chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:10:52 pm » |
|
Ngày 28.4.1965, trên cơ sở đề xuất của Thường trực Quân ủy Trung ương và Đảng đoàn Bộ Công an, Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 116-NQ/TW “về việc phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang trong việc bảo vệ trị an ở miền Bắc và điều chỉnh tổ chức lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Nghị quyết 116 quy định: “Lực lượng Công an nhân dân vũ trang là một thành phần trong lực lượng Công an nhân dân, có nhiệm vụ:
- Bảo vệ trị an biên giới, giới tuyến, bờ biển chủ yếu bằng biện pháp chính trị và nghiệp vụ công an.
- Vũ trang trực tiếp bảo vệ các lãnh tụ, cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các vị khách nước ngoài của Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật trọng yếu.
- Vũ trang canh giữ các trại giam.
“1 - Ở biên giới, giới tuyến, bờ biển: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang có nhiệm vụ:
a) Phát hiện, ngăn ngừa, trấn áp kịp thời các bọn gián điệp biệt kích, thổ phỉ, các bọn phản cách mạng và các bọn phá hoại khác ra vào biên giới và hoạt động phá hoại khu vực biên giới, bảo vệ trật tự trị an biên giới, vùng ven biển (cả trên bờ và trên mặt nước), giới tuyến bằng các biện pháp chính trị, nghiệp vụ công an là chủ yếu.
b) Thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy chế bảo vệ biên giới Nhà nước quy định, quản lý các dấu hiệu của đường biên giới quốc gia, quy chế khu phi quân sự ở giới tuyến tạm thời, thực hiện các hiệp nghị, hiệp ước biên giới giữa nước ta ký kết với các nước bạn.
c) Kiểm soát việc qua lại biên giới, giới tuyến và việc ra vào bờ biển từ trong nước ra và từ nước ngoài vào. Phát hiện, ngăn ngừa, bắt giữ những kẻ vi phạm quy chế biên phòng và vượt biên giới quốc gia trái phép.
d) Với chức năng của mình, tham gia phối hợp với Quân đội nhân dân chống địch biệt kích, tập kích, gây nổi loạn và vũ trang khiêu khích xâm phạm biên giới Tổ quốc.
2 - Ở nội địa: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang có nhiệm vụ:
a) Vũ trang trực tiếp bảo vệ các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước ở trung ương, khu, thành, tỉnh, các vị khách nước ngoài của Đảng và Chính phủ, các cơ quap ngoại giao và bảo vệ các lãnh tụ, các vị khách nước ngoài đi đến các địa phương (theo quy định của Chính phủ).
b) Vũ trang bảo vệ các khu công nghiệp, các xí nghiệp, các trung tâm thông tin, phát thanh, các kho tàng, các cơ sở văn hoá, khoa học kỹ thuật trọng yếu, các cầu quan trọng (theo quy định của Chính phủ) các sân bay dân dụng (đối với các sân bay có tính chất nửa quân sự, nửa dân dụng thì việc bảo vệ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định).
c) Vũ trang bảo vệ các cuộc mít tinh lớn, các hội nghị quan trọng, các phiên toà ở Trung ương, khu, thành, tỉnh (theo quy định của Bộ Công an).
d) Vũ trang canh gác các trại giam và áp giải các phạm nhân chính trị và hình sự (theo quy định chung của Bộ Công an)”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ: lực lượng Công an nhân dân vũ trang muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, “phải dựa vào nhân dân, tuyên truyền giáo dục nhân dân về tinh thần cảnh giác cách mạng, về đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, về ý thức tôn trọng pháp luật của Nhà nước, động viên và tổ chức nhân dân tích cực tham gia giữ gìn trật tự an ninh chung, bảo vệ biên giới quốc gia”.
Từ ngày 29.5.1965 đến ngày 2.6.1965, đại diện của các Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu, thành, tỉnh, các phòng và thủ trưởng các cơ quan Bộ Tư lệnh tiến hành hội nghị toàn lực lượng, quán triệt Nghị quyết 116. Hội nghị đã thống nhất nâng cao nhận thức về nội dung của Nghị quyết và đề xuất những vấn đề nghiên cứu bổ sung các mặt công tác lãnh đạo tư tưởng và dự án tổ chức lực lượng được sát hợp hơn.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #41 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:11:52 pm » |
|
Ngày 23.9.1965, Bộ Công an ra Chỉ thị số 28/CT tiến hành điều chỉnh lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Theo đó, "... các cấp phải nắm vững Nghị quyết Hội nghị xây dựng lực lượng toàn ngành lần thứ III, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, thống nhất chỉ đạo tăng cường đoàn kết nâng cao sức chiến đấu trong ngành và đảm bảo nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân vũ trang”. Cụ thể, phải tập trung thực hiện ba yêu cầu sau:
- Tiến hành phổ biến giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ quán triệt sâu sắc Nghị quyết 116, nhận thức đúng việc phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang.
- Lãnh đạo tổ chức chặt chẽ, công tác chuẩn bị phải chu đáo, phải làm nhanh gọn; nghiên cứu kỹ và toàn diện, điều động cán bộ, quân số cần thận trọng, tránh xáo trộn tổ chức. Giải quyết tốt tư tưởng, đảm bảo chế độ chính sách cho từng cán bộ, chiến sỹ.
- Đảm bảo bí mật, tránh sơ hở để địch có thể lợi dụng.
Quá trình thực hiện phải nắm vững chỉ đạo, công tác bảo vệ trị an biên giới và nội địa, tránh sơ hở mất cảnh giác trong lúc giao thời.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh, Khu uỷ Việt Bắc, Khu uỷ Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc và Tỉnh uỷ Cao Bằng, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng tập trung nghiên cứu, đề xuất đề án điều chỉnh lực lượng các đơn vị, đồn, trạm theo hướng gọn nhẹ phù hợp với nhiệm vụ mới và đặc điểm từng địa bàn trong tỉnh.
Để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng khi thực hiện điều chỉnh, sắp xếp, biên chế lại tổ chức, lực lượng và nhiệm vụ theo Nghị quyết 116, ngày 24.7.1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Nghị quyết số 200/NQ-TU thành lập Đảng uỷ thống nhất của hai lực lượng Công an nhân dân và Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thành Đảng bộ Công an Cao Bằng.
Theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Bảo, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ty Công an Cao Bằng phụ trách Bí thư Đảng uỷ Công an Cao Bằng. Hai đồng chí lãnh đạo Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng là Hà Thế Vũ, Chỉ huy trưởng và Hoàng Khiêm, Chính uỷ được đề bạt làm Phó trưởng ty Công an Cao Bằng (cùng Phó trưởng ty Nguyễn Chí) và là Đảng uỷ viên của Đảng uỷ Công an Cao Bằng.
Ngày 12.8.1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra nghị quyết giải thể Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; tạm thời chỉ định 9 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng ủy mới, gồm 3 đồng chí Thường vụ: Nguyễn Bảo - Bí thư, Hà Thế Vũ - Phó Bí thư, Hoàng Khiêm - ủy viên Thường vụ và 6 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành: Lục Văn Đới, Hoàng Văn Cẩm, Nguyễn Chí, Lương Thế Minh, Nông Văn Thăng, Nông Văn Cẩn.
Cuối năm 1965, đồng chí Hoàng Khiêm được Bộ Tư lệnh điều động về Hà Nội học thêm về công tác chính trị. Đồng chí Nguyễn Bảo, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ty Công an Cao Bằng được trên giao nhiệm vụ kiêm Chính uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.
Thời kỳ này, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 138 đoàn viên, trong đó có 31 đảng viên cùng tham gia sinh hoạt Đoàn. Năm 1966, có 18 chi bộ của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Tỉnh uỷ công nhận là “chi bộ 4 tốt”, 116 đảng viên trong tổng số 206 đảng viên đạt danh hiệu “đảng viên 4 tốt”.
Cùng với toàn lực lượng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã hiệp đồng với Ty Công an và Tỉnh đội Cao Bằng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị. Phương châm thực hiện được Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện đúng yêu cầu: “Nghiêm chỉnh, khẩn trương chấp hành Nghị quyết, nhưng không để sơ hở biên giới, bảo vệ mục tiêu nội địa; tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết chuyển lực lượng đi sâu vào biện pháp nghiệp vụ công an”.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #42 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:12:33 pm » |
|
Theo Nghị quyết 116 và thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ quân số các đơn vị, đồn, trạm, điều chỉnh lại lực lượng, đề xuất chuyển một phần quân số sang Quân đội, phù hợp với nhiệm vụ, tổ chức mới.
Cơ quan Ban Chỉ huy tỉnh được tổ chức lại. Bốn ban của cơ quan được sắp xếp lại còn ba ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Ban Trinh sát giải thể, rút gọn và trở thành một bộ phận trong Ban Tham mưu. Tất cả các đồn trên biên giới đều thống nhất đổi thành các trạm biên phòng.
Ngày 28.10.1965, thực hiện Nghị quyết 116-NQ/TW, ngày 28.4.1965, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24/NQ-TU, ngày 26.10.1965, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh và Tỉnh đội Cao Bằng tổ chức hội nghị tại huyện Bảo Lạc bàn giao Đại đội 6 Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng sang Tỉnh đội Cao Bằng.
Ở miền Bắc, Mỹ đẩy cuộc chiến tranh phá hoại lên một quy mô mới. Cùng với các hoạt động dồn dập đánh phá ác liệt gấp bội nhiều địa phương miền Bắc, từ năm 1965, số lần máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Cao Bằng cũng ngày càng tăng cao. Chúng tập trung hoạt động trinh sát trên vùng trời các huyện biên giới từ Quảng Hoà, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Bảo Lạc đến các huyện nội địa Hoà An, Nguyên Bình, quốc lộ 3 và các trục đường từ các cửa khẩu biên giới chạy vào nội địa nhằm phát hiện các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông vận tải, kho tàng, địa điểm sơ tán... Mục đích của các hoạt động trinh sát đường không của địch là phục vụ kế hoạch đánh phá và kích động bọn phản động mặt đất gây tâm lý chiến tranh, làm nản ý chí quyết tâm chống Mỹ cứu nước, chi viện của nhân dân ta.
Trước tình hình đó, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng luôn “tăng cường công tác phòng thủ trị an”, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt các toán gián điệp biệt kích. Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của trên, duy trì hoạt động của các đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và các mục tiêu nội địa.
Từ tháng 12.1965, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng triển khai thực hiện nội dung đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an thời chiến theo Chỉ thị số 32/CT, ngày 27.11.1965, của Cục Tham mưu. Hoạt động của phong trào vẫn dựa vào 7 nội dung bảo vệ trị an của giai đoạn trước, nhưng được vận dụng thích ứng với thời chiến, với nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Cục Tham mưu chỉ đạo giai đoạn này phải thanh toán hết xã trắng, xã kém trên biên giới và quanh mục tiêu bảo vệ, đưa phong trào những thôn, bản kém lên trung bình và khá. Phương pháp thực hiện là mỗi tỉnh chọn một xã, một mục tiêu bảo vệ, những nơi có vấn đề phức tạp, phong trào kém hoặc trung bình để làm thí điểm. Qua đó, sơ tổng kết rút kinh nghiệm và mở rộng diện thúc đẩy phong trào phát triển. Kết quả, năm 1965, phong trào bảo vệ trị an trong khu vực biên giới của tỉnh đạt được kết quả khá tốt. Trong 36 xã biên giới đã có 3 xã được Ủy ban hành chính tỉnh công nhận đạt danh hiệu lá cờ đầu, 25 xã được xếp loại khá, 8 xã loại trung bình, không còn xã kém. Trong 587 xóm thuộc các xã biên giới và xã có mục tiêu nội địa, đã có 300 xóm đạt loại khá, 175 xóm trung bình, 103 xóm tạm xếp loại kém.
Năm 1966, là năm Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Thiên tai hạn hán liên tiếp xảy ra, bệnh vàng lụi hoành hành cao độ, nông nghiệp bị thất thu lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động, công tác của các lực lượng vũ trang trong tỉnh.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #43 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:14:10 pm » |
|
Để vượt qua những thử thách trước mắt, Tỉnh uỷ lãnh đạo toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tìm mọi biện pháp khắc phục những khó khăn về kinh tế. Mặt khác, để cùng quân dân cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, của đế quốc Mỹ, ngày 5.3.1966, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Nghị quyết số 163/NQ-TU củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, tăng cường nhiệm vụ phòng thủ trị an, sẵn sàng chiến đấu. Nghị quyết xác định cần tập trung vào 3 nhiệm vụ:
- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phát huy khả năng của các cơ quan tỉnh đội, huyện đội, Công an và Công an nhân dân vũ trang, đảm bảo tăng cường các mối quan hệ đoàn kết nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ nhằm làm tốt công tác phòng thủ trị an, chống mọi âm mưu biệt kích, thổ phỉ và bọn phản động phá hoại, bảo vệ an toàn trong tỉnh, từng bước củng cố vững chắc căn cứ và các vùng xung yếu tiếp giáp của tỉnh.
- Lãnh đạo cơ quan quân sự các cấp, tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị nhằm nâng cao trình độ chiến đấu, khả năng tác chiến, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của địch.
- Các cấp uỷ - đơn vị cần bố trí thời gian kết hợp thực hiện nhiệm vụ thường xuyên với lao động sản xuất để tự túc một phần lương thực, đẩy mạnh phong trào dân quân tự vệ làm xung kích trong sản xuất.
Ngày 18.3.1966, căn cứ đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Cao Bằng và tình hình nhiệm vụ mới, tính chất, vị trí công tác của hai lực lượng Công an và Công an nhân dân vũ trang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra nghị quyết chuẩn y cho Đảng ủy Công an (Đảng ủy cấp trên) được thành lập hai Đảng ủy cơ sở: Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang và Đảng ủy cơ sở Ty Công an trực thuộc Đảng ủy Công an và tạm thời chỉ định hai Ban Đảng ủy cơ sở khi chưa có điều kiện tiến hành đại hội bầu ra Ban Đảng ủy mới.
Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng uy cơ sở Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 9 đồng chí. Trong đó, Ban Thường vụ có 3 đồng chí: Hà Thế Vũ, Bí Thư Đảng ủy; Hoàng Khiêm, Phó Bí thư; Đinh Ngọc Tuy, ủy viên. 6 đồng chí ủy viên Ban chấp hành gồm: Bế Văn Khuyến, Đàm Quang Đức, Lý Trung Khính, La Văn Cừu, Dương Hồng Minh, Lương Ích Tường1.
Thời kỳ này, máy bay Mỹ liên tiếp bay lượn, quần đảo trên vùng trời các huyện giáp biên giới, vùng trời huyện Hoà An và các huyện tiếp giáp Hoà An. Tình hình mặt đất ở các huyện giáp biên của Cao Bằng chịu nhiều tác động từ cả nội biên và ngoại biên. Nội biên là tác động của người dân từ các nơi đi sơ tán, tránh bom đạn chạy ra vùng giáp biên. Từ đây họ vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Ở ngoại biên, do tác động của cuộc “Đại cách mạng văn hoá”, nên đã xuất hiện một số người vượt biên giới vào đất Cao Bằng cư trú bất hợp pháp.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và trực tiếp thực hiện Nghị quyết 163 của Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo của Ty Công an Cao Bằng, các trạm Công an nhân dân vũ trang biên phòng ở khu vực biên giới đã vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện trong số người vượt biên trái phép có những phần tử phản cách mạng Trung Quốc hoặc đặc vụ cũ, lợi dụng trà trộn, xâm nhập vào Cao Bằng để hoạt động. Qua xác minh hiềm nghi, các trạm biên phòng đã làm rõ 5 đối tượng thuộc diện phản cách mạng Trung Quốc và đặc vụ Tưởng mới xâm nhập vào Cao Bằng trong năm 1966. Chúng thường lén lút qua lại biên giới, móc nối với số đã sang từ trước và bọn phản động địa phương ngấm ngầm hoạt động, chờ thời cơ nổi dậy chống phá ta.
Nổi lên trong khu vực biên giới là một số tên ở huyện Trùng Khánh trước đây tham gia tổ chức phản động “Đảng nhất tân dân tộc”, đang tìm cách móc nối, nhen nhóm lại lực lượng. Tổ chức phản động này khởi phát tại tỉnh Tuyên Quang năm 1958. Từ đó lan sang Bắc Cạn, Cao Bằng. Đầu tiên, bọn phản động móc nối, cắm rễ vào một số xã thuộc hai huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc. Từ đó, chúng phát triển, lan rộng đến nhiều xã của các huyện dọc theo biên giới như Quảng Hoà, Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Bảo Lạc. Luận điệu tuyên truyền của bọn phản động là sẽ tách 13 tỉnh miền núi của miền Bắc Việt Nam và “thu hồi” hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc mà chúng cho vốn là của Việt Nam để thành lập một nhà nước liên bang... Hoạt động của chúng làm cho an ninh trật tự ở một số địa phương trở nên bất ổn. ________________________________________ 1. Chưa sưu tầm được hồ sơ tài liệu về Đại hội Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng lần thứ III, nhưng có thể lần Đại hội này được tổ chức trong năm 1966, không lâu sau khi Tỉnh uỷ tạm thời chỉ định Đảng uỷ cơ sở Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:14:53 pm » |
|
Theo chỉ đạo của trên, công an Cao Bằng phối hợp cùng công an các tỉnh Bắc Cạn, Tuyên Quang và các tỉnh miền núi khác tiến hành phá án, trừng trị nhiều tên từ tháng 4.1959. Tổ chức này tan rã dần. Một số đối tượng nằm chờ thời cơ. Nhưng khi tình hình biên giới diễn biến phức tạp, máy bay Mỹ hoạt động nhiều, lầm tưởng thời cơ mới đã đến, lại ngóc đầu dậy hoạt động. Các lực lượng của ta buộc phải tiến hành trấn áp.
Bọn phản động trong nước và từ ngoài xâm nhập qua biên giới tập trung hoạt động điều tra, thu thập tình báo, tuyên truyền gây tâm lý chiến tranh, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Trong khi đó, tình hình đời sống kinh tế của nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới Cao Bằng, nhất là các huyện Trùng Khánh, Phục Hoà, Hạ Lang... còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khu vực biên giới của tỉnh liên tiếp nhiều năm liền bị thiên tai, lũ lụt. Năm 1965, lại xảy ra mưa lũ lớn. Nương rẫy nhiều nơi bị sạt lở. Các thung lũng ngập úng. Năm 1966 và 1967 đại hạn. Thêm vào đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc đã có những ảnh hướng xấu đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của nhiều vùng trong tỉnh. Đồng bào các dân tộc vùng biên giới rơi vào cảnh thiếu đói nghiêm trọng kéo dài. Năm 1967, Nhà nước phải trợ cấp cứu đói cho 3.702 hộ, với 16.965 nhân khẩu cho các vùng sát biên.
Tình hình khó khăn trên đây không những chỉ làm đời sống của đồng bào các dân tộc biên giới Cao Bằng vất vả mà còn làm cho các phong trào xây dựng xã vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều trở ngại. Trùng hợp vào thời điểm hạn hán, mất mùa của năm 1966, việc vận dụng chính sách của cán bộ địa phương ở cơ sở còn thiếu linh hoạt, có phần máy móc (trong việc thực hiện chính sách “3 thu” - trong đó có thu mua lương thực), càng làm cho đời sống của bà con thêm phần khó khăn. Nhiều người nảy sinh tư tưởng băn khoăn, lo lắng. Do đó, việc thực hiện một số chủ trương, chính sách về nghĩa vụ quân sự, xây dựng hợp tác xã, thực hiện các phong trào ở khu vực biên giới lâm vào cảnh bế tắc, chất lượng hạn chế. Nhiều bà con đã vượt biên trái phép để mua lương thực, trao đổi sản vật, mua sắm đồ dùng thiết yếu... tạo ra những kẽ hở, tạo thời cơ cho kẻ xấu tính toán, lợi dụng.
Để tăng cường công tác phòng thủ trị an, bảo vệ an toàn cho khu vực biên giới trước tình hình mới, các trạm biên phòng trên biên giới Cao Bằng đã tích cực tham mưu đề xuất cho cấp uỷ, chính quyền các kế hoạch, biện pháp nhằm khôi phục và đẩy mạnh các phong trào của địa phương.
Từ cuối tháng 3.1965 đến đầu năm 1966, các cấp ủy địa phương ở khu vực biên giới đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung lãnh đạo thực hiện nhiều biện pháp, quyết tâm khôi phục tình hình. Tinh thần quyết tâm chống Mỹ cứu nước của quần chúng tiếp tục được phát huy. Các phong trào thi đua của quần chúng trong sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an, chấp hành chính sách từng bước chuyển biến tiến bộ qua từng tháng...
Trong phong trào bảo vệ trị an ở biên giới, tuy hình thức tổ chức chưa linh hoạt, nội dung chưa thật sát hợp với tập tục của từng dân tộc, nhưng cấp uỷ đảng ở địa phương đã tập trung lãnh đạo, huy động được các ngành, các cấp, các tổ chức quần chúng và đông đảo bà con các dân tộc tham gia. Do đó, phong trào bảo vệ trị an đã có tác dụng thúc đẩy các mặt công tác phát triển. Các xã biên giới đã tiến hành xây dựng và hợp nhất các hợp tác xã, đẩy mạnh được sản xuất. Các chính sách và công tác trung tâm ở các xã đều được chấp hành tốt, ý thức cảnh giác, bảo mật phòng gian liên gia an toàn, có nhiều chuyển biến tích cực trong phát hiện, nắm tình hình, đấu tranh vạch trần các luận điệu xấu ở địa phương. Kết quả phong trào bảo vệ trị an ở khu vực biên giới của tỉnh trong năm 1966 tiếp tục được duy trì và phát triển tốt. Trong 36 xã biên giới, 3 xã vẫn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu, 24 xã được xếp loại khá, 9 xã trung bình, không có xã kém.
Trong thời điểm địa phương gặp nhiều khó khăn về thiên tai cũng là năm đầu tiên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực hiện Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị, có những thay đổi về tổ chức lực lượng. Các đồn biên phòng chuyển thành các trạm biên phòng, gặp một số lúng túng nhất định... Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và nội địa của các đơn vị không hề lơi lỏng.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:15:52 pm » |
|
Năm 1966, công tác quản lý biên giới của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động của các trạm biên phòng lúc này phải làm theo phương hướng, quy định của Nghị quyết 116. Nhưng biên chế, tổ chức thu gọn hơn trước, hoạt động phân tán cao, các đơn vị cơ bản vẫn phải tiến hành quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bằng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, kể cả biện pháp vũ trang. Để “khắc phục khó khăn”, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ chỉ huy các cấp trong toàn tỉnh nhằm thống nhất nhận thức đối với yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp vận dụng các biện pháp nghiệp vụ công an trong điều kiện cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ theo cơ chế, định hướng mới. Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh quyết định chọn và giao nhiệm vụ cho Trạm Biên phòng Trà Lĩnh (nay là Đồn Biên phòng Hùng Quốc) tập trung tiến hành cuộc vận động xây dựng xã vững mạnh tại địa bàn xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, làm thí điểm để xây dựng mô hình. Qua đó, tiến hành sơ tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra quy trình và áp dụng trên toàn tuyến.
Công tác quản lý khu vực biên giới, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh, quản lý các phương tiện qua lại biên giới, quản lý vũ khí và cư dân biên giới... được các trạm biên phòng tiếp tục thực hiện. Trong đó, trọng tâm là các hoạt động quan hệ đến an ninh trật tự khu vực biên giới qua các cửa khẩu biên giới giữa hai nước theo quy định của pháp luật. Nội dung quản lý gồm những việc đăng ký, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định thủ tục, thể lệ như: đơn, bản kê khai, hộ chiếu, thị thực, giấy thông hành (đối với các xã giáp biên giữa hai nước) đường đi, cửa khẩu, thời gian... Kết quả, các trạm biên phòng thực hiện công tác quản lý hành chính năm 1966 đã phục vụ kịp thời cho 96.377 người xuất, nhập cảnh (trong đó xuất cảnh 56.465 người, nhập cảnh 39.912 người). Phát hiện được 4.723 người vượt biên trái phép, 121 trường hợp buôn lậu, 56 đối tượng là phần tử xấu. Ngăn chặn được 798 người vượt biên. Bắt giữ 9 đối tượng vi phạm pháp luật...
Công tác phòng chống gián điệp biệt kích, gây bạo loạn được thực hiện theo đúng quy định: phòng là chủ yếu, chống với khả năng và chức năng. Vì vậy, từ cuối năm 1965, theo chỉ đạo của trên, các đơn vị đã tiến hành bàn giao nhiệm vụ vũ trang và thống nhất kế hoạch hiệp đồng phòng, chống gián điệp biệt kích, gây bạo loạn sang Tỉnh đội Cao Bằng.
Để thực hiện chức năng phòng là chủ yếu, các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tập trung rà soát, xác định lại các địa bàn phản gián, bạo loạn theo hướng dẫn của Bộ Công an; thực hiện củng cố vùng xung yếu, loại trừ khả năng gây bạo loạn. Các trạm biên phòng đã tập trung phấn đấu hoàn thiện các phương án để đảm bảo hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Các mặt công tác bảo vệ trị an, cải tạo tại chỗ, điều tra cơ bản... trước hết tập trung cao vào các vùng xung yếu.
Công tác bảo vệ nội địa của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng từ năm 1966, tập trung bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính tỉnh, các mục tiêu quan trọng, canh giữ trại giam, phòng không sơ tán và triển khai bảo vệ các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và của Tỉnh uỷ Cao Bằng, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh bám sát tình hình địa bàn xây dựng các nghị quyết, kế hoạch công tác năm, các kế hoạch đột xuất, lãnh đạo chỉ huy cán bộ, chiến sỹ các cấp đơn vị trong tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, nhạy bén nắm bắt tình hình, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chuẩn bị kỹ các phương án, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trong kế hoạch và 15 cuộc bảo vệ đột xuất; bảo vệ an toàn các ngày tết, lễ lớn...
Công tác phòng không sơ tán, đối không, thường trực chiến đấu, sẵn sàng bắn hạ máy bay Mỹ, rèn luyện kỹ thuật bắn máy bay, củng cố hầm hào, công sự, nơi cất giấu tài liệu, phương tiện... được các cấp đơn vị trong tỉnh thường xuyên thực hiện nghiêm túc.
Để có cơ sở, thực lực hoàn thành tốt hai nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên là quản lý, bảo vệ biên giới và bảo vệ các mục tiêu nội địa theo Nghị quyết 116, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, thực hiện nhiều biện pháp xây dựng, củng cố, đưa đơn vị lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Trước hết, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định phải tập trung làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị và coi đây là khâu trọng yếu hàng đầu. Biện pháp lúc này là tăng cường công tác lãnh đạo, giáo dục tư tưởng thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong các cấp đơn vị, đến từng cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên. Nội dung lãnh đạo, giáo dục tập trung vào việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của lực lượng, kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất của địa phương.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #46 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:51:22 am » |
|
Các đợt tập huấn, học tập, sinh hoạt chính trị trong các cấp đơn vị được tổ chức nhằm quán triệt, giáo dục các Nghị quyết 11, 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục giáo dục Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị; giáo dục, học tập sâu rộng về Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược (ngày 17.7.1966) của Hồ Chủ tịch, Thông cáo của Hội đồng Quốc phòng tối cao, Lệnh động viên cục bộ của Nhà nước, Chỉ thị về nhiệm vụ, công tác của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh... Qua các hoạt động đó, cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực sự chuyển biến về nhận thức và hành động; hiểu rõ chủ trương, đường lối chống Mỹ cứu nước, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhận rõ âm mưu địch, xác định được nhiệm vụ, chức trách, yên tâm phấn khởi, xây dựng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị thực sự tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Phát huy kết quả học tập chính trị, các cấp đơn vị phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ thành lập Đảng (3.2), ngày truyền thống của lực lượng (3.3), 5 năm thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15.2.1961), ngày Quốc tế lao động (1.5), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5) và các ngày 19.8, 2.9, 22.12... các ngày quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000, 1.500, các ngày chiến thắng của quân và dân miền Nam; giáo dục, tuyên truyền về Đại hội thi đua của ngành Công an do Bộ tổ chức; đón mừng Huân chương của Chính phủ tặng cho Đồn Biên phòng Bí Hà1.
Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo chính trị, giáo dục tư tưởng, động viên khen thưởng kịp thời, cán bộ, chiến sỹ đảng viên, đoàn viên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến mạnh, rõ rệt trên các mặt công tác, học tập và sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, bồi dưỡng và phát huy nhân tố mới, đẩy lùi nhân tố tiêu cực. Đơn vị đã kết hợp các hoạt động trên để xây dựng các chi bộ 4 tốt, chi đoàn 4 tốt, đơn vị tiên tiến, quyết thắng.
Công tác đảng: thời gian này, Công an nhân dân vũ trang tỉnh tập trung đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ 4 tốt. Đến giữa năm 1966, theo chỉ đạo của Cục Chính trị và thực hiện kế hoạch của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng sơ kết công tác xây dựng Đảng để rút kinh nghiệm, đề ra hướng phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả phân loại trong 16 chi bộ thuộc Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, bước đầu có 4 chi bộ đạt danh hiệu 4 tốt, 6 chi bộ khá, 6 chi bộ trung bình.
Các chi bộ đều duy trì chế độ sinh hoạt thành nề nếp. Nội dung sinh hoạt đảm bảo yêu cầu gọn, rõ, có trọng tâm, xác định được nhiệm vụ trung tâm và giải quyết dứt điểm những vấn đề cần tập trung lãnh đạo. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng viên được thể hiện đầy đủ, ý thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của đảng viên được nâng cao hơn trước. Chi bộ Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt và là nhân tố đảm bảo đoàn kết, thống nhất, quyết định hoàn thành mọi nhiệm vụ ở đơn vị.
Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thường xuyên chăm lo công tác phát triển Đảng. Ba quý đầu năm 1966, Đảng bộ đã kết nạp được 33 đảng viên, vượt chỉ tiêu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Tỷ lệ lãnh đạo của đảng viên đối với quần chúng trong Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đạt 50%...
Đoàn thanh niên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Đảng uỷ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các chi bộ trực tiếp lãnh đạo cụ thể, chặt chẽ; phân công đảng viên phụ trách công tác đoàn. Kết hợp với sinh hoạt, giáo dục chính trị của đơn vị, đoàn viên thanh niên được giáo dục, học tập nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Đoàn. Riêng đoàn viên thanh niên còn được tổ chức học tập, rèn luyện theo gương các anh hùng liệt sĩ; lý tưởng đạo đức đoàn viên; sinh hoạt, học tập nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn và tham gia đợt sinh hoạt Đoàn phát huy kết quả Đại hội thanh niên xuất sắc toàn tỉnh do Tỉnh đoàn Cao Bằng tổ chức... Thông qua các hoạt động đó, thanh niên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tích cực phấn đấu theo hướng thanh niên trở thành đoàn viên; đoàn viên phấn đấu đạt danh hiệu “đoàn viên 4 tốt”, “chi đoàn 4 tốt”; đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên. Nhờ đó, năm 1966, Đoàn thanh niên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã được xây dựng, củng cố, kiện toàn và phát triển tốt. 27 thanh niên đã được kết nạp Đoàn; 19 đoàn viên ưu tú đã được kết nạp Đảng. Tỷ lệ đoàn viên so với thanh niên ngoài đoàn đạt 80,5%. ______________________________________ 1. Nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #47 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:52:10 am » |
|
Công tác huấn luyện quân sự, nghiệp vụ được Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định phải thực tế, bám sát yêu cầu phục vụ thời chiến. Từ đầu năm 1966, đơn vị đã kịp thời tổ chức học tập quán triệt Mệnh lệnh huấn luyện của Bộ Công an cho các cấp đơn vị theo kế hoạch của tỉnh là thực hiện từ trong ra ngoài, từ tỉnh xuống cơ sở. Quá trình tổ chức quán triệt, thực hiện, Ban Chỉ huy tỉnh kết hợp mở các hội nghị chuyên đề, 6 lớp tập huấn, tăng cường bồi dưỡng cho 232 cán bộ cơ sở, từ tổ, đội đến cán bộ chỉ huy đồn. Trong quá trình huấn luyện, nhiều đơn vị đã vận dụng phương châm, phương pháp linh hoạt, sáng tạo. Các chi bộ cơ sở chú ý lãnh đạo đơn vị cải tiến các mặt công tác chính trị, đảm bảo vật chất, nên có tác dụng tốt cho chất lượng huấn luyện. Các đơn vị đều có chương trình huấn luyện hàng tháng. Huấn luyện có giáo án, có chỉ huy chuyên trách. Chi bộ lãnh đạo sát sao, cụ thể và kết hợp tốt với các đợt thi đua, xây dựng chi bộ, chi đoàn 4 tốt trong huấn luyện. Nhờ đó, chương trình huấn luyện chính trị, nghiệp vụ, các khoa mục quân sự, thể dục thể thao của các đơn vị đều đạt kết quả tốt. Riêng tổ chức bắn đạn thật năm 1966, có gần 80% quân số tham gia và đều đạt loại khá, giỏi.
Về chấp hành chế độ thường trực chiến đấu, đến năm 1966, Cao Bằng là địa bàn chưa bị máy bay Mỹ trực tiếp đánh phá nên nhận thức về âm mưu, thủ đoạn địch của một số cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh chưa toàn diện, cụ thể. Ở một số đơn vị còn có biểu hiện chủ quan, một số mặt công tác chuẩn bị chưa đảm bảo chủ động ứng phó khi có tình huống.
Qua các đợt học tập. giáo dục, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của trên, nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ được nâng lên, hiểu rõ nhiệm vụ của đơn vị, âm mưu thủ đoạn của địch; xây dựng đơn vị vững mạnh. Chi bộ, chi đoàn 4 tốt, các cấp đơn vị đã tích cực phấn đấu chấp hành các chế độ thường trực, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành tốt các mặt công tác, tổ chức chỉ đạo chỉ huy từ trên xuống dưởi bảo đảm thường xuyên, liên tục. Chấp hành các chế độ, quy định thường trực sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, đồn, trạm chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt quản lý tư tưởng, quân số, phương tiện, trang bị...
Công tác thông tin liên lạc trong điều kiện thời chiến sơ tán, phân tán trên diện rộng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chỉ tổ chức và duy trì được 17 mạng đường dây và 2 máy vô tuyến điện nhưng vẫn đảm bảo phục vụ chỉ đạo, chỉ huy và phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan thông suốt, kịp thời, chính xác. Năm 1966, công tác thông tin tiếp tục hoạt động trên cơ sở bảo quản, sử dụng là chính, nhưng do yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc thời chiến, sơ tán tăng cao, cán bộ, chiến sỹ thông tin đã khắc phục khó khăn, xây dựng thêm được một đường dây dài 6km từ thị xã đến trại giam; thực hiện 5 đợt sửa chữa đường dây (mỗi đợt từ 7 ngày đến nửa tháng); thay thế 15 cột, thu hồi đường dây cũ, di chuyển tổng đài, mắc thêm đường dây cho một trạm phòng không ở khu vực thị xã...
Công tác hậu cần năm 1966 của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực hiện theo Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 163-NQ/CB, ngày 5.3.1966, của Tỉnh uỷ, hoạt động theo phương châm tự lực cánh sinh, dựa vào địa phương, đảm bảo công tác hậu cần tại chỗ, phục vụ tốt cho công tác bảo vệ thường xuyên, đột xuất và đảm bảo cho chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Trong hai năm 1965 - 1966 nông nghiệp của tỉnh bị thất thu lớn, ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, chiến sỹ, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh quyết tâm chỉ đạo công tác hậu cần của đơn vị phấn đấu đạt chỉ tiêu trên 3 mặt:
- Đảm bảo tốt cho dự phòng chiến đấu: Thực hiện Nghị quyết 116, công tác hậu cần của đơn vị phải hoạt động phù hợp với phương hướng mới, nên đã bàn bạc phối hợp với các ngành của địa phương và giữa 3 lực lượng Tỉnh đội, Công an, Công an nhân dân vũ trang về công tác đảm bảo hậu cần cho các đơn vị biên phòng và bảo vệ nội địa trong trường hợp xảy ra chiến đấu. Nhờ đó, công tác dự phòng chiến đấu của đơn vị vẫn được duy trì, đảm bảo. Trong trường hợp tác chiến theo lối đánh du kích, công tác dự phòng có khả năng đảm bảo từ 15 đến 30 ngày.
- Đảm bảo về ăn uống, phòng bệnh: Trong tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều tác động xấu, việc cung cấp lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, công tác hậu cần phải đảm bảo duy trì cung cấp được thường xuyên. Khẩu phần lương thực vẫn đủ định lượng cho cán bộ, chiến sỹ; duy trì cho bộ đội ăn uống ngày 3 bữa ở đơn vị, 2 bữa khi hoạt động ở địa bàn. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, cán bộ, chiến sỹ thực hiện chế độ ăn độn 30% ngô.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:52:56 am » |
|
Đối với các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, Phòng Hậu cần, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã khắc phục mọi trở ngại, thực hiện cung cấp tại chỗ kịp thời cho Trạm Biên phòng Cốc Pàng và Trạm Biên phòng Nặm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba) ở huyện Bảo Lạc. Đây là hai đơn vị có nhiều khó khăn về giao thông vận chuyển.
Công tác vệ sinh phòng bệnh được các đơn vị thường xuyên duy trì thực hiện theo kế hoạch công tác năm của tỉnh, sự hướng dẫn của Ban Quân y tỉnh: thực hiện đúng kế hoạch phòng bệnh theo từng mùa; tích cực thực hiện cuộc vận động vệ sinh 4 tốt trong ăn, uống, ở, ngủ và trong lao động, học tập, chiến đấu; thực hiện phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch của quân y. Nhờ đó, cán bộ, chiến sỹ trong toàn tỉnh hầu như không bị các bệnh truyền nhiễm. Tỷ lệ sức khoẻ đạt 98,99%, đảm bảo quân số tham gia học tập, huấn luyện, công tác và thường trực sẵn sàng chiến đấu.
- Tăng gia, sản xuất tự túc: Thời gian này có nhiều khó khăn, trở ngại do các Trạm biên phòng phải tập trung lực lượng triển khai hoạt động phân tán xuống cơ sở. Quân số của trạm thường chỉ có 50%. Các đơn vị bảo vệ nội địa phải sơ tán đến nhiều địa điểm mới.
Mặc dù vậy, với truyền thống của quân đội nhân dân, truyền thống của đội quân vừa chiến đấu vừa công tác, tự lực cánh sinh và với ý thức cố gắng “lao động sản xuất, tự túc một phần lương thực” (theo Nghị quyết 163 của Tỉnh uỷ) chia sẻ khó khăn chung của tỉnh và nhân dân vùng biên giới, các đơn vị đã tranh thủ mọi thời gian tăng gia sản xuất tại địa bàn và tại đơn vị. Tại các trạm biên phòng, cán bộ, chiến sỹ tuỳ theo điều kiện cụ thể đã tích cực khai hoang, hoặc mượn đất của xã, của dân, cấy lúa, trồng ngô, đỗ rau xanh, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà... Có những trạm biên phòng ở Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang... đã bố trí người đi bộ hàng ngày đường tìm các loại giống lúa, ngô có năng suất cao về trồng, vừa tự túc một phần lương thực, vừa có cơ sở để vận động, thuyết phục bà con cùng làm theo để cải thiện đời sống. Các trạm biên phòng đều thống nhất giao ước cùng nhau thực hiện “hũ gạo tiết kiệm” nhằm dành ra một phần lương thực để chia sẻ, trợ giúp một số gia đình quá thiếu đói trong địa bàn, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân. Kết quả, năm 1966 các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh đã tích cực phấn đấu đạt chỉ tiêu: sản xuất tự túc được 6.400kg lương thực, 3.200kg thịt (chủ yếu là lợn, gà), 16.000kg rau xanh.
Bên cạnh những khó khăn về kinh tế - vật chất, đời sống văn hoá tinh thần của cán bộ, chiến sỹ biên phòng và của người dân vùng cao biên giới Cao Bằng trong giai đoạn đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ cũng rất thiếu thốn, nghèo nàn. Báo chí, tin tức phát thanh, phim ảnh giảm sút. Nhiều địa bàn xóm, xã xa xôi, hẻo lánh có khi 5 - 7 tháng, hàng năm liền, cán bộ, chiến sỹ và bà con các dân tộc địa phương không được xem một đêm chiếu phim, hoặc biểu diễn nghệ thuật. Trong nhân dân, nạn tái mù chữ xuất hiện trở lại ở mọi lứa tuổi, thậm chí mù chữ ở cả cán bộ cơ sở xóm, xã. Cấp uỷ, chỉ huy các trạm biên phòng phải tổ chức các cuộc họp chi bộ, đơn vị ra nghị quyết, lập kế hoạch, bố trí lực lượng tham gia cùng địa phương khôi phục lại trường, lớp. Các “thầy giáo quân hàm xanh” luân phiên nhau tranh thủ ngoài giờ lao động sản xuất của bà con dạy chữ, xoá mù chữ. Chi đoàn thanh niên của các trạm biên phòng kết nghĩa với đoàn viên, thanh niên địa phương, tổ chức những đêm liên hoan văn nghệ, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần cho vùng biên giới.
Trong hoàn cảnh quân dân Cao Bằng phải tập trung nhiều công sức, tiền của phục vụ yêu cầu sẵn sàng chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Tỉnh uỷ - Ủy ban hành chính tỉnh vẫn chủ trương dành một phần ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng cao biên giới nhằm cải thiện đời sống của người dân. Việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, trường học, trạm xá, đường giao thông vào các vùng sát biên từ nguồn vốn của tỉnh trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng tại địa phương.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #49 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2023, 08:55:19 am » |
|
Các đơn vị biên phòng đã bố trí cán bộ, chiến sỹ thay phiên nhau làm công tác bảo vệ an ninh trật tự cho việc thi công các công trình và tham gia hàng ngàn ngày công cùng bà con các dân tộc biên giới lao động trên các công trường. Nhiều công trình lao động của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ đã được khánh thành, đi vào phục vụ cuộc sống. Trong đó, đáng kể là một số tuyến đường giao thông ra biên giới, một số trường học, phòng học được sửa sang lại hoặc xây dựng mới, hàng nghìn bể chứa nước ăn, nước sinh hoạt cho hàng nghìn gia đình đồng bào vùng Lục Khu được xây dựng, lắp đặt; hàng trăm công trình thuỷ lợi lớn nhỏ phục vụ yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh lần lượt được đưa vào sử dụng. Tiêu biểu là các mương máng thuỷ nông Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang); Háng Páo (xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh); Co Páo (xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh); các trạm thuỷ điện Thoong Gót (xã Chí Viễn), Lũng Nặm (xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh); Tổng Moòng, Nam Tuấn (xã Hùng Quốc), Nà Xộc (xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh); Pác Bó và Bản Hoàng (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng); Lũng Đa (xã Minh Long, huyện Hạ Lang)... Các trạm bơm Lũng Om (xã Tà Lùng, huyện Quảng Hoà)1; Kéo Diến và Háng Thoong (xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh)2 và hồ chứa nước Thôm Rảo (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang)... Các công trình này không những có tác dụng tích cực trong việc chủ động cung cấp điện, nước sinh hoạt và tưới nước cho gần 2.000 hécta ruộng ở khu vực biên giới mà còn góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh, góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Về nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa: trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khối lượng nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trở nên to lớn, nặng nề và thêm nhiều yếu tố phức tạp.
Sau các chỉ thị của Trung ương, Bộ Tư lệnh, của tỉnh và nhất là sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết “về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3.1965), công tác phòng không sơ tán của các lực lượng, cơ quan, ban, ngành trong tỉnh được triển khai khẩn trương, tích cực. Từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, các cơ quan đầu não, quan trọng của tỉnh đều rời tỉnh lỵ - thị xã Cao Bằng sơ tán về các vùng nông thôn, trải ra trên diện rộng của địa bàn các xã Hoàng Tung, Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Hồng Việt, Bế Triều, Đức Long, Nam Tuấn... thuộc huyện Hoà An. Ty Công an Cao Bằng sơ tán về làng Nà Coóc, xã Đức Long. Cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh sơ tán về làng Nà Niền, xã Đức Long để thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não, các mục tiêu quan trọng của tỉnh như Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh... Tại những nơi sơ tán, các cơ quan, cán bộ, công nhân viên chức ăn ở, làm việc đều ở nhờ nhà dân. Từ năm 1967, một số cơ quan bắt đầu dựng thêm một số nhà tạm, chủ yếu bằng tranh tre nứa lá để có thêm nơi làm việc.
Phương tiện thông tin liên lạc phục vụ công tác và chiến đấu lúc này đều rất thiếu thốn. Nhiều cơ quan không có điện thoại, khi cần thông tin liên lạc, phải cử người chạy bộ hoặc đi bằng xe đạp.
Các kho chứa hàng, kho bạc của Ngân hàng tỉnh sơ tán chủ yếu sử dụng một số trường học hoặc đình, chợ đã sơ tán, bỏ không... phần lớn không đảm bảo yêu cầu bảo vệ. Kho bạc của Ngân hàng tỉnh cũng sơ tán đến một ngôi nhà không đảm bảo an toàn. Trại giam vẫn ở địa điểm cũ, nhà cửa, tường rào sau nhiều năm xây dựng, sử dụng đã xuống cấp, rất khó khăn cho công tác canh giữ.
Mỏ thiếc Tĩnh Túc ở huyện Nguyên Bình nằm trong một thung lũng nhỏ hẹp. Mật độ dân số khá cao. Máy móc, phương tiện nhiều, mặc dù có yêu cầu sơ tán nhưng vẫn không thể di chuyển ra khỏi khu vực mỏ. Việc sơ tán đối với người cũng khó thực hiện, chỉ tạm rải theo hai bên trục quốc lộ số 34. Công nhân phải bám khu mỏ để đảm bảo kế hoạch sản xuất và chỉ rời nơi sản xuất trong các giờ cao điểm hoạt động của máy bay Mỹ... _______________________________________ 1. Nay là thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hoà. 2. Hai bản Kéo Diến và Háng Thoong nay thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
|