Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:01:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009  (Đọc 3497 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 02:59:42 pm »


Để đối phó với nguy cơ chiến tranh biên giới ngày một đến gần, Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã khẩn trương triển khai củng cố thế trận phòng thủ biên giới, sẵn sàng đối phó với mọi nguy cơ. Tháng 11.1978, Bộ Tư lệnh trực tiếp xuống kiểm tra các Đồn Biên phòng Sóc Giang (nay là Đồn Sóc Hà), Nặm Nhũng, Phai Can (nay là Đồn Hùng Quốc), Đàm Thuỷ...

Cuối năm 1978, quân dân ta liên tục phản công bọn phản động Campuchia và giành nhiều thắng lợi lớn trên tuyến biên giới Tây Nam. Bộ Tư lệnh điện chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên giới phía Bắc tăng cường cảnh giác, đề phòng các lực lượng bên kia biên giới khiêu khích tấn công nhằm đỡ đòn và giảm áp lực cho bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam.

Sau một thời gian tranh chấp, lấn chiếm, ngày 1.11.1978, phía H1 đã vượt qua biên giới nổ súng tấn công dân quân ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại khu vực đồi Chông Mu, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Các lực lượng tại chỗ của ta gồm công an, công an nhân dân vũ trang đã nhanh chóng cơ động đến khu vực đồi Chông Mu phối hợp cùng chiến đấu, buộc họ phải rút về bên kia biên giới. Hoạt động xâm nhập vũ trang vào đồi Chông Mu đã gây nên nhiều phản ứng trong dư luận quốc tế. Nhiều phóng viên, nhà báo của các nước Pháp, Nhật, Cu Ba, Liên Xô... đã đến tận hiện trường xem xét, ghi nhận vụ việc này. Cuộc tấn công là mốc báo hiệu cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc của quân dân Cao Lạng và cả nước ta đứng trước nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn.

Ngày 23.12.1978, Bộ Tư lệnh điện chỉ thị cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới phía bắc, nhấn mạnh: “Các đồn phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ khu vực được phân công, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, không có lệnh không được rút. Giữ nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, nhanh chóng và chính xác về Bộ Tư lệnh”.

Ngày 27.12.1978, Bộ Tư lệnh đã ra Mệnh lệnh chiến đấu cấp II cho các đơn vị công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc. Chấp hành mệnh lệnh trên, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng truyền đạt ngay lệnh báo động chiến đấu cấp II xuống các đồn, trạm, đơn vị trong tỉnh. Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, quán triệt cho toàn thể đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ nhận rõ diễn biến tình hình có khả năng xảy ra chiến tranh biên giới do đối phương gây nên. Ban chỉ huy nhanh chóng chỉ đạo các đồn biên phòng, các đơn vị cơ động khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu theo phương án tác chiến bảo vệ biên giới. Các cơ quan chỉ huy thường trực chỉ huy chặt chẽ; tạm đình chỉ phép năm, phép tranh thủ của cán bộ, chiến sỹ để đảm bảo quân số khi tình huống xấu xảy ra.

Các cấp đơn vị trong tỉnh đã tổ chức học Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, thống nhất hành động, chuyển mọi nền nếp, tác phong sinh hoạt trong thời bình sang thời chiến; tranh thủ thời gian luyện tập các phương án, củng cố hệ thống hầm hào, công sự, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng uỷ - Ban chỉ huy tỉnh phân công cán bộ đi kiểm tra các đồn biên phòng trọng điểm như: Cốc Pàng, Sóc Giang (nay là Đồn Sóc Hà), Tổng Cọt, Phai Can (nay là Đồn Hùng Quốc), Pò Peo (nay là Đồn Ngọc Khê), Tà Lùng...

Trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đơn vị hành chính cấp tỉnh cần có chiều sâu phù hợp với việc tổ chức phòng thủ và phản công khi tiến hành chiến tranh chống xâm lược, ngày 29.12.1978, Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 4, đã ra nghị quyết chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; sáp nhập huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng1. Theo nghị quyết của Quốc hội, Cao Bằng có 13 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Cao Bằng, thị trấn Tĩnh Túc và 11 huyện: Trùng Khánh, Quảng Hoà2, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Thông Nông3, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hoà An, Thạch An, Ngân Sơn, Chợ Rã.

______________________________________
1. Ngày 6.11.1984, huyện Chợ Rã được đổi tên thành huyện Ba Bể (Quyết định số 144 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng). Ngày 6.11.1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10, phê chuẩn tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; các huyện Ngân Sơn, Ba Bể trở thành 2 trong số 6 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bắc Kạn.
2. Huyện Quảng Hoà được thành lập trên cơ sở hợp nhất huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hoà từ ngày 8.3.1967 (Quyết định số 27-CP của Hội đồng Chính phủ).
3. Huyện Thông Nông được chia tách từ huyện Hà Quảng từ ngày 7.4.1966.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 03:01:46 pm »


Ngay sau khi tách tỉnh, cùng với các cơ quan, ban, ngành khác, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng gấp rút ổn định tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, nhanh chóng đưa toàn bộ hệ thống công an nhân dân vũ trang trong tỉnh vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng khi mới được tái lập có 4 cán bộ. Đồng chí La Văn Cừu được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nông Đức Hiếu, Chính uỷ; đồng chí Vi Ngọc Ích - Phó chỉ huy; Đồng chí Nguyễn Hoành Sơn, - Phó chính uỷ. Sau đó, trên bổ nhiệm thêm đồng chí Nguyễn Hộ giữ chức Phó chỉ huy, phụ trách trinh sát.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Cao Bằng, công an nhân dân vũ trang triển khai ngay công tác chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng, đơn vị trực thuộc gấp rút ổn định mọi mặt, đẩy mạnh công tác bố phòng chiến đấu, khẩn trương tổ chức hậu cứ biên phòng và tiếp tục hoàn thiện phương án thực hiện các kế hoạch 278B, 778 của Bộ Công an, Chỉ thị 35 của Bộ Tư lệnh, Ban chỉ huy tỉnh bố trí lực lượng tham gia phục vụ di chuyển, sơ tán các cơ quan quan trọng của tỉnh về hậu cứ, đảm bảo an toàn, bí mật; cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức cho nhân dân ở các địa bàn trọng điểm trong khu vực biên giới sơ tán theo kế hoạch của tỉnh; cùng lực lượng công an thực hiện các biện pháp làm trong sạch địa bàn biên giới theo chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh.

Ngày 2.1.1979, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang họp bàn thống nhất xây dựng kế hoạch công tác cho các cấp đơn vị trong tỉnh; đề nghị Tỉnh uỷ chỉ định cấp uỷ mới để sớm kiện toàn hệ thống tổ chức đảng từ cơ quan chỉ huy tỉnh đến các đồn, trạm biên phòng, các phân đội, đơn vị trực thuộc.

Căn cứ Thông báo số 13/TB.TW, ngày 14.12.1978, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tái thành lập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn; để đảm bảo chỉ đạo kịp thời công tác đảng và công tác phòng thủ an ninh địa phương trước yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới; trong khi chờ hai Tỉnh ủy mới chính thức thành lập Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, ngày 9.1.1979, Tỉnh ủy Cao Lạng ra Nghị quyết số 03/NQ-TU, tạm thời chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong đó, Ban Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 13 đồng chí, Ban Thường vụ có 5 đồng chí gồm đồng chí Nông Đức Hiếu - Chính ủy, Bí thư Đảng ủy; đồng chí La Văn Cừu - Chỉ huy trưởng, phó Bí thư; 3 đồng chí ủy viên là Nguyễn Hoành Sơn - Phó chính ủy; Vy Ngọc Ích - Chỉ huy phó Hậu cần; Triệu Kim Cương - Chủ nhiệm Hậu cần và 8 đồng chí ủy viên Ban chấp hành.

Trong hoàn cảnh vừa tách tỉnh và các hoạt động quân sự của H1 liên tục đẩy lên mức cao, công việc của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trở nên hết sức bề bộn, cấp bách.

Ngay từ đầu năm 1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, H1 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, lấn chiếm các địa hình có lợi, di chuyển nhiều lực lượng ra áp sát đường biên. Ngày 10 và 11.1.1979, các lực lượng bên kia biên giới tập kích bằng hoả lực vào Trạm kiểm soát cửa khẩu Trà Lĩnh, thuộc Đồn Biên phòng 171 Trà Lĩnh1, phá hoại nhà cửa, tài sản của đơn vị. Chỉ tính từ ngày 1.1.1979 đến ngày 15.1.1979, phía H1 đã gây ra trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta 147 vụ vi phạm biên giới, gây tổn thất đáng kể cho ta: làm chết 29 người (có 10 cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vũ trang); làm bị thương 40 người (có 12 công an nhân dân vũ trang); bắt đưa sang bên kia 7 người (có 3 công an nhân dân vũ trang)... làm cho tình trạng xung đột vũ trang diễn ra hàng ngày trên biên giới.

Cuối tháng 1 đầu tháng 2.1979, phía H1 đã tung 60 lần thám báo vào Cao Bằng để thu thập tin tức tình báo. Đồng thời họ cho quân vượt qua biên giới, tập kích vào chốt gác của dân quân ta tại khu vực gần cột mốc 32, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang và liên tục nổ súng vào Trạm kiểm soát Biên phòng của Đồn Biên phòng Bí Hà (nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang) gây nhiều thiệt hại về tài sản của đồn. Đến đầu tháng 2.1979, hàng chục vạn quân, gồm nhiều sư đoàn của các quân đoàn chủ lực, với hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép và đại bác của H1 đã di chuyển xuống áp sát biên giới nước ta. Riêng khu vực đối diện với biên giới Cao Bằng, H1 đưa 6 sư đoàn chủ lực thường xuyên áp sát và liên tục tung các toán trinh sát nhỏ lẻ xâm nhập vào lãnh thổ ta điều tra tình hình, phục kích, bắt cóc người, gài mìn, gây sức ép căng thẳng về quân sự. Ngày 2.2.1979. lính H1 từ các điểm cao sát biên giới, dùng súng 12,7mm bắn vào nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam như Đồn Biên phòng Tà Lùng, Nhà máy đường Phục Hoà, trạm Hải quan Tà Lùng; một toán lính xâm nhập khu vực Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh phục kích bắn chết 1 dân quân ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
______________________________________
1. Thành lập năm 1959 gọi là Đồn Biên phòng Phai Can; nay là Đồn Biên phòng Hùng Quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 03:02:52 pm »


Trước những diễn biến nghiêm trọng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ngày 13.2.1979, Bộ Tư lệnh ra Mệnh lệnh chiến đấu cấp I cho các đơn vị công an nhân dân vũ trang trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, đồng thời cử cán bộ tham mưu lên Cao Bằng và các tỉnh biên giới phía Bắc truyền đạt mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu cho Ban chỉ huy công an nhân dân vũ trang tỉnh.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, 19 giờ ngày 14.2.1979, Thường vụ Đảng uỷ và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức cuộc họp bất thường để triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới và phân công cán bộ xuống kiểm tra các địa bàn trọng điểm.

Trước đó, sau khi Bộ Tư lệnh phát mệnh lệnh chiến đấu cấp II (ngày 27.12.1978), Đảng uỷ và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng đã cử các đoàn kiểm tra làm việc kỹ với Ban chỉ huy các đồn biên phòng Nặm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba), Bó Gai (nay là Đồn Biên phòng Cần Yên), Nặm Nhũng, Lý Vạn (nay là Đồn Biên phòng Lý Quốc), Bí Hà (nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa) và Đại đội 1 (cơ động), Đại đội 3 (cơ động), Tiểu đoàn 19 (thời bình chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện), Phân đội bảo vệ kho hậu cứ... Tại các đơn vị, đồn, trạm, công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đều được thực hiện nghiêm túc. Các phương án bảo vệ biên giới, chiến thuật phòng thủ bảo vệ đồn, chiến đấu bảo vệ khu vực và trên đường trục, phục kích, tập kích của nhiều đơn vị được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thêm. Hầu hết các đơn vị, đồn, trạm đã được dự các lớp tập huấn kỹ thuật, công trình, sử dụng các loại mìn, sử dụng các loại vũ khí mới trang bị. Các phương án hiệp đồng tác chiến với các lực lượng đều cụ thể, chặt chẽ. Tinh thần, ý thức, quyết tâm chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ đồn, trạm của cán bộ, chiến sỹ được xác định tốt. Kiến thức vận dụng các hình thức tác chiến linh hoạt trong khu vực biên giới của cán bộ, chiến sỹ đã được nâng lên qua các đợt tập huấn và qua nhiều lần tập luyện, diễn tập.

Đến tuần đầu tháng 2.1979, công tác hậu cần bảo đảm cũng đã tiến hành bổ sung cho các đơn vị, đồn, trạm các trang bị, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm theo quy định của trên (đạn đủ 3 cơ số, lương thực đủ dự trữ 2 tháng). Ngoài ra, đơn vị còn được bổ sung thêm phương tiện vận tải phục vụ chỉ huy, vận chuyển, cấp cứu thương binh; phương tiện thông tin liên lạc, đường dây và vô tuyến điện (gần 150km dây bọc, hơn 40 máy điện thoại, một số máy 15W và 2W...)

Ở thời điểm này, phía H1 đã gấp rút tăng cường điều chuyển thêm nhiều binh lính, vũ khí đạn dược, phương tiện khí tài quân sự ra áp sát biên giới ta. Ngày 16.2.1979, ta phát hiện gần 300 lần ô tô vận tải của họ chở binh lính và quân nhu vào các khu vực Thuỷ Khẩu, Khoa Giáp, Thạch Long, Nhạc Vu, Bình Mãng, Pò Búng, Tổng Quỷ... Trên các đoạn chính diện biên giới ở các huyện Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh... ta phát hiện bộ binh và xe tăng H1 tập kết từng cụm chờ lệnh. Tại khu vực gần cửa khẩu Tà Lùng, Đồn Biên phòng Tà Lùng cùng bộ đội, dân quân địa phương và quân báo của bộ đội chủ lực phát hiện H1 đã cho hơn 300 xe tải chở đá tập kết sẵn ở khu vực mốc 24. Ta phán đoán ý đồ của đối phương đang chuẩn bị lấp một đoạn sông Bắc Vọng để phục vụ bộ binh và xe tăng của họ tiến sâu vào huyện Quảng Hoà.

Vào lúc 21 giờ ngày 16.2.1979, H1 cho pháo bắn dữ dội vào địa bàn xã Cần Yên, huyện Thông Nông. Đến 23 giờ, mở rộng phạm vi pháo kích sang nhiều nơi ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh. Đồng thời, nhiều đơn vị bộ binh của họ lợi dụng đêm tối vượt qua biên giới đánh chiếm các chốt bảo vệ biên giới của ta từ mốc 119 - 121, phía bắc các xã Sóc Hà (Hà Quảng), Cần Yên (Thông Nông), Cô Ba, Thượng Hà (Bảo Lạc).

Rạng sáng ngày 17.2.1979, H1 huy động 30 sư đoàn của 9 quân đoàn chủ lực, gồm hơn 60 vạn quân với hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, đại bác ồ ạt vô cớ tiến công nước ta trên toàn tuyến biên giới từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Trên tuyến biên giới Cao Bằng, H1 tập trung nhiều sư đoàn thuộc 3 quân đoàn 41, 42, 50 với tổng số khoảng 13 vạn quân, 220 xe tăng, xe bọc thép, 330 khẩu đại bác đồng loạt tấn công vào hầu hết các đồn biên phòng và tất cả các huyện biên giới từ Bảo Lạc đến Thạch An, nhằm đánh chiếm Cao Bằng theo hai hướng chính:

Hướng phía đông, họ tập kết quân ở khu vực cửa khẩu Thuỷ Khẩu (đôi diện với cửa khẩu Tà Lùng, Việt Nam) và các cụm quân ém sẵn dọc theo đoạn biên giới đối diện từ mốc 20 đến mốc 25, tiến đánh Cao Bằng thành hai mũi: mũi thứ nhất, từ khu vực Thuỷ Khẩu tiến công Đồn Biên phòng Tà Lùng, khu vực cửa khẩu Tà Lùng, rồi tiến theo trục đường quốc lộ 3 để tiến về thị xã Cao Bằng; mũi thứ hai, đánh tràn qua đoạn biên giới từ mốc 20-21 vào xã Đức Long, huyện Thạch An. Từ đó tiếp tục phát triển, chiếm đường số 4, tiến về thị xã Cao Bằng.

Hướng phía Bắc, từ khu vực cửa khẩu Bình Mãng (đối diện với cửa khẩu Sóc Giang, Việt Nam) và các cụm quân ém dọc theo đoạn biên giới đối diện từ mốc 118 – 119, ồ ạt đánh sang cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng và xã Cần Yên, huyện Thông Nông để tiến về huyện lỵ Thông Nông. Khi qua được Sóc Giang và Cần Yên, đối phương nhằm hướng tiến về thị xã Cao Bằng để hội quân với lực lượng tấn công từ hướng phía đông.

Với hai hướng tiến công chính, phía H1 nhằm chia cắt Cao Bằng thành hai phần Đông và Tây để nhanh chóng chiếm toàn tỉnh.

Phối hợp và hỗ trợ với hai hướng chính, trên các hướng khác, nhất là đoạn biên giới từ Thông Nông đến Hạ Lang, họ sử dụng lực lượng từ tiểu đoàn đến trung đoàn tăng cường, vượt qua biên giới, chiếm các điểm cao trong khu vực biên giới của Việt Nam, pháo kích dữ đội, cố tình huỷ diệt và tấn công đánh chiếm các đồn, trạm biên phòng, các công trình khác ở biên giới; kiềm chế, tiêu hao, tiêu diệt và thu hút các lực lượng ta, hỗ trợ các lực lượng khác vào tiếp ứng cho các lực lượng tiến vào trước đang bị quân ta chặn đánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 03:04:55 pm »


Trên tuyến biên giới Cao Bằng, các đồn biên phòng Xuân Trường, Bó Gai, Sóc Giang, Tổng Cọt, Trà Lĩnh (nay là Hùng Quốc), Bản Giốc (nay là Đàm Thuỷ), Lý Vạn (nay là Lý Quốc), Bí Hà (nay là Thị Hoa), Tà Lùng đều quyết liệt nổ súng chiến đấu ngay từ những phút đầu để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong vòng một tháng chiến đấu, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, cán bộ chiến sỹ các đồn luôn bám chắc địa bàn, luồn sâu trong vùng địch tạm chiếm, quần lộn chiến đấu với đối phương, vừa chiến đấu vừa bảo vệ nhân dân sơ tán. Do đó, khi địch đến không nắm được dân, đi đến đâu cũng bị quân dân Cao Bằng đánh trả. Các chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tiêu diệt 2.669 tên, bắt sống 4 tên địch, phá huỷ 8 xe tăng, 2 xe quân sự, thu 4 súng cối 82 ly, 3 súng cối 120 ly, 3 đại liên, 2 trung liên, 1 ĐKZ, 8 B41, 7 AK, 75 con lừa, ngựa cùng nhiều quân trang, quân dụng của chúng, góp phần cùng quân dân cả tỉnh đánh thắng quân xâm lược1. Tại địa bàn Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, sáng ngày 17.2.1979, pháo binh đối phương đã dồn dập pháo kích vào Trạm Kiểm soát cửa khẩu Trà Lĩnh. Sau hơn một giờ cho pháo bắn cấp tập, bộ binh của họ chia thành 3 mũi ồ ạt tấn công. Lúc này, trạm có 17 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu. Trong nhiều giờ giằng co, đơn vị đã tiêu diệt được 250 tên, làm bị thương hàng trăm tên. Song do lực lượng quá chênh lệch, 16 đồng chí hy sinh, còn 1 đồng chí bị thương nặng vẫn cố tìm về đơn vị báo cáo tình hình địch, để đơn vị kịp thời ứng phó.

Đồn 179 Tà Lùng gồm một phân đội trên 80 cán bộ, chiến sỹ phải chiến đấu chống chọi với 1 sư đoàn bộ binh đối phương có 50 xe tăng yểm trợ. Từ 4 giờ 45 phút ngày 17.2.1979, đối phương đã nổ súng tiến công bao vây trạm kiểm soát cửa khẩu và đồn. Họ tưởng rằng với hoả lực áp đảo, bộ binh đông lại có lực lượng xe tăng mạnh mẽ sẽ đè bẹp đồn biên phòng của ta trong chốc lát nhưng đã gặp phải sức chống trả mãnh liệt, cuộc chiến đấu kéo dài 14 tiếng đồng hồ. Các chiến sỹ ta đã dựa và hầm ngầm cố thủ để chiến đấu, dù bị hy sinh 4 đồng chí, bị thương 8 đồng chí, song đồn đã tiêu diệt trên 200 tên, phá huỷ 4 xe tăng quân xâm lược. Lợi dụng đêm tối địch giãn vòng vây, ta đã bí mật rút lui về hậu cứ bảo toàn được sinh lực cho những trận chiến đấu tiếp theo.

Tại Đồn 167 Sóc Giang, từ rạng sáng ngày 17.2.1979, 1 trung đoàn H1 đã tiến công đồn và các điểm chốt của chiến sỹ công an nhân dân vũ trang. Cuộc chiến đấu tại đồn chính kéo dài tới 5 ngày, sau khi bắn vào đồn trên 3.000 quả đạn pháo với 2 đợt tiến công, chúng mới chiếm được đồn. Các cán bộ, chiến sỹ ta dựa vào các trận địa đã xây dựng tiếp tục phối hợp cùng bộ đội địa phương quần lộn với quân xâm lược quyết tâm bám trụ đến cùng. Riêng lực lượng công an nhân dân vũ trang tiêu diệt gần 200 tên.

Do lập chiến công xuất sắc, ngày 20.12.1979, các Đồn 179 Tà Lùng, 167 Sóc Giang, Trạm kiểm soát cửa khẩu (Đồn 171 Trà Lĩnh) được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại Trùng Khánh, ngày 18.2.1979, đối phương tấn công điểm chốt bảo vệ biên giới của ta trên đồi Chông Mu, xã Đình Phong do một tiểu đội của Đồn Biên phòng Ngọc Khê và một tiểu đội dân quân địa phương chốt giữ. Tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn. Vì vậy, Thượng úy Hoàng Văn Khoáy được Ban chỉ huy Đại đội 3 phân công phụ trách một trung đội đến chi viện cho chốt đồi Chông Mu, đồng chí chỉ huy đơn vị phối hợp với bộ đội, dân quân địa phương chiến đấu đánh bật đối phương ra khỏi đồi Chông Mu, diệt 77 tên, làm tan rã một tiểu đoàn. Ngày 8.3.1979, đồng chí Khoáy chỉ huy một đơn vị gồm một bộ phận của Đại đội 3 và một trung đội 32 người của địa phương (có 18 thanh niên xung phong và 14 dân quân) bất ngờ tập kích đối phương ở bản Lẹn, xã Thắng Lợi, huyện Trùng Khánh (nay thuộc huyện Hạ Lang), tiêu diệt 100 tên. Riêng đồng chí Khoáy dùng B40 bắn diệt 10 tên. Trong tháng 3.1979, đồng chí Khoáy chỉ huy đơn vị bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Thoong Gót (ngày 14.3.1979), và tập kích đối phương ở đồi bản Boóng (ngày 16.3.1979) ở xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh làm đối phương thiệt hại hơn 200 tên. Với những thành tích đó, đồng chí Hoàng Văn Khoáy được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” và được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20.12.1979).
______________________________________
1.Trong chiến đấu tháng 2.1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng hi sinh 46 và bị thương 69 đồng chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 03:07:36 pm »


Từ sau ngày 20.2.1979, thị xã Cao Bằng và các huyện Thông Nông, Hoà An, Quang Hoà, Thạch An, tạm thời bị đối phương chiếm đóng. Trên biên giới, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bung ra khỏi các đồn, trạm biên phòng phối hợp với dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và các phân đội nhỏ của bộ đội chủ lực đánh quần lộn tiêu hao sinh lực đối phương trong khu vực biên giới, từng bước cùng quân dân trong tỉnh tạo thế, chuyển thế phản công đối phương. Các cơ quan đầu não của tỉnh lúc này sơ tán về Ngân Sơn tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân và các lực lượng vũ trang tập trung của ta rút khỏi các vùng tạm bị chiếm, hình thành thế da báo, tiếp tục chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt quân chiếm đóng.

Huy động một lực lượng lớn với nhiều trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, pháo binh yểm trợ, đối phương tính toán sẽ nhanh chóng chiếm được nước ta, trước hết là các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng họ đã hoàn toàn bất ngờ khi vấp phải sự chống trả quyết liệt và tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của quân dân ta. Tại Hà Quảng, đối phương phải mở nhiều đợt tấn công suốt 14 ngày đêm mới tạm thời chiếm đóng được. Ở huyện Trà Lĩnh, đối phương phải mất 18 ngày đêm; ở huyện Trùng Khánh phải mất 22 ngày đêm... Đặc biệt, khi tiến sâu vào nội địa của tỉnh tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, đối phương phải tổ chức nhiều đợt tấn công trong suốt 28 ngày đêm trước sự chống trả quyết liệt của quân dân địa phương1. Khi nhận được tin quân H1 sẽ tiến công, các bộ phận khác nhau của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tại xã Minh Tâm đã chủ động hợp thành một đơn vị thống nhất, tích cực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ, tích cực tấn công, làm chậm bước tiến của đối phương, góp phần bảo vệ được nhân dân, bảo vệ được kho tài liệu ở hậu cứ, thực hiện bám trụ chiến đấu dài ngày, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Qua 28 ngày đêm chiến đấu, quân dân xã Minh Tâm đã tiêu diệt 1.100 tên, bắt sống nhiều tù binh đối phương, thu nhiều vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng2. Các đơn vị chiến đấu của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng hy sinh 3 đồng chí3. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ quê hương, xã Minh Tâm được Nhà nước tặng thưởng một huân chương Quân công hạng Ba và ngày 20.12.1979 được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tính chung, qua 30 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, từ ngày 17.2 đến ngày 18.3.1979, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Trong cuộc chiến đấu, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về quân số và phương tiện trang bị, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, với tinh thần sẵn sàng “Khắc phục khó khăn. Dũng cảm trước địch. Vì nước quên thân. Trung thành với Đảng. Tận tuỵ với dân”, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sát cánh cùng toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh, luôn nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, chủ động bám trụ, kiên cường đánh trả, vượt qua mọi thử thách, linh hoạt trong chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã luôn đảm bảo đoàn kết, nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị, cơ quan, ban, ngành, dựa hẳn vào dân và được nhân dân các dân tộc trong tỉnh thương yêu, giúp đỡ, chi viện nên đã phát huy được vai trò của lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới, góp phần làm nên chiến công chung của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, góp phần đẩy nhanh thắng lợi, buộc đối phương phải chấp nhận thất bại, rút quân về nước.

Từ 1975 - 1979 là một thời kỳ xây dựng, hoạt động, chiến đấu trong muôn vàn khó khăn, thử thách, nhiểu gian khổ, hy sinh và từng bước trưởng thành của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Đây là những năm tháng đơn vị đã vượt lên những khó khăn, thử thách, bền bỉ cùng các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, củng cố, phát triển mọi mặt tiềm lực của khu vực biên giới, tạo thế trận biên phòng toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, liên tục đấu tranh chống lấn chiếm, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Khi biên giới bị xâm phạm, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng quân dân trong tỉnh đành phải chấp nhận tình thế bất khả kháng, kiên quyết chiến đấu, ngoan cường giáng trả mọi cuộc tấn công, quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
_______________________________________
1. Tại xã Minh Tâm, các lực lượng của ta có 25 người của Đội văn nghệ Công an nhân dân vũ trang tỉnh, 35 người của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh, 25 người của lớp học văn hoá công an nhân dân vũ trang sơ tán từ Lạng Sơn sang và một số công nhân của mỏ thiếc Tĩnh Túc, công nhân Nhà máy gang thép Thái Nguyên...
2. Chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân các dân tộc trong xã, Đảng uỷ, chính quyền xã Minh Tâm đánh giá cao quan hệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng trên địa bàn xã. Đồng bào các dân tộc ở các thôn bản hết sức tự hào, tin tưởng bộ đội và dân quân nên tự nguyện tiếp tế lương thực, mang theo gạo, bò, lợn, gà đến "uý lạo" quân ta. Các gia đình ông Kỳ, bà Đào (dân tộc Mông), bà Đặng Thị Liền (dân tộc Dao)... mỗi gia đình ủng hộ một con bò.
3. Đó là Thiếu tá Nông Văn Kỉn - Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang tỉnh, Thượng sĩ Triệu Văn Mạ thuộc đơn vị Trường Văn hoá Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng (quê xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) và Hạ sĩ Nguyễn Xuân Thọ thuộc trung đội thông tin Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng (quê xã Đông Huy, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 04:21:07 pm »


CHƯƠNG 4

XÂY DỰNG ĐƠN VỊ, CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI NHIỀU MẶT, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA (1979 -1986)


I. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU, CHUYỂN SANG BỘ QUỐC PHÒNG. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG CƠ CHẾ MỚI

Đến cuối tháng 3.1979, quân và dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Đảng ta đã kịp thời nhắc nhở đó là thắng lợi bước đầu, “đồng bào và chiến sỹ ta không được một phút nào mơ hồ đối với âm mưu xâm lược... phải khẩn trương làm tốt nhiệm vụ phòng thủ đất nước, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”1.

Tại Cao Bằng, sau chiến tranh, cơ sở vật chất của tỉnh bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã phải tập trung mọi cố gắng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu. Cùng với tình hình chung, nhiều thôn, xóm trong khu vực biên giới của tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Một số đông đồng bào nảy sinh tư tưởng hoang mang lo lắng. Nhiều gia đình rời bỏ làng bản đi sơ tán quá xa. Cuộc chiến tranh kết thúc, nhiều bà con vẫn ngần ngại, chưa yên tâm trở về quê hương sinh sống làm ăn, sản xuất. Việc khôi phục lại các mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn các xã biên giới sau chiến tranh gặp không ít khó khăn nên diễn ra chậm, có nhiều sơ hở hạn chế đến chất lượng bảo vệ biên giới.

Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, từ cuối tháng 3.1979, Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo các huyện, thị khẩn trương “củng cố lại tổ chức, tăng cường cán bộ cho xã và hợp tác xã, tăng cường các đơn vị quân đội, thường xuyên luyện tập, nâng cao sức mạnh chiến đấu, tăng cường đoàn kết quân dân quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”2.

Trên biên giới, mặc dù đã phải tuyên bố rút quân về nước, nhưng trên thực tế, đối phương vẫn tiếp tục đưa quân ra áp sát biên giới, đào hầm hào, công sự, xây dựng các trận địa trên các điểm cao có giá trị về mặt chiến thuật. Đặc biệt ở hướng Thông Nông, Đồn Biên phòng Bó Gai phát hiện đối phương cho hai trung đoàn bộ binh di chuyển đến khu vực xóm Thang Nà - đối diện mốc 121; một trung đoàn khác di chuyển đến khu vực Nặm Chỉnh... Hàng ngày có nhiều tiếng nổ lớn ở các khu vực đối diện các Đồn Biên phòng Cốc Pàng, Nặm Quét, Bó Gai, Sóc Giang, Trà Lĩnh, Pò Peo, Tà Lùng.

Tại Cao Bằng, đến giữa tháng 4.1979, đối phương vẫn còn đóng chốt, chiếm giữ trong khu vực biên giới của tỉnh tại 4 điểm:

- Khu vực đồi Chông Mu, địa bàn phụ trách của Đồn Pò Peo (giữa mốc 62 - 63).

- Khu vực Pò Đồn, địa bàn phụ trách của Đồn Nặm Nhũng (mốc 107).

- Khu vực Phja Un - điểm cao 856, địa bàn phụ trách của Đồn Trà Lĩnh (mốc 94 - 95).

- Khu vực Kéo Khang, địa bàn Đồn Trà Lĩnh (giữa mốc 95 - 96)3.

Từ thực trạng trên biên giới và quán triệt tư tưởng, chủ trương phòng thủ đất nước của Trung ương Đảng, ngày 29.3.1979, Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh xây dựng và chỉ đạo toàn lực lượng khẩn trương thực hiện Kế hoạch số 15/KH-BTL, chiến đấu bảo vệ biên giới, vùng biển, sẵn sàng chống cuộc chiến tranh xâm lược.
______________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (tóm tắt). Sđd, tr. 275.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr.421.
3. Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Báo cáo tuần (từ 7.4 đến 13.4.1979). Số 32/BCH. Ngày 13.4.1979
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 04:23:05 pm »


Chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ Cao Bằng, trong tháng 4.1979, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, đồn, trạm biên phòng trong tỉnh “tích cực khắc phục khó khăn, tập kết lực lượng trở lại vị trí cũ, tiếp tục quản lý chặt chẽ địa bàn được phân công phụ trách, xây dựng trận tuyến phòng thủ, củng cố hầm hào công sự, trận địa chiến đấu; duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới và các mục tiêu nội địa... Khi xảy ra chiến tranh, phải kiên quyết thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, đấu tranh với các loại đối tượng gián điệp, tình báo, trấn áp phản động, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Từ những vấn đề chỉ đạo và tình hình thực tế của địa bàn, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã thống nhất bố trí, sắp xếp lại lực lượng bố phòng; trang bị thêm vũ khí cho từng địa bàn trên các hướng địch có thể tấn công; nghiên cứu dự kiến, xác định lại các điểm hậu cứ chuẩn bị cho sơ tán khi có tình huống xảy ra chiến tranh... Lượng dự phòng tại chỗ của các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đều được chuẩn bị đảm bảo đủ cho chiến đấu từ 1 - 2 tháng.

Thực hiện Quyết định số 153/QĐ-BTL, ngày 4.9.1979, của Bộ Tư lệnh giao cho Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới “tổ chức thêm cấp tiểu khu biên phòng”, đồng thời ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các ban chỉ huy tiểu khu biên phòng1, ngày 25.9.1979, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng ra Quyết định số 108/QĐ-QL tổ chức 3 tiểu khu biên phòng trên địa bàn tỉnh. Đó là:

- Tiểu khu Trùng Khánh - Phiên hiệu là Tiểu khu 56. Quân số có 78 cán bộ, chiến sỹ. Trực thuộc Tiểu Khu 56 có Đại đội cơ động 11 (tức c3 cũ) và 4 đồn biên phòng Ngọc Chung, Pò Peo, Đàm Thủy, Lý Vạn.

- Tiểu khu Hà Quảng - Phiên hiệu là Tiểu khu 58. Quân số có 78 cán bộ, chiến sỹ. Các đơn vị trực thuộc Tiểu khu 58 có Đại hội cơ động 13 (tức c1 cũ) và 3 đồn biên phòng Sóc Giang, Nặm Nhũng và Tổng Cọt.

- Tiểu khu Bảo Lạc - Phiên hiệu là Tiểu khu 60. Quân số có 78 người. Trực thuộc Tiểu khu 60 có Đại đội cơ động 15 (tức c5 cũ) và 3 đồn biên phòng Cốc Pàng, Nặm Quét và Xuân Trường.

Theo quy định của Bộ Tư lệnh, tiểu khu biên phòng tổ chức trên vùng biên giới, trong địa bàn một hoặc hai huyện biên giới (có quan hệ với nhau về địa hình và đường giao thông). Tổ chức cơ bản của tiểu khu gồm có ban chỉ huy tiểu khu, tiểu khu bộ, các đồn biên phòng, các đại đội cơ động, về quan hệ lãnh đạo, chỉ huy, tiểu khu biên phòng được tổ chức thành một Đảng bộ cơ sở thống nhất, có ban chỉ huy tiểu khu là một cấp chỉ huy thống nhất, toàn diện, trực tiếp đối với các đơn vị thuộc quyền. Đảng ủy và Ban chỉ huy tiểu khu hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và sự chỉ huy của Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh. Để bộ máy tiểu khu được gọn nhẹ, tiểu khu chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ, chiến đấu. Một số công tác do Ban Chỉ huy tỉnh đảm nhiệm cho tiểu khu2. Trong quan hệ công tác, chiến đấu, các tiểu khu cần phải:

- Tranh thủ sự lãnh đạo của Huyện ủy, chính quyền huyện về các mặt công tác có liên quan đến địa phương.

- Dưới sự chỉ huy chung của Ban chỉ huy quân sự thống nhất về mặt tác chiến để hiệp đồng thống nhất với các lực lượng trong huyện.

- Quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với Huyện đội và các đơn vị quân đội (về mặt quân sự), với Huyện Công an (về công tác an ninh).

Tình hình mới đặt ra yêu cầu cho toàn Đảng bộ và các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng phải khẩn trương, gấp rút chuẩn bị chiến đấu. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh hết sức bế bộn, nặng nề.
______________________________________
1. Công văn số 166/QĐ-BTL, ngày 13.4.1979.
2. Cụ thể, Ban chỉ huy tỉnh trực tiếp đảm nhiệm cho tiểu khu các việc sau: Quản lý, tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, huấn luyện tân binh, đào tạo cán bộ tiểu khu và cán bộ chuyên môn kỹ thuật để bổ sung cho tiểu khu. Thực hiện các chính sách chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ cho quân nhân chuyên nghệp, hạ sĩ quan và binh sĩ. Tổ chức xây dựng doanh trại cho các đơn vị thuộc tiểu khu và xây dựng công trình bố phòng lâu bền. Tổ chức vận chuyển bằng cơ giới vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho các đồn. Chỉ đạo thực hiện công tác tình báo, nâng cao đấu tranh chuyên án, gián điệp, tình báo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 04:24:56 pm »


Từ ngày 25-27.4.1979, Hội nghị Ban chấp hành Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã được tổ chức tại cơ quan tỉnh bộ nhằm kiểm điểm, đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2.1979. Từ đó, có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá những thành tích, thắng lợi, những nhược điểm tồn tại và đề ra được những giải pháp phù hợp với giai đoạn mới, phát huy khả năng của toàn Đảng bộ, đơn vị.

Về ưu điểm, thành tích, Hội nghị nhất trí đánh giá trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới quốc gia tháng 2.7979, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đạt được kết quả trên một số mặt công tác sau:

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chuẩn bị chiến đấu: Với nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ và chức năng, khả năng chiến đấu của đơn vị. Đảng bộ đã thường xuyên coi trọng việc tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của lực lượng, của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiệm vụ cụ thể của Đảng bộ và đơn vị.

Từ khi có Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, toàn Đảng bộ đã xác định rõ đối tượng của cách mạng Việt Nam, nhận rõ tình hình, âm mưu của bọn phản động quốc tế. Tập trung lãnh đạo toàn đơn vị chấp hành nghiêm mọi chỉ thị, nghị quyết của ngành công an, Bộ Tư lệnh, tích cực thực hiện các kế hoạch 278B, 778, Chỉ thị 35, các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của ủy ban hành chính tỉnh. Đảng bộ cũng đã tổ chức học tập và thực hiện chỉ thị về cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” của các lực lượng vũ trang, tổ chức mừng công đón cờ luân lưu của Chủ tịch nước thưởng cho Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng năm 1978.

- Công tác tổ chức bảo đảm chiến đấu: Ngay sau khi chia lại tỉnh, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã nhanh chóng củng cố lại tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, Đảng ủy đã thực hiện các biện pháp củng cố các tổ chức chỉ huy, bổ sung quân số, điều chỉnh tổ chức biên chế các đơn vị thành các trung đội, tiểu đội chiến đấu; điều chỉnh chất lượng, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ từ cơ quan đến cơ sở, đảm bảo hầu hết cán bộ chỉ huy các đơn vị đều có “bộ 4” (tham mưu, chính trị, trinh sát, hậu cần), Trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới, Đảng ủy đã mạnh dạn giao nhiệm vụ, bổ nhiệm cán bộ thay thế... gồm 13 cán bộ tiểu đội, 30 cán bộ trung đội, 22 cán bộ đồn, đại đội.

Trong chiến đấu, “nhiều đảng viên, cán bộ luôn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, dũng cảm ngoan cường lãnh đạo quần chúng, chỉ huy đơn vị kiên quyết chiến đấu, lập thành tích xuất sắc. Tiêu biểu là đồng chí Bế Văn Sông lãnh đạo phân đội kiên cường giữ Trạm chốt Trà Lĩnh, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh, đồng chí Nông Văn Vạn, chính trị viên đồn Tà Lùng, đại đội phó Đại đội 3 (c3)...”.

- Lãnh đạo thực hiện các biện pháp trước và trong quá trình chiến đấu: Trước chiến đấu, các đơn vị luôn tích cực tổ chức nắm tình hình địch, phát hiện được nhiều nguồn tin quan trọng về các lực lượng quân sự của nước ngoài áp sát biên giới ta. Khi chiến sự xảy ra, đơn vị đã chủ động vô hiệu hóa các cơ sở làm tay sai, chỉ điểm cho đối phương, loại trừ khả năng gây bạo loạn. Trong quá trình chiến đấu, các đơn vị đã bắt 84 đối tượng có biểu hiện làm tay sai cho đối phương.

Đối với nhân dân, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào toàn dân “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát triển tốt ở các xã vùng Lục Khu Hà Quảng và các xã biên giới huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Quảng Hòa... góp phần làm cho nhân dân các dân tộc nâng cao cảnh giác đối với âm mưu thâm độc của kẻ thù (độc lập của chúng); tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; củng cố chính trị, xây dựng dân quân, công an xã, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu... Nhờ đó, trong quá trình chiến đấu, đối phương tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, đốt phá làng bản, giết hại nhiều người, nhưng đồng bào các dân tộc biên giới Cao Bằng vẫn vững vàng, không mắc mưu, một lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, không một nơi nào xảy ra bạo loạn, chống lại sự nghiệp bảo vệ biên giới. Dân quân các xã biên giới, nhất là các xã Đình Phong, Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), Cách Linh, Thị Hoa, Thái Đức (huyện Quảng Hòa)1... đều ngoan cường chiến đấu bảo vệ bản làng quê hương, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

- Đối với công tác hậu cần, Đảng ủy đã lãnh đạo sâu sát, cụ thể, giúp các đơn vị xây dựng được các kế hoạch, quyết tâm lớn trong chuẩn bị lực lượng dự phòng, kho tàng, hậu cứ... Nhờ đó, ngay khi đối phương phát động cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới (ngày 17.2.1979), tất cả các đồn, trạm, đại đội cơ động đều kịp thời chủ động tổ chức đánh trả quyết liệt, thực hiện tốt quyết tâm “Nổ súng ngay từ phút đầu, ngay trên tuyến đầu, tiêu diệt tiêu hao đối phương ngay từ trận đầu”.

- Vai trò chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy trong quá trình chiến đấu: mặc dù giữa tỉnh và các đơn vị cơ sở bị chia cắt, mất liên lạc, nhưng ngay khi vừa di chuyển đến hậu cứ, Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy tỉnh đã thường xuyên hội ý, thống nhất chủ trương chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị, quyết tâm vận dụng nhiều biện pháp, tổ chức các tổ trinh sát, phân đội cơ động, tìm đường, luồn rừng vào Tổng Cọt, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, khu hậu cứ Minh Tâm, thị xã Cao Bằng.... để bắt liên lạc, truyền đạt chủ trương chiến đấu cho các đơn vị, nắm tình hình và báo cáo về tỉnh để chỉ đạo, chỉ huy. Công tác động viên chính trị - tư tưởng luôn được Thường vụ Đảng ủy - chỉ huy tỉnh quan tâm. Trong điều kiện mất liên lạc, Thường vụ và Chỉ huy tỉnh đã bằng mọi cách theo dõi, nắm tình hình chiến đấu của các đơn vị, kịp thời đề nghị khen thưởng, tuyên truyền, biểu dương trên đài phát thanh, báo chí, động viên cán bộ, chiến sỹ đang chiến đấu (ngay đợt đầu đã đề nghị trên xét tặng thưởng Huân chương cho Đồn Tà Lùng và d19); tích cực tổ chức thăm hỏi thương binh, giải quyết tử sĩ và thực hiện các chính sách trong chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ.
______________________________________
1. Xã Cách Linh nay thuộc huyện Phục Hòa, các xã Thị Hoa, Thái Đức nay thuộc huyện Hạ Lang
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 04:25:45 pm »


Bên cạnh những thành tích, chiến công là cơ bản. Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất đánh giá qua thực tế chiến đấu tháng 2.1979, đơn vị cũng đã bộc lộ một số khuyết điểm, tồn tại:

- Nhận thức về đối tượng đấu tranh bảo vệ biên giới trong một số đảng viên, cán bộ, chiến sỹ chưa đầy đủ, chưa thấy hết bản chất, âm mưu nguy hiểm của đối phương.

- Vai trò lãnh đạo của chi ủy, chi bộ, tổ chức Đảng trong chiến đấu chưa được giữ vững, phát huy liên tục, chưa thể hiện rõ.

- Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp qua chiến đấu bộc lộ yếu kém ở sự lúng túng, khó khăn khi thực hiện vai trò người chỉ huy. Sau chiến đấu, vai trò người chỉ huy chưa phát huy cao nên giải quyết hậu quả chiến tranh chậm. Việc báo công, bình công, báo cáo thành tích không chính xác, đề nghị xét khen thưởng chậm, không phát huy kịp thời mặt tích cực. Việc theo dõi nắm nguồn cán bộ từ hạ sĩ quan chiến đấu dũng cảm, có triển vọng phát triển không chắc, hạn chế việc tăng cường đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng.

- Cơ chế chỉ huy, chỉ đạo đối với các đơn vị Công an nhân dân vũ trang có những vướng mắc, hạn chế khả năng, hiệu quả chiến đấu. Phương tiện thông tin liên lạc, vận tải đều rất thiếu. Ngay ngày đầu chiến đấu, chỉ huy tỉnh đã mất liên lạc với các đồn Bó Gai, Tà Lùng, Sóc Giang, Nặm Nhũng, Tổng Cọt, Trà Lĩnh và cả 3 đại đội cơ động. Tỉnh chỉ còn liên lạc được với 3 đơn vị Đàm Thủy, Cốc Pàng, Nặm Quét là những đơn vị chưa bị địch tấn công.

Qua thực tế chiến đấu và trên cơ sở đánh giá các mặt ưu khuyết điểm của toàn Đảng bộ, đơn vị, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bước đầu rút ra bốn bài học kinh nghiệm như sau:

- Các đơn vị một khi chuẩn bị chiến đấu tốt, tích cực, kiên quyết tấn công và tổ chức tốt các điểm chốt chặn, đánh mạnh vào các mũi vu hồi sẽ tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực đối phương, hạn chế được thương vong và bảo tồn được lực lượng ta, làm chậm bước tiến công của đối phương ở biên giới.

- Luôn luôn giữ vững vai trò tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy; đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy luôn luôn có mặt ở mũi chủ yếu, phát huy được vai trò của người chỉ huy là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo cho các đơn vị lập công xuất sắc.

- Phải nắm vững chức năng, khả năng và phương châm chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang thì khi bung ra khỏi đồn vẫn giữ vững tổ chức đơn vị, tiếp tục chủ động tấn công, phát huy hiệu quả chiến đấu.

- Tổ chức được nhiều điểm, nhiều căn cứ cất giấu vũ khí, lương thực, đạn dược dự phòng, đồng thời tổ chức quản lý, bảo quản chặt chẽ lượng dự phòng và thực hiện phương châm hậu cần gọn nhẹ trên vai người chiến sỹ thì mới đảm bảo hậu cần cho đơn vị đủ sức chiến đấu dài ngày, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất đánh giá: “Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ biên giới tháng 2.1979, mặc dù có nhiều khó khăn và còn những mặt hạn chế nhưng xét về toàn cục, Đảng bộ và đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã thực hiện được chủ trương quyết tâm “đánh địch ngay từ ngày đầu, tiêu diệt địch ngay từ tuyến đầu”. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, cơ động, linh hoạt; khắc phục mọi gian khổ, khó khăn, đoàn kết nội bộ, giữ vững kỷ luật, kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thành tích đạt được là to lớn, đáng phấn khởi, được các cấp ủy Đảng và nhân dân các dân tộc địa phương tin tưởng, thương yêu”.

Trên cơ sở đó, Ban chấp hành Đảng bộ xác định quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng bộ, đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tập trung hoàn thành các công tác cấp bách của giai đoạn tiếp theo là “tích cực xây dựng, củng cố đơn vị về mọi mặt, tổ chức sẵn sàng chiến đấu, kiêm tra đánh giá tình hình địa bàn, đường biên cột mốc; phát hiện nắm chắc mọi hoạt động của địch, diệt thám báo, diệt tàn quân ngoan cố chống phá ta, giải quyết mọi hậu quả chiến tranh của đơn vị và địa bàn được phân công phụ trách".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2023, 04:27:28 pm »


Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh và Tỉnh ủy, các cấp đơn vị đồn, trạm biên phòng trong toàn tỉnh đã tích cực khẩn trương thực hiện các mặt công tác sau khi địch rút quân. Đến cuối tháng 4.1979, các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang trong toàn tỉnh đã hoàn toàn ở vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tại cơ quan Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, các ban tham mưu, chính trị, trinh sát, hậu cần đều xây dựng xong các kế hoạch phối hợp, hiệp đồng giữa các ban, bộ phận nhằm thực hiện kế hoạch chung của tỉnh. Các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đều bổ sung xong các phương án chiến đấu bảo vệ đồn, phương án hiệp đồng chiến đấu trong các cụm pháo đài quân sự huyện1; sắp xếp lại lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên từng địa bàn.

Các đồn biên phòng đã cùng cấp ủy, chính quyền 35 xã biên giới nghiên cứu, điều chỉnh lại kế hoạch, phương án bảo vệ, di chuyển nhân dân ra khỏi khu vực có chiến sự khi có chiến tranh và cùng địa phương tổ chức 84 lần tập dượt các phương án đó. Thế trận liên hoàn giữa đồn với xã và cụm chiến đấu khẩn trương được xây dựng, củng cố lại, sẵn sàng ứng chiến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Các đơn vị, bộ phận luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cùng với việc thực hiện các mặt bố phòng, công tác huấn luyện chiến đấu sau tháng 2.1979 được trên chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng thay đổi chương trình phù hợp với đối tượng và cách đánh ở địa bàn rừng núi biên giới.

Ngày 7. 5.1979, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Nghị quyết số 3-NQ/CB về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh. Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt để đảm bảo cho chiến đấu, sản xuất và đời sống.

1 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng phát huy ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

2 - Khẩn trương củng cố và xây dựng các lực lượng vũ trang vững về tư tưởng, mạnh về tổ chức, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc.

3 - Tăng cường công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bất cứ tình huống nào cũng không để xảy ra bạo loạn.

4 - Tích cực đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và đảm bảo giao thông vận tải thông suốt phải trở thành nhiệm vụ trung tâm trước mắt.

5 - Công tác thông tin liên lạc, bưu điện và hoạt động văn hóa giáo dục, y tế, xã hội v.v...

6 - Tích cực chăm lo giải quyết tốt đời sống của cán bộ, bộ đội, công nhân viên và nhân dân các dân tộc.

Từ trung tuần tháng 4.1979, tại các khu vực đối diện với các đồn biên phòng Tà Lùng, Bí Hà, Lý Vạn, Đàm Thủy, Pò Peo, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Bó Gai, Xuân Trường, Nặm Quét, Cốc Pàng, đối phương liên tục nổ mìn làm đường, đào hầm hào, công sự, xây dựng các trận địa pháo, cho hướng nòng pháo về phía ta. Nhiều đồn biên phòng của ta phát hiện đối phương cho nhiều xe vận tải chở lính, chuyển hàng, kéo pháo vào các trận địa và khu vực sát biên giới.

Tại nhiều khu vực giáp biên giới, đối phương gấp rút xây dựng các trận địa kiên cố trên các điểm cao, không chế cả một khu vực rộng lớn ở Pò Púng, Thạch Long, đồi Chông Mu. Đồng thời, họ cho quân đóng các điểm chốt áp sát biên giới, rải rác từ mốc 67 - 72 (Đồn Pò Peo, sau gọi là Đồn Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh) và chốt giữ tại các điểm: Phja Un - cao điểm 856 ở khoảng giữa mốc 95 - 96 (Đồn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh); Cáy Tắc, mốc 107 xã Kéo Yên (Đồn Nặm Nhũng, huyện Hà Quảng); Pò Cốc Lùng, đoạn giữa mốc 115 - 117 (Đồn Sóc Giang, sau gọi là đồn Sóc Hà, huyện Hà Quảng); điểm cao 800 – đối diện đoạn mốc 117 - 118 (Đồn Bó Gai, sau gọi là Đồn Cần Yên, huyện Thông Nông); điểm cao 1000 - đối diện mốc 129 (Đồn Nặm Quét, sau gọi là Đồn Cô Ba, huyện Bảo Lạc) và nhiều điểm cao khác trên đoạn biên giới từ mốc 132 - 136 (Đồn Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc). Đồng thời, cho quân vào đóng chốt thêm các điểm mới trong đất ta ở Pò Pài Luông; Lũng Páu (xã Minh Long, huyện Hạ Lang)...
_______________________________________
1. Pháo đài quân sự huyện - Chủ trương của Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị cơ sở để thực hiện chiến lược quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương bao gồm hệ thống làng (bản, ấp, phum, sóc...) xã (phường, nông trường, lâm trường...) chiến đấu, cụm chiến đấu liên hoàn, được xây dựng phù hợp với cơ cấu kinh tế của huyện. Pháo đài quân sự huyện phải phù hợp với lực lượng vũ trang và cơ sở chính trị vững mạnh, có tổ chức phòng thủ sẵn sàng và ngày càng củng cố, có cơ sở vật chất - kỹ thuật ngày càng phát triển, có khả năng đánh địch toàn diện, đủ sức độc lập tác chiến hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống chiến tranh. Công an nhân dân vũ trang tham gia, ứng dụng chủ trương này từ năm 1979.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM