
Kỹ sư
PHI ĐÌNH TUẤN
Sinh năm: 1937
Quê quán: Thượng Nông, Tam Nông, Phú Thọ
Thường trú: Nhà 64, ngõ 177 Phố Định Công, Phường, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 04.38554087 - 0983.229637
Từ Bộ GTVT biệt phải sang Quân đội năm 1965
Nguyên Tổ trưởng, Đội Khảo sát 1, Cục TMCB 559,
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ GTVT,
Kỹ sư Trưởng ban TCCB-LĐTL, Thường vụ Đảng uỷ Liên hiệp ĐSVN
NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC KHẢO SÁT THIẾT KẾ
ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG
Tháng 4 năm 1965, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ được Bộ Chính trị quyết định tham gia Quân uỷ Trung ương, bổ nhiệm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh 559.
Ngay sau khi trực tiếp tổ chức và chỉ đạo Công trường 128 thi công trục đọc từ đường 12 vào đường 9 phía tây Trường Sơn tương đối ổn định, thấy rõ thực tế, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đề xuất và được Quân uỷ Trung ương nhất trí chủ trương mở tuyến đường ngang để phá thế độc tuyến, tránh được túi nước Seng Phan ngập đoạn đầu đường 128 làm ách tắc không tranh thủ được tháng đầu mùa khô ở Lào.
Với cương vị mới, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ quyết định điều động biệt phái chúng tôi từ Viện Thiết kế Giao thông và một số cán bộ các đơn vị trong Ngành thành lập một đoàn khảo sát đặc biệt, có nhiệm vụ khảo sát tuyến này.
Đồng chí Nguyễn Nam Hải, sau khi đã tổ chức khảo sát đường 128, được Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ giao làm Đoàn trưởng, thiếu tá Mai Sơn làm Phó đoàn. Tôi được giao làm tổ trưởng kỹ thuật cùng 10 cán bộ công nhân kỹ thuật, một tổ điện đài, được trang bị máy móc thiết bị cần thiết, khảo sát và thiết kế ngay tại hiện trường đáp ứng cho các đơn vị thi công.
Trước khi vào chiến trường, chúng tôi được đại tá Vũ Xuân Chiêm, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh 559 giao nhiệm vụ tại 63 Lý Nam Đế, Hà Nội. Đồng chí xác định rõ nhiệm vụ, động viên chúng tôi có vinh dự được tham gia mở con đường chiến lược từ đông sang tây Trường Sơn cho xe cơ giới vận chuyển hàng hoá, binh khí kỹ thuật vào sâu tận chiến trường miền Nam, điều mà đến nay Trung ương mới có chủ trương. Phó Chính uỷ giao nhiệm vụ phải tiến hành khẩn trương, khảo sát thiết kế nhanh, nhắc nhở phải giữ gùi bí mật. Đồng chí cho biết con đường này có địa hình miền núi phức tạp, hiểm trở, xa dân, đảm bảo hậu cần khó khăn. Do vậy hai Bộ Quốc phòng và Giao thông vận tải chọn đoàn khảo sát mạnh, cán bộ công nhân có tay nghề giỏi, có phẩm chất chính trị và có ý chí quyết tâm. Đồng chí cho biết, tuy đoàn khảo sát nay mới bắt đầu lên đường, nhưng cùng thời gian này đang khẩn trương tuyển quân ở các địa phương.
Sau mấy ngày chuẩn bị, ngày 26 tháng 6 năm 1965, trên chiếc xe ôtô tải Gat 63 Liên Xô còn mới do anh Hoà, một thanh niên vừa được đào tạo lái xe đưa đoàn chúng tôi hành quân vào Trường Sơn. Hai trưởng phó đoàn ngồi ca bin xe, chúng tôi ngồi trên hai chiếc ghế dài hạ từ thành xe, ba lô, trang thiết bị khảo sát, điện đài, xoong nồi, lương thực, thực phẩm xếp gọn vào thùng xe bằng một ghế, một số anh em trải bạt nằm ngồi trên đó. Nhiều cầu lớn nhỏ trên đường đi, đã bị máy bay Mỹ đánh phá hư hỏng, cầu Hàm Rồng là trọng điểm bị đánh phá ác liệt thời kỳ này, pháo sáng thả cầm canh, nhưng xe chúng tôi đã chọn được thời cơ thuận lợi lên phà, nên sang được bờ phía nam an toàn.
Ngày nghỉ, đêm đi... Có một chuyện nhỏ nhưng lại nhớ lâu. Đến Khe Tang, bỗng nhiên chúng tôi thấy mình như được nâng lên khỏi sàn xe, và nghe một tiếng “ầm", xe từ đỉnh đốc cao lao thẳng xuống ngầm. Anh Hoà đã cho xe lao theo kiểu rơi tự do xuống ngầm Khe Tang, xe đã chết máy. Máy bay Mỹ lượn vòng trên đầu, pháo sáng làm hoa cả mát. Loay hoay xử lý một lúc, xe lại nổ máy được. Hai anh trong đoàn xuống hỗ trợ, yêu cầu cho xe lùi một đoạn mới có thể lên được, nhưng anh Hoà nói “xe không có số lùi". Thời này đào tạo lái xe không kịp, anh Hoà vừa mới được đào tạo cấp tốc hai tháng, tay lái chưa vững, kiến thức và kinh nghiệm chưa có. Lên đường gấp gáp, bản thân anh cũng không có tư trang gì mang theo, đến cả thức ăn cá nhân cũng không chuẩn bị kịp. Nhưng, lái xe Trường Sơn là vậy, họ trưởng thành trong thực tế rất nhanh chóng...
Qua phà Xuân Sơn, ngày 05 tháng 7 năm 1965, chúng tôi nghỉ tại một bản người dân tộc A Rem sát cửa rừng Phong Nha. Tiếp đó chúng tôi chia thành hai mũi, thị sát theo hai hướng tuyến để có phương án so sánh:
- Một mũi từ Khe Nét, đi phía trái, theo hướng Đoòng lên Khe Tum đến biên giới Việt Lào, hướng này do anh Nam Hải phụ trách. Cùng đi có 2 cán bộ kỹ thuật.
- Một mũi từ Khe Nét sang phía phải, qua Tân Trạch, đến Cù Mẹ, U Bò, gặp tuyến phía trái tại Cà Roòng. Anh Mai Sơn phụ trách hướng này, tôi làm công tác kỹ thuật, cùng đi cũng có hai cán bộ kỹ thuât.
Hai mũi thị sát xong tuyến, tối 17 tháng 7 trở lại gặp nhau tại Phong Nha đểê xác định tuyến chọn. Có hai ý kiến khác nhau, cuối cùng anh Nam Hải quyết định chọn hướng tuyến qua Đoòng phần lớn đi trên phân thuỷ, đường đất, ít đá, dễ thi công.
Trưởng, phó đoàn giao lại công tác khảo sát định tuyến thiết kế kỹ thuật cho anh em thực hiện cụ thể, giao nhiệm vụ cho tôi phụ trách. Thời gian gấp rút, phải hoàn thành giao tài liệu thiết kế và thực địa cho đơn vị thi công từ ngoài vào trong theo yêu cầu của Công trường 20 lúc này đã thành lập, các đơn vị thi công đã vào triển khai nhận nhiệm vụ.
Ngày 20 tháng 7 năm 1965, chúng tôi tổ chức thành hai mũi triển khai ngay công tác khảo sát theo hướng đã chọn, và thống nhất xác định giao ngay tài liệu thiết kế khi thi công yêu cầu.
Mũi thứ nhất khảo sát từ Khe Nét vào Đoòng lên Khe Tum do Phi Đình Tuấn trực tiếp. Mũi thứ hai do Hoàng Tường, một cán bộ kỹ thuật phụ trách khảo sát từ biên giới về Đoòng quy định gặp mũi thứ nhất tại Khe Tum.
Hướng này đường đi trên cao, có chỗ có cao độ 1.000 mét so với mặt biển, bản đồ không thể hiện được đường đồng mức, việc nghiên cứu rất khó khăn, tốn nhiều công sức trên thực địa, có hôm anh em phải tối mịt mới về đến lán.
Tìm tuyến đến đâu, chúng tôi đo đạc lấy tài liệu, đêm về thiết kế ngay đến đó, với tư thế chuẩn bị sẵn sàng đối phó cho việc phục vụ đơn vị thi công. Toàn tuyên có hơn 100 cầu cống lớn nhỏ, khối lượng đào đắp bình quân 30.000 - 40.000 m3/km. Nói là tuyến đi trên đường phân thuỷ, nhưng vẫn có nơi ta luy cao đến 20 - 30 mét. Nhược điểm hướng này là khả năng khi thi công xong, tuyến đường nằm trên cao dễ bị lộ, máy bay dễ phát hiện đánh phá ác liệt, giao thông sẽ ách tắc, không hợp lý cho vận tải quân sự.
Hơn hai tháng làm việc vất vả, hai mũi vẫn chưa gặp được nhau. Mưa Trường Sơn đã bắt đầu, các con suối đã có lũ to, hành quân di chuyển đã gặp trở ngại. Nhiều hôm, mưa lũ lớn, vận chuyển qua suối rất khó khăn. Vật lộn với núi rừng nguyên sinh mãi trên bốn tháng trời đầy gian khó, sức khoẻ anh em đã giảm sút, tóc đã dài chấm gáy. Nhớ lại trước khi vào nhận nhiệm vụ này, tôi có đến chào thầy Lê Đình Hoè, một lão tướng ngành khảo sát thiết kế giao thông, thầy có nói: “Bản đồ Pháp có thể sai, cần phải thận trọng”.
Thực tế ở đây đúng như thế, từ đó gợi mở cho tôi những tư duy tìm tòi mới.