Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:31:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009  (Đọc 3867 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2023, 08:06:14 am »


Từ giữa tháng 3.1984 trở đi, các hoạt động của đối phương, nhất là các vụ khiêu khích vũ trang, tung các toán thám báo xâm nhập vào lãnh thổ nước ta ở Cao Bằng ngày càng tăng cao.

Liên tục trong tháng 4 và 5.1984, các lực lượng vũ trang từ bên kia biên giới liên tục bắn súng vào nhiều làng xóm, nhiều xã, huyện biên giới của tỉnh. Đặc biệt, chúng dùng các loại súng lớn như cối 82mm, 120mm, đại bác 105mm, 15mm bắn hàng vạn quả đạn vào 79 điểm chốt, ở 31/42 xã, trên toàn bộ 8 huyện biên giới Cao Bằng. Đồng thời, chúng cho các đơn vị vũ trang xâm nhập qua khu vực mốc 105, âm mưu tấn công vào Nhị Đú, xã Vân An, huyện Hà Quảng. Tại đây có điểm chốt của Đồn biên phòng Nặm Nhũng. Đồng thời, chúng cho quân vượt qua biên giới xâm nhập vào bản Miài, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Pò Peo (sau đổi tên gọi là Đồn Biên phòng Ngọc Khê). Nhưng quân dân ta cảnh giác cao, phát hiện sớm, nổ súng kịp thời nên bọn khiêu khích phải rút về bên kia biên giới. Riêng ở đoạn biên giới xã Vân An và hai xã biên giới kề Lũng Nặm, Cải Viên, đối phương tiếp tục duy trì trạng thái căng thẳng. Các loại cối và pháo lớn vẫn không ngừng bắn cầm canh qua biên giới và kết hợp dùng loa phát công suất lớn đe doạ, gây hoang mang tâm lý.

Đồng bào và các lực lượng vũ trang ta vẫn thường xuyên cảnh giác nhưng khi các hoạt động của đối phương kéo dài, nhiều người mệt mỏi, cho đó chỉ là thủ đoạn chiến tranh tâm lý. Rạng sáng ngày 23.8.1984, đối phương huy động một tiểu đoàn, có pháo binh yểm trợ, chia làm 3 mũi tấn công qua các khu vực mốc 104, 105 và xóm Lũng Rẩu, xã Vân An. Trong đó, họ cho một đại đội bộ binh tập trung đánh vào điểm chốt Nhị Đú, cách mốc 105 khoảng 1.200m. Tại chốt này có 129 cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Nặm Nhũng. Chốt được trang bị các loại vũ khí B40, RPĐ, AK, CKC. Mỗi đồng chí được cấp 4 lựu đạn, 3 cơ số đạn.

Chiến sỹ ở chốt kịp thời phát hiện đối phương. Nhưng vì bị đánh bất ngờ, Trung đội trưởng Hùng cùng một số anh em bị trúng đạn. Số còn lại bung ra ngoài dũng cảm chiến đấu, kiên cường nổ súng đánh trả. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng ta thương vong nhiều và đã rút hết ra ngoài. Đối phương xông vào chốt lớn đốt lán, rồi rút lui. Trong khi xảy ra chiến sự, Trung tá Nguyễn Hoành Sơn, Trung đoàn trưởng Bộ đội biên phòng Cao Bằng đang công tác tại Đồn Biên phòng Nặm Nhũng đã quyết định điều ngay 2 tiểu đội, giao cho đồng chí Ma Quang Nghị, Phó đồn trưởng về chính trị, chỉ huy lên chi viện cho chốt. Đồng thời, phân công đồng chí Độ, Phó ban Trinh sát, cùng đồng chí Tâm, trợ lý tác chiến của Trung đoàn vào chốt Nhị Đú xử lý tình hình. Ban chỉ huy quân sự huyện Hà Quảng nhận được tin lập tức lệnh cho Tiểu đoàn 106 điều một trung đội tăng cường cho lực lượng ở khu vực chiến đấu. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng cử đồng chí Kiêm, tham mưu trưởng lên chỉ huy cụm chiến đấu Nặm Nhũng.

Do địa bàn đi lại khó khăn, phương tiện đảm bảo thông tin hữu tuyến và vô tuyến đều không có nên cán bộ và các lực lượng chi viện chiến đấu đến khu vực chiến sự thì đối phương đã rút về bên kia biên giới. Trong trận này, Đồn Biên phòng Nặm Nhũng có 4 đồng chí hy sinh, 9 đồng chí bị thương. Đối phương chết 4 người, bị thương 7 người.

Trước tình hình đối phương ráo riết chuẩn bị chiến tranh, không ngừng khiêu khích vũ trang, tấn công qua biên giới, ngày 1.12.1984, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ra Chỉ thị số 34-CT/TU chỉ đạo toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh “tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi tình huống”. Tỉnh uỷ chỉ đạo toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh tập trung vào các mặt:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động quần chúng, cả nhân dân và các lực lượng vũ trang, tiếp tục nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận rõ bản chất của đối phương. Đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng bản là một chiến hào, huyện là pháo đài mạnh.

Phấn đấu thực hiện “khép kín biên giới”, chấm dứt mua bán hàng hoá qua biên giới. Kiên quyết xử lý với tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu theo hướng chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến. Trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu đều giỏi, kỷ luật nghiêm, có ý chí quyết tâm và trình độ kỹ chiến thuật, nghiệp vụ cao. Hoàn thiện và thực hiện tốt các phương án phục vụ sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo có thể chiến đấu dài ngày. Kiên quyết không để xảy ra bạo loạn, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Khẩn trương xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu, cụm chiến đấu liên hoàn, xây dựng hầm hào, căn cứ chiến đấu, hậu cứ của từng xã, huyện. Có kế hoạch sơ tán bảo vệ dân, dự trữ lương thực, thực phẩm cho từng hộ, hợp tác xã và xã...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2023, 08:07:55 am »


Tháng 12.1984, để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trước tình hình mới và thống nhất với cơ cấu tổ chức chung trong Bộ đội Biên phòng, Cơ quan chỉ huy Trung đoàn 694 Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được đổi thành Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Trung tá Nguyễn Hoành Sơn, Trung đoàn trưởng 694 Bộ đội Biên phòng Cao Bằng giữ chức Chủ nhiệm biên phòng tỉnh. 14 đồn biên phòng trên truyến biên giới chuyển sang thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng.

Với cơ chế mới từ ngày 28-29.1.1985, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần I1 (kể từ khi Đảng bộ được thành lập từ năm 1981) để xây dựng phương hướng lãnh đạo đơn vị chuyển đổi phương thức hoạt động chiến đấu trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh biên giới, góp phần làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt và chiến tranh lấn chiếm biên giới của đối phương. Đại hội đã bầu ra Ban Đảng uỷ gồm 5 đồng chí: Nông Duy Thông, phó Chủ nhiệm Biên phòng Tỉnh, Bí thư. Nguyễn Hoành Sơn, Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh, Phó bí thư và 3 đồng chí Đảng uỷ viên.

Sau vụ đối phương tập kích vào Nhị Đú, xã Vân An, huyện Hà Quảng (tháng 8.1984), Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng và các lực lượng vũ trang trong tỉnh cần lưu ý công tác nắm tình hình khu vực biên giới và tăng cường hoạt động đấu tranh chống các loại đối tượng ở vùng Lục Khu (Hà Quảng). Trọng điểm là địa bàn các xã Lũng Nặm, Vân An (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Nặm Nhũng) và xã Nà Sác (địa bàn của Đồn biên phòng Sóc Hà).

Tại ba xã trên, tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền đã được các cấp lãnh đạo thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng. Nhưng vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng chưa được phát huy cao. Năng lực quản lý của chính quyền do một số tình hình cụ thể còn có một số mặt hạn chế. Từ sau chiến sự bảo vệ biên giới tháng 2.1979, các xã Nà Sác, Lũng Nặm, Vân An đã trở thành địa bàn quân sự quan trọng nằm trong hướng tấn công chính của đối phương. Đồng thời, khu vực này cũng là hướng phòng thủ chính của quân dân Cao Bằng. Bộ Tư lệnh Quân khu I đã bố trí ở đây một sư đoàn chủ lực. Tại đây, đối phương ra sức cài cắm cơ sở ngầm, xây dựng chính quyền hai mặt vào khu vực này nhằm phục vụ âm mưu lâu dài. Vì thế, đây cũng là địa bàn phản gián quan trọng của ta.

Từ đầu những năm 80, các đồn biên phòng ở huyện Hà Quảng đã phát hiện các hiện tượng công an hai huỵên Trịnh Tây và Nà Po của Trung Quốc móc nối, cài cắm cơ sở ngầm vào khu vực biên giới ta. Nhưng phải đến năm 1982, tiến hành công tác sưu tra địa bàn, Đồn Biên phòng Nặm Nhũng mới phát hiện các dấu hiện cụ thể tên Nông Văn Phung, sinh tại xóm Áng Bó, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng nghi là cơ sở ngầm của đối phương. Tên Phung có mẹ là người Trung Quốc, lấy vợ và ở rể bên Trung Quốc. Sau đó, cùng gia đình trở về Việt Nam, sống tại xóm Áng Bó, Lũng Nặm. Do có nhiều quan hệ đặc biệt, Phung thường qua lại biên giới và có nhiều biểu hiện bị địch móc nối, lôi kéo. Tháng 2.1983, Phung công khai đến gặp đồn biên phòng nhằm móc nối. Y xin trực tiếp gặp đồng chí Lớ, Đồn trưởng và đồng chí Sính, Đội trưởng trinh sát Đồn Biên phòng Nặm Nhũng. Y nêu vấn đề có nhiều người quen bên Trung Quốc đã nhiều lần nhắn mời y sang chơi, nếu được đồn cho phép đi, sẽ nắm được nhiều tình hình. Đồng chí Ló biết rõ Phung đã nhiều lần sang bên kia biên giới nên đồng ý.

Trên đất Trung Quốc, Phung từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tượng của đối phương (như Hoàng Văn Khải, Đại đội trưởng dân binh ở Lũng Tải; Hoàng Văn Khoáy, Bí thư đại đội sản xuất Trải Dẻn; Lý Sấn Pháng, Trạm trưởng công an Nà Lặm, huyện Trịnh Tây, hay tên Vàng, cán bộ Công an Cáp Mìa, huyện Trịnh Tây...). Phung được phía Trung Quốc đón tiếp ân cần, hỏi thăm và muốn được gặp Bí thư Đảng uỷ xã Vân An là Lê Văn Kỉnh, hỏi thăm đồng chí Lý Trung Khính, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Nặm Nhũng, nguyên Phó chủ tịch huyện Hà Quảng, muốn gặp đồng chí Sính cán bộ trinh sát Đồn Nặm Nhũng “để trao đổi tình hình”. Phung còn được Bí thư Đại đội sản xuất Trải Dẻn của Trung Quốc giao chuyển quà đến tận tay đồng chí Sính. Đồng chí Sính đã để nguyên gói quà, chuyển về báo cáo Đảng uỷ, Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh.
______________________________________
1. Từ năm 1959 - 1979, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức 12 lần Đại hội đại biểu (từ lần I đến lần XII). Từ năm 1979, công an nhân dân vũ trang đổi thành Bộ đội Biên phòng, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu, bắt đầu tính từ lần I, II, III...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2023, 08:09:00 am »


Ngày 21.3.1985, cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh đã lập chuyên án mang bí số HQ85 để đấu tranh. Trung tá Nguyễn Hoành Sơn, Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh làm Trưởng ban chuyên án. Đại úy Long Văn Gioòng, cán bộ Ban Trinh sát biên phòng tỉnh làm phó ban và đồng chí Hoàng Văn Lớ, Đồn trưởng đồn Biên phòng Nặm Nhũng (Đồn 169), uỷ viên. Ban còn được Cục Trinh sát Biên phòng tăng cường thêm Đại úy Nguyễn Văn Độ tham gia chỉ đạo, vạch kế hoạch và tổng hợp tình hình trong quá trình đấu tranh. Đội đánh án có ba đồng chí của trinh sát Biên phòng Cao Bằng gồm Đại úy Đinh Văn Hữu, đội trưởng và hai đội viên là Đại úy Sầm Thanh Quàn và Trung úy Hứa Hải Dương.

Trước khi triển khai HQ85, ngày 29.3.1985, Ban lãnh đạo chuyên án cùng đồng chí Hộ, Trung tá, trưởng phòng của Cục Trinh sát Biên phòng tranh thủ ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng. Ban Giám đốc Công an tỉnh thông báo lực lượng Công an đang đấu tranh với một vụ gián điệp ở địa bàn Hà Quảng và đề nghị biên phòng phối hợp khi có tình hình liên quan.

Sau một thời gian thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, ta đã làm rõ bộ mặt thật của một số đối tượng là cơ sở ngầm của đối phương. Trong số đó, Nông Văn Phung chính xác là cơ sở của Công an Trung Quốc. Nhiệm vụ của y là tổ chức, lôi kéo người của ta để xây dựng cơ sở ngầm, phá hoại nội bộ, thu thập và cung cấp tin tức báo cho Trung Quốc. Đồng thời, bước đầu ta cũng đã làm rõ Lê Văn Kỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy Lũng Nặm do mơ hồ, mất cảnh giác nên đã bị lôi kéo sang gặp Công an Trung Quốc. Sau hơn hai tháng đấu tranh, do gặp nhiều tình huống nghiệp vụ nằm ngoài dự kiến làm cho chuyên án bị lộ, Ban chuyên án chủ trương sơ kết giai đoạn 1, tạm dừng đánh án, nhằm đánh lạc hướng và chờ đối tượng hoạt động trở lại sẽ tiếp tục đấu tranh.

Ngày 3.7.1985, khi chuyên án đang bế tắc thì Đại tá Nguyễn Văn Chức, Cục trưởng Cục Trinh sát lên Cao Bằng công tác. Sau khi nghe biên phòng tỉnh báo cáo tình hình, đồng chí Cục trưởng Trinh sát nhất trí cho tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, nhưng chỉ đạo không xếp chuyên án lại mà phải thực hiện tư tưởng tiến công địch tích cực hơn nữa. Theo hướng chỉ đạo đó, đội đánh án trở lại địa bàn thực hiện kế hoạch xây dựng thế trận bí mật, áp dụng một số chiến thuật đánh án của trinh sát biên phòng. Công việc đang tiến hành thì tại địa bàn Đồn Biên phòng Nà Sác (Đồn 167), Trần Quang Học, 26 tuổi ở xóm Hòa Mục, xã Nà Sác đột nhiên ra đầu thú đã làm gián điệp cho Trung Quốc từ năm 1982. Ban chuyên án cùng Đồn 167 nhanh chóng gặp đối tượng xác minh. Từ đối tượng trên, ta nhanh chóng phối hợp với công an, an ninh quân đội phát hiện 8 tên gián điệp khác trong mạng lưới cơ sở ngầm của đối phương.

Trong giai đoạn II, ta đã phát hiện được 21 đối tượng có quan hệ buôn bán qua biên giới. Trong đó có 19 đối tượng nghi vấn bị đối phương móc nối, lôi kéo. Làm rõ 12 đối tượng là gián điệp của đối phương. Lập được 10 hồ sơ báo cáo lên trên. Tiến hành bắt 2 đối tượng để khai thác phục vụ cho công tác đấu tranh tiếp theo. Trong đó, biên phòng bắt 1 đối tượng, Công an tỉnh bắt 1 đối tượng.

Năm 1986, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện kiểm tra biên giới theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng. Ban Biên giới Chính phủ đã cử cán bộ về Cao Bằng tổ chức đợt tập huấn cho các ngành, các cấp trong tỉnh, các cán bộ chỉ huy sư đoàn, trung đoàn đóng quân ở phía trước, cán bộ chỉ huy quân sự huyện, cán bộ các xã biên giới, ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các huyện biên giới thực hiện kiểm tra trên thực địa biên giới. Mỗi huyện tổ chức ra các đội. Mỗi đội phụ trách kiểm tra một đoạn biên giới và hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của các đồn trưởng các đồn biên phòng. Các đơn vị công binh được giao đảm nhiệm công việc mở đường. Các đơn vị bộ đội chủ lực khác làm nhiệm vụ tăng cường bảo vệ toàn bộ đợt kiểm tra. Kết quả, đợt kiểm tra biên giới tại tỉnh đã tập hợp được nhiều cứ liệu quan trọng phục vụ các cơ quan chức năng nắm được thực trạng tình hình đường biên, cột mốc, các điểm, các khu vực bị lấn chiếm, có đủ số liệu báo cáo lên Chính phủ.

Năm 1986, cũng là thời điểm Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước bước vào năm thứ 7 thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Qua chặng đường gần 7 năm xây dựng, công tác chiến đấu, Bộ đội Biên phòng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước khôi phục nề nếp hoạt động, từng bước trưởng thành, lập được nhiều thành tích trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới, vùng biển - đảo Tổ quốc. Hoạt động của Bộ đội Biên phòng trong thực tế đã bộc lộ một số thiếu sót, nhược điểm trong các mặt công tác chỉ huy, chỉ đạo; công tác đảm bảo về nhiều mặt để lực lượng có đủ cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong khi đó, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối phương ngày càng tinh vi. Yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng đòi hỏi Bộ đội Biên phòng phải tăng cường khả năng chỉ đạo, chỉ huy thống nhất trong toàn lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Để giải quyết khắc phục thực trạng trên, ngày 4.4.1986, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 419/QĐ “về chấn chỉnh tổ chức chỉ huy và củng cố xây dựng Bộ đội Biên phòng” đã xác định: “Bộ đội Biên phòng là một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới của Tổ quốc cả trên đất liền và vùng ven biển và tham gia tác chiến chống xâm lược khi có chiến tranh. Về hệ thống chỉ huy, Bộ đội Biên phòng được tổ chức theo ba cấp cơ bản là:

- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ở Trung ương.

- Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng ở các Tỉnh, thành phố, đặc khu.

- Đồn biên phòng, các đơn vị cơ động trên biển, trên bộ ở cơ sở.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2023, 08:09:38 am »


Ở tuyến biên giới đối địch hoặc những vùng biên giới, hải đảo xa xôi, hiểm trở, giao thông liên lạc khó khăn, những tỉnh có biên giới, bờ biển quá dài, những huyện có quá nhiều đầu mối, Bộ Quốc phòng cho phép nghiên cứu tổ chức thêm tiểu khu biên phòng trực thuộc Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố, đặc khu) để trực tiếp chỉ huy một số đồn biên phòng trong phạm vi một huyện, liên huyện.

Tháng 7.1986, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được chuyển giao về trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang cách mạng và phù hợp với nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ đội Biên phòng, Ban Bí thư Trung ương ra Quy định số 77-QĐ/TW, ngày 5.7.1986, “về tổ chức Đảng trong Bộ đội Biên phòng”. Ban Bí thư quy định: “Các tổ chức Đảng trong các đơn vị tỉnh, thành phố, đặc khu tổ chức thành Đảng bộ đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, Thành ủy, Đặc khu ủy, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị, sự hướng dẫn của Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng về công tác chính trị và về kinh nghiệm xây dựng Đảng trong Bộ đội Biên phòng. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, đặc khu là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng”

Từ ngày 23-26.9.1986, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiến hành đại hội lần thứ II, kiểm điểm, đánh giá công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xây dựng đơn vị Đảng bộ hai năm 1985 - 1986. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ chung của nhiệm kỳ 1986 - 1988: “Tập trung mọi cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đánh bại âm mưu, hành động lấn chiếm và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch câu kết với đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với nước ta.

Ra sức xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng mọi mặt của đơn vị đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ làm nòng cốt, chuyên trách trong công tác biên phòng mang ba tính chất an ninh, quốc phòng và đối ngoại như Quyết định 419 của Bộ Quốc phòng quy định”.

Đại hội thống nhất bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Nguyễn Hoành Sơn, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy; Hà Vâng, Phó Chỉ huy chính trị, Phó bí thư thường trực; 3 đồng chí ủy viên Thường vụ là Nông Tiến Thật, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng; Long Đình Khánh, Phó chỉ huy trưởng Trinh sát; Triệu Kim Cương, Phó chỉ huy trưởng Hậu cần và 8 đồng chí Đảng ủy viên.

Trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định 419 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng lần thứ II. Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhanh chóng bước vào thời kỳ thực hiện chức trách chỉ huy toàn diện đối với các đồn biên phòng trên biên giới.

Từ ngày 15-18.12.1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi và trong xu thế mới, Đại hội VI xác định việc đổi mới tư duy, đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật... là những yếu tố cần thiết để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, là yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển và hội nhập của cách mạng Việt Nam.

Các chủ trương xây dựng, củng cố, kiện toàn Bộ đội Biên phòng của Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã mở ra những tiền đề hết sức quan trọng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước và Bộ đội Biên phòng Cao Bằng nói riêng bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện công tác biên phòng, đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới của đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2023, 08:46:33 pm »


CHƯƠNG 5

KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC VỮNG MẠNH. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG PHỤC VỤ ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI – HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC (1986 - 2009)



I. CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC VỮNG MẠNH, PHỤC VỤ ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12.1986), Đảng ta khẳng định cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược là “xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Đại hội đề ra nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu và tỏ rõ thiện chí khôi phục quan hệ hữu nghị, sớm bình thường hóa quan hệ với nhân dân và Nhà nước Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh phải “để cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc”.

Là một bộ phận gắn bó hữu cơ của hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước, công tác biên phòng trong thời kỳ mới tất yếu phải đổi mới toàn diện, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh và ổn định lâu dài biên giới quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Về công tác biên phòng, Đại hội VI chủ trương: “tăng cường tổ chức bảo vệ chủ quyền và giữ vững các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo; xây dựng và củng cố Bộ đội Biên phòng vững mạnh”.

Năm 1987, Bộ đội Biên phòng cùng quân dân cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng trong hoàn cảnh đất nước ta vẫn còn bộn bề khó khăn. Tại Cao Bằng, năm 1987, sản xuất nông nghiệp cũng trong điều kiện rất khó khăn, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh phá hoại ở nhiều vùng... Do đó đã ảnh hưởng lớn đến thực hiện các chỉ tiêu sản xuất. Toàn tỉnh đã bỏ trắng 2.860 ha không gieo trồng được.

Trong bối cảnh đó, cùng với Bộ đội Biên phòng cả nước, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, tiếp tục thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu về chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức chỉ huy, xây dựng lực lượng, phát triển hệ thống đồn, trạm biên phòng, đảm bảo kinh phí vật chất, trang bị phương tiện... nhằm thực hiện cơ chế chỉ huy thống nhất 3 cấp, từ Bộ Tư lệnh xuống đến tỉnh, thành và đồn, trạm biên phòng ở cơ sở.

Thời gian này, các hoạt động của đối phương trên biên giới ngày càng tăng cao. Nhiệm vụ, công tác biên phòng đứng trước những yêu cầu củng cố, xây dựng lực lượng: chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức hiệp đồng... đều phải phấn đấu đổi mới vươn lên tầm cao mới.

Đầu năm 1987, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng trong cả nước thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp chấn chỉnh tổ chức chỉ huy và củng cố xây dựng hệ thống tổ chức Bộ đội Biên phòng.

Ngày 28.2.1987, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng ra Nghị quyết số 107/NQ-ĐU, xác định phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng lực lượng năm 1987 là: “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và các tổ chức Đảng: phát huy sức mạnh tổng hợp và hiệu lực của cơ chế tổ chức chỉ huy mới; đổi mới tư duy trong công tác biên phòng và xây dựng lực lượng nhằm lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên giới và vùng ven biển của Tổ quốc, góp phần đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt và chiến tranh lấn chiếm biên giới của địch. Xây dựng biên giới đoàn kết hữu nghị với Lào và Campuchia. Tập trung mọi cố gắng, nhanh chóng củng cố lực lượng, làm chuyển biến mạnh mẽ về công tác tư tưởng và kỷ luật, đúng phương hướng chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều quy định của quân đội”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2023, 08:48:52 pm »


Đồng thời, dựa vào các chủ trương của trên và căn cứ tình hình thực tế ở cơ sở, ngày 16.2.1987, Bộ Tư lệnh ra Quyết định số 03/QĐ-BTL chỉ đạo 7 tỉnh Biên phòng trên các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Miên thành lập 11 tiểu khu biên phòng trực thuộc Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng để tăng cường lực lượng, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng ven biển. Trong đó, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được phép thành lập Tiểu khu Bảo Lạc (phiên hiệu là Tiểu khu 15) và Tiểu khu Hạ Lang (phiên hiệu là Tiểu khu 20)1.

Chức năng cơ bản của tiểu khu biên phòng là chỉ huy các đơn vị cơ động thuộc quyền chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, mệnh lệnh của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành, đặc khu); thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, hải đảo; đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trên khu vực biên giới, vùng biển được giao và xây dựng các đơn vị trong tiểu khu vững mạnh về mọi mặt.

Tiểu khu Bảo Lạc có 6 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh phải làm tốt việc “chỉ đạo công tác tư tưởng đối với các đơn vị thuộc quyền, đảm bảo xây dựng tiểu khu vững mạnh về tư tưởng, trong sạch về tổ chức, đoàn kết, kỷ luật, gắn bó với nhân dân, hiệp đồng với các lực lượng, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ”. Đồng thời, quan hệ chặt chẽ với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương (huyện, quận, thị); hiệp đồng chặt chẽ với Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, và cơ quan các ngành, các đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ biên phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, xây dựng đơn vị, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sỹ”2.

Đến giữa năm 1987, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc vẫn còn hết sức nóng bỏng. Đối phương ra sức đẩy mạnh kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, lấn chiếm biên giới, pháo kích và tập kích vào các đồn biên phòng, tung các toán trinh sát thám báo, thực hiện điều tra tình báo... với nhiều phương thức khác nhau. Yêu cầu đặt ra cho các đồn biên phòng là phải hết sức cảnh giác để có thể đứng chân vững chắc, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn, hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Ngày 18.7.1987, căn cứ tình hình thực tế trên biên giới và Chỉ thị số 67/CT-BTL ngày 18.5.1987, của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho các Ban chỉ huy biên phòng tỉnh nghiên cứu xác định vị trí các đồn biên phòng trên tuyến biên giới phía Bắc, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị số 80/CT-TM điều chỉnh, bố trí lại lực lượng Bộ đội Biên phòng trên biên giới phía Bắc nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; chỉ đạo tổ chức và bố trí mỗi xã biên giới một đồn biên phòng. Củng cố và nâng cao chất lượng các đại đội cơ động biên phòng. Tổ chức các huyện biên phòng ở những huyện có từ 3 đồn biên phòng trở lên.

Trong tháng 8.1987, Bộ đội Biên phòng nhiều tỉnh, thành phố triệu tập hội nghị quân chính thảo luận phương hướng lãnh đạo đơn vị chấp hành chỉ thị, kế hoạch công tác của Bộ Tư lệnh, sẵn sàng tham gia chi viện các tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường, bố trí lực lượng bảo vệ biên giới.

Ngày 24.9.1987, đơn vị chi viện đầu tiên gồm 63 cán bộ, chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng Bình Trị Thiên do Trung tá Nguyễn Tấn Hữu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên chỉ huy lên đường đi chi viện cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Ngày 26.9.1987, lễ bàn giao 63 cán bộ, chiến sỹ nói trên được tổ chức tại cơ quan Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng. Năm 1987, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức tiếp nhận 5 đợt chiến sỹ mới với tổng số 1.098 đồng chí; tiếp nhận 3 đợt cán bộ gồm 153 người do Bộ Tư lệnh điều bổ sung từ phía sau để thực hiện Chỉ thị số 80/CT-TM.

Căn cứ vào thực lực đó, cuối tháng 9.1987, chấp hành Chỉ thị số 80/CT-TM của Bộ Tổng Tham mưu và Quyết định số 95/QĐ-BTL, ngày 25.7.1987, của Bộ Tư lệnh, Đảng ủy, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tích cực tổ chức, chỉ đạo triển khai xong 6 Ban chỉ huy biên phòng huyện ở 6/8 huyện biên giới của tỉnh. Đồng thời, triển khai thêm 25 đồn biên phòng mới, đưa tổng số đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh lên 39 đồn.
_______________________________________
1. Ở các tỉnh khác: Quảng Ninh, thành lập Tiểu khu Hải Ninh (Tiểu khu 5); Hà Tuyên, thành lập Tiểu khu Đồng Văn (Tiểu khu 20), Tiểu khu Hoàng Su Phì (Tiểu khu 25); Hoàng Liên Sơn, thành lập Tiểu khu Bát Xát; Lai Châu, thành lập tiểu khu Phong Thổ (Tiểu khu 35), Tiểu khu Mường Tè (Tiểu khu 40), Tiểu khu Điện Biên (Tiểu khu 45); Nghệ An, thành lập Tiểu khu Mường Xén (Tiểu khu 50); Kiên Giang, thành lập tiểu khu Phú Quốc (Tiểu khu 55).
2. Quy định số 13/QĐ-BTL, ngày 17.2.1987, của Bộ Tư lệnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2023, 08:52:08 pm »


Huyện Thạch An có 1 đồn biên phòng, huyện Thông Nông có 2 đồn biên phòng, nên không thành lập Ban chỉ huy biên phòng huyện. Đồng thời, theo quy định của trên, lúc này tên các đồn biên phòng gọi theo địa danh xã, nơi đóng quân (không gọi theo số liệu). Cụ thể, hệ thống Ban Chỉ huy biên phòng huyện và các đồn biên phòng của Cao Bằng được thông báo từ ngày 15.10.1987, thống nhất sử dụng như sau1.

“1. Huyện Thạch An có:

- Đồn Đức Long phụ trách xã Đức Long.

2. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Quảng Hòa có:

- Đồn Mỹ Hưng phụ trách xã Mỹ Hưng
- Đồn Tà Lùng phụ trách xã Tà Lùng
- Đồn Đại Sơn phụ trách xã Đại Sơn
- Đồn Cách Linh phụ trách xã Cách Linh.

3. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Hạ Lang có:

- Đồn Cô Ngân phụ trách xã Cô Ngân.
- Đồn Thị Hoa phụ trách xã Thị Hoa.
- Đồn Thái Đức phụ trách xã Thái Đức và Việt Chu.
- Đồn Quang Long phụ trách xã Quang Long.
- Đồn Đồng Loan phụ trách xã Đồng Loan.
- Đồn Lý Quốc phụ trách xã Lý Quốc
- Đồn Minh Long phụ trách xã Minh Long.

4. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Trùng Khánh có:

- Đồn Đàm Thủy phụ trách xã Đàm Thủy
- Đồn Chí Viễn phụ trách xã Chí Viễn
- Đồn Đình Phong phụ trách xã Đình Phong
- Đồn Ngọc Khê phụ trách xã Ngọc Khê.
- Đồn Phong Nặm phụ trách xã Phong Nặm.
- Đồn Ngọc Chung phụ trách xã Ngọc Chung.
- Đồn Lăng Yên phụ trách xã Lăng Yên.

5. Ban chỉ huy Biên phòng huyện Trà Lĩnh.

- Đồn Tri Phương phụ trách xã Tri Phương.
- Đồn Quang Hán phụ trách xã Quang Hán.
- Đồn Hùng Quốc phụ trách xã Hùng Quốc và xã Xuân Hội.
- Đồn Cô Mười phụ trách xã Cô Mười.

6. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Hà Quảng có:

- Đồn Tổng Cọt phụ trách xã Tổng Cọt.
- Đồn Nội Thôn phụ trách xã Nội Thôn.
- Đồn Cải Viên phụ trách xã Cải Viên.
- Đồn Vân An phụ trách xã Vân An.
- Đồn Nặm Nhũng phụ trách xã Lũng Nặm và xã Kéo Yên.
- Đồn Trường Hà phụ trách xã Trường Hà.
- Đồn Nà Sác phụ trách xã Nà Sác.
- Đồn Sóc Hà phụ trách xã Sóc Hà.

7. Huyện Thông Nông có:

- Đồn Vị Quang phụ trách xã Vị Quang.
- Đồn Cần Yên phụ trách xã Cần Yên.

8. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Bảo Lạc.

- Đồn Xuân Trường phụ trách xã Xuân Trường.
- Đồn Khánh Xuân phụ trách xã Khánh Xuân
- Đồn Cô Ba phụ trách xã Cô Ba
- Đồn Thượng Hà phụ trách xã Thượng Hà
- Đồn Cốc Pàng phụ trách xã Cốc Pàng
- Đồn Đức Hạnh phụ trách xã Đức Hạnh

Đến tháng 10.1987, hệ thống tổ chức đơn vị của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng từ tỉnh đến cơ sở có tất cả 55 đầu mối, gồm 4 phòng, 1 ban hành chính thuộc cơ quan Ban Chỉ huy biên phòng tỉnh, 6 Ban chỉ huy biên phòng huyện, 39 đồn biên phòng (phụ trách 42 xã biên giới), 3 đại đội cơ động, 1 đại đội thông tin, 1 tiểu đoàn huấn luyện (d19). Tổng quân số biên phòng toàn tỉnh có 2.308 cán bộ, chiến sỹ, đạt 71,3% so với quân số theo quy định biên chế của trên2.
________________________________________
1. Thông báo số 496/TB-CH, ngày 1.10.1987, của Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.
2. Báo cáo tổng kết tình hình và công tác năm 1987. Số 588/BC-TK. Tài liệu đã dẫn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2023, 08:53:50 pm »


Về hệ thống tổ chức Đảng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được tổ chức thành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh với Ban chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Trực thuộc Đảng ủy biên phòng tỉnh có 8 Đảng ủy cơ sở (6 Đảng ủy Biên phòng huyện, 1 Đảng ủy Phòng tham mưu và 1 Đảng ủy Phòng Hậu cần - Kỹ thuật ở cơ quan Ban chỉ huy biên phòng tỉnh) với 61 chi bộ: 8 chi bộ trực thuộc Đảng ủy biên phòng tỉnh và 53 chi bộ trực thuộc Đảng ủy biên phòng cơ sở). Tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ có 359 đồng chí.

Trong một thời gian ngắn, cùng lúc triển khai thành lập, củng cố 6 ban chỉ huy biên phòng huyện, 39 đồn biên phòng (trong đó có 25 đồn biên phòng mới), đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí... Tất cả doanh trại, từ cơ quan chỉ huy biên phòng tỉnh, đến huyện, đồn biên phòng đều do cán bộ, chiến sỹ tự lao động xây dựng, chủ yếu là nhà tranh, vách đất. Đơn vị vừa triển khai xây dựng doanh trại, đồn, trạm vừa làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo vệ biên giới, trong khi quân số có hạn nên phần nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Việc bố trí mỗi xã một đồn theo chủ trương của trên trong tình hình mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan hệ với cấp ủy, chính quyền xã, đi sâu vào công tác nghiệp vụ biên phòng, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng toàn diện và chắc hơn1.

Năm 1987, qua hơn một năm thực hiện quyết định số 419/QĐ của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng vừa từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, phòng ban nghiệp vụ, các Ban chỉ huy biên phòng huyện, hệ thống đồn biên phòng, vừa chỉ đạo toàn đơn vị làm tốt công tác nắm tình hình, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, quyết tâm bảo vệ, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

Kết quả, các đồn biên phòng đã làm tốt công tác tuần tra, mật phục, kịp thời phát hiện, đón đánh 5 vụ đối phương xâm nhập vào trong khu vực biên giới ta, diệt 2 tên, bắt 4 tên, bắn bị thương 6 tên, thường xuyên củng cố, xây dựng hầm hào, công sự, tu sửa được 4.150m giao thông hào cũ, đào mới 1.030m; sửa và làm mới 181 hầm, 150 hố cá nhân.

Trong công tác biên phòng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng chấp hành các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và căn cứ tình hình cụ thể ở biên giới, triển khai thực hiện các mặt công tác điều tra nghiên cứu, nắm tình hình địch, tình hình địa bàn; đấu tranh chống gián điệp, tình báo, bóc gỡ cơ sở ngầm; vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; quản lý biên giới, thực hiện các quy chế bảo vệ biên giới... Kết quả:

Công tác điều tra, nghiên cứu nắm tình hình ở địa bàn ngoại biên, đơn vị đã lập kế hoạch, xây dựng được 5 cơ sở tình báo viên và 3 cơ sở tin cậy; kết hợp với công tác nghiệp vụ tiến hành điều tra cơ bản theo 27 biểu mẫu do Cục Tham mưu - Bộ Tư lệnh chỉ đạo, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học quân sự, chuẩn bị luận cứ xây dựng mô hình củng cố các xã biên giới.

Công tác sưu tra thực hiện theo các mẫu 20A, 20B; sưu tra vụ việc, hiện tượng và địa bàn xung yếu, phát hiện mới 73 đối tượng, làm rõ trong đó có 58 đối tượng thuộc hệ chính trị, 34 đối tượng cần trinh sát làm rõ. Thực hiện các đối sách với từng loại như giáo dục răn đe, tập trung lao động công ích, lập hồ sơ tập trung cải tạo, bắt xử lý theo pháp luật...

Công tác đấu tranh chống gián điệp, tình báo, bóc gỡ cơ sở ngầm, đã tập trung vào địa bàn trọng điểm, xây dựng thêm được 200 đầu mối đặc tình, phục vụ quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và phát hiện các đối tượng bị nước ngoài móc nối, cài cắm; thúc đẩy công tác xây dựng thế trận bí mật; đề xuất với Huyện ủy Bảo Lạc và phối hợp với Công an tiến hành mở đợt vận động chính trị ở 2 xã Khánh Xuân và Xuân Trường, làm rõ một số đối tượng là cơ sở ngầm bị nước ngoài cài cắm vào bộ máy chính quyền và lực lượng dân quân xã của ta.

Các đồn biên phòng đã tích cực cùng địa phương thực hiện Chỉ thị 43 của Tỉnh ủy xây dựng xã, cụm an toàn; giúp xã mở lớp giáo dục lao động công tích tập trung cho 378 đối tượng vi phạm quy chế biên giới; tiến hành điều tra, xác minh, lập được 45 hồ sơ, xác lập được 4 mối hiềm nghi, làm rõ 2 đầu mối là cơ sở ngầm của đối phương, chuyển giao cho công an, an ninh quân đội; thực hiện đối sách với 17 đối tượng.
______________________________________
1. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, Báo cáo sơ kết qua một năm thực hiện Chỉ thị 80 Của Bộ Tổng Tham mưu, số 217/BC, ngày 25.7.1988.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2023, 08:54:23 pm »


Trong công tác vận động quần chúng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền tổ chức được 2.405 buổi học tập từ trong Đảng đến các tổ chức, đoàn thể và nhân dân, quán triệt, thực hiện các Nghị quyết số 01 của thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị số 43 về xây dựng xã, cụm an toàn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và vận động nhân dân tham gia chống chiến tranh tâm lý và các luận điệu gây ảo tưởng hòa bình, hữu nghị của đối phương, tuyên truyền thực hiện các cuộc vận động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Các đồn biên phòng đã giúp địa phương làm thủ tục kết nạp thêm 2 đảng viên, 21 đoàn viên, củng cố 16 trung đội dân quân tập trung hoạt động nền nếp. Tham gia củng cố 12 hợp tác xã và 2 cửa hàng hợp tác xã, sửa chữa 20 phòng học. Tham gia gần 1.000 ngày công sửa chữa các tuyến đường liên thôn, liên xã; tiết kiệm được 2.000kg lương thực ủng hộ các hộ trong địa bàn thiếu đói, giáp hạt.

Nhờ mối quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó nên khi thực hiện chủ trương đóng ở mỗi xã một đồn biên phòng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới đồng tình, tích cực tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Các huyện, xã biên giới đã xây dựng thành nghị quyết, chủ trương, vận động nhân dân giúp đỡ các đơn vị mới triển khai thành lập đồn. Địa phương đã giúp đỡ tìm địa điểm, cấp đất đai, vật tư (tranh, tre...) để cán bộ, chiến sỹ tạm thời dựng được lán trại. Nhân dân 42 xã biên giới của tỉnh đều tận tình giúp đỡ thiết thực để các đồn biên phòng hoàn thành nhiệm vụ.

Trong quản lý biên giới, các đồn biên phòng thực hiện các quy chế biên giới, duy trì nền nếp hoạt động của các tổ tuần tra, kiểm tra được 42 cột mốc; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn 38 vụ đối phương đưa người xâm nhập vào đất ta chặt cây, khai thác gỗ; 4 lần tập trung giải thích cho người dân Trung Quốc về sai phạm vượt biên trái phép, vi phạm chủ quyền an ninh biên giới của Việt Nam.

Đồn Biên phòng Thị Hoa đề xuất với Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã Thị Hoa chỉ đạo, tổ chức vận động nhân dân trong xã chủ động trả 11 con bò của dân Trung Quốc lạc vào đất ta. Việc làm đó đã tạo ra phản ứng tích cực của phía Trung Quốc. Họ đưa tin mời người dân Cô Ngân (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Cô Ngân, huyện Hạ Lang) sang nhận lại 17 con trâu mà người dân Trung Quốc đã sang lùa về bên kia biên giới từ đầu năm 1986.

Các đồn biên phòng cũng đã tổ chức các trạm hoặc tổ kiểm soát lưu động ngăn chặn các vụ vượt biên. Phát hiện được 125.329 lượt người xâm nhập trái phép vào khu vực biên giới ta và vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Xử lý 944 người vi phạm quy chế biên giới (trong đó có 52 bộ đội, 22 cán bộ, công nhân viên); 882 lượt xe vận tải vào khu vực biên giới. Phát hiện 65 xe không có nhiệm vụ vào khu vực biên giới, buộc phải quay trở lại... Tiếp tục khảo sát, thí điểm xây dựng vành đai và tuyến an toàn làm chủ ở huyện Trùng Khánh. Tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm hình sự. Điều tra, kết luận một vụ trộm hơn 1 tấn thóc của hợp tác xã Xuân Trường; làm rõ 14 đối tượng trộm cắp trâu bò đưa sang Trung Quốc; kiểm tra nhân, hộ khẩu, quản lý vũ khí..

Năm 1988, tình hình trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ngoài các hoạt động tình báo, gián điệp, móc nối xây dựng, cài cắm cơ sở ngầm, thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt... đối phương còn đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, kích động tư tưởng, tinh thần cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta; dùng hàng hóa, kinh tế xâm nhập vào khu vực biên giới, lôi kéo cán bộ, bộ đội, đảng viên và nhân dân ta vượt biên, buôn bán, trao đổi hàng hóa trái phép. Qua đó, họ thực hiện ý đồ tạo ra điều kiện để moi hỏi, thu thập tin tức tình báo, móc nối lôi kéo, tuyển chọn người, xây dựng cơ sở ngầm cài cắm vào nội bộ, chống phá ta, làm cho tình hình biên giới phức tạp hơn.

Chính sách hàng hóa của đối phương cũng tác động cả vào nội bộ Bộ đội Biên phòng, làm thoái hóa biến chất một số cán bộ, chiến sỹ dẫn đến việc vi phạm quy định, vi phạm kỷ luật (đưa người của đối phương vào đồn ăn nghỉ, kết bạn, vay mượn tiền, tự động đưa người vào nội địa, tiếp tay mua bán qua biên giới...). Thậm chí có đồng chí ở Ban chỉ huy biên phòng huyện tự ý một mình sang gặp chỉ huy biên phòng của đối phương bàn chuyện hợp tác làm ăn kinh tế; hoặc một thượng úy trinh sát tự mình sang bên kia biên giới, bị đối phương hô hoán là trấn lột và bắn chết, cướp súng ngắn K54 và bị kéo xác đến sát đường biên giới; một quân nhân của Đồn Biên phòng 137 vượt biên đi chợ Cát Mìa bị đối phương bắt, khai thác...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2023, 08:56:11 pm »


Chính sách hàng hóa của đối phương trên biên giới cũng đã tác động làm tổn hại tình đoàn kết quân dân và ảnh hường đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Đặc biệt, tháng 5.1988, xảy ra vụ gây rối tại Đồn Biên phòng 971, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang. Ngày 1.5.1988, Tổ tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng 97 trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện, bắt giữ một số người (hầu hết là người ở phố Bằng Ca, xã Lý Quốc) buôn bán trái phép 195 thớt gỗ nghiến. Tổ tuần tra lập biên bản thu giữ tang vật. Tổ tuần tra bắt giữ Nông Văn Thơ và hai người anh em ruột của Thơ vì có các biểu hiện liên quan và hành vi bám sát, theo dõi hoạt động của đồn.

Lợi dụng tình hình đó, các phần tử xấu đã tuyên truyền, xuyên tạc, lên án đồn biên phòng bắt giữ người vô cớ. Sáng ngày 24.5.1988, do bị kích động, một số đông quần chúng, trong đó có cả cán bộ xã, kéo đến cổng Đồn Biên phòng 97 gây rối, la hét ồn ào, đòi phải dời đồn đi nơi khác. Cán bộ đồn ra tiếp xúc yêu cầu mọi người bình tĩnh để phối hợp giải quyết. Nhưng đám đông nhất quyết không nghe và một số phần tử quá khích xông vào đồn hành hung, làm đồng chí Lê Duy Thục, Phó đồn trưởng bị thương, rối tự giải tán. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cao Bằng phải vào cuộc, sự việc đã được làm rõ. 5 đối tượng gây rối đã bị truy tố trước pháp luật. Một số đối tượng khác bị cảnh cáo, răn đe, giáo dục. Một số cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 97 vi phạm kỷ luật đã đề nghị chuyển Viện kiểm sát Quân sự xử lý.

Cuối tháng 5.1988, sơ kết về công tác trong tháng, Đảng ủy - Ban chỉ huy biên phòng tỉnh đánh giá: Vụ gây rối tại Đồn Biên phòng 97 là một minh chứng sinh động về sự thâm độc của kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, của chính sách hàng hóa của đối phương tác động xấu đến tình đoàn kết quân dân ở một vùng biên giới và cho thấy sự cần thiết, ý nghĩa sâu sắc của chủ trương không ngừng đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn liền với chăm lo, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở. Đồng thời, đây cũng là bài học sâu sắc về công tác giáo dục cán bộ, chiến sỹ không những phải không ngừng rèn luyện, nắm chắc, thực hiện đúng chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nguyên tắc công tác biên phòng, mà còn phải phát huy tinh thần tích cực tiến công các loại tội phạm, giải quyết nhanh gọn, không để kéo dài; phải biết phát huy cao độ bản lĩnh chính trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bình tĩnh, sáng suốt, lịch sự khi giao tiếp với nhân dân, tranh thủ được lòng dân nơi biên giới, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào các loại đối tượng, phần tử xấu.

Năm 1988, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng trên cả nước đã qua chặng đường hơn tám năm hoạt động, công tác, chiến đấu trong đội hình Quân đội theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Đó là chặng đường Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng trong cả nước liên tục phấn đấu trên các mặt củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức vững mạnh, nâng cao trình độ chỉ đạo, chỉ huy, xây dựng các mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân một ý chí, tham gia củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, kết hợp thực hiện 3 tính chất an ninh - quốc phòng - đối ngoại, tích cực đấu tranh chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, chiến tranh lấn chiếm biên giới... lập nhiều thành tích trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trong giai đoạn đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu, nhưng vẫn khẳng định phải “đề cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt... bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc”2. Nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong tình hình đó cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia.

Trên cơ sở đó, ngày 30.11.1987, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới Bộ Chính trị đánh giá: công tác biên phòng của đất nước đứng trước yêu cầu phải “xây dựng, củng cố phòng tuyến an ninh nhân dân ở biên giới, chống địch xâm nhập, chống “chính sách hàng hóa”, chống âm mưu chia rẽ dân tộc, bố trí xây dựng lực lượng an ninh biên phòng vững mạnh”. Để đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Chính trị quyết định “Chuyển giao Bộ đội Biên phòng cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”.
______________________________________
1. Từ năm 1988, các đồn biên phòng Cao Bằng chuyển sang gọi theo số liệu. Đồn Biên phòng 97 là Đồn Biên phòng Lý Quốc (theo cách gọi của năm 1987).
2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM