ có hai dãy nhà, trước và sau nhà đều là cây cao to, lại có cả những cây ăn quả, như cây giẻ, cây cam, cây lê. Cứ đến mùa là những cây ăn quả này trái sai trĩu cành. Giữa hai dãy nhà lại có một dòng suối nhỏ, nước trong veo, chảy róc rách suốt năm. Cứ đến mùa hè, Túc Dụ luôn trầm mình dưới nước suối. Có khi ông thả một chiếc bè kết bằng tre nứa nổi trên mặt nước, rồi lên nằm trên đó, vừa để cho làn nước mát chảy nhẹ qua thân thể, vừa đưa mắt nhìn lên mây trắng trôi trên bầu trời xanh, và nhớ lại những câu chuyện cổ tích mà các anh làm công hằng năm trong gia đình đã kể.

Hằng năm cứ cuối hè, đầu thu, khi các loại trái cây đá chín, Túc Dụ lại có dịp để sống vui vẻ, thoải mái. Chàng hái trái lê, trái dẻ, hái những quả cam chín đỏ ửng, và bao giờ cách hái trái của chàng cũng tỏ ra rất thành thạo. Điều lý thú nhất là Túc Dụ tìm một cái sào trúc dài, sau đó trèo lên cây, tìm tới những chạc hai chắc chắn, nằm dựa lưng vào đó, dùng cái sào trúc để thọc cho những quả cam chín trên cao rơi xuống, rồi thò tay ra chụp lấy, và thong thả bóc ăn những múi cam ngọt ngào. Muốn làm được chuyện đó, vừa phải gan dạ, lại vừa phải khéo tay. Cuộc sống như vậy của thời thơ ấu đối với Túc Dụ là một cuộc sống vui vẻ không thể nào quên. Cho nên mấy mươi năm sau, khi ông đã trở thành Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân, trong những bài viết của mình, ông vẫn nhắc tới cuộc sống thời thơ ấu đó một cách đầy hào hứng.

Khung cảnh thiên nhiên đặc thù ấy, với một phương thức độc đáo của nó, đã hun đúc cho chàng thiếu niên Túc Dụ một tâm hồn và một năng lực đấu tranh để sinh tồn.

Hồi năm sáu tuổi, gia đình Túc Dụ đưa anh đến học tại một trường tư thục ở trong thôn. Ông giáo là người bác ruột, tuổi đã cao. Năm đó đã là năm thứ hai Dân Quốc (1912), ở các thành phố lớn, cũng như ở nơi tiếp cận với nền văn minh, người ta đã bắt đầu mở những trường tiểu học kiểu mới, chuyên dạy những môn học theo các nước phương Tây. Nhưng tại vùng nông thôn phía Tây Hồ Nam hẻo lánh này, người ta vẫn giữ nội dung giáo dục, cũng như phương thức giáo dục theo lối cũ. Ông thầy giáo già luôn dùng cách dạy theo phương pháp truyền miệng, rồi bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng. Tài liệu để dạy thường là "Tam tự kinh", "Trung Dung", "Thi Kinh", tức những loại sách giáo khoa truyền thống của Trung Quốc. Đối với trẻ con, những quyển sách này có thể ví như là "Sách trời", chúng học chẳng hiểu gì, và cũng không thể cảm thấy thích thú được.

Tuy nhiên, Túc Dụ có nỗi đam mê riêng của mình. Ấy là nghe mấy anh làm công hằng năm trong gia đình kể lại những chuyện cổ tích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:24:56 am »


Nhà Túc Dụ có thuê hai tá điền làm công hàng năm. Túc Dụ không có kiểu cách của bọn công tử con nhà giàu, mà lúc nào cũng thích chơi đùa, gần gụi mọi người. Cho nên đối với hai tá điền này, chàng tỏ ra rất ưa thích. Nhất là đối với một trong hai người này, tên gọi A Đà, lúc nào cũng gắn bó không rời. A Đà là một thanh niên hai mươi tuổi, trong "bụng" anh ta có vô số truyện cổ tích dân gian. Những truyện cổ tích ấy đều có những chủ đề nói về những anh hùng hào kiệt đã đứng lên trừ bạo an dân, cướp của kẻ giàu cứu tế cho kẻ nghèo. Người dân ở vùng phía Tây tỉnh Hồ Nam xem những người anh hùng này là những bậc "kiếm hiệp". Thật ra, những truyện cổ tích loại ấy chẳng qua là để an ủi tâm hồn đau khổ của người bần cố nông, luôn luôn chịu sự áp bức và hà hiếp của bọn quan quyền, và những gia đình giàu có nhiều thế lực mà thôi.

Nhưng, những câu chuyện này đối với thời thiếu niên của Túc Dụ có một ảnh hưởng thật to tát. A Đà tuy là một nông dân, không có trình độ văn hóa, nhưng lại là một người có tài kể chuyện rất hay. Anh ta đã kể lại những anh hùng kiếm hiệp trong những truyện cổ tích đó rất sinh động, rất hấp dẫn. Túc Dụ hình dung lại sự cảm thụ của mình lúc đó như thế này: "Lúc bấy giờ, nghe A Đà kể lại những truyện cổ tích về những anh hùng hảo hán, tôi cảm thấy cũng vui, buồn, giận, tức, giống như là nhân vật chính trong truyện. Có lẽ sự vui, buồn, giận, tức, của tôi còn hơn cả nhân vật chính nữa. Qua các truyện cổ tích, tôi hết sức đồng tình với những người bị áp bức và bị đau khổ, và cũng hết sức căm tức những kẻ áp bức người khác. Đối với những vị hiệp khách anh hùng đó, tôi cũng hết sức sùng bái họ. Tuy lúc bấy giờ, tôi chỉ là một đứa trẻ, chưa biết chi nhiều, nhưng trong lòng tôi đã nảy sinh một mầm mống: Khi lớn lên, tôi phải làm một kiếm khách để đi trừ bạo giúp đời!

Để khi lớn lên có đủ điều kiện trở thành một kiếm khách, Túc Dụ hằng ngày bắt đầu luyện võ công. Qua sự giúp đỡ của A Đà, Túc Dụ làm ra hai bao cát, đặt lên hai đùi để luyện sức mạnh. Cậu ta lại nhờ A Đà làm cho mình một cây côn để luyện võ. Trong nhà có những món ăn gì ngon, Túc Dụ thường lấy ra để cùng ăn chung với A Đà. Trong tâm hồn thơ ngây, trong trắng của Túc Dụ, từ đó bắt đầu nảy nở ý nghĩ đồng tình với người yếu thế, và chống lại những người áp bức kẻ khác.

Nhưng, cuộc sống vô tư lự và đày thơ mộng như trong truyện cổ tích đó lại qua đi rất nhanh. Năm Túc Dụ mười một tuổi, thổ phỉ bắt đầu quấy phá khắp nơi, làm cho gia đình Túc Dụ rất lo lắng. Vì để bảo vệ sự an toàn cho bản thân, gia đình Túc Dụ bắt buộc phải dời lên huyện lỵ Hội Đồng. Riêng những người tá điền làm công thì vẫn ở lại dưới quê.

Hoàn cảnh sống tại huyện hoàn toàn khác hẳn với vùng quê. Từ một trường tư thục dạy sách vở theo truyền thống cổ, Túc Dụ bắt đầu vào một ngôi trường tiểu học theo dạng mới. Và sau đó, lại bước chân vào trường cao đẳng tiểu học. Được tiếp xúc với giáo trình mới mẻ, chưa từng biết, như toán, hội họa, thể thao, âm nhạc v.v... làm cho Túc Dụ cảm thấy đầy hứng khởi trong việc học tập. Thành tích học tập của Túc Dụ cũng rất khả quan. Sau ba năm học liên tục, Túc Dụ bắt đầu lên năm thứ hai cao đẳng tiểu học. Trong thời gian này, trở lực đối với việc học của Túc Dụ đã xuất hiện từ phía gia đình. Cha Túc Dụ thấy con mình đã được học tương đối rồi nên thường bảo Túc Dụ ở nhà phụ giúp công việc gia đình, như lo sổ sách chẳng hạn. Ông thấy mình học suốt cả đời, mà chẳng có được công danh gì, nên đối với chuyện học hỏi của con cũng không xem trọng. Do vậy, ông thường làm cho Túc Dụ phải gián đoạn việc học hành, và thành tích cũng kém dần đi.

Giữa lúc Túc Dụ không thể thỏa mãn khát vọng của mình trong vấn đề học vấn, thì gia đình cậu lại bắt đầu lo việc mai mối để tính chuyện hôn nhân cho con trai. Người con gái được gia đình chọn là một cô gái con nhà phú nông. So với Túc Dụ cô ta lớn tuổi hơn, và hai bàn chân được bó thật nhỏ theo lối cổ. Đối với một chàng thiếu niên đã tiếp thu nhiều tư tưởng mới như Túc Dụ, tất nhiên không thể chịu cho người khác can thiệp vào việc hôn nhân của mình như vậy.

Để có thể được tiếp tục đi học, và cũng để có thể tạo điều kiện cho mình trở thành "kiếm khách", trừ bạo an dân, đồng thời, cũng để trốn chạy cuộc hôn nhân theo lối cũ. Túc Dụ có ý nghĩ rời bỏ quê hương, đi ra ngoài để học hỏi thêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:25:37 am »


Lúc bấy giờ tại huyện lỵ xẩy ra hai sự kiện thúc đẩy Túc Dụ càng quyết tâm rời nhà ra đi, cũng như tạo điều kiện cho Túc Dụ thực hiện được ý nghĩ đó.

Việc thứ nhất là binh đội trú phòng tại địa phương có sự xung đột với học sinh. Lúc bấy giờ, số quân trú phòng tại huyện lỵ Hội Đồng đều là binh sĩ thuộc "Bắc Dương quân phiệt", về quân phong quân kỷ rất kém. Các binh sĩ thường đi ra đường phố quậy phá, hà hiếp dân nghèo. Tất nhiên, thái độ ngông nghênh của họ không bao giờ được những người trẻ tuổi chuộng công bằng tán thành. Cho nên học sinh tại địa phương bắt đầu can thiệp vào những hành động vô kỷ luật của quân đội ở đó. Do vậy, đôi bên đã có mối thù với nhau. Một hôm, vì giành giật nhau ghế ngồi trong rạp hát, học sinh đã xúm lại vây đánh một binh sĩ. Bọn lính trú phòng cho rằng học sinh làm như vậy là mất mặt họ, nên rêu rao sẽ đánh giết học sinh để trả thù. Học sinh cảm thấy sự an toàn của mình bị uy hiếp. Dù về sau được sự giàn xếp của quận trưởng, binh sĩ trú phòng hứa không làm gì thiệt hại cho học sinh, nhưng lời hứa đó lấy gì để bảo đảm? Học sinh muốn được an toàn, chỉ còn cách phải đi nơi khác để tiếp tục việc học hành. Túc Dụ chụp lấy cơ hội đó, đề xuất với gia đình việc mình muốn đi ra một thành phố lớn hơn, để tiếp tục học hỏi.

Lúc bấy giờ, có đại diện trường Sư phạm số hai của tỉnh Hồ Nam đặt tại huyện Thường Đức, tới huyện Hội Đồng để chiêu sinh. Trong huyện này sẽ chọn ra hai thí sinh để tham gia cuộc thi tuyển tại huyện Thường Đức. Nếu những thí sinh này trúng tuyển, thì được kể là học sinh chính thức, và sẽ được miễn phí về ăn uống và được nội trú tại trường.

Túc Dụ bèn tham gia cuộc thi tuyển tại huyện, và may mắn trở thành một trong hai thí sinh được chọn để đi thi. Túc Dụ đem tin này nói lại cho mẹ nghe, mà không dám nói với cha, vì sợ cha cản trở. Sau đó, âm thầm ra đi một mình để dự thi tuyển.

Lần đầu tiên Túc Dụ ra đi xa nhà. Dù mới mười bảy tuổi, Túc Dụ tỏ ra rất gan dạ. Giữa lúc thổ phỉ nổi lên khắp nơi, vậy mà cậu dám đi bộ một mình suốt quãng đường dài hơn một trăm dặm để tới bến tàu Hồng Giang. Đáng lý khi tới đây rồi, Túc Dụ có thể bước xuống tàu để đi tới huyện Thường Đức, nhưng trong túi lại không đủ tiền lộ phí. Do vậy, bèn vào trọ tại một quán trọ, rồi viết thư về nhà, khẩn cầu gia đình gửi tiền tới Hồng Giang, để cậu đi thi. Vì không có tiền, thì sẽ không có lộ phí để đi tới huyện Thường Đức được.

Bức thư đã đạt được hiệu quả tốt. Cha của Túc Dụ vội vàng viết một bức thư trả lời với lời lẽ ôn tồn, hứa chắc chắn sẽ lo đủ lộ phí và học phí cho Túc Dụ. Tuy nhiên, với hoàn cảnh gia đình hiện nay, nhất thời khó có thể có đầy đủ ngay số tiền đó. Cho nên cha cậu bảo cậu hãy trở về nhà chờ đợi ít hôm. Khi có đủ tiền rồi sẽ lên đường cũng không muộn.

Sau khi Túc Dụ nhận được thư của cha, lại đi bộ trở về nhà. Tuy nhiên, Túc Dụ không về thẳng nhà, mà ghé nhà một người bà con ở tạm, cách nhà mình ngoài mười dặm đường. Túc Dụ sợ cha bắt mình ở nhà không cho đi, nên mới ở tạm nhà bà con, rồi viết thư về báo cho gia đình biết, yêu cầu gia đình đưa tiền tới. Cha Túc Dụ liền phái người anh của cậu đến tiếp xúc, hứa hẹn sẽ không bao giờ cản trở việc đi học của cậu, chừng đó, cậu mới chịu trở về nhà mình.

Gia đình Túc Dụ phải chạy chọt rất khó khăn mới có đủ mấy chục đồng bạc để cho cậu đi học. Gia đình còn bày tiệc, mời bà con bạn bè đến dự để tiễn chân cho con trai đi học xa. Gia đình Trung Quốc chịu ảnh hưởng Nho giáo rất sâu, nên thường có câu: "Phụ mẫu tồn, bất viễn du" (Cha mẹ còn, không đi xa). Cho nên, mọi gia đình đều xem việc con rời gia đình đi xa, là một chuyện rất buồn thảm. Cha Túc Dụ mặc dù rất nghiêm khắc, nhưng lúc bấy giờ cũng tỏ ra thương con, rơi lệ để tiễn biệt con lên đường. Mọi người vừa dùng tiệc, vừa dặn dò, khuyến khích Túc Dụ ráng chăm học. Thế là Túc Dụ đã rời khỏi gia đình ra đi trong một bầu không khí thật là buồn tẻ. Phía trước một chàng thanh niên mười bảy tuổi này sẽ ra sao, lúc bấy giờ cũng không ai rõ.

Túc Dụ ở chờ tại bến tàu Hồng Giang hơn một tháng mới có một đoàn thuyền ra đi. Tháng ba năm 1924, Túc Dụ đến Thường Đức. Đây là một thành phố hoàn toàn xa lạ. Theo kế hoạch đã định, Túc Dụ muốn thi vào trường Sư phạm số hai, nhưng vì hành trình chậm trễ, ngày thi đã qua. Cũng may, cậu gặp một người bà con xa giúp đỡ, xin vào học lớp luyện thi tại Trường Sư phạm số hai Thường Đức, để chờ kỳ thi năm sau. Ở đấy học một thời gian, Túc Dụ lại chuyển sang học trường trung học bình dân cũng tại thành phố này.

Không có sự ràng buộc của gia đình, và cũng không còn chuyện gì quấy rầy, Túc Dụ đem hết sức mình ra lo ăn học. Có thể nói, Túc Dụ là một học sinh chuyên cần nhất trong lớp. Mỗi ngày, ngoài thì giờ ăn cơm và làm vệ sinh, Túc Dụ không rời khỏi bàn học. Do gắng sức quá độ, lại ít vận động, ăn uống thiếu dinh dưỡng, nên sau hai tháng, Túc Dụ bị một trận bệnh, khá nặng, suýt nữa bị mất mạng. Qua trận bệnh này, Túc Dụ bắt đầu chú ý tới việc luyện tập thân thể.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:26:27 am »


Hoàn cảnh sống khó khăn lắm lúc có thể làm thay đổi tính cách của con người. Trong thời gian theo học tại Trường Trung học Bình dân Thường Đức, Túc Dụ chẳng những có thành tích tốt trong học hỏi, mà tính tình cũng thay đổi theo. Trước đây, Túc Dụ là một thiếu niên háo động, thích chơi, thích chạy nhảy, thì nay Túc Dụ đã trở thành một thanh niên trầm mặc, thích suy tư. Bao nhiêu vấn đề như vận mệnh của quốc gia, hiện trạng của xã hội, ý nghĩa về nhân sinh, trách nhiệm của mình trước xã hội... thường đến khuấy động tâm hồn của người thanh niên trẻ tuổi này. Nhưng lúc bấy giờ có ai giải đáp nổi cho cậu bao nhiêu vấn đề phức tạp như vậy? Trong không khí buồn bã hoang mang đó, Túc Dụ chỉ một mình đi thẩn thơ trong khuôn viên nhà trường. Có khi cậu ôm cây nguyệt cầm để khảy lên vài bản, ký thác tâm tư của mình vào tiếng đàn réo rắt...

Mùa xuân năm 1925, Túc Dụ thi vào lớp hai mươi bảy Trường Sư phạm nam số hai của tỉnh Hồ Nam, khiến bao nhiêu ước nguyện của cậu đều được thỏa mãn. Việc đầu tiên là giúp cậu vượt ra khỏi khu vực phía Tây quê mùa hẻo lánh của tỉnh Hồ Nam, để nhìn ra một thế giới ở bên ngoài hoàn toàn mới mẻ và xa lạ.

Lúc bấy giờ, ở miền Bắc Trung Quốc, các nhóm quân phiệt chia vùng đánh nhau liên miên, chính phủ thay đổi như đèn cù, nhân dân vô cùng đau khổ và hết sức bất bình. Ở miền Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng bắt tay lần thứ nhất, đôi bên cùng hợp tác xây dựng và củng cố căn cứ địa của mình, lấy Quảng Châu làm trung tâm.

Không khí cách mạng ở tỉnh Quảng Đông đang sôi sục, và chẳng khác gì một ngọn lửa đang cháy hừng hực, tiếp tục tràn về phía Bắc. Hồ Nam là một tỉnh tiếp giáp với Quảng Đông, tất nhiên nó trở thành mục tiêu phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Trước tình hình như vậy, mặc dù Thường Đức chỉ là một huyện lỵ bé nhỏ, nhưng tổ chức cách mạng cũng bắt đầu xuất hiện và hoạt động mạnh, tạo ra một ảnh hưởng không nhỏ đối với địa phương.

Tại Trường Sư phạm số hai, Đảng Cộng sản và Đoàn Thanh niên Cộng sản đã trở thành một tổ chức có lực lượng vững mạnh. Lúc bấy giờ, trong trường học này có hai khuynh hướng chính trị hoàn toàn đối lập nhau cùng tồn tại. Đó là hội học sinh do Đảng Cộng sản lãnh đạo, những người tham gia hầu hết là các học sinh thuộc thành phần nghèo. Một tổ chức khác nữa là "Hội thể thao", những người tham gia hầu hết là con nhà khá giả, do "Tỉnh Sư Phái" (Phái Sư Tử Thức), có khuynh hướng quốc gia chủ nghĩa lãnh đạo. Vì chính quyền nhà trường lúc bấy giờ nằm trong tay của những người theo chủ nghĩa quốc gia, nên Hội thể thao tuy số người tham gia ít, nhưng hoạt động rất mạnh. Trái lại, hội học sinh do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cũng tích cực tuyên truyền những tư tưởng tiến bộ, và chuyền tay nhau xem những sách báo tiến bộ lúc bấy giờ. Hai khuynh hướng chính trị lúc đó đã trở thành đối chọi nhau, và đấu tranh với nhau rất quyết liệt.

Chỉ trong chớp mắt đã đến mùa xuân năm 1926. Quân đội Bắc phạt từ tỉnh Quảng Đông chuẩn bị tiến quân về tỉnh Hồ Nam. Những học sinh có tư tưởng tiến bộ ở trường này đều sôi sục, chờ đón quân đội Bắc phạt kéo tới. Trong bầu không khí đó, phong trào cách mạng bùng nổ tại Trường Sư phạm số hai.

Nguyên do xảy ra sự kiện là vì hằng năm tại Trường Sư phạm nữ số hai của tỉnh có dành hai học bổng cho hai nữ sinh ưu tú nhất của hai mươi chín huyện trong tỉnh. Mùa xuân năm ấy, vị hiệu trưởng trường nữ sinh này đã chọn hai nữ sinh ở huyện mình, mà không chọn ở huyện khác. Việc tuyển chọn không công bình đó làm cho các nữ sinh ở Trường Sư phạm nữ số hai rất bất bình. Họ bắt đầu bãi khóa để phản đối vị hiệu trưởng.

Học sinh ở Trường Sư phạm nam số hai rất chú ý tới phong trào đấu tranh của các nữ sinh ở Trường Sư phạm nữ số hai trong cùng một thành phố. Hội học sinh bèn phái một đại biểu và là đảng viên Đảng Cộng sản, tên Đằng Đại Viễn (sau giải phóng, ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Đường sắt), đến tiếp xúc để tỏ lòng ủng hộ và an ủi nữ sinh ở Trường Sư phạm nữ số hai.

Do lãnh đạo hai trường này đều nằm trong tay của những người theo chủ nghĩa quốc gia, nên họ quyết định tấn công Đằng Đại Viễn, xem như giết một để răn trăm. Hội thể dục liền mở đại hội, và lấy danh nghĩa đại hội học sinh, khai trừ học tịch của Đằng Đại Viễn. Hội học sinh ở trường cho rằng đó là một quyết định phi lý. Họ liền dán bích chương và tuyên bố phải mở đại hội học sinh trình bày rõ chân tướng của sự kiện này, và đòi phải khôi phục lại học tịch cho Đằng Đại Viễn.

Cuộc đại hội học sinh được triệu tập tại phòng học lý hóa của nhà trường. Tất cả học sinh trong hội thể dục và trong hội học sinh đều tới tham dự đầy đủ. Ngoài ra, họ còn bí mật chuẩn bị hèo, gậy, gạch, đá, súng lục để nếu cần, thì đánh nhau. Hội nghị vừa mở màn thì đôi bên tranh luận thật là gay gắt, không ai nhường ai, và kết quả tất nhiên là dẫn tới một cuộc xô xát. Gạch đá được ném lung tung, gậy gộc súng ống cũng được sử dụng. Trong cuộc hỗn chiến đó có một học sinh trong hội thể dục muốn xâm nhập vào phòng làm việc của hội học sinh, bị một học sinh khác chận lại và lỡ tay đánh chết. Sự việc trở thành nghiêm trọng, đương cục của nhà trường bèn đổ lỗi cho Đảng Cộng sản đã sách động phong trào học sinh, và đi tới đánh chết người. Do vậy, họ đã đóng cửa phòng làm việc của hội học sinh, và lục soát lấy được danh sách bốn mươi mốt người thuộc đảng viên và đoàn viên của Đảng Cộng sản. Thế là đương cục nhà trường tuyên bố khai trừ học tịch của toàn bộ số học sinh này. Không khí cách mạng tại Trường Sư phạm nam số hai do vậy mà sôi nổi lên một cách dữ dội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 09:03:15 am »


Trong khi phong trào đấu tranh xảy ra. Túc Dụ do chỉ mới tham gia vào hội học sinh, chứ chưa chính thức tham gia vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, nên may mắn không bị nhà trường đuổi học. Nhưng, cuộc đấu tranh này đã rèn luyện ý chí đấu tranh của cậu, và nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của cậu lên thêm một bước. Qua cuộc đấu tranh, cũng làm cho Túc Dụ có kinh nghiệm hơn trong nghệ thuật đấu tranh cách mạng. Vào tháng mười một năm đó, giữa một khung cảnh chính trị đầy nguy hiểm, Túc Dụ đã chính thức gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi vào đoàn, Túc Dụ đã học hỏi lý luận và tri thức của chủ nghĩa Mác, như một người đang khát nước gặp được dòng nước trong, uống không biết chán. Những hoài bão trở thành "hiệp khách" lúc tuổi trẻ, giờ đây nếu đem so sánh với lý tưởng vĩ đại của chủ nghĩa Cộng sản, nhằm xây dựng một xã hội mới, cậu cảm thấy nó thực là ấu trĩ đáng thương. Túc Dụ phủ định con người mình trước kia, và tư tưởng của cậu đã bước vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ. Kể từ đó, Túc Dụ cương quyết tiến lên con đường cách mạng Cộng sản chủ nghĩa một cách vững vàng.

Sau khi quân Bắc phạt đánh vào tỉnh Hồ Nam, thì khắp vùng nông thôn và thành thị ở tỉnh này - không khí cách mạng bừng lên như một đám lửa cháy to. Tại Thường Đức đã công khai thành lập những cơ cấu làm việc của Đảng Cộng sản, và đã đuổi người hiệu trưởng ngoan cố ở Trường Sư phạm nam số hai, đưa một Đảng viên Cộng sản lên giữ chức hiệu trưởng trường này. Do vậy, phong trào hoạt động cách mạng ở trường cứ mỗi ngày một phát triển mạnh hơn. Những học sinh tiến bộ đua nhau góp tiền lại để tìm mua súng ống đạn dược, chuẩn bị nghênh đón đoàn quân Bắc phạt tiến vào Thường Đức.

Nào ngờ đạo binh Bắc phạt tiến vào Thường Đức, mà học sinh ở đây trông đứng trông ngồi, không phải quân đội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mà chính là quân trung ương của Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Tiếp theo đó, Tưởng Giới Thạch lại phát động cuộc chính biến ngày mười hai tháng tư năm đó tại Thượng Hải. Sau chính biến, họ thẳng tay giết chóc những đảng viên Cộng sản, và nhận chìm phong trào cách mạng đang sôi sục vào vũng máu tanh.

Lúc bấy giờ, Hứa Khắc Tường là một quân phiệt phản động, đồng thời là người đại diện cánh hữu của Quốc Dân Đảng tại Trường Sa, đã dẫn đầu cuộc đán áp phong trào cách mạng ở Hồ Nam. Tên tướng này đã vận dụng tất cả những thủ đoạn tàn bạo nhất để trấn áp lực lượng cách mạng tiến bộ. Đạo quân trú đóng tại Thường Đức đã dùng thủ đoạn dụ dỗ hèn hạ để giết chết người hiệu trưởng Trường Sư phạm nam số hai rồi sau đó, lại đưa hơn một nghìn quân đội tới bao vây khuôn viên nhà trường, chuẩn bị tàn sát học sinh!

Trước tình hình gay gắt như vậy, nếu lấy rắn chọi rắn với kẻ thù, thì rõ ràng là một sự manh động thiếu sáng suốt. Cho nên tổ chức Đảng đã quyết định: mấy mươi đảng viên và đoàn viên Cộng sản tại Trường Sư phạm nam số hai phải tìm cách rút lui ra ngoài, để bảo tồn lực lượng, chuẩn bị đấu tranh sau này.

Quân đội phản động bao vây chặt chẽ khuôn viên nhà trường, vậy phải làm sao để thoát thân được? Trong nguy cấp, mọi người bỗng nảy ra một ý hay. Ấy là tất cả cùng chui xuống ống cống của nhà trường để đi ra ngoài. Khu vực Thường Đức là nơi thường mưa to, nên ống cống ở đây thường được làm rất lớn, một người có thể chui xuống dưới để đi dễ dàng. Thế là mấy mươi học sinh ở Trường Sư phạm nam số hai ở Thường Đức bèn thừa đêm tối lần lượt chui xuống ống cống đầy nước bẩn và hôi thối, để vượt ra khu ngoại thành của thành phố Thường Đức. Xong, họ lên một chiếc thuyền câu của ngư dân ở đây, bơi thẳng vào khu vực Động Đình Hồ nước mênh mông và vắng vẻ.

Thành phố Thường Đức ngày một xa, nhưng sự nguy hiểm thì chưa chắc đã thoát khỏi. Tất cả học sinh đều đang sống trong không khí căng thẳng, chưa ai dám nghĩ là mình đã thoát khỏi bàn tay của kẻ thù. Chiếc thuyền nhỏ tiếp tục đi về hướng Nhạc Dương ở Động Đình Hồ. Khi tới gần Nhạc Dương, chiếc thuyền đậu lại để mọi người lên bờ. Tất cả số học sinh này đã tới một ga tàu hỏa để mua vé đi tàu đêm. Trời sáng dần, bình nguyên phía Bắc tỉnh Hồ Nam đang trải rộng mênh mông, phong cảnh tươi đẹp. Nhưng lúc bấy giờ không ai có tâm trí nào để thưởng ngoạn phong cảnh tươi đẹp đó. Tất cả mọi người đều trầm mặc, suy tư: ta có thể thoát khỏi sự truy lùng của kẻ thù hay không? Có thể tìm được tổ chức của Đảng hay không? Từ đây về sau phải chọn đi con đường nào?

Thời gian đã trôi qua theo dòng suy tư của mọi người. Hơn một tiếng đồng hồ sau, đoàn tàu hỏa đã bắt đầu tiến vào khu vực tỉnh Hồ Bắc. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Vì khi đã vào khu vực Hồ Bắc thì cũng có nghĩa là họ đã thoát khỏi thế lực của quân phiệt ở Hồ Nam, và sự nguy hiểm đang rình rập họ xem như không còn nữa.

Đến trưa ngày hôm ấy, đoàn tàu hỏa tiến vào thành phố Vũ Xương. Lúc bấy giờ cánh hữu của Quốc Dân Đảng tại thành phố Vũ Xương vẫn chưa công khai bội phản cách mạng. Những người Đảng viên Cộng sản và cánh tả của Quốc Dân Đảng ở đây vẫn đang làm chủ thành phố này. Trên đường to, hẻm nhỏ, đâu đâu cũng tràn ngập không khí cách mạng. Cho nên, nhóm học sinh cách mạng từ Hồ Nam chạy tới vừa xuống khỏi tàu hỏa đã cảm nhận được một bầu không khí ấm áp và sự quan tâm của Đảng đối với mình. Lúc bấy giờ, để thu nhận những thanh niên và những cán bộ nông dân bị kẻ thù trấn áp phải bỏ chạy ra khỏi hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc, lực lượng quân sự của Đảng Công sản có xây dựng một đại đội huấn luyện do Diệp Đĩnh thuộc sư hai mươi bốn chỉ huy, để huấn luyện quân sự cho số người này.

Sự thật về việc bọn quân phiệt phản cách mạng đã dùng bàn tay đẫm máu trấn áp những người cách mạng tiến bộ, đã giáo dục một cách đích thực cho Túc Dụ. Chính người thanh niên này đã nhận thức được một chân lý bất di bất dịch: Kẻ thù phản động dùng vũ lực để trấn áp cách mạng, thì cách mạng cũng phải dùng vũ lực để đối kháng, thì mới giành được thắng lợi về cho mình. Do vậy, sau khi tới Vũ Xương, Túc Dụ hoàn toàn không do dự, đến thẳng đại đội quân sự ghi danh học tập. Lúc bấy giờ, Túc Dụ đã hai mươi tuổi, và bắt đầu gia nhập chính thức đoàn quân cách mạng vinh quang, để cầm súng chiến đấu. Giấc mơ trở thành "kiếm hiệp" thời thơ ấu, giờ đây đã thành hiện thực trong cuộc đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 09:03:48 am »


Xếp bút nghiên theo đường tranh đấu là một giai đoạn mới trong cuộc đời mới của Túc Dụ.

Đời sống trong đại đội huấn luyện thật là gian khổ. Đảng đã đặt rất nhiều hy vọng nơi những học viên đến từ các địa phương này. Đảng Cộng sản hy vọng thông qua sự huấn luyện có hệ thống, chẳng những nghiêm khắc về mặt quân sự mà cả về mặt chính trị, có thể bồi dưỡng được một nhóm đông những cán bộ Đảng, để lo cho sự nghiệp của Đảng trong tương lai.

Họ phải là những cán bộ văn võ song toàn, và từ đó có thể xây dựng và nắm chắc được lực lượng vũ trang của Đảng.

Sư trưởng Diệp Đĩnh là một tướng Bắc phạt, tiếng tăm nổi như cồn khắp toàn quốc. Diệp Đĩnh chẳng những có một trình độ chính trị và quân sự rất cao, mà đối với cấp dưới của mình cũng đòi hỏi rất cao, và rất nghiêm khắc. Ông vẫn thường mời những nhân vật quan trọng của Đảng tại Vũ Xương, như Châu An Lai, Uẩn Đại Anh v.v... đến để báo cáo chính trị trước học viên, từ đó nâng cao trình độ giác ngộ của toàn thể học viên. Đồng thời, ông cho thi hành một chương trình huấn luyện quân sự thật nghiêm khắc, có thể nói là tàn nhẫn nữa là khác, để đào tạo các học viên thành những con người cứng như sắt thép.

Lúc bấy giờ, việc huấn luyện trong những đội quân chính quy thường áp dụng chế độ "ba tập hai giảng" tức sớm, trưa, và tối thi tập quân sự. Buổi sáng và buổi chiều thì lên lớp chính trị. Nhưng ở đại đội huấn luyện lại thực hành chế độ "bốn tập ba giảng”, tức sáng sớm thức dậy thì chạy bộ, buổi sáng và buổi chiều thì huấn luyện quân sự, buổi tối lại tập thể thao quân sự. Và mỗi buổi sáng và buổi chiều đều lên lớp chính trị. Đến tối còn tới hội trường để nghe chỉ huy nói chuyện. Yêu cầu huấn luyện về mặt quân sự rất cao, mỗi buổi sáng học viên phải chạy bộ hơn mười cây số, và tất cả động tác đều là động tác toàn thân. Nếu ai thực hiện không đúng thì phải tập đi tập lại. Vũ Hán có thể nói là một lò lửa. Lúc bấy giờ tuy là tháng năm, tháng sáu, nhưng không khí hết sức nóng bức. Thế mà tại đại đội huấn luyện, việc tập dượt không bao giờ gián đoạn. Ngoài tập luyện về quân sự, học viên còn phải tham gia nhiều hoạt động về lao động.

Trong một hoàn cảnh gian khó như thế, có một số ít người không chịu đựng nổi, nên phải tìm cớ để lẩn tránh huấn luyện. Tuy nhiên, đại đã số học viên vẫn tiếp tục nhận sự huấn luyện một cách kiên trì. Do vậy, về mặt chất lượng chính trị, cũng như chất lượng quân sự, họ đều được nâng cao một cách rõ rệt. Sau này, qua cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, hầu hết họ đều trở thành cán bộ cốt cán rất kiên cường.

Đến cuối tháng sáu, tình hình ở Vũ Hán bỗng khẩn trương lên. Vì nhóm người theo chủ nghĩa hữu khuynh đầu hàng, do Trần Độc Tú làm đại biểu, đã bị Uông Tinh Vệ dùng thủ đoạn uy hiếp và mua chuộc, trao cho chúng lực lượng vũ trang trong giới công nhân, mà Đảng đã khó nhọc đào luyện nên. Những nhóm quân đội phản động còn rục rịch muốn tước khí giới quân đội của Diệp Đĩnh. Để bảo toàn thực lực, chuẩn bị đấu tranh, đại đội huấn luyện được lệnh rời khỏi Vũ Xương, để chuyển về Nam Xương.

Uông Tinh Vệ đã tự gỡ bỏ chiếc mặt nạ "cách mạng" của mình, phát động cuộc chính biến phản cách mạng ngày mười lăm tháng bảy, hò hét một khẩu hiệu phản động là: "thà giết lầm ba nghìn, chứ không bỏ sót một người". Trước tình thế không còn có thể nhẫn nhịn được nữa, vì nếu nhẫn nhịn, thì sẽ bị kẻ thù tiêu diệt, cho nên Đảng Cộng sản đã quyết tâm vũ trang phản kháng, và phát động cuộc khởi nghĩa tại Nam Xương.

Cánh quân mà Túc Dụ đang tham gia, được bố trí thành đội cảnh vệ cho Ủy ban Cách mạng trù bị khởi nghĩa Nam Xương.

Vào đêm ba mươi mốt tháng bảy năm 1927, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ. Giữa tiếng súng đại bác ì ầm, đội cảnh vệ tiến thẳng vào trong thành, trực tiếp tham gia chiến đấu.

Qua sự phản kích mạnh mẽ của một cánh quân phản động mạnh hơn, quân khởi nghĩa tại Nam Xương bắt buộc phải bỏ thành này di chuyển về tỉnh Quảng Đông. Lúc đó, họ đang chuẩn bị xây dựng lại căn cứ địa cách mạng ở tỉnh Quảng Đông, để bắt đầu cuộc bắt phạt mới. Bộ đội khởi nghĩa rút lui ra khỏi Nam Xương, đi bộ suốt mấy nghìn dặm đường, phải sau một tháng mới tới được Triều Sơn của tỉnh Quảng Đông. Nhưng, họ chưa kịp nghỉ ngơi chỉnh đốn hàng ngũ, thì do cuộc khởi nghĩa tại Quảng Châu thất bại, bắt buộc họ phải rút về tỉnh Giang Tây. Khi cánh quân này tiến vào phía Nam tỉnh Hồ Nam, thì với hai ba vạn người xuất phát từ Nam Xương, giờ đây chỉ còn lại hơn bảy trăm người. Có những đồng chí đã hy sinh, cũng có những người bị thương và rơi rớt lại trên đường rút lui, cũng có nhiều người vì mất niềm tin nơi tiền đồ của cách mạng, nên đã tự bỏ ngũ. Số người còn lại, gần như đều là những chiến sĩ Cộng sản kiên cường, từng được trui luyện trong lò và cứng rắn như gang thép. Một nhúm lửa nhỏ đó sẽ trở thành một ngọn lửa to của chủ nghĩa Cộng sản, bốc cháy khắp nơi trên toàn quốc.

Dưới sự chỉ huy của Chu Đức và Trần Nghị, đạo binh chưa đầy một nghìn người này, đã kiên trì đấu tranh tại vùng biên giới của ba tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, và Hồ Nam. Qua cuộc đấu tranh gian khó và căng thẳng này, Túc Dụ đã dần dần bộc lộ rõ tài năng quân sự của mình, và ngày một trưởng thành hơn.

Lúc khởi nghĩa tại Nam Xương, Túc Dụ chỉ là một chiến sĩ cảnh vệ thường, nhưng trên đường rút quân về Quảng Đông, ông đã lần lượt được đề cử làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Về sau, trong nhiều lần chỉnh đốn quân đội, một số cán bộ không đủ tiêu chuẩn bị đào thải, và đây là một cơ hội để Túc Dụ vươn lên. Mặc dù toàn quân chỉ có được một ngàn người, số cán bộ tất nhiên cũng giảm bớt xuống, nhưng Túc Dụ nhờ sự thể hiện về khả năng chính trị và quân sự của mình, nên về sau được đề bạt lên chức chỉ đạo viên đại đội.

Sau ngày hội sư tại núi Tỉnh Cương, hồng quân chính thức biên chế thành "Hồng Tứ Quân". Về sau lại thu hẹp thành một sư. Trong thời gian đó, chức vụ của Túc Dụ luôn thay đổi do nhu cầu thực tế. Một số bộ đội mới thành lập, cần tăng cường huấn luyện chính trị, thường điều động Túc Dụ đến làm chỉ đạo viên. Khi những bộ đội này cần tăng cường huấn luyện quân sự, thì điều động Túc Dụ đến làm đại đội trưởng. Trong những ngày chiến đấu đầy máu lửa, Túc Dụ luôn luôn chú ý học tập tư tưởng quân sự và nghệ thuật chỉ huy của Mao Trạch Đông và Chu Đức. Ông cũng luôn luôn chú ý học tập trong thực tế chiến tranh. Đến năm 1930, mở đầu trận đánh phá vòng vây của địch lần thứ nhất thì người quân nhân trẻ tuổi này đã trở thành vị sư trưởng của quân đoàn một Hồng quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 09:05:40 am »


2. BA NĂM KHỔ CHIẾN TẠI TRIẾT NAM

Múa hè năm 1934, quân đội Tưởng Giới Thạch bao vây tấn công căn cứ địa cách mạng của trung ương lần thứ năm đã được hơn một năm. Do cơ quan lãnh đạo trung ương mà người đại biểu là Mao Trạch Đông, bị chống đối, nên đường lối mà người đại biểu là Vương Minh đã chiếm cương vị lãnh đạo. Dưới sự chỉ huy của họ, các tuyến phòng ngự của hồng quân, đã thi hành một chiến lược, chiến thuật đánh mạnh, đánh thắng với quân địch, trên một chiến tuyến dài trên một ngàn dặm, đưa đến thương vong nặng nề, hao binh tổn tướng, mất đất căn cứ. Do vậy, căn cứ địa của trung ương bị thu hẹp, chỉ còn hơn ba trăm dặm. Tình thế lâm vào hoàn cảnh hết sức nguy cấp.

Trước tình thế nguy cấp này, hồng quân đã tự tìm cho mình một con đường sống. Chủ lực của hồng quân cấp trung ương, chuẩn bị thay đổi hoàn toàn chiến lược đang thi hành. Để phối hợp với chủ lực của Hồng quân, cần phái một cánh quân đội vượt ra khỏi vòng vây của địch, tiến sâu vào địch hậu, để chia bớt hỏa lực đối với cánh quân đang bao vây căn cứ trung ương.

Nhiệm vụ này đã được giao cho quân đoàn 7 của hồng quân. Lúc bấy giờ, Túc Dụ đang giữ nhiệm vụ tham mưu trưởng của quân đoàn 7 này. Tháng bảy năm 1934, toàn quân đoàn gồm có hơn sáu ngàn người, xuất phát từ Thoại Kim, và bắt đầu một cuộc trường chinh lâu dài.

Để tranh thủ quần chúng, bộ đội đã đề ra khẩu hiệu Bắc tiến để kháng Nhật. Tại sao lại lấy khẩu hiệu đó? Vì ngày mười tám tháng chín năm 1931, quân phiệt Nhật đã ngang nhiên xâm chiếm Trung Quốc. Chúng chiếm một vùng đất đai lớn ở vùng Đông Bắc, rồi xây dựng một lực lượng thân Nhật, chống Hoa là "Mãn Châu Quốc". Hành động xâm lược của giặc Nhật đã làm cho toàn thể nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ đều phẫn nộ. Thế nhưng, Tưởng Giới Thạch vẫn xem lợi ích của dân tộc không ra gì, mà cương quyết thực hiện phương châm phản động của mình là "trước khi chống ngoại xâm, phải bình định nội bộ". Do vậy, Tưởng Giới Thạch đã nhượng bộ giặc Nhật từng bước. Trái lại, đối với quốc nội thì tiến hành trấn áp bằng vũ lực càng thêm mạnh mẽ. Hành động ngược đời đó đã bị toàn thể nhân dân trong nước phản đối kịch liệt. Trong hoàn cảnh như vậy, dùng khẩu hiệu "Hồng quân Bắc tiến kháng Nhật" để tuyên truyền và tranh thủ quần chúng, là chắc chắn có hiệu quả. Đặc biệt là hướng tiến quân của hồng quân đều nhằm vào vùng hậu phương của giặc Nhật. Như vậy, đối với những người chưa hiểu hồng quân, thấy họ trương cao lá cờ kháng Nhật, chắc chắn là sẽ đồng tình và ủng hộ.

Tuân theo mệnh lệnh của Ủy ban Quân sự Cách mạng Trung ương, Quân đoàn 7 hồng quân nhắm thẳng ý đồ là: chụp lấy cơ hội mấy huyện ở phía Nam tỉnh An Huy đang bạo động vũ trang đứng lên làm cách mạng, để xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Nam An Huy

Nhưng muốn thực hiện chiến lược này, thật là muôn vàn khó khăn. Trước tiên, là chỉ đạo tư tưởng không rõ ràng, quân ủy trung ương không giao rõ nhiệm vụ cho bộ đội là phải kềm chế quân địch để yểm trợ cho chủ lực của hồng quân di chuyển. Sau khi quân đoàn 7 ra đi, thì lại không ngớt thay đổi kế hoạch, để cho bộ đội tấn công vào những thành phố phòng thủ vững chắc của địch, và chỉ đạo cho bộ đội xây dựng căn cứ địa tại hậu phương vững mạnh của địch một cách không thiết thực, làm cho bộ đội không thể thực hiện được kế hcạch đó.

Ngoài ra, binh lực của bộ đội lại không đủ, nên khó đảm nhiệm trọng trách trong việc tác chiến mà trên giao. Quân đoàn 7 thành lập tương đối muộn, toàn quân đoàn chỉ có hơn sáu ngàn sĩ quan và binh sĩ, trong đó có hai ngàn người là lính mới, trình độ huấn luyện chưa thật hoàn chỉnh, kinh nghiệm chiến đấu còn non nớt. Cả quân đoàn lúc ấy chỉ có hơn một ngàn khẩu súng, còn đa số chiến sĩ đều chiến đấu bằng đại đao và giáo dài.

Hơn nữa, cơ cấu lãnh đạo của quân đoàn lại đầy rẫy mâu thuẫn. Quân đoàn trưởng Tầm Hoài Châu là một chiến sĩ kỳ cựu, xuất thân từ cuộc khởi nghĩa mùa thu, vừa dũng cảm lại vừa đầy đủ mưu trí, được sĩ quan và binh sĩ tin yêu. Chính ủy là Lạc Thiếu Hoa, một sĩ quan xuất thân từ Trường võ bị Matxcơva trở về. Còn đại biểu trung ương Tăng Hồng Dịch là một viên tướng tả khuynh hoàn toàn, đối với áp lực mạnh của địch, lại sợ hãi, ý chí dao động, tư tưởng bi quan. (Về sau hắn đã đi vào con đường phản Đảng xấu xa). Người nắm quyền lãnh đạo quân đoàn thực sự là Tăng Hồng Dịch và Lạc Thiếu Hoa. Do vậy, bộ đội rất khó thoát khỏi đường lối tả khuynh.

Đứng trước muôn vàn khó khăn, bộ đội hoàn toàn dựa vào ý chí ngoan cường của sĩ quan và binh sĩ, tiếp tục giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, như chiếm Hạ Thủy Khẩu, bao vây Phúc Châu, đánh chiếm La Nguyên, tiến vào phía Tây Triết Giang, rồi đánh thốc vào vùng núi non ở Tây Bắc Triết Giang, cách Nam An Huy không xa. Do phải đánh nhau liên tiếp, lại không có hậu phương, nên bộ đội bị tiêu hao qua việc tử thương rất nhiều. Đạn dược cũng không làm sao cung cấp được. Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức nhiều vụ bạo động ở phía Nam tỉnh An Huy đã bị thất bại mấy tháng qua. Trước tình trạng cần phải được chấn chỉnh hàng ngũ, nên quân đoàn đánh điện thẳng về Trung ương, yêu cầu Trung ương phê chuẩn cho họ được xây dựng căn cứ địa ở vùng biên giới hai tỉnh An Huy và Giang Tây. Vì địa hình ở đây rất có lợi, sản vật lại phong phú, cơ sở quần chúng tương đối khá, lại có thể uy hiếp được trung tâm thống trị của địch ở những vùng Lư Ninh Hàng. Nhưng Trung ương đã bắt buộc quân đoàn đi đến vùng Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tây, và Giang Tô. Có thể nói từ vùng biên giới hai tỉnh An Huy và Giang Tây đi tới vùng Phúc Kiến, Triết Giang, và Giang Tây là hết sức gay go, vì quân địch đã lập nhiều phòng tuyến phong tỏa. Thế nhưng, vì tuân theo lệnh Trung ương, binh sĩ và sĩ quan trong quân đoàn sẵn sàng lấy máu của mình để mở một hành lang, đến được địa điểm chỉ định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 09:10:51 am »


Kể từ ngày xuất phát tại Thoại Kim cho đến nay, đã trải qua bốn tháng và vượt qua hành trình ba nghìn dặm, khắc phục thiên nan vạn khổ, quân số của quân đoàn đã mất đi một nửa. Tuy nhiên, sự chiến đấu anh dũng của quân đoàn 7 đã chia sẻ lực lượng của địch về phía mình rất đáng kể, lại tiêu diệt được một số lớn sinh lực địch, nhất là đối với khẩu hiệu tuyên truyền tiến về phía Bắc để kháng Nhật càng sáng tỏ. Quân đoàn 7 cũng đã xây dựng nhiều khu căn cứ du kích, và nhen thêm ngọn lửa cách mạng ra khắp nơi. Công lao của họ không thể phủ nhận được.

Chiến khu "Mân Triết Cán Tô" (Mân là Phúc Kiến, Triết là Triết Giang, Cán là Giang Tây, Tô là Giang Tô) do Phương Chí Mẫn xây dựng và lãnh đạo. Nó là một khu Xô Viết cũ. Cho nên, khi quân đoàn 7 kéo tới, được họ hết sức hoan nghênh. Theo chỉ thị của Trung ương, quân đoàn 7 và Hồng Thập Quân (quân mười Hồng quân) họp lại biên chế thành Hồng Thập Quân Đoàn (Quân đoàn mười Hồng quân). Túc Dụ được lệnh rời bộ đội chủ lực đến quân khu Mân Triết Cán Tô để làm tham mưu trưởng. Đó là vào tháng mười một năm 1934. Lúc đó, quân chủ lực hồng quân tại khu Xô viết Trung ương kéo về phía Tây, nên địch rảnh tay, tập trung bao vây tấn công dữ dội khu Xô viết Mân Triết Cán Tô.

Lúc bấy giờ, con đường chọn lựa đúng đắn nhất là phân tán bộ đội để lên núi đánh du kích, bảo toàn thực lực, chờ ngày tập trung tiêu diệt địch. Nhưng quân khu trung ương được giữ lại để bảo vệ căn cứ địa trung ương, chỉ thị cho quân đoàn mười tập trung lực lượng chuẩn bị tiêu diệt quân địch sắp tới tấn công, xây dựng căn cứ Xô viết mới.

Để chấp hành mệnh lệnh của quân khu Trung ương, quân đoàn mười Hồng quân chấn chỉnh lại lực lượng lãnh đạo. Túc Dụ được điều về quân đoàn và được giữ chức tham mưu trưởng. Toàn quân gồm có ba sư, kéo vào khu vực được Trung ương chỉ định là Đàm Gia Kiều, thì đụng lực lượng địch. Trận đánh đầu tiên bất lợi. Tầm Hoài Châu bị hy sinh, bộ đội lâm vào cảnh nguy khó cực kỳ. Do vậy, bộ đội bắt buộc chạy vòng khu vực phía Nam An Huy, cũng như những khu vực trong tỉnh An Huy, Triết Giang, và Giang Tây. Một đạo binh to lớn đã trở thành mục tiêu tấn công, truy kích của quân địch. Mặc dù họ cũng đánh được nhiều trận thắng lợi, nhưng quân địch tập trung quân số ngày càng đông, làm cho sức chiến đấu của bộ đội ngày càng yếu kém. Nếu ngay lúc đó, kịp thời chỉ đạo phân tán lên núi đánh du kích, thì vẫn còn có thể cứu vãn được một phần bộ đội. Nhưng những người lãnh đạo vì sợ mệnh lệnh của quân khu trung ương, không dám thay đổi chiến thuật, vẫn hy vọng vào lối đánh chính quy để thủ thắng.

Khi bộ đội tiến đến vùng Hóa Vụ Đức thuộc tỉnh Triết Giang thì bị quân địch kéo tới bao vây. Túc Dụ đề xuất với các thủ trưởng quân đoàn là thời cơ không thể bỏ lỡ, phải tức khắc di chuyển bộ đội ra khỏi vòng phong tỏa của địch, để tránh bị bao vây rất nguy hiểm. Kiến nghị này được Phương Chí Mẫn đồng ý, nhưng lại bị một số thủ trưởng quân đoàn phản đối. Họ cho rằng quân địch không thể kéo tới bao vây nhanh như vậy, bộ đội đã hành quân qua một đoạn đường dài, đang mỏi mệt, cần nghỉ ngơi một đêm, rồi sẽ di chuyển. Túc Dụ cho rằng tình hình rất khẩn cấp, không thể chờ đợi thêm một ngày mà phải di chuyển ra khỏi vòng vây của địch ngay đêm nay. Trong khi còn đang tranh chấp, thì đôi bên thỏa hiệp một quyết định tạm, tức Túc Dụ dẫn một số bộ đội đi ngay trong đêm, còn chủ lực thì vẫn ở yên tại chỗ. Túc Dụ dẫn một cánh bộ đội hành quân nhanh, và chỉ trước nửa đêm là đã vượt qua khỏi phòng tuyến bao vây của địch, thoát được những cánh quân truy kích của chúng. Riêng quân chủ lực, vì chậm trễ, bỏ mất thời cơ nên bị địch bao vây tại vùng Hoài Ngọc Sơn, và trải qua một cuộc chiến đẫm máu, địch đông ta ít, hoàn toàn bị thất bại. Ngoài một số ít phá vòng vây chạy thoát được, còn số đông thì bị hy sinh, hoặc bị bắt làm tù binh. Riêng Phương Chí Mẫn, Lưu Trù Tây, là những người trong ban lãnh đạo quân đoàn thì bị địch bắt sống. Mấy tháng sau, họ bị địch hành quyết tại Nam Xương.

Đến đây, cánh quân Bắc tiến kháng Nhật xem như hoàn toàn bị thất bại.

Sau khi Hồng quân Trung ương rút đi thì vùng đất rộng lớn ở Giang Nam xem như hoàn toàn nằm dưới sự khống chế của Quốc Dân Đảng. Phân cục Trung ương còn ở lại để giữ khu Xô viết Giang Tây đã thống nhất chỉ huy những cánh quân còn tác chiến được ở vùng này. Sau khi học được những bài học thất bại liên tiếp, mọi người mới nhận thấy, nếu đánh mạnh, đánh thẳng vào quân thù, chính là con đường bị tiêu diệt. Chỉ có phân tán quân lực ra, tiến hành chiến tranh du kích, thì mới có thể bảo tồn lực lượng cách mạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 09:11:23 am »


Đội quân Bắc tiến kháng Nhật đầu tiên, sau khi bị thất bại ở vùng Hoàng Ngọc Sơn còn được hơn bốn trăm người. Theo chỉ thị của phân cục Trung ương, số bộ đội trên tổ chức thành sư đoàn mũi nhọn của tỉnh Triết Giang, để tiến vào tỉnh này, phát triển du kích chiến. Túc Dụ được phái làm sư trưởng cánh quân đó.

Sau khi nhận mệnh lệnh, Túc Dụ phân tích toàn diện tình hình. Ông cho rằng, Triết Giang là một vùng đất mà sự thống trị của quân thù tương đối hoàn chỉnh, muốn xây dựng căn cứ địa ở đây là chuyện khó, nhưng không phải là không thể tiến hành được. Có mấy điều kiện thuận lợi là về mặt tư tưởng chỉ đạo nếu đã xác lập được phương châm du kích chiến thì có thể dựa vào vùng Tây Nam của tỉnh Triết Giang, là nơi có núi cao rừng rậm, dễ hoạt động kín đáo, lại có một số cơ sở quần chúng nhất định. Vậy, nếu có được một cánh quân gan dạ và kiên cường, cộng thêm điều kiện chỉ huy chính xác, thì vẫn có thể duy trì được lực lượng vũ trang ở đây.

Tháng hai năm 1935, sư đoàn mũi nhọn từ khu vực Phúc Kiến, Triết Giang và Giang Tây xuất phát, tiến về vùng đất được chỉ định. Căn cứ theo kế hoạch dự kiến, bộ đội trước tiên đến vùng phía Bắc tỉnh Phúc Kiến để tiến hành việc liên hệ với tổ chức Đảng địa phương, rồi mới lại tiến quân về phía Tây Nam tỉnh Triết Giang. Chính vì vậy mà họ phải thông báo cho phân quân khu ở phía Bắc tỉnh Phúc Kiến biết trước ý đồ tác chiến của mình. Nào ngờ viên tư lệnh ở đây là Lý Đức Thắng, do không chịu nổi sự thử thách trong gian khổ, đã làm kẻ phản bội một cách nhục nhã, bán rẻ đồng chí của mình cho kẻ thù. Vì vậy, khi sư đoàn mũi nhọn vừa tiến vào vùng đất phía Bắc tỉnh Phúc Kiến thì đi tới đâu cũng bị địch đón đánh tới đó. Cho nên họ phải hủy bỏ kế hoạch cho quân nghỉ ngơi và chỉnh đốn tại vùng đất này, mà tiến quân thẳng về hướng Tây Nam tỉnh Triết Giang.

Vùng đất Tây Nam tỉnh Triết Giang là biên giới giao tiếp giữa ba tỉnh, đứng về mặt chiến lược hết sức quan trọng. Cho nên địch đã tổ chức rất nhiều đội bảo an ở khu vực này, để làm lực lượng phòng thủ địa phương. Muốn xây dựng căn cứ ở đây, việc đầu tiên là phải tiêu diệt lực lượng vũ trang địa phương rất ngoan cố của địch. Túc Dụ bèn xuất lĩnh cánh quân ít ỏi của mình, trải qua bốn tháng chiến đấu, xây dựng được một vùng căn cứ du kích có chiều rộng và chiều ngang hơn một trăm dặm.

Việc xây dựng căn cứ du kích tại quê hương của Tưởng Giới Thạch đã làm cho Quốc Dân Đảng tỉnh Triết Giang hết sức hốt hoảng. Họ vội vàng tập hợp bốn mươi sư đoàn binh lực, tiến về căn cứ du kích mới này, bao vây tảo thanh. Đứng trước tình hình địch mạnh ta yếu, Túc Dụ quyết định để lại một bộ phận chủ lực tiếp tục chiến đấu, chia sẻ hỏa lực của địch, còn đại bộ phận thì nhanh chóng chuyển về biên giới Triết Giang và Phúc Kiến, để mở một chiến trường mới.

Lúc bấy giờ ở phía Đông và phía Bắc tỉnh Phúc Kiến, đều có lực lượng võ trang do Đảng Cộng sản lãnh đạo đang hoạt động. Họ cũng xây dựng được một số vùng du kích. Túc Dụ cho rằng, nếu ba lực lượng võ trang này cùng hoạt động liên kết, hỗ tương với nhau, vẫn hay hơn là một cánh hoạt động riêng. Do vậy, sau khi thương lượng với người phụ trách ủy ban đặc biệt vùng Đông Phúc Kiến là Diệp Phi, các bên quyết định thành lập tỉnh ủy và quân khu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khu vực biên giới Phúc Kiến và Triết Giang, do Lưu Anh làm bí thư tỉnh ủy kiêm chính ủy quân khu. Riêng Túc Dụ làm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, kiêm tư lệnh viên quân khu.

Trong lúc cánh quân Bắc tiến kháng Nhật đầu tiên bị thất bại, thì một điện đài duy nhất của quân đội đã bị địch phá hủy. Kể từ đó, họ không còn phương tiện nào để liên lạc được với trung ương. Họ hoàn toàn không hay biết trung ương sau một cuộc hội nghị, đã thay đổi hoàn toàn phương châm sai lầm trước đây, và kiên trì phương châm du kích chiến tranh. Cho nên họ chỉ dựa vào sự mò mẫm của mình. Và từ đó không tránh khỏi có những sự bất đồng với trung ương.

Với vai trò là người thủ trưởng cao nhất về mặt quân sự, Túc Dụ đối với những chuyện thất lợi trước đây, đã tiến hành một sự nhận xét chín chắn, và từ đó, xây dựng thành một hệ thống tư tưởng cơ bản. Ông cho rằng ở căn cứ địa mới, nếu dùng biện pháp như trước đây một cách mù quáng, hoạt động công khai, tiến hành đánh thổ hào, phân chia điền địa, tuy có thể được sự khoái chí nhất thời nhưng nó sẽ đưa đến nhiều cái bất lợi to tát lâu dài. Thứ nhất là không tranh thủ được sự đồng tình, cũng như sự trung lập của tầng lớp trung và thượng trong xã hội. Thứ hai, là để lộ lực lượng và đồng chí của mình, không thể đấu tranh lâu dài. Sau khi căn cứ địa phía Tây tỉnh Triết Giang bị mất, cán bộ địa phương vì hoạt động nhiều, mục tiêu to, nên hầu hết bị kẻ địch sát hại. Cách suy nghĩ của Túc Dụ đã bị Lưu Anh với tư cách lãnh đạo Đảng phản đối. Lưu Anh cho rằng nhận định như vậy là phủ nhận công tác của Đảng ở tại vùng phía Tây Triết Giang.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM