Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:21:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ cách mạng công khai cắm tại Sài Gòn 1955-1958  (Đọc 1720 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2023, 08:54:27 am »


NHỮNG CHUYỆN GIỮA CHỢ BẾN THÀNH

TRẦN VĂN THÌNH


Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ, tôi được Tỉnh ủy Sa Đéc giao nhiệm vụ đi công tác trong Phái đoàn của ta ở Sài Gòn, với trách nhiệm sửa chữa cơ khí. Tôi theo giao liên đến Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ, ở Phụng Hiệp (Cần Thơ). Trong khi chờ tổ chức Phái đoàn, tôi phụ trách sửa chữa các thuyền máy đưa đón cán bộ trong Ủy ban Liên hợp đi công tác. Cho đến hết 200 ngày tập kết, tôi theo chuyến tập kết cuối cùng trên chiếc tàu Ba Lan Kilinsky tại bến sông Ông Đốc, ra miền Bắc.

Sau khi Phái đoàn Liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn được thành lập, chúng tôi vào Sài Gòn ngày 17-5-1955. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách máy điện, máy xe hơi, phụ bếp, bảo vệ và cắt tóc cho anh em.

Thường ngày tôi đi chợ với anh Mười Tuân. Trước khi đi chợ, chúng tôi hội ý nhận định tình hình, nên đi chợ nào: chợ Sài Gòn, chợ Phú Nhuận, hay chợ Gia Định... và mỗi chiều đều có kiểm điểm lại công việc để rút kinh nghiệm kịp thời. Chúng tôi thường xuyên thay đổi chợ, có hôm thì đi chợ Sài Gòn, hôm sau đi chợ Phú Nhuận hoặc chợ Bà Chiểu,... để địch khó theo dõi. Chúng tôi đi chợ bằng chiếc Citroen và hết sức tuân theo luật lệ giao thông, cố gắng không để xảy ra những chuyện rắc rối trên đường phố có thể tạo lý do để chúng gây khó khăn cho Phái đoàn của ta. Thời gian đi và về trong vòng hai tiếng đồng hồ. Xe của Phái đoàn ta khi chạy trên đường phố, không cắm cờ nhưng trên mặt tay lái có tấm plắc bằng đồng ghi tên Phái đoàn. Khi đi chợ, chúng tôi ăn mặc thường phục. Còn bọn công an đi xe jeep phía sau, có cắm cờ xanh với danh nghĩa là bảo vệ, nhưng thực chất để theo dõi chúng tôi. Bọn công an cũng ăn mặc thường phục.

1. Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt ở Sài Gòn

Khi chúng tôi ăn mặc thường phục, đi trên đường phố bằng xe du lịch loại thông thường thì không ai để ý. Cũng không ai để ý đến chiếc xe jeep của bọn công an mang cờ xanh chạy phía sau.

Nhưng có một lần, khi chúng tôi đến chợ Sài Gòn thì bọn công an chỉ chỗ đậu xe trên đường Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh). Tôi thấy bảng cấm đậu xe vào ngày chẵn, chỉ cho công an đi theo xe thấy tấm bảng. Chúng bảo: “Cứ đậu”. Độ nửa giờ sau, cảnh sát giao thông đến lập biên bản phạt vì đậu sai quy định. Tôi gọi cảnh sát bảo vệ đến giải quyết. Hai bên tranh cãi nhau.

- “Xe cảnh sát đi bảo vệ xe của Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế có quyền đậu”. Cảnh sát hỏi:

- “Tại sao xe của Phái đoàn mà không cắm cờ?”

- “Xem tấm plắc bên trong xe thì rõ”.

Cảnh sát giao thông xin lỗi vì không biết. Rồi nhờ cảnh sát bảo vệ ghi vào biên bản là phạt sai để hủy bỏ.

Chuyện lùm xùm, làm cho những người đi mua bán xúm lại xem. Vì vậy họ mới biết xe của “Phái đoàn ta, là Bộ đội Cụ Hồ hiện đang có mặt tại Sài Gòn”. Nhiều người nói: “Mấy ông bộ đội ăn mặc đàng hoàng, ăn nói lịch sự lễ phép, mua bán sòng phẳng, vậy mà họ nói là Việt Minh ốm yếu, mình mẩy đầy lông lá”. Có người còn nói: “Việt Minh đi đứng công khai mà chính phủ lại bảo Tố Cộng”.

Tiếng lành đồn xa. Từ đó về sau, hễ thấy chúng tôi thì đồng bào niềm nở. Những ngày lễ lớn như ngày 2-9, 19-5... các kiosque bán hoa cho chúng tôi không lấy tiền. Các nơi bán thực phẩm với giá rẻ. Có lần khi mua thịt xong, họ kêu chúng tôi lại: “Mấy ông ơi! quên gói thịt nè”. Tôi biết là họ muốn tặng cho Phái đoàn nên trở lại lấy gói thịt và nói:

- “Tôi mua rồi mà lại quên trả tiền”. Và lấy tiền ra trả thêm...

Đi ra ngoài phố hay khi đi chợ, sợ nhất là gặp người quen. Phải cố gắng lánh mặt để họ đừng bị liên lụy. Có lần tôi đang mua hàng, có người đến vỗ vai:

- “Thầy Tư...” Tôi ngước nhìn lên. Trời đất ơi! Vợ tôi đang đứng tươi cười trước mặt. Tôi liền nói: “Chị lầm rồi, tôi không phải là thầy Tư, tôi tên Được, người giống người đó”. Bà vợ tôi cãi lại: “Anh là Tư Thình, chồng của tôi mà không biết sao được...”.

- “Chị lầm rồi, không tin chị hỏi mấy ông công an thì rõ”. Nghe nói đến công an, vợ tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Công an theo bảo vệ đang đứng phía sau tôi, nói: “Chị lầm rồi, đây là người mấy ông trong Phái đoàn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đó. Chị đi đi, người giống người mà...”. Vợ tôi liền bỏ đi một nước. Tôi liếc nhìn theo, cho đến khi khuất dạng, xem có chuyện gì xẩy ra không. Thật là đứng tim.

Một lần khác, tôi đang chọn mua vải cho cơ quan để làm khăn trải bàn. Có một bà đến sát bên tôi hỏi: “Cậu ơi! Vải này có tốt không?” Tôi ngó lại. Trời đất quỷ thần ơi! Chị Sự là chị ruột của tôi đang đứng liếc nhìn tôi. Tôi trả lời: “Vải này bề ngoài thì thấy tốt, nhưng không biết có chắc không?”. Rồi nói nhỏ: “Tôi còn công tác, chị coi chừng công an”. Rồi bỏ đi mà nước mắt muốn trào ra. Chị em sống với nhau từ lúc nhỏ đến ngày kháng chiến, mỗi người đi một nơi. Nay gặp lại mà chẳng hỏi thăm được câu nào, chị sinh sống ra sao? Chị ơi,... xin hẹn ngày thống nhất.

Có lần tôi lái xe đến ngã tư gặp đèn đỏ. Tôi dừng xe lại, trước hãng ASAM, là nơi trước đây tôi làm cặp rằn. Anh em thợ họ gọi “Tư Thình kìa tụi bây ơi”, kêu cả thằng xếp Tây đến xem. Nhưng thấy tôi mặc quân phục, họ chỉ nhìn mà không dám gọi.

Còn anh Mười Tuân, có lần đang mua thịt, tôi thấy có một chị khá đẹp đứng kế bên, cuốn gói tiền cầm trong tay rồi nhét vào tay anh Mười, về nhà tôi hỏi: “Cha nội, sao tiền của người ta mà qua tay anh”.

“Vợ tao đó mày ơi. Bây giờ mày phê bình tao chịu, chớ tao không biết sao”. Tôi liền lên lớp cho anh Mười: “Sau này tìm cách lánh mặt, đừng mang hại cho vợ con đó”.


2. Vụ hành hung

Hôm đó chúng tôi đi chợ Sài Gòn. Anh Tòng lái xe, anh Ý bảo vệ, còn tôi và anh Mười Tuân thì vào chợ. Thông thường, có hai tên công an theo sau chúng tôi còn hôm nay chỉ có một. Đến chợ, tên này nhìn tôi với ánh mắt rất khác thường, ý chừng như muốn báo có điều chẳng lành. Rồi y lủi đi mất, chỉ còn tôi với anh Mười Tuân vào chợ. Tôi có ý đề phòng trước và sẵn sàng đối phó. Chúng tôi đến khu trung tâm mua cá. Tôi thấy có một tên mặc quần sọc mang giày, đội nón Fléchet chèn vào đi sau anh Mười Tuân. Sau lưng tôi cũng có một thằng khác. Tôi nghĩ phải coi chừng chúng muốn gì?...

Anh Mười Tuân vừa mới mua xong mấy con cá lù đù thì thằng đi sau lưng nói lớn: “Cộng sản, tao đánh cho mày biết tay”. Rồi đánh vào đầu anh Mười Tuân 3 búa (loại búa thợ bạc). Tôi chưa kịp phản ứng gì, thằng đi phía sau tôi cũng đánh lên đầu tôi 2 búa, rồi bỏ chạy, quăng luôn cả búa. Đồng bào xúm lại xem. Chuyện đánh nhau ở giữa chợ cũng thường xảy ra, nên đồng bào nói: “Mấy ông làm gì mà đánh với nhau dữ vậy?”. Tôi bàn với anh Mười Tuân phải nói cho đồng bào rõ. Tôi liền leo lên sạp cá, và nói: “Xin bà con vui lòng cho tôi nói vài lời. Chúng tôi là bộ đội trong Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Hà Nội vào Sài Gòn để tổ chức hiệp thương Tổng tuyến cử thống nhất nước nhà. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tổ chức bọn lưu manh đánh chúng tôi”.

Nghe như vậy đồng bào mới biết và bu lại càng đông hơn chung quanh chúng tôi. Người thì lấy khăn lau máu, người thì than thở:

- “Sao lại đánh người ta, tội nghiệp quá. Họ đi chợ chớ có làm gì đâu mà đánh đập”.

- “Cộng sản đi chợ công khai đó, sao không giỏi mà bắt họ đi, lại tổ chức tố cộng !”

Có người muốn giúp, đưa chúng tôi vào nhà thương Sài Gòn băng bó. Chúng tôi nói:

- “Ở cơ quan có bác sĩ đầy đủ, không phải đi bệnh viện”. Từ đó đến chỗ để xe, suốt dọc đường, chúng tôi vừa đi vừa giải thích cho đồng bào biết chúng tôi là ai và chính quyền miền Nam đã tổ chức đánh chúng tôi như thế này.

Khi đến xe, chúng tôi về trụ sở mà không có cảnh sát đi theo. Chúng đã trốn mất.

Tại trụ sở, có Ủy ban Quốc tế đến thăm. Ông Chủ tịch đòi phía Pháp phải đưa chúng tôi ra Hà Nội ngay để chữa trị. Nhưng phía Pháp sợ ảnh hưởng chính trị, bảo là chưa có chuyến bay nên độ mươi ngày sau mới chở chúng tôi đi.

Những ngày sau đó, đồng chí An và đồng chí Ý đi chợ thay chúng tôi. Đồng bào ở chợ Sài Gòn và các chợ khác đến hỏi thăm chúng tôi xem sức khỏe đã bình phục chưa.

Ra Hà Nội, chúng tôi vào Bệnh viện 108 chữa trị, độ vài tháng sau thì vết thương lành hẳn. Chúng tôi trở lại công tác ở Phái đoàn Sài Gòn cho đến khi chấm dứt nhiệm vụ.

Ngày 17-5-1958, chúng tôi trở ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác hỏi đùa: “Bọn Mỹ - Diệm đuổi các chú về không cho ở nữa phải không?” Đồng chí Long trả lời Bác:

- “Thưa Bác, theo lệnh của Bác, chúng cháu đã trở ra Hà Nội”.

Bác nói:

- “Thế là tốt!”

Bác hỏi thăm nhân dân miền Nam sống như thế nào. Khi đồng chí Long báo cáo về những chuyện khủng bố dã man của Mỹ - Diệm, Bác lấy khăn lau nước mắt. Bác nói:

- “Công tác Trung ương giao cho các chú đã xong rồi. Bây giờ các chú đi nghỉ hai tháng, sau đó nhận công tác mới tùy theo nhu cầu của nhân dân và tùy theo trình độ, để kiến thiết và xây dựng Tổ quốc”.

Chúng tôi được ảnh hình lưu niệm với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng với những niềm vui không sao tả xiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2023, 08:56:21 am »


 
NGÀY TÔI GẶP LẠI MẸ

LÊ GẤM


Khi công tác tại Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn vào năm 1955, tôi lấy bí danh là Nguyễn Văn An. Có lần tôi cùng với hai đồng chí nữa ra trung tâm Sài Gòn để mua một số hàng hóa cho cơ quan. Như thường lệ, khi chúng tôi ra đi, có một xe hiến binh đi trước và một xe công an theo sau xe chúng tôi, để hộ tống.

Khi đến đoạn giữa đường Bonard (nay là Lê Lợi), xe chúng tôi dừng lại, đậu sát lề. Chúng tôi xuống đi bộ dọc theo các phố hướng về chợ Bến Thành - Sài Gòn, để tìm mua các thứ cần thiết. Xe công an đậu sát xe chúng tôi. Chúng cũng xuống xe, theo sát chúng tôi.

Chúng tôi rảo bước trên hè phố, nhìn vào các cửa tiệm tràn ngập đủ loại hàng hóa, đầy màu sắc bóng nhoáng. Bỗng nhiên, tôi thấy mẹ tôi với một người quen đang đi ngược chiều, cách tôi khoảng 10 mét.

Trời đất! Tôi hết sức kiềm chế, để không kêu thành tiếng “Mẹ ơi!”, để không chạy lại ôm chầm lấy mẹ sau ngót 10 năm xa cách.

Kể sao cho hết những kỷ niệm của những ngày thơ ấu trong vòng tay thương yêu của mẹ, lúc vui buồn được mẹ khuyên bảo, lúc sai quấy được mẹ chỉ dạy, lúc đau ốm được mẹ chăm sóc thuốc thang... Cho đến ngày lớn khôn, tôi xa mẹ ra đi theo các anh bộ đội đánh Tây, mẹ tiễn đưa và gửi gắm. Rồi một đêm vào năm 1947, trên đường đi công tác, tôi chỉ ghé nhà thăm mẹ được giây lát. Mẹ tôi mừng không sao tả xiết. Chưa kịp nói được câu nào thì mẹ đã vội ra ngay phía sau nhà, bới đống vỏ dừa khô lâu năm, cao gần 1 mét, rồi đào lên một hộp nhỏ được giấu kín, lau sạch và đưa cho tôi. Với giọng dịu hiền xúc động mẹ nói:

- “Con giữ đôi bông tai để sau này cưới vợ”.

Tôi mở hộp ra, thấy đôi bông tai bằng vàng ròng. Tuy trời còn tối, nhưng tôi biết mẹ đang khóc. Có lẽ vì mẹ nghĩ rằng, mẹ sẽ không chờ được tới ngày tôi cưới vợ. Tôi đã luôn mang theo bên mình và giữ gìn đôi bông tai đó như một phần máu thịt của mình.

Giờ đây gặp lại mẹ trong gang tấc, mà tôi phải làm như không quen biết. Đến chợ Bến Thành - Sài Gòn, hình ảnh của mẹ vẫn còn vảng vất đâu đây thì bỗng nhiên lại nghe tiếng gọi bên tai:

- “Gấm ơi!...”

Tôi giữ bình tĩnh, phớt lờ như không phải gọi tên mình. Tôi là “An” mà. Người gọi đã đến gần với tôi. Tôi nhận thấy ngay, đó là thằng bạn thân cùng xã, học cùng trường với tôi. Tôi liền nói rất khẽ, mặt vẫn nhìn về phía trước bình thường:

- “Báy Võ, mày tránh đi, cảnh sát đang theo sau tao đấy”.

Và nó đã nhanh trí bỏ đi luôn. Thật hú hồn, chúng không phát hiện được.

Giờ đây suy ngẫm lại, tôi còn giật mình, không biết sao mình đã nhanh trí ứng phó được, không để xảy ra việc gì đáng tiếc.

Sự giáo dục thường xuyên của Đảng, sự giúp đỡ tận tình của tập thể cộng với sự tu dưỡng rèn luyện không ngừng của bản thân, đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:15:04 pm »


ĐỔI BẠC

LÊ HOÀNG NGỌC


Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho phép Nam Bộ in bạc Cụ Hồ, để lưu hành trong vùng tự do, song song với tiền Đông Dương ngân hàng (còn gọi là tiền xanh), có giá trị như nhau và rất được nhân dân tín nhiệm.

Hiệp định Giơnevơ 1954 quy định vùng tập kết Cà Mau có thời hạn là 200 ngày. Vấn đề được đặt ra là làm sao thu hồi hết số bạc Cụ Hồ đang lưu hành và đổi lại bạc xanh cho nhân dân, trước khi chấm dứt thời hạn tập kết chuyển quân. Trong khi đó, số bạc xanh mà ta có không đủ để đổi.

Ở miền Bắc, khi chúng ta tiếp quản đến đâu, thì Chính phủ ta cũng dùng tiền Việt Nam đổi và thu hồi lại bạc xanh trong nhân dân ở các vùng mới được giải phóng. Số bạc xanh thu hồi được chuyến cấp tốc, lúc đầu bằng máy bay quân đội Pháp cho kịp thời gian và về sau bằng các chuyến tàu chuyển quân tập kết của Liên Xô và Ba Lan.

Vì vậy việc đổi bạc được thực hiện kịp thời. Số bạc xanh còn dư thừa sau khi đổi xong, được phân phối về các tỉnh, làm quỹ cho các cơ sở cách mạng hoạt động ở miền Nam. Có một phần giao cho Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn. Lúc đó vào cuối năm 1954, Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ sắp hết nhiệm vụ và bắt đầu hình thành Phái đoàn liên lạc Sài Gòn do đồng chí Phạm Hùng làm trưởng đoàn.

Số bạc xanh từ Trung ương chuyển cho Phái đoàn Sài Gòn để chi tiêu trong thời gian sắp tới, gồm nhiều tiền lẻ khá cồng kềnh và nặng nề, nên cần thiết đổi lấy tiền chẵn.

Vào tháng giêng 1955, còn độ nửa tháng nữa đến tết, một số cán bộ Phái đoàn Sài Gòn đã ra thị trấn Cà Mau, đang còn do quân đội ta quản lý, để mỗi ngày ra chợ đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn. Số thanh thiếu niên ở chợ Cà Mau thuộc lớp nghèo thành thị, thường phải dựa vào chợ để kiếm sống hàng ngày, nhưng rất tích cực đổi tiền giúp ta. Mỗi buổi sáng số thanh thiếu niên này đến nhận tiền lẻ đem ra chợ đổi, trưa mang về giao nộp không thiếu một xu.

Nhưng một hôm, có một thanh niên không đến nộp tiền chẵn, khiến anh em ta lo lắng. Đến sáng hôm sau, anh thanh niên này đã đến và nộp đủ số tiền được đổi. Chuyện nhỏ thôi, nhưng chúng ta càng thêm tin tưởng vào lòng dân trong vùng tạm chiếm đối với cách mạng.

Sau khi Đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp và đưa Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ bày trò phế truất Bảo Đại để làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, thì vào giữa năm 1956,   Chính quyền miền Nam chủ trương đổi bạc, mà chỉ đổi giấy bạc 100 đồng Đông Dương ngân hàng, trong vòng một tuần lễ. Mục đích chính của việc đổi tiền là để cướp số bạc xanh còn ở miền Bắc, do Chính phủ ta đã thu hồi trong nhân dân sau khi tiếp quản và số bạc xanh của các cơ sở ta đang hoạt động.

Riêng Phái đoàn Sài Gòn cũng được giao số bạc xanh khá lớn đi đổi, nhưng làm sao để chính quyền Sài Gòn không gây trở ngại. Sau khi trao đổi thống nhất, dùng biện pháp “Đột kích” ngay từ ngày đầu.

Số bạc xanh 100 đồng, được mang ra đếm và sắp xếp theo thứ tự, gói ghém đàng hoàng rồi cho vào vali sẵn sàng đưa ra ngân hàng, để đổi vào giờ đầu ngày đổi bạc đầu tiên. Để gây bất ngờ, không cho địch kịp đối phó, chúng tôi đã làm giấy giới thiệu với nội dung :

“Đại úy Sơn Việt sĩ quan liên lạc của Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đến ngân hàng, đổi bạc Đông Dương ngân hàng lấy tiền Ngân hàng Quốc gia để trả lương cho lính”.

Đêm hôm trước ngày đổi bạc, chúng ta bí mật đưa valy tiền vào trong cốp xe. Đồng chí Sơn Việt được giao trách nhiệm đem đi đổi và có thêm đồng chí Ý bảo vệ. Sáng hôm sau như thường lệ, ta báo cho cảnh binh gác cổng biết là ta đi chợ, để chúng theo hộ tống. Xe ta vừa đến ngân hàng, là đúng giờ bắt đầu làm việc. Ta đường hoàng xách vali vào và trình giấy giới thiệu đổi bạc cho Giám đốc. Sau vài phút suy nghĩ, ông Giám đốc Ngân hàng đã ký tên vào giấy giới thiệu, đồng ý cho đổi. Chúng ta lập tức đưa vali tiền vào đổi.

Trong khi chờ đợi nhân viên ngân hàng đếm tiền, cán bộ ta hồi hộp lo bọn cảnh sát theo bảo vệ, gọi điện, báo cho chỉ huy và ngân hàng sẽ thay đổi ý kiến. Đến khi tiền được đưa ra, chúng ta không cần kiểm lại mà nhanh chóng đi ra khỏi ngân hàng.

Thế là việc đổi tiền được trót lọt!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:20:43 pm »


Sứ mạng

Kính tặng Phái đoàn liên lạc
Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
tại Sài Gòn (1955 - 1958)


Phái đoàn của bộ đội anh hùng
Cắm giữa Sài Gòn, thế tiến công
Giám sát, răn đe loài giặc nước
Dân tin, địch sợ, trái tim hồng

Tháng 5-1958
Đại tá Thúc Tâm
Đại tá Mạnh Khoát





 

NHÀ VIỆT MINH TẠI SÀI GÒN

G.S NGUYỄN NGỌC THƯỞNG


1. Hội Nghị Giơnevơ

Thông tin về những vấn đề mà Hội nghị Giơnevơ thảo luận và quyết định đến với nhân dân Sài Gòn rất nhanh, rất nhiều và đa dạng. Những người đang hoạt động ở một thành phố lớn nhất trong cả nước, vừa vui mừng vừa chóng mặt.

Quyết định của Hội nghị về việc thành lập một Phái đoàn Quốc tế và một Phái đoàn liên lạc Quân đội ta, để kiểm tra và giám sát việc thi hành Hiệp định ở phía Nam, là một tình hình rất mới đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta và thực hiện việc kết thúc một cuộc chiến tranh xâm lược đã bị hầu hết mọi người tiến bộ trên thế giới lên án.

Nỗi vui mừng như bao trùm. Mọi người đều thấy được sự lớn mạnh, vững chắc của chế độ ta và lực lượng vũ trang của ta. Đỉnh cao nhất của các thông tin là Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh của ta sẽ đến đóng tại Sài Gòn. Tuy nhiên, trong sự vui mừng lớn lao đó vẫn còn những câu hỏi:

- “Sao tụi nó cứ trơ ra như thế... Sao ta không diệt chúng luôn... Sao không đánh tới... hay là chúng nó muốn cầu viện cái gì đây...?”

Anh chị em giáo viên, thanh niên và sinh viên học sinh chúng tôi ở cơ sở cũng nêu những câu hỏi như vậy và còn có câu hỏi khác là:

- “Bao giờ trường mình, thanh niên mình được học tập và làm việc theo chế độ mới?”

Khi chúng tôi phản ánh lên cấp trên tình hình này thì mới biết nhiều cơ sở khác cũng đã lên tiếng. Câu trả lời là:

- “Cứ vận động ở cơ sơ theo đường lối phương châm của mình. Còn khi có chủ trương chung đối với Hiệp định và Phái đoàn thì sẽ có phân công vận động riêng”.

Đồng chí Bí thư nói xong, lặng thinh. Chúng tôi thường nghe ý kiến này của cấp trên, nhưng lần này thì thật là nặng nề. Đồng chí Bí thư lại nói:

- “Tình hình có nhiều phấn khởi nên có nhiều ý kiến là tốt. Các đồng chí cấp trên cũng khen việc góp ý, chỉ dè dặt với ý kiến đánh tới... Nhưng chúng ta ở cơ sở, cố gắng tìm hiểu ý kiến nhân dân, tuyên truyền và động viên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Các đồng chí cấp trên nói, khi có sự kết hợp, phối hợp và phân công riêng cho cơ sở thì cố gắng làm cho tốt...”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:22:12 pm »


2. Tình hình kéo dài

Đến khi có tin một Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ đến đóng ở Sài Gòn với Ủy ban Quốc tế thì tình hình trở lại sôi nổi trong các cuộc hội nghị và trong các lần hội ý, hội báo với nhau. Ở cơ sở anh chị em thấy số lượng thành viên Phái đoàn quá ít. Nhưng cũng phải hiểu rằng, Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh không thể nhiều như một trung đoàn hay thậm chí như một trung đội. Còn trụ sở thì không thể khác hơn một chỗ trong trại lính hay một khách sạn Quốc tế. Cuối cùng khi có tin Phái đoàn sẽ đóng trên đường đi từ ngã tư Phú Nhuận sang chợ Bà Chiểu và Lăng Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt, thì các đồng chí chúng tôi thấy trụ sở đó ở ngay trong vùng của mình hoạt động. Trong các trường học vùng ĐaKao, Tân Định và Sài Gòn, tôi nghe thanh niên và thầy giáo nói rất nhiều, nhưng mấy hôm sau tôi mới đi tìm xem.

Qua khỏi Cầu Cống khoảng 500 — 600 thước, tôi xuống xe đạp dắt bộ đến một khoảng trống, tôi dừng lại, chưa biết phải làm gì. Bỗng có một cậu thanh niên bán càrem cây, đi ngược chiều với tôi và hỏi trổng:

- “Kiếm nhà Việt Minh hả?... Đó, chỗ đèn sáng đó, thấy không?”

Rồi cậu ta tiếp tục bước đi rao bán hàng bỏ mặc tôi.

Tôi đi lần tới, nhìn thấy một villa trệt khá lớn, nhưng cũng nhỏ so với sức tưởng tượng của mình. Tôi nhớ hình như có cột cờ trước sân. Tôi vừa đi qua thì nghe tiếng mở cửa. Tôi ngoái lại nhìn thấy có hai chiếc xe hơi chạy ra. Chiếc xe đầu là xe jeep, chở bốn quân nhân mặc quân phục chính quy Việt Nam, theo như mình thấy trên số màn ảnh ở Sài Gòn. Chiếc sau là xe mui kiếng, không thể nhìn thấy bên trong được.

Bây giờ tôi mới nhớ đến người bạn đã thông báo cho tôi lúc nãy, một điều mong ước mà tôi không dám hỏi ai. Tôi cảm thương sự nhạy bén đối với tình hình đất nước của một người lao động vất vả trên đường phố để giúp đỡ một người đi đường, không hề quen biết với mình.

Hôm sau khi tôi đang đứng nói chuyện cùng một nhóm học sinh và thầy giáo trên lề đường ở Tân Định, có một nữ sinh quen với vài người trong nhóm chúng tôi, đến nói:

- “Cháu cũng mới đi ngang qua nhà Việt Minh. Khi cháu còn đang ngó mong tìm kiếm, bỗng nhiên có một anh thanh niên bước tới sau lưng cháu và hỏi:

- “Cô tìm ai đó? Muốn kiếm nhà Việt Minh hả?”

Cháu đi từ trường Đức Trí lên và đã chuẩn bị đối phó các tình huống xảy ra. Khi nghe hỏi như vậy, cháu quay lại thì anh thanh niên này đã bước đến bên cháu, hỏi tiếp:

- “Đó, nhà Việt Minh đó, cô có việc gì và cần tìm ai phải không?”

- “Dạ, tôi muốn gặp người trong Phái đoàn để hỏi thăm về cha tôi. Mẹ tôi dặn kỹ trước khi tôi đi, phải ráng tìm gặp cho được người trong Phái đoàn”.

- “Bộ cha cô là Việt Minh hả?”

- “Cha tôi đi vắng từ khi tôi còn nhỏ. Bây giờ mẹ tôi mới nói cho tôi biết”.

Anh thanh niên tự tiện với tay rút lấy tờ đơn mà tôi đang cầm trong tay. Tôi không giành lại nhưng cho biết đây là đơn của mẹ tôi gửi cho Phái đoàn.

- “Nhờ anh giúp đưa tôi đến Phái đoàn hay chỉ cho tôi vô gặp Phái đoàn cũng được”.

- “Được, tôi sẽ chuyển đơn này cho Phái đoàn giùm cô. Và người ta sẽ trả lời trên báo cho cô biết”.

Nghe cô nữ sinh thuật lại xong, mọi người im lặng, theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình. Cuối cùng, có một thanh niên lên tiếng:

- “Nếu tôi, chắc nó đã thộp cổ rồi”.

Một thanh niên khác nói:

- “Cái đó là giả dụ thôi. Sự thật thì anh ta đã nhận đơn và còn hứa là Phái đoàn sẽ trả lời. Đó là anh ta hứa, chứ không phải Phái đoàn hứa”.

Tôi rời khỏi nhóm, vừa đi vừa suy nghĩ. Trong hàng ngũ bao vây Phái đoàn, cũng có người này người nọ. Tâm tư nguyện vọng của nhân dân đều rõ ràng đối với mọi người. Người đồng tình và ủng hộ cũng nhiều, kể cả những người bên hàng ngũ đối phương. Trong các báo, cũng có những chuyện ngắn, năm ba hàng kể lại những chuyện chung quanh trụ sở Phái đoàn. Tất cả những điều này nói lên phần nào sự thay đổi trong cuộc sống của nhân dân thành phố và của nhân dân miền Nam với việc lập trụ sở Phái đoàn Quốc tế và Phái đoàn Việt Minh. Chúng tôi ở cơ sở, làm công tác của mình với tinh thần mới, chú ý đến các việc xảy ra chung quanh Phái đoàn để tăng cường hỗ trợ cho cô bác trong vùng và để tích cực bổ sung các nội dung công tác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:22:38 pm »


3. Tình hình thay đổi nhanh chóng

Trường tư thục Cấp Tiến được thành lập ở Bà Chiểu, trường tư thục Hoài An và Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận. Xa hơn là trường Đức Hòa ở Long An và ở Bà Rịa. Học sinh các trường tiểu học công vui chơi ca hát tự do như ở vùng giải phóng. Còn các trường trung học công thì không khí cởi mở tự do, là nửa công khai. Nhiều vùng ở phía Nam hoặc đông Bắc miền Nam, có những lõm giải phóng. Nhiều đồng chí không tập kết và ở chiến khu về, sống với bà con, bạn bè hướng dẫn trẻ con trong xóm học hành ca hát tự do.

Lính tráng, dân vệ của chế độ đương thời co lại không dám đi lung tung, vì sợ bị bắt sống và tước khí giới. Nhiều đơn vị thân binh như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo tách khỏi Quân đội Cộng hòa. Có nơi phát sinh những cuộc xung đột lớn bằng vũ khí, làm cháy nhà, gây chết người, thúc đẩy thêm phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại trật tự an ninh và cứu trợ nạn nhân. Lúc bấy giờ chính quyền Sài Gòn thẳng tay đàn áp, khủng bố bắt bớ tràn lan trong nhân dân. Tình hình rất căng thẳng. Ở một số cơ sở, có nhiều anh chị em nghĩ rằng chiến tranh đã tràn về thành phố. Nhiều thanh niên biến mất theo bạn bè các cơ sở khác, để kéo đến trụ sở Ủy ban Quốc tế ở đường Champagne, đưa đơn và không chờ trả lời, đi ra vĩ tuyến vượt lằn ranh chia cắt hai vùng. Có người đi chung với người yêu hay bạn bè, và cũng có người chỉ đi một mình. Ở cơ sở phát sinh nỗi lo mất liên lạc hay mất người công tác. Các cuộc hội ý hội báo trở nên lúng túng.

Nhiều cuộc đấu tranh như biểu tình ở đường Kitchener, chùa Phật Ấn hay ở trường trung học Pháp Hoa, dẫn đến việc nhiều người bị bắt, bị giam giữ. Nhiều đồng chí nhớ lại cục điện lúc bấy giờ, giống như tình hình sau năm 1949, khi Hồng quân Trung Quốc “Nam hạ”, tiến đến gần biên giới Hoa - Việt và nghĩ rằng tình hình bất an sẽ không dừng lại nếu không có một kết thúc thỏa đáng. Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh cũng bị uy hiếp bằng nhiều cách và nhiều lần, cuối cùng đã rút về Hà Nội. Thế là Hiệp định Giơnevơ đã bị vi phạm trắng trợn sau khi Mỹ hất cẳng Pháp dựng lên chế độ Diệm bán nước.

Các Phái đoàn trong Ủy ban Quốc tế cũng rút đi trước sự chứng kiến của nhân dân thành phố Sài Gòn. Họ đứng dài trên các đường phố, không tụ tập đông đảo để tránh bị khiêu khích. Nhưng chắc chắn là họ sẵn sàng bảo vệ các đại diện Ủy ban Quốc tế và Phái đoàn của ta, bất cứ lúc nào và ở đâu.

Có một số thanh niên nam nữ mà trước đây chúng tôi tưởng là họ đã đi tập kết rồi, nhưng nay lại quay về với cơ sở bạn bè. Và giờ đây các cơ sở tiếp tục xây dựng như trong thời kỳ còn chiến tranh. Một cục điện mới đã bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:28:04 pm »


PHÁI ĐOÀN! NIỀM TIN VÀ HY VỌNG

NGUYỄN THỊ BẢY


Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ngã ba Đốc Công thuộc xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, trên tỉnh lộ 22. Về sau đường này đổi tên là đường Chi Lăng, còn nay là đường Phan Đăng Lưu.

Thuở ấy, nơi đây là vùng thôn quê nằm sát nách Sài Gòn. Trong những năm 1950, vùng này có nhiều khu đất thánh và nghĩa địa, cỏ lau mọc um tùm với những đầm lầy âm u, tĩnh mịch. Khi trời chạng vạng tối, bọn trẻ con chúng tôi không dám đi ngang qua vì sợ ma. Những cơn gió thổi nhẹ đưa đẩy cành tre dọc hai bên nghĩa địa kêu “cọt kẹt” làm rợn người yếu vía.

Nhà tôi nằm trong khuôn viên Trường tiểu học Quang Trung. Tại đây có khoảng 20 gia đình sinh sống, quây quần đầm ấm. Chung quanh khuôn viên là các bụi tre tầm vông mọc um tùm, chen lẫn với các cây găng có hoa trắng thơm phức. Ra đến đường Chi Lăng là khu Trường tiểu học Nhiêu Tứ của thầy giáo Thanh. Cách một con hẻm, là villa xinh xắn của một Trung tá người Pháp. Dân ở đây gọi là nhà “ông Năm”, nằm ở giữa một khu đất rộng, phía sau có một cây thị cổ thụ, tàn lá xum xuê. Khi có trái chín mùi thơm phức lan ra khắp cả vùng. Villa này thường bỏ trống, nên bọn trẻ chúng tôi hay lẻn vào hái thị. Phía trước villa là trạm biến điện, còn gọi là “nhà hơi”. Trạm biến điện được bảo vệ nghiêm ngặt, có trạm gác và lính canh.

Trong xóm, bọn trẻ cùng trang lứa với tôi rất đông, thường vui đùa với nhau. Một hôm, anh Bé Niểng thầm thì bên tai tôi:

- “Bảy ơi, các anh về ở nhà “ông Năm” đông lắm...!”

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- “Các anh nào?”

- “Thì các anh đằng mình đó”.

Nhìn vẻ mặt rạng rỡ nhưng nghiêm túc của anh, tôi ngỡ ngàng đến kinh ngạc không sao hiểu nổi. Tôi tự hỏi: “Tại sao các anh lại dám về đây giữa thanh thiên bạch nhật, không sợ chúng vây bắt hay sao?”

Anh Bé Niểng là tên chúng tôi đặt, còn tên thật của anh là “Cẩm Lai”, con của chú Tư “Cơm Tấm”. Chú Tư tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu, làm công tác thành bị địch bắt tra tấn dã man. Vừa ra tù thì ốm nặng do bị tra tấn hiểm độc ở bót Catinat khét tiếng gian ác và nhà lao Gia Định. Thím Tư gánh vác gánh nặng gia đình. Hằng ngày thím quẩy gánh cơm tấm, đi bán ở chợ Cầu Cống, lo nuôi chồng con đau ốm. Ít ai biết tên thật của chú Tư. Còn anh Cẩm Lai vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bị lao hạch mà không tiền chạy chữa. Hậu quả là cổ anh bị niểng qua một bên và trở thành tên anh. Tuy thể trạng ốm yếu nhưng anh rất lạc quan yêu đời, thường có mặt trong các lần biểu diễn văn nghệ ở trường hoặc đi cứu trợ nạn nhân bị hỏa hoạn...

Anh Bé Niểng nói tiếp:

- “Các anh về đông lắm. Phái đoàn của ta đó mà! Anh với thằng ba “Đánh Xe Ngựa” đã chui lỗ chó vào bên trong rào sau cây thị, được các anh cho xem tranh ảnh rất nhiều. Chiều chiều bọn anh còn chui vào đá banh với các ảnh, vui lắm”.

Từ những ngày đầu, khi còn tầm vông vạt nhọn, với “Mùa thu rồi ngày hăm ba”, nơi đây đã là căn cứ địa của kháng chiến vùng ven đô. Chiều nào các anh thanh niên trong xóm cũng tụ tập trong khu nhà của tôi để tập luyện, chuẩn bị đánh Tây. Rồi một ngày nọ, các bụi tầm vông chung quanh nhà đều bị chặt xuống làm vũ khí. Tay trong tay, các anh tập hợp lại và xông ra mặt trận về hướng Cầu Kiệu. Tuy tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi cũng dắt theo các anh. Tôi bước đều theo tiếng hô “Một, Hai...”. Rồi súng nổ, tôi thấy mọi người chạy tán loạn...

Từ đó những buổi chiều nhộn nhịp không còn nữa. Có những ngày lính Tây đi càn quét, với “bao bố” nhìn mặt. Trong trí óc thơ ngây, tôi không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Những điều gì mà tôi trông thấy thật quá khủng khiếp.

Có lần anh Mì, là một thanh niên trong xóm bị Tây bắt dẫn đi làm “bao bố”. Anh không gật đầu trước những khuôn mặt quen biết trong xóm. Và liền sau đó là những cú đánh tơi bời mà anh vẫn lắc dầu. Rồi đến anh Cung, anh Dừa bị bắt đưa lên trại Cẩm Giang, anh Xiêm bị tra tấn đến chết ở cầu Ông Thìn. Bóng dáng các anh thanh niên trong xóm thưa dần. Thảm cảnh đó được tôi ghi sâu trong lòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:29:08 pm »


Một hôm, khi cả nhà tôi đang ăn cơm trưa thì thình lình tôi thấy anh Thiên đứng lù lù bên hông nhà, tóc tai rũ rượi. Nhìn quanh tôi thấy bọn phòng Nhì dày đặc. Anh Sáu tôi chưa kịp nuốt xong miếng cơm đã bị chúng trói tay dắt ra xe “cây” (xe chở tù). Mẹ tôi như điên dại chạy theo chiếc xe đang nhả khói lao đi vun vút. Rồi đến anh Năm tôi, mặt mày tím bầm bị chúng dẫn về nhà tìm tài liệu nhưng chúng có tìm được gì đâu. Mẹ tôi lại điên cuồng chạy theo xe “cây” cho đến bót Lò Heo (nay là Bưu điện Phú Nhuận).
Nghe tiếng la hét của tù nhân đang bị tra tấn bên trong bót, mẹ tôi chạy quanh mà khóc nức nở, chẳng làm gì được. Còn nỗi đau nào hơn đối với mẹ?

Nhà tôi trở nên vắng lạnh, cha mẹ ngày càng ủ rũ, thôn xóm đìu hiu. Hàng tuần cha mẹ tôi xách giỏ đi nuôi hai anh. Tôi lẽo đẽo theo cha mẹ vào trại giam thăm các anh. Cha tôi đã già yếu không còn đi làm được. Chỉ còn mẹ tảo tần lo thu vén cho gia đình, cho các con đang gặp nạn và cho tôi đang còn đi học. Từ những ngày đó, gia đình tôi không bao giờ đủ mặt. Mẹ tôi suốt ngày lê la hết bót Catinat đến nhà lao Gia Định, rồi khám lớn Sài Gòn. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những năm tháng tù đày của các anh và những ngày xách giỏ theo cha mẹ nuôi tù. Anh năm bị chúng kết án và đày đi “Căng” ở Tân An. Khi đến thăm anh, nghe kể chuyện trong tù, chuyện tra tấn, tôi càng yêu mến và kính nể những người xả thân vì nghĩa lớn. Tình cảm đó ngày càng in đậm trong trái tim tôi. Nỗi đau của mẹ già, và sự ngóng trông mong đợi các con mình đang bị giam cầm làm tôi thêm căm ghét bọn giặc ngoại xâm.

Vì vậy khi nghe tin các anh về, mẹ cảm thấy dường như các con mình đang ở gần bên, lòng già ấm lại, nỗi mong nhớ các con đứt ruột tưởng chừng không thể nguôi đã được an ủi phần nào. Mẹ có những đứa con khác đang sống gần, làm bớt nỗi cô quạnh.

- “Các Anh đã về!”

Ba má tôi, các bác các chú trong xóm hồ hởi ra mặt. Bác Tám Đáo là nhân viên điện lực bị sa thải vì có con theo kháng chiến, đã cười giòn:

- “Thấy mấy đứa tụi nó mừng quá nhưng lại càng nhớ con mình kinh khủng”.

Bác đạp xe đi thông báo tin này cho bạn bè khắp nơi.

- “Chúng nó đã về !”

Những tấm lòng già rộn lên vì sự kiện lớn lao này. Nhìn bóng dáng các anh, các bác già dường như trẻ lại. Bác Tường vào thăm ba tôi, cười thỏa mãn:

- “Hôm nay tui mua một sắp báo, đi ngang qua nhà mấy đứa, dòm trước dòm sau không thấy tụi hiến binh, cảnh sát đâu hết, tui quăng vào trỏng cho chúng nó”.

Bác Tường làm Hương quản ở làng Phú Nhuận, có anh trai bị Tây giết ở Côn Đảo nên bác ôm mối hận thù sâu kín. Hàng ngày bác đạp xe từ nhà làng Phú Nhuận (đường Hoàng Văn Thụ), về tới chùa Quảng Tám. Mọi người biết danh ông già “Quyết tiến” này. Hết giờ làm việc, bác ra khỏi nhà làng, là tu ngay một chai bia. Rồi bác hát vang:

...“Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng, liều thân sống...”

Hát xong bác chửi Tây. Tây bắt nhiều lần, giam vào nhà lao Gia Định, rồi cũng phải thả ra vì bác... say rượu nên “nói bậy”.

Hàng rào hoa giấy trước nhà với lớp hiến binh công an không sao ngăn cách được tình cảm của đồng bào, những người dân lao động đang ngày đêm mong đợi các anh bộ đội Cụ Hồ.

Một hôm, anh Bé Niểng lại thì thầm với tôi:

- “Tối hôm qua, anh được xem bộ phim “Chiến thắng Điện Biên”. Anh với thằng Ba, thằng Kháng đội mưa, ngồi ngoài hàng rào xem đến hết phim. Đã quá! Nghe nói thứ bảy này sẽ chiếu phim “Tiếp quản Thủ đô” nữa đó”.

Tiếng lành đồn xa, đến hôm thứ bảy, khi trời vừa mờ tối thì con đường nhỏ trước nhà Phái đoàn đã đông nghẹt người. Bất ngờ trước sự tập hợp này nhưng bọn hiến binh không dám đàn áp. Chúng chỉ dùng sức để đẩy lùi bà con đến góc rào, không cho tập trung trước cửa nhà. Có người bạo dạn nói:

- “Cho tụi tôi ngồi trật tự ở hàng rào để xem phim”.

Tên hiến binh Pháp nói nhỏ nhẹ như phân bua:

- “Chúng tôi như con nít, đâu có quyền gì”.

Tuy nói thế, nhưng chúng cũng nhượng bộ, để chúng tôi đứng ở góc rào xem phim. Từ đó mỗi tối thứ bảy, chúng tôi tụ tập tại góc tường rào nhà Phái đoàn xem chiếu phim, cho dầu chỉ được thấy loáng thoáng hình ảnh nhưng vẫn cứ xem.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:30:30 pm »


Bao tình cảm đối với các anh Phái đoàn, lại trỗi dậy mãnh liệt trong lòng thơ ngây của tôi cũng như của bao nhiêu người khác trong xóm lao động này. Hàng ngày chúng tôi tìm cớ để được đi ngang qua hàng rào trước cửa nhà Phái đoàn, được nhìn thấy ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc. Hình anh Bác uy nghiêm dưới lá cờ đỏ sao vàng sáng chói hiển hiện trước mắt, như một lời nhắn nhủ mà chúng tôi cảm thấy không thể thiếu được. Có lần em Kháng đã đi sát tường rào, rồi dừng lại để nhìn cho rõ thì tên hiến binh chạy lại xua đuổi, lôi kéo em đi, nhưng không làm gì được vì em chưa đầy 10 tuổi. Em về khoe với tôi và cười rộn rã:

- “Nhìn ảnh Bác Hồ và cờ đỏ sao vàng... khoái ơi là khoái!”

Bọn trẻ chúng tôi gửi đến các anh tình cảm sâu đậm của mình qua ánh mắt và nụ cười. Còn các cụ già thì bày tỏ lòng trìu mến theo cách riêng. Các bác cứ lo sợ những đứa con của mình thiếu thốn mọi thứ, nên tìm cách quăng qua rào gói bánh gói kẹo hay những tờ báo... Có lần em Kháng vui vẻ trao cho tôi mấy trái thị:

- “Các anh Phái đoàn gửi cho chị nè”.

Những quả thị vàng óng, thơm phức được hái từ cây thị phía sau nhà. Tôi đem vào lớp chia cho các bạn thân, nói đó là quà của các Anh. Tôi còn rủ các bạn đi chợ Bà Chiểu hay chợ Phú Nhuận, thì sẽ có dịp gặp các Anh. Đã bao lần, tôi đến nhà bạn ở phía sau trụ sở Phái đoàn, nhìn lên cây thị, mà lòng rộn lên bao ước mơ. Lúc đó tôi đang học năm đệ tứ, trường Việt Nam học đường. Tuy là trường tư nhưng nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ là trường dạy tốt. Trường có cả chi bộ Đảng do thầy Chiêu (Hồ Hảo Hớn) làm Bí thư, thầy Mưu làm Phó bí thư chi bộ. Các thầy thường tổ chức cho học trò đi du ngoạn hay đi cứu trợ nạn nhân bị hỏa hoạn, bị Bình Xuyên bắn phá. Đêm trung thu, trường tổ chức làm lồng đèn cho trẻ em mồ côi. Nhà tôi có sân rộng nên các bạn trong lớp tập trung để làm lồng đèn. Các thầy cũng đến. Khi đi ngang trụ sở Phái đoàn, tất cả đều nhìn vào cửa chính mắt ngời sáng, lòng rạo rực. Sau đó, thầy Nguyễn Ngọc Thưởng và thầy Trần Thượng Thu bị bắt giam vì kể chuyện Phái đoàn, chuyện kháng chiến trong lớp học... Nhưng rồi các bạn cũng vẫn thường xuyên đến nhà tôi, để có dịp nhìn ảnh Bác Hồ, nhìn lá cờ Tổ quốc. Thỉnh thoảng các anh trong Phái đoàn khi có điều kiện, cũng có trao đổi với tôi vài lời ngắn gọn, như:

- “Em tên gì?”

- “Dạ, tên Bảy”.

- “Ba Má có mạnh không?”

- “Dạ, mạnh”.

Một hôm gia đình tôi nhận được bưu thiếp của anh Năm từ Hà Nội gửi vào, có ghi địa chỉ rõ ràng: Nguyễn Hữu Anh - Bệnh viện A Hà Nội.

Tôi được biết, Bệnh viện A là bệnh viện chống lao. Vậy là anh Năm bị lao, do những năm tháng tù đày với những trận đòn tra tấn khủng khiếp. Những lúc vào thăm anh, tôi đã thấy anh ho khúc khắc. Mẹ đã nhiều lần mua thuốc gửi cho anh nhưng nào có thấm tháp gì đâu. Nhìn địa chỉ trong bưu thiếp, mẹ băn khoăn nói:

- “Anh con chắc đau nhiều lắm. Con thử nhờ các anh Phái đoàn gửi thư xem sao?”

Tấm lòng của mẹ già ngày đêm ưu tư buồn phiền vì sức khỏe của con. Làm cách nào để liên lạc với anh tôi qua Phái đoàn? Tôi đánh liều, viết một thư ngắn cho anh Năm và nhờ các anh Phái đoàn chuyển giúp.

Dọc theo rào trụ sở, phía bên ngoài, cỏ mọc cao hơn gang tay. Thỉnh thoảng các anh Phái đoàn cũng ra sát rào, cắt tỉa hoa giấy cho thông thoáng. Đó là dịp tốt mà tôi có thể trao thư cho các anh. Và tôi đã làm điều đó.

Thư đã gửi đi, tôi băn khoăn không hiểu anh tôi có nhận được không vì địa chỉ bệnh viện chỉ là địa chỉ tạm thời.

Một hôm, khi tôi đi ngang qua trước hàng rào trụ sở gặp anh Phong. Anh nói nhỏ:

- “Có thư anh Năm. Trưa khoảng một giờ, em đi qua, anh sẽ đưa”.

Tôi chờ đến một giờ trưa để đi mua nước đá. Lúc này bọn hiến binh và công an bận nghỉ trưa, nên con hẻm tương đối vắng người qua lại. Khi đi trở về, tay cầm cục nước đá, tôi đã thấy bóng anh Phong đứng ở rào chờ đợi. Khi tôi đến gần, thấy anh để một gói nhỏ trên bệ hàng rào, rồi bỏ đi vào trong nhà. Vẫn bước đi đều đặn, tôi đến gần nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi thộp lẹ, bỏ vào túi áo và nhanh bước.

- “Má ơi! Có thư anh Năm nè. Các anh Phái đoàn vừa trao lại”.

Thư viết dài kể tường tận anh đã trị bệnh như thế nào. Hiện đã chuyển sang công tác ở Bộ Công nghiệp, Hà Nội.

Mẹ tôi mừng khôn xiết. Như cây khô gặp nước, mẹ đã tươi hẳn lên, nét mặt rạng rỡ với hai dòng lệ hạnh phúc. Từ đó những bức thư của anh Năm được chuyển qua Phái đoàn thỉnh thoảng được anh Nghĩa hay anh Phong giao lại. Anh Nghĩa cẩn thận nghi trang thư giữa 2 lá cây hay đặt giữa ống đu đủ đã được cắt gọt cẩn thận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2023, 12:31:07 pm »


Thuở đó, từ lúc 10 tuổi tôi bắt đầu gánh nước uống giúp đỡ mẹ. Mỗi ngày tôi gánh hai đôi nước ở nhà chị Bảy “nhà hơi” là đủ dùng cho gia đình. Tại nhà chị Bảy, tôi có thể nhìn vào cửa chính nhà Phái đoàn rõ mồn một. Tôi thấy các anh tuần tra chung quanh nhà, sửa xe hay lau xe sau chuyến công tác... Ngoài anh Phong, anh Nghĩa mà tôi thường gặp tôi còn biết anh “mắt kính”, vì anh luôn luôn đeo cặp kính dày cộm (Sau này tôi mới biết tên, là anh Kính). Anh cũng thường gặp, hỏi han động viên tôi. Có lần anh nói:

- “Em ráng giữ gìn sức khỏe, học tập tốt. Ngày thống nhất nước nhà, anh sẽ tìm cách giới thiệu em đi học cao hơn”.

Học cao là niềm mơ ước của tôi từ những ngày còn bé. Thấy cha già mẹ yếu, bệnh tật luôn, thấy biết bao người nghèo khổ trong xóm như chị Ba Hường, anh Cẩm Lai bệnh mà không dám mua thuốc vì không tiền. Tôi nuôi mơ ước học ngành Y. Nay nghe anh “mắt kính” nói, lòng tôi rộn lên biết bao hy vọng.

Lần khác, vào mùng 2 Tết, tôi đi ngang qua cửa nhà Phái đoàn, tay cầm cục nước đá, thấy anh “mắt kính” đứng gần gốc cây xoài. Tôi định khi đến gần, để nói lời chúc Tết. Bỗng có tên cảnh sát xuất hiện và đi ngược chiều với tôi. Tôi bình tĩnh bước đều, mắt ngó thẳng phía trước. Thình lình, anh “mắt kính” cầm máy ảnh đưa qua rào song sắt hướng vào tôi. Tôi đành chịu, không dám làm một cử chỉ gì để báo cho anh biết. Tôi vẫn bước đi thong thả như không có chuyện gì xảy ra. Tôi làm như không thấy gì cả. Khi tôi qua khỏi khu nhà Phái đoàn, tên công an bám theo tôi, kêu tôi giật ngược lại:

- “Cô có thấy ông ở Phái đoàn Việt Minh chụp hình cô không?”

- “Dạ tôi không thấy”.

Rồi bỏ đi thẳng. Tên công an không nói gì. Từ đó tôi càng thận trọng.

Một hôm tôi đi chợ Bà Chiểu, từ chợ Cá đi ra, thấy anh “mắt kính” với một anh khác đi ngược lại. Thấy tôi, anh “mắt kính” tươi cười nói:

- “Chào em, mạnh giỏi?”

Tôi vẫn im lặng bước đi thẳng. Gặp các anh trong gang tấc với bao tình cảm trìu mến, nhưng đành phải giấu thật kín trong đáy lòng. Khi đến đầu chợ thấy các anh đang mua báo, tôi cũng chỉ dám nhìn thoáng qua.

Những lần đi chợ, tôi thường gặp Bác lái xe Citroen, mặt hơi rỗ, đầu hơi hói. Bác đứng hay ngồi trong xe để giữ xe. Có đôi khi Bác đứng gác trước cửa nhà Phái đoàn. Bác chăm chú nhìn tôi trìu mến khi thấy tôi đi qua. Tôi thầm nghĩ, chắc Bác cũng có con cỡ trạc tuổi tôi. Xa con chắc Bác nhớ lắm...

Trong các khuôn mặt quen thuộc của các anh, tôi thường gặp một anh có dáng khỏe mạnh cao to, tóc carê. Khi thuận tiện, anh cũng thường thăm hỏi tôi. Có hôm anh ra ngoài hàng rào, gặp tôi từ trong nhà đi ra. Và khi chợt nhìn thấy, anh nhìn tôi mỉm cười... Còn biết bao kỷ niệm về các anh, các chú trong Phái đoàn.

Rồi một ngày, vào buổi trưa, tôi thấy anh Phong đứng bên hông nhà ra hiệu cho tôi hiểu rằng hẹn 5 giờ sáng mai. Khi đó, mẹ tôi đang đau nặng nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nên sáng sớm hôm sau, tôi đi đúng lúc và thấy anh Phong chờ sẵn, đưa cho tôi thư của anh Năm. Đường vắng hoe, tôi lấy nhanh thư và đi thẳng vào bệnh viện thăm mẹ. Tôi đọc thư anh Năm cho mẹ nghe. Có vài hàng chữ của anh Phong, anh cho biết, anh sắp chuyển công tác. Mẹ tôi buồn bã nói:

- “Thằng Phong đi rồi, biết chừng nào mẹ con mình mới gặp lại nó. Thấy mấy đứa, mẹ nhớ anh Năm con quá. Mẹ cũng thấy được khuây khỏa một phần”.

Từ đó vắng bóng anh Phong trong khu nhà của Phái đoàn.

Chợt một ngày nọ, tôi nhận được thư của anh Năm từ Pháp gởi về. Có cả thư của anh Phong. Nghìn trùng đã không ngăn cách được những tình cảm chân thực của anh với người con gái miền Nam. Và cũng từ đó tôi đã nhận được thường xuyên thư của anh Phong dù muôn trùng cách trở. Trong lòng tôi và cả trong lòng mẹ tôi, những tình cảm đối với anh ngày càng sâu đậm. Một ngày nọ, biết mình không thể chờ đến ngày thống nhất đất nước, mẹ tôi đã nói lên nguyện vọng cuối cùng.

- “Con ráng chờ thằng Phong. Còn má thì má nhắc con, khi má mất rồi, má vẫn tin rằng con vẫn nhớ”.

Và tôi đã giữ đúng lời hứa với mẹ trước lúc lâm chung. Trong những năm xa cách đầy thử thách, trong lòng địch tôi vẫn sống với niềm tin và hy vọng.

Sáng sớm ngày 17-5-1958, sau nhiều năm dài gắn bó với các anh Phái đoàn, lần đầu tiên tôi thấy ngôi nhà vắng lạnh. Các hình bóng thân thương không còn ở đây nữa. Tôi muốn trào nước mắt mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm này. Biết bao giờ mới gặp lại các anh... Tôi không còn dịp nhìn ảnh Bác Hồ với lá cờ Tổ quốc nữa. Tôi sẽ luôn ghi nhớ những lời dặn dò của các anh. Tôi vẫn một lòng son sắt với mối tình đầu, với niềm tin rằng đất nước rồi sẽ thống nhất trong vinh quang. Tôi sẽ gặp lại những người thân vào một ngày mai tươi sáng.

Các bạn trẻ của tôi đã lần lượt theo cách mạng. Anh Cẩm Lai là chiến sĩ của ban Binh vận đô, anh Ba đánh xe ngựa tham gia đấu tranh chống Mỹ, đã hy sinh ở Côn Đảo, em Kháng đã vào ban Thông tin R...

Đến đầu năm 1969, sau 10 năm xa cách tôi gặp lại anh Phong ở Đài phát Thanh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong rừng già Tây Ninh, khu căn cứ R.

Mùa xuân năm ấy, anh đã tặng tôi một nhành mai rừng.

Một đoạn đường mới của chúng tôi...

Một niềm tin trọn vẹn!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM