chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:55:39 am » |
|
Thực tế trên làm cho công tác bảo vệ các mục tiêu nội địa có rất nhiều sơ hở. Việc bảo vệ máy móc, tài sản, tính mạng công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc trước nguy cơ bị máy bay Mỹ bắn phá rất khó đảm bảo an toàn. Cơ sở vật chất, tài liệu của các cơ quan sơ tán dễ bị mất mát, hoả hoạn. Phạm nhân dễ trốn trại (từ năm 1965 - 1973, xảy ra 15 vụ phạm nhân trốn trại hoặc chuẩn bị trốn trại. Nhưng các đơn vị canh giữ trại giam đều ngăn chặn kịp thời).
Trước khả năng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng leo thang và trở nên ác liệt, chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội sơ tán một phân hiệu về xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà (nay thuộc huyện Quảng Uyên); Trường Văn hoá dân tộc miền Nam sơ tán về làng Nà Giàng, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng. Một số con em cán bộ cao cấp quân đội về huyện Hoà An. Kho bạc Ngân hàng Trung ương sơ tán vào hang Bó Ca ở xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình. Tổng đài cơ vụ K.15 và Đài Phát tin - Phát thanh III - C.15 thuộc Tổng cục Bưu điện sơ tán đến một số hang ở vùng Vỏ Lài, xã Nam Tuấn, huyện Hoà An. Đài Phát thanh dự trữ C.50 của Ủy ban Phát thanh - Vô tuyến truyền hình Việt Nam sơ tán đến hang Ngườm Bang, xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh...
Để bảo vệ các mục tiêu nội địa với khối lượng lớn, trải ra trên diện rộng, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và của Ty Công an, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã bố trí lực lượng, tổ chức phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng Công an, Tỉnh đội, các ngành liên quan, với cấp uỷ, chính quyền các huyện Hoà An, Quảng Hoà, Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc, các làng xã có các cơ quan, đơn vị sơ tán, thống nhất kế hoạch thực hiện. Các phân đội trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu đã xây dựng các cơ sở bí mật để nắm tình hình liên quan, phục vụ yêu cầu của nhiệm vụ. Đồng thời phối hợp cùng các lực lượng công an, tham mưu cho cấp ủy đảng các địa phương, cơ quan, đơn vị sơ tán phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, bảo mật phòng gian, xây dựng cơ quan an toàn theo các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Công an và hướng dẫn của Bộ Tư lệnh. Do đó, các đơn vị đã góp phần giữ vững được ổn định an ninh trật tự ở các khu vực mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn các mục tiêu nội địa trong tỉnh suốt thời kỳ sơ tán.
Cùng với các hoạt động trên, các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sát cánh cùng toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ công tác vận chuyển hàng viện trợ, chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Thực hiện cam kết giữa Trung ương Đảng và Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, từ năm 1966, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trực tiếp chi viện và vận chuyển quá cảnh hàng hoá của các nước xã hội chủ nghĩa qua lãnh thổ Trung Quốc đến cho nhân dân Việt Nam. Hàng hoá chi viện qua các cửa khẩu vào Cao Bằng thời gian này có hàng chục vạn tấn, bao gồm các loại vũ khí, khí tài, đạn dược, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm...
Để tạo điều kiện phối hợp các lực lượng phục vụ các hoạt động chi viện trên phạm vi tỉnh Cao Bằng được thuận lợi, Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy chiến dịch vận chuyển do đồng chí Nông Văn Bạng, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh làm Trưởng ban; các thành viên gồm cán bộ của Tỉnh đội, Ty Công an, Công an nhân dân vũ trang, Ban Ngoại vụ, Hải quan, Thương nghiệp, Lương thực, Vật tư và Ngoại thương. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang, trực tiếp là các trạm biên phòng chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy phép cho người, phương tiện hàng hoá ra vào biên giới; bảo vệ các đoàn xe, các kho bãi cất giữ hàng hoá...
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chủ động phối hợp với các lực lượng, đơn vị, cơ quan, ban, ngành xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ toàn diện từ việc tiếp xúc với bạn, làm thủ tục nhanh gọn ở các cửa khẩu biên giới, đến việc dẫn đường cho các đoàn xe đi đúng tuyến, bố trí lực lượng bốc dỡ, giải phóng xe nhanh, canh gác phòng không, đề phòng máy bay địch đánh phá, giữ bí mật kho hàng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh thường xuyên chỉ đạo: khi tiếp xúc, giao dịch với bạn, các lực lượng phải đảm bảo giữ vững nguyên tắc về chủ quyền quốc gia; đồng thời phải thể hiện được tình cảm đoàn kết, hữu nghị; thái độ phải thân mật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn hoàn thành nhiệm vụ.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #51 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:56:13 am » |
|
Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã điều động một số cán bộ từ các phòng ban của cơ quan bộ và một số trạm biên phòng tăng cường lực lượng cho các đơn vị biên phòng trực tiếp tiếp xúc, làm việc với bạn. Thời gian mới triển khai, công việc vận chuyển hàng viện trợ vào nước ta qua đường Cao Bằng chủ yếu tiến hành qua cửa khẩu Tà Lùng. Ban Chỉ huy tỉnh đã bố trí cán bộ biên phòng kiểm tra công tác bảo vệ của các ngành chủ hàng. Việc vận chuyển hàng viện trợ bắt đầu vào khoảng giữa năm 1966 và tổ chức thành nhiều đợt, có đợt mở thành chiến dịch như “Chiến dịch V70” (từ 1966 - 1967).
Thực hiện kế hoạch hiệp đồng giữa ta và bạn, bộ đội vận tải Trung Quốc thực hiện vận chuyển hàng hoá bằng xe ô tô qua cửa khẩu Tà Lùng vào Cao Bằng, đến giao hàng tại các kho tiếp nhận của ta. Các kho này được ta chuẩn bị sẵn tại nhiều địa điểm ở khu vực thị trấn Phục Hoà, thị trấn Quảng Uyên, thị xã Cao Bằng, Cao Bình, xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình... Để đảm bảo bí mật cho hoạt động vận chuyển, các đoàn xe vận tải của Trung Quốc đều vượt qua biên giới hai nước vào lúc chập tối, đến các kho trả hàng trong đêm và kịp trở về Trung Quốc trước lúc trời sáng. Mọi công việc xuất nhập cảnh cho người, phương tiện, hàng hoá ở cửa khẩu, cán bộ, chiến sỹ biên phòng phải làm hết sức khẩn trương, đúng nguyên tắc và trong thời gian ngắn nhất.
Với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, sự điều hành hiệu quả của Ban Chỉ huy chiến dịch, công tác vận chuyển hàng viện trợ từ giữa năm 1966 đến năm 1967 đã hoàn thành thắng lợi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, hàng hoá, thiết thực chi viện cho miền Nam, góp phần thực hiện khẩu hiệu: “xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”.
Cùng với hoạt động tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em quá cảnh Trung Quốc vào Việt Nam, phía bạn còn cho bộ đội công binh sang giúp ta sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường từ biên giới vào nội địa ta, về miền xuôi. Trên phạm vi Cao Bằng, những năm 1965 - 1967, Trung Quốc đảm nhận việc mở rộng tuyến đường từ cửa khẩu Hùng Quốc, qua Trà Lĩnh, Hoà An, thị xã Cao Bằng, qua đèo Cao Bắc ở phía nam xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, chạy tiếp về Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Mặt khác, trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã cử một số chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của tỉnh Quảng Tây sang giúp Cao Bằng xây dựng 4 trạm thuỷ điện, 3 cơ sở kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số trạm sửa chữa cơ khí quy mô nhỏ.
Nhân lực của Trung Quốc sang ta đông tới hàng vạn người, cùng nhiều xe cộ, máy móc, phương tiện, dụng cụ, hàng hoá... Lực lượng xuất nhập cảnh qua biên giới lúc này rất lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã làm việc suốt ngày đêm. Anh em vừa phải thực hiện đúng nguyên tắc của công tác biên phòng: xem xét, kiểm tra đối với người, phương tiện, hàng hoá, cấp giấy phép cho cán bộ, chuyên gia, nhân viên của bạn theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời phải giải quyết các khâu liên quan đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của bạn, đảm bảo mọi thủ tục ở cửa khẩu với thời gian ngắn nhất, thuận tiện cao nhất cho việc qua lại biên giới đối với người, phương tiện và thông quan hàng hoá.
Với tinh thần trách nhiệm cao, phương pháp làm việc linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, cùng thái độ thân thiện, chân tình, chu đáo của ta đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết láng giềng giữa hai nước và có tác dụng tốt đối với tiến độ vận chuyển chi viện của bạn. Nhiều cán bộ lãnh đạo của bạn đã có những nhận xét đầy thiện cảm đối với cán bộ, chiến sỹ biên phòng Việt Nam.
Cùng thời gian này, do bị thua đau và không thực hiện được ý đồ ngăn chặn sự chi viện, tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam, cuối năm 1966, Mỹ quyết tâm mở rộng phạm vi đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng... Trên vùng trời Cao Bằng, hoạt động của không quân Mỹ từ đầu năm 1967 tăng lên cả về thời gian và số lần xâm phạm. Nhiều chuyến bay trinh sát của địch diễn ra hàng giờ đồng hồ nhằm thăm dò, phát hiện các trận địa phòng không, các khu mỏ đang khai thác, các khu sơ tán, trục đường giao thông... Tháng 10.1967, không quân Mỹ đánh vào thị xã Cao Bằng. Ngày 3.10.1967, máy bay phản lực Mỹ bất ngờ ập đến đánh sập cầu Sông Hiến. Ngày 8.10.1967, chúng đánh sập cầu Bằng Giang.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #52 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:57:05 am » |
|
Lúc này, tình hình biên giới lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mới. Các bọn đặc vụ, bọn phản cách mạng lợi dụng những lúc khó khăn thời chiến tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; lợi dụng các thiếu sót, sơ hở của ta trong xây dựng cuộc sống mới, trong công tác quản lý biên giới để hoạt động. Đảng bộ và quân dân Cao Bằng đã phải tập trung đấu tranh với bọn chúng; đồng thời giải quyết, đấu tranh với nhiều vấn đề nổi lên xung quanh việc người dân Trung Quốc vượt biên trái phép sang xâm canh xâm cư, khai thác tài nguyên, xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới.
Những năm 1966 - 1967, Trung Quốc tiến hành “Đại cách mạng văn hoá”, nội bộ xã hội có nhiều biến động. Các bọn phản động, phản cách mạng và một bộ phận người Trung Quốc theo quy định của Nhà nước và pháp luật Trung Quốc bị đấu tố, xử lý. Nhiều tên phản động, đặc vụ Tưởng, địa chủ... trốn tránh pháp luật vượt biên giới sang lẩn trốn ở một số nơi trong khu vực biên giới Cao Bằng. Nhiều người từ Trung Quốc với các lý do khác nhau cũng tự động di dân sang cư trú tại biên giới giữa hai nước. Bọn phản động cũ và phần tử xấu ngóc đầu dậy chống phá thành quả cách mạng của nhân dân Trung Quốc và thành quả cách mạng Việt Nam. Trên đoạn biên giới hai tỉnh Cao Bằng - Quảng Tây, bọn phản động và phần tử xấu công khai xuyên tạc, nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; kích động người Hoa yêu sách không làm nghĩa vụ quân sự, không đi dân công, đòi Việt Nam cũng tiến hành cách mạng văn hoá như Trung Quốc...
Cùng với việc một số người Hoa đòi hỏi quyền lợi, đưa yêu sách với cán bộ địa phương, bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở khu vực cửa khẩu Tà Lùng cũng bị kích động. Chúng tăng cường liên lạc, hoạt động móc nối với một số linh mục phản động ở Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình... để mở rộng thanh thế. Chúng tích cực dò la, nghe ngóng thu thập tin tức tình báo; lợi dụng rao giảng để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật, phao tin thất thiệt trong giáo dân và đồng bào ở vùng lân cận. Một số tên vận động bà con không đi dân công, không cho con em nhập ngũ vào bộ đội, công khai ca ngợi sức mạnh của Mỹ... gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng. Ở huyện Trùng Khánh, bọn phản động trong tổ chức “Nhất tân dân tộc” từ lâu nằm im, năm 1966 thấy tình hình trên biên giới bất ổn cũng ngóc đầu dậy hoạt động.
Trên vùng biên giới Cao Bằng năm 1966, ta còn phát hiện 12 lần máy bay mang cờ hiệu của Tưởng. Năm 1967, ngoài 17 lần máy bay mang cờ hiệu của Tưởng, còn có cả khinh khí cầu của Tưởng xâm nhập vùng trời biên giới của tỉnh, thả nhiều truyền đơn và hàng tâm lý. Đầu năm 1969, máy bay Mỹ tạm ngừng xâm nhập vùng trời Cao Bằng, nhưng hai máy bay Trung Quốc đã bay sang vùng trời huyện Hạ Lang thả một số dù hàng xuống xã Thị Hoa. Người Trung Quốc đã vượt biên giới trái phép sang lấy hết số hàng hoá.
Trong khi đó, người Trung Quốc vẫn tiếp tục vượt biên trái phép vào cư trú tại nhiều vùng trong tỉnh. Năm 1966, có 4.723 người vượt biên sang cư trú trái phép tại 7 huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng và nhiều xã của huyện Bảo Lạc. Năm 1968, số người vượt biên trái phép sang sống ở Bảo Lạc là 75 hộ, 318 nhân khẩu.
Người Trung Quốc còn sang Cao Bằng tự động chặt phá rừng lấy gỗ dựng nhà, làm củi; đốt rừng làm nương rẫy canh tác, tranh lấn đất đai của ta ở các khu vực sát biên giới. Khi được cán bộ và nhân dân địa phương nhắc nhở, họ tỏ thái độ phản ứng, coi thường pháp luật Việt Nam và phong tục tập quán của địa phương gây nên nhiều vụ việc phức tạp, mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các xã biên giới.
Trước tình hình trên, cán bộ, chiến sỹ các trạm biên phòng vừa duy trì các hoạt động kiểm soát hành chính vừa tăng cường phối hợp cùng dân quân các xã biên giới tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động dọc theo đường biên, nhất là các đường mòn người hay qua lại, kịp thời phát hiện, kiên trì giải thích cho người từ Trung Quốc vượt biên sang hiểu về thông lệ và pháp luật quốc tế; pháp luật Việt Nam, đề nghị bà con tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hầu hết những người sau khi được giải thích đều nhận ra lẽ phải và quay trở lại nước họ.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #53 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:57:41 am » |
|
Những năm 1965 - 1967, biên giới Việt - Trung còn phát sinh những phức tạp mới từ việc bộ đội Trung Quốc sang Cao Bằng (cũng như một số tỉnh biên giới phía Bắc nước ta) giúp xây dựng, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường từ biên giới vào nội địa, vận chuyển hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa giúp Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Đi theo các đơn vị bộ đội Trung có một số đông nhân viên dân sự, “hồng vệ binh”. Họ đem theo vào Cao Bằng nhiều sách báo, tài liệu, tranh ảnh của cách mạng văn hoá Trung Quốc. Cán bộ, bộ đội, nhân viên Trung Quốc tranh thủ mọi cơ hội, mọi nơi, mọi lúc tuyên truyền, quảng bá, phát tán các sách báo, tài liệu, tư tưởng của cách mạng văn hoá và kêu gọi Việt Nam học tập, tiến hành các mạng văn hóa như Trung Quốc.
Ở các điểm đóng quân dã ngoại trên đất Cao Bằng, bộ đội Trung Quốc đã kết hợp dựng những căn nhà bạt lắp ghép, trang hoàng nhiều băng, cờ, khẩu hiệu sặc sỡ thành những điểm gọi là “Việt - Trung hữu nghị đình”. Tại đây, họ cho lắp loa đài, mở nhạc, phát thanh nhiều nội dung bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng dân tộc rất náo nhiệt. Các “đình” này đều do bộ đội Trung Quốc trông coi, phục vụ hết sức niềm nở, chu đáo. Người Việt Nam, nhất là đồng bào các dân tộc ghé vào đây được đón tiếp với thái độ vồn vã, nồng hậu. Bà con được mời uống trà ngon, hút thuốc lá thơm, được thăm hỏi, chuyện trò trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình, nên có cảm tưởng họ gần gũi, thân tình.
Hoạt động của Trung Quốc tác động đến đồng bào dân tộc Hoa và đồng bào dân tộc thiểu số của ta, xuất hiện việc treo quốc kỳ và ảnh lãnh tụ Trung Quốc. Nhiều bà con và một số cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ người dân tộc Hoa nảy sinh tâm trạng hoang mang, lo lắng sẽ bị đấu tố, tù đày, chết chóc...
Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sỹ trong các đội công tác biên phòng, các trạm biên phòng đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và bàn kế hoạch phối hợp với các lực lượng giải quyết. Ta đã gặp gỡ, trao đổi, giải thích cho phía bạn biết cách mạng văn hoá mà bạn đang làm là việc nội bộ của bạn. Nhưng việc tổ chức mít tinh tuyên truyền trên lãnh thổ Việt Nam là trái với thoả thuận đã ký kết giữa hai Đảng, hai Chính phủ, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Với thái độ chân thành của cán bộ, chiến sỹ ta, phía bạn đã nhận ra sai sót.
Trên cơ sở nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là quý trọng và giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị giữ vững nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia, các cấp biên phòng trong tỉnh đã kịp thời chủ động tham mưu đề xuất giúp các cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, thực hiện các biện pháp duy trì an ninh trật tự. Mặt khác, các đội công tác, trạm biên phòng đã cùng địa phương kết hợp phong trào bảo vệ trị an thời chiến với tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta với Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Các đợt sinh hoạt chính trị, phát động quần chúng đã giúp bà con các dân tộc biên giới hiểu rõ tình hình nên yên tâm làm ăn, sản xuất. Bà con tích cực giúp đỡ, phát hiện những kẻ thường tung tin xuyên tạc, xúi giục, kích động, những người vượt biên trái phép, cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Dựa vào sự giúp đỡ của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, cuối năm 1967 đầu năm 1968, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng phối hợp với các đơn vị trên biên giới phía Bắc tạm giữ 125 người vi phạm quy chế biên giới. Số này đều khai nhận là “hồng vệ binh” tự sang Việt Nam để xin đi đánh Mỹ. Trong số người bị tạm giữ trên có một số tên vốn là đặc vụ Tưởng, từng chống phá cách mạng Việt Nam, từng gây tội ác với nhân dân ta, đã bị ta bắt và trao trả cho phía Trung Quốc xử lý từ những năm 1957 - 1959. Riêng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng phát hiện, tạm giữ 5 tên đã từng được tỉnh trao trả trong thời kỳ đó.
Trong bối cảnh khó khăn phức tạp đó, từ ngày 11-15.5.1967, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần IV. Đại hội xác định: nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ, đơn vị trong giai đoạn tiếp theo là tập trung bảo vệ trật tự an ninh biên giới chủ yếu bằng biện pháp chính trị và nghiệp vụ công an, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp nghiệp vụ, vũ trang, trực tiếp bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của tỉnh, các đồng chí lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và khách nước ngoài về thăm và làm việc tại tỉnh; bảo vệ các mục tiêu được phân công. Phối hợp, hiệp đồng cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương phòng, chống gián điệp biệt kích, trấn áp các vụ nổi loạn của bọn phản cách mạng, quyết tâm sẵn sàng bắn hạ máy bay Mỹ.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Hoàng Khiêm, Bí thư; Hà Thế Vũ, Phó bí thư và 3 đồng chí ủy viên thường vụ: Dương Hồng Minh, La Văn Cừu, Đinh Ngọc Tuy. Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ có 8 đồng chí: Hoàng Văn Phù, Bế Văn Xiêu, Lý Trung Khính, Nông Văn Báo, Phạm Văn Lợi, Chung Văn Dương, Lương Ích Tường, Đinh Tiến Quang.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #54 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:59:15 am » |
|
Bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam Bắc nước ta, ngày 1.11.1968, Mỹ buộc phải chấp nhận chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán ở Pari. Ngày 3.11.1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước anh dũng tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Người chỉ rõ “… Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc... Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”.
Đầu năm 1969, Bộ Tư lệnh lực lượng xác định nhiệm vụ của các đơn vị trên toàn miền Bắc phải đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu nội địa, tranh thủ, chủ động chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, hành động phá hoại mới của địch.
Chấp hành Chỉ thị số 156-CT/TW, ngày 21.11.1968, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác giữ gìn an ninh trật tự, ngày 28.1.1969, Khu uỷ khu tự trị Việt Bắc ra Chỉ thị số 142 chỉ đạo các tỉnh thuộc địa bàn khu tăng cường công tác lãnh đạo an ninh trật tự phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà. Khu uỷ xác định phải tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là:
- Đánh bại mọi hoạt động của bọn gián điệp, đặc vụ, phản động và chiến tranh tâm lý... Đấu tranh chống gián điệp biệt kích, cần chú ý các địa bàn biên giới, xung yếu, hẻo lánh. Đấu tranh chống phản động, cần chú ý các địa bàn có bọn phản động cũ, phản động thuộc tầng lớp trên ở miền núi. Phát hiện và kịp thời đề xuất khắc phục các thiếu sót của cán bộ cơ sở trong thực hiện các chính sách, không để bọn xấu lợi dụng xuyên tạc kích động quần chúng.
- Làm tốt công tác bảo vệ, xây dựng Đảng, đảm bảo sự trong sạch của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ kinh tế - văn hoá - tư tưởng, lực lượng vũ trang. Bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
- Giữ vững an ninh trật tự xã hội, cần chú trọng làm tốt ở thành phố, thị xã, các khu vực biên giới.
Trước bước phát triển mới của cách mạng cả nước, trực tiếp là điều kiện miền Bắc tạm thời có hoà bình, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII (từ ngày 31.1 đến 9.2.1969). Đại hội tập trung thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời kỳ 1969 - 1972 của tỉnh: khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển mọi mặt của tỉnh, ra sức chi viện cho miền Nam.
Đặc biệt, trong hoạt động chi viện miền Nam, chấp hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1.1968) về “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định” và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… quyết tâm giải phóng miền Nam”, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã lãnh đạo các lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh sắp xếp, bố trí lại nhân lực để tham gia với các tỉnh trên toàn miền Bắc, chi viện cho miền Nam. Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng sau khi điều chỉnh lại tổ chức, biên chế theo Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị, quân số tuy ít nhưng ngay trong năm 1968 cũng đã bố trí, sắp xếp lại đơn vị, chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ, điều động 5 đồng chí sĩ quan đi tham gia làm nhiệm vụ chi viện.
Ngày 10.5.1969, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V. Đại hội tập trung thảo luận và đề ra phương hướng xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và các mục tiêu nội địa trước tình hình diễn biến mới của cách mạng hai miền đất nước. Đại hội đã bầu ra Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy có 5 đồng chí: Hoàng Khiêm, Bí thư; Hà Thế Vũ, Phó bí thư; 3 đồng chí ủy viên Thường vụ: Lê Văn Thống, Dương Hồng Minh, Đinh Ngọc Tuy và 8 đồng chí ủy viên Ban chấp hành.
Căn cứ vào nhiệm vụ chung của lực lượng và tình hình cụ thể của địa phương, nhiệm vụ của các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Đại hội xác định phải tập trung vào các nội dung cơ bản là:
- Không để các phần tử xấu, các đối tượng phản cách mạng Trung Quốc lén xâm nhập, ẩn náu hoạt động trong khu vực biên giới. Chủ động phòng ngừa, loại trừ khả năng gây bạo loạn và các bọn phản cách mạng hoạt động phá hoại an ninh trật tự ở các địa bàn do các đơn vị phụ trách. Quản lý, bảo vệ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đảm bảo đoàn kết, hữu nghị với nước bạn.
- Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu nội địa, lãnh tụ, cơ quan đầu não và khách cao cấp nước ngoài đến thăm, làm việc.
- Đảm bảo cho khu vực biên giới và góp phần cùng toàn tỉnh giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trong nội bộ nhân dân. Tích cực thực hiện và bảo vệ “ba cuộc cách mạng” ở địa phương. Tiếp tục làm tốt công tác cải tạo tại chỗ, giảm dần số lượng tiến tới xoá bỏ loại đối tượng phải cải tạo tại chỗ.
- Phấn đấu xây dựng 100% chi bộ 4 tốt, đơn vị vững mạnh.
- Chủ động chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu, hàng động liều lĩnh mới của địch.
Trong khi Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đang vui mừng, phấn khởi trước những thắng lợi mới của cách mạng cả nước, cùng quân dân hai miều Nam Bắc ra sức thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng và đã vĩnh biệt chúng ta hồi 9 giờ 47 phút, ngày 2.9.1969. Đây là tổn thất hết sức to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Bác không còn nữa. Các cấp đơn vị trong tỉnh cùng toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng và cả nước để tang Bác 7 ngày. Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang trong tỉnh sát cánh bên nhau “quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, xin hứa với Đảng, với Bác, sẽ đem hết sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”1.
Sau ngày Bác đi xa, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kế hoạch của Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng về mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ cuối tháng 9 đầu tháng 10.1969, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, biến đau thương thành sức mạnh hành động để ghi nhớ công ơn trời biển và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. _______________________________________ 1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr.335.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2023, 09:15:14 am » |
|
III. ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA VÀ TÌNH ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
Từ năm 1969, sau khi đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, hạn chế rồi đi đến chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc, trên tuyến biên giới Cao Bằng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp mới.
Khu vực biên giới Cao Bằng với 7 huyện giáp biên có chung đặc điểm của tuyến biên giới Việt - Trung: hầu hết là rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố thưa thớt. Đời sống nhân dân thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt nhiều khu vực biên giới Cao Bằng là rừng già có nhiều hang động, hẻo lánh; nhất là ở hai huyện Thông Nông và Bảo Lạc. Mặc dù đã qua nhiều năm được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng đến năm 1969, hai huyện Thông Nông và Bảo Lạc (lúc đó Bảo Lạc gồm cả huyện Bảo Lâm) vẫn chưa có đường ô tô đến các xã biên phòng.
Phong trào bảo vệ trị an biên giới trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968) ở Cao Bằng đã góp phần phục vụ các cuộc vận động xây dựng, củng cố hợp tác xã, vận động định canh định cư, kết hợp với xây dựng hợp tác hoá vùng cao, phục vụ chính sách nghĩa vụ quân sự, chính sách đoàn kết dân tộc, góp phần đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước.
Mặc dù nhiều năm bị thiên tai, hạn hán, mất mùa, nhiều nơi trên biên giới thiếu đói trầm trọng, đời sống người dân rất khó khăn, nhưng các cấp uỷ đảng đã lãnh đạo nhân dân khắc phục mọi hậu quả thiên tai, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, đẩy mạnh phong trào xây dựng hợp tác xã, từng bước đẩy lùi khó khăn. Kết quả, đến cuối năm 1969, trong khu vực biên giới của tỉnh đã có 10.108 hộ nông dân lao động vào hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 89% số hộ). Xây dựng được 286 hợp tác xã lớn nhỏ. Trong đó có 225 hợp tác xã nhỏ, 57 hợp tác xã quy mô thôn, 4 xã Phong Nặm, Lăng Yên (huyện Trùng Khánh), Trường Hà (huyện Hà Quảng) và Việt Chu (huyện Quảng Hoà)1 xây dựng được hợp tác xã quy mô toàn xã. Năng suất thu hoạch ngày càng tăng. Hầu hết các xã đã có trạm xá, y sĩ, y tá khám chữa bệnh cho nhân dân. Các xã đều đã có trường phổ thông cấp I, cấp II. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong toàn tỉnh, nhân dân các dân tộc biên giới được cải thiện, nâng cao. Việc chấp hành các chủ trương, chính sách ngày càng được thực hiện tốt. Các xã biên giới, tiêu biểu là Ngọc Khê (Trùng Khánh), Trường Hà (Hà Quảng), Quang Long (Hạ Lang), Đức Long (Thạch An) là những điển hình của tỉnh trong việc thực hiện chính sách nghĩa vụ quân sự. Riêng khu vực biên giới đã có 2.201 thanh niên con em đồng bào các dân tộc ở đã tham gia các lực lượng vũ trang, đi chiến đấu ở khắp các chiến trường và lập được nhiều chiến công.
Tuy nhiên, do đồng bào các dân tộc hai bên biên giới thường qua lại giao tiếp, giải quyết các nhu cầu đời sống hàng ngày thành nếp sinh hoạt quen thuộc nhiều năm đã tạo thuận lợi cho các loại đối tượng xấu lợi dụng xâm nhập hoạt động chống phá. Khu vực biên giới của tỉnh có vị trí xung yếu nên cũng từ lâu các bọn phản động cách mạng và tội phạm rất chú trọng khai thác xâm nhập, ẩn náu hoạt động.
Năm 1970, khu vực biên giới ở Cao Bằng đã xuất hiện các vụ thả tờ rơi, truyền đơn với nhiều nội dung khác nhau. Trong đó có nhiều tờ rơi về “Đại cách mạng văn hoá”; đả kích, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc; chia rẽ đoàn kết Việt - Trung. Đến năm 1971, việc thả tờ rơi và ảnh hưởng, tác động của “Đại cách mạng văn hoá” vào khu vực biên giới Cao Bằng giảm dần. Trong khi đó, các hoạt động vượt biên vào cư trú trái phép trong lãnh thổ nước ta, lấn chiếm, tranh chấp đất đai vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng tăng lên. _______________________________________ 1. Xã Việt Chu nay thuộc huyện Hạ Lang.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #56 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2023, 09:17:34 am » |
|
Năm 1971, phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã qua bốn năm liền được Bộ Công an tặng bằng khen. Với khí thế thi đua đó, Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng quyết tâm lãnh đạo xây dựng đơn vị phấn đấu thực hiện Nghị quyết lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 26 của ngành, Nghị quyết công tác an ninh của Tỉnh uỷ Cao Bằng, tiến lên toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.
Đối với nội bộ, Đảng bộ không ngừng giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong đơn vị, lãnh đạo mọi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên nêu cao ý chí phấn đấu, tinh thần cách mạng tiến công, không ngại hy sinh, gian khổ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trên cơ sở chuyển biến về nhận thức và thông qua các hoạt động thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chiến đấu và xây dựng đơn vị, các chi bộ từng bước phát huy được các mặt mạnh, khắc phục mặt yếu trong lãnh đạo đơn vị.
Cấp uỷ, chỉ huy các cấp đơn vị luôn coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng lòng tự hào về miền đất được coi là quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có truyền thống cách mạng ngay từ ngày đầu có Đảng; khơi sâu, ghi nhớ và ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Cao Bằng: “Bác mong Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc”.
Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang quyết định chọn, chỉ đạo Đồn1 Biên phòng 171 (Trà Lĩnh), xây dựng đơn vị quyết thắng điển hình để “nhân điển hình”. Nhờ biện pháp này, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã thu được kết quả tốt trong động viên phong trào của toàn đơn vị đi lên từng bước có chất lượng; đẩy lùi từng bước những tư tưởng bảo thủ, ngại khó, tiêu cực; làm chuyển biến rõ rệt phong trào ở nhũng nơi yếu, kém. “Tiêu biểu cho phong trào thi đua đó các đồng chí Sùng A Tủa (dân tộc Mông), 12 năm liên tục công tác ở địa bàn khó khăn, gian khổ nhất của tỉnh, đã kiên trì hoạt động ở vùng cao, góp phần xây dựng bản Mèo xã Đức Hạnh từ chỗ kém về mọi mặt, trở thành bản có phong trào thi đua dẫn đầu toàn xã và huyện. Đồng chí Lãnh Trọng Dương, cán bộ cơ sở đã nắm chắc và vận dụng tốt nghiệp vụ công an, cùng đồng đội truy bắt được một số tên phản cách mạng. Trong đó có tên rất nguy hiểm, lén lút hoạt động phá hoại ở khu vực biên giới; góp phần đảm bảo trật tự an ninh khu vực biên phòng. Các chiến sỹ mới như Lương Văn Vượng, Đoàn Văn Hần, Ma Công Tính, Hứa Văn Hoà, Ngô Văn Hiến, Hoàng Văn Ngọc, Hoàng Văn Nần (dân tộc Dao đỏ), đã làm được nhiều việc tốt, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của đơn vị. Chiến sỹ Lương Văn Vượng, năm đầu mới vào lực lượng đã phấn đấu tốt được bầu là chiến sỹ giỏi, năm 1971 được bầu là chiến sỹ thi đua và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam”2. Tổng kết phong trào thi đua năm 1971 của toàn lực lượng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng là một trong tám đơn vị được Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”3. Đồn Biên phòng 173 là một trong số 45 đơn vị quyết thắng, thiếu úy Sùng A Tủa, Đồn phó và Thượng sĩ Lãnh Trọng Dương là hai trong số 48 chiến sỹ quyết thắng của toàn lực lượng. Trong tỉnh còn có 11 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, 8 đơn vị và đơn vị công tác được cấp bằng khen, 16 chiến sỹ thi đua, 30 chiến sỹ giỏi, 64 đồng chí được tỉnh và cấp trên tặng bằng khen, giấy khen. ______________________________________ 1. Từ cuối năm 1970, hệ thống tổ chức cấp trạm biên phòng được gọi là đồn biên phòng. 2. Báo Công an vũ trang. Số 26 ra kỳ 3 tháng 5.1972. 3. 7 đơn vị khác là Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Hà, Sơn La và trung đoàn bảo vệ Thủ đô (e254). Theo số liệu phòng chính sách, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #57 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2023, 09:19:49 am » |
|
Năm 1972, các đồn biên phòng phối hợp với dân quân và công an xã biên giới tổ chức 211 cuộc tuần tra với tổng chiểu dài 4.564km dọc theo biên giới, ngăn chặn được 975 người vượt biên sang đất ta khai thác gỗ, thu hồi gần 300m3 gỗ, ván và 4.445 người dân Trung Quốc vào nước ta. Đồng thời, số người Trung Quốc vượt biên vào cư trú trái phép tại nhiều nơi tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp. Qua điều tra, phát hiện trong năm đã có 9.467 người Trung Quốc vượt biên đã cư trú trái phép ở tất cả các huyện biên giới của tỉnh; trong đó, có những đối tượng bị ta bắt trao trả nhiều lần vẫn tiếp tục nhập cư trái phép, đi lại, quan hệ móc nối với nhiều người và được một số người địa phương kể cả cán bộ xã che chở. Cá biệt có tên được giúp làm lý lịch, thay đổi họ tên, chui vào cơ quan, xí nghiệp của ta để làm việc và hoạt động. Riêng năm 1972, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã phát hiện được 161 phần tử xấu lọt vào hàng ngũ Đảng, các tổ chức chính quyền địa phương và đã xử lý 96 đối tượng. Các đơn vị cũng phát hiện được 62 quần chúng tích cực, đưa vào tham gia các tổ chức cơ sở ở địa phương. Qua thực tế hoạt động, cả 62 người này đều đảm bảo đúng chính sách, không có sai phạm, góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức cơ sở đều tốt, thúc đẩy được các phong trào của địa phương.
Trong 4 năm (1968 - 1972), các đơn vị, đồn, trạm biên phòng Cao Bằng phát hiện được 1.057 lượt người Trung Quốc nhập cư trái phép vào trong biên giới nước ta, đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trao trả cho phía Trung Quốc 278 người, vận động 143 người tự quay lại nước họ. Trong số đó, đáng chú ý có Lương Học Chỉnh, Đại tá, Phó tư lệnh Quân khu Quảng Tây, Trung Quốc sang huyện Bảo Lạc và đi lại một số nơi, tìm gặp một số người, gửi thư cho một số cán bộ Việt Nam từng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc đã nghỉ hưu, hoặc đang giữ các chức vụ quan trọng, nhờ giúp đỡ để hoạt động bất hợp pháp. Cũng trong năm 1972, các đơn vị đã thu thập đủ chứng cứ để bắt, khai thác 12 đối tượng vẫn lén lút hoạt động; trao trả tiếp 3 tên (2 tên ở địa bàn Đồn Biên phòng Pò Peo, 1 tên ở địa bàn Đồn Biên phòng Nặm Nhũng). Đối với các bọn phản động khác, đã lập 59 hồ sơ; bắt tập trung cải tạo 11 tên, cải tạo tại chỗ 8 tên, giáo dục răn đe 261 tên; phối hợp cùng đơn vị PK48 của Ty Công an Cao Bằng rà soát, nắm chắc di biến động của các đối tượng phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở Hưng Long, Quy Thuận, phục vụ thực hiện kế hoạch K265 (vận chuyển hàng viện trợ vào trong biên giới ta).
Cùng với tình hình người Trung Quốc nhập cư trái phép vào trong biên giới ta ngày càng tăng, tình hình trật tự trị an xã hội khu vực biên phòng diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm hình sự như trộm cắp, cướp của, giết người, buôn lậu, tham ô tài sản của tập thể và Nhà nước xảy ra ở nhiều địa phương.
Trước tình hình đó, để có tổ chức, lực lượng chuyên trách công tác đấu tranh chong tội phạm hình sự, ngày 23.1.1972, Bộ Tư lệnh đã ra Quyết định số 53/QL cho phép Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn thành lập lại Ban Trinh sát. Theo quy định mới của Bộ Tư lệnh về phần nghiệp vụ, các Ban Trinh sát của tỉnh chịu sự chỉ đạo của Cục Tham mưu. Về cơ cấu, Ban Trinh sát tỉnh có trưởng, phó ban, trợ lý, trinh sát cơ động. Ở các đồn biên phòng Cao Bằng, nhiệm vụ trinh sát hình sự do cán bộ trinh sát của đồn kiêm nhiệm.
Đầu năm 1972, Bộ Công an chỉ thị cho: “Công an nhân dân vũ trang phải tham gia đấu tranh chống tội phạm hình sự ở phạm vi biên phòng và tham gia duy trì trật tự trị an ở các khu vực có mục tiêu bảo vệ trong nội địa”1.
Ngày 26.4.1972, Bộ Tư lệnh ban hành quy định tạm thời về “Công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự bảo vệ trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên phòng”. Trong đó nêu rõ: “Cùng với việc đấu tranh trấn áp các đối tượng phản cách mạng, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang phải tham gia đấu tranh chống bọn tội phạm hình sự, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng, bảo vệ tình hình sinh hoạt, đời sống của nhân dân, tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã”.
Trong năm 1972, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tập trung tổ chức cho các cấp đơn vị trong tỉnh triển khai công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự. Các đơn vị trong tỉnh điển hình là các Đồn Biên phòng Lý Vạn, Pò Peo, Trà Lĩnh... đã phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng ở địa phương phát hiện kịp thời, ngăn chặn tích cực, đấu tranh hiệu quả với 230 vụ việc xảy ra trong khu vực biên giới (bao gồm các vụ cờ bạc, buôn lậu, dùng chất nổ đánh cá, trộm cắp, giết người, tự tử...), tăng 103 vụ so với năm 1971. Đáng chú ý, trong đó đã xử lý các vụ trộm cắp 74 con trâu bò đưa qua biên giới, xác lập đấu tranh 2 chuyên án hình sự. Kết quả của lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự trong khu vực biên phòng của tỉnh đã góp phần phục vụ, thúc đẩy các phong trào ở địa phương, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sản xuất, đời sống của nhân dân và phục vụ sẵn sàng chiến đấu.
Do những thất bại trên cả hai miền Nam Bắc, nhất là thất bại nặng nề trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, ngày 27.1.1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phải cam kết rút quân về nước và chấm dứt mọi dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam. ______________________________________ 1. Công văn số 18/TS, ngày 18.2.1972 của Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2023, 09:21:06 am » |
|
Đầu năm 1973, Bộ Tư lệnh chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường các biện pháp biên phòng, nâng cao khả năng chiến đấu nhằm kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong mọi tình huống, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu nội địa, các đồng chí lãnh tụ, cán bộ lãnh đạo, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ở Trung ương và địa phương.
Trước giai đoạn phát triển mới của các mạng, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn đơn vị để chấp hành Chỉ thị số 200/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chỉ đạo của Bộ Công an và Chỉ thị 06/CT-BTL của Bộ Tư lệnh về lãnh đạo đơn vị chuyển sang giai đoạn mới, tập trung vào ba nhiệm vụ chính là:
- Về chính trị, nhận thức rõ thắng lợi và nguyên nhân thắng lợi, truyền thống chiến đấu kiên cường bất khuất của nhân dân ta, đề phòng tư tưởng “hoà bình nghỉ ngơi”. Nâng cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi âm mưu của địch trên mặt trận an ninh và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
- Về quản lý, bảo vệ biên giới, phải nắm chắc tình hình diễn biến của từng loại đối tượng trên tuyến biên giới, tranh thủ thắng lợi của cách mạng để cải tạo, giáo dục, chuyển hoá họ và vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ trị an.
- Nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, đảm bảo công tác. Phấn đấu xây dựng, củng cố cơ sở vật chất các đồn, trạm biên phòng, nhất là ở cửa khẩu theo hướng đầy đủ, đàng hoàng, thể hiện được tư thế của nước Việt Nam chiến thắng; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế tác phong chững chạc, giỏi về quân sự, tinh thông về nghiệp vụ.
Từ đầu năm 1973, phía Trung Quốc gây ra nhiều vụ rắc rối căng thẳng trong quan hệ biên giới để gây sức ép với ta. Công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới từ thời gian này trở nên gay go, phức tạp và ngày càng quyết liệt.
Tại các vùng có đồng bào dân tộc Hoa sinh sống trong khu vực biên giới, tình hình xã hội diễn biến theo hướng xấu. Các luận điệu tuyên truyền “Việt Nam theo chủ nghĩa xét lại”, “Việt Nam ký Hiệp định Pari là thoả hiệp với đế quốc Mỹ” lan truyền rộng rãi. Nhiều loại văn hoá phẩm không phù hợp với pháp luật Việt Nam lưu hành trái phép trong biên giới của ta ngày càng nhiều. Trong một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện việc lén lút lưu hành, đổi chác các loại tiền Quan kim (tiền của Tưởng), tiền Đông Dương (lưu hành dưới thời Pháp chiếm đóng). Một số tên đặc vụ Tưởng trước đây xâm nhập qua biên giới, cư trú trái phép, hoạt động chống phá cách mạng nước ta, từng bị ta bắt và trao trả cho Trung Quốc lại xuất hiện trong khu vực biên giới. Chúng dùng vật chất, tiền hàng, quan hệ dòng họ, thân tộc... mua chuộc, dụ dỗ, khống chế một số bà con dân tộc thiểu số để tiếp tay che giấu chúng ẩn náu hoạt động. Số người từ Trung Quốc vượt biên, sang cư trú trái phép trong biên giới ta thời gian này có nhiều lý do như “xin lánh nạn”, “xin cư trú để làm ăn” ngày càng nhiều. Sau đó, nhiều người xin chuyển nơi cư trú vào sâu trong nội địa như đến Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Đặc biệt, cùng với số người vượt biên trái phép, các hoạt động tranh chấp đất đai, lấn chiếm lãnh thổ ta ngày càng trắng trợn. Tính chất lấn chiếm ngày càng căng thẳng, quy mô ngày càng lớn. Một số nơi giữa người dân địa phương với người từ Trung Quốc vượt biên sang đã xảy ra các vụ xô xát, đụng độ. Năm 1973, các điểm Trung Quốc xâm chiếm tăng lên. Nếu từ trước cho đến năm 1972 có 19 điểm người Trung Quốc xâm lấn và tranh chấp đất đai trong khu vực biên giới Cao Bằng, thì năm 1973, con số này tăng lên tới 30 điểm, với tổng diện tích của ta bị lấn 952.500m2.
Trước tình hình đó, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng các tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc tiến hành hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, thống nhất phát động phong trào “toàn dân làm tốt công tác quản lý biên giới”. Chủ trương của hội nghị đã có tác dụng tích cực trong việc phát huy sức mạnh của toàn dân, trước hết là nhân dân các dân tộc trong khu vực biên giới trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lấn chiếm biên giới của nước tiếp giáp.
Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng còn phối hợp với Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới phía Bắc tổ chức các hội nghị chuyên đề về khảo sát biên giới, công tác tham mưu, trinh sát, vận động quần chúng, hậu cần, nhằm thống nhất phương hướng, biện pháp đấu tranh giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng đường lối của Đảng: bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc và giữ vững quan hệ đoàn kết hữu nghị với nước láng giềng.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2023, 09:24:58 am » |
|
Nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu nội địa từ sau khi có Hiệp định Pari đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi vừa phải chuyên sâu, vừa phải chuyển hướng sâu vào các biện pháp nghiệp vụ. Căn cứ vào thực tế đó, ngày 22.2.1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/CP chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng bảo vệ nội địa từ Công an nhân dân vũ trang sang Cảnh sát nhân dân. Thực hiện Nghị định, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng các tỉnh, thành phố củng cố lại tổ chức, chuyển các bộ phận, đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa sang lực lượng cảnh sát nhân dân.
Ngày 30.4 và 1.5.1974, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bàn giao lực lượng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất của 5 đơn vị bảo vệ nội địa sang lực lượng Cảnh sát nhân dân - Ty Công an Cao Bằng. Đó là các đơn vị: Đội bảo vệ Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng. Đội bảo vệ Đài phát thanh của tỉnh. Đội bảo vệ cơ quan kinh lý, ngân hàng, kho bạc. Đội bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Tà Sa ở xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình. Đội canh gác trại giam của tỉnh. Do được làm tốt công tác chuẩn bị, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị được chuyển giao đều xác định tốt tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức phát huy truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân vũ trang, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong cơ cấu tổ chức mới.
Từ cuối năm 1973 đến năm 1974, các hoạt động tranh chấp, lấn chiếm của phía Trung Quốc trên biên giới phía Bắc ngày càng diễn ra gay gắt, quyết liệt. Ngày 4.3.1974, Chính phủ yêu cầu các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào tiến hành điều tra, khảo sát biên giới và giao cho ngành công an nòng cốt thực hiện1. Ngày 9.3.1974, Bộ Công an có Công văn số 14/BF1-TM chỉ đạo các sở, ty công an, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung và Việt - Lào (từ Vĩnh Linh trở ra) thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 14.3.1974, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Cục tham mưu xây dựng Kế hoạch số 20/BF1 hướng dẫn Công an nhân dân vũ trang các tỉnh tiến hành công tác điều tra, lập hồ sơ những đoạn biên giới chưa rõ ràng, tranh chấp trên biên giới.
Tại Cao Bằng, Công an nhân dân vũ trang thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ trong điều kiện hoạt động lấn chiếm của phía Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta diễn ra với cường độ ngày càng cao, phạm vi ngày càng rộng và tính chất ngày càng gắt gao, quyết liệt. Các vụ tranh chấp vào trong biên giới nước ta nổ ra ngay từ đầu năm và đến đầu tháng 6.1974, đã bùng phát trên đoạn biên giới nằm giữa mốc 114 - 115 trên một khu vực đất đai rộng trên 200 hécta ruộng ở vùng đồi Phai Luông, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng.
Thực trạng đoạn biên giới Việt - Trung trên đây được lịch sử ghi nhận và minh định qua hàng thế kỷ. Từ sau các Hiệp ước biên giới Pháp - Thanh (1888, 1895), dọc theo đoạn biên giới từ mốc 114 đến mốc 117 đã được chính quyền đô hộ Pháp cho làm một đường hào rộng khoảng 1,2m, sâu 1m. Vùng đất Phai Luông từ lâu thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 5.6.1974, lính biên phòng Trung Quốc mang theo vũ khí hỗ trợ cho người dân của họ vượt qua biên giới sang yêu sách, đòi đất ở vùng đồi Phải Luông, ngăn cản dân ta sản xuất.
Ngày 22.6.1974, phía Trung Quốc cho một lực lượng 30 người mặc thường phục vượt biên giới xâm nhập khu vực Phai Luông, tiếp tục đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và cướp giật nông cụ, giống cây trồng, ngăn cản không cho dân ta sản xuất. Người dân Sóc Hà bình tĩnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời hết sức kiềm chế để bảo vệ, giữ vững tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; kiên trì giải thích cho người của phía Trung Quốc hiểu rõ chủ quyền hợp pháp, lâu đời của Việt Nam đối với vùng đất Phai Luông. Trước thái độ đấu tranh kiên quyết của nhân dân, họ rút về nước.
Ngày 5.7.1974, phía Trung Quốc tiếp tục cho khoảng 30 người xâm nhập vùng đồi Phai Luông phá, nhổ cây cối, hoa màu, mương nước. Bị dân ta ngăn cản, họ dùng dao chém, làm bị thương một người dân Sóc Hà. Đồn Biên phòng Sóc Giang2 cử đội công tác đến để xem xét, giải quyết. Nhưng cán bộ, chiến sỹ ta chưa kịp can ngăn đã bị đám người lấn chiếm ném đá, đe doạ, tiếp tục gây không khí căng thẳng. Đến gần trưa, số người Trung Quốc mới chịu rút về bên kia biên giới.
Tình hình trên kéo dài, Đồn Biên phòng Sóc Giang đã nhiều lần liên hệ với Trạm Biên phòng Bình Mãng (Trung Quốc) phản kháng những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở Phai Luông. Phía Trung Quốc thừa nhận sai sót trong việc để dân Bình Mãng gây căng thẳng, mất đoàn kết trên biên giới. _______________________________________ 1. Công văn số 34/VP14 và số 35/VP14 2. Nay là Đồn Biên phòng Sóc Hà.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
|