chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 07:33:06 pm » |
|
Được quan thầy cổ vũ, kích động, bọn phản động một số địa phương miền núi biên giới hung hăng nổi dậy hoạt động, gây ra các vụ chống phá chính quyền, mất an ninh trật tự xã hội. Trong số đó nổi lên có vụ bạo loạn ở huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang tháng 12.1959. Từ Đồng Văn, các hoạt động của bọn phỉ phát triển ra một số huyện tỉnh Hà Giang và có dấu hiệu lan rộng sang các xã Cốc Pàng, Đức Hạnh, Nam Quang, Tân Việt1... thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Sau đó, chúng viết thư móc nối, lôi kéo cán bộ chính quyền và cho tay chân sang các xã Nam Quang, Đức Hạnh... tuyên truyền, đe doạ, mua chuộc nhân dân và cán bộ cơ sở theo chúng nổi loạn2.
Trước diễn biến nghiêm trọng của cuộc bạo loạn Đồng Văn, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng gồm nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh đội, Ty Công an, Công an nhân dân vũ trang tỉnh, Mặt trận Tổ quốc... để phân tích, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp chủ động đấu tranh. Ngày 23.12.1959, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 232/CT-CB cho các lực lượng vũ trang trong tỉnh phải tích cực đề phòng, đấu tranh ngăn chặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bọn bạo loạn đến địa phận Cao Bằng; tích cực phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, trinh sát, công tác chính trị nắm sát dân và chú trọng đẩy mạnh hoạt động ở các xã thuộc huyện Bảo Lạc giáp giới với huyện Đồng Văn; đồng thời tuỳ điều kiện cụ thể phải mang lực lượng sang phối hợp, tiếp ứng với quân dân Hà Giang đánh địch.
Lực lượng Công an nhân dân vũ trang trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, nên khi xảy ra một số vụ bạo loạn đã sớm nhận rõ tính chất nguy hiểm của các loại đối tượng trong khu vực biên giới. Từ tháng 9.1959, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị cần nhận rõ: “Bọn phản cách mạng Trung Quốc lẩn trốn phải được coi là bọn nguy hiểm nhất, phải trinh sát phát hiện và tổ chức quần chúng bắt cho kỳ được bọn chúng”3. Chấp hành mệnh lệnh đó, cùng với lực lượng các tỉnh liên quan trên tuyến biên giới phía Bắc, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sớm chủ động triển khai lực lượng trinh sát xuống nắm tình hình ở địa bàn trọng điểm là các xã biên giới tiếp giáp với tỉnh Hà Giang như Đức Hạnh, Lý Bôn, Nam Quang. Khu uỷ Việt Bắc đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch tiễu phỉ ở Hà Giang và giao cho đồng chí Phó Chính uỷ Quân khu Việt Bắc làm chỉ huy trưởng.
Thực hiện mệnh lệnh của Ban Chỉ huy Công an vũ trang Trung ương, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã nhanh chóng thành lập một đại đội để tham gia chiến dịch tiễu phỉ ở Hà Giang. Thượng úy Nông Minh Tâm, Chính trị viên đại đội cơ động Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội. Đồng chí Hà Ngọc Kìm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cốc Pàng làm đại đội phó. Ban chỉ huy chiến dịch có đồng chí Hoàng Khiêm, chính trị viên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng đi. Ngoài trang bị vũ khí có trong biên chế, đại đội còn được Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương trang bị thêm 2 khẩu súng cối 60mm.
Đội hình tham gia chiến dịch tiễu phỉ của Cao Bằng có các đơn vị của lực lượng công an, quân đội, dân quân du kích... Ngày 10.12.1059, Ty Công an đã cử đồng chí Nguyễn Chí, trưởng ban Bảo vệ chính trị làm trưởng đoàn và 20 cán bộ, chiến sỹ đến Bảo Lạc. Đồng chí Hoàng Khiêm, Chính trị viên Công an nhân dân vũ trang tỉnh đưa cán bộ, chiến sỹ vào Bảo Lạc để phối hợp đánh địch. “Tỉnh đội Cao Bằng đã đưa Tiểu đoàn 55 bộ đội thường trực của Tỉnh đội vào huyện Bảo Lạc. Hình thành mặt trận phía đông của huyện Đồng Văn (Hà Giang)... Tiểu đoàn 55 gồm 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thanh Liêm và Chính trị viên Đặng Lâm chỉ huy...
Tại khu vực Đồng Văn, ở phía Tây Nam có lực lượng vũ trang Quân khu Việt Bắc, ở phía tây huyện Bảo Lạc có một trung đội công an nhân dân vũ trang do đồng chí Hoàng Khiêm, Chính trị viên Công an nhân dân vũ trang trực tiếp chỉ huy bám nắm địch. Sau đó, lực lượng công an nhân dân vũ trang được điều thêm một đại đội tăng cường cho mặt trận này”4.
Tại phía nam Đồng Văn, bên cạnh lực lượng vũ trang của Hà Giang gồm các phân đội của công an nhân dân vũ trang, dân quân du kích các xã, tự vệ các cơ quan, Đại đội 10 của Tỉnh đội, Tiểu đoàn cơ động 12 (d12) của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương và Trung đoàn 246 (d246) của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. _______________________________________ 1. Nay là các xã Đức Hạnh, Nam Quang, Nam Cao, Tân Việt thuộc huyện Bảo Lâm. 2. Xã Nam Quang nhận được 2 lá thư, xã Đức Hạnh nhận được 1 lá thư. 3. Điện của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương, ngày 11.9.1959. 4. Cao Bằng lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975. Tập II. Sđd, tr.31.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 07:34:41 pm » |
|
Bộ Chỉ huy chiến dịch tiễu phỉ phổ biến phương châm hoạt động tiễu phỉ là đẩy mạnh công tác chính trị, lấy tuyên truyền, thuyết phục, vận động những người lầm đường lạc lối là chính. Vì vậy, trước khi bước vào chiến dịch, các đơn vị đã vận động một số đồng bào Mông trung kiên, có giác ngộ cách mạng cao để làm cầu nối giữa bộ đội với những người bị lôi kéo theo phỉ hiểu được đường lối, chính sách đoàn kết, khoan hồng của Đảng và Chính phủ.
Chiến dịch mở màn từ đêm 21.12.1959. Các lực lượng tham gia chiến dịch được bố trí tấn công vào bọn gây bạo loạn theo hai hướng chính: Hướng thứ nhất gồm các đơn vị của Hà Giang và Trung đoàn 246 Quân khu Việt Bắc từ phía Tây Nam đánh lên Đồng Văn, Lũng Cú. Hướng thứ hai có các đơn vị của Cao Bằng, gồm bộ đội của Tiểu đoàn 55, Đại đội Công an nhân dân vũ trang và dân quân du kích, xuất phát từ huyện Bảo Lạc qua huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) để tấn công bọn phỉ ở phía tây Đồng Văn.
Vào đến địa phận huyện Mèo Vạc, đường hành quân gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình hiểm trở. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ của chiến dịch, cán bộ, chiến sỹ phải cắt rừng, vạch cỏ cây vừa hành quân trong đêm tối, vừa xác định phương hướng chiến đấu với các toán phỉ phục kích. Đến đồn Xăm pun (Hà Giang), Đại đội Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng dừng chân, tổ chức lại lực lượng, nắm tình hình, tối hôm sau hành quân đi Đồng Văn (khoảng 10 km). Đến núi Tù Sán (núi cao nhất khu vực huyện lỵ Đồng Văn, tại đây nhìn thấy đồn Đồng Văn, cách khoảng 2 km), đơn vị chia làm hai mũi: một mũi tiến lên chiếm đỉnh núi do đồng chí Nông Minh Tâm chỉ huy, tổ chức trận địa; một mũi theo đường mòn qua sườn núi do đồng chí Hà Ngọc Kìm chỉ huy, cùng đi có đồng chí Hoàng Khiêm. Mũi theo đường mòn qua sườn núi bị phỉ phục kích. Mũi trên đỉnh núi Tù Sán sau khi đã bố trí đội hình, tiến hành nổ súng cối 60mm và nổ súng trung liên vào khu vực xung quanh đồn Đồng Văn (lúc này đồn Đồng Văn đang bị phỉ bao vây, bên trong có khoảng 01 tiểu đội Công an nhân dân vũ trang). Khi thấy lực lượng ta bắn, bọn phỉ chạy lên rừng. Đồn Đồng Văn được giải cứu. Sau đó, đại đội tiến hành an dân rồi hành quân xuống Mèo Vạc.
Từ Đồng Văn xuống Mèo Vạc chỉ có con đường độc đạo qua vùng đèo Mã Pí Lèn, ngoắt ngoéo qua 9 đoạn gấp khúc; một bên là vực sâu dốc đứng đổ xuống sông Nho Quế, một bên là vách núi đá dựng đứng. Sau khi gây ra cuộc bạo loạn, bọn phỉ chiếm đỉnh núi Mã Pí Lèn, khống chế con đường đèo này. Việc trước tiên của các đơn vị tiễu phỉ trên đường hành quân là phải tiêu diệt bọn phỉ, đánh chiếm điểm cao. Anh em phải chặt cây rừng làm thang và tìm cách leo lên từng vách đá. Bọn phỉ từ trên cao bắn xối xả vào đội hình của ta. Cán bộ, chiến sỹ ta vừa nổ súng đánh trả, vừa giành giật từng gốc cây, mô đá, tiếp tục leo lên. Bọn phỉ ngoan cố chống trả quyết liệt, chúng lợi dụng địa thế từ trên cao tới tấp lăn đá xuống, ngăn cản. Ta phải dùng súng cối 60 mm bắn lên đỉnh núi, chế áp bọn phỉ, mở đường cho bộ đội tiến lên, tiêu diệt những tên ngoan cố, chiếm lĩnh đỉnh núi, thông đường xuống ĐồngVăn.
Với tinh thần “Khắc phục khó khăn - Dũng cảm trước địch - Vì nước quên thân”, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sát cánh cùng các đơn vị bạn và hiệp đồng chặt chẽ với quân dân, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Giang chiến đấu ngoan cường, kiên quyết trừng trị những tên hung bạo, ngoan cố; thực hiện kết hợp các biện pháp chính trị, kiên trì dùng loa tuyên truyền, giải thích chính sách khoan hồng của Đảng, kêu gọi bọn phỉ ra hàng. Hàng tháng trời khắc phục khó khăn, gian khổ, chiến đấu và hy sinh, các lực lượng vũ trang của ta đã lần lượt chiếm lại phố Đồng Văn, Cổng Trời, Cán Tỷ..., diệt hơn 200 tên phỉ ngoan cố, góp phần quan trọng đập tan tổ chức và hành động bạo loạn của bọn phỉ và các bọn phản động tại Đồng Văn. Đến ngày 22.1.1960, chiến dịch tiễu phỉ ở Đồng Văn kết thúc thắng lợi.
Trong chiến dịch, đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 2 chiến sỹ đã hy sinh1 và 1 chiến sĩ bị thương. Phối hợp cùng bộ đội và Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Giang chiến đấu, toàn bộ bọn phỉ ở Đồng Văn bị tiêu diệt. Chính quyền cách mạng huyện Đồng Văn được giữ vững. Một dải đất xung yếu trên vùng giáp ranh tỉnh Cao Bằng và sát biên giới Việt - Trung trật tự trị an được bảo vệ an toàn. Thắng lợi của chiến dịch tiễu phỉ Đồng Văn một lần nữa khẳng định sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta trong đường lối, chính sách biên phòng, chính sách dân tộc; phản ánh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. ______________________________________ 1. Đó là đồng chí Phùng Văn Chài, sinh năm 1940, người dân tộc Tày, quê ở thôn Nà Mỹ, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lạc (nay thuộc huyện Bảo Lâm) và đồng chí Lý Văn Páo, người dân tộc Dao, sinh năm 1941, quê ở thôn Nhu Lũng, xã Yên Sơn, huyện Nguyên Bình.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #32 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 07:35:52 pm » |
|
Quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 186/CT-TW, ngày 17.2.1960, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về mấy công tác lớn phải làm để tăng cường công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng ở miền Bắc” và Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14 (họp tháng 1.1960) về nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, ngày 21.3.1960, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương triệu tập hơn 300 cán bộ chỉ huy các đơn vị khu, tỉnh, thành phố, các đơn vị cơ động, nhà trường trên 4 tuyến biên phòng về Hà Nội dự Hội nghị Công an nhân dân vũ trang lần thứ II. Hội nghị đã thống nhất phương châm hoạt động là “kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh công khai với đấu tranh bí mật, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu”. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Hội nghị xác định nhiệm vụ của các đơn vị biên phòng là: “Ngăn chặn và tiêu diệt bọn đặc vụ, bọn tàn phỉ ẩn náu ở biên giới nhằm bảo vệ trật tự trị an biên giới, củng cố tình hữu nghị nhân dân hai bên biên giới Việt Nam và Trung Quốc, tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới đi lại làm ăn, sinh sống. Nhưng không sơ hở để bọn phản động và bọn tội phạm hình sự hoạt động phá hoại”.
Với mưu đồ phá hoại miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tăng cường hoạt động do thám miền Bắc; kích động và củng cố tinh thần bọn phản cách mạng, thực hiện chiến tranh tâm lý, chuẩn bị cho mưu đồ mới. Đêm 13.2.1960, máy bay địch quần đảo trên vùng trời các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng). Khi máy bay địch bay qua khu vực Đồn biên phòng Nặm Quét (huyện Bảo Lạc) có 6 tiếng súng nổ.
Đêm 15.2.1960, máy bay địch lại tiếp tục xâm phạm vùng trời huyện Bảo Lạc, bay qua khu vực Đồn Biên phòng Cốc Pàng... Trước diễn biến hoạt động mới của địch, ngày 16.2.1960, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị làm ngay 3 việc cấp thiết:
- Tổ chức theo dõi chặt đường, hướng xâm nhập của máy bay địch, dự kiến các địa bàn địch thả gián điệp, biệt kích, chủ động chuẩn bị lực lượng lùng sục, vây bắt.
- Phối hợp với địa phương giám sát hoạt động của các đối tượng hiềm nghi.
- Tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nâng cao cảnh giác chống âm mưu mới của Mỹ - Diệm.
Rạng sáng ngày 16.6.1961, máy bay địch tiếp tục xâm nhập vùng trời tỉnh Cao Bằng, bay lượn trên vùng trời các huyện Quảng Uyên, Phục Hoà, Hoà An, Thạch An, Nguyên Bình, thả truyền đơn phản động xuống khu mỏ Tĩnh Túc.
Tiếp đó, Mỹ - Diệm liên tiếp thả nhiều toán gián điệp, biệt kích xuống nhiều vùng biên giới miền núi thuộc phía Bắc và Tây Bắc nước ta. Ngày 4.9.1963, địch thả một toán gián điệp, biệt kích hầu hết là người Cao Bằng xuống Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, với âm mưu để bọn này quay về Cao Bằng móc nối, xây dựng cơ sở chống phá cách mạng. Theo sự chỉ đạo của trên, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng một số đơn vị, lực lượng trong tỉnh phối hợp với Công an nhân dân vũ trang và quân dân tỉnh Bắc Kạn đã bao vây, truy lùng và bắt gọn toán biệt kích.
Thuận lợi rất lớn của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng là ngay từ khi mới thành lập, Tỉnh uỷ đã quan tâm chỉ đạo, định hướng xây dựng, hoạt động cho đơn vị, vừa chấp hành đúng Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, vừa gắn bó, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của địa phương.
Về nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa, ngày 3.12.1959, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 262-CT/CB nêu rõ “Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng ngoài việc điều động lực lượng cơ động đi làm nhiệm vụ theo chỉ thị của Tỉnh uỷ, cần phải bồi dưỡng tại chỗ cho kỹ lưỡng về chiến thuật, chính sách cho các đồn biên phòng, đẩy mạnh công tác tuần tra, cương quyết trấn áp kịp thời những hoạt động của địch để bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo đời sống yên vui, bảo đảm sản xuất cho nhân dân. Muốn làm được những việc trên đây phải đặt quan hệ mật thiết với công an, dân quân và các đoàn thể, chính quyền địa phương...”. Trên cơ sở đó, “tăng cường bảo vệ cơ quan, kho tàng, xí nghiệp, hầm mỏ, nhất là những nơi sản xuất có chuyên gia nước ngoài thì phải có kế hoạch bảo vệ thật chu đáo...”.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 04:42:56 pm » |
|
Thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ, các phân đội Công an nhân dân vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ đã triển khai lực lượng, liên tục bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của tỉnh như Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp quan trọng như Ngân hàng, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Nhà máy thuỷ điện Tà Sa, canh giữ trại giam phạm nhân của tỉnh... Phần lớn nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa quan trọng này đều được Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tiếp nhận từ các bộ phận của Ty Công an Cao Bằng và đặc biệt là từ các đại đội thường trực của Tỉnh đội chuyển sang từ tháng 6.1959.
Nhờ được nhân dân địa phương tận tình giúp đỡ, được lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và kế thừa kinh nghiệm, truyền thống vẻ vang của 5 đại đội thường trực của Tỉnh đội Cao Bằng hoạt động từ năm 1953 - 1954 đến đầu năm 19591, nên liên tục từ năm 1959 đến năm 1964, các mục tiêu nội địa quan trọng của tỉnh Cao Bằng đều được bảo vệ an toàn.
Những năm tháng này có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến Cao Bằng. Trong đó có chuyến công tác của lãnh tụ và cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 2.1961), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 4.1962); đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (tháng 6.1964)... Lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã góp phần xứng đáng của mình bảo vệ tuyệt đối an toàn các chuyến công tác này. Đặc biệt là chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 20 năm xa cách trở lại thăm Cao Bằng (ngày 19-21.2.1961), Người đã dành nhiều thời gian thăm, kiểm tra tình hình đời sống nhân dân, tăng gia sản xuất ở nhiều cơ sở trong tỉnh; thăm nhà trẻ Liên Cơ “1 tháng 6”, thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại thị xã Cao Bằng, thăm Pác Bó; gặp gỡ, thăm hỏi nhiều nhiều cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc.
Ngày 21.2.1961, trong cuộc nói chuyện với đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tại sân vận động thị xã, Người đã khen ngợi và căn dặn cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng: “...Các đồng chí đã ra sức dẹp phỉ giữ gìn trị an, bảo vệ nhân dân. Đó là thành tích tốt, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đồng chí. Bác lại khuyên các đồng chí cố gắng học tập chính trị, quân sự và văn hoá, tham gia lao động sản xuất để tiến bộ mãi. Một điều rất quan trọng là phải biết luôn luôn dựa vào nhân dân, có quyết tâm khắc phục khó khăn thì nhất định làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho các đồng chí...”2.
Trong nhiệm vụ bảo vệ nội địa, việc canh giữ trại giam, quản lý, giáo dục phạm nhân là công việc rất phức tạp và mới mẻ đối với các đơn vị bảo vệ nội địa của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nghèo, việc xây dựng trại giam còn sơ sài, công tác canh giữ và cải tạo phạm nhân gặp không ít trở ngại. Bên cạnh đó, trong trại giam, phạm nhân có các mức án tù khác nhau, tính chất, lĩnh vực và nguyên nhân phạm tội khác nhau. Vì thế công việc quản lý, giáo dục phạm nhân đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang phải nắm được tình hình, đặc điểm, cá tính, thái độ... từng đối tượng để quản lý tốt, thuyết phục, cảm hoá hiệu quả. Mặc dù vậy, đơn vị đã tìm nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, quan hệ mật thiết với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đơn vị bạn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để công tác trại giam đạt được chất lượng cao, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng từ giám thị, phó giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên đều đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “3 biết” (biết mặt, biết tên, biết tội trạng), “3 trước” (dậy trước, đến trước, làm việc trước), “3 sau” (về sau, ăn sau, nghỉ sau), do bộ Công an phát động. Nhờ những nỗ lực không ngừng của các đơn vị, công tác canh giữ trại giam ở Cao Bằng từ năm 1959 đến năm 1964 không để xảy ra vụ việc mất an toàn, không có phạm nhân trốn trại, phá trại, nhiều phạm nhân được giáo dục, cảm hoá tốt đã có tiến bộ, được trả tự do trước hạn. Riêng năm 1963, đơn vị phát hiện và ngăn chặn kịp thời 8 vụ phạm nhân định cướp súng của chiến sỹ đang dẫn giải phạm đi lao động cải tạo để trốn trại. _______________________________________ 1. Hoạt động của 5 đại đội 11, 12, 13, 14, 16 bao gồm: - Các Đại đội 11, 13, 14 phối hợp với nhân dân và dân quân du kích tiến hành cuộc hành quân tuần tiễu vũ trang qua các vùng Lục khu huyện Hà Quảng. Tiến sang các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hoà An nhằm răn đe, trấn áp bọn phỉ (cuối năm 1954) - Năm 1955, Đại đội 11 tiếp tục hoạt động ở huyện Hà Quảng, thực hiện “ba cùng” với nhân dân, tuyên truyền, phát động quần chúng nâng cao cảnh giác; phát hiện, phân loại đối tượng; chọn lọc, bồi dưỡng cán bộ cơ sở... tập trung vào địa bàn diệt phỉ ở xã Lương Thông, huyện Hà Quảng (nay là xã Lương Thông, huyện Thông Nông). - Đại đội 12 hoàn thành nhiệm vụ tăng viện tiễu phỉ ở Bảo Lạc, được Tỉnh đội điều về bảo vệ chuyên gia, bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Tà Sa, khu mỏ Tĩnh Túc; bảo vệ đoạn đường đèo Cao Sơn (1956)... - Đại đội 13 từ Bảo Lạc chuyển sang bảo vệ tuyến Quốc lộ 3. - Đại đội 14 sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bảo Lạc chuyển sang chuyên trách bảo vệ Tổ quốc tế hoạt động ở Cao Bằng (Tổ này được lập ra theo quy định Hiệp định Giơnevơ, gồm đại biểu các nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada để giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam), đảm bảo cho Tổ quốc tế đi lại an toàn, giám sát, ngăn chặn các hành vi trái với khuôn khổ quy định liên quan đến Tổ quốc tế. - Đại đội 16, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh Quân khu, đầu năm 1956 về nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội Cao Bằng. Đầu năm 1957, 5 đại đội trên được hợp nhất Tiểu đoàn 34. Tháng 8.1958. Bộ Tư lệnh Quân khu giải tán D34, thành lập Tiểu đoàn 55 bộ đội thường trực Tỉnh đội Cao Bằng. 2. Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 10. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.285.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 04:43:59 pm » |
|
Năm 1962, Công an nhân dân vũ trang trải qua chặng đường 3 năm xây dựng, hoạt động, chiến đấu, bước đầu lập được một số thành tích đáng tự hào trên cả hai lĩnh vực biên phòng và bảo vệ nội địa.
Ngày 2.3.1962, Bộ Tư lệnh tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua lần thứ nhất toàn lực lượng. Đại hội được tiến hành để kịp thời động viên, cổ vũ những cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực phấn đấu, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào thi đua thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ: “Khắc phục khó khăn. Dũng cảm trước địch. Vì nước quên thân, Trung thành với Đảng. Tận tuỵ với dân”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Dự Đại hội có 244 đại biểu, đại diện cho 400 chiến sỹ thi đua và hàng ngàn chiến sỹ giỏi trong toàn lực lượng. Đại hội rất vinh dự và xúc động được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Bác nói: “Đại bộ phận các chú công tác ngoài đảo, nơi biên cương, non xanh nước biếc, xa đồng bằng, xa thành phố, hoàn cảnh gian khổ hơn anh em khác nên Trung ương và Chính phủ thường xuyên quan tâm đến các chú và bản thân Bác cũng quan tâm đến các chú”. Bác ân cần căn dặn: “Cán bộ và chiến sỹ phải thi đua bền bỉ liên tục, phải cố gắng hơn nữa, phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu xâm nhập, phá hoại của kẻ địch, phải cố gắng học tập quân sự, chính trị, nghiệp vụ...”
Bác tặng lực lượng Công an nhân dân vũ trang lá cờ “Thi đua khá nhất” để làm giải thưởng luân lưu và thân ái tặng cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng bài thơ:
“Non xanh nước biếc trùng trùng Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao Núi cao sự nghiệp càng cao Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu Thi đua ta quyết giật cờ đầu".
Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vũ trang Cao Bằng nơi địa đầu của Tổ quốc cũng như cán bộ, chiến sỹ trên mọi miền đất nước cảm nhận, thấm thía sâu sắc tấm lòng và tình cảm thương yêu bao la của Bác Hồ dành cho người chiến sỹ; xúc động trước sự cảm thông sâu sắc, chí tình của Người đối với những gian lao, vất vả của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Sau đại hội, ngày 5.4.1962, Bộ Tư lệnh - Cục Chính trị phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác và phấn đấu giành cờ thưởng luân lưu của Bác.
Bước sang năm 1963, các hoạt động khiêu khích, do thám bằng cả đường biển, đường không, đường bộ qua tuyến biên giới Việt - Lào, hoạt động gián điệp, biệt kích của Mỹ - Diệm ngày càng tăng cường và táo bạo hơn.
Trước những hành động mới của địch, Đảng ta có nhiều chủ trương, biện pháp, nghị quyết, chỉ thị nhằm chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chủ động đối phó và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động gián điệp, biệt kích của kẻ thù. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tổ chức rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến phòng chống gián điệp, biệt kích trên địa bàn tỉnh, tiếp tục phối hợp với các lực lượng công an và các đơn vị của Tỉnh đội để hoàn chỉnh các phương án phòng chống gián điệp, biệt kích ở 39 xã thuộc địa bàn xung yếu và 8 huyện biên giới. Các đồn biên phòng đã phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, dân quân, công an các xã giáp biên tổ chức diễn tập bao vây, truy lùng tiêu diệt gián điệp, biệt kích. Đồng thời, Ban Chỉ huy tỉnh đã lập các tổ công tác gồm cán bộ của các ban tham mưu, chính trị, trinh sát, hậu cần đến các đồn, trạm, 2 đại đội cơ động và các phân đội bảo vệ để phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá công tác chuẩn bị phòng chống gián điệp, biệt kích; kiểm tra công tác bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Ban Trinh sát và Ban Chính trị Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ đạo lực lượng trinh sát viên và các tổ, đội vận động quần chúng các đồn có kế hoạch tăng cường hoạt động của các mạng lưới bí mật, mạng lưới đặc tình, nhằm chủ động, phát hiện kịp thời di biến động của các loại đối tượng...
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 04:45:13 pm » |
|
Trước mưu đồ mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, quán triệt Chỉ thị số 67 và 75-CT, ngày 10.10.1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh đã đề ra nhiệm vụ cho toàn lực lượng phải: “Tăng cường thường trực chiến đấu chống mọi âm mưu khiêu khích phá hoại của địch đối với miền Bắc”1.
Ngày 29.3.1964, Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 57/TL chỉ rõ nhiệm vụ của toàn lực lượng lúc này là phải nâng cao cảnh giác chính trị, nâng cao chí khí chiến đấu, chủ động ứng phó mọi bất trắc xảy ra; phải khẩn trương, kiên quyết diệt địch ổn định tình hình trật tự trị an, bảo vệ an toàn các mục tiêu và phải đối phó với bọn phản cách mạng lợi dụng thời cơ hoạt động phối hợp với kẻ địch bên ngoài xâm nhập vào gây hỗn loạn, hoang mang trong quần chúng”.
Chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh, trực tiếp của Tỉnh uỷ Cao Bằng, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã xây dựng các “kế hoạch toàn diện”, phương án đề phòng địch khiêu khích lớn, chống gián điệp, biệt kích; phòng chống địch tập kích vũ trang và bắn phá bằng không quân, phương án phòng không - sơ tán...
Để các phương án, kế hoạch có thể thực hiện tốt khi có tình huống, các đơn vị bảo vệ, đại đội cơ động, đồn, trạm đã tổ chức 54 lần diễn tập báo động, 73 lần diễn tập hiệp đồng chiến đấu ở tất cả các huyện giáp biên với công an và dân quân xã, 2 lần diễn tập báo động di chuyển địa điểm và tham gia tổng diễn tập chung theo kế hoạch của Uỷ ban hành chính tỉnh; đào mới và sửa chữa hơn 2.500m giao thông hào và hàng ngàn hầm cá nhân. Các đồn, trạm biên phòng, đại đội cơ động, các phân đội bảo vệ mục tiêu, cơ quan bộ đều được Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh hướng dẫn xây dựng các công sự bắn máy bay địch; lập các đài quan sát, tổ trực phòng không, trực chiến máy bay địch...
Ngày 29.4.1964, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần II, tập trung xây dựng phương hướng lãnh đạo toàn Đảng bộ, đơn vị chuẩn bị đối phó với âm mưu, hành động mới của địch, bảo vệ an toàn biên giới và các mục tiêu nội địa. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí (9 chính thức và 2 dự khuyết). Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Hà Thế Vũ, Bí thư; Lục Văn Đới, Phó bí thư và các đồng chí ủy viên: Lương Xuân Cẩm, Nông Văn Đàn, Đàm Thúy Sơn. Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ 6 đồng chí. Trong đó có 4 đồng chí chính thức: La Văn Cừu, Đinh Ngọc Tuy, Triệu Quang Cánh, Bế Văn Khuyến và 2 đồng chí uỷ viên dự khuyết: Đàm Quang Đức, Lý Trung Khính.
Ngay trong tháng 6.1964, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh đã chỉ thị cho các đơn vị trong lực lượng “phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo nâng cao thường trực chiến đấu, có kế hoạch bảo vệ biên giới và nội địa một cách toàn diện để chuẩn bị đối phó với mọi khả năng hoạt động của địch; sắp tới, đặc biệt là những tháng 6, 7, 8.1964 là thời gian địch có thể tập trung hoạt động mạnh”
Rạng sáng ngày 5.8.1964, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cũng như nhiều đơn vị tỉnh thành khác nhận được điện của đồng chí Tham mưu trưởng lực lượng chuẩn bị chiến đấu. Các đài quan sát, các tổ theo dõi phát hiện bằng mắt thường và ống nhòm của các trận địa phòng không ở nhiều đồn, trạm biên phòng đều phát hiện có máy bay địch.
Từ thời khắc này trở đi, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng với quân dân cả nước bước vào một cuộc chiến đấu mới và đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng củng cố, ổn định mọi mặt để chuyển mọi hoạt động từ trạng thái thời bình sang thời chiến, đáp ứng yêu cầu đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc, tiếp tục chi viện cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. _____________________________________ 1. Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang: Báo cáo tổng kết 10 năm công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang (1959 - 1969).
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #36 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2023, 02:05:43 pm » |
|
CHƯƠNG 2 CÙNG QUÂN DÂN CAO BẰNG CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ. QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG THỜI CHIẾN 1964 -1975 I. CHUYỂN HƯỚNG MỌI MẶT HOẠT ĐỘNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ CỦA THỜI CHIẾN Trước hành động liều lĩnh, trắng trợn của đế quốc Mỹ, ngày 7.8.1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 81/CT-TW khẳng định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải “tăng cường sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu của địch khiêu khích phá hoại miền Bắc”. Bản chỉ thị nêu rõ các lượng vũ trang, Công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ phải nhận rõ trách nhiệm nặng nề của mình trong tình hình mới. Trung ương Đảng chỉ đạo cần tập trung vào 3 mặt công tác lớn là: - Công tác phòng không nhân dân. - Công tác phòng chống địch xâm phạm vùng biển, biệt kích và tập kích ven biển, biên giới, giới tuyến. - Công tác trấn áp bọn phản cách mạng, diệt biệt kích, thổ phỉ, giữ gìn an ninh trật tự. Tiếp đó, Bộ Công an liên tiếp ra các chỉ thị chỉ đạo toàn diện các hoạt động của lực lượng. Chỉ thị “đối phó với tập kích vũ trang” (8.1964), Chỉ thị “chống gián điệp biệt kích”; “đẩy mạnh phòng không nhân dân” (9.1964), Nhật lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an (9.1964)... Trên cơ sở đó, ngày 10.8.1964, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh ra chỉ thị số 38/CT-BTL khẳng định toàn lực lượng phải “tích cực chuẩn bị thường trực chiến đấu để đập tan những hoạt động khiêu khích phá hoại lớn miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai”. Ngày 7.9.1964, Hội nghị chính trị toàn lực lượng được tổ chức tại Hà Nội để quán triệt và thực hiện Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị. Hội nghị xác định nhiệm vụ của toàn lực lượng là “phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, không ngừng quán triệt sâu sắc âm mưu, hoạt động của địch, hiểu rõ sức mạnh của ta, nâng cao tinh thần cảnh giác, thường trực chiến đấu, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; kiên quyết đập tan âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ và tay sai khiêu khích phá hoại miền Bắc”. Hội nghị cũng đã xác định rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo vệ mặt đất và bắn hạ máy bay địch của các đơn vị Công an nhân dân vũ trang là: “Bảo vệ mặt đất là chính. Tích cực tham gia bắn hạ máy bay địch để bảo vệ tốt các mục tiêu ở mặt đất”. Theo định hướng của hội nghị, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng các đơn vị, tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh tiếp các kế hoạch, biện pháp củng cố đơn vị về các mặt tổ chức, tư tưởng, công tác chỉ huy chỉ đạo, hiệp đồng chiến đấu, kiểm tra thực hiện chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến ở các đơn vị, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Ngay sau đó, Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh tổ chức cuộc họp bất thường chủ trương điều chỉnh, bổ sung kế hoạch công tác năm và xác định các nhiệm vụ đột xuất theo Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị chính trị toàn lực lượng. Thực hiện chủ trương đó, các mặt công tác rà soát hoàn chỉnh hồ sơ chính trị xã được các cấp đơn vị khẩn trương thực hiện. Qua đó, tình hình chính trị của địa bàn biên phòng, sự thay đổi di biến động của các loại đối tượng nhanh chóng được kiểm tra đánh giá lại. Điều này có tác dụng tích cực giúp các ban của cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, nhất là Ban Tham mưu, Ban trinh sát và chỉ huy các đồn biên phòng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phương án phản gián, phương án phòng chống gián điệp biệt kích, chống địch tập kích đổ bộ... Cùng với việc hoàn chỉnh hồ sơ chính trị xã, kế hoạch làm trong sạch địa bàn (kế hoạch K69) 1 được Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy lên ở cường độ cao. Trong hơn 4 tháng cuối năm 1964, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã cơ bản lập xong hồ sơ các loại đối tượng ở tất cả 35 xã biên giới của tỉnh và xây dựng xong các loại phương án bắt khẩn cấp những đối tượng nguy hiểm, phương án di chuyển các đối tượng ra khỏi địa bàn trọng điểm của khu vực biên giới khi có tình hình đột xuất. ______________________________________ 1. Kế hoạch K69 thực hiện theo Chỉ thỉ 69-VP/4, ngày 14.12.1960 của Bộ Công an, được các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trên toàn miền Bắc thực hiện từ năm 1961, nhằm điều tra nắm vững tình hình toàn diện địa bàn, chống địch hoạt động ẩn nấp... chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để đối phó với âm mưu gây chiến của Mỹ - Diệm.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2023, 02:07:30 pm » |
|
Đồng thời, để đảm bảo yếu tố chiến lược trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ an ninh trật tự cho khu vực biên giới, căn cứ Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 46/CT-CB, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về đẩy mạnh bảo vệ trị an”, căn cứ vào định hướng của Hội nghị chuyên đề bảo vệ trị an của Khu Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc (họp cuối tháng 6.1964), căn cứ chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh đề ra cho khu vực biên phòng trong năm 19641, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh bố trí cán bộ tăng cường cho tất cả 9 đồn biên phòng, đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an ở 35 xã của toàn bộ 7 huyện biên giới và hai địa bàn xung yếu ở phía tây nam huyện Bảo Lạc và tây nam huyện Thạch An. Lực lượng đảm nhiệm trực tiếp tại hai địa bàn này là hai đại đội cơ động biên phòng của tỉnh.
Hoạt động của các đơn vị Công an nhân dân vũ trang được tiến hành dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, kết hợp với lực lượng của Ty Công an tăng cường, công an huyện, xã và các ngành có liên quan. Các đơn vị tập trung củng cố, nâng cao chất lượng phong trào ở 20 xã đã triển khai xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 1963 và tiếp tục phát động ở 15 xã khác của toàn tuyến. Kết quả, cuối năm 1964, phong trào bảo vệ trị an đã đi vào hoạt động nề nếp và phát triển đều khắp ở 35 xã trong 7 huyện biên giới. Trong đó, xã Quang Long (huyện Hạ Lang) và xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), tiếp tục phấn đấu giữ vững được danh hiệu lá cờ đầu. 20 xã được Ủy ban hành chính tỉnh công nhận danh hiệu phong trào khá (đạt tỷ lệ 57,14%), 11 xã được xếp loại trung bình (đạt tỷ lệ 31,43%). Còn 2 xã có nhiều khó khăn nên mặc dù đã phát động nhưng phong trào chưa hoạt động được tốt (chiếm 5,71 %).
Qua một năm hoạt động, gắn bó với phong trào, các đơn vị biên phòng được cấp uỷ, chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện đã mở được các lớp huấn luyện kỹ, chiến thuật quân sự cho 236 cán bộ tiểu đội đến xã đội trưởng dân quân; bồi dưỡng nghiệp vụ công an cho 332 công an xã, xóm. Các đồn biên phòng cùng các đảng uỷ, chi uỷ xã củng cố được 82 hợp tác xã đang có nguy cơ hoặc đã tan vỡ, xây dựng phát triển thêm được 20 hợp tác xã mới, xây dựng thêm 236 cơ sở tai mắt trong quần chúng; nhận được 417 nguồn tin do quần chúng cung cấp, tố giác tội phạm. Trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị. Từ các nguồn tin do quần chúng trong đồng bào các dân tộc cung cấp, các đơn vị đã phát hiện, lập các phương án đấu tranh với bọn phản động và âm mưu của địch, hoàn thiện 23 hồ sơ báo cáo về tỉnh và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Khu Việt Bắc, được trên duyệt bắt 9 đối tượng đưa đi tập trung cải tạo dài hạn. Cải tạo tại chỗ 259 đối tượng là tề, nguỵ, phỉ cũ và các thành viên trong các đảng phản động chưa chịu cải tạo...
Phong trào bảo vệ trị an năm 1964 cũng đã tạo khí thế mới cho quần chúng đấu tranh trấn áp các đối tượng phạm pháp hình sự và các tệ nạn xã hội. Nhờ đó, các hoạt động buôn lậu, vượt biên, cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút thuốc phiện... đều giảm. Tình hình đánh bạc vốn phát triển ở các xã Quang Long (huyện Hạ Lang), Nội Thôn, Ngoại Trung, Cần Yên (huyện Hà Quảng), Hùng Quốc, Tri Phương (huyện Trà Lĩnh)... đến cuối năm 1964 hầu như đã được thanh toán. Số lượng người nghiện thuốc phiện ở các xã biên giới đều giảm nhiều: xã Quang Long có 86 người nghiện đã cai xong 84 người. Còn lại 2 người tiếp tục cai nghiện. Xã Thị Hoa đã cai được 19/19 người. Xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh có 29 người nghiện, đã cai được 17 người; 12 người còn lại đều là người già, tuổi cao sức yếu, tiếp tục cai nhưng rất khó khăn... Nhờ phong trào bảo vệ trị an đạt hiệu quả tốt, nên các mặt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã biên giới của tỉnh năm 1964 giữ vững được trạng thái ổn định.
Trong công tác chuẩn bị phục vụ các phương án chiến đấu chống địch khiêu khích quy mô lớn, chống tập kích đổ bộ, chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của đế quốc Mỹ và tay sai, các loại hầm hào công sự, các công trình đảm bảo phòng tránh, các loại trận địa phòng không, trận địa phòng thủ, bảo vệ mục tiêu... được các đơn vị, đồn, trạm biên phòng nghiêm túc xây dựng trên cả hai địa bàn biên giới và nội địa. Chỉ 5 tháng cuối năm 1964, ở cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, ở các khu vực có các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu nội địa và các đồn, trạm biên phòng trong tỉnh đã đào thêm được gần 3.000m, sửa chữa gần 2.000m giao thông hào, đào được 1.680 hố chiến đấu cá nhân; cùng dân quân địa phương xây dựng và củng cố 97 trận địa, củng cố 36 công sự trận địa trung liên, đại liên, súng cối. _______________________________________ 1. Phải đảm bảo 100% số xã được phát động: 30 – 50% số xã có phong trào khá, xây dựng được xã lá cờ đầu toàn diện.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2023, 02:08:13 pm » |
|
Các đơn vị, đồn, trạm biên phòng trong điều kiện phải thường xuyên tăng cường các mặt công tác thường trực chiến đấu, công tác lao động tăng gia sản xuất cải thiện đời sống của bộ đội, công tác đột xuất chống bão lụt, giúp dân, tu bổ doanh trại mất nhiều thời gian, nhưng vẫn duy trì đều đặn công tác huấn luyện, hoàn thành được gần 80% chương trình. Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ đạo các đơn vị mở được 15 đợt huấn luyện cho 225 cán bộ trung, tiểu đội, hạ sĩ quan và chiến sỹ. Nội dung các lớp huấn luyện bao gồm các chuyên đề, khoa mục về kỹ, chiến thuật quân sự, nghiệp vụ an ninh - biên phòng, chính trị, binh khí và xạ kích, tập bắn máy bay bay thấp, chiến thuật bao vây, truy lùng gián điệp biệt kích... Thời gian các đợt tập huấn, huấn luyện ngắn hạn thường từ 7 - 10 ngày. Lớp dài hạn từ 30 - 45 hoặc 60 ngày.
Qua huấn luyện, trình độ nhận thức về âm mưu thủ đoạn của địch, về kỹ, chiến thuật, nghiệp vụ của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt phần lớn anh em đã sử dụng thành thạo các loại vũ khí, phương tiện, trang bị có trong biên chế, biết cách vận dụng và xử lý các tình huống, tưởng định trong tác chiến đánh địch. Trình độ kỹ, chiến thuật và phối hợp tác chiến giữa chiến sỹ cũ và chiến sỹ mới nhanh chóng hoà đồng.
Trong các hoạt động chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, sẵn sàng chiến đấu chống địch khiêu khích, phá hoại miền Bắc, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời của Bộ Tư lệnh, của Khu uỷ Việt Bắc, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và Tỉnh uỷ Cao Bằng; sự liên lạc, phốỉ hợp chặt chẽ của Quân khu Việt Bắc và các lực lượng liên quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nhờ đó, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị được chuẩn bị tốt, thường xuyên được duy trì. Các chế độ trực ban, trực chiến được chấn chỉnh và cải tiến, sắp xếp lại chặt chẽ hơn. Các chế độ sinh hoạt, học tập trong ngày, trong tuần theo quy định mới được duy trì thành nề nếp, ổn định. Từ cơ quan bộ đến các đơn vị, đồn, trạm chuyển trạng thái đáp ứng yêu cầu của thời chiến.
Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh phổ biến quy định mới, yêu cầu các đơn vị, đồn, trạm phải duy trì chế độ trực chiến. Hàng ngày vào lúc 4 giờ và 16 giờ, các đơn vị, đồn, trạm phải báo cáo về tỉnh. Cán bộ, chiến sỹ về tỉnh dự hội nghị hoặc dự các lớp tập huấn, lưu trú trong cơ quan bộ đều được tổ chức thành các bộ phận, có phân công cán bộ chỉ huy, phòng khi có tình huống đều có thể tham gia cơ động, chiến đấu được ngay. Để sẵn sàng tham gia chiến đấu bắn hạ máy bay Mỹ, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất thực hiện quy định mọi đơn vị, đồn, trạm được trang bị hoả lực trung, đại liên đều phải tổ chức trực chiến phòng không. Các loại khí tài, trang bị chưa dùng đến đều phải thực hiện sơ tán đưa xuống hầm bảo quản cất giữ. Khi ra thao trường hay đi dã ngoại, chỉ huy các đơn vị phải dự kiến tình huống, chuẩn bị kế hoạch bắn máy bay, phân công nơi trú ẩn. Sau mỗi tháng, quý hoạt động, công tác, Ban Chỉ huy tỉnh thực hiện chế độ định kỳ sơ - tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và kịp thời phổ biến cho các đơn vị học tập.
Nghị quyết của các cấp bộ Đảng trong Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trước yêu cầu mới đã thường xuyên coi trọng lãnh đạo công tác thường trực chiến đấu, phòng không sơ tán, lãnh đạo công tác hậu cần, thông tin và các mặt đảm bảo khác, sẵn sàng đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến đấu, nhằm chủ động hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, hạn chế mọi thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản.
Các đơn vị bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa như bảo vệ Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, ngân hàng, canh giữ trại giam... khi có báo động phòng không phải thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, tập trung quan sát, kịp thời phán đoán, xử lý, bảo vệ an toàn các mục tiêu, an toàn cho các đồng chí lãnh đạo của tỉnh.
Các phân đội làm nhiệm vụ bảo vệ cơ động trên đường di chuyển phải cảnh giác, kịp thời trấn áp bọn phản động lợi dụng tình hình xấu để hoạt động. Các trại giam phải theo dõi chặt phạm nhân, sẵn sàng ngăn chặn và đối phó hiệu quả với những hành động trốn trại...
Từ cuối năm 1964, bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích “trả đũa” miền Bắc. Tại Cao Bằng, địch đã có những hoạt động tung gián điệp, biệt kích. Chúng đã tiến hành 12 đợt do thám bằng máy bay trinh sát qua các vùng Thạch An, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Bảo Lạc... Đồng thời, bọn phản động có âm mưu gây rối trở lại. Núp dưới danh nghĩa một số lang băm, thầy cúng, chúng ra sức xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, điều tra, do thám các mục tiêu dân sự và quân sự của ta ở thị xã và một số vùng biên giới nhằm tiếp tay cho đế quốc Mỹ mở rộng mục tiêu đánh phá.
Đối phó với các hành động khiêu khích của địch, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định trang bị thêm một số vũ khí, tăng cường hoả lực cho các đơn vị, nhắc nhở và kiểm tra các đơn vị tăng cường công tác phòng chống, đánh trả máy bay Mỹ. Các đơn vị cũng đã xúc tiến mạnh việc làm nòng cốt và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị số 15/TTg-HC, của Thủ tướng Chính phủ “về công tác sơ tán nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp ra ngoài thành phố, thị xã, thị trấn và các khu vực đông dân cư”.
Tại thị xã Cao Bằng, chủ trương của tỉnh lúc này là các cơ quan, công sở phải sơ tán khỏi thị xã từ 3 đến 15 km.
Tại các địa bàn trọng điểm, các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đã cùng cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng ở địa phương hiệp đồng hoàn thiện thêm việc tổ chức, xây dựng, củng cố các trận địa phòng không, các phương án chiến đấu, thực hiện phòng không nhân dân, “toàn dân diệt biệt kích”, sẵn sàng chiến đấu đánh trả mọi hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ và tay sai.
Đến cuối năm 1964, các công việc cần thiết cho việc chuyển mọi mặt hoạt động từ trạng thái thời bình sang thời chiến được các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng quân dân trong tỉnh chuẩn bị hoàn tất. Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng toàn lực lượng và quân dân cả nước đã ở vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng đánh trả mọi mưu đồ, hành động leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
chuongxedap
Đại tá

Bài viết: 13138
|
 |
« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2023, 10:09:39 pm » |
|
II. CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, BẢO VỆ CÁC MỤC TIÊU NỘI ĐỊA VÀ CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA, CHI VIỆN LỰC LƯỢNG AN NINH MIỀN NAM
Năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” thay cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đồng thời leo lên nấc thang mới trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh trên phạm vi cả nước, đã làm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đứng trước những yêu cầu, thử thách mới.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 11 (từ ngày 25 đến 27.3.1965) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) nhận định quân Mỹ và quân chư hầu có thể được đưa vào miền Nam ngày càng nhiều, sẽ tăng cường ném bom, phong toả đường biển và tập kích ra một số vùng ở miền Bắc. “Hội nghị quyết định chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc sang thời chiến, nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng và tổ chức trong thời kỳ mới, cho đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, về chuyển hướng công tác tổ chức, phải điều chỉnh lực lượng cán bộ, công nhân viên giữa các ngành và các địa phương”1.
Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng nhiều cơ quan dân, chính, Đảng đều tích cực nghiên cứu đề xuất nhiều kế hoạch, phương án nhằm phát huy sức mạnh của các cấp tổ chức, cơ quan, đơn vị phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Năm 1965 là thời điểm Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng toàn lực lượng đã trải qua chặng đường 6 năm xây dựng, công tác, chiến đấu, lập được nhiều thành tích vẻ vang. Bộ Chính trị đánh giá từ ngày thành lập đến đầu năm 1965, “lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã dần dần được tăng cường và củng cố về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, được sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã có nhiều cố gắng và đã đạt được nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, trong việc giữ gìn trị an ở khu vực biên giới và bảo vệ an toàn các mục tiêu ở nội địa. Nói chung, đã làm tròn nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng bộ đội chủ lực, công an nhân dân, dân quân tự vệ giữ vững trật tự trị an chung toàn miền Bắc”2.
Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước, đặc biệt trước nguy cơ đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Quân ủy Trung ương cùng Đảng đoàn Bộ Công an đã phối hợp nghiên cứu, đề xuất lên Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo phương hướng điều chỉnh. ________________________________________ 1. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập II. Sđd. tr.295 - 297 2. Nghị quyết số 116-NQ/TW, ngày 28.4.1965, của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam "về việc phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang trong việc bảo vệ trị an ở miền Bắc và điều chỉnh tổ chức lực lượng Công an nhân dân vũ trang”.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
|