Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:31:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Hòa Bình thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng  (Đọc 2723 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:28:08 am »

CHIẾN THẮNG HÒA BÌNH - BÀI HỌC VỀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI, TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG HIỆN NAY


Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Quân ủy Trung ương,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng


Cách đây 70 năm, từ ngày 10 tháng 12 năm 1951 đến ngày 25 tháng 2 năm 1952, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Hòa Bình, giải phóng một vùng rộng lớn khu vực Hòa Bình - Sông Đà, đánh bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do của ta, phá tan ý đồ giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp; giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và Liên khu 4, đồng thời "Ta đã giành nhiều thắng lợi cực kỳ quan trọng về tiêu diệt địch, giải phóng đất, giải phóng dân, đặc biệt là tạo nên thế trận mới chưa từng có của ta ở vùng địch tạm chiếm ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ"1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Hòa Bình (12. 1951 - 2.1952), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 6). Chiến thắng Hòa Bình không chỉ là "Thắng lợi quân sự, mà còn là thắng lợi chính trị có tiếng vang trên thế giới"2 (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập luận văn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 263).


Bảy mươi năm đã trôi qua, nhìn lại chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Hòa Bình, chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay:


Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đáng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng

Trong Chiến dịch Hòa Bình, ta không có thời gian chủ động chuẩn bị trước, mọi công tác đều phải chạy đua với thời gian nhằm tranh thủ đánh địch càng sớm càng tốt, khi địch mới chiếm được địa bàn. Do đó, từ khâu chuẩn bị đến thực hành tác chiến của các đơn vị tham gia chiến dịch đều phải nỗ lực, cố gắng cao nhất, không ngại gian khổ, hy sinh mới có thể giành được thắng lợi. Trong chiến dịch này, bộ đội đã liên tục chiến đấu hơn 78 ngày đêm, thời gian dài nhất của một chiến dịch từ trước tới lúc đó; trong khi địch sử dụng khối lượng lớn binh khí và máy bay, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho ta. "Vì thế trong suốt quá trình chiến dịch, ý chí, quyết tâm chiến đấu của bộ đội ta luôn được củng cố và nâng cao, bảo đảm chiến đấu bền bỉ, dẻo dai, liên tục"1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Hòa Bình (12.1951 - 2.1952) Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 52). Các đơn vị tham gia chiến dịch đều quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22-CT/TƯ, ngày 24 tháng 11 năm 1951 của Ban Chấp hành Trung ương "về nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch", trong đó chỉ rõ đây là cơ hội để ta đánh địch trên Mặt trận Hòa Bình, trên các mặt trận khác và sau lưng địch, "nắm lấy cơ hội tốt ấy để đánh địch và thắng địch là phá tan được âm mưu quân sự mới của địch". Các đơn vị cũng đã được học tập, quán triệt sâu sắc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Trong thư Người khẳng định: "Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là một cơ hội rất tốt cho ta... Bộ đội chủ lực đánh. Bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp với nhau chặt chẽ. Để tiêu diệt sinh lực địch, để đánh tan kế hoạch Thu - Đông của chúng"1 (Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Tập IV, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1963, tr. 71, 55). Bộ đội ta ở các mặt trận đều thấm nhuần chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị: "Đây là cơ hội rất tốt để mình đánh giặc. Phải thấy điều đó để tin tưởng và quyết tâm đánh và thắng"2 (Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Tập IV, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1963, tr. 71, 55).


Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định thắng lợi của chiến dịch. Đồng thời, sự tin tưởng, ý chí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh tiêu diệt địch, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch đã tạo nên sức mạnh to lớn đưa chiến dịch đến thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần vận dụng bài hục này vào quá trình xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Trước hết, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, triệt để cơ chế Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp quốc phòng. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kịp thời chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chẳc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải được quán triệt sâu sắc đến mọi cấp, mọi ngành, lĩnh vực, cả hệ thống chính trị và toàn dân, mà trước hết là mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và hiệu quả; phái huy vai trò của cơ quan tham mưu, phụ trách công tác quân sự, quốc phòng ở cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:28:50 am »

Hai là, chủ trọng công tác nghiên cứu dự báo, sớm nắm bắt và dự kiến tình hình để chủ động trong mọi chủ trương, chiến lược về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng

Để đi đến quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình và đề ra những quyết sách trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo âm mưu hành động của địch và kịp thời định hướng hành động của ta. Trong Hè - Thu 1951, tập trung nghiên cứu kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1951 - 1952, song ta vẫn chưa tìm ra phương hướng phù hợp cho chủ lực hoạt động. Ban đầu, nhận định địch ít có khả năng đánh ra Hòa Bình, ta chủ trương mở cuộc tiến công trước khi địch tiến công ta và hướng mở chiến dịch lớn ở hữu ngạn Liên khu 3. Trong khi ta đang ráo riết chuẩn bị chiến dịch ở Liên khu 3, ngày 14 tháng 11 năm 1951, Bộ Tổng Tham mưu nhận được tin quân Pháp nhảy dù chiếm thị xã Hòa Bình và về cuộc hành quân Hoa Sen (Lotus) của chúng. Việc quân Pháp mang binh lực lớn ra ngoài phòng tuyến boongke, đánh chiếm vùng Hòa Bình - Sông Đà - Đường số 6 đã tạo cho ta "một cơ hội bằng vàng" để đánh địch, như cách nói của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Hòa Bình là chiến trường rừng núi, ta dễ bao vây, chia cắt địch lại tiếp giáp với khu vực tự do Việt Bắc, cơ động lực lượng và bảo đảm hậu cần thuận lợi. Các đại đoàn chủ lực của ta đang bố trí sát gần, dễ tranh thủ được thời gian, nổ súng tiến công địch được sớm. Kéo quân ra Hòa Bình, tự quân Pháp đã phải phân tán lực lượng, công sự chưa vững chắc, địa hình không thuận lợi. Hơn nữa, việc địch tập trung lực lượng vào Mặt trận Hòa Bình sẽ tạo sơ hở để ta đánh địch ở đồng bằng. Mặt khác, đánh địch ở Hòa Bình ta sẽ ngăn chặn, không cho địch cắt đứt hành lang liên lạc và vận chuyển giữa Liên khu Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, tránh được việc chúng gây khó khăn cho ta sau này.


Tại cuộc họp ngày 15 tháng 11 năm 1951, sau khi nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình địch đánh chiếm Hòa Bình, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng ta, Tổng Quân ủy đình chỉ mở chiến dịch ở Liên khu 3, đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cho mở chiến dịch tại Hòa Bình, chuyển thế bị động sang tiến công quân địch mới chiếm đóng. Hòa Bình là hướng chính các nơi khác là mặt trận phối hợp"1 (Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.381). Đề nghị đó được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí và coi đây là cơ hội rất tốt để quân ta tiêu diệt địch.


Quá trình chiến dịch, công tác nghiên cứu, dự báo âm mưu hành động của địch vẫn được Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chú trọng. Lúc chiến dịch đang diễn ra, ta phán đoán địch sẽ phải rút khỏi Hòa Bình vì địch không thể bỏ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nơi đang bị ta đánh mạnh và giải phóng từng khu vực rộng lớn. Đồng thời, cơ quan nghiên cứu của ta còn tính đến đặc điểm của tên chỉ huy chiến trường của địch. Quyết định đưa quân đánh lên Hòa Bình là của tướng Đờ Lát - Tổng Chỉ huy quân Pháp kiêm Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Giữa lúc chiến sự tại Hòa Bình và cả đồng bằng Bắc Bộ đang diễn ra ác liệt thì Đờ Lát bị bệnh, phải trở về Pháp và mất tại đó. Nắm quyền thay Đờ Lát, tướng Raun Xalăng chỉ là quyền Tổng Tư lệnh và không đủ bản lĩnh như Đờ Lát, không dám và cũng không thể cùng một lúc đối phó với cả hai mặt trận chính diện ở Hòa Bình và mặt trận ở vùng sau lưng dịch. Từ nghiên cứu, dự báo chính xác đó, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch giành thắng lợi ngày càng lớn.


Trong công cuộc xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng ngày nay, tình hình thế giới, khu vực những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán. Chiến tranh quy mô lớn ít có khả năng xảy ra, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt. Đặc biệt, một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực hải quân với những thế hệ vũ khí mới. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục phức tạp, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia dân tộc. Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước, trong xây đựng Quân đội nhân dân hiện nay, cần chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược chính xác về quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ nghiên cứu, dự báo chính xác, Quân đội chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện đường lối, chiến lược, chủ động, tích cực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa lâm nguy. Quân đội cần chủ động nghiên cứu, dự kiến các tình huống, biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống về quân sự, quốc phòng cả trên không, trên đất liền, trên biển, đảo và trên không gian mạng, kiên quyết không để bị động bất ngờ, luôn bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội. Về vấn đề này, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng - quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự... Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr. 159). Đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng Quân đội nhân dân, tăng cường quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:29:33 am »

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, trong đó tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại


Trong Chiến dịch Hòa Bình, trên cơ sở lực lượng vũ trang ba thứ quân được xây dựng từ năm 1949, đặc biệt là các đại đoàn chủ lực đã được xây dựng vững mạnh, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã thành công trong chỉ đạo phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng chính trị của quần chúng, giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch phát huy cao độ hiệu quả của từng mặt trận, từng lực lượng cùng hoàn thành mục tiêu chiến dịch.


Về lực lượng, cho đến trước lúc bước vào Chiến dịch Hòa Bình, riêng ở Bắc Bộ, ta đã xây dựng được một lực lượng chủ lực mạnh bao gồm 5 đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 320, 316), Đại đoàn công pháo 351 cùng các trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực của các địa phương. Trong đề nghị Tổng Quân ủy "Phương hướng Chiến dịch mùa Đông 1951 và kế hoạch đề phòng địch tấn công" báo cáo tại hội nghị Bộ Chính trị ngày 19 tháng 10 năm 1951 đã điểm lại tình hình bộ đội ta: "Cả 5 đại đoàn bộ binh và 3 trung đoàn độc lập ở Bắc Bộ đã trang bị xong, đều đã chỉnh huấn một lần, sau kỳ tác chiến vừa qua phần lớn đã bổ sung... biên chế bắt đầu thực hiện... Trung đoàn sơn pháo đang chấn chỉnh, trung đoàn trọng pháo cũng đang huấn luyện... Sau một thời gian huấn luyện thì trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội được đề cao một bước... Trình độ chính trị khá hơn trước... Sức khỏe có tiến bộ... Bộ đội địa phương thì toàn Bắc Bộ có 14 tiểu đoàn tập trung và 180 đại đội tỉnh và huyện"1 (Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Tập IV, Tlđd, tr. 25-26).


Sau đợt hoạt động tác chiến Xuân - Hè 1951, các đại đoàn chủ lực của ta có thời gian tập trung huấn luyện quân sự và học tập chính trị, trong đó chú trọng huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức các lớp chỉnh huấn chính trị cho cán bộ trung sơ cấp của các đại đoàn. Vừa huấn luyện, vừa tiếp nhận trang bị mới (trừ Đại đoàn 325) nên sức mạnh chiến đấu của bộ đội được tăng lên rõ rệt. Trước khi địch tiến công Hòa Bình, các đại đoàn chủ lực cũng như các địa phương đã sẵn sàng để bước vào tác chiến trong Đông - Xuân 1951 - 1952. Cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân, du kích đã phát triển nhanh chóng và tăng cường hoạt động phối hợp ở khắp các chiến trường.


Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình là kết quả của việc chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; trong đó chú trọng khối chủ lực mạnh. Đây thực sự là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu của kháng chiến, có bộ đội chủ lực mới có thể đánh những đòn mạnh làm xoay chuyển tình thế, xoay chuyển cục diện chiến trường, giành thắng lợi. Có chủ lực mạnh mới tùy theo yêu cầu của từng chiến dịch để tổ chức thành công những trận đánh quyết định. Bên cạnh đó, để phối hợp, phát huy hiệu quả của những đòn đánh của bộ đội chủ lực cũng cần chú trọng xây dựng phát triển lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích ở các thôn xã.


Trong giai đoạn hiện nay, cùng những tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, sự biến động của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo thế chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Theo đó, cần coi trọng xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ cân đối, đồng bộ, có chất lượng tổng hợp, trình độ, sức mạnh và khả năng phối hợp tác chiến cao, nhất là giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ. Toàn quân cần tranh thủ thời cơ, tận dụng thời gian, khai thác, phát huy tốt lợi thế của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, khoa học - công nghệ,... nhằm đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa Quân đội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đóng góp tích cực cho nền hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới giai đoạn 2020 - 2025, điều chỉnh tổ chức, biên chế bảo đảm "tinh, gọn, mạnh"; cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian, đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm. Cùng với đó, cần tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, được quản lý, chặt chẽ, sẵn sàng động viên, mở rộng lực lượng khi cần thiết. Củng cố lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng, cơ cấu phù hợp với đặc điểm địa bàn, dân số, chủ trọng lực lượng dân quân tự vệ ở các vùng trọng điểm, dân quân biển; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đảm bảo chất lượng huấn luyện, diễn tập, Quân đội phải thực hiện tốt chức năng "Đội quân chiến đấu", "Đội quân công tác", "Đội quân lao động sản xuất" trong thời bình, sẵn sàng giúp dân trong phòng, chống thiên tai dịch bệnh và những thách thức an ninh phi truyền thống, phát huy phẩm chất và xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:30:23 am »

Bốn là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Trong Chiến dịch Hòa Bình, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã kết hợp được hiệu quả chiến đấu của các lực lượng dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân ở các địa bàn khác nhau, đặc biệt là đã phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng giữa mặt trận chính và mặt trận sau lưng địch. Ở các mặt trận, ta đã phối hợp được sức mạnh chiến đấu của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích... Trong bộ đội chủ lực, ta đã bố trí các lực lượng, vận dụng các cách đánh sáng tạo, phù hợp và đã phát huy tốt sức mạnh của các binh chủng, các lực lượng tiêu diệt quân địch ở các hướng, các mũi, cả quân địch phòng ngự trong công sự lẫn quân địch chi viện trên đường bộ, đường sông,... Với việc đưa 2 đại đoàn chủ lực vào hoạt động ở vùng sau lưng địch, ta đã kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, dân quân du kích và các hoạt động của toàn dân đánh giặc, phá tề trừ gian, bao vây, phá hủy các đồn bốt của địch, mở rộng căn cứ du kích, các khu Căn cứ kháng chiến, mở rộng vùng giải phóng. Tiến công quân sự phối hợp, hỗ trợ đấu tranh chính trị và ngược lại lực lượng chính trị của quần chúng cũng giúp đỡ, tạo điều kiện để lực lượng quân sự phát huy sức mạnh giành thắng lợi. Sự phối hợp giữa các lực lượng, các mặt trận đã "vô hiệu hóa một đòn tiến công chiến lược của địch, đồng thời làm cho chúng rối tung không biết tìm cách đối phó"1 (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 295).


Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta là trong khi đẩy mạnh vận động chiến vẫn phải phát triển chiến tranh du kích rộng khắp. Chiến tranh nhân dân của ta cần có sự phối hợp chặt chẽ với tác chiến của các binh đoàn chủ lực và chiến tranh nhân dân địa phương càng phát triển thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực giành thắng lợi lớn. Thắng lợi của các binh đoàn chủ lực trực tiếp thúc đẩy chiến tranh nhân dân địa phương phát triển lên trình độ cao hơn.


Bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng trong tình hình hiện nay, đó chính là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhằm phát huy cao độ sức mạnh của các lực lượng trong bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng những yêu cầu đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TVV ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Bộ Chính trị khóa X, "về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới" và Nghị định số 21/2019/NĐ/CP ngày 22 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.


Quá trình xây dựng khu vực phòng thủ, cần tập trung xây dựng đồng bộ, toàn diện các tiềm lực trong khu vực phòng thủ (chính trị - tinh thần, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, đối ngoại), trong đó cần chú trọng đặc biệt công tác xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc kết hợp giữa các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo, khu kinh tế, khu Công nghiệp trọng điểm để đảm bảo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên xây dựng công trình phòng thủ trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hậu cần, kỹ thuật, khu vực phòng thủ then chốt, sở chỉ huy các cấp, tạo lập thế bố trí hiểm hóc, vững chắc giữa các khu vực phòng thủ với phòng thủ quân khu và trên từng hướng chiến lược, sẵn sàng cho các tình huống quốc phòng, an ninh.


Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân hiện nay cần gắn với tổ chức, bố trí lực lượng với xây dựng các tiềm lực của đất nước, sẵn sàng triển khai, chuyển hóa các tiềm lực thành thực lực quốc phòng một cách đồng bộ theo ý định, kế hoạch chiến lược trên toàn lãnh thổ, bảo đảm thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Trên các hướng, các địa bàn chiến lược cần bố trí cân đối, hợp lý giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, giữa lực lượng địa phương và bộ đội chủ lực, giữa các quân, binh chủng, lực lượng, ngành; tạo thế trận tổng hợp, vững chắc, phát huy tối đa sức mạnh của các lực lượng, bảo đảm khả năng tác chiến trên mọi môi trường, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


Bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử rút ra từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức, điều hành Chiến dịch Hòa Bình vẫn có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, góp phần vào công cuộc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:37:47 am »

CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH – BƯỚC TRƯỞNG THÀNH VƯỢT BẬC CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM


Thượng tướng VÕ MINH LƯƠNG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Quân ủy Trung ương,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng


Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10 tháng 12 năm 1951 đến ngày 25 tháng 2 năm 1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lơn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du, Liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình tiếp tục giữ vững và phát huy thế tiến công chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

1. Thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình khẳng định sự phát triển vượt bậc về tổ chức xây dựng lực lượng chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngay từ khi mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tổ chức xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định là công việc trọng tâm để tiến hành cuộc kháng chiến. Từ yêu cầu thực tiễn tác chiến vận động chiến, nên phải có những đơn vị chủ lực lớn để thực hiện nhiệm vụ đánh tiêu diệt. Do vậy, từ các đại đội, tiểu đoàn độc lập, ta tập trung cán bộ, vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc để xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực ở quy mô thích hợp. Đến Chiến dịch Hòa Bình, ta đã thảnh lập được các đại đoàn, như: Đại đoàn 308 (28.8.1949), Đại đoàn 304 (10.3.1950), Đại đoàn 312 (27.12.1950), Đại đoàn 320 (16.01.1951), Đại đoàn công pháo 351 (27.3.1951) và Đại đoàn 316 (01.5.1951)1 (Xem Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 10, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 229). Trang bị của các đại đoàn tương đối thống nhất, đại đội có tiểu đội súng cối 60mm và tiểu đội đại liên; tiểu đoàn có đại đội trợ chiến trang bị súng cối 82mm, pháo ĐKZ 57mm; trung đoàn có đại đội súng cối 82mm, pháo ĐKZ 57mm, đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Trực thuộc Bộ Tư lệnh, có đại đoàn công pháo và trung đoàn sơn pháo. Ở các khu, liên khu hầu hết đều có trung đoàn chủ lực cơ động và các tiểu đoàn hỏa lực. Trên cơ sở tổ chức xây dựng và phát triển lực lượng chủ lực, ta đã thành công trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc,... Đây là cơ sở để Bộ Tổng Tư lệnh đủ điều kiện sử dụng quy mô lực lượng lớn cho Chiến dịch Hòa Bình (5 đại đoàn bộ binh và Đại đoàn công pháo 351). Trong đó, sử dụng 4 đại đoàn (308, 312, 304 và 351) đánh địch trên hướng chính diện ở Hòa Bình, Sông Đà, Đường số 6 (mặt trận phía trước), đồng thời, sử dụng 2 đại đoàn (320 và 316) tiến công địch trên hướng phối hợp ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ (mặt trận vùng sau lưng địch). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh được cử làm Tư lệnh Chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng Chiến dịch.


Bên cạnh việc tổ chức xây dựng lực lượng chủ lực, Trung ương còn ban hành các chỉ thị, quy định về tổ chức, chức năng quyền hạn của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu1 (Gồm các cục: Tác chiến, Quân báo, Quân huấn, Dân quân, Quân lực, Thông tin liên lạc, Công binh, Pháo binh), Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp2 (Gồm: Quân lương, Quân y, Quân dược, Vận tải, Quân giới, Quân trang, Quân khí), các liên khu, các khu tiếp tục được củng cố, tăng cường... Điều đó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến và sự chỉ huy thống nhất trong hệ thống tổ chức Quân đội, làm cho lực lượng vũ trang không ngừng phát triển lớn mạnh, tổ chức lực lượng ngày càng chặt chẽ, nhất là lực lượng chủ lực (tính đến cuối năm 1951, lực lượng chủ lực đã tăng lên 253.270 người)3 (Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, Tập 3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 465). Thành quả đó, đã cho phép Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng lực lượng chủ lực lớn để thực hiện nhiệm vụ đánh tiêu diệt, bảo đảm chắc chắn cho chiến dịch giành thắng lợi. Tính đến thời điểm Chiến dịch Hòa Bình diễn ra thì đây là chiến dịch có quy mô lực lượng lớn nhất, hơn hẳn so với tất cả các chiến dịch trước đó4 (Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự - Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 159, 201, 177, 180, 192: Chiến dịch Biên Giới sử dụng Đại đoàn 308, 2 trung đoàn bộ binh (174, 209), 4 đại đội sơn pháo, 5 đại dội công binh, 3 tiểu đoàn của Liên khu Việt Bắc (426, 428 và 888) cùng dân quân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn; Chiến dịch Trần Hưng Đạo sử dụng 2 đại đoàn (308, 312), Trung đoàn 675, 4 tiểu đoàn địa phương và dân quân du kích; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám sử dụng 2 đại đoàn (308, 312), 2 trung đoàn (98, 174), 4 liên đội sơn pháo 75mm, Trung đoàn 675, 2 tiểu đoàn công binh và lực lượng vũ trang địa phương, hướng phối hợp có các đại đoàn 304, 320; Chiến dịch Lý Thường Kiệt sử dụng Đại đoàn 312, 1 liên đội sơn pháo, 2 đại đội công binh cùng lực lượng vũ trang địa phương; Chiến dịch Hà Nam Ninh sử dụng 3 đại đoàn (308, 304 và 320), 5 đại đội sơn pháo, 1 trung đoàn công binh và lực lượng vũ trang địa phương). Nhờ đó, trong gần 80 ngày chiến đấu, ta đã phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch, giải phóng khu vực Hòa Bình, Sông Đà với diện tích khoảng 2.000km2, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm phá sản kế hoạch chiến lược của tướng Đờ Lát đờ Tatxinhi1 (Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự - Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, 2005, Sđd, tr.902: P. Jean Marie Gabriel de Lattre de Tassigny, (1889 - 1952): Cao ủy kiêm Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương (1950 - 1952), Thống chế Pháp (truy phong 1952)), giữ vững quyền chủ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ. Ở mặt trận sau lưng địch, quân và dân ta cũng giành thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 15.000 tên địch, mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng Bắc Bộ.


Phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường trung du và đồng bằng Bắc Bộ, bộ đội chủ lực ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tác chiến nhằm thúc đẩy và hỗ trợ chiến tranh du kích phát triển, tiếp tục củng cố vững chắc quyền chủ động chiến lược, thực hiện tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế bị động chiến lược trong Thu - Đông 1952.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:39:31 am »

2. Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới

Để đáp úng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm cho kháng chiến giành thắng lợi, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2.1951) đã xác định: "Đảng và Chính phủ ta phải xây dựng một Quân đội nhân dân mạnh mẽ, chân chính với ba đặc điểm: Dân tộc, nhân dân và dân chủ; phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích"2 (Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hả Nội, 2004, tr. 108). Điều đó tiếp tục khẳng định đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; coi trọng giáo dục bản chất cách mạng đi đôi với việc chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức lực lượng, tăng cường kỷ luật, đẩy mạnh huấn luyện chính trị, kỹ thuật và chiến thuật.


Về củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: "Nắm vững sự lãnh đạo tư tưởng trong toàn quân, lãnh đạo việc học tập tư tưởng mới, học tập chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ, sửa chữa những sai lầm đã bộc lộ trong cuộc chỉnh huấn vừa qua"1 (Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 (27.9 - 5.10.1951) về nhiệm vụ quân sự trước mắt, in trong: Những lài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (từ năm 1945 đến năm 1954), Tập 3, Sdd, tr. 106),... Thông qua đó, vị trí, vai trò của hệ thống tổ chức đang ngày càng được tăng cường và củng cố, bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành Quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch, được xây dựng, phát triển toàn diện về mọi mặt, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.


Về chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tác chiến, Hội nghị Trung ương Đảng (3.1951) chỉ rõ: "Ở Bắc Bộ, bộ đội chủ lực phải đề cao vận động chiến tiến tới và phát triển du kích chiến đến cao độ,... Riêng Khu 3 phải đặc biệt phát triển du kích đến cao độ. Tại Trung Bộ và Nam Bộ, phát triển mạnh mẽ du kích chiến tranh, đẩy mạnh vận động chiến, tiến tới củng cố và mở rộng các căn cứ, vùng giải phóng đánh mạnh vào các đường giao thông huyết mạch của địch, tích cực xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường để chuyển sang tổng phản công"2 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến thuật Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 280). Tập trung sản xuất vũ khí trợ chiến công đồn và hỏa khí cầu vồng, đẩy mạnh sản xuất các trái FT1, FT2 (bộc phá khối) để tiến công đồn, bốt. Ưu tiên vũ khí, trang bị và phương tiện thông tin liên lạc cho bộ đội chủ lực thực hiện nhiệm vụ đánh tiêu diệt lớn quân chủ lực địch; nhiệm vụ chống càn, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích là chủ yếu. Cũng trong thời gian này, Trung ương ban hành các chỉ thị về xây dựng lực lượng, chỉ đạo kiện toàn các cơ quan theo hướng gọn nhẹ, tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu. Giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao ý chí chiến đấu, đi đôi với tích cực rèn luyện nắm vững kỹ thuật, chiến thuật mới bảo đảm cho tác chiến giành thắng lợi. Thông qua hệ thống các nhà trường của Quân đội, tiến hành bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ huy và cán bộ chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm chiến đấu.


Sau một số chiến dịch tiến công chưa thành công đầu năm 19511 (Các chiến dịch: Trần Hưng Đạo (Trung Du), Hoàng Hoa Thám (Đường 18), Quang Trung (Hà Nam Ninh), Lý Thường Kiệt (Nghĩa Lộ)), các đơn vị kịp thời rút kinh nghiệm và bước vào 5 tháng chỉnh huấn, chỉnh quân. Trong đó, coi việc chỉnh huấn chính trị là trọng tâm của chỉnh quân2 (Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 (27.9 - 5.10.1951) về nhiệm vụ quân sự trước mắt, in trong: Những lài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (từ năm 1945 đến năm 1954), Tập 3, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1963, tr.104, 105: "Tích cực nâng cao chất lượng của bộ đội chủ lực tức là thực hiện biên chế, tiến hành chỉnh huấn (chú trọng về chính trị), thực hiện từng bước tiêu chuẩn cung cấp, thi hành chế độ cấp ủy,... Bộ đội địa phương thấm nhuần phương châm hoạt động của chiến tranh du kích, đồng thời nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật, thực hiện biên chế và cải tiến cung cấp"). Việc chỉnh huấn bộ đội, lấy chỉnh huấn chính trị làm gốc và khởi đầu từ cán bộ, dần dần đến toàn đội viên. Trước khi bước vào chiến dịch, các đại đoàn (308, 312, 316, 320, 304) và Đại đoàn công pháo 351 đã hoàn thành 5 tháng chỉnh huấn, chỉnh quân, bổ sung quân số, ổn định tổ chức biên chế, trang bị gọn nhẹ. Nhờ đó, sức khỏe bộ đội đã tăng thêm, tinh thần chiến đấu được nâng cao, trình độ kỹ thuật, chiến thuật đã được nâng cao một bước. Tiếp tục củng cố, rút kinh nghiệm và tổ chức học tập về chiến thuật công kiên (tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc), kỹ thuật sử dụng súng trường, súng tiểu liên, lựu đạn và hiệp đồng binh chủng khi tiến công cứ điểm lớn hoặc cụm cứ điểm của địch3 (Riêng Đại đoàn 312 chưa tham gia chỉnh huấn, chỉnh quân vì đang tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Nghĩa Lộ), đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, đưa tác chiến chính quy bằng các đại đoàn chủ lực tiến lên trở thành địa vị chủ yếu, kết hợp chặt chẽ với chiến tranh nhân dân địa phương bằng lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:41:01 am »

3. Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi của Quân đội nhân dân Việt Nam

Trước Chiến dịch Hòa Bình, ta chủ yếu tác chiến du kích tiến lên chính quy ở quy mô nhỏ, mục tiêu tiến công chủ yếu là cứ điểm hoặc cụm cứ điểm của địch. Nhưng nay, "địch ra sức tập trung binh lực củng cố phòng tuyến trung châu Bắc Bộ, chúng đã tăng viện một phần từ Pháp sang, đã được Mỹ giúp đỡ một phần nào về vũ khí và phương tiện, nhất là chúng đã khuếch trương quân ngụy nhanh chóng... kiểm soát và lợi dụng nhân lực, vật lực của ta trong vùng tạm chiếm và vùng du kích"1 (Xem: Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (từ năm 1945 đến năm 1954), Tập 3, 1963, Sđd, tr 102). Địch đã thay đổi thủ đoạn từ phòng ngự cứ điểm theo kiểu "đồn binh" chuyển sang phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm, có lực lượng quân ứng chiến cơ động cao, dưới sự chi viện đắc lực của hỏa lực không quân, pháo binh, về ta, lực lượng của ta đã phát triển vượt bậc, tương quan so sánh lực lượng chủ lực không quá chênh lệch. Thực tiễn đó, đòi hỏi và đặt ra những yêu cầu khách quan trong chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật tác chiến chiến dịch.


Trước khi Chiến dịch Hoà Bình diễn ra, Tổng Quân ủy quyết định phân tán lực lượng chủ lực trên nhiều chiến trường, thực hiện luân phiên tác chiến ở các khu vực, thời điểm, thời gian khác nhau; sử dụng một số trung đoàn hoạt động vùng sau lưng địch ở trung du, hữu ngạn sông Hồng. Riêng Mặt trận Hữu Ngạn do Bộ trực tiếp chỉ huy. Trong khi ta đang chuẩn bị chiến trường ở hữu ngạn thì địch đánh ra Hòa Bình. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã nhanh chóng chỉ đạo công tác trinh sát nắm địch1 (Bộ Tổng Tư lệnh thành lập 2 đoàn cán bộ đi trinh sát chiến trường trên hai hướng chính Hòa Bình và hướng phối hợp vùng địch hậu. Đến tháng 12 năm 1951, đoàn cán bộ Đại đoàn 308 tiếp tục nắm địch ở tả ngạn sông Đà thay cho đoàn cán bộ Đại đoàn 312 và đoàn cán bộ Đại đoàn 312 chuyển sang nắm địch ở hữu ngạn sông Đà, cán bộ Đại đoàn 304 nắm địch trên Đường số 6) và tiến hành khẩn trương công tác chuẩn bị và bảo đảm chiến dịch. Trong khị các đơn vị tiến hành công tác chuẩn bị, ta vẫn chủ trương vừa làm công tác chuẩn bị vừa tác chiến. Sử dụng Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 đánh địch ở La Phù, Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 đánh địch ở Thu Cúc, Lai Đồng (ngày 25 và 26.11.1951), Trung đoàn 48 Đại đoàn 320 đánh địch ở Đồi Sim (25.11.1951). Hội đồng Cung cấp chỉ đạo Ban Cung cấp tiền phương chuẩn bị mọi mặt để chi viện cho chiến trường, nhất là lương thực, thực phẩm ở các địa phương trên địa bàn chiến dịch. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo nhanh chóng chuyển từ hình thức phản công sang tiến công địch phòng ngự cho phù hợp với trạng thái hiện tại của địch, thực hiện chủ trương thực chiến bằng các trận đánh tao ngộ với địch. Tranh thủ thời gian địch vừa mới chiếm đóng, công sự của chứng còn sơ sài để tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của chúng. Đồng thời, khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị chiến dịch để thực hành đánh tiêu diệt lớn.


Để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh đã kịp thời chỉ đạo sâu sát công tác trinh sát nắm địch, nắm chắc sự thay đổi trạng thái và hình thái bố trí của địch sau khi chuyển vào phòng ngự chiến dịch2 (Từ kết quả trinh sát chiến trường cho thấy: Sau 25 ngày đánh chiếm ra Hòa Bình toàn bô đội hình của địch đã chuyển sang phòng ngự chiến dịch, chúng đã gấp rút củng cố công sự, trận địa tương đối kiên cố, tổ chức phòng ngự thành hai phân khu Chính Phân khu Hòa Bình và Phân khu Sông Đà) với 28 cứ điểm lớn, nhỏ; lực lượng đông và tương đối mạnh, phần lớn là các lực lượng thuộc binh đoàn cơ động có sự chi viện trực tiếp của không quân, pháo binh và xe tăng địch. Sau khi chúng tương đối ổn định công sự trận địa, chúng tung lực lượng thám báo ra sục sạo xung quanh các cứ điểm và tổ chức các cuộc tiến công thăm dò các lực lượng của ta). Sự chỉ đạo kịp thời về chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để các đơn vị kịp thời vừa tiến hành công tác chuẩn bị, vừa tổ chức đánh địch theo phương pháp tác chiến mới. Bộ Tổng Tư lệnh tập trung ưu thế lực lượng và phương tiện nhằm đột phá phòng tuyến Sông Đà, đánh bại hoàn toàn ý đồ đánh chiếm Hòa Bình của địch. Để phối hợp với mặt trận chính diện phía trước ở Hòa Bình, ta sử dụng một phần bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích tiến công địch trên mặt trận phía sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, liên tục tiến công tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc địch phải rút khỏi Hòa Bình về cứu vãn cho trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng, sự cứu vãn muộn màng của quân Pháp đã không xoay chuyển được tình thế chiến lược và buộc phải chịu thảm bại trong tác chiến Đông - Xuân 1951 - 1952.


Trong Chiến dịch Hòa Bình, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã lựa chọn phương pháp tác chiến chính xác, khéo lựa chọn mục tiêu tiến công, tập trung ưu thế lực lượng, phương tiện tiến công địch. Từ việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương châm "đánh điểm, diệt viện" trong Chiến dịch Biên Giới và rút kinh nghiệm kịp thời từ các chiến dịch đầu năm 1951, trong Chiến dịch Hòa Bình, ta không tiến công toàn bộ hệ thống phòng ngự trên cả hai phân liên khu Của địch, mà tập trung lực lượng, phương tiện đột phá trên tuyến Sông Đà, lựa chọn một vài cứ điểm hoặc cụm cứ điểm quan trọng của hệ thống phòng ngự trong hai phân liên khu Của địch để thực hiện "đánh điểm", như: Trận công kiên tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở cứ điểm Tu Vũ của Trung đoàn 88 Đại đoàn 308, trận tập kích các cao điểm 400, 600 của Trung đoàn 141 Đại đoàn 312, trận tiến công trận địa pháo địch trong thị xã Hòa Bình của Đại đoàn 308 và Trung đoàn 66 Đại đoàn 304. Khi đã hoàn thành mục tiêu "đánh điểm", ta nhanh chóng chuyển sang thực hiện mục tiêu "diệt viện" bằng các trận đánh địch chi viện đường sông trên phòng tuyến Sông Đà của Tiểu đoàn 84 Trung đoàn 36, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 141, tiến công địch chi viện đường bộ ở Gốp Bộp của Trung đoàn 209 Đại đoàn 312... Sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt và kịp thời của Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Hòa Bình đã góp phần thúc đẩy nghệ thuật chiến dịch phát triển nhảy vọt lên một bước mới. Trong đó, nghệ thuật "đánh điểm, diệt viện" có nhiều nét phát triển mới, sáng tạo và tiến bộ hơn trước, mang lại hiệu suất chiến đấu cao. Thành công của chiến dịch đã khẳng định khà năng ưu việt trong tác chiến của bộ đội ta ở địa hình rừng núi.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:41:50 am »

4. Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa mặt trận chính diện phía trước với mặt trận phía sau lưng địch

Sau liên tiếp một số thành công trong tác chiến đầu năm 1951, cùng với những nỗ lực bình định của địch ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, địch cho rằng chúng đã ổn định được vùng hậu phương và đã rảnh tay để có thể sẵn sàng chuyển sang thế chủ động phản công, tiến công các lực lượng của ta ở vùng thượng du hòng giành lại thế chủ động chiến lược. Song, với tầm nhìn chiến lược xa, rộng, nắm chắc và làm chủ tình hình, Trung ương Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng đánh địch trên cả hai mặt trận, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với các hoạt động tác chiến của ta. Cùng với sử dụng 4 đại đoàn (308, 312, 304 và 351) tiến công địch trên mặt trận chính diện ở Hòa Bình, thành lập Ban Chỉ đạo mặt trận sau lưng địch nhằm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tác chiến phối hợp với mặt trận chính diện và đưa 2 đại đoàn chủ lực (320 và 316) về vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ cùng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích đẩy mạnh hoạt động tác chiến phối hợp. Tổ chức phát động nhân dân nổi dậy diệt tề, trừ gian, mở rộng các khu du kích, căn cứ du kích, tạo ra thế mới, lực mới trong vùng sau lưng địch để phối hợp với chiến trường chính Hòa Bình. Thế đánh địch ở mặt trận chính diện phía trước kết hợp chặt chẽ với thế đánh địch ở mặt trận phía sau lưng địch đã tạo ra thế trận chiến lược xen kẽ, cài răng lược với địch, làm cho địch bị động đối phó, vừa phải lo đối phó với ta ở mặt trận chính diện Hòa Bình, vừa phải lo phòng giữ vùng hậu phương, mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng để giành thắng lợi ở vùng thượng du với phân tán lực lượng giữ vững ở vùng hậu phương đã làm cho quân Pháp mất dần thế chủ động chiến lược.


Thắng lợi quan trọng của mặt trận chính diện phía trước của ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch phát triển và thu được thắng lợi to lớn ở mặt trận sau lưng địch. Khi mặt trận chính diện tiêu diệt hơn 6.000 tên địch thì ở mặt trận sau lưng địch đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 15.000 tên địch. Sự phối hợp sử dụng lực lượng tiến công địch ở cả hai mặt trận chính diện phía trước và phía sau lưng địch đã đưa Chiến dịch Hòa Bình lên một tầm cao mới, trở thành một cuộc tiến công chiến lược ở quy mô rộng lớn, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Hòa Bình đã được cụ thể hóa bằng những thắng lợi to lớn trên cả hai mặt trận của chiến dịch. Tiến công địch trên cả hai mặt trận là nét mới, đặc sắc và sáng tạo về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, khẳng định bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật quân sự Việt Nam.


5. Chiến dịch Hòa Bình khảng định khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Quân đội đáp ứng yêu cầu tác chiến quy mô lớn, đánh địch dài ngày

Trước Chiến dịch Hòa Bình, ta thường tác chiến trong thời gian ngắn, phạm vi không gian hẹp với quy mô lực lượng nhỏ.

Đến Chiến dịch Hòa Bình, cấp chiến lược đặt ra yêu cầu "liên tục chiến đấu" và cố gắng nổ súng càng sớm càng tốt để tận dụng tình trạng còn sơ hở của địch, hạn chế khả năng củng cố và mở rộng chiếm đóng của địch. Để bảo đảm đầy đủ, kịp thời các nhu cầu về hậu cần, kỹ thuật, Tổng Quân ủy chỉ đạo Hội đồng Cung cấp thành lập Ban Cung cấp Tiền phương, gồm 2 ban trên cả 2 hành lang: Một ban cho khu vực Sông Đà và thị xã Hòa Bình, một ban cho Nam thị xã Hòa Bình và Đường số 6; mặt trận sau lưng địch thành lập Ban Cung cấp riêng. Chỉ đạo yêu cầu không sử dụng toàn bộ lực lượng cùng một lúc, mà các đơn vị luân phiên chiến đấu và nghỉ ngơi, thực hiện chấn chỉnh, học tập rút kinh nghiệm khi nghỉ xen kẽ giữa các đợt của chiến dịch để giảm áp lực cho bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Tăng cường chỉ đạo chăm sóc thương, bệnh binh nhằm nhanh chóng phục hồi và duy trì sức chiến đấu lâu dài của bộ đội, liên tục tuyển mộ tân binh, tổ chức huấn luyện trước khi bước vào các đợt tiếp theo của chiến dịch. Đồng thời, Tổng Quân ủy kịp thời động viên chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, đấu tranh khắc phục tư tưởng chủ quan tự mãn, muốn nghỉ ngơi hoặc sợ hy sinh, thương vong, ngại khó khăn gian khổ.


Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cũng được chú trọng ngay từ đầu chiến dịch, nhất là về vũ khí trang bị, đạn dược, thuốc quân y, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm bảo đảm sinh hoạt. Phương thức bảo đảm kết hợp nguồn của trên và nguồn huy động tại chỗ. Chỉ đạo thành lập các tuyến vận chuyển1 (Tuyến ôtô Phú Thọ - Đồn Vàng - Hòa Bình - Nho Quan - Rịa - Kim Tân... sửa chữa 60km đường, làm 44 cầu cho ôtô, làm mới 143km đường, bắc 450 cầu phao... Tuyến thuyền Sông Hồng bảo đảm 1.000 chiếc thuyền lớn, nhỏ tham gia vận tải cung cấp), quá trình vận chuyển kết hợp cả vận chuyển đường sông bằng thuyền và vận chuyển đường bộ bằng ôtô, xe cơ giới và phương tiện thô sơ.


Chỉ đạo bảo đảm quân y, cứu chữa thương binh theo phương pháp ba bậc1 (Việc bảo đảm quân y trong chiến dịch được tổ chức phân cấp cứu chữa theo ba bậc thang: Bậc 1, ở đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn làm công tác cấp cứu, chọn lọc chuyển về quân y đại đoàn; bậc 2, quân y đại đoàn làm phẫu thuật xử lý vết thương và chuyển về phân viện hậu phương; bậc 3, các phân viện hậu phương điều trị thương binh cho đến khi lành bệnh), bảo đảm điều trị thương bệnh binh đến khi lành bệnh, đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục tham gia chiến đấu. Tổng Quân ủy cũng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia chiến dịch quan hệ chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tác chiến để huy động nhân, vật lực,... bảo đảm cho chiến dịch tác chiến giành thắng lợi. Nhờ sự chỉ đạo chiến lược nhanh chóng, kịp thời của Trung ưong Đảng và Tổng Quân ủy, cùng với sự tích cực chủ động của Hội đồng Cung cấp và các ban Cung cấp Tiền phương, nên công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đã đáp ứng tốt yêu cầu tác chiến chiến dịch. Thực tiễn bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong Chiến dịch Hòa Bình đã chứng minh khả năng phát triển vượt bậc của ngành Hậu cần, Kỹ thuật Quân đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến quy mô lực lượng lớn với phạm vi không gian rộng, bảo đảm đánh địch dài ngày trong điều kiện chiến đấu ác liệt.


Sau gần 80 ngày chiến đấu ác liệt với phạm vi không gian rộng lớn trên cả hai mặt trận, chiến dịch đã giành được thắng lợi to lớn. Phát huy giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm về những bước phát triển trưởng thành vượt bậc của Quân đội trong Chiến dịch Hòa Bình, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư lường, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về quân sự quốc phòng, nghệ thuật quân sự, khoa học công nghệ và xã hội nhân văn quân sự. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ nhằm xây dựng Quân đội trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Để bảo đảm cho quân đội luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện đại, đòi hỏi chúng ta phải hiện đại hóa quân đội, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh và cơ động. Trước mắt, toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới (giai đoạn 2020 - 2025), điều chỉnh tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh; cơ cấu đồng bộ, hợp lý; có giải pháp đột phá thu hút nhân lực chất lượng cao vào Quân đội... Tập trung hoàn thành các mục tiêu, chi tiêu theo Kết luận số 16-KL/TW, ngày 7 tháng 7 năm 2017 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1 tháng 8 năm 2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18 tháng 1 năm 2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20 tháng 12 năm 2012. Tăng cường huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến; coi trọng huấn luyện thực hành sát thực tế chiến đấu, huấn luyện thể lực gắn với rèn luyện sức cơ động, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, diễn tập chống khủng bố và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống... Coi trọng phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu vũ khí, trang thiết bị cho các lực lượng góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh rộng khắp, có số lượng phù hợp, chất lượng tổng hợp ngày càng cao. Phát huy thắng lợi đã đạt được trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "từ sớm", "từ xa", hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:42:54 am »

PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG HÒA BÌNH, XÂY DỰNG TỈNH NHÀ NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH


Đồng chí NGÔ VĂN TUẤN
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình


Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là hướng phòng thủ quan trọng của Quân khu 3 và Thủ đô Hà Nội. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, đến nay, tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện; 151 đơn vị hành chính cấp xã, dân số trên 86 vạn người với 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64%, dân tộc Kinh chiếm trên 27,73%, còn lại là các dân tộc khác. Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tự hào có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình trọng điểm của quốc gia, là quê hương có nền "Văn hóa Hòa Bình", là miền đất của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước", của những lễ hội giàu bản sắc văn hóa. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, truyền thống đó tiếp tục được bồi đắp, hội tụ và lan tỏa tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn, là động lực để nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.


Cách đây 70 năm, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương và Tổng Quân ủy đã quyết định mở chiến dịch Hòa Bình, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của thực dân Pháp, phá vỡ phòng tuyến sông Đà và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Chiến dịch Hòa Bình bắt đầu vào ngày 10 tháng 12 năm 1951 và kết thúc ngày 25 tháng 2 năm 1952. Sau hơn hai tháng chiến đấu, ở mặt trận Hòa Bình, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá hủy 12 pháo và hơn 200 xe quân sự, thu 24 pháo và gần 800 súng các loại...; giải phóng 5.000km2 đất đai khu vực Hòa Bình - sông Đà với gần 2 triệu dân1 (Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 167); giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và Liên khu 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp.


Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra chiến dịch, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về "Nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hòa Bình của địch", của Liên khu 3 và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hai lần gửi thư động viên toàn quân, toàn dân ở Mặt trận Hòa Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định nhiều chủ trương, biện pháp để đảm bảo công tác phối hợp với Ban Chỉ huy Mặt trận, phục vụ tốt nhất cho chiến dịch, trọng tâm là: Tăng cường lực lượng dân công, vận chuyển gấp lương thực phục vụ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; đẩy mạnh địch vận, vận động toàn dân đóng góp sức người, sức của và tham gia phục vụ chiến dịch; đẩy mạnh chiến tranh du kích, thi đua giết giặc lập công; phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, giúp đỡ bộ đội chủ lực đánh địch trên các hướng, các địa bàn trong tỉnh... Tỉnh ủy đã phân công 2 đồng chí tỉnh ủy viên chịu trách nhiệm chỉ đạo các mặt hoạt động cụ thể phục vụ chiến dịch. Việc huy động nhân lực được giao cho Ban Dân công tỉnh chịu trách nhiệm. Tỉnh Đoàn thanh niên Cứu quốc đảm đương việc huy động lực lượng thanh niên nam, nữ phục vụ công tác quân y.


Tỉnh ủy Hòa Bình đã phát động đợt thi đua "Quân, dân thi đua giết giặc, đẩy mạnh chiến thắng Thu - Đông" trong thời gian diễn ra chiến dịch. Bộ đội địa phương, dân quân du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến hành nhiều trận đánh lớn, nhỏ trên các mặt trận, chặn đứng các hướng tấn công của địch, bắt và tiêu diệt hàng trăm tên, thu giữ, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu như súng ống, đạn dược, bắn chìm 1 tàu và 6 canô, phá hủy 4 khẩu pháo 105mm, bắn hạ 3 máy bay và phá hủy 4 chiếc tại sân bay Thịnh Lang... Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã huy động sức người, sức của cho chiến dịch với 291 thanh niên lên đường tham gia chiến đấu, hơn 200.000 ngày công phục vụ công tác vận chuyển bộ đội, lương thực, thực phẩm; ủng hộ 523 con trâu, bò, lợn, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn cây tre, bương để làm lán trại, hàng trăm bè màng vượt sông, suối... Vừa hết lòng phục vụ chiến đấu, nhân dân vừa tích cực tăng gia sản xuất, hoàn thành thu hoạch vụ mùa, sản xuất.


Chiến thắng Hòa Bình là thắng lợi quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường nghiêng về có lợi cho ta, giúp ta có nhiều bài học kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường trung du, miền núi. Chiến dịch Hòa Bình là chiến dịch đầu tiên Quân đội ta tiến công vào quân địch trong thế phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm. Trong Chiến dịch Hòa Bình, ta đã có chủ trương đúng và vận dụng tốt 2 phương châm tác chiến chiến dịch: "Đánh điểm, diệt viện" và "liên tục chiến đấu". Qua đó, đã thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn, tài tình về nghệ thuật quân sự của Đảng ta trong việc chỉ đạo tiến công chiến dịch và đưa lực lượng vũ trang của Quân đội ta có bước tiến mới về trình độ kỹ, chiến thuật, về sức mạnh của chiến tranh nhân dân: Chọn chiến trường thích hợp để tiêu diệt địch, đánh vào chỗ sơ hở, nơi hiểm yếu của địch, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các địa bàn, các chiến trường; phối hợp nhuần nhuyễn ba thứ quân, giữa quân và dân,... đồng loạt tiến công liên tục; duy trì được khả năng chiến đấu trong chiến dịch dài ngày trên một chiến trường rộng lớn, phức tạp đã chứng tỏ khả năng phối hợp nhịp nhàng, lối đánh muôn màu, muôn vẻ của bộ đội chủ lưc bộ đội địa phương và dân quân du kích, làm thất bại đòn tiến công chiến lược của địch. Đồng thời, tạo ra cơ hội cho các chiến trường khác đẩy mạnh chiến tranh du kích, liên tục tiến công, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển lực lượng kháng chiến mở rộng thêm nhiều vùng căn cứ làm cho cục diện chiến trường thay đổi ngày càng có lợi cho Quân đội ta, tạo đà tiến lên mạnh mẽ hơn. Đây là bước phát triển mới rất quan trọng về nghệ thuật chiến dịch của ta.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2023, 08:43:27 am »

Ngày 25 tháng 2 năm 1952, nhân dịp giải phóng tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Bộ Chỉ huy Chiến dịch và các chiến sĩ Mặt trận Hòa Bình, dân công phục vụ và đồng bào địa phương. Trong thư Bác viết: "So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công, nhưng bộ đội phải luôn luôn cố gắng thi đua giết giặc lập công và ra sức học tập chỉnh huấn, đồng bào phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất hơn nữa để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7 (1951 - 1952), xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 331-332).


Cùng với chiến thắng của Chiến dịch Hòa Bình, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Hòa Bình trở thành một trong những hậu cứ vững mạnh của chiến trường Liên khu 3; chi viện sức người, sức của đến mức cao nhất phục vụ chiến trường chung, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ; đặc biệt là đã bảo vệ thành công đường giao thông có ý nghĩa chiến lược giữa căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4. Quân dân tỉnh Hòa Bình đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần chiến thắng của Chiến dịch Hòa Bình, 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã vừa lao động sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, địa phương giàu mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, toàn tỉnh có 11.460 con em các dân tộc nhập ngũ, trong đó có 1.440 gia đình có từ 2 con nhập ngũ trở lên, 15.670 thanh niên xung phong, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 162.000 tấn lương thực, 14.336 tấn thực phẩm,... Ở hậu phương lớn, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 49 máy bay, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái, bảo vệ vững chắc quê hương, trong đó có địa bàn CT229, đóng góp to lớn vào sự nghiệp thống nhất đất nước.


Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ năm 1976 đến năm 1991, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn về nhiều mặt, song chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung huy động sức người, sức của, đóng góp, hy sinh to lớn để phục vụ công trình Thủy điện Sông Đà. Tổng diện tích đất đai phục vụ cho công trình là 12.934ha, trong đó có 11,894ha của 24 xã, thị trấn thuộc các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn, thị xã Hòa Bình đã bị ngập sâu dưới lòng hồ. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã di chuyển 4.596 hộ, 7.987 mồ mả, cùng một khối lượng lớn tài sản, nhà cửa, công trình của nhân dân, của tập thể, Nhà nước phải di chuyển hoặc bỏ lại. Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, an toàn công trình Thủy điện Sông Đà và hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 800 chuyên gia Liên Xô và trên 1.000 người thân của họ tại làng chuyên gia trên khu vực công trường. Những nỗ lực, đóng góp, hy sinh to lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình cho công trình Thủy điện Sông Đà "Công trình trọng điểm của quốc gia" là minh chứng sinh động cho tinh thằn "Mình vì mọi người", "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc".


Từ khi tái lập tỉnh (10.1991) đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần Chiến thắng Hòa Bình, đoàn kết khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vục như: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Từ chỗ xuất phát điểm thấp, nền kinh tế nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí còn thấp của những năm đầu tách tỉnh, đến nay, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm (2015 - 2020), kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 45,58% (công nghiệp 38,89%), dịch vụ chiếm 29,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. Thu ngân sách Nhà nước bình quân lăng 15,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 60,3 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực trung du, miền núi phía Bắc, bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Tổng đầu tư toàn xã hội 17.667 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 4.116 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,69%; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,6%,... Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVTD-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Song, với sự chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đến thời điểm này, tỉnh Hòa Bình được đánh giá là một trong những tỉnh phòng, chống dịch bệnh hiệu quả của cả nước. Từ đó, giúp tỉnh thực hiện khá tốt "mục tiêu kép". Trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn tinh đạt 8,3%, giá trị xuất khẩu tăng 10,5%.


Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, thành phố Hòa Bình và các thị trấn được đầu tư nâng cấp mở rộng. Khu vực nông thôn có nhiều đổi mới. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có điện lưới quốc gia. Các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới đã góp phần quan trọng trong lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hạ tầng y tế được đầu tư đồng bộ với 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện đa khoa khu vực và 10 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Trạm y tế xã, phường, thị trấn đều được xây dựng kiên cố; tỷ lệ bác sĩ đạt trên 8,8/1 vạn dân. Giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển, quy mô trường, lớp ngày càng mở rộng khang trang hơn. Năm 1995, Hòa Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, là tỉnh miền núi thứ 2 và tỉnh thứ 13 trong cả nước đạt chuẩn về công tác này; tháng 12 năm 2003 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tháng 12 năm 2005 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tháng 7 năm 2012 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Hòa Bình là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ hai trong cả nước được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Công nghệ thống tin, viễn thông phát triển vượt bậc, mạng truyền dẫn được cáp quang hóa đến 10 huyện, thành phố, 100% cơ quan Nhà nước cấp tinh, huyện được nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và kết nối internet. Tất cả các huyện đã lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến giao ban đến các xã.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM