Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Mười Một, 2023, 06:28:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009  (Đọc 2209 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2023, 09:23:30 am »


Năm 1993, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng và quân dân trong tỉnh bước vào năm thứ 5 ngày Biên phòng và tiến tới kỷ niệm 35 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3.3.1959 - 3.3.1994). Từ đầu năm, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã xây dựng chương trình lãnh đạo, tổ chức hành động cho các cấp đơn vị biên phòng trong tỉnh, thiết thực chuẩn bị kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng.

Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tĩnh uỷ, uỷ ban nhân dân tỉnh, các đơn vị biên phòng và cấp uỷ, chính quyền cùng nhân dân địa phương trong khu vực biên giới của tỉnh đã lần lượt sơ kết ở các đơn vị cơ sở (đồn, trạm biên phòng, huyện, xã, xóm, giáp biên giới); tổ chức biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, tiêu biểu trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc có nhiều thành tích trong 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng”. Được nhiều cơ quan thông tấn, báo, đài, thông tin đại chúng như báo Cao Bằng, Đài phát thanh - truyền hình Cao Bằng, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh phối hợp, giúp đỡ, đợt tuyên truyền, tìm hiểu về lịch sử 35 năm Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã được phát động. Kết quả đã giúp cán bộ, nhân dân trong tỉnh hiểu sâu hơn về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Việt Nam và hiểu rõ công cuộc bảo vệ biên giới là sự nghiệp to lớn, trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cùng chung lo, góp sức.

Trong Bộ đội Biên phòng, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị sôi nổi tham gia thi tìm hiểu truyền thống lịch sử của lực lượng và các cuộc hội thao chiến sỹ trinh sát giỏi, chiến sỹ quân y giỏi, chiến sỹ khoẻ toàn diện và các hoạt động văn hoá – thể thao: thông tin “Một số hoạt động của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1989 - 1994”, xây dựng tập phim “Sao xanh lấp lánh” phản ánh về hoạt động bảo vệ biên giới ở Cao Bằng.

Đầu năm 1994, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức trọng thể Hội nghị sơ kết 5 năm Ngày Biên phòng và “5 năm toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới 1989 - 1994” nhằm đánh giá kết quả đã đạt được theo 6 nội dung, yêu cầu trong Chỉ thị 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, đúc rút những ưu điểm, kinh nghiệm, thiếu sót, nhược điểm, đề ra phương hướng cho giai đoạn tiếp theo và biểu dương những thành tích của địa phương, đơn vị, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Dự hội nghị có các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đông đảo các ban, ngành, các cấp tỉnh, huyện, thị, vùng biên giới và nội địa; các xã giáp biên và đại biểu các lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá: “5 năm qua, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã quán triệt được quan điểm phát triển kinh tế phải đi đối với nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, đoàn kết hữu nghị. Công tác biên phòng và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tích cực phấn đấu góp phần thực hiện yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá địa phương, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị”.

Trong 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, các cấp bộ Đảng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhân dân Cao Bằng đã tích cực hoạt động, quan tâm chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh và làm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thu được nhiều kết quả.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng các đồn biên phòng trong các năm 1991 - 1994, củng cố được 30 chi bộ, hội phụ nữ xã, 171 lượt chi hội phụ nữ, 78 tổ phụ nữ thôn, bản. Duy trì chất lượng sinh hoạt, hoạt động của 27 chi đoàn kết nghĩa với các chi đoàn đồn biên phòng; củng cố 7 chi đoàn và 7 phân đoàn vươn lên khá. Củng cố đội ngũ 110 trưởng thôn, trưởng bản, duy trì theo định kỳ các cuộc hội nghị già làng, trưởng bản, kết hợp với ngành giáo dục và đoàn thanh niên, hội phụ nữ mở được 41 lớp học cho 1.445 người học xoá mù chữ. Các đồn biên phòng cùng địa phương tổ chức 1.561 buổi tuyên truyền, vận động 83.738 bà con ở biên giới nghe thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ về tổ chức làm ăn, sản xuất, chấp hành pháp luật, các quy chế biên giới, các hiệp định, hiệp nghị về biên giới quốc gia. Các trung đội dân quân tập trung ở các xã biên giới thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng các đồn biên phòng thực hiện các kế hoạch, chương trình bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Tại hội nghị này, uỷ ban nhân dân tỉnh đã tặng bằng khen cho 42 tập thể, 46 cá nhân và đề nghị Đảng và Nhà nước xét tặng Huân chương chiến công hạng III cho Đồn Biên phòng Lý Quốc (huyện Hạ Lang); đề nghị Bộ Nội vụ tặng bằng khen cho Tiểu đoàn 19 huấn luyện chiến sỹ mới Bộ đội Biên phòng Cao Bằng; đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen cho 9 tập thể và 5 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới, mốc giới của Tổ quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2023, 09:26:06 am »


Ngày 3.3.1994, lễ kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 5 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức trọng thể tại thị xã Cao Bằng. Đến dự lễ, có đồng chí Nông Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, cùng nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá và chỉ thị “Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự và an ninh khu vực biên phòng. Trải qua 35 năm chiến đấu và xây dựng, lực lượng Bộ đội Biên phòng anh hùng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và từng bước trưởng thành đã cùng nhân dân các dân tộc và các lực lượng khác chiến đấu, công tác giành nhiều thắng lợi, lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và an ninh khu vực biên phòng trong mọi tình huống, đánh bại mọi âm mưu của các loại thù trong giặc ngoài, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và nhân dân... Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng hãy tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, ra sức tu dưỡng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Đồng thời, Tỉnh uỷ cũng nêu rõ chủ trương “Ngày 3.3 hàng năm sẽ là ngày hội của toàn thể đồng bào các dân tộc trong tỉnh, động viên mọi lực lượng tham gia vào công cuộc bảo vệ biên giới, giữ vững mảnh đất thiêng liêng Cao Bằng mà Tổ quốc đã giao cho Đảng bộ và quân dân Cao Bằng.

Ngày 12.2.1994, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ để kiểm điểm công tác nửa nhiệm kỳ qua và thảo luận phương hướng, bổ sung, công tác lãnh đạo, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng lần thứ IV (1991). Hội nghị thống nhất đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng trong nửa đầu của nhiệm kỳ.

Từ năm 1993, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường lãnh đạo xây dựng lực lượng, luôn nắm vững tình hình nhiệm vụ, quán triệt và lãnh đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của trên, gắn sinh hoạt tư tưởng với các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống với vận động củng cố xây dựng Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên giữ vững và phát huy truyền thống của lực lượng, nhận rõ trách nhiệm chính trị, kiên trì phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Đảng bộ thường xuyên lãnh đạo, củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ huy các cấp, quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng nguồn chiến sỹ kế cận, cơ bản biên chế đủ chức danh và số lượng đã quy định theo hướng coi trọng chất lượng để hoàn thành nhiệm vụ; lấy việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đơn vị cơ sở chiến đấu vững mạnh chính quy làm đòn bẩy quan trọng nâng cao sức chiến đấu của đơn vị. Nhờ đó, công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý kỷ luật bộ đội chuyển biến tốt, tỷ lệ vi phạm kỷ luật giảm 0,2% so với năm 1992. Quan hệ phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, các ngành, quan hệ đoàn kết quân dân được duy trì, củng cố và phát huy tốt hơn.

Đối với công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật và quản lý tài chính, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, giáo dục ý thức tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng tại chỗ, vừa quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách trên cấp vừa tranh thủ hỗ trợ ngân sách của địa phương; động viên cán bộ, chiến sỹ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo củng cố nơi ăn ở, sinh hoạt, công tác, phấn đấu duy trì bếp ăn tập trung, làm tốt việc sửa chữa nhỏ và xây dựng cơ bản ở cơ quan và một số đơn vị, nghiệm thu và đưa vào sử dụng một số công trình xây dựng; tiếp tục cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ, bước đầu tạo chuyển biến quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ chế.

Đối với công tác xây dựng Đảng bộ, Đảng uỷ đã lãnh đạo thực hiện theo định hướng của Đại hội nhiệm kỳ IV, thường xuyên lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Nhờ đó, số chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tăng 10%. Chi bộ yếu kém giảm 10%. Tỷ lệ đảng viên loại I tăng 6%. Công tác phát triển Đảng đến giữa nhiệm kỳ, kết nạp thêm được 51 đảng viên.

Đại hội xác định phương hướng lãnh đạo nửa nhiệm kỳ còn lại phải tiếp tục đổi mới toàn diện công tác biên phòng tạo chuyển biến mới trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Biên phòng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, đối phó hiệu quả với “diễn biến hoà bình” - bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đánh trúng các vụ buôn lậu, các bọn tội phạm hình sự, tạo chuyển biến rõ rệt về trật tự xã hội trong khu vực biên giới, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2023, 09:26:48 am »


Thực hiện chương trình phối hợp liên tịch số 205/LT-VH-TT, ngày 16.7.1993 giữa Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới”, ngày 15.1.1995, Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp; thành lập Ban Chỉ đạo chương trình do đồng chí Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng làm Phó ban thường trực và 5 ủy viên là cán bộ của 2 đơn vị. Trong 10 năm hoạt động phối hợp, chương trình đã tập trung thực hiện 5 lĩnh vực:

- Góp phần xây dựng, củng cố, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin cổ động trên địa bàn biên giới.

- Đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội và văn hóa truyền thống, quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa bàn biên giới.

- Phối hợp bổ sung trang bị, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất đảm bảo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở.

- Phối hợp hoạt động củng cố thư viện và tủ sách các đồn biên phòng.

- Thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bước sang năm 1995, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì các hoạt động vũ trang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ ta, xâm nhập phá hoại hoa màu của dân ta. Tính chất các vụ việc vẫn còn rất phức tạp.

Trong hai ngày 7 và 8.3.1995 một số lính của họ vượt qua biên giới, xâm nhập vào khu vực Phja Un (mốc 94 - 95) đe doạ, thu giữ, đập phá công cụ sản xuất của bà con ta và xâm nhập vào các khu vực mốc 28, 29, 30, 31 (huyện Hạ Lang), mốc 96, 97 khu vực Sam Sẩu, Cô Mười (huyện Trà Lĩnh), nhổ phá khoảng 10.000m2 hoa màu của dân ta sản xuất.

Ngày 28.4.1995 và các ngày 17, 22.6.1995, khoảng 100 lính biên phòng của họ tiếp tục vượt qua các khu vực mốc 28 và 31 nhổ phá 7.000m2 hoa màu của dân ta. Khi bị phát hiện, ngăn chặn, lính của họ tỏ thái độ doạ nạt và lùa bắt một số vịt của bà con ta đưa về bên kia biên giới. Trên các nơi khác, người của họ xâm canh vào đất ta thêm 7 điểm mới, với diện tích 4,8 héc ta, tăng số điểm xâm canh, lấn chiếm cao hơn 1994.

Đối với hệ thống “Mốc giới và các tiêu chí biên giới khác" trên đường biên giới chung giữa hai nước, từ năm 1992 - 1995, xuất hiện nhiều hiện tượng sứt mẻ, đổ gẫy, xê dịch vị trí vào trong đất Cao Bằng.

Năm 1992 có 6 vụ: các mốc 22, 36, 116 bị sứt mẻ, mốc 32 và 78 gẫy phần trên, mốc 36 bị đổ. Khi phát hiện, các đồn biên phòng của ta kịp thời lập biên bản đơn phương, vẽ sơ đồ và thông báo ngay cho các đồn biên phòng Trung Quốc đối diện, để cùng làm báo cáo theo quy định của Hiệp định tạm thời.

Đối với các vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam: phía Trung Quốc cắm một biển gỗ thông sâu vào đất ta 18m, ở khu vực mốc 113 huyện Hà Quảng (ngày 12.2.1992), một biển gỗ thông khác sâu vào đất ta 80m tại khu vực mốc không số ở xã Cần Yên, Thông Nông (ngày 1.4.1992), trên biển ghi 2 loại chữ Việt Nam và Trung Quốc: “Đây là lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam không được sang canh tác”. Ta đã kiên quyết xử lý. Hai đồn biên phòng Sóc Hà và Cần Yên phát hiện kịp thời, thu giữ hai biển gỗ, gửi thư phản kháng vụ việc vi phạm của họ.

Cùng với các hoạt động lấn chiếm, người của phía Trung Quốc còn chôn trộm 4 ngôi mộ sâu vào đất ta 50 đến 500m ở các khu vực mốc 114, 115, 116 Sóc Hà, huyện Hà Quảng, khu vực mốc 50 Lý Vạn, huyện Hạ Lang (tháng 3 và 4.1992). Các đồn biên phòng của ta phối hợp với địa phương tổ chức đấu tranh phản kháng và họ đã thừa nhận việc làm sai trái, di chuyển 4 ngôi mộ trên về nước họ.

Từ năm 1993, tình hình các cột mốc sứt mẻ, gãy đổ liên tục xảy ra 4 vụ. Mốc 32 bị gẫy (Trung Quốc đơn phương gia cố lại). Mốc phụ 73 (đoạn giữa mốc 73 - 74) bị đổ. Mốc 94 bị Trung Quốc nổ mìn, đất sụt làm hỏng. Mốc phụ 113 bị xê dịch sai vị trí, chuyển vào đất ta 0,3m.

Năm 1994, xảy ra 6 vụ. Mốc 23 và mốc 36 bị đập phá. Mốc 34 và mốc 68 bị gãy. Mốc 116 bị sứt mẻ. Mốc 55 bị mất.

Năm 1995, xảy ra 6 vụ. Mốc 30 và 36 bị gãy. Mốc 126 bị đập phá. Đồng thời, xuất hiện 6 bia đá mới được cắm vào đất ở các khu vực mốc 53 và 104. Các đồn biên phòng cùng nhân dân địa phương kiên quyết phá bỏ 6 bia đá này và gửi thư phản kháng sang các đồn biên phòng đối diện bên kia biên giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2023, 09:29:23 am »


Mặc dù quan hệ Việt - Trung đã “có bước cải thiện, song trên từng khu vực, từng thời điểm dọc tuyến biên giới vẫn còn những diễn biến phức tạp, có lúc căng thẳng. Nhưng do ta vẫn chủ động nắm tình hình, lực lượng biên phòng đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ sở kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trên cơ sở tôn trọng Hiệp định tạm thời, giữ gìn được tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”1.

Căn cứ tình hình chung trên các tuyến biên phòng và để chủ động phòng ngừa, đối phó với mọi tình huống, phục vụ yêu cầu tiếp tục công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, ngày 8.8.1995, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 11-NQ/TW “về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”.

Bộ Chính trị xác định: Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt trong các lực lượng bảo vệ, quản lý, giữ gìn an ninh trật tự biên giới của Tổ quốc, là lực lượng thành viên của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới... cần được xây dựng vững mạnh theo phương hướng: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng cao, số lượng phù hợp, tổ chức hợp lý, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và quyết định chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ về Bộ Quốc phòng.

Về chức năng, nhiệm vụ, Bộ Chính trị quy định: “Bộ đội Biên phòng là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia” với 7 nhiệm vụ chủ yếu:

1. Tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới trên bộ và trên biển, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ lợi ích và tài nguyên quốc gia trên khu vực này, ngăn chặn mọi hành động xâm phạm và làm thay đổi đường biên giới quốc gia.

2. Tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia trên bộ và trên biển thuộc chủ quyền Nhà nước Việt Nam, kiểm soát việc xuất nhập cảnh hành động vi phạm pháp luật về biên giới. Trên vùng biển, Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ biên phòng trong phạm vi ranh giới được Nhà nước phân công.

3. Tổ chức thực hiện quan hệ phối hợp với lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với từng nước láng giềng trong quan hệ biên giới; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, góp phần xây dựng quan hệ các nước láng giềng thân thiện và giữa nhân dân hai bên biên giới đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa hai nước và xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

4. Đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, bọn phản cách mạng phá hoại biên giới quốc gia, giữ gìn vững chắc an ninh ở khu vực biên giới của Tổ quốc. Chiến đấu chống bọn tội phạm có vũ trang, bọn thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích phá rối an ninh, gây bạo loạn ở vùng biên giới.

5. Trực tiếp và phối hợp với các lực lượng, các ngành có chức năng của Nhà nước đấu tranh chống bọn buôn lậu qua biên giới và các bọn tội phạm khác, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.

6. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới, tăng cường đoàn kết dân tộc, thực hiện các chủ trương và chương trình kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới.

7. Phối hợp với các đơn vị vũ trang khác và nhân dân chiến đấu chống quân xâm lược gây xung đột vũ trang và tiến hành chiến tranh”.

Về hệ thống tổ chức, Bộ đội Biên phòng được xây dựng thành 3 cấp:

- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng, chỉ huy và quản lý Bộ đội Biên phòng trên cả nước.

- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

- Đồn, trạm biên phòng, hải đoàn, hải đội biên phòng ở cơ sở trực thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố.

Về tổ chức Đảng và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Bộ đội Biên phòng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị quy định:

Ở cấp Trung ương, có Đảng bộ Bộ đội Biên phòng trực thuộc Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng lãnh đạo công tác biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng trên phạm vi cả nước.

Ở cấp tỉnh, thành phố có Bộ đội Biên phòng: thành lập Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Thành uỷ và sự hướng dẫn về công tác xây clựng Đảng và công tác chính trị của cơ quan chính trị cấp trên. Chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh, thành được chỉ định tham gia Đảng uỷ Quân sự tỉnh, thành.

Ở cấp cơ sở, tổ chức Đảng ở các đồn, trạm, cửa khẩu biên phòng, đơn vị trực thuộc... đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Biên phòng tỉnh, thành nhưng hoạt động trên địa bàn nào phải giữ mối quan hệ và chịu sự chỉ đạo của huyện uỷ hoặc thị uỷ về mặt thực hiện các chủ trương và nhiệm vụ thuộc phạm vi thẩm quyền của Đảng uỷ địa phương.

Ngày 16.11.1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 754/QĐ-TTg chuyển giao Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng.

Ngày 30.11.1995, Bộ Nội vụ bàn giao nguyên trạng nhiệm vụ, tổ chức của Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ2 sang Bộ Quốc phòng.

Hai bên nhất trí “Kể từ 0 giờ ngày 1.12.1995, lực lượng Bộ đội Biên phòng đặt dưới sự chỉ huy chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng”.

Từ đây, Bộ đội Biên phòng chuyển sang một giai đoạn mới, làm nhiệm vụ của “một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia”.
______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr. 494.
2. Ngày 7.5.1998, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá X ra Nghị quyết số 13 NQ/1998/QH10 đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2023, 09:23:35 am »


II. ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC BIÊN PHÒNG. BẢO VỆ CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA. XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HOÀ BÌNH, HỮU NGHỊ, HỢP TÁC, PHÁT TRIỂN, PHỤC VỤ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh uỷ, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng ra nghị quyết và kế hoạch lãnh đạo, tổ chức lãnh đạo chặt chẽ công tác tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ biên phòng trong tỉnh, đảm bảo yên tâm, phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cơ chế tổ chức mới. Từ ngày 1.1.1996, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đổi tên gọi thành Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.

Ngày 2.1.1996, Bộ đội Biên phòng tỉnh ra Nghị quyết lãnh đạo toàn đơn vị, Đảng bộ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

Ngày 6.2.1996, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ V (nhiệm kỳ 1996 - 2000). Đại hội tập trung đánh giá những kết quả, thành tích đã đạt được, rút ra những tồn tại, khuyết điểm và các nguyên nhân, bài học trong thời gian 1991 - 1996 và thống nhất xây dựng phương hướng trong nhiệm kỳ 1996 - 2000 có 3 mục tiêu chủ yếu:

1. Lãnh đạo tiếp tục đổi mới công tác biên phòng dưới sự lãnh đạo trực tiếp tập trung, thống nhất của Tỉnh uỷ Cao Bằng và Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phục vụ xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Tích cực tham gia củng cố, xây dựng 42 xã biên phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở biên giới.

2. Lãnh đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, cách mạng, theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Trước hết tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng trước mọi tình hình, không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chuyên môn nghiệp vụ, kỷ luật nghiêm minh, tự giác, gắn bó chặt chẽ với nhân dân.

3. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Lãnh đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân, Hội phụ nữ vững mạnh toàn diện, phát huy tõt vai trò, chức năng, có phong trào khá”.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ có 4 đồng chí: Lê Bầu, Phó chỉ huy chính trị, Bí thư; Nguyễn Đình Khiêm, Chỉ huy trưởng, Phó Bí thu; Đinh Thanh Khầu, Phó chỉ huy trưởng phụ trách Hậu cần - xây dựng lực lượng; Bế Đình Trần, Chủ nhiệm Chính trị và 9 đồng chí uỷ viên Ban chấp hành.

Sau Đại hội, nhiệm vụ biên phòng trên khu vực biên giới của tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Lính biên phòng và dân Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới của ta với 44 vụ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta, gây khó khăn cho nhân dân ta làm ăn, sản xuất, ngăn cản ta xây dựng các công trình trong khu vực biên giới của ta.

Ngày 27 và 28.4.1996, lính biên phòng của họ ngăn cản ta xây dựng trạm kiểm soát liên hợp ở khu vực Nà Lạn, Đồn Biên phòng Đức Long, huyện Thạch An.

Năm 1997, các hoạt động vũ trang xâm phạm vào lãnh thổ Cao Bằng tăng lên 52 vụ. Ngày 4.4.1997, ngăn cản nhân dân ta canh tác tại khu vực cánh trái mốc 113 (xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng).

Ngày 13.5.1997, gần 50 lính của họ tuần tra, xâm nhập sâu vào đất ta gần 500m ở khu vực mốc 101 (xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng). Quân dân địa phương kiên quyết phản đối hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm Hiệp định tạm thời, buộc họ phải rút về bên kia biên giới.

Các ngày 6-8.6.1997, khoảng 1 đại đội lính biên phòng Trung Quốc hỗ trợ cho một lực lượng khá đông người mặc thường phục vượt qua biên giới ở khu vực mốc 114 ngăn cản ta thi công Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Sóc Giang. Đồn Biên phòng Sóc Hà cùng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đấu tranh, bảo vệ việc thi công an toàn, hoàn thành việc xây dựng Trạm kiểm soát cửa khẩu Sóc Giang.

Ngày 18.7 và 28.8.1997, họ tiếp tục xâm nhập sâu vào lãnh thổ ta 40 - 50m tại khu vực mốc 95. Đồn Biên phòng Hùng Quốc phối hợp với dân quân địa phương đấu tranh, buộc họ phải rút về nước.

Trong năm 1997, lực lượng vũ trang của họ còn tiến hành bắn đạn thật 15 lần ở các điểm sát biên giới, đối diện các đồn biên phòng Tà Lùng, Nặm Nhũng, Sóc Hà, Cô Ba...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2023, 09:24:10 am »


Tình hình biên giới ở Cao Bằng năm 1997, tuy có những chuyển biến theo hướng hợp tác, bình thường hoá quan hệ, nhưng phía nước ngoài vẫn còn tiếp tục thực hiện chính sách hai mặt, vừa tỏ ra hoà bình, hữu nghị, vừa ngấm ngầm chống phá ta. Trên hướng biên giới huyện Hà Quảng, ngoài hoạt động lấn chiếm, nước ngoài vẫn tiếp tục khai thác các mối quan hệ dân tộc, dòng họ, dòng tộc, tình cảm thân quen cũ để thực hiện móc nối, lôi kéo, xây dựng cơ sở ngầm hoạt động tình báo gián điệp.

Kết nối các nguồn tin của cơ sở bí mật, tin của quần chúng cung cấp và khai thác đối tượng liên quan, lực lượng trinh sát Cao Bằng phát hiện trong thời gian 1995 - 1997, các cơ quan an ninh, tình báo của nước ngoài (trực tiếp là Cục an ninh, Khoa An ninh, Tổ tình báo quân sự ở Nà Po, tỉnh Quảng Tây) đã móc nối, giao nhiệm vụ hoạt động tình báo gián điệp cho đối tượng Hoàng Văn Điển ở Bản Hong, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Ngày 16.4.1997, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập chuyên án ĐB97 đấu tranh với cơ quan đặc biệt nước ngoài móc nối, cài cắm vào nội bộ ta, nhằm phát hiện và bóc gỡ mạng lưới cơ sở ngầm đã được cài cắm vào nội bộ ta ở Hà Quảng. Qua đó sẽ mở rộng công tác phản gián và tình báo biên phòng, chủ động phòng ngừa và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn móc nối, cài cắm mới của đối phương. Kết quả, lực lượng trinh sát biên phòng với sự phối hợp, hiệp đồng và giúp đỡ của lực lượng trinh sát công an Cao Bằng, lực lượng trinh sát quân đội - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, đã đấu tranh có hiệu quả trong chuyên án ĐB97, được Chính phủ tặng bằng khen.

Sau sơ kết 5 năm ngày Biên phòng toàn dân, nhiệm vụ biên phòng, đổi mới công tác biên phòng và việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội... từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm. Nhiều chỉ thị, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn, kế hoạch của các cấp bộ đảng, chính quyền, ban, ngành chức năng liên quan đến đường lối biên phòng toàn dân của Đảng, Nhà nước về việc tiếp tục đẩy mạnh “Ngày Biên phòng” đã được xây dựng, ban hành.

Ngày 21.2.1995, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 25/CT-TU về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Ngày Biên phòng” trong toàn tỉnh. Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng nghiên cứu, tham mưu đề xuất kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh thực hiện Ngày Biên phòng, xây dựng được mô hình, xây dựng phong trào quần chúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của tỉnh.

Từ khi có Hiệp định tạm thời giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đến năm 1994, việc giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế và xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc có những chuyển biến tích cực, nhiệm vụ biên phòng có những thuận lợi nhất định. Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới vẫn còn những vấn đề phát sinh phức tạp.

Trên đoạn biên giới quốc gia đối diện với Cao Bằng, phía Trung Quốc vẫn duy trì đóng 7 đồn biên phòng, 12 trạm biên cảnh, 1 trung tâm huấn luyện và nhiều đơn vị vũ trang chốt giữ nhiều điểm cao có lợi thế về mặt quân sự.

Dựa vào quân số đông, các lực lượng ở ngoại biên liên tục hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ ta, tiếp tục tổ chức lấn chiếm vào các khu vực tranh chấp do lịch sử để lại, phá hoại hoa màu của dân ta, tự ý làm đường, chôn mồ mả vào đất ta để tạo tiền đề cho việc khẳng định chủ quyền. Nhiều nơi họ dùng lực lượng vũ trang làm áp lực hỗ trợ cho dân họ canh tác trái phép, lấn chiếm. Trong các năm 1994 - 1997, họ đã vi phạm Hiệp định tạm thời 192 vụ. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của quân dân Cao Bằng vẫn diễn ra. Điển hình là những cuộc đấu tranh ở các khu vực Đông Nạng, Pò Đoỏng Lầu (huyện Hạ Lang), Phja Un (huyện Trà Lĩnh), Phai Luông (huyện Hà Quảng)...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2023, 09:25:19 am »


Từ thực trạng biên giới và những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh tổ chức các hội nghị điển hình, sơ kết kinh nghiệm về thực hiện phong trào quần chúng, mở các hội nghị những người cao tuổi ở địa bàn có công trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; Hội nghị sơ kết 5 năm “Ngày Biên phòng”... Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với các ngành, tổ chức, đoàn thể như giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ. Liên đoàn lao động tỉnh, Uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình... tham gia thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương. Qua đó, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng góp phần xây dựng khu vực biên giới phát triển: cùng chăm lo xây dựng biên giới và phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Mặt khác, Đảng uỷ - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tổ chức các buổi làm việc toạ đàm, tranh thủ ý kiến các đồng chí lãnh đạo từng nhiều năm theo dõi, chỉ đạo công tác biên phòng và từ giữa năm 1995, đã tham mưu đề xuất Tỉnh uỷ phát động phong trào'“Phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới”. Để cho phong trào sớm được triển khai và có cơ sở, kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Đảng ủy - Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã ra nghị quyết lãnh đạo và chỉ đạo cơ quan xây dựng kế hoạch thí điểm ở huyện Quảng Hoà và Đồn Biên phòng Tà Lùng.

Căn cứ vào đặc điểm của khu vực biên giới, Đảng uỷ - Chỉ huy biên phòng tỉnh chỉ đạo “Phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới" thực hiện theo 4 bước:

Bước 1: Chỉ đạo Đồn Biên phòng Tà Lùng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huyện Quảng Hoà căn cứ vào Chỉ thị 25/CT-TƯ, ngày 21.2.1995, của Tỉnh uỷ và căn cứ vào tình hình cụ thể, xây dựng thành chỉ thị sát hợp với địa bàn huyện.

Ngày 10.10.1995, Huyện uỷ Quảng Hoà đã ra Chỉ thị số 07/CT-HU “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân”. Huyện uỷ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các cấp uỷ, chính quyền trong toàn huyện xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để tham gia xây dựng biên giới và đẩy mạnh tuyên truyền về “Ngày Biên phòng”. Trong đó cần tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu là: Đấu tranh bảo vệ biên giới; giúp đỡ cơ sở vật chất bảo vệ biên giới; quan tâm xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng; hàng năm tổ chức kỷ niệm hoạt động Ngày Biên phòng vào ngày 3.3.

Huyện uỷ giao cho “cấp uỷ, chính quyền các xã biên phòng phối hợp với đồn biên phòng khảo sát toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc, giao cho các hộ gia đình và các xóm, bản sát biên bảo vệ từng đoạn đường biên, cột mốc, coi đó là đất đai, tài sản của từng gia đình, từng xóm, bản không thể để mất, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới”.

Bước 2: Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xã, quán triệt chỉ thị của Huyện uỷ đến tất cả cán bộ, nhân dân biên giới. Trên cơ sở đó, chỉ huy đồn biên phòng thống nhất với lãnh đạo các xã xây dựng thành kế hoạch của xã khảo sát, nắm chắc thực trạng biên giới, lập phương án cụ thể tổ chức cho từng xóm, cụm xóm và hộ gia đình tham gia quản lý bảo vệ đường biên, cột mốc. Dựa vào phương án đó, xây dựng văn bản cam kết giữa đồn biên phong và các thôn xóm; cùng nhau thể hiện trên bản đồ địa hình các vị trí quản lý, bảo vệ của từng thôn xóm, hộ gia đình để làm tài liệu lưu giữ và đối chiếu với tình hình thực hiện.

Bước 3: Chỉ huy đồn biên phòng báo cáo kết quả công tác chuẩn bị với Huyện uỷ, uỷ ban nhân dân huyện.

Ngày 20.3.1996, lãnh đạo huyện chủ trì buổi lễ ký kết các văn bản cam kết giữa các thôn xóm với đồn biên phòng phối hợp thực hiện tự quản đường biên, cột mốc. Chứng kiến buổi lễ có đại biểu quần chúng, các trưởng thôn, các ngành đoàn thể trong huyện, xã. Sau lễ ký kết, các vị trưởng thôn xóm tiếp tục xem xét tình hình cụ thể, nhắc nhở từng hộ gia đình đảm nhiệm quản lý từng vị trí phù hợp với nơi sản xuất, canh tác. Đối với những vị trí gần nơi canh tác, sản xuất, sinh hoạt của một số gia đình thì trưởng thôn xóm cùng bà con thoả thuận giao cho một số người dân trong thôn xóm liên kết đảm nhiệm.

Trưởng các thôn xóm cùng bà con thống nhất thoả thuận: Khi có vụ việc vi phạm đến độc lập chủ quyền biên giới của ta thì cùng nhau ra giải thích, đấu tranh. Nếu vụ việc lớn hoặc mức độ nghiêm trọng, quá phạm vi quyền hạn thì báo cho tổ công tác biên phòng gần nhất, hoặc đồn biên phòng biết xử lý. Đối với các thôn xóm ở gần nơi thường xảy ra tranh chấp, lấn chiếm, khi phát hiện có hành vi vi phạm thì trưởng thôn gần đó huy động nhân dân ra trực tiếp đấu tranh, đồng thời cử người báo cho Bộ đội Biên phòng biết, phối hợp giải quyết.

Bước 4: Đảng uỷ - Chỉ huy biên phòng tỉnh tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm công tác thí điểm và tham mưu, đề xuất Tỉnh uỷ chỉ đạo triển khai ra diện rộng của tất cà 8 huyện biên giới tỉnh Cao Bằng.

Kết quả, với cách làm mới tại địa bàn thí điểm ở huyện Quảng Hoà, Đồn Biên phòng Tà Lùng đã có chuyển biến rõ rệt trong việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm quy chế biên giới, vi phạm Hiệp định tạm thời. Tính riêng 9 tháng đầu năm 1997, sự phối hợp giữa nhân dân với Bộ đội Biên phòng đã thu nhận, xử lý tốt 53 tin tức, vụ việc vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới ở địa phương.

Sau việc chỉ đạo thí điểm ở Đồn Biên phòng Tà Lùng, huyện Quảng Hoà, chỉ huy biên phòng tỉnh chỉ đạo thí điểm tiếp ở Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang. Ngày 3.3.1997, theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, nhân dịp kỷ niệm 38 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng, các đồn biên phòng đều triển khai làm tham mưu cho địa phương và phối hợp với các ngành thực hiện “Phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới”. Đến tháng 5.1997, toàn bộ các đồn biên phòng ở Cao Bằng đã triển khai thực hiện cơ bản chủ trương trên ở 42 xã, 145 thôn, xóm sát biên, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ toàn bộ đường biên, cột mốc ở phạm vi tỉnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2023, 09:26:58 am »


Sau một năm hoạt động của phong trào tự quản đường biên, mốc giới, công tác biên phòng ở Cao Bằng chuyển biến tích cực rõ rệt trên 3 mặt:

- Nâng cao thêm ý thức đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn, lấn chiếm biên giới; ý thức quốc gia, quốc giới, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của quần chúng nhân dân.

- Chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, vụ việc xảy ra trên biên giới nhanh chóng, chính xác và kịp thời hơn.

- Khi xảy ra các vụ việc trên biên giới, việc phối hợp, hiệp đồng giữa quần chúng nhân dân với đồn biên phòng và các lực lượng khác kịp thời, hiệu quả hơn.

Ngày 20.10.1997, sơ kết một năm thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, nhiều tập thể và cá nhân các xóm, xã sát biên được đánh giá là những tấm gương tiêu biểu trong các hoạt động phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, nổi bật có: Cán bộ và nhân dân xã Sóc Hà (huyện Hà Quảng), xã Thị Hoa (huyện Hạ Lang), xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc); các ông Hà Văn Tày, Nguyễn Văn Đắc ở xã Sóc Hà, Vương Tài Khoắn ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng; Hà Văn Choóng ở xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh, Nông Ích Côn ở xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh

Phong trào tự quản đường biên, cột mốc ở Cao Bằng được Bộ Tư lệnh đánh giá: “Qua sơ kết, rút kinh nghiệm đã khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhiều mặt của phong trào đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới", làm cho “phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới rất phong phú và hiệu quả”1.

Năm 1998, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị và địa phương: tiếp tục phát huy kết quả bước đầu của phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, vận động nhân dân các dân tộc tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả với các hành động của nước ngoài vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nước ta. Đồng thời, cán bộ, chiến sỹ các cấp trong đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực rèn luyện, chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của trên, chăm lo xây dựng củng cố, đưa mọi hoạt động vào nền nếp theo hướng chính quy, vững mạnh toàn diện, tích cực vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa bàn biên giới, góp phần tích cực cùng quân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Ngay từ năm 1998, Bộ đội Biên phòng đã chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của lực lượng, 10 năm “Ngày Biên phòng”. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn quân, toàn dân trong tỉnh và cả nước kỷ niệm 55 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm quan trọng này, ngày 2.7.1997, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng đã ra Nghị quyết số 16/NQ-ĐU “về việc tổng kết 10 năm Ngày Biên phòng và 40 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng”. Ngày 28.7.1997, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng ra nghị quyết triển khai.

Thực hiện Chỉ thị 15-CT/1998/TTg, ngày 28.3.1998, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh ở các xã biên giới, tiếp tục thực hiện các nội dung Ngày Biên phòng, trên cơ sở Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 20.7.1998, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 17/1998/CT-UB tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới.

Chấp hành các quyết định, chỉ thị của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng trong tỉnh đã có các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, 6 nội dung “Ngày Biên phòng” đã được quán triệt, phổ biên đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh.

Quá trình thực hiện Ngày Biên phòng, trong tỉnh đã có nhiều phong trào được phát động, tạo không khí sôi nổi hướng về biên giới như Phong trào thanh niên xung kích bảo vệ đường biên; Phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới; Phong trào xoá đói giảm nghèo; Phong trào đền ơn đáp nghĩa; Phong trào các ngành, các đơn vị tuyến sau kết nghĩa, đỡ đầu các xóm, xã biên giới nhằm ủng hộ tinh thần, vật chất cho biên giới.
_______________________________________
1. Chỉ thị 34/CT-Bộ Tư lệnh, ngày 24.6.2003 của Bộ Tư lệnh về việc tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2023, 09:28:00 am »


Ngày 2.3.1999, Hội nghị tổng kết 10 năm “Ngày Biên phòng” và mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của lực lượng đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Dự Hội nghị và lễ mít tinh có 340 đại biểu đại diện cho cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương; đại biểu 43 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; các đồng chí đại diện Thường trực Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới và nội địa; cấp uỷ, chính quyền của 42 xã biên giới; các đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu các đồn biên phòng; đại diện của các tỉnh bạn Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn; các tập thể, cá nhân điển hình trong 10 năm thực hiện “Ngày biên phòng". Các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Báo Cao Bằng, Đài phát thanh và truyền hình Cao Bằng; đồng chí Hoàng Văn Khoáy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy qua các thời kỳ của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng; các đồng chí Bộ đội Biên phòng đã nghỉ hưu tại thị xã Cao Bằng.

Báo cáo tổng kết 10 năm “Ngày Biên phòng” đánh giá 4 nội dung cơ bản.

- Nhân dân các dân tộc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ biên giới.

- Củng cố xây dựng vùng biên giới vững mạnh.

- Phong trào kết nghĩa, đỡ đầu ủng hộ quân dân biên giới.

Mười năm thực hiện Ngày Biên phòng đã thiết thực góp phần làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố. Các đơn vị tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố 72 chi bộ, 33 Ban chấp hành xã đoàn, 132 chi đoàn cơ sở; xây dựng, củng cố 100 tổ, nhóm phụ nữ thôn, bản trung kiên ở địa bàn trọng điểm; 29 ban công an xã, 14 ban dân quân, củng cố 15 xóm yếu kém vươn lên trung bình. Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ được phát huy, năng lực điều hành của chính quyền, hoạt động của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc tổ chức đời sống xã hội được tăng cường rõ rệt. Các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực đấu tranh truy quét tội phạm và các tệ nạn xã hội, vận động xoá bỏ mê tín được đẩy mạnh. 315 tổ an ninh nhân dân trong 42 xã giáp biên được xây dựng và củng cố. Nhân dân các dân tộc biên giới cùng chung sức xây dựng được quy chế tự quản, quy chế nếp sống mới ở các thôn bản; thực hiện sự nghiệp bảo vệ biên giới, bảo vệ lợi ích kinh tế, tài nguyên, môi trường cuả quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tham mưu cho địa phương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành vận động hàng trăm hộ gia đình định canh định cư, phát động và cùng đồng bào làm hàng chục kilômét đường đến các thôn bản, vận động xây dựng được hàng trăm trạm thuỷ điện nhỏ; khoanh trồng, bảo vệ hàng trăm hécta rừng đầu nguồn, vận động nhân dân phá bỏ trên 80.000m2 diện tích trồng cây thuốc phiện, phát triển cây trồng khác, tăng thu nhập cho gia đình. 20/42 xã biên giới có điện lưới đến trung tâm xã. Tỷ lệ đói nghèo giảm dần, dịch bệnh được ngăn chặn; thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong khu vực biên giới. Chương trình quân dân kết hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các địa phương biên giới thực hiện tốt, khám chữa bệnh cho 9.720 lượt người, sơ cứu 192 trường hợp, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho 16.000 lượt người, vận động 3.600 hộ gia đình đưa con em đi tiêm chủng. Trường Trung học y tế tỉnh đào tạo bổ sung 75 y sĩ cho đội ngũ quân y biên phòng.

Đời sống tinh thần của người dân biên giới cũng được nâng cao. Các đồn biên phòng đã phối hợp thực hiện chương trình ký kết với các ngành giáo dục và văn hóa thông tin về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa bàn biên giới; trực tiếp mở 44 lớp xoá mù chữ cho 1.112 người học. Các tổ đội văn hoá của các đồn biên phòng phối hợp với các đoàn nghệ thuật, đội thông tin lưu động, phòng văn hoá các huyện tuyên truyền, lưu diễn trên 200 buổi cho trên 100.000 lượt người; chiếu trên 3.000 buổi video cho trên 30.000 lượt xem.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2023, 09:28:52 am »


Mười năm thực hiện “Ngày biên phòng” ở Cao Bằng cũng đã xây dựng nên phong trào ủng hộ quân dân biên giới, giúp đỡ tạo dựng cơ sở vật chất, cổ vũ tinh thần phục vụ bảo vệ biên giới và củng cố, xây dựng Bộ đội Biên phòng. Cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành trong tỉnh, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể tuyến sau đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hướng ra biên giới. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phát động phong trào các ngành, các đơn vị tuyến sau, các tỉnh bạn kết nghĩa, đỡ đầu, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho lực lượng biên phòng. Kết quả đến năm 1989, đã có 9 tổ chức Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động nhận kết nghĩa đỡ đầu 9 đơn vị biên phòng là:

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang với Đồn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà.

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên với Đồn Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn với Đồn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh.

- Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nguyên Bình với Đồn Xuân Trường, huyện Bảo Lạc.

- Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hoà An với đồn Nặm Nhũng, huyện Hà Quảng.

- Liên đoàn Lao động tỉnh với đồn Tổng Cọt, huyện Hà Quảng.

- Đoàn Thanh niên thị xã Cao Bằng với Đồn Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Quân dân quận Hoàn Kiếm và Hội Liên hiệp phụ nữ chợ Đồng Xuân thành phố Hà Nội nhận đỡ đầu, giúp đỡ xây dựng và trang bị một phòng khám bệnh cho quân dân huyện Bảo Lạc, giúp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao cho 4 đơn vị biên phòng đóng quân tại huyện Bảo Lạc; nhận phụng dưỡng 4 bà mẹ liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở Bảo Lạc.

Sau 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng”, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng có 2 tập thể và 1 cá nhân được Chính phủ tặng bằng khen, 2 tập thể và 3 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen, 11 tập thể và 22 cá nhân được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen, 29 tập thể và 50 cá nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, 89 tập thể và 155 cá nhân được uỷ ban nhân dân các huyện biên giới khen thưởng.

Trong Lễ mít tinh kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, đồng chí Vũ Ngọc Ly, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phát biểu, “Bốn mươi năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và thu được nhiều thắng lợi, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Việt Nam... Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng không quản ngại khó khăn, gian khổ luôn trụ vững tuyến đầu biên giới, kiên quyết đấu tranh quản lý, bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc...”.

Năm 1999, tình hình biên giới quốc gia ở Cao Bằng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động vi phạm Hiệp định tạm thời; Xâm phạm lãnh thổ ta tại nhiều địa bàn thuộc các đồn biên phòng Thị Hoa, Quang Long, Lý Quốc (huyện Hà Lang), Cần Yên (huyện Thông Nông). Họ tiếp tục cho lực lượng vũ trang như c2 biên phòng chốt Da Din - gần mốc 72, chốt Chông Mu - gần các mốc 62, 63... theo dõi các hoạt động của ta và sẵn sàng tạo áp lực, hỗ trợ cho các hoạt động lấn chiếm. Phối hợp với các hoạt động quân sự, một số cơ quan đặc biệt của họ như Cục Công An Trịnh Tây, Trạm Biên phòng Ngọc Hý, Phái Xuất Sở... thường xuyên hoạt động móc nối, lôi kéo người của ta, xây dựng cơ sở để hoạt động tình báo gián điệp.

Qua công tác điều tra cơ bản ở địa bàn, kết hợp xử lý các nguồn tin lực lượng trinh sát Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phát hiện từ năm 1996 - 1998, cơ quan đặc biệt của nước ngoài đã móc nối, xây dựng, cài cắm cơ sở ngầm, hoạt động tình báo gián điệp vào địa bàn của Đồn Biên phòng Ngọc Khê.

Căn cứ vào nguồn tài liệu đã thu thập được, Cục Trinh sát - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phê duyệt đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng (trong báo cáo số 14/BC-TS, ngày 23.10.1989) “xác lập chuyên án đấu tranh chống hoạt động gián điệp tình báo ở địa bàn Đồn Biên phòng Ngọc Khê Cao Bằng” (bí số là NK99).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM