Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:14:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ cách mạng công khai cắm tại Sài Gòn 1955-1958  (Đọc 1719 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:33:37 pm »


ĐÔI ĐIỀU GHI NHỚ VỀ BỘ PHẬN Ở LẠI HÀ NỘI

LỮ MINH CHÂU


Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, tôi được phân công ở lại miền Nam theo hai hướng, tham gia Huyện ủy Thới Bình hoặc về Sài Gòn tìm cách hợp pháp hóa để tiếp tục hoạt động trong lòng địch, vì trước năm 1945 tôi học ở Sài Gòn nên am hiểu tình hình.

Tôi vừa mới kết hôn và vợ tôi là ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Bạc Liêu. Tôi được quyết định ở lại nên vợ tôi cũng không đi tập kết. Mọi việc đều được chuẩn bị sắp xếp theo hướng ở lại.

Một ngày tháng 10 năm 1954, anh Tư Kỉnh, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam gọi tôi đến cho biết, anh Hai Hùng xin tôi về Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ đóng ở Phụng Hiệp (Cần Thơ). Thường vụ đã đồng ý. Anh Tư Kỉnh bảo tôi bàn giao ngay công việc thu xếp việc gia đình để đi nhận nhiệm vụ mới.

Đảng quyết định thì tôi chấp hành. Nhưng vẫn băn khoăn vì không biết tôi còn được ở lại hay không? Nếu phải tập kết thì rất gay go vì mọi việc chuẩn bị với gia đình và với vợ tôi là cả hai cùng ở lại miền Nam. Rồi sau một năm sẽ gặp lại, khi “chỗ đứng” và công việc của hai chúng tôi đã ổn định.

Từ khi tôi ra Phụng Hiệp, vợ chồng tôi đã mất liên lạc với nhau. Và hơn 10 năm sau, vợ tôi không biết tôi ở đâu, sống chết ra sao?

Về ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ, tôi được giao nhiệm vụ làm sĩ quan liên lạc. Nhiều lần, tôi cùng đi với sĩ quan Rháp và ngụy đến làm việc với Ủy ban Quốc tế ở Cà Mau và Giá Rai. Sau đó, tôi được phân công về Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn vừa mới được thành lập tại trụ sở Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ. Số cán bộ được dự kiến trong Phái đoàn này thì nhiều, nhưng phần lớn đang còn bận công việc nơi khác nên chưa tập hợp đông đủ.

Cho đến khi hết 200 ngày tập kết chuyển quân, mà phía Pháp còn gây khó khăn nên Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa vào Sài Gòn được, phải theo chuyến tàu tập kết cuối cùng ra Hà Nội vào ngày 28-2-1955. Phái đoàn được bố trí ăn ở tại số 6 Lý Nam Đế trong khu vực doanh trại Bộ Quốc phòng. Phái đoàn được hình thành và tích cực chuẩn bị mọi mặt chờ ngày vào Sài Gòn.

Tháng 3-1955, phía Pháp đã thỏa thuận để Phái đoàn ta vào Sài Gòn. Ngày 17-5-1955, Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Hà Nội bay vào Sài Gòn, do đồng chí Phạm Hùng làm trưởng đoàn. Tổng số sĩ quan Phái đoàn khoảng 24 người, nhưng phía Pháp chỉ chấp nhận số ban đầu là 16. Do đó còn lại 8 người phải nằm chờ thêm ít lâu nữa, để vào sau. Bộ phận ở lại do anh Hai Đốc phụ trách chung, còn tôi thì lo công tác Đảng.

Tình hình miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Mỹ hất cẳng Pháp và cùng với ngụy quyền đánh phá ác liệt phong trào cách mạng của quần chúng. Đồng thời chúng gây khó khăn ngày càng nhiều cho Phái đoàn Sài Gòn. Do đó khả năng tăng người cho Phái đoàn không còn nữa. Đảng chủ trương cố gắng duy trì sự có mặt phái đoàn Sài Gòn càng lâu càng tốt. Đồng thời chuyển dần số cán bộ còn lại ở Hà Nội sang các công tác thích hợp khác.

Tháng 7 năm 1955, tôi được tổ chức điều về công tác tại Ban Thống nhất trực thuộc Thủ tướng Chính Phủ. Ban này do đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo công việc hàng ngày (khác với Ban Quan hệ Bắc Nam và Ban Thống nhất Trung ương sau này). Do mới hình thành, nên số người trong ban chỉ có trên dưới 10 cán bộ trung cao cấp về chính trị, biết ngoại ngữ Anh hoặc Pháp để vừa theo dõi tình hình miền Nam, chuẩn bị phương án hiệp thương nếu điều đó xảy ra sau hai năm đình chiến. Chánh Văn phòng Ban là đồng chí Ngô Đức Đệ, Phó Văn phòng là đồng chí Nguyễn Minh Vĩ (Tôn Thất Vĩ) và một số cán bộ khác, như anh Trương Văn Tư, Nguyễn Bá Đàn, Hoàng Mạnh, Lê Anh Trà, Hoàng Nguyên, anh Viên, tôi và một số các anh khác. Vì ít người và để giữ bí mật nên chỗ làm việc và ăn ở của Ban được bố trí tại lầu 1 của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là chuẩn bị sẵn một số phương án để hiệp thương, làm đầu mối liên lạc với Phái đoàn Sài Gòn, nhận các thông tin, báo cáo, các loại tạp chí, sách báo kể cả tiếng Anh, Pháp, Hoa từ Sài Gòn gửi ra, theo dõi đài địch bằng nhiều thứ tiếng thu nhận các thông tin có liên quan, cung cấp hàng ngày cho lãnh đạo Ban và Chính phủ. Lúc bấy giờ ở miền Bắc chỉ có chúng tôi mới nhận thường xuyên và nhanh chóng các loại báo chí ở miền Nam do Phái đoàn ta gửi ra hàng tuần theo chuyến máy bay Quốc tế. Nhờ đó thông tin của chúng tôi luôn rất mới. Khi nhận được báo chí từ Sài Gòn, chúng tôi lướt nhanh ghi nhận những tin quan trong, rồi chuyển ngay đến Bác Hồ. Có khi tôi trực tiếp mang báo đến cho Bác. Giao báo lần này, nhận lại báo lần trước để mang về nghiên cứu khai thác kỹ hơn. Có báo Sài Gòn, chúng tôi thường viết bài phản ảnh tình hình miền Nam đăng trên nhiều tờ báo ở Hà Nội. Bác Hồ đọc báo rất nhanh, cả báo tiếng Pháp, Anh và Hoa. Những chỗ quan trọng, Bác đánh dấu bằng bút màu đỏ.

Mấy năm làm việc trong Ban Thống nhất, ở chung trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, chúng tôi thường ngày được gặp Bác Hồ, trong các buổi tập thể dục, các buổi xem phim hoặc khi Bác đến thăm anh em bị bệnh, khi Bác đến nhà ăn xem chúng tôi ăn uống thế nào. Thời gian này đã để lại trong tôi nhiều bài học và những kỷ niệm sâu sắc về tình người, về đạo đức tác phong giản dị ân cần vì mọi người của Bác. Điều đó đã giúp tôi luôn kiên định lý tưởng mình đang theo đuổi, vững vàng vượt mọi khó khăn và cám dỗ, nhất là trong gần 10 năm hoạt động bí mật giữa lòng địch sau này.
Chúng tôi luôn được tin về hoạt động của Phái đoàn ta ở Sài Gòn, những khó khăn do Mỹ ngụy gây ra. Chúng tôi rất tự hào về những việc mà Phái đoàn ta đã làm được trong hang ổ của địch. Sau 3 năm hoạt động gian khổ, Phái đoàn ta đã trở về Hà Nội an toàn.

Sau đó, ban Thống nhất của Chính phủ cũng giải thể. Một số anh em chúng tôi được chuyển sang ban Thống nhất Trung ương, để tiếp tục lo cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2023, 10:04:56 am »


PHỤ LỤC


IC/43/Rev.2
21 tháng 7 năm 1954


TUYÊN BỐ CUỐI CÙNG CỦA HỘI NGHỊ
GIƠNEVƠ VỀ ĐÔNG DƯƠNG


TUYÊN BỐ CUỐI CÙNG đề ngày 21 tháng 7 năm 1954, của HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương có các đoàn đại biểu Cămpuchia, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp, Lào, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quốc gia Việt Nam, Cộng hòa Liên bang Xô Viết, Vương quốc Anh và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tham dự.

1. Hội nghị ghi nhận Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Cămpuchia, Lào và Việt Nam và lập ra tổ chức giám sát và kiểm soát Quốc tế, để thực hiện những điều khoản trong Hiệp định này.

2. Hội nghị bày tỏ hài lòng về việc chấm dứt chiến sự ở Campuchia, Lào, và Việt Nam; Hội nghị tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản trong Tuyên bố này và trong Hiệp định đình chỉ chiến sự sẽ cho phép Cămpuchia, Lào và Việt Nam từ nay trở đi, sẽ tham gia vào cộng đồng hòa bình các quốc gia, với Độc lập và Chủ quyền đầy đủ.

3. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của Chính phủ các nước Lào và Cămpuchia về ý định của họ, cho thực hiện những biện pháp để mọi công dân được tham gia vào cộng đồng quốc gia, đặc biệt bằng việc tham gia các cuộc tổng tuyển cử sắp tới, đúng theo hiến pháp của mỗi nước, được tổ chức vào năm 1955, bằng việc bỏ phiếu kín và trong điều kiện tôn trọng các quyền tự do cơ bản.

4. Hội nghị ghi nhận các điều khoản trong Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Việt Nam, về việc cấm đưa Quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài vào Việt Nam cũng như các loại vũ khí đạn dược. Hội nghị cũng ghi nhận tuyên bố của Chính phủ các nước Lào và Cămpuchia về quyết định của họ, không yêu cầu các nước ngoài hỗ trợ, cho dù đó là dụng cụ chiến tranh, nhân viên và huấn luyện viên, ngoại trừ sự hỗ trợ đó nhằm mục đích bảo vệ hữu hiệu lãnh thổ, và đối với nước Lào chỉ được đặt ra trong giới hạn của Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Lào.

5. Hội nghị ghi nhận những điều khoản trong Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Việt Nam, với ý nghĩa rằng, không một căn cứ quân sự nào thuộc nước ngoài kiểm soát, được thiết lập trong khu vực tập kết của hai bên, các bên có nhiệm vụ bảo đảm khu vực được giao cho mình không tham gia bất cứ một liên minh quân sự nào, dùng để gây lại chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược. Hội nghị cũng ghi nhận lời tuyên bố của Chính phú Cămpuchia và Lào rằng họ sẽ không ký kết vào bất cứ một hiệp định nào với một quốc gia khác để liên minh quân sự mà không phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, hoặc đối với Lào, với những nguyên tắc trong Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Lào, hoặc trách nhiệm buộc họ phải thiết lập những căn cứ cho các lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Cămpuchia và Lào, khi mà an ninh của họ không bị đe dọa.

6. Hội nghị thừa nhận rằng, mục đích chính của Hiệp định liên quan đến Việt Nam, là dàn xếp các vấn đề quân sự nhằm chấm dứt chiến sự và giới tuyến quân sự là tạm thời và không được hiểu là ranh giới chính trị hay biên giới lãnh thổ, dưới bất cứ hình thức nào. Hội nghị bày tỏ sự tin tưởng vào việc thực hiện những điều khoản trong Tuyên bố này và trong Hiệp định chấm dứt chiến sự, sẽ tạo nên những nền tảng cần thiết để đạt đến sự ổn định chính trị ở Việt Nam, trong một tương lai gần.

7. Hội nghị tuyên bố rằng, đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị được thực hiện trên nền tảng tôn trọng những nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người Việt Nam được hưởng những quyền tự do cơ bản bảo đảm bởi hiến pháp dân chủ được thiết lập từ kết quả tổng tuyển cử tự do bằng bỏ phiếu kín.

Nhằm bảo đảm cho sự tiến triển trong việc lập lại hòa bình được thực hiện và tất cả những điều kiện cần thiết để đạt đến quyền tự do bày tỏ ý muốn của nhân dân, cuộc tổng tuyên cử sẽ được tiến hành vào tháng 7 năm 1956, dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế gồm đại diện các nước thành viên trong Ủy ban giám sát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Các cuộc tham khảo ý kiến về vấn đề này giữa nhà cầm quyền hai vùng sẽ bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1955.

8. Những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự liên quan đến việc bảo đảm cho tính mạng và tài sản của mọi người phải được thực hiện triệt để, đặc biệt là phải cho phép mọi người ở Việt Nam được tự do lựa chọn vùng mình muốn sinh sống.

9. Những người có thẩm quyền ở miền Bắc và ở miền Nam Việt Nam cũng như nhà cầm quyền ở Cămpuchia và Lào, không được dung thứ bất cứ hành vi trả thù cá nhân hay tập thể nào, đối với những người đã từng cộng tác với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh, hoặc các thành viên trong gia đình của những người đó.

10. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Cămpuchia, Lào và Việt Nam theo yêu cầu của các Chính phủ liên quan và trong thời hạn do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp một số nơi do thỏa thuận hai bên, một số quân đội Pháp sẽ ở lại những điểm nhất định và trong thời hạn nhất định.

11. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng việc giải quyết ôn thỏa các vấn đề liên quan đến việc lập lại và củng cố hòa bình ở Lào, Cămpuchia và Việt Nam, Chính phủ Pháp sẽ thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cămpuchia, Lào và Việt Nam.

12. Trong quan hệ với Cămpuchia, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nói trên, và không can thiệp vào nội bộ các nước này.

13. Các nước tham gia hội nghị thỏa thuận sẽ hỏi ý kiến với nhau về mọi vấn đề do Ủy ban kiểm soát Quốc tế đề cập đến, nhằm nghiên cứu những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Cămpuchia, Lào và Việt Nam.

(Dịch từ bản gốc tiếng Pháp)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2023, 10:08:46 am »


TUYÊN BỐ CỦA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
Văn bản về hai điều khoản trong Bản Tuyên bố cuối cùng.


A. Theo Điều 10 trong Bản Tuyên bố cuối cùng, Chính phủ nước Cộng hòa Pháp tuyên bố sẵn sàng rút quân ra khỏi lãnh thổ Cămpuchia, Lào và Việt Nam theo yêu cầu của các chính phủ liên quan, trong thời hạn do các bên quy định, trừ trường hợp một số lính Pháp được ở lại, trên những địa điểm và thời gian theo sự thỏa thuận riêng giữa các bên.

B. Theo Điều 11 trong Bản Tuyên bố cuối cùng, Chính phủ nước Cộng hòa Pháp tuyên bố sẽ tiến hành các công việc nhằm giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc lập lại hòa bình ở Cămpuachia, Lào và Việt Nam, căn cứ vào các nguyên tắc tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cămpuchia, Lào và Việt Nam.

(dịch theo bản gốc)


 




IC/54

Ngày 21 tháng 7 năm 1954
HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ
Bản gốc: TIẾNG ANH

TUYÊN BỐ CỦA ĐẠI DIỆN HỢP CHỦNG QUỐC
HOA KỲ VỀ HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ


Chính phủ Hợp chủng quốc quyết định cống hiến những nỗ lực của mình vào công việc củng cố hòa bình thể theo những nguyên tắc và mục đích của nước Mỹ.

Ghi nhận:

Hiệp định đã đạt được tại Giơnevơ ngày 20 và 21 tháng 7 năm 1954 giữa (a) Bộ chỉ huy Quân đội Pháp — Lào và Bộ chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam; (b) Bộ chỉ huy Quân đội Hoàng gia Cămpuchia và Bộ chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam; (c) Bộ chỉ huy Quân đội Pháp — Việt và Bộ chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Và từ đoạn 1 đến đoạn 12 trong Bản Tuyên bố trình tại Hội nghị Giơnevơ ngày 21 tháng 7 năm 1954.

Tuyên bố:

Dựa vào cách nhìn nhận Hiệp định với những đoạn văn nói trên rằng (i) nước Mỹ sẽ tự kìm chế mình trong việc dọa dẫm dùng vũ lực để gây rối những quyết định có liên quan, thể theo Điều 2 (4) trong Công ước của Liên Hợp Quốc đề cập đến nghĩa vụ các nước thành viên tự kìm chế trong các quan hệ Quốc tế của mình, không dọa dẫm hay sử dụng vũ lực và (ii) Mỹ sẽ xem xét bất cứ toan tính tấn công mới nào vi phạm Hiệp định nói trên ở mức độ nghiêm trọng và coi như uy hiếp nặng nề hòa bình và an ninh quốc tế.



 

TUYÊN BỐ CỦA CHÍNH PHỦ ẤN ĐỘ
VỀ HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ


1. Chính phủ Ấn Độ ghi nhận Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Cămpuchia, Lào và Việt Nam, và triển khai những việc chuẩn bị nhằm thực hiện việc kiểm soát và giám sát Quốc tế về những nội dung của Hiệp định.

2. Chính phủ Ấn Độ hoan nghênh những nội dung Hiệp định và rất hài lòng về việc chấm dứt chiến tranh Cămpuchia, Lào và Việt Nam nay đã trở thành hiện thực. Chính phủ Ấn Độ tin tưởng vững chắc và hy vọng chân thành rằng những nội dung nêu trong Bản Tuyên bố cuối cùng Hội nghị Giơnevơ và trong ba điều thỏa thuận ngưng chiến tại Cămpuchia, Lào và Việt Nam tạo cho mỗi quốc gia cơ hội và khả năng đóng góp vai trò của mình trong cộng đồng Quốc tế với độc lập và chủ quyền hoàn toàn.

3. Chính phủ Ấn Độ đã ghi nhận tất cả những điều khoản và quy ước của Bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, ngày 21 tháng 7 mà Ấn Độ đã tiếp nhận một cách hài lòng. Chính phủ Ấn Độ sẽ tôn trọng danh dự và đề cao nội dung của Bản Tuyên bố cuối cùng với tất cả khả năng của mình và đặc biệt là những nội dung liên quan đến một hay cả ba nước nói trên. Chính phủ Ấn Độ cũng thiết tha hy vọng rằng những điều khoản nói trên sẽ được tôn trọng và đề cao một cách danh dự bởi các nước liên quan.

4. Chính phủ Ấn Độ đánh giá sâu sắc chân lý và tin tưởng đối với Hiệp định Giơnevơ của từng nước và toàn thể, thể hiện nhiều lần qua việc đề cập Ấn Độ đứng vào số thành viên Ủy ban giám sát Quốc tế và cuối cùng, cử Ấn Độ làm chủ tịch của các Ủy ban ở từng nơi.

5. Chính phủ Ấn Độ bày tỏ tinh thần biết ơn đối với việc Canada và Ba Lan đã nhận làm thành viên của Ủy ban, nhanh chóng đáp ứng lời mời của Ấn Độ cử đại diện đến dự Hội nghị của ba nước họp tại New Delhi và đồng tình với các quy trình tiến hành việc triệu tập Ủy ban đúng ngày do Hiệp định đề ra.

6. Chính phủ Ấn Độ rất hài lòng ghi nhận và thông báo cho các nước thành viên Hội nghị Giơnevơ rằng ba nước thành viên của Ủy ban kiểm soát và giám sát Quốc tế đạt đến sự nhất trí hoàn toàn tại Hội nghị New Delhi và sau đó ba Ủy ban đã được thiết lập theo đúng ngày 11 tháng 8 trên 3 lãnh thổ, đúng với lời văn của Hiệp định.

7. Chính phủ Ấn Độ rất sung sướng ghi nhận và thông báo đến các nước thành viên Hội nghị Giơnevơ rằng một tinh thần thống nhất và đồng tâm tại Hội nghị, nhấn mạnh rằng ba nước hội viên của Ủy ban đã được sự hỗ trợ lớn lao do sự có mặt của đại diện Cămpuchia, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lào và Quốc gia Việt Nam tại New Delhi theo lời mời của Chính phủ Ấn Độ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2023, 10:24:29 am »


LỜI KÊU GỌI SAU KHI
HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ THÀNH CÔNG1


Cùng đồng bào toàn quốc,

Cùng toàn thể quân đội và cán bộ,


Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to.

Tôi thay mặt Chính phủ thân ái kêu gọi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ.

1. Vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc mà 8, 9 năm nay, nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta, đoàn kết chặt chẽ, trên dưới một lòng, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Nhân dịp này, tôi thay mặt Chính phủ ngỏ lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ từ Nam đến Bắc. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh.

Chúng ta giành được thắng lợi to lớn cũng là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta.

Vì những thắng lợi ấy và do sự cố gắng của đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Béclin, mà có cuộc đàm phán giữa ta và Pháp ở Hội nghị Giơnevơ. Ở Hội nghị Giơnevơ, do sự đấu tranh của đoàn đại biểu ta và sự giúp đỡ của hai đoàn đại biểu Liên Xô và Trung Quốc, ta đã thu được thắng lợi lớn: Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi nước ta, v.v..

Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc.

2. Để thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn.

Để ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực.

Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị.

Trong khi đình chiến, quân đội ta tập trung vào miền Bắc, quân đội Pháp tập trung vào miền Nam, nghĩa là có sự đổi vùng. Một số địa phương trước kia là vùng Pháp chiếm, nay thành vùng giải phóng của ta. Ngược lại, một số vùng giải phóng cũ của ta, nay sẽ là nơi Pháp tạm đóng quân trước khi rút về Pháp.

Đó là một việc cần thiết. Nhưng Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng.

Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đảng, Chính phủ và tôi luôn luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc đồng bào sẽ thắng lợi.

3. Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí.

Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng những điều họ đã ký kết với ta.

Chúng ta phải ra sức củng cố hòa bình, tỉnh táo đề phòng âm mưu của những kẻ phá hoại hòa bình.

Chúng ta phải ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặng thống nhất nước nhà.

Chúng ta phải ra sức khôi phục và xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng của ta về mọi mặt, để thực hiện quyền độc lập hoàn toàn của nước ta.

Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự.

Chúng ta thắt chặt thêm mối tình nghĩa anh em với hai nước Miên và Lào.

Chúng ta củng cố tình hữu nghị vĩ đại giữa ta với Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Chúng ta đoàn kết hơn nữa với nhân dân Pháp, nhân dân châu Á và nhân dân toàn thế giới để giữ gìn hòa bình.

4. Tôi thân ái kêu gọi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ hãy theo đúng đường lối, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc.

Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Cả nước đồng lòng, muôn người như một, chúng ta nhất định thắng lợi.

Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm!

   
   
                                                                                                                       
Ngày 22 tháng 7 năm 1954
                                                                                                                       
CHỦ TỊCH
                                                                                                                       
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
                                                                                                                       
HỒ CHÍ MINH

________________________________________
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chinh trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 321 - 323.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2023, 10:38:53 am »


NGHỊ ĐỊNH THƯ

Về các điều kiện thành lập Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Kiểm soát Quốc tế ở Sài Gòn

1. Trụ sở

Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp đảm bảo chỗ ở và làm việc cho Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn theo nhu cầu của Phái đoàn với thỏa thuận là các nhà không quá xa nhau, càng ở gần trụ sở Ủy ban Quốc tế càng tốt.

2. Tiếp tế

Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp cam kết tạm thời đảm bảo cung cấp xăng dầu, chất đốt và các nhu cầu cần thiết khác cho Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đối với việc tiếp tế thực phẩm, Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam khi cần thiết, đề ra yêu cầu cho Phái đoàn liên lạc Pháp. Hai bên thỏa thuận rằng Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể tự mình đi mua sắm các thiết bị văn phòng, máy đánh chữ, và thiết bị vô tuyến điện.

Các thiết bị này sẽ không chịu sự kiểm soát nào, và không phải qua thủ tục hải quan.

3. Đi lại

Khi đi lại do nhu cầu công vụ, nhân viên Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam được hộ tống bởi một đơn vị bảo vệ, do Bộ Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp cung cấp.

Ở Sài Gòn, các nhân viên của Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đi ra ngoài không phải vì công vụ, thì sẽ mặc thường phục và không phải bảo vệ như đã nói ở phần trên

Tuy nhiên, họ cần thông báo cho Phái đoàn liên lạc Pháp biết về các cuộc di chuyển này để có thể có các biện pháp bảo vệ, cho đến khi có ý kiến khác.

Các xe được sử dụng phải cùng loại, và không khác biệt với các kiểu xe có trong thành phố đã được nói trên.

Các xe này không có dấu hiệu khác biệt.

Trong những điều kiện bảo đảm an ninh đã được xác định ở phần trên, việc đi lại của các nhân viên Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong nội thành Sài Gòn - trụ sở của Ủy ban Quốc tế - được tự do. Việc di chuyển giữa Sài Gòn và Hà Nội, được thực hiện bằng phương tiện hàng không của Liên hiệp Pháp. Những việc di chuyển khác hơn phần nói trên, cần phải có sự thỏa thuận trước với các lực lượng Liên hiệp Pháp và mang tính chất đặc biệt.

Mỗi nhân viên của Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ giữ một giấy thông hành thay cho giấy căn cước và do Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp cấp.

Khi đi làm việc, các nhân viên của Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam, có thể sử dụng xe cá nhân. Nhưng những xe này không được mang một dấu hiệu nào khác, ngoài biển số kiểm soát của xe.

Không có sự kiểm soát nào khác, ngoài giấy thông hành, đối với người đi trên xe. Khi có xe và người theo hộ tống, thì sự xuất trình giấy tờ của xe hộ tống và giấy thông hành là đầy đủ.

4. Biện pháp an ninh

A. Trong vùng kiểm soát của mình, Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các nhân viên trong Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, cụ thể như sau:

- Các nơi ở và làm việc được bảo vệ bên ngoài do một đơn vị lực lượng Liên hiệp Pháp.

- Việc đi lại của các nhân viên Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ được bảo vệ như đã được xác định ở phần III trên đây.

- Nhà cửa và trang thiết bị của Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng được bảo đảm như các điều kiện đã nói ở phần trên.

B. Các nhân viên quân sự trong Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam được giữ súng ngắn hoặc súng sáu cá nhân ở bên trong trụ sở của Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi đi ra bên ngoài thì họ không được mang theo các vũ khí này.

C. Các nhà dành cho Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng, không được cho tạm trú những người ngoài Phái đoàn hay đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam được ủy nhiệm đến làm một nhiệm vụ tạm thời với Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn hay chính với Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Những nhà này sẽ không bị khám xét trong bất cứ trường hợp nào.

5. Liên lạc

Các tuyến liên lạc giữa Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam hay với Ủy ban Liên hợp Trung ương sẽ được thực hiện bằng phương tiện vô tuyến điện riêng của mình, và bằng các phương tiện vận chuyển hàng không của các lực lượng Liên hiệp Pháp.

Các tuyến liên lạc giữa Phái đoàn với Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với Ủy ban Liên hợp Trung ương bằng phương tiện vận chuyển hàng không của Liên hiệp Pháp sẽ không có bất cứ hạn chế nào.

Các tuyến liên lạc giữa Phái đoàn và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn với Phái đoàn liên lạc Pháp bên cạnh Ủy ban Quốc tế được thực hiện bằng tuyến điện thoại và bằng tuyến đường bộ. Các xe được sử dụng là xe của Phái đoàn có giấy thông hành; các tuyến điện thoại sẽ được các lực lượng Liên hiệp Pháp lắp đặt.

6.

Do những khó khăn hiện tại trong việc tìm chỗ ở, nên quân số của Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn sẽ được tạm thời ấn định lúc ban đầu, trong khoảng mười lăm người, kể cả nhân viên cấp dưới.

Làm tại Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1955. Bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Pháp có giá trị như nhau.


Đại tá HÀ VĂN LÂU
                                           
Tướng DE BEAUFORT
Trưởng Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân cạnh Ủy ban kiểm soát Quốc tế,
                                           
Trưởng Phái đoàn liên lạc các lực lượng Liên hiệp Pháp cạnh Ủy ban kiểm soát Quốc tế,
Đã ký: HÀ VĂN LÂU
                                           
Đã ký: DE BEAUFORT
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2023, 11:53:43 am »


TỔNG CAO UY PHÁP
                                                                                                                       
   SÀI GÒN, ngày 18 tháng
VÀ CHỈ HUY TRƯỞNG
                                                                                                                       
      Giêng năm 1955
Ở ĐÔNG DƯƠNG
                                                                                                                       
   
PC/OC/32
         
      No.0461/CAB


Kính gửi: NGÀI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VIỆT NAM SÀI GÒN

Ngài Thủ tướng,

Như Ngài đã biết, Ủy ban kiểm soát và giám sát Quốc tế đã cho biết vào đầu tháng chạp, rằng họ đã quyết định thành lập ngay một Phân ban Quốc tế tại Sài Gòn và họ sẽ chuyển trụ sở trung tâm vào thành phố này vào tháng 8 năm 1955. Họ cũng xác nhận rằng vào lúc đó thì Phân ban tại Sài Gòn sẽ chuyển ra Hà Nội.

Tôi hân hạnh được cho ngài biết, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân dịp này đã đề nghị với Đại sứ DESAI yêu cầu cho một Phái đoàn liên lạc bên cạnh Phân ban Quốc tế để “thiết lập một sự hợp tác chặt chẽ và hữu hiệu với Ủy ban Quốc tế và các bên”, theo như nguyên văn của họ. Nhà cầm quyền đối phương tuyên bố thêm rằng, họ sẵn sàng cam kết nguyên tắc “Có đi có lại” sẽ được thực hiện có lợi cho chúng ta khi Ủy ban Quốc tế sẽ di chuyển vào miền Nam Việt Nam.

Khi chuyển các đề nghị này đến Phái đoàn liên lạc Pháp - Việt, thì Ủy ban Quốc tế đã cho biết rằng, họ muốn có các tổ chức liên lạc của hai bên được thiết lập tại Sài Gòn. Họ hy vọng rằng tất cả những biện pháp sẽ được thực hiện theo hướng này vào cuối tháng giêng năm 1955, thời gian mà Phân ban Quốc tế sẽ được hình thành.

Tôi sẽ rất biết ơn Ngài, nếu được Ngài cho biết ý kiến về đề nghị mà Ủy ban Quốc tế vừa mới gửi đến cho tôi.

Tôi xin Ngài Thủ tướng hãy nhận nơi đây lời đảm bảo về sự tôn kính vô hạn.

                                                                                                                           
Ký tên: J.H.DARIDAN
                                                 
Phó Đại sứ Tổng Cao ủy Pháp tại Đông Dương.
Kính gửi Đại tướng P.ELY
                                                                                 
Tổng Cao ủy Pháp
                                                                                       
Chỉ huy trưởng ở Đông Dương
                                                                     






Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2023, 11:54:30 am »


TỔNG CAO UY PHÁP
                                                                                                                     
SÀI GÒN, ngày 8 tháng 2
VÀ CHỈ HUY TRƯỞNG
                                                                                                                       
năm 1955
Ở ĐÔNG DƯƠNG
                                                                                                                       
No 1163/Cab


Ngài Thủ tướng NGÔ ĐÌNH DIỆM,
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Sài Gòn


Thưa Ngài Thủ tướng,

Cũng như Tổng Cao ủy đã cho ngài biết bằng Văn thư No 461 ngày 18 tháng giêng, về việc Ủy ban Quốc tế yêu cầu chúng tôi cho đặt một Phái đoàn liên lạc bên cạnh “Phân ban Quốc tế” ở Sài Gòn với khẳng định là họ chờ câu trả lời trước ngày 1 tháng 2.

Ngày 2 tháng 2, một trong những cộng tác viên của tôi, đã thông báo cho chính phủ của ngài, về ý định của Trưởng Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam, sẽ cùng đi với Ủy ban kiểm soát Quốc tế trong thời gian Ủy ban lưu lại tại thủ đô, từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 2, để thiết lập bộ phận này.

Những điều bất lợi đặt ra cho chúng ta về một yêu sách như vậy, đã làm cho tôi không thể không quan tâm, và tôi mời ngay tướng DE BEAUFORT đánh giá vai trò chủ yếu của Đại tá HÀ VĂN LẢU ở Giơnevơ, được xem là một nhân vật chính trị nổi bật, hơn là một sĩ quan liên lạc. Tôi lưu ý rằng, sự có mặt của ông HÀ VĂN LÂU ở Sài Gòn không thể che giấu được, và điều đó sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 5 tháng 2, Ủy ban kiểm soát Quốc tế đã nhắc lại đề nghị của mình bằng văn bản. Ngày 7, sau cuộc hội nghị toàn thể, Ủy ban kiểm soát Quốc tế đã cảnh báo với đại diện của tôi, họ sẽ xem như sự từ chối dứt khoát, chống đối ý muốn có đại diện Việt Minh bên cạnh, và bác bỏ một trong những kiến nghị của họ. Họ sẽ đình hoãn chuyến đi vào Sài Gòn cho đến khi yêu cầu của họ được giải quyết.

Mặt khác tướng DE BEAUFORT còn cho biết, sự bác bỏ cuối cùng, sẽ là dịp để Ủy ban kiểm soát Quốc tế căn cứ vào Điều 43 của Hiệp định đình chỉ chiến sự, mà thông báo cho các thành viên Hội nghị Giơnevơ. Thật vậy, họ sẽ xem thái độ như vậy, là sự vi phạm Thỏa hiệp Phú Lộ vì theo họ trụ sở chính được đặt ở đâu là quyền của họ, một tổ chức kiểm soát cao cấp Quốc tế, ngay cả khi điều đó chỉ là tạm thời.

Xin ngài hãy cùng tôi hiểu rõ lợi ích của việc không làm trở ngại cho một vấn đề thứ yếu của Ủy ban kiểm soát Quốc tế, mà sự hợp tác quyết định cho một kết thúc tốt đẹp các vấn đề đang được đặt ra. Chúng ta đừng quên rằng thời gian gần đây tổ chức Quốc tế này đã làm chúng ta vừa lòng trên 3 vấn đề chủ yếu: Sự triệt thoái về nước khí cụ ở Hải Phòng, sự tăng cường kiểm soát biên giới Trung Quốc và nhất là các biện pháp thuận lợi cho dân di cư, bằng những khuyến cáo được trình bày vào ngày 1 tháng 2. Vì lẽ đó, nên điều lo lắng của chúng ta là tranh thủ để được kéo dài thêm thời gian di tản. Tôi không che dấu sự lo lắng sâu sắc mà tôi cảm nhận khi nghĩ rằng Ủy ban có thể nản lòng trước những khó khăn mà họ phải gánh chịu trong thực thi nhiệm vụ. Do đó dẫn đến sự từ chối trách nhiệm nặng nề đối với sự thách thức về quyền hạn mà họ cần có. Đó là định mệnh của hằng triệu đồng bào của ngài phải gánh chịu. Tôi không nghi ngờ tấm lòng của ngài mong muốn giúp đỡ họ, để cùng tôi tìm cách tháo gỡ sự khủng hoảng này, tránh những hậu quả nghiêm trọng.

Tôi xin ngài Tổng thống, hãy nhận nơi đây sự đảm bảo lòng kính trọng của tôi.

                                                   
Đại tướng ELY
                                                   
Tổng Cao ủy Pháp và Chỉ huy trưởng ở Đông Dương.
                                                   
Ký tên: P.ELY



Trong Văn thư trả lời số 75/9TT/VP ngày 10-2-1955, Ngô Đình Diệm thuận cho Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt trụ sở tại Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2023, 12:20:45 pm »


BỘ QUỐC PHÒNG
                                                                        
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
TỔNG TƯ LỆNH
ĐỘC LẬP — TƯ DO — HẠNH PHÚC
------
==================
Số: 150-UN/TTL

Trích yếu:


GIẤY ỦY NHIỆM
---:---
BỘ TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT-NAM chỉ định:

Đại tá PHẠM-HÙNG

Làm đại diện BỘ TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT-NAM bên cạnh Ủy-ban Kiểm-soát Quốc-tế ở Việt Nam tại Sài-gòn.


   
Nay ủy nhiệm

   Tổng hành dinh BỘ TỔNG TƯ LỆNH
   QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

   Ngày 10 tháng 4 năm 1955
   TỔNG TƯ LỆNH
   QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
   


   Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2023, 12:55:53 pm »


BỘ TỔNG TƯ LỆNH
                                                            
VIỆT-NAM DÂN-CHỦ CỘNG-HÒA
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT-NAM
                           
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
--------
                           
===============
PHÁI ĐOÀN LIÊN LẠC
                              
CẠNH UỶ BAN QUỐC TẾ
                              
Ở SÀI GÒN
                              
------
HÀ NỘI, ngày 15 tháng 5 năm 1965
Số 9 FDSA
                              



GIẤY ỦY NHIỆM

Đại tá PHẠM-HÙNG, Trưởng phái-đoàn, Đại-diện BỘ TỔNG TƯ—LỊNH Quân-đội Nhân-dân Việt-Nam bên cạnh ỦY—BAN KIỂM-SOÁT QUỐC-TẾ tại SÀIGÒN ủy-nhiệm: Trung-tá NGUYỄN-VĂN-LONG Phó Trưởng Đoàn thay mặt Trưởng Đoàn giải-quyết mọi công việc thuộc phạm—vi của Phái-đoàn, trong khi Trưởng Đoàn vắng mặt.

 

   
TRƯỞNG PHÁI ĐOÀN
   Đại-tá PHẠM-HÙNG
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2023, 01:07:00 pm »


Danh sách cán bộ chiến sĩ Phái đoàn liên lạc QĐND Việt Nam đã vào công tác ở Sài Gòn
(1955 - 1958)

Họ và tên Bí danh Nhiệm vụ
1. Phạm Hùng Trưởng Phái đoàn (từ tháng 5 đến tháng 7-1955)
2. Nguyễn Văn Vịnh Trưởng Phái đoàn thay đồng chí Phạm Hùng (từ tháng 3 đến tháng 6-1956)
3. Nguyễn Văn Long Phó Trưởng đoàn, từ tháng 8-1956 đến tháng 5-1958 được ủy quyền Trưởng đoàn
4. Phạm Chung (Thủy) Bí thư chi bộ Phái đoàn
5. Nguyễn Hoàn Cán bộ
6. Mai Văn Bộ Cán bộ
7. Huỳnh Minh Hiển (Hòa) Văn phòng
8. Nguyễn Hoàng Kính Văn phòng
9. Đặng Sĩ Hùng Cán bộ
10. Nguyễn Văn Thơm (Sơn Việt) Quản trị
11. Nguyễn Kim Cương Phiên dịch
12. Nguyễn Văn Kha (Tự) Phiên dịch
13. Trịnh Ngọc Thái Phiên dịch
14. Võ Văn Thậm Phiên dịch
15. Dương Đồng Khiêm (Hương) Cơ yếu
16. Hồ Vĩnh Thuận (Phong) Điện đài
17. Lê Văn Duyên (Tiến) Điện đài
18. Trần Văn Thình (Được) Máy nổ, cơ khí
19. Nguyễn Văn Gấm (An) Thư ký đánh máy
20. Nguyễn Văn Hạnh (Mạnh) Y sĩ bảo vệ sức khỏe
21. Phạm Văn Tuân (Mười) Cấp dưỡng
22. Trần Ngọc Cứng (Nghĩa) Lái xe
23. Nguyễn Văn Tòng Lái xe

Ngoài các đồng chí trên, còn có:

- Đồng chí Lữ Minh Châu, làm nhiệm vụ trực của Phái đoàn tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương ở Hà Nội.

- Đồng chí Uyển thường ra vào Sài Gòn mang phim và tài liệu cho Phái đoàn.

Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM