Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:25:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ cách mạng công khai cắm tại Sài Gòn 1955-1958  (Đọc 1721 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:22:27 am »

- Tên sách: Ngọn cờ cách mạng công khai cắm tại Sài Gòn 1955-1958
- Tác giả: Nhiều tác giả
- Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
- Năm xuất bản: 2000
- Người số hóa: giangtvx, ptlinh, chuongxedap


NGỌN CỜ CÁCH MẠNG
CÔNG KHAI CẮM TẠI SÀI GÒN
(1955-1958)


Hồi ký về Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định Giơnevơ

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
HÀ NỘI - 2000

 

Ban biên tập:
- Huỳnh Minh Hiển   : Nguyên Trưởng ban
- Nguyễn Linh      : Trưởng ban
- Hồ Vĩnh Thuận    : Thường trực
- Lữ Minh Châu       : Ủy viên
- Nguyễn Văn Hiếu   : Ủy viên
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:25:47 am »


LỜI GIỚI THIỆU

Cuộc kháng chiến 9 năm với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết hợp với đấu tranh ngoại giao của ta đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương; các nước dự hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cămpuchia.

Đây là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trên con đường đi tới hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước.

Ngay từ tháng 7 năm 1954, Đảng đã xác định: “Đế quốc Mỹ hiện nay trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Việt Nam, của nhân dân Đông Dương, với âm mưu thay thế Pháp, tiêu diệt phong trào yêu nước và cách mạng, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự xâm lược”.

Chủ trương của Đảng lúc này là ra sức xây dựng củng cố miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ở miền Nam trong mấy năm đầu, Đảng chủ trương giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, đồng thời tích cực chuẩn bị con đường đấu tranh thích hợp để đưa cách mạng tiến lên.

Đảng ta coi Hiệp định Giơnevơ là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng mà ta cần nắm lấy để đấu tranh với địch. Trong đường hướng đó, Đảng chủ trương lập Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định đóng tại Sài Gòn. Đây cũng là một đầu cầu tai mắt của ta góp phần nắm bắt âm mưu động thái của địch cũng như tình hình các mặt tại chỗ. Đối với đồng bào Sài Gòn và miền Nam, đây là ngọn cờ cách mạng công khai cắm tại thủ phủ của địch, ngọn cờ cổ vũ lòng tin và ý chí đấu tranh kiên cường, tất thắng. Sự xuất hiện của Phái đoàn tại Sài Gòn thể hiện tính liên tục của cuộc đấu tranh cách mạng thống nhất trên cả nước. Do nhiệm vụ và các ý nghĩa quan trọng ấy, Phái đoàn được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ba năm đứng chân và hoạt động tại Sài Gòn, Phai đoàn đã làm tốt nhiệm vụ, thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Đảng, tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình và cảm tình của Ủy ban Quốc tế, làm sáng rõ tư thế sáng ngời chính nghĩa của chiến sĩ cách mạng, của anh bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi sự hù dọa, khiêu khích, thậm chí hành hung, bao vây của địch.

Mỹ ngụy ngày càng bộc lộ rõ bản chất cực kỳ phản động tàn bạo, xé bỏ Hiệp định Giơnevơ, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam ngày càng quyết liệt và phát triển, có những cuộc nổi dậy ở nơi này, nơi khác, xuất hiện dần tình hình khởi nghĩa từng phần. Từ thực tiễn đó, Trung ương Đảng đã nghiên cứu và tới đầu năm 1959 ra Nghị quyết 15 đưa cách mạng miền Nam sang một giai đoạn mới.

Do vậy, vai trò và nhiệm vụ của Phái đoàn không còn cần thiết nữa, Bộ Chính trị chủ trương rút Phái đoàn trở về vào giữa năm 1958.

Tôi rất hoan nghênh các đồng chí trong Phái đoàn và anh chị em có dịp tiếp xúc với Phái đoàn thời đó, sau 45 năm, đã cố gắng tổ chức viết và xuất bản tập hồi ký chân thực và sinh động này. Cuốn sách đã góp phần vào kho tàng thực tiễn cách mạng vô cùng phong phú, đa dạng của quân dân ta, góp phần lưu giữ, giáo dục và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Mong rằng các thư viện, tủ sách các cấp trong và ngoài lực lượng vũ trang nhân dân, các bảo tàng cách mạng, nhà truyền thống, phòng truyền thống, v.v., được trang bị tập sách này cùng với những cuốn hồi ký cách mạng khác.


Ngày 8 tháng 4 năm 2000

 

Đại tướng VĂN TIẾN DŨNG
Nguyên ủy viên Bộ Chính trị
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:27:49 am »


LỜI NÓI ĐẦU

Thi hành Hiệp định Giơnevơ, quân ta tập kết ra miền Bắc và chiều ngày 28-2-1955 chuyến tàu tập kết cuối cùng rời bến sông Ông Đốc (Cà Mau). Đến thời điểm này thì các cấp chính quyền của ta ở miền Nam đã giải thể. Nhưng ở khắp nơi, các cơ sở Đảng được sắp xếp và bố trí lại cho phù hợp với tình hình hoạt động.

Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị. Các cấp ủy Đảng ở vùng nông thôn bằng những hình thức khác nhau chuyển vào thị trấn, thị xã và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị, đòi hòa bình, đòi các quyền tự do dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Đây là cuộc đấu tranh quần chúng rộng lớn dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định Giơnevơ.

Tranh thủ cắm một ngọn cờ Cách mạng ở Sài Gòn, trung tâm đầu não của địch, Trung ương đã đấu tranh với đối phương để lập ra Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban kiểm soát và giám sát Quốc tế ở Sài Gòn.

Phái đoàn ta đã có mặt tại Sài Gòn tròn ba năm, từ 17-5-1955 đến 17-5-1958. Đây là một đơn vị sống và làm việc công khai, tiến hành một dạng đấu tranh đặc biệt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam.

Trong thời gian ấy, nhiều đồng bào ta ở Sài Gòn - Chợ Lớn và cả miền Nam đều biết sự có mặt của Phái đoàn. Tuy vậy, hoạt động của Phái đoàn cụ thể như thế nào thì lại rất ít người biết đến. Những tư liệu viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rất phong phú, đa dạng. Nhưng có lẽ, chưa ở đâu nói rõ về đơn vị đặc biệt này. Anh em công tác trong Phái đoàn, người trẻ nhất lúc bấy giờ nay cũng đã 70 tuổi, còn lại cũng đã bước sang tuổi 80 và nhiều người đã đi xa. Sẽ là một thiếu sót, nếu không ghi lại hình ảnh của cuộc đấu tranh đặc biệt này trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.

Nay làm việc này cũng đã quá muộn, nhưng nếu để lùi lại vài năm nữa, thì chắc rằng khó còn có thể làm được.

Trong cuộc họp mặt đầu Xuân 1999, một số anh em trước đây có công tác ở Phái đoàn hẹn với nhau mỗi người viết một vài bài, theo dạng kể chuyện, ghi lại ký ức về những ngày sống và làm việc tại Phái đoàn. Cuốn sách nhỏ này là sự tập hợp các bài viết đó. Anh chị em đã thể hiện nhiệt tình và sự cố gắng cao. Có anh mắt đã mờ, mà cặm cụi cả tháng để viết, có anh chuyên làm công tác kỹ thuật, không quen viết, mà vẫn cố gắng có bài, v.v..

Vì nhiều người viết lại những kỷ niệm của mình, tuy cùng một sự việc mà cách nhìn và diễn đạt khác nhau, cho nên không tránh khỏi vài chi tiết trong câu chuyện không hoàn toàn giống nhau. Vì người viết không phải là nhà văn, cho nên, có thể cuốn sách chưa đạt được giá trị văn chương. Nhưng đây là người thật việc thật, do những người trong cuộc ghi lại, không hư cấu. Với cuốn sách nhỏ này, chúng tôi mong muốn đóng góp thêm vào kho tàng tư liệu quý giá của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời góp sức để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn gần xa.

TM. NHỮNG NGƯỜI VIẾT
NGUYỄN VĂN LONG
(Nguyên Phó Trưởng Đoàn, Trưởng Phái đoàn)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:30:29 am »


HOẠT ĐỘNG TRONG BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ
CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN LONG

Chín năm kháng chiến chống quân Pháp xâm lược trên cả nước, đã đi đến chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ và nhiều nơi khác. Thực dân Pháp buộc phải trở lại bàn đàm phán, ký vào bản Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Cămpuchia và Lào. Lịch sử của Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, nhưng miền Nam tạm thời do đối phương kiểm soát, phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị.

Hội nghị Giơnevơ (1954), là một hội nghị quốc tế, do Liên Xô và Anh làm đồng chủ tịch. Sau khi kết thúc phần một, bàn về Triều Tiên, Hội nghị tiếp sang phần hai, bàn về Đông Dương, với sự có mặt của 9 đoàn đại biểu, trong đó có 5 cường quốc: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ. Đấu tranh ở Hội nghị, không chỉ giữa ta và Pháp mà còn giữa 5 cường quốc nên rất phức tạp. Khác với Hội nghị Pari sau này, mà thực chất là hội nghị giữa ta và Mỹ, bên ta hoàn toàn chủ động.

Lúc bấy giờ, tương quan lực lượng ở chiến trường Đông Dương sau Điện Biên Phủ, xét về lực giữa ta và quân đội Liên hiệp Pháp có thể ngang nhau, nhưng về thế ta hơn hẳn. Quân địch thì tinh thần suy sụp, còn quân dân ta đang bừng bừng khí thế và đang ở thế tấn công trên các chiến trường, cộng với sự giúp đỡ của các nước anh em. Cho nên, nếu tiếp tục cuộc chiến thì khó khăn gì ta cũng vượt qua được.

Tuy ta mới giải phóng hoàn toàn được một nửa đất nước, nhưng đây là lãnh thổ có đường nối liền với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác, trong tình huống xấu nhất cũng đủ điều kiện xây dựng thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà sau này. Chúng ta lại có thêm cơ sở pháp lý để phát triển các hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta.

Mấy ngày sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, Hội nghị hai bên: Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp được tổ chức ở Phúc Yên tại Trung Giã là vùng nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên, để thu xếp việc thực hiện đình chiến trên toàn chiến trường Đông Dương. Hội nghị Trung Giã quyết định lập ra ở Việt Nam Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương và ba Ủy ban Liên hợp đình chiến địa phương: Ủy ban Liên hợp đình chiến Bắc Bộ, Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung Bộ và Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ. Mỗi Ủy ban Liên hợp đình chiến có số lượng sĩ quan của hai bên ngang nhau. Việc thực hiện đình chiến và tập kết quân đội hai bên sang hai miền Nam, Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, diễn ra khá suôn sẻ.

Phái đoàn quân sự Việt Nam ở Hội nghị Trung Giã do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn và có các ủy viên: Song Hào, Lê Quang Đạo, Nguyễn Văn Long, Lê Minh Nghĩa. Phái đoàn quân sự Pháp do Thiếu tướng Delteil cầm đầu.

Sau Hội nghị Trung Giã, tôi được phái vào miền Nam. Máy bay Pháp đưa tôi đến sân bay Quy Nhơn. Từ đó tôi vào Khu ủy 5 để báo cáo với đồng chí Lê Duẩn về những ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng. Chủ trương quan trọng nhất đối với miền Nam là: Để lại vũ khí thích hợp, cất giấu chu đáo, để khi cần thiết đem ra sử dụng. Cán bộ quân sự tập kết ra miền Bắc là 1/3, cán bộ chính trị 1/2, các cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng phải tinh giảm, bố trí hết sức bí mật. Cán bộ đã bị lộ phải tập kết ra miền Bắc, cán bộ đảng viên ở lại hoạt động phải thay đổi địa bàn, v.v..

Sau khi vào Nam Bộ với đồng chí Lê Duẩn, tôi được chỉ định ở lại công tác trong Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ với đồng chí Phạm Hùng, đóng tại Phụng Hiệp (Cần Thơ).

Khi chuyển quân tập kết ở Nam Bộ sắp xong, ta chuẩn bị nhân sự cho Phái đoàn Liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn. Cho đến khi chuyến tàu tập kết cuối cùng rời bến sông Ông Đốc, thì Phái đoàn Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Phái đoàn Sài Gòn cùng ra Hà Nội theo chuyến tàu của Ba Lan và máy bay của Pháp tại sân bay Sóc Trăng vào ngày 28-2-1955.

Cuộc đấu tranh với Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương để thành lập cho được Phái đoàn Sài Gòn, có ý nghĩa rất quan trọng, vì đó là ngọn cờ cách mạng công khai cắm tại Sài Gòn. Thư đi thư lại rất lâu giữa ta với Pháp, Ủy ban Quốc tế và chính quyền Sài Gòn mãi đến ngày 31-3-1955 việc lập ra Phái đoàn ta ở Sài Gòn mới được chấp nhận. Hiệp định Giơnevơ, chủ yếu là Hiệp định đình chiến, với tổ chức Ủy ban Quốc tế là cơ quan kiểm sát đình chiến, nên Phái đoàn ta có tên gọi là “Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn”, về nội dung, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là ủy viên Trung ương Đảng được chỉ định làm Trưởng Phái đoàn và đại diện Bộ tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Kiểm soát Quốc tế ở Việt Nam tại Sài Gòn. Những cán bộ cốt cán khác đều có trình độ chính trị vững vàng. Pháp và chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách để hạn chế ảnh hưởng của Phái đoàn ta như không cho treo cờ Tố quốc bên ngoài trụ sở của Phái đoàn, chỉ cho đi lại trong phạm vi Sài Gòn - Gia Định, không cho cắm cờ trên xe khi chạy trong thành phố, v.v..

Đầu tháng 3 năm 1955, đồng chí Phạm Hùng cho một bộ phận tiền trạm vào Sài Gòn để cùng với Pháp lo thu xếp trụ sở của Phái đoàn. Cho đến ngày 17-5-1955, tôi và các cán bộ của Phái đoàn, gồm tất cả 16 người, vào Sài Gòn trên hai chiếc máy bay của quân đội Pháp. Khi Phái đoàn đến sân bay Tân Sơn Nhất, có đại diện Ủy ban Quốc tế ra đón. Riêng các đồng chí Phái đoàn Ba Lan cùng đi theo chúng tôi về trụ sở Phái đoàn ở Gia Dịnh (nay là số nhà 87A đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận). Mấy ngay sau đó đồng chí Phạm Hùng vào Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:32:08 am »


Năm 1955 tình thế đã rõ

Nhiều sự kiện chính trị bắt đầu cho thấy rõ những âm mưu phá hoại giải pháp chính trị của Hội nghị Giơnevơ. Năm 1956 sẽ không có tổng tuyển cử để thống nhất nưởc nhà, đó là điều chắc chắn:

- Mỹ lập ra khối quân sự Đông Nam Á, gọi tắt là SEATO với các nước nòng cốt là: Mỹ, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan,... Pháp, Anh cũng tham gia khối quân sự này. Trái với tinh thần Hiệp định Giơnevơ, Nam Việt Nam, Cămpuchia, Lào bị đặt dưới sự bảo hộ của SEATO. Hiệp ước Manille, là sự cam kết liên minh quân sự chống lại cái gọi là “Làn sóng cộng sản ở Đông Nam Á”, lấy các căn cứ quân sự của Mỹ làm bàn đạp để bao vây các nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Pháp bàn giao miền Nam Việt Nam cho Mỹ quản lý để trừ món nợ mà Mỹ đã giúp Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Pháp bàn giao bộ máy cai trị, nhân viên hành chính và quân đội ngụy cho Mỹ. Như vậy, các lực lượng tay sai do Pháp đào tạo và gây dựng gần một thế kỷ nay đã chuyển giao sang tay chủ mới là Mỹ.

Tên trùm mật thám Đông Dương Cousseau đã chua chát nói lên tình hình này. Ngày 22-7-1955, vào dịp Quốc khánh Ba Lan, Phái đoàn Ba Lan chiêu đãi có mời Phái đoàn ta và Đại sứ quán Pháp tham dự. Tôi mới vừa bước vào phòng khách chính, thì gặp ngay một người Pháp, đầu bạc, cỡ chừng 60 tuổi nói tiếng Việt giọng Hà Đông rất rành mạch. Hắn cầm cốc rượu mạnh đi thẳng đến tôi và nói:

- “Xin chào ngài Trưởng đoàn Việt Nam. Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Cousseau, người đã tổ chức đưa vua Bảo Đại sang Hồng Kông, rồi sang Pháp”. Tôi bắt tay xã giao, và nghĩ: Đây đúng là tên trùm mật thám đã từng đàn áp dã man những người Cộng sản chúng ta. Tôi đã nghe tiếng từ lâu, nay mới gặp mặt. Cousseau nói tiếp:

- “Nhờ ông chuyển lời tôi chúc sức khỏe Cụ Hồ Chí Minh, chúc sức khỏe Ông Phạm Văn Đồng, Ông Đặng Xuân Khu (tức là đồng chí Trường Chinh - đồng chí Trường Chinh đã từng bị hắn bắt giam và làm án). Tôi đáp: “Cám ơn Ông, tôi sẽ chuyển lời của Ông”.

- “Xin Ông nói hộ giúp tôi, ở miền Bắc có việc gì làm, Ông Phạm Văn Đồng, Ông Đặng Xuân Khu cho tôi ra làm việc với. Ông có đồng ý giúp tôi không?”.

- “Tại sao Ông không ở lại miền Nam với chế độ Ngô Đình Diệm, lại xin ra miền Bắc?”

- “Chế độ miền Nam thối tha. Ở đây nghẹt thở lắm, không sao chịu nổi. Nó đã bước vào bóng đen như đêm tối, nên tôi phải xin ra miền Bắc thôi”.

- “Xin Ông hãy nói rõ hơn, Ông muốn ra miền Bắc để làm nghiệp vụ trước đây hay là làm ngoại giao giúp chúng tôi?”

- “Tôi sẽ làm việc có lợi cho các Ông. Tôi nói để Ông rõ, nước Pháp chúng tôi, đã bán Đông Dương này cho người Mỹ rồi. Chỉ có hơn một năm nay mà chính phủ tôi đã giao hết cho Mỹ. Ông biết đó, chúng tôi đã bỏ công đào tạo từ ông vua đến hệ thống quan lại, cho đến viên chức hành chính hơn cả trăm năm. Nay chúng tôi mất hết, trắng tay rồi, còn gì mà ở lại đây làm việc. Tôi nói chân thực đấy. Chắc các Ông sẽ không thấy diễn ra Tổng tuyển cử 1956 đâu, vì chủ mới và tay sai mới, họ lại không có ký kết gì với các ông. Còn người Pháp chúng tôi đã phải ra đi rồi”.

Những lời của Cousseau, đã phản ánh tâm trạng cay đắng của thực dân Pháp, khi họ thất bại trong chiến tranh xâm lược, lẫn thất bại đối với người bạn đồng minh của họ. Đến giữa năm 1955, chúng tôi đã đi đến nhận định: Không còn khả năng thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà và đã thảo ra một báo cáo viết tay, đề nghị với Bộ Chính trị cho thành lập lại các lực lượng vũ trang, tiến hành đấu tranh dưới danh nghĩa một chính phủ trung lập ở miền Nam. Tháng 7 năm 1955, đồng chí Phạm Hùng ra Hà Nội mang theo bản báo cáo của chúng tôi. Bộ Chính trị đã quyết định giữ đồng chí Phạm Hùng ở lại Hà Nội để giúp lãnh đạo công tác miền Nam. Lúc bấy giờ đồng chí Lê Duẩn còn ở Nam Bộ.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh được chỉ định vào thay thế đồng chí Phạm Hùng làm trưởng đoàn.

Song đến tháng 8 năm 1956, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh lại được điều ra Hà Nội. Tôi ở lại phụ trách Phái đoàn cho đến ngày 17-5-1958, cùng cả Phái đoàn rút ra Hà Nội theo chỉ thị của Trung ương.


Ủy ban Quốc tế

Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm 3 nước: Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do Ấn Độ làm chủ tịch, được thành lập ngay khi ký Hiệp định Giơnevơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp Đại sứ Desai, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế tại Thái Nguyên. Lúc ấy Chính phủ ta còn chưa về Hà Nội. Ủy ban Quốc tế lúc đầu đóng ở Hà Nội và có một Phân ban đóng ở Sài Gòn. Ở Hà Nội, ta có Phái đoàn liên lạc do Đại tá Hà Văn Lâu phụ trách, làm việc với Ủy ban Quốc tế. Còn ở Sài Gòn, thì Phái đoàn liên lạc của ta làm việc với một Phân ban của Ủy ban Quốc tế.

Khi việc chuyển quân tập kết và trao trả tù binh đã hoàn thành, công việc còn lại của Ủy ban Quốc tế phần lớn là điều tra, kết luận các đơn khiếu nại về việc thi hành Điều 14C của Hiệp định Giơnevơ, ngăn cấm trả thù và phân biệt đối xử đối với người đã cộng tác với phía bên này hay phía bên kia trong thời gian chiến tranh. Điều 14C đối với ta rất quan trọng, bởi vì Mỹ - Diệm đang tiến hành các chiến dịch tố cộng, lùng sục bắt giết cán bộ ta, với âm mưu tiêu diệt các cơ sở cách mạng. Cho nên ta hết sức tranh thủ Ủy ban Quốc tế đi điều tra các vụ khủng bố vi phạm Điều 14C.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:34:08 am »


Phái đoàn Ấn Độ

Quan hệ giữa ta và phái đoàn Ấn Độ rất tốt. Phần lớn các vấn đề ta nêu ra, đều được Chủ tịch Phân ban Quốc tế là bác sĩ Menon ủng hộ, làm việc với ta rất thân tình. Có lần Ông mời tôi đến nhà riêng ăn bữa cơm dân tộc, do tự tay Bà Menon nấu. Ăn bốc tay, chứ không có đũa hay dao nĩa. Trong bữa ăn, ông Menon đã nói với tôi rằng:

- “Nhân dân Ấn Độ chúng tôi rất khâm phục cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Có việc gì Ông cứ cho tôi biết, tôi sẽ hết sức giúp đỡ các Ông”

Bác sĩ Menon luôn ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn cuộc chiến đấu của nhân dân ta với cuộc chiến đấu của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh, và các lãnh tụ như Găngđi, Nêru... Cho đến khi Ủy ban Quốc tế di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn, quan hệ làm việc giữa Phái đoàn ta với Phái đoàn Ấn Độ vẫn thuận lợi. Đặc biệt có nhiều sĩ quan Phái đoàn Ấn Độ đã giúp ta biết thêm về tình hình nội bộ Pháp, Mỹ và bọn Ngô Đình Diệm.


Phái đoàn Canada

Tất nhiên Canada đứng về phía Pháp, Mỹ - ngụy. Tuy vậy, Đại sứ Canada và các sĩ quan cao cấp khác, trong thái độ đối xử với phái đoàn ta luôn luôn tỏ ra kính trọng. Các buổi chiêu đãi do ta tổ chức, họ đều đến dự đông đủ và có khi còn ở nán lại để xem chiếu phim hoặc để trò chuyện xã giao. Có nhiều lần, Đại sứ Canada một mình đến Phái đoàn ta để trò chuyện đến 12 giờ đêm. Ông Đại sứ nói:

- “Canada có thời gian bị xâm chiếm, cũng phải đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm nên rất thông cảm với nhân dân Việt Nam”.

Họ yêu cầu Phái đoàn ta có vấn đề gì khó khăn cứ cho họ biết, họ sẽ can thiệp với Ủy ban Quốc tế. Sự thật cũng đúng như vậy, không có vấn đề gì Phái đoàn ta nêu ra mà Phái đoàn Canada bác bỏ.


Phái đoàn Ba Lan

Đồng chí Đại sứ Trưởng phái đoàn Ba Lan cho ta biết: Tất cả, từ đại sứ cho đến các sĩ quan trong Phái đoàn đều là đảng viên Cộng sản. Các đồng chí Ba Lan thường đón Phái đoàn ta và ta cũng thường đến Phái đoàn Ba Lan để trao đổi thông tin, nhận định tình hình, thống nhất chủ trương đấu tranh và để nói chuyện vui hay đánh cờ. Phái đoàn Ba Lan cũng cử người đến trụ sở Phái đoàn ta, giúp ta học tiếng Nga. Được tin Phái đoàn ta bị quấy rối, Đại sứ Ba Lan đến thăm ngay và chủ động can thiệp với Ủy ban Quốc tế.
Trong một buổi tiệc rượu tại trụ sở Phái đoàn Ấn Độ ở số 3 Phạm Ngũ Lão, đồng chí Đại sứ Gôtốcxki, Trưởng Phái đoàn Ba Lan và tôi đang đứng nói chuyện, thì Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu đến gợi chuyện, khiêu khích. Lệ Xuân hỏi:

- “Thưa ngài Đại sứ, xin ngài cho biết giữa người cộng sản Ba Lan và người cộng sản Việt Nam khác ở chỗ nào?”.

Đồng chí Đại sứ Ba Lan trả lời:

- “Câu hói của bà rất hay, còn câu trả lời của tôi không biết bà tán thưởng hay không?”

- “Xin Đại sứ cứ nói”.

- “Tôi là người cộng sản Ba Lan vào Đảng lúc 15 tuổi. Là người cộng sản thì Việt Nam hay Ba Lan không có gì khác nhau vì họ đều chiến đấu cho lợi ích của đất nước họ và cho lợi ích của cả loài người trên thế giới này. Tuy vậy, cũng có chỗ khác nhau về tính dân tộc: dân tộc Ba Lan có 80% là người theo đạo Thiên Chúa nhưng phần lớn đã gia nhập theo Đảng Cộng sản Ba Lan. Còn ở Việt Nam, theo tôi được biết, thì có đến 80% theo đạo Phật và rất nhiều người theo đạo Phật đã vào Đảng Cộng sản. Tôi tin chắc là không bao lâu nữa, phần lớn người Việt Nam dù đạo Phật hay đạo Thiên Chúa đều đi theo Đảng Cộng sản, và bà Lệ Xuân cũng không tránh được phải đi theo Đảng Cộng sản đâu”.

Lệ Xuân đưa tay lên che miệng và nói:

- “Thưa Ông, tôi không thể trở thành người Cộng sản được”.

- “Bà không tin vào lời tôi nói ư? Có Ông Trưởng đoàn Việt Nam đây, chúng ta sẽ chứng kiến cách mạng Việt Nam đi tới, dù bà có muốn hay không cũng không cưỡng lại được sự tiến triển của cách mạng Việt Nam đâu!”

Đó là câu chuyện đối đáp giữa Đại sứ Ba Lan với một trong những nhân vật phản động vào bậc nhất của Mỹ - Diệm. Ngày nay, ngẫm lại càng thấy sự sắc sảo của đồng chí Trưởng đoàn Ba Lan trong cuộc đấu trí với kẻ thù hôm đó.

Thái độ chính trị của ba Phái đoàn trên cho thấy hoạt động của Ủy ban Quốc tế có lợi cho ta hơn là cho địch. Vì Mỹ - Diệm chống lại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ nên sự có mặt của Ủy ban Quốc tế không có lợi cho chúng. Chúng tìm cách hạn chế vai trò của Ủy ban Quốc tế, dở thủ đoạn uy hiếp, như cho bọn côn đồ đến đập phá khách sạn Majestic, khách sạn Galliéni, nơi ở của sĩ quan các phái đoàn. Chúng tổ chức biểu tình, hô khẩu hiệu: “Đả đảo Ủy ban Quốc tế...”, ném đá vào trụ sở Ủy ban ở đường Champagne. Càng về sau, Mỹ - Diệm càng vô hiệu hóa Ủy ban Quốc tế, càng hạn chế việc đi lại, không tổ chức đi điều tra các đơn khiếu nại... và Ủy ban Quốc tế dần dần không còn có việc để làm nữa.

Cũng cần nói về Phái đoàn Pháp. Thật đáng thương cho các sĩ quan đại diện cho Bộ Tổng chỉ huy Liên hiệp Pháp ở Đông Dương. Họ ở trong tình thế chịu nhiều sức ép: Mỹ — Diệm, Phái đoàn ta, Ủy ban Quốc tế. Thái độ của họ lúc bấy giờ cái gì cũng “Vâng - dạ”, tỏ ra đồng tình với ta, nhưng không làm được gì. Họ mong thoát khỏi trách nhiệm của họ. Một đại tá Pháp nói: “Chúng tôi chỉ muốn nhanh chóng trở về Pháp sống yên lành với vợ con. Kết thúc chiến tranh Đông Dương là sự may mắn được Chúa ban cho. Chúng tôi không có ý định tiếp tục chiến tranh với các Ông”.

Chúng tôi không quên sự giúp đỡ tận tình của một sĩ quan Pháp. Đó là đại tá Giám đốc Bệnh viện Đồn Đất (Hôpital Grall, nay là bệnh viện Nhi Đồng 2). Khi cán bộ của ta bị hành hung ở chợ Bến Thành, chính vị đại tá bác sĩ này và hai bác sĩ Pháp mang hàm đại úy đã đến trụ sở Phái đoàn ta, băng bó vết thương và đưa xe cứu thương đến chở hai cán bộ ta về Bệnh viện Grall điều trị rất chu đáo. Ba ngày sau, họ lại đưa hai đồng chí của ta trở về Phái đoàn, để đưa ra Hà Nội tiếp tục điều trị. Từ đó, vị đại tá bác sĩ làm thân với ta, thường đến thăm phái đoàn, hỏi han nhiều việc như: người Pháp ở lại Sài Gòn có yên ổn không, người Pháp cần làm gì để người Việt Nam tin cậy, làm thế nào duy trì sự có mặt của người Pháp tại Bệnh viện Grall. Có lần Ông ta hỏi: “Tổ chức công đoàn nên hỏi ý kiến ai, bầu cử vào ban chấp hành công đoàn nên hướng dẫn bầu ai v.v...”. Tôi không rõ đó là những câu hỏi thật tình hay là cách thăm dò của Phòng nhì Pháp. Tôi chỉ trả lời:

- “Việc này là việc nội bộ của bệnh viện. Ông nên hỏi ý kiến công nhân viên chức của bệnh viện thì rõ hơn”

Ông ta cũng cho tôi biết nhiều tin tức về hoạt động của Mỹ - Diệm. Qua nhiều lần nói chuyện, tôi cảm nhận được sự lo sợ của người Pháp còn ở lại Sài Gòn, lo sợ về vị trí và sinh mạng của họ. Khi nghe tin Phái đoàn ta sắp rút về Hà Nội, vị bác sĩ này đến chào tạm biệt và biếu cho chúng ta những thùng thuốc quý để đưa ra miền Bắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:35:24 am »


Những công việc chính của Phái đoàn

Trưởng Phái đoàn ta, đại diện cho Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nạm làm việc với Ủy ban Quốc tế trong đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, hoàn toàn không liên hệ với tổ chức Đảng ở miền Nam. Đây là mặt trận đấu tranh pháp lý, song song với phong trào quần chúng do Đảng bộ miền Nam lãnh đạo, chống khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ, đòi các quyền tự do dân chủ, hiệp thương tổng tuyển cử.

Công việc chính của Phái đoàn ta là tạo ra mối quan hệ tốt nhất với các Phái đoàn trong Ủy ban Quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của họ trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân ta với nhiều mức độ khác nhau. Qua việc cung cấp tình hình từ Trung ương, Phái đoàn ta tố cáo các vụ khủng bố vi phạm Điều 14C của Hiệp định Giơnevơ và kiên nghị với Ủy ban Quốc tế đi điều tra, kết luận những vụ vi phạm lớn.

Phái đoàn ta đã có sự đóng góp đáng kể cho Trung ương, theo dõi tình hình miền Nam nhất là tình hình nội bộ Mỹ - Diệm. Chúng ta có được những thông tin có giá trị, từ quan hệ với các trưởng đoàn, các sĩ quan trong Ủy ban Quốc tế, các sĩ quan Pháp, và các nguồn tin khác. Hàng ngày, ta thu lượm tin tức trên nhật báo và tuần báo tại Sài Gòn để nắm bắt một cách cụ thể việc Mỹ công khai nhảy vào miền Nam, như sự tăng cường các cố vấn quân sự, các trang thiết bị phục vụ cho chiến tranh, các loại vũ khí cũng như tiền bạc để nuôi chính quyền Ngô Đình Diệm. Các nguồn tin đó giúp ta nghiên cứu các vấn đề chính trị ở miền Nam và báo cáo về Trung ương. Để được sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương, Phái đoàn ta liên lạc bằng điện đài và khi cần báo cáo trực tiếp thì phái cán bộ ra Hà Nội bằng máy bay của Ủy ban Quốc tế.

Tuy nhiên, do hoạt động của bản thân Ủy ban Quốc tế cũng bị hạn chế và về sau bị vô hiệu hóa dần, cho nên mặt trận đấu tranh pháp lý của Phái đoàn ta không thể phát triển được. Chính vì thấy trước điều này, Trung ương đã sớm rút đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh về Hà Nội.

Theo chỉ đạo của Trung ương, duy trì sự có mặt của Phái đoàn ta ở Sài Gòn dù công việc không có gì nhiều nhưng cũng vẫn là quan trọng. Có thể nói rằng, đây mới là nhiệm vụ chủ yếu nhất. Vì, khi Phái đoàn ta còn đó thì còn duy trì một sức mạnh tiềm tàng làm cho Mỹ - Diệm phải kiêng sợ. Nó là ngọn cờ cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam và cảnh cáo kẻ thù rằng: Cách mạng đang ở đây, Cách mạng sẽ phát triển và sẽ đi đến thắng lợi.


Nhìn lại ba năm hoạt động của Phái đoàn ở Sài Gòn

Ba năm ở Sài Gòn, không gì đau khổ bằng khi thấy trước mắt cảnh kẻ thù giết hại đồng chí của mình, giết hại đồng bào mà không được cầm vũ khí chống lại chúng. Có lúc phải cầm nước mắt đau thương để nói ra những lời lẽ xã giao ôn hòa, phải nén lòng căm thù đề cầm ly rượu, nói lời chúc tụng. Và, những đêm đi xe trên đường phố Sài Gòn, không khỏi khóc thầm vì cảnh Diệm, Nhu bố ráp bắt bớ đồng bào đưa vào các trại tập trung, bắt đi những người của phong trào Bảo vệ Hòa bình ở thành phố. Thâm tâm, tôi rất mong muốn Đảng sớm phát động đấu tranh vũ trang trở lại.

Phái đoàn ta ở Sài Gòn như cây đinh đóng vào đầu bọn Mỹ - Diệm, nên chúng tìm mọi cách nhổ ra càng sớm càng tốt. Từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn đã gửi công hàm cho Ủy ban Quốc tế yêu cầu triệt thoái Phái đoàn ta. Họ cho lính ngụy cải trang bao vây trụ sở, ném đá đòi chúng ta phải rút về Hà Nội. Họ hạn chế gắt gao việc đi lại kể cả đi chợ. Họ hành hung cán bộ ta ở chợ Bến Thành, cắt điện nước sinh hoạt, gài máy nghe trộm trong trụ sở, nhưng đã bị ta phát hiện. Họ đưa gián điệp vào làm vườn để lấy tin tức. Tên gián điệp này làm được một thời gian, thì tự thú với ta và xin nghỉ việc.

Ngày 9-1-1958, khi hai cán bộ của ta từ Hà Nội trở về đến sân bay Tân Sơn Nhất, bị chúng giữ lại, buộc phải trở ra Hà Nội. Tuy Chủ tịch Ủy ban Quốc tế, Đại sứ Kaul can thiệp, nhưng chúng vẫn từ chối không cho xuống máy bay. Sự việc này nằm trong âm mưu xua đuổi Phái đoàn ta và vô hiệu hóa Ủy ban Quốc tế.

Một sự việc lý thú trong đời hoạt động của tôi là có lần gặp trực tiếp Diệm, Nhu tại khách sạn Continental trong dịp Phái đoàn Canada tổ chức Quốc khánh của họ. Khi chúng tôi bước vào phòng khánh tiết, đã thấy Diệm, Nhu đang ở đó. Họ bắt tay chào chúng tôi. Không nén được lòng căm thù, tôi liền nói ngay:

- “Chào ngài Tổng thống, ngài định phá hoại sự thống nhất đất nước. Nếu việc đó xảy ra, thì các ngài phải chịu trách nhiệm trước lịch sử của dân tộc”.

Tôi vừa nói xong, Diệm, Nhu bị bất ngờ nên lúng túng một lúc, Diệm đáp lại:

- “Thưa ngài, chúng tôi không phá hoại thống nhất đất nước, xin ngài biết cho”.

- “Ngài nói có thật không?”.

- “Vâng, tôi nói thật đó”.

Câu chuyện là thế. Nhưng...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2023, 10:36:21 am »


Một hôm vào đầu năm 1958, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế mở tiệc đứng tổ chức tại nhà khách của Phái đoàn Ấn Độ (nay là nhà số 3 đường Phạm Ngũ Lão), có khoảng ba trăm khách tham dự. Đến giữa buổi tiệc, Chủ tịch Kaul mời tôi vào một buồng riêng, để nói về tin tức tuyệt mật, liên quan đến sinh mạng của Phái đoàn ta. Đi với tôi, có đồng chí Kha phiên dịch tiếng Anh. Chủ tịch Kaul nói:

- “Tôi thông báo cho ngài tin tuyệt mật mà tôi biết được để ngài có quyết định kịp thời trước khi sự việc xảy ra. Chính quyền miền Nam dự định cho lực lượng vũ trang xông vào nhà Phái đoàn để bắt các ngài, phân tán đi các nơi, hành hạ các ngài trước khi trao trả các ngài cho miền Bắc. Vậy ngài nghĩ sao?”.

Tôi trả lời:

- “Tôi cám ơn Ông Chủ tịch đã thông báo tin này. Bây giờ điều trước tiên tôi yêu cầu Ông, điện ngay tin này cho Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ, để ngăn chặn hành động phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại Ủy ban Quốc tế. Sáng ngày mai, yêu cầu Ông Chủ tịch cho triệu tập họp khẩn cấp Ủy ban Quốc tế, có mặt các trưởng đoàn Ba Lan và Canada để thông báo tin này. Ủy ban Quốc tế cần tỏ thái độ kiên quyết đối với âm mưu phá hoại của chính quyền miền Nam. Phần chúng tôi, sẽ điện báo tin này cho Bộ Tổng tự lệnh chúng tôi. Ngài cần báo cho chính quyền miền Nam biết, Phái đoàn chúng tôi chỉ có 16 người với 16 khẩu súng ngắn. Chúng tôi sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng vào những ai xâm phạm đến Phái đoàn. Họ sẽ ngã gục trước khi chúng tôi ngã xuống. Quân đội Nhân dân chúng tôi không bao giờ đầu hàng và không để cho bất cứ ai xâm phạm đến danh dự của mình. Xin cám ơn ngài Chủ tịch”.

Chủ tịch Kaul trả lời:

- “Chúng tôi sẽ chuyển đạt lời của ngài”.

Khi trở về trụ sở, tôi nói lại tin này với các đồng chí trong Phái đoàn để biết, mọi người đều phẫn nộ và tỏ thái độ sẵn sàng chiến đấu nếu chúng dám làm càn.

Tháng 5 năm 1958, thấy Phái đoàn bị bao vây phong tỏa không còn điều kiện hoạt động, Bộ Chính trị quyết định rút Phái đoàn về Hà Nội.

Ngày Phái đoàn ta ra đi, Mỹ - Diệm lo sợ xẩy ra biểu tình nên bố trí hàng ngàn cảnh sái và quân đội trên đường từ trụ sở Phái đoàn và Ủy ban Quốc tế đến sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng đồng bào vẫn đứng ở hai bên lề đường để chào đón và tiễn đưa đoàn xe ra sân bay, bất chấp bọn lính xô đẩy, đe dọa.

Đến sân bay Tân Sơn Nhất, lòng đầy xúc động, tôi đã tranh thủ nói chuyện với đồng bào, để chia tay. Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Kaul đã thốt lên rằng:

- “Chính quyền miền Nam tiễn Phái đoàn các Ông, hơn hẳn cuộc đón tiếp một vị tổng thống của một nước” và còn nói thêm: “Nhân dân Việt Nam thực sự ủng hộ các Ông”.

Phái đoàn ra đi nhưng không thể nào quên tình cảm của nhân dân đối với Phái đoàn ta trong ba năm có mặt tại Sài Gòn. Nhân dân gần xa có người ở tận Huế, Khu 5 cũng vào xem. Mặc dù bọn mật vụ đóng nhiều vai, hàng ngày đi quanh trụ sở Phái đoàn, vậy mà đồng bào Sài Gòn vẫn qua lại, kín đáo nhìn vào xem cờ Tổ quốc, xem ảnh Bác Hồ, bỏ tài liệu tin tức vào bên trong rào của trụ sở, lợi dụng chở hàng cho Phái đoàn, để vào xem cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, hỏi han về thống nhất đất nước... Khi Phái đoàn mới vào, mua sắm tiện nghi trong nhà, có người không nhận tiền, không tính tiền công. Cán bộ đi chợ mua thực phẩm, nhiều lần gặp người bán hàng không nhận tiền, xin được ủng hộ Phái đoàn, v.v..

Đó là những biểu hiện tình cảm thân yêu và lòng tin tưởng của nhân dân thành phố đối với Bác Hồ, với Đảng, với kháng chiến, với cách mạng lúc bấy giờ.

Ta nhớ lại cũng trong thời đó, tư tưởng phục Mỹ, sợ Mỹ khá lan tràn ở nhiều nước, nhiều người, sự phân vân, e ngại đã xuất hiện khi Đảng và nhân dân ta quyết định tiến hành bạo lực cách mạng cả chính trị và vũ trang để chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với chân lý: “Không có gì quý hơn dộc lập tự do”. Hai mươi năm sau, tình cảm, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng ấy của nhân dân Sài Gòn, nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước đã biến thành sức mạnh to lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng thành phố mang tên Bác, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày nay chúng ta có hòa bình, độc lập và thống nhất, đã đạt nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước. Nhưng tình hình thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp, chúng ta phải luôn cảnh giác. Nhân dân ta bao giờ cũng biết cách vận dụng những biện pháp cách mạng thích hợp với từng tình huống để bảo vệ nền độc lập của mình. Chúng ta vững tin dầu trong tình thế nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, dân tộc ta một dân tộc anh hùng, nhất định vượt qua mọi khó khăn và giành thắng lợi.

Ngày 2 tháng 9 năm 1999
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 08:39:10 am »


MẤY NĂM TIẾP SAU HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ...


HUỲNH MINH HIỂN

Câu hỏi đặt ra cho mọi người Việt Nam yêu nước khi quân đội ta đã hoàn thành tập kết chuyển quân ra phía Bắc vĩ tuyến 17, là việc thống nhất Tổ quốc, sẽ được thực hiện bằng con đường nào?

Sau 5 năm, câu hỏi đó mới được giải đáp bằng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.


1. Cục diện nước ta trong những năm 1954-1959

Chiến thắng vang dội của quân dân ta ở Điện Biên Phủ và trên khắp các mặt trận, đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954: Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam giữa ta và Pháp và Tuyên bố cuối cùng của các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị.

- Nội dung chủ yếu của Hiệp định đình chỉ chiến sự là: Đình chiến và tập kết chuyển quân sang hai bên giới tuyến quân sự tạm thời. Cấm đưa thêm quân và vũ khí vào Việt Nam. Trao trả tù binh và dân thường bị bắt. Cam kết không trả thù và phân biệt đối xử. Bảo đảm quyền tự do dân chủ cho những người và tổ chức đã hợp tác với phía bên này hoặc bên kia. Thành lập Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế gồm có: Ấn Độ, Ba Lan và Canada. Ủy ban này do Ấn Độ làm Chủ tịch. Thành lập Ủy ban Liên hợp đình chiến gồm có đại diện của Bộ Tư lệnh hai bên với số lượng đại biểu bằng nhau.

- Nội dung chủ yếu của Tuyên bố cuối cùng là: Công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Cămpuchia và Lào. Đối với Việt Nam sau hai năm, kể từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ, tức là ngày 20-7-1956, sẽ tổ chức hiệp thương và tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước Việt Nam. Từ ngày 20-7-1955, nhà đương cục hai miền Nam — Bắc sẽ tham khảo ý kiến về vấn đề này.

Đoàn đại biểu Mỹ ra một tuyên bố riêng, đại ý như sau: “Hoa Kỳ tránh không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để ngăn trở việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, trừ khi có cuộc xâm lược mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình thế giới”.

Khi nhận làm Chủ tịch Ủy ban Quốc tế, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đại ý hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ, chúc mừng Ba Lan và Canada là thành viên của Ủy ban.

Lúc bấy giờ khí thế cách mạng trong cả nước đang sục sôi. Địch rút nhiều đồn bót, tinh thần sa sút, ngụy quân hoang mang đào rã ngũ hàng đoàn, vùng giải phóng được mở rộng. Nhưng khi nghe truyền đạt nội dung Hiệp định Giơnevơ, nói về tập kết chuyển quân, thì trong cán bộ và cả trong nhân dân có nhiều thắc mắc, không yên tâm.

- “Có phải là hai năm hay lâu hơn?”.

Thật ra lúc bấy giờ, những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng ta biết rằng khả năng thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử rất ít, nhưng dù khả năng này rất ít vẫn phải hết sức tranh thủ. Vả lại điều đó có ảnh hưởng đến việc tập kết chuyển quân đang cần được thực hiện suôn sẻ, ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của quần chúng đòi hòa bình và dân sinh dân chủ. Khi đồng chí Lê Duẩn đến chia tay với anh em trong Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ, để ở lại lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, thì đồng chí có nói:

- “Hẹn 15 - 20 năm nữa, chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Ước đoán khi đó của đồng chí Lê Duẩn, đã trở thành sự thật.

Ngày 21-12-1955, tại bến sông Ông Đốc, đoàn cán bộ các cơ quan chung quanh Trung ương Cục miền Nam lên chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan, chiếc Kilinski, tập kết ra miền Bắc. Để đánh lạc hướng địch, đồng chí Lê Duẩn cũng lên tàu như đi tập kết. Trong cabin thuyền trưởng, đồng chí Lê Duẩn đã nói với các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Kỉnh:

- “Các anh ra miền Bắc, cho tôi gửi lời thăm hỏi sức khỏe của Bác. Hiểu rõ bản chất của Mỹ và tay sai, thì theo tôi không thể có hiệp thương tổng tuyển cử sau hai năm đâu. Các anh thưa với Bác rằng, ở trong này tôi đã chuẩn bị đối phó với địch, đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Xin Bác yên tâm”.

Từ cuối năm 1954 — 1955, không chỉ riêng đồng chí Lê Duẩn, mà Đảng ta đã dự kiến khả năng phải đấu tranh vũ trang để giải phóng miền Nam.

Ở miền Nam. Khi ký Hiệp định Giơnevơ, ta muốn ngăn chặn sự can thiệp sâu hơn của Mỹ, giữ chân Pháp ở lại miền Nam, tiếp tục là đối tác của ta trong việc thực hiện giải pháp chính trị. Lúc bấy giờ, Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế ở Đông Dương, có trụ sở tại Hà Nội và Sài Gòn. Phía Pháp cũng có một Phái đoàn liên lạc ở Hà Nội và Sài Gòn còn phía ta chỉ có Phái đoàn liên lạc ở Hà Nội. Vì vậy khi ta đặt vấn đề với Ủy ban Quốc tế và Pháp rằng, chúng ta cần có Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn là hợp lý, nên được ủng hộ. Phía Pháp cũng tán thành. Nhưng do Mỹ - Diệm phá hoại, việc thành lập Phái đoàn ta ở Sài Gòn không thực hiện được ngay. Cuối cùng chúng phải chấp nhận. Ngày 17-5-1955, Phái đoàn liên lạc của ta đã vào Sài Gòn. Đồng chí Phạm Hùng lúc đó là ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng Phái đoàn và đại diện cho Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế.

Nhiệm vụ chính thức của Phái đoàn là đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Thực ra, ngoài nhiệm vụ quan trọng đó, nhiệm vụ chính yếu và thực tế là duy trì sự có mặt của phái đoàn ta ở Sài Gòn càng lâu càng tốt, như một ngọn cờ cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn và nhân dân miền Nam.

Nhưng tình hình diễn ra theo chiều hướng rất phức tạp. Pháp lúc bấy giờ đã kiệt quệ, không đủ sức để duy trì đội quân viễn chinh ở Đông Dương. Từ năm 1950, Mỹ đã gánh phần lớn chi phí cho chiến tranh Đông Dương. Vì vậy dưới sức ép của Mỹ, Pháp đã phải giao lại miền Nam Việt Nam cho Mỹ, cam chịu rút toàn bộ quân viễn chinh. Khi đó Bảo Đại làm Quốc trưởng bù nhìn, Bửu Lộc làm Thủ tướng tay sai cho Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2023, 08:39:53 am »


Ngày 7-7-1954, Mỹ dựng Ngô Đình Diệm lên thay Bửu Lộc. Đến 23-10-1955, Diệm phế truất Bảo Đại, tổ chức bầu cử giả hiệu, lên làm tổng thống “Việt Nam Cộng hòa”. Và từ ngày 1-11-1954, viện trợ Mỹ trao thẳng cho Sài Gòn, không thông qua Pháp. Sau đó, phái bộ quân sự của Mỹ trực tiếp tổ chức và huấn luyện quân ngụy. Mỹ đã thay Pháp, làm chủ miền Nam mà không tốn bao nhiêu công sức. Với bộ máy cố vấn quân sự, chính trị, cộng với đòn bẩy viện trợ kinh tế, Mỹ đã điều khiển chặt chẽ chính quyền Sài Gòn. Phần lớn bọn tay sai của Pháp bỏ chủ cũ chạy theo chủ mới là Mỹ, ủng hộ Ngô Đình Diệm. Nhưng chỉ một số được Mỹ chấp nhận.

Diệm khi mới về Sài Gòn, còn rất đơn độc. Là người miền Trung, nhờ trước đây do mâu thuẫn bè phái, đã từ chức “Lại bộ Thượng thư” triều đình Huế, nên có một ít tiếng tăm. Còn đối với Nam Bộ, Diệm chưa có ảnh hưởng gì. Ngày 30-6-1954, trước khi vào Sài Gòn làm Thủ tướng bù nhìn, theo kế hoạch của Mỹ, Diệm ra Hà Nội tập hợp các chức sắc thiên chúa giáo địa phận Bùi Chu - Phát Diệm, tổ chức làn sóng người di cư vào Nam, bỏ nhà cửa ruộng vườn, nhằm tạo chỗ dựa cho chế độ Ngô Đình Diệm còn non yếu. Âm mưu của địch là dụ dỗ, kết hợp cưỡng ép người di cư. Khoảng 800.000 người đã di cư vào Nam. Đa số dân di cư được bố trí chung quanh vòng đai Sài Gòn, mà nay vẫn còn dấu ấn của làng xóm mang tên quê hương miền Bắc. Từ tháng 3-1955, vừa mua chuộc phân hóa, vừa dùng quân sự đàn áp, Diệm dẹp bỏ các lực lượng vũ trang thân Pháp, Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và thực hiện sự thống nhất quân đội ngụy. Sau Hội nghị Giơnevơ, chính phủ Pháp của Mendès France, thi hành chính sách hai mặt: vừa muốn mở rộng quan hệ bình thường với miền Bắc, vừa theo đuôi Mỹ trong chính sách chống cộng cực đoan. Ngày 7-8- 1954, Sainteny được cử làm Tổng đại diện Pháp ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sainteny đến Hà Nội rất sớm, trước cả đại sứ Liên Xô và Trung Quốc, được Chính phủ ta đối xử trọng thị. Nhưng tướng Ely, Tổng Cao ủy và Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp, theo đuổi chính sách liên minh với Mỹ, không hợp tác với miền Bắc, chống lại Tổng tuyển cử. Chính phủ Pháp ngả theo quan điểm tướng Ely, không giao cho Sainteny quyền hạn cụ thể về chính trị.

Ngày 8-9-1954, Chính phủ Pháp ký Hiệp ước Manille, lập ra khối quân sự Đông Nam Á gọi tắt là SEATO. Đây là khối liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu gồm các nước nòng cốt là Thái Lan, Philippin, Úc, Tân Tây Lan và cả Anh, Pháp cũng tham gia, đặt Việt Nam, Cămpuchia và Lào dưới sự bảo trợ của Hiệp ước này. Như vậy chỉ 7 tháng sau khi ký, Pháp đã từ bỏ tinh thần Hiệp định Giơnevơ. Ngân sách chính quyền Sài Gòn phần lớn lấy từ viện trợ Mỹ và tăng lên từng năm. Nhờ đó, đời sống kinh tế trong những năm đầu của chế độ Ngô Đình Diệm khá ổn định. Đầu năm 1955, ngân hàng quốc gia ngụy được thành lập, phát hành đồng tiền miền Nam thay cho tiền Đông Dương. Trong những năm đó, chúng tập trung sức tiêu diệt các giáo phái, củng cố chính quyền và truy bắt cán bộ ta, tiêu diệt cơ sở cách mạng.

Cũng trong thời gian 200 ngày vừa lo việc chuyển quân, ta còn phải lo sắp xếp cán bộ đi tập kết và ở lại miền Nam, tổ chức đảng từ Xứ ủy đến các Tỉnh ủy, Huyện ủy và cơ sở. Ở vùng nông thôn, ta tổ chức các hình thức hoạt động hợp pháp như nhà bảo sanh, trạm y tế, trường học, tổ vần đổi công... Các loại vũ khí thích hợp thì cất giấu ở nhiều nơi, nhưng quan trọng hơn cả là vốn chính trị vô giá để lại trong lòng người dân, những chính sách đúng đắn đã thực hiện trong 9 năm kháng chiến như: chính sách đại đoàn kết, chính sách ruộng đất, chính sách đối với tôn giáo, đối với trí thức, đối với dân tộc. Chúng ta tranh thủ thành lập Phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn sau ngày tập kết cũng chính là để đồng bào luôn cảm thấy có Đảng trong cuộc đấu tranh với kẻ thù tàn bạo. Đối với người dân miền Nam, Chính phủ Cụ Hồ là chính nghĩa, là độc lập thật sự, là cơm no áo ấm. Còn chế độ Sài Gòn là sản phẩm ngoại bang. Mỹ - Diệm muốn thay đổi hình ảnh đó, giành lại ngọn cờ dân tộc, nhưng chúng không sao làm được.

Ở đồng bằng Nam Bộ và Khu 5, sau khi ta vừa rút đi và bàn giao quản lý, thì chúng tổ chức ngay những đợt càn quét và tố cộng, ra sức lùng bắt cán bộ và tiêu diệt cơ sở cách mạng. Có chiến dịch chúng sử dụng nhiều trung đoàn quân chính quy đi càn quét. Dân gọi đó là “chiến tranh một bên”. Trong những năm 1955 đến 1958, mặc dù có vũ khí cất giấu, nhưng các địa phương vẫn tuân thủ phương pháp đấu tranh hòa bình, đòi tự do dân chủ, đòi tổng tuyển cử, kéo biểu tình, hô khẩu hiệu, tranh thủ lính ngụy... Mỹ ngụy ngoan cố, tàn ác làm các cơ sở Đảng bị tổn thất rất lớn ở nhiều nơi.

Trước tình hình đó, nhất là vùng nông thôn, những nơi trước đây là căn cứ cách mạng chiếm, phần lớn đảng viên và quần chúng, đòi hỏi bức bách phải thay đổi phương thức đấu tranh. Mọi người cảm thấy chỉ một chiều đấu tranh hòa bình hợp pháp thì không bảo vệ được cơ sở cách mạng, không ngăn chặn được sự tàn bạo của quân thù. Từ năm 1958, vài nơi đã bắt đầu hành động vũ trang để tự vệ. Thực tế đã cho thấy, chỉ cần có người đứng lên nổ súng chống lại sẽ có nhiều người hưởng ứng. Còn địch thì co lại, không dám tự do lùng sục như trước. Cơ sở cách mạng được giữ vững và phát triển.

Ở miền Bắc. Quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Hà Nội chiều ngày 10-10-1954. Sáng ngày 11-10-1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản. Chính phủ ta làm chủ Thủ đô, nơi mà trước đó 8 năm ta phải tạm thời rút đi.

Ngày 17-10-1954, chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru là sự thừa nhận có tính cách quốc tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng, giờ đây ta có một lãnh thổ hoàn chỉnh độc lập, hòa bình, có thủ đô, có cảng biển, tiếp giáp với Lào, liền đường với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Miền Bắc xây dựng và phát triển quân đội chính quy, lực lượng từ miền Nam tập kết được tổ chức lại, một bộ phận được rút đi xây dựng nông trường. Bắt đầu kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế. Nông dân được chia đất, hăng hái sản xuất, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực cho xã hội. Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc viện trợ lượng hàng tiêu dùng quan trọng góp phần cân đối tiền hàng và ngân sách. Đến cuối năm 1959, hàng hóa còn lưu thông tự do, giá cả tương đối ổn định.

Do những sai lầm trong cải cách ruộng đất, gây căng thẳng ở nông thôn đã làm lắng xuống sự phấn khởi tràn ngập của những ngày mới giải phóng. Qua phong trào sửa sai, đã ổn định lại tình hình và khẳng định những thành tựu nhiều mặt đã đạt được.

Diện hợp tác hóa nông nghiệp mở rộng rất nhanh như một phong trào chính trị. Đến năm 1960, cơ bản đã hoàn thành cải tạo nông nghiệp. Trong công nghiệp, các nhà máy thời Pháp được khôi phục, sản xuất tăng rất nhanh như: than Hòn Gai, xi măng Hải Phòng, dệt Nam Định, xưởng đóng tàu Bạch Đằng, v.v., và một số nhà máy mới được xây dựng.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM