Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:38:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 1  (Đọc 2863 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2023, 06:19:48 pm »

Đời sống văn hóa, tinh thần trong những ngày khói lửa

Một lần chúng tôi đến thăm Nhà hát lớn Hà Nội, tại đây chúng tôi được xem một vở diễn tuyệt vời, giống như múa ba lê của chúng tôi - các màn nhảy múa, xen kẽ với những cảnh “câm”, có lúc hành động lặng đi trong vài phút và các diễn viên đứng bất động hoàn toàn. Nghệ thuật múa của các diễn viên đạt trình độ điêu luyện.

Ở Việt Nam, chúng tôi được đón các ngày lễ như: Năm mới theo dương lịch, Tết cổ truyền Việt Nam, ngày thành lập Quân đội Liên Xô ngày 23 tháng 2, ngày 1 tháng 5, ngày 7 tháng 11. Vào các ngày lễ này, các đồng chí lãnh đạo của, chúng tôi đều đến dự các buổi gặp mặt, người thường xuyên đến chỗ chúng tôi là Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Shcherbakov, Thiếu tướng Stolnikov - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Chúng tôi đã dịp nghỉ ngơi trong ba ngày tại khu nghỉ mát Hạ Long, ở đây có nhiều hòn đảo tráng lệ trên biển, nước trong xanh, ở đây còn có những món ăn tuyệt vời được chế biến từ cá biển. Nhiều ngư dân đã làm việc trên biển gần hết cả cuộc đời. Họ chỉ thỉnh thoảng đến nghỉ ở gần đảo nhỏ - nhà của họ.

Chúng tôi có “cửa hàng sứ quán” ở Hà Nội. Trong cửa hàng, chúng tôi có thể mua các hàng hiếm: trứng cá đen và đỏ, cua đóng hộp, rượu cônhắc Armenia. Tất nhiên, chúng tôi chỉ mua những thứ này cho một bữa tiệc lễ hội. Còn trong những lễ sinh nhật hoặc các ngày lễ khác, chúng tôi sử dụng rượu Việt Nam, chủ yếu là rượu “Lúa mới”.

Tiền lương trợ cấp của chúng tôi tại Việt Nam ít hơn nhiều so với các cố vấn quân sự Liên Xô ở Cuba, Syria, Ai Cập, Algeria và các nước châu Phi khác, ở đó, cố vấn quân sự Liên Xô sau một năm công tác có thể mua được một chiếc xe Volga.

Cũng cần kể một chút chuyện “nam nữ” trong chúng tôi. Mong muốn giao tiếp với phụ nữ là một điều hiển nhiên, nhưng với các cô gái Việt Nam trong giai đoạn này thì không hề dễ dàng, mặc dù cả hai phía đều mong muốn. Nếu có tình trạng “khẩn cấp”, thì “thủ phạm nữ Việt Nam” sẽ được gửi ngay đến nơi công tác mới, còn chuyên gia quân sự của chúng tôi sẽ phải trở về Liên Xô.

Có nhiều câu chuyện thú vị về vấn đề này, tôi xin kể một câu chuyện. Chúng tôi sống ở tầng hai khách sạn Kim Liên, Hà Nội. Một ngày nghỉ, các sĩ quan của chúng tôi đứng thành từng tốp ngoài hành lang và rỉ tai nhau: chúng ta phải đến thăm các bạn Lào, vì trong trường hợp này sẽ không bị phạt, vì không phải người Việt Nam. Trong tòa nhà tiếp theo ở tầng một, có đại diện của “Chính phủ Lào”, trong số đó có phụ nữ, và tôi phải nói rằng phụ nữ Lào rất đẹp.

Hai sĩ quan, chuyên gia của Tiểu đoàn Kỹ thuật (tiểu đoàn sản xuất đạn cung cấp cho các tiểu đoàn hỏa lực - ND) đã đi hẹn hò. Với vốn từ tiếng Việt không quá một trăm, thật là thú vị khi nói chuyện với nhau về tình yêu. Các cô gái đứng trên ban công lộ thiên cười khúc khích một cách bí ẩn. Tất cả hình ảnh đó chỉ kéo dài khoảng năm đến mười phút. Sau đó, hai thanh niên Lào đi ra và họ nói bằng tiếng Nga: “Chào các chàng trai! Ở đây, các bạn sẽ chẳng tìm kiếm được gì đâu...”. Các thanh niên Lào đã học 5 năm tại Trường quân sự Krasnodar. Khi những “chàng trai chưa vợ” trở về kể lại câu chuyện, tất cả chúng tôi đều bò lăn ra cười.

Cuộc sống hằng ngày tràn ngập những sự kiện khác nhau, từ sự kiện bình thường, không đáng kể đến sự kiện quan trọng, và đôi khi là đau thương.

Sĩ quan tham gia bắn hạ chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ bằng tên lửa S-75 nói với tôi rằng, những chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên, họ thực sự là những chiến binh. Còn chúng tôi, những người sang Việt Nam sau họ, không có được vinh dự như thế. Tất nhiên, nói như thế là vô lý. Nhiệm vụ chiến đấu ở mỗi giai đoạn sẽ khác nhau, không ai biết được khi nào và ở đâu, những nguy hiểm tiềm ẩn sẽ đến với mình...

Ngày 29 tháng 4 năm 1970, tôi chứng kiến Hạ sĩ Garkusa Vladimir Ivanovich - Tiểu đội trưởng phụ trách máy phát điện diesel của Trung đoàn tên lửa phòng không 237 Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đi mãi mãi vì một vết thương nặng. Hôm đó là “thứ bảy lao động xã hội chủ nghĩa” (11-4-1970), khi lao động Hạ sĩ Garkusa đã cuốc phải một quả bom bi chưa nổ dưới đất và quả bom đã phát nổ. Các bác sĩ đã nỗ lực hết sức để chữa trị vết thương cho anh, các chuyên gia quân sự còn hiến máu để cứu anh, nhưng thật không may, tất cả chúng tôi đã không cứu được anh. Hạ sĩ Garkusa đã được Chính phủ Liên Xô truy tặng Huân chương Sao Đỏ, Chính phủ Việt Nam truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Một sự kiện đáng chú ý khác là, ngày 21 tháng 11 năm 1970, quân đội Mỹ đã thực hiện một cuộc giải cứu tù binh Mỹ tại trại giam ở khu vực gần thị xã Sơn Tây. Trại giam các tù binh phi công Mỹ nằm cách ngôi nhà gỗ mấy trăm mét. Ngôi nhà gỗ này là nơi ở của các chuyên gia quân sự Liên Xô đang làm việc tại Xưởng sửa chữa A-31 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam (Thiếu tá Katugin, đồng đội của tôi trước đây ở Liên Xô đã kể với tôi về sự kiện này).

Để đánh lạc hướng sự chú ý của lực lượng phòng không Việt Nam về ý đồ giải cứu tù nhân của Mỹ, không quân Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích lớn vào ngoại ô Hà Nội, có tới 10 - 12 máy bay tham gia cuộc không kích này.

Quân đội Mỹ đã cho một đội quân nhảy dù tiến hành diễn tập một cách bài bản trên một địa bàn hoàn toàn giống địa hình trại giam tù binh phi công Mỹ ở gần thị xã Sơn Tây. Đêm ngày 21 tháng 11 năm 1970, trong lúc 10 - 12 máy bay ném bom thực hiện cuộc không kích vùng ngoại thành Hà Nội, thì 8 máy bay trực thăng Mỹ đã hạ cánh trong khu vực trại giam tù binh Mỹ. Lực lượng trực thăng Mỹ đã giao tranh dữ dội với lực lượng bảo vệ trại giam, cuộc đấu súng diễn ra trong vòng 30 - 40 phút. Tổn thất của đội bảo vệ không đáng kể, vì sau cuộc đấu chớp nhoáng, các chiến sĩ Việt Nam đã rút lui khỏi trại giam tù binh Mỹ.

Nhóm lính dù Mỹ đã chiếm được trại giam, nhưng lúc này trong trại giam không có một thứ gì dù chỉ là một hiện vật của người Mỹ. Bởi vì trước đó một tuần, khi đế quốc Mỹ thực hiện ý đồ này, các bạn Việt Nam của chúng tôi đã chuyển các tù binh Mỹ đến nơi khác. Các trực thăng của Mỹ quay trở lại căn cứ ở Thái Lan và cuộc tiến công đó chẳng đạt được kết quả gì. Những chiến sĩ tình báo Việt Nam luôn làm việc với trình độ nghiệp vụ cao nhất. Còn tối hôm đó, không quân Mỹ đã mất 4 máy bay ở khu vực ngoại thành Hà Nội.

Các sự kiện khác chúng tôi chứng kiến như: năm 1970, phi công vũ trụ, Anh hùng Liên Xô Popovich, nhà thơ Yevgeny Dolmatovsky, nhà văn Yuri Rytheu đã đến thăm Việt Nam; Đoàn xiếc từ Leningrad và Dàn hợp xướng dân gian Siberia đã biểu diễn ở Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2023, 06:22:03 pm »

Khu 4

Năm 1970, nhóm kỹ sư trong Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã ba lần đến phía nam thành phố Vinh thuộc Khu 4:

- Trong tháng 3, tháng 4, chúng tôi đã đến Trung đoàn tên lửa phòng không 275 để sửa chữa và phục hồi khí tài của Tiểu đoàn 68 bị không quân Mỹ đánh bom và kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn tên lửa phòng không 275 và Trung đoàn tên lửa phòng không 238.

- Tháng 10, chúng tôi kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn tên lửa phòng không 275 và Trung đoàn tên lửa phòng không 238.

- Tháng 12, chúng tôi giúp đỡ Trung đoàn tên lửa phòng không 238 chuẩn bị khí tài để bắn hạ máy bay B-52.

Tôi đã đi hai chuyến: tháng 3 đến tháng 4 và tháng 10. Tháng 12 là thời điểm tôi sẽ kết thúc nhiệm kỳ công tác đặc biệt, vì thế, tôi chỉ đến làm việc với các trung đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội Và Hải Phòng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự Liên Xô, trong các năm 1969-1970, các trận chiến đấu chống không quân Mỹ chủ yếu xảy ra ở phía nam thành phố Vinh, được gọi là Khu 4.

Không quân Mỹ ném bom các cây cầu, cầu phao, các đập chắn nước, đám đông người, xe khách và các trận địa tên lửa phòng không.

Chiến tranh là một điều phức tạp, và thật khó nói ai là người khổ nhất trong chiến tranh. Những người đã trải qua địa ngục này, thường im lặng một cách khiêm tốn hoặc kể lại những khó khăn trong thời chiến một cách bình thường, đôi khi với vẻ hài hước như thể đây là một công việc thường xuyên trong ngày.

Một số nhà báo đã đến Vinh, vừa nhìn thấy những tàn tích của thành phố này, đã nhanh chóng phóng bút viết ngay bài báo của mình rồi ngay lập tức rời Vinh về Hà Nội. Họ không muốn đi xa hơn về phía nam Khu 4.

Điều này không có nghĩa là mọi người đều có hành xử như thế. Tôi biết các nhà báo đã viết bài từ khu vực vĩ tuyến 17 và Lào. Họ đã mạo hiểm cuộc sống của mình để thu thập những số liệu hay cho bài viết. Thậm chí các nhà báo còn mang theo khẩu phần khô của Mỹ để mời các sĩ quan của chúng tôi đang công tác ở các tỉnh phía nam của miền Bắc Việt Nam.

Trong số các nhà báo nước ngoài làm việc ở khu vực vĩ tuyến 17 và miền Nam Việt Nam có nữ nhà báo Ba Lan Monica Varna, các bài báo tuyệt vời của cô đã được tập hợp trong cuốn sách “Quân khu 4” (Nhà xuất bản Tiến bộ, năm 1970).

Vào tháng 3, tháng 4 năm 1970, một nhóm sáu người chúng tôi do Đại tá Dyurin chỉ huy lên đường vào Khu 4. Chúng tôi đã ở đây hai tháng, chuyến công tác thật thú vị và có hiệu quả.

Đầu tháng 3, chúng tôi rời thành phố Vinh vào sâu phía Nam. Sau khi khởi hành được một tiếng rưỡi, thì chúng tôi bị ném bom. Không quân Mỹ đã ném bom xuống cầu phao trên đường chúng tôi hành quân. Thật may mắn khi máy bay ném bom, chúng tôi còn cách cầu phao gần một kilômét. Chúng tôi đã ẩn nấp vào bụi rậm ven đường ngồi quan sát những chiếc máy bay F-105 thả toàn bộ số bom của chúng, rồi hớt hải bay vòng quay trở về căn cứ.

Sau khi đến Tiểu đoàn 68 Trung đoàn tên lửa phòng không 275, đơn vị bị không quân Mỹ ném bom, dù đứng cách khí tài chiến đấu khoảng 5-10 mét, song chúng tôi không phát hiện ra, vì các bạn Việt Nam ngụy trang quá tốt. Chỉ huy Tiểu đoàn đến gặp chúng tôi, và chúng tôi đã cùng nhau đi vòng quanh trận địa, trên trận địa có ba bệ phóng tên lửa.

Công việc khôi phục thiết bị của Tiểu đoàn 68 được thực hiện từ 16 đến 24 giờ, và thậm chí muộn hơn. Vì vào thời điểm này, máy bay Mỹ ít ném bom. Chính các đồng chí Việt Nam và các sĩ quan Liên Xô tại Trung đoàn tên lửa phòng không 275 đã mách bảo chúng tôi các biện pháp an ninh trên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2023, 06:23:02 pm »

Sửa chữa các bệ phóng tên lửa SM-63-II được thực hiện theo từng khối. Trong rừng có rất nhiều bệ phóng, mà ở các bệ đó có một hoặc hai thiết bị điện bị hỏng, thì các khối còn lại được sử dụng để thay thế khôi phục thiết bị trong điều kiện dã chiến. Có những hỏng hóc không thể sửa chữa phục hồi được.

Theo lệnh của Đại tá Dyurich, công tác phục hồi khí tài cần được thực hiện một cách khẩn trương. Đại tá không nhìn đồng hồ. ông chỉ nhìn vào đồng hồ khi một chiến sĩ Việt Nam quá mệt mỏi; và ngất xỉu, lúc này thì lệnh “dừng làm việc” mới được vang lên, có nghĩa là kết thúc công việc. Tất nhiên, các chiến sĩ Việt Nam có sức chịu đựng kém hơn các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Các chuyên gia Việt Nam cho thấy các bệ phóng đã ở trong rừng trong một thời gian dài, họ đã mở nắp hộp số của các bộ chuyển động và cho thấy phần trên của các chi tiết hộp số đã bị han gì. Tôi giải thích với họ rằng không được phép đổ dầu vào hộp số hơn 2/3 thể tích, nếu đổ dầu nhiều hơn, thì dưới tác động của tải trọng lớn, động cơ điện sẽ nhanh chóng bị hỏng. Muốn không bị han gỉ, các bạn cần định kỳ quay bệ phóng theo phương vị và góc tà.

Chúng tôi đã hoàn thành việc sửa chữa và điều chỉnh các thiết bị của Tiểu đoàn 68 vào ngày 12 hoặc 15 tháng 4. Ngoài công tác sửa chữa, chúng, tôi còn kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của hai tiểu đoàn hỏa lực thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 275.

Sau khi chúng tôi kiểm tra xong, ngày 10 tháng 4 năm 1970, một tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn tên lửa phòng không 275 đã bắn rơi một máy bay không người lái BQM-34A (hoặc 72A). Đây là chiếc máy bay thứ 3.337 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam (theo thống kê của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam). Để giảm độ phát xạ, toàn bộ thân máy bay không người lái được làm bằng nhựa, ngoại trừ động cơ. Các bạn Việt Nam đã mang đến cho chúng tôi xem một cuộn phim rộng 30 milimét, trên phim đó đã chụp ảnh địa hình khu vực này. Cuốn phim này thường được trang bị trên máy bay. Sau khi đã trở về Liên Xô, tôi đã gửi một mảnh nhựa và mảnh phim từ máy bay không người lái này về Bảo tàng “Shuravi” để trưng bày những chiến lợi phẩm chiến tranh Việt Nam (1965 - 1974).

Sau khi kiểm tra hai tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn tên lửa phòng không 275, chúng tôi đã kiểm tra thêm hai tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn tên lửa phòng không 238.

Bước sang ngày thứ ba khi chúng tôi đang ở Trung đoàn tên lửa phòng không 238, khoảng 10 giờ sáng, đứng cách trận địa hỏa lực vài trăm mét chúng tôi quan sát thấy máy bay địch phóng tên lửa Shrike xuống tiểu đoàn hỏa lực. Đại tá Dyurich, một người lính giàu kinh nghiệm trên trận mạc, đã ra lệnh: “Sao các anh cứ ngây người ra thế, vào hầm trú ẩn ngay!”. Ngay gần chỗ chúng tôi đứng là chiến hào. Tiểu đoàn hỏa lực phòng không không chỉ có thể tránh được tên lửa Shrike mà còn bắt được tín hiệu một mục tiêu khác, một chiếc A-6A bị bắn hạ. Cùng ngày, một tiểu đoàn hỏa lực khác của Trung đoàn cũng bắn hạ một máy bay F-4.

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1970, chúng tôi công tác ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình thuộc Khu 4, chúng tôi đã di chuyển trận địa dọc theo các con đường số 9, 12, 22 và khu vực vĩ tuyến 17, nhiều lần chúng tôi đã đi nhầm sang cả lãnh thổ Lào. Đồng chí phiên dịch nói rằng, ở vùng này đế quốc Mỹ đã rải chất độc hóa học.

Mỹ bắt đầu sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Quảng Bình từ tháng 4 năm 1966. Họ đã rải những loại hóa chất làm rụng lá từ máy bay xuống một khu vực rộng lớn để phá hủy tán lá rừng. Sau khi đã làm trụi cây cối, quân đội Mỹ hy vọng sẽ dễ dàng theo dõi sự di chuyển người và vũ khí của quân và dân miền Bắc Việt Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường miền Nam. Do đó, những “con quạ sắt” đã đầu độc một vùng lãnh thổ rộng lớn bằng chất độc da cam, một loại chất độc bền vững. Không chỉ thảm thực vật và các loài động vật mà cả con người phải chịu tổn thương...

Sau khi trở về từ Việt Nam, năm 1973, chúng tôi được vui mừng đón cậu con trai chào đời. Tuy nhiên con trai tôi lại mắc bệnh phenylketon nhóm I, căn bệnh này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của cháu. Xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh này, có hai ý kiến: di truyền hoặc tác hại của môi trường đối với cha hoặc mẹ của đứa trẻ.

Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai. Câu hỏi đầu tiên của nữ bác sĩ, Tiến sĩ khoa học Merzlyakova, Viện Phụ sản và Trẻ sơ sinh, là liệu tôi có bị nhiễm chất độc trong khi phục vụ! Tôi đã xác nhận sự thật này. Nhưng tại thời điểm đó, tôi không thể nói ra tôi đã bị nhiễm độc ở đâu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2023, 06:24:49 pm »

Có thể đưa ra những dẫn chứng khác về xác suất các chất độc ảnh hưởng lên cơ thể tôi. Năm 1968 (trước khi sang Việt Nam) tôi sinh con gái đầu lòng. Cháu khá khỏe mạnh, cháu tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học. Sau khi từ Việt Nam trở về, tôi được đến y tế kiểm tra sức khỏe. Các bác sĩ đa khoa quân sự nói rằng, chức năng thận của tôi bị suy giảm, và nhiều năm sau, đến năm 2006, tôi cũng cảm nhận được điều đó. Hóa chất chứa dioxins ảnh hưởng đến di truyền, thận và gan là những căn bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam (đây là kết luận của các chuyên gia độc lập tại Trung tâm Nhiệt đới tại Hà Nội).

Tôi không thể chứng minh lẽ phải của mình trong vấn đề này. Quốc gia và các tập đoàn hóa chất không thừa nhận tội lỗi của mình và đền bù cho tất cả các nạn nhân.

Tờ “Đối ngoại quân sự” số 5 tháng 5 năm 1971 đã viết về chiến tranh Việt Nam như sau: “Chiến tranh hóa học đang xảy ra trên quy mô lớn, chỉ trong hai năm qua, không quân Hoa Kỳ đã rải chất độc trên điện tích hơn 18.000 kilômét vuông. Theo đó, có 850 nghìn người đã bị nhiễm độc và hàng trăm người đã chết”.

Trong một triển lãm ở Hà Nội đã giới thiệu với khán giả những đứa trẻ được sinh ra từ những người Việt Nam bị nhiễm chất độc này. Những đứa trẻ đó hiện tại như thế nào? Cha mẹ chúng sống chủ yếu ở khu vực vĩ tuyến 17. Tháng 10 năm 2007, tôi đã đến xem triển lãm nảy.

Những người lính Mỹ vô tình đi vào khu vực bị rải chất độc hóa học, sau khi trở về Mỹ, họ đã sinh ra những đứa trẻ bị thiểu năng về trí tuệ và thể chất.

Tôi đã chi rất nhiều tiền cho việc điều trị cho con trai tôi. Năm 1996, tôi đã cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng và đã được chuyển đến Bộ Quốc phòng, nhưng không có kết quả. Bộ Quốc phòng không từ chối việc tôi đã ở khu vực vĩ tuyến 17 và ở đó đã bị Mỹ rải các chất độc hóa học. Họ thông cảm, nhưng cũng không thể giúp đỡ được gì.

Tổ chức xã hội các cựu chiến binh thành phố Ekaterinburg từng công tác ở Aíghanistan đã giúp tôi một khoản kinh phí. Tôi rất biết ơn họ vì đã giúp đỡ tôi trong thời điểm khó khăn này.

Chuyến đi công tác sang Việt Nam của tôi ít nhiều đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của gia đình tôi. Tất nhiên, Việt Nam không có lỗi trong những rắc rối của tôi, nhưng khi tôi nhớ đến Việt Nam, thì câu chuyện này vô tình lại xuất hiện trong đầu tôi.

Cuộc sống hằng ngày ở Khu 4 cũng như ở Việt Nam, thật thú vị. Chúng tôi rất vui khi được tiếp xúc với người Việt Nam, hài lòng với sự chân thành và lòng tốt của họ. Những người dân Việt Nam ở nông thôn khi gặp chúng tôi bao giờ cũng quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi. Họ hỏi chúng tôi bao nhiêu tuổi, chúng tôi đến từ đâu, chúng tôi có bao nhiêu người con. Họ ngạc nhiên tại sao chúng tôi có ít con (lúc đó trong gia đình họ có ít nhất năm người con).

Nông dân Việt Nam là những người rất yêu lao động. Để canh tác đất trồng lúa, họ buộc phải làm việc trong bùn nước, ngập tới đầu gối và phơi người dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Thu hoạch được lúa hoặc trái cây, muốn bán nông sản đó, họ phải tự mang đi trên một quãng đường dài hoặc vận chuyển bằng đường sông đến nơi bán, có như thế mới có nhiều lợi nhuận.

Cảnh vật của rừng rậm ở Việt Nam rất thú vị: dây leo, bụi cây không thể đi qua được, những cây cọ với thân cây nhỏ trông rất đẹp. Ở Việt Nam, chúng tôi đã thấy những con vật rất lạ đối với chúng tôi - một con rắn khổng lồ (được cho là cá sấu).

Chúng tôi ngủ trong nhà sàn gỗ có màn che muỗi, có đèn dầu hỏa thắp sáng. Đêm đầu tiên, chúng tôi bị đánh thức dậy bởi một tiếng rít kinh khủng. Khi đèn được thắp sáng, chúng tôi thấy trên màn che muỗi của chúng tôi chân những con chuột đang bị mắc kẹt và nó hét lên khủng khiếp. Đồng chí phiên dịch nói, đừng lo lắng, chuột sẽ không tấn công các bạn đâu. Và tương lai, chúng tôi sẽ quen nhau. Chúng tôi đã hỏi người phiên dịch tại sao các bạn không tiêu diệt chuột, anh ta trả lời rằng điều đó bị cấm: trong trường hợp thiếu thực phẩm, chuột được coi là món ăn dự trữ.

Trong những trò giải trí văn hóa, bộ phim “Người nữ tù Kavkaz” là chương trình giải trí thú vị nhất đối với các sĩ quan. Mọi người đều biết rõ bộ phim.

Trong khoảng thời gian chúng tôi công tác ở Khu 4 từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1970, các tiểu đoàn tên lửa phòng không mà chúng tôi kiểm tra, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ. Đại tá Dyurich sau khi trở về Hà Nội đã viết một báo cáo lên cấp trên đề nghị trao tặng Huân chương Sao Đỏ cho tất cả các thành viên của nhóm chúng tôi. Thật không may, đề nghị trên đã bị từ chối.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2023, 06:26:14 pm »

Chuyến đi công tác thứ hai của chúng tôi vào tháng 10 năm 1970. Đoàn gồm có 6 người do Trung tá Shmanenko làm trưởng đoàn. Chuyến đi này không có nhiều chuyện thú vị như chuyến công tác trước đó, ngoài việc đến thăm làng Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng ngày không quân Mỹ vẫn tiếp tục đánh bom, nhưng không có chiếc nào bị bắn rơi trong thời gian chúng tôi công tác. Chúng tôi đã kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của hai tiểu đoàn tên lửa phòng không và quay trở về Hà Nội.

Ngày 19 tháng 12 năm 1970 là thời hạn kết thúc nhiệm kỳ công tác của tôi ở Việt Nam và tôi sẽ về quê hương.

Trong tâm trí tôi luôn luôn nhớ đến các đồng chí lãnh đạo đoàn, như đồng chí Dyurich, đồng chí Shmanenko cùng các sĩ quan trong đoàn, những người bạn chiến đấu trung thành. Thật tiếc, tôi không thể nhớ lại tên của tất cả các bạn Liên Xô của tôi.

Tôi nghĩ rằng, những người Việt Nam bình dị sẽ nhớ mãi đến những người con Xôviết đã giúp đỡ họ như thế nào trong những năm khó khăn. Tôi mong muốn lãnh đạo các thế hệ Việt Nam luôn nhớ rằng Nga sẽ luôn là người bạn với nhân dân Việt Nam, tuy xa về địa lý, nhưng lại gần gũi về tâm hồn.

Tiếc thay, con người chưa thực sự hoàn hảo và không thể đảm bảo cuộc sống yên bình trên trái đất. số mệnh của những người trung thực và lương thiện là đứng về phía các dân tộc và các quốc gia đang đấu tranh vì Tổ quốc, vì công lý. Tôi tự hào rằng vào năm 1970 tôi đã có cơ hội hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một quốc gia đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước chống lại sự xâm lược của một quốc gia hùng mạnh như đế quốc Mỹ.

Các vấn đề nan giải đối với tồn tại xa hơn của cuộc sống con người, về cơ bản, không phải ở thế giới xung quanh, mà ở chính con người, đó là không thể vượt qua được những suy nghĩ và hành động tiêu cực trong chính mình. Chúng ta sẽ đi đến sự tiến bộ lớn nhất của nhân loại, khi mỗi người học được cách chiến đấu với chính mình, chỉ đưa vào cuộc sống những gì được tất cả các dân tộc trên hành tinh của chúng ta chấp nhận.

Khi thực hiện một chính sách xâm lược, bành trướng, đế quốc Mỹ có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu. Không ai trong giới cầm quyền của đất nước này dám chịu trách nhiệm về vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki, về cái chết của hàng triệu người Việt Nam và Lào trong cuộc chiến tranh 1964 - 1975, về việc sử dụng chất độc hóa học và bom napal. Việc sử dụng những phát triển mới nhất trong lĩnh vực vũ khí cho các cuộc chiến toàn cầu có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu người dân vô tội.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2003 - 2007, tôi càng trở nên thân thiết, gần gũi hơn với người dân Việt Nam. Tôi thấy được sự đa dạng của thiên nhiên Việt Nam từ miền Nam đến miền Bắc. Tôi có thể nói nhiều về Việt Nam và là những điều tốt nhất, ở đây, tôi đã gặp những người bạn tốt của đất nước chúng tôi, mọi người luôn chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt và thân thiện. Đó là Tổng thư ký Hiệp hội Hữu nghị Việt - Nga Lê Minh Dân (sau là Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Nga), Phó Tổng thư ký thứ nhất của Hội là ông Trịnh Trang, ông cũng giữ chức Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô.

Chúng tôi đã xây dựng được quan hệ hữu nghị rất tốt với tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga Nguyễn Xuân Tình luôn đón tiếp các phái đoàn từ thành phố Ekaterinburg ở mức cao nhất.

Tháng 9 và tháng 10 năm 2007, trong thời gian ở thăm Việt Nam, tôi đã gặp các cựu chiến binh Việt Nam ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở hai thành phố, chúng tôi đã gặp các nhà lãnh đạo và các nhà hoạt động của diễn đàn Hữu nghị “Nước Nga trong tâm hồn tôi”. Lãnh đạo diễn đàn này là một người phụ nữ tuyệt vời, bà Nguyễn Quỳnh Hương (Thông tấn xã Việt Nam), bà Thu Hương (RIA Novosti) và anh Cường (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong 40 năm qua cao hơn nhiều so với nước Nga. Những ngôi nhà rất đẹp được xây dựng ở khắp các tỉnh thành. Nhiều khách sạn hiện đại và đường cao tốc tuyệt vời đã được xây dựng. Mọi thứ xung quanh đều nói lên những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của người dân Việt Nam.

Cầu chúc bình yên và hạnh phúc đến với các bạn. Việt Nam, đất nước không thể nào quên trong tôi!

Ekaterinburg, tháng 4 năm 2008
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM