Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Chín, 2023, 08:24:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009  (Đọc 1852 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:07:41 am »


Ngay khi Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng mới thành lập, Tỉnh uỷ đã nghiên cứu, đề xuất lên khu uỷ Việt Bắc và Trung ương tăng cường chỉ đạo nhiều mặt công tác xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia trên phạm vi địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 31.8.1959, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Thông tư số 78, ngày 31.8.1959, để chỉ đạo các cấp ban, ngành thống nhất về “phương châm, nhiệm vụ công tác biên giới Việt - Trung... và củng cố công tác biên giới” ở tỉnh Cao Bằng. Tỉnh uỷ giao cho các huyện tổ chức họp bàn với chi ủy các xã biên giới để thành lập Ban biên giới huyện và giao cho các “chi uỷ phân công một chi uỷ viên theo dõi công tác biên giới”1. Đây là thời gian đảng viên các đồn biên phòng sinh hoạt chung với chi bộ xã biên giới, nên việc triển khai xây dựng đồn biên phòng và thực hiện công tác bảo vệ biên giới diễn ra khá thuận lợi.

Cuối năm 1959, Tỉnh uỷ Cao Bằng triển khai thực hiện Công văn số 754-VP.TW, của Ban Bí thư về việc các cấp uỷ trực tiếp lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang và thực hiện sự chỉ đạo của Khu uỷ Việt Bắc (Công văn số 167) cho phép các tỉnh thành lập các chi bộ, liên chi bộ Công an nhân dân vũ trang trực thuộc Tỉnh uỷ khi chờ Trung ương quyết định về tổ chức hệ thống Đảng trong lực lượng công an vũ trang.

Ngày 10.12.1959, Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Cao Bằng ra Nghị quyết số 233/NQ-CB, “tạm thời quyết định thành lập Đảng uỷ trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh và chỉ định Đảng uỷ viên” gồm 3 đồng chí: Đàm Như Lai, Tỉnh uỷ viên dự khuyết làm Bí thư, đồng chí Hoàng Khiêm và Hà Thế Vũ, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang làm Đảng uỷ viên.

Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được thành lập tuy chỉ mới có 2 chi bộ, nhưng bước đầu mở ra giai đoạn mới cho việc lãnh đạo xây dựng các mặt công tác và chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Đảng uỷ đã sớm nghiên cứu xây dựng các nghị quyết về xây dựng đảng, tổ chức đoàn thanh niên, tạo nguồn cán bộ, xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng, phát động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ trị an, xây dựng đời sống mới, xây dựng địa bàn... nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng.

Ngày 5.3.1960, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra nghị quyết chuyển chi bộ Ty Công an trực thuộc Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang.

Ngày 10.9.1961, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra nghị quyết thành lập Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang trực thuộc Tỉnh uỷ (và tách Công an hành chính thành một chi bộ riêng trực thuộc Đảng uỷ dân chính đảng cơ quan xung quanh tỉnh). Trong năm 1961, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần I, bầu đồng chí Nguyễn Bảo làm Bí thư, đồng chí Hà Thế Vũ làm Phó Bí thư2.

Để hoàn thiện tổ chức và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Ban chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 13.3.1961, “Quy định về hệ thống tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Ngày 10.9.1961, thực hiện quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Nghị quyết 96-NQ/TU thành lập Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng và các chi bộ Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh. Nghị quyết nêu rõ: Đảng uỷ Công an trước đây thành lập chung cả công an hành chính và công an nhân dân vũ trang nay được tách và thành lập Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang riêng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ.

Với cơ chế lãnh đạo mới, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bước vào một giai đoạn phát triển mới, thuân lợi cho việc phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cùng toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang trên toàn miền Bắc và cũng là giai đoạn phải đảm nhận mọi trọng trách thiêng liêng, thực hiện sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
______________________________________
1. Báo cáo tình hình biên giới Cao Bằng của Tỉnh uỷ Cao Bằng, số 46BC/CB, ngày 01.12.1960.
2. Do tài liệu văn bản chưa sưu tầm được, nên còn thiếu nội dung Đại hội và danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 08:10:03 am »


II. BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, TRIỂN KHAI HỆ THỐNG ĐỒN, TRẠM BIÊN PHÒNG, XÂY DỰNG PHÒNG TUYẾN NHÂN DÂN, TIỄU PHỈ, CHỐNG ĐẶC VỤ, BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG, NỘI ĐỊA

Sau khi được thành lập, từ tháng 6.1959, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã tiếp nhận hơn 200 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Ty Công an, Tỉnh đội Cao Bằng bàn giao và chuẩn bị triển khai đóng các đồn biên phòng trên biên giới.

Căn cứ thông báo của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội, Ty Công an, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tranh thủ phổ biến cho các cấp đơn vị trực thuộc về tình hình, nhiệm vụ, đặc điểm của khu vực biên giới, hoạt động của các loại đối tượng, đặc điểm của đồng bào các dân tộc thiểu số... Đồng thời, nhanh chóng nắm bắt diễn biến tư tưởng của CBCS, kịp thời tổ chức sinh hoạt chính trị, giải quyết những vướng mắc, tạo sự yên tâm, thống nhất tư tưởng và xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới cho cán bộ, chiến sỹ, đảng viên.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới ở những vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, đầy gian nan vất vả; tính chất công việc lại phức tạp, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế... đã phát sinh những khía cạnh khác nhau trong tư tưởng, tâm lý cán bộ, chiến sỹ. Một số anh em chưa yên tâm tư tưởng khi sang nhận công tác ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang; băn khoăn so sánh giữa đơn vị cũ và đơn vị mới, giữa việc ở lại quân đội hay chuyển sang công an...

Để khắc phục tình hình đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; chủ động tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ học tập, quán triệt Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, học tập và làm theo lời huấn thị của Bác Hồ trong ngày thành lập lực lượng “Những tư tưởng không đúng thì cần phải sửa đổi”. Nhiều đồng chí đã liên hệ bản thân rất sâu sắc và tỏ rõ tinh thần xung phong trước các nhiệm vụ mới của đơn vị.

Từ tháng 5.1959, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã tổ chức 3 lớp chỉnh huấn ở Hà Nội. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh dự lớp thứ nhất dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành phố. Các đồng chí đồn trưởng các đồn biên phòng Cao Bằng được triệu tập học tập ở lớp chỉnh huấn thứ hai, trong số 400 đồn trưởng trên toàn miền Bắc. Lớp tập huấn thứ ba dành cho cán bộ cơ quan và đơn vị trực thuộc Ban Chỉ huy Trung ương.

Tháng 7.1959, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Khu Việt Bắc và Tỉnh uỷ Cao Bằng, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thực hiện đợt chỉnh huấn trong toàn tỉnh để quán triệt nghị quyết Hội nghị chính trị lần thứ nhất của lực lượng (tổ chức tại Hà Nội ngày 18.5.1959).

Năm 1960 - 1961, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn tỉnh học tập, quán triệt và thực hiện các nội dung, định hướng được đề ra trong các hội nghị công tác Đảng, công tác chính trị Công an nhân dân vũ trang (họp tháng 3.1960 và tháng 4.1961). Qua các đợt sinh hoạt, học tập chính trị, ý thức về trách nhiệm, vai trò của người đảng viên cộng sản, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam được khơi gợi trong mỗi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên. Tình hình tư tưởng và nhận thức của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng qua các đợt học tập chính trí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ, chiến sỹ đã xác định được trách nhiệm, vinh dự, tự hào khi đứng trong hàng ngũ của một lực lượng được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân tin cậy, giao phó cho nhiệm vụ thiêng liêng: làm lực lượng nòng cốt bảo vệ biên cương và nội địa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Các mặt hoạt động trên diễn ra trong thời điểm Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng kết hợp thực hiện sự chỉ đạo của trên xây dựng tổ chức lực lượng, xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng, xây dựng thế trận bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới và bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Vì thế, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã kết hợp tổ chức cho CBCS học tập, quán triệt nhiệm vụ chính trị của địa phương; kết hợp thực hiện nhiệm vụ của đơn vị với phục vụ các chủ trương, kế hoạch chung của tỉnh, đã được Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là: “Ra sức củng cố những thành tích... đã đạt được trong 3 năm khôi phục kinh tế... Đồng thời có kế hoạch phát triển từng bước, từng mặt, từng vùng (chú ý rẻo cao) nhằm nâng cao không ngừng đời sống kinh tế, chính trị và văn hoá cho nhân dân các dân tộc, chuẩn bị điều kiện để tiến lên cnủ nghĩa xã hội. Thực hiện nhiệm vụ trên phải tăng cường đoàn kết dân tộc, ra sức nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng các dân tộc. Phải ra sức củng cố Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Đặc biệt chú trọng cấp huyện và xã. Phải giữ gìn trật tự an ninh ở nông thôn, đặc biệt chú trọng vùng biên giới và vùng rẻo cao”1. Đây là điều kiện thuận lợi cho Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng triển khai xây dựng các đơn vị biên phòng và bảo vệ nội địa, nhất là việc triển khai hệ thống đồn, trạm biên phòng ở vùng cao, biên giới.
______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr. 261 - 262.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 02:31:32 pm »


Ngày 8.6.1959, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh công bố quyết định tổ chức biên chế các đơn vị, đồn biên phòng, thành lập các chi bộ, chi đoàn và chuẩn bị mọi mặt liên quan để triển khai toàn bộ cơ cấu tổ chức đến các địa bàn trong tỉnh. Trước hết, Ban Chỉ huy công bố quyết định thành lập Đội bảo vệ trực thuộc Ban Tham mưu làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa tỉnh Cao Bằng. Quân số của Đội có 50 cán bộ, chiến sỹ, do Trung úy Nông Văn Đàn, cán bộ Đội bảo vệ - Ban chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, trực tiếp chỉ huy1. Đội được chia làm 2 bộ phận: một bộ phận do đồng chí đội trưởng trực tiếp phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính tỉnh và ngân hàng tỉnh. Một bộ phận do Thượng sỹ Hà Ngọc Tồn phụ trách, có nhiệm vụ canh giữ trại giam, dẫn giải phạm nhân...

Ngày 10.6.1959, theo lệnh của Ban Chỉ huy tỉnh, các đồng chí Triệu Văn Ú, Phan Lài, Đàm Văn Thưởng, đồng chí Sòi, Lý Văn Cón, Thi Văn Đuổng, Lý Trung Khính, Đàm Trọng Duy, Hà Ngọc Kìm, Nông Văn Báo,. Nguyễn Văn Khôn, Mã Khoang, Hà Thỏ, Bế Khuyến, Mã Trung Tín, Hoàng Phù... nhận quân số biên chế theo từng đồn và chỉ huy CBCS hành quân về các vị trí được xác định trước của 9 đồn Công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng.

Những cán bộ, chiến sỹ nhận nhiệm vụ tại các đồn biên phòng này gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Rời cơ quan Ban Chỉ huy tỉnh hành quân lên biên giới, ngoài ba lô quân tư trang, súng đạn, anh em còn phải mang theo cuốc, xẻng, cưa, đục, xoong, chảo, gạo, muối... Đường đến các đồn rất khó đi, có đoạn cheo leo, hiểm trở. Anh em phải hành quân bộ từ trung tâm tỉnh xuống các vị trí đóng đồn; nơi gần nhất cũng phải vượt qua quãng đường dài khoảng 40 km như Đồn Phai Can, huyện Trà Lĩnh. Xa nhất là Đồn Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 170 km. Sau 7 ngày đêm hành quân liên tục, đơn vị cuối cùng về đến vị trí tập kết theo quy định.

Đến cuối tháng 6.1959, 9 đồn biên phòng của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã cơ bản ổn định tổ chức để triển khai nhiệm vụ. Đó là các đồn: Cốc Pàng, Nặm Quét (huyện Bảo Lạc), Nặm Nhũng, Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Phai Can (huyện Trà Lĩnh), Pò Peo (huyện Trùng Khánh), Tà Lùng (huyện Phục Hoà), Bí Hà, Lý Vạn (huyện Hạ Lang). Hầu hết 9 đồn trên đều tiếp nhận vị trí các đồn, trạm Công an biên phòng của Ty Công an bàn giao. Trước đây, các vị trí này đều là các đồn cũ của Pháp. Cơ sở vật chất hầu như không còn. Riêng hai đồn Tà Lùng và Sóc Giang, cơ sở hạ tầng còn lại một số giao thông hào nhưng chất lượng thấp, thiết kế lạc hậu.

Các đồn công an nhân dân vũ trang biên phòng Cao Bằng buổi đầu đều tạm dựng bằng lều tranh, vách đất. Cán bộ, chiến sỹ phải thay phiên nhau vừa công tác vừa vào rừng lấy tranh, tre, nứa, lá để xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp cơ sở hạ doanh trại, nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, huấn luyện; khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Do không có đường ô tô, nên các việc tuần tra, vận chuyển hậu cần; cán bộ, chiến sỹ đi khám chữa bệnh lúc ốm đau đều phải dùng sức người thồ, cõng, khiêng, cáng... Một số đồn biên phòng được trang bị 1 - 2 con ngựa; chủ yếu là ngựa giống nội và số ít ngựa được nhập từ Mông Cổ; song chỉ sử dụng vào việc tuần tra hoặc vận chuyển lương thực, quân trang2.

Phương tiện đảm bảo thông tin liên lạc cho các đồn những ngày đầu thành lập cũng còn thiếu thốn, chưa thiết lập đuợc hệ thống thông tin liên lạc. Hầu hết các đồn thời kỳ này phải huấn luyện và sử dụng chim bồ câu đưa thư để thực hiện liên lạc, báo cáo về chỉ huy, hoặc thông tin phục vụ hiệp đồng tác chiến với đơn vị bạn.

Điều kiện ăn, ở của nhiều đồn biên phòng, nhất là những đồn ở trên vùng cao, núi đá gặp nhiều khó khăn. Đồn Nặm Quét (huyện Bảo Lạc) nằm trên núi cao, việc đi lại sinh hoạt, làm nhiệm vụ hết sức vất vả. Mùa đông ở đây kéo dài 4 - 5 tháng. Nhiều ngày sương muối phủ trắng rừng; nhiệt độ xuống thấp, thường 3 - 5 độ, có ngày xuống 0 độ hoặc 1 - 2°C. Vì vậy, việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng rau xanh gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Nhiều cán bộ, chiến sỹ biên phòng tuy được trang bị quần áo ấm, mũ bông, nhưng nhiều người vẫn bị ốm đau do thời tiết quá khắc nghiệt... Vùng núi cao ở một số xã thuộc huyện Hà Quảng gặp khó khăn nhất là nạn thiếu nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Nhiều thôn, bản phải đi xa hàng chục cây số, hoặc xuống hang sâu trong núi để lấy nước. Trong khi quân số ít, các đơn vị còn phải thay phiên nhau dành ra một bộ phận để lo công tác đảm bảo hậu cần, vận chuyển quân lương, quân trang, nước cho ăn uống, sinh hoạt...
________________________________________
1. Đồng chí Nông Văn Đàn từng trực tiếp tham gia bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
2. Cả lực lượng có 22 con ngựa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 03:03:11 pm »


Quân số mỗi đồn biên phòng ngày đầu thành lập chỉ có 16 người (như các đồn Phai Can, Pò Peo, Bí Hà). Đồn có quân số nhiều hơn thường có khoảng 24 - 25 người (như đồn Nặm Nhũng, Nặm Quét...). Đông nhất là Đồn Sóc Giang có 30 người. Cấp bậc hàm của các đồn trưởng, chính trị viên đồn thường là thiếu úy hoặc chuẩn uý. Các đồn biên phòng có 4 nhiệm vụ cơ bản là:

- Tổ chức binh yếu địa chí nắm địa hình, địa vật của địa bàn bảo vệ; nắm tình hình chính trị, xã hội, hoạt động của các loại đối tượng như tề, nguỵ, phỉ, đặc vụ, các bọn phản động khác, để phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác tổ chức đấu tranh, bảo vệ sự bình yên trong khu vực biên giới.

- Tham mưu đề xuất kế hoạch và tham gia xây dựng, củng cố cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng; củng cố lực lượng tự vệ, công an xã, xóm. Gắn với các hoạt động bảo vệ biên giới thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Tiến hành công tác vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức chủ quyền quốc gia, quốc giới trong nhân dân; vận động mọi người dân ở biên giới tham gia bảo vệ trị an xóm làng, bảo vệ biên giới; xây dựng cuộc sống mới.

- Thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ - chiến thuật chiến đấu vũ trang và đấu tranh nghiệp vụ biên phòng. Tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới.

Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sỹ phải biết vận dụng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng: vận động quần chúng, trinh sát bí mật, tuần tra vũ trang và quản lý hành chính. Sau này, từ thực tiễn hoạt động và tuỳ tình hình cụ thể từng địa bàn, công an nhân dân vũ trang thực hiện thêm biện pháp nghiệp vụ thứ 5 là thiết kế, xây dựng và sử dụng các công trình kỹ thuật.

Với bản chất và truyền thống của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, lại được khơi dậy mạnh mẽ bởi những lời dạy bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sỹ đã nhanh chóng bám sát và được các cấp uỷ, chính quyền địa phương đón nhận, tạo điều kiện thuận lợi để hoà nhập vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Anh em đã tích cực tìm hiểu tình hình mọi mặt về đời sống chính trị, xã hội, phong tục tập quán... của bà con các dân tộc các bản làng biên giới. Khó khăn lớn nhất của người dân biên giới Cao Bằng lúc này là đời sống kinh tế rất thấp kém. Nhiều bà con còn thiếu đói, thiếu muối ăn, thiếu dầu thắp sáng... Đời sống đồng bào còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên vốn rất khắc nghiệt. Đời sống vật chất khó khăn; nghèo nàn càng làm cho đời sống tinh thần của người dân biên giới thêm hạn chế gấp bội nhất là việc tiếp cận với sách, báo, đài, tiếp cận với các thông tin về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, bà con còn bị kìm hãm, chi phối nặng nề bởi các phong tục tập quán lạc hậu, nhiều tàn dư của chế độ xã hội cũ để lại. Nhiều tệ nạn như tảo hôn, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, nhiều thói quen xấu vẫn tồn tại dai dẳng...

Được cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương giúp đỡ, các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã nhanh chóng nắm bắt được tình hình, đặc điểm các bản làng biên giới của tỉnh. Trong điều kiện phải kết hợp thực hiện nhiều nội dung công tác, đến cuối năm 1959, đầu năm 1960, các đồn biên phòng Cao Bằng đều hoàn thành công tác điều tra cơ bản, đánh giá tình hình tổng hợp khu vực biên giới của tỉnh; làm xong công tác sưu tầm và xây dựng hồ sơ chính trị xã.

Thực hiện quy định chung về tổ chức lực lượng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sớm thành lập các tổ, đội vận động quần chúng, trinh sát, kiểm tra hành chính, tuần tra vũ trang. Các tổ, đội này thường phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ. Năm 1959, quân số của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng còn ít nên các đồn biên phòng chưa thành lập các đội công tác và chỉ mới lập ra được các tổ công tác địa bàn, tổ tuần tra, bộ phận đảm bảo làm công tác hậu cần.

Ngoài bộ phận Trinh sát ở Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, từ năm 1959 đến hết năm 1960, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chưa có nhân lực để bố trí trinh sát viên cho các đơn vị. Năm 1961, với nguồn cán bộ từ công an, quân đội chuyển sang và số học bổ túc nghiệp vụ về, tỉnh có thêm 12 cán bộ trinh sát. Ban chỉ huy tỉnh tăng cường 2 cán bộ cho bộ phận Trinh sát, 10 đồng chí còn lại được bố trí về đồn biên phòng làm trinh sát viên. Nhiệm vụ của lực lượng trinh sát được xác định là phối hợp với các tổ, đội khác và cấp uỷ, chính quyền địa phương hoạt động điều tra, thu thập tình hình về các loại đối tượng, đối phương bằng các nghiệp vụ bí mật; tiến hành đấu tranh theo kế hoạch, chỉ thị của chỉ huy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 03:03:55 pm »


Tổ kiểm soát hành chính ở các đồn biên phòng ở Cao Bằng được tổ chức vào nửa cuối năm 1959. Mỗi đồn được biên chế 3 đồng chí, phần lớn là hạ sĩ quan. Các tổ kiểm soát hành chính thường ở ngay trong đồn biên phòng. Riêng các đồn Tà Lùng, Sóc Giang, Phai Can... đóng tương đối xa đường biên giới nên các trạm kiểm soát hành chính được bố trí đóng ra phía trước, sát đường biên để tiện hoạt động. Nhiệm vụ chính của tổ kiểm soát hành chính là dựa vào quy định của pháp luật và mệnh lệnh, chỉ thị của cấp có thẩm quyền để kiểm soát người, giấy tờ, căn cước, hành lý và hàng hoá trên các phương tiện vận chuyển ở các khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phạm tội và các vi phạm pháp luật khác. Trên cơ sở những quy định đó, các đồn biên phòng có thêm quyền xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy tắc quản lý Nhà nước đối với biên giới quốc gia.

Thời kỳ đầu thành lập các đồn biên phòng ở Cao Bằng, mối quan hệ trên biên giới là hoà bình, hữu nghị. Người qua lại biên giới chủ yếu là bà con các dân tộc địa phương đi thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hoá tiêu dùng. Các tổ kiểm soát hành chính ở các đồn biên phòng tập trung vào hai việc chính là cấp giấy tờ qua lại biên giới cho người dân địa phương và kiểm soát người, phương tiện, hành lý xuất nhập qua biên giới. Công việc còn mới mẻ, cán bộ, chiến sỹ các tổ kiểm soát hành chính vừa làm vừa học tập các quy chế bảo vệ biên giới, các chính sách, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước, tìm hiểu các quy chế quốc tế... Hàng năm, anh em vừa công tác vừa luân phiên nhau về tỉnh, hoặc Ban Chỉ huy Công an vũ trang Trung ương bồi dưỡng nghiệp vụ.

Cùng thời gian này, các đồn biên phòng Cao Bằng còn được phép tổ chức các tổ tuần tra vũ trang. Mỗi đồn được lập một tổ gồm 9 đến 12 cán bộ, chiến sỹ (chiếm tỉ lệ cao so với quân số của đồn, khoảng từ 30 đến gần 50%). Các tổ tuần tra vũ trang có nhiệm vụ tuần tra biên giới, kiểm tra bảo vệ hệ thống cột mốc biên giới, phục kích ngăn chặn, truy lùng các loại đối tượng vi phạm quy chế biên giới, trấn áp các bọn tội phạm, bọn buôn lậu có vũ trang, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự biên giới. Thông thường tổ tuần tra hoạt động theo hình thức công khai. Trong trường hợp cần thiết thì thực hiện tuần tra bí mật. Đó là khi có dấu hiệu hoạt động của địch, đồn biên phòng phải tổ chức tuần tra kết hợp với mật phục, phát hiện dấu vết, hiện tượng xâm nhập, vượt biên, bắt biệt kích, thám báo... Khi tuần tra bí mật, phải đảm bảo nguỵ trang, nghi trang bí mật về trang phục, đội hình, quân số, địa điểm mật phục, nhiệm vụ, đường - hướng, mục tiêu tuần tra.

Ngoài các tổ tuần tra vũ trang ở các đồn, năm 1959, Ban chỉ huy tỉnh còn được phép thành lập một đại đội cơ động Công an nhân dân vũ trang và các đội vũ trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Đại đội cơ động Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được tổ chức như đại đội chủ lực của bộ binh, có 3 trung đội. Mỗi trung đội có 3 tiểu đội. Đại đội cơ động được trang bị gọn nhẹ, gồm súng trường, tiểu liên, trung liên và 1 - 2 chó nghiệp vụ. Đồng chí Bế Khuyến được bổ nhiệm làm đại đội trưởng. Đồng chí Thượng úy Nông Minh Tâm làm chính trị viên đại đội. Đồng chí Nông Khải Hưng làm đại đội phó. Đội vũ trang bảo vệ nội địa thường có quân số một tiểu đội hoặc một trung đội để bảo đảm luân phiên nhau tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu nội địa liên tục 24 giờ trong ngày.

Ngoài ra, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng còn chú trọng thành lập các tổ công tác địa bàn cho các đồn biên phòng. Đây là một trong những cơ sở quan trọng hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ biên phòng và bảo vệ nội địa. Nhiệm vụ của tổ công tác địa bàn là vừa làm công tác trinh sát, nắm tình hình, vừa làm công tác vận động quần chúng; thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; gần gũi bà con trong các thôn xóm, bản làng biên giới; tổ chức, giúp đỡ, tuyên truyền, giải thích để bà con thấu hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng cảm với nhiệm vụ bảo vệ biên giới; chủ động phát hiện tình hình của các loại đối tượng, phục vụ đấu tranh chống lại mọi âm mưu, hành động của địch, bảo vệ cuộc sống bình yên nơi biên giới. Đến cuối tháng 6 đầu tháng 7.1959, mỗi đồn biên phòng ở Cao Bằng đều tạm thời bố trí tổ công tác địa bàn với quân số có từ 2 đến 3 người. Ở những địa bàn có phong trào các mặt đã phát triển, đồn chỉ tạm bố trí 1 người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 03:27:38 pm »


Năm 1960, được Ban Chỉ huy tỉnh bổ sung quân số, mỗi đồn biên phòng của tỉnh được biên chế chính thức một đội vận động quần chúng (còn gọi là đội công tác cơ sở) do thường xuyên bám sát cơ sở tại các bản làng biên giới. Quân số các đội ổn định 3 người, có một đội trưởng chỉ huy chung. Những đồn có phạm vi địa bàn phụ trách rộng, nhiều xã (3 - 5 xã), được phép tổ chức 2 đội vận động quần chúng. Quân số từ 4 đến 7 người.

Cán bộ, chiến sỹ vận động quần chúng xuống cơ sở đã thực hiện 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con địa phương. Đặc biệt, một số đồng chí đã cắt máu ăn thề với đồng bào, tỏ rõ quyết tâm gắn bó lâu dài với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cùng nhân dân biên giới xây dựng cuộc sống mới, thực hiện khẩu hiệu “đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Anh em trong các đội công tác vận động quần chúng xác định trước hết phải tích cực tuyên truyền, vận động và trực tiếp cùng bà con các dân tộc phấn đấu xây dựng nếp sống mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi biên giới. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, dễ động chạm đến phong tục tập quán, động chạm đến thói quen trong đời sống của bà con, nên thường gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ.

Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, vận động nhân dân. Anh em dựa vào lực lượng nòng cốt là đảng viên, thống nhất nội dung, quyết tâm cùng chi bộ, đảng bộ ở địa phương: Đảng viên ở địa phương cùng cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm trước để vận động, lôi cuốn bà con cùng làm. Với nhiều hình thức, biện pháp, cán bộ, chiến sỹ làm công tác vận động quần chúng kết hợp với cán bộ, đảng viên của địa phương vận động từng người, từng nhóm người, từng hộ gia đình; rồi mở rộng ra nhiều người, nhiều hộ, dần dần đến cả thôn bản, cả xã và nhiều thôn xã; vận động mọi lúc, mọi nơi; kết hợp vận động riêng với vận động chung trong các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, trong những hoạt động thường nhật của bà con thôn bản. Quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng, cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn thực hiện phương châm miệng nói, tay làm; tự coi mình là con em của các dân tộc, gần gũi, thương yêu em nhỏ, chăm sóc, giúp đỡ các cụ già, dạy chữ, khám chữa bệnh cho đồng bào, nhường cơm sẻ áo khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, tham gia làm vệ sinh, phát quang, đắp sửa đường đi; cắt tóc, tắm gội cho các em nhỏ. Dần dần các tổ công tác cơ sở của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng từng bước vận động được đồng bào từ bỏ những thói quen, những phong tục lạc hậu, có tác động xấu đến đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Đặc biệt, ở nhiều xã như Đức Hạnh, Cốc Pàng, Cô Ba, Thượng Hà, Khánh Xuân, Xuân Trường (huyện Bảo Lạc)1 có nhiều đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống; cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã kiên trì thuyết phục, vận động đồng bào ở đây từ bỏ lối sống du canh du cư, đốt nương, phá rừng để canh tác, chuyển sang xuống núi định canh định cư, ổn định sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống. Từ những việc làm thiết thực và thái độ tận tuỵ với dân, đồng bào các dân tộc biên giới ngày càng thấy cán bộ, chiến sỹ biên phòng gần gũi, gắn bó với cuộc sống của và tin yêu như con em của thôn bản, sẵn lòng ủng hộ, giúp đỡ, làm theo sự hướng dẫn, tuyên truyền vận động của anh em.

Khi nếp sống mới bước đầu được nhân dân tiếp nhận, hưởng ứng, các đồn biên phòng đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và trực tiếp tham gia đóng góp nhiều công sức cùng địa phương xây dựng các lớp học, xây dựng trạm xá xã, vận động bà con từ bỏ những tập quán cũ lạc hậu, mê tín dị đoan, không tin lời thầy mo thầy cúng; khi ốm đau cần đến trạm xá khám bệnh và dùng thuốc theo hướng dẫn của y tế... Những người hành nghề mê tín, buôn thần bán thánh trong các thôn, bản biên giới của Cao Bằng giảm dần, kể từ khi các đội công tác cơ sở xuống với các biên giới thôn bản.

Quá trình hoạt động tích cực, kiên trì chịu đựng gian khổ, khó khăn của cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng biên giới và đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân hiệu quả hơn. Sự giác ngộ chính trị, trình độ nhận thức về mọi mặt của bà con các dân tộc đã chuyển biến tích cực; nếp sống mới đã từng bước hình thành ở từng thôn, bản biên giới.
_______________________________________
1. Xã Đức Hạnh nay thuộc huyện Bảo Lâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 03:29:23 pm »


Trên cơ sở nắm vững chủ trương, đường lối của các cấp bộ Đảng, chính quyền về hợp tác hoá nông nghiệp, làm ăn tập thể, các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã tích cực tuyên truyền vận động và cùng cấp uỷ, chính quyền, bà con các xã biên giới xây dựng cuộc sống mới như sửa sang, làm mới đường sá, cầu cống, công trình thuỷ lợi loại nhỏ... phục vụ sinh hoạt, đời sống, phát triển sản xuất. Các đơn vị tích cực bám sát, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương tìm biện pháp khêu gợi, phát huy truyền thống, lòng tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; vận động bà con thay đổi tập quán làm ăn cũ. Để có cơ sở thực tế về cách làm ăn mới, các đồn biên phòng đã xin xã cấp đất, làm lúa nước, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao (như cây đỗ tương, cây tam thất...) theo thế mạnh của từng vùng. Qua đó, các đơn vị tạo ra mô hình thí điểm, thuyết phục để bà con làm theo.

Trong khi vừa kiên trì vận động, vừa tham gia làm cùng bà con, cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn tích cực nghiên cứu tham mưu đề xuất với lãnh đạo địa phương các kế hoạch, biện pháp tổ chức bà con từng bước chuyển sang làm ăn tập thể. Đầu tiên là xây dựng các tổ vần công, đổi công. Từ đó có cơ sở để tiến dần lên xây dựng hợp tác xã. Kết quả, sau một năm hoạt động, các xã vùng cao biên giới đã góp phần cùng toàn tỉnh xây dựng được 3.918 tổ công với 23.370, hộ chiếm 50% số hộ của toàn tỉnh. Trong đó, Phong Nặm, Ngọc Khê (Trùng Khánh) là hai xã biên giới tiêu biểu trong phong trào đổi công, hợp tác xã được Ủy ban hành chính tỉnh biểu dương. Ở biên giới Thị Hoa, huyện Hạ Lang, đến ngày 14.6.1960, đã có bà con ở 11 trong số 14 xóm của toàn xã gia nhập hợp tác xã. Ở huyện Hà Quảng, có 9 xã giáp biên giới. Đến ngàv 22.10.1960, đã có các xã Sóc Hà, Cần Yên1, Nà Sác, Trường Hà... xây dựng được 32 hợp tác xã, gồm 660 hộ.

Phong trào xây dựng tổ đội công, hợp tác xã của tỉnh Cao Bằng (trong đó có các xã vùng cao biên giới) phát triển mạnh đã khắc phục được những khó khăn trong sản xuất, cải thiện đời sống của bà con nông dân, nhất là của đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh. Bộ mặt nông thôn bước đầu đổi mới; đời sống kinh tế của người nông dân đã được nâng cao thêm một bước.

Với những kết quả hoạt động thực tế của hơn một năm triển khai xây dựng lực lượng, công tác vận động quần chúng của các đơn vị trên toàn miền Bắc, tháng 8.1960, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã tổ chức Hội nghị công tác chính trị lực lượng lần thứ nhất. Hội nghị đã tập trung thảo luận kỹ, đánh giá sâu sắc và xác định phương hướng tiếp theo cho toàn lực lượng trong công tác được đánh giá là rất trọng yếu trong quá trình thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của lực lượng. Hội nghị đã thống nhất các nội dung đảm bảo thắng lợi cho công tác vận động quần chúng, xây dựng phòng tuyến nhân dân trong thời kỳ tiếp theo của toàn lực lượng, gồm:

- Lời Huấn thị của Bác trong ngày thành lập lực lượng là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn lực lượng, trong đó có công tác vận động quần chúng.

- Muốn tiến hành công tác vận động quần chúng đạt kết quả tốt, trước hết phải đảm bảo nguyên tắc tạo được sự nhất trí giữa cán bộ, chiến sỹ với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trên cơ sở đó, không ngừng tăng cường quan hệ mật thiết với nhân dân, làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, giúp đỡ.

- Phương châm của công tác vận động quần chúng là cán bộ, chiến sỹ tin yêu dân, luôn luôn dựa vào dân, kiên trì vận động nhân dân, ra sức xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân.

- Trọng tâm công tác vận động quần chúng trước hết phải tập trung vào khu vực biên giới xung yếu, vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa, những vùng phong trào bảo vệ trị an còn yếu.

- Nắm vững, thực hiện đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, kết hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương để tiến hành công tác vận động quần chúng nhằm vào yêu cầu chủ yếu là xây dựng phong trào ở địa phương phục vụ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa.

Với những định hướng trên, từ năm 1961 trở đi, công tác vận động quần chúng của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực hiện ngày càng đạt được chất lượng, hiệu quả cao, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

Gắn liền với những hoạt động trên, các đơn vị còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị và phòng trào quần chúng tham gia bảo vệ trị an. Khi các đơn vị biên phòng triển khai lực lượng đóng đồn biên phòng trên biên giới, hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng công an, dân quân các xã giáp biên của tỉnh đã qua gần 5 năm xây dựng. Chất lượng và năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hoạt động của cán bộ cơ sở, của các tỗ chức đoàn thể quần chúng ở các xã giáp biên còn những mặt hạn chế. Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị còn bị chi phối nhiều bởi đời sống kinh tế thường ngày rất khó khăn. Nhiều mặt hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... chưa có sự phối hợp đồng bộ, thành nề nếp, nên còn hạn chế hiệu quả lãnh đạo đối với các phong trào ở địa phương.
________________________________________
1. Xã Cần Yên nay thuộc huyện Thông Nông
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2023, 03:30:34 pm »


Trên cơ sở đánh giá thực trạng cơ sở, nhận rõ nguyên nhân các mặt còn yếu kém, các đồn biên phòng đã tham mưu đề xuất với các cấp uỷ Đảng kế hoạch xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xây dựng xã vững mạnh và đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an. Các đơn vị đã tham gia cùng địa phương tập trung vào bốn khâu, được xác định là “bốn trụ” quan trọng nhất là: Đảng, chính quyền, công an và dân quân.

Trong đó, cơ sở Đảng là khâu giữ vị trí quyết định nhất. Thực tế cho thấy nơi nào tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh thì nới đó phong trào mọi mặt phát triển mạnh và vững chắc. Nơi nào cơ sở Đảng chưa phát huy được vai trò lãnh đạo thì phong trào sẽ yếu kém. Với vị thế của Cao Bằng là quê hương cách mạng nên hầu hết các xã trong tỉnh đều sớm xây dựng được các chi bộ, đảng bộ xã. Từ đặc điểm đó, khi Công an nhân dân vũ trang tỉnh ra đời năm 1959, hầu hết các xã biên giới của Cao Bằng đều đã có các chi bộ, đảng bộ xã với quy mô khác nhau. Đây là điều không phải tỉnh biên giới phía Bắc nào lúc đó cũng có. Trong đó, hơn 61% số xã có số đảng viên gần 30 người trở lên (9 xã gần 30 đảng viên, 9 xã gần 50 đến trên 70 đảng viên, 1 xã có 99 đảng viên). Tuy nhiên, còn khoảng 39% số xã biên giới số đảng viên còn ở mức thấp, chỉ khoảng 10 người, có xã chỉ có 2 hoặc 4 đảng viên, thậm chí có xã chưa có đảng viên (xem bảng thống kê kèm theo). 2 trong số 31 xã chưa có chi bộ. Mặc dù vậy, với tổng số 1.096 đảng viên ở các xã giáp biên là lợi thế về mặt đảng số của khu vực biên giới Cao Bằng so với nhiều tỉnh biên giới khác ở phía Bắc.

Tại các đồn biên phòng Cao Bằng ngày đầu triển khai, công tác tổ chức đảng cũng có điểm tương đồng trong bối cảnh chung đó ở địa bàn. Mỗi đồn chỉ có vài ba đảng viên. Hầu hết các đồn chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, đảng viên các đồn biên phòng được ghép sinh hoạt chung với các chi bộ đảng địa phương. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho các đơn vị gần gũi, gắn bó và nắm vũng các đặc điểm của từng chi bộ. Từ đó, anh em đã tham mưu đề xuất với cấp uỷ đảng nhiều vấn đề cụ thể về làm trong sạch và bảo vệ tổ chức đảng. Những trường hợp lý lịch không rõ ràng, không đủ điều kiện tiêu chuẩn về phẩm chất trong các chi bộ và bộ máy chính quyền xã đã được phát hiện kịp thời để xử lý, đảm bảo sự trong sạch vững mạnh cho bộ máy lãnh đạo, điều hành ở địa phương. Những kiến nghị về nề nếp, nội dung và chất lượng sinh hoạt đảng đã được các chi bộ ở các xã chấp nhận, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền cơ sở. Đồng thời, các đồn biên phòng còn tích cực tham gia công tác phát triển đảng, phát hiện, giúp đỡ những quần chúng tốt tìm hiểu về đảng; giới thiệu những quần chúng ưu tú để các chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng; giúp đỡ các xã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, thôn... Bằng cách làm đó, liên tục từ năm 1959 đến năm 1979, các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã giới thiệu cho Đảng 225 quần chúng ưu tú.

Song song với việc tham gia củng cố, kiện toàn các chi bộ, đảng bộ, hệ thống chính quyền các xã, thôn, cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã; đặc biệt là tham gia xây dựng, củng cố lực lượng, dân quân tại chỗ. Theo đề xuất của các đơn vị, các đảng bộ, chi bộ, chính quyền các xã biên giới của Cao Bằng đã tiến hành tổ chức cho mỗi thôn, xóm bản tuyển chọn từ 1 đến 3 công an viên, xây dựng từ 1 đến 2 tổ an ninh nhân dân, thành lập 1 trung đội (1b) dân quân. Đến cuối năm 1960, các xã biên phòng Cao Bằng đã thành lập được 48 tổ an ninh nhân dân, 70 công an viên, phát triển thêm 98 dân quân.

Sau khi xây dựng, củng cố lực lượng công an, dân quân ở địa bàn, từ năm 1959 đến năm 1964, các đồn biên phòng đã mở các lớp huấn huyện cho đội ngũ công an viên và dân quân với những nội dung và mức độ khác nhau. Đối với dân quân, nội dung huấn luyện chủ yếu tập trung vào sử dụng vũ khí được trang bị, phương pháp tuần tra bảo vệ xóm làng, thôn, bản, tập một số bài võ thuật cơ bản, kỹ thuật quân sự phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Trong 3 năm (1962 - 1964), lực lượng biên phòng đã được huấn luyện 172 lần với 3.003 lượt người tham gia.

Đối với công an viên ở các xóm, xã, các đồn biên phòng tập trung huấn luyện về phương pháp nắm tình hình, tham mưu đề xuất kế hoạch cho cấp uỷ và chính quyền địa phương về công tác đảm bảo an ninh, trật tự; làm nòng côt xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh; các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ năm 1961 - 1964, tổ chức huấn luyện 377 lần với 1.101 lượt người tham gia.

Đối với nhân dân ở biên giới, các đồn biên phòng đã bố trí cán bộ, chiến sỹ luân phiên xuống địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, giúp bà con nâng cao nhận thức, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của địch; tìm hiểu thông suốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị về biên giới... Năm 1962, tổ chức ở 222 xóm, có 6.443 lượt người tham gia; năm 1963, tổ chức ở 195 xóm, có 4.312 lượt người tham gia; năm 1964, tổ chức ở 191 xóm, có 5.196 lượt người tham gia.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 07:25:44 pm »


Qua các đợt tổ chức tuyên truyền, học tập, nhất là quá trình thực hiện “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào các dân tộc, các đồn biên phòng Cao Bằng đã tích cực vận động nhân dân thực hiện “ba phòng” (phòng gian, phòng hoả, phòng tai nạn)1. Với tinh thần tích cực, tận tuỵ của cán bộ, chiến sỹ biên phòng, các cấp uỷ và chính quyền địa phương ngày càng chú trọng hơn đến chủ trương “ba phòng”. Tình hình và kết quả thực hiện “ba phòng” trở thành một nội dung thường xuyên trong các lần sinh hoạt của các cơ sở đảng, trong các cuộc hội họp ở thôn bản, đội sản xuất, hợp tác xã; có kiểm điểm, đánh giá, biểu dương người tốt việc tốt. Từ năm 1960 trở đi, nhân dân các xã biên giới Cao Bằng đã từng bước đưa việc thực hiện “ba phong” vào nề nếp.

Trên cơ sở đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương và khu Việt Bắc, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh phát động đồng bào các dân tộc thực hiện phong trào bảo vệ trị an. Đây là phong trào được phát động từ giữa năm 1957 trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ các cuộc vận động “ba không”, “ba phòng”. Cuộc vận động bảo vệ trị an có ý nghĩa chiến lược trong công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ an ninh trật tự. Nội dung chủ yếu của bảo vệ trị an bao gồm: phòng gian (phòng gián điệp, phản động, lưu manh, trộm cắp...), phòng cháy và phòng tai nạn. Kinh nghiệm của việc thực hiện các phong trào “ba không”, “ba phòng” trước đó đã góp phần giúp cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang triển khai phong trào bảo vệ trị an và sự tham gia phong trào của đồng bào các dân tộc ở 31 xã biên giới tỉnh Cao Bằng từng bước đạt kết quả tốt. Mặc dù đời sống kinh tế rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, thời tiết khắc nghiệt nhưng phong trào bảo vệ trị an ở đây ngày một phát triển, tạo được khí thế mới trong đấu tranh bảo vệ trị an, an ninh trật tự ở nhiều địa phương.

Công tác vận động quần chúng, củng cố hệ thống chính quyền ở cơ sở, phát động và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ trị an đã giúp công tác biên phòng của tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt. Với sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp uỷ, chính quyền và sự giúp đỡ cung cấp các nguồn tin của nhân dân địa phương, ngay trong năm 1959, Công an nhân dân vũ trang đã phát hiện ở địa bàn bảo vệ của đơn vị trong tỉnh còn có 1.486 đối tượng các loại. Năm 1960, các đơn vị lập xong danh sách, phân loại đối tượng, phân loại địa bàn. Đến năm 1964, điều tra bổ sung đầy đủ 1.953 đối tượng; phân loại làm rõ các loại đối tượng. Đáng chú ý, trong số này có tới 1.810 đối tượng phản động, xác lập được số hồ sơ hiềm nghi, làm rõ các đối tượng phỉ, đặc vụ Tưởng, gián điệp của nước ngoài... Đồng thời, nhờ mối quan hệ gần gũi, mật thiết với cơ sở, màng lưới “tai mắt” trong nhân dân ngày càng phát triển rộng. Trong đó, cơ sở bí mật (cơ sở tai mắt) năm nào cũng tăng thêm về số lượng và mở rộng thêm đến các địa bàn mới. Từ năm 1959 đến cuối năm 1962, các đồn Công an nhân dân vũ trang trong toàn tỉnh đã xây dựng được 182 cơ sở bí mật. Năm 1963, tăng thêm 69 cơ sở...

Năm 1962, Cao Bằng gặp những khó khăn gay gắt do hạn hán và sương muối gây ra. Mặt khác, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu quản lý, tổ chức hợp tác xã, mùa màng thất bát, đời sống kinh tế người dân gặp khó khăn. Vì vậy, nông dân ít phấn khởi tham gia hợp tác xã. Năm 1962 đầu năm 1963 là thời kỳ có một bộ phận nông dân xin ra khỏi hợp tác xã, theo thống kê chỉ còn 53,6% (tỷ lệ vùng thấp còn 70%, vùng cao còn 8%).

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các đơn vị công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bám sát cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp với bà con đồng bào các dân tộc tích cực khắc phục khó khăn để sản xuất lương thực (nhất là ngô và các cây màu khác như khoai, sắn, đỗ, lạc...), tuyên truyền để bà con cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của bọn phản động, vận động bà con củng cố hợp tác xã và duy trì phong trào bảo vệ trị an. Năm 1963, trong 35 xã biên giới của tỉnh2, mặc dù còn nhiều khó khăn đã có 801 đảng viên, cán bộ xã, 8.286 lượt quần chúng nhân dân (đạt tỷ lệ gần 90% số dân) tham gia học tập về bảo vệ phong trào trị an. 20 xã duy trì đều đặn phong trào; trong đó có 5 xã đạt khá, 15 xã trung bình; 2 xã chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt có 2 xã Quang Long (huyện Hạ Lang) và Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh) được tỉnh công nhận là lá cờ đầu bảo vệ trị an.

Qua các hoạt động của phong trào, chính quyền và nhân dân các xã khu vực biên giới Cao Bằng đã tiến hành trấn áp, cải tạo 102 đối tượng là tề, nguỵ, phỉ, phản động cũ, đang ẩn náu, ngấm ngầm hoạt động phá hoại; tiến hành giáo dục, cải tạo 18 đối tượng khác; đưa ra kiểm điểm trước nhân dân 51 đối tượng; lập hồ sơ chuyển lên huyện 33 đối tượng. Trước thanh thế của phong trào bảo vệ an ninh, 14 đối tượng phỉ cũ khác phải ra đầu thú trước chính quyền.
______________________________________
1. “Ba phòng" là chủ trương nhằm vận động nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự do Đảng và Nhà nước ta đề ra từ sau ngày miền Bắc giải phóng (năm 1954), đã có tác dụng tích cực vận động quần chúng nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật quốc gia, chống địch thu thập tin tức tình báo.
2. Từ năm 1963, địa giới hành chính của 7 huyện biên giới được chia thành 35 xã.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2023, 07:29:59 pm »


Kế thừa và nối tiếp truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã luôn gắn nhiệm vụ chiến đấu với xây dựng lực lượng và thông qua chiến đấu, trưởng thành để hoàn thiện tổ chức, lực lượng. Vì vậy, vừa triển khai lực lượng lên biên giới, các đơn vị vừa phối hợp cùng quân dân trong tỉnh đấu tranh trấn áp các bọn thổ phỉ, đặc vụ Tưởng, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các bọn gián điệp, biệt kích và các phần tử xấu từ bên ngoài xâm nhập qua biên giới.

Hoạt động thổ phỉ ở vùng núi nước ta là một thủ đoạn hết sức thâm độc của thực dân, đế quốc trong chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” có từ thời Pháp xâm lược. Cuối năm 1959, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các vùng từ Lào Cai đến Hà Giang, Cao Bằng đều bị bọn phỉ, gián điệp, biệt kích, đặc vụ, tàn quân Tưởng, bọn phản động từ Trung Quốc sang hoạt động quấy phá, đe doạ. An ninh trật tự khu vực biên giới phía Bắc bị xáo trộn.

Hoạt động của bọn phỉ câu kết với bọn đặc vụ ở các tỉnh biên giới phía Bắc và cận kề với Cao Bằng, đã gây tác động đến bọn phỉ và bọn đặc vụ nằm vùng ở tỉnh Cao Bằng. Chúng liên lạc, móc nối nhau nhen nhóm lại tổ chức ở một số địa phương; đặc biệt ở một số xã thuộc huyện Bảo Lạc, Hà Quảng... Bọn phỉ ở Cao Bằng vốn được thực dân Pháp tạo lập và nuôi dưỡng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng cách mạng đã tiến hành nhiều đợt tiễu phỉ ở vùng này. Từ năm 1953, các hoạt động móc nối, liên kết của bọn phỉ tại một số địa phượng đã bị quân dân Cao Bằng phát hiện. “Sau hoà bình, nhiều toán phỉ tuy đã bị lực lượng cách mạng tiến công tiêu diệt, song một số tên còn sống sót đã dựa vào rừng núi, câu kết với các phần tử phản động và bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch sang đất ta ẩn náu, mai phục chống phá chính quyền, cướp bóc, hà hiếp nhân dân”1. Đầu năm 1955, bọn phỉ trắng trợn tụ tập, chuẩn bị vũ khí, bàn bạc kế hoạch chống phá chính quyền. Địa bàn phát sinh các hoạt động của bọn phỉ lúc này là các xã thuộc huyện Bảo Lạc như Khánh Xuân, Xuân Trường, Huy Giáp, Sơn Lộ, Thái Học2... Từ Bảo Lạc, lan sang các xã Lương Thông, Cần Yên, Ngọc Động, Yên Sơn (huyện Hà Quảng)3 và các xã Yên Lạc, Vũ Nông... (huyện Nguyên Bình).

Tại các địa bàn trên, bọn phỉ cùng các phần tử thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũ câu kết với bọn đặc vụ Tưởng và các tên tội phạm từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam, tiến hành hoạt động tình báo, xây dựng cơ sở phản cách mạng, căn cứ vũ trang tiến tới gây bạo loạn ở vùng biên giới. Trong những năm 1959 - 1964, Trung Quốc tiến hành các chiến dịch “Tam phản”, “Ngũ phản”, “cách mạng văn hoá”, nên tình hình nội bộ Trung Quốc có nhiều biến dộng. Số người từ Trung Quốc trốn sang nước ta ngày một càng nhiều; trong đó có một số là phần tử xấu, một số sang ta xây dựng cơ sở để phục vụ mưu đồ lâu dài. Số liệu thống kê từ năm 1960 - 1964, từ Trung Quốc chạy sang Cao Bằng có 3.5161 người (năm 1960 có 1.006 người, 1961 có 968 người, 1962 có 167 người, 1963 có 1.051 người, 1964 có 1.324 người)4.

Số đối tượng trên thường xuyên tụ tập, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mua chuộc lôi kéo, khống chế số bà con lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số (đông nhất là đồng bào người Mông, Dao) chống lại chủ trương xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và chính sách thuế nông nghiệp; chống lại việc đi dân công, gia nhập bộ đội, đe doạ cán bộ cơ sở và quần chúng tích cực; thậm chí khiêu khích, nổ súng vào dân quân đang tuần tra; gây ra các vụ cướp của, giết người... Nhiều bà con hoang mang, lo lắng không yên tâm làm ăn, tăng gia sản xuất.
_______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr.259.
2. Xã Thái Học nay thuộc huyện Bảo Lâm.
3. 5 xã này nay đều thuộc huyện Thông Nông.
4. Thống kê thành tích 10 năm xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng 1959 - 1968.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM