Tôi ở Tây Mỗ được chị Tâm "lồi" (sau chuyển sang xưởng phim truyện và nay chuyển vào xưởng phim thành phố Hồ Chí Minh) luôn luôn ép tôi phải uống thuốc bổ trước khi ăn cơm. Và cũng lạ thật, gần hai tháng trời cơn sốt rét như bỏ quên không hành hạ tôi lần nào. Có thể vì chiến sự liên miên và tôi chỉ có thời giờ lo chiến trận mà quên cả những cơn "nhớ rừng" Nhiều đêm tôi nằm ngủ, nghe tiếng động mạnh lại choàng tỉnh dậy, vơ lấy súng tưởng đâu như địch đang tấn công gần đây. Anh Hoàng Mỹ cũng biết những lần giật mình thức giấc của tôi như thế, và anh đã phát cho tôi bộ quần áo nâu mới, cho khẩu súng côn bát "Ngựa bay" đủ cả bao da và thắt lưng với túi da đựng hai sác-giơ đạn đầy ắp.
– Cậu Tuấn mê súng… Mình cho cậu khẩu súng này của Mỹ đấy. Khẩu súng của cậu sắp hết đạn rồi thì phải. Bây giờ phải hòa mình vào nông thôn, tắm sương, gội gió, chịu nắng mưa cho bớt cái làn da trắng như con gái của cậu…
Ngày 3-3-1947, địch chiếm được thị xã Hà Đông, từ làng Tây Mỗ, chúng tôi chuyển lên Thanh Quang rồi, So, Sở, Dương Các, Bương Cấn, cho đến một hôm anh Hoàng Mỹ gọi tôi lại bảo:
– Mình phải lên Việt Bắc thành lập cơ quan mới. Các cậu lui mãi không được, phải trở lại bám lấy địa bàn, dựa vào nhân dân mà chiến đấu ở ngay đường phố Thủ Đô chứ không đi đâu xa nữa.
Rồi anh chia người ra đi: Tuấn em và anh Nguyễn Vũ lên Việt Bắc với anh thành lập Cục Tình Báo. Tôi, anh Tài và Hồng Hà ở lại Hà Nội làm cán bộ thuộc quyền anh Lê Giản… Bước vào đầu mùa hạ năm 1947, tôi nhận nhiệm vụ của mình và lại tiếp tục chiến đấu theo nghề nghiệp cũ đi sâu vào nội thành Hà Nội.
40 năm đã qua có thể nói hơn một nửa đời người đến nay ngồi nghĩ lại những ngày rực lửa, sôi sục ý chí quyết tử, sống chết với Thủ Đô, ôn lại các trận chiến đấu, nhớ lại từng gương mặt các đồng chí của mình:
– Chị Trinh, vợ cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng sống thanh thản với cháu gái ở phố Thuyền Quang.
– Chị Hải, vợ cố đại sứ Bùi Lâm ở Liên Xô sau là Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, là bác sĩ quân y 108, đang vui với đàn cháu con êm ấm lúc về già.
– Anh Lê Ninh tức Lê Khởi Nghĩa, nguyên thư ký riêng của Chủ Tịch Phạm Văn Đồng thời kỳ 8 năm kháng chiến, nay đã về hưu, là ông già râu dài vẫn hăng hái tham gia công tác ở đường phố, nhận nhiệm vụ kèm cặp lớp thanh niên trong phường.
– Anh Ngô Tất Oánh tức Lê Thanh Quang, đại tá phó tư lệnh Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình đến nay đã được hơn 30 năm tuổi quân và trên 40 năm tuổi Đảng, đã về hưu, sống trong căn nhà nhỏ ven bờ sông Nhuệ thuộc xã Hà Cầu, vui thú với mấy luống rau, bồn hoa, cây cảnh.
– Anh Hùng, công tác ở công an sau chuyển sang Ban thanh tra, nay cũng đã về nghỉ hưu.
– Anh Lê Ngọc Tấn, đại tá cục Chính Trị tổng cục Hậu cần nay đã về hưu vẫn ở thủ Đô.
Và còn biết bao anh chị em, nay giữ cương vị này cương vị khác của cơ quan chính quyền và quân sự mà trong tầm mắt của tôi, chỉ là một cán bộ phụ trách tự vệ của tiểu khu, trong các trận chiến đấu lại chỉ biết có mũi tấn công của mình, nên không thể nhìn hết mọi sự việc, mọi hành động dũng cảm đến lãng mạn của các anh chị tự vệ tiểu khu chợ Hôm.
Nắm được cuộc chiến đấu phải là anh Nguyễn Văn Đào, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương lúc ấy là bí thư Đảng của liên khu II, và anh Tích tức Trần Vĩ, là chủ tịch Ủy ban Nhân Dân thành phố, lúc đó là phó bí thư liên khu II.
Nhưng tôi cũng lạm quyền, xin vượt qua mặt các anh, ghi lại một vài hình ảnh chiến đấu trong phạm vi của tiểu khu 6, và cũng có thể là tiểu khu tiêu biểu cho cả Liên khu II.
Những gương hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước được như ngày nay, đã để lại đến bây giờ và mai sau mãi mãi tinh thần: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"
Kỷ niệm 40 năm KC.