Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:08:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009  (Đọc 3484 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 26 Tháng Tư, 2023, 02:48:13 pm »


- Tên sách: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Công an nhân dân
- Năm xuất bản: 2009
- Người số hóa: giangtvx, ptlinh, chuongxedap



Chỉ đạo trực tiếp
- Đại tá BẾ ĐÌNH TRẦN
Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cao Bằng - Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng

- Đại tá
TRẦN TIẾN DŨNG
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Chính ủy BĐBP Cao Bằng

Người viết
- Đại tá
NGUYỄN ĐỨC CHÂU
Nguyên Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường BTL Bộ đội Biên phòng

Ban sưu tầm tư liệu
- Thượng tá
BÙI VĂN NHỊ
Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cao Bằng, Trưởng ban

- Đại úy
LÂM NGỌC TRÍ
Cán bộ Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP Cao Bằng

- Thượng úy
LƯƠNG TUẤN LONG
Cán bộ Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP Cao Bằng

Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của


- CỤC CHÍNH TRỊ, BỘ THAM MƯU, CỤC TRINH SÁT - BỘ TƯ LỆNH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

- BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CAO BẰNG

- SỞ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TỈNH CAO BẰNG

- SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH CAO BẰNG



 

LỜI GIỚI THIỆU

Từ xa xưa, Cao Bằng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nhiều mặt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ khi có ánh sáng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cao Bằng đã là “ngọn nguồn”, là “quê hương cách mạng” của Việt Nam. Vì thế, miền biên cương này trở thành một địa danh lịch sử, niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, mà còn là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam và bè bạn năm châu.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đang phát huy sức mạnh tổng hợp của truyền thống lịch sử, của nội lực và trí tuệ, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tìm hiểu và giới thiệu quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, lực lượng có chức năng nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại vùng đất có vị thế hiểm yếu, vốn là “phên dậu” của Tổ quốc là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn.

Cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009” là một công trình khoa học đã trình bày tương đối đầy đủ và sinh động những sự kiện cốt yếu của quá trình phấn đấu không mệt mỏi, không ngại gian khổ hy sinh, phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách để hoàn thành nhiệm vụ, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhà.

Trải qua 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; được sự tin cậy, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan ban ngành, đoàn thể, Bộ đội Biên phòng (trước đây là Công an nhân dân vũ trang) Cao Bằng đã lập được nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng gắn liền với đường lối quân sự, đường lối biên phòng toàn dân của Đảng ta; kế thừa, phát huy và xứng đáng góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng và truyền thống vẻ vang của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Mong rằng, cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009” sẽ góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, động viên các thế hệ cán bộ, chiến sỹ ra sức học tập, phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới.

Với tình cảm quý mến và trách nhiệm với Bộ đội Biên phòng, tôi hoan nghênh việc xuất bản cuốn sách và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Uỷ viên Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng

TS. NGUYỄN THỊ NƯƠNG
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2023, 02:51:45 pm »


“...ĐOÀN KẾT CẢNH GIÁC
LIÊM CHÍNH, KIỆM CẦN
HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
DŨNG CẢM TRƯỚC ĐỊCH
VÌ NƯỚC QUÊN THÂN
TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG
TẬN TỤY VỚI DÂN...”

(Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang,
ngày 28 - 3 - 1959)





"NON XANH NƯỚC BIẾC TRÙNG TRÙNG
GIỮ GÌN TỔ QUỐC TA KHÔNG NGẠI NGÙNG GIAN LAO
NÚI CAO SỰ NGHIỆP CÀNG CAO
BIỂN SÂU CHÍ KHÍ TA SOI VÀO CÀNG SÂU
THI ĐUA TA QUYẾT GIẬT CỜ ĐẦU”

(Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
tặng cán bộ, chiến sĩ tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua CANDVT lần thứ nhất,
ngày 2 - 3 - 1962)

 

LỜI NÓI ĐẦU


Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trực tiếp là của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy Cao Bằng về công tác nghiên cứu, tổng kết chiến tranh, biên soạn các công trình lịch sử quân sự và các lực lượng vũ trang; nhân dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3.3.1959 - 3.3.2009), 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức biên soạn cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959 – 2009”.

Trước đây, vào dịp kỷ niệm 35 năm truyền thống của lực lượng (1959 - 1994), Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã xuất bản nội bộ cuốn sử đơn vị do cố đồng chí Lâm Ngọc Thụ - nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng biên soạn. Do điều kiện tư liệu sưu tầm chưa đầy đủ và do hạn chế về thời gian, nên cuốn sử chưa phản ánh được đầy đủ, phong phú quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.

Cuốn sử lần này đã có cố gắng lớn trong việc sưu tầm tư liệu, sự kiện để trình bày tương đối toàn diện và phong phú hơn quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành của lớp lớp cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (trước đây là Công an nhân dân vũ trang) Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đang ủy Quân sự Trung ương, Đảng đoàn Bộ Công an (trước đây là Bộ Nội vụ), trực tiếp là của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy Cao Bằng; được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng của các đơn vị, lực lượng, cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Mong rằng cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959 – 2009” sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; góp phần thiết thực giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ trong Đảng bộ, đơn vị Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Quá trình tổ chức, chỉ đạo biên soạn cuốn sử, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã có quyết tâm lớn và được sự chỉ đạo, giúp đỡ tận tỉnh của Đảng ủy Bộ Tư lệnh, của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Khoa học-Công nghệ, sở Thông tin và Truyền thông, Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng; công an và bộ đội biên phòng một số tỉnh, thành; cùng nhiều cán bộ cách mạng lão thành; cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng qua các thời kỳ trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, viết về một đơn vị vũ trang theo thể loại lịch sử tổ chức quân sự là công việc không dễ dàng. Thêm vào đó, trong hoàn cảnh trải qua các cuộc chiến tranh, qua nhiều thời kỳ sơ tán, điều chuyển quân, di chuyển cơ quan, doanh trại, do điều kiện bảo quản, lưu trữ..., tài liệu liên quan đến lực lượng không tránh khỏi thất lạc, hư hỏng, thậm chí có lúc bắt buộc phải tiêu hủy để bảo toàn bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Việc sưu tập tư liệu, sự kiện, tìm hiểu các chứng nhân lịch sử vì thế càng gặp nhiều khó khăn và không thể không tránh khỏi thiếu sót. Cuốn lịch sử có thể còn khiêm khuyết.

Nhân dịp xuất bản cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959 – 2009", Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo, các cơ quan ban ngành, các huyện, xã và nhân dân các dân tộc biên giới tỉnh Cao Bằng, các đồng chí đã dành nhiều tâm sức, tình cảm cho việc hoàn thành cuốn sách này.

Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chân thành mong bạn đọc trong ngoài lực lượng, trong ngoài tỉnh nhiệt tình cho ý kiến đóng góp để lần xuất bản sau, cuốn sử được tiếp tục hoàn chỉnh thêm.

ĐẢNG ỦY - BỘ CHỈ HUY
BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG CAO BẰNG
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2023, 06:47:29 pm »


CAO BẰNG
VỊ THẾ - CON NGƯỜl - TRUYỀN THỐNG


Cao Bằng là tỉnh biên giới, miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh Cao Bằng là một miền đất cổ, có lịch sử lâu đời. Cách đây hàng vạn năm, trên miền đất địa đầu này, người cổ đại đã từng sinh sống. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết: “Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định, Đông và Bắc giáp Lưỡng Quảng, Tây và Nam giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn, có 1 lộ phủ, 4 châu, 273 làng xã. Là phên dậu thứ tư về phía Bắc”1 của đất nước. Nhà Tống bên Trung Quốc cũng từng cho rằng Cao Bằng là “cổ họng của Giao Chỉ”2.

Sách Đại Nam nhất thống chí, cho biết Cao Bằng từ “đời Hùng Vương xưa là bộ Vũ Định, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nước ta từ đời Lý về sau là đất Thái Nguyên. Thời thuộc Minh là đất phủ Lạng Sơn. Đời Lê, năm Thuận Thiên thứ nhất thuộc Bắc Đạo, năm Quang Thuận thứ 7 đặt Thái Nguyên thừa tuyên, gọi là phủ Cao Bình lãnh 4 châu là Thái Nguyên, Lộng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang, sau đổi châu Thái Nguyên thành châu Thạch Lâm, Lộng Nguyên làm châu Quảng Uyên, đời Quang Hưng (1578 - 1599) sau khi nhà Mạc mất, đồ đảng họ Mạc là bọn Kính Cung, Kính Khoan và Kính Vũ lẩn lút ở Cao Bằng chiếm cứ 4 châu gần 70 năm, năm Vĩnh Trị thứ 2 (1676) quan quân tiến đánh, bọn Kính Vũ chạy sang đất nước Thanh, quan quân bình định 4 châu mới đặt riêng làm trấn Cao Bình, đặt quan cai trị, không lệ vào Thái Nguyên nữa. Lãnh một phủ (phủ Cao Bình) 4 châu đều theo tên cũ, vẫn do thổ ty chia nhau quản trị. (Đời Tây Sơn gọi là Cao Bằng), bản triều đầu đời Gia Long vẫn theo như thế, đặt các chức trấn thủ, hiệp trấn và tham trấn...”3 để cai quản. Dưới châu có các tổng, rồi đến phường, động, trại. Triều vua Minh Mệnh đổi trấn làm tỉnh, Cao Bằng được gọi là tỉnh. Từ năm Tự Đức thứ 4, tỉnh Cao Bằng gồm 1 phủ Trùng Khánh và 5 huyện Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang.

Năm 1888, thực dân Pháp chia Bắc kỳ thành 14 quân khu. Mỗi quân khu có tiểu quân khu và các đồn binh, do một sĩ quan cấp đại tá cai quản. Quân khu Cao Bằng lúc này có Tiểu quân khu Cao Bằng và 9 đồn binh: Cao Bằng, Sóc Giang, Nguyên Bình, Ngân Sơn, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phúc Hoa, Nam Nạng. Năm 1891, Pháp bỏ cấp quân khu và lập ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc 4 đạo quan binh. Cuối năm 1919, Pháp chia Bắc kỳ thành 21 tỉnh, 2 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng) và 4 đạo quan binh. Cao Bằng lúc đó là một tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh 2 Lạng Sơn. Sau đó, tiểu quân khu Cao Bằng chuyển thành Đạo quan binh 2 Cao Bằng, chỉ huy sở đặt tại thị xã Cao Bằng và có 3 tiểu quân khu: Cao Bằng, Bảo Lạc, Bắc Kạn.

Cao Bằng hiện có diện tích 6.719,56 km2, nằm ở tọa độ 22°21'21” đến 23°07'12” vĩ Bắc, 105°16,15” đến 106°51'25” kinh Đông. Phía Bắc và Đông, tỉnh Cao Bằng giáp các địa phương cấp thị Bách Sắc, Sùng Tả và các huyện Nà Po, Trịnh Tây, Đại Tân, Long Châu, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cao Bằng có đoạn biên giới quốc gia dài 332 km, được thiết kế 468 cột mốc (theo Hiêp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, ký ngày 30.12.1999).

Năm 2007, dân số Cao Bằng có 522.118 người, gồm nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, hai tộc người có số lượng đông nhất là người Tày (42,54%), người Nùng (31,81%). Tiếp đến là người Dao (9,47%), người Mông (8,96%), người Kinh (4,5%), người Hoa (0,03%), người Sán Chỉ (1,18%), người Lô Lô (0,33%)... Dân cư trong tỉnh phân bố không đều. Mật độ dân số tập trung đông ở các thị xã, thị trấn, vùng thấp; thưa thớt ở các vùng cao, vùng sát biên giới.

Tỉnh Cao Bằng hiện nay được tổ chức thành 13 đơn vị hành chính, gồm thị xã Cao Bằng và 12 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hoà, Thạch An, Quảng Uyên, Hoà An, Nguyên Bình. Trong đó, nội địa gồm 3 huyện Nguyên Bình, Hoà An, Quảng Uyên và thị xã Cao Bằng; giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 9 huyện, 46 xã và 3 thị trấn: Tà Lùng, Hoà Thuận và Hùng Quốc.
______________________________________
1. Nguyễn Trãi: Toàn tập: Dư địa chí. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.220.
2. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tôn giáo của triều Lý. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1966, tr.268.
3. Đại Nam nhất thống chí, tập IV. Quyển XXV. Tỉnh Cao Bằng, mục dưng đặt và diên cách. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1972, tr.402 - 403.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2023, 06:51:05 pm »


Địa hình Cao Bằng nhiều núi đá, rừng cây rậm rạp, chiếm gần 90% diện tích toàn tỉnh; nhiều song suối, thung lũng, nhiều đèo dốc hiểm trở, độ chia cắt lớn trên bình diện toàn tỉnh, trở ngại lớn cho hoạt động giao thông vận tải và rất khó khăn cho cả việc điều tra, khảo sát phục vụ hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như việc thực hiện cơ động lực lượng, phương tiện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khi cần.

Độ cao trung bình của tỉnh khoảng 200m. Vùng gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc có độ cao từ 600 đến 1.300m; thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và nghiêng từ Tây sang Đông. Địa hình của Cao Bằng có 3 miền cơ bản: miền núi đá vôi chiếm phần lớn đất đai nửa phía Đông của tỉnh; miền núi cao chủ yếu là vùng đất phía Tây và Nam của tỉnh, gồm các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình và một số xã phía Nam huyện Thạch An; miền núi thấp và thung lũng, chủ yếu là vùng đất xen giữa các dãy núi cao. Các thung lũng ở đây lớn nhỏ phụ thuộc vào khoảng trống giữa các dãy núi. Lớn hơn cả là thung lũng thuộc các huyện Hoà An, Nguyên Bình, Thạch An, các thung lũng Bắc Vọng, Quây Sơn (Trùng Khánh) và Cần Yên (Thông Nông). Trong đó lớn nhất là cánh đồng Hoà An, dài khoảng 30km (từ đầu khu vực Mỏ Sắt thuộc xã Dân Chủ đến hết xã Chu Trinh của huyện Hoà An), với diện tích trồng lúa gần 6.500 ha. Cánh đồng Hoà An là vựa lúa lớn nhất của tỉnh1.

Địa hình Cao Bằng núi non trùng điệp, tạo thành những cụm điểm cao quan trọng về mặt quân sự như: Khau Liêu (Trùng Khánh), Khau Mòn (Hạ Lang), Khau Chỉa (Phục Hoà), Bá Quảng, Khau Khoang (Thạch An), Mã Quỷnh (Thông Nông). Đặc biệt là đèo Mã Phục (Trà Lĩnh) một điểm cao lợi hại có thể khống chế một vùng khá rộng nằm trên trục đường từ thị xã Cao Bằng đi các huyện miền Đông (Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hoà, Hạ Lang, Trùng Khánh). Ngoài ra còn có những ngọn núi cao như đỉnh Phja Dạ (Bảo Lâm) cao 1.980m, Phja Oắc cao 1.931m, Phja Đén (Nguyên Bình) cao 1.428m...

Cao Bằng có một hệ thống sông, suối khá dày đặc. Các sông, suối ở đây phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc và từ các khe suối của các vùng núi cao ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình nên thường có độ dốc lớn và chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, hoặc theo hướng Bắc - Nam. Những sông chính của Cao Bằng gồm có: sông Bằng (thường gọi là Bằng Giang) bắt nguồn từ biên giới Việt - Trung là con sông lớn nhất tỉnh. Phần chảy trong tỉnh Cao Bằng dài khoảng 113km. Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy trong địa phận tỉnh Cao Bằng 55km. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ khu vực biên giới chảy trong địa phận huyện Trùng Khánh 76km. Sông Bắc Vọng bắt nguồn từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc chảy vào địa phận huyện Trà Lĩnh và một số huyện trong tỉnh, qua Phục Hoà, rồi chảy sang Trung Quốc. Mùa khô, thượng nguồn các con sông gần như cạn kiệt. Mùa mưa, mực nước ở nhiều sông, suối, hồ dâng lên rất cao, thường gây ra lũ lụt lớn, thiệt hại nhiều cho mùa màng; sạt lở nhiều tuyến đường, gây khó khăn lớn cho các hoạt động giao thông vận tải, đi lại giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh khác.

Dưới thời Pháp thuộc, một số tuyến đường được mở mang nhằm phục vụ cho mục đích nô dịch và khai thác, vơ vét tài nguyên của nước ta. Từ đó, hình thành 3 tuyến đường chính là: Quốc lộ số 4 từ thị xã Cao Bằng đi Lạng Sơn. Quốc lộ 3A từ cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hoà) về thị xã Cao Bằng, qua huyện Nguyên Bình sang Bắc Kạn. Quốc lộ 3B từ Khau Đồn, huyện Hoà An, cách thị xã Cao Bằng 8km, rẽ từ quốc lộ 3A qua Nguyên Bình sang huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và gặp lại quốc lộ 3A tại Nà Phặc. Hiện nay, ngoài 3 tuyến quốc lộ, Cao Bằng còn có các tuyến tỉnh lộ 34, 203, 204, 205, 206, 207 - 208, 210, 211... Ở những vùng địa hình hiểm trở, chất lượng đường sá còn quá thấp kém, nhất là các xã miền núi, vùng sâu vùng xa thuộc các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Quảng Uyên, Hạ Lang... nhân dân các dân tộc Cao Bằng còn làm các tuyến đường dành cho ngựa thồ, vận chuyển hàng hoá và người đi bộ.

Thời tiết và khí hậu Cao Bằng chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa, nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình trong mùa khô thường thấp, khoảng 8 - 15°C, có khi thấp dưới 3°C. Về mùa mưa, mưa nhiều từ tháng 5 và có năm kéo dài đến tháng 10. Lượng mưa trung bình từ 200 - 250mm nhưng không đều giữa các vùng và các mùa. Tháng 7 và tháng 8 mưa nhiều hơn nhưng cũng chỉ từ 300 - 350mm; rất hiếm khi đạt mức cao nhất là 800 - 850mm. Mùa mưa ở Cao Bằng cũng là mùa ẩm ướt, nóng nực, oi bức. Độ ẩm thường từ 80 - 90%. Nhiệt độ mùa này khoảng 25 - 27 độ C. Cao điểm có lúc đến 40 - 42 độ C.
________________________________________
1. Trong các năm từ 2001 - 2005, sản lượng lúa của Hoà An thấp nhất thường trên 26.000 tấn (2003, 2004). Năm cao nhất thường trên 27.000 tấn (2001: 27.582 tấn, 2005: 27.057 tấn). Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Cao Bẳng. Nxb Thống kê, Hà Nội, 2006.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2023, 06:55:04 pm »


Về kinh tế, Cao Bằng là một tỉnh giàu tiềm năng, sản vật, với nhiều nguồn lợi từ nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công, du lịch, dịch vụ... Mặc dù vậy, cho đến cuối thế kỷ XX, nền kinh tế Cao Bằng chủ yếu là nền kinh tế nông lâm nghiệp và thuần nông lệ thuộc vào thiên nhiên.

Nông nghiệp truyền thống chủ yếu là nghề trồng lúa, gồm lúa nước và lúa nương, ngô, khoai, sắn, các loại đậu đỗ, nhất là đỗ tương. Các loại cây trồng khác có thuốc lá, mía đường, chè san, chè tuyết, chè đắng, lê, mận, đào, cam, quýt, dẻ... Nhân dân Cao Bằng đã sáng tạo, khắc phục nhiều khó khăn đưa năng suất lúa của tỉnh liên tục tăng cao1. Nhìn chung, “nông nghiệp Cao Bằng đã có những bước đi vững chắc đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai và cho một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế chung của toàn tỉnh”2.

Trong nông nghiệp, chăn nuôi đóng góp một tỷ trọng đáng kể với đàn gia súc, gia cầm có số lượng lớn và liên tục tăng. Riêng năm 2005, đàn trâu bò của tỉnh có 237. 012 con, lợn có 308.796 con, ngựa có 13.478 con, dê có 16.559 con, gia cầm có 1.967.323 con.

Lâm nghiệp là một thế mạnh của tỉnh, với diện tích rừng và đất rừng có độ che phủ trên 60%. Lâm thổ sản của Cao Bằng có nhiều loại gỗ quý, màu sắc đẹp, có giá trị kinh tế cao như hoàng đàn, du sam, nghiến, dổi, chò... Cây dược liệu trong tỉnh khá phong phú như các loại đỗ trọng, tam thất, sâm nam, hà thủ ô đỏ, kim tiền thảo, ô đầu, hồi... Cây công nghiệp có khá nhiều loại có dầu như trẩu, lai. Động vật, có nhiều loại thú quý hiếm như hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng, sơn dương, cầy hương...

Công nghiệp của Cao Bằng từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI đang bước vào thời kỳ phát triển. Trong đó, thế mạnh là công nghiệp khai khoáng do tỉnh có nhiều điểm quặng khoáng sản và có những loại quý hiếm như antimon, thiếc, vonfram, uranium, vàng, bạc, sắt, gang, đồng, chì, kẽm, bô xít nhôm, mangan, niken, than...

Tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh có từ lâu đời, biểu hiện nét riêng bản sắc văn hoá các dân tộc, nổi tiếng với nhiều nghề thủ công như dệt, nhuộm vải chàm. Nghề dệt thổ cẩm đẹp có tiếng ở các xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (huyện Hà Quảng), thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An); nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên; nghề đúc gang, sản xuất lưỡi cày, chảo gang, kiềng đun bếp, hạt gang làm đạn súng kíp ở xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng; nghề trồng mía, làm đường phên ở huyện Phục Hoà; nghề làm giấy bản từ các loại cây dó, vầu, trúc ở xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên), xã Yên Lạc (huyện Nguyên Bình). Các nghề đẽo, chạm đá; nghề đan chiếu từ lạt giang, tre, trúc ở nhiều huyện như Thạch An, Phục Hoà, Quảng Uyên, Trùng Khánh; nghề làm đồ gốm ở Hoà An...

Thiên nhiên còn tạo cho Cao Bằng có nhiều danh lam, thắng cảnh như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc (xã Đàm Thuỷ, Trùng Khánh), hồ Thăng Hen (xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh)...

Lịch sử cũng để lại những khu di tích lịch sử nổi tiếng như Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng), nơi Bác Hồ về nước ngày 28.1.1941, đặt đại bản doanh cách mạng để chỉ đạo phong trào chống Pháp - Nhật trong cả nước; khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) nơi khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; vùng núi Lam Sơn (xã Hồng Việt, Hoà An), căn cứ địa của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng trước năm 1945; Đông Khê (Thạch An) nơi diễn ra chiến dịch biên giới năm 1950, mở đầu cho các chiến thắng lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...

Thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa) là thị trấn biên giới có cửa khẩu Tà Lùng đối diện với thị trấn Thủy Khẩu (huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Hai nước Việt Nam - Trung Quốc thông thương nhau qua cầu Tà Lùng, chiếc cầu nằm ở điểm cuối của Quốc lộ 3 bắc qua sông Bắc Vọng. Tà Lùng thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Tà Lùng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phụ trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia với đoạn biên giới dài 15,4 km chạy trên sông Bắc Vọng. Ngày 5.3.1952, tại trận địa phòng không gần cầu Tà Lùng, Đại đội pháo cao xạ 612 bắn rơi một máy bay của quân Pháp. Đó là chiếc máy bay của giặc Pháp đầu tiên bị pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi.

Là một tỉnh biên giới giữ vị trí phên dậu của quốc gia, việc quản lý, bảo vệ biên giới ở Cao Bằng luôn được mọi triều đại và các thế hệ quan tâm và là công việc tất yếu hằng xuyên của đất nước. Do vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt nên hàng ngàn năm qua vùng đất Cao Bằng đã từng nhiều lần bị các tập đoàn phong kiến phương Bắc xâm chiếm. Sử sách còn ghi rõ, nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng các địa phương trong nước làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lật đổ ách thống trị nhà Đông Hán vào năm 40 - 43, đầu thế kỷ I. Ngày nay, nhân dân Tày, Nùng ở Việt Bắc, nhân dân Choang ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) còn giữ nhiều kỷ niệm và truyền thuyết về tổ tiên xưa tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”3.
______________________________________
1. Từ năm 1993 - 2005, sản lượng lúa tăng từ 29,5 lên 36,64 tạ/ha. - Nguồn: Niên giám thống kê Cao Bằng 2005.
2. Địa chí Cao Bằng. Nxb Chính trị Quốc gia
3. Ủy ban Khoa học xã hội: Lịch sử Việt Nam. Tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.82.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2023, 03:41:06 pm »


Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập. Ngay từ đầu, các triều Tiền Lê (980 - 1009), Lý (1010 - 1225) đã đặc biệt quan tâm và “cẩn thận về biên phòng”1. Nhà Lý vừa thực hiện các biện pháp nhằm ổn định vùng biên cương phía Nam, vừa tổ chức, thu phục lực lượng vũ trang tại chỗ (gọi là thổ binh), giao cho tri châu hoặc châu mục kiêm quản ở các châu, trại biên giới phía Bắc. Các tri châu và châu mục là những thổ tù địa phương được triều đình giao cho việc cai quản cư dân vùng biên và chỉ huy thổ binh khi có biên sự để giữ gìn an ninh, bảo vệ đất đai, dân cư thuộc địa hạt từng châu, trại; cùng triều đình giữ yên bờ cõi. Nhờ đó, cương giới phương Bắc và phía Nam của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.

Từ sau cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao2, các dân tộc trên địa bàn Cao Bằng ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, cùng các dân tộc anh em khác trong quốc gia Đại Việt tăng cường các hoạt động củng cố chính quyền tự chủ, kiên quyết đấu tranh chống lại mưu đồ bành chướng của các vương triều phong kiến phương Bắc, giữ gìn an ninh và bảo vệ toàn vẹn cương vực, lãnh thổ của đất nước.

Đầu năm 1075, nhà Tống cho quân tấn công vào châu Quảng Nguyên, vùng đất có tiếng nhiều vàng của Cao Bằng. Tại đây, cùng với quân đội triều đình, 5.000 dân binh Cao Bằng do lực lượng thổ binh làm nòng cốt và tướng Lưu Kỷ - một tướng tài của châu Quảng Nguyên - chỉ huy đã chặn đánh địch. Cùng với Lưu Kỷ, các thủ lĩnh Nông Trí Xuân, Hoàng Lục... cùng chỉ huy quân từ các khe, động, trại đánh địch. Trong các trận đánh quân Tống xâm lược, Hoàng Lục chỉ huy mưu trí, hiệu quả, làm kẻ thù nhiều phen khiếp sợ, được triều Lý phong danh hiệu “An biên tướng quân”.

Trước dã tâm xâm lược bờ cõi Đại Việt của nhà Tống ngày càng lộ rõ, tháng 10.10753, nhà Lý quyết định huy động 10 vạn thuỷ binh và bộ binh (trong đó có nhiều thổ binh người Cao Bằng) giáng đòn phủ đầu vào đất Tống để chủ động đập tan mưu đồ xâm lược của chúng. Ba mục tiêu nhà Lý lựa chọn tấn công là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu.

Cuối năm 1076 đầu năm 1077, lực lượng chủ yếu của quân Tống vượt biên giới tiến vào Đại Việt và bị chặn đánh ở nhiều nơi. Trong đó có đội quân do Hoàng Lục, người xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh chỉ huy chặn đánh quyết liệt trên đường quân Tống tiến quân. Cuộc chiến kéo dài. Quân Tống ngày càng gặp nhiều khó khăn và lún sâu vào thế bị sa lầy.

Để gỡ thể diện cho “đại quốc” và cốt để yên dân, nhà Lý chủ động xin giảng hoà, đồng thời đưa ra “điều kiện” nếu quân Tống rút về nước thì Đại Việt sẽ sai sứ sang nộp và “cắt đất” cho nhà Tống. Vua Tống đã lệnh bãi binh vào tháng 2.1077. Đại Việt báo cắt cho nhà Tống 5 châu, huyện gồm: Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Tô Mậu và huyện Quang Lang. Nhưng khi quân Tống rút về nước, quân dân ta đã lập lại chủ quyền ở 4 châu, huyện. Riêng châu Quảng Nguyên, vẫn bị quân Tống chiếm giữ. Cuối cùng, do nhà Lý kiên trì và khéo léo đấu tranh ngoại giao, nhà Tống phải trả lại ta vùng đất Quảng Nguyên. Đại Việt bảo toàn được lãnh thổ và bước vào thời kỳ hưng thịnh dưới Lý. Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) từng tâm đắc: “bốn biển yên lành, biên thuỳ ít biến”.

Dưới triều đại Trần, nhân dân Đại Việt trong đó có nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược và cả 3 lần đều thắng lợi (1258, 1285, 1287 - 1288). Ở mặt trận Cao Bằng, thủ lĩnh châu Thượng Lang là Hoàng Thắng Hứa đã chỉ huy thổ binh ra sức chiến đấu, tiêu hao sinh lực, ngăn chặn và kìm chân địch ngay tại biên giới.
__________________________________________
1. Phan Huy Chú; Lịch triều hiến chương loại chí. Tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.192.
2. Nhân dân địa phương rất kính mộ Nùng Trí Cao. Ông được coi là anh hùng dân tộc họ Nùng và được lập đền thờ ở núi Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An). Tại đây có một bài thơ ca ngợi ông. Năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến thăm đền đã bình luận bài thơ trên, (xem Minh triết Hồ Chí Minh. Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội. 1999).
3. Theo Việt sử thông giám cương mục, các cuộc tấn công này bắt đầu vào tháng 10.1075. Công trình này có tham khảo các sử liệu Trung Quốc và được nhiều nhà sử học Việt Nam thống nhất, cho rằng có tính thuyết phục. Trong khi đó, Việt sử lược cho rằng sự kiện này xảy ra cuối năm 1074, còn Đại Việt sử ký toàn thư chép chung chung là vào nửa đầu năm 1075.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2023, 03:42:05 pm »


Năm 1407, nước ta rơi vào ách đô hộ của chính quyền phong kiến phương Bắc. Vùng đất Cao Bằng bị quân Minh chiếm đóng và cai trị. Không chịu khuất phục ách đô hộ ngoại bang, dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh người dân tộc Tày Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái, đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng đã cùng nhau đắp luỹ, xây thành, dựng cờ khởi nghĩa, dũng cảm, kiên trì chiến đấu diệt hàng ngàn tên giặc, buộc chúng phải rút khỏi Cao Bằng. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã góp phần cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đi đến thắng lợi hoàn toàn, lập ra triều Lê sơ. Để bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhà Lê đã thành lập tại Quảng Nguyên hai cửa ải để kiểm soát sự đi lại và thu thuế, đó là cửa ải Nà Thắm1 (còn gọi là Quả Thoát) và cửa ải Nà Thống.

Cuộc nội chiến giữa các phe phái phong kiến Nam triều - Bắc triều diễn ra ác liệt trong nửa cuối thế kỷ XVI và địa thế hiểm trở của Cao Bằng đã giúp nhà Mạc lập căn cứ cho đến những năm 70 của thế kỷ XVII (1677).

Sau thời nhà Mạc, triều đình Lê - Trịnh củng cố và chấn chỉnh ngay vùng đất chiến lược Cao Bằng, “Bức phên dậu phương Bắc của Đại Việt”.

Nhà Tây Sơn (1771 - 1801) đã đánh đổ chế độ thống trị của hai dòng họ Trịnh, Nguyễn, thống nhất đất nước, đồng thời tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược ở phía Nam và Mãn Thanh ở phía Bắc thắng lợi, giữ yên biên thuỳ.

Đến triều Nguyễn, công việc biên phòng được triều đình trung ương và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, tổ chức hoạt động khá chặt chẽ. Trên các miền biên giới, hệ thống đồn ải đã được thiết lập và hoạt động quy củ. Dọc các trục đường qua lại biên giới và đi lại trong tỉnh đều thiết lập các cửa tuần vừa để thu thuế, quản lý sản vật, tài nguyên quốc gia, vừa hỗ trợ kiểm soát việc đi lại, phòng kẻ gian lọt qua biên giới vào sâu nội địa. Bấy giờ, tỉnh Cao Bằng có 9 đồn canh phòng biên giới. Đó là các đồn Na Thông, Trung Thảng, Cổ Lân, Bắc Khê, Gia Bằng, Gồ Lĩnh, Phù Tang, Na Lạn và Bí Hà. Cùng với 9 đồn là 13 ải tuần: Thông Nông, Trường Hà, Sóc Giang, Đồ Linh, Bắc Niêm, Na Lạn (huyện Thạch Lâm); Quả Thoát, Na Thông (huyện Quảng Uyên); Cố Chu, Nga Ổ (huyện Thượng Lang); Bối Tinh, Đông Long, Bí Hà (huyện Hạ Lang).

Suốt 3 thế kỷ nội chiến, cát cứ giữa các thế lực, phe phái phong kiến, đã làm đời sống nhân dân càng thêm cực khổ, làm yếu thế nước, đất nước ta đứng trước hiểm hoạ xâm lược của phương Tây. Ngày 01.9.1858, thực dân Pháp nổ súng mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và phải 28 năm sau (tháng 10.1886) chúng mới đặt chân lên Cao Bằng. Cùng với việc thực hiện chính sách khai thác và thống trị, nhằm thực hiện âm mưu biến nước ta thành thuộc địa lâu dài, thực dân Pháp đã xúc tiến điều đình với triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) về đường biên giới trên đất liền và trên biển. Ngày 9.6.1885, toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhân danh Việt Nam đã ký với triều đình Mãn Thanh hiệp ước lập quan hệ hữu nghị và quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong điều 3 của Hiệp ước đề cập đến việc khảo sát và cắm mốc biên giới, đó là cơ sở mở đầu cho quá trình hình thành đường biên giới Việt - Trung sau này.

Ngày 26.6.1887 và 20.6.1895, Pháp và triều đình Mãn Thanh lại ký tiếp hai Công ước về hoạch định biên giới Việt - Trung. Theo các văn kiện đã được ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh thì đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc có chiều dài 1.463km với hệ thống 341 cột mốc. Trên phần đất Cao Bằng giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có đường biên dài 311km với 161 cột mốc (trong đó có 117 cột mốc chính và 44 cột mốc phụ), từ cột mốc chính số 20 thuộc địa phận xã Đức Long (châu Thạch An) đến cột mốc phụ số 137 thuộc địa phận xã Đức Hạnh (châu Bảo Lạc)2. Như vậy Cao Bằng có một dải đường biên dài và số mốc giới nhiều nhất chung với Trung Quốc của 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Do địa hình vùng biên giới giữa Cao Bằng - Quảng Tây núi sông hiểm trở, việc hoạch định cắm mốc đã phải kéo dài trong nhiều năm. Lợi dụng việc thực dân Pháp không thông hiểu thực địa, nhà Mãn Thanh đã tranh thủ lấn chiếm nhiều vùng đất của Cao Bằng. Chúng đơn phương tuyên bố nhiều vùng đất như tổng Điền Lang3 và các thôn Lý Vạn, Bản Khoòng4, Lũng Đa5 vốn là đất Trung Quốc cầm cố cho Việt Nam. Số tiền cầm cố đã hoàn trả, nên các vùng đất đó đã thuộc về Trung Quốc. Trong cuộc đàm phán ngày 13.3.1894 giữa Pháp và Mãn Thanh đã đi đến thoả thuận: triều đình Mãn Thanh trả lại các thôn Lý Vạn, Bản Khoòng, Lũng Đa. Pháp phải cắt tổng Điền Lang cho triều đình Mãn Thanh có diện tích rộng 250km2 với hàng ngàn hécta đất màu mỡ nhất châu Hạ Lang, hàng ngàn người dân Nùng, Tày phải chịu cảnh chia ly về bên Trung Quốc.

Việc phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới theo công ước Pháp - Thanh diễn ra không đúng vị trí như hoạch định. Nhiều nơi đường biên giới đã lấn sâu vào đất Cao Bằng. Một số đoạn biên giới không thể hiện được biên giới truyền thống từ lâu đời giữa hai nước, để lại nhiều hậu quả phức tạp. Mặc dù vậy, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã đảm bảo yếu tố pháp lý quốc tế. Cả hai quốc gia phải cùng nhau tôn trọng, giữ gìn để xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị.
______________________________________
1. Nay thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hoà.
2. Xã Đức Hạnh nay thuộc huyện Bảo Lâm.
3. Trước kia là một tổng thuộc châu Hạ Lang, nay thuộc huyện Đại Tân, Quảng Tây, Trung Quốc.
4. Lý Vạn, Bản Khoòng thuộc xã Lý Quốc, Hạ Lang.
5. Lũng Đa thuộc xã Minh Long, huyện Hạ Lang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2023, 03:44:06 pm »


Cùng với việc hoạch định biên giới, ở Cao Bằng lần lượt ra đời các cửa khẩu qua lại biên giới. Dưới thời Pháp thuộc, Cao Bằng có 8 cửa khẩu: Nà Lạn, châu Thạch An (nay vẫn gọi là Nà Lạn); Tà Lùng, châu Phục Hoà (nay cũng gọi là Tà Lùng); Bí Hà, châu Hạ Lang (nay gọi là cửa khẩu Hạ Lang); Lý Vạn, châu Hạ Lang (nay gọi là Lý Quốc); Pò Peo, phủ Trùng Khánh (nay gọi là Ngọc Khê); Phai Can, châu Trà Lĩnh (nay gọi là Hùng Quốc); Sóc Giang, châu Hà Quảng (nay vẫn gọi là Sóc Giang).

Nhân dân các dân tộc Cao Bằng cũng như nhân dân cả nước không ngừng chiến đấu chống ách đô hộ của thực dân Pháp, tiêu biểu là các cuộc nổi dậy của nhân dân dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng Triệu Phúc Sinh1, Pa Deng2 (người Mông), Phù Nhị3 (người Dao). Nhưng do nhiều yếu tố hạn chế, phong trào chống Pháp ở Cao Bằng cùng “phong trào Cần Vương thất bại, đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống Pháp trong khuôn khổ hệ tư tưởng phong kiến. Sau khi đoạn tuyệt với con đường đó, những người yêu nước Việt Nam hướng ra nước ngoài, tìm đến những con đường mới để mong được giải phóng”4.

Trong hoàn cảnh đó, năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 13 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã từ châu Âu về Quảng Đông (Trung Quốc) để tiếp cận và chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, năm 1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên và mở các lớp huấn luyện, đào tạo hàng trăm cán bộ đưa về nước hoạt động.

Năm 1925, với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại Cao Bằng đã xuất hiện các tổ chức yêu nước như Hội đánh Tây, Hội Thanh niên phản đế, thu hút nhiều người yêu nước tham gia. “Trong số đó nổi lên và có ảnh hưởng to lớn là đồng chí Hoàng Đình Giong5, một thanh niên dân tộc Tày, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm giác ngộ cách mạng”. Hội đánh Tây tiếp tục phát triển rộng ở các châu Hoà An, Hà Quảng, Quảng Uyên... rồi lan ra nhiều nơi khác trong tỉnh.

Năm 1928, đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên đất Trung Quốc. Cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như). Năm 1929, Hội kết nạp thêm đồng chí Lê Mới (tức Nam Cao). Tháng 12.1929, với sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận Đông Dương Cộng sản Đảng ở hải ngoại, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đảng và thành lập chi bộ Đảng ở Long Châu (Trung Quốc), đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư.

Ngàv 3.2.1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tháng 10.1930, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ngày 1.4.1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại tỉnh Cao Bằng được thành lập tại khe suối Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hoà An. Ngay từ khi ra đời, chi bộ đã làm nhiệm vụ như một Ban Tỉnh uỷ lâm thời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Cao Bằng từ đây chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
_______________________________________

1. Triệu Phúc Sinh quê ở Đào Ngạn, đã tổ chức nhân dân các dân tộc vùng Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hoà An chống Pháp (1886).
2. Pa Deng, nữ thanh niên người Mông (Thông Nông), đã tổ chức được một số người Mông yêu nước chống Pháp, tiêu biểu là trận phục kích đánh Pháp ở đèo Mã Quỷnh (đường đi Thông Nông) gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại (1889).
3. Phù Nhị, dân tộc Dao (Nguyên Bình) đã tập hợp một số người Dao yêu nước tập kích đánh Pháp ở thị trấn Nguyên Bình (1905).
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tóm tắt). Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.13
5. Đồng chí Hoàng Đình Giong (1940 - 1947) tức đồng chí Hoàng Nam Bình, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá I, Chính uỷ Quân giải phóng Nam Bộ, Tư lệnh Khu 9, Khu 6.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2023, 08:54:37 am »


CHƯƠNG I

QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG CAO BẰNG. HOẠT ĐỘNG, XÂY DỤNG, CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG, NỘI ĐỊA Ở MIỀN ĐẤT CỬA NGÕ VIỆT BẮC
(1959-1964)


I. TỪ CÁC ĐƠN VỊ TIỀN THÂN ĐẾN THÀNH LẬP KHU CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG VIỆT BẮC VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG CAO BẰNG

Ngay từ khi mới ra đời, ngày 1.4.1930, chi bộ Đảng đầu tiên ở Cao Bằng làm nhiệm vụ như Tỉnh uỷ lâm thời đã quán triệt sâu sắc tư tưởng bạo lực cách mạng của một đảng mácxít, sớm quan tâm xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng để bảo vệ và hỗ trợ phong trào cách mạng của quần chúng. Vì vậy, các tổ chức như “Công hội đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Thanh niên cộng sản đoàn”, “Hội phòng phỉ”, “Hội đánh Tây”... đã sớm hình thành và đi vào hoạt động. Các tổ chức này có chung nhiệm vụ: tuyên truyền, vận động, tập hợp và từng bước tập dượt, huy động quần chúng trên trận tuyến đấu tranh cách mạng. Phong trào đấu tranh bùng lên mạnh mẽ ở nhiều nơi trong tỉnh, tiêu biểu như phong trào ở khu mỏ Tĩnh Túc, phong trào ở các huyện Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình... Từ trong phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng những năm 1930 - 1935 và 1936 - 1939, các đội võ trang tuyên truyền đã manh nha hình thành và lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Hà Quảng.

Để đối phó với phong trào cách mạng ngày càng lên cao của Cao Bằng, từ giữa năm 1940, địch tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố ngày càng ác liệt. Nhiều cơ sở Đảng bị đánh phá. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Tỉnh uỷ và các châu uỷ Hà Quảng, Hoà An bị bắt; phong trào cách mạng lâm vào tình thế khó khăn.

Trước hoàn cảnh đó, Đảng bộ Cao Bằng đề xuất và được Trung ương chấp thuận bố trí cho 40 cán bộ, đảng viên của Đảng bộ vượt biên giới ra nước ngoài để tiếp tục hoạt động và có điều kiện học tập nâng cao kiến thức, trước hết là kiến thức quân sự.

Tình hình trên diễn ra đúng vào thời điểm đồng chí Nguyễn Ái Quốc về đến Quế Lâm (Trung Quốc) để tiện chỉ đạo cách mạng trong nước. Tại đây, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình, trực tiếp là phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Người quyết định chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên và chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”1.

Đầu tháng giêng năm 1941, Người lên đường về nước cùng một số cán bộ Trung ương Đảng và 40 cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Cao Bằng đã sang Trung Quốc trước đó. Ngày 28.01.1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Nặm Quang (Trịnh Tây, Trung Quốc), qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, về nước sau 30 năm xa cách. Thôn Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là nơi đầu tiên của Tổ quốc đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người cũng đã chọn nơi này để đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng chung của cả nước. Trụ sở được đặt ở hang Cốc Bó.

Tại Pác Bó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở ba châu (Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình). 40 cán bộ hoạt động ở nước ngoài của Cao Bằng về nước được đồng chí Nguyễn Ái Quốc xác định là cán bộ nòng cốt vừa giữ vai trò là cán bộ chính trị, vừa là cán bộ quân sự của phong trào cách mạng ở đây. Phong trào cách mạng của Cao Bằng được tăng thêm sức mạnh, các đoàn thể cứu quốc, đội tự vệ phát triển nhanh chóng. Đến khoảng cuối tháng 3.1941, ở các châu thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh đã có số hội viên lên tới 2.000 người, với đầy đủ các giai tầng nhân dân và thành phần lứa tuổi tham gia, nhất là con em các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông...

Các đội tự vệ phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Mặc dù mới thành lập, trang bị vũ khí còn thiếu và thô sơ; nhưng đã sớm triển khai hoạt động, chiến đấu bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng, các cơ sở đảng và phong trào đấu tranh của quần chúng. Đặc biệt, đội tự vệ đã bảo vệ thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19.5.1941), tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, châu Hà Quảng).

Từ tình hình thực tế và nhu cầu chung của phong trào cách mạng, tháng 9.1941, Xứ uỷ Bắc Kỳ ra nghị quyết về công tác giữ bí mật và thành lập đội tự vệ. Xứ uỷ giao nhiệm vụ cho các cấp uỷ Đảng:

- “Phải thành lập những đội tự vệ cứng rắn để bảo vệ cơ quan, ủng hộ quần chúng đấu tranh và hơn nữa để đánh tháo cho những người bị bắt.

- Phải quân sự hoá cách sinh hoạt, nơi ăn, chốn ở phải ngăn nắp, quần áo, tài liệu để cho thứ tự, sẵn sàng lẩn trốn một khi đế quốc tới vây.

- Người nơi này qua nơi khác phải có khẩu lệnh giới thiệu, các cơ quan phải tổ chức như một, không được đi lại bừa bãi dễ lộ; phải cắt tự vệ canh gác cơ quan, tự vệ cho các đồng chí quan trọng đi đường, các cấp bộ, các đồng chí phải kiểm tra lẫn nhau đề phòng nội gián”2.
________________________________________
1. Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.33.
2. Văn kiện Đảng 1939 - 1945. Nxb Sự thật, Hà Nội. 1963, tr 264 - 265.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2023, 08:55:37 am »


Chấp hành nghị quyết của Xứ uỷ, các đội tự vệ của Cao Bằng phát triển rất nhanh chóng và tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ cán bộ và cơ sở cách mạng, chống lại các hoạt động do thám, dò la tin tức của địch, chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Đây là các tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Cao Bằng.

Việc phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để lực lượng này ngày càng phát triển. Từ tháng 4.1941 đến tháng 10.1944, Người cùng Tỉnh uỷ Cao Bằng đã chọn cử cán bộ và các hội viên cứu quốc tích cực đi học quân sự dài hạn ở nước ngoài, được 68 người.

Tháng 10.1941, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh uỷ Cao Bằng thành lập đội du kích Pác Bó - đội du kích tập trung đầu tiên của tỉnh với quân số 12 đồng chí. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, võ trang tuyên truyền trong quần chúng, huấn luyện cho các đội tự vệ trong tỉnh.

Để có nội dung giảng dạy, học tập, mở các lớp huấn luyện cho tự vệ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp dành nhiều công sức biên soạn nhiều tài liệu. Nhờ đó, các lớp huấn luyện cán bộ quân sự tập trung (còn gọi là lớp quân chính) đã liên tiếp được tổ chức. Tháng 2.1942, lớp quân chính khoá I mở tại Khuổi Nặm, Pác Bó (xã Trường Hà, châu Hà Quảng), đào tạo khoảng 40 cán bộ huấn luyện tự vệ cho các châu, các cơ quan trong tỉnh. Đầu năm 1943, lớp quân chính khoá II mở tại U Mả (xã Dân Chủ, châu Hoà An), đào tạo khoảng 100 cán bộ quân chính. Cuối năm 1943, lớp quân chính khoá III mở tại tổng Kim Mã (châu Nguyên Bình), với 30 học viên. Cuối năm 1944, lớp quân chính khoá IV mở tại Tôm Đeng (châu Hà Quảng), có khoảng 30 cán bộ quân sự của liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng tham gia học tập...

Đồng thời, để có nguồn nhân lực cán bộ, chiến sỹ đáp ứng nhu cầu cho các hướng công tác “Đông tiến”, “Tây tiến”, “Nam tiến”, nhằm phát triển phong trào cách mạng sang các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ tại châu Nguyên Bình. Mỗi lớp có khoảng 100 học viên. Nhờ đó, từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, Cao Bằng đã xây dựng được 19 đội xung kích “Nam tiến”.

Từ năm 1942, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ, các hoạt động luyện tập tự vệ ngày càng rầm rộ trong phạm vi toàn tỉnh. Hầu như địa phương nào cũng có những đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu. Năm 1942, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị phân tán Đội tự vệ Pác Bó, đưa lực lượng của đội về huấn luyện tự vệ cho các xã, tổng, châu trong tỉnh. Lực lượng và quy mô tổ chức tự vệ trong toàn tỉnh nhờ đó mà phát triển nhanh chóng. Các châu Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Thạch An, Chợ Rã sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh đều thành lập được các đội tự vệ có đến trên 1.000 người và tổ chức được 15 đội tự vệ chiến đấu. Đặc biệt ở xã Hồng Việt (châu Hoà An) đã thành lập được một trung đội tự vệ nữ. Trong năm 1943, các châu uỷ Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình đã tổ chức các cuộc diễn tập huy động tới 1.000 tự vệ thường và tự vệ chiến đấu tham gia. Tháng 6.1943, tại Lam Sơn (châu Hoà An), Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng triệu tập giáo viên tự vệ toàn tỉnh, nhằm thống nhất nâng cao chất lượng chương trình huấn luyện.

Cuối năm 1943, tại Ngườm Slưa, xã Hoàng Tung (châu Hoà An), Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng tổ chức hội nghị bàn các biện pháp chống địch khủng bố, các hình thức hoạt động vũ trang tự vệ, thành lập các trung đội vũ trang thoát ly và các “Ban xung phong chống khủng bố”. Về công tác chống địch khủng bố, đảm bảo an ninh cho phong trào cách mạng, Hội nghị chỉ rõ:

- Các cấp từ xã đến tỉnh phải thành lập Ban xung phong chống khủng bố

- Tất cả các hội viên trung kiên, những đồng chí hoạt động tích cực nếu đã bị lộ thì phải rút vào cơ quan bí mật, tổ chức chặt chẽ các việc giao thông liên lạc và tăng cường lực lượng, cất giấu lương thực vào kho bí mật

- Hết sức giữ bí mật, đi lại không được để vết tích gì, không đi hài sảo

- Tích cực chống khủng bố, tiêu diệt phản động đầu sỏ dẫn đường cho địch, tổ chức các đội “Hộ lương diệt ác” từ 5 đến 7 người có vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan bí mật.

Theo định hướng của các hội nghị liên Tỉnh uỷ, từ đầu năm 1944, các trung đội, tiểu đội vũ trang thoát ly, các “Ban xung phong chống khủng bố” đã nhanh chóng ra đời và đi vào hoạt động ở nhiều châu, tổng, xã trong tỉnh. Đó là các trung đội vũ trang thoát ly ở châu Hà Quảng (gồm 50 người), ở châu Hoà An, trong vùng đồng bào Mông ở khu Thiện Thuật; các tiểu đội vũ trang thoát ly ở các xã Thượng An, Bằng Vân, Vân Tùng, Thượng Quan (châu Ngân Sơn); Minh Tâm, Tam Kim, Hoa Thám, Hưng Đạo (châu Nguyên Bình)... Các đơn vị tự vệ sau khi được thành lập đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ tài sản của nhân dân; tổ chức các trận phục kích đánh các toán địch đi càn quét, khủng bố; diệt trừ những tên tay sai phản động có nợ máu với nhân dân.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM